Số lần đọc/download: 273 / 21
Cập nhật: 2020-06-05 12:47:39 +0700
Chương 15
T
háng Chín năm ấy, hoa Phượng đỏ vừa đi hết vòng đời, vào mùa tựu trường, ở thành phố xuất hiện một hành vi phạm tội kỳ lạ chưa từng thấy. Chỉ trong vòng một tuần lễ, hơn mười trẻ em từ bảy đến mười hai tuổi bị rạch mặt bằng lưỡi dao cạo. Mẹ một nạn nhân nhỏ tuổi khai: Chị đang đèo con ở đằng sau xe thì có một thanh niên mặc áo đen, đi xe đạp Phượng Hoàng vụt qua. Lát sau, đứa nhỏ kêu: Ôi mẹ ơi, mặt con sao nhiều máu thế này! Người mẹ vội đỗ xe. Trên má đứa trẻ, máu tứa theo một vệt dao rạch dọc. Đứa nhỏ được đưa ngay vào bệnh viện để cứu chữa. Nó kể: Cháu đang ôm cặp sách ngồi sau xe mẹ cháu thì có một thanh niên đạp xe sát tới, đưa tay vuốt má cháu một cái, cháu cứ tưởng chú ấy vuốt yêu cháu.
Thành phố rơi vào cuộc khủng hoảng tâm thần.
Những đứa trẻ từ lâu đã trở thành hạt nhân trung tâm của các gia đình hiện đại. Tivi quảng bá rất nhanh tin tức này. Nỗi lo sợ trở thành một cơn chấn động dây chuyền.
Ba triệu dân nội ngoại thành nơm nớp lo sợ tai họa áp tới con cháu mình. Trẻ con vội vàng mua mũ bảo hiểm. Giá mũ đang từ sáu chục, vọt lên hơn một trăm ngàn. Các thiếu nữ ra đường đều nhất loạt tùm hum khăn kín cổ, kín má như phụ nữ Hồi giáo. Vào các giờ cao điểm, các chiến sĩ công an phục kích ở cổng các trường học, trên các con đường hẻm. Trở về sau giờ phục kích, mọi người lại nhìn nhau băn khoăn: Tội trạng này, nó là cái gì vậy? Cơn rối loạn tâm thần của những thằng điên? Trò quậy phá của lũ rồ dại? Một hành vi trả thù tai ác? Giữa những lời trao đổi nhằm tìm cái sự thật, ông Khoái đập bàn gắt: “Nó là con đẻ của cơ chế thị trường! Nó có động cơ là tiền! Tiền! Hiểu chưa"? Và nhận ra thái độ không chấp nhận của các cán bộ chiến sĩ trẻ dưới quyền, ông liền dằn mạnh: “Bọn buôn bán mũ bảo hiểm đang muốn nâng giá, đơn giản vậy thôi". Rồi thấy Nhâm ngoảnh mặt đi, ông quát: “Không tin, hả! Rồi thực tế sẽ làm sáng mắt anh”!
Chính là Nhâm đã tóm được tên rạch mặt trẻ con nọ. Nó đi từ phía làng Phùng ngoại thành trên một chiếc xe Phượng Hoàng. Mặc quần áo đen, chụp mũ vải xanh lưỡi chai đen sụp mi mắt, nó lừ lừ nhìn phía trước, thỉnh thoảng lại buông hai tay lái và hai bàn tay chốc chốc lại vẩy vẩy như thử xem có gì tuột ra không. Nhâm bám theo nó, lúc đầu coi như là một phép thử tình cờ. Tới đường Nghĩa Linh, anh đã sinh nghi. Vì thấy nó thỉnh thoảng lại lượn sát vào một chiếc xe có đèo em nhỏ ở bên cạnh đường.
Tới giữa phố Phan Đình Phùng thì tên nọ gây án. Vuốt má một đứa bé gái ngồi sau xe một phụ nữ tóc uốn xinh đẹp, mặc váy hoa hở vai, rất đài các, rồi nó đảo xe, phóng như bay, ngay khi đứa bé chưa kịp kêu. Nhâm đã đâm xe vào đuôi xe nó, bắt được nó, rồi kéo nó ra khỏi trận đòn căm phẫn của những người đi đường.
