Bí mật của thiên tài là có được tinh thần của trẻ con khi mình đã lớn, có nghĩa là không bao giờ mất nhiệt huyết.

Aldous Huxley

 
 
 
 
 
Tác giả: Chu Sa Lan
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Số chương: 20
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2090 / 25
Cập nhật: 2017-05-19 13:25:32 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 15
hong thả xé tờ lịch Tam Tông Miếu đã cũ, Đan Trầm nhìn chăm chú vào tờ lịch mới có hàng chữ 23 Tháng Chạp. Hôm nay là ngày đưa ông táo về trời, như vậy đúng một tuần lễ nữa sẽ tới đêm giao thừa. Trong thư gởi cách đây hai tuần,
Điềm cho biết anh được phép về nhà ăn Tết từ ngày 27 tết cho tới mồng 4 mới trở lại đơn vị. Điều đó khiến cho nàng vui mà cũng buồn vì sự vắng mặt của Mặc. Nghĩ tới người lính hiền lành vui vẻ và rất mực mến thương mình, nàng khe khẽ thở dài. Số phần của nàng hẩm hiu quá. Nàng không được cả hai. Có con thì không có chồng. Chọn con thì lại phải dứt bỏ người tình. Sự chọn lựa nào cũng gây ít nhiều tổn thương vì tâm hồn nàng có nhiều mâu thuẫn và không dung dị như người khác. Ở gần bên con nàng như cảm thấy quá đầy đủ nên nghĩ mình sẽ không cần tình thuơng nào khác hơn tình mẫu tử, không cần người đàn ông nào trong đời sống tình cảm của mình.
Xa con rồi, một mình hiu quạnh trong ngôi nhà vắng lặng, nàng lại cảm thấy mình cần thứ hạnh phúc gia đình nhỏ nhoi, cần một người bạn đường để được săn sóc, chiều chuộng, để có thể xẻ chia cảm nghĩ, để được nói cười. Nhiều thứ lắm, quan trọng có mà nhỏ nhặt và tầm thường cũng có. Kể từ khi biết con buồn giận mình về chuyện giao du tình cảm với Mặc, nàng đã cố gắng tự chế ngự tình cảm của mình dành cho Mặc. Tuy nhiên càng cố gắng nàng càng nhận ra chuyện đó rất khó khăn vì con tim có lý lẽ riêng của nó. Có thể bây giờ Điềm đã lớn, hiểu biết hơn do đó không còn hờn giận nhiều cũng như sẽ dễ dàng chấp nhận chuyện mẹ tái giá. Nàng hi vọng mình nghĩ đúng dù biết con trai rất thương mình, rất '' mê '' mẹ của nó cho nên vẫn chưa chịu dứt bỏ thứ tình cảm có phần hơi khác thường. Có nhiều lý do để giải thích cho thứ tình cảm đặc biệt giữa hai mẹ con. Lý do đầu tiên là suốt hai mươi năm dài chỉ có hai mẹ con sống bên cạnh, thương yêu, nương tựa và đùm bọc nhau. Sự kiện này khiến cho mẹ với con xích lại gần nhau hơn và cần thiết với nhau hơn. Lý do thứ nhì là dù mẹ con song họ cũng là người khác phái, một nam một nữ. Sự gắn bó được tạo ra bởi tình mẹ con, theo chiều hướng giữa nam nữ đã từ từ nẩy nở một cách tự nhiên thứ tình cảm giữa người với người không phân biệt huyết thống. Đó là lý do cho biết tại sao Điềm lại '' mê '' mẹ của mình bằng tình luyến ái đặc biệt chỉ xảy ra trong hoàn cảnh hiếm thấy. Cũng như có nhiều bà mẹ chồng đã ghen với con dâu chỉ vì muốn độc quyền chiếm hữu đứa con trai của mình. Họ ganh tức nên hành hạ con dâu, đặt điều nói xấu con dâu trước mặt con trai và lắm khi tìm cách chia rẻ con trai với vợ của nó.
