Ancient lovers believed a kiss would literally unite their souls, because the spirit was said to be carried in one’s breath.

Eve Glicksman

 
 
 
 
 
Tác giả: Vân Thảo
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 46
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 42
Cập nhật: 2020-10-20 22:07:34 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 13
Sau vụ gặt, người dân Gia Đạo nháo nhác khi nhìn thấy số thóc công điểm mình được chia nằm gọn lỏn trong mấy cái bao tải lép kẹp. Những người mạnh khoẻ bắt đầu tính chuyện đổ xô đi tìm nguồn lương thực để chống cái đói giáp hạt đang lù lù hiện ra trước mắt. Người thì ngược lên Tuyên Quang, Phú Thọ. Kẻ xuôi về Thái Bình, Hải Hưng. Đói đầu gối phải bò chứ không biết có kiếm được gì không. Dậu cũng định rủ Tế ngược lên Tuyên Quang tìm nguồn lương thực. Anh loanh quanh tìm Tế khắp nơi nhưng chẳng hiểu Tế đi đâu nên quay về chạy ra vườn chặt cây tre vào định đan đôi sọt. Dậu đang ngồi chẻ tre ở giữa sân thì Tế đi vào.
- Tôi nghe u tôi bảo ông đến tìm tôi. Có việc gì thế?
- Tôi định đến rủ ông đi lên mạn trên mua sắn về thái phơi khô phòng đói. Ông đi đâu mà tôi tìm khắp nơi không thấy?
- Nghe người ta bảo con trâu của Hợp tác giao cho ông Bảo nuôi bị sụt chân xuống hố phòng không cá nhân ngoài Giếng Chùa nên chạy ra xem thử.
- Làm sao mà trâu sụt xuống hố cá nhân hẹp bằng cái miệng bát được?
- Ai biết đâu ma ăn cỗ. Tôi đã nhìn rất kỹ quanh cái miệng hố con trâu bị sụt thấy bị xới tung lên như cày ruộng mạ, chứng tỏ trước khi sụt xuống hố nó đã bị thúc ép rất dữ.
- Ban quản trị có tay nào ở ngoài đó không?
- Đông đủ, chẳng thiếu mặt anh nào. Đang bàn nhau mổ thịt chia xã viên ăn mừng sau khi thu hoạch vụ mùa thắng lợi.
Nói xong Tế cười méo xệch.
- Hôm bình trâu, con trâu của ông Bảo bị xước một vết nhỏ dưới chân mà Ban quản trị đòi phạt ông ta bốn mươi điểm. Cãi nhau chán rút xuống còn ba mươi điểm. Ông Bảo tức quá dọa bỏ đói cho trâu chết rồi chịu phạt luôn thể. Không khéo chính ông ta lại ép cho trâu sập hố cũng nên.
- Tôi cũng đoán thế. Ông định ngược Tuyên mua sắn thật đấy à?
- Thật. Tôi đã rủ tay Nghinh và tay Phò rồi, nhưng hai tay này không muốn đi. Nếu ông không đi, một mình tôi, tôi vẫn đi.
- Có khi thử một chuyến xem sao. Thóc nhà tôi còn khoảng già hai tạ. Vừa lớn vừa bé tính ra có sáu miệng ăn. Còn hơn ba tháng nữa mới có thóc vụ sau. Từ đây đến đó nấu cháo may ra mới đủ.
- Nếu quyết định đi thì ra vườn chặt cây tre vào đây cùng đan sọt nói chuyện cho vui.
Tế cầm con dao đi ra vườn.
2
Trăng suông. Dậu và Tế gánh hai cái sọt không đi dọc đường sắt về phía ga Gia Liễn. Không gian yên tĩnh chỉ có tiếng bước chân lạo xạo của hai người.
- Không biết mấy giờ thì có chuyến tàu ngược? – Tế hỏi trống không.
