Nguyên tác: The Godfather’S Returns
Số lần đọc/download: 3191 / 132
Cập nhật: 2016-05-03 19:52:17 +0700
Chương 13
K
ế hoạch cho Billy Van Arsdale và Francesca Corleone là bay từ Florida đến New York cùng với mấy cậu em của Francesca, mẹ cô và vị hôn phu muôn thuở của bà, Stan - Người Bán Rượu Mùi, nhưng bố mẹ của Billy tặng quà Giáng sinh sớm cho cậu ta: một chiếc Thunderbird (Chim báo bão) trông rất gồ ghề, trong khi chờ cậu ngày cậu từ trường về nhà trong chiếc ô tô cũ cọc cạch, một chiếc Jeepster cũ mà Billy thích có phần vì nó làm phiền lòng bố mẹ cậu ta nhưng chuyện đó nói thật ra, rất được việc khi đưa nó từ Tallahassee trở về Palm Beach. Cơ hội để ngao du trên đường thiên lí trong một chiếc xe như chiếc Thunderbird mới cáu kia, cậu bảo Francesca qua điện thoại, là quá tuyệt để có thể bỏ lỡ. Cô nghĩ mình hiểu điều gì anh muốn nói, nhưng cô chẳng nói gì về chuyện đó và cậu cũng không. Vé máy bay đã mua rồi, nhưng bố mẹ Billy, đang đi trượt tuyết ở Áo, đã gọi cho đại lí lữ hành và dặn cậu lo hồi vé để lấy lại tiền.
Đêm trước cuộc đi xa, Billy lái xe xuống Hollywood. Trước đây cậu ta từng đến đó một lần, vào ngày lễ Tạ ơn, một tháng sau khi cậu và Francesca bắt đầu hẹn hò, và dường như đã tạo được ấn tượng tốt đối với mọi người, trừ Kathy, cô nàng tỏ ra lạnh lùng với Billy suốt thời gian chàng ở đó, và rồi, tuần lễ sau Kathy viết thư cho Francesca để nói rằng mình rất thất vọng khi thấy lòng tự ố của Francesca lại sâu xa đến thế. Và đây là “bản dịch” của Francesca: Kathy ganh tị với mình đến chết được.
Tuy nhiên, khi không có Kathy, thì mọi người khác trong gia đình lại giành về phần mình chuyện làm cho Billy phải lúng túng, khó xử. Ngay cả trước khi cậu kịp có cơ hội ôm Francesca một cái, Ông Ngoại Francaviglia đã ép cậu đi đến nhà kế bên để giúp gắn cái toilet mới. Giữa lúc làm dở chuyện đó, Bà Ngoại đi vào mang một đĩa những lát cam cắt, có lát cắt từ trái vườn nhà bà, có lát từ cam ở Florida, yêu cầu cậu nếm thử xem lát nào là từ loại cam nào và cam nào ngon hơn cam nào. Rồi tất cả đi ăn ở một quán chuyên bán bít -tếch loại dưới mức bình dân chỉ vì đó là quán của người anh em họ của tay huấn luyện viên bóng đá của Frankie. Frankie hỏi Billy tại sao lại chơi bơi lội mà không làm cầu thủ bóng đá, có phải vì anh bị đuổi khỏi đội bóng không? Francesca suýt đá vào chân cậu em dưới bàn, nhưng Billy - dầu bị hỏi câu quá nhột, một câu hỏi dễ khiến người khác quê độ - vẫn bình thản như không, nói rằng đúng là sự vụ đã xảy ra như thế và kể câu chuyện tếu về sự cố đó. Còn Chip thì làm đổ Coca lên người Billy. Hai lần. Lẽ nào đó có thể thực sự chỉ là ngẫu nhiên khi một đứa bé mười tuổi làm đổ nước uống của mình, hai lần, lên cùng một người? Mọi người, trừ Francesca, dường như nghĩ thế. Ồ, ngẫu nhiên thôi. Chứ không hề có ý “thử rể” đâu nhé!
Sandra, bà via của Francesca, thanh tra việc Billy chất quà Giáng sinh vào va li và lên chỗ ngồi đàng sau xe (một đòn phép khéo léo của chàng ta để ngăn bà má vợ tương lai không đi cùng chuyến đi xa này - khỏi có kỳ đà cản mũi!), rồi hộ tống Billy và Francesca qua nhà ông bà ngoại ở kế bên, nơi Billy cảm thấy mình bị lưu đày như một kẻ ngăn cản sự thân mật của gia đình người ta. Lúc đó chỉ mới chín giờ rưỡi nhưng ngày mai họ sẽ có một ngày dài. Lí do duy nhất mà Billy qua đêm tại đây - nhà anh chỉ cách đấy một giờ chạy xe - đó là để cho sáng sớm mai, ngay từ lúc rạng đông họ có thể khởi hành và hai đứa phải trung thành với lời hứa là lái xe suốt ngày và đêm, suốt hai mươi bốn tiếng, thẳng một mạch đến New York mà không ngừng ở bất kỳ khách sạn nào. “Và nếu các con buộc phải ngừng,”
Sandra lúc ấy lên tiếng, và dặn đi dặn lại, “vì, lạy Trời đừng xảy ra, một lí do bất khả kháng nào đó, các con sẽ làm gì?”
“Sẽ thuê phòng riêng, Má à,” Francesca nói bằng giọng trang trọng. “Gọi cho Má biết rằng chúng con bình yên.”
“Gọi khi nào?”
“Gọi liền. Ngay tức thì, Má à. Thôi nào, đừng nói chuyện đó nữa.” “Và biên lai cho những phòng riêng?”
“Chúng con sẽ trình cho Má để chứng minh điều đó.” Như thể điều đó sẽ chứng minh được cái gì. “Má à, nói mãi chuyện này điên quá.”
Sandra bắt Billy lặp lại bài kinh kia. Cậu chiều ý má vợ tương lai. Sandra gật đầu và phán rằng thế là tốt, bà tin tưởng chúng, và bà không thích nghĩ đến điều gì có thể xảy ra nếu lỡ như chúng phản bội lời thề. “Má biết rằng các con muốn có một nụ hôn âu yếm dịu dàng để chúc nhau ngủ ngon,” bà nói, “vậy nên má để cho các con được vài phút riêng tư, nhé?”
Ngụy thiện. Đạo đức giả. Francesca nghĩ. Khi xưa bà via mới cỡ tuổi mình đã mang bụng bầu lặc lè rồi.
“Anh yêu em,” Billy thì thầm, nghiêng người chầm chậm về phía nàng, và nàng cũng thì thầm lại câu đó, đôi môi nàng còn chuyển động với mấy từ khi chàng hôn nàng. Như được kích hoạt bởi nụ hôn, đèn ở cổng vòm bỗng sáng lên.
“Anh yêu mến gia đình em,” Billy nói. “Anh thật là kỳ dị.”
“Em mong muốn họ thôi quấy rầy em, nhưng những ai không có được những gì em có đều mong ước họ có được điều đó.”
Đây không phải là lần đầu mà nàng e ngại rằng Billy đến với nàng chỉ vì nàng khác biệt, nàng là ngoại lai, là gái Ý, một phương tiện để gây sốc bố mẹ chàng nhưng không cực đoan bằng ra ngoài với một em Da đen. Hay một em Da đỏ, như cô bạn cùng phòng Suzy. Nhưng đây là lần đầu nàng thu hết can đảm để nói một điều gì về chuyện đó. “Anh có chắc là anh không yêu em vì gia đình em?”
Chàng lắc đầu và nhìn lảng ra xa. Ngay tức thì nàng ước chi mình đã không nói ra câu đó. Hẳn là chàng đã nói hay nghĩ điều này về mọi cô gái mà chàng từng hẹn hò, kể cả chính Francesca. Khi nàng bắt đầu xin lỗi, chàng nghiêng người về phía nàng và hôn nàng lần nữa, chạm vào nàng chỉ bằng đôi môi nồng ấm chứ không bằng cái gì khác, và giữ nguyên như thế. Khi nàng mở mắt, thì đôi mắt chàng
đã mở ra trước rồi.
Trước buổi trưa ngày hôm sau, hai cô cậu đã đãng kí như là vợ chồng tại một khách sạn nhỏ trước bờ biển phía bắc Jacksonville. Francesca ngại rằng người thư kí quầy tiếp tân sẽ phản đối - vì cả hai đứa chẳng đứa nào đeo nhẫn cưới cả - nhưng Billy “boa đẹp” cho tay thư kí khi làm thủ tục lấy phòng. “Có lẽ em sẽ ngạc nhiên,” chàng nói khi cả hai bước vào phòng mình, “với sự kín miệng mà ta có thể mua được với hai mươi đô.”
Giờ đây Francesca đứng trong phòng tắm và lấy ra chiếc áo khoác ngoài mỏng nhẹ mà nàng đã - biết rằng mẹ sẽ lục xét hành lí của mình - cuộn nhỏ lại và giấu trong ví.