Đan Trầm nhớ lại mình đã đọc truyện ngắn hay bài phân tích gì gì đó của một nhà tâm lý học về sự luyến ái đặc biệt của con trai đối với bà mẹ. Đứa bé trai tuổi độ bảy tám ghen tức với cha của nó vì bà mẹ đã có cử chỉ âu yếm với chồng. Nó đã xô ba nó ngã xuống hồ tắm cũng như hể thấy ba mẹ ôm nhau là nó lại xen vào đứng chính giữa để tìm cách chia rẻ hai người này ra. Trường hợp con trai của nàng cũng giống như vậy và còn có thể nặng hơn vì nó không có cha nên dồn hết tình thương cho mẹ. Nó không muốn bất cứ ai chiếm đoạt mẹ nó. Người đàn bà mà nó gọi bằng mẹ là của riêng nó. Nó thương và mê mẹ nên khó mà san sẻ. Điều đó thoạt nhìn thời ích kỷ và nhỏ nhen; nhưng tình thương khó mà biện giải bằng lý lẽ.
Phải nói trái tim có lý lẽ riêng của nó nên không chịu nghe lời cái đầu. Tình và lý và hai cực lúc nào cũng đối nghịch nhau và khó mà dung hoà được.
Tiếng kêu báo giờ của chiếc đồng hồ treo tường làm cho Đan Trầm giật mình ra khỏi dòng ý nghĩ. Thẩn thờ nhìn tờ lịch giây lát nàng bước ra sau bếp rồi lẩm bẩm mấy tiếng xong lại trở vào buồng thay quần áo đi chợ mua sắm các thứ cần dùng để đón con trai trở về thăm nhà vào dịp Tết. Ngồi trong lòng chiếc xích lô của chú hai Miện chạy trên cầu Thị Nghè nàng cảm thấy lòng mình bớt đi chút muộn phiền. Không khí của những ngày cận tết cộng thêm hình ảnh của con trai đem lại sự bình yên và thanh thản khiến cho nàng nghĩ ra một điều là lòng thương yêu rất có ý nghĩa nếu đi kèm với sự hy sinh.
27 Tết. 3 giờ chiều. Cứ mỗi lần nghe có tiếng xe gắn máy nổ trong con hẽm nhỏ hoặc tiếng xe dừng trước cổng, Đan Trầm lại bước ra cửa nhìn. Tiếng người cười nói lao xao song lại ở nhà bên kia đối diện với nhà của nàng. Đó là nhà của bác tư Kiên. Ông bà cũng có con đi lính mà có tới ba đứa lận. Thằng lớn nhất ở sư đoàn 1 đóng ngoài Huế, cả hai ba năm mới được về thăm nhà một lần. Thằng thứ nhì đi lính sư đoàn 23 đóng ở Ban Mê Thuột. Còn thằng con út đi lính mũ nâu, nghe nói đơn vị ở đâu đó trên Kontum hay Pleiku. Ông bà ở chung với đứa con gái út chưa có chồng. Mâm cơm bày ra trên bàn đã nguội. Hết ra vào, đi tới đi lui trong ngôi nhà im vắng, nàng nôn nóng chờ. 5 giờ chiều. Ánh mặt trời của buổi chiều dọi qua khung cửa sổ đậu trên sàn gạch bông thành vệt nắng vàng nhạt. Con chim cu gù trên tàng cây mận già cỗi nghe thật buồn. Chờ lâu đợi chán và mệt, nàng vào phòng nằm vật ra giường nhắm mắt lại thiêm thiếp ngủ một giấc. Khi thức dậy trời đã tối. Nhìn đồng hồ đeo tay chỉ 8 giờ nàng thở dài ứa nước mắt. Đứa con trai đã không về nhà như lời viết trong thư. Nàng cũng biết con là lính nên không trách móc mà chỉ buồn thôi. Uể oải ngồi dậy, lấy khăn và quần nàng đi ra nhà tắm. Nước mát lạnh đem lại cho nàng chút tỉnh táo và nhẹ nhàng.
