Nguyên tác: The God Of Small Things
Số lần đọc/download: 0 / 8
Cập nhật: 2023-06-18 15:52:50 +0700
13.
Người Bi Quan Và Người Lạc Quan
C
hacko chuyển sang ngủ ở phòng làm việc của Pappachi, để Sophie Mol và Margaret Kochamma ở tạm phòng anh. Căn phòng này nhỏ, có cửa sổ trông ra vườn cao su bỏ hoang, tàn tạ mà Đức Cha E. John Ipe đã mua của một người láng giềng. Một cửa ra vào thông với tòa nhà chính và một cửa khác (tách rời, Mammachi cho làm để Chacko thỏa mãn Các Nhu cầu Đàn ông của mình một cách kín đáo), dẫn thẳng ra ngoài hồi nhà.
Sophie Mol nằm ngủ trên một cái võng nhỏ, treo cạnh cái giường to của em.
Đầu em đầy những tiếng vo vo của chiếc quạt trần. Cặp mắt xanh xám mở ra ngái ngủ.
Một Người thức.
Một Người sống.
Giấc ngủ tạm thời bị xua đi.
Lần đầu tiên kể từ khi Joe chết, anh không còn là thứ đầu tiên cho cô bé nghĩ đến mỗi khi thức giấc.
Em nhìn quanh phòng. Không nhúc nhích, chỉ đáo đôi mắt tròn xoe của em. Một tên gián điệp bị bắt giữ trong lãnh địa kẻ thù, đang ngấm ngầm mưu tính một cuộc chạy trốn ngoạn mục.
Một cái bình thô tháp cắm những bông dâm bụt đã héo rũ, đặt trên bàn của Chacko. Sách xếp thành hàng trên tường. Một cái tủ gương, trong nhét đầy những chiếc máy bay hỏng. Những con bướm gẫy nát có cặp mắt van xin. Những người vợ tiều tụy bằng gỗ của một ông vua độc ác, hóa gỗ vì một lời nguyền độc địa.
Em đã mắc bẫy.
Chỉ có một người, mẹ em, Margaret, là trốn thoát đi Anh.
Căn phòng yên tĩnh, khoảng giữa phòng mầu vàng có chiếc quạt trần ánh bạc.
Một con thạch sùng màu be, mầu của bánh bích quy chưa chín tới, đang chăm chú nhìn em. Em nghĩ đến Joe. Một điều gì đó xao động trong em. Em nhắm mắt lại.
Khoảng giữa mầu vàng, yên tĩnh cố chiếc quạt trần ánh bạc quay tròn trong đầu em.
Joe có thể đi bằng tay. Và khi lao xe đạp xuống dốc, gió lùa vào trong áo sơmi của anh.
Trên giường kế bên, Margaret Kochamma vẫn đang ngủ. Chị nằm ngửa, hai bàn tay đan vào nhau đặt dưới ngực. Những ngón tay chị sưng phồng, chiếc nhẫn cưới trông chật một cách khó chịu. Má chị chẩy xuống một bên mặt, làm xương gò má nhô cao và nổi bật, kéo miệng chị xuống thành một nụ cười chẳng có gì vui vẻ, chỉ có những cái răng lấp loáng. Chị đã tỉa cặp lông mày dầy rậm thành đường vòng cung mảnh, hợp thời trang, tạo cho chị một vẻ thoáng ngạc nhiên, ngay cả khi chị đang ngủ. Bộ mặt chị hồng hào. Trán chị lấp lánh. Dưới vẻ hồng hào là nét tái xanh. Một vẻ buồn cố kìm giữ.
Chất liệu mỏng manh của bộ váy áo màu xanh thẫm, in những bông hoa trắng rủ xuống, uốn theo những đường nét trên thân hình chị, nhô lên trên bộ ngực, chảy dọc theo đôi chân dài, khỏe mạnh của chị, dù chưa quen được với sức nóng và cần chợp mắt buổi trưa.
Trên chiếc bàn đầu giường, có một bức ảnh cưới đen trắng của Chacko và Margaret Kochamma, chụp bên ngoài nhà thờ Oxford. Trời hơi có tuyết. Những bông tuyết đầu tiên trên đường phố và vỉa hè. Chacko mặc giống Nerhu. Anh mặc churidar trắng và shervani đen. Vai anh đầy bụi tuyết. Một bông hồng cài trên khuyết áo, một chiếc khăn tay gấp thành hình tam giác, lộ ra trên miệng túi áo ngực. Đôi giày kiểu Oxford bóng lộn dưới chân anh. Trông anh như đang tự cười nhạo vì cách ăn mặc của mình. Giống một người trong vũ hội giả trang.
Margaret Kochamma mặc áo choàng dài, xốp, chiếc mũ miện rẻ tiền trên mái tóc quăn, cắt ngắn của chị. Khăn trùm hất lên khỏi mặt chị. Chị cao bằng anh. Trông họ thật hạnh phúc. Gầy và trẻ trung, mắt nheo lại vì nắng. Đôi mày đen, rậm của chị sát vào nhau, tạo thành một vẻ tương phản đáng yêu với màu trắng tinh khiết của cô dâu. Lông chị hơi cau. Đứng sau họ là một phụ nữ to lớn, đoan trang có mắt cá chân dày, khuy trên chiếc áo khoác dài cài hết. Mẹ của Margaret Kochamma. Hai đứa cháu, mỗi đứa đứng một bên bà, mặc váy lụa xếp nếp, đi tất ngắn và tóc cắt ngang trán giống nhau.
Cả hai đứa đều che miệng cười khúc khích. Mẹ của Margaret Kochamma nhìn ra một chỗ ngoài bức ảnh, cứ như đáng ra bà không nên ở đó.
Bố Margaret Kochamma từ chối dự đám cưới. Ông ghét người Ấn độ, ông cho họ là những người quỷ quyệt, không lương thiện. Ông không thể tin con gái ông lại lấy một người Ấn.
Trên góc phải bức ảnh, một người đàn ông đang đạp xe dọc phố, ngoái nhìn chằm chặp vào đôi vợ chồng trẻ.
Lúc gặp Chacko lần đầu, Margaret Kochamma làm hầu bàn trong một tiệm cà phê ở Oxford. Gia đình chị sống ở London. Cha chị có một hiệu bánh. Mẹ chị giúp việc cho một hiệu may trang phục phụ nữ. Margaret Kochamma dọn ra khỏi nhà cha mẹ từ một năm trước, chẳng có lý do gì hơn là muốn khẳng định sự độc lập của mình. Chị định làm việc và để dành đủ tiền theo học một khóa đào tạo giáo viên, sau đó sẽ tìm việc làm trong một trường học. Ở Oxford, chị ở chung với một người bạn. Một cô hầu bàn khác trong một tiệm cà phê khác.
Chuyển đi rồi, Margaret Kochamma mới thấy mình đúng là loại con gái mà cha mẹ chị hằng mong. Đối mặt với Cuộc sống Thực tế, chị ráo riết bám chặt lấy những nguyên tắc cũ kỹ, mà chẳng có ai chống lại, ngoài chị. Ngay cả lúc ở Oxford, chị không chơi bời gì hơn ngoài việc mở máy hát to hơn mức cho phép; chị tiếp tục cuộc sống bình thường, chặt chẽ mà chị đã chạy trốn.
Cho đến một buổi sáng, lúc Chacko bước vào tiệm cà phê.
Đó là mùa hè cuối cùng của anh ở Oxford. Anh đến một mình. Áo sơ mi của anh nhầu nát, khuy bị đứt. Dây giầy không buộc. Tóc anh chải cẩn thẩn, xõa xuống phía trước, dựng đứng lên thành một cái ống sau lưng. Trông anh như một con nhím no nê, bù xù. Anh cao, và dưới lớp quần áo xộc xệch (cà vạt không hợp, áo khoác đã sờn), Margaret Kochamma có thể thấy thân hình anh chắc nịch. Anh có vẻ vui nhộn, và có kiểu nheo mắt như đang cố đọc những ký hiệu ở xa mà quên đeo kính. Đôi tai anh bám vào hai bên đầu như những cái qu của ấm trà. Dấu hiệu duy nhất của một người đàn ông to béo tiềm ẩn trong anh là đôi má bóng loáng, no đủ.