Okay. Nàng nghĩ. Tiến hành thôi. Cô nhìn mình đang cởi bỏ quần áo, như thể mình là ai khác, trọn vẹn hình ảnh trong gương. Một cô gái - một phụ nữ - trong những giây phút cuối cùng còn trinh trắng. Và sắp sửa tự nguyện “bế mịch” cuộc đời trinh trắng đó. Để về đâu, về bến đục hay trong? Cởi nút áo, mở thắt lưng, tuột ra, nhanh nhanh lên. Gấp mỗi mảnh quần áo lại, đặt từng mảnh thận trọng lên bệ đá cẩm thạch, như thể nàng e sợ nó sẽ nổ tung. Vỗ tay vào bụng. Chà đôi tay lên những chỗ lõm nhỏ trên da thịt mình nơi dải xu -chiêng thường đè xuống, thử làm cho chúng biến đi. Nhún nhảy xoay quanh, vươn cổ cao lên để xem mình trông ra thế nào từ phía sau. Nàng cho tay vào tóc và lùa xuống xem tóc mình xõa ra thế nào. Nàng thấm nước hoa vào các đầu ngón tay, thoa vào tất cả những nơi mà bất kỳ người phụ nữ nào ở tiệm trang điểm cũng sẽ khuyên làm thế rồi cúi cong đầu và chầm chậm đưa gần đến điểm đỏ hồng giữa vùng lông đen giữa hai chân và cũng chấm nhẹ vào đó. Bộ ngực nàng khá lớn và hơi cồng kềnh, vướng víu, lại thiếu cân xứng: bộ ngực của cô gái quê trong một bức tranh vẽ cánh đồng lúa mới thu hoạch một nửa (hoặc giống ngực Má, người cuối cùng trên trái đất mà Francesca muốn nghĩ đến lúc này). Cô hít một hơi thở sâu, giờ đây sâu hơn; đôi vú nhô cao lên, tạo dáng cho giống hơn với những cặp vú của các cô nàng trong các tạp chí sexy như Playboy, Penthouse, For Men Only... Nàng đỏ mặt lên nhưng hầu như nàng không nhận ra. Nàng tóm lấy chiếc áo khoác mỏng nhẹ bằng lụa, hẳn là đắt tiền từ chiếc ví màu nâu và cầm để trước mặt nàng bằng dải ruy -băng tinh tế nơi dây brờten đeo vai. Nàng ưỡn một bên hông ra, rồi lại ưỡn hông kia. Nàng nhíu mày. Chiếc áo khoác rõ là đẹp không ai chối cãi nhưng dường như không tương thích với người phụ nữ này, vào thời đoạn này. Nàng trải nó ra trên suốt chiều dài cánh tay và để nó rơi xuống bên trên đống quần áo xếp ngăn nắp của nàng. Nàng đứng đó, khỏa thân, thở không còn sâu nữa mà hơi nặng nhọc. Khỏa thân. Lõa thể. Nhưng không có gì giống với một bức tranh. Một phụ nữ thật sự, trẻ và sợ hãi. Nàng lắc đầu và cười nụ lặng lẽ rồi mỉm cười theo một cách mà nàng hy vọng là khôn ngoan hay ít nhất là dũng cảm. Nàng mở cửa và đối diện cửa ra hành lang. “Okay,” nàng nói (Có phải đó là ta? Francesca nghĩ, giọng nói đó của một cô gái linh hoạt, đầy năng lực?), “hãy nhắm mắt lại” Nàng khoanh hai tay bên trên đôi vú, tự ôm mình, nhắm đôi mắt lại, và nổi lên trong tính không chắc chắn, tính không thể tránh của phòng kế bên.
Họ lên kế hoạch những lần dừng của mình từ nhiều dặm đường trước, tìm những trạm đổ xăng nơi họ sẽ không phải chờ đợi người bán. Để bớt những lần dừng, họ cố gắng uống thật ít nước trong mức độ có thể. Họ không ăn thứ gì khác ngoài sandwiches, trái cây và ít bánh ngọt Strufoli từ cái giỏ picnic mà Bà ngoại gửi đến. Họ dự định mỗi người sẽ ngủ nhiều nhất trong mức có thể trong khi người kia lái, và Francesca đã thử làm như thế, nhưng giữa việc lấy lại bốn giờ trải qua nơi Quán Sand Dollar
và tốc độ chóng mặt mà Billy lái chiếc Chim Báo Bão kia, cố gắng để bù lại bốn giờ, vù vù qua mặt các xe kéo và những chiếc Chryslers chở những gia đình nhẩn nha đi dạo - chưa nói đến thói quen của Billy là mở radio liên tục để nghe những ca khúc blues hoặc những bài ca của Johnny Fontane - nên nàng chỉ nhiều nhất là nhắm mắt lại cho đỡ mõi mắt thôi chứ không tài nào ngủ được.
Một cảnh sát giao thông chận xe họ lại. Billy trình giấy lái xe, giấy đăng kí chủ quyền xe và các giấy tờ khác, lầm bầm điều gì đó về “lịch sự.” Một lát sau họ lại lên đường, không bị phạt hay thu giữ giấy tờ gì cả, vẫn chạy vù vù như cũ. Những khoản hiến tặng rất đáng kể của bố cậu cho Hội Hữu Nghị Cảnh Sát, một lần nữa, lại được đền đáp. “Anh có thẻ Không Phải Bị Giam” Billy nói. Cậu ta đỏ mặt.
Quả là một thế giới lộn tùng phèo (an upside -down world), Francesca nghĩ, những hàng thông của bang Carolina nối tiếp chạy ùa qua bên cửa xe trong bóng lờ mờ đẫm hơi sương. Billy, chàng trai ông cụ non này mà nàng từng có lần tự ghét mình vì đã khá ngốc nghếch để tin rằng nàng có thể sở hữu, anh chàng chững chạc, người lớn nơi khuôn viên trường, chàng thiếu gia công tử này, giờ đây chỉ còn lại trước mắt nàng là một bạn trai, một bạn trai rất tốt, sẵn sàng làm vui lòng nàng, kêu gọi những ân huệ nhân danh nàng, mê cuồng vì nàng. Mọi sự bắt đầu ngày mà chị em sinh đôi của nàng rời đi. Đó cũng là ngày Francesca gặp Billy, nhưng việc Billy mê mệt nàng, cũng nhiều như chàng có ý nghĩa với nàng bây giờ, là một phó phẩm may mắn(a lucky by -product).
Khi lớn lên, Kathy vẫn luôn là đưa khôn lanh hơn trong hai chị em. Francesca là đứa bé xinh xắn, hay ít ra cũng là đứa quan tâm hơn đến việc tỏ ra xinh xắn; có nữ tính hơn. Kathy mang chất du mục, chất “bô -hê -miên” hơn, thích nhạc jazz hoang dã và phì phèo thuốc lá. Francesca là cô gái Công giáo ngoan đạo, thích làm đầu têu (cheerleader) trong các trò vui, chăm làm bài tập ở nhà hoặc giả bộ như thế. Nhưng khi không có Kathy ở gần thì Francesca - một cách vô thức - làm đầy phần trống nơi bản thể nàng nơi chị em nàng từng là bằng cách trở thành Kathy một cách nào đó. Cô không nhớ mình quyết định hút thuốc khi nào và lại chọn đúng lọai thuốc của Kathy, nhưng có điều cô thấy hút thuốc giúp cô động não nhiều hơn và, như một hậu quả, học giỏi hơn! Cô thấy hăng say, năng nổ hơn trong học tập, thường giơ tay phát biểu và được thầy cô để ý, đánh giá tốt thái độ học tập tích cực.
Nhiều lần nàng đã thấy Billy Van Arsdale trong thư viện, ngồi học kế bên một cô gái hoặc bước ra từ một rạp chiếu bóng với một cô gái khác, rồi lại đi ra từ một trong những quán bar trên Phố Tennessee với một cô gái khác nữa. Đôi khi, Francesca cũng có hẹn hò (với một chàng sinh viên nào đó, không có gì đặc biệt) hay trong một nhóm học tập. Luôn luôn Billy sẽ gật đầu chào, thường thì giao tiếp bằng mắt, thỉnh thoảng cậu ta còn dừng lại và nói vài câu bông đùa. Cô ghét cậu vì chế diễu cô như thế. Cô lạnh lùng nhưng vẫn lịch sự với cậu, sợ rằng nếu cô tìm cách phớt lờ cậu hoặc, tệ hơn, mắng nhiếc cậu, cậu sẽ làm cho cô càng lúng túng hơn. Không một lúc nào cô tin rằng mình đang khai triển chiến thuật yêu thích của Kathy - thực vậy, đó là chiến thuật duy nhất của nàng - để làm cho bọn con trai thích nàng ta. Francesca có thể chẳng bao giờ biết rằng đó chính là điều nàng đang làm - dầu thiếu thận trọng cân nhắc đến đâu - nếu không phải là cho Suzy, đang sinh hoạt ở Glee Club với George, em của Billy. Một ngày nọ, lúc đang học bài cho kỳ thi giữa học kỳ, Suzy bảo Francesca rằng nếu nàng không thận trọng thì hành vi kiểu khó gần của nàng sẽ khiến cho Billy Van Arsdale không bao giờ đủ can đảm để tỏ tình với nàng.
