When you look at the sun during your walking meditation, the mindfulness of the body helps you to see that the sun is in you; without the sun there is no life at all and suddenly you get in touch with the sun in a different way.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Hữu Mai
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Nguyen Thanh Binh
Số chương: 34
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3481 / 58
Cập nhật: 2016-07-06 02:05:47 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4
ột thứ tiếng nói quen quen mỗi lúc một to dần vang vang bên tai làm Tuấn thức giấc. Anh vừa triền miên trong một giấc ngủ thật là dài. Ai đang kể chuyện ở đất Vĩnh Bảo quê mình bón thuốc lào bằng phân bắc, cây thuốc lào không sợ xót, nhiều phân thuốc mới nặng, một sào thuốc lào giá trị bằng mấy mẫu ruộng, có anh chiến sĩ đã đổi cái đồng hồ cho một các dân công để lấy bánh thuốc lào...
Tuấn kẻo chăn khỏi đầu nhìn, nhận ra trung đoàn trưởng Trang đã dậy từ lúc nào, đang nói chuyện với mấy người quanh chiếc điếu thuốc lào. Câu chuyện khề khà vui vui của trung đoàn trưởng như tỏa ra một luồng hơi ấm trong bầu không khí giá lạnh của ban mai. Nhìn những bóng người đắp chăn nằm đầy chung quanh. Tuấn tưởng như mình đang ở một cuộc hội nghị tại hậu phương. Khi quay ra phía có ánh sáng lùa vào, anh nhận ra chiếc vách hầm đất đỏ ối và một dải sương nhẹ từ trên mặt đất đang tuôn xuống. Tuấn nhớ ra đây là đâu. Anh tỉnh ngủ hẳn, tung chiếc chăn quyện hơi người, vùng dậy. Đêm hôm qua, lúc bọn anh đi ngủ, trung đoàn trưởng vẫn còn họp đảng ủy đại đoàn chưa về.
Những người nằm chung quanh anh cũng lần lượt trở dậy. Trung đoàn trưởng cho biết sớm hôm nay khoảng tám giờ, hội nghĩ sẽ khai mạc. Người ta kéo nhau xuống suối. Tuấn lúc đầu ngại đi, anh gửi một người bạn cái bi đông của mình. Người bạn vác về cho anh một bi đông đẩy nước. Trong hoàn cảnh ở mặt trận như vậy là quá đủ để làm vệ sinh cá nhân buổi sáng. Lúc mọi người đi rửa mặt đã về gần hết, nhìn đồng hồ mới sáu rưỡi, không biết nghĩ ngợi thế nào, Tuấn lại đặt chiếc bi dông vào cạnh đồng chăn, xách khăn mặt và túi thuốc đánh răng trèo lên khỏi hầm.
Anh chầm chậm đi theo con đường cỏ gianh ướt đẫm sương sớm xuống khe suối. Anh lội ngược dòng suối tránh quãng gần lối đi, nước đất trên bờ đang chảy xuống làm đục ngầu. Nước suối lạnh làm đôi chân Tuấn tê buốt. Anh ngồi thừ trên một phiến đá nhìn những con nhện nước đang rỡn trên mặt suối trong suốt, điệu nhảy của chúng thật rắc rối. Một mùi thơm mát dìu dịu từ đâu đưa lại, rồi một tiếng chim rúc làm cho Tuấn có cảm giác như ai đang nhìn mình. Anh ngẩng đầu lên nhận ra những đóa hoa trắng nở đầy khe suối đang tắm mình trong sương sớm. Rừng núi Điện Biên này đến lắm thứ hoa. Tuấn vừa rửa mặt vừa hít thật mạnh cho căng lồng ngực thứ không khí đượm hương thơm ngọt ngào ở đây.
Lúc anh đứng dậy định quay về hầm thì có tiếng người gọi:
- Đồng chí Tuấn ra suối ngắm hoa ban đấy à?
- Tuấn quay lại thấy chính ủy đại đoàn đứng bên một khóm nứa, đang giơ tay vẫy mình. Khi Tuấn tới gần, chính ủy mỉm cười hỏi:
- Ra suối làm thơ phải không?
Tuấn đáp giọng hóm hỉnh:
- Không ạ. Ra suối rửa mặt.
Tiếng cười của chính ủy bật lên trong ban mai yên tĩnh.
- Về chỗ mình ngồi chơi một lúc. Mấy ngày vừa rồi nhà thơ đã có được nhiều cảm xúc mới chưa?
- Báo cáo đồng chí, cảm xúc thì cũng có nhiều nhưng chưa dám nói là có mới hay không?
Chính ủy lại cười, anh có tiếng cười ròn tan, trong trẻo.
- Nhất định mới chứ trước chưa có bây giờ mới có thì gọi là mới chứ gì?
- Vâng nếu với nghĩa như vậy thì cũng có thể gọi là mới.
