Số lần đọc/download: 0 / 122
Cập nhật: 2021-09-12 20:51:51 +0700
Lục Hồng Đậm Nhạt - Chu Khắc Cần
C
hính vào lúc mặt sông đang tỏa ánh vàng lấp lánh dưới nắng chiều, thì trời đổ mưa. Mưa mau hạt làm vỡ vụn những dòng sóng ánh vàng của cả dòng sông.
Sau đó thì sao nhỉ?
Đúng rồi, sau đó thì là lấm tấm màu trắng hoa lau. Lá lau cứa lên má, lên mặt ngứa thật khó chịu. Người anh trai kéo cô chạy qua bãi lau. Cát lún không sao chạy nhanh được. Anh trai nói, lần sau một mình cho cô ra sông. Lại nói, cố chạy nhanh, mưa to ướt, lạnh đỡ bị cảm... Anh trai còn nói rằng, anh không thể cứ ru rú ở nhà như kẻ tội phạm, anh phải trở lại trường ngay. Tiến độ của đám thằng Phong Oa Tử chắc không dài, bọn chúng chỉ cậy có đông người, còn chúng ta đường lối đúng đắn. Cô không chạy nhanh bằng anh, nhưng cứ chạy thí mạng. Người anh nắm chặt tay cô. Cô cảm thấy anh trai thật mạnh mẽ. Cô nói, anh Phong trước này vẫn thường qua lại nhà, hai anh lại là bạn tốt, đừng thù nhau như thế. Anh trai bảo, chạy nhanh lên, em đừng ngu như vậy. Đây là cuộc đấu tranh về đường lối. Bạn bè là cái gì, cách mạng không phải là một bữa tiệc... Đột nhiên anh trai la to: "Bọn chúng tới kìa!" Cô dừng lại bên cạnh anh, ngước mắt nhìn thì thấy một đám người vọt ra từ bãi lau. Họ đều là học sinh trung học của công xã. Người anh đẩy cô ra sau, ra lệnh: "Quay lưng lại phía anh!" Cô không sợ, nhưng cô cảm thấy lúc này phải hành động như một hồng tiểu binh. Cô quay mặt, liền nhìn thấy sông. Những giọt mưa rơi trên mặt sông làm rợn lên những chấm trắng hoa lau, những vụn vàng phản quang của mặt trời càng rờn rợn lên. Cô không hiểu những người sau lưng mình nói gì, hình như đang tuôn ra những lời chửi bới thật khó nghe. Nhưng sau đó đột nhiên im lặng. Muốn xem đám đấu sĩ thế nào rồi, cô liền quay lại, chỉ kịp thấy anh trai cô che mặt vốc cát ném về phía trước, cùng lúc, như có vô vàn chiếc kim sắt đột ngột xuyên vào mắt. Trời sập xuống tối om, bất giác cô hét lên một tiếng, hai tay bưng lấy mặt. Một nỗi đau đớn khủng khiếp. Hai bên lập tức ngừng tấn công nhau. Người anh trai vội quay lại, gào lên tên cô: "Tiểu Thanh! Tiểu Thanh!"
Các đối thủ rút chạy vào bãi lau, chỉ còn duy một tay đen gầy là ngơ ngác đứng lại. Cậu ta lảo đảo tiến đến gần, lập bập hỏi: "Tiểu Thanh, không hề gì chứ?..." Không để cho cậu ta nói tiếp, người anh trai đứng thẳng dậy, giáng một quả thôi sơn trúng ngực. Ngã bổ chửng trên cát, nhưng cậu ta không tìm cách đánh lại mà lồm cồm bò dậy, lủi thủi chuồn đi.
— Thằng Phong kia, nhớ lấy, bộ máy sẽ tính sổ với mày! Người anh nhìn hút theo bóng Phong Oa Tử, nghiến răng nói.
Tiểu Thanh kêu lên:
— Anh ơi, em không nhìn thấy nữa, em bị mù rồi...
Một đôi mắt đẹp, sáng long lanh, nửa năm sau thì mù thật. Mọi người đều nói đáng tiếc, đáng tiếc. Thật ra vào những năm động loạn đó, lo chạy ăn cho khỏi chết đói đã khó, còn sức đâu mà lo cho đôi mắt của một cô bé.
Trước nhà có một cái dốc nhỏ. Chân dốc có một con đường lát đá chạy qua. Đá đã mòn vẹt nhiều, không rõ được làm từ đời nào. Bên kia đường có một dải ruộng màu mỡ. Xa ngoài kia, bị ngăn cách bởi một bãi lau là con sông lớn. Ngồi ở cửa có thể nhìn thấy người qua lại trên đường, mùa màng, bãi sông mọc đầy lau, những con thuyền gỗ nhỏ trôi trên sông. Nhưng Thanh thì không nhìn thấy gì hết. Sau nhà có một quả núi lớn. Cả đội sản xuất đều cất nhà ở chân núi, nhưng đều cách nhau rất xa, không ai ở gần ai được. Núi rất cao mà không có cây. Dọc núi có khá nhiều mỏ đá. Đá ở đây cứng có thể cho thành phố xây dựng nhà cửa, hoặc chỗ công xã xây hồ chứa nước. Đá nhiều, khai thác không hết. Suốt ngày tiếng đục đá chan chát vang lên thật náo nhiệt. Từ khi ra đời, Tiểu Thanh đã nghe quen. Những âm thanh đơn điệu này dẫn cô đi suốt cả thời thơ bé buồn nản. Bây giờ, khi cô không còn nhìn thấy gì nữa, thì những tiếng đục đá chí chát ấy lại càng không thể thiếu được.
Cha Tiểu Thanh là một thợ đá giỏi, nhưng nghiện rượu, không kiếm được tiền. Khi không có tiền, ông thường nói đợi kiếm được tiền sẽ đưa cô đi bệnh viện lớn chữa mắt. Nhưng hễ cuối tháng lĩnh được tiền ông liền gửi vào quầy rượu, uống say đến không biết trời đất, ngay họ mình là gì cũng quên. Ông say là đánh người, đánh vợ, đánh con, chỉ riêng Thanh mù là không đánh. Đánh nhau với thợ đá, bao giờ ông cũng đánh người ta bị thương, phải bồi thường viện phí. Hình như không như thế, ông không sống được. Tóm lại, ông không phải là người chí thú gia đình. Nhà sống thật chật vật, mẹ làm việc ở đội sản xuất, ngày nghỉ thì bện giày cỏ. Giày cỏ bà bền chắc đẹp, bán cho thợ đá. Đôi lúc bà còn nhận vá thuê cho họ, kiếm thêm.
