A man may as well expect to grow stronger by always eating as wiser by always reading.

Jeremy Collier

 
 
 
 
 
Tác giả: Graham Green
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Hà Hùng
Upload bìa: Azazel123
Số chương: 14
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1302 / 27
Cập nhật: 2017-12-18 08:35:15 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 13
à Fellows nằm dài trên giường, trong phòng khách sạn ngột ngạt,bà nghe tiếng còi tàu rúc trên sông. Bà không thể thấy được gì vì mắt và trán bà bị một cái khăn tay tẩm nước hoa phủ kín. Bỗng chốc bà gọi: “Anh ơi!...”
Nhưng không ai trả lời. Hình như người ta đã chôn sống bà trong cái thùng bằng đồng của khu hầm mộ gia đình, một mình, tựa vào hai cái gối, dưới một khung màn.
• Anh ơi! Bà lại kêu với cái giọng khô khan. Rồi bà đợi.
• Anh đây, gì vậy Trixy?
Đó là đại uý Fellows. Ông nói thêm: Anh ngủ thiếp đi, anh mơ…
• Cho thêm chút dầu thơm vào khăn. Em nhức đầu quá.
• Vâng,Trixy.
Ông ta có vẻ già hẳn đi,mệt mỏi,một con người vô công rỗi nghề và bực bội. Ông lấy cái khăn tay,mang ra bàn rồi tẩm dầu thơm.
• Đừng tẩm nhiều quá,anh yêu. Sắp tới,không biết đến khi nào mình mới lại mua được dầu.
Ông không trả lời,nhưng rồi bà nói với ông giọng cay đắng:
• Em nhớ anh dặn như thế nào chưa,em yêu.
• Vâng.
• Độ nầy,anh càng lúc càng ít nói..Anh không biết đau yếu và cô đơn là thế nào đâu.
• Nhưng em phải hiểu rằng…ông Fellows trả lời.
• Nhưng anh yêu, chúng ta đã thống nhất, phải không, là đừng nhắc đến chuyện đó nữa,không bao giờ. Phải tránh trở thành bệnh hoạn.
• Vâng.
• Chúng ta còn phải nghĩ đến cuộc sống của mình.
• Vâng.
Ông tiến lại gần giường và đặt cái khăn lên trán vợ. Rồi ngồi trên ghế, ông luồn tay xuống dưới mùng cầm lấy tay vợ.Họ giống như hai đứa trẻ lạc trong một thành phố xa lạ,không có người lớn đi kèm.
• Anh lấy vé chưa? Bà hỏi.
• Có rồi.
• Chút nữa, em sẽ dậy sắp xếp hành lý, nhưng em đau đầu quá. Anh đã nói người ta đến khuân mấy cái rương đi chưa?
• Chưa, anh quên.
• Anh phải cố gắng nhớ việc phải làm một chút, bà nói giọng chán chường và buồn rầu. Từ nay, ai làm thay cho anh được?
Rồi cả hai cùng rơi vào im lặng, vì câu nói mà họ muốn tránh.
• Trong thành phố chộn rộn lắm, đột nhiên ông nói.
• Một cuộc đảo chánh à?
• Không, cảnh sát mới bắt được một linh mục và sáng nay họ xử tử, tội nghiệp. Tôi tự hỏi không biết có phải đó là người mà Coral…, tôi muốn nói người mà chúng ta che dấu.
• Chắc không phải đâu.
• Vâng.
• Có nhiều linh mục lắm.
Ông rời tay bà, đi đến cửa sổ nhìn ra ngoài. Một vài chiếc tàu trên cảng, một công viên nhỏ rải đá cuội trong đó có một vài pho tượng. Diều hâu bay khắp nơi.
• Được về nhà sung sướng biết mấy. Em thường nghĩ là mình sẽ chết mất xác ở cái xứ nầy.
• Dĩ nhiên rồi, em yêu.
• Nhưng cũng có thể.
• Vâng, cũng có thể, ông trả lời giọng buồn rầu.
• Thôi anh yêu, bà Fellows nói, anh đã hứa…Ôi đau đầu quá.
• Em uống thuốc giảm đau không? Ông hỏi.