Tỏ ra khó gần? Buồn cười thật. Francesca quá hiền lành dễ thương, quá sốt sắng chiều ý người khác, thiếu kỹ năng “chiến tranh cân não” cần thiết để cố đạt được điều mình muốn bằng cách làm bộ cự tuyệt nó, làm cho nó mất thể diện. Francesca bảo Suzy rằng cô mất trí rồi, nhưng Suzy kể lại với George, anh chàng này “trích dẫn” lại một cuộc nói chuyện giữa mình với anh mình về chuyện anh ấy hỏi cậu ta có học lớp nào chung với cô nàng Francesca Corleone không. Tại sao anh hỏi như thế? George vặn lại. Chẳng có lí do nào cả, Billy làm bộ tảng lờ. Sao, anh thích cô ta phải không? George hỏi. Thôi câm mồm, thằng óc đất sét, Billy quát, mày có cùng lớp cô ta hay không?. Em nghĩ là anh đã bảo em câm mồm rồi mà, George nói kháy. Thôi bỏ qua chuyện đó đi, Billy giả lả. Em có học lớp nào chung với cô ấy không, nói anh nghe coi. Và George nói mình không có học lớp nào chung với Francesca cả nhưng mình cặp bồ với cô bạn cùng phòng với cô ấy. Làm thế nào bạn biết chắc họ đã nói tất cả những lời ấy? Francesca hỏi lại và Suzy nói mình cũng không biết nữa, tuy vậy tại sao George phải nói dối. Francesca đã nghĩ về cái cách mà các cậu em mình nói chuyện với nhau và nhận định rằng Suzy, cũng chỉ là một đứa trẻ, không thể bịa ra một chuyện như thế. Lần tiếp theo khi Francesca gặp Billy nàng không làm gì khác hơn là giữ tiếp xúc bằng mắt lâu hơn vài giây, nhưng tất nhiên là chuyện đó đem lại hiệu ứng tốt. Mấy giây sau chàng ngỏ lời mời nàng đi chơi. Chàng biết một quán bên đường rất tuyệt ở miền quê. Ferguson Bom Khinh khí đang chơi; bài “hit” của anh là “She ‘s Been Gone” (Nàng đã đi rồi), cô có nghe chưa? Không thể nói được là em đã có niềm vui ấy chưa, Francesca nói, cố gắng và thất bại, để kìm lại nụ cười, để thôi không đỏ mặt. Ngày hôm sau, bà má kí túc xá gõ cửa phòng nàng và trao cho Francesca một bông hồng đỏ tươi và một phong bì đựng một đĩa H -Bom Ferguson. Hai ngày sau, hai đứa có cuộc hẹn đầu tiên. Hai tháng sau cô cậu thế này đây. Phóng như bay về hướng bắc.
Giờ đây, quan sát chàng, và làm bộ như không, nàng có thể thấy - giờ đây khi nàng đã thấy tất cả những gì nên thấy ở chàng, giờ đây khi hai đứa đã từng lên giường với nhau và mặc dầu có lẽ chàng đã từng ăn nằm với hàng trăm cô gái nhưng hóa ra là chàng vẫn rất nệ cổ còn nàng là em bé hiếu kỳ, chỉ chỏ, thắc mắc, muốn thử nghiệm chuyện này, chuyện kia. Bây giờ nàng đã được thuyết phục là hai đứa đã kinh qua mọi tư thế làm tình của người lớn - rằng Billy Van Arsdale không phải như con người mà nàng từng hình dung về chàng, vào ngày đầu tiên nàng đến trường. Chàng hơi thấp, với đôi mắt chó săn và một nụ cười ranh mãnh mà nàng từng nghĩ là sắc sảo tinh khôn song cũng có phần láu lỉnh, nhưng chắc chắn là không phải mô phỏng từ phim ảnh. Đầu tóc vàng của chàng luôn rối bù. Chàng là một người khiêu vũ vụng về và dường như không biết là mình nhảy vụng. Chàng hát vang theo những bài hát mà chàng chỉ thuộc lời lõm bõm. Chàng cười rít qua hàm răng giống như nhân vật trong phim hoạt hình. Tất cả những điều này nhằm nói lên rằng không phải vì có ngoại hình ưa nhìn, hay vì đa tài hay vì có một câu chuyện đời hoàn hảo nên khiến chàng chinh phục được biết bao cô gái, cũng như chức chủ tịch hội sinh viên. Chàng là một chính trị gia thiên bẩm: một phần do cái tên của dòng họ Van Arsdale danh giá, tiếng tăm lừng lẫy ở Florida, một phần do những cung cách tinh tế và bản tính xã hội của riêng chàng và phần thứ ba thật khó định nghĩa. Hơn cả sức cuốn hút thiên phú (charisma), Francesca nghĩ. Một thứ từ lực huyền bí, bất khả cưỡng.
Trừ một đoạn đường ở Virginia, Billy lái trên toàn bộ lộ trình. Cuối cùng Francesca cũng ngủ được một tí, trước khi nàng cảm nhận bàn tay của Billy trên vai nàng và thức giấc, mất phương hướng trước ánh sáng long lanh chói mắt của tuyết mùa đông đang rơi đầy trời.
“Anh nghĩ em muốn nhìn cảnh tượng này.” Chàng chỉ vào đường chân trời của New York. “Thành phố quê nhà của em.”
Nàng ngồi dậy và dụi mắt. Rõ ràng Billy rất tự hào về sự hoàn thành công việc của mình, về việc đem lại tầm nhìn kỳ diệu này cho nàng. Nàng không chắc là từ trước giờ nàng từng thấy thành phố từ hướng Jersey. Đó là một cảnh tượng gây sững sờ, nhưng không có gì trông giống như quê nhà quen thuộc từ thuở nhỏ. “Đẹp lắm.”
“Em không thấy hào hứng sao?”
“Anh có mệt không? Có buồn ngủ không? Trước giờ anh từng lái xe trong cảnh tuyết rơi chưa? Mấy giờ vậy anh?”
Có. Không. Thường vào những kỳ nghỉ đi trượt tuyết. Đúng như thời khóa biểu. Họ đã lấy lại những khoảng nghỉ bốn giờ ở các khách sạn ven đường.
“Em yêu anh” nàng nói, nghiêng người hôn cái má múp míp của chàng.
“Tên là Junior Johnson, thưa quí bà,” chàng nói, giả giọng miền nam lè nhè. “Hân hạnh phục dzụ quí bà.”
“Junior Johnson là ai dzậy?”
Một chàng tài xế xe đua lúc đầu phát triển kỹ năng của mình nhằm chạy thoát khỏi đám nhân viên liên bang trong thời kỳ cấm rượu và buôn rượu lậu. Nàng chưa từng nghe đại danh của con người này sao. Hóa ra đó là một người anh em họ xa của mẹ Billy.
“A!” Francesca reo lên. “Vậy ra đó là nguồn gốc gia sản kếch sù của nhà Van Arsdale.” Billy bắt đầu nói điều gì đó rồi tự dừng.
“Được thôi,” nàng nói. “Bây giờ thì giũ bỏ nó khỏi hệ thống của anh đi” “Không cần nữa,” chàng nói.
“Anh chắc không?” Hai đứa từng tranh luận vấn đề này trước đây. Cô đã nói với cậu rằng bố của cô đã nổi loạn chống lại mọi thứ đó, rằng ông ấy là một doanh nhân hợp pháp. Công ty xuất nhập khẩu của ông ấy mang bảng hiệu The Brothers Corleone, nhưng chỉ là do kính trọng đối với ước nguyện của bố ông. Chứ thực ra chỉ mình ông điều hành công ty đó, mấy chú kia không dính líu vào. “bởi vì chuyện này chưa được bàn luận, đúng không?Bất kỳ chuyện gì anh muốn hỏi em liên quan đến mọi thứ này thì hãy hỏi em ngay bây giờ, nhưng bất kỳ điều gì anh làm, xin đừng làm em lúng túng trước mặt gia đình em.”
Chàng quay về phía nàng, miệng mở ra. “Anh không tin rằng em lại nghĩ là anh sẽ -”
“Em không,” nàng nói. “Anh sẽ không. Chỉ tại chúng ta quá mệt mỏi. Em xin lỗi. Anh tập trung lái xe đi.”
Tối nay là Đêm Giáng sinh, tuy vậy giao thông buổi sáng vẫn ùn tắc kinh khủng. Vào lúc đi về Long Beach, họ mất đi một trong những giờ đã lấy lại.
Hai người lùn mập mang áo khoác dài bước ra khỏi cổng đá ở lối vào dãy nhà hình bán nguyệt mà gia đình cô sở hữu. Billy quay cửa xe xuống. Francesca có thể ngửi mùi nấu nướng thức ăn từ bếp trong nhà bà tỏa ra, dầu cách đó đến năm mươi yards. Cô nghiêng người qua lòng Billy để mấy tay vệ sĩ có thể thấy cô.
Một trong hai người gọi cô là Kathy và nói anh ta xin lỗi, anh ta không nhận ra chiếc xe, và lúc đầu cũng không nhận ra cô vì cô không đeo kính.
Kính à? “Nhưng tôi là Francesca mà,” cô nói.
Người đó gật đầu. “Bà bảo chúng tôi là cô đi xe Silver Hawk, chứ không phải Thunderbird. Chắc là Má các cô không rành xe lắm. Thôi tốt hơn chúng ta nên di chuyển đi. Bà đã gọi xuống đây từ mấy giờ trước rồi.” Phía ngoài căn nhà của ông bà nội nàng - căn nhà nhỏ nhất và ít phô trương nhất trong số dãy nhà hình bán nguyệt, tất cả gồm tám căn của đại gia đình - hoàn toàn không trang trí gì. Bà nội nàng vẫn còn mang tang chồng. Không có bóng đèn cũng không có các vòng hoa, căn nhà dường như nhỏ hơn. Thu mình lại. Bên kia đường, căn nhà bungalow nơi nàng và gia đình nàng từng có lần sống, nay tăm tối và trống không. Có ai đó đã đặt một người tuyết ở trước sân và treo một vòng hoa với kích cỡ chiếc vỏ xe tải trên cửa chính.