Những người thợ đá dưới xuôi lên đều không có gia đình, quần áo luôn rách thủng lại vừa bẩn vừa hôi. Nhưng mẹ không ngại, đem giặt sạch, vá phẳng phiu rồi giao trả, công xá tùy họ cho bao nhiêu thì cho. Làm dịch vụ cho thợ đá cũng không ít, già có, trẻ có, thanh nữ có, bện giày cỏ, giặt vá quần áo, bán lương thực, hoa quả, nước giải khát. Đầu năm đó, chỉ chưa có quán cơm bình dân và quán rượu tư. Ở những nơi có mỏ đá, người ta mở cửa hàng cung tiêu, bán cơm, bán rượu chuyên doanh. Cũng có thể có người bạo gan bán rượu chui, cơm chui. Đồ ăn ở cửa hàng cung tiêu không ngon, không nóng, nhiều người bèn tìm đến ăn ở các cửa hàng tư nhân. Đều là những người không có ý chí, thích ăn thì ăn, kiếm được tiền thì kiếm, không thì thôi. Một số thợ đá không có tiền gửi về nhà, các bà vợ liền tìm lên kêu khổ. Các bà vợ đến, mỏ đá không có phòng riêng, kéo nhau vào lán tập thể ở. Mấy anh chồng thì chẳng sao, các bà vợ thì xấu hổ, ở vài ngày tiền không lấy được đành phải quay về. Mỏ đá là thế giới của đàn ông. Một số có bồ bịch. Vùng này vốn rất phong kiến, từ khi mở mỏ đá, thợ đã kéo đến hàng đoàn, phong kiến cũng ít đi. Có phụ nữ làm bồ của thợ đá, qua cả mặt bố mẹ, phản bội lại chồng. Ở đời dù là chuyện tốt, chuyện xấu, sợ nhất là khi đã thành quen, nhìn không thấy chướng mắt nữa. Mẹ cũng có một ông làm bồ. Bà vốn là người có nhan sắc, mặt trái xoan, mắt to, tính tình hiền dịu. Có mấy anh thợ đá trẻ tìm cách cặp bồ với bà nhưng không được. Bồ của bà là một ông sắp năm mươi tuổi, cao gầy, da vàng, ho ra máu. Chính bà chủ động tìm tới ông. Mấy năm rồi không thấy ông về qua nhà một lần, ngày lễ ngày tết ở tịt mỏ đá. Ông ta đã bị đưa đi lao động cải tạo, tay nghề thấp. Ông không có vợ con, suốt ngày lặng lẽ, không hút thuốc lá, lúc nào cũng mang bên mình một cái niêu đất để sắc thuốc. Bà tìm đến ông ta, lặng lẽ giúp ông sắc thuốc, đôi lúc đưa đến cho ông một ít đồ ăn, gặp dịp lễ tết còn mời ông về nhà. Ông cho bà tiền, bà không lấy. Bố Tiểu Thanh không nói gì. Ông là người nghĩa khí, người kia cũng không phải hẹp hòi, thường cho ông mượn tiền để uống rượu, đặc biệt đối với cô rất tốt. Cả nhà chỉ có anh trai là không thích, luôn nhìn ông ta bằng cặp mắt thù nghịch, không chào hỏi, càng không nói chuyện.
Ngày tháng cứ thế miễn cưỡng trôi đi.
Tiểu Thanh học bện giày cỏ. Đầu tiên học xe sợi cỏ. Cỏ áo tơi do anh trai cắt ở núi đem về. Mẹ dạy cô. Sau rất nhiều lần thất bại, cô đã tự mình làm dược. Giá bện giày đặt trong lòng, cô ngồi lì suốt ngày trong phòng. Dần dần, những đôi giày cỏ do cô bện đẹp chẳng kém gì giày của mẹ, chỉ không chắc chắn bằng. Sức lực cô không bằng mẹ. Nhưng rồi giày của cô bện ngày càng chắc chắn. Cô lớn vổng lên, cao hơn mẹ, chân tay có da có thịt.
Suốt ngày cô ngồi bện giày cỏ ở nơi cửa có ánh mặt trời. Cô không nhìn thấy gì cả, không cần ánh sáng để giúp cô bện giày. Nhưng cô thích ánh nắng. Mỗi ngày qua đi, ánh nắng bò ra khỏi cửa, cô nhận biết được, tim lại đập thình thịch. Cô không thích bóng đêm. Cô nằm đợi hôm sau. Trời sáng, cô lại ngồi ở cửa bện giày, nghe những tiếng chí chát đục đá từ những mỏ đá xa xăm vọng lại.
Hình ảnh cuối cùng của thế giới còn lưu lại trong cô là mặt sông lóng lánh vàng dưới ánh nắng chiều, là những giọt mưa rơi trên mặt sông làm vỡ tan đồng vàng lấp lánh, là những chùm hoa lau trắng bạc dập dờn trong mưa, là những nắm cát được ném ra từ trong bãi lau... Từ sau khi hai mắt bị mù, tuy không đau nữa nhưng nhiều năm rồi cô vẫn nhớ cái nhức buốt nghẹn tim, và lúc bấy giờ cô vẫn cho rằng vết thương không có gì đáng kể. Mẹ lau sạch những hạt cát trong mắt là khỏi. Ai ngờ lại nặng đến thế, mắt bị hỏng vì cát lau không sạch.
Phong Oa Tử có lại thăm cô. Sau khi xảy ra vụ đó, mấy ngày liền, ngày nào anh ta cũng đến. Cô nghe anh ta nói chuyện với cô, xin lỗi cô, còn nói muốn bồi thường gì đó. Mỗi lần Phong Oa Tử đến, anh cô đều đuổi đi. Sau đó không lại nữa. Anh trai coi Phong là kẻ tử thù. Trước đây hai người là bạn rất tốt của nhau, không cùng một đội sản xuất, nhưng biết nhau từ khi học trung học cơ sở, sau đó ít lâu, do khác quan điểm nên chia thành hai phái đánh nhau. Nhưng nếu không vì đôi mắt của cô bị hỏng chắc anh trai chẳng thù Phong Oa Tử đến như vậy. Ngày ấy cô còn bé, không hiểu nổi vì sao anh ta lại đến thăm cô. Có lẽ cũng chẳng vì sao cả, chỉ vì phép cư xử buộc phải như thế. Nhưng sau này, cô cảm thấy dường như có cái gì đó hơn thế, cứ mong ngóng anh ta đến thăm, nói để cô nghe. Nhưng anh ta không đến, có đến thì anh trai cô cũng đuổi. Lớn lên, mỗi lần nhớ đến chuyện này, cô lại thở dài.
Rồi anh trai cô lên huyện học trung học. Nghỉ hè cũng ít về nhà. Anh tìm dược việc làm thêm để có tiền ăn học. Anh không chỉ hút thuốc mà còn uống rượu. Một ít tiền nhà gửi cho làm sao đủ. Anh mua cho cô cặp kính đen. Cô rất thích đeo nó để bện giày cỏ. Bện mệt thì đứng lên đi dạo, đi xuống dốc, đi dọc theo con đường lát đá. Có lúc cô còn đi đến sau mỏ đá. Cô đi chầm chậm. Con đường quá quen thuộc. Không cần dùng gậy. Đám thợ đã thấy cô đều trố mắt nhìn, quên cả làm việc vì cô gái đẹp mang kính đen. Nghe tiếng đục đá chợt ngừng, cô hiểu rằng mọi người đang nhìn cô, lòng thấy vui vui. Nhưng cô không bao giờ ngừng lại lâu. Cô quay về bện giày cỏ, thấy người nhẹ lâng lâng.
Bố lại đánh nhau với người ta. Lần này ông bị thương rất nặng, phải khiêng về nhà. Mẹ chẳng đi thưa kiện. Thưa kiện cũng chẳng làm gì. Thợ đá thích đánh nhau giành hơn thua. Cán bộ lãnh đạo cũng chẳng giải quyết được việc này. Mẹ mời thầy lang đến chữa. Thầy lang xem, bảo chấn thương nội tạng, cứ ba ngày đến chợ thuốc một lần. Hai tháng không khỏi phải đưa đi viện. Đưa đi viện, sau một tháng thì chết. Tiêu tốn không ít tiền. Mẹ chẳng còn cách nào khác, phải mượn tiền tiết kiệm của người tình, ít lâu sau người kia lại ho ra máu, không thể đi đục đá được. Mẹ đưa về ở trong nhà, ngủ ở giường bố ngày xưa vẫn ngủ. Anh trai tốt nghiệp về nhà vào một buổi chiều, thầy người nọ ngủ trên giường mẹ thì làm um lên, cơm cũng không ăn, bỏ đi và nói sẽ không trở lại.
