I speak in hugs & kisses because true love never misses I will lead or follow to be with you tomorrow.

Unknown

 
 
 
 
 
Tác giả: David Gilmour
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 17
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2469 / 49
Cập nhật: 2015-08-24 18:21:20 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 14
ột vài tuần sau đó, nó trở về nhà, một quãng thời gian lạnh lẽo, những cơn gió cuốn lên xuống khu phố nhà tôi như một tên cướp; nó đợi bạn ra bên ngoài và khi bạn cách nhà quá xa, nó túm lấy cổ áo bạn và tát vào mặt bạn. Tôi còn nhớ những ngày đầu tiên đó rất rõ ràng: Jesse trên chiếc ghế mây bên ngoài đăm đăm nhìn vào khoảng không, cố gắng tìm một cách nhìn khác làm cho chuyện trở nên đỡ tồi tệ hơn, một lối thoát khỏi thực tại khó có thể chấp nhận được.
Tôi ngồi ngoài đó với nó. Bầu trời xám xịt. Tôi kể cho nó mọi câu truyện rùng rợn đã xảy ra với tôi: Daphne ở lớp tám (cô gái đầu tiên làm cho tôi khóc), Barbara ở cấp ba (bỏ tôi trên một chiếc đu quay), Raissa ở trường đại học (“Em đã rất yêu anh, cưng à, thật đấy!”).
Tôi kể cho nó những câu truyện này với sự lôi cuốn và lòng nhiệt huyết, với ý chính là tôi đã sống sót qua tất cả. Sống sót tới mức mà tôi thấy vui khi nói về những chuyện đó, sự hãi hùng, sự “vô vọng của thời điểm đó.”
Tôi kể với nó những chuyện này - và điều này tôi cố gắng nhét vào đầu nó - bởi tôi muốn nó hiểu rằng không ai trong số những người đã làm cho tôi khóc lóc và quằn quại như con sâu dưới kính lúp giữa trưa nắng, là người mà tôi vẫn nên ở bên cạnh. “Họ đã đúng, Jesse ạ. Đến cuối cùng, họ cũng đúng khi rời xa bố. Bố không phải là anh chàng thích hợp với họ.”
“Bố có nghĩ là Chloe đã đúng khi rời xa con không, Bố?”
Sai lầm. Tôi không thể đếm nổi số xe ô tô đang quay đầu xe về hướng đường trong khu nhà chúng tôi nữa.
Đôi khi, nó lắng nghe như một người đàn ông lặn xuống dưới mặt nước, thở bằng một ống cây lau, như thể sự sống còn của nó phụ thuộc vào việc lắng nghe câu chuyện, phụ thuộc vào lượng ô-xy mà ống cây lau mang tới. Lần sau - và tôi phải thật cẩn thận - nó có thể lóe lên trong đầu những hình ảnh tưởng tượng khủng khiếp.
Cứ như thể trong chân nó bị mắc một mảnh thủy tinh vỡ vậy; nó chẳng thể nghĩ được về bất cứ việc nào khác. “Con xin lỗi khi cứ nói mãi về chuyện này,” nó nói và sau đó lại nói thêm về chuyện đó.
Điều mà tôi không hề nói với nó chính là trong số tất cả những điều có thể xảy ra, nó còn có thể còn tệ hơn, tệ hơn nữa trước khi khá lên, trước khi nó đặt chân vào vùng đất thành công ở hiện tại, khi bạn thức giấc và nghĩ, Hmm, tôi nghĩ là gót chân tôi bị bỏng rộp lên rồi. Bây giờ hãy để tôi xem nào. Ồ, vâng. Thật là một thiên đường để bạn có thể tìm thấy chính mình ở trong đó! Liệu có bao giờ có ai đó tin không?
Tôi phải cẩn thận với các bộ phim mà mình lựa chọn mới được. Nhưng ngay cả như thế, ngay cả khi tôi lựa chọn một phim nào đó không hề đề cập đến chuyện tình yêu giới tính hay sự phản bội (tôi e là chẳng có nhiều bộ phim như thế), tôi cũng có thể thấy rằng nó xem màn hình tivi như một loại bạt lò xo, dùng để bật ra những hình ảnh tưởng tượng gây đau đớn cho nó, rằng bằng cách đặt đôi mắt của nó theo hướng đó, nó có thể đánh lừa tôi rằng nó vẫn đang xem phim, trong khi trên thực tế, tư tưởng của nó đang đi vòng vòng trong đầu nó, lén lút như một tên trộm bên trong dinh thự. Đôi khi tôi nghe thấy nó than vãn về nỗi đau đớn từ những thứ nó phát hiện ra.
“Mọi chuyện ổn chứ con?”, tôi nói.
Nó rời cái cơ thể dài ngoằng của mình xuống ghế đi-văng. “Con ổn.” Tôi đưa cho nó một chương trình Buried Treasures nữa như đưa món tráng miệng cho một đứa trẻ trước bữa ăn chính. Bất cứ thứ gì để có thể lôi kéo sự chú ý của nó khỏi sự tưởng tượng gay gắt của chính mình. Bất cứ thứ gì để có thể làm nó cười.
Tôi cho nó xem phim Ishtar. Tôi đã bị chỉ trích liên tục vì bộ phim này nhưng vẫn tiếp tục ngoan cố. Không ai có thể không đồng ý rằng câu chuyện sụp đổ khi hai người nhạc sĩ bất tài, Warren Beatty và Dustin Hoffman, tới vương quốc sa mạc Ishtar và làm xáo trộn nền chính trị địa phương. Nhưng trước và sau đó đều có những hòn ngọc của sự hài hước: Warren và Dustin bận những chiếc vòng đeo trên đầu nhỏ nhắn và hát rất thật lòng và nhảy điệu hai bước. Trời ơi. Ishtar là một bộ phim hay, có nhiều lỗi đã bị bóp chết bởi một tên phóng viên dễ nổi cáu đã quá chán cảnh Warren có quá nhiều cô bạn gái xinh đẹp.