- Giờ giấc thì tớ không biết – Dậu đáp – Nhưng thường thường đầu hôm có một chuyến, khoảng giữa đêm có một chuyến. Không biết về sáng có thêm chuyến nào nữa không.
- Theo ông thì chờ tàu đến nhảy lên hay vào trong ga xin xỏ đàng hoàng?
- Tàu ngược thường toa nào cũng rỗng nên cứ vào xin cho đàng hoàng.
- Tớ cũng nghĩ thế.
Ga Gia Liễn bị bom Mỹ đánh sập tanh bành, chỉ dựng lại các cột hiệu chạy tàu, còn công nhân nhà ga ở trong mấy mái lán che tạm. Ban đêm chỉ có mấy cây đèn bão leo lét. Thỉnh thoảng bóng một vài anh nhân viên bước ra khỏi lán vội vã nhìn trời rồi quay trở lại. Tế và Dậu đến đặt hai cái sọt xuống cạnh lán. Nghe tiếng động, một anh nhân viên từ trong lán đi ra.
- Chào anh – Dậu nhanh nhẩu chào trước.
- Vâng. Chào hai anh – Anh nhân viên đáp lại – Hai anh đi đâu mà vào ngồi nghỉ đây?
- Hai anh em tôi lên mạn trên mua một ít sắn về ăn, định vào đây xin nhờ các anh đi tàu.
- Tàu khách ngược đã chạy từ tám giờ tối, các anh ra trễ quá đến mấy tiếng rồi, làm gì còn tàu nữa.
- Anh em chúng tôi định xin đi nhờ tàu hàng.
- Tàu hàng đi nhận hàng viện trợ đều do quân sự kiểm soát. Để bảo đảm bí mật nên người ta chẳng cho các anh đi đâu.
- Tàu ngược toàn tàu chạy không, có gì mà phải bảo đảm bí mật. Lát nữa tàu đến nhờ anh nói hộ cho anh em tôi một tiếng. Tôi cũng là bộ đội đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ phục viên, chắc các đồng chí bộ đội vận tải thông cảm thôi.
- Ấy là tôi nghĩ thế – Anh nhân viên nhà ga nói – Hai anh vào ngồi uống nước, đợi khi nào tàu đến ra hỏi xem các anh bộ đội có cho đi nhờ hay không.
Tế nhìn vào lán thấy có mấy người công nhân đang ngủ ngon lành nên từ chối khéo:
- Hai anh em tôi ngồi ngoài này cho mát anh ạ. Khi nào thì có chuyến tàu ngược hả anh?
- Thời chiến chẳng có giờ giấc nào đâu. Thường thì từ mười giờ có một chuyến. Nhưng có hôm đến mười hai giờ tàu mới đến. Hai anh ở đâu mà lên mạn ngược mua sắn?
- Chúng tôi ở xã Đạo Thắng.
- Ga Gia Liễn nằm trên đất Đạo Thắng, hóa ra là người nhà với nhau cả.
Anh công nhân đường sắt ngồi xuống cạnh Tế. Tế bắt chuyện:
- Anh quê ở đâu ta?
- Tôi quê tận Thái Bình.
- Xa nhỉ.
- Vâng. Này tôi hỏi thật. Không biết hai anh có biết quy định về chính sách lương thực không mà định lên mạn ngược mua sắn?
- Chúng tôi có biết. Nhưng chúng tôi mua sắn của dân trồng trên đất phần trăm chứ không phải mua của Hợp tác xã.
- Mua của ai chẳng quan trọng. Vấn đề là Nhà nước quy định không được đưa lương thực, thực phẩm và các loại nguyên liệu từ địa phương này sang địa phương khác. Tháng trước tôi tranh thủ về thăm quê. Khi ra đi vợ tôi đùm cho chục cân gạo mới đem lên trộn lẫn với gạo mậu dịch ăn cho đỡ nhạt cơm. Tôi đã tránh qua lối phà Tân Đệ mà vòng lên tận đò ngang đoạn qua Thường Tín. Cứ tưởng đã lọt được rồi. Ai hay đến trạm Ngọc Hồi gặp phải trạm kiểm soát ở đó. Xin sùi bọt mép, cuối cùng vẫn mất toi chục cân gạo. Tôi sợ các anh đi không khéo lại vừa mất công vừa mất của thì khổ.