• Em không biết em để thuốc ở đâu. Không hiểu tại sao,mọi thứ cứ rối tung lên.
• Để anh đi ra phố mua cho em.
• Không,anh yêu. Em không thích nằm một mình.
Bà nói thêm: “ Em hy vọng là em sẽ khoẻ khi mình về tới nhà. Em sẽ đi khám một bác sĩ giỏi. Em nghĩ đây chỉ là cái bệnh nhẹ.Em có nói với anh là em mới nhận được thư của Norah chưa?
• Chưa.
• Đưa kính cho em.Em đọc cho anh nghe mấy đoạn liên quan đến chúng ta.
• Kính trên giường kìa.
• A, đây rồi.
Một chiếc thuyền buồm nhổ neo rời bến hướng ra biển, trên con sông rộng lặng lờ. Bà Fellows sung sướng đọc.
“Trixy thân mến, chắc là em đau nhiều. Tên…
Bà đột ngột dừng lại:
“Vâng, vâng rồi chị ấy viết tiếp thế nầy:
“Dĩ nhiên, Charles và chị, các em sẽ ở lại nhà anh chị một thời gian chờ đến khi hai em kiếm được nhà. Nếu như hai em muốn có một căn nhà nhỏ…”
Đại uý Fellows nói giọng cứng rắn:
• Anh không về đâu.
“Tiền thuê nhà chỉ có năm mươi sáu bảng một năm, bao gồm các loại phí, có một phòng tắm cho gia nhân…
• Anh ở lại đây.
“ Bếp lò đa dụng! Anh nói gì thế, anh yêu?
• Anh không về.
• Mình đã thảo luận chuyện nầy lâu rồi. Anh biết phải ở lại đây là em sẽ chết.
• Em không cần phải ở lại.
• Nhưng em không thể về một mình, bà Fellows nói.Chị Norah sẽ nghĩ gì? Rồi…phi lý quá.
• Ở đây có công việc dành cho đàn ông.
• Thu hoạch chuối…bà Fellows nói với nụ cười lạnh tanh. Và ngay cả việc đó, anh làm cũng không xong.
Tức giận, ông quay lại phía giường:
• Cái đó không làm em băn khoăn à, tuyệt đối không à, chạy trốn và bỏ rơi nó, con bé…
• Những gì xảy ra đâu phải lỗi tại em. Nếu có anh ở nhà…
• Bà bắt đầu khóc.
• Nếu anh ở nhà, anh cũng không sống được…
Mệt mỏi, ông đến bên giường và lại cầm tay bà. Không có việc gì làm.Họ đau khổ vì bị bỏ rơi và phải nâng đỡ nhau.
• Anh không bỏ em một mình chứ, anh yêu? Căn phòng nồng nặc mùi dầu thơm.
• Không đâu,em yêu.
• Anh có thấy như thế là phi lý không?
• Vâng.
Họ cùng im lặng một lúc lâu. Bên ngoài mặt trời lên cao và trong phòng trở nên ngột ngạt.
Cuối cùng, bà Fellows lên tiếng:
• Anh nghĩ gì vậy?
• Không nghĩ gì hết. Anh nhớ đến vị linh mục đó. Ông ta thật lạ kỳ. Ông ta nghiện rượu.Anh tự hỏi không biết có phải ông ta không.
• Nếu là ông ta, thì cũng đáng mạng thôi.
• Nhưng cái khó hiểu là cách con bé kể lại sau đó,như thể là ông linh mục đã cho nó thấy nhiều điều…
• Anh yêu,bà Fellows lặp lại giọng nhẹ nhàng trách cứ,anh đã hứa…
• Đúng thế. Xin lổi. Anh cố gắng, nhưng nó cứ ám ảnh.
• Còn em, còn anh… và nghe có tiếng vò bức thư của Norah khi bà Fellows quay mặt tránh cái khăn tay và đối diện với ánh sáng chói chang bên ngoài.
Ông Tench đang cúi mình trên cái chậu sành tráng men để rửa tay với xà phòng. Ông ta nói bằng tiếng Tây Ban Nha tồi:
• Đừng sợ,khi nào đau thì nói nghe.