Tuấn đã vui lây cái vui của đồng chí chính ủy. Anh hơi phân vân, đang lúc bận rộn này chính ủy gọi mình lên chơi thực hay là có việc gì.
Trời buổi sớm lạnh, nhưng chính ủy chỉ mặc phong phanh ngoài áo lót mỏng một chiếc áo len ngắn tay. Chính ủy đi trước anh, chốc chốc lại co duỗi tay và hít thở những hơi dài.
- Đồng chí Tuấn này, hương thơm hoa ban buổi sớm là một thứ thuốc bổ đấy nhỉ?
Tuấn hỏi lại:
- Những bông hoa trăng trắng ở bờ suối kia phải không?
Chính ủy quay lại nhìn anh. đôi mắt có quầng thâm nhưng vẫn linh hoạt, tỏ vẻ ngạc nhiên:
- Cậu chưa biết à?... Hoa ban đấy! Một thứ hoa đặc biệt của Tây Bắc. Hôm mình đi họp ở Mặt trận bộ gặp một đồng chí cán bộ địa phương, đồng chí ấy kể cho nghe sự tích về cây hoa ban. Người địa phương nói là cây này vốn trước kia không có hoa. Ngày xưa, có đôi trai gái yêu nhau. Người con gái là con nhà giàu. Người con trai là con nhà nghèo. Bọn "phìa tạo" ngăn không cho hai người lấy nhau. Hai người rủ nhau trốn vào rừng. Đi sâu mãi không kiếm được gì ăn, đến gốc cây này ngồi than khóc với nhau rồi chết. Khi hai người chết rồi thì tự nhiên cây rụng hết lá và nở đầy cành những bông hoa trắng năm cánh. Hoa này thơm và ăn được đấy cậu ạ... đồ lên ăn rất ngon. Người địa phương coi hoa ban là tượng trưng cho tình chung thủy. Các chàng rể hiếu thảo thường lấy hoa ban về cho bố mẹ thường nói: “Nuôi nó lớn bằng này rồi mà chẳng được miếng hoa ban mà ăn". Không biết đồng chí đó kể thế có đúng không? Nhưng câu chuyện nghe cũng nên thơ...
Chính ủy đang đi bỗng dừng lại, quay nhìn xuống chân đồi rồi nói với Tuấn:
- Quê hương của đồng bào Thái thật đẹp, cậu xem như thế kia thì kém gì suối hoa đào của hai chàng Lưu Nguyễn.
Đã từ lâu Tuấn hay bị chối tai khi người ta nhắc lại những điển tích xưa cũ trong cuộc sống ngày nay đã trở thành lạc điệu. Nhưng mấy tiếng "suối hoa đào" thốt ra từ miệng người cán bộ cấp trên luôn luôn tỏ ra sắc sảo về chính trị, đã vang tới tai anh một cách khác. Tuấn đưa mắt nhìn theo chính ủy xuống chân đồi. Dọc khe suối, giữa những khu rừng rậm rì u uẩn hơi sương, những bông hoa ban đang sáng rực lên như những hạt ngọc. Tuấn nghĩ thầm, đồng chí đó vẫn dành thời giờ cho những bông hoa...
Hai người đã đến cửa hầm. Đường hầm này nằm vào sườn bên kia quả đồi Tuấn ở. Những căn hầm ở đây nhỏ hơn, Tuấn đoán đây là nơi dành cho cán bộ quân y làm việc. Từ một căn hầm có ánh đèn vang ra tiếng nói choang choang: “Thằng địch làm cho mụ mẫm đi rồi à? Phòng ngự mà để bộ đội bố trí thế này à? Công không công, thủ không thủ...". Khi đi ngang căn hầm. Tuấn thấy tư lệnh trưởng đứng ngồi làm việc với đồng chí tham mưu trưởng trung đoàn mình. Trước ánh đèn, mặt tư lệnh trưởng hơi võ đi nhưng vẫn đỏ rực. Chính ủy đứng dừng lại, nhắc tham mưu trưởng:
- Đồng chí báo cáo gọn lại nhé, anh Đông còn phải chuẩn bị nói chuyện ở hội nghị cán bộ!
Nói xong, chính ủy vẫy Tuấn đi theo về nơi làm việc của mình. Tuấn nói:
- Anh cho biết mấy giờ họp hội nghị?
- Tám giờ.
Tuấn sợ sự có mặt của mình làm mất thời giờ của chính ủy, bèn hỏi:
- Chắc là bây giờ anh phải chuẩn bị?
- Không đâu. Đêm qua, Đảng ủy phân công cho anh Đông sớm nay báo cáo. Như thế thành mình nhàn một lúc. Đồng chí cứ ngồi chơi. Uống nước nhé?
Chính ủy vặn to ngọn đèn bão và nhấc từ vách hầm lại một chiếc phích nước. Cái phích men hoa còn rất mới, sang trọng quá trong chiếc hầm từ giường đến bàn làm việc đều là những khối đất thô kệch. Chính ủy rót nước vào ca và nói:
- Mời đồng chí uống nước, chè "thanh thủy" đây.
