A good book should leave you... slightly exhausted at the end. You live several lives while reading it.

William Styron, interview, Writers at Work, 1958

 
 
 
 
 
Tác giả: Nikolay Nosov
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: yen an
Số chương: 21
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 738 / 7
Cập nhật: 2018-04-29 14:51:03 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 14
ẹ và dì thằng Siskin không hề hay biết chuyện nó đã bỏ học. Khi đi làm về, việc đầu tiên của mẹ nó bao giờ cũng là kiểm tra bài vở ở nhà của nó, và bao giờ nó cũng hoàn thành, bởi cứ sau giờ học là tôi lại đến nhà nó, kể cho nó nghe ở lớp cô giáo ra bài gì về nhà. Siskin rất sợ mẹ nó biết chuyện, thành ra nó làm bài tập ở nhà còn chăm chỉ hơn trước nhiều. Mỗi buổi sáng, nó mang cặp sách ra khỏi nhà, nhưng đáng lẽ phải đến trường thì nó đi lang thang trong thành phố. Nó không thể ở nhà được, vì dì nó học ca hai, và rời nhà đi học khi đã muộn. Thế nhưng lang thang vô định trên phố thì cũng khá nguy hiểm. Một lần suýt nữa nó bị cô giáo tiếng Anh bắt gặp, may mà nó kịp nấp vào một ngõ nhỏ trước khi cô nhìn thấy nó. Lần khác, một bà hàng xóm đi ngược chiều, và nó phải chạy trốn trong cổng một ngôi nhà lạ. Nó bắt đầu sợ lang thang trên các phố quen, nên đành phải đi ngày càng xa, đến những khu vực lạ để tránh nguy cơ gặp phải ai đó trong số những người quen. Lúc nào nó cũng cảm thấy người qua kẻ lại nhìn nó một cách nghi ngờ và hình như ai cũng biết là nó bỏ học. Mà trời thì lạnh ghê gớm, nên nó bị cóng lạnh, đôi khi đành phải rẽ vào một cửa hàng nào đó, sưởi ấm đôi chút rồi mới đi tiếp được.
Tôi bắt đầu cảm thấy đã xảy ra một việc rất tồi tệ, và tôi cảm thấy rất khổ tâm. Lúc nào tôi cũng nghĩ đến thằng Siskin. Trong lớp, cái chỗ trống cùng bàn nhắc tôi nhớ đến nó. Tôi hình dung ra cảnh trong khi chúng tôi ngồi trong lớp ấm áp thì nó lang thang cô đơn trên phố như một tên trộm, nấp vào những chỗ rẽ, những cái cổng xa lạ mỗi khi gặp người quen và khi bị lạnh cóng thì phải sưởi tạm trong một cửa hàng cửa hiệu nào đấy. Vì những ý nghĩ ấy tôi bị phân tán tư tưởng, và không thể tập trung nghe cô giáo giảng bài. Về nhà, tôi vẫn nghĩ về nó. Đêm đến tôi không thể ngủ ngon, vì những ý nghĩ rối bời khi cố tìm giúp nó một giải pháp. Giá như tôi có thể kể cho cô Olga Nikolaevna, cô hẳn đã cho phép thằng Siskin quay lại trường học, nhưng tôi sợ nếu tôi nói ra thì mọi người sẽ coi tôi là thằng mách lẻo. Tôi rất muốn chia xẻ tâm sự của mình với ai đó, và tôi quyết định phải nói với Lika.
- Lika, nghe này, - tôi hỏi con bé - Bọn con gái có để lộ bí mật của nhau không?
- Để lộ là thế nào?
- Thì giả sử có một đứa con gái làm một việc gì đó, mà đứa khác lại kể cho cô giáo nghe chẳng hạn. Trong lớp em có chuyện như thế hay không?