Văn phòng cảnh sát trưởng đã được tạm thời biến thành phòng nha sĩ, đắt tiền, vì không phải chỉ chở ông Tench đến mà còn cái ghế, tủ kính đựng đồ nghề và nhiều thùng hàng đựng những thứ gì đó thật bí hiểm nhưng hình như chỉ đựng rơm và chăc chắn sẽ được chất đầy khi ra về.
• Tôi bị đau đã nhiều tháng nay, ông cò nói. Ông không thể tưởng tượng là tôi phải đau như thế nào đâu.
• Ông điên thiệt, sao ông không cho tìm tôi sớm hơn.May là ông chưa bị mưng mủ.
Ông ta rửa tay xong, đứng thẳng người,cái khăn cầm nơi tay, hình như đang miên man trong suy nghĩ.
- Ông sao vậy, ông cò nói.
Ông Tench giật mình và đi lại phía tủ kính. Ông bắt đầu soạn ra nào là kim, khoan,một dải những thứ làm liên tưởng đến cái đau. Ông cò thán phục nhìn ông ta làm.
• Tay anh run quá, ông cò nói. Sáng nay anh có khoẻ không?
• Tại cái bệnh dạ dày, ông Tench đáp.Nhiều lúc, tôi thấy những vệt đen nhảy múa trước mặt,nhiều đến nổi giống như một cái màn.
Ông cắm một cái kim vào máy khoan, hạ tay cầm.
• Mở miệng rộng ra.
Ông ta bắt đầu nhét bông đầy miệng ông cò.
• Chưa ai bị sâu răng nặng như thế nầy….trừ một lần.
Ông cò cố gắng để nói. Chỉ duy nhất ông nha sĩ là hiểu thâm ý của câu nói.
• Không,không phải bệnh nhân. Nhưng có lẽ người ta đã chữa cho anh ta. Trong xứ nầy, anh thì anh chữa cho một đống người bằng cách tặng cho họ một viên đạn, đúng không?
Rồi khoan sâu xuống, ông ta vẫn cố gắng kể những câu chuyện không dứt: chuyện ở Southend.
• Tôi gặp một chuyện kỳ lạ, ông nói, ngay truớc khi tôi rời cửa biển. Tôi nhận được thư của vợ tôi. Tôi không có tin tức bà ta từ….phải hai mươi năm. Rồi, đột nhiên…
Ông cúi xuống, nhìn sâu vào và nạo; ông cò đập tay và rên.
• Súc miệng đi, ông Tench nói vừa lo ráp cái dao cắt.
• Tôi nói gì với ông nhỉ? Đúng rồi, vợ tôi. Theo như bà ta viết, bà ta vừa mới bị ám bởi một giáo phái. Một nhóm tên… Oxford gì đó.Tôi tự hỏi không biết bà ta đi Oxford làm gì. Bà ta viết thư cho tôi để nói rằng bà ta tha thứ cho tôi và bà ta mong muốn hợp thức hoá tình trạng của chúng tôi:ly dị. Và chính bà ta là người tha lỗi cho tôi.
Ông Tench, chìm đắm trong ý nghĩ của mình, lơ đãng nhìn quanh căn phòng xấu xí, tay vẫn cầm dụng cụ. Ông ợ hơi rồi áp cái tay rảnh lên dạ dày, bóp chổ nầy chổ kia, cố tìm xem chính xác cái nơi làm ông đau hoài. Ông cò kiệt sức ngã đầu ra,miêng mở to.
• Nó đến rồi lại đi, ông Tench giải thích,nhưng ông hoàn toàn quên không biết mình đang nói gì. Chắc chắn đó không phải là điều quan trọng. Viêm dạ dày mạn tính. Nhưng khó chịu lắm.
Ông lơ đễnh nhìn vào sâu trong họng ông cò, qua những cái răng sâu,tiên đoán số mệnh như trong tấm gương. Rồi như thể thúc đẩy bởi một ý chí khủng khiếp nào đó, ông chồm tới,hạ tay cầm của máy và bắt đầu đạp.Grrz, zzz,grrr,zzz. Ông cò cứng người từ đầu đến chân, tau bấu chặt thành ghế còn ông Tench, chân khi lên khi xuống. Ông cò phát ra những tiếng kỳ dị, tay huơ huơ.