Một hôm Thanh đang ngồi không ở cửa, hướng đôi mắt hỏng ra phía bãi sông, bỗng cảm thấy chợt tối. Hóa ra có hai người vừa đi từ dưới dốc lên, chắn hết cả cửa. Một giọng lạ hoắc hỏi:
— Đây có phải là nhà Phùng Học Hải không?
Thanh vội đáp:
— Phải ạ.
— Cô là Phùng Học Hải...
— Là anh trai tôi. Anh ấy làm sao?
— Hắn bị khép tội lừa đảo. Cô là Phùng Tiểu Thanh, em gái hắn? Chúng tôi là công an của công xã, hôm nay nhận được thông báo của huyện, đến thông báo cho gia đình...
Họ còn nói gì nữa, Tiểu Thanh không còn nhớ. Tim cô như ngừng đập, người xỉu đi.
Anh trai là chỗ bấu víu duy nhất của cô. Không biết bao nhiêu lần anh trai nói, đợi khi tốt nghiệp xong, có công việc, anh sẽ đưa cô đến trường mù để học. Bao nhiêu năm cô mong chờ ngày ấy. Anh trai nói, ở thành phố người mù cũng có thế kiếm được việc làm. Bây giờ thì hết...
Trời tối, mẹ và người kia mới trở về. Bà đưa ông ta đi khám bệnh ở trạm xá. Trên đường bà đã nghe tin con trai bị giam ở huyện. Bà nói với Tiểu Thanh, hôm sau sẽ đi lên trại giam, đem chăn màn cho anh trai. Bà nói với giọng bình thản, cũng không có một giọt nước mắt.
— Mẹ, con cũng đi! Tiểu Thanh nói.
Hình như mẹ không nghe thấy, cất tiếng than: "Thật là oan nghiệt!"
Nhà bên cũng họ Phùng. Nhà chỉ có mẹ già với hai cô con gái. Cô con lớn không lấy chồng, cặp bồ với một anh thợ đá trẻ, sống ngay trong nhà. Anh thợ nuôi cả nhà này. Cặp bồ bịch này rất điên, bà mẹ già không quản nổi, sợ cũng sẽ làm hư cô gái nhỏ, nên tối tối gửi sang ngủ chung với Tiểu Thanh. Tên cô bé là Man Man, hơi đần, nhưng cô bé biết nhiều chuyện mà Tiểu Thanh không biết, có bé vô tình kể cho Tiểu Thanh về những chuyện yêu đương, tình ái. Cô kể chị cô tháng trước lẻn đi bệnh viện nạo thai, trở về cáo ốm xin nghỉ phép. Nhưng chị cô không nghe lời mẹ lấy anh thợ đá. Chị bảo không thể dựa vào bọn thợ đá, hết đá là họ vù, lại đều thô bạo.
Tiểu Thanh cảm thấy không thể xa được Man Man. Đêm nào Man Man không tới là cô không ngủ được. Cô gái lớn lên trong bóng tối này, ngoài đôi mắt mù, còn tất cả đều như những người bình thường. Bây giờ thì cô mới cảm thấy một cách sâu sắc nỗi bất hạnh của mình. Thân thể cô có lúc nóng rực, hận không thể đập vỡ một cái gì đó, hoặc lao ra ngoài, phóng lên đỉnh núi, nhảy ào xuống sông. Cũng có lúc lạnh ngắt, đầu óc trống rỗng. Cô không làm sao hiểu rõ tại sao lại như thế. Cô chỉ biết cô cần một cái gì đó, rất cần. Nhưng là cái gì, cô không thể trả lời được. Cái đáng buồn hơn là cô không thể dùng ngôn ngữ để diễn tả khát vọng ấy, vả chăng, nếu được cô đã hỏi Man man. Lúc có Man Man ở bên, cô chỉ có thế ôm lấy cô ta mà khóc. Ngay khi khóc cô cũng khổ hơn người thường, vì không có nước mắt.
Cô lớn lên y như một con rắn, một con mèo hoặc một con hổ lớn lên. Không những thế, cô còn không nhìn thấy thế giới xung quanh, trước mặt cô nếu có một khe sâu ngàn trượng cô cũng sẻ bước xuống.
Mẹ chẳng để ý gì đến Tiểu Thanh, trái tim bà suốt ngày chỉ hướng về người thợ đá cao gầy, mắt vàng và lắm bệnh tật. Những ngày người thợ đá ốm, ruột gan bà như lửa đốt, lo chạy ăn uống thuốc thang cho ông. Khi ông khỏe, đi làm kiếm tiền được, thì bà lại đắm đuối vào chuyện tình ái. Một người đàn bà yêu đương ở tuổi bốn mươi đã hoàn toàn quên đi cô gái lớn ở bên cạnh. Tiểu Thanh không nhìn thấy đã đành, ngay bà cũng coi cô là một người tàn phế, vô dụng, phải nuôi báo cô mà thôi.
Một hôm Tiểu Thanh hỏi bà: "Năm nay con mười tám phải không?" Bà nghĩ hồi lâu rồi trả lời: "Hai mươi rồi." Sau đó không nói gì nữa. Đối với bà, hai mươi cũng giống như mười, chẳng hàm một ý nghĩa nào hết.
Tiểu Thanh thực tình không nhớ rõ tuổi mình. Cô hồ đồ rồi. Mấy năm trước, mỗi khi trời lạnh không ngủ được, cô biết một năm đã qua, thầm tính thêm cho mình một tuổi. Sau này, số đếm cô không thuộc, những đêm không ngủ được ngày càng nhiều, vì thế càng đếm càng lẫn lộn.
Hai mươi. Đúng rồi. Man Man nói là cô ta mười chín. Cô bé được phân đi làm việc ở mỏ đá. Đám thợ đá mất dạy trêu ghẹo, nhìn tròng trọc vào ngực cô. Man Man nói, bọn họ là lũ người lo con bụng đói con mắt, muốn kiếm bạn gái không chịu tốn công, vừa nói chuyện với nhau mấy câu đã vận dụng tay chân, làm như là của họ vậy. Không muốn giống như bọn họ, để giữ mình, Man Man không đi làm ở mỏ đá nữa. Cô nói, trong đội sản xuất có mấy chị lớn tuổi cũng không muốn đi. Mặc dù làm việc ở mỏ đá, công điểm được nhiều hơn lại có chút tiền tiêu. Nhưng chỉ sau đó ít lâu, Man Man và mấy chị kia lại đi làm. Cô ta nói với Tiểu Thanh rằng, chẳng rõ vì sao cô lại đi. Không đi rồi lại đi, đối với Tiểu Thanh chẳng có ý nghĩa gì. Vào một buổi chiều, mẹ đem về một đống quần áo rách, ném vào chiếc chậu ở chân tường để sớm mai giặt. Tiểu Thanh bỗng cảm thấy một thứ mùi, từ trước đến giờ chưa hề ngửi thấy xộc vào mũi. Bất giác cô quì xuống bên chiếc chậu, cầm những bộ quần áo đưa lên mũi ngửi. Nhìn cô làm những động tác ngu ngốc, mẹ chợt sợ hãi kêu lên: "Cái mùi mồ hôi hôi rình ấy có gì mà ngửi! Hai mươi tuổi rồi, suốt ngày không làm việc, lại còn ngu đến vậy. Thật là oan nghiệt..." Nghe vậy đột nhiên cô cảm thấy như mình phạm tội, vội lùi lại. Lên giường rồi mãi không ngủ được, cái mùi ấy như thấm vào cô.