Anh không có một vẻ lơ đễnh hoặc lúng túng biết lỗi của những người đàn ông xuềnh xoàng và đãng trí. Trông anh vui vẻ, như hệt tính đó là người bạn bất ly thân mà anh thích kết giao. Anh chọn một chỗ bên cửa sổ và ngồi xuống, chống khuỷu tay lên bàn, những ngón tay khum lại đỡ lấy cằm, mỉm cười quanh tiệm càphê vắng vẻ, hệt như anh đang trò chuyện với các đồ đạc. Anh gọi càphê, cũng với nụ cười thân hữu như thế, nhưng không thực chú ý đến cô hầu bàn cao, lông mày rậm làm theo lệnh anh.
Chị rúm cả người lại, khi anh cho hai thìa đường đầy vào cốc càphê đã quá nhiều sữa của anh.
Rồi anh gọi trứng rán với bánh mì. Một ly càphê nữa và mứt dâu.
Lúc mang các thứ đến, anh nói như đang tiếp tục một câu chuyện cũ:
- Cô có nghe về người có hai đứa con trai sinh đôi không?
- Dạ không - chị vừa nói vừa đặt bữa điểm tâm xuống bàn. Vì một lý do nhất định (có lẽ sự thận trọng tự nhiên, và tính dè dặt vốn có với người nước ngoài), chị không muốn lộ ra mình quá quan tâm đến điều anh ta muốn biết về Người có Hai con trai Sinh đôi. Chacko có vẻ không bận tâm.
- Một người có hai đứa con sinh đôi - anh ta kể với Margaret Kochamma - Pete và Stuart. Pere và Stuart. Pete là Người Lạc quan và Stuart là Người Bi quan.
Anh ta nhặt những quả dâu khỏi mứt, và xếp lên góc đĩa. Chỗ mứt còn lại, anh ta phết một lớp dầy lên miếng bánh mì bơ.
- Đến ngày chúng tròn mười ba tuổi, người bố cho Stuart - Bi quan - một cái đồng hồ đắt tiền, một bộ đồ nghề thợ mộc và một cái xe đạp.
Chacko ngước nhìn Margaret Kochamma xem chị có nghe không.
- Còn căn phòng của Pete - Lạc quan, ông ta đổ đầy c
Chacko xúc trứng rán lên miếng bánh, rồi lau phía dưới thìa còn bám mứt dâu lên.
- Khi Stuart mở các thứ quà, cậu ta càu nhàu suốt buổi sáng. Cậu ta không muốn có bộ đồ mộc, không thích chiếc đồng hồ và cái xe đạp bị hỏng vành.
Margaret Kochamma không lắng nghe nữa vì chị mải nhìn những nghi thức lạ lùng trên đĩa anh ta. Miếng bánh phết mứt và trứng rán đã cắt thành nhiều miếng nhỏ, gọn ghẽ. Những quả dâu tây lấy từ mứt ra xếp cạnh nhau, và cắt thành miếng cẩn thận.
- Lúc người bố vào phòng Pete - Lạc quan, ông ta không thấy Pete đâu, nhưng có thể nghe thấy tiếng xẻng xúc liên hồi và tiếng thở nặng nhọc. Phân ngựa bay khắp phòng.
Chacko rung cả người vì nén cười, khoái trí đoạn kết của câu đùa. Đôi bàn tay rung lên vì cười, anh ta xếp một miếng dâu tây lên một miếng bánh mì vuông vắn, mầu đỏ và vàng sánh, làm cho mọi thứ trông như một bữa ăn đạm bạc mà một bà già có thể dọn cho một bữa ăn tạm.
- Mày đang làm cái gì thế, hở trời? - Ông bố gào lên với Pete.
Muối và hạt tiêu được rắc lên những miếng bánh vuông vắn. Chacko ngừng một chút, rồi cười phá lên với Margaret Kochamma, chị cũng đang mỉm cười vì đĩa thức ăn của anh ta.
- Một giọng từ trong đống phân cất lên: “A, bố ơi - Pete nói - nếu có nhiều phân ngựa xung quanh thế này, chắc thế nào cũng có một chú ngựa con ở đâu đấy!”
Chacko, tay dao tay dĩa, ngả người trên chế, cười vang cả tiệm càphê vắng vẻ, tiếng cười lanh lảnh, vừa cười vừa nấc, tiếng cười của một người to béo, cho đến lúc những giọt nước mắt lăn xuống má. Chị cũng bật cười vì tiếng cười của anh. Tiếng cười của họ cứ to lên mãi thành một trận cuồng loạn. Lúc chủ tiệm cà phê xuất hiện, ông ta thấy một vị khách (không có gì đặc biệt) và một cô hầu bàn (cũng chỉ ở mức trung bình) đang cười nghiêng ngả, cười không kìm lại được.
Trong lúc đó, một ông khách khác (cũng bình thường) đã đến mà không được chú ý, và đang đợi
Ông chủ lau mấy cái cốc đã sạch sẵn, tiếng lanh canh trên quầy lộ vẻ không hài lòng với Margaret Kochamma. Chị cố trấn tĩnh trước khi đến nhận lời đặt hàng mới. Nhưng mắt chị vẫn còn ngấn nước, và chị cố nén những tiếng cười khúc khích, làm người đàn ông đang đói, đang gọi món ăn phải rời tờ thực đơn, ngước nhìn chị, đôi môi mỏng của ông ta mím lại không bằng lòng.
Chị liếc vội Chacko, anh ta nhìn chị mà mỉm cười. Đó là một nụ cười trông vô cùng thân thiết.
Anh ăn xong bữa, trả tiền, rồi đi.
Margaret Kochamma bị ông chủ gọi đến và giảng cho một bài về Phép xử thế trong Tiệm cà phê. Chị xin lỗi ông ta. Chị thực sự ân hận vì cung cách cư xử của mình.
Tối hôm đó, sau giờ làm việc, nghĩ đến chuyện xảy ra chị càng ngượng với mình. Chị không phải là người dễ dãi, và không cho mình là người được cười cợt với một người lạ. Hình như chị đã làm một việc quá thân mật, buông thả.
Chị lấy làm lạ vì sao chị cười dữ thế. Chị biết đây không phải trò đùa.
Chị nghĩ đến tiếng cười của Chacko, và một nụ cười còn đọng rất lâu trong mắt chị.
Chacko bắt đầu đến tiệm cà phê thường xuyên hơn.
Anh ta đến, với nụ cười thân thiện và bất ly thân. Ngay cả khi Margaret Kochamma không phục vụ anh ta, anh ta vẫn dõi theo chị và họ trao đổi với nhau những nụ cười kín đáo, gợi lên hồi ức về Trận cười của họ.
Margaret Kochamma thấy chị chờ mong những chuyến đến thăm của Con Nhím Nhầu nhò kia. Không băn khoăn mà đầy thiện ý, rạo rực. Chị biết anh ta là một Sinh viên được học bổng Rhodes, người Ấn Độ. Anh đang nghiên cứu các tác gia kinh điển.
Cho đến ngày cưới, chị vẫn không tin mình lại ưng thuận làm vợ a
Vài tháng sau, họ bắt đầu đi chơi với nhau, anh bắt đầu lén đưa chị vào phòng anh, nơi anh sống như một ông hoàng bị đầy ải, không được chăm sóc. Dù những cố gắng của anh và của bà chủ nhà sạch sẽ, phòng anh vẫn luôn luôn bừa bộn. Sách vở, vỏ chai rượu, đồ lót bẩn và mẩu thuốc lá vung vãi trên sàn. Mở cánh cửa tủ rất nguy hiểm vì quần áo, sách vở, giầy dép có thể đổ xuống từng đống; vài quyển sách nặng có thể làm bị thương thực sự. Margaret Kochamma từ bỏ cuộc sống ngăn nắp, yên ả của mình, phó thác cho sự bừa bộn quái gở, với tiếng hổn hển lặng lẽ của một thân hình ấm áp, dấn vào biển cả lạnh giá.
Chị khám phá ra dưới cái vẻ của Con Nhím Nhàu nhò, là một người Macxit biến dạng, đang trong cuộc chiến với Sự Lãng mạn không thể có, không chữa được - là người quên nến, đánh vỡ cốc, đánh mất nhẫn. Là người làm tình với chị đắm say đến mức chị ngạt thở. Chị thường cho mình là một cô gái không có gì hấp dẫn, eo to, mắt cá chân dầy. Không xấu. Không đặc biệt. Nhưng lúc sống cùng Chacko, những hạn chế như lùi lại. Chân trời rộng mở.
