Số lần đọc/download: 2045 / 25
Cập nhật: 2016-06-04 21:09:38 +0700
Chương 11: Xứ Lào: Chiến Tranh Qua Ba Hiệp Định Hoà Bình
C
hiến tranh tự nó vốn đã phức tạp, nhưng chiến tranh ở Lào mới quả là phức tạp ghê gớm. Thật khó mà có một danh từ nào để gọi cho đúng nghĩa cuộc chiến ở đó. Một dân tộc hiếu hoà vô địch như dân tộc Lào, thế mà cứ bị đẩy vào vòng khói lửa! Một vùng đất túi kẹt không có một tác dụng chiến lược đáng kể nào thế mà lại bị đủ mọi thứ cường lực nhào vào xâu xé!
Chung quy chỉ vì chiến tranh Việt Nam nên mới có chiến tranh Lào, chỉ vì muốn tranh thắng ở Việt Nam, nên những kẻ đối chiến mới phải chiếm đoạt lãnh thổ và chận giữ nhau ở Lào. Thành ra, bảo rằng dân tộc Lào nhỏ bé đã bị “cháy thành vạ lây” cũng không ngoa. Thân phận Lào đã đương nhiên bị ràng buộc vào thân phận Việt. Vấn đề Việt Nam không được giải quyết thì vấn đề Lào cũng sẽ vẫn còn đó. Hiệp định đình chiến ở Việt Nam đã được ký kết và đã bị thường xuyên vi phạm, thì hiệp định đình chiến ở Lào cũng sẽ chẳng được ai tôn trọng.
Trong lá thư gửi ông hoàng em Souphanouvong (chủ tịch Mặt Trận Lào Yêu Nước của Cộng Sản) nhân dịp Tết dương lịch 1973, ông hoàng anh Souvanna Phouma (đương kim thủ tướng) đã viết “Tại sao chúng ta lại cứ phải chờ đợi nước khác (ý chỉ Việt Nam) giải quyết xong công việc của họ rồi chúng ta mới giải quyết việc của ta?” Vấn nạn của ông Phouma thật đáng suy nghĩ, nhưng đồng ý với ông thì không; vì điều ông muốn nói quả có hợp tình, song không hợp lý. Cái lý rành rành trước mắt là cả hai anh em ông, lãnh tụ hai phe đối nghịch, đều chỉ là cái bung xung của đế quốc mà thôi! Đã là cái bung xung thì còn tự giải quyết với nhau thế nào được. Đế quốc không thuận nhau, các ông vẫn còn phải tiếp tục mang mặt nạ (cho đỡ ngượng) để mà chửi nhau là đồ tay sai đế quốc, mặc dầu ít ra cũng đã có hai lần các ông ngồi chung với nhau trong thứ chính phủ được gọi là chính phủ liên hiệp.
Liên Hiệp I
Hiệp định đình chiến về Đông Dương được ký kết ở Genève ngày 20 tháng 7 năm 1954 đã quy định quân lực Pháp và CS Việt cùng rút khỏi xứ Lào trong vòng ba tháng sau ngày ngưng bắn [1], còn quân CS Lào được trấn đóng ở hai tỉnh Phong Saly và Sầm Nứa cho tới khi có bầu cử thống nhất Lào quốc vào năm 1955.
Hiệp định Genève 1954 đương nhiên đã là một văn kiện chia cắt đất Lào và tạo ra những tranh chấp nội bộ do ảnh hưởng từ bên ngoài dẫn đến cuộc chiến tranh làm lở lói, đau xót triền miên cho đất nước nhỏ bé này.
Khi trình bày quan điểm của phái đoàn hoàng gia Lào, đại diện Phoui Sananikone tại hội nghị Genève đã cho rằng:
- Lào vốn là một nước độc lập (?) theo hiệp ước 1953 với Pháp.
- Như vậy phe đối chiến ở Lào không thể được coi như lực lượng kháng chiến dành độc lập mà chỉ có thể là lực lượng xâm lăng của CS Việt.
- Lực lượng xâm lăng ấy phải triệt thoái ra khỏi Lào.
Quan điểm này quá cứng rắn nên không giải quyết được vấn đề CS Lào. Có người đã nghĩ đến một giải pháp mềm mỏng hơn là đưa đề nghị liên hiệp ra ngay lúc ấy để tìm cách hoà tan lực lượng CS trong đại khối quốc gia Lào, nhưng dĩ nhiên cũng lại gặp sự chống đối của phe Cộng (Nga, Trung Hoa, CS Việt.) Bằng chiến lược chung đã sẵn có, phe Cộng quyết duy trì lực lượng CS Lào để sử dụng sau này, do đó đã đưa ra đề nghị lấy hai tỉnh Phong Saly và Sầm Nứa làm nơi tập trung quân CS. Mendès France, thủ tướng và cũng là người cầm đầu phái đoàn Pháp, với tinh thần vô trách nhiệm (dĩ nhiên!) chỉ cốt sao cho xong việc, đã nhắm mắt chấp nhận đề nghị này.
Bầu cử 1955 đã được thực hiện, nhưng CS Lào tẩy chay không tham dự. Tuy nhiên, sau cuộc nói chuyện giữa anh em Souvanna Phouma và Souphanouvong, đôi bên đã đi đến thoả thuận là chính phủ Vientiane bảo đảm chính sách trung lập, Mặt Trận Lào Yêu Nước của CS sẽ trở nên một chính đảng hợp pháp, hai tỉnh Phong Saly và Sầm Nứa được tái sát nhập vào lãnh thổ quốc gia và sau hết là việc chính quy hoá lực lượng vũ trang CS. Sau khi đã đạt được thoả thuận trên, Phouma đã thể hiện ngay chủ trương trung lập của mình bằng cách bay đi Bắc Kinh, Hà Nội để gặp gỡ Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh và nhiều lãnh tụ các nước CS khác.
Vượt qua nhiều khó khăn do những người cầm đầu hữu phái Lào gây ra, ngày 19 tháng 11 năm 1957, Phouma đã lập xong chính phủ liên hiệp đầu tiên ở Lào. Trong nội các Liên Hiệp có hai ghế dành cho Souphanouvong và Phoumi Vonvichit, đại diện Mặt Trận Lào Yêu Nước. Về chính trị, phe CS đã thực sự sinh hoạt trong hình thức chính đảng hợp pháp, tuy nhiên việc sát nhập lực lượng vũ trang của họ vào quân lực hoàng gia vẫn còn gặp nhiều trục trặc mà phần lớn do ở chủ trương giữ miếng của họ.
Ngày 4 tháng 5 năm 1958, trong một cuộc bầu cử bổ túc để tuyển thêm 21 dân biểu, Mặt Trận Yêu Nước đã chiếm chín ghế và phe trung lập thân cộng chiếm bốn. Nghĩa là tả phái thắng thế trông thấy nhờ sự phân hoá nội bộ của hữu phái. Mỹ không chấp nhận tình trạng ấy và Mỹ đã nhúng tay vào nội tình Lào để phá Liên Hiệp.
Một mặt Mỹ thao túng quốc hội Lào qua Uỷ Ban Bảo Vệ Quyền Lợi Quốc Gia (Comité De La Défense Des Intérêts Nationaux), một tổ chức chính trị của giới quân nhân, công chức cực hữu Lào do Cơ Quan Tình Báo Trung Ương Mỹ (CIA) thành lập và tài trợ. Mặt khác, quan trọng hơn: Mỹ đã cúp ngang viện trợ Lào, sau một loạt tố cáo chính phủ Souvanna Phouma tham nhũng và điều hành bất chính ngoại viện. Chính phủ nào sống vì viện trợ của Mỹ mà không tham nhũng và điều hành bất chính viện trợ ấy. Chẳng qua Mỹ vốn biết nhưng để yên, lúc nào cần sử dụng mới lôi món ấy ra đấy thôi.
Mỹ phá Liên Hiệp I, vì trước hết Mỹ vốn không ưa dàn xếp theo kiểu Genève 1954, sau nữa Mỹ muốn chứng tỏ uy thế với phe phái tự nhận là đứng giữa mà Souvanna Phouma là đại diện. Theo Mỹ, Phouma là một nhân vật thân Pháp và có khuynh hướng thiên Cộng. Thật ra thì không hẳn Phouma thiên Cộng, ông ta chỉ phản ảnh đúng tâm trạng họ hàng nhà vợ (Pháp) hồi ấy [2]. Tâm trạng Paris hồi ấy là oán ghét Mỹ tận thâm căn sau vụ bị Mỹ bỏ rơi cho quốc bại danh liệt ở Điện Biên.