Cái mùi ấy cứ cuốn lấy cô. Đồng thời, nỗi xấu hổ và cảm giác phạm tội dày vò cô. Sau đó ít lâu bầu má vừa mới đầy đặn liền gầy sọp đi. Việc đó làm cho cha dượng chú ý. Ông ta nói với mẹ cô:
— Cô bé này bệnh nặng rồi, cần đưa đi bệnh viện.
— Cần! Ai chẳng biết. Cần đi khám bệnh, cần mua thuốc uống! Tôi làm sao gánh được hai bồ thuốc?
— Bệnh tôi chữa cũng không thể chữa khỏi, không chữa cũng không chết. Tôi nói là hãy cho Tiểu Thanh đi khám bệnh.
— Ông kiếm được bao nhiêu tiền? Ông tưởng mấy chục đồng ông đưa tôi mà lớn à? Tháng này...
— Thôi, đừng nói nữa. Tôi đã làm phiền các người.
— Thật là oan nghiệt! Chết đi cho rồi.
Không biết bà chửi ai. Nghèo mà muốn sang. Nhưng bà vẫn đồng ý đưa Tiểu Thanh đi bệnh viện.
Một buổi sớm, Tiểu Thanh một tay giữ đòn gánh, một tay nắm áo mẹ đi lên bệnh viện. Cô không quên mang đôi kính đen anh trai đã cho. Đi đường mệt đứt hơi, nhưng cái mùi ấy cứ xộc vào mũi. Đến bệnh viện lấy số, chờ nửa ngày mới được vào khám. Bác sĩ kiểm tra đi, kiểm tra lại, cuối cùng nói: Cô không có bệnh, mọi thứ hoàn toàn bình thường. Chỉ có mặt là không bình thường, nhưng vô phương cứu chữa.
Cái tiếng chí chát vang lên bao nhiêu năm nay ở cái đất có nhiều mỏ đá này chẳng ai để ý đến. Nhưng thử nghĩ xem, nếu vắng những tiếng này thì tình hình sẽ ra sao? Mọi người sẽ thấy rằng hình như tai có vấn đề, rằng cuộc sống vốn nhạt nhẽo trước đây sẽ trở thành khô khan và tẻ lạnh biết chừng nào.
Do ban thiết kế hồ chứa nước thiết kế sai, chọn nhầm địa điểm, sau ba năm thảo luận, giờ quyết định ngừng thi công. Đã không làm hồ chứa nuớc thì đá cũng không cần. Đá khai thác rồi cũng không chuyển nữa. Đám thợ đá không còn nơi làm việc, dỡ lều bạt, người tìm về quê, nguời đi kiếm kế sinh sống khác, cuốn xéo tất cả.
Bện giày cỏ, lẽ tất nhiên không cần bện nữa. Bán cơm, bán rượu cũng thôi luôn. Nhưng lo lắng nhất là đám phụ nữ làm bồ bịch của cánh thợ, nếu là chồng thì theo đi, còn không phải thì đành gạt lệ mà đưa tiễn họ, hẹn gửi thư về. Chờ một hai tháng không có thư, rồi cũng nguôi. Có thư thì khó xử. Những người phụ nữ này không biết chữ, loại thư đó chẳng lẽ lại đi nhờ đọc. Quả đáng buồn cười. Chị gái Man Man có người làm mối, lấy chồng bên kia núi. Man Man mừng vì mình còn trong sạch. Riêng Tiểu Thanh, lòng cứ nao nao. Cái tiếng chí chát không còn, cái mùi để ngửi cũng không còn, giày chẳng bện nữa, cuộc sống của cô trở nên đen tối như đôi mắt của cô vậy.
Bồ của mẹ không bỏ đi. Ông già mắt vàng, cao gầy (thực sự ông ta đã trở thành một ông già rồi) tự xưng mình là người có lương tâm, không thể bỏ người đàn bà có số phận hẩm hiu lại. Đương nhiên ông không còn sức để đi đập đá, không thể kiếm sống bằng nghề đó, đi đâu được. Tốt nhất là ở lại, và để thể hiện quyết tâm ở lại, ông đi làm giấy đăng ký kết hôn với mẹ cô.
— Đá ở đây rất tốt, tôi không tin không có người cần — Ông ta nói — Tương lai sẽ cần đá, tôi sẽ lại đập đá.
Nhưng cán bộ xã nói:
— Chúng tôi không thể cấp giấy đăng ký kết hôn cho ông. Ông không có đăng kí hộ khẩu ở chỗ chúng tôi, ông từ đâu tới? Ông là ai? Lịch sử của ông có trong sạch không? Chúng tôi đều không biết. Hơn nữa ông bệnh đến mức này, không còn sức lao động, sống nhờ một bà quả phụ nghèo, ông không thấy xấu hổ sao? Bà ta còn phải nuôi một cô gái mù nữa.
Ừ, người ta nói nghe cũng có lý! Thử nghĩ tới tình cảnh sống ấy, đã thấy sợ. Ông ta chợt tỉnh ngộ, muốn ở lại vì mối thâm tình với người đàn bà góa, nào ngờ lại làm khổ thêm. Ăn là đại sự thứ nhất mà. Tình cảm không thể nuôi sống người ta. Chết là hơn, ông già mặt vàng bủng nghĩ, và vào lúc nửa đêm ông lặng lẽ trở dậy, bỏ đi.
Không thể chết trong nhà. Dùng dây thừng thắt cổ, dùng dao cắt mạch máu, uống thuốc sâu, đều không được. Ông đã nghĩ rồi. Chết trong nhà sẽ làm cho hai người phụ nữ sợ hãi, hơn nữa mai táng cũng tốn tiền. Ông rời nhà, đi thẳng ra bãi sông. Ông ra đi rất chậm như cố níu lại thời gian, hoặc như đợi ai đó tới khuyên can vậy. Bãi sông lờ mờ trắng dưới ánh trăng. Còn cách dòng sông khá xa, người đàn bà đã đuổi kịp, đầu tóc rối bời, quần áo xộc xệch, níu chặt lấy ông ta lại.
— Tôi không thể làm khổ bà, ông ta cứ một mực nhắc đi nhắc lại câu đó.
Bà nhìn gương mặt da xám như da người chết, bộ râu khô vàng mọc lưa thưa, hai hốc mắt tối om. Đôi mắt lương thiện, tinh nhanh không còn nữa. Bà thở dốc, đôi tay lỏng dần, lỏng dần. Bà rất mệt. Cánh tay ông gầy nhỏ, có cảm giác như một đoạn xương khô. Trước đây nó rắn chắc và mạnh mẽ. "Tôi không muốn làm bà khổ..." Ông ta chỉ có một câu ấy. Trước đó bà muốn mắng ông một trận để khích dậy chí khí của người đàn ông, bây giờ chẳng còn nghĩ đến nữa.
— Về đi! — Bà chỉ nói có thế.
