Sometimes your joy is the source of your smile, but sometimes your smile can be the source of your joy.

Thich Nhat Hanh

 
 
 
 
 
Tác giả: Ma Văn Kháng
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 16
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 141 / 13
Cập nhật: 2020-06-05 02:27:29 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 13
hớm vào tiết hạ. Bọ xít bay vù vù từ những vòm nhãn quanh nhà vào cửa sổ, đẻ những ổ trứng trắng như những vỉa khuy trai nhỏ xíu. Đóng cửa sổ lại, ông giáo Thiệu qua buồng vợ và con gái, dặn dò rồi đi. Ra tới cánh cửa sắt, nghĩ thế nào, ông lại quay vào. Bà vợ ông xịu mặt càu nhàu: “Thì anh ấy ở nhà mình đã cả mấy tháng nay, dễ chỉ có mình ông trông nom!” Ông giáo vội đặt ngón tay chỏ lên môi: xuỵt! Và nhấp nháy hai mắt kính âu yếm nhìn bà. Tủm tỉm cười làm lành, bà hất hai con mắt vào ông, ra hiệu bảo ông: ừ thì ông cứ đi đi!
Ra tới đường phố, ông giáo mới thở phào và lập tức ông nhập vào cái không khí đêm đầu hạ còn thoáng hơi sương. Sương chiều phủ mờ mấy phố nhỏ giờ này đã thưa người đi lại, gợi nỗi niềm bâng khuâng. Ông giáo Thiệu vốn người Tây học nhưng lại gắn bó thiết tha với những gì là quá vãng, cổ truyền của dân tộc.
Gốc người Hà Nội, tổ tiên xa xưa cũng người Thăng Long - Đông Đô. Ông cụ thân sinh ra ông đỗ bảng Nhãn. Nhưng không ra làm quan, chỉ ngồi nhà dậy học. Ông giáo nhớ, thời ấy ngày tết, đàn ông mặc áo vóc mai thọ, đàn bà mặc áo vỏ lựu. Con gái, vấn khăn nhung đen, đuôi gà vắt trên mái tóc, mặc yếm hoa hiên, thắt lưng quan lục, quần lĩnh tía cạp điều, đi giầy cườm. Ông giáo nhớ, thờì ấy, chiều chiều các bậc trí giả khăn lượt, áo the La Cả nhuộm thâm, ngồi đối ẩm bình văn, có một chú bé tóc trái đào đứng hầu trà, chú bé ấy giờ là ông.
Ông Thiệu lớn lên đi học trường sư phạm của Tây. Ông mặc com lê. Bà vợ là gái tân thời, mặc áo dài, đi guốc cao gót. Ông Thiệu đi giầy phai pho, đội mũ blu trắng, chơi tennít dùng vợt làm bằng ruột mèo của nhà hàng Tắc Ký nổi tiếng, giải khát bằng bia, nước chanh. Ông dậy tiếng Pháp. Ông nói tiếng Pháp giọng hệt dân Pari. Giao du rộng, nhưng gốc gác ông ông vẫn nguyên bản một người Việt từ trong cốt cách tâm hồn..
Ông giáo Thiệu không đi theo kháng chiến. Ông không chịu được kham khổ. Nhưng, ông ở lại Hà Nội mà lòng vẫn thuộc về chính nghĩa dân tộc. Giáo Tiết, giám thị Cẩn ăn phụ cấp lương của sở mật thám, căm ông lắm. Bẻ hành bẻ tỏi ông, hoạnh họe ông, nhưng họ chẳng làm gì được ông. Ông tài năng, đức độ. Công chức làm việc ở Văn phòng Quốc trưởng bù nhìn Bảo Đại cũng còn vì nể ông kia.
Ông giáo Thiệu quý Nhân lắm. Ông coi Nhân, và võ sư Vĩnh Nguyên, là những con người ông gửi gấm tin yêu.
Mấy tháng nay, ông giáo Thiệu làm một việc thật táo bạo mà cho đến tận tuần trước ông mới cho ông Thân biết. Ông nuôi giấu một chiến sĩ biệt động Việt Minh. Chiến sĩ ấy chính là người bị giặc bắt, nằm ở nhà thương Phủ Doãn, rồi vượt ngục tù - nhà thương một thời đã làm xôn xao cả báo chí và dư luận dân chúng hà thành.
Ông giáo Thiệu đã hoạt động cho kháng chiến một cách âm thầm. Nhưng cho đến tuần trước, ông mới gặp được tổ chức. Tổ chức nào có phải ai xa lạ. Đại diện tổ chức chính là ông Thân.