Qua cuộc vận động gián tiếp của Mỹ, trực tiếp của Uỷ Ban Bảo Vệ Quyền Lợi Quốc Gia, quốc hội Lào đã bỏ phiếu bất tín nhiệm Phouma, buộc Phouma phải từ chức vào ngày 22 tháng 7 năm 1958; và sau đó với đa số hai phần ba, quốc hội đã chỉ định Phoui Sananikone lập nội các mới ngày 18 tháng 8 năm 1958. Sananikone đã bồi thêm một phát súng ân huệ cho Liên Hiệp I bằng cách loại hẳn thành phần CS Lào ra khỏi tân nội các.
Souphanouvong bèn tố cáo chính phủ mới vi phạm thoả ước nội bộ 1957, áp dụng những biện pháp khủng bố cựu cán bộ kháng chiến và đã ngỏ cửa cho Mỹ can thiệp vào nội tình xứ Lào. Cộng Sản Trung Hoa cũng phụ hoạ theo và cảnh cáo hữu phái Lào trong việc biến xứ Lào thành căn cứ quân sự của Mỹ. Cộng Sản Việt thì lên tiếng ủng hộ Souphanouvong trong sự kêu gọi phục hoạt Uỷ Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến để điều tra những vụ vi phạm hiệp định Genève của nội các Sananikone. Trong khi ấy lực lượng vũ trang CS Lào ở vùng biên giới với sự hỗ trợ của Bắc Việt đã mở cuộc tấn công mới nhằm tái chiếm hai tỉnh Phong Saly và Sầm Nứa để lập lại căn cứ.
Giai Đoạn 1959-1961
Tháng 1 năm 1959, Sananikone đã ép quốc hội trao toàn quyền hành động cho ông ta về mặt đối nội. Tháng 4 năm 1959, quân đội hữu phái Lào bất thần bao vây hai tiểu đoàn CS Lào ở Luang Prabang và Cánh Đồng Chum sau khi đại tá Singkapo Choulamany của CS không chịu theo lênh sát nhập của Sananikone. Tiểu đoàn CS ở Luang Prabang đã quy hàng, nhưng tiểu đoàn ở Cánh Đồng Chum đã vượt ra khỏi lưới bao vây của quân chính phủ và rút lui về phía biên giới Lào Việt (ngày 18 tháng 5 năm 1959.) Chính vì lý do này, chính quyền đã mượn cớ bắt giữ các lãnh tụ CS ở Vientiane, trong đó có Souphanouvong.
Nội chiến bùng nổ và tiếp diễn. Trước viễn ảnh không lối thoát, càng ngày Sananikone càng tỏ ra mất dần khuynh hướng thiên hữu quá khích lúc đầu. Điều này đã làm phật lòng những người trong phe cánh cũ của ông. Vì vậy việc phải đến đã đến: hai tháng sau lễ đăng quang của vua Savang Vatthana [3], Sananikone đã bị lật đổ trong một cuộc đảo chính êm nhẹm (tháng 11 năm 1960) do tướng Phoumi Nosavan, tổng trưởng quốc phòng, và những phần tử trong Uỷ Ban Bảo Vệ Quyền Lợi Quốc Gia tổ chức.
Chính phủ mới thiên hữu hơn nữa đã được thành lập. Kouprasith Abhay làm thủ tướng lâm thời cho tới cuộc bầu cử tháng 4 năm 1960 thì bị Tiao Somsanith, nhân vật vây cánh của Phoumi Nosavan, thay thế.
Chính phủ Somsanith chỉ tồn tại được vài tháng thì bị đại uý Kong Le lật đổ trong một cuộc đảo chính (tháng 8 năm 1960). Kong Le là người gốc thiểu số vùng Tchéphone, Hạ Lào. Khi ấy ông ta đang chỉ huy Tiểu Đoàn 2 Dù, tiểu đoàn thiện chiến nhất của quân đội hoàng gia Lào. Nhằm ngày hầu hết nhân viên chính quyền tụ họp ở Luang Prabang để chuẩn bị lễ hoả táng vua Sisavang Vong, Kong Le đã đem quân chiếm giữ các cơ sở chính quyền ở Vientiane và đã thành công một cách dễ dàng.
Chính biến ở Vientiane đã được hợp thức hoá bằng cuộc bỏ thăm của quốc hội bất tín nhiệm chính phủ (đã bị lật đổ) Somsanith, đồng thời vua Savang Vatthana mời Phouma (qua sự yêu cầu của Song Le) ra lập chính phủ mới. Phouma đã sử dụng chiến thuật điều giải cũ của ông trong nỗ lực tái lập một chính phủ liên hiệp. Nhưng ngay từ lúc đầu ông đã thất bại vì Phoumi Nosavan đã chạy xuống Hạ Lào nhập chung với phe Boum Oum, còn Souphanouvong mới trốn thoát khỏi trại giam ở Vientiane (tháng 5 năm 1960) và đang ở vùng biên giới Lào Việt, chắc chắn không dám về thủ đô trong một tình trạng bấp bênh sau một cuộc đảo chính.
Từ Savanakhet, Boum Oum đã cùng Nosavan thành lập uỷ ban cách mạng và chuẩn bị bắc tiến. Boum Oum là người thừa kế dòng vua Champassak ở Hạ Lào. Mặc dầu không còn vương hiệu, nhưng nhờ uy thế gia đình, với tính cách lãnh chúa địa phương trong xứ Lào phong kiến, ông vẫn được coi là chủ nhân thực sự ở Quân Khu IV (gồm năm tỉnh cực Nam) cho tới thời ấy.
Ngày 9 tháng 12 năm 1960, quân đội miền Nam đã tiến chiếm Vientiane, đẩy quân Kong Le lên đường 13 phía bắc thủ đô. Boum Oum được quốc vương chỉ định làm thủ tướng ngày 12 tháng 12 năm 1960. Trong khi ấy, lực lượng CS đã lợi dụng tình thế, tiến chiếm Sầm Nứa một cách dễ dàng, đồng thời tràn về Cánh Đồng Chum bắt tay với quân Kong Le vào đầu năm 1961.
Cuối tháng 2 năm 1961, Phouma cũng về Cánh Đồng Chum và phối hợp với phe trung lập Kong Le cùng CS Lào lập hạt nhân cho chính phủ liên hiệp ở Khang Khay. Được các nước CS tiếp tục công nhận là người cầm đầu chính phủ Lào, Phouma đã xuất ngoại du hành nhiều nước để xin viện trợ. Nga Sô đã đáp ứng bằng cách tiếp tế vũ khí, đạn dược, nhiên liệu cho phe CS và trung lập ở Cánh Đồng Chum, trong khi Mỹ cũng ráo riết yểm trợ cho phe Boum Oum ở Vientiane.
Tình hình đưa đến chỗ xứ Lào có hai chính phủ, mỗi chính phủ được một phần thế giới công nhận và yểm trợ. Chiến tranh uỷ nhiệm Nga Mỹ thể hiện rõ rệt nhất tại Lào trong lúc này. Nhưng cũng chính vì thế mà cả Nga lẫn Mỹ đều cùng phải duyệt xét lại chính sách của mình, vì cả hai đế quốc đứng đầu hai khối quốc tế đều cùng e dè sự bành trướng của Trung Cộng xuống miền Nam. Do đó đế quốc đôi bên mới cùng thoả thuận đưa vụ Lào ra trước một hội nghị Genève mới để tìm phương thế giải quyết.
Liên Hiệp 2
Do sự thoả thuận ngầm bên trong, vào tháng 4 năm 1961, Anh và Nga với tư cách đồng chủ tịch hội nghị Genève 1954 đã đưa ra quyết định triệu tập hội nghị Genève mới về Lào. Hội nghị đã khởi họp ngày 15 tháng 5 năm 1961 với thành phần 14 phái đoàn tham dự [4]. Bên lề hội nghị vẫn là những vận động ngầm của hai bên Nga Mỹ. Ngày 4 tháng 6 năm 1961, trong thông cáo chung của cuộc họp thượng đỉnh Kennedy-Khrushchev, Nga Mỹ cùng chấp thuận hình thức trung lập cho xứ Lào và cùng nhấn mạnh đến sự quan trọng của một cuộc ngưng bắn có hiệu lực. Chính quyết định này của hai người cầm đầu hai đế quốc đối nghịch đã đưa đến thoả thuận giữa ba ông hoàng Lào, Souvanna Phouma, Boum Oum và Souphanouvong, tại Zurich ngày 22 tháng 6 năm 1961 về việc thành lập một chính phủ liên hiệp ba thành phần tại Lào.
