Có 04 bước để đạt thành tựu: lên kế hoạch một cách có mục đích, chuẩn bị kỹ lưỡng, tích cực thực hiện, và kiên trì theo đuổi.

William A. Ward

 
 
 
 
 
Tác giả: Lê Văn Trương
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 35
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4771 / 75
Cập nhật: 2016-06-14 12:09:34 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 14
rọng Khang quyết chí hoặc lấy cái nghề thầu khoán, cho nên nhiều khi Giáp hằn học với chàng, chàng cũng tảng lờ đi như không biết. Chàng tự nhủ: "Mình không yêu người tình của hắn, thì rồi một ngày kia, hắn sẽ thấy. Nhân tâm con người ta ai là chẳng ghen. Hắn bực tức với mình cũng là lẽ thường của lòng người. Mình phải nên rộng lượng. Khánh Ngọc tuy yêu mình, nhưng thấy mình không yêu trả lại thì rồi một ngày kia, tất cũng chán. Vả chừng tháng nữa, nàng về Hà Nội rồi, lúc ấy, nàng sẽ quên mình đi như người ta quên một cái áo. Đối với những người tâm tình nông nổi như thế, cảm tình có gì là sâu. Chẳng qua là động cỡn trong chốc lát. Nếu bây giờ mình kháng cự lại Giáp? Mà Giáp có làm gì mà mình kháng cự. Chẳng qua chỉ là những sự bóng gió ngấm ngầm. Hay mình cự tuyệt trắng ra với Khánh Ngọc? Thì cái giao tình của mình với cụ Nam Long sẽ xảy ra lắm điều ngang ngửa. Cụ ta chiều con lắm. Mình sẽ bỏ lỡ một cơ hội tốt để khôi phục cơ đồ. Âu là mình cứ làm lơ như chẳng biết gì cả. Thế là hơn. Mình hất hủi Khánh Ngọc thì cũng không nên, bởi dù thế nào cũng do tấm lòng nàng quý mến mình mà ra. Bây giờ mình cứ nghĩ vào việc làm ăn và giả ngây giả điếc thế là xong cả".
Vì nghĩ thế, cho nên khi đến chỗ làm, Trọng Khang nhất định bảo ông Phó kê giường của mình sang gian các thư ký và cai, không ở chung với ông Nam Long và Khánh Ngọc nữa. Chàng cho như thế thể nào rồi Khánh Ngọc cũng hiểu mà trở lại với Giáp. Nhưng chàng đã không tính đến lòng yêu đương của người con gái, cùng những mưu cơ và sự quả cảm do lòng yêu xui nên. Chàng đinh ninh rằng tối hôm ấy, Khánh Ngọc sẽ biết cái ý định của chàng. Chàng mỉm cười nhủ thầm: "Khó chịu một tí, nhưng rồi thì biết, biết rồi thì thôi. Những cô gái nhà giàu từ xưa đến nay chẳng ai trái ý... À, bất quá mình cũng bị mấy cái lườm nguýt. Nhưng mình tảng lờ và coi những cái lườm nguýt ấy là những cái nhìn thường thì rồi cũng đến chịu. Chứ chả lẽ lại dám bảo mình: 'Sao ông không ngủ cùng buồng với tôi?'."
Tám giờ tối hôm ấy, sau khi chàng với ông Nam Long sang điều đình việc mộ phu với các hương trưởng trở về, chàng phải sửng sốt, khi bước vào nhà, thấy cái giường của mình đã kê ở một góc nhà, đối diện ngay chiếc giường của Giáp. Chàng quắc mắt nhìn ông Phó. Cái nhìn ấy như nói: "Sao tôi đã bảo ông kê chiếc giường tôi ở gian bên kia, mà ông lại dám kê sang bên đây". Ông Phó sợ hãi vội phân trần:
- Con đã kê giường cậu sang gian bên, nhưng cô Khánh Ngọc bảo con dọn sang đấy. Cô...
Khánh Ngọc lúc ấy đang ngồi vờ vẫn gẩy mandoline, đỡ lời ngay:
- Tôi biết ba tôi thế nào cũng muốn ông cùng ở với chúng tôi, nên tôi bảo ông Phó dọn sang đây. Ở một nơi đèo heo hút gió thế này, chúng tôi cần phải có một người... can đảm và tỉnh ngủ như ông ở cạnh thì mới không lo sợ được. Có phải thế không ba?
Ông Nam Long vô tình, trả lời ngay:
- Ừ phải. Ông với tôi bây giờ như người nhà. Sao lại ở bên ấy? Bên ấy để cho người làm.