Trước khi Billy có thể quẹo xe vào đường nội bộ, cả nhà Francesca đã bắt đầu ùa ra khỏi căn nhà bà nôi, do cô chị song sinh của nàng dẫn đầu - cô nàng bô -hê -miên phiêu bồng lãng tử đó - với đôi kính đen to tướng che gần nửa mặt và nhảy tung tăng qua vườn cỏ đầy tuyết, trong vai trò kẻ đầu têu (cheerleader).
“Đói không?” Francesca hỏi Billy. “Đói lả người,” Billy đáp.
“Đi đều bước thong thả,” Francesca bảo,” nhưng đừng quá nhẩn nha, kẻo họ lại nghĩ là anh miễn cưỡng phải gặp họ.”
Cô mở cửa xe, lúc đầu bị lóa mắt bởi cú sốc do lạnh gây ra. - làm thế nào mà mình từng sống ở đây được nhỉ, trong cái hộp băng này? - và sau đó bởi Kathy mà cú ôm đã ép nàng vào bên hông xe. Hai đứa nhảy tung tăng và la hét cười đùa, một phong cách mà Kathy không còn có từ mấy năm nay. Mặc dầu vào ngày lễ Tạ ơn thì cuộc họp mặt của họ cũng có không khí tương tự. Chỉ khi rời ra để nhìn nhau
và Francesca cảm nhận luồng gió lạnh thổi qua mặt nàng mới nhận ra là mình đã khóc. “Chị đeo kính,” Francesca nói.
“Còn em đang mang bầu,” Kathy nhận xét, rồi bước lui lại vì cả nhà đã đến.
Francesca, sững sờ, được bao bọc trong những cái ôm và những nụ hôn. Kathy nhún nhảy trên đôi chân, mỉm cười và trao đến nàng một cái vẫy tay có vẻ ngây thơ vô tội, mặc dầu cặp kính đen khiến người khác khó đọc được biểu cảm của nàng. Francesca biết rằng người ta có thể chỉ mới “giỡn chơi chút xíu - ai dè có mang” ngay từ lần đầu tiên và những gì Billy đã làm với nàng là không an toàn. - gần phóng thì rút ra và xuất tinh trên bụng nàng. Nhưng như thế thì chưa có gì bảo đảm là đã chắc cú trăm phần trăm cả. Song dầu sao xác suất rủi ro là rất nhỏ, và muốn hưởng cực điểm khoái lạc thì phải chấp nhận một tí nguy cơ chứ! Đó là thứ gia vị làm tăng thêm tính hấp dẫn của... trái cấm! Và nói cho cùng, dầu có là sinh đôi hay không thì làm thế nào mà Kathy có thể biết được?
Billy vác lên một bên vai một giỏ lưới to đùng đưng loại cam Van Arsdale còn vai kia mang một giỏ nho. “Cây ở đâu?” Billy hỏi.
“Cây gì chứ?” Kathy hỏi lại. Cô bồng bé Mary, cô con gái nhỏ xinh xắn của thím Kay, giữ bé ngang hông mình, trông ra dáng bà mẹ trẻ. “Wha, twee?” bé Mary lặp lại như vẹt.
“Cây Noël đấy,” Billy nói. “Để đặt quà bên dưới.”
“Chúng tôi người Ý, cậu Billy à,” Kathy nói. “Không có cây Noël.” “We Italian, Bee -Boy!” bé Mary hét lên, lặp lại.
“Vì Chúa!” Francesca nói, “chúng ta có một cây thông Giáng sinh ở nhà. Còn nhà Bà nội không có. Chuyện là thế. Đặt quà nơi máng cỏ đi.”
Bà nội làu bàu, không vừa ý với nhóm từ Vì Chúa. Billy ngẩng đầu.
“Lại là một chuyện whaddyacallit” (Bạn gọi nó là cái gì nhỉ?) Francesca nói. “Một hoạt cảnh Giáng sinh, tôi đoán thế.” Nàng tự dừng lại và nhìn Kathy, cô này hiểu điều không được nói ra và gật đầu: vâng, cái máng cỏ cũng đủ thiêng liêng, phù hợp với việc Bà nội Carmela còn đang để tang. “Nơi phòng khách đó. Cậu sẽ thấy ngay thôi.”
Bà mẹ của Francesca nhướng một bên mày lên, đưa tay trái lên xem đồng hồ. “Tuyết, mẹ ạ” Francesca nói, “Nó làm chúng con phải chạy chậm lại.” “Tuyết rơi suốt cả lộ trình sao?” bà hỏi vặn.
“Từ Washington D.C. trở đi,” Francesca nói, theo kiểu đoán mò. Bởi nàng ngủ lơ mơ, đâu biết gì.
“Không phải đâu, chắc là hai cô cậu đã dành thời gian để vi vu du dương đâu đó rồi,” một lão đầu hói nói oang oang. Lão ta tự giới thiệu là “Ed Federici, bạn của cô các cháu.”
Kathy đã kể về lão ta trong một bức thư, lão ta và cô Connie đã đính hôn mặc dầu việc hủy hôn thú của cô vẫn chưa xong.
Stan Jablonsky nhất trí. “Đừng quá bận tâm đến cô ấy nữa,” lão ta nói, nháy mắt với Sandra, điều làm Francesca luôn khó chịu. “Má cô đã dậy từ sáng sớm, ngồi vén màn trông chờ cô đấy.”
Hai chàng vị hôn phu ra mang số hành lí còn lại và trên đường vào nhà bắt đầu thẩm vấn Billy về các con đường, các cây cầu... và đủ thứ các cái linh tinh.
Sao lại như thế được nhỉ, một ngày lễ Giáng sinh gia đình, và hai người ngoài này là những người khác duy nhất? Stan, người đã đính hôn với má cô gần ba năm mà chưa hẹn ngày cưới, còn tay thư kí kế toán lo việc khai báo thuế cho gia đình cô, lại đi đính hôn với một phụ nữ trên danh nghĩa vẫn còn có chồng. Con người mang nam tính mạnh mẽ nhất trong số họ, Santino, bố của Francesca, đã chết. Ông nôi cô, luôn luôn là tâm điểm vui cười, âu yếm và tận tụy của bất kỳ cuộc họp mặt gia đình nào, cũng mất rồi. Chú Mike không về (chú ấy đang bận công việc ở Cuba hay Sicily - cô nghe cả hai, có lẽ là cả hai, nhưng cả trong dịp Giáng sinh? Ông nội Vito hẳn là phải lăn lộn trong mồ). Gia đình Hagens đã chuyển đến Las Vegas và cũng không đến. Chú Fredo được dự tính là có mặt ở đây từ hôm qua nhưng hình như đã gọi đến và bảo là có thể chú ấy không về được. Còn dượng Carlo thì dường như... đã biến mất khỏi mặt đất.
Chỉ có hai vị hôn phu lóng ngóng. Và Billy. Billy của nàng.
Francesca nhìn chàng đi, lòng nôn nao muốn giải cứu chàng khỏi một buổi chiều phải ngồi chơi bài hoặc xem bóng đá qua Tivi hay được mời ăn snacks liền tù tì dầu đã ngấy đến tận cổ. Bỗng dưng nàng khụy gối xuống với ham muốn về chàng, ham muốn quay quắt muốn làm lại những chuyện như khi ở Jacksonville. Nhưng nàng bị kéo xa khỏi chàng, bất lực không thể cưỡng lại ngọn triều dâng của những người đàn bà cuốn lấy nàng, như trong một giấc mơ, vào trong gian nhà bếp nóng ran với mùi hăng cay nồng của bà nội: một pháo đài của tình yêu chịu đựng mà thời gian dường như chưa bao giờ chạm đến.
Những đám mây hơi nước, một làn sương bụi gồm các loại bột, những chảo dầu sôi, những thau bột nhào, những lát cá tươi ướp gia vị sắp lớp trên các khay. Và cái chảo trắng khổng lồ kia, một món đồ bảo tàng có lẽ sống lâu hơn tất cả những con người thuộc thế hệ thứ hai ở đây. Trong phòng kế bên, chiếc máy hát đang phát ra những bài ca Giáng sinh mà Francesca từng nghe từ khi mới chào đời đến giờ và có lẽ còn nghe đến trọn đời, qua những giọng ca của Caruso, Lanza, Fontane... Trẻ con chạy ra chạy vào, miệng mút kẹo ngọt. Thím Kay đứng ở bồn rửa chén bát liên tục, chất thành từng đống cao. Mẹ nàng, Sandra, cường tráng và kiên quyết, và cô Connie, giọng the thé và chua đến giấm cũng phải kêu bằng chị, hai người chưa bao giờ ưa nhau, nhưng nơi nhà bếp này họ dự đoán những nước đi và những nhu cầu của nhau như thể họ là cặp diễn viên chuyên diễn những màn tung hứng nhịp nhàng như cặp Fred Astaire và Ginger Rogers. Angelina, bà cô người Palermo của bà nội nàng, hiện nay cụ chắc
là đã hơn trăm tuổi, vẫn không thèm biết một từ tiếng Anh nào - ngồi trong một góc đàng sau một bàn chơi bài, đang điều phối các thành phần gia vị theo ý bà. Và tất nhiên là có mặt bà nội Carmela tổng giám sát mọi chuyện, quát tháo những chỉ dẫn, bắt tay vào những phần việc tinh tế nhất, tất cả với một tình yêu thương đầy chịu đựng luôn được cảm nhận nhưng không bao giờ tuyên bố.
