Những trận chiến lớn nhất chính là những trận chiến trong tâm trí chúng ta.

Jameson Frank

 
 
 
 
 
Tác giả: Antoine Audouard
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 32
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1141 / 11
Cập nhật: 2017-08-09 10:29:08 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2
háng Giêng năm 1946.
Sainteny vừa chỉ cho tôi xem những gì anh ghi chép trong tháng: 12 vụ âm mưu đầu độc, 14 vụ trộm cắp có vũ khí, 15 vụ trộm cắp lớn, 54 vụ tấn công do người An Nam gây ra, 33 vụ tấn công do người Tàu gây ra, 3 vụ bắt cóc sau đó được phóng thích, 8 vụ bắt giữ sau đó được phóng thích...
Đó là cuộc sống của người Pháp tại Hà Nội. Từ khi anh chấp nhận trở thành Cao ủy Bắc Kỳ, vì cả Leclerc và D’Argenlieu nài nỉ, anh còn quan tâm đến tất cả những chuyện đó hơn nữa - và cả việc Paris tiếp tục lờ đi, rõ ràng ở đó người ta đang quan tâm đến chuyện khác. Anh chắc rằng cứ sau mỗi lần anh đi Sài Gòn ít ngày, tình hình lại tệ hơn.
Các lính trong thành không còn bị cầm tù nữa, chính thức mà nói thì cả 20.000 người Pháp sống ở đây cũng vậy. Thế mà họ vẫn luôn là tù nhân: từ lòng tốt của một anh bồi, khi màn đêm buông xuống, vứt túi đồ đi chợ qua tường để không bị phát hiện, từ những lời kêu gọi giết chóc phát ra từ đài phát thanh Bạch Mai được các loa phóng thanh tiếp sức, đến áp lực từ những ánh mắt, những tiếng thét, những dòng chữ: “Cút đi! Chúng tao không muốn chúng mày có mặt ở đây nữa.”
Những cuộc chuyện trò giữa tôi và Messmer, khiếu hài hước cười ra nước mắt khi anh kể lại sự nghiệp bi hùng của mình tại Bắc Kỳ, việc anh ở tù, cái chết của người bạn đồng hành Brancourt; nỗi kinh ngạc của anh khi cứ tưởng tìm lại được “dấu vết của nước Pháp” ở khắp những nơi mình đi qua nhưng thực ra lại chẳng còn gì. Còn trầm trọng hơn cả sự thù địch: đó là sự thờ ơ. Tôi hỏi anh rằng liệu khi trở về anh có nói tất cả những điều đó với tướng De Gaulle không? Anh nheo mắt. “Khi Ngài muốn nghe, anh bạn Costes thân mến, thì Ngài sẽ hết sức lắng nghe. Còn khi Ngài không muốn... - Liệu Ngài có lắng nghe không?” Anh nhún vai, điều đó hàm ý tất cả.
Người Tàu của tướng Lư Hán không át được danh tiếng châu chấu của họ. Tất cả đều phải biến mất ở mọi nơi họ đi qua: đồ dự trữ và đạn dược, vòi nước và thậm chí cả đường ống... Tôi gặp họ, những người nông dân trẻ chẳng có gì ấy, và tôi càng nghĩ rằng những người nghèo nhất vẫn sẽ là những người nghèo nhất.
Người Tàu sẽ ra đi... Nhưng sẽ còn lại gì?
Về phía Việt Minh, tôi chỉ còn biết suy tư. Sainteny đã gặp Hồ Chí Minh và cả anh cũng rất ấn tượng về con người này. Nhân chuyến đi Sài Gòn lần đầu, anh đã thẳng thắn nói với đô đốc D’Argenlieu rằng đối với anh đây là người đối thoại đáng tin duy nhất, ngay cả khi người này có những vùng tối mà chúng ta mới bắt đầu tìm hiểu. “Một thủ lĩnh quân sự ư? đô đốc cười khẩy. Ở miền Bắc, chỉ là một đạo quân với xiên và giáo, còn ở miền Nam thì vẫn tiến hành khủng bố chẳng thay đổi gì: ông gọi cái đó là quân đội sao?” Đô đốc trong tâm trạng tồi tệ nhất là vậy, ủ ê đến mức ngu xuẩn. Thế mà ông chẳng hề phản đối những cuộc đàm phán đang diễn ra. Còn về phía Leclerc, dĩ nhiên rồi, ông hoàn toàn ủng hộ chúng tôi.
Ở đây, chúng tôi có cảm tưởng rằng sự lựa chọn từ ngữ là cốt tử; còn ở đó, tại Sài Gòn - và xa hơn nữa là ở Paris - họ khiến chúng tôi nghĩ rằng những từ ngữ phải chọn lựa ấy là một trò giải trí để câu giờ. Tuy nhiên, bản chất của vấn đề khá rõ ràng: Sainteny chưa nói ra từ “độc lập” mặc dù trong đầu ai cũng hiển hiện từ đó, nhưng anh muốn tin vào điều mà người kia hứa với anh: tự do và thống nhất cho đất nước họ, đổi lại bảo đảm quyền lợi của nước Pháp và việc tham gia vào Liên hiệp Pháp mà ngay cả chúng tôi, thành thực mà nói, cũng chẳng hiểu rõ lắm.
8 tháng Hai.
Tại Paris, tướng De Gaulle rút khỏi chính quyền đã được vài hôm. Ông để chúng tôi lại trong mớ bòng bong tệ hại. Messmer đã có lúc nản chí, tuy ông vốn không phải là người như vậy. Tất cả chúng tôi đều cảm thấy đơn côi, bị bỏ rơi - dù sao anh ấy từng là đèn hiệu cho chúng tôi trong suốt những năm đen tối ấy (đấy là tôi bắt đầu áp dụng phép ẩn dụ theo kiểu D’Argenlieu...). Chúng tôi đang ở đâu? Đôi khi tôi tự nhủ rằng tình hình có khá hơn chút đỉnh so với hồi tháng Chín, khi chúng tôi vừa mới tới. Như bà tôi từng nói: con người vĩ đại nhưng khả năng có hạn. Để giành lại Bắc Kỳ, Leclerc không ngừng nhấn mạnh rằng cần phải có 300.000 quân. Thế còn sau đó? Để làm gì? Tôi không ngừng bị dằn vặt: tôi không thể quên người phụ nữ ngoài bốn mươi bị bỏ đói ấy, người đã phải sai cô con gái bé nhỏ đến chỗ tôi. Chúng tôi đã kéo bà ra khỏi tình cảnh đó, và bà là một trong những người được ưu tiên trên những chuyến tàu đầu tiên đi Pháp. Hai tháng tới bà sẽ cập bến Marseille hay Toulon. Để có một cuộc sống mới. Tôi sinh ra tại đây, thưa ông. Vậy thì, bà sẽ phải chấp nhận, dù muốn hay không, rằng đó là một ảo ảnh.
