Số lần đọc/download: 2795 / 65
Cập nhật: 2015-08-03 19:53:01 +0700
Chương 14
Đ
ài BBC loan tin một cuộc đảo chánh thầm lặng không đổ máu vừa diễn ra ở Sài Gòn do tướng Thuyết từ ngoài Trung vào cầm đầu. Ông và mấy tướng trẻ sau đó tới toà Đại sứ Mỹ để giải thích những lý do mà ông gọi là chỉnh lý cục bộ để gây lại sức mạnh trong quân đội. Sài Gòn mang khuôn mặt bình thường và không còn những cuộc biểu tình bỏ túi của trẻ con được coi như một trò chơi lớn. Và buổi tối trên đài phát thanh quốc gia, tướng Thuyết đã lại lên tiếng bằng bài diễn văn tuyệt hảo nói về hy vọng buổi bình minh của cách mạng đã ló dạng. Nhà văn cũng theo chân tướng Thuyết hấp tấp trở vào Sài Gòn. Khi gặp lại tôi, ông có vẻ thanh minh cho những khó khăn của tướng Thuyết ở ngoài đó lúc phải chọn lựa sự quyết liệt đối với phe tranh đấu. Riêng đối với nhà sư, có lẽ hiểu rằng chỉ có sống mới tiếp tục được cuộc tranh đấu nên nhà sư Pháp Viên vừa chấm dứt cuộc tuyệt thực vô vọng kéo dài ròng rã nhiều ngày. Trở về chùa, ông chỉ còn là một bộ xương với những kinh nghiệm chua xót của một thời kỳ tranh đấu. Và đây cũng là lần đầu tiên kể từ sau cách mạng, một chánh phủ đã chiến thắng Phật giáo. Có một điều nữa mà nhà sư Pháp Viên không ngờ tới là sự phân hoá rõ rệt ở trong hàng ngũ ông ở những giờ phút chót và sự thiếu vô tư của toà Đại sứ Mỹ. Khởi đầu từ những tư tưởng nhờ cậy bắt nguồn từ ngày cách mạng, ông bắt đầu thất vọng về người Mỹ. Từ ngày trở về chùa, ông rút mình vào bóng tối và từ chối mọi tiếp xúc nhất là với đám nhà báo. Còn hàng ngũ tướng lãnh ở cuộc chỉnh lý này, sau chuyến đoàn kết nhất trí hạ ngã những mũi dùi chống đối của Phật giáo, đã lại có dấu hiệu tương tranh rạn nứt.
Buổi sáng có cuộc họp báo của Hội đồng tướng lãnh trong Tổng tham mưu dưới quyền chủ toạ của tướng Thuyết. Nội dung cũng chẳng có gì mới lạ ngoài những điều ông đã lên tiếng trên đài phát thanh hôm qua. Sau buổi ra mắt chính thức của các tướng lãnh, tôi có dịp gặp lại tướng Trị ở đó. Câu nói xã giao đầu tiên của tôi là ngỏ lời chào mừng tin vinh thăng của ông. Tướng Trị cười gượng và không tỏ dấu vui, có lẽ ông hiểu rằng thêm sao cũng là dấu hiệu già nua để các tướng trẻ cho ông về hưu. Ông không còn vẻ kênh kiệu hách dịch như ở cao nguyên mà có thái độ cầu thân với nhà báo. Tướng Trị nhắc tới thiên điều tra Dakto của tôi mà ông bảo đã được đọc vài kỳ nguyên vẹn trên mặt báo:
“Tôi có theo dõi loạt bài đó và cảm tưởng đầu tiên là thấy anh muốn quy trách nhiệm thảm kịch đó về phía chúng tôi. Là một quân nhân trọng danh dự tôi không bao giờ chối bỏ phần trách nhiệm nhưng quả thật chúng tôi đã làm hết sức mình, còn những gì xảy ra sau đó độc lập với ý muốn của chúng tôi.”
Tôi phải nói với ông Tướng rằng thiên điều tra thực sự chưa được viết xong và mong muốn của tôi chỉ là đưa ra những sự kiện, còn sự kết hợp và phán xét chắc phải cần tới một cuốn sách. Tôi vẫn hy vọng hoàn thành được cuốn sách đó. Tôi nói:
“Chỉ hiểu được tấn thảm kịch khi nhìn nó trong một khung cảnh rộng lớn là tương lai của dải đất cao nguyên.”