- Có, anh ạ. – Lika nói. Cách đây chưa lâu Petrova bẻ gẫy cành hoa trên cửa sổ, nhưng cô Antonina Ivanovna lại nghĩ là Sidorova làm gẫy, nên định phạt nó, bảo nó mời phụ huynh đến trường, nhưng em biết là Petrova bẻ hoa, nên đã nói với cô giáo như thế.
- Thế tại sao em lại nói? Có nghĩa là em trở thành đứa mách lẻo!
- Sao lại là mách lẻo? Em nói sự thật cơ mà. Giá như em không nói thì cô Antonina Ivanovna đã phạt Sidorova trong khi nó hoàn toàn không có lỗi.
- Đằng nào thì cũng là mách lẻo. – Tôi nói. Ở lớp anh không ai để lộ chuyện đâu.
- Thế thì có nghĩa là các anh đổ tội quanh cho nhau à?
- Thế nào là đổ tội quanh?
- Giả sử ai đó bẻ hoa, nhưng cô giáo lại nghĩ oan cho người khác…
- Lớp anh không có hoa. Trên cửa sổ lớp anh toàn xương rồng.
- Thì đằng nào chả thế. Giả sử anh bẻ gẫy cây xương rồng, nhưng cô giáo anh lại nghi oan cho Siskin, tất cả đều im lặng, anh cũng lờ đi, thì có nghĩa là anh đổ tội cho Siskin.
- Thế chẳng lẽ Siskin không có miệng sao? Nó sẽ phải nói là không phải nó bẻ chứ. – Tôi nói.
- Chắc hẳn anh ấy sẽ nói, nhưng mọi người sẽ nghi ngờ anh ấy.
- Thì cứ để mọi người nghi ngờ. Sẽ chẳng ai chứng minh được nó có lỗi nếu như thật sự nó không có lỗi.
- Lớp em không có chuyện thế đâu, - Lika nói. - Tại sao lại để ai đó bị nghi oan? Nếu như đã phạm lỗi thì phải tự nhận lỗi, còn nếu không chịu tự nhận lỗi thì ai cũng có quyền nói sự thật.
- Có nghĩa là cả lớp em toàn những đứa hớt lẻo.
- Không phải là hớt lẻo. Chẳng lẽ Petrova đúng hay sao? Cô Antonina Ivanovna muốn phạt một đứa hoàn toàn vô tội vì nó, thế mà nó lại ngồi im và lấy làm mừng vui vì có người khác phải chịu tội thay mình. Nếu em im lặng có nghĩa là em cùng một giuộc với nó. Chẳng lẽ như thế là thành thực hay sao?
- Thôi được, - tôi nói. Nhưng trường hợp ấy không điển hình. Ví dụ trong lớp em có chuyện thế này chưa nhé. Một đứa con gái trốn học, nhưng nói dối cả nhà là vẫn đi học?
- Không, lớp em chẳng có chuyện như thế.
- Tất nhiên, - tôi nói, - trong lớp em thì không thể có chuyện như thế. Lớp em toàn những đứa học sinh mẫu mực.
- Đúng đấy, anh ạ - Lika nói - Lớp em ngoan lắm. Thế lớp anh có chuyện đó à?
- Sao em lại hỏi thế?
- Thì em hỏi thế thôi. Biết thì cũng hay.