Thoả thuận như vậy, nhưng khi về đến Vientiane, Boum Oum cứ lần lữa không thi hành, lấy cớ là chờ kết quả hội nghị 14 phái đoàn ở Genève về Lào. Khốn thay hai trùm đế quốc đã quyết định thì không thể làm khác được. Do đó Vientiane đã bị Mỹ cúp viện trợ từ tháng 2 năm 1962 giữa lúc cộng quân đang tấn công khắp nơi. Đầu tháng 5 năm 1962, thị trấn bị vây hãm Nam Tha đã thất thủ chỉ vì Vientiane không còn đạn dược, lương thực để tiếp tế!
Thấm đòn của Mỹ, sang tháng 6 năm 1962, Boum Oum đành trao quyền lại cho Phouma với chính phủ liên hiệp ba thành phần mới. Hội đồng nội các của chính phủ liên hiệp lần thứ hai gồm có mười chín ghế thì phe trung lập chiếm mười một, phe hữu bốn và phe cộng bốn. Phouma là thủ tướng kiêm tổng trưởng quốc phòng, Phoumi Nosavan và Souphanouvong đều là phó thủ tướng.
Ngay sau khi lập xong chính phủ, vị thế của Phouma còn được củng cố vững mạnh hơn bao giờ hết với sự cam kết tôn trọng chủ quyền và nền trung lập Lào của 14 thành viên hội nghị Genève qua bản hiệp định ngày 23 tháng 7 năm 1962.
Từ Liên Hiệp 1 đến Liên Hiệp 2, người ta đều thấy Mỹ áp dụng một ngón đòn độc đáo là cúp viện trợ để buộc phải liên hiệp. Bài học Vientiane, cũng như bài học Sài Gòn năm 1963, cho thấy một chính quyền chỉ nhờ viện trợ Mỹ mà đứng vững thì chắc chắn sẽ không thể nào tồn tại khi đột nhiên bị cúp viện trợ. Lý do giản dị vì viện trợ Mỹ là loại viện trợ ăn ngày nào biết ngày ấy.
Trong chính phủ liên hiệp lần thứ hai, chỗ dựa chính trị của Souvanna là sự thoả thuận giữa các đế quốc và chỗ dựa quân sự là lực lượng trung lập trong nước. Một khi các đế quốc không còn thoả thuận được với nhau nữa, hoặc khi lực lượng trung lập trong nước tan rã thì cái thế liên hiệp ở Lào phải sụp đổ.
Với các đế quốc, Phouma chỉ lo giữ thăng bằng giữa Nga và Mỹ, nhưng càng ngày lại càng mất tín nhiệm với Trung Cộng, và từ đó mất luôn tín nhiệm với Bắc Việt. Bắc Việt, vốn cầm chịch mọi hoạt động của CS Lào, đã bày mưu tính kế phá rã hàng ngũ trung lập của Phouma. Đó là sự tách rời của nhóm Deuan Sunnalath ra khỏi lực lượng Kong Le từ cuộc đảo chính ngày 9 tháng 8 năm 1960. Deuan chính thức tách sang hàng ngũ tả phái vào tháng 4 năm 1963, nhưng trước đó, với sự phối hợp của CS Lào, đã bắn rơi phi cơ tiếp tế của phe Kong Le (hãng Air America) ngày 27 tháng 11 năm 1962 và ám sát tư lệnh phó của Kong Le là đại tá Ketsana Vongsouvan ngày 12 tháng 2 năm 1963.
Để trả đũa, phe Kong Le đã ám sát ngoại trưởng trung lập thân cộng Quinim Pholsena tại Vientiane ngày 1 tháng 4 năm 1963. Thế là chiến tranh giữa nội bộ phe trung lập bùng nổ. Lực lượng CS và Deuan đã trục xuất lực lượng Kong Le ra khỏi Cánh Đồng Chum và khởi sự uy hiếp con đường độc nhất nối Luang Prabang với Vientiane. Giữa lúc chiến tranh đang diễn ra, Souphanouvong và Phoumi Vongvichit đã rút êm khỏi Vientiane về Khang Khay lập cơ sở đầu não mới.
Đầu năm 1964, Souvanna Phouma đã gặp Souphanouvong hai lần, một tại Sầm Nứa vào tháng 2 và một tại Khang Khay vào tháng 4, nhưng đã chẳng hàn gắn lại được gì. Trong khi ấy thì ở phe hữu lại đảo chính (ngày 19 tháng 4 năm 1964) nhằm lật đổ Phouma, nhưng nhờ sự can thiệp của ngoại quốc, đặc biệt là Mỹ, Phouma vẫn giữ nguyên được ghế thủ tướng. Tuy nhiên, phe trung lập đã không còn trung lập, một nửa đi theo CS, một nửa trở lại với phe hữu. Chính phủ Phouma cũng không còn giữ được tính chất liên hiệp lúc đầu mà rõ ràng đã tự biến thành hữu phái trong một cuộc chiến luôn luôn có khuynh hướng đào thải thế đứng giữa.
Sự thay đổi này của Phouma đã được cụ thể hoá bằng công bố ngày 1 tháng 5 năm 1964, theo đó ông ta đã được các phe phái ở Vientiane chấp thuận là đại diện cả trung lập lẫn hữu phái. Thế đứng của Phouma ở Vientiane được coi là khá vững, nhất là từ khi ông loại được hai tướng hữu phái Phoumi Nosavan và Siho Lamphouthakoul trong một cuộc chính biến do hai tướng này khởi xướng (ngày 31 tháng 1 năm 1965). Năm 1966 ông ra lệnh đặt quân trung lập dưới quyền chỉ huy trực tiếp của bộ tư lệnh Vientiane. Kong Le không chịu, nhưng cũng không bỏ theo CS nên đã tự lưu vong sang Thái, rồi sang Pháp.
Rút cục, Vientiane chỉ còn một phe, đó là phe hữu. Còn đối lập với Vientiane là phe Cộng, trong đó bao gồm cả lực lượng trung lập Deuan. Phe Deuan vẫn thường được CS gọi là lực lượng trung lập yêu nước, sau này trở thành bộ phận nồng cốt của Liên Minh Các Lực Lượng Trung Lập Yêu Nước Lào [5] do CS lập ra năm 1968. Trong số các tổng trưởng trung lập của chính phủ liên hiệp, tổng trưởng nào tự đồng hoá với phe hữu thì ở lại chức vị cũ, tổng trưởng nào tự đồng hoá với phe tả thì ra mật khu (Khamsouk Keola, Heuan Monkonvilay).
Chiến Tranh Mở Rộng
Sự đổ vỡ của cuộc liên hiệp gượng ép 1962 đã đưa xứ Lào vào trận chiến lần thứ hai kể từ khi có hiệp định đình chiến trên toàn cõi Đông Dương 1954. Chiến tranh Lào mang nhiều ý nghĩa khác nhau tuỳ theo nhận định hoặc theo cách nói có lợi (để tuyên truyền) của mỗi phe. Đối với Vientiane thì đây là cuộc chiến giữa Lào và Bắc Việt. Lào chiến đấu để chống lại quân xâm lăng Bắc Việt, nhưng vì thế yếu chống không nổi nên phải nhờ đồng minh (Mỹ) trợ giúp. CS Lào thì dĩ nhiên bao giờ cũng phủ nhận sự hiện diện của Bắc Việt và tự khoác cho mình chiêu bài kháng chiến chống can thiệp Mỹ. Cạnh Mỹ cũng còn được CS kể thêm quân đội tay sai hữu phái (Vientiane), quân “phỉ” Vang Pao, quân Thái đánh thuê. Các đế quốc cầm chịch cho cuộc chiến thì dĩ nhiên cũng cùng luận điệu với mỗi phe ở Lào, mặc dầu mỗi đế quốc đều tự hiểu rõ vai trò thật sự của mình. Có một số người Mỹ lại đưa ra một lập luận khá ngộ nghĩnh rằng thực chất chiến tranh Lào chỉ là một cuộc tranh chấp có tính cách lịch sử: đó là cuộc tranh chấp để khống chế đất Vạn Tượng (Lan Xang) của Việt Nam và Thái. Trong giai đoạn này, Việt Nam (Bắc Việt) đã tràn sang Lào, Thái không trực tiếp chống đỡ nhưng đã giúp rập Vientiane (qua Mỹ) bằng cách nhượng đất cho Mỹ lập căn cứ, cấp người cho Mỹ lập lực lượng đặc biệt.