Tướng Trị có vẻ không hiểu được câu nói đó nên tôi không đi sâu vào thêm. Do thói quen nghề nghiệp, không bao giờ tôi bỏ lỡ những cơ hội, tôi hỏi Tướng Trị về câu chuyện Vòng Đai Xanh của những người lính LLĐB Mỹ. Ông nói:
“Tôi chỉ nghe nói như vậy và cũng chẳng biết rõ sự thật là thế nào, chánh trị vốn tối tăm và nhiều khi vượt quá cả những dữ kiện nhận định của mình. Theo tôi vai trò của vị tướng lãnh trên cao nguyên hiện tại là chánh trị chứ không phải quân sự mà tôi chỉ là một nhà quân sự thuần tuý, bởi vậy tôi cũng đã gởi một điều trần về chánh phủ trung ương.”
Tôi hỏi ông Tướng nghĩ sao về sự có thể trở lại của tướng Thuyết hoặc ảnh hưởng trực tiếp của ông ấy ở trung ương, tướng Trị nói:
“Tôi cũng đã nghĩ tới điều đó nhưng vấp phải nhiều sự phản đối trong đó có tiếng nói người Mỹ. Và nói riêng với anh chớ chánh phủ trung ương cũng không ưa gì tính bướng bỉnh của ông ta. Nhưng có một điều phải công nhận và phục là ông rất cứng rắn rất ngay thẳng, cá nhân tôi vẫn mến thích một chiến hữu như tướng Thuyết.”
Tôi nói với tướng Trị ý kiến của ông mục sư là giới quân sự Mỹ và ngay cả toà Đại sứ rất tán đồng việc bổ nhiệm ông thay tướng Thuyết và dư luận báo chí Mỹ sau đó cũng bớt chỉ trích chánh phủ Việt Nam.
“Chính cũng vì vậy mà tôi ở vào thế kẹt giữa bao nhiêu phía. Vấn đề vẫn còn đó, xoa dịu được ngày nào và đến bao giờ hầm thuốc súng bùng nổ trở lại, làm sao mà biết. Vì những lý do quyền lợi rất mâu thuẫn cho đến bây giờ cũng chưa có một giải pháp thoả đáng cho cao nguyên.”
Tôi không xác định rõ viên Đại uý hướng dẫn người Bùi Chu hôm trước, nhưng gán cho dư luận bảo rằng chánh phủ Việt Nam đã lầm lẫn khi trao toàn quyền cứu trợ đám người Thượng tỵ nạn vào tay người Mỹ. Tướng Trị không phản ứng giãy nẩy lên nhưng xuống giọng phân bua:
“Sao tôi lại không biết cái chân lý bọn Thượng chỉ tuân lệnh và tri ân những ai đem thức ăn vào miệng chúng nhưng bọn Mỹ cũng biết điều đó, tụi nó muốn độc quyền tranh thủ nhân tâm bằng cách này. Tướng Thuyết đã không thành công khi đòi cứu trợ phải qua tay nhà cầm quyền Việt Nam; làm như vậy rõ ràng là hiệu năng suy giảm và viện trợ ngày càng thêm khó khăn. Hiện nay giải pháp dung hợp là giao vào tay một vị thừa sai của giáo hội truyền giáo Tin lành, ông bà mục sư Denman. Là người Mỹ gần như đã Việt Nam hoá, lại thu phục được cảm tình của đám đông người Thượng và như vậy anh cũng thấy là mọi công việc tiến hành rất chu đáo.”