Trở vào phòng chải đầu, nàng nhìn bóng mình in trên kiến. Đuôi mắt như có vết nhăn. Ánh mắt vẫn còn long lanh song vương mắc sự buồn bã dã dượi. Làn da mặt được chăm sóc rất kỹ cũng đã có cái gì như vết nhăn mờ nhạt. Thời gian. Tuổi già. Đan Trầm thở dài, cảm thấy mình già và mỏi mệt. Có lúc nào đó nàng cảm thấy mỏi mệt. Đó là triệu chứng của sự già nua hay cằn cỗi. Sống thiếu hạnh phúc làm cho người ta mau già hay nói cách khác là cằn cỗi giống như cây có phân mà thiếu nước, hoặc có nước mà thiếu phân, hoặc đủ phân đủ nước mà thiếu ánh sáng mặt trời thì cây cũng cằn cỗi. Nàng biết mình sống thiếu hạnh phúc, thứ hạnh phúc bắt nguồn từ một đời sống của lứa đôi. Trời đã sinh ra đàn bà thì phải có đàn ông để thành đôi thành cặp dù lắm khi họ chính là nỗi khổ đau, sự ưu phiền hoặc trở thành hệ luỵ cho mình song ít ra cũng đem lại cho mình chút hạnh phúc ngắn ngủi và bọt bèo. Hạnh phúc nào không có nước mắt, ít hay nhiều thôi mà đôi khi càng nhiều nước mắt hạnh phúc càng thêm ý nghĩa.
Ngồi vào bàn ăn cơm tối, Đan Trầm bới cơm vào cái chén của mình. Nhìn cái chén và đôi đũa dành riêng cho đứa con trai chưa về nàng ứa nước mắt. Đâu đó bên nhà hàng xóm vọng lên câu:
- Con biết bây giờ mẹ chờ tin con
khi thấy mai đào nở vàng bên nương
Năm trước con hẹn đầu xuân sẽ về
nay én bay đầy trước ngõ
mà tin con vẫn xa ngàn xa...
- Ôi nhớ xuân nào thuở trời yên vui
nghe pháo giao thừa rộn ràng nơi nơi
bên mái tranh nghèo ngồi quanh bếp hồng
trông bánh chưng ngồi chờ sáng
đỏ hây hây những đôi má đào
Nếu con không về chắc mẹ buồn lắm
mái tranh nghèo không người sửa sang
khu vườn thiếu hoa đào mừng xuân
Đàn trẻ thơ ngây chờ mong
anh trai sẽ đem về cho tà áo mới
ba ngày xuân đi khoe phố phường...
Đan Trầm nấc lên thành tiếng khóc nghẹn vì lời hát rất thực, rất đúng vào tâm trạng của nàng, một bà mẹ có con đi xa chưa trở lại nhà vào dịp xuân về. Câu '' nếu con không về chắc mẹ buồn lắm...'' khiến nàng không cầm được nước mắt để mặc cho giọt buồn rơi xuống chén cơm còn nguyên. Nếu có đông con hoặc sống chung với cha mẹ chắc nàng đỡ quạnh hiu và đơn độc. Đằng này nàng chỉ có một mình lủi thủi trong ngôi nhà cũ chứa đầy kỹ niệm và dấu tích của đứa con cưng.
- Con biết bây giờ mẹ chờ em trông
nhưng nếu con về bạn bè thương mong
bao lứa trai cùng chào xuân chiến trường
không lẽ riêng mình êm ấm
Mẹ ơi con xuân này vắng nhà
Mẹ thương con xin đợi ngày mai...
- Điềm ơi...
Đan Trầm gọi tên con. Tiếng gọi không âm vang vọng lại, không có tiếng trả lời. Tiếng gọi đầy bơ vơ lạc lõng trong không khí của ngày cận tết như tiếng than áo não. Uể oải nhai, nàng cảm thấy thức ăn nhạt nhẽo chẳng mùi chẳng vị. Ăn vì đói, vì bắt buộc phải ăn để sống. Thế thôi... Gượng gạo ăn hết chén cơm xong dọn hết thức ăn thừa bỏ vào tủ, đánh răng rửa mặt xong nàng leo lên giường mở radio nghe nhạc rồi thiếp dần vào giấc ngủ có tiếng cười hắc hắc của con trai bị nàng ngồi sau lưng cù lét lúc đang đạp xe chở mẹ đi trên con đường làng có hàng cây trâm bầu mọc hai bên.
