Bạn bắt đầu từ đâu không quan trọng, quan trọng là kết thúc ở chỗ nào.

Dorothy Fields & Coleman

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 31
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1780 / 12
Cập nhật: 2015-09-06 02:02:28 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 13: Tưởng Rằng May Mắn Có Thể Bỏ Được Nghề…
gày đầu tiên được thả tự do, có cán bộ gọi tôi đến phòng làm việc bên ngoài trại giam để làm hồ sơ. Tôi vẫn cư xử như một phạm nhân cho đến giây phút cuối cùng. Mặc dù đã thay bộ quần áo phạm nhân sang trang phục thường nhưng tôi vẫn ngồi quỳ gối trên nền đất chứ không dám ngồi ngang hàng trên ghế với cán bộ. Người cán bộ đó đi vào phòng, thấy tôi quỳ dưới đất như một phạm nhân liền bảo:
“Nỉnh, em không còn là phạm nhân nữa, lên ghế ngồi đi em”.
Cán bộ vừa nói đến đây nước mắt tôi đã trào ra vì xúc động. Tôi vui mừng khi mình được tự do. Hóa ra, hai từ “tự do” nó lớn lao đến thế này đây!
Hôm đó, có rất nhiều cán bộ trong trại giam cho tôi tiền, trong đó có cả giám đốc trại. Bà gửi người đưa tôi năm trăm bạt. Không phải ai cũng được bà cho tiền như tôi. Đó là vì các cán bộ biết tôi đã cố gắng hết sức giúp đỡ họ viết báo cáo lý lịch phạm nhân nên họ muốn tặng cho tôi, gọi là quà mừng tôi được thả. Ngay cả bác Siriwan cũng cho tôi khá là nhiều. Sau khi được thả, bác vẫn thường xuyên liên lạc với tôi và còn giúp đỡ nếu như tôi có gọi đến làm phiền. Hiện tại, bác đã chuyển công tác đến một tỉnh khác và không còn liên lạc với tôi nữa.
Ngày đầu tiên được thả tự do, anh trai và chị gái đến đón tôi trước cổng trại giam và đưa tôi đến bãi biển Bang Sean với mong ước gột rửa, thả trôi và vất xuống biển mọi đau khổ mà tôi đã phải chịu đựng vừa qua. Sau đó, chúng tôi đến viếng mộ bố ở một tỉnh khác. Di cốt của bố được đặt trong một ngôi chùa nhỏ và thật không thể tin được một hiện tượng lạ đã xảy ra với tôi. Khi đó là khoảng sáu giờ chiều, tôi làm lễ trước di cốt của bố. Thời tiết hôm đó rất nóng, không hề có một chút gió nào. Vậy mà tự nhiên cây cối rung lên, giống như có một làn gió rất mạnh thổi qua trước mặt tôi. Mọi người đi cùng tôi hôm đó đều nhìn thấy và tất cả đều quay sang nhìn tôi một cách đầy kinh ngạc. Có lẽ bố đang về, chúc mừng tôi đã mãn hạn tù.
Không lâu sau khi ra tù, tôi đã tìm cách liên lạc với Chin-ya nhưng thật buồn, Chin-ya đã đổi số điện thoại mới và chuyển nhà đi nơi khác sống nên tôi không thể liên lạc được. Tận sâu đáy lòng tôi hiểu được suy nghĩ của Chin-ya. Có lẽ anh đã không còn chờ tôi nữa vì tôi phải ngồi tù quá lâu và trong suốt thời gian đó chúng tôi không hề liên lạc với nhau. Thời gian trôi qua, tôi lại quen một người đàn ông khác ít hơn tôi gần mười tuổi.
Ngày mới quen nhau, cậu ta mới chỉ mười chín tuổi và đang học tại một trường đại học ở Bangkok, còn tôi lúc đó cũng đã hai mươi bảy, hai mươi tám. Tôi đã kể mọi chuyện của mình cho cậu ta nghe mà không hề giấu giếm bất kỳ chuyện gì như tôi là ai, đến từ đâu và đã từng làm gì trong quá khứ. Anh chàng tên là Phổn. Tôi quan sát thấy cậu ta là người ít có kinh nghiệm sống, mặc dù đã lên đại học. Phổn đến từ một vùng nông thôn không xa Bangkok, là tỉnh Mea Klong. Tôi đã dạy cậu ta mọi thứ, từ cách tiếp xúc với thế giới rộng lớn bên ngoài, biết đi chơi đêm, quen biết với nhiều bạn bè hơn và còn rất nhiều điều khác nữa. Phổn rất nhút nhát và nghệ sĩ vì cậu ta đang theo học mĩ thuật. Chúng tôi dính nhau như đôi sam. Tôi quen biết tất cả bạn bè của Phổn ở trường đại học, đến cả các thầy cô giáo cũng biết vì tôi thường đến ăn, ngủ lại trong phòng Phổn và thậm chí còn lên giảng đường học với cậu ta nữa. Việc học mĩ thuật cũng không có quá nhiều phép tắc như các môn học khác, mọi thứ đều rất thoải mái. Hàng ngày chỉ ngồi vẽ tranh, sau đó nộp cho giáo viên, thỉnh thoảng cũng ngồi học lý thuyết nhưng không nhiều lắm. Có lần, chúng tôi còn ngồi chơi bài với nhau bên ngoài mà không chịu vào học, bị giáo viên bắt được. Hôm nào tôi không vào trường với Phổn thì bạn bè và các thầy cô giáo lại hỏi cậu ta “Hôm nay người yêu không đến học cùng à?”. Kể cũng thấy vui vui.