Tôi mỉm cười về ý nghĩa Việt Nam hoá của ông mục sư, ngoài thay đổi về hình thức, lối suy nghĩ thực tiễn của ông vẫn mang nguyên bản chất của người Mỹ. Hình ảnh của một vị thừa sai mắt xanh râu đỏ hùng hồn đúng rao giảng đạo về sự hiện hữu của Chúa cùng với những hy vọng hạnh phúc ở đời sau trước đông đảo đám con chiên phủ phục nghèo đói như kéo tôi lùi lại thời gian của hàng mấy thế kỷ văn minh. Đó là điều nhẫn tâm khi phải nghĩ tới và cũng là môi trường đầy quyến rũ kích thích của những tâm hồn phiêu lưu như Tacelosky và những tên lính Mũ Xanh. Ông Tướng hỏi thăm tôi về tin tức của nhà báo Davis:
-
“Thật là ngạc nhiên khi tôi gặp một nhà báo Mỹ lễ phép và khiêm tốn như thế, vụ thảm sát Dakto chắc làm ông ấy buồn không ít.”
“Ông ấy đã khóc khi nghe tin ấy, và không hiểu ông tướng mới Casey bên An Khê có thái độ ra sao?”
“Ông ấy đề nghị một duyệt xét hỗn hợp về tình trạng an ninh chung nhưng có lẽ vấn đề cũng chẳng đi tới đâu vì ngoài sư đoàn Kỵ binh, ông Tướng này chẳng có chút quyền hành nào trên các trại LLĐB Mỹ. Điều mỉa mai là quyền lãnh sự Mỹ trên cao nguyên không phải là tướng Casey mà là viên cựu trung tá Tacelosky, nó thực dân ngang ngược và chính nó làm hư hỏng những người bạn Mỹ tốt mới đặt chân lên đây. Thực sự nó chỉ ngán có mỗi ông tướng Thuyết.”
Xem ra quan niệm về sự cần thiết một người hùng cho cao nguyên là điều không thể tránh được. Nhưng nếu bảo đó là một vai trò chánh trị thì điều đó chưa chắc đã thích hợp với khả năng của tướng Thuyết, trừ khi có sự cố vấn trực tiếp của ông giáo sư hay nhà văn. Có chuông báo họp reo vang, tôi trả cho tướng Trị với những lính quýnh bận rộn của ông và rời bộ Tổng tham mưu. Trên cột cờ vẫn lả lướt kỳ hiệu của tướng Thuyết. Hôm nay khí trời hanh và có rất nhiều mây xám.
Trở lại toà soạn, được biết Kux vừa từ Huế trở vào muốn được gặp tôi. Kux bị kẹt ở ngoài đó từ nhiều hôm vì những cuộc tranh đấu dắt dây của Phật giáo. Kux có vẻ mỏi mệt rõ rệt vì chuyến đi này. Là một giáo sư Đức thuộc Đại học Berlin, cũng là bạn thân của Davis. Kux đang viết sách A Sense of Asia, nghiên cứu về Phật giáo Á châu và chủ nghĩa cộng sản. Chuyến sang thăm Việt Nam cũng nhằm trong mục tiêu đó. Do lời giới thiệu của Davis lúc đó ở Thái Lan, Kux đến toà báo tìm tôi và nhờ được hướng dẫn. Phải mất hơn một tuần lễ bận rộn để đưa Kux đi viếng các nơi và các lãnh tụ mấy tôn giáo lớn. Vì bận với tờ báo tôi không thể rời Sài Gòn, Kux phải tự tổ chức những chuyến đi riêng sau đó. Nửa đêm nay Kux sẽ rời Việt Nam đi Tokyo. Buổi chiều ngày cuối cùng, tôi dưa Kux ra ngoài thành phố. Tôi ngỏ ý tiếc là Kux không thể về sống trực tiếp ở thôn quê, chiến tranh chỉ thực sự diễn ra ở đó.
“Những lầm lẫn bom đạn và xác chết, cuộc chiến tranh nào cũng chỉ có vậy thôi, tôi đã có kinh nghiệm đó từ nước Đức.”