Tôi không thể phán xét họ, tôi không thể quên họ, những đồng bào của tôi, bị sỉ nhục, bị bỏ rơi. Nghĩa vụ đầu tiên của tôi là giúp đỡ họ - nghĩa vụ là từ chuẩn xác.
Nhưng tôi phải nói rằng đây thực sự là tình trạng bỏ rơi, ý nghĩ rằng nạn đói đã khiến cho một triệu, có thể là hai triệu, người chết trong khu vực là không thể chịu đựng được. Chúng tôi không chịu trách nhiệm về việc đó; nếu phải chỉ ra kẻ chịu trách nhiệm thì có lẽ đúng hơn là quân Nhật, những kẻ đã trưng thu lúa gạo, đã bắt dân trồng đay để phục vụ nhu cầu may mặc của chúng. Nhưng chúng tôi có “sự ủy trị” giành được bằng vũ trang và chúng tôi đã không thể đảm đương nổi việc đó. Gần một thế kỷ đô hộ của chúng tôi kết thúc trong tán loạn và khắp nơi đọng lại ấn tượng rằng các thể chế mà chúng tôi tưởng chừng vững chắc đó, khối đồng minh mà chúng tôi mơ là thân tình ấy, tất cả đều đã sụp đổ. Hơn nữa, làm thế nào cưỡng lại được cơn sóng này? Chúng tôi dựa vào những nguyên tắc quốc tế nào nếu không để cho họ sống như họ mong muốn? Họ viện tới chúng tôi để yêu cầu chúng tôi ra đi: dù rằng trong việc này có chút toan tính nhưng một giọng nói bảo với chúng tôi rằng họ không thể sai được. Tôi biết người ta kết tội những người cộng sản vì điều gì và điều đó đã được minh chứng rõ ràng. Vấn đề rất đơn giản: họ là những người mạnh nhất và thông minh nhất. Nguyễn Ái Quốc, trước đây người ta gọi Bác Hồ như vậy, đã tìm thấy ở Lê Nin phương pháp giành chính quyền; ông xây dựng hình ảnh bản thân theo Khổng Tử và các nhà thơ Trung Hoa; ông trích dẫn những câu hùng hồn của Robespierre và các ông tổ tạo dựng nền độc lập Hoa Kỳ. Đây không còn là quán ăn Tây Ban Nha(1) nữa mà là quán ăn Bắc Kỳ. Vả lại, khi ta nói câu gì khiến ông quan tâm, ta cảm thấy ở ông có một sự tập trung đặc biệt. Trán nhăn lại, cặp mắt nheo nheo và ông lĩnh hội: việc đó lúc nào cũng có ích. Thêm vào đó, ông đối lập với những kẻ cơ hội quốc gia chủ nghĩa được bên này bên kia tài trợ mà chúng tôi từng gặp: một cây sậy nương theo mọi cơn gió lốc mà không hề thay đổi vị trí. Và ngược lại với những gì mà tất cả những kẻ hay bực tức khẳng định, cây sậy sẽ không bị gãy - tôi đoan chắc như vậy.
Thỉnh thoảng tôi có gặp ông và tôi đánh giá mối quan hệ Việt-Pháp thông qua thái độ tiếp đón của ông, từ chỗ hết sức nồng nhiệt đến lạnh nhạt, thậm chí coi như không hề quen biết. Tôi học cách không bất bình trước những thay đổi tính khí thái quá của ông. Ông đặc biệt nguy hiểm khi có hứng tâm sự; hẳn là sai lầm khi tưởng rằng mối quan hệ cá nhân như vậy sẽ trở nên vững chắc trong cảm giác thân mật của những khoảnh khắc hiếm hoi đó. Bản chất của dối trá nằm chính trong sự chân thành.
Khi tôi đang trải qua một trong những khoảnh khắc ấy - ông gợi lại những năm tháng tuổi trẻ của mình ở Pháp - thì người ta thông báo có người đến thăm. Đó là bà quả phụ của một nhân vật bị ám sát vào mùa thu năm ngoái, ông Phạm Quỳnh nào đó, nhà trí thức, nhà văn Pháp ngữ, Thượng thư Bộ Học rồi Thượng thư Bộ Lại của “chính quyền bù nhìn” Bảo Đại (sử dụng thuật ngữ của họ) dưới thời Nhật chiếm đóng. Một trong số rất nhiều những người bị cơn bão táp cuốn đi. Tôi muốn ra về nhưng ông không muốn. Ông lắng nghe bà nói rất lâu, một cách thân tình, trước khi lên tiếng: bằng tiếng Việt, dĩ nhiên rồi, và tôi không hiểu. Hồ Chí Minh có đôi mắt ướt và nhờ lòng trắc ẩn chân thành, sâu sắc ấy, ông thu được nhiều hơn mọi sự toan tính. Kết thúc cuộc trò chuyện, thật hợp lý nếu ông không cổ vũ bà tham gia cuộc cách mạng đang diễn ra. Tôi hỏi xem ông đã nói gì với bà ấy. Ông cười với tôi. “Thưa bà, thật khủng khiếp.”
Điều ngạc nhiên tại khách sạn Métropole ngày hôm qua: tôi đã gặp chàng trai Pierre Garnier, con trai ông bạn thân Louis của tôi. Bối rối. Tôi quan sát cậu.