Hai người ngồi nhìn nhau qua ánh đèn dầu. Gà gáy lần thứ hai, cuối cùng ông ta nói trước:
— Vậy thì cuối cùng tôi... tôi vẫn phải đi.
Bà nói:
— Không được! Tôi không để cho ông đi — Ngừng một lúc lâu bà nói tiếp — Để Tiểu Thanh đi kiếm tiền. Cái đồ oan nghiệt ấy... Đành phải vậy thôi, tôi còn biết làm thế nào nữa.
Thì ra, chiều nay ở ngoài chợ, bà nhìn thấy hai đứa bé gái do một bà già ngoài 50 tuổi điều khiển, đi hát rong để xin tiền. Bà đứng ở vòng ngoài, chẳng hiểu hai đứa trẻ hát gì, nhưng lại nghĩ đến Tiểu Thanh. Cô có thể kiếm ăn bằng cách này, đỡ phải nuôi không.
Sau một đêm trằn trọc, bà quyết định thực hiện. Buổi sáng hôm đó bà ra chợ, đi tìm đám hát rong. Vừa may, những kẻ hát rong ở trong một quán cơm bình dân, chuẩn bị đi. Bà đến gặp người cầm đầu, nói rõ mình muốn gì. Bà lão hỏi:
— Bao nhiêu tuổi?
— Mới hơn hai mươi. — Bà mẹ thật thà đáp.
— Hơi lớn. Nó có giọng không? — Bà lão làm ra vẻ khó khăn, rồi nói — Ngày mai dẫn nó đến xem, rồi bán. Chúng tôi chờ chị buổi trưa ở đây.
Bụng đói sôi lục bục. Suốt dọc đường, tim Tiểu Thanh đập thình thịch. Biết đâu số phận của một cô gái mù sẽ có cơ thay đổi. Vừa mới dừng lại trước quán ăn ở chợ, lập tức một đám đông bu lại nhìn. Dân chúng ở chợ chưa bao giờ nhìn thấy một cô gái lớn đến chừng này lại ăn mặc rách rưới đến vậy. Mọi người nín thở nhìn cô. Bà lão hát rong luôn mồm tặc lưỡi, bước lên gỡ chiếc kính đen của cô, nhìn ngó đôi mắt, sau đó đeo trả lại, vẻ do dự. Tiểu Thanh nắm chặt tay áo mẹ, tim đập phập phồng. Cô có cảm giác, xung quanh cô có rất nhiều người. Họ đang nhìn cô. Cô hi vọng mọi người có ấn tượng tốt với cô. Cô không biết khuôn mặt, thân thể cô đẹp đến mức nào. Nhưng cô hiểu rằng, hôm nay cô không thể không đẹp. Nghĩ thế cô liền thấy vui vẻ lên. Cánh mũi phập phồng, cô ngửi thấy mùi thơm của dầu rán quẩy, thèm ăn quá. Cô cảm thấy, đứng bên cạnh cô nhất định là một thanh niên, hơi thở nóng rực của anh phả vào gáy, ngứa ngứa. Bất giác cô nép mình về phía mẹ.
— Không được. — Bà lão hát rong chậm rãi nói — Con gái bà trắng trẻo... đoan chính... Thời buổi bây giờ lộn xộn, chúng tôi bươn bả bốn phương, nguy hiểm lắm. Hơn nữa tuổi lớn, học hát khó, tôi sợ không dạy cô ta được...
Nghe thế, Tiểu Thanh thất vọng quá. Nhưng mẹ còn thất vọng hơn.
Mùi thơm của quẩy rán lại bay đến. Tiểu Thanh lén nuốt nuốc bột. Đã không được thì thất vọng cũng chẳng để làm gì. Cô nghe thấy bà lão thở dài. Những người xung quanh cũng vậy. Cô thấy họ có gì đấy hơi buồn cười. Có gì đáng than thở kia chứ. Lúc này, cô nghĩ, có một cái quẩy ăn thì tốt.
— Các người chưa ăn cơm trưa phải không? — Bà lão hát rong hỏi.
Tiểu Thanh nghe mẹ đáp "Ăn... ăn trưa rồi.”
— Tốt rồi, các người về đi. Cẩn thận nhé.
Mọi người rẽ ra, nhường đường cho hai mẹ con. Tiểu Thanh nắm chặt tay áo mẹ. Cô thực không muốn quay về. Cô nghiêng nghe bên này bên kia, như muốn tìm một ai đó.
Chị gái Man Man lấy chồng bên kia núi, nửa năm đã sinh được một đứa bé bụ bẫm. Dân bên núi bàn tán xôn xao về trái cây chín sớm này. Anh chồng rồi cũng cảm thấy xấu hổ, khó mà ngẩng mặt lên được. Gia đình Man Man cũng thấy không ổn. Vậy là li hôn. Người đàn bà về nhà mẹ đẻ, mang theo đứa con hoang. Tuy nhiên, đứa trẻ lớn lên, đẹp đẽ. Lâu dần, mọi người quên đi. Hàng ngày Man Man ôm đứa bé sang nhà Tiểu Thanh chơi. Cô thích nhất là được bế nó, để đứa trẻ mũm mĩm quẫy đạp trong lòng mình, Tiểu Thanh không nhịn được, bật cười lên khanh khách. Man Man kể, có người giới thiệu cho cô ta một đối tượng là bộ đội. "Chị đoán xem là ai? Chị cứ nghĩ, nhất định sẽ nhớ được." Tiểu Thanh lắc đầu, không thể nhớ nổi. "Anh ta cán bộ cấp trung đội. Em không dám với cao. Em không có văn hóa. Loại người như chúng mình chọn một anh thợ đá có khả năng kiếm tiền là tốt nhất." "Người ấy là..." Tiểu Thanh tiếp tục đoán. Man Man nói: "Chị có còn nhớ Phong Oa Tử không?"
Phong Oa Tử! Làm sao Tiểu Thanh không nhớ chứ? Mưa rơi trên mặt sông lấp lánh vàng, những đốm bạc lấm tấm hoa lau, những cảnh sắc cuối cùng mà cô nhìn thấy, đọng mãi trong trí não cô. Phong Oa Tử, chính anh ta hại cô bị mù, làm hỏng cuộc đời của cô. Anh ta đã đến nhà cô mấy lần, bị anh trai đuổi đi. Cô biết anh ta đến thăm cô để xin lỗi cô, vì thế cô không còn thấy hận anh nữa.
— Nghe nói quê hương chúng mình sắp nhộn nhịp, mỏ đá mở lại. Sẽ có nhiều nhiều thợ đá đến... Chị vẫn chưa biết tin này sao?
Không biết thật. Tiểu Thanh không biết tin này. Dù sao thế cũng tốt, cô nghĩ, rồi mỗi sáng trở dậy, tiếng đập đá chí chát sẽ giúp cô quên bớt nỗi cô quạnh. Hơn nữa, cô còn nhớ, những người thợ đá hình như rất vui nhộn, rất thích nói chuyện với cô, nếu cô đi ra bãi sàng đá, dừng lại với họ chút ít. Hình như họ thích như vậy.
Người dân nơi đây không có yêu cầu gì thật cao, chỉ mong thợ đá trở lại, để kiếm việc làm thêm, để mở quán, nhặt thêm ít tiền mong làm cho cuộc sống đỡ vất vả hơn. Bởi vì những người thợ đá đều là những người ăn to nói lớn, càng kiếm được nhiều càng tiêu nhiều.
