Số lần đọc/download: 4352 / 180
Cập nhật: 2016-06-18 07:55:12 +0700
Chương 14
T
ôi đã thèm qua nhiều nhà tù, nhiều trại tập trung. Thế mà, đến Z30D thì tôi không muốn bị chuyển trại nữa. Ở đâu cũng vậy, ngục tù rập một khuôn y hệt cuộc đời, rập một khuôn xã hội chủ nghĩa. Còn lâu mới tiến lên xã hội cộng sản. Ông Phạm Văn Đồng đã khẳng định vậy, trong một cuốn sách văn nô viết ký tên ông ta. Con người phải nhục nhằn, mòn mỏi thêm nữa, thêm mãi; phải trường kỳ thống khổ để khi đạt được lý tưởng cộng sản, nó trở thành kẻ mất hết cảm xúc, cảm giác; nó không thèm muốn đến cả hạnh phúc nó mơ ước. Bởi vì, lúc ấy, nó hết là con người. Năm 1848, Engels phóng ra Tuyên ngôn Đảng cộng sản, tính đến nay, 1987, đã là 139 năm. 139 năm loài người “có” chủ nghĩa và Đảng cộng sản mà chủ nghĩa và Đảng ấy mới chỉ hồ hởi phấn khởi thông báo rằng, đã có những hai công dân hưởng quy chế xã hội cộng sản ở Đông Đức! Nếu thành tích khiêm tốn này chưa đủ nói lên sự “ưu việt” của chủ nghĩa cộng sản “bách chiến bách thắng”, của “đỉnh cao trí tuệ” loài người, nên ghi chú thêm rằng: Hai công dân Đông Đức hưởng quy chế xã hội cộng sản là hai nhà bác học! Mà quy chế xã hội cộng sản là gì? Đó là mua sắm ăn uống ở bất cứ nơi nào cũng không phải trả tiền. Đặc biệt không phải… xếp hàng, chen lấn! Như thế, còn lâu ngục tù mới rập khuôn cộng sản. Và nó chẳng thể giúp tù nhân hiểu thêm sự thống khổ mới của quy chế ngục tù cộng sản. Nên trại lao cải nào cũng giống trại lao cải nào, nhà tù nào cũng giống nhà tù nào. Đã sống tĩnh ở Chí Hỏa, đã sống động ở Sa ác là đã sống trong bóng tối, ngoài ánh sáng, sống trọn vẹn cuộc đời tù tội không xét xử, không án tích.
Hai mươi năm trước, đọc bài phỏng vấn danh ca Charles Aznavour đăng trên tuần báo Jour de France, sau chuyến đi trình diễn của Aznavour ở Liên Xô về, tôi thấy người danh ca này có nhận xét độc đáo vô cùng.
- Ông vừa trình di diễn ở Liên Xô về?
- Vâng.
- Khán giả Liên Xô thế nào?
- Ở Liên Xô, đã thành công tại Moscou, sẽ hoàn toàn thành công khắp nơi. Tôi đã thành công tại Moscou. Ở Mỹ chẳng hạn, thì khác. Thành công tại Washington chưa chắc đã thành công tại Houston, có khi, còn thất bại tại Los Angeles…
Trong chế độ cộng sản, mọi thứ đều rập khuôn, kể cả khuôn thưởng ngoạn nghệ thuật, khuôn hoan hô, khuôn đả đảo, khuôn nói dối, khuôn hứa láo, khuôn bịp, khuôn đạo đức giả, khuôn chà đạp phẩm cách con người, khuôn tước đoạt nhân quyền, khuôn bắt bỏ tù, khuôn lao cải…. Thì qua một nhà tủ đã là qua tất cả nhà tù, qua một trại tập trung đã là qua tất cả trại tập trung. Ở Z30 D không có những con gọng vó để tôi được soi sáng thêm cái triết lý sống lội ngược dòng. Nên tôi nhớ Sa Ác, nhớ sông Ray, nhớ đề lao Gia Định, nhớ khu C1, nhớ Chí Hoà, nhớ khu FG. Tôi có ý nghĩ này: Càng ở những nơi đau khổ nhất, con người càng gần gũi nhau và lòng người rộng mở, tình người thắm thiết. Ở nhà tù, khi anh từ cachot ra, anh được đón tiếp như anh em ruột thịt lưu lạc phương xa trở về mái nhà gia đình… Ở trại tập trung, khi anh từ cachot ra, anh cảm thấy lẻ loi, cô độc dù, đôi bận, anh đã vì mọi người mà “dấn thân’ vào cachot. Thành ra tôi tương tư nhà tù, tôi thèm được trở lại nhà tù, thèm được ghẻ mủ, thèm