Người ta giới thiệu với tôi, cậu là phóng viên của tờ Tự do!, tờ báo của quân đội Pháp tại Viễn Đông. Tôi bị sốc và chẳng nói gì: sự giống nhau về ngoại hình giữa hai cha con thật rõ như ban ngày. Vài lời sáo rỗng và sau khi hắng giọng, tôi hỏi chuyện về bố cậu. Cậu tái đi - tái đến nỗi tôi tưởng cậu sắp lịm đi đến nơi rồi. “Chú đã gặp bố cháu ư? - Có gặp trước chiến tranh. Đó là, ờ, chú nghĩ có thể nói rằng chú với bố cháu là bạn bè. Tóm lại, chú với bố cháu gặp nhau tại Luân Đôn, năm 1938. Chú sống ở đó một năm - một năm tuyệt vời - ông ấy chơi nhạc ở Royal Albert Hall.” Tôi đang chìm đắm vào những ký ức năm ấy thì bình tâm ngay khi bắt gặp cái nhìn chăm chú của cậu. “Bọn chú ngay lập tức thấy hợp nhau. Sau này, bọn chú gặp lại nhau tại Paris, ông ấy đã nói với chú về cháu và mẹ cháu.” Trời ơi - những câu nói ấy phát ra dối trá một cách ghê tởm, thực tế ông ấy chưa bao giờ nhắc đến vợ, và tôi đã gặp ông ấy với Katia... Mặc dù vào giai đoạn đó tôi chẳng biết gì về bản chất thực của sự mối quan hệ giữa hai người họ, nhưng chỉ cần liếc mắt là biết ngay hai người đó yêu nhau. Tôi vội nói tiếp: “Lần cuối chú gặp bố cháu là vào ngày 14 tháng Sáu năm 1940. Ông ấy đã chơi bản La Marseillaise cho chú nghe ngay trước khi chú ra đi - trước khi chú rời nước Pháp. Chú phải tìm một chỗ trú chân tạm thời và ông ấy thật tử tế khi đón chú về căn hộ của gia đình cháu trên đại lộ Simon-Bolivar. Chú thực sự không biết tại sao ông ấy ở Paris... Chú nhớ rằng hình như ông ấy đi công tác và ông ấy bị kẹt lại ở đó - chẳng còn nhiệm vụ gì nữa, chẳng còn quân đội Pháp xứng với tên gọi đó, chỉ còn một đất nước bại trận... Bọn chú trò chuyện rất lâu về những gì cần phải làm. Bản năng của chú là phản kháng, chú có mối quen biết ở Luân Đôn và chú muốn đến nơi đó. Chú rủ bố cháu đi cùng nhưng ông ấy từ chối. Ông ấy nói phải tìm cách quay về Saint-Gabriel để gặp lại cháu và mẹ cháu.” Tôi không ngừng cắn môi để không buột mồm nói hớ. Cái tên Katia, Katia không ngừng ở trên đầu lưỡi. Liệu cậu con trai có biết chuyện đó không? Và ngay cả khi cậu có biết chăng nữa thì tôi cũng không việc gì mà phải nói với cậu về chuyện ấy. Một người đàn ông - nhưng còn quá trẻ... “Sau đó, chú đưa cho ông ấy chìa khóa xe ô tô của chú và bọn chú tạm biệt nhau. Chính khi ấy bố cháu chơi bản La Marseillaise... Chú không có tin tức về ông ấy kể từ đó.” Tôi không dám đặt câu hỏi chỉ chực nhảy ra khỏi miệng. “Xe ô tô của chú ư? cậu nhẹ nhàng hỏi, có phải là chiếc Juvaquatre không?” Tôi gật đầu. “Bố cháu qua đời vì tai nạn ô tô một tuần sau đó.” Một tiếng nói trong thâm tâm giày vò tôi: thế còn Katia, cô ấy ra sao rồi? Nhưng tôi vẫn mím chặt môi rồi nắm tay cậu ta. “Chú rất tiếc, Pierre, nếu chú có thể làm được điều gì...” Cậu cảm ơn tôi.
Sự giống nhau: đôi bàn tay giống nhau, vừa mạnh mẽ vừa thanh mảnh, nơi sự căng thẳng luôn kèm trong mỗi động tác, mỗi lời nói; ánh mắt đen giống nhau, cháy rực, cứ như đòi người khác tiết lộ những điều cốt yếu. Có điều, cậu con trai không có sự u sầu vốn choán đầy đáy sâu tâm hồn người cha, cho ông tài năng âm nhạc và dẫn ông đến với sự bất lực, hẳn là thế. Có gì đó mãnh liệt hơn, dữ dội hơn, nguy hiểm hơn.
Tôi thấy rõ là cậu ta còn muốn hỏi tôi thêm về người bố nhưng cậu không biết phải hỏi thế nào. Tôi nói với cậu những gì có thể. Sau này, có lẽ vậy. Chúng tôi đang ở trong thời kỳ không dành cho những trái tim yếu mềm. Tuy vậy. Bất kỳ lúc nào cũng sẽ là lúc phù hợp.
Người ta nói với tôi rằng cậu đã rời Sài Gòn đúng lúc bởi cậu đã quyến rũ một phụ nữ mà cậu không được quyến rũ và tốt hơn hết là phải rời xa người đó.
Tối đến, còn lại một mình, tôi nghĩ đến cậu, bị ám ảnh bởi vẻ đột ngột tái xanh của cậu khi biết tôi quen cha cậu. Tôi tự nhủ: “Nó đáng tuổi con mình”, và rồi tôi mỉm cười: chúng tôi chênh nhau mười tuổi, có thể là mười hai. Thế thì tôi làm cha mới sớm làm sao! và rồi, hết sức ngạc nhiên, tôi thấy cổ họng mình nghẹn đắng.
10 tháng Ba.
Mọi chuyện diễn ra rất nhanh. Bị cuốn lên phía trước bởi một phong trào mà chúng tôi làm như chế ngự được: chúng tôi không biết, chúng tôi chẳng biết gì, chúng tôi bơi hết sức theo dòng chảy.
Tôi đi Sài Gòn lần đầu cùng Sainteny. Trên đèo Hải Vân - một vùng xáo động áp suất nơi Bắc-Nam giao thoa. Đấy, chúng tôi ở chính chỗ đó: trên đèo Hải Vân.
D’Argenlieu: rõ là có điều gì đó dối trá khiến tôi ghê tởm, có thể là dại khờ bởi vì đó là một “người tin vào Chúa” (thậm chí nếu tôi không tin thì ít nhất ông ta cũng phải tin vào Chúa). Sainteny cho là tôi phóng đại. D’Argenlieu muốn chúng tôi thương lượng, ông ta muốn chúng tôi thành công (phải chăng là để nhận công trạng về mình), ông ta hiểu được sự cần thiết phải ký kết một hiệp ước để Leclerc quay lại Bắc Kỳ - gần như là bất kỳ hiệp ước tạm thời nào với điều kiện nó không can hệ đến chính ông ta. Dạy cách giải quyết các vấn đề khó xử. Cảm giác thường trực rằng đang có một mục đích bị che giấu, chỉ mình ông ta biết, rằng ông ta không thể chia sẻ với những người ngây thơ. Cảm giác được khẳng định: ông ta lộ ra với chúng tôi rằng ông ta vẫn tiếp tục trao đổi thư từ với tướng De Gaulle. Ông ta mỉm cười: “Sẽ không có chuyện bỏ rơi. Chúng ta sẽ không để điều đó xảy ra.” Khi chúng tôi ra về tôi nổi khùng lên và Sainteny bảo tôi giữ bình tĩnh. Cần phải tin tưởng. Anh nghĩ rằng tính hợp lý của một hiệp ước sẽ kéo theo tất cả và tất cả mọi người, những kẻ đạo đức giả và những người chân thành, những người cuồng nhiệt và những kẻ hững hờ.
Cũng ngày hôm đó chúng tôi gặp Leclerc. Đó lại là chuyện khác: “Thế là tốt, ông nói với Sainteny. Các ông đã không để chúng tôi rơi vào giữa cuộc chiến.”