Một thời gian sau, tôi cảm thấy tôi và Phổn không thể ở bên nhau được nữa vì tôi nghĩ cậu ta vẫn còn quá nhỏ tuổi. Nhiều lúc, tôi thấy cậu ta khá phân vân về mối quan hệ của chúng tôi. Vì thế chúng tôi dần dần rời xa nhau. Cuối cùng, tôi quyết định đi theo con đường riêng của mình.
Tôi lên đường sang làm việc ở Singapore, lần này tôi phải trả nợ cho bọn môi giới tám mươi khách. Tôi không còn muốn làm gái bán dâm như trước nữa. Nhưng tôi không biết phải làm gì ngoài công việc này. Tôi giống như một người phụ nữ bơ vơ giữa cuộc đời, không có ai giúp đỡ và không có ai chăm sóc, không có ai chịu trách nhiệm về cuộc đời tôi ngoài chính bản thân tôi. Giờ đây với tôi, bán dâm cũng là một nghề. Tôi chỉ nghĩ rằng nó là nghề của tôi và tôi sinh ra để làm nghề này. Để hành nghề, tôi không phải đầu tư bất cứ thứ gì ngoài vốn tự có. Ai chẳng muốn một cuộc sống an nhàn, giàu sang, tôi cũng vậy. Nếu có thể được lựa chọn thì tôi cũng muốn có một công việc nào đó ổn định chứ nhất định không bao giờ chọn nghề này.
Đến Singapore, tôi vào làm việc trong khu Geylang, nơi có rất nhiều cô gái người Thái Lan, Philippines, Trung Quốc đứng bắt khách. Đặc biệt là vào ngày cuối tuần, có đến hàng trăm cô ra đón khách. Ở Singapore không phải tiếp khách nhiều như ở Hồng Kông nhưng phương thức làm việc tương tự nhau. Đó là tính tiền phục vụ trong hai mươi phút cho một lần tiếp khách. Hàng ngày, tôi và những cô gái đó phải thường xuyên chạy trốn cảnh sát, mỗi ngày cả chục lần vì cảnh sát thường xuyên đến đuổi bắt chúng tôi. Cảnh sát ở đây rất côn đồ. Nếu ai bị bọn chúng bắt được mà vẫn có ý định chạy trốn thì sẽ bị họ đánh không thương tiếc và cũng không quan tâm người đó là phụ nữ. Tôi nghe từ những người bạn từng đến đây làm việc trước đó kể rằng nếu bị bọn chúng bắt thì sẽ phải ngồi tù, sau đó bị trục xuất về Thái. Nếu còn quay lại làm việc ở Singapore lần nữa và bị bắt lại lần thứ hai thì bọn chúng sẽ cạo sạch tóc và tống giam. Tôi tin vì tôi đã từng được chứng kiến tận mắt chuyện này.
Tôi có visa ở Singapore được một tháng nên có khá nhiều thời gian làm việc trả nợ. Một ngày tôi tiếp từ bảy đến mười người khách, có ngày còn được nhiều hơn, phụ thuộc vào việc tôi có chăm chỉ làm việc hay không. Tôi ở Singapore được một tuần thì gọi điện về nói chuyện với Phổn. Phổn nói rất nhớ tôi, muốn được gặp tôi và cảm thấy rất cô đơn khi không có tôi ở bên. Điều đó giúp tôi có thêm sức mạnh và muốn được trở về với cậu ta. Nhưng tôi vẫn chưa trả hết nợ nên vẫn phải ở lại làm tiếp. Có người bảo với tôi rằng nếu đã đến Singapore rồi mà chưa đi lễ Phật bà Quan Âm ở một ngôi chùa lớn của Singapore thì coi như vẫn chưa đến Singapore. Vì thế tôi muốn được đi lễ Phật để cầu xin điều an lành may mắn đến với tôi và Phổn, cầu xin cho chúng tôi có thể chung sống bên nhau trọn đời.
Ngôi chùa đó tuyệt đẹp, tượng Phật bà uy nghiêm hiền từ tọa lạc trong lễ đường chính. Sau khi lễ Phật xong xuôi, tôi quay lại phòng trọ và chuẩn bị đi làm như thường lệ. Tôi đến chỗ làm của mình nhưng thật không may tôi bị cảnh sát bắt quả tang khi đang quan hệ với khách trong phòng. Khi bị cảnh sát bắt, tôi vẫn còn cảm thấy hơi tiếc, đáng ra tôi vẫn chưa nên bị bắt lúc này vì còn chưa trả hết nợ và vẫn chưa kiếm được xu nào. Lúc đó, trong người tôi chỉ có khoảng hơn một nghìn bạt. Họ bắt và dồn tôi lại cùng với nhiều cô gái khác. Nhân lúc cảnh sát có sơ hở, một ý nghĩ thoáng qua trong đầu tôi là tôi phải chạy trốn vì hiện tại tôi vẫn chưa muốn về nhà.