Nước nóng nhưng chỉ là nước lã đun sôi. Tuấn vẫn phân vân vì chưa đoán rõ chính ủy gọi mình tới có công việc gì. Anh nhấp từng ngụm nước âm ấm chẳng lấy gì làm ngon. Với băn khoăn đó, Tuấn cảm thấy thái độ của mình không được tự nhiên. Anh ngồi nói chuyện với chính ủy lần này mới là lần thứ hai. Lần trước, anh gặp chính ủy với cương vị một cán bộ của Tổng cục Chính trị dẫn đoàn văn công xuống đại đoàn phục vụ. Đồng chí đó tỏ ra hiểu biết và ham thích văn nghệ. Anh khó đoán ra quá khứ của đồng chí cán bộ cao cấp này. Lúc nhắc lại đôi câu thơ buồn buồn của Huy Cận, anh có vẻ như trước kia là một sinh viên. Nhưng khi nói chuyện đến mùa màng thời vụ, tập quán canh tác, anh lại như một bác nông dân có tuổi. Lần đó, chính ủy đã bỏ ra một buổi tối để tiếp anh và mấy cán bộ trong đoàn. Dù sao hồi đó anh vẫn là khách của đơn vị. Nhưng đến lần này cương vị của anh đã thay đổi. Anh trở thành một người cán bộ ở dưới sự chỉ huy của đồng chí đó. Sự thay đổi vị trí này có thể là cho đồng chí đó gần anh hơn, hay xa anh hơn, điều đó chưa biết trước được.
Nhìn vẻ mặt hơi ngơ ngác của Tuấn, chính ủy hỏi:
- Bắt tay vào việc có bỡ ngỡ lắm không?
- Báo cáo anh, có bỡ ngơ... Nhưng rồi cũng phải quen.
- Đúng đấy... Cứ bắt tay vào, khắc sẽ quen. Hồi mình còn tí tuổi đọc chuyện chiến tranh trên báo, cứ tưởng nếu bây giờ nước mình cũng có chiến tranh thì mọi người có lẽ chết hết. Bây giờ mới thấy rõ mọi người vẫn cứ sống như thường, mà lại còn sống vui vẻ hơn thời thằng Tây là khác. Hồi mới lớn, cứ nghĩ đến chuyện làm chủ một gia đình cũng khó rồi, làm gì dám nghĩ có lúc Đảng giao cho một đơn vị hàng mấy ngàn con người...? Đúng đấy! Cứ bắt tay vào việc đâu có đó. Nếu ngồi mà lo thì chỉ thấy hiện ra toàn ma quỷ thôi... Đồng chí xuống tiểu đoàn vào dịp này rất tốt. Một ngày ở chiến dịch này giá trị bằng hàng năm trước kia... Tình hình anh em như thế nào?
Trước đây ít ngày, với một câu hỏi như vậy của cấp trên. Tuấn đã nói và trả lời ngay thật lưu loát để tỏ ra mình đã nắm được đơn vị, đã quen với công tác mới, nhưng bây giờ, Tuấn muốn suy nghĩ một chút. Và chính trong lúc suy nghĩ đó Tuấn thấy mình đã lớn lên hơn, mình đã là người trong cuộc, ý kiến của mình cần phải chín chắn.
- Trước khi đi, tất cả anh em ở đơn vị, không ai nghĩ là lần này sẽ không hoàn thành nhiệm vụ. Bây giờ thì... anh em hơi ngơ ngác. Như là... lỡ một chuyến tàu cuối cùng đêm ba mươi Tết. Nói xong, Tuấn có cảm giác như vừa nói tư tưởng của chính mình. Anh nhận thấy ở đôi mắt của chính ủy một cái nhìn rất tinh anh.
- Lỡ một chuyến tàu thật... Chúng mình có bị chậm lại. Thật đáng tiếc! Nhưng không phải là chuyến tàu cuối cùng. Bọn mình nhất định sẽ về nhà trước Tết... Chúng mình tự làm ra những con tàu để đi cơ mà!
Rồi anh cười ròn rã.
Tuấn vẫn ngồi với vẻ mặt hơi đám chiêu. Chính ủy nhìn anh, im lặng một chút, rồi bỏ qua việc hỏi han tình hình đơn vị, và bắt đầu kể cho Tuấn nghe một số câu chuyện về đồng bào địa phương. Anh biết đến lắm chuyện và kể rất say sưa. Anh kể chuyện một cụ già Mèo ở rẻo cao chống Pháp liền mấy chục năm nay. Anh kể chuyện các cô gái Thái ngồi dệt cửi phía sau nhà sàn chờ những chàng trai thổi kèn môi đến tìm hiểu. Anh kể chuyện một cô gái xòe của Châu Ún nét mặt buồn rười rượi anh mới gặp cách đây ít ngày...