Nhưng điều đó không giúp gì được cho Jesse cả. Có khi tôi cho nó xem một cuốn phim tư liệu về một nhà máy sản xuất đinh còn hơn.
Chúng tôi xem rất nhiều Buried Treasures trong vài tuần sau đó. Tôi có thể cảm thấy sự bối rối của nó trên chiếc ghế ghi băng bên cạnh tôi; cảm giác như cơ thể nó cuộn tròn lại, như một con vật đang chờ đợi trong bóng tối. Đôi lúc tôi dừng bộ phim, hỏi nó: “Con có muốn tiếp tục không?”
“Cũng được à,” nó nói.
Có một câu chuyện về Elmore Leonard mà tôi luôn ưa thích. Trong những năm 1950, ông là một người soạn quảng cáo cho công ty Chevrolet. Để có thể sáng tác được một dòng quảng cáo vui nhộn cho dòng xe tải nửa tấn của công ty, Leonard xuống công trường để phỏng vấn những người lái dòng xe đó. Một người nói: “Bạn không thể làm hỏng chiếc xe khỉ gió này được. Bạn chỉ có thể cảm thấy quá chán nản khi nhìn thấy xe rồi mua một cái nữa.”
Những người lãnh đạo công ty Chevy đã cười to khi Leonard diễn trình ý tưởng này cho họ, nhưng họ lại từ chối; đó không phải những gì họ muốn đăng lên hệ thống biển quảng cáo toàn quốc. Nhưng đó lại chính là kiểu nói chuyện đã hiện hữu trong những tiểu thuyết của Leonard một thập kỉ sau khi ông chuyển sang viết truyện trinh thám tội phạm. Nó thu được cái hồn của hoạt động thường ngày mà không hề tầm thường.
Bạn có nhớ một bối cảnh trong Get Shorty (Giang hồ mê điện ảnh) từ năm 1990 của Elmore Leonard không? Chili Palmer bị mất một chiếc áo khoác đắt tiền trong một nhà hàng; ông ta không nói: “Này, áo khoác của tôi đâu - nó đáng giá 400 đô-la Mỹ đấy.” Không, không. Thay vào đó, ông kéo chủ quán sang một bên và nói: “Cậu có thấy một chiếc áo khoác da màu đen, dài tới đầu ngón tay, có ve áo như một chiếc áo com-lê không? Nếu không thì cậu nợ tôi 397 đô-la.” Đó chính là sự đặc trưng trong hội thoại của Elmore Leonard. Thú vị và cụ thể.
Hay còn có chuyện nho nhỏ từ cuốn truyện li kì Riding the Rap vào năm 1995 của ông nữa. Cảnh sát trưởng Mỹ Raylan Givens vừa bắt gặp hai tên tội phạm đang cướp xe mà không hề biết đến sự hiện diện của ông. Leonard miêu tả những việc xảy ra tiếp theo như thế này: “Raylan giơ khẩu súng săn lên hai kẻ đó... và làm một việc mà tất cả những người thi hành pháp luật đều biết đảm bảo sẽ mang đến sự chú ý và lòng tôn trọng. Ông lên đạn bằng báng súng, về phía sau rồi phía trước, và tiếng động lạch cạch đó, hiệu quả hơn cả tuýt còi, đã khiến hai tên kia phải đầu hàng để thấy rằng chúng đã thất nghiệp.”
Đã có rất nhiều những bộ phim được dựa trên tiểu thuyết của Elmore Leonard. Hombre hồi 1967 với sự diễn xuất của Paul Newman, Mr. Majestyk (1974), Stick do Burt Reynolds thủ vai vào năm 1985,52 Pick-Up (1986). Thường thì những bộ phim thời gian đầu này không diễn tả hết được nét dí dỏm và những câu buôn chuyện thú vị đến ngạc nhiên vốn đã làm nên đặc trưng tiểu thuyết của Leonard. Cần phải có một thế hệ nhà làm phim mới và trẻ tuổi để có thể diễn đạt thành công những điều này. Quentin Tarantino đã làm một bộ phim tuyệt hảo tuy hơi dài dòng có tên Jackỉe Brown (1997); bộ phim Get Shorty đã diễn tả được hết giọng văn của Elmore Leonard; nó còn đáng được chú ý bởi rất tình cờ rằng ngôi sao của bộ phim, John Travolta, là người đã khăng khăng để cho những đoạn hội thoại trong tiểu thuyết được dùng trong phim.
Và rồi trong năm 1998 bộ phim Out of Sight (Xa mặt) của đạo diễn Steven Soderbergh do George Clooney và Jennifer Lopez thủ vai. Giới phê bình rất yêu thích bộ phim nhưng công chúng không mua vé và, như bổn cũ soạn lại, bộ phim trượt khỏi tầm mắt mọi người rất nhanh. Điều đó rất đáng buồn vì đó là một trong những bộ phim hay nhất của năm đó. Đó là một bộ phim Buried Treasure rất cổ điển, và đó là lý do vì sao tôi chọn bộ phim này cho Jesse.
Trước khi bắt đầu xem, tôi yêu cầu nó chú ý đến diễn viên có tên Steve Zhan trong phim. Anh ta vào vai một kẻ kém cỏi nghiện ngập tên là Glenn. Tôi không chắc rằng anh ta đã đóng đạt hơn cả Jennifer Lopez và George Clooney, nhưng cũng gần như thế. Đó là một diễn viên không tên tuổi, và cũng là một sinh viên tốt nghiệp đại học Harvard, người còn không thể thu xếp được một buổi thử vai cho bộ phim, người đã phải thu đoạn phim thử vai của riêng mình và gửi tới đạo diễn. Soderberg đã xem qua 15 giây của đoạn phim và nói: “Anh chàng của chúng ta đây rồi.”