Trở lại Hà Nội. Tôi gặp lại cậu con Garnier và nói chuyện với cậu. Tôi cứ gọi cậu là Louis và cậu phải chỉnh tôi. “Pierre”, cậu nói, giấu đi vẻ bực bội. Cậu chẳng có ý niệm thực sự nào về người là cha mình và cậu cứ vật lộn mãi với hình bóng của ông. Cậu mò mẫm bám lấy những sự thật nửa vời mà cậu không thực sự tìm kiếm. Giữa lúc trò chuyện, tôi hỏi cậu biết tin bố mất như thế nào. “Người phụ nữ ấy đã đến,” cậu nói - và trước sắc giọng của cậu, tôi co rúm người lại, hiểu rằng cậu nói đến Katia. “Chú biết cô ấy. Tại sao chú không nói gì?” Thế là tôi đỏ mặt. Tôi muốn bảo vệ cậu nhưng lại gây tổn thương. Tôi buông tiếng thở dài và quyết định sẽ chân thành - rốt cuộc, chân thành hết mức. “Chú thực sự không biết có chuyện gì giữa họ. Làm sao giải thích được chuyện đó cho cháu đây? Chú cảm thấy rất gần gũi cha cháu, và chú nghĩ rằng cha cháu cũng vậy. Nhưng không có sự thân mật thực sự giữa bọn chú. Kể về đời tư của mình với chú không phải là kiểu của ông ấy, và chú cũng không có cái kiểu chất vấn ông ấy. Chú chỉ biết rằng cô ấy từng là học sinh của bố cháu, rằng bố cháu đã dạy cô ấy ở Nhạc viện, và rằng họ gặp lại nhau. Một câu chuyện buồn cười: ông ấy yêu cầu cô ấy không được quay lại vì cô học hành chưa đủ cần mẫn. Họ có yêu nhau không? Chắc chắn là có. Chú trở thành bạn của cả hai người và, thành thực mà nói, chú có phần nào yêu cô ấy. Có những người phụ nữ gợi đam mê cho cháu đến nỗi họ chỉ để cháu lại gần, nhưng có gì đó trong họ không chào đón cháu và cháu cứ ở bên ngưỡng một cảm xúc mãnh liệt, không hẳn thất vọng, chẳng ra hạnh phúc.” Cậu ta chẳng quan tâm đến các lý thuyết về tình yêu của tôi mà sẵng giọng ngắt lời. “Họ có ở bên nhau vào tháng Sáu, khi chú đến ở nhà cháu không? - Có.” Tôi có cảm giác như là thù ghét cậu ta. “Cháu muốn biết họ có ngủ với nhau không chứ gì?” Một biểu cảm ngạc nhiên và đau khổ trên khuôn mặt cậu ta. “Chú không dám chắc.” Cậu cười buồn bã. “Nếu biết chuyện đó, có lẽ chú sẽ nói với cháu nhưng chú không biết, chú cam đoan với cháu.” Louis đã chết, Katia biệt tích, Pierre định gán ý nghĩa cho những thứ chẳng hề có nghĩa - đó là cuộc sống thời chiến, hay có thể chính là cuộc sống, ai mà biết được?
“Kể cháu nghe về Paris đi,” cậu đòi hỏi một cách tàn nhẫn. Biết bao chuyện để nói về mấy ngày đó. Mùi khói gần kè Orsay(2) khi họ bắt đầu đốt các tài liệu lưu trữ trong cơn hoảng loạn. Các bao cát sát các công sở để chuẩn bị cho một cuộc phòng thủ chưa từng xảy ra. Lời tuyên bố viết trên các bức tường: Paris được tuyên bố là thành phố mở. Một buổi đi dạo với Katia trên đồi Buttes-Chaumont, một điệu vũ, một nỗi buồn. Cậu ta nóng lòng chờ đợi. “Chú còn nhớ một đàn bò vô chủ đi lang thang trên đại lộ Henri-IV, và thậm chí chúng chẳng thèm dừng trước đèn đỏ.” Cuối cùng Pierre cũng hết căng thẳng. Không còn câu hỏi cho ngày hôm nay nữa. Chúng tôi uống một hai ly gì đó rồi tôi dẫn cậu ta đi. Giờ đây cậu ta theo tôi khắp nơi, đến nhà người Pháp, người Việt, người Tàu.
Đó là anh lính chẳng muốn làm lính, chỉ tham gia các trận cuối cùng - và còn chưa tham gia vào trận đánh cam go nào - trước khi chiếm đóng nước Đức. Sau đó cậu xung phong đi Đông Dương. Cậu đã trải qua rất nhiều cuộc chiến nhưng không phải là một người của chiến trận. Cậu đã chứng kiến quá nhiều chuyện nhưng cậu không giết người. Cậu phải chịu cảnh lửa đạn nhưng cậu không bắn. Cậu mang những vết sẹo mà không hề bị thương. Nhát gan ư? Tôi không nghĩ như vậy. Cậu bị giày vò bởi khát khao chủ nghĩa anh hùng mà đối với cậu đó là chủ nghĩa lý tưởng gần như cuồng nhiệt. Cậu hiếu động, hoàn toàn tuyệt vọng nhưng rất, rất có duyên.
Một đêm, rốt cuộc cậu cũng kể cho tôi nghe vụ việc ở Sài Gòn: để tiêu khiển. Khi ở đó cùng với Sainteny và Pignon, tôi đã gặp Blaizot tại bữa tiệc chiêu đãi ở dinh Norodom. Một con người nguy hiểm. Không phải vì ông ta làm cho tôi sợ nhưng theo bản năng tôi biết rằng với những người như thế này, cần phải giữ khoảng cách. Vậy thì ngủ với vợ ông ta chẳng khác nào tự chuốc lấy phiền toái...
Nhờ tôi bố trí, Garnier qua đêm với một cô gái An Nam, một trong những cô mà chúng tôi vẫn dùng; cô biết những gì phụ nữ ở đây biết và từ sâu thẳm những mưu tính cô vẫn giữ được sự trong trắng, sự đa cảm khiến ta rung động. Tôi hy vọng cậu ta cho mình được hưởng thụ cô gái, nhưng không quá. Cô chỉ kể tôi nghe chuyện đáng ngạc nhiên ấy, nhưng cô thì chẳng còn ngạc nhiên vì bất kỳ chuyện gì nữa: cậu ôm cô vào lòng suốt đêm mà chẳng thử làm gì. Cậu từ chối massage, từ chối để mình được ve vuốt. Thế rồi đến rạng sáng, khi cuối cùng cô cũng ngủ thiếp đi thì cậu chiếm đoạt cô trong giấc ngủ, một cách gần như phũ phàng, việc mà cô chẳng hề ghét. Sau đó cậu run rẩy, như trong những cơn dông sấm chớp mà không mưa vậy.
Càng gần đến hạn - vì những câu chuyện không hay ho gì về thủy triều, ngày 6 tháng Ba, chứ không muộn hơn, chính là ngày Leclerc phải cập cảng Hải Phòng - thì cuộc đàm phán trở nên càng khó khăn và thú vị hơn. Chúng tôi nghe được những tin đồn từ Sài Gòn, tức là từ những người thân cận của đô đốc: chúng tôi là những người tán thành hiệp ước Munich, đến để tái thiết, chúng tôi đang phục tùng. Sainteny cuối cùng phải bày tỏ tâm sự với Leclerc về chuyện đó. Người đàn ông mắt xanh dương: Chẳng có gì quan trọng. Sainteny: Nhưng nếu phải đi xa hơn? Leclerc: Thì chúng ta sẽ đi. Sainteny: Nhưng nếu như từ độc lập trở thành hiện thực? Leclerc: Thì từ ngữ dùng vào việc đó mà.