Nhìn từ khía cạnh khác, người ta có thể dễ nhận thấy cuộc chiến quanh đi quẩn lại chỉ ở một số khu vực: tại Hạ Lào là khu vực hệ thống hành lang Hồ Chí Minh của Bắc Việt, tại Thượng Lào là khu vực Cánh Đồng Chum. Bắc Việt đã giữ vững hệ thống đường mòn suốt muời năm. Còn Cánh Đồng Chum thì đã bị giành đi giật lại nhiều lần do các cuộc tấn công và phản công của đôi bên. Thường thường cứ mùa khô CS tấn công chiếm đoạt nhiều điểm trọng yếu; sang mùa mưa quân hữu phái lại phản công giành lại. Chuyện này cứ lập đi lập lại hàng năm cho nên đã có người gọi chiến tranh Lào là “giặc mùa”.
Bắc Việt giữ trọn mặt đông và nam Hạ Lào, nơi có hành lang thâm nhập Hồ Chí Minh chạy qua, và những trục đường quan trọng nối Bắc Việt với Thượng Lào. Bắc Việt hoàn toàn trách nhiệm việc chiến đấu tại những phần đất này, nhưng cũng luôn luôn yểm trợ CS Lào trong những trận đánh lớn vào sâu vùng hữu phái kiểm soát để giúp CS Lào chiếm thêm đất. Quân CS Lào thường chỉ giữ nhiệm vụ bình định và tổ chức chính quyền hạ tầng trên những khu vực do Bắc Việt đã đánh chiếm được.
Năm 1964 là năm ghi dấu mức leo thang thâm nhập lãnh thổ Lào của Bắc Việt, phần vì nhu cầu chuyển quân xuống Nam Việt Nam, phần vì phải cứu nguy cho quân CS Lào. Trong cuộc tấn công mùa mưa của quân hữu phái, CS Lào đã phải bỏ đường 13, nhất là hai thị trấn quan trọng Vang Vieng và Sala Phou Khoun; ngoài ra quân hữu phái còn lấn chiếm lập cả tiền đồn sâu vào lãnh thổ Phong Saly và Sầm Nứa. Trong năm 1965, Bắc Việt đã tấn công mở đường và đã hoàn toàn làm chủ miền đông Hạ Lào với hai cửa ngõ yết hầu sang Lào là đèo Mụ Giạ và Bản Karai. Đồng thời Bắc Việt cũng khai thông đèo Keo Neua và Napé, và mở được Đường số 7 qua đèo Barthélémy sang Cánh Đồng Chum.
Cuối năm 1967, tình hình Lào tương đối ổn định. Hữu phái Lào kiểm soát hoàn toàn được 50% và bán phần được 20% lãnh thổ. Tuy nhiên, từ tháng 1 năm 1968, Lào đã bị Bắc Việt tấn công dữ dội song song với cuộc tổng công kích tại miền Nam Việt Nam. Ngày 13 tháng 1 năm 1968, Bắc Việt mở đầu cuộc công kích bằng trận đánh thung lũng Nam Bao làm tan rã 2.000 quân hữu phái. Tại Cánh Đồng Chum, Bắc Việt và Cộng Sản Lào đã phá rã nhiều tiền đồn hữu phái ở Xieng Khouang và tràn sang vùng Cửu Long có ý muốn cắt đôi xứ Lào. Ngay từ đầu năm, Bắc Việt cũng đã đánh chiếm nhiều tiền đồn hữu phái dọc đường số 9 và xây dựng Tchépone thành căn cứ hậu cần quan trọng để tiếp tế cho ba sư đoàn đang vây ép tập đoàn cứ điểm Khe Sanh của Mỹ ở Quảng Trị. Tại Nam Hạ Lào, Bắc Việt đã khởi sự bao vây cô lập Saravane và Attopeu từ tháng hai, đồng thời cũng biểu dương lực lượng bức rút căn cứ Lao Ngam ở tây nam Saravane.
Về phía hữu phái, sau những mất mát nặng nề lúc ban đầu, các lực lượng địa phương cũng đã đoạt lại nhiều khu vực đáng kể. Tháng 5 năm 1968, trong cuộc phản công đầu mùa mưa, quân hữu phái đã mở lại được đường số 9 tới Mường Phalane và khai thông được một số trục lộ tại cao nguyên Boloven. Tại mạn Đông Bắc, lực lượng đặc biệt Vang Pao đã chiếm lại được hàng chục tiền đồn. Tới tháng 11 năm 1968, Vang Pao đã tiến sâu vào tỉnh Sầm Nứa tới điểm chỉ còn cách bộ tư lệnh CS Lào có 20 km. Tuy nhiên, tổng kết toàn niên, hữu phái cũng đã mất thêm một phần lãnh thổ.
Trong mùa mưa 1968, quân Vang Pao, với sự yểm trợ mạnh mẽ của không quân Mỹ, đã chiếm lại Mường Suôi, trục xuất CS Lào ra khỏi Cánh Đồng Chum và cả Khang Khay. Nhưng đến tháng 1 năm 1970, Mỹ và Vang Pao lại phải bỏ Cánh Đồng Chum khi thấy Bắc Việt chuẩn bị tấn công lớn mùa khô. Trận đánh đầu năm 1970 là trận đánh lớn nhất ở Lào tính tới lúc đó. Bắc Việt với hàng chục ngàn quân đã mở cuộc tấn công mà không cần CS Lào tháp tùng như thường lệ. Những thị trấn bị Bắc Việt dứt điểm như Xieng Khouang, Mười Suôi, Sam Thong đều trở nên hoang địa vì bom Mỹ dội quá khốc liệt.
Chiến trận 1971 đáng ghi nhận nhất là cuộc tấn công đường số 9 của quân đội VNCH nhằm cắt đứt hành lang Hồ Chí Minh và phá căn cứ hậu cần của Bắc Việt ở Tchépone. Cuộc tấn công khởi diễn vào ngày 8 tháng 2 năm 1971 và được mệnh danh là hành quân Lam Sơn 719. Trận đánh đã diễn ra hoàn toàn trong lãnh thổ Lào và ở một tầm mức rất lớn lao, nhưng thực sự không có ảnh hưởng gì đến Vientiane. Chiến sự liên hệ đến quân đội hữu phái ngoài những cuộc giằng co cố hữu ở khu vực Cánh Đồng Chum, còn có trận đánh lớn cao nguyên Boloven.
Bắc Việt nỗ lực chiếm cao nguyên Boloven ở Nam Hạ Lào nhằm nối kết khu vực này với các tỉnh Bắc Kam-pu-chia và tây biên cao nguyên Nam Việt Nam để thành lập căn cứ địa Đông Dương (ba nước) và đồng thời cũng để mở đường tiếp vận xuống Kam-pu-chia sau khi cửa khẩu Kompong Som (Sihanoukville) đã không còn sử dụng được nữa (từ cuộc đảo chính tháng 3 năm 1970.) Tại Cánh Đồng Chum, quân Vang Pao được phi pháo Mỹ yểm trợ đã tấn công mở rộng vùng kiểm soát vào đầu mùa mưa. Hết mùa mưa, tháng 12 năm 1971, quân Bắc Việt lại tấn công quy mô với hai sư đoàn 312, 316, ba trung đoàn độc lập, một trung đoàn pháo, một bộ phận phòng không và một bộ phận xe tăng, đã dồn quân Vang Pao vào cứ điểm cuối cùng là Long Cheng. Long Cheng là nơi có bộ tư lệnh quân khu II của Vang Pao, đồng thời cũng là một căn cứ chính của bộ phận Cơ Quan Tình Báo Trung Ương Mỹ (CIA) ở Lào. Cộng quân đã thâm nhập hàng rào phòng thủ cứ điểm Long Cheng, nhưng Long Cheng đã không mất nhờ phi pháo Mỹ yểm trợ đắc lực.