Tôi định chạy trốn thì bị bọn họ phát hiện. Họ chạy đến, túm tóc tôi thật chặt, sau đó tát vào mặt tôi hai, ba cái và chửi tôi rất nhiều. Tôi biết mình không thể trốn được nên đành ngoan ngoãn nghe theo họ, chờ bị tống vào tù và trục xuất về nước. Tôi phải ngồi tù ở Singapore khoảng mười ngày mà không được tắm và thay quần áo vì ở đó không có nhà tắm cho phạm nhân. Bọn họ cũng không cho chúng tôi thu dọn quần áo trong phòng giống như hồi tôi bị bắt ở Hồng Kông hay Nhật Bản. Điều kiện nhà giam cũng rất tồi tàn, bẩn thỉu, còn bẩn hơn cả trại tù của Thái Lan vì chúng tôi phải vừa ngủ vừa đi vệ sinh chỉ trong một căn phòng duy nhất. Đồ ăn sáng chỉ có trà và một mẩu bánh mì cứng ngắc, không có đồ ăn trưa, chỉ được ăn thêm một bữa nữa tầm ba giờ chiều rồi đi ngủ. Chúng tôi không thấy mặt trời và tất nhiên cũng chẳng biết đến trăng sao vì bị nhốt dưới hầm của một ngôi nhà cao tầng. Trong tù có rất nhiều cô gái đến từ nhiều nước khác nhau. Mỗi phòng gian có rất nhiều ống dẫn khí của máy điều hòa truyền tới làm không khí trong tù lúc nào cũng lạnh lẽo. Nhà tù ở đây không có gối, không có chăn. Chúng tôi mặc bộ nào khi bị bắt thì lúc được thả vẫn mặc nguyên bộ đó.
Đến ngày được thả, cảnh sát áp giải chúng tôi ra đến tận sân bay. Vừa rời khỏi nhà giam tất cả chúng tôi đều không thể đi được vì mắt không thể nhìn thấy gì. Chúng tôi đã bị nhốt trong phòng tối đen nhiều ngày từ khi bị bắt cho đến khi được thả về nhà. Đây cũng là một hình thức tra tấn phạm nhân. Tôi tự thề với chính mình sẽ không bao giờ quay lại làm việc ở Singapore nữa vì nhà tù ở đây quá tàn khốc. Bọn họ chắc muốn để chúng tôi sợ đến chết và sẽ không dám quay lại làm việc ở Singapore. Tuy thế, tôi thấy rất ít người chịu từ bỏ ý định quay lại Singapore, chỉ được một thời gian ngắn họ đã quay lại đó. Với riêng tôi thì trong mười năm qua, tôi chưa từng quay lại đó lần nào dù có rất nhiều cơ hội nhưng tôi vẫn muốn đến nơi khác hơn là quay lại Singapore.
Quay về gặp Phổn, chúng tôi lại thường xuyên ở với nhau. Ngoài ra, tôi cũng cố gắng liên lạc tìm Chin-ya. Nhờ sự giúp đỡ của một cô bạn Thái đã kết hôn với người Nhật, cuối cùng tôi cũng tìm thấy anh. Tôi gọi điện nhờ Chin-ya sang Thái đón tôi quay lại Nhật vì trong thời gian đó tôi cũng không dám chắc chắn về tình cảm của mình với Phổn. Chin-ya sang Thái tìm tôi thật. Anh đã thực hiện mọi thủ tục để giúp tôi quay lại Nhật sinh sống với anh như xưa và còn nói với tôi rằng anh đã chia tay với người phụ nữ kia. Chin-ya đến tìm tôi ở Thái Lan, Phổn cũng biết chuyện. Phổn sợ nếu không có tôi thì không biết cậu ta sẽ sống ra sao. Phổn nói với tôi rằng cậu ta rất yêu tôi và không thể sống đươc nếu bị tôi bỏ rơi. Phổn đã khóc xin tôi đừng đi với Chin-ya và hứa sẽ sống với tôi suốt đời cho dù có chuyện gì xảy ra.
Tôi quyết định ở lại với Phổn vì tôi và Chin-ya đã xa cách nhau quá lâu để có thể quay lại hàn gắn tình cảm như xưa. Chúng tôi đã không gặp nhau nhiều năm, tôi tự hỏi lòng mình để biết hiện tại tôi yêu ai nhiều hơn và câu trả lời là "Tôi đã yêu Phổn".