Đêm mờ hơi sương. Đèn đường chỗ tối chỗ sáng. Từ dạo công nhân nhà đèn phá tám cái biến thế để “đón chào “Quốc trưởng Bảo Đại và đặc sứ Mỹ Giétxốp đến Hà Nội, điện cứ lập lòe như vậy.
Ông giáo bước chậm rãi như người đi bách bộ.
Nhưng, tới đầu phố hàng bột thì ông phải đứng lại. Hai bóng đen từ vỉa hè vừa nhẩy ra. Một là Tây culít Đờ Gátxơ. Một nữa là gã cai Bảo Chính dạo nào ăn đấm của ông Thân trên tầu điện. Đờ Gátxơ mới thăng đồn trưởng. Còn gã trai nọ đã chuyển sang ngạch an ninh.
— Đi đâu? Đứng lại!
Tây Gátxơ thộp ngực ông giáo Thiệu.
Ông giáo hơi lui lại. Túi áo vét của ông hiện có tài liệu kháng chiến ông định đem đến trả cho ông Thân.
Tây Gátxơ nắm chặt hai ve áo ông giáo. Bình tĩnh, đưa tay lên nhấc cổ tay hắn, ông giáo chậm rãi đĩnh đạc nói bằng tiếng Pháp:
— Tôi nghĩ rằng, tôi đang đứng trước một người Pháp, một người vẫn tự hào rằng dân tộc mình là một dân tộc văn minh.
Tây Gátxơ buột tay vì chính cái giọng Pari của ông giáo. Hắn lui lại, né người, cung kính:
— Ồ, xin lỗi ngài. Vậy mà tôi không nhận ra được ngài! Gã Bảo Chính đứng ngây, rồi lắp bắp:
— Đúng thế đấy, còn tôi, tôi cứ tưởng ông là dân An Nam cơ đấy!
Đúng là cái thằng mất giống! Ông giáo Thiệu lắc lắc đầu, bình thản bước đi, cố giữ để khỏi bật lên tiếng cười.
Chầm chậm như người tản bộ, lát sau, ông đã nhận ra bóng đen âm u của vườn cây bên khu Văn Miếu. Có một người đàn ông vóc dong dỏng cao đang chờ ông ở đó.
Hai người đi song song bên nhau.
— Anh lấy tiền đâu mà đưa tôi để mua thuốc bổ cho anh ấy.
— Tiền thưởng của cháu Nhân.
— Nó có biết không?
— Tôi đoán nó biết. Nó đưa tất cả số tiền thưởng còn thừa cho tôi. May, nhờ có số tiền đó mà tôi mua được một ít dụng cụ đồ nghề. Ngoài kháng chiến bây giờ đã có nhiều xe ô tô. Phải có nhiều thợ giỏi sửa chữa ra ngoài đó.
— Tôi lo cho cháu Nhân.
— Hình như nó có sao nhãng việc học hành?
— Không! Cháu vẫn chăm chỉ. Nhưng, lo nhất là cháu đã lớn... Mấy hôm nay tin tức từ Văn phòng Bảo Đại đưa ra cho hay: họ đang ráo riết thực hiện kế hoạch Nava. Cụ thể là sẽ tăng cường bắt lính người mình.
Như gặp nhau ở một cùng một nỗi lo, hai người chợt dừng bước.
— Anh Thiệu ạ. Sự săn sóc của anh với cháu Nhân làm tôi rất cảm kích. Nay, có một việc... Tôi đang còn áy náy quá.
— Anh có tin tôi không?
— Thế này anh ạ. Tôi sắp ra với kháng chiến rồi. Tổ chức yêu cầu thế. Ngoài ấy cần thợ sửa chữa ô tô. Tôi đi, phần riêng thì yên một bề, lòng dạ cũng thỏa. Chỉ hiềm một nỗi...
— Tôi hiểu rồi! Anh để cháu Nhân và cháu Cường cho tôi trông nom. Chúng sẽ lên cả nhà tôi...
— Còn anh ấy giờ thế nào?
— Anh ấy đã khỏe, đang đòi đi.
Ông Thân hạ giọng:
— Có nhẽ thế này. Để tôi báo cáo tổ chức. Có thể cháu Cường nó sẽ đèo xe véspa đưa anh ấy đi. Hoặc là bác Nhự sẽ đưa anh ấy bằng xích lô ra tới cơ sở ở ngoại thành.
Phía trước họ có một tốp quân cảnh đi tới. Ông giáo Thiệu liền khoác tay bạn, giọng hoạt bát hẳn lên:
— Ồ, anh phải hiểu thế này nhé: Thầy chết thì học trò phải gánh đồng môn. Trưởng tràng phải đứng ra lo việc tang lễ. Thọ tang thầy, trò phải khăn trắng, áo trắng. Là cái hồi tôi còn để trái đào đứng hầu trà, nghe các cụ dậy bảo thế!
Võ Sĩ Lên Đài Võ Sĩ Lên Đài - Ma Văn Kháng Võ Sĩ Lên Đài