Sang tháng 3 năm 1972, Vang Pao chiếm lại được Sam Thong, tới tháng 9 chiếm thêm được mẩu nam Cánh Đồng Chum, nhưng giữa tháng 10 lại bị đẩy lui. Cuối năm 1972, Vang Pao tấn công lần nữa, nhưng cũng lại bị đẩy lui, nghĩa là rút cục sang mùa khô Cánh Đồng Chum vẫn tiếp tục nằm trong tay cộng quân. Ở Hạ Lào, chiến trận đã xảy ra xung quanh vùng Paksé. Thị trấn Kong Sédone ở bắc Paksé đã bị chiếm đi, đoạt lại nhiều lần trong suốt năm 1972.
Những trận đánh cuối năm 1972 và đầu năm 1973 trở nên dữ dội vì cả hai bên cùng cố tạo thế thượng phong để làm áp lực cho cuộc hoà đàm ở Vientiane (khai diễn ngày 17 tháng 10 năm 1972) giữa đại diện chính phủ Phouma cùng đại diện phe cộng và thân cộng. Quan trọng nhất là trận đánh đường 13 nối Vientiane với Luang Prabang. Cộng quân đã chiếm được 200 km trên đ đường 13, trong đó có giao lộ chiến lược Sala Phou Khoun. Tại Hạ Lào, dưới hoả lực dữ dội của CS trong cuộc tấn công suốt ba tuần lễ, quân hữu phái rút khỏi thị trấn Saravane.
Tới ngày 21 tháng 2 năm 1973, đôi bên đã ký hiệp định dình chiến, nhưng cũng như tại Việt Nam, tiếng súng đã không vì thế mà ngưng hẳn và hơn nữa, chưa có dấu hiệu gì cho thấy quân ngoại nhập chuẩn bị rút khỏi Lào.
Quân Ngoại Nhập
Nói đến quân ngoại nhập tại Lào, thông thường người ta nghĩ ngay đến quân Bắc Việt. Điều đó đúng, vì quân Bắc Việt giữ một vai trò quan trọng bậc nhất trong cuộc chiến tranh tại Lào. Tuy nhiên, ngoài quân Bắc Việt còn có quân Mỹ, quân Thái và quân Trung Hoa, dưới danh nghĩa này hay danh nghĩa khác.
Bắc Việt đã dính líu vào Lào từ lâu. Ngay từ thời kháng Pháp, kháng chiến quân Việt Nam đã tràn sang xứ Lào, lập căn cứ và đánh nhiều trận lớn. Trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ hai, gần như không lúc nào ở Lào vắng bóng quân Bắc Việt. Nhất là từ năm 1964, vì nhu cầu mở rộng hành lang thâm nhập từ Bắc vào Nam, Bắc Việt đã đem 15.000 quân sang Lào vào đầu năm và tăng gấp đôi số lượng này vào cuối năm. Từ 1965 đến 1972, Bắc Việt đã duy trì trung bình 50.000 quân tại Lào, riêng tại hành lang Hồ Chí Minh đã phải đặt thường trực 30.000 quân (Đoàn 559, vận tải và bảo vệ).
Hành lang Hồ Chí Minh của Cộng Sản Việt tại Lào là một hệ thống đường xe tổng cộng chừng 2.500 km với trục đường chính chạy từ Bắc xuống Nam nối các cửa ngõ ở biên giới Bắc Việt (Đèo Mụ Giạ, Bản Karai, Bản Raving) tới các căn cứ địa dọc biên giới của miền Nam Việt Nam và đồng thời vào sâu lãnh thổ Kam-pu-chia. Có thể nói việc duy trì hành lang này là một kỳ công của Bắc Việt trong chiến tranh hiện tại, vì hành lang luôn luôn bị đánh phá bằng cả phi cơ chiến thuật lẫn pháo đài bay chiến lược B52. Công việc sửa chữa, mở rộng, thiết lập hệ thống đường vòng … gần như không lúc nào ngơi, sức người sức của đổ ra thật khó mà lường được.
Về phía Mỹ, hoạt động chiến tranh chính ở Lào là những vụ đánh phá bằng không quân có căn cứ ở ngoài lãnh thổ Lào, nhất là tại Thái. Theo Không Lực 7, riêng các phi xuất chiến thuật do Không Lực này đảm nhận đã lên tới 111.872 vào năm 1970 và 90.059 vào năm 1971. Về hoạt động B52, do Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương Mỹ công bố, năm 1971 đã có tới 8.823 phi xuất ở Lào, chiếm 70% số phi xuất chiến lược trên toàn cõi Đông Dương.
Ngoài hoạt động phi cơ, Không Quân Mỹ cũng còn đặt nhiều vị trí radar và điều không trên lãnh thổ Lào, để điều khiển các phi vụ thám sát và oanh tạc Bắc Việt. Một vị trí quan trọng đã được Mỹ thiết lập trên đỉnh Phou Pha Thi, (cao độ gần 2.000 m, cách biên giới Bắc Việt 27 km) năm 1966. Ngày 13 tháng 1 năm 1968, Bắc Việt đã dùng phi cơ bắn phá, nhưng bị hoả lực của vị trí hạ hai chiếc Antonov-2. Ngày 11 tháng 3 năm 1968, Bắc Việt đã đem đặc công đánh tiêu diệt vị trí, giết hàng chục chuyên viên kỹ thuật không quân Mỹ. Chính sự kiện này đã là một yếu tố quan trọng đưa đến quyết định ngưng ném bom trên vĩ tuyến 20 ngày 31 tháng 3 năm 1968 của Johnson [6].
Sau này công tác thám sát và điều không đã được Mỹ tối tân hoá thêm một bước bằng cách sử dụng những phi cơ trang bị dụng cụ điện tử đặc biệt có khả năng y như một căn cứ radar và điều không trên mặt đất. Hơn nữa, Mỹ còn đẩy mạnh nỗ lực đặt hàng rào điện tử dọc hành lang thâm nhập của Bắc Việt để theo dõi các hoạt động di chuyển trên hành lang. Những dụng cụ được dùng có tên chung là máy điện giác (electronic sensor), nhưng công dụng mỗi loại mỗi khác. Có loại chuyên bắt các chấn động trên mặt đất; có loại chuyên khám phá các vật bằng kim loại chuyển qua; có loại bắt được những vật có nhiệt độ cao…Những tín hiệu do máy điện giác phát ra được chuyển tới một phi cơ điện tử trung gian, thường thường là loại C130, rồi từ đó mới chuyển tới một phi cơ điện tử trung gian, thường thường là loại C130, rồi từ đó mới chuyển về trung tâm hành quân đặt ở Thái [7].
Dầu sao, các hoạt động điện thám cũng chỉ liên quan tới hành lang Bắc Việt, công việc liên hệ mật thiết hơn đến nội tình xứ Lào là hoạt động của bộ phận Cơ Quan Tình Báo Trung Ương Mỹ (CIA) tại Lào. Vào năm 1962, ngay khi các cố vấn và chuyên viên quân sự rút đi theo tinh thần hiệp định Genève thì phòng tuỳ viên của sứ quán Mỹ và Cơ Quan Phát Triển Quốc Tế Mỹ (USAID) tại Lào cũng tăng nhân viên lên đột ngột. Số nhân viên này thực ra là người của Cơ Quan Tình Báo Trung Ương, được đổ vào Lào vừa để nối tiếp công việc cố vấn và tiếp vận của phái bộ quân sự cũ, vừa nhằm vào một công tác mới có tầm mức quan trọng hơn: đó là việc lập hẳn một lực lượng mới mà Mỹ tin là sẽ chiến đấu tích cực hơn dưới quyền điều khiển trực tiếp của Mỹ.
Lực lượng do Mỹ tuyển dụng gồm chừng 30.000, bộ tư lệnh được đặt ở Long Cheng trong tỉnh Xieng Khouang, và do tướng Vang Pao chỉ huy. Vùng trách nhiệm của lực lượng này là Quân Khu 2, gồm tỉnh Xieng Khouang (nơi tranh chấp gay go nhất ở Thượng Lào) và tỉnh Sầm Nứa (do Cộng quân kiểm soát gần hết.) Lúc đầu Mỹ chỉ tuyển dụng người Mèo, vì người Mèo rất hiếu chiến và có tinh thần tự vệ cao độ; nhưng sau lính Mèo bị thương vong quá nhiều, Mỹ đã phải tuyển dụng cả người Lào Theng (Thượng ở độ cao trung bình) và người Lào miền xuôi. Mặc dầu trấn giữ một khu vực rất quan trọng, có thể coi là bình phong che chở cho Vientiane và Luang Prabang, nhưng vì không kiểm soát được nên chính phủ Vientiane rất ít quan tâm đến lực lượng này. Vào tháng 3 năm 1970, trong khi đang có những trận đánh sinh tử giữa Sư Đoàn 316 Bắc Việt và liên quân Mèo, Thái tại Xieng Khouang làm xôn xao dư luận thế giới, thì ở Vientiane, thủ tướng Souvanna Phouma mở tiệc cưới con trai linh đình coi như Xieng Khouang, Sam Thong, Mương Suoi, Long Cheng … không liên hệ gì đến mình.