Tế băn khoăn:
- Gay nhỉ. Tính sao đây ông Dậu?
- Thử liều nhắm mắt đưa chân, gặp đâu tính đó. Tịch thu gạo, tịch thu chè chứ ai nỡ tịch thu mấy cân sắn cứu đói.
Có tiếng còi tàu từ xa vọng lại. Anh nhân viên bảo:
- Có tàu rồi đấy. Tàu dừng hai anh cứ ra đi. Tôi sẽ nói hộ với các anh bộ đội áp tải để cho hai anh đi nhờ.
- Hai anh em tôi biết ơn anh quá – Dậu nói.
Đoàn tàu vận tải vào ga. Anh nhân viên chạy đến chỗ mấy anh bộ đội đang đứng nói gì đó. Lát sau đưa tay vẫy Dậu và Tế. Dậu và Tế vội vàng gánh đôi sọt lên vai chạy về phía mấy anh bộ đội và anh nhân viên nhà ga đang đứng. Chào hỏi mấy câu, Dậu và Tế vứt sọt lên một toa tàu trống rỗng rồi nhảy lên ngồi.
Con tàu từ từ chuyển bánh mang theo Dậu và Tế nhòa dần trong bóng đêm.
3
Lặn lội gần hai ngày trời, Dậu và Tế mới mua được hai gánh sắn củ. Ì ạch gánh hai sọt sắn đầy có ngọn, hai người lê những bước chân nặng nhọc đi về hướng nhà ga. Mồ hôi vã ra như tắm tràn xuống mắt, xuống má, thấm đẫm chiếc áo cánh cộc tay đang mặc trên người. Thỉnh thoảng Tế phải dừng lại để vuốt mồ hôi trên mặt, cằn nhằn:
- Cái thân làm tội cái đời. Tham quá hóa ra vất vả ông ạ.
- Một lần đi một lần khó. Gắng gánh thêm được cân nào, cái bụng của mình được no thêm từng ấy.
- Nhìn các đồi sắn bạt ngàn thèm quá ông ạ. Giá như mình có từng ấy đất phần trăm thì chẳng lo gì thiếu ăn.
- Tôi đi một vòng thấy còn nhiều đồi bỏ hoang lắm. Hay là chúng mình rủ thêm mấy anh nữa lên thuê những cái đồi bỏ hoang ấy trồng sắn đi ông.
- Đất Hợp tác xã quản lí, ai người ta cho chúng mình thuê. Hơn nữa chúng mình ở cách hàng trăm cây số làm sao mà trông coi được. Có khi làm không đủ để cho trâu bò phá.
- Giá như khiêng được những quả đồi ấy về Gia Đạo nhỉ.
- Có khiêng về quê ta thì Hợp tác cũng quản và bỏ hoang như ở đây chứ chẳng đến tay ông.
- Chó má thật. Nghỉ một lát đã ông. Mệt quá. Chẳng hiểu sao tôi thấy gánh sắn của mình một lúc một nặng mới lạ chứ.
- Nhà ga kia rồi, ráng đến đó nghỉ một thể.
Hai người lại ì ạch bước.
- Gặp nắng như hôm nay, sắn thái ra chỉ một hôm là khô cong – Tế vừa thở vừa nói.
- È cổ ra gánh thế này đến khi phơi khô không biết có được ba mươi cân không?
- Làm gì mà không được. Gánh của ông sáu mươi lăm cân à?
- Sáu mươi tám.
- Tôi cân được sáu mươi chín cân. Bà chủ nhổ biếu thêm mấy gốc nữa chắc cũng trên bảy mươi cân.