Họ bàn tán, chờ đợi để thực hiện những hy vọng nhỏ nhoi ấy. Đơn giản là họ không dám tin: Cái sẽ đến với họ, so với cái mà họ mong đợi còn lớn hơn nhiều, quan trọng hơn nhiều.
Những người dân chất phác hiền lành, không dám ấp ủ tham vọng gì lớn, mong mỏi một điều cuộc sống hàng ngày có bữa ăn no, chỉ sau khi nghe tin ở những vùng lân cận, ruộng đất được giao đến từng hộ, và họ cũng được hưởng một chính sách như vậy, mới như chợt tỉnh ngộ. Như vậy cuộc đời sẽ thay đổi thật sao? Đúng là sự thật rồi. Một hôm bố dượng của Tiểu Thanh nói với mẹ có: "Tôi phai về quê một chuyến xem tình hình ở đó thế nào." Mẹ cô nói: "Tôi biết. Bây giờ thời thế thay đổi, bọn các ông bị kế tán đều có hi vọng được xem xét lại. Không chừng còn được vô thành phố làm cán bộ. Cũng được, ông đi đi. Sức khỏe ông không tốt, như vậy ông có thể sống thêm. Ông cũng không phải lo cho chúng tôi, dù sao tôi với ông cũng chưa có đăng ký kết hôn, không phải vợ chồng." Người kia nói: "Bà nói cái gì thế? Tôi rất biết ơn bà đã cho tôi mái nhà để ở. Tôi về, nếu được hưởng chính sách, phục hồi công tác, tôi sẽ gửi tiền cho bà." "Ai cần những đồng tiền ấy của ông. Giao khoán đất rồi tôi sẽ trồng rau. Mỏ đá mở rồi, hai mẹ con tôi sẽ giặt quần áo, bện giày cỏ, sẽ có tiền tiêu." Bà nói thật dứt khoát, còn người kia nghe ra có vẻ đau buồn, cuối cùng rất là cảm động. Ngay lúc ấy. ông nói chắc chắn: "Nếu thật có ngày tôi được xóa án, tôi sẽ về đón bà và Tiểu Thanh đi. Lúc đó tôi sẽ chính thức làm lễ thành hôn với bà." Lời ông làm bà xúc động, giờ đây hai người thấy thật sự thương nhau.
Đất được giao cho từng hộ. Mẹ và Tiểu Thanh được nhận hai phần. Vùng này người đông, đất hiếm, vì vậy đất thật sự quí. Mẹ Tiểu Thanh tìm cán bộ hỏi: "Thế còn phần của con trai tôi?" Cán bộ đáp: "Con trai bà ra tù từ lâu, không trở lại, coi như người làm ăn ở ngoài, chưa chia đất." "Tôi sẽ đi tìm nó trở về." "Bà đi tìm đi. Vì sao anh ta bỏ đi, bà quên rồi à?" "Cái đó..." Bà nghẹn lời. Từ buổi tối người con trai tốt nghiệp trở về, nhìn thấy ông thợ đá ốm yếu nằm ở cái chỗ, nguyên là chỗ của bố trên giường mẹ, cãi cọ một hồi rồi giận dữ bỏ đi một mạch cho đến giờ. Sau khi con trai vào tù, bà chỉ đến thăm một lần rồi thôi... Có lẽ là do nguyên nhân cũ chăng? Bà bỗng thấy nhớ con trai vô cùng, đứa con do chính bà sinh ra. Bà lại nhớ lại thời trẻ của mình, thật là hoang đường biết bao. Vì một người đàn ông mà bà yêu, bà đã tiêu hao vào đó sinh lực của một nửa đời người, đến nỗi con trai, con gái mình cũng không lo nổi. Oán trách ai? Chỉ có thể trách kẻ đã chết. Ai buộc ông ta suốt tháng suốt năm chỉ uống rượu, không lo đến gia đình, không quan tâm đến vợ con! Mà nghĩ đến điều ấy để làm gì?
Đất đã giao rồi, nhà không có đàn ông, tốt nhất là đi tìm con trai về. Bà hỏi thăm khắp nơi, được biết: Con trai bà là Phùng Học Hải đã cắm chân ở Thạch Mã Trường, một vùng ngoại ô thành phố. Đã lấy vợ. Vợ đi buôn, còn con trai thầu xây dựng. Phát tài to, gần xa đều biết tiếng. Mới đầu được tin con trai bà vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ. Nhưng ngay lập tức bà liền gạt bỏ ý định đi tìm con trai. Bà vô cùng đau buồn. Bà tự nhiên thấy hổ thẹn, không còn mặt mũi nào đến gặp con trai nữa. Đương nhiên, nếu như con bà không giàu có, mà ngược lại lại nghèo khó, túng thiếu thì có thể bà sẽ đi tìm con, dù nó không muốn gặp bà, bà cũng đi tìm. Bây giờ còn mặt mũi nào mà đi. Dù thế nào bà cũng không có gan để đi.
Bất ngờ có một lá thư. Bà vội vàng đến trường tiểu học nhờ thầy giáo đọc giúp. Không phải thư của con trai mà lá thư của ông ta. Bà vừa nghe đọc, vừa thất vọng. Cái người mà bà đã bỏ tất cả vì hắn, nay được nhận trở lại đơn vị cũ, cái án trước đây đã được xóa bỏ, nhưng vì ốm đau, phải nằm viện, lương thấp mà tiêu pha lại nhiều, nhà cửa được chia rất chật chội. Về việc làm, nhất thời chưa thể sắp xếp được. Trước đây, ông ta giữ chức phó trưởng phòng, nay người ta không thể giao cho ông ta chức đó, vì đã có năm người đang nắm giữ rồi. Còn bản thân ông ta ư? Đang cố tranh thủ cấp trên. "Đợi mọi thứ ổn định hẳn, tôi sẽ về đón bà. Hãy thông cảm cho khó khăn của tôi..." Nghe xong bà nhét bức thư vào túi áo. Khi sắp về đến nhà, bà móc bức thư ra vò nát rồi ném xuống ruộng nước. Và đến lúc bước vào nhà, thì bà không còn vương vấn gì nữa.
— Tiểu Thanh, con lại đây — Đối với Tiểu Thanh, chưa bao giờ bà dùng giọng ôn hòa, thân thiết — Lại đây, nhanh lên. Mẹ nói với con điều này, chúng ta được chia ruộng, con xem nên trồng gì thì tốt? Mẹ nghĩ thế này. trồng nhiều rau để bán. Ruộng nước trồng lúa, có thể thu được bốn năm trăm cân, ruộng màu có thể trồng ngô. Như thế có tốt không, cái gì mẹ con mình cũng có, không còn thiếu...
— Mẹ, nhưng con...
— Có gì cứ nói với mẹ đi, con gái.
— Con... con không thể làm được gì cả.
— Thôi, đừng nói chuyện đó. Mẹ có thể làm được... Mẹ sẽ nuôi con.
Đột nhiên, bà ôm lấy Tiểu Thanh, bật khóc. Tiểu Thanh cũng khóc. Hai người đàn bà ôm nhau khóc ròng.
Nhưng rồi cơ hội cho Tiểu Thanh làm việc cũng đến. Cô lại bện giày cỏ.