Có thể nói, trong xứ Lào nhỏ bé với không đầy ba triệu dân, người ta đã thấy có cuộc chiến tranh hàng đầu Mỹ-Bắc Việt ở khu vực Hạ Lào, cuộc chiến tranh hàng hai giữa Mèo-Thái (do Mỹ thuê) và Bắc Việt-CS Lào tại Cánh Đồng Chum và vùng chung quanh; sau đó mới tới cuộc chiến tranh nhỏ bé hơn giữa lực lượng chính quy hoàng gia với CS Lào, ở các trục lộ và làng mạc.
Đã nói đến lực lượng do Cơ Quan Tình Báo Trung Ương Mỹ thuê mướn, tất không thể không đề cập đến lực lượng đặc biệt Thái, vì lực lượng này đã góp một phần không nhỏ vào chiến tranh tại Lào. Lực lượng này gồm toàn người Thái, hầu hết là quân nhân trong quân đội Thái đã từ dịch trên giấy tờ để tránh liên hệ đến chính phủ Thái. Cán bộ khung của đơn vị là những sĩ quan, hạ sĩ quan đã tốt nghiệp các quân trường Thái. Tư lệnh của họ cũng là một tướng Thái. Tuy nhiên, ngay sau khi được tuyển dụng ở Udorn (nơi có phòng liên lạc của Cơ Quan Tình Báo Trung Ương Mỹ) họ đều được cải tên họ thành Lào và lập căn cước Lào trước khi vượt biên. Số người Thái tình nguyện vào lực lương này khá đông, vì lương bổng cao hơn lương đồng cấp trong quân đội chính quy Thái tới ba, bốn lần [8]. Về việc điều dụng lực lượng Thái, người ta chỉ biết đại khái vùng hoạt động thường xuyên nằm trên lãnh thổ Lào dọc biên giới Thái; nhiều khi cũng thấy các đơn vị Thái chiến đấu cạnh quân Mèo ở Cánh Đồng Chum. Số lượng lính Thái hiện cũng không ai biết rõ (có nhiều con số khác nhau được đưa ra) nhưng y cứ vào sự phân phối quân viện năm 1972, ta có thể ước lượng lực lượng Thái có vào khoảng 20 tiểu đoàn [9].
Ở trên đã nói đến nhiều mặt trận riêng biệt trên đất Lào nhỏ bé, nhưng trong cái mảnh đất rách nát về chiến tranh ấy không phải là không có khu phi chiến. Đó là những khu vực có xa lộ Trung Cộng chạy qua ở Thượng Lào. Trung Cộng thiết lập xa lộ dọc ngang trong miền Bắc Thượng Lào từ hàng chục năm nay. Vientiane lờ đi, coi như không biết đến, vì Phouma luôn luôn muốn giữ thế thăng bằng ảnh hưởng giữa các đại cường được đến đâu hay đến đấy. Mỹ cũng lờ đi, không đụng chạm đến vùng trời nơi này, vì Mỹ cũng chẳng muốn gây chuyện với Trung Cộng. Rút cục, nếu có sự tranh chấp giữa các lực lượng bên ngoài tại vùng này thì chính là tranh chấp Trung Cộng-Bắc Việt. Tuy nhiên, đó chỉ là tranh chấp ngấm ngầm trong sự gieo rắc ảnh hưởng chứ chưa thể đưa đến chiến tranh.
Ngay từ khi cướp được chính quyền ở Hoa Lục, một trong những mối bận tâm nhất của Bắc Kinh là làm thế nào để kiến lập được các trục đường tiến xuống các nước Đông Nam Á. Vì vậy Bắc Kinh đã không ngại phí tổn luôn luôn đề nghị tiếp tay các nước tu sửa lại đường xá đã có từ trước hoặc tân tạo đường xá nơi chưa có, nhưng bao giờ cũng chỉ ở những khu vực tiếp giáp Trung Hoa, cụ thể là những đường vượt biên giới Trung Hoa, Bắc Việt và Miến Điện đã được Trung Hoa tận tình “giúp đỡ” trong công tác này.
Tại Lào, khởi đầu vào tháng 1 năm 1962, Bắc Kinh đã đề nghị với chính phủ Souvanna Phouma, khi ấy là chính phủ trung lập ở Khang Khay (còn tại Vientiane là chính phủ hữu cánh của Boum Oum) để lập một đoạn đường ngắn nối hệ thống xa lộ Trung Hoa (từ Meng La) với tỉnh lỵ Phong Saly. Souvanna chấp thuận và công tác đã được tiến hành ngay. Tới tháng 12 năm 1962, nhân chuyến viếng thăm Bắc Kinh của tướng Phoumi Nosavan (khi ấy là phó thủ tướng chính phủ liên hiệp ba thành phần), Bắc Kinh lại đề nghị làm thêm một đoạn nối hai tỉnh lỵ biên giới cực bắc (Phong Saly và Nam Tha) của Lào lại với nhau. Khi loan tin này, Tân Hoa Xã ngày 4 tháng 12 năm 1962 cũng đã nói rõ là đoạn đường Phong Saly Nam Tha, nhưng khi thực hiện, công binh Trung Cộng đã tự ý phóng đường từ Meng La trên đất Trung Hoa sang thẳng Nam Tha, không qua Phong Saly. Thâm ý rõ ràng của Trung Cộng là càng làm được nhiều nhánh vượt biên càng hay. Thế là chỉ trong hai năm trời (hoàn thành năm 1964), Trung Cộng đã tạo được hai ngã sang Lào.
Từ 1964, Bắc Kinh coi chính phủ Souvanna là chính phủ cánh hữu, bù nhìn của Mỹ, nên chỉ thu xếp riêng với phe Cộng để tiếp tục tiến hành những đoạn đường sau. Đoạn kế tiếp được nối từ biên giới đến Mương Sai. Mương Sai là vị trí tiền phong của CS Lào, đồng thời cũng là căn cứ hậu cần và trung tâm huấn luyện quan trọng, trong đó có các khoá chuyên huấn luyện người Mèo ở Thái để tung về Thái hoạt động. Cuối năm 1968, một nhánh đường từ Mương Sai hướng lên đông bắc và tới 1968 thì đụng Mương Khoua trên trục đường 19. Trong khi ấy thì Bắc Việt cũng tu sửa đường 19 nối từ Điện Biên Phủ sang. Nghĩa là vào giữa năm 1970 thì con đường Mương Sai-Điện Biên Phủ dài 115 km đã hoàn tất. Từ Mương Sai cũng còn một nhánh đường khác đổ xuống phía tây nam qua thung lũng sông Beng tới Pak Beng trên bờ sông Mê Kông, gần biên giới Thái.
Trên hệ thống đường, Trung Cộng luôn luôn duy trì một số nhân công làm đường và binh lính bảo vệ. Người ta đã ước lượng số lính Tàu ở đây vào khoảng từ 14.000 tới 20.000 vào đầu năm 1971, tới cuối năm tăng lên từ 20.000 tới 26.000, và sang năm 1972, từ 30.000 tới 33.000. Gọi là để bảo vệ trục đường, nhưng thực tế, trục đường không bị ai khuấy phá cả. Dù sao, người ta cũng đã ghi nhận một đụng chạm nhỏ giữa Mỹ và Trung Cộng ở đây vào tháng 12 năm 1971. Khi một phi cơ C130 mất tích ở vùng này, Không Lực Mỹ ở Thái đã phái hai phi cơ đi tìm kiếm nhưng đã bị hoả lực phòng không bắn lên dữ dội. Sau vụ này, lệnh cấm bay ngang khu vực lại càng được Mỹ thi hành triệt để hơn.