được cấp mỗi ngày bốn ca nước, thèm nghe tiếng kẻng gầm gừ đe dọa thân phận làm người… Con người chỉ có thể ngủ vùi trong hoan lạc mà khó có thể ngủ vùi trong thống khổ. Nỗi thống khổ giúp con người thức tỉnh, suy tư truy nã thân phận nó, thân phận dân tộc nó và thôi thúc nó chiến đấu. Thiếu thống khổ bản thân là thiểu cảm thông nỗi thống khổ của tha nhân, đôi khi, còn thô bạo dầy đạp lên cả nỗi thống khô của tha nhân, của dân tộc, của nhân loại. Những kẻ chưa một lần thống khổ là những kẻ chưa biết chiến đấu. Những kẻ chưa kể khổ, than khổ, tố khổ lại là những kẻ không biết chiến đấu Nhưng, tệ mạt nhất, vẫn là những kẻ tưởng tượng thống khổ, bêu nhục thống khổ và nhân danh khổ để đấu thầu lòng yêu nước, sự vinh hoa và một chút tiếng tăm gầy còm. Những kẻ này cần thiết phải bị vào nhà tù cộng sản. Để họ vỡ nghĩa thống khổ. Để họ hiểu cái hun hút của một ngày tù. Một ngày thôi. Nói chi một tháng, một năm, sáu năm, mười năm, trọn đời. Sự phán xét phẩm cách, nhân cách của người khác chỉ có giá trị khi chính ta bị bỏ khát ở conex những trưa nắng bỏng, ta há hốc miệng, lưỡi thè ra như chó và ta sẵn sàng liếm từng giọt nước do cai ngục hắt qua kẽ hở của cửa Conex. Những kẻ hăng say luận về nhân cách, về lòng can đảm thường quên bản năng sinh tồn. Tôi tin rằng, bị bỏ khát trong conex, những kẻ ưa phán xét con người nhất sẽ là những kẻ không thích liếm giọt nước hình phạt mà tình nguyện quỳ lạy để nốc ừng ực một ca ân huệ có điều kiện sám hối. Chỉ cần một lần xuống hầm phân vục cứt đầy ròi bằng tay trần, chỉ cần một lần lặn xuống sông kiếm đá, ở Sa Ác, tôi tự cho phép tôi ngồi lên mặt những kẻ hèn mạt chuyên nghề phì nọc độc vào nỗi bất hạnh của đồng loại.
Bỗng tôi nhớ Chí Hòa và Đoàn Kế Tường vô cùng.
° ° °
Người bạn tuổi nhỏ của tôi có biệt tài “sáng tạo” lời ca cho những bản nhạc “cách mạng” và nhạc “Mỹ Ngụy”. Anh ta “chế” lời bản Love Story, tiếc rằng tôi quên hết, chỉ nhớ câu đầu. Tôi nghĩ, chỉ cần một câu là diễn tả trọn vẹn tâm sự của tù nhân chính trị, tù nhân tư tưởng trong các chế độ cộng sản.
Biết vào tù rất khó
mà mình vào tù rất dễ
Mình vào tù rất dễ
mà mình về thì rất khó
Ba năm rồi đó…
K hi Đoàn Kế Tường nghêu ngao, cả phòng cười. Cười xong thì thấm thía. Sống với cộng sản, vào tù thật dễ, thật đông, vào cả làng một lúc mà về thật khó, thật ít, về từng người. Đoàn Kế Tường là vua chế lời ca mới và vua sưu tầm lời ca “phản động” của dân gian. Anh ta đã hát cho chúng tôi nghe bài Đường tầu thống nhất
Năm xưa anh phá núi, em mở đường
xuyên Trường Sơn đồi núi chập chùng
Năm nay cũng bao bàn tay
phá núi trên mở núi dưới
Tự hào là ta anh dũng
Tự hào là những chàng trai
Tuổi thanh niên sức dai Phù Đổng
Cháu ngoan của bác Hồ
đi mở đường thống nhất quê hương….
thành bài Bài ca của dân móc túi
Năm xưa anh móc túi em giật đồ
xa-cảng Miền Tây thành phố Sàigòn
Năm nay cũng bao bàn tay
móc túi trên luồn túi dưới
Tự hào là dân móc túi
Tự hào là những chàng trai
Tuổi thanh niên trót theo cộng sản
Cháu ngoan của bác Hồ
chuyên giật đồ móc túi nhân dân…
Bài Vàm Cỏ Đông
Ở tận sông Hồng em có biết
Quê hương anh cũng có dòng sông
Anh vẫn gọi với lòng tha thiết
Vàm Cỏ Đông… ơi…Vàm Cỏ Đông
Thành bài Vùng Bù Đăng.