• Cố gắng chút, ông Tenhc nói, cố gắng. Còn một góc chút xíu thôi…Gần xong rồi….xong rồi. Rồi. Đột nhiên, ông buông tay và la lên: “ Chúa ơi, gì vậy?
Ông ta bỏ ông cò đó chạy ra cửa sổ. Phía dưới họ, trong sân, một đội cảnh sát vừa nâng súng lên.Tay đặt trên bụng, ông Tench hỏi:” Một cuộc đảo chính mới à?
Ông cò ngồi dậy và nhổ cục bông ra.
• Không phải đâu, ông nói. Họ sắp bắn một người.
• Lý do?
• Phản bội.
• Nhưng thường khi các anh làm ở nghĩa địa mà.
Một sức hút kỳ dị giữ ông lại nơi cửa sổ: sắp xảy ra một việc ông chưa từng thấy. Ông và mấy con diều hâu nhìn xuống cái sân có tường vôi trắng bao chung quanh.
• Lần nầy,nên từ bỏ. Chắc là sắp có biểu tình: dân chúng quá đần độn.
Một người nhỏ thó bị dẫn ra khỏi cửa hông. Hai cảnh sát đỡ ông ta, nhưng rõ ràng là ông ta đã cố hết sức; có điều hai chân ông không tuân theo sự điều khiển của ông nữa. Người ta đưa ông ra, chân kéo lê cho đến chân tường đối diện: viên sĩ quan dùng khăn tay bịt mắt ông ta.
• Chúa ơi, ông Tench nghĩ. Nhưng mình biết người nầy! Phải làm cái gì chứ…
Ông có cảm tưởng như người ta đang bắn ông hàng xóm thân thiết của mình.
• Ông chờ gì nữa? Ông cò càu nhàu.Không khí tràn vào răng tôi rồi.
Dĩ nhiên,không thể làm gì được. Mọi sự diễn ra quá nhanh,như bài tập hàng ngày. Sĩ quan tiến lên, rút súng ra và người đàn ông hoa tay loạn xạ. Ông ta muốn nói cái gì đó: ông ta muốn nói gì lúc nầy nhỉ? Cố gắng nầy, hình như cũng là chuyện thường ngày,nhưng hình như ông ta chỉ nói được một từ: xin lổi…Tiếng súng nổ lay động ông Tench: dội đến tận tim gan. Ông ta buồn nôn và phải nhắm mắt. Rồi nghe có tiếng nổ đơn độc và khi ông mở mắt ra, ông thấy viên sĩ quan đang đút súng vào bao. Người đàn ông nhỏ bé chỉ còn là một đống bất động dưới chân tường. Một phần của chuyện thường ngày, một vật không quan trọng,phải dọn dẹp đi thôi. Hai người tiến lại. Họ đang ở trong đấu trường, con bò đã chết,không còn gì để xem, chờ đợi cũng vô ích.
• Ôi, đau quá, đau quá, ông cò rên rỉ.
Ông nài nỉ ông Tench.
• Xin ông nhanh lên.
Nhưng ông Tench, đứng gần cửa sổ, đang đắm chìm trong suy tư. Một tay lần mò tìm chổ đau bí hiểm trong bụng, ông nhớ lại con người nhỏ thó, chua chát, tuyệt vọng đã rời khỏi ghế ngồi để đi theo thằng bé trong buổi chiều nắng chói chang; ông nhớ cái bình tưới màu xanh, tấm ảnh mấy đứa nhóc,cái khuôn ông đang làm bằng cát.
• Trám đi…Ông cò nài nỉ và mắt ông Tench nhìn qua cái khay đựng vàng. Ngoại tệ…từ nay ông sẽ buộc họ trả bằng ngoại tệ; lần nầy, ông sẽ ra đi, dứt khoát ra đi.
Ngoài sân, mọi sự đã trở lại bình thường: một người dùng xẻng trải cát như thể anh ta đang lấp mộ. Nhưng ông Tench cảm thấy rất cô độc, nó làm ông đau trong dạ dày phải gập đôi người lại. Người đàn ông đó đã nói tiếng Anh với ông và biết chút ít về các con ông. Ông có cảm giác như đang bị bỏ rơi một mình trong sa mạc.
