Ancient lovers believed a kiss would literally unite their souls, because the spirit was said to be carried in one’s breath.

Eve Glicksman

 
 
 
 
 
Tác giả: Tony Parsons
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 42
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 991 / 27
Cập nhật: 2017-05-20 09:04:16 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Mười Ba
húng tôi đi được nửa đường đến nhà cha mẹ tôi thì di động tôi kêu. Là mẹ tôi. Bình thường bà là một phụ nữ bình tĩnh và điềm đạm, là tâm điểm vững chãi của gia đình. Nhưng hôm nay thì khác.
“Harry à!”
“Sao thế ạ?”
“Cha con.”
Chúa ơi, tôi nghĩ - ông đã qua đời. Đúng sinh nhật thứ ba mươi của tôi. Ngay cả hôm nay ông cũng phải là trung tâm của sự chú ý.
“Chuyện gì vậy ạ?”
“Cha mẹ bị cướp.”
Trời ạ. Ngay cả ngoài đó. Ngay cả ở sâu trong vùng ngoại ô như thế. Chẳng còn đâu là an toàn nữa.
“Cha có ổn không ạ? Mẹ có ổn không ạ?”
“Harry à, xin con... đến đây nhanh lên... cảnh sát đang trên đường... xin con... mẹ không nói chuyện được với cha...”
“Ráng thêm chút nữa đi mẹ? Mẹ ráng chịu nhé. Con sẽ đến đó nhanh nhất có thể.”
Tôi dập máy, quay xe ra làn đường cao tốc và giậm mạnh ga. Con MGF lao về phía trước, như thể nó được làm ra là cho giây phút này.
Trên ghế lái phụ bên cạnh tôi, Pat bật cười.
“Vô đối,” cu cậu nói.
Nó nghe câu đấy từ đâu vậy?
Mẹ tôi mở cửa trong bộ váy đẹp nhất của mình, đã ăn diện đợi đi sinh nhật con trai. Nhưng quần áo ăn tiệc của bà chẳng giúp che đi vẻ trắng bệch, bàng hoàng trên khuôn mặt bà.
“Thật kinh khủng, Harry à. Cha mẹ bị cướp. Trong phòng khách. Nhìn đi.”
Bà đưa Pat vào bếp, nhẹ nhàng né những câu hỏi về ông nội của nó, và tôi bước vào phòng khách, cố cứng rắn lên để chuẩn bị cho cảnh tượng cha tôi hấp hối trong một vũng máu đặc. Nhưng ông già nhà tôi đang đứng bên lò sưởi, khuôn mặt rám nắng nhăn lên khoái trá. Tôi chưa bao giờ thấy ông vui hơn.
“Chào Harry. Chúc mừng sinh nhật con trai. Con đã gặp các vị khách của chúng ta chưa?”
Ở dưới chân ông là hai cậu thanh niên, áp bụng trên thảm và tay bị trói sau lưng.
Thoạt tiên tôi tưởng mình nhận ra chúng - chúng có cái vẻ đe dọa phờ phạc mà tôi đã nhìn thấy trên mặt thằng bạn trai của Sally ở nhà Glenn, cho dù giờ thì bọn chúng trông không mấy đe dọa nữa - nhưng tôi chỉ nhận ra chúng thuộc loại người nào mà thôi. Giày đắt tiền, quần bò hiệu, tóc vuốt nhiều keo đến độ trông dinh dính và dễ gãy như vỏ ngoài của táo nhúng kẹo bơ cứng. Cha tôi đã trói chúng lại bằng đôi cà vạt mà tôi mua cho ông Giáng sinh năm ngoái.
“Gặp bọn này trên phố lúc trước. Đang chơi đùa. Nhưng hóa ra lại không phải chỉ có chơi đùa.”
Nhiều lúc có cảm giác như ông già tôi là người bảo tồn Anh ngữ. Cũng như tình yêu với từ lóng híp pi hết mốt, một điểm đặc biệt nữa trong cách nói của ông là ông sử dụng lối diễn đạt từ hồi trẻ mà những người khác đã vứt đi cùng với sổ gạo của họ.