Ở tận Huê kỳ anh có biết
Quê hương em đếch có gì ăn
Em mới dọn đến vùng kinh tế mới
Vùng Bù Đăng hay Bù Nho
Vùng Bù Đăng hỡi vùng Bù Đăng
Sắn ngô nhai mãi khốn khổ vô cùng
Mỹ cút đi rồi, chồng học tập muôn năm
Bài Lá đỏ:
Gặp em trên cao lộng gió
Đường Trường Sơn ào ào lá đỏ…
Thành bài Chợ trời:
Gặp em khơi khơi đầu gió
Đường Hàm Nghi ồn ào lính đuổi
Em đứng cạnh cột đèn như con buôn
vai áo nhuộm phong trần
Quần đen, bao nhiêu một cái
Đài xài pin chừng nào mới đổi
Em bán bằng tiền Hồ hay đô-la
hay giá vàng Kim Thành
Chào em, em gái chợ đen, ôi em gái chợ đen
Hẹn gặp em giữa nhà tù
Đoàn Kế Tường thuộc, ít nhất, hai chục bài ca cách mạng lời… hai. Anh ta chế lời bài Gia tài của mẹ của Trịnh Công Sơn mới thú vị:
Một nghìn năm ta đuổi thằng Tầu
Một trăm năm ta đuổi thằng Tây
Hai mươi năm đuổi Mẽo từng ngày
Gia tài của mẹ: gạo độn ngô khoai
Gia tài của mẹ: gạo mốc dài dài.
Dạy con đeo răng sắt mà nhai
Dạy con mua thuốc đau dạ dầy
Ăn sắn con thành chai
Ăn sắn tiêu hình hài
Chưa đủ, anh ta chế thêm:
Một nghìn năm sinh được cụ Hồ
Một trăm năm răng rụng cạp ngô
Hai mươi năm sản xuất từng giờ
Gia tài của mẹ trả nợ Liên Xô
Gia tài của mẹ còn cái chuồng bò.
Dạy cho con lấy đá mà ăn
Dạy cho con lấy rơm mà gặm
Con sẽ no lầm than
Con sẽ no nhục nhằn…
Tôi đã mơ mộng, nếu thoát đời tù, trốn ra ngoai quốc, xách đàn đi hát dạo những “ca khúc cách mạng” lời “phản động”, đọc ca dao và kể chuyện tiếu lâm cộng cho đồng bào hải ngoại nghe. Giấc mộng của tôi đã cháy. Bây giờ, nó thành tro tàn. Người ta không hiểu nổi giá trị chống cộng sâu sắc của dân gian. Và người ta đã, đang, tiếp tục chống cộng sản theo cung cách “mới”, cái thứ “mới” làm héo hon niềm tin của người ở lại, của cả kẻ ra đi, cái thứ gọi là mới mà đã cũ mèm, lạc hậu, trong khi, cộng sản không ngừng “sáng tạo” những thủ thuật lưu manh. Mỗi thủ thuật cộng sản phóng ra, chúng ta chới với, chúng ta chụp mũ lẫn nhau lung tung, chúng ta chổng chúng ta, chúng ta chia rẽ nhau và chúng ta giết nhau. Riêng cái thủ thuật chấp nhận cho người Việt Nam rời khỏi Việt Nam sau 1975, bất kể chính thức, bán chính thức hay vượt biên, vượt biển, được về thăm Việt Nam, du lịch Việt Nam dễ dàng, cộng sản đã được cả chì lẫn chài. Chì là ngoại tệ và tuyên truyền. Chài là chúng ta gấu ó nhau, ngờ vực nhau và vô hiệu hóa tị nạn chính trị. Lúc nào và ở đâu, cộng sản cũng thâm độc. Sau ngày 30 tháng 4-1975, chúng ta nhận diện rõ những tên nằm vùng gộc, những tên ăn cơm quốc gia ngon nhất, những tên chống cộng nỏ mồm nhất và chụp mũ cộng sản lên đầu người quốc gia kỹ nhất. Những tên nằm vùng này nằm trong mọi lãnh vực, mọi cơ cấu quốc gia. Người ta sẽ nhìn rõ “đồng nghiệp” nằm vùng của chúng ở Hoa kỳ, ngày nào đó, khi Hoa kỳ bang giao với cộng sản Việt Nam. Người ta sẽ ngỡ ngàng. Người ta sẽ có kinh nghiệm. Nhưng kinh nghiệm đó không còn cơ hội… rút tỉa nữa. Cũng chẳng ai thiết rút tỉa nữa. Nói tóm lại, cộng sản Việt Nam đánh chúng ta mọi mặt, đánh rộng rãi, đánh kiểu mới; chúng ta thu hẹp sự đánh cộng sản vào từng