Kathy chỉ vào một kim tự tháp làm bằng trứng màu trắng như sữa, rồi đưa cho Francesca một con dao làm bếp và một chai soda Brookdale vừa mới mở nắp, được ngâm lạnh từ một thùng đá bên ngoài. Nhìn vào cái chai - tất nhiên chúng không thể có nó ở Florida - Francesca bỗng dưng lại òa ra khóc. Cô gái cứng cỏi đâu mất rồi? Cái phần nơi nàng đã từng là Kathy đâu mất rồi?
“A, những giọt nước mắt ngọt ngào của niềm vui,” bà nội nói bằng tiếng Ý. Bà nâng cốc cà phê đã mẻ miệng lên, cái cốc mà bà dùng đã từ lâu lắm như Francesca còn có thể nhớ được, cái hình ảnh đã mờ về các hòn đảo Hawaii giờ đây được cẩn phía bên ngoài với những tàn tích của hàng tá thứ bột nhào và hỗn hợp bột mì, trứng, sữa. “Để làm một bữa tiệc đêm Giáng sinh thì đây là thành phần chủ yếu nhất!”
Ai mà ngăn được cảm xúc trước câu khẳng định này từ đôi môi của một người đàn bà mới là góa phụ chưa đầy một năm. Từng người đàn bà khác tranh nhau tìm ly, cốc hay chai của mình và nâng lên cao.
Từ sau gáy mình, Francesca cảm nhận khuôn mặt Kathy với thái dương mang đôi kính to tướng. Em đúng là ngốc nghếch,” Kathy thì thầm và hai đứa cùng nhau cười vang, giống hệt nhau.
Lúc làm thánh lễ Mi -sa, Francesca phải thì thầm những chỉ dẫn cho Billy (gia đình chàng theo đạo Tin lành), trước nay chàng chưa từng đặt chân vào một nhà thờ Công giáo. Chàng rất vụng về trong việc quì gối và việc làm dấu thánh giá chẳng khác lúc chàng lóng ngóng trên sàn nhảy. Nhưng nàng có thể cảm nhận đôi mắt Kathy chiếu về phía Billy, cho dù Billy không cảm thấy. Nàng có thể nghe Kathy nói rằng đây chính là loại sự vật bây giờ thì đáng yêu và về sau làm cho bạn mê cuồng, ngay cả nếu Kathy
- ngồi ở đầu kia của chiếc ghế dài và lo đỡ cụ Angelina lọm khọm. - không nói gì khác ngoài lời kinh và thánh vịnh.
Khi chuông nhà thờ ngân nga lời chuông sám hối, Francesca nắm tay đấm nhẹ vào ngực bốn lần, mỗi lần cho một giờ ở Lữ quán Sand Dollar. Lúc lên chỗ chấn song bàn thờ, nàng làm lại động tác đó, một cú đấm ngực cho mỗi lần làm tình. Đi trở về ghế ngồi, nàng cúi đôi mắt xuống, sám hối, ngồi xa Billy, nhưng một khi nàng quì gối và đọc xong bài kinh, nàng ngồi gần lại và nắm tay chàng. Chỉ khi đó nàng mới nhận ra thím Kay -kế bên nàng, vẫn còn quì gối, đôi môi mấp máy bài kinh yên lặng - cũng đã nhận lễ rước Thánh thể.
“Thím ấy đã cải đao,” Kathy nói trên đường trở về nhà.
“Em đã hình dung chuyện ấy, nhưng mà sau bao nhiêu năm?” Francesca nói. “Vì mấy đứa nhỏ, em đoán thế?”
Họ ngồi vào chiếc Thunderbird của Billy.
Kathy nhướng một bên mày. Ngay cả khi mang kính, nàng vẫn còn giống mẹ đến làm ngạc nhiên. “Per l’anima mortale di suo marito” (Vì linh hồn đã khuất của chồng bà).
Linh hồn đã khuất của chồng bà? Francesca nhướng mắt với chị. “Má đi mỗi ngày,” Kathy nói. “Giống như Bà nội. Và cũng cùng lí do.”
“Mọi người đi vì cùng lí do.” Francesca vẫn chưa có thể kéo chị ra một bên và hỏi cô ta có ý chỉ gì khi nói, Còn em đang mang thai. “Ít hay nhiều.”
Đôi mắt Kathy mở rộng, giận dữ.
Mặc dầu, hay dường như đúng hơn là, vì những sự vắng mặt nặng nề được cảm nhận bởi hầu như mọi người chung quanh bàn, bữa tiệc đêm Giáng sinh truyền thống của gia đình Corleone với bảy loại cá, vẫn rộn rã, ồn ào như trước nay vẫn thế. Rượu chảy tự do, phụ nữ cũng nâng ly như đàn ông, cũng “Dzô! Dzô!” năm mươi, một trăm phần trăm, rất rôm rả và xôm tụ! Sau một vài tuần rượu đầu tiên, những bức thư Giáng sinh của các đứa con biểu lộ tình yêu thương chân phác đối với cha mẹ, được đọc từng bức một, từ thư của đứa nhỏ tuổi nhất đến thư của người lớn tuổi nhất. Dầu bằng lời lẽ ngô nghê vụng về hay lời trang nhã, thâm thúy, nhưng mọi bức thư đều được đón nhận với sự cổ vũ nhiệt tình, lên đến đỉnh điểm với bức thư từ cô Connie. Đây là lần đầu tiên trong hơn ba mươi năm Carmela Corleone đã nhận được chỉ một bộc lộ của tấm lòng hiếu thảo của một người con đối với mẹ hiền, một thời điểm tế nhị mà Connie - khiến cho nhiều người phải ngạc nhiên - đã thắp sáng lên với một bức thư cực kỳ thích thú khiến nhiều người còn chuyền tay nhau đọc trong những tuần rượu sau đó.
Tương tự như thế, mọi trái tim được sưởi ấm lên bởi câu chuyện về sự quan tâm ân cần nhưng âm thầm của Vito Corleone đối với đời sống tình cảm của các con mình, chẳng hạn ông từng sắp xếp cuộc hẹn bất ngờ cho Connie với một cậu trai tử tế dễ thương vừa mới tốt nghiệp đại học với một văn bằng quản trị kinh doanh, hứa hẹn sẽ thành một chàng rể thảo, một người chồng đàng hoàng. Thế nhưng Connie đã hẹn hò với Carlo Rizzi, một anh chàng có vóc dáng của một lực sĩ thể hình vai u thịt bắp trông ngon lành hấp dẫn hơn để rồi sau đó thành một tên chồng vũ phu thô lỗ, chẳng làm được cái tích sự gì, đụng đâu hư đó, lại còn sẵn sàng thượng cẳng chân hạ cẳng tay cho vợ tím bầm mày mặt khiến ông anh vợ Michael vừa ngứa mắt vừa xót cho em gái, bèn lệnh cho thuộc hạ “quét cái thứ rác rưởi đó khỏi mặt đất!” Âu cũng là thêm một chuyện người tính không bằng trời tính vậy.
Rồi Mama Corleone cho khui một chầu sâm -banh để chúc mừng vị hôn thê mới Ed Federici của cô con gái Connie lận đận tình duyên của bà và sai dọn ra những món đặc sản truyền thống của gia đình: món cocktail cua&tôm, món baccala chiên & calamari nhồi, trai & hến hấp dùng với nước xốt marinara và bột tóc thiên thần tươi. Và kết thúc với - trước khi dùng tráng miệng - món cá bơn nhồi rau spinach, cà chua phơi khô, phô -mai mozzarella và nhiều gia vị bí mật khác mà cụ cố Angelina chỉ pha trộn vào khi không có ai nhìn ngắm.
“Nguy cơ đột quị tim,” Ed Federici lên tiếng, với hai lòng bàn tay để lên mặt bàn, choáng váng, bàng
hoàng như một người nhìn vào khoảng không gian trống rỗng nơi chiếc xe hơi của mình vẫn thường ở đó (mà nay đâu rồi?), “tăng gấp ba trong giờ đầu tiên sau một bữa ăn thịnh soạn.”
Stan đã bỏ dở nửa chừng món cuối và đi ngủ ở phòng kế bên, tắm trong anh sáng chập chờn toát ra từ Tivi đang phát một trận bóng đá không ai xem cả. Chỉ có hai người vẫn còn ăn: Frankie vẫn còn hăng hái như muốn trở thành nhà vô địch... ngốn thức ăn, và Billy đang chọc chọc vào con cá bơn như một người tìm thấy vàng và đang cố nhớ lại tại sao vàng lại quí.
Connie bảo Ed im lặng và vỗ mạnh vào chóp của cái đầu hói sớm, đỏ ửng của lão ta. “Má đã nghe bác sĩ chẩn đoán là má có thể bị đột quị tim.” Từ ngày chồng mất tích, Connie cứ uống rượu suốt theo một “tiến trình” đều đặn mỗi ngày và nàng vừa mới khui thêm một chai Marsala. Cái vỗ tay của nàng xuống đầu Ed, trên lí thuyết là để đùa vui, song cũng đủ lớn để những ai chứng kiến sự việc cũng phải ngần ngại chùn bước. Nhiều người nơi các phòng khác quay đầu về góc đó để tìm hiểu xem chuyện gì đã xảy ra. Cú đập ngay lập tức đã lưu lại dấu vết hình bàn tay.