Mỗi buổi sáng trở dậy, cô lại ngồi ở nơi mặt trời chiếu vào tại cửa lớn. Tuy cô không cần đến ánh sáng, nhưng cô thích cái ấm nóng, cái cảm giác mong manh do luồng ánh sáng mặt trời tạo nên, cũng như cô thích cái ngọn gió nhè nhẹ từ sông thổi tới. Cô thấy buồn, nhưng không còn bi thương, không còn sợ hãi. Cô đã trải qua mọi gian nguy của những năm thơ trẻ đói khát. Có lúc cô rất lấy làm vui vẻ. Ngồi mỏi rồi, cô đứng lên đi dạo. Con đường lát đá ngày xưa bây giờ đang được sửa lại thành đường ô tô. Cô yêu những tiếng chí chát, yêu tiếng cười, tiếng nói chuyện oang oang của đám thợ đá. Thỉnh thoảng cô còn nghe thấy có người thợ đá cất giọng ồ ồ hát dân ca, hô khẩu hiệu. Tất cả những cái đó đều làm cô thích. Bị tiếng hát thu hút, cô lần đến một ngôi nhà ở gần mỏ đá, ngồi lại trò chuyện với đám thợ trẻ một hồi. Cái gì cô cũng muốn nghe, cũng thích. Tất cả đám thợ đá đều yêu mến cô, coi cô như em gái. Khi cô ngồi chơi ở đó, đám đàn ông không dám nói chuyện tục tĩu, nhảm nhí nữa. Mùa xuân đến, cô đi càng nhiều, càng thích ra đó chơi. Một hôm cô đi chân trần, bị mảnh đá dăm chảy máu. Đám thợ đá sợ quá. Một anh vội vàng chạy lại băng bó cho cô. Cô cảm thấy anh ta quỳ trước mặt cô, đôi tay thô ráp run run, không sao băng cho cô được. Cánh tay rắn chắc của anh chạm vào đầu gối cô. Cô nghe rõ hơi thở của anh ta. Anh ta hỏi: "Cô đi được không?" Cô lắc đầu. Anh bế cô về nhà. Mẹ đi vắng. Anh ta muốn đi. Không hiểu sao cô lại nói: "Anh ngồi chơi một lát, em không phải là kẻ ăn thịt người..." Cô lại nói: "Em tặng anh đôi giày cỏ, anh lựa lấy một đôi vừa chân..." Cô cảm thấy mình sắp đứt thở. Thật xấu hổ. Cô tự mắng mình. Nhưng miệng vẫn nói: "Anh chọn được chưa? Để em xem, loại này à? Chân anh quá lớn. Được rồi, để em bện riêng cho anh mấy đôi, anh sẽ đến lấy nhé... A... anh họ gì... Họ Vương... Vậy thì... anh Vương, anh người ở đâu... năm nay bao nhiêu tuổi?... À, À,... Vậy anh đi nhé" Anh ta dùng dằng. Hai người đứng rất gần nhau, mỗi người cầm một đôi giày có mới bện. Cả hai đều không nói. Không hiểu sao tay cô lại đặt lên vai người thợ đá, làm anh ta hoảng quá, vùng bỏ chạy.
Từ đó người thợ đá hay đến nhà Tiểu Thanh lấy giày cỏ, phần lớn đều đến vào lúc mẹ cô đi làm. Cũng có lúc anh ta đến có mẹ ở nha, mẹ chẳng nói gì còn chào hỏi lịch sự và giữ anh ta lại ăn cơm. Lĩnh lương xong anh ta đến trả tiền cơm, mẹ kiên quyết không lấy. Anh ta mua tặng Tiểu Thanh một đôi giày đế bằng. Cô thử rất vừa chân, nhưng lại không đi mà cất ở đầu giường.
Vùng quê náo nhiệt hơn lúc nào hết. Thợ đá kéo đến từng đoàn. Người ta mở thêm mấy mỏ đá nữa ở chân núi. Tiếng người, tiếng búa loạn xì ngầu, ô tô máy kéo đến chở đá cuốn bụi mù mịt. Lều bạt dựng la liệt cạnh các gia đình nông dâ. Ăn uống lu bù. Dân chúng địa phương lẽ dĩ nhiên mừng rơn, cung cấp cho cánh thợ đá tất cả các loại dịch vụ. Đám đàn bà con gái ăn mặc xanh xanh đỏ đỏ. Kiếm bồ bịch vẫn kiếm, chẳng sợ đau khổ khi phải chia tay. Chị gái Man Man cũng lại tìm được một người. Riêng Man Man còn do dự. Cô muốn tìm một người để nương tựa suốt đời, cô không thích vui vẻ một lúc như chị gái. Người ta tụ tập với nhau, bàn tán về tương lai của mỏ đá. Đá ư? Khai thác cả năm không hết, nhưng liệu có giống năm nào sửa hồ chứa nước, bất ngờ dừng lại, thợ đá vù đi? Có người phân tích nói: Không thể. Đó là vì hiện nay bốn hiện đại hóa mở ra... xây dựng nhà máy, sửa đường sắt, nơi nào chả cần thật nhiều đá. Hơn nữa chất lượng đá ở đây tốt, những người hiểu biết quyết không bỏ loại nguyên liệu này. Ngày nay không còn dốt nát như xưa nữa, vùng này đã được xã cho một công ty bao thầu, giám đốc công ty lẽ dĩ nhiên phải có mục tiêu hành động. Người làm công cũng có thu nhập, có tiền người ta càng làm hăng. Vùng quê này sẽ thịnh vượng là điều không phải bàn... Tiểu Thanh cũng nghĩ đến vấn đề này, người ta bàn với nhau, cô ngồi bên nghe. Cô nghĩ điều quan trọng nhất là đám thợ đá đừng đi. Mẹ không quan tâm đến chuyện đó, lăn lộn với đất đai. Một mùa làm ruộng, ngoài cái ăn mặc ra, còn dành dụm được ít tiền để theo mấy bà hàng xóm đi lễ phật tận núi Nga Mi, ăn ngủ dọc đường tiêu hết sạch. Người ấy còn gửi thư đến, nhưng mẹ không chạy đến trường tiểu học nhờ thầy giáo đọc, mà ném vào bếp lò. Bà vấn khăn như những bà già, nhưng kì thực chưa già, mới hơn bốn mươi.
Một hôm, sau khi xong việc ở ngoài ruộng, bà vội vã về nhà. Nắng trưa gay gắt. Đột nhiên một chiếc xe con xịch đỗ ngay lưng bà. Một người trẻ tuổi từ trong xe nhảy ra gọi: "Bác Phùng!" Lại một người nữa nhảy ra sau, gọi: "Mẹ!" Bà ngẩng mặt lên nhìn, một người là Phong Oa Tử, còn người kia là Học Hai, con trai bà.
Thì ra, sau khi phục viên về xã, Phong Oa Tử được cử làm giám đốc công ty khai thác vật liệu xây dựng, vì vậy những mỏ đá ở đây thuộc quyền quản lý của anh ta. Anh ta lên thành phố tìm đối tác liền gặp nhà thầu xây dựng tiếng tăm như cồn là Phùng Học Hải. Hai người gặp nhau ở một nhà hàng lớn, những bất hòa của thời niên thiếu đã sớm bị ném vào quên lãng, nên bắt tay liên kết khai thác đá. Phòng khuyên Phùng nên về quê xem xét, điều kiện bảo đảm cho xã liên kết chính là nguồn nguyên liệu dồi dào. Phùng hỏi:
— Cái lão thợ đá khốn kiếp kia có còn ở với mẹ tôi không?
— Cút từ lâu rồi. Lão được phục hồi đã về đơn vị cũ.
— Thế còn em gái tôi?
- Tiểu Thanh ư, cũng khá. Mình vẫn thấy cô ta dạo chơi ở bãi sàng đá, mang kính đen.