Nhẹ mở cánh cổng khép mà không có khoá, Điềm bước vào sân nhà của mình. Con đường lát gạch tàu ngày xưa màu đỏ tươi bây giờ đã phai màu và có chút rêu bám. Góc nhà gần cửa sổ, cây mận già cành lá khẳng khiu. Hồi còn nhỏ anh rất thích cây mận này vì trái có từng chùm màu đỏ ối ăn không ngon mà nhìn thì bắt mắt. Cây mận này theo lời ngoại kể thì còn nhiều tuổi hơn anh nữa. Kế đó là cây trứng cá tàng xum xê. Hàng cây mai kiểng trồng trong những cái chậu lớn. Ngay chính giữa khoảng sân rộng phía bên trái, cây mai cao trơ trọi lá. Anh đoán mẹ đã mướn chú hai Miện bứt bỏ lá để cho nó nở bông đúng ngày tết. Hôm nay là chiều ngày hăm tám tết. Gió man mát. Sài Gòn vào mùa này dễ chịu nhất vì không nóng không lạnh mà lại khô ráo. Không gian yên bình và tĩnh lặng. Xô cửa thấy cửa khép hờ anh hơi ngạc nhiên vì thường thường mẹ hay khép và cài cửa cẩn thận. Chắc bà đang bận làm bếp. Nghĩ như vậy nên anh đi rón rén không có mẹ biết. Hồi nhỏ chạy chơi bên nhà hàng xóm, anh thường rón rén trở về để bất thình lình ôm chầm lấy bà làm cho bà giật mình ré tiếng lớn rồi vừa cười vừa rượt đuổi anh chạy lanh quanh trong nhà cho tới khi bắt được anh và hôn chùn chụt lên mặt mũi má mắt mới thôi. Nhà vắng lặng trừ tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ treo trên tường. Vén màn bước vào anh thấy mẹ đang nằm nhắm mắt trên giường.
Đã lâu lắm rồi anh mới thấy lại dáng nằm đẹp và quyến rũ của mẹ. Áo cánh ngắn tay màu trắng. Quần lụa đen. Mái tóc dài xoả một bên. Chiếc mũi cao thanh tú. Bờ ngực vun. Điềm cảm thấy một xuyến xao dâng lên trong lòng mình rồi sau đó cảm giác xuyến xao này biến thành run rẩy mới đầu nhẹ sau tăng dần cường độ làm cho thân thể anh như mất dần đi sức lực không đủ phản kháng lại sự tưởng tượng khi nhìn mẹ của mình đang ngủ. Anh biết mình rất thương mẹ, rất mê mẹ, cái mê đắm và luyến ái câm nín, lặng thinh, không thể thốt thành lời, không thể tỏ cùng ai, của một thanh niên vừa trưởng thành mà lại thiếu kinh nghiệm tình yêu mà có bà mẹ trẻ, đẹp, quyến rũ, hợp tính tình và sở thích. Đó là thứ mê đắm và luyến ái phát nguồn bởi lòng thương yêu, tôn kính và ngưỡng mộ của một thanh niên nhiều mơ mộng và lãng mạn và một tâm hồn không dung dị và giản đơn.
Đan Trầm nằm nhắm mắt song thức sau một chút thiếp mê. Ở trong trạng thái này nàng cảm thấy như có ai đang đứng gần, như có ai đang nhìn mình vì mơ hồ nàng nghe tiếng thở của người nào đó. Nàng liên tưởng tới hình ảnh và sự liên tưởng khiến cho nàng he hé mắt ra kín đáo nhìn. Làn da mặt xạm nắng. Mái tóc ngắn. Ánh mắt khắc khổ phả vào chút u buồn. Môi hơi mím lại như cố kềm giữ lời nào sắp thốt ra. Ánh mắt nhìn mê đắm. Đan Trầm cảm thấy lòng mình dâng lên sự quan hoài, chút thương tưởng. Trong sát na nào đó hai ánh mắt đụng nhau, quấn quít và hoà quyện với nhau lại thành mối cảm thông không thể nói thành lời.
Hai cánh tay đưa lên, Đan Trầm mấp máy môi của mình.
- Điềm... Con...