- Dân tộc Thái thật là một dân tộc đáng yêu. Có tiếng nói riêng, có chữ riêng. Văn hóa của họ rất nhiều nét đặc sắc. Cậu xem, cách phục sức của họ vừa uyển chuyển vừa khỏe mạnh, mình cho mặc như vậy đẹp hơn đồng ta dưới xuôi. Những điệu xòe Thái thì thật tuyệt, văn công của ta chuyến này phải tranh thủ học tập lấy một số chứ nhỉ? Làm cách mạng, đánh Pháp lại cũng rất hăng. Hôm vừa rồi, một đồng chí cán bộ vào bản Long Nhai làm công tác dân vận. Cậu cán bộ này cũng buồn cười... Được cử đi giúp dân nhưng cậu ta lại không thích dân mấy! Cậu ta nói dân này không tốt, vận động mãi không chịu ra, cứ ở tập trung trong bản cho địch kiểm soát, thế là dân theo địch rồi. Một hôm, cậu ta vận động được một gia đình chịu tản cư ra ngoài. Bà chủ nhà nhờ cậu ta ẵm hộ đứa con, rồi lại còn nhờ cậu ta mang thêm một tay nải khá nặng. Cậu ta đoán là tay nải gạo. Ngoài khu tản cư đang thiếu gạo, nên ta vận động các gia đình khi ra thì đem gạo theo. Thôi thì có nặng cũng cố mà cõng theo, ra ngoài kia, đồng bào thiếu ăn, lại chính các cậu ta phải chạy gạo cho họ. Nhưng lúc đi đến nửa đường, hỏi bà chủ tay nải đựng gì. thì bà chủ nói... đựng xà phòng. Cậu ta hỏi, tại sao không đem gạo lại đem xà phòng Bà chủ nhà nói: "Đem xà phòng bán được nhiều tiền hơn!". Vứt đi không được, mà cõng theo thì đã nặng lại đèo thêm cái tức. Cậu ta lại có thêm một thành kiến. Giờ nói đến chuyện hôm vừa rồi... Cậu ta đang ngồi trong một gia đình làm công tác tuyên truyền, thì Tây ập đến bao vây bản. Nó trèo lên từng nhà lục soát. Trong tay cậu ta chỉ có mỗi quả lựu đạn. Tây đã sì sồ dưới chân cầu thang rồi, cậu ta chưa biết nên xử trí thế nào. Thấy cô con gái nhà chủ thò đầu trong buồng ra vẫy tay. Đến nước này thì cũng phải liều, cậu ta đi lại. Cô ta kéo cậu ta ấn xuống giường mình nằm, đắp một chiếc chăn lên rồi cũng chui vào chăn nằm chung với cậu ta. Bọn Tây lên soi đèn pin vào thấy hai người nằm với nhau, chửi mấy câu rồi đi xuống. Thế là thoát. Bây giờ cậu ta mới công nhận dân ở đây rất tốt. Có phải không gì thuyết phục người ta mạnh bằng thực tế...?
Tuấn bị cuốn theo những câu chuyện của chính ủy. Anh nghĩ ngay cán bộ và chiến sĩ đơn vị mình cũng cần biết nhiều chuyện như thế này. Cuộc chiến đấu đã chuyển sang một hình thái mới. Những ngày ở đây, họ toàn sống trong chiến hào, rất cách biệt với dân. Tuấn và các bạn đồng đội đều hiểu biết rất ít về đồng bào địa phương. Mảnh đất này trước đây chỉ gợi cho anh toàn những hình ảnh chết chóc gắt gao. Sợi dây gắn bó giữa anh với nó là kẻ địch đã đưa lên đây những lực lượng tinh tuệ nhất của đội quân viễn chinh Pháp, nếu tiêu diệt được tập đoàn cứ điểm, cuộc kháng chiến sẽ chuyển sang một giai đoạn hoàn toàn mới. Lúc này anh đã nhận ra trên dải đất ở miền tây đất nước còn chứa đựng những con người, những người anh em cùng chung một mẹ Tổ quốc Việt Nam. Anh bỗng cảm thấy yêu thương bội phần cái mảnh đất mà ngày hôm qua anh đã sẵn sàng ngã xuống... Tuấn nghĩ hay vì những câu chuyện vừa rồi mà chính ủy đã gọi anh tới.
Chính ủy bỗng chuyển qua một chuyện khác. Anh nói:
- Nhà thơ, đọc cho tôi nghe một bài thơ mới nhất của đồng chí nào!
Người Tuấn lúc này đã thoải mái, anh đáp:
- Cuộc sống mới nhiều thay đổi đột ngột quá anh ạ. Có rất nhiều cảm xúc, rất nhiều ý nghĩ, nhưng chưa biết nên nói lên cái gì. Có lẽ chưa bao giờ tôi thấy bất lực trong việc làm thơ bằng lúc này. Tôi coi thời kỳ này mới là thời kỳ chuẩn bị.