Thủ phạm tội ác khó hiểu này tên là Lường. Hai mươi tuổi. Con một nữ nhân viên ở Sở Vệ sinh môi trường, chồng chết vì bệnh lao, sống ở mức nghèo khổ. Học hết lớp bảy, nó ở nhà, làm chân gỗ cho chủ để đàn đúm chơi bời, thỉnh thoảng lại tham gia một vụ ôm bom, cò mồi và đua xe máy. Nó có tiền án là do tham gia một cuộc đua xe máy hồi đầu năm, bị phạt giam sáu tháng tù.
- Tại sao mày lại gây ra cái tội ác rạch mặt trẻ em dã man này, hả?
Trả lời câu hỏi của Nhâm, trước mặt Nhâm, ông Khoái và tất cả các chiến sĩ trong ban, Lường cúi gằm mặt, lí nhí:
- Vì, cháu ức!
- Ức cái gì?
- Ức vì chúng cháu cùng đua xe máy, vậy mà cái đứa đầu têu, chính nó đánh công an, đốt xe máy công an lại không bận gì, lại được thả ngay. Còn cháu chỉ là a dua theo, chỉ ngồi sau xe của nó, mà bị bắt giam những sáu tháng.
Gương mặt lưỡi cày của ông Khoái tím lịm. Quai hàm, chóp mũi, đuôi mắt ông nổi góc nổi cạnh. Không khí lặng phắc nghiêm trang như bị đẩy tới trạng thái căng thẳng khi tên trai trẻ nọ đang gầm mặt, lí nhí bỗng ngẩng dậy, mếu xệch miệng, đưa tay lên quệt đuôi mắt, giọng cất lên nhễ nhại và nghẹn ắng:
- Đứa cầm đầu là thằng Tỉnh, nó là con ông Cật, Thứ trưởng, có ba tòa biệt thự, có cả bốn nghìn mét vuông đất đồi ở khu nghỉ mát trên phủ Mẫu Thượng Ngàn. Nó hút heroin. Nó ăn cướp nhà hàng Ba Sao. Bị bắt, bố nó đưa tiền là nó được thả. Sao các chú bất công thế! Sao các chú không công bằng! Năm trước nó giết người mà cũng chỉ bị giam có sáu tháng.
Ngừng lời, thấy Nhâm vẫn chăm chú lắng nghe, gã trai trẻ lại đưa tay quệt đuôi mắt và nghẹn ngào, tiếp:
- Cháu nói là có bằng cứ. Thằng Tỉnh đâm chết thằng Ẩn bằng tám nhát dao, trong đó có sáu nhát trúng tim. Chính chúng cháu trông thấy. Thế mà không hiểu bố nó chạy thế nào mà Viện Kiểm sát, các chú chỉ khởi tố nó đâm có hai nhát dao vào tay thằng nọ. Còn sáu nhát dao hiểm chết người của nó cuối cùng lại quy vào một thằng bạn vô tội của cháu. Thế là thế nào!
Tên rạch mặt trẻ em không thể tiếp tục bộc lộ được tất cả nỗi lòng căm uất của nó. Phần vì nó bỗng khóc rống lên. Mặc dầu rằng lúc đó, Nhâm có cảm tưởng như một vùng cảm nhận mới vừa hiện ra và anh rất cần nghe nó nói tiếp để có thêm dữ kiện, để khẳng định nhận biết. Và anh chợt nhớ lại câu chuyên bi thương về cái chết tức tưởi vì bị lừa dối do thói ích kỷ hại nhân của người cấp trên gây ra cho chú em vợ ông Xây ngày nào Trừng đã kể lại cho anh nghe. Tiếng kêu oan uổng đang dậy đất! Còn bây giờ thì của cải xã hội đang nhiều hơn lên, nhưng phân chia lại tạo ra từng mảng đẳng cấp cách biệt; số người giật lùi vào nghèo khó không bớt đi và lòng căm phẫn của họ trước các hành vi làm giàu bất chính của những kẻ có chức quyền đã có lúc trở thành các vụ trả thù manh động. Bất công đã và đang trở thành một cội nguồn của tội ác!
- Câm ngay! Ai cho phép mày ăn nói càn rỡ lung tung thế. Đừng có vừa ăn cướp vừa la làng. Mày không che mắt được tao đâu! Mắt tao là mắt cú mắt vọ, tao nhìn được tim đen của mày, hiểu chưa! Khôn hồn thì khai vào sự việc và khai cho đúng, không đi đời nhà ma đó, con ạ. Các đồng chí giam nó lại đã.