Ông luôn nói những từ như chơi đùa - cách nói khó hiểu của ông để chỉ trò tinh quái, nhố nhăng và nói chung là lêu lổng - những từ đã hết thời cùng lúc với Đế quốc Anh.
“Bọn nó vào bằng cửa kính ngoài ban công, gan to như bò, trơ trẽn thật. Bọn nó tưởng không có ai ở nhà. Mẹ con đang đi mua đồ cho sinh nhật con - bà ấy có thịt nướng rất ngon đấy - còn cha đang chải chuốt ở tầng trên.”
Chải chuốt. Đấy là một từ nữa mà ông đang bảo tồn cho văn khố.
“Lúc cha đi vào thì bọn nó đang cố tháo đầu đĩa ra. Một đứa còn to gan định tấn công cha nữa chứ.” Ông đưa bàn chân đi dép nỉ thúc nhẹ cậu thanh niên gầy nhất, mặt cau có nhất. “Không phải sao, anh bạn?”
“Anh tôi sẽ giết cái thằng chó chết nhà ông,” thằng nhóc lẩm bẩm, giọng nó vang lên trong căn phòng tôi sống thời nhỏ nghe chói tai như tiếng đánh rắm trong nhà thờ. Có một vết bầm vàng tím đang hiện dần trên gò má đầy mụn của nó. “Anh ấy sẽ giết ông, ông già ạ. Anh ấy là đầu gấu đấy.”
Cha tôi cười phì thích thú thật sự.
“Phải thụi cho nó một phát đấy.” Cha tôi tung lên một cú đấm móc tay phải vạm vỡ vào không khí. “Một quả điếng người luôn. Nó tắt ngúm như một cái đèn. Thằng kia cố chạy trốn, nhưng cha đã tóm được gáy nó.”
Cơ bắp trên cánh tay xăm trổ của cha tôi cuồn cuộn dưới áo sơ mi ngắn tay trong lúc ông biểu diễn phương pháp tóm cổ một tên trộm vị thành niên. Ông có tên mẹ tôi trong hình trái tim xăm ở cánh tay này và hình dao găm có cánh của lính đặc công ở tay kia. Cả hai hình xăm đều đã mờ đi theo thời gian.
“Ấn nó xuống sàn. May thay lúc bọn này xuất hiện thì cha đang chọn xem nên đeo cà vạt nào. Mấy cái cà vạt con cho tiện ghê.”
“Trời ơi cha, nhỡ bọn nó có dao thì sao!” tôi nổi khùng. “Trên báo đầy những anh hùng thử-một-lần-chobiết bị giết hại vì ẩu đả với tội phạm. Tại sao cha không gọi cảnh sát?”
Cha tôi cười xòa. Đây sẽ không thành một cuộc cãi vã giữa chúng tôi. Ông đang quá mãn nguyện với bản thân.
“Làm gì có thời gian đâu Harry. Xuống nhà là bọn nó ở đây rồi. Bằng xương bằng thịt, trong nhà của cha. Như thế là hơi hư đấy, thật là.”
Tôi giận cha vì đánh nhau với hai thằng côn đồ, cho dù tôi biết là ông thừa sức giải quyết bọn chúng. Tôi cũng cảm thấy sự nhẹ nhõm đầy giận dữ như khi cuối cùng ta cũng tìm được một đứa trẻ đi lạc. Nhưng còn có một thứ khác nữa. Tôi ghen tị.
Tôi sẽ làm gì nếu nhìn thấy hai thằng du đãng này - hay một trong hàng triệu đứa như chúng - trong nhà mình? Liệu tôi có đủ can đảm và sự ngu ngốc hiếu chiến để đánh nhau với chúng? Hay tôi sẽ chạy mất dép?