- Sao lại thời kỳ chuẩn bị? Người ra trận thì thơ cũng đồng thời ra trận chứ?
Câu nói của chính ủy làm Tuấn hơi lúng túng. Chính ủy nói thêm:
- Đọc một bài thơ làm trước chiến dịch này cũng được.
- Lạc lõng lắm anh ạ. - Tuấn từ chối.
- Chắc nhà thơ đang ở thời kỳ lột xác?
- Vâng, có lẽ như vậy... - Tuấn trầm ngâm.
Chính ủy không gặng thêm. Anh mở một tờ báo quân đội nhân dân xuất bản tại mặt trận, rồi đọc một bài thơ. Giọng anh thật tốt, có lẽ còn hay hơn cả bài thơ anh đang đọc, vang lên trầm trầm trong căn hầm.
Tuấn nhận thấy rõ ràng chính ủy đang cần có một bài thơ hay. Người cần vụ của chính ủy loanh quanh ở cuối căn hầm giờ cũng lại rồi ghé bên hai người. Anh ta có đôi vai rộng, cái lưng gù gù. ngồi nghe chính ủy ngâm thơ, miệng há ra phô hàm răng to, vẻ mặt càng chất phác, thực thà. Thái độ của anh ta gần như sỗ sàng, làm Tuấn vừa buồn cười vừa hơi khó chịu. Không hiểu chính ủy có đoán được điều đó trên nét mặt Tuấn không, đọc xong bài thơ, anh nói luôn:
- Đồng chí Ngôn là bạn đàm đạo văn thơ của tôi. Có bài thơ nào trên báo, tôi đọc hai người nghe chung, rồi cùng nhau nhận xét. Đồng chí ấy thuộc lòng cả bài "Thăm lúa" đấy. Nào các bạn thơ, ta bình bài thơ vừa rồi xem nào...
Trong khi họ nói chuyện, thứ tiếng vang rền của đồng chí tư lệnh trưởng chốc chốc lại từ căn hầm bên cạnh vọng sang. Chính ủy nhìn đồng hồ, bảo người cần vụ:
- Đồng chí chạy sang nói với anh Đông, còn bốn mươi phút nữa đến giờ hội nghị họp.
Người cần vụ vừa chạy đi, đã quay về.
- Báo cáo anh, anh Đông bảo cứ đúng giờ là họp.
- Đồng chí tham mưu trưởng còn đó không?
- Hai người đang vẽ bản đồ chi chít những chì xanh, chì đỏ.
- Thế là... anh Đông không có thời giờ chuẩn bị báo cáo rồi!
Suy nghĩ một lát, chính ủy quay lại hỏi đồng chí cần vụ:
- Còn đồng chí đã chuẩn bị xong mọi thứ chưa?
Người cần vụ cười, hàm răng của anh vốn lúc thường cũng đã như cười
- Báo cáo anh, khoác ba lô lên vai là đi được ngay.
Chính ủy quay lại phía Tuấn:
- Chúng tôi sắp chia tay nhau. Chiều nay, đồng chí Ngôn chuyển xuống bổ sung cho đơn vị chiến đấu để chuẩn bị đợt ba.
Tự nhiên Tuấn hỏi chính ủy:
- Hôm qua. các đồng chí họp đảng ủy đến mấy giờ?
Chính ủy mỉm cười:
- Đến gần sáng.
Lúc này, Tuấn mới nhận thấy vẻ mệt nhọc trên bộ mặt trắng xanh của chính ủy.
- Sao anh không tranh thủ nghỉ một lúc?
- Nghỉ à?... Từ nãy đến giờ là nghỉ đấy chứ! Đồng chí định nói ngủ phải không? A... ngủ bây giờ thì đến khi hội nghị khai mạc không thể dậy được. Có lẽ sau chiến dịch phải xin trên cho chúng ta ngủ bù độ một tuần lễ...
Hội nghị tiến hành ngay trong căn hầm Tuấn nằm đêm qua. Chăn màn, túi dết, áo mưa, súng lục. đèn pin... được dồn vào sát vách hầm. Cán bộ từ các hầm bên kéo cả sang, chen vai thích cánh nhau ngồi trên bệ nằm, trên lối đi, chỉ để lại một quãng con con phía gần cửa hầm có ánh sáng lọt vào, nơi người chủ trì cuộc họp đứng báo cáo. Không có khẩu hiệu, không có bình hoa. Chiếc phích đựng nước dành nơi báo cáo viên phải đặt ngay trên bậc lên xuống. Dải sương trắng lùa xuống cửa hầm buổi sớm đã nhường chỗ cho một mảng nắng vàng dệt đầy những bóng lá ngụy trang trên vách đất. Chiếc điếu cày màu tre còn xanh nguyên như lúc ở trên cây, công trình mới mẻ của một bàn tay khéo léo nào nằm chệch chẹo ở góc hầm như một thằng bé sắp ngã, cũng chẳng có một ai buồn dựng lên. Họ soi gương trên mặt nhau những nét lo lắng.