Điềm mỉm cười. Đan Trầm ứa nước mắt vì nụ cười của con. Nó tội nghiệp làm sao. Nó buồn vô hạn.
- Mẹ muốn ôm con vào lòng...
Đan Trầm thì thầm. Điềm cúi xuống để cho vòng tay mềm ấm tình thương vòng quanh cổ kèm nụ hôn nhẹ lên trán.
- Mẹ tưởng con thất hứa với mẹ rồi...
Điềm nói thật nhỏ bên tai mẹ hiền.
- Dạ... Rút kinh nghiệm lần này, lần sau mẹ đừng tin vào lời hứa của con. Lính mà...
Đan Trầm bật lên tiếng cười nhỏ. Vỗ vỗ lên mặt nệm kế bên mình nàng nói như ra lịnh.
- Nằm xuống đây... Mẹ muốn con nằm bên mẹ, để mẹ được ôm con vào lòng như lúc con còn nhỏ...
Điềm vâng lời một cách vui vẻ. Đưa cánh tay ra để cho con gối đầu, tay kia Đan Trầm mân mê làn da mặt bắt đầu có vết sần sùi và chai cứng của con. Tự dưng nước mắt nàng ứa ra. Biết mẹ khóc Điềm vỗ về.
- Mẹ... Bây giờ con mới biết con tình nguyện đi lính là một chọn lựa đúng đắn và có ý nghĩa. Con đang chiến đấu cho điều mà con tin tưởng. Đó là tự do cho cá nhân con và bình yên cho mẹ...
Đan Trầm gật đầu. Nàng biết điều đó song lo sợ cho tính mạng của con trai thời nàng vẫn lo sợ. Nàng chỉ có một đứa con. Mất nó là một mất mát lớn lao không gì bù đắp được.
- Mẹ có gì ăn hông mẹ. Con đói bụng...
- Thiếu gì... Mẹ làm đủ thứ chờ con về ăn ngày hôm qua mà chờ hoài...
Điềm rời giường. Anh mỉm cười khi thấy mẹ đưa tay ra cho mình nắm để kéo bà lên. Suốt buổi chiều và đêm đó hai mẹ con thức nói chuyện cho tới lúc còi hụ giới nghiêm mới đi ngủ.
Đêm mồng hai. Sao óng ánh trên nền trời đen thẳm. Gió từ mặt nước của con rạch sau nhà bốc lên nhè nhẹ. Đêm tịch mịch. Đêm bình yên. Chiếc chiếu được trải ra. Bộ trà cũ. Dĩa mứt gừng. Hương trà ướp sen thoang thoảng. Đêm giã từ sao buồn rũ người ra tới độ không muốn nói dù chỉ lời dặn dò.
- Mẹ ngâm thơ mẹ làm cho con nghe đi mẹ... Con nhớ giọng ngâm thơ quỳnh hoa của mẹ...
Điềm nói như thì thầm. Đan Trầm cười lặng lẽ chưa kịp nói gì, Điềm lại tiếp.
- Con muốn nghe và mang theo giọng ngâm thơ của mẹ khi con đi xa...
Chầm chậm gật đầu, Đan Trầm cảm thấy mắt mình cay cay.
- Mẹ có một yêu cầu...
- Yêu cầu gì mẹ?
- Mẹ xin con nằm gối đầu vào lòng mẹ để mẹ được...
Khẽ cười tiếng nhỏ, Điềm ngã người nằm gối đầu vào lòng mẹ. Đan Trầm cúi xuống nhìn con. Giọng nói của nàng cất lên mơ hồ.
- Mẹ ngâm cho con nghe bài Tương Biệt Dạ của thi sĩ Huyền Kiêu nhưng mẹ xin phép đổi vài lời cho phù hợp với chuyện của mình...
Lời thơ như hơi thở ấm chở chất tình buồn phả vào mặt con trai đang ngước lên nhìn mình với ánh mắt vời vợi xa xăm.
- Hiu hắt sương khuya lạnh bốn bề
Tình sầu lên vụt đếnsao Khuê
Quý thay giây phút gần ly biệt
Vương vấn người đi với kẻ về...
Giọng người ngâm thơ nghẹn lại như vướng mắc cái gì. Điềm cười mà dường như nước mắt của anh ứa ra.