Tôi không nói chuyện với Lika nữa và tiếp tục nghĩ về Siskin. Tôi rất muốn hỏi ý kiến mẹ, nhưng lại sợ mẹ sẽ thông báo cho nhà trường biết thì hỏng hết cả mọi việc. Mà mẹ cũng đã nhận ra hình như tôi có việc gì đó không ổn. Mẹ quan sát tôi chăm chú, dường như chờ tôi nói gì đó với mẹ. Mẹ bao giờ cũng đoán ra đúng lúc tôi cần nói chuyện với mẹ, nhưng không bao giờ đòi hỏi tôi phải nói, mà chỉ chờ tôi tự mở miệng. Mẹ nói: Nếu như chuyện gì đó đã xảy ra thì tốt nhất là tôi tự thú nhận với mẹ, đừng chờ đến lúc bị bắt buộc phải nói. Tôi cũng không biết mẹ đoán ra bằng cách nào, hình như là cái mặt tôi thế nào đó, và tôi để lộ mọi thứ đang nghĩ trong đầu trên mặt. Tôi ngồi và nhìn trộm mẹ, suy nghĩ xem nên nói hay không nói, còn mẹ cũng thỉnh thoảng lại nhìn tôi, cứ như mẹ đang chờ tôi bắt đầu trước. Và hai mẹ con cứ thế khá lâu, cùng giả vờ chăm chú vào việc của mình. Tôi làm như đang đọc sách, còn mẹ làm như chỉ chăm chú khâu vá. Điều đó khá buồn cười, nếu như trong đầu tôi không có những ý nghĩ buồn bã về Siskin.
Cuối cùng thì mẹ là người bắt đầu nói trước. Mẹ hỏi:
- Thôi nào, con nghĩ gì vậy?
- Sao cơ, con nghĩ gì á? – Tôi ra vẻ không hiểu mẹ nói gì.
- Thì con muốn nói gì thì nói đi.
- Con có muốn nói gì đâu. – Tôi muốn lảng tránh, nhưng lại cảm thấy nhẹ nhõm, cảm thấy có thể kể hết với mẹ và vui mừng vì mẹ đã là người hỏi trước, bởi dù sao nói ra khi được hỏi vẫn dễ hơn là nói khi người ta chả hỏi gì mình.
- Con cứ làm như là mẹ không hiểu con muốn nói gì đó ấy! Mẹ nói. Đã ba ngày nay con như bị nhúng nước, lại còn tưởng như không ai biết ấy. Thôi nào, nói đi, nói đi! Đằng nào thì con cũng nói mà. Ở trường có chuyện gì thế?
- Không, không phải ở trường đâu mẹ, - tôi nói. Không phải chuyện ở trường đâu.
- Lại bị hai hẳn thôi.
- Đâu mà, con có bị hai đâu.
- Thế thì có chuyện gì xảy ra với con vậy?
- Không, không phải chuyện của con mà. Với con thì chẳng có gì cả mẹ ạ.
- Thế thì với ai nào?
- Với Siskin mẹ ạ.
- Thế có chuyện gì xảy ra với nó?
- Nó không muốn đi học nữa.
- Sao – không muốn là thế nào?
- Không muốn là không muốn thôi mà!
Tôi hiểu là tôi đã lỡ lời rồi, và nghĩ bụng: “Ối cha ơi, con đã làm việc gì thế này? Nhỡ mai mẹ đến trường kể hết với cô Olga Nikolaevna thì sao?”
- Sao, thế thằng Siskin không làm bài tập à? Mẹ hỏi. Nó bị hai à?
Nghe đến đấy, tôi hiểu là tình hình chưa đến nỗi hỏng bét, nên nói:
- Nó không làm bài mẹ ạ. Nó bị điểm hai môn tiếng Nga. Nó không muốn học môn tiếng Nga nữa. Nó bị hổng từ lớp ba cơ.
- Thế vì sao nó lên được lớp bốn?
- Con cũng không biết nữa. – Tôi nói. Nó chuyển từ trường khác sang. Nó có học lớp ba ở trường con đâu.
- Thế vì sao cô giáo không để ý đến nó? Phải giúp đỡ để nó cố lên chứ.
- Nhưng nó khôn ranh như con cáo ấy, mẹ ạ, - tôi nói. Những gì cô cho về nhà thì nó chép, còn khi ở lớp có bài tập làm văn hay là chính tả thì nó không đi học.
- Thế thì con nên học bài cùng bạn. Vì mẹ thấy là con nghĩ đến nó, buồn vì nó, chả lẽ con không muốn giúp nó hay sao.
- Chỉ giúp được khi chính nó muốn học thôi mẹ ạ!