— Con bé... chưa lấy chồng à?
— Lấy chồng? Có ai tình nguyện lấy một người mù.
— Có lẽ cô ấy sống cũng vui vẻ. Không phải lo cái ăn, bện giày cỏ cũng kiếm được tiền. Có một tay thợ đá thường hay đến nhà, coi chừng nó làm hỏng cô bé.
— Thật hả? Thằng ấy dám làm hỏng em gái tôi, tôi không giết nó không xong. Về coi thế nào.
Bà mẹ dẫn con trai và ông giám đốc về nhà. Ngậm miệng không nói. Trước mặt con trai, bà cảm thấy xa lạ biết bao. Cái kẻ mặc âu phục, đi giày da kia, liệu có phải là con bà không?
Nghe nói đó là anh trai, tất nhiên Tiểu Thanh rất vui. Nhưng sao giọng anh lại lạ thế?
— Tiểu Thanh, em có muốn ra thành phố cùng anh không? Anh sẽ tìm thầy dạy em học nghề, học văn hóa.
— Không, em không đi — Cô vui vẻ và dứt khoát đáp — Em không đi, em sống thế này là tốt lắm rồi.
Đương nhiên người anh không thích nghe giọng điệu ấy của em gái. Anh ta chợt nhận ra dưới làn áo của em gái bụng đã to ra như người có mang. Anh ta bỗng thấy trào lên một nỗi uất hận, y như nỗi hận lúc thấy người đàn ông lạ hoắc nằm trên giường mẹ mình... Anh ta nhìn mẹ một cách giận dữ, dường như mẹ phải chịu trách nhiệm về tất cả những cái đó. Nỗi tức giận khiến anh ta lập tức bỏ nhà đi.
— Thật là xúi quẩy! Thật là mất mặt tổ tiên!
Anh ta vừa đi vừa rủa thầm. Bà mẹ ngỡ ngàng, đứng nhìn hai người thanh niên ra đi.
— Họ đi rồi hả mẹ? Sao thế hả mẹ?
Bà mẹ lạnh lùng đáp:
— Nó đi rồi, đừng để ý đến nó nữa.
Buổi tối, anh chàng thợ đá họ Vương tới. Đến để chia tay. Anh ta nói, đã bị chủ thầu xóa tên, chỉ còn cách đi kiếm việc làm ở nơi khác. Vừa nghe thế, Tiểu Thanh đã kinh hãi đến tắc thở. Mẹ thì không. Bà nghiến răng nói: "Thật là loài thú vật!" Bà lạnh lùng hỏi tay thợ đá: "Vậy là cậu định đi thật?" Tay thợ đá run rẩy trả lời: "Họ buộc đêm nay phải đi" "Nếu không đi thì sao? — Bà mẹ vẫn lạnh lùng hỏi — Nếu không đi bọn chúng có thế làm gì cậu?" Tay thợ đá ngắc ngứ, không trả lời được. Bà giận quá, bước tới túm cổ áo tay thợ đá, dằn giọng nói: "Nếu cậu là người thì ở lại, đợi đứa con của cậu ra đời. Còn là loại súc sinh thì cút. Ngay lập tức cút khỏi mắt bà!" Bà đẩy mạnh và gã thợ đá bắn văng vào tường. Người đàn bà này chưa bao giờ nóng giận như vậy. Dường như bà đem nỗi hận của cả một đời mình, nỗi hận chồng, hận con, hận người tình trút lên người gã thợ đá trẻ.
Lúc đó. người bình tĩnh nhất lại là Tiểu Thanh. Nỗi kinh hãi của cô chỉ thoáng qua. Cô bình tĩnh đến mức như là tê dại, khiến hai người kia rùng mình. Cô mò mẫm đi lại phía giường nằm, lấy trúng ngay đôi giày mới mà gã thợ đá đã tặng cô, rồi đi thẳng đến trước mặt gã, nhét vào chiếc túi đựng đầy những đục và búa. Dường như cô đã đi một chặng đường rất dài, cuối cùng đã đến đích. Cô đã trải qua nỗi sung sướng nhất cũng như nỗi đau khổ nhất của đời người. Đối với cô, cuộc chung đụng ngắn ngủi với gã thợ đá xem như dài cả cuộc đời. Cái sinh mệnh bé nhỏ trong bụng mà cô vô cùng thương yêu khỏe mạnh thế là đủ, chẳng có gì thiệt thòi nữa...
— Anh đi đi. Anh trai em không tha anh đâu. Trước đây, đối với mẹ anh ta cũng vậy. Thôi anh đi đi.
Cô đã trải nếm đủ thứ, nhưng chẳng thứ gì có nhìn thấy. Thế giới còn lại trong cô chỉ là ánh sáng chiều, dòng sông láng vàng, những giọt mưa làm vỡ vụn những tia sáng, lấm tấm trắng hoa lau, đung đưa trong gió trong mưa.
Ngày hôm sau, anh trai trở lại, mặt mày hớn hở. Cùng đi còn có tay giám đốc Phòng và vị trưởng thôn. Người con trai nói với mẹ và em gái, hai người phụ nữ đáng thương, với giọng răn dạy:
— Tôi đã sai người đuổi cái thằng thợ đá chó đẻ ấy đi rồi. Cũng định nện cho nó thừa sống thiếu chết, nhưng thôi. Thế là được rồi. Mẹ, mẹ lập tức đưa em Thanh lên bệnh viện nạo thai. Xe con của tôi đợi ngoài cổng, đi ngay bây giờ. Họ Phùng nhà tôi rất cần giữ thể diện...
Trưởng thôn nói thêm:
— Đúng đấy, sai lầm của các người không nhẹ dâu! Đồng chí Phùng Học Hải là đại biểu của các hộ triệu phú nổi tiếng, là nhà doanh nghiệp nông dân, tên đã đăng lên báo, sắp là ủy viên Ủy ban chính trị hiệp thương huyện rồi... Đi nhanh đi, tôi đã nói trước với bệnh viện rồi, họ đang chờ!
Giám đốc Phong cũng nói xen vào:
— Tiểu Thanh, đừng cố chấp, anh cô và chúng tôi đều muốn điều tốt lành cho cô mà.
Tiểu Thanh đứng dó, hai tay vô tình giữ lấy bụng, cô nói:
— Các người làm phúc một lần cho tôi nhờ! Đôi mắt của tôi... nếu không phải do các người đánh nhau...
Bà mẹ mặt tối sầm, bước tới, túm lấy ba gã đàn ông đẩy ra khỏi cửa, nói:
— Cút đi, cút đi! Việc của chúng ta, không phiền đến các ngươi. Cút nhanh lên! Thằng họ Phùng kia, mi nhớ lấy. Bà đây không phải họ Phùng. Tiểu Thanh từ nay mang họ bà. Tránh cho họ Phùng nhà mi khỏi mất mặt. Từ nay ai đi đường nấy... Coi như đứa con mà bà sinh ra đã chết rồi. Mi đi mà phát tài, đi mà ngoi lên đi, đi mà làm quan. Chúng ta không có quan hệ gì với mi hết. Chúng ta có ngồi tù cũng chẳng liên lụy gì đến mi...
Chiếc xe con nổ máy phóng đi, để lại một cột bụi.
HÀ PHẠM PHÚ dịch
Rút từ tuyển tập truyện ngắn
Lương thực thời khốn khó
NXB Văn học Trung Quốc, 1994