- Ngồi suốt đêm dài không nói năng
Ngậm ngùi chén rượu ánh sao băng
Người xưa lưu luyến ra sao nhỉ?
Có giống như mình lưu luyến chăng?
Điềm như chìm ngập trong cảm xúc dịu dàng khi được vuốt ve bởi bàn tay thần nữ của người mẹ thương yêu. Tiếng '' mình '' của mẹ nghe thật tuyệt, mang âm hưởng thân ái giữa hai người khác phái. Hình như trong phút giây mơ mộng và lãng mạn nào đó bà đã bỏ đi giới hạn để ngâm tiếng '' mình '' như nói với anh, người đồng trang lứa chứ không phải con của bà.
- Sớm biệt ly nhau thêm nhớ nhau
Nửa khuya chợt tỉnh bỗng nhiên sầu
Đêm mùa xuân đó ai tâm sự?
Mai xa nhau rồi. Ai nhớ ai?
Điềm cho điều phỏng định của mình không sai sự thật lắm vì khi ngâm tới bốn câu cuối của bài Tương Biệt Dạ bà đã sửa, đổi nhiều chữ cho để hợp với lòng bà hay nói lên tâm sự của bà và đúng với hoàn cảnh của hai mẹ con. Như câu: '' Sớm biệt ly nhau không nhớ nhau...'', bà đổi thành: '' Sớm biệt ly nhau thêm nhớ nhau...''. Tuy nó không hay và xác nghĩa như câu của tác giả song lại đúng vào hoàn cảnh nên làm cho anh bùi ngùi ứa nước mắt. Riêng câu '' Trăng mùa xuân đó ai tâm sự '' bà đổi một tiếng trăng thành '' Đêm '' để cho hợp với khung cảnh và thời gian vì mồng hai tết không có trăng.
- Sớm biệt ly nhau thương nhớ nhau
Nửa khuya chợt tỉnh bỗng nhiên sầu
Đêm mùa xuân đó ai tâm sự?
Mai xa nhau rồi, ai nhớ ai?
Đan Trầm ngâm lại lần nữa bốn câu cuối cùng và lại đổi tiếng thêm thành ra thương. Điềm biết có giọt nước vị mằn mặn rơi trên môi mình.
- Mẹ ngâm nữa con chịu hông?
Điềm lên tiếng liền như sợ mẹ đổi ý.
- Nằm trong lòng mẹ nghe mẹ ngâm thơ suốt đêm đối với con là ước mong của con. Mẹ ngâm đi mẹ, bài gì cũng được...
Nói xong anh nắm tay mẹ đặt lên ngực của mình. Đan Trầm cảm thấy mình nghe được nhịp tim đập của con trùng hợp với nhịp đập của trái tim của mình. Cảm giác thật mơ hồ tạo nên chút run rẩy dịu dàng. Lời thơ buồn mà giọng của người ngâm thơ còn buồn hơn.
- Còn một đêm nay thôi người ơi
Ngày mai người đã ra đi rồi
Đường về phương ấy xa xôi lắm
Sài Gòn bơ vơ một mình tôi...
°
Sài Gòn vào khuya mưa bão bùng
Người đi người có nhớ tôi không
Rồi đây mỗi kẻ phương trời thẵm
Tôi nhớ, tôi thương đến ngập lòng...
Điềm biết có giọt nước vị mằn mặn rơi trên môi mình.
- Mẹ... Con thương mẹ...
Đan Trầm gật đầu thổn thức. Nàng biết nếu mở miệng ra nàng sẽ bật khóc thành tiếng. Bàn tay vuốt ve khuôn mặt của con trai nàng tưởng như mình đang vuốt ve chồng, người đàn ông giờ đã thành xa lạ quá trong đời sống. Cuối cùng rồi nàng cũng gắng gượng lên tiếng.
- Mai con đi rồi chừng nào con về?
Điềm im lặng không biết trả lời ra sao. Hỏi một người lính chiến khi nào trở về nhà thì khó mà có câu trả lời đích xác. Câu hỏi của mẹ làm anh liên tưởng tới câu '' chàng siêu mái tóc điểm sương mới về '' hay câu '' xưa nay chinh chiến mấy ai về ''. Sự đi và về của người lính tựa mây mưa, gió bão bất thường không biết trước được.