Ngoài sự hiện diện trên khu vực xa lộ, nhân viên Trung Cộng còn có mặt cạnh CS Lào. Một phái bộ do một tướng Trung Cộng cầm đầu luôn luôn bám sát Bộ Tư Lệnh Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân Lào. Nhân viên phái bộ này đã làm các công tác tuyên truyền, cố vấn chiến thuật và huấn luyện, giúp điều hành về mặt kỹ thuật một đài vô tuyến truyền thanh và kiểm soát việc vận chuyển đồ viện trợ của Trung Cộng cho CS Lào qua ngả Bắc Việt. Ngoài ra, Trung Cộng còn đặt tại Phong Saly một toà Tổng Lãnh Sự. Tuy trên nguyên tắc, toà này trực thuộc đại sứ quán của Trung Cộng tại Vientiane, nhưng chính quyền Vientiane không mảy may kiểm soát được. Phong Saly là một tỉnh nằm trong khu vực CS Lào, nhưng ảnh hưởng Trung Cộng mạnh đến nỗi tỉnh này gần như tự tách ra khỏi lãnh thổ Lào để nhận lệnh trực tiếp của Bắc Kinh. Tỉnh trưởng Khammouane Boupa, nguyên là một tướng thuộc phe trung lập, đã chạy sang phe Cộng và được Trung Cộng móc nối. Ảnh hưởng Trung Cộng hiện đang lấn sang Nam Tha và bắc Luang Prabang, làm cho Bắc Việt lo sợ nên càng phải siết chặt quyền kiểm soát ở Sầm Nứa hơn.
Tiến Tới Hiệp Định Đình Chiến Thứ Ba
Chiến tranh tại Lào chỉ là cái đuôi của chiến tranh Việt Nam. Một khi vấn đề Việt Nam chưa được giải quyết dứt khoát thì vấn đề Lào cũng không thể thu xếp ổn thoả. Do đó, vào năm 1968, khi hoà đàm Việt Nam được khai diễn ở Paris thì các phe Lào cũng rục rịch nói chuyện. Ngày 22 tháng 7 năm 1968, Uỷ Ban Trung Ương của Mặt Trận Lào Yêu Nước đã đưa ra lời tuyên bố không công nhận thoả hiệp nội bộ Lào trong việc thể hiện chính phủ ba thành phần năm 1962 nữa, mà mọi việc điều giải vấn đề Lào phải y cứ vào Hiệp Định Genève 1962 về Lào. Trong khi ấy tại Vientiane, Phouma vẫn giữ lập trường cố hữu là không cần có điều giải gì mới hết, bốn ghế trong nội các liên hiệp dành cho CS Lào vẫn còn đó, phe CS chỉ việc “trở về” làm việc lại là xong.
Ngày 6 tháng 3 năm 1970, phe CS, vẫn dưới danh nghĩa Uỷ Ban Trung Ương Mặt Trận Lào Yêu Nước đã dứt khoát đưa ra năm điểm cụ thể làm nền tảng cho các cuộc thảo luận. Đề nghị này đã dựa vào tinh thần giải pháp toàn bộ 10 điểm của Cộng Sản Việt Nam đưa ra ngày 8 tháng 5 năm 1969 (dưới danh nghĩa Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam VN), nhằm tái lập chính phủ liên hiệp (dĩ nhiên theo dàn xếp mới), chấp nhận năm nguyên tắc sống chung hoà bình và buộc Mỹ phải rút hết nhân viên và vũ khí ra khỏi Lào [10]. Phouma đã phúc đáp đại ý bác bỏ điều kiện tiên quyết (Mỹ ngưng ném bom), đôi bên cứ tiến hành ngay việc ngưng bắn và để Uỷ Ban Kiểm Soát Quốc Tế làm nhiệm vụ kiểm so át đình chiến rồi sau đó ba phe sẽ họp để tìm giải pháp.
Ngày 27 th áng 4 năm 1971, CS lại đưa ra hai điểm trong thông cáo chung của hội nghị liên tịch giữa Mặt Trận Lào Yêu Nước và Liên Minh Các Lực Lượng Trung Lập Yêu Nước Lào. Hai điểm này cũng không có điều gì khác biệt với năm điểm cũ, vì thực ra chỉ nhằm lập lại đề nghị đã có từ trước nhưng với danh nghĩa mà CS tự cho là rộng lớn hơn. Ngày 26 tháng 6 năm 1971, Phouma trả lời không đáp ứng đề nghị mới và vẫn lập lại rằng “điều cấp bách hiện nay là phải đi đến một cuộc ngưng bắn trên toàn lãnh thổ Lào”.
Sau đó là một loạt thư từ trao đổi giữa hai anh em Souvanna Phouma và Souphanouvong, trong đó có những chuyển hướng quan trọng như thư của Souphanouvong ngày 22 tháng 6 năm 1971 chấp nhận đề nghị thực hiện ngưng bắn trước, thư của Phouma ngày 27 tháng 7 năm 1972 chấp nhận lấy giải pháp chính trị 5 điểm của CS làm căn bản hoà đàm. Dĩ nhiên, đó chỉ là những thoả thuận giữa Hà Nội và Hoa Thịnh Đốn, hai anh em ông hoàng Lào chỉ là người phát ngôn.
Khó khăn cơ bản của việc thu xếp cho một cuộc hoà đàm là vấn đề đại diện phe trung lập. Ngày 20 tháng 7 năm 1972, bản tuyên bố của Uỷ Ban Trung Ương Mặt Trận Lào Yêu Nước nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày ký hiệp định Genève 1962 về Lào, đã cáo buộc chính phủ Phouma là phản động chỉ phục vụ cho sự can thiệp và xâm lược của Mỹ, đồng thời cũng nhắc lại lập luận cũ là chính phủ 3 phía đã không còn nữa kể từ cuộc đảo chính ngày 19 tháng 4 năm 1964.
Sau cùng, hội nghị cũng đã được triệu tập và mỗi bên đều tự nhận đại diện cho cả phe mình (tả hoặc hữu) lẫn phe trung lập. Do đó phái đoàn CS mới có đại diện Mặt Trận Lào Yêu Nước và đại diện Liên Minh Các Lực Lượng Trung Lập Yêu Nước Lào (tướng Phoume Sipraseuth), trên thực tế cả hai đại diện đều được đặt dưới sự chi phối của cố vấn Phoumi Vongvichit, tổng bí thư Mặt Trận Lào Yêu Nước. Còn Vientiane thì cố xoay chuyển để lập lại ngôi vị “ông hoàng trung lập” cho Phouma, trong đó có việc thành lập đảng trung lập (nhưng mãi đến ngày 17 tháng 2 năm 1973 mới bầu được ban chấp hành trung ương).
Hội nghị đã diễn ra khá lằng nhằng trên vấn đề thủ tục: mãi đến khi có hiệp định Paris về Việt Nam (ngày 27 tháng 1 năm 1973), guồng máy hội nghị mới chạy đều đặn. Tuy vậy, cũng phải mất đến gần một tháng sau, ngày 20 tháng 2 năm 1973, đôi bên mới thoả thuận xong văn kiện gọi là Hiệp Định Về Lập Lại Hoà Bình Thực Hiện Hoà Hợp Dân Tộc Ở Lào. CS Lào đã thuận vì Bắc Việt thuận. Bắc Việt thuận vì đã hoàn tất kế hoạch chuyển nhập xuống căn cứ địa Đông Dương 15.000 quân, 250 xe tăng, 50 thiết vận xa, một số lượng quan trọng đại pháo 122 ly, 130 ly, trên 1300 tấn đạn dược và quân nhu [11], mặc dầu trong suốt thời gian này Mỹ đã oanh tạc liên miên xuống hành lang Hồ Chí Minh với mức độ 50 phi xuất B52 và 200 phi xuất chiến thuật mỗi ngày. Còn về phía Mỹ, Mỹ muốn có một thoả ước về Lào trong tay khi đi dự hội nghị quốc tế về Việt Nam ở Paris ngày 26 tháng 2 năm 1973. Vì vậy, Bạch Cung đã gửi Sullivan tới Vientiane để gây áp lực với Phouma. Áp lực cụ thể là M ỹ cho biết sẽ đơn phương ngưng ném bom từ ngày 25 tháng 2. Phouma đã phải miễn cưỡng chấp nhận, cả với điều “chua xót” là chính phủ mà ông cầm đầu chỉ được gọi là chính phủ Vientiane (thay vì chính phủ Hoàng Gia Lào), còn phe bên kia thì được gọi là các Lực Lượng Yêu Nước!