Cho dù lúc ấy tôi có làm gì thì tôi cũng biết là mình sẽ không thể làm với sự chắc chắn của một đấng nam nhi như cha tôi. Tôi không thể bảo vệ nhà mình và gia đình mình giống như cha đã bảo vệ nhà ông và gia đình ông. Tôi không được như cha. Nhưng với tất cả lòng mình, tôi muốn được như vậy.
Cuối cùng thì cảnh sát cũng đến, đỗ trước nhà trong tiếng còi inh ỏi và đèn xanh da trời quay quay. Pat chạy ra ngoài để gặp họ, mắt mở to ngưỡng mộ.
Có hai người - một anh cảnh sát khỏe khoắn tầm tuổi tôi xem xét hành động anh hùng của cha tôi với vẻ bực bội âm thầm, và một cảnh sát nhiều tuổi hơn, nặng nề hơn ngay lập tức làm thân với ông già nhà tôi.
Thực ra cha tôi chưa bao giờ quá hâm mộ cảnh sát - tôi còn nhớ ông bị dừng xe vài lần vì lái quá tốc độ hồi tôi còn nhỏ, và ông lúc nào cũng tỏ thái độ khó chịu, không bao giờ cung kính, không bao giờ sẵn lòng nịnh bợ để có một cuộc sống yên lành. Bất kỳ lúc nào nhìn thấy xe cảnh sát rú còi trên đường, ông đều tỏ vẻ khinh bỉ. “Bọn họ chỉ đang về nhà ăn tối thôi,” ông nói. Nhưng giờ ông đang nhấm trà ngọt nóng với người cảnh sát nhiều tuổi hơn, hai người đọc Tin nhanh Chủ nhật đang ngồi cùng nhau, hai người đàn ông đích thực điềm đạm tự hỏi thế giới sẽ đi về đâu trong khi họ soi xét hai thằng du côn đang nằm yên vị dưới chân mình.
“Tất nhiên là ta có thể mường tượng ra xuất thân của bọn này,” cha tôi nói.
“Người mẹ sống bằng tiền trợ cấp,” người cảnh sát già đoán. “Người cha chắc đã biến mất nhiều năm trước. Đấy là nếu gã ta đã từng có mặt ở đó. Thế nên để nuôi những vật báu bé nhỏ này, nhà nước phải nhả tiền ra. Tức là tôi và anh đấy.”
“Quá phải. Và đừng tưởng là bọn này biết ơn vì được hỗ trợ bởi những người trả thuế. Thời này chỉ có quyền lợi thôi, phải không? Chỉ có quyền lợi mà không có trách nhiệm.”
“Ta nhìn thấy họ khắp nơi quanh mấy khu này. Đàn bà với hàng tá đứa con gào thét trong khi chẳng có lấy một chiếc nhẫn trên tay.”
“Kỳ lạ, phải không? Phải có bằng mới được lái xe. Phải có giấy phép mới được nuôi chó. Nhưng ai cũng có thể đưa một đứa trẻ đến với thế giới.”
Tôi vào bếp với mẹ và Pat, tự hỏi tại sao tất cả những công dân tử tế trên thế giới đều ác cảm với những người mẹ đơn thân như thế. Dẫu sao thì, tôi nghĩ, người mẹ đơn thân mới là người phụ huynh ở lại.
Cho dù có khả năng chén một đôi trộm cho bữa sáng, cha tôi không phải là một người đàn ông bạo lực. Ông không phải một cựu chiến binh đã bị chiến trường làm chai sạn như trong huyền thoại và phim ảnh. Ông là người đàn ông lịch lãm nhất mà tôi từng gặp trong đời.
Đúng là tôi đã nhìn thấy ông nổi điên vài lần. Tại một cửa hàng kẹo nơi mẹ tôi làm việc bán thời gian khi tôi ngang tuổi Pat, gã quản lý gàn dở không cho bà nhận điện thoại riêng từ bệnh viện khi cha bà, ông ngoại tôi, đang hấp hối vì ung thư. Tôi chứng kiến cha tôi túm lấy cổ họng gã quản lý - hay nắm thóp, như ông vẫn nói - và nhấc bổng hắn lên khỏi sàn nhà. Gã đàn ông đó tưởng cha tôi sẽ giết mình. Tôi cũng vậy.