“ Và bây giờ”, giọng người đàn bà vang lên khải hòan, hai cô con gái tròn xoe mắt, nín thở, “ và bây giờ, ngày trọng đại đã đến.”
Ngay cả thằng con trai, đứng gần cứ sổ nhìn ra con đường tối tăm (lệnh giới nghiêm làm cho con đường vắng hoe) cũng tỏ ra quan tâm chút ít đến câu chuyện, vì đã đến đoạn cuối ở đó các biến cố trở nên dồn dập hơn. Có lẽ toàn bộ cuộc đời là thế…đều đều rồi kết thúc dồn dập.
“ Khi ông cảnh sát trưởng vào trong xà lim của Juan, ông thấy anh đang quỳ gối cầu nguyện. Anh ta không ngủ, anh đã dành cả đêm để chuẩn bị tử vì đạo.Anh hoàn toàn bình an và hạnh phúc và mỉm cười với ông cảnh sát trưởng,anh ta hỏi ông đến để đưa anh đến bàn tiệc phải không. Con người độc ác nầy,người đã xử bắn rất nhiều người vô tội cũng cảm động.”
“mong sao cho mau đến hồi hành quyết” thằng con trai nghĩ: lúc hành quyết lúc nào cũng sôi động và nó nóng lòng mong phát súng ân huệ.
“ Juan bị đưa ra sân nhà tù. Không cần cột chân tay anh vì anh đang bận lần hạt. Trong khoảng đường ngắn từ xà lim ra đến bức tường hành quyết,anh Juan có nhớ lại những năm tháng hạnh phúc anh đã sống không? Anh có nhớ những ngày ở chủng viện, sự ân cần của những anh lớn,kỷ luật đã tôi luyện anh không? Anh có nhớ những ngày anh đóng vai Nêron trước mặt Đức Giám mục già không?”
Giọng bà mẹ đã hơi khàn: bà đếm số trang còn lại: không cần ngưng ở đây;bà sẽ đọc nhanh hơn:
“Đến chân tường, Juan quay lại và bắt đầu cầu nguyện,không chỉ cho anh mà còn cho cả kẻ địch, cho đội lính da đỏ vô tội đang sắp hàng trước mặt anh, cho ông cảnh sát trưởng. Anh đưa Thánh Giá của tràng chuỗi lên và xin Chúa tha thứ cho họ,soi sáng cho họ và sau hết, đón tiếp họ như Saolê người bách hại đạo Chúa cũng đã được đón tiếp vào trong Vương Quốc vĩnh cữu.
• Súng có nạp đạn không?
• Con nói gì?
• Sao họ không bắn liền cho anh ta câm miệng.
• Vì Chúa có cách của ngài.
Bà ho rồi đọc tiếp.
“ Sĩ quan ra lệnh bồng sung. Lúc đó trên khuôn mặt Juan rạng ngời một nụ cười hạnh phúc và thánh thiện. Có thể nói, anh như đang thấy vòng tay Thiên Chúa mở ra đón anh. Anh đã từng nói với mẹ và các chị là anh sẽ lên thiên đàng trước họ. Với mẹ anh,bà nội trợ phúc hậu và kỷ tính, anh còn nói:” Con sẽ sắp đặt mọi thứ chờ mẹ đến.” Và cái lúc quyết định đã đến, sĩ quan ra lệnh nổ súng và…”
Bà đọc quá nhanh vì đã quá giờ ngủ của các cô con gái, và bà bị ho.
• Bắn….bà lập lại, và….
Ngồi bên cạnh nhau, hai cô gái yên lặnh lắng nghe- có vẻ các em buồn ngủ- đó là đoạn các em ít thích nhất;các em phải nghe toàn bộ câu chuyện vì có các màn kịch,từ rước lễ lần đầu, cô chị vào nhà dòng sau buổi chia tay cảm động với gia đình ở chương III.