Francesca dẫn Billy đi khỏi bàn, dẫn chàng ta vào văn phòng trước đây của ông nội nàng đúng lúc thím Kay dọn dẹp xong bàn của đám nhóc. “Cháu ăn đủ chưa, Billy?” Kay hỏi.
“Vâng, thưa cô.” Chàng ta ngồi xuống một cách nặng nhọc lên chiếc ghế bọc da kê sát tường. “Xin mời dùng món tráng miệng,” Kay tươi cười nói. “À này, có ai thấy Anthony ở đâu không?”
“Cháu nghĩ là em ở ngoài kia, với Chip và đám nhóc nhà Clemenza.” Billy nói. Bọn nhóc đó là con của đám nhóc mà ngày xưa Francesca thường chơi đùa với khi nàng ở lứa tuổi của Chip. Giờ đây những bạn chơi thuở ấu thơ đó đã có gia đình riêng của họ và sống trong những căn nhà dưới phố.
Giờ đây hai cô cậu lại được riêng biệt với nhau. “Xử sự tốt đấy, bé cưng. Em có thể nói là họ thích anh đấy.”
“Sao em lại cười nhăn nhở như thế?” chàng hỏi, nằm trên chiếc ghế dài, ôm chặt bụng.
Nàng quì trên sàn nhà kế bên chàng. “Không gì giống như một bữa ăn tự do thoải mái,” nàng thì thầm. “Trả phí đi chứ, cậu. Hôn em đi.”
Chàng vâng lời. Nhưng là một nụ hôn nấn ná, chần chừ, lần lữa, không phải loại nụ hôn mà Francesca muốn có trong căn nhà này. Khi nàng mở mắt, ánh sáng chớp tắt mấy lần rồi mở ra luôn.
“Đừng để tôi phải tạt nước lạnh vào người cô nhé,” Kathy nói. “Nào. Cả hàng đống chén bát đĩa muỗng kia kìa. Đứng lên, bước, nhanh! Tôi rửa, cô sấy, người nào việc nấy!”
Billy nằm lại, cùng một cái nhìn bão hòa trên mặt chàng ta mà chàng từng có khi ở khách sạn, và vẫy nhẹ tay chào.
Phụ nữ tất nhiên phải lao vào việc rửa chén bát suốt ngày hôm ấy. Một chương trình nhạc jazz được phát ra từ chiếc radio nhỏ mà Kathy tìm được đâu đó. Trên một chiếc ghế gỗ ở trong góc, cụ cố Angelina khịt mũi. Hai chị em sinh đôi lại được riêng biệt với nhau. “Bà nội đâu?” Francesca hỏi.
“Đi rước lễ Misa. Bà và thím Kay mới vừa đi.” “Hai lần trong ngày? Chị đùa tôi đấy à?”
“Đến mà xem kìa. Xe đi rồi.” Kathy nghiêng đầu về phía Angelina. “Cám ơn cụ cố khịt mũi,” Kathy nói. “Nếu không chúng ta phải đi kiểm tra suốt ngày để xem cụ còn sống hay đã chết. Đừng nhìn ta như thế chứ. Cụ điếc đặc chẳng nghe, chẳng hiểu một tiếng Anh nào đâu.”
“Chị muốn cá bao nhiêu rằng cụ hiểu nhiều hơn là cụ để lộ ra?” “Ồ, em muốn nói giống như Bee -Boy?”
“Chị nói về cái gì vậy?”
“Bộ cô em nghĩ rằng mọi người khác đều mù hết cả sao -” “Tôi chẳng nghĩ mọi người là sao cả.”
“ - nhưng cô em là kẻ mù quáng. Cái thằng nhãi thò lò mũi xanh làm bộ làm tịch kia, nằm ngủ trong văn phòng của Ông nội - chuyện đó thấy chướng mắt chứ, cô em không nghĩ thế à? Cô em không thể thấy là hắn ta đang sử dụng cô?”
“Sử dụng tôi?” Francesca nói. “Chị đừng có quá đáng thế chứ. Tôi đưa anh ấy về nhà mình mà.”
“Cô là cái gì, Nàng Công chúa Phóng đãng của Tallahassee?” Đôi mắt kính của Kathy bị phủ sương một nửa do hơi nước thoát ra từ vòi, nhưng nàng vẫn để vậy.
“Chị mất trí rồi. Buồn thật. Tôi thấy tiếc cho chị đấy.” Francesca cầm lên một cái đĩa bẹt hình con cá, bằng sứ và nhướng đôi lông mày.
“Không có ý gì,” Kathy nói. “Cô em không nhận thấy rằng Billy ở đây chỉ là để trải nghiệm một Mùa Giáng sinh Mafia thứ thiệt? Đối với hắn, chúng ta là một đám dân Ý bẩn thỉu. Một thứ gì đó để hắn có đề tài bông đùa với bạn bè, gia đình hắn, về cai dịp hiếm hoi mà hắn được “mục sở thị” những găng-x- tơ Ý thứ thiệt với súng ống giấu trong mấy hộp đàn violon.”
Anthony Corleone đã mang cây đàn violon của cậu ta tít từ Nevada về đây để chơi bài “Đêm Thánh Vô Cùng” cho cả nhà nghe; tuy tiếng đàn cậu bé còn non nớt nhưng cũng đủ ngọt ngào bùi tai. Nhất là sự ngây thơ trong việc làm của cậu, tính hồn nhiên, thánh thiện trong tiếng đàn của cậu. Nỡ lòng nào đem so sánh với chuyện súng đạn, xương máu như vậy? “Ta chẳng dại gì trả lời để đem lại phẩm giá
cho một câu nói kiểu đó.” Francesca nghĩ.
Kathy làm va đập một cái ly uống rượu nho vào vòi nước và cái ly vỡ. Nàng bị đứt tay nhưng cố nén, im lặng không nói gì. Lúc đầu máu chảy nhiều nhưng thực ra không có gì. Cả hai cùng lo chùi sạch máu mà không nói gì. Francesca lấy băng băng lại.
Kathy buông ra tiếng thở dài, gặp đôi mắt của cô em, và nói điều gì đó bằng giọng nhỏ đến nỗi Francesca phải yêu cầu cô lặp lại. “Ta nói,” Kathy thì thầm, “rằng tất cả đều đúng.”
“Cái gì mà tất cả đều đúng?”
Kathy dội nước rửa lớp váng trên bồn rửa bát và bào Francesca đi lấy chiếc áo khoác. Hai đứa đi về góc xa nhất của khu vườn, ẩn mình sau cái đèn rọi, và Kathy - một trò đùa cũ kỹ mà trước đây chúng đã đùa hàng bao nhiêu lần rồi - đốt lên cùng lúc hai điếu thuốc, theo phong cách một tay đầu đảng trong phim ảnh Hollywood, và trao một điếu cho cô em. “Em và Billy? Đấy có lẽ là nụ hôn đầu tiên mà bất kỳ người nào có trong phòng đó lại không dẫn trực tiếp đến -” Nàng ngước nhìn vào tuyết đang rơi như thể cái từ đúng sẽ đậu lên môi nàng.
“Đến cái gì?”
Kathy đứng chống nạnh và xua luồng khói thuốc khỏi ánh sáng.” Em có biết là phải mất bao lâu để một người được tuyên bố, một cách hợp pháp, là đã chết? Và có biết là cần bao lâu để được nhà thờ tuyên bố hủy bỏ hôn ước?”
“Vài tháng, em đoán là thế.”
“Em đoán sai rồi, em bé à.” Kathy lớn hơn Francesca bốn phút. “Lâu hơn nhiều. Rắc rối là ở chỗ ấy.” Khi cô Connie thông báo việc đính ước và hẹn lễ cưới vào tháng mười hai, Kathy cũng bị sốc như bao người khác. Nàng cho rằng chắc Connie đã dính bầu nên mới gấp thế, nhưng một khám phá tình cờ nơi phòng tắm của Connie đã loại trừ giả thuyết đó. Kathy, theo đúng bản chất Kathy, đã đi vào thư viện và làm mấy cuộc gọi để hỏi và được trả lời. Phải mất một năm tròn trước khi chính quyền tuyên bố một người là đã chết về phương diện pháp lí, mà cũng nhiêu khê lắm. Còn hầu hết những tuyên bố hủy hôn ước của nhà thờ, ngay cả đối với một người đàn bà bị chồng ruồng bỏ, cũng phải lâu khoảng đó.
“Ồ, thôi nào,” Francesca nói. “Nói hết chưa? Một khoản đóng góp cho quỹ tranh cử của vị thẩm phán nào đó, một khoản khác cho Hội Hiệp sĩ Columbus, và mọi chuyện sẽ tăng tốc ngay. Chuyện đời là thế. Có nhiêu khê thì mới phải lót tay, đấm mõm chớ. Dễ dãi sẽ bị thiên hạ khinh nhờn, giỡn mặt ngay. Còn lấy gì kiếm chác?”
Kathy lắc đầu. Nàng nhìn lãng khỏi cô em, vào bóng tối. “Em không rõ chuyện này đâu. Cô không xin nhà thờ hủy hôn ước. Chuyện dối trá đấy thôi. Vì thực ra cô không cần. Họ nói dối chúng ta. Họ bưng bít, ỉm đi sự thật. Chú Carlo không mất tích. Chú ấy bị ám sát.”
