Số lần đọc/download: 1922 / 40
Cập nhật: 2016-06-03 16:16:40 +0700
Chương 13
T
rời oi, lặng gió. Mây trì xuống kín cả bầu trời. Tôi mang chiếc ghế xếp lên sân thượng. Đêm mới buông. Phố xá ở dưới thấp rộ lên. Sinh hoạt ồn ào. Cái sinh hoạt đặc biệt chỉ bắt đầu khi bóng tối đã bôi đen mọi vật và những hàng đèn màu bật lên nhảy múa.
Tôi nghĩ không thể mưa được. Kinh nghiệm của bao nhiêu năm đợi chờ những cơn mưa tưới ướt như đợi chờ một tình yêu, chào đón một hạnh phúc đã cho những phỏng đoán khá chính xác về thời tiết. Kinh nghiệm này ở tôi đã đến mức chỉ cần nghe gió có thể đoán biết có mưa không, và nếu có thì bao lâu nữa. Cũng như chỉ cần nhìn những đám mây hay những vì sao, tôi cũng đã có thể nói ít khi sai và những ngọn gió mang hơi nước, những vì sao lu, những tầng mây thấp đã thiết lập được với nhau một giao ước nào đó. Tôi mong mưa để đêm nay dễ ngủ hơn nhưng tôi biết chắc sẽ không có một đám mưa nào đến trước bình minh ngày mai. Cũng như tôi không hy vọng gì được gặp Hãn trong tối nay. Sự biết chắc khiến tôi không còn chút tinh thần dành cho bài vở? Sự biết chắc khiến tôi phải tự nhủ “mày hư quá, hư quá lắm rồài đó Phiến. Có đời thuở nào mới một ngày không gặp nhau mà mày đã điên cuồng, đã quắt quay như vậy. Rồi lỡ phải xa nhau một tuần một tháng, hay một năm, một đời, thì làm sao mày sống? Không một đứa con gái nào hư hỏng đến thế đâu Phiến. Nhất là một khi mới đó, mới hôm kia, những giờ vàng hưởng trọn. Những phút ngọc của riêng, những đêm bên Hãn, mày đã tận cùng nghĩa sống. Mày đã bay bổng đến chín tầng quên lãng. Đừng đòi hỏi hơn, đừng ham muốn nhiều hỡi Phiến, mày đã quên trước sau, mày chỉ là một con nhỏ mang trên mặt cái định mệnh thảm khốc. Mày đừng quên, mày trước sau, mày chỉ là con sâu, cái kiến giữa một rừng đời lay tạt…”
Mấy ngày sống với Hãn qua nhanh như một cơn mưa bụi bất ngờ, và tan biến như một mùi hương. Lẽ ra chúng tôi còn có thể ở lâu hơn với số tiền hai đứa dành dụm được, nếu không vì ngày thi của tôi đã cận kề. Đúng hơn tôi chỉ còn chín ngày nữa để sửa soạn cho kỳ thi. Tôi thi nhưng Hãn lại là người lo lắng và hơn ai hết, áy náy. Sự áy náy của Hãn cũng dễ hiểu. Hãn muốn tôi phải thi đậu, trước là để mẹ tôi vui lòng, thứ để tôi khỏi phí một năm học và sự bỏ dạy trở về của tôi có được một ý nghĩa nào đó đối với chung quanh. Thật sự đấy chỉ là những lớp sơn bóng phía ngoài, đậy che cho một chuỗi những mặc cảm và những toan tính khác.
Cả hai đều hiểu rằng, chẳng đời nào bố mẹ tôi cho phép tôi lấy Hãn, dù sự thể đó diễn ra như thế nào. Làm sao có được cái chuyện có vẻ phản luân lý như vậy, khi Hãn đã có gia đình. Vợ Hãn còn đó. Con Hãn còn đó. Nhất là gia đình tôi không phải là thứ gia đình dễ dãi. Cốt cách nho gia, mô phạm của bố tôi đã thấm nhập gia đình tôi như một truyền thống trải qua nhiều đời. Đó cũng chính là lý do buộc mẹ tôi phải đau đớn đứt ruột tuyên bố không nhìn anh Hữu, vì anh Hữu đã tự quyền trong việc lấy vợ.