Trước kia, chị chưa gặp một người đàn ông nào nói về thế giới - nó là gì, hình thành ra sao, sẽ trở thành gì - theo kiểu những người đàn ông chị quen biết thảo luận về công việc, về bạn bè về những ngày nghỉ cuối tuần trên bãi biển.
Sống với Chacko, Margaret Kochamma cảm thấy dường như tâm hồn chị thoát khỏi biên giới chật hẹp thuộc đất nước toàn đảo của chị, hòa vào khoảng rộng mênh mông, bao la trên đất nước anh. Anh làm chị thấy thế giới này như thuộc về họ, làm như nó nằm trước mặt họ như một con ếch đã mổ trên bàn giải phẫu, đang chờ xét nghiệm.
Trong năm quen biết anh, trước khi cưới, chị phát hiện ra một điều kỳ diệu trong người chị, và trong giây lát chị cảm thấy vị thần hạnh phúc như rời bỏ tâm hồn chị. Có lẽ chị còn quá trẻ nên không hiểu được rằng cái mà chị tưởng là tình yêu với Chacko thực ra chỉ là một sự rụt rè thử khẳng định mình.
Đối với Chacko, Margaret Kochamma là người bạn gái đầu tiên anh có. Không phải là người phụ nữ đầu tiên anh ngủ, mà là một người bạn thực sự. Anh yêu nhất tính độc lập của chị. Có lẽ với một người phụ nữ Anh bình thường, điều đó không có gì nổi bật, nhưng với Chacko lại rất đáng kể
Anh ưa cái thực tế là Margaret Kochamma không bám lấy anh. Vì chị còn chưa tin tình cảm của chị đối với anh. Cho đến ngày cuối cùng, chị vẫn chưa biết liệu chị có lấy anh hay không. Anh yêu cái kiểu chị ngồi lên đầu giường anh, trần truồng, quay cái lưng dài, trắng muốt đi, nhìn đồng hồ rồi nói rất thực tế: “Ôi, em phải đi đây”. Anh yêu cái cách sáng sáng chị nhoay nhoáy đạp xe đi làm. Anh khuyến khích những khác biệt trong quan điểm, và trong thâm tâm rất thích thú những cơn giận bất ngờ của chị, bùng lên vì sự suy đồi của anh.
Margaret Kochamma biết rất ít về gia đình anh. Rất ít khi anh nói về họ.
Thực ra trong những năm ở Oxford, anh ít nghĩ đến mọi người. Có quá nhiều việc xảy ra trong đời anh và Ayemenem dường như xa tít tắp. Dòng sông quá nhỏ. Cá có quá ít.
Anh chẳng phải gượng ép quan hệ với cha mẹ. Học bổng Rhodes rất hào phóng.
Anh không cần tiền. Anh đắm chìm trong tình yêu với Margaret Kochamma, và không còn chỗ trong tim để dành cho người nào nữa.
Mammachi thường xuyên viết thư cho anh, tả tỉ mỉ những trận cãi cọ nhớp nhúa với chồng, và những nỗi lo lắng cho tương lai của Ammu. Chacko khó lòng mà đọc hết một bức thư. Đôi khi, anh còn chẳng bóc thư ra nữa. Anh chưa bao giờ trả lời.
Thậm chí trong một lần về thăm nhà (lần anh ngăn Pappachi đánh Mammachi bằng cái lọ hoa bằng đồng thau, và một chiếc ghế xích đu bị đập gẫy dưới ánh trăng), anh cũng không nhận thức được vì sao cha anh lại khùng lên như thế, hoặc mẹ anh bỗng yêu anh gấp bội, hay cô em gái trẻ trung của anh bỗng đẹp hẳn lên. Anh đi lại như mê ngủ, nói chuyện huyên thuyên từ lúc về đến lúc trở lại với cô gái có tấm lưng dài, trắng muốt đang đợi anh.
Mùa đông sau khi anh xuôi dòng từ Balliot về (anh thi rất tồi), Margaret Kochamma và Chacko cưới nhau. Gia đình chị không ưng thuận. Gia đình anh không hay biết. Họ quyết định dọn đến ở căn phòng của Margaret Kochamma (thay thế cô gái cùng ở với chị), cho đến lúc anh tìm được việc làm.
Việc tính toán thời gian cưới tồi tệ hết sức
Cùng với những áp lực trong cuộc sống là cảnh túng thiếu. Không còn tiền học bổng, mà tiền nhà lại phải trả gấp đôi.
Không chèo thuyền nữa, người anh sớm xổ ra thật bất ngờ. Chacko trở thành Người Đàn ông To Béo, có thân hình thật hợp với tiếng cười.
Cưới được một năm, sự lười lĩnh dễ thương kiểu sinh viên của Chacko làm Margaret Kochamma mòn mỏi. Chị chẳng còn vui được trong khi chị đi làm, căn phòng cứ nguyên cảnh bừa bộn, bẩn thỉu lúc chị ra đi. Thật không thể chịu được cái cảnh anh chẳng chịu dọn giường, giặt quần áo, hoặc rửa bát đĩa. Anh chẳng biết lỗi vì thuốc lá làm cháy chiếc xô pha mới. Hình như anh không thể đính lại khuy áo sơmi, thắt cà vạt và buộc dây giầy trước khi đi phỏng vấn xin việc. Trong vòng một năm, chị đã đổi con ếch trên bàn mổ lấy những sự nhượng bộ thực tế và nhỏ nhoi. Ví dụ một việc làm cho chồng chị và dọn dẹp cửa nhà.
Cuối cùng, Chacko cũng xin được một việc tạm thời, lương thấp trong Cục Bán hàng Nước ngoài thuộc Bộ Chè Ấn Độ. Hy vọng việc này sẽ dẫn đến nhiều việc khác, Chacko và Margaret Kochamma dọn đến London. Đến một phòng còn nhỏ hơn, ảm đạm hơn. Cha mẹ Margaret Kochamma không nhìn mặt đứa con gái.
Khi gặp Joe, chị phát hiện mình đã có mang. Anh là một bạn học cũ của anh trai chị. Lúc họ gặp nhau, Margaret Kochamma đang ở độ hấp dẫn về thể chất. Sự mang thai đem lại màu hồng trên má chị, đem lại vẻ óng ánh cho mớ tóc đen, dầy của chị. Dù nhiều nỗi phiền muộn trong hôn nhân, một sự phấn chấn bí ẩn như những người phụ nữ có mang thường có vẫn ảnh hưởng đến cơ thể chị.
Joe là một nhà sinh vật. Anh vừa hiệu đính đến lần thứ ba cuốn Từ điển Sinh vật cho một nhà xuất bản nhỏ. Joe có mọi thứ mà Chacko không có.
Vững vàng. Có khả năng hòa hợp. Mảnh dẻ.
Margaret Kochamma thấy mình bị cuốn đến anh như một cái cây trong phòng tối vươn tới ánh sáng mặt trời.
Khi Chacko làm xong việc được giao và không thể tì được việc khác, anh viết thư cho Mammachi, kể về đám cưới và xin tiền. Mammachi bị bòn rút, nhưng bà giấu giếm đem cầm đồ nữ trang và thu xếp tiền nong gửi cho Chacko ở Anh. Nhưng không đủ. Không bao giờ đủ.
Đến lúc Sophie Mol ra đời, Margaret Kochamma hiểu rằng vì lợi ích của chị và con gái chị, chị phải rời bỏ Chacko. Chị đề nghị ly hôn.
Chacko trở về Ấn độ, nơi anh dễ dàng tìm được việc làm. Anh dạy học tại trường Cao đẳng Madras Christian vài năm, rồi sau khi Pappachi mất, anh trở về Ayemenem vùng cái máy đóng nút chai Bharat, cái mái chèo Balliot và một trái tim tan vỡ.
Mammachi vui sướng đón anh trở lại cuộc đời bà. Bà cho anh ăn, khâu vá cho anh, chăm lo sao cho phòng anh ngày nào cũng có hoa tươi. Chacko rất cần sự sung bái của mẹ. Thực ra anh đòi hỏi được sùng bái, dù vẫn xem thường bà về việc đó và tìm đủ cách kín đáo trừng phạt bà. Anh ta miệt mài nghiên cứu bệnh béo phì và cách giảm trọng nói chung. Anh mặc những chiếc sơmi rẻ tiền, hoa hoét ra ngoài chiếc mundu trắng, đi những đôi xăng đan nhựa xấu xí nhất bán ngoài chợ. Nếu Mammachi có khách, họ hàng, hoặc một người bạn cũ từ Dehli đến thăm, Chacko xuất hiện bên bàn ăn bầy rất trang nhã - xếp những giò phong lan thanh tú và những đồ sứ đẹp nhất - rồi chăm chú cạy một vài cái vảy cũ, hoặc gãi những vết chai to tướng, thâm sì trên khuỷu tay.