Một lần nữa, tôi không biết Jesse xem được bao nhiêu phần của bộ phim nữa. Nó có vẻ không theo dõi được mạch của câu truyện, và tôi nghĩ nó cảm thấy nhẹ người khi hết phim; nó chạy tá hỏa lên gác khá nhanh.
Rồi tôi cũng trúng được đích, một bộ phim hay đến nỗi Jesse chỉ trong vòng vài giờ nó dường như đã ngừng hẳn suy nghĩ về Chloe.
Nhiều năm trước, khi đang đi dọc xuống phố Yonge ở Toronto vào một ngày mùa hè, tôi bắt gặp một người bạn cũ. Chúng tôi chưa gặp nhau đã lâu và quyết định đi xem một bộ phim ngay lúc đó, cách tuyệt nhất để đi xem phim. Chúng tôi ghé qua một rạp chiếu phim ở gần đó, có sáu tựa phim đang được trình chiếu. “Cậu bắt buộc phải xem phim này,” anh ta nói. “Cậu cứ phải xem đi.”
Và rồi chúng tôi vào xem phim đó. True Romance (Tình yêu chân thành) (1993) gần như là một bộ phim khó có thể không xem được. Đó là một điều tuyệt vời mà bạn chỉ nên để cho mình xem hai lần trong một năm. Quentin Tarantino đã viết kịch bản về thuốc phiện, vụ giết người, và truyện tình yêu khi ông mới 25 tuổi. Đó là kịch bản đầu tay của ông. Trong 5 năm ông ta mời chào kịch bản đó - nhưng không hãng phim nào chịu nhận. Nó có một vẻ mới mẻ mà những nhà điều hành xưởng phim nhầm lẫn với “sai lầm”. Chỉ khi ông cho ra đời phim Reservoir Dogs (Vụ cướp không thành) (1992), khi ông bắt đầu “nổi”, đạo diễn người Anh Tony Scott mới nhận kịch bản đó.
Trong phim True Romance có một cuộc gặp gỡ tầm tám đến chín phút giữa Dennis Hopper và Christopher Walken, đây rất có thể là cảnh quay đơn hay nhất của phim. (Tôi biết người ta chỉ có thể nói câu đó một lần và tôi đã để dành đến giờ.) Thật đáng phấn chấn khi bạn được xem những diễn viên tài tử có thể làm những gì với cả một “nền tảng” hội thoại tuyệt đẹp dưới chân họ. Bạn còn có thể cảm nhận được sự hài lòng của các diễn viên với thành quả của mọi người. Họ đang khoe khoang điều đó ra. Khi tôi ngồi trong rạp tối, lúc cảnh quay bắt đầu, Christopher Walken thông báo: “Tôi là một người phản Chúa,” người bạn tôi ngả người qua và thì thầm: “Bắt đầu rồi đây.”
Có rất nhiều điều hay ho trong phim: một Gary Oldman phô trương trong vai một tên trùm ma túy khét tiếng; đó là một con người quá tự nhiên với bạo lực đến nỗi ông có thể, như Jesse đã nhận thấy, “ăn đồ ăn Trung Hoa bằng đũa chỉ vài giây trước khi nó xảy ra.” Có cả Brad Pitt vào vai một tên nghiện ngập ở California, Val Kilmer vào vai hồn ma Elvis Presley – mà nó cứ tiếp diễn như vậy.
Tôi bảo Jesse chú ý theo dõi lời tuyên thệ cuối cùng của tình yêu trong phim, cảnh Christian Slater và Patricia Arquette vui đùa trên một bãi biển Mêhicô, ánh hoàng hôn như một ngọn lửa bằng vàng và áng mây rực đỏ, giọng cô ấy nói: “Anh thật tuyệt, anh thật tuyệt, anh thật tuyệt.”
Cảnh phim cuối cùng đó đã làm cho Jesse cảm thấy thoải mái hơn, đem lại cho nó một kiểu khờ dại đặc trưng, như thể có một cô gái xinh đẹp nào đó sắp bắt gặp nó lượn lờ quanh quán bar vào một buổi tối ngay khi một bài hát thích hợp đang được bật lên. “Anh thật tuyệt.”
Sau đó, chúng tôi co ro trong áo khoác, đợt tuyết đầu mùa lung linh rơi xuống và biến mất ngay khi chúng chạm mặt đất. “Con chưa bao giờ thích xem phim với Chloe cả,” Jesse nói. “Con ghét những điều cô ấy nói.”
“Con không thể đi với một người phụ nữ mà con không muốn đi xem phim cùng,” tôi nói (nghe như Ông già Walton). “Con bé nói những điều gì?”
Nó ngắm nhìn tuyết rơi một lúc; trong ánh đèn đường ánh mắt nó sáng lên như thủy tinh. “Những điều ngu ngốc. Cô ấy tỏ ra rất khiêu khích. Đó là một phần của tính cách chuyên nghiệp của cô ấy.”
“Nghe có vẻ mệt mỏi đấy.”
“Đó là lúc người ta đang xem một bộ phim rất ưa thích của mình. Ta thường không muốn một ai đó cố tỏ vẻ “thú vị”. Ta chỉ muốn họ yêu thích bộ phim. Bố biết có lần cô ấy nói gì không? Cô ấy nói bộ phim Lolita của Stanley Kubrick hay hơn bản của Adrian Lyne.” Nó lắc đầu và cúi về phía trước. Trong một giây nó trông như một người lính trẻ. “Điều đó là sai lầm,” nó nói. “Phim Lolita của Adrian Lyne là một kiệt tác.”
“Chính xác.”
Nó nói: “Con cho cô ấy xem phim The Godfather. Nhưng ngay trước khi bọn con bắt đầu xem, con nói: “Anh thực sự không muốn nghe bất cứ lời bình luận nào về bộ phim này, được chứ?”’
“Con bé nói gì?”
“Cô ấy nói con đang rất ‘chuyên quyền’. Rằng cô ấy có quyền nói lên suy nghĩ của mình.”
“Con nói gì?”