Hãn bảo ngày nào còn ở trong gia đình, tôi phải làm cho được bằng mọi cách, những gì mà mẹ tôi mong muốn thấy ở tôi (dĩ nhiên, trừ chuyện tình yêu của hai đứa). Chẳng hạn như chuyện học hành thi cử, chuyện đi dạy thêm kiếm tiền biếu mẹ. Hãn bảo đấy là một trong những cách bày tỏ lòng hiếu để, sự tôn kính và yêu thương người sinh thành. Hãn hạn định cho tôi phải duy trì nỗ lực đó, trong vòng năm năm, và sau hạn kỳ kia, tôi sẽ chính thức bước chân ra đi. Tôi sẽ sống cái đời sống phải sống. Đó là lúc tôi sẽ đứng một mình như núi - sẽ chịu một mình như cây. Đó là lúc tôi sẽ tạo riêng cho tôi, một nơi chốn để đi về - một mái hiên cho mưa - một ngọn đèn cho những đợi chờ thăm thẳm. Đó là lúc tôi sẽ có với Hãn một đứa con (một thôi. Hãn nói thế). Ôi, đứa con, niềm khát khao lẫm liệt và chua xót nhất thắp lên lần đầu trong tôi, từ ngày yêu Hãn.
Có muốn sớm hơn cũng chẳng được. Hãn bảo vậy, chàng nói tôi còn quá non nớt để có thể chịu đựng nổi những lát rìu thâm hiểm của dư luận. Chàng nói tôi còn quá mỏng manh trước những độc dược của đời sống. Người đàn bà sinh ra không để sống một mình. Nhưng đời sống thực tế, đã cho thấy những người đàn bà được sinh ra để sống một mình, có phần còn nhiều hơn những người đủ đôi lứa., Tôi đã đôi lần nói thẳng với Hãn quan niệm của tôi chung quanh những vấn đề như hôn nhân, như hạnh phúc. Tôi không cố tình làm khác hay sống khác cái đời sống đã thành nếp từ bao đời. Tôi muốn được sống một đời sống của người bình thường. Nhưng mới khó làm sao! Cách nào để tôi hưởng được bình thường như kẻ khác? Tôi muốn nói đến vết chàm giữa trán. Vết chàm. Đó là cái gì mà tôi không thể tự giải thích. Nhưng tôi nghĩ nó đã là một dấu hiệu, báo trước tôi sẽ phải nhận lấy cái phận đời oan nghiệt nhất của phận số. Vết chàm, phải chăng, nó chính là sứ giả mang đến tôi cái thông điệp không lời của định mệnh nghiệt ngã ấy? Với sự trưởng thành dần dần của cảm quan, của ý thức và vào những lúc vô hồn nhất, tôi đã nghe được ở đâu đó thấp thoáng trong những hạt mưa, dưới những bước chân đi, trên những cành lá động, hay trong cái im vắng lạnh lùng bí mật của bóng đêm, những đe dọa, những cảnh giác nghiêm khắc và nặng nề về một tai họa sẽ đến với tôi trong những ngày tháng tới.
Lần đầu tôi không còn hốt hoảng khiếp ngất với những tiếng thì thầm gợi lên những hình ảnh hãi hùng. Tôi đã quen. Tôi đã cam đành phận chịu. Tôi đã tìm được cho mình cái thảnh thơi trong tuyệt vọng. Nhưng mỗi khi vô tình chạm tay tới vết chàm, hoặc ngắm nhìn nó trong gương, người tôi lại nổi gai ốc. Lúc đó, tôi chợt thấy như mình vừa chạm tới, vừa giáp mặt với định mệnh, với cái phần ưu uất, với cái ám ảnh đe dọa của một tai họa vẫn âm thầm đeo dẳng. Những lúc đó, tôi thường lặng người. Mặt mũi tôi nhợt nhạt, mồi hôi tươm ra, ngực tôi nghẹn lại. Gia đình đã đôi lần bắt gặp tôi trong trạng thái này, mọi người đồng ý với nhau là tôi có gốc động kinh. Bố tôi còn nói rõ hơn, với dẫn chứng cụ thể là ông nội tôi, ngày xưa cũng đã bị chứng đó.