Công cuộc điều tra còn đang tiến hành. Chưa chi ông Khoái đã đập bàn kết luận vậy. Nhâm có cảm giác bị chính Khoái sỉ nhục khi phải nghe những lời dọa dẫm hồ đồ, ỷ thế quyền uy nọ.
Khoa nhân chứng học đã tìm được một gương mặt đặc sắc. Ở ông Khoái, từ khuôn mặt đến cặp mắt, bộ lông mày, cái cằm, khóe miệng, chiếc răng đều góc gách nhọn sắc. Ông thấp nhỏ, đứng chỉ đến vai Nhâm và Trừng, nhưng săn chắc gân guốc. Ông là một đối cực cả về hình thể lẫn thần thái với ông Tầm, con người mực thước điều hòa, tròn trặn. Cách đây bảy năm, khi Nhâm chưa tốt nghiệp Trường Đại học An ninh, ông Khoái giữ chức Đội trưởng trọng án ở Quận này và đã nhiều lần xô xát với Trừng, lúc đó là chiến sĩ dưới quyền ông. Ông chỉ có mỗi một ưu điểm, một ưu thế duy nhất: Ông là con trai của một ông tướng, một nhà cách mạng lão thành. Còn về mọi phương diện, ông xứng đáng với mọi lời người ta bàn tán chê trách.
Kiêu ngạo, độc đoán, ỷ thế cha làm càn là đặc điểm dễ thấy nhất ở ông. Dẫn chứng gần đây nhất là việc dựa thế cán bộ Sở, ông ép ông Tầm và ông Tầm đang ở thế sắp rời bỏ cương vị đã sinh ra nể nả, bắt Trừng phải đi Hưng Yên nhằm quy tội thủ phạm vụ cái đầu người bị cắt cho Lẫm, một kẻ có tư thù với ông, nhằm thỏa mãn thói hiếu danh của ông. Việc này sau đó Trừng mới được biết và chính anh nói với Nhâm rằng nó cũng giông giống như chuyện người em chú ông Xây tên là Thế bị tay Tiểu đoàn trưởng tàn ác lừa dối để hại bạn ở Quảng Trị hồi chiến tranh. Trừng gọi ông Khoái là kẻ bí tiện, là cặn bã của cặn bã vì đã nhiều lần chứng kiến thói dâm đãng của ông. Ông lợi dụng nghề nghiệp chức vụ, hoàn cảnh để thỏa mãn tính thị dâm, khẩu dâm của mình, như có lần Trừng đã kể cho Nhâm nghe trong sự việc bắt một đôi nam nữ đang hành lạc ở một động mại dâm. Dư luận cán bộ, chiến sĩ trong Quận đang bàn tán việc mới về nhậm chức ít hôm, ông đã cho gọi chị Thư người phụ nữ bới rác, nhân chứng của vụ án do Thuyên gây ra lên Quận gặp mình. Đã hơn nửa năm qua rồi, người phụ nữ quê mùa giờ càng đẫy ra, hai má phình phình, ngực nở căng, mắt lá răm, dáng điệu lẳng lơ phong tình thật lộ liễu, nhưng vụ án đã khép lại rồi, ông quyền Trưởng Công an Quận còn gặp chị làm gì? Trời, không thể ngờ, ông triệu chị này đến để hỏi han nhằm thỏa thói tò mò của ông về quan hệ tình dục của chị với ông chồng hờ làm nghề cứu vạn mà Nhâm đã tiếp họ hôm nào.
Cũng có ý kiến cho rằng ông lo sợ chức Trưởng Công an Quận của ông sẽ bị một đối thủ mạnh giành mất, đối thủ đó là Nhâm, nên ông liên tục dùng thủ đoạn điều động Nhâm đi các địa bàn công tác xa, giao cho Nhâm những vụ án hắc búa, nhằm giảm thiểu tối đa uy tín của Nhâm với đồng đội. Ông đã thóc mách về cuộc tình của anh với Quyến và biết đến cả hoàn cảnh éo le của Quyến và tiểu sử gia đình Quyến. Có tin, ông sắp phân công Nhâm biệt phái xuống một xã, với mục đich vô hiệu hóa anh.
Chén nước đã tràn đầy. Nhâm đi thẳng đến trước bàn làm việc của quyền Trưởng Công an Quận. Râu đã cạo rồi. Đang lấy ráy tai, ông Khoái đang chau chuốt sửa soạn để đi đâu đó.