Ngày tiễn Chin-ya ra sân bay về nước, tôi chỉ bảo Chin-ya về lại Nhật trước, sau đó tôi sẽ theo sang sau vì còn vướng chút giấy tờ chưa giải quyết xong, cần phải chờ anh về Nhật gửi cho tôi để tôi tiến hành thủ tục xin visa mới. Hôm đó ở sân bay, Chin-ya luôn nhìn vào mắt tôi như thể anh muốn chứng minh điều gì đó. Có lẽ anh muốn kiểm chứng xem tôi còn có tình cảm với anh nữa hay không. Sau khi chia tay nhau, tôi không hề gọi điện cho Chin-ya và anh cũng không gửi bất kỳ giấy tờ nào cho tôi. Chắc anh cũng hiểu rằng tôi đã không còn yêu anh nữa. Chúng tôi chia tay nhau trong yên bình, chỉ có điều tôi vẫn chưa làm thủ tục ly hôn với Chin-ya và tôi vẫn phải dùng họ của Chin-ya cho đến tận bây giờ.
Tôi chuyển đến sống với Phổn cho đến khi anh tốt nghiệp, nhận bằng đại học và hoàn thành nghĩa vụ đi tu[1]. Sau đó, chúng tôi sinh sống bằng nghề bán hàng dạo trong các chợ phiên. Quán của chúng tôi là một chiếc xe tải nhỏ có thể mở được nắp đằng sau. Tôi chấp nhận làm mọi thứ và luôn cố gắng hết sức, chưa từng nhụt chí. Mối quan hệ giữa tôi và bố mẹ, anh chị em của Phổn khá tốt. Mặc dù họ biết tôi hơn tuổi con họ nhưng nếu con họ yêu tôi thì họ cũng vẫn chấp nhận tôi. Điều kiện gia đình Phổn có thể nói là khá giả. Bố mẹ Phổn làm nghề bán đồ hải sản ở Mea Klong. Chúng tôi đã đưa nhau về Mea Klong sinh sống. Mẹ Phổn rất tốt, bà còn mua xe trả góp cho chúng tôi để lấy phương tiện chở hàng đi chợ bán. Hồi đó, tôi bán quần áo ở chợ Mea Klong. Ở đó, mọi người ai cũng biết tôi vì tôi ăn mặc rất phong cách. Mặc dù nhiều lúc bố mẹ Phổn tỏ ra không thích nhưng chuyện này không thể làm khác được vì tôi phải ăn mặc thật đẹp để cho khách hàng ngắm. Có thế họ mới mua quần áo của tôi.
[1] Người Thái có phong tục nam giới đến tuổi trưởng thành phải đi tu khoảng một đến ba tháng để báo hiếu cho bố mẹ.
Tôi rất hạnh phúc khi có một nghề lương thiện để làm và không phải đi bán dâm như trước. Tôi đã nghĩ Phổn có lẽ sẽ là người đàn ông cuối cùng của đời tôi. Tôi sẽ nguyện chung sống cả đời với anh và sẽ không bao giờ quay lại nghề cũ nữa. Nhưng một thời gian sau, cửa hàng quần áo của chúng tôi liên tục bị thua lỗ. Chúng tôi phải thay bằng việc bán hàng tiêu dùng khuyến mãi. Chúng tôi mua về một giá sau đó bán ra với giá cao gấp đôi. Thời gian đầu, công việc buôn bán rất thuận lợi, tôi không phải ngồi bán lẻ nữa mà bán buôn cho các cửa hàng. Sau đó ở Mea Klong cũng có nhiều người bắt chước làm theo tôi vì thấy tôi bán hàng rất chạy, nhưng không có ai có thể cạnh tranh được với tôi. Tôi đắt khách là nhờ vào khả năng giao tiếp, chào mời khách hàng. Nhiều khách hàng nói với tôi rằng thật ra họ không muốn ra mua hàng của tôi đâu mà chỉ muốn ra nói chuyện với tôi. Họ khen tôi là người nói chuyện rất có duyên, biết lắng nghe người khác và thỉnh thoảng còn cho họ lời khuyên khi họ gặp rắc rối.
Tôi bán loại hàng này được hơn hai năm thì gặp khó khăn và bị thua lỗ, cũng dễ hiểu thôi bởi trong kinh doanh không phải lúc nào cũng gặp thuận lợi. Tôi và Phổn phải vay nặng lãi người khác, ban đầu chỉ vay vài nghìn bạt rồi dần dần lên thành hàng chục nghìn, hàng trăm nghìn bạt. Chúng tôi nợ quá nhiều đến mức bố mẹ Phổn phải bỏ tiền ra trả giúp và chúng tôi phải chuyển sang làm nghề mới. Tôi quay ra nghề bán bánh mì có nhân là thịt dăm- bông, thịt hun khói và các loại mứt hoa quả. Tôi luôn cố gắng tìm cách làm ra những loại bánh khác biệt với những người khác và không nơi nào có. Tôi học làm theo một loại bánh lúc đó đang rất được ưa chuộng và thường được bán ở trong các nhà ga tàu điện có tên là Bread Ham. Nhưng tôi sẽ pha trộn nhiều loại khác nhau, cố gắng để không giống bất kỳ ai và đặt tên bánh Chai-en. Tôi làm và bán bánh ở Hua Hin, Phetburi, Ratburi. Hàng bán rất chạy. Hồi đó, ai muốn ăn bánh của tôi đều phải đứng xếp hàng chờ rất lâu. Người nào không có thời gian chờ có thể ghi lại vào giấy sau đó quay lại lấy sau. Tôi rất tự hào với các loại bánh do chính mình sáng tạo ra. Tôi luôn cố gắng duy trì điều đó. Khách hàng của tôi rất đông và tôi chỉ bán với giá chỉ bảy bạt một cái, ba cái hai mươi bạt. Dù tôi có đem bán ở đâu thì cũng rất chạy. Việc bán bánh của tôi khi đó rất vất vả vì phải ngồi làm cả đêm để có thể làm ra được số lượng bánh nhiều nhất có thể, lên đến hàng nghìn cái. Tôi chỉ bán một mình, thỉnh thoảng để Phổn giúp nhưng cũng không làm kịp vì thế nên phải thuê thêm một người giúp việc.