Cuối cùng chuyện đó là không cần thiết và chúng tôi thoát nạn nhờ vào làn sóng “Nhà nước tự do”. Chúng tôi không ngốc và người Việt cũng vậy: một Nhà nước tự do cuối cùng cũng buộc phải độc lập, nếu không thì không phải là Nhà nước tự do.
Gặp lại Giáp trước hôm Leclerc tới: đôi mắt đen ngời sáng, như hòn than rực cháy. Ông vừa phát hiện ra rằng “đoàn tùy tùng danh dự nhỏ gọn” dự kiến đi cùng Leclerc thực ra là một sư đoàn thiết giáp. Tôi cảm thấy ông bị giày vò bởi cơn giận mà ông khó khăn lắm mới kiềm chế được; nhưng đồng thời ông cũng lạnh lùng, trí tuệ ông ngự trị tất cả và nhìn thấu tất cả. Ông nhận ra tôi: tôi đang đợi nhà thơ trở thành bộ trưởng. Những người cộng sản lại mang sắc màu “thống nhất quốc gia”; chúng ta hãy chờ cho họ nắm chắc chiến thắng và hãy xem chuyện gì xảy ra với mục đích thống nhất đất nước của họ.
“Ngày mai Leclerc sẽ tới đây,” Giáp nói mà không hướng về riêng ai - nhưng tôi chỉ có một mình trong phòng đợi được trang trí cờ đỏ và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Tôi sẽ ở bên cạnh ông ấy. Chúng tôi sẽ cùng trở về Hà Nội và xe ô tô của chúng tôi sẽ được cắm cờ Pháp và cờ Việt Nam. Đồng chí nghĩ sao về tất cả chuyện này? (Từ ít lâu nay chúng tôi chuyển sang cách xưng hô thân thiện giữa những người cách mạng.) - Có thể thành công. Sẽ là một điều kỳ diệu nếu chúng ta làm được, nhưng chúng ta vẫn có thể thành công. Và việc này thật bõ công thử, vì hòa bình. - Đồng chí nghĩ rằng chúng tôi muốn gây chiến ư? - Làm sao mà tôi biết được? Có thể có thì sao?” Ông vòng cánh tay ôm lấy tôi, không nhẹ nhàng như Hồ Chí Minh, mà ghì chặt, gần như gây đau. “Đồng chí biết những gì chúng tôi muốn và đồng chí biết chúng tôi sẽ làm được. Chúng tôi đã để một đội quân xâm lược đặt chân vào chứ không phải ai khác. - Bởi vì các ông không có khả năng chống lại. - Có thể, bây giờ thì không. Cái ông Leclerc này như thế nào? - Ông ấy sẽ khiến đồng chí hài lòng, Giáp ạ. Đó là một người Pháp mới đích thực. - Tôi bắt đầu tự vấn xem liệu thực sự có những người Pháp mới ấy không. Có thể tin tưởng ông ấy được không? - Có, dĩ nhiên rồi. - Nhưng có phải ông ấy là người quyết định không?” Tôi cúi xuống nhìn chân. “Đồng chí không trả lời. Vấn đề là ở chỗ đó: khi chúng tôi gặp được một người tử tế phía các đồng chí thì người đó lại không có quyền lực.” Giáp đã khép mình lại, quay đi.
Buổi tối, ăn một bát xúp với Garnier. Người Pháp đổ ra đường từ khắp nơi, những con chuột phải ẩn núp quá lâu trong cống. Có những lá cờ xanh, trắng, đỏ và những cô gái khiêu vũ đến tận trong vòng tay chúng tôi. Tất cả chúng tôi đều nghĩ đến tháng Tám năm 1944, giải phóng Paris, vẫn còn rất gần, thế mà đã rất xa. Người Pháp nói: “Leclerc đến rồi. Bây giờ cơn ác mộng qua rồi.” Tôi muốn đáp lại họ rằng: “Bây giờ những nỗi buồn phiền mới bắt đầu,” nhưng tôi sẽ không làm hỏng ngày hội của họ... Cứ để họ nhảy nhót cả đêm đi, cái đêm êm dịu đầy ảo tưởng ấy... Sau tất cả những gì họ đã phải chịu đựng suốt những tháng qua... Garnier tư lự, chẳng bị cuốn theo bầu không khí hưng phấn xung quanh, cũng như tôi. Cậu đăm chiêu suy nghĩ. Cậu muốn chúng tôi tiếp tục nói thêm về bố cậu, về Katia... Làm gì nếu không phải là kiên trì bám theo những dối trá nửa vời đầy trắc ẩn, những sự thật nửa vời có thể chấp nhận được mà tôi nói ra: “Chú nói rằng họ là bạn bè, chỉ là chỗ thân tình. Nhưng cháu thì cháu không biết với một người đàn ông, thân với một người đàn bà thì có nghĩa là gì. Nếu chú thân với một người đàn bà, chú sẽ ngủ cùng cô ta, sau đó chú và cô ta trở thành bạn bè. Như vậy chắc là họ đã ngủ với nhau, phải không?” Tôi giữ nụ cười tươi, nụ cười tươi nhất của tôi, nụ cười trung thực của tôi. “Không phải là cháu không tin chú, cậu ta tiếp tục, chỉ là cháu không có kinh nghiệm - cháu nghĩ đó là từ chuẩn xác - cần thiết để hiểu. Và chú biết đấy, cháu đã gặp cô ấy - cháu đã nói với chú rồi - lúc ấy cháu mười bốn tuổi và cô ấy... Cháu không biết nữa... rất quyến rũ... Và cô ấy đứng đó, trước cổng nhà cháu ở Saint-Gabriel, nói với cháu và mẹ rằng bố bị tai nạn chết rồi, nhưng cháu lại chỉ bị tổn thương trước sắc đẹp thái quá của cô ấy - đẹp hơn mẹ cháu rất nhiều! Cháu nhớ rằng mẹ đã òa lên khóc (khóc như những người chưa khóc bao giờ, những tiếng nấc khan và thầm lặng, quay đi vì bối rối) và xin lỗi, mẹ biến mất, chẳng mời cô ấy hay làm gì cả, có lẽ đó là điều lịch sự cần làm mà mẹ lại là người lúc nào cũng vô cùng lịch sự... Như thể mẹ nghi ngờ điều gì đó. Vậy là cháu chỉ còn lại một mình với người phụ nữ trẻ đó, có cây bách vừa mới được tỉa cành ở ngay bên cạnh cổng nhà và nó đã mất đi dáng vẻ duyên dáng dong dỏng, giờ thì hầu như xấu xí, và cô ấy cố gắng nói với cháu vài câu, những điều an ủi xoa dịu, cháu nghĩ thế, mặc dù cháu chỉ nhớ được âm điệu chứ không nhớ được từng lời. Những lời khích lệ tình cảm tốt đẹp giữa cháu và bố (cô ấy nói “bố”, “bố cậu”, và điều đó khiến cháu giật nẩy mình). Khi cô ấy đi rồi cháu vẫn còn choáng ngợp và cho đến tận khi thấy cơn giận hiện trên khuôn mặt mẹ, cháu vẫn không hiểu được rằng lẽ ra cháu phải căm thù người phụ nữ ấy, lẽ ra cháu phải nhổ vào mặt cô ấy và gào lên đuổi cô ấy đi, để gia đình cháu được yên, nhưng quá muộn rồi - không chỉ bởi cô ấy đã đi mà còn bởi theo một chừng mực nào đó cháu hiểu bố, và cháu trách mẹ sao lại già đi và bị phản bội.” Cậu nói rất lâu và tôi để cho cậu nói, nghĩ đến cơ thể mềm mại của Katia, lọn tóc đen trên trán cô ấy, theo kiểu Louise Brooks, làn môi, những từ tiếng Nga đôi khi rung lên, chẳng hề báo trước, như lớp đường tráng mặt bánh nơi đầu lưỡi cô ấy. Đôi khi tôi nhận thấy cậu gần như đã hiểu, nhưng cậu vẫn còn quá giận và tôi biết cậu cần có thời gian. Chính bản thân cậu phải chịu đựng sự tan vỡ và nhục nhã để có được một sự chừng mực nào đó và hiểu những nhân vật tuyệt vời trước đây một cách nhân văn hơn. Cậu còn chưa đạt tới điều đó. Cậu vẫn còn tin vào sự thuần khiết.