“Về phim The Godfather thì không.”
“Sau đó, chuyện gì xảy ra?”
“Con nghĩ là bọn con đã cãi nhau,” nó nói một cách lo lắng. “Con chỉ muốn cô ấy yêu thích bộ phim. Đơn giản thế thôi.”
“Bố không biết, Jesse à – đây không phải là một cuộc tình lý tưởng đối với bố. Con không thể đi xem phim cùng nhau vì con bé làm con bực mình; con không thể đi dạo với con bé vì nó làm con chán chường.”
Nó lắc đầu. “Buồn cười thật đấy,” một lúc sau nó nói: “Con không thể nhớ ra được bất cứ chuyện gì như thế nữa. Con chỉ có thể nhớ được rằng mình đã rất vui vẻ.”
Vợ tôi ra ngoài; ánh đèn ngoài hiên bật sáng. Có tiếng chân ghế đập vào sàn gỗ. Cuộc nói chuyện chợt dừng lại, rồi lại bắt đầu. Cô ấy biết mình không nên bỏ đi. Sau một hồi tôi để hai người ở lại. Tôi nghĩ có chuyện gì đó cô ấy có thể nói với nó để làm nó cảm thấy thoải mái hơn. Tina của chúng tôi đã từng là một cô học trò rất nghịch hồi học đại học. Tôi biết cô ấy có thể làm thay đổi chuyện Morgan được nhưng tôi có cảm giác mình nên lánh mặt vì những chuyện nó có thể mang tới. Một lúc sau, tôi nhìn ra cửa sổ phòng khách; họ đang ngồi cạnh nhau. Cô ấy đang nói; nó đang lắng nghe, rồi tôi chợt bất ngờ nghe thấy một âm thanh mà tôi không ngờ tới: tiếng cười – họ đang cười.
Việc hai người rút ra hiên nhà để mừng nhau một điếu thuốc và nói chuyện đã trở thành một tục lệ cuối ngày. Tôi không bao giờ đi cùng; điều này rất riêng tư và nó làm tôi cảm thấy thoải mái khi biết rằng Jesse có một người phụ nữ nhiều tuổi hơn (có kinh nghiệm một cách đáng ngạc nhiên) để nói chuyện. Tôi biết cô ấy kể cho nó những thứ tôi chắc không biết về những “năm tiệc tùng” của cô ấy. Tôi chưa bao giờ hỏi về những gì đã được nói giữa hai người.
Tôi rất muốn cho nó xem phim It’s A Wonderful Life một lần nữa, nhưng vì sợ nó lại nhìn thấy Chloe trong vai diễn của Donna Reed, tôi lại bỏ qua vào phút cuối và cho nó xem Murmur of the Heart (Lời trái tim) (1971). Tôi chưa sẵn lòng chiếu một bộ phim nghệ thuật của Pháp – tôi biết nó muốn được giải trí – nhưng đây là một bộ phim quá hay tôi nghĩ nó đáng để thử một lần.
Giống như phim The 400 Blows, phim Murmur of the Heart của Louis Malle nói về chuyện trưởng thành, về những tình huống khó xử lạ kì, cuộc sống nội tâm đầy huyền ảo mà những cậu trai trẻ cảm nhận được vào buổi đầu đời. Đó là một giai đoạn của sự yếu đuối đáng được nhắc đến mà những nhà văn thường hay muốn quay trở lại – tôi nghĩ đó là bởi khi mọi thứ đã trở nên rõ ràng và minh bạch.
Cậu bé trong Murmur of the Heart dường như mang trong mình sự yếu đuối đó, đôi vai hơi tròn, cánh tay dài lều khều, kiểu đá thúng đụng nia khi cậu ta bước vào đời. Bộ phim mang một cảm giác nhớ nhung về quá khứ khi tác giả Louis Malle viết về một thời điểm trong cuộc đời mình khi ông đã rất, rất hạnh phúc và không nhận ra sau nhiều năm sau. Đó còn là một bộ phim trân trọng những chi tiết nhỏ nhặt của thời thiếu niên với một con mắt tinh tường đến mức tất cả đều cảm thấy như rất thân quen – có những khoảnh khắc hồi tưởng như chính bạn cũng đã lớn lên trong một gia đình người Pháp, trong một thị trấn nhỏ vào những năm 1950.
Và quả là một đỉnh điểm tuyệt vời. Thật khó có thể tin được rằng có ai đó có thể kết thúc một bộ phim như cách Louis Malle đã chọn để kết thúc bộ phim này. Tôi sẽ không nói gì nữa ngoại trừ việc thêm thắt rằng đôi lúc một sự việc xảy ra trong cuộc đời bạn, làm cho bạn nhớ rằng bất kể bạn nghĩ mình biết rõ một con người đến mức nào, kể cả khi bạn nghĩ bạn có thể lo cho từng khoảnh khắc quan trọng trong cuộc đời người ấy, bạn không làm thế và không thể làm thế.
“Trời ơi!” Jesse nói: quay sang nhìn tôi trước với một sự hoài nghi, rồi với một cảm giác thích thú không thoải mái lắm, rồi đến sự kính phục. “Đây mới là một đạo diễn có gan!”
Khi chúng tôi đang xem những bộ phim trong chương trình Buried Treasures, thi thoảng Jesse đưa ra những quan sát của nó, một lần nữa làm cho tôi ngạc nhiên rằng nó đã học được về điện ảnh nhiều đến thế nào chỉ qua ba năm vừa rồi. Điều đó không quan trọng lắm đối với nó; tôi nghĩ nó sẵn sàng đánh đổi tất cả để cho chuông điện thoại reo.
“Con biết không,” tôi nói khi bộ phim đã kết thúc, “Con đã trở thành một nhà phê bình phim cứng cỏi rồi đấy.”
“Thật ư?” nó nói một cách thờ ơ.
“Con biết nhiều về điện ảnh hơn bố khi bố phê bình phim cho đài CBC.”