Và có một số dịp khác - một gã trông bể bơi ngạo mạn đã nói mấy câu không phải khi tôi đang đeo một đôi phao tay đặc biệt gớm ghiếc, một gã đi xe máy lấn làn của chúng tôi khi cả nhà đang trên đường đến bờ biển trong một ngày thứ Hai nghỉ lễ nóng bức. Ông đã giải quyết bọn họ giống như cách ông đã giải quyết hai tên trộm mặt sần sùi. Nhưng ông chưa bao giờ đụng đến dù chỉ một sợi lông trên người tôi hay mẹ.
Chiến tranh luôn hiện diện, không thể chối cãi như mảnh đạn đen lởm chởm suốt cả đời vẫn cố gắng len ra khỏi cơ thể già nua rắn chắc của ông. Nhưng thời kỳ kịch tính thật sự của đời ông - những người bạn đã hy sinh trước khi đủ tuổi bầu cử, những người đàn ông ông giết chết, những thứ không thể tưởng tượng được mà ông từng nhìn thấy và từng làm - đã chấm dứt từ lúc ông qua tuổi thiếu niên. Cho dù tôi luôn nghĩ về ông như một chiến binh, một Đặc công Hải quân Hoàng gia với huân chương bạc trên ngực, cha tôi đã mang một hình ảnh khác trong năm mươi năm.
Sau chiến tranh cha tôi làm trong một ki ốt bán rau và hoa quả trong năm năm. Rồi ông lấy mẹ tôi và quản lý cái cửa hàng rau xanh ngay dưới căn hộ nơi cả hai đang sống, không con cái gì trong hơn một thập kỷ, tuyệt vọng cố thử có con nhưng nó nhất quyết không chịu ra đời.
Cuối cùng thì tôi xuất hiện, vào đúng lúc có vẻ như tôi sẽ không bao giờ đến, và từ ngày chúng tôi chuyển ra khỏi căn hộ nhỏ phía trên cửa hàng đến ngày ông nghỉ hưu, cha tôi làm quản lý sản phẩm cho một chuỗi siêu thị, đi khắp các cửa hàng ở Kent và Essex và East Anglia để đảm bảo là hoa quả và rau bán trên sạp đạt tiêu chuẩn khắt khe của ông.
Ông không phải một chiến binh đối với người đời. Nhưng ông là vậy đối với tôi. Và ông không hại đến một con ruồi. Chính xác là ông không hại đến một con ruồi. Có thể là vì ông đã nhìn đủ máu me cho cả đời, nhưng nếu có cái gì bay hay bò từ khu vườn được chăm nom cẩn thận của ông vào căn nhà ngoại ô nhỏ bé của chúng tôi, cha tôi sẽ cấm mẹ và tôi chạm vào nó.
Ông sẽ ngồi xổm bên một con bướm bị thương hay con kiến lạc đàn nào đó - hay con ong bắp cày hay con ruồi hay con chuột, không một sinh vật nào là quá thấp kém hay bẩn thỉu không đáng cho ông giải cứu - gẩy nhẹ nó cho vào tay hay hộp diêm hay lọ mứt, và đem nó ra cửa sau, nhẹ nhàng thả nó về với hoang dã trong khi mẹ và tôi hát giễu điệp khúc bài “Sinh ra trong tự do”.
Tuy rằng hai mẹ con cười ông, trái tim trẻ thơ của tôi vẫn ngất ngây niềm thán phục.
Cha tôi là một người đàn ông mạnh mẽ đã học cách trở nên dịu dàng, một người đàn ông đã chứng kiến cái chết đủ nhiều để biết trân trọng sự sống. Và tôi không thể cạnh tranh, tôi không tài nào cạnh tranh nổi.