Trong màn đêm, những tiếng súng nổ đằng xa: lần này chính người Pháp đã chơi bời lu bù và gây ra những vụ giết người đê hèn. Họ trả thù để xua tan nỗi sợ. Đó là việc có thể đoán trước, thuộc bản chất con người. Nhưng điều đó thật bẩn thỉu và khiến tôi kinh tởm.
17 tháng Ba.
Chúng tôi uống chai sâm banh Pol Roger mà Sainteny đã để dành ở chỗ nào đó: hình như Paul Reynaud và Winston Churchill(3) không uống loại sâm banh nào khác, trước khi liên minh Pháp-Anh tan vỡ. Anh biết rõ xứ sở này và hậu cảnh chính trị đáng ngờ của hiệp ước được ký kết; anh chỉ khiêm tốn công nhận rằng bầu không khí cảm thông giữa Hồ Chủ tịch và anh góp phần lớn trong chuyện này. Anh nói rằng có một cơ may, rất ít ỏi, một con đê có thể ngăn cảnh lụt lội lan tràn ở cả hai bên.
Thông điệp: sau những vụ rắc rối xảy ra hôm qua tại Hải Phòng, Leclerc đã có thể cập cảng. Chúng tôi có vài người chết và quân Tàu bị chết nhiều hơn một chút, nhưng bây giờ chúng tôi mỉm cười với nhau. Còn vài ngày nữa... Sainteny đã hết căng thẳng, và làm chúng tôi bật cười khi kể về những thông điệp tuyệt vọng mà anh gửi cho tướng De Gaulle hồi tháng Mười và tháng Mười một, khi anh trông đợi những chỉ thị rõ ràng về nhiệm vụ của của mình. Rốt cuộc, đến tháng Mười hai anh nhận được một bức thư. Anh bắt chước ngữ điệu nổi tiếng của viên tướng: “Đề nghị tiếp tục nhiệm vụ.” Chúng tôi phá lên cười.
Chàng trai trẻ Garnier giới thiệu với tôi, dường như có chút thận trọng, một phóng viên người Anh của một hãng thông tấn tới từ Sài Gòn. Họ gặp nhau trên tàu hồi tháng Chín. Đó là một gã dễ mến, chẳng có tham vọng tranh luận về điều gì to tát và là người mà ta không thể tin cậy. Tôi kể cho hắn cái năm tôi ở Luân Đôn, cả hai chúng tôi đều rất hài lòng về nhau. Giữa lúc vui vẻ nhất, hắn hỏi tôi xem có đúng là, như người ta nói, hồi ở Trung Quốc tôi đã “giúp đỡ” quân đội Anh loại một kẻ chống đối người Ấn không. Tôi nói rằng hắn đọc quá nhiều truyện trinh thám rồi, đồng thời tôi băn khoăn không rõ bằng cách quái nào mà hắn biết được tình tiết này. Chính những người Anh lộ ra sao? Vậy có lẽ là MI 5, và chắc có sự cẩu thả trong đơn vị Mật vụ Hoàng gia. Trừ phi chính hắn là... Hết sức khéo léo, hắn chuyển chủ đề.
Với cái giọng tâm giao, hắn nói với chúng tôi hắn nghe được từ chính miệng D’Argenlieu rằng hiệp ước của chúng tôi là một “hiệp ước đáng ghê sợ” và rằng “self-government”(4) trao cho Việt Minh cũng như việc sử dụng từ “Việt Nam” chỉ đơn thuần là phép lịch sự. Còn về cuộc trưng cầu dân ý dự kiến tổ chức tại Nam Kỳ về việc sáp nhập vào nước Cộng hòa Việt Nam, thì sẽ diễn ra “khi nào chúng tôi sẵn sàng”, có nghĩa là đợi đến khi nào gà mọc răng.
Lúc nào hắn cũng có cái vẻ ấy... Hẳn là người ta sẽ muốn nhún vai mà cười nói rằng: chỉ người Anh là chẳng bao giờ bỏ lỡ cơ hội chế giễu những kẻ thù truyền kiếp ưa thích nhất của mình - người Pháp.
Vấn đề là hắn nói sự thật.
18 tháng Ba.
Một ngày kỳ lạ làm sao! Giáp và Leclerc sát cánh nhau trong tiếng hoan hô của người Pháp, cờ của Việt Nam và Pháp bay phấp phới trên các xe ô tô. Ngay khi quay lưng lại, người Pháp tháo cờ Việt Nam xuống và khạc nhổ vào đó. Họ đánh đồng tất cả: người Nhật, người Tàu, Việt Minh, họ ghê tởm người da vàng đến mức không gì có thể thuyết phục hay kìm hãm họ. “Các ngài không biết những kẻ đó đâu” v.v... Tính tàn bạo, thói đạo đức giả, sự phản trắc, vẻ ngây thơ của Leclerc: tất cả đều có trong đó. Cứ nghĩ rằng cách đây mười tám tháng chúng tôi chiến đấu chống lại quân phát xít và những điều cơ bản về hận thù của Goebbels(5) và đồng đảng... Chúng tôi khác, chúng tôi thì khác, phải không? Chúng tôi có thực sự khác không? Người ta có thể nói gì về chúng tôi nếu như chung quy, chúng tôi chẳng khác nào họ hàng của những kẻ đó? Và điều đó có thể nói gì về chúng đây?
Ý nghĩ khủng khiếp, phải loại bỏ ngay. Không, chúng tôi không giống chúng.