Tôi im lặng trước quả quyết của mọi người. Vì có nói ra, tôi nghĩ, mọi người cũng không thể hiểu được. Hơn nữa, dễ gì tôi có thể diễn tả mạch lạc cảm giác mơ hồ nhiễm nhiều huyễn hoặc kia.
Vết chàm mỗi ngày một ăn lan trên mặt tôi. Nó đã vượt quá đường ranh lông mày đi xuống sống mũi. Nó ăn lanh nhanh hơn bắt đầu từ ngày tôi yêu Hãn. Theo lời một bài thầy ở núi gió, khi vết chàm ăn xuống quá đôi mắt, tôi sẽ chết. Một ông thầy khác lại quả quyết tôi sẽ thọ đến tám mươi tuổi, nhưng vết chàm sẽ ăn kín mặt như đeo chết một cái mặt nạ xám và tôi sẽ giàu có khi vết chàm ăn không còn phân vuông da mặt nào. Tôi biết được chuyện này nhờ nghe lóm chuyện giữa bố mẹ tôi. Tôi không nghĩ Hãn đến với tôi để rút đi mau chóng cái thời gian hạn định vắn vỏi của sự sống. Chẳng lẽ Hãn chính là hiện thân của định mệnh thảm khốc ấy? Nhưng thâm tâm tôi vẫn mơ hồ nghĩ mình sẽ chẳng còn sống được bao lâu. Tôi không tiếc sự sống, thật tình thế. Nhưng tôi sợ không kịp có một ngày vui, khi hạn kỳ năm năm chấm dứt. Tôi sợ tôi sẽ không được nhìn mặt “chú Hãn nhỏ”, niềm khao khát lẫm liệt và chua xót ra đời. Nếu có một sự gì không toại nguyện trong phút lâm chung, thì đứa con, là điều duy nhất đó.
Trời chuyển gió lớn. Những đám mây dữ tan đi. Da trời sáng hơn nhưng gió lại mang theo quá nhiều bụi phố. Tôi nghe lạnh ớn xương sống. Cảm giác đẫm ngất đứng trên những đỉnh đồi gió lộng, những ngày qua, trở về. Tôi nhắm mắt, ném thả mình sâu xuống nữa trong hồi tưởng cùng cảm xúc vỡ bờ, xô dạt.
Tôi ngóc đầu dậy khi nghe một tiếng động vang đội mạnh ở phía cầu thang, mẹ tôi xuất hiện với mớ tóc bạc đốm. Bà ló nửa người trên mặt sân thượng, giọng nói bà không biểu lộ một tình cảm nào rõ rệt:
- Có Hãn tới đấy.
Tôi bật dậy như vừa được hất lên từ một chiếc cầu nhảy. Mẹ tôi nghiêm khắc nhìn. Tôi bối rối nói bâng quơ:
- Mỏi người quá. Gió nhiều. Con cũng đang định xuống.
Từ ngày Hãn đến nhà, tôi biết mẹ tôi chỉ chờ cơ hội để bắt phải trả lời những hạch hỏi liên quan tới chuyện của hai đứa. Nhất là về đời sống riêng của Hãn. Và đó lại chính là điều tôi muốn né tránh. Không biết tôi lẩn thoát được những câu hỏi của mẹ tôi như: Hãn làm gì, ở đâu? Con cái nhà ai? Chuyện gia đình sao? Tới bao giờ. Đến lúc nào, tôi không thể tự trả lời, nhưng tôi mong sẽ kéo dài được chừng nào hay chừng đó.
Mẹ tôi nói:
- Xếp ghế lại, đem xuống chứ.
Tôi cố gắng kềm hãm náo nức bằng cách chú ý tới… cái ghế.