Tôi hỏi Kux đã nghĩ gì về Phật giáo ở đây nhất là sau chuyến ra thăm Huế, Kux chỉ nói lên một cảm tưởng:
“Tôi nghĩ một số lãnh tụ Phật giáo đã lầm khi đánh giá lực lượng mình bằng hình ảnh một đoàn quân thánh chiến, theo tôi bản chất người Á châu ôn hoà chịu đựng, ít nhiều chịu ảnh hưởng của Lão Tử, họ không thể quá khích như tín đồ Hồi giáo hoặc một vài tôn giáo khác, lịch sử đã chứng tỏ như vậy. Nhưng đúng như họ nghĩ, lực lượng đối đầu với cộng sản không phải chỉ có Thiên chúa giáo mà nguồn gốc là du nhập từ Tây phương. Tôi muốn nói tới một tinh thần đã bắt rễ sâu xa trong đời sống xã hội quần chúng và nó có ảnh hưởng quy định trong cục diện tương lai Á châu. Miền Nam bây giờ không phải chỉ là chiến trường thí nghiệm của hai chủ nghĩa quốc gia và cộng sản đối nghịch, đó cũng chính là thí điểm thử thách để Phật giáo nhận diện sức mạnh của mình: tôi muốn nói tới một đạo Phât dấn thân.”
Trên đường đi và tại một vài cơ sở, cảnh sát và quân đội được tăng cường, đó là dư âm cuộc hội thảo biểu tình đập phá đài phát thanh phát xuất từ Tổng hội Sinh viên hồi sáng. Ra khỏi Sài Gòn, chiếc xe lướt rất êm trên mặt xa lộ. Kux chỉ tay hỏi tôi về những công trình đang xây cất. Tôi đáp:
“Đó là kết quả những dự án từ thời Diệm bây giờ mới hoạt động và bắt đầu hình thành. Nếu không nhắc tới những lầm lẫn của chế độ, phải công nhận là tổng thống có một cái nhìn rất xa. Đó là điều không thể tìm thấy ở người lãnh đạo bây giờ.”
Kux nói với tôi như một bày tỏ ngạc nhiên:
“Đến bây giờ tôi mới thấy anh là người đầu tiên nhắc tới ông Diệm với một giọng còn giữ nguyên được sự kính trọng như vậy.”
“Không, ở những năm cuối cùng chính tôi là người có thái độ chống lại ông ta. Dù bạn hữu hay kẻ thù, kể cả người Mỹ yêu hoặc ghét, tất cả đều phải nghiêng mình trước một số nhân cách của tổng thống. Cách mạng đã phủ nhận tất cả nhưng tôi tin là lịch sử sẽ phán xét công bình hơn ở những năm đầu tiên.”
Kux cười hỏi tôi không sợ bị tiếng phản cách mạng sao, tôi vẫn giữ sự điềm tĩnh:
“Ai cũng thấy là chế độ phải đổ, tôi cũng nghĩ rằng cái chết của tổng thống là cần thiết để tránh những rối loạn dắt dây sau đó. Nhưng bây giờ còn quá sớm để kết tội hoặc bào chữa cho những gì mới xảy ra.”
Trở về, Kux mời tôi tới khách sạn Caravelle dùng bữa tối. Chúng tôi đều không có thì giờ để tới một hiệu ăn Việt Nam. Đó là một khách sạn tối tân được coi như là bản doanh của đông đảo phóng viên nhà báo tứ xứ. Sự sang trọng cùng tận cũng chỉ đến thế. Một vũ trụ sa hoa và trong suốt. Từ trên cao những chùm sáng màu vàng hư ảo toả dịu xuống những tấm thảm và phiến đá bằng marbre. Một khoảng không gian đối nghịch đến lạnh lẽo. Kux bảo:
“Mới đặt chân tới Sài Gòn đem lại cho tôi thật nhiều cảm tưởng, nó mang hình ảnh của nàng công chúa người Nga sau cách mạng vô sản phải lưu lạc sang tận Paris, vẫn cố sống kênh kiệu đài các để che giấu những khốn khó bên trong. Nhưng chắc chắn là đồng đô la Mỹ đã thổi vụt lớn mau chóng cả thành phố, tất cả còn mang dấu hiệu mới mẻ nên chưa kịp có một cá tính.”