Mục tiêu đặt biệt của anh là các vị khách của Baby Kochamma - các cha cố Thiên chúa giáo hoặc các tăng lữ - thường ghé qua ăn nhẹ. Có mặt họ, Chacko cởi xăng đan, phô ra một vết mủ tởm lợm trên bàn chân.
- Xin các ngài rủ lòng thương kẻ bị hủi này - anh ta nói, trong lúc Baby Kochamma cố gắng làm họ nhãng đi một cách vô ích, bằng cách nhặt những vụn bánh bích quy hoặc những mẩu chuối dính trên bộ râu ngạnh trê của họ.
Nhưng những cách trừng phạt ngấm ngầm tồi tề nhất Margaret Kochamma Chacko đem hành hạ Mammachi là nhắc đến Margaret Kochamma. Anh nói về chị với một niềm tự hào kỳ lạ. Như thể anh khâm phục chị đã bỏ anh.
- Cô ấy đổi con lấy một người đàn ông tốt hơn - anh ta nói với Mammachi, và bà chùn lại, hệt như anh đã sỉ nhục chị thay cho tự sỉ nhục mình.
Margaret Kochamma viết thư thường xuyên, kể cho Chacko nghe nhiều tin tức về Sophie Mol. Chị an ủi anh rằng Joe là một người cha tuyệt vời và chu đáo, làm Sophie Mol yêu mến sâu sắc. Những điều thực tế ấy làm Chacko vừa vui vừa buồn.
Margaret Kochamma sống với Joe rất hạnh phúc. Hạnh phúc hơn cả là chị không phải trải qua những năm dữ dội, túng thiếu như với Chacko. Chị nghĩ đến Chacko một cách trìu mến, nhưng không thương tiếc. Đơn giản vì chị cho rằng chị đã làm anh đau đớn cũng ngang với nỗi đau của chị, vì chị vẫn cho mình là một phụ nữ bình thường, còn anh là một người đàn ông khác thường. Vì Chacko không được như thế, hoặc từ khi lộ ra những triệu chứng thông thường của nỗi sầu muộn và tan vỡ, Margaret Kochamma cho rằng anh thấy đó là một sai lầm với anh cũng như với chị. Với người bạn không có thật và nụ cười thân thiện của anh.
Họ thường xuyên viết cho nhau, và sau nhiều năm trời, quan hệ của họ đã chín muồi. Với Margaer Kochamma, nó là một tình bạn dễ chịu, có những ràng buộc. Với Chacko, đó là một cách, cách duy nhất nhắc nhở mẹ anh về đứa con trai của bà và người phụ nữ duy nhất mà anh yêu.
Khi Sophie Mol đủ tuổi đến trường, Margaret Kochamma ghi tên học một khóa đào tạo giáo viên, và xin làm giáo viên tập sự ở Clapham. Chị đang ở trong phòng giáo viên thì nghe tin Joe bị tai nạn. Một viên cảnh sát trẻ măng vẻ mặt nghiêm trang, tay cắp chiếc mũ đến báo tin cho chị. Trông anh ta thật khôi hài, giống hệt một diễn viên tồi phải đóng một vai quan trọng trong một vở kịch. Margaret Kochumma nhớ lại rằng hành động bản năng đầu tiên của chị lúc thấy anh là mỉm cười.
Vì lợi ích của Sophie Mol, Margaret Kochamma đã dũng cảm đương đầu với tấm thảm kịch một cách bình thản. Làm ra vẻ bình thản. Chị không nghỉ việc. Chị trông nom cho những việc hàng ngày của Sophie Mol không thay đổi. - Làm cho xong bài tập của con đi. Ăn hết chỗ trứng đi. Không, mẹ con ta phải đến trường.
Chị che giấu nỗi thống khổ dưới vẻ nhanh nhẹn, thực tiễn của một cô giáo. Một cái hố hình giáo viên nghiêm nghị trong Vũ trụ.
Nhưng khi Chacko viết thư mời chị đến Ayemenem, một cái gì đó trong lòng chị xao động và dịu xuống. Dù mọi việc xảy ra giữa chị và Chacko, chị không muốn nghỉ Giáng sinh với bất cứ ai trên đời này. Chị càng cân nhắc, càng bị giục giã. Chị tự thuyết phục mình một chuyến đi Ấn Độ sẽ là món quà cho Sophie Mol.
Cuối cùng, dù biết các bạn bè và đồng sự của chị trong trường sẽ cho là kỳ cục - chạy về với người chồng đầu tiên ngay khi chồng thứ hai mất-, chị rút tiết kiệm mua hai vế máy bay. London - Bombay - Cochin.
Chừng nào còn sống, chị còn bị ám ảnh vì quyết định này. Chị thu hết can đảm với hình ảnh đứa con gái nhỏ của chị nằm trên tấm ván xe ngựa trong phòng khách Ngôi nhà Ayemenem. Ngay từ xa, đã thấy hiển nhiên là con bé đã chết. Không phải ốm hoặc ngủ. Có một cái gì đó trong cách em nằm. Góc gập của tay chân. Một cái gì đó do Cái chết gây nên. Một sự lặng lẽ khủng khiếp.
Cỏ xanh rờn và nước sông bẩn thỉu kết dầy trong mái tóc nâu đỏ tuyệt đẹp của em. Mí mắt em trũng xuống, nham nhở vì bị cá rỉa. (Ôi chúng làm thế, những con cá ăn ngầm dưới sâu. Chúng thử mọi thứ). Chiếc tạp dề bằng nhung kẻ màu hoa cà của em in chữ Holiday! bằng kiểu chữ nghiêng, vui tươi. Em nhăn nheo vì bị ngâm trong nước quá lâu.
Một nàng tiên cá mềm xốp quên mất cách bơi.
Một cái đê khâu bằng bạc xiết chặt trong nắm tay em.
Người uống bằng cái đê khâu.
Chiếc xe ngựa chở quan tài.
Margaret Kochamma không bao giờ tha thứ cho mình đã đưa Sophie Mol đến Ayemenem. Đã để em ở lại một mình trong kỳ nghỉ cuối tuần, còn chị và Chacko đến Cochin đăng ký vé máy bay khứ hồi cho hai mẹ con.
Khoảng chín giờ sáng, Mammachi và Baby Kochamman nghe tin tìm thấy xác một cô bé da trắng trôi xuôi dòng, nơi sông Meenachal mở rộng ra và có nhiều xoáy nước. Estha và Rachel vẫn còn mất tích.
Sáng hôm ấy, bọn trẻ - cả ba đứa - không đến uống sữa. Baby Kochamma và Mammachi tưởng chừng chúng xuống sông bơi, họ rất lo lắng vì ban ngày và một phần đêm hôm trước trời mưa to. Họ biết dòng sông rất nguy hiểm. Baby Kochamma phái Kochu Maria đi tìm chúng, nhưng bà ta trở về tay không. Thật là một cảnh hỗn loạn vì sau khi Vellya Paapen đến thăm, không ai có thể nhớ chính xác có nhìn thấy bọn trẻ không. Có lẽ chúng đã mất tích cả đêm.
Ammu vẫn bị nhốt trong phòng chị. Baby Kochamma có chìa khóa. Bà gọi qua cửa hỏi Ammu xem chị có biết bọn trẻ con đi đâu không. Bà cố nén hoảng sợ, giữ cho giọng nói có vẻ là một câu hỏi thông thường. Một cái gì đó đập vào cửa. Ammu nói lạc cả giọng và không tin chuyện xảy ra với chị - bị khóa cửa, nhốt lại như một người điên trong một ngôi nhà thời Trung cổ. Mãi sau này, khi thế giới bị sụp đổ quanh chúng, sau khi xác Sophie Mol đã mang về Ayemenam và Baby Kochamma mở khóa cho chị, Ammu mới thoát khỏi cơn giận để hiểu chuyện xảy ra. Nỗi sợ và sự hiểu biết buộc chị suy nghĩ cho mạch lạc, lúc đó chị mới nhớ là chị đã nói với hai đứa con sinh đôi của chị lúc chúng đến bên cửa phòng chị, hỏi chị vì sao chị bị nhốt. Chị đã không kìm được những lời bất cần.