Vừa xuống, Hãn đưa một miếng giấy nháp mà tôi viết lăng nhăng đủ thứ trong đó. Chàng nói, thế này làm sao học? Tôi đón tờ giấy và ngước nhìn. Hãn thường tỏ ra nghiêm khắc với công việc học hành của tôi. Hãn tiếp dồn dập: học được nhiều không? Hết chưa? Tôi nói dối:
-Gần hết rồi anh. Chỉ còn một coura nữa.
Hãn ngồi xuống. Tôi chọn chiếc ghế sát tường khuất góc trời với tấm bình phong ngăn giường nằm của bố.
Tôi muốn nói với Hãn tôi đang mong và thèm được gặp chàng đến nôn nao cả người.
Tôi đặt tay lên đùi mình chờ đợi. Hãn ngắm tôi lặng lẽ như ngắm nhìn một đứa em nhỏ. Tôi giữ nụ cười trên môi che ngượng ngập và dấu luôn nỗi hân hoan. Tôi nghe tiếng lách cách của ly tách chạm nhau. Tiếng mẹ tôi gọi khẽ “Phiến”. Chân trần, tôi đi như chạy lướt vào nhà trong. Chắc chắn là tôi đã không thể dấu hết được nỗi vui mừng của mình trong mắt nhìn đầy kinh nghiệm của mẹ. Tôi nói cho có chuyện.
- Khỏi nước đi mẹ, Hãn chứ ai đâu.
Mẹ tôi hừ một tiếng:
- Bưng ra.
Toi liếc nhìn bà âu yếm. Những lúc có Hãn đến, hình như tôi thấy yêu mẹ nhiều hơn bình thường.
Hãn hỏi:
- Lúc này, em ở đâu mà lâu vậy?
Tôi chỉ trên trần nhà:
- Sân thượng, anh.
- Làm gì trên dó?
Tôi đùa:
-Ụ…
Hãn cười:
- Thi đến nơi rồi mà mới giờ này đã ngủ sao? Phải ráng lên chứ. Chuyện đậu rớt không quan trọng. Vấn đề là có cố gắng và cố gắng hết sức mình cho tới lúc vào phòng thi.
Tôi vẫn giữ giọng đùa cợt để đáp lại cái vẻ nghiêm trang của Hãn:
- Thì em ngủ là để lấy sức mà cố gắng đấy chứ. Ngủ để rồi thức là tích cực triệt để đấy.
- Giỡn hoài.
- Thật mà. Tôi đáp và cười cười, Mái tóc Hãn dài thậm thượt.
Hãn luôn sửa soạn sẵn cho mình một dáng điệu nghiêm chỉnh với những vấn đề thật người lớn để có thể nói to gữa nhà. Điều này chẳng đúng một chút nào với những lúc hai đứa dong dong ngoài phố. Chính thế tôi lại càng khó giữ được nghiêm trang. Tôi thích nhìn Hãn lúng túng ngơ ngác bên ngoài tiếng cười của tôi.
Cuối cùng, Hãn hỏi:
- Em cười chi vậy?
Tôi đưa một lọn tóc lên môi. Lắc đầu. Hãn tiếp:
- Tình hình sao.
Tôi ngơ ngác:
- Gì cơ ạ?
Hãn nhắm mắt:
- Chuyến đi.
- À. Không sao hết. Ngọc đưa em về. Mẹ yên trí em về quê Ngọc. Mẹ còn hỏi Ngọc sao đi ít ngày vậy. Ngọc đóng kịch khéo lắm.
Hãn ra dấu cho tôi nói nhỏ và chỉ tay vào phía nhà trong. Tôi nói:
- Mẹ không nghe đâu.
Tôi nhắc cái gạt tàn thuốc bằng sắt ở góc nhà ra gần ghế của Hãn. Chàng liều lĩnh nắm lấy bàn tay tôi. Tiếng quạt trần quay trên đầu buồn, lạnh. Tôi thì thào:
- Em nhớ anh. Hãn gật đầu: anh cũng vậy. Đôi mắt Hãn tối hơn. Tôi muốn được chàng ôm giữ trong tay. Tôi sống lại (chẳng biết lần thứ bao nhiêu) những ngày hai đứa ra khỏi thành phố.