Dậu cố cười:
- Mỗi lần gánh lúa cho Hợp tác may ra mình gánh được ba mươi cân trên vai mà còn bước đi uể oải. Bây giờ gánh nặng gấp đôi mà vẫn chuyện trò rôm rả. Thế mới biết làm cho mình có một sức mạnh ghê gớm.
Đến gần nhà ga Dậu hỏi:
- Nghỉ ở đây hay vào trong ga?
- Vào trong ga nghỉ chuyện trò với mấy ông nhân viên nhà ga cho vui. Lại có nước non tử tế.
- Thế cũng được.
Dậu và Tế sắp đến cửa vào ga thì có mấy người mang băng đỏ trên tay đi tới. Có lẽ họ là những nhân viên kiểm soát thị trường. Một người bảo:
- Đề nghị hai anh bỏ gánh sắn xuống cho chúng tôi kiểm tra.
Dậu vẫn để gánh sắn trên vai vừa thở vừa nói:
- Gánh chúng tôi chỉ có sắn củ thôi chứ có gì mà kiểm tra?
- Ai chẳng biết các anh đang gánh sắn. Hai anh bỏ gánh sắn xuống đi.
Dậu và Tế bỏ gánh sắn xuống đất. Tế nói giọng bực tức:
- Các anh kiểm tra gì thì kiểm tra đi để chúng tôi còn vào trong ga nghỉ ngơi chứ gánh bảy mươi cân đi hơn hai mươi cây số mệt muốn đứt hơi rồi.
- Mệt là do các các anh chứ có phải chúng tôi gây ra đâu mà anh kêu ca. Hai anh mua sắn ở đâu?
Biết là gặp rắc rối nên Dậu nói mềm mỏng:
- Chúng tôi ở tỉnh Phước Vĩnh nghe nói vùng này trồng nhiều sắn nên nhảy tàu lên mua một ít về thái phơi khô để chống đói. Chúng tôi cứ nhìn thấy chỗ nào trồng sắn thì tìm đến hỏi mua chứ chẳng biết tên làng, tên xóm nơi trồng sắn là gì.
Anh nhân viên kiểm soát bước đến sờ vào gánh sắn của Dậu như muốn lượng xem gánh sắn nặng bao nhiêu cân rồi quay sang nói với Dậu và Tế:
- Hai anh có biết quy định của Chính phủ là không được di chuyển lương thực, thực phẩm và các sản phẩm khác như chè, vừng, lạc, đỗ từ địa phương này sang địa phương khác hay không?
- Chúng tôi có biết.
- Biết sao từ Phước Vĩnh lên đây mua sắn đem về?
- Chúng tôi cứ nghĩ sắn là lương thực phụ nên không bị cấm.
- Phụ chính gì đều cấm tất. Bây giờ chúng tôi lập biên bản phạt hai anh đã vi phạm chính sách lương thực của Chính phủ bằng cách tịch thu hai gánh sắn này nộp vào công quỹ.
Dậu và Tế đưa mắt nhìn nhau. Hai người không ngờ lại gặp rắc rối như vậy. Dậu nài nỉ:
- Chúng tôi biết lỗi rồi, mong các anh thông cảm và tha cho chúng tôi lần này.
Anh nhân viên kiểm soát mặt lạnh bơ:
- Chúng tôi thông cảm cho các anh, vậy liệu cấp trên có thông cảm với chúng tôi hay không?
Tế bảo:
- Các anh không báo cáo thì ai biết.
Nghe Tế nói vậy anh nhân viên quản lí thị trường nổi cáu:
- Anh đã vi phạm pháp luật lại còn xui chúng tôi giấu cấp trên nữa à? Không nói lôi thôi. Chúng tôi lập biên bản và hai anh ký vào rồi để hai gánh sắn lại đấy.