• Bắn,bà mẹ lậplại, cố găng tiếp tục đọc, và Juan,hai tay đưa lên đầu,la lớn: Vạn tuế Đức Kitô!...Một lát sau, anh ngã xuống, thân thể bị mười hai phát đạn xuyên qua và viên sĩ quan cúi xuống, kê súng lục vào tai anh và bóp cò.”
Một tiếng thở dài bên cửa sổ.
“ Phát súng cuối cùng nầy vô dụng. Linh hồn anh đã rời cái nhà tạm ở trần thế và nụ cười hạnh phúc trên môi anh làm cho ngay những người không có đức tin nầy cũng biết bây giờ Juan đang ở đâu. Một người lính, quá xúc động vì thái độ của người tử đạo đã kín đáo nhúng khăn tay của mình vào máu tử đạo, và cái khăn nầy sau đó được cắt ra thành hàng trăm mảnh và có mặt trong những gia đình đạo đức.” Và bây giờ, bà mẹ hấp tấp vỗ hai tay, đi ngủ!
• Và,cái ông người ta bắn hôm nay, nó chậm rải hỏi. Ông ta có anh hùng không?
• Đúng.
• Ông cha có đến nhà mình một lần phải không?
• Vâng.Ngài bây giờ là một vị thánh của Giáo hội.
• Ngài có mùi kỳ dị, một cô bé nói.
• Đừng bao giờ nói như thế,bà mẹ la,ngài bây giờ là một vị thánh.
• Mình có cầu nguyện với ngài không?
Bà mẹ do dự.
• Cái nầy không sao. Dù sao, để cho chắc ngài là vị thánh, ngài còn phải làm phép lạ.
• Ngài có hô:” Vạn tuế Chúa Kitô” không, cậu bé hỏi.
• Vâng, ngài là một vị anh hùng đức tin.
• Còn cái khăn tay nhúng máu? cậu con trai nói tiếp. Ai đã làm việc đó?
Bà mẹ trả lời giọng bí ẩn và quan trọng:
“ Mẹ có lý do để tin rằng…Bà Jiminez đã hứa…Mẹ nghĩ nếu ba con cho mẹ một ít tiền,mẹ có thể mua được.
• Phải tốn tiền sao?
• Biết làm sao được? Đâu có đủ cho mọi người.
• Phải rồi.
Nó cúi đầu ra cửa sổ,mắt nhìn ra đường. Phía sau, nó nghe tiếng thì thầm của hai con bé trên giường. Những cái đó làm cho nó cảm thấy rất thật khi đã được đón tiếp một anh hùng trong nhà, cho dù chỉ trong hai mươi bốn giờ. Và đó là vị cuối cùng.Không còn linh mục,không còn anh hùng. Đây là vị cuối cùng. Nó giận dữ khi nghe tiếng giày đi tới trên đường. Cuộc sống thường ngày tiếp diễn chung quanh nó. Nó nhảy xuống khỏi thành cửa sổ và cầm đèn: Zapata,Villa, Maderô và những người khác, tất cả đã chết, giết bởi đồng loại, những người giống như người đang đi đến. Nó cảm thấy như người ta đã lừa dối nó.
Trung uý đi trên lề đường. Trong dáng đi của ông, có cái gì linh động, cương quyết như thể ở mỗi bước chân ông nói: “ Tôi đã làm việc phải làm”.Khi đi ngang qua, ông nhìn thằng bé đang cầm đèn mà khuôn mặt hình như quen quen. Ông tự nhủ: “ Mình muốn làm nhiều hơn nữa cho họ,nhiều hơn nữa; cuộc đời các em sau nầy không được giống như cuộc đời mình trước đây”, nhưng tình yêu tha thiết nầy đã buộc anh phải bóp cò, tối hôm đó, tình yêu đó không còn chút sức lực, chút sức sống. Anh tự nhủ: niềm hăng say sẽ trở lại với mình. Giống như tình yêu dành cho một người phụ nữ, tình yêu nầy cũng tiến triển theo từng giai đoạn: sáng nay anh đã thõa mãn và tối nay anh được toại nguyện. Anh gượng cười với cậu bé bên cửa sổ và chào:” Chào em. Thằng bé nhìn bao súng và ông trung uý nhớ lại một ngày kia, trên quảng trường, ông đã để cho một thằng bé chạm vào súng của ông,có lẽ là thằng nầy. Nở một nụ cười, ông chạm tay vào báng súng để nhắc nó nhớ; khi đó,khuôn mặt thằng bé nhăn lại, nó nhổ một bãi nước miếng qua cửa sổ rất chính xác đến nổi một giọt nước miếng bay đến đụng báng súng sáu.