“Thế à?” Không hứng thú lắm. (Tại sao chúng ta không bao giờ muốn làm những thứ mình giỏi chứ?)
“Con có thể làm một nhà phê bình phim,” Tôi nói.
“Con biết những gì con thích làm. Không có gì khác.”
Sau một hồi, tôi nói nhẹ nhàng, “Nghe bố nhé, được không?”
“Được ạ.”
Tôi nói: “Ngay bây giờ con có thể nói cho bố ba sự vượt bậc đi theo cùng với Làn Sóng Pháp Mới không?”
Nó hơi nháy mắt và ngồi thẳng dậy. “Ờ, kinh phí thấp?”
“Đúng.”
“Kỹ thuật quay phim trôi chảy?”
“Đúng.”
“Phim ra khỏi xưởng và vào tới phố?”
“Con có thể nói tên ba đạo diễn của Làn Sóng Mới không?” Tôi nói.
“Truffaut, Godard, và Eric Rohmer.” (Nó đang dần hứng thú hơn về chuyện này.)
“Câu biểu cảm của Làn Sóng Mới trong tiếng Pháp là gì?”
“Nouvelle vague.”
“Cảnh phim yêu thích của con trong phim The Birds (Lũ chim lạ) của Hitchcock là gì?”
“Cảnh mà người ta có thể thấy được một cái cây trống không qua vai của người đó và lần sau lại có thể thấy nó đầy chim chóc.”
“Vì sao cảnh đấy lại hay?”
“Bởi nó cho người xem biết được rằng chuyện gì đó không ổn sắp xảy ra.”
“Và đó gọi là gì?”
“Là sự gián đoạn cao trào,” nó nói. “Như Hitchcock đang xây dựng nên một cầu thang thứ hai trong Notorious (Câu chuyện về Notorious).” Nó bao quanh câu chuyện, sự chắc chắn thờ ơ đang làm nó hài lòng. Trong một khoảnh khắc tôi có cảm giác rằng nó đang mơ tưởng thấy Chloe đang nghe thấy tất cả những điều này, một người thứ ba trong phòng.
“Ai là người quay phim yêu thích của Bergman?”
“Quá đơn giản. Sven Nykvist.”
“Nykvist đã quay bộ phim nào của Woody Allen?”
“Thực ra thì ông ấy đã quay hai phim. Crimes and Misdemeanors và Another Woman.”
“Howard Hawks đã nói điều gì làm nên một bộ phim hay?”
“Ba cảnh hay và không có cảnh tệ nào.”
“Trong phim Citizen Kane (Công dân Kane), một người đã miêu tả một thứ gì đó anh ta thấy trên cầu cảng ở New Jersey 50 năm trước. Đó là gì?”
“Một người phụ nữ với chiếc ô.”
“Câu hỏi cuối cùng. Trả lời đúng và con được ăn một bữa nhà hàng miễn phí. Kể tên ba đạo diễn từ phong trào Hollywood mới.”
Nó giơ một ngón trỏ lên, “Francis Coppola” – dừng – “Martin Scorsese” – dừng lâu hơn – “Brian De Palma.”
Sau một hồi tôi nói: “Con có thấy ý của bố là gì không?”
Chuyện chắc hẳn đã khuấy động bầu không khí bởi sau đó nó đút một chiếc đĩa CD vào máy tính của tôi. “Nó còn hơi thô,” nó nói như một cách giới thiệu. Đó là một bài hát nó đã viết trên miền bắc trong một trong những đêm khi cơn gió đập vào cửa sổ, khi Chloe đã ra đi và không bao giờ trở lại. Nó bắt đầu với chiếc vĩ cầm, chơi đi chơi lại một đoạn ngắn rồi vào nền nhạc, trống và bass, rồi giọng của nó.
Tôi biết hầu hết chúng ta đều nghĩ con mình rất tài năng kể cả khi chúng không thể (Chúng ta dán những bức tranh lem nhem nhỏ bé của chúng lên tủ lạnh như tranh của Picasso vậy), nhưng bài hát này, Angels (Thiên thần), tôi vừa nghe ngày hôm trước, lâu sau khi chuyện vớ vẩn về Chloe đã đến và ra đi và tôi có thể nói điều này: Có cái gì đấy rất đáng nhắc tới trong thông điệp gửi tới người phụ nữ trẻ bội bạc này. Bạn có thể nghe thấy một sự giãi bày hết sức tự tin mà dường như đến từ một ai đó khác cậu bé đang ngồi cùng ghế với tôi, môi mấp máy theo lời bài hát.
Nhưng đó không phải thứ làm cho tôi bất ngờ nhất. Sự thay đổi lớn lao nằm trong lời bài hát. Nó gắt gao một đoạn, rồi lại cầu khẩn đoạn tiếp. Nó nặng nề, cố tình để làm cho người khác đau đớn, bẩn thỉu, như thể tác giả đã lộn ngược mình từ trong ra ngoài như một con cá quả. Nhưng nó còn chính xác, đó là lần đầu tiên như thế; không còn những điều vớ vẩn về chuyện lớn lên trong khu ổ chuột hoặc lòng tham hoặc luồn lách qua chông gai hay những bao cao su trong khu vườn sau nhà hồi còn bé của nó. “Angels” là một tác phẩm thực sự - như thể có ai đó đã lột xác nó và thu lại tiếng gào thét.
Nghe bài hát, tôi nhận ra – rất nhẹ nhàng, rất lạ, không phải là sự khó chịu – rằng nó có nhiều tài năng hơn tôi. Tài năng thiên bẩm. Chính là nỗi đau về Chloe đã làm nó thức tỉnh. Con bé đã đốt hết đống mỡ thừa ra khỏi cách hành văn của nó.
Khi giọng hát trong đĩa bé dần đi, khi tiếng vĩ cầm vang vang đã nhỏ lại (nó như một lưỡi cưa kéo đi kéo lại, một vết thương bị chọc xoáy), nó nói: “Bố nghĩ gì?”