Nói xong, anh nhân viên quản lí thị trường mở xắc cốt lấy ra một cuốn sổ kê lên xắc cốt hí hoáy viết.
Dậu lại van vỉ:
- Đồng chí ơi, đồng chí thông cảm tha cho chúng tôi. Quê tôi vụ vừa rồi mất mùa. Còn mấy tháng nữa mới đến gặt vụ lúa sau. Từ đây đến đó chúng tôi chẳng còn gì để ăn nên mới vét sạch tiền nong, băng đèo vượt núi lên đây mua mấy cân sắn về cứu đói vụ giáp hạt. Các anh mà tịch thu thì chúng tôi trắng tay, chẳng biết lấy gì cho vào miệng mấy tháng tới.
Anh nhân viên vừa viết vừa nói:
- Anh nói rặt cái giọng phản động, chẳng ai nghe được. Đã làm ăn tập thể thì làm gì có chuyện đói kém. Tôi viết giấy biên nhận nộp phạt xong rồi. Hai anh ký vào đây.
Nói xong anh nhân viên xé tờ biên lai cái rẹt đưa cho Tế. Dù cơn tức bực đang trào lên tận cổ nhưng Tế vẫn cố dằn xuống:
- Chúng tôi ngỡ gạo, ngô, vừng lạc mới cấm chứ không biết cấm cả sắn tươi. Tôi van các anh tha cho lần này. Hai anh em tôi từ đêm qua đến giờ chỉ có hai nắm cơm với muối vừng cho vào bụng nhưng không thấy đói vì mừng đã mua được sắn. Giờ mà các anh tịch thu thì chúng tôi chỉ có nước chết.
- Chết sống gì là việc của anh. Còn tôi phải làm nhiệm vụ của mình.
Nhìn bộ mặt bềnh bệch với đôi mắt trắng dã và giọng nói đều đều vô cảm của anh nhân viên kiểm soát, máu trong người Dậu như sôi lên. Anh hỏi giọng bực tức:
- Tôi hỏi các anh có gia đình không?
- Ai mà chẳng có gia đình.
- Giả thử bố mẹ, vợ con anh ở nhà đang mong anh mua được sắn mang về để có cái ăn chờ giáp vụ. Nhưng anh trở về không những không mua được sắn mà tiền mang theo chẳng còn xu nào thì anh nghĩ sao?
Anh nhân viên kiểm soát bẻ lại:
- Vậy tôi hỏi lại anh. Nếu anh làm công việc như tôi, anh có làm hết trách nhiệm của mình không hay để cho ai muốn mua gì, đem đi đâu mặc sức? Chúng tôi không làm cương quyết thì để cho xã hội này loạn à.
- Loạn thì không biết nhưng vô lí thì rành rành ra trước mắt rồi. Người trồng cần bán, người đói cần mua, việc gì đi cấm đoán người ta.
- Anh thắc mắc thì lên gặp Chính phủ mà hỏi. Việc của chúng tôi là ngăn chặn mọi luân chuyển hàng hóa từ địa phương này sang địa phương khác theo quy định của trên. Hai anh có ký vào giấy biên nhận rồi gánh sắn vào trong trạm cho chúng tôi hay không?
Dậu đáp:
- Tôi không ký.
Anh nhân viên quay sang hỏi Tế:
- Anh kia có chịu ký không?
Tế căng giọng trả lời:
- Tôi ký để cho vợ con tôi chết đói à.
- Hai anh nhất định không ký?
- Tôi đã nói với anh rồi. Tôi ký để cho vợ con tôi chết đói hay sao.
-Tôi nói để hai anh biết. Ký hay không tùy các anh. Nhưng hai gánh sắn này không được đưa ra khỏi khu vực do chúng tôi kiểm soát. Nếu các anh chống đối tôi sẽ yêu cầu dân quân ra gô cổ các anh dẫn về xã đấy.