Khánh Ngọc lại nhìn Trọng Khang một cách hóm hỉnh:
- Ba tôi lại cần bàn chuyện với ông luôn.
Giáp nhìn Khánh Ngọc, lòng giận sôi lên, nhưng cũng phải nói xuôi, bằng cái lối người bề trên che chở:
- Gian bên đông người, ông ở bên này với chúng tôi có phải rộng rãi mát mẻ không.
Trọng Khang lẳng lặng tháo súng, rồi ngồi lại giường duỗi chân cho ông Phó kéo ủng. Nhìn đến quyển sách, chàng vụt nẩy ra một ý kiến:
- Tính tôi hay xem sách khuya, ở đây sợ để đèn, cụ và cô không ngủ được chăng?
Khánh Ngọc cười:
- Ông kiểu cách lắm. Thế bao nhiêu đêm chong đèn suốt sáng, sao chúng tôi vẫn ngủ được. Chúng tôi kéo cái diềm vải che kín giường là hết thấy sáng ngay.
Trọng Khang đành chịu. "Người ta quý mình, mến mình, mình cũng chẳng nên làm quá. Thôi, mươi mười lăm hôm nữa, người ta về, thế là xong chuyện. Con một ông chủ thầu giàu có lấy một ông kỹ sư cầu cống là phải lắm rồi. Bằng kỹ sư với bằng cử nhân sánh với nhau, tốt đôi lắm. Rồi về đến cái xã hội xa hoa ở Hà Nội, người liền quên ngay cái thích một hôm ở trong rừng. Sự đời có phải là sống ở rừng mãi đâu, mà bảo người ta thích mình mãi được".
Chỉ trong hai tuần lễ, Trọng Khang đã quen hết các công việc. Mộ phu, điều đình với các người mộ phu, mua bán các vật liệu, phân phát công việc làm cho cai, nhất nhất việc gì, chàng cũng có thể thay ông Nam Long được cả. Giáp xem địa đồ, chỉ bảo qua loa là chàng coi cai làm được đúng ngay. Lại một điều chàng có oai và biết tiếng Xạ-phang nên cu-ly rất sợ. Các thứ ký đạc điền và cai thì vì chàng tính nết xuề xòa, nên cũng rất yêu. Họ không ưa Giáp vì Giáp kiêu điệu. Tất cả, thấy Khánh Ngọc thân mật với chàng và xa dần Giáp đều bằng lòng.
Được ba tuần lễ, một hôm, sau buổi làm, ông Nam Long bảo chàng:
- Cứ xem cái tình hình này ông có thể thay tôi được lắm lắm. Vài tuần lễ nữa, tôi về Hà Nội, có lẽ tôi chỉ sai người mang tiền lên mà cũng không cần phải lên ngay nữa. Ông trông coi về mọi công việc tiền nong mua bán, còn cậu François thì về công việc tạo tác. Tôi về thì yên lòng lắm. Trừ khi nào xảy ra việc gì quan trọng mới phải đánh dây thép để cho tôi lên. Tôi giao toàn quyền cho hai người, có thể được lắm.
Giáp nghe ông Nam Long nói thế, mặt bỗng sa sầm ngay xuống. Trọng Khang hiểu ý liền nói ngay:
- Bây giờ cụ còn ở đây, những công việc cụ chỉ bảo và sai đi điều đình, tôi cứ theo lời cụ mà làm thì sao chẳng được. Nhưng một ngày kia, cụ về rồi, trong nhiều công việc cần phải quyết định, tôi sợ rằng tôi không đủ kiến thức và kinh nghiệm chăng. Gia dĩ, tôi dù sao cũng là người ngoài, tôi tưởng việc tiền nong cụ nên giao cho ông Giáp, rồi có việc gì cần đến tôi thì tôi giúp. Như thế tiện hơn. Đằng nào ông Giáp với ông cũng là người thân.
Trọng Khang nói đến đây thì Khánh Ngọc cau mặt lại. Nàng vụt mạnh ngọn roi ngựa xuống đôi ủng. Chàng giả ngộ như không thấy biết gì hết.
- Vả lại ông Giáp là kỹ sư. Để cho ông đứng đầu công việc thì người ta phục hơn. Chứ tôi...