Thằng bé băng qua sân để đi ngủ. Nó ngủ trong căn phòng nhỏ với ba trên một cái giường sắt. Chổ của nó ở sát tường; cha nó dành phía ngoài để có thể thức dậy mà không quấy rầy con. Nó cởi giày,lòng buồn nặng chĩu, thay áo quần dưới ánh đèn cầy. Nó nghe tiếng thầm thì đọc kinh trong phòng bên cạnh. Nó cảm thấy buồn bực và thất vọng, vì thiếu một cái gì đó. Nằm ngữa ra,trong cái nóng ngột ngạt, nó nhìn chăm chăm lên trần nhà và cảm thấy hình như thế giới trống không, chỉ còn kho hàng, những bài đọc lớn tiếng của mẹ và những trò chơi ngu xuẩn với bọn trẻ con trên quảng trường.
Nhưng nó nhanh chóng đi vào giấc ngủ. Nó mơ thấy ông linh mục người ta bắn sáng nay lại đến nhà nó,mặc áo quần ba nó cho, thân hình ngài cứng đơ nằm dài, sẵn sàng để đem chôn. Thằng bé ngồi ở đầu giường,mẹ nói đọc lớn tiếng một cuốn truyện dài kể rằng linh mục đã đóng vai Cesar trước mặt Đức Giám Mục: dưới chân bà có rổ cá đang chảy máu, bọc trong khăn tay. Trong hành lang, ai đó đóng đinh vào hòm. Đột nhiên,linh mục chết nháy mắt với nó…nó không thể nhầm, một cái nháy mắt, như thế.
Nó tỉnh giấc vì tiếng gõ cửa bên ngoài. Cha nó không có trên giường. Phòng bên cạnh im lìm. Thời gian trôi qua.Nó lắng nghe không động đậy. Nó sợ; vài phút sau, lại có tiếng gõ cửa,nhưng trong nhà không có ai thức dậy. Nó trỗi dậy….có lẽ cha nó quên chìa khoá. Nó đốt đèn lên,khoác cái mền rồi dừng lại lắng nghe một lúc. Có lẽ mẹ nó cũng đã nghe và đã dậy, nhưng nó biết đây là bổn phận của nó: nó là người đàn ông duy nhất trong nhà.
Nó nhẹ nhàng băng qua sân trong, tiến về phía cửa ra vào. Hay là viên trung uý trở lại trả thù vụ bãi nước miếng…. Nó mở khoá và mở rộng cửa ra. Một người lạ xuất hiện trên bục cửa; người nầy cao, gầy, xanh xao. Ông ta mang một cái va li nhỏ. Ông xướng tên mẹ cậu bé và hỏi đây có đúng là nhà bà không. Vâng, cậu bé trả lời,nhưng bà ta ngủ. Nó cố khép cửa lại,nhưng một bàn chân đi giày chận lại.
• Tôi vừa mới xuống tàu, người lạ nói. Tôi ngược dòng sông đêm nay.Tôi nghĩ là….Tôi có thư giới thiệu đến bà, thư của một người bạn tốt của bà.
• Mẹ tôi ngủ, cậu bé trả lời.
• Xin em cho tôi vào, người kia kiên quyết với nụ cười sợ sệt; và hạ thấp giọng ông ta nói với cậu bé:
• Tôi là linh mục.
• Ông a? cậu bé la lên.
• Vâng, người kia dịu dàng nói.Tôi là linh mục….
• Nhưng cậu bé đã mở rộng cửa và đặt môi lên tay linh mục không để cho ông kịp xưng tên.
Hết
Vinh Quang Và Quyền Năng Vinh Quang Và Quyền Năng - Graham Green Vinh Quang Và Quyền Năng