“Họ là ai?”
“Chú Mike và những người mà chú kiểm soát được.”
“Chị hơi bị thiểu năng trí tuệ đấy,” Francesca nói. “Ngay cả đám tang cho chú Carlo cũng không có mà.”
“Có một chứng thư khai tử trong hồ sơ lưu,” Kathy nói. “Chị đã đến tòa án và tìm thấy chứng thư đó.” “Em cá rằng trong niên giám điện thoại New York có đến hàng tá người mang tên Carlo Rizzi.”
Kathy đứng trong bóng tối, hút thuốc, lắc đầu. “Con mắt người ta hoàn toàn thụ động,” nàng nói, hiển nhiên là trích dẫn lời vị giáo sư nào đó hay quyển sách giáo khoa nào đó. “Chỉ trí não mới có thể nhìn thấy.” (The human eye is utterly passive. Only the brain can see).
“Điều đó giả định là có nghĩa gì vậy?”
Kathy không trả lời. Hút hết điếu thuốc, nàng đốt tiếp thêm hai điếu nữa và lại bắt đầu kể. Một Chủ nhật nọ nàng gặp cô Connie ở thành phố và cùng đi ăn trưa ở Waldorf.
Connie uống rượu say, với một người không phải là Ed Federici, hôn từ biệt người ấy, rồi ngồi lại chỗ, và khi Kathy đối đầu nàng bằng cách hỏi vụ hủy hôn thú đến đâu rồi, Connie nói toạc ra: Carlo không mất tích, cô nói, mà Mike giết chú ấy. Connie cầm tay Kathy và bảo nàng đừng nói lại chuyện ấy với ai. Cô đã say nhưng giọng nói vẫn rõ ràng, dứt khoát. Mike đã giết hoặc cho người giết Carlo vì Carlo đã giết Sonny, bố nàng.
Francesca phá ra cười.
Đôi mắt Kathy trông như mất thần. “Connie nói rằng Carlo đánh cô ấy vì biết rằng Bố chúng ta sẽ đến giải cứu cho cô. Khi cô gọi, Bố chúng ta phóng xe đến ngay. Những người với súng máy đã phục sẵn và giết Bố khi Bố dừng xe ở trạm thu phí cầu đường trên đường đắp cao Jones Beach.”
“Cô Connie mất trí rồi,” Francesca nói,” Và chị cũng thế nếu chị tin vào chuyện đó.” “Nghe đã,” Kathy nói. “Okay?”
Francesca không trả lời.
“Những vệ sĩ của Bố có mặt tại hiện trường ngay sau khi ông bị giết, và họ đem xác ông về một người mai táng, người này từng chịu ơn Ông nội Vito. Không một tí gì từ biến cố này lọt tai giới báo chí. Một số cớm đã nhận hối lộ để trình bày toàn bộ vụ việc như một tai nạn.”
“Bố không có vệ sĩ. Không một người nào -”Nàng định nói giết Bốnhưng không hiểu tại sao lại không
thể nên bỏ lửng.
Kathy ném tàn thuốc ra xa. “Thôi nào. Em không nhớ những vệ sĩ sao?”
“Em biết chị đang nghĩ về điều gì, nhưng đó là những nhân viên trong công ty xuất nhập khẩu của ông.” Kathy bĩu môi. “Thành thật mà nói, em có nghĩ rằng chị đùa về chuyện này?”
“Em không nghĩ là chị đùa. Mà chỉ nghĩ là chị nhầm.”
“Chuyện này nghe nặng lòng lắm,” Kathy nói. “Nhưng nếu không nghe thì không nghe từ đầu còn đã nghe thì phải nghe cho đến đầu đến đũa.”
Francesca nhíu mày, và làm một cử chỉ có nghĩa “xin tùy ý”.
“Được rồi,” Kathy nói. “Vậy là lúc đó cô Connie nói rằng những người... à, những người ở trạm thu phí cầu đường, những người ấy, hóa ra, là làm việc cho cùng những người đã trả tiền cho Carlo để đánh cô. Cô khóc lòi cả mắt khi kể đến điểm này, và nếu em thấy cảnh đó, tin chị đi, em cũng sẽ tin cô ấy. Chính chồng mình lại lấy tiền người khác thuê để đánh mình, và hắn ta làm điều ấy, và lí do để hắn ta làm điều ấy là để tạo điều kiện thuận tiện cho những kẻ kia có thể giết anh ruột mình,” Kathy sụt sịt, “để bọn chúng có thể giết Bố chúng ta -”
“Ngưng chuyện đó đi.”
“ - và cô vẫn ở với Carlo thêm bảy năm nữa. Vẫn đéo với hắn ta để -” “Thôi đủ rồi.”
“ - cho ra đời thêm những đúa con với tên quái vật đó. Nhưng có điều còn trầm trọng hơn chuyện đó nhiều, hơn rất, rất nhiều. Connie nói rằng cùng những người đã làm mọi chuyện đó cũng là những người đã bắn Ông nội Vito và cũng chính chúng là những người đã giết vợ của chú Mike.”
“Trước tiên là,” Francesca ngắt lời Kathy, “Thím Kay đâu có -”
Kathy lại đưa tay ra, chận Francesca lại. “Không phải Kay. Người kia, Apollonia, vợ đầu của chú, ở Sicily, mà Kay không hề biết gì. Thím ấy nổ banh xác với một quả bom cài trong xe.”
Apollonia? Francesca nghĩ. Bom cài trong xe? Kathy đủ trí tưởng tượng để phát minh những chuyện hoang đường, nhưng cô Connie chắc là không. Nếu Connie thực sự nói như thế, thì hoặc là cô ấy bị người ta lừa, hoặc là cô đã nói sự thật.
Kathy tiếp tục nói càng nhanh hơn, những câu chuyện mà Connie đã kể gom lại thành những điều mà sau đó Kathy đã có thể kiểm chứng tính xác thực. Lúc này lúc khác giọng của Kathy nghe ra lạnh hơn.
Cô đã nói trong năm phút hay năm giờ, Francesca cũng không còn ý niệm chính xác nữa. Francesca không thể đứng đó lâu hơn nữa và cũng không thể di chuyển đi. Nàng tập trung vào tiếng nổ đanh gọn của pháo hoa nhỏ ở sân trước, âm thanh tiếng cười của bọn trẻ. Sau đó nàng nhận thấy những âm thanh này đi xa dần nhưng không dứt hẳn. Trong một lúc nàng tập trung tâm trí vào việc cảm nhận xem tuyết tan trên tóc nàng như thế nào. Nàng cố nhìn vào chị mình và đồng thời đi qua chị, đến những gì còn lại trong mùa đông từ khu vườn yêu quí của ông nôi, nơi ông đã ra đi thanh thản, yên bình.
“... và đó là lí do tại sao thím Kay trở thành tín đồ Công giáo và tại sao thím đi rước lễ Mi -sa mỗi ngày và đôi khi đến hai lần trong ngày. Họ quì gối cầu nguyện cho linh hồn những người chồng sát nhân, tội lỗi của họ được cứu thoát khỏi địa ngục, cũng như Má chúng ta cầu nguyện cho -”
Và sau đó Francesca nhìn chị mình ngồi xổm trong tuyết, lại chảy máu, lần này từ mũi. Điếu thuốc lá vẫn còn trong miệng nàng. Đôi mắt kính đã bay khỏi mặt nàng và rơi xuống đất cách đó mấy bước. Tay phải của Francesca vẫn còn nắm chặt lại thành nắm đấm và nàng thấy đau. Kathy kích động. “Điên rồ,” nàng lẩm bẩm.
Một ngọn sóng giận dữ trào dâng trong tai Francesca. Cô đá vào hông chị mình. Chỉ là một cú đá quờ quạng thôi, không đúng chiêu thức, nhưng cũng đủ làm cho Kathy nhăn mặt vì đau.
Francesca quay người, chạy đi.
Francesca nằm nghiêng một bên trên mép của chiếc giường đôi, trong một căn phòng tối trước đây từng thuộc về chú Fredo, chú đã sống ở đây với bố mẹ cho đến lúc chú ba mươi tuổi. Chú đã ở Las Vegas cả mười năm nay, nhưng cách trang trí trong phòng - khăn trải giường màu tối và tường ốp gỗ, một tấm bản đồ đảo Sicily đã mờ, và một bức tranh đàn cá chuồn bay trên mặt nước biển - hình như không thay đổi, như thể bà nội Carmela vẫn chờ mong chú trở về bất kỳ ngày nào.
Sau một hồi có thể là mấy giờ hoặc cũng có thể là mấy phút, Francesca nghe người nào đó trong phòng tắm bên kia sảnh lớn, đóng sầm cửa và nước chảy theo một nhịp điệu không thể nhầm lẫn là của Kathy. Francesca nghe tiếng bước chân của Kathy, nghe nàng ta ngồi vào mép kia của chiếc giường. nàng không cần nhìn cũng biết rằng Kathy đang đối mặt bức tường kia, nằm nghiêng một bên, một hình ảnh trong gương của Francesca ngoại trừ bộ pijama. Francesca mặc áo dài ngủ.