Thời gian đó, tôi chỉ quen một mình Phổn và cũng không có ý định tìm kiếm thêm người đàn ông nào khác. Chúng tôi cùng đồng cam cộng khổ với nhau được tròn bảy năm và đã kiếm sống bằng nhiều nghề khác nhau. Thời gian sau này, Phổn bắt đầu có biểu hiện chơi bời và ngoại tình với một người phụ nữ khác và được bố mẹ anh ủng hộ. Tôi không hề biết chuyện này vì thời gian đó tôi chỉ bận bịu suốt ngày với việc làm bánh. Tôi luôn nghĩ Phổn chỉ có thể yêu một mình tôi và sẽ chỉ có một mình tôi suốt cuộc đời. Phổn là người khá điển trai và tôi luôn bắt anh phải ăn mặc thật đẹp. Việc tôi làm như vậy đã khiến anh có rất nhiều phụ nữ theo đuổi. Người phụ nữ mà bố mẹ Phổn ủng hộ là con gái của một chủ trại nuôi cá lồng trên sông Mae Klong, gia đình rất có điều kiện. Bản thân cô ấy cũng được học hành tử tế, học lên đến bậc thạc sĩ, khác biệt hoàn toàn so với tôi. Phổn cũng đã say mê người phụ nữ đó. Có lẽ anh đã chán với cảnh nợ nần của chúng tôi, làm việc vất vả bao nhiêu cũng không đủ sống. Cuối cùng, tôi phải nghỉ bán bánh còn Phổn quay về giúp bố mẹ buôn bán cá.
Mẹ Phổn không muốn tôi ngồi chơi không nên bảo tôi làm đồ ăn bán. Dù từ trước đến nay tôi chưa từng làm nghề này nhưng tôi muốn bỏ hẳn nghề cũ nên cũng cố gắng làm thử. Bán chưa được một tháng thì tôi nghỉ vì phải làm một mình. Tôi thấy mình ngày càng trở nên xấu xí, hằng ngày bán hàng cơm, quanh quẩn trong xó bếp với toàn nồi niêu, xong chảo, người ngợm dính đầy dầu mỡ, hôi hám, không giống trước đây tôi ăn mặc rất sành điệu, có xe chạy, có bạn bè, được mua sắm và đến những nơi sang trọng. Còn bây giờ thì thật là tệ.
Tôi thấy chán nản nên quyết định bỏ việc bán hàng cơm để nghỉ ngơi và suy nghĩ về mọi chuyện. Lúc đó tôi đã biết Phổn thường xuyên qua lại với người đàn bà kia. Thời gian đó, Phổn thường xin tôi về nhà mình ngủ với lý do phải dậy sớm để giúp mẹ đi chợ mua cá. Nhưng thực ra sau này tôi mới biết anh đã đến nhà người đàn bà đó ngủ và họ đã làm chuyện đó với nhau từ khá lâu. Tôi từng nói với Phổn rằng nếu tôi không thể ngăn anh và người đàn bà đó thì xin anh cũng đừng bỏ rơi tôi, xin cho tôi được ở cùng anh như thế này mãi mãi cũng được. Dù anh có thêm một người đàn bà nữa cũng không sao, tôi sẵn sàng chấp nhận. Tôi rất yêu Phổn và chúng tôi cũng đã sống với nhau được gần chín năm. Phổn cũng đồng ý với lời đề nghị của tôi nhưng người đàn bà kia lại không chấp nhận. Thị nói nếu có thị thì sẽ không có tôi. Cuối cùng, Phổn cũng đã chọn thị và bỏ rơi tôi không thương tiếc. Anh bỏ mặc tôi ở một mình với một con chó Nhật tên là Chúp mà chúng tôi đã mua về nuôi và yêu thương nó như con.