- Dạ con không biết thưa mẹ...
Đan Trầm cười lặng lẽ trong bóng tối. Dù rất si mê, con trai của nàng vẫn có sự tôn kính mẹ. Đó là kết quả của sự dạy dỗ nghiêm khắc từ hồi con còn nhỏ dại của ông bà ngoại và cả nàng nữa. Tiên học lễ hậu học văn. Câu đó được ông bà ngoại, nhất là ông ngoại áp dụng triệt để với đứa cháu ngoại độc nhất. Đi phải thưa về phải trình. Mỗi lần, trước khi chạy sang nhà hàng xóm chơi, Điềm đều phải khoanh tay trước ông bà ngoại và nói câu: '' Kính thưa ông ngoại... Kính thưa bà ngoại... Kính thưa mẹ con đi chơi...''. Khi về cũng phải nói câu: '' Kính thưa ông ngoại... Kính thưa bà ngoại... Kính thưa mẹ con về...''. Riết rồi thành quen, anh nói với bất cứ người lớn tuổi hơn mình đều bắt đầu bằng hai tiếng dạ hoặc thưa. Riêng đối với ông bà nội ngoại và mẹ thì sự lễ phép, tôn kính được duy trì cho tới khi Điềm lớn khôn và có đủ hiểu biết thì mới giảm dần đi. Bởi vậy mà tới bây giờ Điềm vẫn dạ, thưa đối với mẹ hay bất cứ ai lớn tuổi hơn mình. Chính sự tôn kính đó là cái hàng rào vô hình cản ngăn anh có những hành động, cử chỉ và lời nói ngỗ nghịch vượt ra ngoài lễ giáo đối với đấng sanh thành.
- Khi nào về được thì con về... Con đâu có ai đâu...
Điềm nói với giọng buồn buồn. Cúi đầu xuống thật sâu Đan Trầm hôn lên trán con.
- Con có mẹ nè... Con không về được thì mẹ lên thăm con... Chắc con không cấm mẹ lên thăm con...
- Dạ... Chắc là không...
Điềm cười nhỏ sau câu nói. Không biết nghĩ gì mà anh lại nói tiếp.
- Đường từ chỗ con đóng quân về nhà thì không xa nhưng cũng không dễ đi. Lộ trình không được an ninh lắm vì địch đắp mô và chận đường phục kích hoài. Mỗi lần xin phép con phải được sự chấp thuận từ trên quận rồi phải có lính nằm đường giữ an ninh nữa. Như mai con trở lại thì con phải chờ trên quận cho tới khi nào có đoàn công voa hoặc toán lính yểm trợ để tháp tùng về tới chỗ đóng đồn... Mẹ đi thăm con cực khổ và nguy hiểm lắm mẹ...
Điềm giải thích mong cho mẹ hiểu để bà đừng có đi thăm anh thường xuyên. Không phải anh không muốn bà lên thăm mà anh lo ngại cho bà. Chắc biết được sự lo âu của con, Đan Trầm thì thầm. Điềm cảm thấy lời thì thầm của mẹ như có giọng cười lẫn trong đó.
- Mẹ sẽ không lên thăm con mỗi tháng đâu... Mẹ nhớ con thì mẹ viết thư...
- Dạ... Con sẽ rán viết thư cho mẹ...
- Xời... Rán viết thư hả... Chắc để dành thời giờ viết thư cho bồ hay người yêu hả...
Vừa nói Đan Trầm vừa nựng má con khiến Điềm bật lên tiếng cười. Anh nói một câu mà cố làm cho giọng của mình thành ra cợt đùa nhưng Đan Trầm cảm thấy ẩn chứa nỗi niềm.
- Con đâu có bồ... đâu có người yêu... Mẹ là cô bồ lớn nhất của con mà... Mẹ là người tình diễm tuyệt nhất của con mà...
Có giọt nước rơi xuống làm mặn môi của mình, Điềm biết. Anh cũng biết có bàn tay đang trìu mến mắt môi của mình. Anh cũng thấy được đôi mắt đen đang cúi nhìn mình toả sáng ý tình thăm thẳm sâu rồi theo đó tiếng thở dài hắt hiu buồn của mẹ phả xuống mặt mình.