Ngồi ở một tầng lầu khách sạn thứ mười nhìn xuống, Sài Gòn bị cắt vụn ra từng vùng sáng lốm đốm. Bóng những con tàu buôn mỏi mệt nằm nhả khói chờ chuyến hàng để rời bến. Bầu trời ban đêm vẫn nặng trĩu những giao động âm u. Phía phi trường thỉnh thoảng những trái hoả châu lại lóe sáng một vùng soi rõ cả những cột khói trắng. Bóng dáng của cuộc chiến tranh chỉ có vậy. Kux hỏi tôi sao trông có vẻ tư lự, cảm tưởng của tôi lúc này thật hỗn độn, tôi nói ý nghĩ đó ra với Kux:
“Tôi muốn nói tới lúc anh phóng tầm mắt ra quá giới hạn chiều cao của những toà lầu bin-đinh kia thì ở dưới đó không có gì ngoài những chật chội nghèo nàn của những người dân sống đen đủi. Cả bốn ngàn làng xã Việt Nam đều như vậy, tôi muốn nói tới ảnh hưởng của đồng tiền viện trợ Mỹ không tới được xa.”
Kux nhếch mép cười từng trải:
“Viện trợ Mỹ lúc nào mà chẳng vậy, có bao giờ tới được xa đâu.”
Qua những mảng kính trong suốt, ở một chòm cây ánh đèn chuyển mặt lá thành màu hồng đỏ. Tôi tưởng tượng ở dưới những gốc cây giờ này các cô gái ăn sương đang chờ đón khách. Lại từ phía Tân Sơn Nhất những chiếc Phantom phản lực vừa cất cánh, đảo một vòng lớn qua Sài Gòn trước khi đổi hướng, ném lại sau các đốm lửa là những âm thanh sé rít. Những tiếng nổ phụ làm rung chuyển cả cửa kính. Rồi sự im lặng trở lại. Bằng một giọng đột ngột Kux bảo:
“Trưa nay từ phi trường trở về tôi có tới một phòng tắm hơi, nhà Bảo An thì phải, phòng tắm lịch sự và hay nhất đó không phải là một ổ điếm trá hình. Hơi nước nóng phả mù mịt trắng xoá, nghe tiếng nói tôi biết trong phòng chỉ toàn đàn ông đa số là Mỹ. Tất cả đều trần truồng nhưng khói nước bốc dầy đặc khiến đứng xa chưa đầy nửa thước mà chẳng còn thấy gì. Ngay lúc đó dáng một người Mỹ cao lớn dừng lại trước tôi hỏi. - Anh qua đây lâu chưa, ở state nào? Tôi nói tôi không phải người Mỹ mà là nhà báo Đức. Hắn bảo: - Ông mới thật là người sung sướng, chẳng có gì phải ràng buộc ở đây. Tôi ngạc nhiên hỏi: - Sao vậy? Hắn vẫn trà mạnh chiếc khăn bông trên người trả lời hờ hững: - Tại tôi là pilot, suốt ngày chở bom đi thả khắp nơi, kể cả ngoài Bắc. Giọng anh ta thật chán nản và khinh bạc, chỉ nói vậy rồi hắn ta bỏ đi, lẫn vào đám lố nhố những người Mỹ khác.”
Một chuyện kể thật trống không, sự ngưng đọng như lắng xuống. Vẫn bằng giọng khi nãy Kux tiếp:
“Tôi và cả hắn ta đều không rõ mặt nhau, ra đường nếu gặp lại chắc cũng không biết. Cuộc giáp mặt cũng lạ và khiến tôi suy nghĩ. Đến lúc này tôi tự hỏi cũng vẫn những người phi công Mỹ đó, mỗi ngày chở bom đi thả khắp nơi, chiến đấu với không một tin tưởng như vậy, khi phải lái phi cơ ra Bắc oanh kích và khi bị bắn rơi, họ sẽ nghĩ ra sao? Lúc đó liệu tổng thống Johnson hay chúa Kitô trách nhiệm về cái chết của họ?”
Phải chi Kux có kinh nghiệm với những người lính Mũ Xanh. Dưới mắt anh thì những người Mỹ đang rầu rĩ đi vào cuộc chiến tranh Việt Nam với nhiều vẻ bơ vơ ngơ ngác. Lại có điện thoại của Nguyện chờ tôi ở toà báo với hai người bạn nữa. Chúng tôi ra thang máy xuống lầu năm trở lại phòng Kux. Tôi giã từ Kux ở đó và ân hận vì không thể tiễn đưa Kux như đã hứa dù chỉ là đến một trạm Pan Am gần đó.