Leclerc được ngưỡng mộ ở tư cách là quân nhân và tướng lĩnh, bị căm ghét ở tư cách là người đàm phán hòa bình - điều mà họ muốn đó là một vị thần chiến tranh gạo cội, khạc ra lửa, uốn sắt nắn thép với bàn tay không thương xót. Nhưng một người ngồi đó để bình thản nói về hòa bình - ông trở về từ địa ngục của sự nhục nhã mà không một vết nhơ và khôn ngoan hơn nhưng họ thì không, và họ sẽ không bao giờ hiểu được. Trời ơi, làm sao ta có thể tiến lên với những cảm xúc như vậy?
Tôi ngồi trên một trong những chiếc xe Jeep đi đầu, cùng với một Sainteny kín đáo, và tôi không biết phải nghĩ gì về cảnh tượng này, cảnh tượng hùng vĩ như vậy. Trên phim ảnh thì thật là tuyệt vời nhưng chuyện gì diễn ra bên trong những trái tim và khối óc? Tôi cảm nhận rõ ràng rằng tất cả chuyện đó là một ván bài và rằng tất cả chúng tôi đều gian lận, với những lời chúc mừng, những tiếng cười, những câu bông đùa và những bài diễn văn. Có quá nhiều nụ cười, và những hy vọng chân thành thì quá yếu ớt - đằng sau tất cả những chuyện đó đơn giản là có quá nhiều dối trá, của cả hai bên.
Giữa lúc khải hoàn, tôi đã thấy con đê rạn nứt.
20 tháng Ba.
Khi buổi lễ kết thúc thì những đốm sáng tắt lịm, những tiếng hoan hô và reo hò lắng xuống thành tiếng thì thầm và chỉ còn lại nỗi buồn phiền từ những chuyện nhỏ nhặt thường ngày - những trở ngại vụn vặt đầu tiên, những khuôn mặt khó đăm đăm của các đối tác liên lạc Việt Nam, sự ngờ vực hiển hiện, nỗi sợ bị giáng một đòn mạnh.
Và sáng nay, khi chúng tôi đang uống cà phê tại Câu lạc bộ Thể thao thì tôi vô cùng sửng sốt khi thấy một cô nhà báo trẻ người Mỹ lao vào tôi khiến tôi suýt ngã: Katia.
Trong giây lát, tôi cứ ngỡ... Thế rồi cô hôn lên hai má tôi.
Cô ôm tôi một lúc lâu trong vòng tay rồi chúng tôi cười và khóc cứ như... trong vòng một phút, cả hai chúng tôi quay trở lại từ âm phủ và chúng tôi ngập tràn một cảm giác tự do tuyệt vời, chính là phần thưởng của cuộc sống này. Thế rồi sau đó, chúng tôi nói chuyện, dĩ nhiên rồi.
***
Câu chuyện gián đoạn tại đây. Có lẽ tôi sẽ hỏi bà Suzanne Costes xem có còn tiếp nữa không nhưng tôi không chắc. Cho đến lúc này tôi đọc với cảm giác bị hút theo câu chuyện lạ lùng đó, câu chuyện mà tôi không biết hay chỉ biết sơ sài, đôi khi tôi dừng lại để lật giở qua các trang cuốn sách về “nền hòa bình bị bỏ lỡ” ấy của Sainteny.
Khi bố tôi xuất hiện, tôi thấy rõ rằng ông chẳng đóng vai trò gì, thậm chí chẳng có vai trò của một người như Costes. Costes đã lựa chọn - như vợ ông viết cho tôi - giữ yên lặng, còn bố tôi sống trầm lặng vì ông chẳng có gì nhiều để nói, quá bận bịu với việc vật lộn với chính mình và quá khứ của mình.
Tôi nhớ đã đọc một lá thư bà nội gửi cho bố - một lá thư vào đúng những năm tháng đó và lá thư đã quay trở về cùng ông, bị hết cơn sóng này đến cơn sóng khác từ những thất bại của ông cuốn theo. Trước đây tôi chưa bao giờ hiểu được sự cứng nhắc lịch sự của một câu nói được lặp đi lặp lại nhiều lần. Con hãy đến cùng vợ, các con sẽ được chào đón nồng nhiệt. Bà hỏi tin tức của con trai với sự hạ mình như chó đối với chủ, đòi hỏi đôi chút vồn vã, vài lời trìu mến, vài câu chuyện vô nghĩa và rồi: Con hãy đến cùng vợ, các con sẽ được chào đón nồng nhiệt. Bà cho con trai biết chút ít thông tin về Saint-Gabriel, với sự thận trọng gợi lên nỗi tủi hổ vì đã viết nhiều mà chẳng nhận được hồi âm. Và các con sẽ được chào đón nồng nhiệt... Tại sao bà không phẫn nộ? Tại sao bố không trả lời? Vậy là sự im lặng nổi lên giữa chúng tôi và chẳng ai nói với ai: có gì đó chảy trong máu và theo năm tháng, có gì đó không chỉ là sự giống nhau về ngoại hình.
***
Tại Paris lúc đó là tám giờ tối, con trai tôi đang ở với mẹ, mặc bộ áo ngủ in hình gấu, người nó tỏa mùi xà phòng thơm mát và, ở tuổi nó, người ta vẫn có thể rúc mũi vào hõm cổ nó mà ngửi mùi em bé.
Tôi bấm số điện thoại.
Tôi nghe thấy giọng của cô ấy và lời nhắn, vẫn là lời nhắn đó kể từ khi tôi quen cô ấy: “Xin chào, bạn đang gọi điện đến nhà Marie và Sébastien, nếu bạn muốn điều tốt lành cho chúng tôi, hãy nói một lời tử tế, bằng không vẫn còn thời gian để gác máy.” Tôi có thể đọc thuộc lòng, từ cái thời vẫn còn một mình tên cô ấy, rồi cái thời mà chúng tôi ở bên nhau, và cả thời có đủ ba chúng tôi. Marie, André và Sébastien. Em có chắc là mình không quên gì chứ? Tôi bắt đầu nói chẳng rõ ràng, cất tiếng ho để cho thấy tôi không nằm trong số những người ác ý, thế rồi tôi rối tinh lên với những lời giải thích.
“André.”
Đó là cái giọng chẳng buồn cũng chẳng vui, chẳng sung sướng cũng chẳng giận dữ: một sự ghi nhận. Tôi muốn tử tế với cô ấy (và đâu đó trong trái tim tôi, nơi tôi đã dùng dao nhíp rạch một vết thương, tôi nói với cô ấy rất nhiều điều trang trọng bắt đầu bằng “anh rất lấy làm tiếc” hay “anh hy vọng là em khỏe”, nhưng miệng tôi khô khốc và tất cả những gì mà tôi có thể nói ra đó là: “Anh có thể nói chuyện với con được không?”).
Một tiếng thở dài. Rồi sau đó:
“Chờ một lát.”