Bị Phổn bỏ rơi, tôi phải ở một mình với một con chó, bữa no bữa đói vì không có tiền mua cơm. Nếu tôi phải ăn mì tôm thì con chó cũng phải ăn mì tôm. Tôi phải đến nhà bạn bè ăn cơm nhờ từng bữa một. Nghĩ mà thấy đáng đời tôi quá. Bạn bè cũng thấy thương tôi không có tiền, không có bất kỳ tài sản nào. Tôi thấy rất xấu hổ với nhiều người ở Mea Klong. Trước đây tôi không như vậy, tôi có tiền, có công việc kinh doanh, có mọi thứ và cũng là một người xinh đẹp nổi tiếng ở khu vực này. Nhưng giờ thì mọi thứ đã chấm dứt. Đây có phải là phần thưởng xứng đáng cho những cố gắng của tôi trong suốt những năm qua? Tôi có đáng phải nhận phần thưởng cho sự thủy chung và chân thành của mình như thế này không?
Cuối cùng, tôi phải bán tất cả mọi thứ cả ti vi, giường ngủ, và tất cả những đồ vật khác trong nhà với giá không cao lắm. Tôi cũng bán lại công thức làm bánh của mình cho hai người vì họ từng liên lạc với tôi xin học làm bánh. Tôi bán công thức làm bánh cho họ với giá hai mươi nghìn bạt một người, hai người bốn mươi nghìn bạt. Tôi chỉ ôm duy nhất một con chó trở về Bangkok với mẹ. Tôi đã nhờ Phổn mang con chó này về nuôi, nói anh bỏ rơi tôi cũng không sao nhưng làm ơn đừng bỏ rơi nó vì nó không thể tự lo cho mình. Nhưng Phổn rất tàn nhẫn, anh ta không chịu nhận nuôi nó, còn tôi thì không thể bỏ rơi nó. Vậy nên, tôi đành phải ôm nó về nuôi cho đến tận bây giờ.
Sau khi chia tay với Phổn, tôi mới được biết nguyên do của việc bố mẹ và anh chị em Phổn đồng tình với việc Phổn yêu người đàn bà kia. Họ nghĩ rằng ở với tôi, Phổn chỉ gặp toàn chuyện đen đủi. Ngoài ra, con của họ còn kém tôi đến gần mười tuổi. Nhưng họ đã không nghĩ đến việc Phổn có thể trở thành người như ngày hôm nay là nhờ ai. Nếu trước đây không có tôi thì có lẽ Phổn đã bỏ học vì anh ta luôn than vãn không muốn học tiếp. Tôi đã luôn khích lệ Phổn cố gắng học cho xong. Ngay đến chuyện đi tu để báo hiếu với bố mẹ mà anh ta cũng không muốn làm. Anh ta luôn cho rằng không cần thiết phải làm như vậy, và cũng chính tôi là nguồn động viên, động lực để anh ta hoàn thành tâm nguyện đó cho bố mẹ. Phổn là người có suy nghĩ khá lạ lùng. Khi còn đi học, do anh ta không nhận được sự quan tâm từ phía gia đình nên không thấy tầm quan trọng của việc báo hiếu. Bố mẹ Phổn đều không biết Phổn đã từng có suy nghĩ như vậy. Phần lớn sinh viên nghệ thuật đều thế, họ có trí tưởng tượng phong phú và cái tôi cá nhân rất lớn.
Từ đó trở đi, chúng tôi chia tay nhau và chưa từng liên lạc lại mặc dù nhà Phổn không cách xa Bangkok là mấy. Bản thân tôi cũng không muốn gặp lại anh ta nữa. Nhưng dẫu sao, tôi cũng xin được cảm ơn anh ta đã yêu thương tôi trong suốt quãng thời gian dài gần mười năm qua.
Về lại Bangkok sống với mẹ, tôi cố gắng suy nghĩ xem từ giờ trở đi sẽ phải làm gì để kiếm sống. Khi nghĩ đến tuổi tác của mình tôi cũng bắt đầu cảm thấy nản lòng vì năm nay tôi cũng đã gần bốn mươi tuổi rồi. Đi xin việc gì phần lớn người ta không muốn nhận, còn nếu quay lại làm nghề cũ thì chắc cũng không ai chịu nhận đưa tôi đi nước ngoài. Bây giờ các cô gái trẻ đẹp mới vào nghề rất nhiều, mặt mũi cũng xinh xắn hơn tôi và quan trọng là trẻ hơn tôi nhiều. Tôi bị thất nghiệp trong nhiều tháng nên nghĩ rằng có lẽ phải quay lại nghề bán bánh Bread Ham một lần nữa. Tôi sẽ thử xem sao, biết đâu lại bán chạy hàng. Tôi cố gắng không nản chí để không phải quay lại nghề cũ lần nữa. Tôi bắt đầu từ làm bánh và đi bán bánh một mình. Nhưng mỗi khi phải ngồi làm bánh một mình như thế, tôi không thể cầm được nước mắt vì tủi thân, vì tôi nhớ đến Phổn. Đáng lẽ, anh không nên bỏ rơi tôi trong lúc này, không nên phá hoại cuộc sống mà tôi đã cố gắng tạo dựng bằng sự thủy chung và chân thành của mình trong suốt thời gian qua. Trong quãng thời gian đó có rất nhiều cơ hội để tôi gặp gỡ với nhiều người đàn ông tốt, mà lại đều là những người nước ngoài. Vậy mà tôi đã từ bỏ mọi thứ vì anh. Tôi chưa từng nghĩ sẽ phản bội anh, và thậm chí còn luôn tự hào về tình yêu chung thủy của mình dành cho anh. Nếu không vì sự thủy chung đó thì có lẽ tôi đã có một cuộc sống tốt hơn thế này. Trong đời này liệu còn có ai sẽ yêu tôi và thương tôi chân thành nữa không?