Đồng chí chính ủy bước xuống hầm đi vào. Những cán bộ ngồi phía ngoài đang cố ngồi nhích lại sát nhau để nhường cho chính ủy một chỗ trên bệ nằm, thì chính ủy đã bỏ chiếc vải dù ngụy trang quấn cổ, rải xuống đất ngồi ngay trên lối đi. Chừng muốn cho không khí đỡ nặng nề, đồng chí trưởng phòng chính trị mắt đứt kẽ đỏ hoe, nhổm người cao lên nói:
- Ở đây tương đối xa địch, ta có nên làm một bài đồng ca nho nhỏ cho vui không nhỉ?... Ai cầm càng nào?
Không ai nói gì.
- Ai xung phong cầm càng nào?
Tiếng nói của một người nào đó từ trong một góc tôi tối:
- Báo cáo đồng chí anh em mới ở một trận về còn bị.. ho cả ạ.
Cả gian hầm bật ra tiếng cười ồ, trong đó nổi lên tiếng cười giòn tan của chính ủy. Sau đó, căn hầm trở lại trầm lặng, trang nghiêm như giờ phút sắp sửa được vào một trận đánh.
Tư lệnh trưởng ở ngoài đi vào. Đồng chí đó phải dừng ở cửa hầm vì phía trong mọi người đã ngồi chật. Nhìn cái phích nước dưới chân, đồng chí nhận ra mình đã đứng ở chỗ được bố trí cho diễn đàn. Đầu anh gần chạm những cây gỗ ken ngang trên nóc hầm. Anh đứng hơi khom khom, dáng người gầy cao, như một cây trúc già đứng trước gió. Mặt anh gầy võ vừa đỏ vừa tái, trên trán nổi hằn những đường gân. Anh đưa mắt nhìn bao quát hội nghị, không nhìn hẳn vào một ai. Nhưng mọi người đều cảm thấy như anh đang nhìn mình nên cúi xuống.
Đồng chí trưởng phòng chính trị vừa nhổm dậy, có lẽ định làm thủ tục giới thiệu thì tư lệnh trưởng đã bắt đầu nói:
- Đại đoàn ta vừa làm nhiệm vụ xong. Làm gì? Làm như thế nào?... Các đồng chí biết rồi. Đảng ủy đại đoàn triệu tập các đồng chí về họp. Đêm qua, đảng ủy phân công cho tôi báo cáo nội dung hội nghị với các đồng chí. Tôi không có thời giờ chuẩn bị đâu. Tôi nói không có 1, 2 A, B gì. Cũng không có gì phải ghi chép. Các đồng chí cất sổ tay bút máy đi, nghe cho kỹ là đủ rồi!... Nội dung hội nghị à?... Đánh giặc rồi thì phải họp, phải kiểm điểm để tìm ra nguyên nhân thành công, thất bại. Hoàn thành nhiệm vụ, cũng kiểm điểm. Không hoàn thành nhiệm vụ cũng kiểm điểm. Quân đội cách mạng lấy chiến trường làm trường học. Thế mà... có người nói... vì ta thua nên mới kéo nhau về đây để đấu nhau, để chỉnh nhau! Hừ... đừng suy nghĩ như thế. Nếu đầu óc mình còn tư tưởng được tranh công, thua đổ lỗi thì phải gột nó đi. Đảng ta là Đảng Cộng sản có tinh thần phụ trách cao trước sự nghiệp cách mạng của quần chúng. Làm cách mạng là đi lật đổ kẻ đè đầu cưỡi cổ mình. Làm cách mạng là phải lấy yếu thắng mạnh. Làm cách mạng là phải vượt khó khăn. Trường học của người cách mạng ở đâu? Đã nói rồi, ở ngay trong chiến đấu. Được cũng rút ra bài học được. Thua cũng rút ra bài học thua. Mà thua lại càng phải rút ra bài học cho sâu sắc...