- Vì chúng mày đấy! - Ammu gào lên - Nếu không vì chúng mày, tao đã chẳng phải ở đây! Chẳng có chuyện gì xảy ra hết! Tao sẽ không ở đây nữa! Tao sẽ được tự do! Đáng lẽ tao phải tống chúng mày vào trại trẻ mồ côi lúc chúng mày ra đời! Chúng mày là những hòn đá đeo quanh cổ tao!
Chị có thể thấy chúng nép sát vào cửa. Một Mớ tóc phồng Sửng sốt và Một đuôi tóc Tình yêu - ở - Tokyo. Hai vị Đại sứ Hoang mang. Thưa các Đại sứ E. Xương xẩu và S. Nhãi nhép.
- Xéo đi! - Ammu nói - Sao chúng mày không đi đi, để tao ở lại một mình hở?
Thế là chúng đi.
Nhưng chỉ đến khi Baby Kochamma hỏi về lũ trẻ và được trả lời, mới có tiếng loạch xoạch ở phòng ngủ của Ammu, và chị bước ra. Một sự khiếp đảm từ từ choán lấy chị khi chị bắt đầu nối những chuyện xảy ra trong đêm với việc lũ trẻ mất tích.
Mưa bắt đầu rơi từ chiều hôm trước. Ban ngày nóng nực bỗng tối sầm lại, bầu trời bắt đầu ầm ì sấm sét. Kochu Maria đang cáu kỉnh vì một lý do riêng, bà ta đứng trên cái ghế thấp trong nhà bếp, đang làm một con cá lớn, đánh vẩy một con cá trắng nặng mùi. Đôi hoa tai vàng của bà ta đung đưa dữ dội. Những cái vảy cá trắng bạc bay khắp bếp, dính trên ấm nước, trên tường, lên dao gọt khoai, lên tay cầm của tủ lạnh. Bà ta phớt lờ Vellya Paapen lúc lão đến bên cửa bếp, ướt sũng và run rẩy. Con mắt thật của ông lão đỏ ngầu, trông như ông ta say rượu. Lão đứng đấy đến mười phút, đợi được chú ý đến. Lúc Kochu Maria làm cá xong và bắt đầu nhặt hành, lão hắng giọng và hỏi Mammachi. Kochu Maria cố xua lão, nhưng lão không đi. Mỗi lần lão mở miệng định nói, mùi arac[16] trong hơi thở lại đập vào Kochu Maria như một nhát búa. Trước kia bà chưa lần nào thấy lão như thế này, và bà hơi sợ. Bà thoáng có linh cảm là có chuyện gì xảy ra, nên cuối cùng quyết định tốt nhất là gọi Mammachi. Bà ta đóng cửa bếp, để Vellya Paapen ra ngoài phía sau hồi nhà, lảo đảo say rượu trong màn mưa. Dù đang là tháng Chạp, trời mưa to như tháng Sáu. Cơn nhiễu xoáy, hôm sau báo chí viết thế. Nhưng lúc đó không ai còn tâm trí mà đọc báo nữa.
Có lẽ trận mưa đó đã làm Vellya Paapen dạt vào cửa bếp. Với một người mê tín, trận mưa như trút không đúng mùa có thể là một điềm giận dữ của Thần thánh. Với một người mê tín say rượu, nó dường như là bắt đầu sự tận cùng của Thế giới. Về một mặt nào đấy, nó quả có thế thật.
Lúc Mammachi vào bếp, mặc váy và áo choàng mầu hồng nhạt, Vellya Paapen trèo lên bậc nhà bếp và đưa con mắt giả ra. Lão chìa nó ra trên những ngón tay. Lão nói lão không xứng đáng với nó và xin hoàn trả bà. Mí mắt trái của lão sụp xuống hốc mắt rỗng thành một cái nháy mắt không biến động, khủng khiếp. Như thể điều lão sắp nói là một phần của một trò tinh vi.
- Chuyện gì vậy? - Mammachi vừa hỏi vừa chìa tay ra, tưởng vì một lý do nào đấy mà Vellya Paapen trả lại một ký gạo đỏ bà cho lão sáng hôm nọ.
- Đây là mắt của lão - Kochu Maria nói to với Mammachi, bà ta đang chảy nước mắt vì hành. Lúc đó, Mammachi chạm vào con mắt thủy tinh. Bà giật mình vì nó cứng và trơn tuột. Hơi lầy nhầy.
- Lão đang say phải không? - Mammachi tức giận nói trong tiếng mưa rơi - Sao lão dám đến đây trong tình trạng này.
Bà dò dẫm tìm đường đến chỗ chậu rửa, xoa xà phòng vào tay để rửa sạch mùi con mắt của lão Paravan ướt nhòe. Bà ngửi tay khi rửa xong. Kochu Mariao Vellya Paapen một cái khăn làm bếp cũ kỹ để lau, và không nói gì lúc lão đứng ở bậc trên cùng, gần như bên cạnh bà trong căn bếp, đang hong cho khô, trú tạm khỏi dòng nước mưa chảy tuột từ mái nhà dốc xuống.
Lúc lão bình tĩnh hơn, Vellya Paapen lắp con mắt vào hốc mắt phải và bắt đầu nói. Lão bắt đầu kể kể với Mammachi những việc gia đình bà đã làm cho lão. Hết thế hệ này đến thế hệ khác. Từ rất lâu rồi, Đức Cha E.John Ipe đã cho bố lão là Kelan một mảnh đất dựng lều hiện nay. Rồi Mammachi đã trả tiền cho mắt lão ra sao. Bà đã cho Velutha học hành và việc làm như thế nào…
Mammachi dù bực mình vì lão say, không phải không thích thú lắng nghe những câu chuyện dài dòng về tính hào phóng Cơ đốc giáo của bà và gia đình bà. Chẳng có gì chuẩn bị cho điều bà sắp phải nghe.
Vellya Paapen bắt đầu khóc. Gần như nức nở. Những giọt nước mắt trào ra khỏi con mắt thật và lấp lánh trên gò mà đen đủi của lão. Con mắt kia nhìn trơ trơ tàn nhẫn. Một lão Paravan đã từng thấy Những ngày Đi Lùi Phía sau, đang giằng xé giữa Lòng Trung thành và Tình yêu.
Rồi Sự Khiếp sợ choán lấy lão mà lắc, và từng lời cứ tuột khỏi miệng lão. Lão kể cho Mammachi những gì lão thấy. Chuyện về con thuyền nhỏ bơi qua sông hết đêm này đến đêm khác, và những người trong thuyền. Chuyện về một người đàn ông và một người đàn bà, đứng bên nhau dưới ánh trăng. Da kề da.
Vellya Paapen kể, họ đi đến Ngôi nhà của Kairi Saipu. Hồn ma của người đàn ông da trắng đã nhập vào họ. Đó là Kairi Saipu trả thù những gì mà Vellya Paapen đã làm với ông ta. Con thuyền (mà Estha ngồi lên trên và Rachel tìm ra) buộc dưới gốc cây cạnh con đường dốc xuyên qua đầm lầy đến đồn điền cao su bỏ hoang. Lão đã nhìn thấy nó ở đấy. Đêm nào cũng thế. Bập bềnh trên mặt nước. Trống rỗng. Đợi cặp tình nhân quay lại. Đợi rất nhiều giờ. Thỉnh thoảng, đến rạng đông họ mới nhô lên khỏi đám cỏ dài. Vellya Paapen đã tận mắt nhìn thấy họ. Nhiều người khác cũng nhìn thấy họ. Cả làng đều biết. Chỉ còn là lúc Mammachi phát hiện ra. Là một người Paravan và một người có những phần thân thể giả, lão cho đây là nhiệm vụ của mình.
Những người đang yêu. Nhún nhẩy từ chỗ thắt lưng của chàng và nàng. Con trai lão và con gái bà. Họ đã làm cho cái điều không thể nghĩ tới thành có thể, và điều không thể xảy ra
Vellya Paapen vẫn nói. Vẫn nức nở. Vẫn nấc. Miệng lão vẫn chuyển động. Mammachi không thể nghe thấy lão đang nói gì nữa. Tiếng mưa rơi cứ to hơn, to mãi rồi nổ bùng trong đầu bà. Bà không nghe thấy tiếng hét của chính mình.