- Mẹ nhớ con... Điềm ơi...
Giọng nói lạc đi bay theo cơn gió nhẹ của đêm mồng hai tết. Không gian thật tĩnh lặng.
Trời tang tảng sáng. Hai mẹ con đứng im nơi ngã ba chờ đón xe. Đường vắng tanh vì mới có mồng 3. Đan Trầm chợt nắm lấy bàn tay của con và xiết chặt lại như thay cho lời từ biệt mà nàng khó nói thành lời. Điềm quay qua nhìn mẹ mỉm cười như hiểu được ý tình của mẹ gởi trao qua cái nắm tay. Chiếc tắc xi trờ tới.
- Dạ con đi thưa mẹ...
Điềm nói thật nhanh. Đan Trầm buông tay con ra. Cửa mở. Điềm chui vào. Cửa đóng, chiếc xe chạy vụt đi qua cầu Thị Nghè. Đan Trầm nhìn theo bóng xe mất hút. Trong trí của nàng chợt hiện lên câu thơ mà nàng đã ngâm đêm hôm qua '' vương vấn người đi với kẻ về ''. Nàng tự hỏi ai vương vấn ai. Nàng có vấn vương hình bóng con trai không mà đang đứng trơ vơ mắt dõi theo bóng người đi xa còn lâu lắm mới trở về. Xưa nay chinh chiến mấy ai về. Ý nghĩ đó làm cho nàng hụt hẫng và chới với. Nếu Điềm không trở về thì đó là mất mát lớn nhất. Đó cũng là điều bi thảm nhất. Đưa tay áo lau vội nước mắt nàng lặng lẽ trở lại ngôi nhà quạnh hiu chỉ có mình nàng. Dọn dẹp nhà bếp, bàn ăn xong xuôi nàng vén màn bước vào phòng ngủ. Tần ngần đứng nơi chiếc giường vẫn còn buông xuống của con trai, nàng từ từ vén mùng lên, xếp mền lại, sửa gối lại cho ngay ngắn. Quyển tập học trò màu đen rơi ra. Nàng biết của con trai vì đã thấy nó ghi ghi chép chép trưa hôm qua. '' Lại quên rồi...''.
Cầm lên ngắm nghía, tò mò nàng mở ra đọc thoáng trang đầu xong gấp lại thật nhanh. Đó là nhật ký của Điềm. Biết không nên đọc những gì riêng tư của người khác kể cả người khác đó là con của mình, do đó nàng dằn lòng gấp lại không đọc tiếp. Gấp lại rồi nàng lại phân vân, do dự, thắc mắc, băn khoăn. Nàng tò mò muốn biết con trai viết cái gì, suy tư như thế nào. Nó nghĩ về mình? Nghĩ như thế nào? Viết ra sao? Xấu hay tốt? Ghét hay thương? Còn giận? Còn hờn? Còn ghen tức với Mặc? Nó lưu lại cuốn nhật ký để làm gì? Quên? Hay cố tình lưu lại để cho mình đọc? Những câu hỏi, ý nghĩ hiện rồi mất, rồi lại hiện ra, lởn vởn trong trí não làm tăng thêm sự tò mò muốn biết của nàng. Cuối cùng nàng lẩm bẩm. '' Biết đâu nó làm bộ quên để cho mình đọc...'' Bằng ý nghĩ đó nàng chầm chậm mở quyển nhật ký ra rồi chăm chú đọc và đọc. Nàng say mê đọc tới độ ngồi xuống giường rồi lại nằm lăn ra nệm mà cũng không để ý tới. Khi thở dài, lúc mỉm cười, khi ứa nước mắt, lúc lắc lắc đầu, khi gật đầu, lúc lẩm bẩm những gì trong miệng; nàng đọc nỗi lòng của con trai và biết được một sự thực làm cho nàng bật khóc.
- Điềm ơi... Mẹ thương con... tội nghiệp con...
Buông Theo Giọt Buồn Buông Theo Giọt Buồn - Chu Sa Lan Buông Theo Giọt Buồn