Nhưng trận này ta không thua. Đừng có nhìn thiển cận. Phải nhìn chung toàn mặt trận. Đánh năm cao điểm thì tiêu diệt được bốn cái rưỡi. Diệt địch không nhiều cũng được hai ngàn rưởi thằng. Đánh ở phía đông mà rung động sang cả phía tây, địch ở Cảng Na hoảng sợ mang cả vũ khí ra hàng. Ngày trước, chỉ có đại bác mới bắn được tới sở chỉ huy của thằng Đờ Cát. Bây giờ thì súng cối, súng trường cũng bắn được tới nơi rồi. Địch có sân bay, thế mà chúng nó phải thả dù tiếp tế từng ngọn rau, từng thanh củi. Thằng Pháp đang lo cuồng lên. Thằng Mỹ cũng đang lồng lên vì trận đánh này. Lúc đầu chúng nó nói thế nào? Thằng Ô Đa-ni-en, thằng Na va tuyên bố Điện Biên Phủ là bất khả xâm phạm. Chúng nó thách ta có giỏi thì vào đánh đi. Nhưng bây giờ nó nói thế nào? Nó đang la rầm lên là Điện Biên Phủ có nguy cơ bị tiêu diệt. Thế là ta thắng hay là thua?... Phải nói là ta thắng, ta thắng to. Nhưng cũng có từng chỗ, từng nơi, ta chưa hoàn thành nhiệm vụ. Chưa hoàn thành nhiệm vụ thì phải kiểm điểm cho ra nguyên nhân vì sao, để tiếp tục hoàn thành. Đừng nghĩ là ta thua. Không được nói là ta thua. Chiến dịch chưa kết thúc. Trận đánh này chưa kết thúc. Nhất định ta không thua. Trên chỉ cho ta trận này được thắng, không được thua. Có người đã bảo lại sắp như Nà Sản, lại sắp thu quân về xuôi nghỉ ngơi... (có tiếng rì rầm). Có phải thế không?... (Tiếng một người đáp: Có dấy ạ). Hừ... lúc chưa đánh, trên bảo chuẩn bị cho kỹ đi thì không muốn, cứ đòi đánh ngay. Trên chưa cho đánh, thì bảo trên là đánh giá cao địch, bảo trên là bỏ lỡ thời cơ, bảo trên là làm mệt lính vô ích. Thấy đơn vị bạn đánh thắng địch một hai trận, thì cho là thằng địch giẫy chết rồi, chỉ đập khẽ một cái là nó chết tươi, coi địch như con nhái. Bây giờ tạm thời gặp khó khăn, đánh một trận chưa xong, thì lại cho ngay thằng địch là con hổ dữ, ta không thể làm gì nó được. Tư tưởng như vậy là tư tưởng gì?... Không, trên không rút quân đâu! Trên bảo thằng địch ở đây có chỗ mạnh, chỗ yếu, ta cũng có chỗ mạnh, chỗ yếu. Nhưng chỗ yếu của thằng địch là không thể khắc phục, chỗ mạnh của địch sẽ mất dần. Chỗ yếu của ta có thể khắc phục, nên ta nhất định sẽ tiêu diệt được địch. Trên bảo đánh địch có khó khăn, nhưng nhất định đánh được. Trước trên nói thế, bây giờ trên vẫn nói thế... Nào, thử nhìn xem ai đánh giá địch cao, ai đánh giá địch đúng?... Đừng có hoang mang dao động! Trên không rút quân đâu! Ngày trước ở Nà Sản khác, ngày nay ở Điện Biên Phủ khác. Đánh lần thứ nhất chưa được, thì đánh lần thứ hai, thứ ba. Đánh tháng này chưa được thì đánh sang tháng khác. Đánh mùa khô chưa được, thì đánh sang mùa nước... Đừng vội nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi, đừng có sợ khó khăn. Người cách mạng phải bền hơi, bền sức. Đừng có như lửa rơm, chỉ bùng lên được một lúc. Có nhiều đồng chí, tôi biết đấy, không phải tôi không biết đâu, lúc chưa đánh nhau và lúc đánh nhau thì có cố gắng đấy, nhưng bây giờ hả hết hơi rồi: trước khi đánh thì coi thường địch đấy nhưng bây giờ lại sợ địch rồi. Có ai như thế không? (Có tiếng rì rầm nhưng không ai lên tiếng trả lời). Không có ai nhận à? Thế mà tôi biết đây! (Một người nói: Có đấy). Phải. Thế mới phải. Thẳng thắn là thái độ của người cộng sản. Có gan nhìn vào khuyết điểm thì mới có gan sứa chữa khuyết điểm.
Bây giờ chắc có đồng chí hỏi: Về đây kiểm điểm, thì kiểm điểm cái gì? Có phải kiểm điểm xem mũi nào vào nhanh, mũi nào vào chậm? Có phải kiểm điểm xem bộ pháp hiệp đồng đã tốt chưa? Thông tin liên lạc như thế nào? Có phải kiểm điểm xem giờ A đơn vị anh ở chỗ nào? Giờ B đơn vị tôi ở chỗ nào không?... Tất cả cái đó cũng cần, nhưng không phải là vấn đề nêu ra trong hội nghị này. Đảng ủy nhận định là: Việc cần kiểm điểm trước tiên là kiểm điểm tư tưởng... Phải kiểm điểm cho ra cái gì trong tư tưởng đã cản trở không cho các đồng chí hoàn thành nhiệm vụ. Tình hình chiến tranh đang phát triển mau, có nhiều cái mới, ta có những non kém bỡ ngỡ về mặt chiến thuật, chiến đấu, nhưng đó không phải là cái chính làm cho ta không hoàn thành nhiệm vụ. Đảng ủy nhận xét là trận đánh này lớn, khó khăn nhiều, nên tư tưởng hữu khuynh tiêu cực của giai cấp tiểu tư sản đã có cơ hội bành trướng trong hàng ngũ cán bộ chúng ta. Nó đã kìm hãm không cho ta vượt qua được những khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Đảng ủy theo dõi nghiên cứu tình hình, thấy là các chiến sĩ chiến đấu rất tốt, vào đồn địch mất liên lạc với cán bộ, còn một tổ ba người, một người cũng tiếp tục chiến đấu không rời trận địa; anh em rất ít khuyết điểm. Nhưng cán bộ thì trái lại, khuyết điểm rất nhiều. Cán bộ dưới còn khá. Cán bộ tiểu đội tốt. Cán bộ trung đội, anh em làm tròn nhiệm vụ. Cán bộ đại đội, nhiều người khá. Nhưng cán bộ tiểu đoàn, trung đoàn thì...