Bất ngờ, người phụ nữ mù lòa mặc áo choàng diêm dúa, mái tóc bạc thưa tết thành cái bím nhỏ như đuôi chuột, bước thẳng tới và đẩy Vellya Paapen mạnh hết sức. Lão bật ngửa ra sau, trượt xuống khỏi các bậc nhà bếp và nằm thẳng cẳng trên bùn ướt. Lão hết sức sửng sốt. Một trong những điều cấm kỵ là không bao giờ chạm tới Những Kẻ Tiện dân. Ít nhất cũng không ở trong hoàn cảnh này.
Baby Kochamma đang đi ngang qua bếp thì nghe thấy tiếng hỗn loạn. Bà thấy Mammachi đang nhổ vào màn mưa PHÙ! PHÙ! PHÙ! còn Vellya Paapen nằm trong bùn loãng, ướt đầm đìa, đang vừa khóc vừa gập người lại. Lão xin được giết chết con trai mình. Lão cào cấu chân tay.
Mammachi hét lên:
- Con chó say! Đồ Paravan dối trá, say rượu!
Vượt lên tiếng ầm ĩ, Kochu Maria hét thật to câu chuyện của Vellya Paapen cho Baby Kochamma nghe. Baby Kochamma hiểu ngay tình thế gay cấn, nhưng ngay lập tức cảm thấy hả hê. Bà sướng rơn lên. Bà thấy đây là cách Chúa Trời trừng phạt Ammu vì những tội lỗi của chị, đồng thời trả hận hộ bà đã bị Velutha và những kẻ đi biểu tình lăng nhục - chế giễu bà là Modalali Mariakutty. Bà bèn giương buồn lên ngay. Một con thuyền của Nữ Thần bơi qua một biển cả tội lỗi.
Baby Kochamma vòng cánh tay nặng nề ôm lấy Mammachi.
- Có thể đấy là chuyện thật - bà nói bằng giọng bình tĩnh - Nó rất có thể làm thế. Cả thằng kia cũng vậy. Vellya Paapen không dám nói dối chuyện này đâu.
Bà bảo Kochu Maria đưa cốc nước cho Mammachi và lấy ghế cho bà ta ngồi. Bà bảo Vellya Paapen kể lại câu chuyện, thỉnh thoảng lại ngăn lão lại để hỏi những chi tiết - Thuyền của ai? Bao nhiêu lần? Mỗi lần kéo dài bao lâu?
Lúc Vellya Paapen kể xong, Baby Kochamma quay sang
- Thằng ấy phải đi thôi - bà nói - Tối nay. Trước khi câu chuyện này loang ra. Trước khi chúng ta bị mất hoàn toàn thanh danh.
Rồi bà rùng mình ghê tởm đặc kiểu nữ sinh. Bà nói:
- Làm sao mà nó có thể chịu được cái mùi ấy nhỉ? Các người có chú ý không? Chúng nó có cái mùi thật đặc biệt, cái bọn Paravan ấy.
Với kiểu quan sát bằng khứu giác, từng chi tiết nhỏ được nêu ra, nỗi Sợ hãi không dẹp đi.
Cơn thịnh nộ của Mammachi trút lên lão Paravan một mắt, say rượu đang đứng trong mưa, nước chảy ròng ròng, bết bùn, biến thành sự giận dữ băng giá với con gái bà và những việc chị đã làm. Bà nghĩ đến cảnh chị trần truồng, cặp đôi trong bùn với một thằng đàn ông chẳng ra gì, chỉ là một thằng cu li bẩn thỉu. Bà hình dung một chi tiết sinh động: một bàn tay đen đủi, thôi rát của tên Paravan trên ngực con gái bà. Miệng hắn trên miệng chị. Bộ hông đen đủi của hắn cứ thúc mãi giữa đôi chân giạng ra của chị. Tiếng thở hổn hển của họ. Cái đùi Paravan đặc biệt của hắn. Hệt như lũ súc vật, Mammachi nghĩ và gần như buồn nôn. Giống một con chó đực với một con chó cái động đực. Sự khoan dung với những Nhu cầu Đàn ông của con trai bà trở thành nguồn kích thích một cơn giận không sao kiềm chế nổi với con gái bà. Nó đã làm ô uế bao nhiêu thế hệ (một Chú bé được chính Đức Giám mục Antioch ban phúc, một Nhà Côn trùng học Hoàng gia, một người được học bổng Rhodes ở Oxford), và làm cho cả gia đình nhục nhã. Rồi đến các thế hệ tiếp theo, từ nay đến mãi mãi, dân chúng sẽ chỉ vào họ tại các đám cưới, đám tang. Tại các lễ rửa tội và sinh nhật. Họ sẽ huých nhau và xì xào. Mọi sự phải chấm dứt ngay lúc này.
Mammachi đã mất hết tự chủ.
Họ làm điều phải làm, hai bà già ấy. Mammachi chỉ định nhục hình. Baby Kochamma lên kế hoạch. Kochu Maria là đầu sai của họ. Họ nhốt Ammu lại (họ lừa chị vào phòng ngủ), trước khi đi tìm Velutha. Họ biết họ phải tống được Velutha đi khỏi Ayemenem trước khi Chacko trở về. Không ai đoán được Chacko sẽ xử sự ra sao.
Đó không phải là lỗi của họ, dù toàn bộ sự việc đang hỗn loạn cực độ. Phải làm cho thật nhanh. Để đến lúc Chacko và Margaret Kochamma từ Cochin trở về, th đã quá muộn.
Một người đánh cá đã tìm ra Sophie Mol.
Thuyền của ông ta ra đến cửa sông lúc rạng đông, con sông mà ông đã biết cả đời. Nó vẫn còn trôi rất nhanh và phình to lên vì trận mưa đêm trước. Một cái gì đó bập bềnh trên mặt nước, những màu sắc đập ngay vào mắt ông. Mầu hoa cà. Mầu nâu đỏ. Màu cát trên bờ biển. Nó trôi nhanh, xuôi dòng ra biển. Ông ta đưa cái sào tre ra ngăn lại và kéo về thuyền. Đó là một nàng tiên cá đã nhăn nheo. Một đứa con của biển khơi. Một đứa trẻ. Có mớ tóc màu nâu đỏ. Có cái mũi của Nhà Côn trùng học Hoàng gia, tay nắm chặt một cái đê khâu lấy khước. Ông vớt cô bé lên thuyền. Ông trải chiếc khăn mặt bằng vải mỏng xuống dưới cô bé, cô bé nằm trong lòng thuyền, cùng mê cá nhỏ óng ánh bạc của ông ta. Vừa chèo về nhà - Thaiy thayi thakka thayi thome - ông vừa nghĩ thật sai lầm cho người đánh cá nào cứ tưởng đã biết rõ con sông này. Không ai hiểu được dòng Meenachal. Không ai biết cái gì làm nó có thể chồm lên hoặc bất ngờ quy phục. Và vào lúc nào. Đó chính là điều làm những người đánh cá cầu nguyện.
Tại đồn cảnh sát Kottayam, Baby Kochamma run run bước vào phòng đồn trưởng. Bà kể với Thanh tra Thomas Mathew về những hoàn cảnh đưa đến việc sa thải đột ngột một công nhân trong nhà máy. Một người Paravan. Cách đây mấy ngày, hắn đã… hắn đã… cưỡng bức cháu gái bà, bà ta nói vậy. Một phụ nữ đã ly hôn, có hai đứa con.
Baby Kochamma xuyên tạc mối quan hệ giữa Ammu và Velutha, chẳng phải vì lợi ích của Ammu mà để ngăn chặn chuyện bê bối và cứu vãn thanh danh của gia đình trong con mắt Thanh tra Thomas Mathew. Bà ta không biết rằng sau này Ammu sẽ rất xấu hổ, chị sẽ phải đến cảnh sát để lập biên bản. Lúc này Baby Kochamma kể chuyện chị, bà bắt đầu tin chuyện đó.
Viên Thanh tra muốn biết tại sao lại không thông báo ngay cho cảnh sát.
- Chúng tôi là một gia đình theo lối cổ - Baby Kochamma nói - chúng tôi muốn nói là những việc như thế này…
Thanh tra Thomas Mathew hiểu ngay mọi chuyện. Gã có một người vợ Tầng lớp trên, hai đứa con Tầng lớp trên, mọi thế hệ thuộc tầng lớp trên còn đang nằm trong cái dạ con Tầng lớp trên của họ…
- Hiện nay người bị cưỡng bức ở đâu?
- Đang ở nhà. Cháu nó không biết tôi đến đây. Nó không cho tôi đi. Cũng tự nhiên thôi - nó đang lo lắng cuống cuồng vì con. Nó đang bị hoảng loạn.