Tôi luôn nghĩ, kể từ giờ trở đi, tôi muốn được sống một mình vì tôi chắc chắn không thể bắt đầu lại cuộc sống mới với bất cứ người nào được nữa. Tôi tự nhắc nhở bản thân sẽ khép chặt trái tim mình và tự hứa sẽ không bao giờ trao trái tim này cho bất kỳ người đàn ông nào nữa.
Tôi làm bánh từ đêm hôm trước. Sau đó mang đi bán ở trước cửa tòa nhà văn phòng cao tầng của công ty Bảo hiểm nhân thọ Thái Lan ở phố Ratchada từ năm giờ sáng hôm sau. Trong ngày đầu tiên, tôi làm khoảng hai trăm chiếc bánh mang đi bán thử. Tầm mười giờ sáng, khách hàng cũng đã vắng vì họ phải vào làm việc trong văn phòng mà tôi vẫn chưa bán hết bánh, vẫn còn lại gần một trăm chiếc. Tôi đem tất cả bánh chia hết cho những người cùng bán hàng với tôi ở đó. Tôi nghĩ làm thế tốt hơn là để bánh bị hỏng phải bỏ đi. Hôm sau, tôi lại tiếp tục làm bánh mới.
Tôi nhẫn nại làm việc hằng ngày. Những buổi đầu không có lãi vì bánh ế quá nhiều, coi như hòa vốn và phải bỏ công không. Vài ngày sau đó, ngày nào tôi cũng bán hết bánh và ngày càng đông khách hơn, phải làm thêm bánh từ hai trăm chiếc lên bốn trăm chiếc. Tôi bán rất chạy, còn có khách đặt hàng trăm chiếc bánh để đem đi chia cho nhân viên công ty khi có hội nghị. Tôi rất vui mừng vì thành quả của chính mình. Trong những ngày ngồi bán bánh, tôi làm quen và thân thiết với một chị bán hủ tiếu xào gần đó. Chị ấy năm nay khoảng bốn mươi bảy, bốn mươi tám tuổi, khuôn mặt già hơn so với tuổi và không được đẹp lắm. Trông chị giống một người mới từ nông thôn ra thành phố. Chị kể rằng trước đây một năm chị làm nhân viên massage ở nước Anh và chị đã gặp một khách hàng, giờ khách đó vẫn gửi tiền cho chị hàng tháng và thường xuyên bay sang Thái tìm chị. Từ câu chuyện của chị khiến tôi nhìn lại chính mình và nghĩ tôi có nhiều điểm hơn chị, biết đâu cũng có một ngày tôi sẽ được may mắn như chị.
Một thời gian sau, tôi bắt đầu thấy chán với công việc bán bánh vì nghĩ cuộc sống của tôi không thể cứ quanh quẩn mãi thế này được. Ngoài ra, lúc đó nhân viên ga tàu điện nơi tôi bán hàng buổi sáng đến đuổi không cho phép chúng tôi bán hàng ở đó nữa. Vì thế, tôi và tất cả những người bán hàng khác ở đây đều phải chuyển đi bán ở nơi khác. Tôi quyết định bỏ việc bán bánh và thử đi xin việc làm qua các báo đăng tuyển người giúp việc, lau dọn vệ sinh phòng nghỉ trong khách sạn.
Tôi xin vào làm trong một ngôi nhà chung cư Service Apartment gần khu vực Sanam Pao. Họ dạy tôi cách trải giường, cách làm vệ sinh trong phòng. Ở đó, ngoài tiền lương hàng tháng sẽ có tiền dịch vụ và tiền bảo hiểm xã hội cho nhân viên. Đây là lần đầu tiên tôi đi làm công việc kiểu nhận lương tháng và được đóng bảo hiển. Lương tháng của tôi được khoảng bảy nghìn bạt, có thể được coi là khá cao tại thời điểm đó. Ngoài ra, hàng ngày tôi còn nhận được tiền bo của khách khi vào phòng dọn dẹp cho họ. Họ sẽ để lại tiền bo trong phòng mỗi lần tôi vào dọn vệ sinh. Tôi làm việc ở đó được bốn, năm tháng thì nghỉ việc vì tòa nhà này mới mở, chưa có nhiều khách lắm và tiền bo cũng ít. Bạn tôi giới thiệu tôi đến xin việc trong một khách sạn vì ở đó sẽ có nhiều khách hơn. Tiền dịch vụ ngoài tiền phục vụ phòng cũng nhiều hơn nên tôi quyết định đến chỗ mới làm.