Chậm rãi và đầy suy tính để nó có thể tận hưởng điều này, tôi nói: “Bố nghĩ con có thừa tài năng để thể hiện.”
Nó bật dậy y như lúc tôi hỏi nó có muốn bỏ học không. “Không tồi phải không bố?” nó nói một cách hứng khởi. Tôi nghĩ, à, đây có thể là đường thoát khỏi Chloe.
Tôi về nhà muộn vào buổi tối hôm đó. Hiên nhà tối om; lúc đầu tôi không nhìn thấy nó cho tới khi tôi suýt đạp lên người nó. “Chúa ơi,” tôi nói. “Con làm bố sợ đấy.” Đằng sau nó qua cửa sổ bếp tôi có thể thấy Tina đi lại quanh căn bếp sáng trưng và tôi vào với cô ấy.
Thường thì Jesse sẽ theo tôi vào nhà, nói chuyện này chuyện nọ. Đôi lúc nó còn đứng ngoài nhà vệ sinh và nói qua cửa. Tôi trao đổi vài chuyện dễ chịu của ngày hôm nay với vợ tôi (ở đây có việc làm, ở kia có việc làm, ở đâu cũng có việc làm, việc làm) và lượn ra ngoài. Tôi bật đèn lên. Jesse nghểnh cổ lên để nhìn tôi, một nụ cười gượng gạo xuất hiện trên môi nó.
Tôi ngồi xuống cạnh nó một cách nhẹ nhàng. “Bố biết cái điều con sợ là sẽ xảy ra không?” nó nói.
“Có.”
“Nó đã xảy ra rồi ạ.”
Một người bạn gọi đến, báo tin cho nó qua điện thoại.
“Con có chắc không?”
“Có ạ.”
“Làm sao con biết đó là Morgan?”
“Vì nó nói với bạn con.”
“Người mà đã kể cho con ư?”
“Đúng vậy ạ.”
“Trời, sao nó lại làm thế?”
“Bởi vì cậu ấy vẫn thích cô ấy.”
“Ý bố là tại sao bạn con lại nói với con?”
“Bởi vì cậu ta là bạn con.”
Người phụ nữ Trung Hoa bên kia đường ra ngoài với chiếc chổi và bắt đầu quét thật lực bậc cửa nhà. Tôi không dám nhìn qua chỗ nó.
“Bố nghĩ con bé đang phạm phải sai lầm lớn,” tôi nói một cách bất lực.
“Con sẽ không bao giờ chấp nhận cô ấy quay lại nữa,” nó nói. “Không bao giờ.”
Nó trượt khỏi chiếc ghế và bắt đầu bước xuống bậc hiên nhà. Và trong lúc nó đi xuống, tôi để ý thấy tai nó, cả hai bên đều đỏ ửng như thể nó đã ngồi cúi về phía trước trên ghế và vò đầu bứt tai. Có một cái gì đó về đôi tai đỏ của nó và cái cách nó bỏ đi – như thể nó không có nơi nào để đi nữa, như thể mọi chuyện, mọi hành động con người, ngoại trừ cô ta, đều vô ích, một bãi đỗ xe trống trải kéo dài tới tận đường chân trời – điều đó bóp nghẹt trái tim tôi và làm cho tôi muốn với gọi nó lại.
Tôi sắp sửa cho nó xem một bộ phim của Jean-Pierre Melville, tên là Un Flic (1947), nhưng nó lại muốn xem Chungking Express hơn. Nó đi lấy đĩa phim từ trên phòng nó trên gác và nó nói: “Con muốn xem một cái gì đấy từ trước Chloe.”
Nhưng xem đến nửa phim, khi bài “California Dreaming” đang vang lên từ màn hình, đoạn cô gái gầy như que củi quay cuồng nhảy múa trong căn hộ, nó tắt phim. “Nó không có tác dụng,” nó nói. “Con tưởng nó có thể truyền cảm hứng cho con.”
“Làm sao lại như thế được?”
“Bố biết đấy – con đã quên được Rebecca rồi; bây giờ con sẽ quên Chloe.”
“Thế ư?”
“Nhưng con không thể quay lại hồi đó nữa. Con không thể nhớ cảm giác thích Rebecca như thế nào. Điều đó chỉ làm con nghĩ về Chloe. Nó quá lãng mạn. Nó làm cho tay con toát mồ hôi.”
Jesse không về nhà tối hôm sau, mà để lại một lời nhắn vào máy trả lời tự động rằng nó sẽ qua đêm ở “phòng thu”. Tôi chưa từng được thấy nơi này, nhưng tôi biết nó rất nhỏ, “Không đủ rộng để quăng một con mèo.” Vậy thì thực ra Jesse ngủ ở đâu? Và rồi còn có cả giọng nói của nó, sự nghiêm trọng không đúng chỗ nữa. Giọng nói của một chàng trai trẻ nhận tội đã ăn trộm ô tô.
Đêm đó tôi ngủ không yên. Gần tám giờ sáng, vẫn trằn trọc, tôi gọi vào máy di động của Jesse và để lại một lời nhắn, rằng tôi mong là nó vẫn ổn, nó có thể gọi tôi ngay khi có thể. Và rồi, không đúng lúc một chút nào, tôi thêm rằng tôi biết nó đang cảm thấy rất tệ, nhưng ma túy bất cứ loại nào, đặc biệt là thuốc phiện, rất có thể sẽ làm nó phải vào bệnh viện. Có thể giết chết nó.
“Lần này thì không trốn được nữa rồi,” tôi nói và bước đi bước lại trong căn phòng trống của mình, ánh nắng le lói ngoài hiên nhà. “Không có con đường tắt nào cả.” Tôi nói nghe rất khoa trương và hoàn toàn không đáng thuyết phục. Nhưng khi đặt điện thoại xuống, tôi cảm thấy bình tĩnh hơn; mặc dù hơi màu mè, nhưng tôi cũng đã nói ra rồi.