Mặt trận, từng Lực lượng, từng Hội đoàn… Chúng ta đánh chúng ta kỹ hơn chúng ta đánh cộng sản. Cộng sản chuyên chế, cấm đối lập. Chúng ta cũng cấm… đối lập, dù chúng ta hô hoán chiến đấu cho tự do, dân chủ. Năm 1985, ở Mỹ, ở Úc, ở Âu, chúng ta vẫn chống cộng kiểu cũ, mốt 1954 ở Việt Nam. Vẫn vậy, những cuộc tuần hành đả đảo cộng sản ngày quốc hận 30-4-75 như ngày quốc hận 20-7-54, càng năm càng thưa dần. Vẫn vậy, những trang báo, những hình ảnh mô tả Hà nội, Sài gòn hôm nay nghèo đói, cúp điện. Vẫn vậy, những buổi diễn thuyết hiếm hoi bàn về cái thế tất thua của cộng sản một cách khơi khơi. Cái mới mà chúng ta mong mỏi là tư tưởng chiến đấu thật mới, thật thích ứng với người Việt lưu vong để tận diệt cộng sản giải phóng quê hương thì chưa hề có. Nhưng đã có những Hội Nghị và Nghị Hội với những khuôn mặt cũ mèm không bao giờ biết xấu hổ. Xin làm ơn ghi nhận: Cộng sản Việt Nam đã đưa ra nhiều khuôn mật thật mới. Hình như ít ai trong chúng ta “bi quan” nghĩ rằng, chúng ta không được phép thất bại, không còn thì giờ làm lại nữa vì chúng ta “lão thành” rồi. Hình như, tất cả đều “lạc quan” mình còn trẻ lắm, sau mình là đại hồng thủy nên đã thất bại liên miên, đã làm lại liên miên và chưa chịu tỉnh ngộ những kẻ đã hết thời thì không thể tạo thế.
Hôm nay là thế của tuổi trẻ dĩ vãng vằng vặc trăng sao, hiện tại hừng hực mặt trời, thời của sư tử trẻ không còn là thời của mèo già. Tuổi trẻ sẽ tạo ra thế. Nhiệt tình, tự phụ, thông minh, kiến thức và lương thiện của tuổi trẻ tạo ra cái thế chiến đấu mới để chiến thắng cộng sản. Nhưng, tuổi trẻ, anh ở đâu, thần tượng của tôi, hy vọng của dân tộc? Anh cũng còn chưa có mặt tại Nghị Hội, nói chi anh là lãnh tụ. Mà tôi, tôi chưa ngu đi lạy bọn mèo già hen suyễn để chúng nó “thương tình” cho tôi ân huệ trình bầy sự chống cộng sâu sắc của đồng bào quốc nội và đồng bào quốc ngoại. Bởi, tôi biết mèo già sẽ từ chối. Chúng nó không thích ai chổng cộng sản hay hơn chúng nó. Chúng nó độc quyền hen suyễn khò khè chống cộng sản.
Một triệu bài báo viết về sự nghèo đói của thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không hơn một bức hí họa không lời của dân gian vẽ trên tường rêu của Hà Nội. Bức tranh rất đơn sơ: Cái xe đạp không chuông, không “phanh”, không đèn, không “gác đờ bu”, “gác đờ sen”, chỉ có có mỗi cái “poọc ba ga” chở ba bó rau muống. Mỗi bó rau muống được ghi chú bằng lời một bài hát ca ngợi Đảng: Cho ngày nay, cho ngày mai, cho muôn đời sau. Vậy thì ba bó rau muống trên cái “poọc ba ga” của cái xe đạp tam tứ ngũ lục thất bát...vô, bó thứ nhất cho ngày nay, bó thứ hai cho ngày mai, bó thứ ba cho muôn đời sau, tưởng đã đủ “chửi cha” Đảng và chủ nghĩa cộng sản. Giá trị chống cộng của bức hí họa là nó đánh cộng sản ngay trên đất cộng sản, nó đánh Đảng, đánh bọn thống trị bóc lột quần chúng và làm ngu dốt quần chúng. Nó không đánh nạn nhân của cộng sản, những người sống trong quỹ đạo cộng sản và bị trở thành công cụ tội nghiệp của cộng sản. Nó không đánh con người khờ khạo nói ngọng.