Pat không chịu ăn cơm. Có lẽ là vì cuộc gọi của mẹ nó. Có lẽ là vì vụ trộm không thành. Nhưng tôi không nghĩ vậy. Tôi nghĩ có lẽ chỉ là vì thức ăn dở ẹc của tôi.
Tôi bắt đầu lo về chế độ ăn uống của thằng bé. Pizza mua về và bữa tối vi sóng mà tôi cho nó ăn thì có bao nhiêu chất dinh dưỡng chứ? Không nhiều. Lần duy nhất thằng bé ăn thứ gì đó gần giống với thức ăn tốt cho sức khỏe là khi chúng tôi đến nhà cha mẹ tôi hoặc ăn ở ngoài. Thế nên một tối tôi thử luộc một ít rau quả và lén thả vào mì Ý ăn liền của nó.
“Kinh quá,” cu cậu nói, săm soi viên da cam ở đầu thìa của mình. “Đấy là cái gì ạ?”
“Đấy được gọi là cà rốt, Pat à. Con phải nhớ cà rốt. Nó tốt cho con. Nào. Ăn hết đi.”
Nó đẩy đĩa ra xa với vẻ kinh tởm.
“Không đói,” nó nói, dợm bước rời khỏi bàn ăn.
“Đợi đã,” tôi nói. “Không đi đâu hết cho đến khi con ăn xong bữa tối.”
“Con không muốn ăn tối.” Nó nhìn viên da cam bơi trong đĩa mì sôi lục bục. “Cái này có vị kinh lắm.”
“Ăn đi.”
“Không.”
“Ăn đi nào con.”
“Không.”
“Con có ăn hay không nào?”
“Không.”
“Thế thì lên giường đi.”
“Nhưng bây giờ còn sớm ạ!”
“Đúng thế - bây giờ là giờ ăn. Và nếu con không muốn ăn thì con có thể lên giường ngủ.”
“Thế thật bất công!”
“Cuộc đời vốn bất công! Lên giường đi!”
“Con ghét cha!”
“Con không ghét cha! Con ghét đồ ăn cha nấu! Đi mặc đồ ngủ vào!”
Khi nó chạy vù ra khỏi bếp tôi giật lấy cái đĩa đồ ăn liền dở tệ cộng với rau đun quá lửa rồi đổ hết vào thùng rác. Rồi tôi giơ cái đĩa dưới vòi nước nóng cho đến khi nước làm bỏng da tôi. Thật lòng, tôi không trách nó vì không chịu ăn. Có lẽ mấy thứ này còn chẳng ăn được.
Tôi vào phòng ngủ của Pat, thằng bé đang nằm trên giường, quần áo vẫn chưa thay, thút thít khóc. Tôi dựng nó dậy, lau khô mắt nó và giúp nó mặc đồ ngủ vào. Nó đang chuẩn bị ngủ đến nơi - mắt nửa mở nửa nhắm, mồm phồng hết cả lên, đầu gật gật như một con chó lắc trên xe ô tô - nên ngủ sớm tối nay sẽ không hại gì cho cu cậu. Nhưng tôi không muốn nó đi ngủ khi đang ghét cay ghét đắng tôi.
“Cha biết là cha nấu không ngon lắm, Pat à. Không như bà ngoại, hay mẹ. Nhưng cha sẽ cố gắng hơn, được không?”
“Mọi người cha đều không biết nấu ăn.”
“Điều đó không đúng tí nào cả.”
“Cha không biết nấu ăn.”
“Ừ, đúng là vậy. Cha không biết nấu ăn. Nhưng có rất nhiều người đàn ông là những đầu bếp tuyệt vời - những đầu bếp nổi tiếng trong các nhà hàng sang trọng. Và cả những người đàn ông bình thường nữa. Những người đàn ông sống một mình. Những người cha của các bé gái và bé trai. Cha sẽ cố gắng để giống họ, được không? Cha sẽ cố nấu những thứ ngon mà con thích. Được không, con yêu?”