Ông Nam Long xua tay:
- Cậu François mới ở trường ra đã biết gì đâu. Vài ba năm nữa, sau khi theo tôi làm một vài việc như thế này rồi thì mới cáng đáng được. Ông ở đây, vừa biết tiếng, lại vừa biết phong tục. Cầu cống, đường sá, thì một ông kỹ sư làm được, bởi đã có dạy ở trong sách, và lại kiểu mẫu nó đã rành rành ra đấy. Nhưng còn những việc... không có cái gì làm định lệ và mực thước, nhưng những việc chúng ta vừa làm thì cần phải có kinh nghiệm và khôn ngoan lắm lắm. Ông tuy chưa làm thầu khoán bao giờ, nhưng trong công việc buôn bán ông đã nhiều kinh nghiệm lắm. Gia dĩ ông lại có đởm lực, có thể thay tôi được. Tôi đi thầu, năm nay ngoại ba mươi năm, tôi biết người lắm, cứ chịu khó giúp tôi. Tôi biết ông có thể đương được những việc lớn lao. Xong việc này, biết đâu ta chẳng còn làm với nhau nhiều việc nữa. Ông đừng từ chối, tôi sẽ chẳng để cho ông thiệt đâu. Sự hạnh ngộ này may cả cho ông và cả cho tôi.
Trọng Khang ngần ngừ một lát:
- Cụ có lòng tin mà giao cho như thế, tôi thật cảm kích khôn cùng. Nhưng có điều này, tôi cần phải thưa thực. Trước kia, tôi cũng có ít vốn, chẳng may cái số long đong bị phá sản phải đi làm công. Như tôi đã thưa với cụ hôm đầu, tôi theo cụ là hy vọng có một ngày kia bao thầu lại của cụ một đoạn đường mà làm. Bây giờ đoạn cuối chưa làm, mà lại san cu-ly. Bây giờ cụ cho tôi mộ cu-ly bao thầu lại đoạn ấy thì...
Ông Nam Long ngắt lời ngay:
- Ông đã nói thật thì tôi cũng lại nói thật. Bây giờ, tôi cần đến ông nhiều lắm. Không khi nào tôi để cho ông đi làm riêng. Trước kia, tôi định bụng chỉ về Hà Nội lấy tiền rồi lại lên ngay vì tôi biết cái công việc lớn như thế này, khó lòng có thể giao cho ai được. Thì đấy ông xem bao nhiêu thư ký và người nhà, tôi mang lên đấy. Họ chỉ có thể làm những công việc phụ mà thôi. Và có đứng đầu, chẳng qua chỉ có thể đứng đầu những công việc nhỏ. Thôi, tôi tính thế này thì ông cũng không thiệt và cũng như là ông làm cho ông. Lãi trong cái công việc này, trừ chi phí đi, tôi sẽ chia cho ông mười lăm phần trăm. Ông cố làm, lãi nhiều thì ông cũng được nhiều. Nếu ông bằng lòng thì mai tôi sẽ làm giấy cho ông.
- Cụ nghĩ thế thì cháu được đội ơn cụ biết mấy. Cần gì phải giấy má, một lời nói của cụ...
- Không, ông không ơn tôi. Cái số tiền tôi chia cho ông, chính ông làm ra, bởi nếu có một người mẫn tiệp, biết tháo vát thì đáng lãi tám nó sẽ lãi lên mười. Mà tôi thì khỏi lên đây vất vả. Tôi nói thiệt, chính tôi cũng đã thấy sợ cái nước độc ở đất này rồi. Vả lại giặc cướp như ong, nếu không có ông, tôi cũng ghê về chỗ đó lắm. Để con cháu ở đây mãi, tôi cũng ngại lắm.
- Ba ngại, nhưng con chẳng ngại tí nào.
Rồi thấy mặt Giáp sa sầm, nàng thương hại:
- À, thế còn anh François, ba định chia cho anh ấy bao nhiêu?
Ông Nam Long cười, trỏ Khánh Ngọc:
- Tôi sẽ chia cho anh cái món lãi kia, chắc anh không bằng lòng tí nào.
Thấy cha mình nói thế trước mặt Trọng Khang, Khánh Ngọc bỗng đỏ mặt:
- Nhưng nếu con không bằng lòng để cho ba... chia như thế thì ba cũng đến chịu, ba nhỉ?
- Như thế thì ba cũng chịu nhưng... sao con lại không bằng lòng. Thôi chúng ta về ăn cơm chứ ba thấy đói lắm rồi. Công việc chạy lắm. Nếu cứ thế này không xảy ra việc gì thì chắc khá to. Ông Trọng Khang, ông nên nhớ ông cũng có bạc vạn ở trong cái số đó đấy.
Trường Đời Trường Đời - Lê Văn Trương Trường Đời