Đến câu chuyện tiếu lâm sau đây thì tôi quả quyết quốc ngoại chống cộng thua hẳn quốc nội chống cộng về mặt tư tưởng: Unesco tổ chức thi tranh, giải thưởng lớn, đề tài “Nạn đói và người đói”. Các nước trên thế giới đều được gửi tranh dự thi, bất kể theo chế độ chính trị nào. Vòng thứ nhất, tranh của họa sĩ Hoa kỳ bị bại. Vòng nhì: các nước Tây Âu. Vòng ba: các nước Nam Mỹ, Phí Châu. Vòng tư: Liên Xô và các nước Đông Âu. Cuối cùng, Unesco tuyên bố tranh của họa sĩ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đoạt giải thượng ngoại hạng. Phòng triển lãm khai mạc chỉ treo bức tranh thuộc loại “siêu phẩm” trúng giải. Loài người háo hức đi xem và đều trầm trồ ca ngợi là thể hiện đúng “Nạn đói và người đói” ở các nước cộng sản. Bức tranh diễn tả một công dân Việt Nam trần truồng, gầy đét, ngồi khom lưng rặn ra. Rặn hoài mà phân không ra. Rặn đến màng nhện mọc kín đít, trùm mông mà phân vẫn không ra. Vì có gì ăn đâu mà tiêu hóa! Đói thế là đói ở cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tiếu lâm trên được ca dao phụ họa:
Từ khi ta có cụ Hồ
Nhân dân chẳng được ăn no ngày nào
Và
Ai sinh ra cái củ mì
Hỏi để làm gì, đáp để mà ăn
Nước nhà mãi mãi khó khăn
Dân mình mãi mãi phải ăn khoai mì
Tôi không mấy tin tưởng vào “sự nghiệp chống cộng” của những kẻ thiếu nhiệt tình và chưa hề thể nghiệm nỗi thống khổ kinh qua đoạn trường cộng sản. Những lãnh tụ mèo già hen suyễn khò khè chống cộng chỉ khiến tôi buồn nôn. Từ trong ngục tù tôi đã nghĩ rắng những cái sẹo cộng sản trên thể xác đàn anh, những dấu ấn cộng sản khó phai nhòa trong tâm khảm đàn anh, sự lương thiện chiến đấu của đàn anh cộng với nhiệt tình và lòng tự phụ của đàn em, chắc chắn, sẽ làm nên đại sự. Đàn em đủ sức công kênh nhau hái trái chín vàng mơ ước nấp sau chùm lá nào đó trên cây cao mỏi mắt chờ đợi đàn anh hướng dẫn. Nhưng đàn anh biết trái chín vàng mơ ước ở chỗ nào mà không chịu chỉ hay đã chỉ láo, chỉ bậy để đàn em múa tay vu vơ rồi tuyệt vọng và sa đọa. Tôi nhớ Đoàn Kế Tường, nhớ Chí Hòa và nhớ vô cùng những con sư tử lãng mạn tôi đã gặp ở đề lao Gia Định… Dù bị quốc gia giả đạo đức, dù bị cộng sản đánh dập đánh vùi và gắn cho tước hiệu “nhà văn du đãng”, đọc lại Điệu ru nước mắt, Sa mạc tuổi trẻ, tôi vẫn thấy tự hào là đã nói lên được nỗi niềm u ẩn của tuổi trẻ. Tôi lại tiếp tục nói giùm tâm sự của họ, của tuổi trẻ thế hệ sau 30-4-1975, khi tôi gặp họ trong tù, ngoài đời; trong nước, ngoài nước. Tuổi trẻ trong nước đã kinh qua thống khổ cộng sản. Tôi tin rằng tuổi trẻ ngoài nước cũng đã kinh qua thống khổ cộng sản hoặc đã cảm thông nỗi thống khổ cộng sản mà dân tộc đang ngậm ngùi chịu đựng.
Thế thì, giấc mơ của tôi không tàn. Vì chúng ta còn tuổi trẻ, còn nhiều tuổi trẻ.