Tôi nghe thấy những tiếng động dễ dàng đoán nhận. Bản tin 20 giờ trên kênh TF1 và cả tiếng nhạc, bài hát Pride in the Name of Love của nhóm nhạc rock U2. Và giọng nói của hai người, khuất lấp, nghẹn lại, bởi vì cô ấy để tay lên ống nghe, không đủ kín nên tôi vẫn nghe thấy. Tôi thật vụng về kinh khủng và tôi muốn gỡ lại. Tôi cố gọi cô ấy nhưng cô ấy không thể nghe thấy tôi. Cô ấy lại nhấc ống nghe lên:
“Con không muốn nói chuyện với anh.
- Anh hiểu.”
Đó là một câu trả lời thủ thế: tôi tính trước mọi điều trừ điều này. Cô ấy dập máy trước tôi, tôi đã đoán đến khả năng này. Nhưng thằng nhóc không nói chuyện với tôi ư? Tôi vẫn mơ tưởng rằng con trai muốn giữ quan hệ với tôi, tôi vẫn còn nghe thấy rõ giọng nói và những tiếng đùa cợt của nó, đến mức không lường được sự từ chối.
“Anh hiểu, tôi nhắc lại, thì thầm.
- Em không nghĩ là anh thực sự hiểu, bởi nếu như vậy thì có lẽ chúng ta đã không ở trong hoàn cảnh như thế này.
- Cả cái đó anh cũng hiểu. “
Cô ấy ho.
“Chúng ta chia tay nhau đã được hai tháng rồi. Em đã gọi điện và viết thư, em đã năn nỉ anh đến thăm con. Khi biết chuyện xảy ra với bố anh, em đã viết cho anh để nói rằng em rất lấy làm tiếc và đề nghị giúp đỡ. Anh đã không đến, không viết thư, không gọi lại lấy một lần, anh chẳng thể hiện một dấu hiệu gì hết. Anh đang chờ đợi chuyện gì vậy?
- Chẳng chờ đợi gì hết.”
Tôi nhớ đến những lá thư mà tôi không mở ra. Tôi nhớ đến những tiếng chuông điện thoại reo: hộp tin nhắn điện thoại ở căn hộ trên đại lộ Simon-Bolivar bị hỏng sau khi cô ấy ra đi. Hai tháng rồi, thật ư?
“Anh không thể.
- Thì đấy, con nó cũng không thể.
- Em đã nói gì với nó?
- Ban đầu nói chúng ta đi du lịch. Rồi nói rằng anh mới là người đi du lịch. Sau đó em không nói gì nữa. Và sau đó nó thôi không hỏi nữa.
- Sau hai tháng ư?
- Hai tháng là quá dài đối với một đứa trẻ ở tuổi nó, anh không thấy thế sao?”
Tôi định nói rằng tôi hiểu nhưng tất cả sự thông hiểu tử tế đó bắt đầu khiến tôi bực dọc. Thế nếu đổi lại, tôi im lặng? Cô ấy không nói ra, nhưng để mọi chuyện tròn trịa, tôi tin chắc rằng cô ấy đã cố gọi con đến nghe điện thoại một cách nghiêm túc và thật tình. Tôi hiểu thằng nhóc, tôi hiểu cô ấy - nhưng người mà tôi hiểu ít nhất lại chính là tôi.
“Bây giờ anh không thể giải thích được.
- Đương nhiên rồi.”
Ngay cả lời chế giễu của cô ấy cũng đáng nể: cô ấy không chế giễu quá mức.
“Chúng ta có thể thử quay lại được không?
- Đây không phải là phim và dù sao chuyện đó thì để làm gì cơ chứ?
- Anh muốn gặp em.”
Em thật tuyệt vời, em là người mà anh yêu. Giá như em biết được anh đã thay đổi, giá như em biết giờ đây anh vững vàng đến nhường nào thì có lẽ em sẽ lại chấp thuận anh ngay lập tức với hai tràng pháo tay.
“Liệu lần sau anh có thể điện thoại nữa được không?
- Anh muốn nói là sau hai tháng nữa?
- Anh muốn nói là trước đó.
- Anh đã nói là anh đang ở đâu nhỉ?
- Anh đã nói đâu. Anh đang ở Hà Nội.
- Vậy là em thực sự có thể nói với con rằng anh đang đi du lịch rồi.
- Chỉ cần nói với con rằng anh yêu nó.
- Ngay cả trong phim được chiếu lại, thì câu đáp ấy vẫn có phần dễ dãi, hơi tầm thường. Anh cứ việc trực tiếp nói với con khi nào anh gặp nó. Khi nào nó muốn.
- Liệu nó có muốn không?
- Đừng than vãn nữa. Anh biết rõ là nó muốn mà. Vấn đề duy nhất là anh, chứ không phải nó.
- Em có lý.
- Em có lý. Anh thực sự đang ở Hà Nội sao?
- Ừ.
- Thời tiết thế nào?
- Âm u.”
Cô ấy rúc rích cười.
“Thật là tốn kém nếu điện thoại đường dài chỉ để bàn luận về thời tiết. Ta cúp máy bây giờ nhé.
- Anh sẽ gọi lại.
- Tùy anh.
- Marie, anh rất lấy làm tiếc.
- Nào, André, em xin anh, ừm..
- Chỉ là...”
Cô ấy vẫn chưa dập máy trước tôi, và sự ngập ngừng của chính tôi cho tôi hy vọng.
“Thật khó cho tất cả mọi người, André, vậy thế nhé, hãy gọi lại khi nào anh có thể. Dù sao thì cuộc sống của hai ta cũng vẫn gắn kết với nhau, vì con trai. Anh chấp nhận được điều này càng sớm càng tốt. Còn nếu không thể thì anh cứ biến đi.
- Anh sẽ gọi lại.”
Rốt cuộc cô ấy bỏ máy. Tôi đã tắt đèn từ trước và tôi đang ở trong bóng tối; qua ô cửa sổ để mở, một tàu cọ xiên vào.
Trong một lát, mắt nhắm nghiền, tôi cố gợi lại trong tâm trí hình ảnh đứa con khỏe khoắn và hiền lành của tôi, vào giờ này lẽ ra phải cuộn tròn bên cạnh tôi, thỉnh thoảng khẽ hét lên vì cô đơn và sợ hãi mà tôi không biết trấn an bằng cách nào ngoài việc để tay lên bụng mình, cho đến khi những hơi thở của chúng tôi hòa nhịp.
Tôi cưỡng lại.
Tôi chấp nhận cảm giác lạnh lẽo trên chiếc giường không có con trai, tôi chấp nhận nỗi đau xuyên qua đầu khi cô ấy nói với tôi rằng nó không muốn. Tôi thuộc về một gia đình mà những tiếng gọi không được đáp lại - hoặc phải đợi sau khi chết.
Gọi lại ư? Một giọng nói bảo với tôi rằng điều đó không phải là không thể.
Gọi lại!
Cầu Ô Thước Cầu Ô Thước - Antoine Audouard Cầu Ô Thước