Nó quay đầu đi, sụt sịt không tin một việc khó tin quá mức như vậy. Tôi biết nó cảm thấy thế nào. Tôi cũng không tin nổi câu đó. Tôi ngờ rằng cả hai cha con sẽ phải xây dựng một tình yêu lớn lao với bánh mì kẹp.
Tôi dẫn nó ra phòng tắm để đánh răng, và khi chúng tôi quay lại tôi đã xoay xở để nhận được một cái thơm ngủ ngon miễn cưỡng từ thằng bé. Nhưng nó không thích thú gì chuyện làm lành. Tự nhủ bản thân là đến sáng nó sẽ quên sạch món cà rốt ghê tởm của mình, tôi đắp chăn cho nó và tắt điện đi.
Tôi quay ra phòng khách và nằm phịch lên xô pha, biết là mình phải đi làm lại. Sáng nay, một bản sao kê ngân hàng vừa đến. Tôi còn không dám mở nó ra.
Họ đã sa thải tôi theo cách hiện đại - bằng cách để hợp đồng của tôi hết hạn và chỉ ném cho tôi tiền lương một tháng. Chỗ đó đã hết. Thế nên tôi phải đi làm lại vì chúng tôi rất cần tiền. Nhưng tôi cũng cần đi làm lại vì đấy là thứ duy nhất trên đời này mà tôi còn giỏi đôi chút.
Tôi cầm một tờ báo ngành lên và giở ra trang tuyển dụng, khoanh tròn các công việc sản xuất trong ngành phát thanh và truyền hình trông có vẻ hứa hẹn. Nhưng sau vài phút săn việc không tha thiết tôi đặt tờ báo sang một bên, xoa mắt. Bây giờ tôi quá mệt để nghĩ về nó.
Đế chế phản công vẫn đang bật trên đầu video - một trận chiến giữa thiện và ác trong tuyết ở một hành tinh xa xôi nào đó. Cho dù thứ này là một âm thanh nền ồn ã dai dẳng trong cuộc sống của chúng tôi và có những lúc làm tôi có cảm giác như mình đang mất trí, thì tôi vẫn quá kiệt sức để tắt nó đi.
Trận đánh chuyển từ hoang mạc băng giá đến đầm lầy tối tăm sủi bọt nào đó nơi sư phụ già nua thông thái đang dạy bảo Luke Skywalker về định mệnh của anh ta. Và tôi đột nhiên nhận ra Luke có bao nhiêu hình mẫu người cha, những hình mẫu có vẻ đã bao quát được tất cả các trường hợp có thể về một người cha.
Có Yoda, lão tiền bối nhăn nheo có những lời khuyên đúng đắn phát ra từ đôi tai nhọn hoắt màu xanh. Và rồi có Obi-Wan Kenobi, người kết hợp những bài học đạo đức giản dị với tình thương cho roi cho vọt cổ điển.
Và cuối cùng là Darth Vader, Chúa Tể Hắc Ám đội mũ đen của dân Sith, đây chắc là người thể hiện tinh thần của thời đại này hơn cả - người cha vắng mặt, người cha hờ hững, ông già ích kỷ, đặt ý muốn của mình - trong trường hợp của Cha Vader là khao khát chinh phục vũ trụ - cao hơn bất kỳ trách nhiệm của người làm cha làm mẹ nào.
Ông già nhà tôi chắc chắn là loại Obi-Wan Kenobi. Và đấy là kiểu người cha mà tôi muốn trở thành.
Nhưng tôi thiếp đi trên xô pha, xung quanh là những trang tuyển dụng, ngờ rằng mình sẽ luôn luôn giống người đàn ông đội mũ đen hơn, một người cha không đủ bình tĩnh, không đủ thời gian, vĩnh viễn bị lạc sang phe bóng tối.
Cha & Con Cha & Con - Tony Parsons Cha & Con