- Tôi đang bận. Anh muốn gặp lãnh đạo thì phải đăng ký trước.
- Nhưng tôi không thể chờ được.
- Vậy thì...
- Sao?
- Thấy không chịu được thì đơn giản nhất là anh có thể tìm một công việc thích hợp.
- Tôi không đi đâu hết!
- Tiện đây tôi cũng nói để anh biết. Từ lâu rồi, anh và cậu Trừng có những hành vi sai phạm, cố kết về hùa với nhau, gây bè phái chia rẽ nội bộ.
- Anh Trừng đã hy sinh một cách cao cả. Anh và tôi không thể sánh được với anh ấy đâu. Tôi yêu cầu không được nói xấu anh Trừng!
- Thế thì tôi nói về anh. Anh thử nghĩ về anh một cách thấu đáo xem.
- Tôi không có gì xấu hổ về tôi cả!
- Thế còn cô người tình nhà anh?
- Tôi yêu cầu anh không được xúc phạm đến cô ấy! Và xin anh nhớ cho, tôi muốn gặp anh để góp ý với anh. Anh hãy biết lắng nghe như ông Tầm ấy. Anh phải thực sự cầu thị. Thằng Lường, nó có nỗi khổ tâm, có nỗi đau; anh phải nghe nó nói, rồi giải thích, răn bảo nó.
- Này, anh là cấp trên của tôi đấy à?
- Chúng ta hãy đối xử với nhau bằng tình đồng nghiệp.
- Đồng nghiệp!
Đứng dậy, tay nắm nắm chiếc thắt lưng mới, mặt lạnh như băng, Khoái nhếch mép:
- Hừ, anh Nhâm, anh đóng hơi nhiều vai đấy. Anh là người có tầm tư tưởng lớn. Tôi đoán không sai. Thằng Trừng nói xấu tôi, chửi tôi là đồ cặn bã. Nhưng chẳng qua nó chỉ là một tên lính xung kích, một kẻ võ biền. Còn anh mới là kẻ chủ mưu. Hừ, anh còn đóng cả vai hiệp sĩ nữa. Hiệp sĩ và giai nhân. Chỉ tiếc rằng anh lại bảo vệ một con đàn bà giang hồ, con cháu một kẻ thù của cách mạng.
- Cái gì?
- Hiệp sĩ bé cái nhầm rồi.
- Nhầm gì! Tôi cấm anh.
- Anh có quyền cấm tôi?
- Tôi cấm anh!
- Này, Nhâm, qua vụ thằng Lường, anh tự hiểu trình độ anh đến đâu rồi chứ. Còn bây giờ thì tôi nói thẳng, vợ chưa cưới của anh như người ta nói chỉ là một con điếm, một con "phò" không hơn không kém đâu, anh Nhâm ạ. Mà báo trước để sau anh khỏi ân hận và trách móc, các người mà nên vợ nên chồng, thì hãy cuốn xéo ra khỏi Quận này, ngành này.
Mặt tái nhợt, Nhâm nghiến răng:
- Này, nói cho mi biết, nếu thật Quyến là con điếm, tao cũng không xấu hổ. Lấy đĩ về làm vợ. Đã có câu nói đó, mi biết không. Xấu hổ là cái thằng thủ dâm, thị dâm, khẩu dâm, lợi dụng việc hỏi cung để thỏa mãn thói dâm ô. Là cái thằng bất tài vô tướng ỷ thế cha chuyên làm càn!
- Câm! Đồ rác rưởi!
- Đồ trụy lạc!
- Cút mẹ mày đi, đồ rác rưởi!
- Im đi! Quân vô lại!
- Ôi, thằng Nhâm đánh tôi, các đồng chí ơi!
- Im ngay, thằng đê tiện!
Nhâm đã vụt đứng dậy, gào thật to và vung tay. Lúc này anh cần nhân danh cả cơn tức giận chưa nguôi của Trừng, anh có thể thay mặt cả kẻ bị hạ nhục là Quyến, nhân danh cả nỗi uất nghẹn của những kẻ chịu bất công, như thằng Lường uất ức mà sinh ra càn quấy, phá phách, để xô tới. Anh cần, trước hết để bày tỏ cơn giận dữ của anh và sau nữa, là một sự răn đe. Kẻ độc ác, chỉ không độc ác lúc nó không còn khả năng hành động độc ác nữa mà thôi.