- Thế thì con nói chuyện với nó, rằng việc học là cần thiết, cố tác động đến nó. Con đã có quyết tâm tự học được, còn nó cần sự giúp đỡ. Nếu có một đứa bạn tốt chắc nó sửa chữa được đấy, và nó nhất định cũng sẽ thành một người tốt.
- Chẳng lẽ con không phải là bạn tốt hay sao?
- Nếu con vẫn nghĩ về nó thì có nghĩa con là đứa bạn tốt.
Tôi bỗng cảm thấy xấu hổ vì đã không kể hết sự thật với mẹ, bởi thế tôi mặc áo ấm thật nhanh, chạy đến nhà thằng Siskin để nói chuyện nghiêm túc với nó.
Chuyện thật là kỳ lạ! Không biết vì sao chính trong những ngày này tôi đã thân thiết một cách thật sự với thằng Siskin và suốt ngày chỉ nghĩ đến nó. Thằng Siskin cũng hết sức gắn bó với tôi. Nó rất nhớ các bạn cùng lớp và nói giờ đây ngoài tôi ra nó mất hết chẳng còn một ai.
Khi tôi tới nhà Siskin thì nó, mẹ nó và dì Zina vẫn ngồi trong phòng ăn, đang uống trà. Một chiếc đèn bóng tròn dưới cái chụp to màu xanh chiếu sáng bàn ăn, và chính vì cái chụp to ấy mà xung quanh trở nên tối mờ, ấm cúng như các buổi chiều mùa hè, khi mặt trời đã lặn rồi nhưng trời thì chưa tối hẳn. Mọi người vui mừng khi thấy tôi đến. Tôi được mời ngồi xuống bàn uống chè với bánh vòng. Mẹ Siskin và dì Zina bắt đầu hỏi tôi về mẹ tôi, về bố tôi, bố làm việc ở đâu và làm việc gì. Siskin im lặng nghe chúng tôi nói chuyện, nó nhúng nửa cái bánh vòng vào cốc nước chè. Chiếc bánh thấm nước phồng tướng lên. Cuối cùng nó nở đầy tràn cả cái cốc mà thằng Siskin vẫn còn nghĩ đi đâu đâu, dường như đã quên hẳn miếng bánh.
- Con mải nghĩ chuyện gì thế? – Mẹ nó hỏi.
- Bình thường thôi ạ. Con nghĩ về bố. Mẹ kể cho con nghe chuyện bố đi nào.
- Kể cái gì nữa chứ? Mẹ đã kể hết cho con rồi thôi?
- Kể lần nữa đi, mẹ ạ.
- Đấy, nó thích nghe kể chuyện về bố lắm, mà bản thân nó thì chưa chắc đã nhớ mặt bố đâu. – Dì Zina nói.
- Không, cháu nhớ mà.
- Cháu thì nhớ được cái gì chứ? Khi bắt đầu chiến tranh, bố cháu đi bộ đội cháu vẫn còn là đứa trẻ ẵm ngửa mà.
- Cháu nhớ chứ, - thằng Siskin bướng bỉnh nhắc lại. – Cháu nhớ: cháu nằm trong giường như thế này này, bố cháu lại gần, bế cháu rồi thơm cháu nữa.
- Cháu chả nhớ được thế đâu, - dì Zina nói. – Khi đó cháu mới sinh chưa đầy ba tuần mà.
- Không. Khi bố cháu về thăm nhà cháu đã được một tuổi rồi.
- Hừ, khi đó bố cháu chỉ ghé vào nhà có một phút thôi, khi đơn vị bố cháu hành quân qua thành phố. Chuyện đó cháu nghe mẹ kể chứ gì?
- Không, cháu tự nhớ được mà. - Thằng Siskin tự ái. – Cháu ngủ, rồi tỉnh giấc, thấy bố cháu bế cháu trên tay và thơm cháu. Áo khoác của bố ram ráp và cứng cứng. Rồi bố cháu đi, cháu không nhớ gì được hơn nữa.