Trong một lúc lâu, hai đứa nằm yên. Nếu Francesca không từng ngủ chung với Kathy cả hàng mấy ngàn đêm rồi, ắt cô đã có mọi lí do để ước chừng là nàng ta đã ngủ. “Tại sao chị nói là tôi có mang?” Francesca hỏi.
“Cô đang nói về cái gì thế?”
“Khi chúng tôi mới về nhà. Khi chị chạy đến chiếc xe giống như chị thực sự vui sướng khi gặp lại tôi.
Một lần nữa, bất kỳ người nào khác cũng có thể nghĩ rằng Kathy đã chìm vào giấc ngủ. “Ôôô,” cuối cùng cô ta nói. “Chuyện đó... Em không nhớ à? Khi để em lại trường, điều cuối cùng em nói với chị là
đừng làm hỏng mắt vì đọc quá nhiều. Còn chị bảo em là đừng để dính bầu. Em về đây và điều đầu tiên là bảo rằng chị đeo kính, một nhận định mà người kém thông minh nhất cũng thấy ngay ra tính hiển nhiên tự thân không cần minh chứng! Vậy nên chị -”
“Lại một kiểu vòng vo tam quốc. Chị nói đừng để dính bầu còn em nói đừng làm hỏng mắt.” “Chị vẫn đứng vững. Còn em?”
“Không,” Francesca nói. “Tất nhiên là không.” ‘Em không có? Tí gì cả?”
“Tại sao?Chị có không?”
“Không,” Kathy đáp, nhanh đến độ Francesca hình dung câu trả lời là có.
Hai đứa không nhắc lại những gì đã xảy ra phía sau mấy chùm đèn rọi - những câu chuyện cũ của gia đình hay cú đá hay số phận cặp mắt kính của Kathy. Hai đứa nằm trên phần hông đối nhau, trên hai phía đối nhau của chiếc giường. Và thức đủ lâu để nghe bước chân bà nội đi xuống cầu thang, bắt đầu chiên xúc xích, điều đó có nghĩa là khoảng chừng bốn giờ rưỡi sáng. Cuối cùng chúng cũng rơi vào giấc ngủ. Cuối cùng, dầu không muốn, chúng cũng lăn vào giữa giường rồi đan tay chân với nhau. Mớ tóc dài của chúng như hòa trộn vào nhau và cả hơi thở của hai đứa cũng quyện vào nhau.
“Ô, cưng ơi,” Francesca thì thầm trong bóng tối, giả định như chị mình đã ngủ. “Em không thể tin những gì mình đã làm. Với chị.”
“Có thể ta là ngươi” Kathy thầm thì, và hai đứa, như một, lại đi vào giấc ngủ.
Francesca thức giấc vì tiếng la hét điếc tai của đám nhóc và tiếng rì rầm của người lớn đang tụ tập lại với nhau. Cô ngồi dậy. Tuyết đang rơi. Dưới cầu thang, cường độ tiếng ầm ĩ hỗn loạn tăng cao dần. Nhưng trên tất cả nổi lên tiếng cầu chúc trầm, vang mạnh mẽ của Bà nội Carmela, Buon Natale! (Giáng sinh vui vẻ!) Ai đó vừa mới đến. Francesca bước vội xuống cầu thang hẹp phía sau. Nhà bếp đầy thức ăn nhưng vắng người. Cô nghe hai cặp bước chân đi về hướng mình và dừng lại nhờ đó nàng không bị đập mặt vào cửa nhà bếp. Cánh cửa mở tung ra. Kathy và Billy cùng lúc xuất hiện, quần áo chỉnh tề, cười toe toét như thể họ vừa bắt được quả tang Ông già Noël đang phạm tôi và họ bèn trưng dụng chiếc xe trượt tuyết của ông. Billy diện chiếc áo có phù hiệu riêng của trường, màu đỏ, cà vạt xanh lá cây và một áo sơ -mi trắng đến độ tuyết cũng phải xấu hổ. Những cỗ tay áo trắng tinh như màu kẹo dâng cho thần linh.
“Em sẽ không bao giờ đoán được ai vừa đến đây với chú của em,” Billy nói. “Chú nào chứ?” Cô vuốt đầu tóc rối. Cô vẫn còn chưa kịp đánh răng.
“Em nghĩ là chú nào?” Kathy hỏi lại.
“Mike.” Hai đứa chúng nó tìm gặp mình bởi vì chúng tranh nhau để báo với mình cái tin sốt dẻo.
“Ô, thử đoán lại xem.” Kathy đảo tròn mắt. “Chú Fredo.” Nàng không mang kính. Một mắt nàng hơi đen hơn mắt kia. Biết đâu chừng có người thích của lạ đấy.
“Nào, cố đoán thử xem,” Billy nói.
“Em chịu thua,” Francesca nói. “Hay là Ông già Noël.” “Còn tuyệt hơn thế nữa kìa,” Kathy nói.
“Ai mà còn tuyệt hơn cả Ông già Noël?” “Deanna Dunn,” Billy nói.
Francesca đảo tròn mắt. Vào dịp hẹn mới đây nhất của hai đứa chúng đã đi xem bộ phim trong đó Deanna Dunn đóng vai bà mẹ của một đứa con câm điếc, có chồng hy sinh trong khi chữa cháy Vụ Hỏa hoạn Lớn ở Chicago. “Kể em nghe đi.”
“Tôi nghiêm túc như một quan tòa,” Chàng ta đưa tay lên sẵn sàng long trọng thề. Mặc dầu mới hai mươi hai tuổi, đang mặc chiếc áo đỏ trong một buổi sáng Giáng sinh, Billy cũng dễ dàng được hình dung như một quan tòa.
“Chàng ta không đùa đâu,” Kathy nói. “Đúng là Deanna Dunn. Dấu thánh giá trên tim tôi.” Cô thực sự làm như thế. “Thực ra tôi từng nghe lời đồn rằng cô ấy và chú Fredo đã hẹn hò nhau, nhưng tôi không
-”
Đúng lúc đó cửa nhà bếp mở rộng ra và theo gót Bà nôi là chú Fredo và cô Deanna Dunn. Gặp mặt trong đời thật, người ta thấy cái đầu của Deanna Dunn dường như hơi khổng lồ. Cô rất cao và đẹp hơn là xinh xắn. Trên bàn tay trái của cô là một chiếc nhẫn kim cương cũng phi lí về tỉ lệ như cái đầu của cô, nhưng là theo hướng ngược lại.
“Cô Dunn!” Francesca reo lên.
“Thấy chưa? Chị đã nói với em mà!” Kathy nói, mặc dầu điều này đã được Billy thông báo cho nàng. Kathy thích phim nước ngoài hơn. Deanna Dunn là nhân vật mà trước nay nàng chỉ coi là chuyện đùa. Thế nhưng xét theo cái cung cách mà hiện nay nàng đang nhìn cô ấy thì có vẻ nàng đã sẵn sàng nhận chân thư kí của Hội Hâm mộ Deanna Dunn!
“Này, bé cưng. Hãy gọi chị là Deanna cho thân mật.” Âm sắc của cô không thuần Mỹ cũng không hẳn Anh và khi ta nghe trực tiếp cô nói ta cảm thấy rất khác lạ so với giọng nói bình thường của con người.
Cô bắt tay Francesca.
Deanna Dunn, đầy từ lực khiến Francesca cảm thấy choáng váng như thể bị ù tai, hoa mắt, xây xẩm. Chuyện xảy ra ngày hôm qua ở Jacksonville chỉ, theo cách gián tiếp nhất, giải phóng cuộc trao đổi tối qua với Kathy. Không liên quan gì với cuộc hội kiến đầy tính siêu thực với Deanna Dunn trong cái nhà bếp xưa cũ, thân mật này. Cuộc sống của Francesca đã bị vây bủa bởi một thứ lô -gích mơ mộng và ác mộng.
Anh chàng thế gia công tử mà Francesca yêu dịu dàng, đang phục vụ cà-phê đen cho nữ diễn viên hai lần đoạt giải Oscar. Bà nội của Francesca hát một bài ca Giáng sinh - không phải loại thanh vịnh, nhưng là một bài hát về Ông già Noël. Người cha quá cố của Francesca từng là kẻ sát nhân rồi lại bị mưu sát. Chú Fredo đứng hơi khòm xuống, tựa khung cửa, nhìn vào đôi giày của mình. Trông giống như chú bị ngộ độc thực phẩm vậy. Đằng sau chú, như thể ai đó đã ra hiệu, có tiếng tách của bóng đèn flash. Francesca chờ đợi được thấy những con người với kính chiếu hậu và cameras lớn chạy tìm vị trí để chụp ảnh, la lối họ như thể từ mép tấm thảm đỏ. Fredo vẫn không nhìn lên.
Từ phòng kế bên, bên trên những tiếng cám ơn và tiếng mở quà sột soạt, vang lên giọng nói của mẹ cô
- giọng nói vẫn luôn dối trá với cô suốt đời.
“Nếu các người không nhanh nhanh lên,” Sandra gọi oang oang, “các người sẽ để lỡ cuộc vui Giáng sinh đấy.”
“Giáng sinh!” Deanna Dunn kêu lên, bước vội qua chú Fredo. Deanna Dunn thật ra không cao lắm. Cô chỉ có vẻ cao vì đứng bên chú Fredo vốn hơi thấp người, và bởi vì cô đi sải bước và cũng vì cái đầu hơi quá khổ. Con mắt thì thụ động. Chỉ trí não mới thấy rõ. “Kỳ diệu thật!”