Máu trong người Tế dồn lên mặt. Hai mắt Tế như muốn nổ bung ra. Anh thách thức:
- Muốn gô, muốn trói gì tùy các anh. Nhưng tôi nói để các anh biết, không ai được đụng đến gánh sắn của chúng tôi đâu.
- Anh thách à?
- Tôi chẳng thách. Nhưng gánh sắn là tiền của, sức lực của tôi bỏ ra, tôi bảo vệ nó đến cùng.
Dậu sợ mất gánh sắn nên đấu dịu:
- Anh bạn tôi phần tiếc công tiếc của, phần lo cái đói của vợ con ở nhà nên nói nặng lời với các anh, mong các anh thông cảm. Thực tình là chúng tôi không biết việc lên đây mua sắn lại gặp phải chuyện rắc rối như thế này. Mong các anh chiếu cố tha cho chúng tôi lần này. Chắc các anh cũng con nhà nông dân mà ra nên các anh biết thế nào là cái khổ của đói giáp hạt. Cực chẳng đã hai anh em tôi mới cơm đùm cơm nắm lên đây chứ ai muốn mua cái khổ vào thân làm gì.
Mấy anh nhân viên kiểm soát thị trường đưa mắt nhìn nhau. Anh tổ trưởng giọng đã dịu đi phần nào:
- Anh nói thế chúng tôi còn nghe được. Bây giờ hai anh đứng chờ ở đây để chúng tôi hội ý với nhau rồi ra trả lời hai anh sau.
Mấy người kiểm soát kéo nhau vào trong trạm. Còn lại Dậu và Tế.
Dậu trách Tế:
- Ông làm căng quá.
- Vô lí như thế ai mà chịu được.
- Các lão ấy cũng làm nhiệm vụ theo lệnh của cấp trên thôi.
- Lệnh lạc cái gì. Chúng nó tịch thu của người ta rồi đem về nhà hoặc bán lại cho người khác để đút tiền vào túi với nhau, tôi còn lạ gì lũ chúng nó.
Mấy người kiểm soát lại ra. Anh tổ trưởng nói:
- Chúng tôi đã hội ý với nhau và thống nhất giải quyết như thế này. Chiếu cố các anh thiếu hiểu biết và đã bỏ tiền bỏ sức từ Phước Vĩnh lên đây mua sắn. Đáng ra chúng tôi tịch thu toàn bộ số sắn các anh mua được. Nhưng để thể hiện sự nghiêm túc của luật pháp, đồng thời cũng thông cảm cho các anh, chúng tôi quyết định sẽ tịch thu một nửa số sắn của các anh mua được. Nếu các anh đồng ý thì ký vào biên bản và đưa sắn vào trong trạm để cân.
Dậu van nài:
- Các anh đã thương thì thương cho trót. Mỗi gánh sắn của chúng tôi các anh tịch thu mười cân lấy lệ, còn lại cho chúng tôi gánh về giúp đỡ gia đình.
Anh tổ trưởng nói kiên quyết:
- Đã chiếu cố đến nước ấy mà các anh còn chưa chịu thì chúng tôi đành làm thẳng tay vậy.
- Thôi không phải xin xỏ gì cho nhọc sức. Gánh vào cho họ muốn lấy bao nhiêu thì lấy để ra ngoài ga kiếm ngụm nước chứ tôi khát đến khô cả họng rồi.
Nói xong, Tế không gánh mà dùng hai tay kéo lê hai sọt sắn đi vào trạm kiểm soát khiến những củ sắn từ trong sọt rơi ra rải khắp mặt đường.
Một giờ sáng có chuyến tàu chở hàng viện trợ từ phía bắc chạy về. Dậu và Tế xin mấy anh bộ đội áp tải đi nhờ. Hai người dồn sắn lại thành một sọt cho gọn, ba chiếc sọt không vứt lại nằm lăn lóc ở sân ga.
Bí Thư Tỉnh Ủy Bí Thư Tỉnh Ủy - Vân Thảo Bí Thư Tỉnh Ủy