20 phút sau, nó gọi điện lại. Giọng nghe hơi trầm, hơi dè dặt, như thể có ai đó đang giơ khẩu súng vào nó hay đang theo dõi nó rất kỹ khi nó nói chuyện với tôi.
“Mọi chuyện đều ổn chứ con?”, tôi hỏi.
“Vâng, vâng, thật đấy bố ạ.”
“Con nghe chừng không được khỏe lắm.”
Điều này dẫn đến một tiếng khịt mũi bực tức. “Con đang gặp chuyện khó khăn đây.”
“Bố biết mà, Jesse,” tôi nói. Im lặng. Nó không ngắt lời. “Vậy thì bố mẹ sẽ gặp con tối nay.”
“Bọn con có thể sẽ tập lại,” nó nói.
“Ừ, rồi, bố muốn gặp con sau đó. Nhâm nhi một li rượu với Tina.”
“Con sẽ cố gắng,” nó nói.
Cố gắng. (Bố không xin một lần hiến máu nhân đạo ở ngân hàng máu đâu con ạ.)
Tôi có một cảm giác rất mạnh rằng không nên dồn ép nó, rằng nó đang ở rất xa, xa đầu bên kia của sợi dây trói và rằng sợi dây đang trở nên mỏng manh một cách bí ẩn. Hoàn toàn dễ đứt. Tôi nói tạm biệt.
Đó là một ngày đẹp trời lạ lùng, nắng chói chang, những tán cây trơ trọi, những áng mây bay vụt qua bầu trời. Một ngày không tưởng.
Điện thoại lại reo một lần nữa. Một giọng nói khô khan. Không có chút giọng điệu nào. “Con xin lỗi con đã nói dối bố,” nó nói. Im lặng. “Tối qua con đã hút ma túy. Bây giờ đang ở trong bệnh viện; lúc đó con tưởng mình bị đau tim; tay trái của con mất cảm giác, nên con gọi xe cứu thương.”
“Quỷ thần ơi,” đó là tất cả những gì tôi có thể thốt ra.
“Con xin lỗi bố.”
“Con đang ở đâu?”
Nó nói tên bệnh viện.
“Thế cái bệnh viện đó ở đâu?”
Tôi nghe thấy nó che điện thoại lại. Nó quay lại và nói cho tôi địa chỉ.
“Con đang ở trong phòng chờ à?” tôi nói.
“Không. Con đang ở đây với y tá. Trên giường bệnh ạ.”
“Cứ nằm yên đấy.”
Ít phút sau, khi tôi đang mặc quần áo, mẹ nó gọi đến. Cô ấy đang diễn tập một vở kịch ở cuối phố; hỏi tôi rằng cô ấy có thể qua ăn trưa không?
Tôi đón Maggie bằng xe của Tina và chúng tôi lái xe trong buổi chiều rực rỡ đó đến bệnh viện, đỗ xe, đi bộ ba dặm qua những hành lang; những cánh cửa trượt mở; qua một nhóm những y tá đang đùa cợt, những vị bác sĩ thường ngày và nhân viên y tế mặc đồng phục màu xanh, rẽ trái, rồi phải, đến giường bệnh số 24. Nó đang nằm đấy. Trắng bệch như xác chết. Hai mắt nó như hai viên bi, môi nó khô cong và đen lại, móng tay cáu bẩn. Một chiếc máy đo tim kêu lên phía trên đầu nó.
Mẹ nó nhẹ nhàng hôn lên trán nó. Tôi nhìn nó một cách lạnh lùng. Tôi nhìn vào chiếc máy đo tim. Tôi nói: “Bác sĩ nói gì?” Tôi không thể chạm vào nó.
“Họ nói tim con đã đập rất nhanh nhưng đó không phải là một cơn đau tim.”
“Họ nói đó không phải là một cơn đau tim à?”
“Họ không nghĩ như vậy ạ.”
“Họ không nghĩ vậy hay họ biết là như vậy?”
Mẹ nó lườm tôi với một cái nhìn trách móc. Tôi đặt tay mình lên chân nó. Tôi nói: “Con gọi cứu thương thế là tốt đấy.” Tôi suýt nói (nhưng tự dừng lại), tôi mong rằng mình không phải trả tiền viện phí.
Rồi nó bắt đầu khóc; nó nhìn lên trần nhà trắng xóa trên đầu, nước mắt lăn xuống má. “Cô ấy thắng rồi,” nó nói.
“Ai cơ?”
“Chloe. Cô ta thắng. Cô ta đang đi với bạn trai cũ của mình rất vui vẻ và con thì nằm đây trong cái bệnh viện chết tiệt. Cô ta thắng.”
Tôi cảm thấy trái tim mình như bị bóp nghẹt lại bởi những ngón tay mạnh mẽ. Tôi nghĩ mình sắp ngất đi. Tôi ngồi xuống. “Đời còn dài, Jesse ạ. Con không thể biết được ai sẽ thắng keo này.”
“Làm sao mà chuyện này lại có thể xảy ra cơ chứ?” Nó nức nở. “Tại sao nó lại xảy ra được?”
Tôi có thể cảm thấy ngực mình bắt đầu rung lên. Tôi nghĩ: Chúa ơi, xin đừng làm nó khóc thêm nữa.
“Cô ta đã gọi cho hắn và ngủ với hắn,” nó nói, mặt lộ vẻ đau đớn.
Tôi nói: “Bố biết mọi chuyện hơi đau buồn.”
“Đúng như thế,” nó khóc. “Mọi chuyện quá đau buồn. Con không thể chịu đựng được lúc đi ngủ hoặc nhắm mắt lại. Con không thể lôi những hình ảnh này ra khỏi đầu được.”
Tôi nghĩ, nó sẽ chết vì chuyện này.