Lúc mở mắt, tôi thấy Hãn đã ngồi ngay ngắn và chiếc gạt tàn được kéo hẳn về phía chàng. Lát sau, Hãn đứng dậy, Chàng xốc lại quần áo. Tôi nói như thốt kêu:
- Anh về sao?
Hãn gật đầu:
- Để em học!
Tôi năn nỉ bằng mắt nhìn của mình:
- Ở với em chút nữa.
- Anh sợ mẹ nói.
Hãn vẫn lo lắng một ngày nào không thể đoán trước, mẹ tôi sẽ nói thẳng với chàng những điều bà muốn nói. Và sau đó, có thể là không bao giờ Hãn còn đến đây được. Hãn nhiều tự ái lắm. Đôi khi chàng có những ngay thẳng không cần thiết và không đúng lúc. Tôi hiểu tính Hãn như vậy. Chíunh thế mà tôi thường xuyên áy náy, tuy biết chẳng cách nào khác hơn khi mùa hè đã tới. Lớp học đã nghỉ. Tôi đâu còn có lý do để ra khỏi nhà. Nhưng mặc kệ. Tới đâu thì tới. Miễn là thỉnh thoảng tôi còn được nhìn Hãn. Còn có lúc được đi bên nhau - được sống trong vòng ôm, trong hơi thở chìm lẫn…
Hãn ngập ngừng. Tôi cũng đứng lên. Chàng ngỏ ý muốn chào mẹ. Tôi lắc đầu và theo chàng ra hiên.
Đêm bị những ngọn đèn cắt nát thành từng miếng thẫm ẩm trong lòng ngõ và trên vách tường đối diện. Những trận mưa liên tiếp, trong nhiều ngày qua, để lại những vũng nước bùn. Đục sệt. Tôi dưa lưng vào thành hàng rào. Hãn lại sát gần. Tiếng radio của nhà bên cạnh nghe thật rõ một bài vọng cổ. Tôi nhắm mắt lại. Hãn như được khuyến khích. Chàng chụp lấy mặt tôi. Hôn vùi. Hãn thường có những trận mưa hôn tào bạo thế. Và bây giờ đến lúc tôi phải đẩy chàng dang ra. Dưới mái thấp tôi thấy đôi mắt chàng long lanh. Hơi thở trong ngực tôi cũng dồn dập. Một ngón tay nào đó của tôi còn nằm gọn trong bàn tay chàng. Hãn kéo tôi từ từ. Tôi nép vào chàng. Một lần nữa, tôi thở đầy ngực hơi hướm Hãn. Sương mù, những con dốc, những chòm lá, những ngọn đèn lu, bước chân, và tiếng hát trở về cùng lúc. Tôi lập lại lời chàng “hình như mưa trên những vòm lá tối…” Hãn cuối xuống nhìn. Cái nhìn đăm đăm với nhiều vẻ thương yêu lẫn tội nghiệp. Chàng nói: “rồi có ngày chúng ta sẽ trở lại nơi chốn đó”.
Lúc trên xe trở về, Hãn cũng đã nói với tôi như vậy. Tôi không dám mơ tưởng trở lại kia. Với tôi, tình cảm này, chỉ có thể cho tôi những ngày gần, những phút ngắn. Tương lai, tôi e ngại lắm. Đành từ nay: tương lai là ánh sáng của kẻ khác, và bóng tối mới chính là tương lai của đời tôi. Gió đập tấm màn cửa. Chuông đồng hồ thánh thót từng tiếng trong suốt. Chiếc radio phụt tắt. Cậu nhỏ ở gian bên cạnh vào nhà, khép cửa và tắt đèn. Bóng tối chiếm nguyên một khoảng hẹp sâu của ngõ. Tôi đứng lặng nghe vọng tiếng xe ngoài lộ xa.
Hãn cúi mặt men theo bờ tường trở ra phía đường cái. Tôi nhìn theo cho tới khi Hãn bước vào và tan nhòa trong vùng ánh sáng.