Ngày 21 tháng 2, hiệp định đã được ký kết lúc 11 giờ tại tư dinh thủ tướng Phouma. Toàn văn hiệp định gồm 5 phần, 14 điều khoản. Nội dung đã được dựa theo bản hiệp định về VN, tuy nhiên tính chất “ngang nhau” của hai phe rõ rệt hơn, do đó có lợi hơn cho CS Lào, so với phe CS ởNam VN. Theo hiệp định, hai bên sẽ ngưng bắn ngay từ ngày hôm sau, ngày 22 tháng 2 năm 1973; sau đó thành lập ngay ban liên hợp thi hành hiệp định hai phe. Trong vòng 30 ngày sau, chính phủ liên hiệp dân tộc lâm thời và hội đồng chính trị hiệp thương sẽ được thành lập, vừa để điều hành quốc sự vừa bắt tay ngay vào việc tổ chức bầu quốc hội và lập chính phủ liên hiệp dân tộc chính thức. Trong vòng 60 ngày sau khi chính phủ lâm thời được thành lập, các lực lượng ngoại nhập sẽ phải rút ra khỏi Lào và những người bị đôi bên bắt giữ sẽ được trao trả.
Để giải quyết vấn đề phe thứ ba, cũng như trong hiệp định về VN, hiệp định về Lào đã quy định sẽ do dôi bên thoả thuận, nghĩa là mỗi bên sẽ góp người của mình. Nói trắng ra thì chẳng làm gì có phe thứ ba, vì quảng đại quần chúng có tự tách ra thành thứ nhất, thứ hai gì đâu mà có thứ ba, thứ tư. Thực sự đó chỉ là danh từ mà một số chính khách mặt tầng tự nhận trong khi chưa được tả hay hữu thâu dụng. Một khi có “chỗ” ngon lành, chính khách loại này sẽ tức khắc tự đồng hoá với bên cho “chỗ”. Cảnh ấy đã thấy dẫy đầy, không cần phải đưa thí dụ ra đây làm gì.
Trên lập trường dân tộc, thế đứng của nhân dân là thế đứng không bao giờ thay đổi, đó là thế đứng của những người bị áp bức trong một nước bị xâm lược. Thế đứng ấy tự đối lập với kẻ xâm lược. Hôm nay xâm lược là Cộng Sản, là Tư Bản; hôm qua chúng đã từng là thực dân, là phát xít; ngày mai chúng có thể là X là Y gì đó. Và nói chung, chúng cùng là một thứ, ở cùng một bên, bên đối lập với quần chúng nhân dân trong quốc gia bị chúng chọn làm đối tượng khuynh đảo.
Thành ra, hiệp định này, thoả ước nọ chỉ là chuyện của các phe đối chiến, nạn nhân không có tiếng nói và cũng chẳng đưọc hỏi tới. Nhìn sang Lào, hữu phái lạc quan sẽ cho rằng rút cục sau ¼ thế kỷ chiến đấu, CS cũng chẳng đạt được ý đồ xích hoá xứ Lào của chúng. Điều ấy đúng. Nhưng đối với CS, sự thành công không nhất thiết chỉ hạn chế trong cuộc đấu tranh của một thế hệ. Kế hoạch gia CS sẽ tính sổ một cách thiết thực hơn như sau: “Trong thành phần chính phủ liên hiệp ở Vientiane, tả phái đã chia được 2 ghế trong Liên Hiệp 1, 4 ghế trong Liên Hiệp 2, 6 ghế trong Liên Hiệp 3, năm 1973”. Và cứ cái đà luỹ tiến ấy, chắc Liên Hiệp 4 (nếu có) tả phái sẽ lãnh đủ 12 ghế trong cái nội các cũng vừa 12 ghế ở Vientiane!
Ghi Chú: [1] Trừ 1500 người Pháp được ở lại với tư cách huấn luyện viên của quân đội hoàng gia.
[2] Những lãnh tụ Lào ưa lấy vợ ngoại quốc và (dường như) thường bị đàng vợ chi phối. Tướng hữu phái Phoumi Nosavan, người từng giữ chức phó thủ tướng qua nhiều chính phủ, lấy vợ Thái và vẫn thường coi Bangkok là điểm tựa chính trị. Bangkok cũng đã từng nhiều lần ra mặt ủng hộ “rể” Nosavan. Khi thất thế, Nosavan đã lưu vong về bên vợ và hiện vẫn chờ cơ hội trở lại. Lãnh tụ tả phái Souphanouvong có vợ Việt, chính vợ ông là người đã đưa ông gia nhập đảng Cộng Sản Đông Dương thời thế chiến II. Việc ông nhất nhất tuân theo Hà Nội là điều ai cũng thấy rõ. Lãnh tụ trung lập cũ là Phouma đã trung lập vì có vợ Pháp. Nhưng sau này ông đã ngả hẳn sang phe Mỹ, không biết có liên quan gì đến cô vợ Mỹ của con trai ông hay không.
[3] Kế vị vua cha là Sisavang Vong, chết hồi tháng 11 năm 1959.
[4] So với thành viên hội nghị Genève 1954, hội nghị này có thêm đại diện ba nước tham gia công tác kiểm soát đình chiến ở Lào (Canada, Ba Lan, Ấn Độ) và hai nước láng giềng phía tây của Lào (Thái, Miến).
[5] Trong cuộc tổng công kích 1968 ở Nam VN, CS đã đưa ra một tổ chức mệnh danh là Liên Minh Các Lực Lượng Dân Tộc Dân Chủ và Hoà Bình (do Trịnh Đình Thảo làm chủ tịch) nhằm thâu hút các phần tử lừng chừng đứng giữa. CS Lào cũng bắt chước y hệt (đúng ra là do Bắc Việt bày vẽ) bằng cách lập một tổ chức mệnh danh là Liên Minh Các Lực Lượng Trung Lập Yêu Nước Lào với chương trình 12 điểm tương tự chương trình của Liên Minh Trịnh Đình Thảo.
[6] Donald Kirk, Wilder War – The Struggle For Cambodia, Thailand and Laos, Praeger Publishers, New York 1971, trang 225.
[7] Xin đọc Far Eastern Economic Review, số ngày 29 tháng 1 năm 1972.
[8] Phúc trình Lowenstein-Moose, tháng 5 năm 1972, tiểu ban Đối Ngoại Thượng Viện Mỹ ghi về lương bổng lính Thái ở Lào như sau: một lính Thái ở Thái lãnh 530 baht (26 MK), nhưng lãnh 1500 baht (75 MK) ở Lào mỗi tháng; một sĩ quan cấp uý lãnh 2.500 baht (125 MK). Ngoài ra còn có tiền thưởng đầu quân: 2.400 baht (120 MK) lãnh cuối nhiệm kỳ thứ nhất (1 năm), nếu đăng ký nhiệm kỳ 2 sẽ lãnh 1.200 baht (60 MK) và thêm 200 baht (10 MK) mỗi tháng. (Joseph J. Zasloff, bài “Laos 1972: The War, Politics and Peace Negotiations”, trong Asian Survey, bộ XIII, số 1, tháng 1 năm 1973.)
[9] Năm 1972, Mỹ đã viện trợ quân sự cho Lào 251,1 triệu MK, trong đó có 85,9 triệu dành cho quân chí nguyện Thái (1/2 ngân khoản). Mỗi tiểu đoàn Thái được tính đổ đồng phí tổn thường niên là 4 triệu MK, theo CIA dự ước (phú trình Lowenstein-Moose.)
[10] Tóm lược giải pháp chính trị năm điểm của CS Lào do Cơ Quan Thông Tin Mặt Trận Lào Yêu Nước công bố ngày 6 tháng 3 năm 1970:
1. Mỹ phải chấm dứt việc oanh tạc lãnh thổ Lào, rút hết cố vấn, nhân viên quân sự và vũ khí của Mỹ ra khỏi Lào.
2. Lào sẽ thi hành chính sách năm nguyên tắc sống chung hoà bình và nhận viện trợ của tất cả các nước nếu không kèm theo điều kiện ràng buộc nào.
3. Tôn trọng ngôi vua và thành lập chính phủ dân chủ và liên hiệp dân tộc.
4. Mở hội nghị hiệp thương để giải quyết mọi công việc của Lào và lập chính phủ liên hiệp lâm thời.
5. Các lực lượng thân Mỹ phải rút khỏi các vùng họ đã chiếm đóng và đưa dân chúng trở về quê cũ, cùng bồi thường thiệt hại.
[11] Công bố của Ngũ Giác Đài Mỹ, do AP loan ngày 20 tháng 2 năm 1973 tại Hoa Thịnh Đốn.