Tôi vào làm việc trong một khách sạn ở khu Sukhumvit và cũng cảm thấy nơi này tốt hơn thật, có nhiều khách hơn, tiền bo mỗi ngày gần hai trăm bạt, có ngày còn được nhiều hơn. Nhưng khách sạn này là một khách sạn nhỏ, chỉ có sáu tầng và khoảng ba mươi lăm phòng nghỉ. Vì thế hàng ngày, tôi chỉ được phân công dọn dẹp tám phòng. Lúc làm việc, họ nghiêm cấm nhân viên không được dùng thang máy. Tuy nhiên chỗ này cũng không có đồ ăn trưa, không có cà phê buổi sáng cho nhân viên uống và không có tiền dịch vụ thu thêm. Tiền lương mỗi tháng bảy nghìn bạt, vì thế tôi lại phải đi tìm nơi làm mới.
Lần này, tôi xin vào làm việc trong một khách sạn lớn, cũng tại khu vực đường Sukhumvit. Tại đây có hơn bốn trăm phòng ngủ, có giá dịch vụ tính thêm từ khách, có đồ ăn trưa miễn phí cho nhân viên, mọi thứ đều tốt cả. Tôi làm việc được ba tháng thì có cảm giác cuộc sống của một nhân viên đi làm lấy tiền lương tháng thường gặp nhiều rắc rối. Công ty càng lớn thì rắc rối càng nhiều. Lắm người nhiều chuyện và thường ghen ghét đố kỵ, đấu đá nhau để được thăng tiến. Ai chịu được thì ở lại, ai không chịu được thì nghỉ.
Trong suốt thời gian làm việc, tôi bị người ta chèn ép đủ chuyện cũng chỉ vì cái thói ghen ghét đố kỵ đó. Điều quan trọng mà tôi thấy được từ các công ty lớn là các nhân viên từ chức vụ trưởng phòng cho đến nhân viên bình thường hay có quan hệ bất chính với nhau, vợ ông nọ quan hệ với chồng bà kia. Trưởng phòng của tôi đã có gia đình rồi nhưng vẫn lén lút quan hệ và chu cấp cho một bà trưởng phòng khác. Với những nhân viên cấp dưới cũng vậy, họ đều lén lút quan hệ với những đồng nghiệp làm cùng công ty, nhiều người còn hành động không khác gì gái bán dâm. Họ hẹn hò ăn uống, chơi bời với nhiều đàn ông khác nhau.
Tôi nhận thấy giá trị của con người trong thế giới này đều giống nhau cả. Dù người đó là ai, đến từ đâu, làm nghề gì, địa vị xã hội cao hay thấp thì cũng đều là con người cả, cũng biết yêu, biết buồn, biết giận và mắc sai lầm. Tất cả đều không hề có sự khác biệt. Vậy mà người ta lại thích phân chia giai cấp giữa những người ở tầng lớp trên, làm những công việc nhàn hạ với những người ở tầng lớp dưới, làm những nghề hèn hạ như nghề bán dâm của chúng tôi. Ai cũng coi chúng tôi là những kẻ thấp hèn và thích đi cặp với chồng của người khác. Chúng tôi làm như vậy vì đó là một nghề phục vụ, có sự trao đổi giữa tiền bạc và việc đáp ứng nhu cầu hạnh phúc cho khách. Chúng tôi làm việc không hề bắt nguồn từ nhu cầu tình cảm mà coi đó là một công việc kinh doanh. Tôi thấy việc người ta lén lút quan hệ bất chính với nhau mà không xuất phát từ tình yêu, hoặc cặp bồ vợ lớn vợ bé mới là chuyện đáng lên án. Khi đó người đàn ông đó phải chịu trách nhiệm với tất cả những người phụ nữ của mình. Trong khi đó, với chúng tôi thì chỉ cần trả tiền là xong và chúng tôi sẽ làm việc với những người khác. Như vậy, xã hội sẽ bớt đi những cảnh gia đình bị tan đàn xẻ nghé chỉ vì người thứ ba. Tôi không có ý nói việc làm nghề như chúng tôi là điều tốt và nên làm, chỉ muốn nói để mọi người hiểu hơn mà thôi.
Tôi nghỉ việc tại khách sạn mới lần nữa vì quản lý không thích tôi. Tôi khá cứng đầu và chỉ chịu nhận lỗi khi tôi thực sự làm sai hoặc làm không đúng cách. Nhưng quản lý của tôi lại đổ lỗi sai của mình cho tôi mà không hề thấy xấu hổ. Vì thế, tôi sẵn sàng chấp nhận nghỉ việc chứ nhất định không chịu nhận lỗi. Tôi thấy mệt mỏi với công việc ăn lương tháng và đã cố chịu đựng với công việc này hơn hai năm. Công việc trong các công ty thật tẻ nhạt, nhàm chán, quẩn quanh và nhiều chuyện.
Tôi Là Ê-Ri Tôi Là Ê-Ri - Thanadda Sawangduean Tôi Là Ê-Ri