Tiếng nói của tư lệnh trưởng dằn mạnh rồi lặng đi, hai hàm răng của anh nghiến lại, máu dồn căng lên mặt anh bầm tím như sắp sôi lên.
Nhiều người cúi mặt. Anh nói gần như quát:
- Thằng Quỳ tòa án binh mặt trận kết án mười năm tù rồi! Đồng chí Trang có đó không?
- Có – Mặt trung đoàn trưởng Trang cũng đỏ hồng như say rượu.
- Sao khi nó bỏ bộ dội chạy đồng chí không cho nó một phát súng?... Đã dặn phải duy trì kỷ luật chiến trường cho nhiệm vụ cơ mà! Đó là kỷ luật để bảo đảm chiến thắng. Giết một con giòi để làm cho hàng ngũ trong sạch không phải là tàn nhẫn. Phí đi một giọt máu xấu xa để cho những dòng máu tinh khiết khác đỡ phải đổ, đó là nhân đạo...
Tư lệnh trưởng cười gằn một tiếng rồi nói tiếp:
- Bộ đội có chiến đấu ở chân đồi đâu mà có đồng chí nằm đó để nắm tình hình? Anh em nằm trong đồn bốn ngày liền còn được cơ mà! "Cán bộ quyết định hết thảy"... Cán bộ như thế thì làm sao mà hoàn thành nhiệm vụ! Thế là tại làm sao hở các đồng chí? Có phải vì anh em chiến sĩ không chiến đấu thì không giành được miếng ăn, không sống được, nên anh em phải chiến đấu đến cùng? Còn các đồng chí thì không làm cách mạng các đồng chí vẫn còn có miếng ăn, nên gặp khó khăn là các đồng chí chùn lại?... Các đồng chí đều tự nhận là giác ngộ cách mạng cả rồi, các đồng chí có thấy nghĩ thế là sai không? Hừ... không phải là bây giờ nhiệm vụ không hoàn thành mà cắn rứt nhau, nhưng quả là tôi không hiểu các đồng chí... Yêu cầu của Đảng trong hội nghị này là như thế đó: kiểm điểm tư tưởng. Từng người hãy kiểm điểm cho ra tư tưởng hữu khuynh tiêu cực ở trong người mình... Có đời thuở nào, chiến hào đào còn cách đồn địch hơn hai trăm thước mà dám báo cáo lên là đã đào xuyên qua hàng rào của chúng rồi không?... Đảng yêu cầu các đồng chí với tinh thần phụ trách của người đảng viên, người cán bộ, phải tìm cho ra khuyết điểm tư tưởng của mình... Không phải nói như vậy là chỉ các đồng chí có khuyết điểm. Đảng ủy chúng tôi cũng có khuyết điểm. Chúng tôi đã nghiêm khắc kiểm điểm trước cấp trên, kiểm điểm với nhau rồi, chúng tôi cũng sẽ kiểm điểm trước các đồng chí...
Tư lệnh trưởng nói liền ba giờ đồng hồ buổi sáng. Đồng chí đó không nhấp một ngụm nước. Đến cuối buổi, giọng nói của anh đó gần như khản đặc.
Từ buổi chiều, các đơn vị tiến hành kiểm điểm cá nhân. Trong hội nghị họ vẫn ăn theo khẩu phần hạn chế của chiến dịch, nhưng bữa nào cơm cũng thừa. Sau mấy ngày mưa, có nắng mới, đất thở hơi nóng rất khó chịu. Những căn hầm ngốt lên vì thời tiết oi ả và hơi người. Nắng và gió Lào làm những bụi chó đẻ trên đồi khô xác như những cành cây chặt để làm ngụy trang đã lâu ngày. Những bông hoa vàng nhờ nhờ như những đám lông chó ấy, gặp một trận gió mạnh lại rơi lả tả.
Cao Điểm Cuối Cùng Cao Điểm Cuối Cùng - Hữu Mai Cao Điểm Cuối Cùng