Sau này, khi Thanh tra Thomas Mathew điều tra câu chuyện thật, thực tế là người Paravan này bước vào Vương quốc Tầng lớp trên không phải vì cưỡng đoạt, mà được cho, và gắn bó sâu sắc với anh. Vì thế sau đám tang Sophie Mol, khi Ammu cùng hai đứa con đến gặp gã và nói có sự nhầm lẫn, gã đã dùng dùi cui chọc chọc vào ngực chị, chẳng phải là hành động tự phát của một cảnh sát. Gã biết chính xác gã đang làm gì. Đó là một cử chỉ có tính toán, cố tình sỉ nhục và khủng bố chị. Một ý đồ lập lại trật tự trong một thế giới hỗn độn.
Mãi sau này, khi mọi chuyện đã lắng xuống và gã đã làm xong công việc giấy tờ, Thanh tra Thomas Mathew lấy làm mừng vì câu chuyện té ra là vậy.
Còn lúc này, gã chăm chú và lịch sự lắng nghe câu chuyện của Baby Kochamma:
- Tối hôm qua lúc trời nhập nhoạng, khoảng bấy giờ, hắn đến nhà chúng tôi và dọa dẫm. Lúc đó trời mưa rất to. Đèn bị tắt và lúc hắn vào, chúng tôi đang thắp đèn. Hắn biết rằng đàn ông trong nhà là cháu tôi, Chacko đang ở Cochin. Chúng tôi chỉ còn lại ba người đàn bà ở nhà. - Bà ta ngừng lại để viên Thanh tra hình dung cái cảnh hãi hùng mà thằng điên vì tình dục Paravan ấy gây ra cho ba người phụ nữ lẻ loi trong một ngôi nhà - Chúng tôi đã bảo hắn rằng nếu hắn không lẳng lặng rời Ayemenem, chúng tôi sẽ gọi cảnh sát. Hắn nói là cháu gái tôi đã ưng thuận, ông có thể tưởng tượng được không? Hắn hỏi chúng tôi lấy chứng cớ đâu mà buộc tội hắn. Hắn nói theo Luật Lao động, chúng tôi không đủ căn cứ để thải hồi hắn. Hắn rất bình tĩnh. Hắn bảo chúng tôi: “Những ngày các vị đá chúng tôi như những con chó đã qua rồi…”. Lúc này, Baby Kochamma dường như hoàn toàn có sức thuyết phục. Bà bị xúc phạm. Bà hoài nghi.
Rồi trí tưởng tượng của bà hoàn toàn chuyển hướng. Bà không miêu tả Mammachi đã mất bình tĩnh ra sao. Bà ấy đã lao đến Velutha và vả vào mặt Velutha như thế nào. Những lời Mammachi rủa hắn. Những tên bà ta gọi hắn.
Thay vào đó, bà ta chỉ tả cho Thanh tra Thomas Mathew he Velutha đã nói những gì, làm bà phải đến trình cảnh sát, kể cả cái cách Velutha nói. Nó hoàn toàn không hề ăn năn, đó là điều làm bà bị sốc nhất. Dường như Velutha thực sự tự hào vì những việc đã làm. Bà không hề nhận ra là bà trút cơn cuồng nộ với người trong đoàn biểu tình đã sỉ nhục bà lên Velutha. Bà tả lại vẻ mặt trâng tráo của Velutha. Giọng nói vô liêm sỉ, trơ trẽn làm bà khiếp hãi, nó làm bà tin rằng việc sa thải Velutha và bọn trẻ con biến mất có thể không dính dáng đến nhau.
Baby Kochamma nói bà đã biết cái thằng Paravan này từ hồi nó còn là một đứa bé. Gia đình bà đã dậy dỗ nó trong trường dành cho Tiện dân do cụ Punnyan Kunju, thân sinh ra bà lập nên (Ông Thomas Mathew ắt phải biết ông cụ là ai chứ? Ồ vâng, tất nhiên rồi…). Gia đình bà đã cho nó học nghề thợ mộc, ngôi nhà nó đang ở cũng là của gia đình bà cho ông nội nó. Mọi thứ nó có đều do gia đình bà cho cả.
Thanh tra Thomas Mathew nói:
- Trước hết, các người đã làm hỏng chúng nó, đeo chúng trên cổ như những chiến tích, rồi lúc chúng cư xử bậy bạ lại tìm đến chúng tôi xin giúp đỡ.
Baby Kochamma cụp mắt xuống như một đứa trẻ bị đòn. Rồi bà tiếp tục câu chuyện. Bà kể với Thanh tra Thomas Mathew rằng trong mấy tuần vừa qua, bà đã chú ý thấy một số dấu hiệu xấc láo, vô lễ và thô lỗ. Bà nhắc đến việc mình nhìn thấy nó trong đoàn biểu tình trên đường đến Cochin và có tin đồn nó là một tên Naxalite. Bà không chú ý thấy một nếp nhăn lo lắng trên lông mày viên Thanh tra khi nghe mẩu tin này.
Bà đã cảnh cáo đứa cháu trai về hắn ta, Baby Kochamma nói, nhưng trong những giấc mơ khủng khiếp nhất, chưa bao giờ bà có thể nghĩ đến những chuyện xảy ra ngày hôm nay. Một đứa bé xinh đẹp bị chết. Hai đứa đang mất tích.
Baby Kochamma kiệt sức.
Thanh tra Thomas Mathew đưa cho bà một cốc nước. Lúc bà ta thấy đỡ hơn, gã giúp bà ghi lại toàn bộ những điều bà đã kể vào bản tường trình. Gã an ủi Baby Kochamma về sự Hợp tác Đầy đủ của Cảnh sát Kottayam. Thằng nhãi ấy sẽ bị tóm trước khi hết ngày thôi, gã nói. Một thằng Paravan với hai đứa trẻ song sinh, gã biết chẳng có nhiều chỗ cho hắn trú ẩn.
Thanh tra Thomas Mathew là một người khôn ngoan. Gã cử một chiếc Jeep đi đón K.N.M. Pillai đến đồn cảnh sát. Việc thằng cha Paravan này là một người ủng hộ chính trị hay hoạt động đơn lẻ là một điều quan trọng. Mặc dù bản thân gã là một Nghị sĩ, gã không có ý định liều lĩnh cãi lộn với Chỉnh phủ Macxit. Lúc Pillai đến, ông ta được đưa vào ngồi đúng chỗ Baby Kochamma vừa rồi. Hai người nói chuyện. Ngắn gọn, bí mật, đi sâu vào trọng tâm. Dù họ chỉ trao đổi bằng các con số, chứ không bằng lời. Dường như không cần giải thích. Họ không phải là bạn bè, Pillai và Thomas Mathew, và họ chẳng tin gì nhau. Nhưng họ hiểu nhau thấu đáo. Cả hai đều là những người có thời thơ ấu bỏ đi, không còn một dấu vết. Những người không còn tính hiếu kỳ. Không còn ngờ vực. Cả hai đều có tuổi trưởng thành thực dụng, đáng sợ theo cách riêng của mình. Họ nhìn cuộc đời và không bao giờ băn khoăn xem nó hoạt động ra sao, vì họ biết. Họ vận hành nó. Họ là những kỹ thuật viên phục vụ ở những bộ phận khác nhau trong cùng cỗ máy.
Pillai kể với Thanh tra Thomas Mathew là ông ta có quen biết Velutha, nhưng không nói việc đêm khuya hôm trước Velutha đã gõ cửa nhà ông ta, do đó Pillai chính là người cuối cùng nhìn thấy Velutha trước khi anh biết mất. Hoặc biết là không đúng sự thật, song Pillai không bác bỏ lý lẽ về vụ cưỡng dâm trong bản tường trình của Baby Kochamma, rằng Velutha là một người tự chủ.
Sau khi Pillai ra về, Thanh tra Thomas Mathew điểm lại câu chuyện trong trí, lật đi lật lại mọi mặt, tìm ra những kẻ hở. Lúc đã hài lòng, gã chỉ thị cho các nhân viên của gã.
Trong lúc đó, Baby Kochamma về đến Ayemenem. Chiếc Plymouth đã đỗ trên đường. Margaret Kochamma và Chacko đã từ Cochin về.
Sophie Mol nằm dài trên tấm ván xe ngựa.