- Trẻ con một tuổi vẫn chưa nhớ được gì đâu, - dì Zina nói.
- Nhưng cháu thì nhớ, - Thằng Siskin gần như phát khóc. – Đúng không mẹ, đúng là con nhớ mà. Để mẹ cháu nói cho cô nghe!
- Nó nhớ đấy, nó nhớ! - Mẹ nó đấu dịu. - Nếu con nhớ được áo khoác của bố cứng cứng, ram ráp thì có nghĩa là con nhớ.
- Tất nhiên là con nhớ, - Siskin nói. Cái áo khoác cứng ráp, con nhớ và con sẽ không bao giờ quên được, vì đó là bố con, bố đã mất ngoài mặt trận.
Suốt cả buổi tối hôm đó thằng Siskin cứ nghĩ ngợi gì đó. Tôi không thể nói với nó những chuyện định nói khi đến đây, và thế là tôi xin phép ra về.
o O o
Đêm đó tôi không thể nào ngủ được vì cứ trằn trọc nghĩ về nó mãi. Giá mà đừng có chuyện gì xảy ra, nó vẫn đi học đều thì tốt biết bao! Ví dụ như tôi đây này: đầu tiên tôi học cũng có khá gì đâu, nhưng tôi đã kịp sửa mình, và đã đạt được những gì tôi muốn. Dù sao thì tôi cũng dễ dàng hơn nó, bởi vì tôi có bố. Tôi luôn thích làm theo gương bố mình. Tôi thấy các thành tích của bố tôi trong công việc, và tôi muốn trở thành một người giống bố. Còn Siskin thì không còn bố nữa, bố nó đã hy sinh ngoài mặt trận khi nó còn bé ti. Tôi rất muốn giúp đỡ Siskin, và tôi nghĩ, nếu như tôi học bài cùng với nó một cách rất nghiêm túc thì có thể giúp nó lấp các lỗ hổng môn tiếng Nga, và nó sẽ học tập được dễ dàng hơn.
Tôi mơ mộng về chuyện đó và quyết định sẽ học cùng với thằng Siskin hàng ngày, nhưng sực nhớ ra là chưa thể, vì nó còn chưa quay lại lớp. Tôi bắt đầu nghĩ cách thuyết phục nó quay lại trường học, nhưng nhận thấy thuyết phục nó thật khó vì thằng này chẳng có tính cách gì cả, yếu đuối lắm, với lại đến giờ thì nó chẳng dám thú nhận với mẹ nó nữa rồi.
Tôi hiểu ra: Với thằng Siskin thì phải hành động một cách cương quyết. Vì thế, tôi quyết định ngày mai, ngay sau giờ học tôi sẽ đến nhà nó để nói chuyện nghiêm túc. Nếu như nó vẫn không thú nhận với mẹ và tự giác quay lại trường học, tôi sẽ doạ nó rằng tôi không tiếp tục trò nói dối cô Olga Nikolaevna được nữa, không bao che cho nó được nữa, bởi bao che như thế là làm hại nó. Nếu nó không chịu hiểu tôi làm thế là vì nó, cứ để cho nó tự ái. Không sao cả. Tôi thà chịu đựng một chút, để về sau khi nào nó tự hiểu ra rằng tôi không còn cách nào khác, thì tôi lại chơi với nó. Khi đã quyết định thế, tôi thấy nhẹ nhõm hẳn, và thậm chí còn thấy xấu hổ vì tôi đã giấu mẹ chuyện tày trời lâu thế. Tôi những muốn vùng dậy kể cho mẹ nghe mọi chuyện, nhưng muộn quá rồi, mọi người đã ngủ lâu rồi.
Vichia Maleev Ở Nhà Và Ở Trường Vichia Maleev Ở Nhà Và Ở Trường - Nikolay Nosov Vichia Maleev Ở Nhà Và Ở Trường