Tôi nói: “Phần lớn lí do vì sao mọi chuyện như thế này là bởi thuốc phiện, con à. Nó tước hết sức đề kháng của con. Nó làm cho mọi việc trở nên tồi tệ hơn rất nhiều.” Những từ ngữ vô dụng, những từ ngữ đáng hối tiếc và vô ích một cách gớm ghiếc. Như những cánh hoa trên đường của một chiếc xe ủi.
“Thật ư?”, nó nói và cái giọng hiếu kì, như một người đang với lấy một chiếc áo phao cứu hộ, đẩy tôi tiếp tục. Tôi nói đến 15 phút; mắt mẹ nó không rời khuôn mặt nó; tôi cảm thấy như mình đang mò mẫm trong một căn phòng tối, những ngón tay tôi kiếm tìm đây đó, trong túi này, trong ngăn nọ, dưới mảnh vải này, bên chỗ cái đèn kia, tìm kiếm bằng cách lần mò tới một sự kết hợp từ ngữ đúng mà có thể sẽ làm bật lại lên câu “Thật ư?’ và sự nhẹ nhàng trong chốc lát cùng câu nói đó.
Tôi nói: “Con có thể quên cô gái này đi, nhưng con không thể quên cô ta bằng thuốc phiện được.”
“Con biết,” nó nói.
Nó bắt đầu kể rằng mấy đứa vừa đến phòng để tập lại. Cả ngày nó đã có cảm giác rằng Jack biết một điều gì đó, rằng cậu ta đang giữ bí mật với nó. Có thể Chloe vẫn luôn phản bội nó ngay từ đầu, có thể Morgan là một người tốt nhất trong… mọi chuyện.
Rồi nó nói: “Cậu có biết điều gì mà không nói với mình không?”
Và Jack, người mà bạn gái cậu ta chỉ biết chút ít về Chloe, nói không. Jesse nài nỉ thêm một chút. Không, không có gì mới, chỉ có những gì cậu ta đã kể cho nó năm lần: rằng cô ấy đã gọi Morgan, hắn ta lên xe buýt và đến Luân Đôn, họ dành buổi tối trong căn hộ và nghe một loại nhạc “rất hay”. Rồi cô ta ngủ với hắn. Đó là hết truyện, thật lòng, đó là tất cả những gì cậu ta biết.
Và rồi một ai đó mang thuốc phiện ra. Bảy giờ sau, mọi người đều đang ngủ, Jesse lê gối cố tìm qua những đường thêu của chiếc thảm để tìm từng tí thuốc phiện rơi vãi khỏi bàn. Rồi cánh tay nó trở nên mất cảm giác; nó đi ra ngoài nắng chói chang, ánh nắng phản chiếu từ những chiếc xe, và tìm thấy một quán bar mở cửa, nói rằng nó cần gọi một chiếc xe cứu thương; người phục vụ nói rằng, “Chúng tôi không cung cấp dịch vụ đó.”
Thế nên nó đi tới một buồng điện thoại công cộng – trời đã gần trưa, mọi thứ như vụt qua một cách rất đáng sợ, và nó gọi 911. Nó ngồi xuống vệ đường và chờ đợi, xe cứu thương tới nơi, họ đặt nó vào đằng sau xe. Nó nhìn ra ngoài cửa sổ đằng sau xe trong lúc họ chở nó tới bệnh viện; nó có thể thấy những con phố đầy nắng trượt qua phía sau nó; một y tá hỏi nó đã hút loại ma túy nào, hỏi số điện thoại của bố mẹ, nhưng nó từ chối không cho số của chúng tôi.
“Và rồi con bỏ cuộc,” nó nói. “Con bỏ cuộc và nói cho họ hết tất cả.”
Trong một lúc không ai nói gì; chúng tôi cứ ngồi đó nhìn vào đứa con trai nhợt nhạt của mình, bàn tay nó đưa lên che mặt.
“Đó chính là duy nhất con xin cô ta đừng làm,” nó nói. “Việc duy nhất. Tại sao cô ta lại làm cái việc đó?” Người ta có thể thấy câu truyện hiện rõ trên khuôn mặt xanh xao và trẻ con của nó: Cô ta làm thế này với nó, nó làm thế kia với cô ta.
“Một điều vớ vẩn,” tôi nói.
Vị bác sĩ bước vào, một anh chàng người Ý trẻ tuổi, có ria mép và râu ở cằm, rất chững chạc. Tôi nói với Jesse, “Con có thể kể mọi chuyện với bác sĩ không?”
“Đó là điều thiết yếu,” vị bác sĩ nói như thể có ai đó vừa kể một câu truyện cười thông thái.
Jesse đồng ý. Vị bác sĩ hỏi vài câu hỏi, nghe tim phổi cho nó. “Cơ thể của cậu không thích ứng với thuốc phiện,” anh ta nói kèm một nụ cười. “Không thích ứng với cả thuốc lá nữa.” Nó ngồi thẳng dậy.
“Cậu chưa bị đau tim,” vị bác sĩ nói. Anh ta có một thứ gì đó tôi không thể hiểu, giơ một nắm tay lên để chỉ ra một trái tim ngừng đập. “Nhưng để tôi nói với cậu điều này. Mỗi khi ai đó ở tuổi cậu có đến đây với một cơn đau tim, đó luôn là bởi thuốc phiện. Luôn luôn.”
Rồi vị bác sĩ rời đi. Ba giờ sau chúng tôi cũng ra khỏi đó; tôi thả mẹ nó ở một ga tàu điện ngầm và đưa Jesse về nhà mình. Ngay khi chúng tôi lái xe vào đường nhà, nó lại bật khóc. “Con nhớ cô gái đó nhiều lắm,” nó nói. “Rất nhiều.”
Rồi tôi cũng bắt đầu khóc. Tôi nói: “Bố sẽ làm bất cứ điều gì để giúp con, bất cứ điều gì.”
Chúng tôi ngồi ở đó, cả hai đều bật khóc.
Cha, Con Và Những Thước Phim Cha, Con Và Những Thước Phim - David Gilmour Cha, Con Và Những Thước Phim