Lúc Margaret Kochamma nhìn thấy thi thể đứa con gái bé bỏng của chị, cơn sốc vỡ tung trong người chị, giống như những tràng vỗ tay bùng nổ trong một giảng đường trống rỗng. Nó tràn ra thành làn sóng nôn mửa, làm chị câm lặng, đôi mắt thất thần. Chị thương khóc hai người chết, chứ không phải là một. Cùng với sự mất mát của Sophie, Joe lại chết thêm một lần nữa. Lần này không còn bài tập để làm cho xong hoặc ăn hết chỗ trứng nữa. Chị đến Ayemenem để hàn gắn vết thương đời chị, nhưng lại mất tất cả. Chị vỡ tan tành như thủy tinh.
Hồi ức của chị về những ngày tiếp theo thật mờ nhạt. Nhiều giờ dài dằng dc, lờ mờ, lặng ngắt như lưỡi bị tưa, dầy lên (bác sĩ Verghese Verghese chỉ định thuốc men), bỗng xé rách bởi cơn cuồng loạn, sắc như cắt bằng một lưỡi dao cạo, mới tinh.
Chị mơ hồ thấy Chacko - giọng ân cần và dịu dàng lúc ở bên chị -, thấy khói nhanh, khói trầm như một ngọn cuồng phong thổi qua Ngôi nhà Ayemenem. Khác hẳn với Con Nhím Nhàu nhò vui tính mà chị đã gặp một buổi sáng xa xưa ở Oxford, trong tiệm cà phê.
Chị chỉ nhớ lơ mơ đám tang trong ngôi nhà thờ màu vàng. Tiếng hát buồn bã.
Một con dơi quấy rầy một người nào đó. Chị nhớ tiếng cánh cửa đóng sập xuống, những giọng đàn bà hoảng sợ. Và ban đêm, tiếng dễ nỉ non như tiếng bậc thang nứt càng tăng thêm nỗi sợ và sự u ám lơ lửng trên Ngôi nhà Ayemenem.
Chị không bao giờ quên cơn giận vô lý trút lên hai đứa trẻ khác, vì một lý do nào đấy trở nên thừa. Đầu óc bừng bừng của chị bám chặt lấy ý niệm Estha phải chịu trách nhiệm về cái chết của Sophie Mol. Thật lạ lùng, vì Margaret không biết rằng Estha đã phá vỡ quy định, chở Sophie Mol và Rachel qua sông bằng con thuyền bé nhỏ đó. Estha đã biến hiên sau trong Ngôi nhà Lịch sử thành nhà của các em, bầy biện trên tấm chiếu cỏ hầu hết đồ chơi của chung: một cái súng cao su, một con ngỗng căng phồng, một con koala Quantas, mắt bị long ra. Và cuối cùng, trong cái đêm khủng khiếp ấy, Estha đã quyết định răng nhân tối trời và đang mưa, Đúng Lúc cho các em chạy trốn, vì Ammu không còn muốn có các em nữa.
Dù không biết những điều ấy, nhưng sao Margaret Kochamma lại nguyền rủa Estha vì việc xảy ra với Sophie? Có lẽ chị có bản năng của người mẹ.
Ba hoặc bốn lần, cố thoát khỏi giấc ngủ nặng trĩu những thuốc an thần, chị tìm ra Estha và tát lấy tát để cậu bé, cho đến lúc có người làm chị dịu xuống và đưa chị đi. Sau này, chị viết thư xin lỗi Ammu. Lúc lá thư đến nơi, Estha đã bị gửi trả và Ammu cũng gói ghém đồ đạc của chị bỏ đi rồi. Chỉ còn Rachel ở lại Ayamenem, nhân danh Estha nhận lời xin lỗi của Margaret Kochamma. Tôi không thể hình dung được chuyện gì đã choán lấy tôi, chị viết. Tôi chỉ có thể dịu lại nhờ thuốc an thần. Tôi không có quyền cư xử như thế, và tôi muốn cô biết cho là tôi xấu hổ và rất, rất xin lỗi.
Thật lạ là Margaret Kochamma không bao giờ nghĩ đến một người là Velutha. Hoặc nhớ đến anh chút nào. Thậm chí trông anh ra sao nữa.
Có lẽ vì chị chưa bao giờ biết anh thực sự, hoặc chưa nghe về chuyện xảy ra với anh.
Chúa trời của Mất mát.
Chúa trời của Những việc Vụn vặt.
Anh không để lại một dấu chân trên cát, một gợn sóng trong nước, một hình ảnh trong gương.
Hơn nữa, Margaret Kochamma không có ở đấy, lúc trung đội cảnh sát vượt dòng sông phình to. Những chiếc quần soóc bằng kaki của họ cứng hồ.
Tiếng loảng xoảng của chiếc còng tay trong cái túi nặng trĩu của một người nào đó.
Không có lý gì lại mong một người nhớ đến chuyện mà chị ta không biết, song đã xẩy ra.
Dù thế nào thì sau cái buổi chiều xanh lơ, lúc Margaret Kochamma nằm say máy bay, vẫn còn ngủ, nỗi tiếc thương phải đến hai tuần lễ mới nguôi ngoai. Chacko trên đường đến thăm K.N.M Pillai, đã tạt qua cửa sổ phòng ngủ, giống hệt một con cá mập lo lắng, lén lút rình ghé xem vợ anh ta (vợ cũ thôi, Chacko!) và con gái đã dậy chưa, có cần gì không. Đúng vào giây phút cuối cùng, lòng dũng cảm của anh nhụt hẳn, anh ta chậm chạp bơi đi mà không ghé nhìn vào. Sophie Mol nhìn thấy anh ta đi.
Em ngồi trên giường, nhìn ra đám cây cao su. Mặt trời đang chuyển động trên bầu trời và ngôi nhà đổ bóng trên vườn cao su, làm đen thẫm các lá cay. Ngoài cái bóng ánh sáng mờ nhạt và dịu dàng. Phía sau mỗi cây cao su lốm đốm, có một vết cắt chéo trên thân, mủ cao su nhỏ giọt theo vết đó như sữa trắng chảy từ vết thương, nhỏ xuống một cái gáo dừa hứng sẵn, buộc vào thân cây.
Sophie Mol ra khỏi giường và lục lọi khắp cái ví của người mẹ đang ngủ. Em thấy thứ em đang tìm - chìa khóa chiếc li to tướng đã khóa, để sẵn trên sàn, buộc sẵn tấm các lên máy bay và thẻ gửi hành lý. Em mở vali ra và lục tung mọi thứ, khéo léo như một con chó đào bới một luống hoa. Em mở cả đống đồ lót, những chiếc váy, áo đã là, dầu gội đầu, kem, sôcôla, dù, xà phòng (và nhiều chai lọ nữa, sặc mùi London), ký ninh, aspirin, kháng sinh đủ loại.
- Mang hết các thứ đi - các bạn đồng nghiệp của chị đã khuyên Margaret Kochamma bằng giọng ân cần - Cậu chưa biết được đâu.
Cứ theo kiểu nói của những người đồng nghiệp này thì chuyến du lịch đến Heart of Darkness là:
a/ Mọi chuyện đều có thể xảy ra với mọi người.
Cho nên
b/ Tốt nhất cứ phải sẵn sàng.
Cuối cùng, em tìm thấy cái em đang tìm.
Những món quà cho những người em họ. Những cái tháp bằng sôcôla Teblerone (mềm và nghiêng đi vì nóng). Những đôi bít tất ngắn có từng ngón riêng nhiều mầu. Hai cái bút bi, nửa trên đổ đẩy nước, trong đó có những hình cắt ngang phong cảnh London lơ lửng. Cung điện Burkingham và Big Ben. Những cửa hiệu và con người. Một xe buýt hai tầng màu đỏ, đẩy tới đẩy lui bằng những bọt khí, đường phố lặng lẽ trôi lên xuống. Có một thứ gì đó như điềm gở, vì đường phố tấp nập không hề có tiếng động trong lòng cái bút bi.
Sophie Mol cho những món quà vào túi xách của em, rồi chạy vụt vào cuộc đời. Đến một cuộc mặc cả gay go. Thương lượng lấy tình bè bạn.
Một tình bạn, thật không may, thật bấp bênh. Không toàn vẹn. Quất mạnh trong không khí mà chẳng có chỗ để chân. Một tình bạn chưa bao giờ có trong câu chuyện, và không hiểu vì sao, khi mọi việc xảy ra nhanh chưa từng có, Sophie Mol đã trở thành một Kỷ niệm, còn sự Mất Sophie Mol ngày càng lớn thêm, sinh động thêm. Giống như một trái chín đúng mùa. Từng mùa một.