Số lần đọc/download: 4819 / 291
Cập nhật: 2016-02-02 03:55:23 +0700
Tại Sao Thiên Hạ Lại Mê Truyện Tố Tâm?
T
hế thì tại sao truyện Tố Tâm lại được thiên hạ lưu ý và tìm đọc say sưa như vậy? Thực ra, tình tiết truyện Tố Tâm không lạ mà lời văn cũng như các câu đối thoại trong truyện cũng không có gì mới lắm - so với bây giờ - nhung phải đặt mình vào làng báo làng văn của xã hội Việt Nam lúc bây giờ ta mới có thể quan niệm được tất cả cái kỳ lạ, mới mẻ của một cuốn truyện như cuốn truyện Tố Tâm đối với tâm hồn người đọc lúc bây giờ ra sao. Quả là như một trái bom nổ giữa khung trời tình cảm. Nguyên xã hội ta từ 1914 - 1915 trở về trước chỉ mới là ở trong giai đoạn đầu của chế độ bảo hộ của Pháp thực dân: các cụ vẫn hăng say chống Pháp. Sau đó công cuộc chống Pháp tiếp tục nhưng âm ỉ, trong khi đó thì tâm hồn và tình cảm của ta chuyển mình: biết rằng ta không thể chống Pháp bằng võ khí, ta chiến đấu bằng văn hóa và chấp nhận nền văn minh của Âu Tây. Thanh niên bắt đầu tìm học, tìm hiểu cái tinh hoa Âu Tây. Cùng lúc đó, cảm xúc, tâm hồn của người Việt Nam - nhất là thanh niên cũng chuyển mình mà chính nguời trong cuộc nhiều khi không biết. Sự suy tư, sự cảm nghĩ cộng với bao nhiêu quan niệm cũ thay đổi dần một cách nhẹ nhàng mà rõ rệt nhất là quan niệm về sự yêu thương và hạnh phúc, về đời sống tinh thần của mỗi người. Trai gái muốn phá xiềng xích gia đình trói buộc con người lại nhưng chưa dám, thì chính lúc đó Tố Tâm ra đời, nói lên sự đau đớn của con tim bị áp bức và thiết tha đòi một cách gián tiếp quyền sống cho những tâm hồn đói khát tự do và yêu thương. Đó là cái tâm sự u ẩn của muôn đời nghìn kiếp; còn bất công xã hội thì còn áp bức, còn đè nén; còn đè nén thì con tim của nguời ta vẫn kêu thương; vì thế những người đọc Tố Tâm đều thấy mình hoặc ở trong Tố Tâm hoặc ở trong Đạm Thủy và cũng vì thế người nào cũng coi Tố Tâm là chuyện của chính mình và sau này vẫn đầy dẫy những người tin như thế. Chính vì thế ngay khi ra đời Tố Tâm được hoan nghênh đáo để và cũng chính vì thế, có nhiều bà, nhiều cô bây giờ vẫn tìm Tố Tâm để đọc mà vẫn thấy hay, vẫn thấy câu chuyện buồn thảm đó đi sâu vào trí óc, tâm trí của mình.
Riêng một sự việc đó thôi cũng đủ làm cho Tố Tâm thành một cuốn sách bán chạy nhất lúc bây giờ, nhưng Tố Tâm còn một yếu tố khác để làm cho chạy nữa. Không hiểu vì tình cờ hay là vì một chiến thuật của một nhân tài nào, ngay lúc sách ra được ít lâu, nguời ta lại tung ra trong xã hội Bắc Việt hồi đó một truyền thuyết về cuốn truyện.
Nguyên ở Hà Nội lúc đó, tại nhà số 52 phố Hàng Ngang có hai chị em kia đẹp nõn nà, đẹp cao quý, đẹp rất ư lịch sự, nổi tiếng là "hoa khôi Hà Nội". Không biết thực hư thế nào, đại đa số thanh niên quả quyết là nàng Tố Tâm đau khổ đó chính là cô hoa khôi chị, thành ra, ngoài cái hay của truyện, người đọc lại thấy Tố Tâm là một tiểu thuyết sống, tiểu thuyết có thực, khả dĩ làm thỏa được trí tò mò của người đọc xưa nay bao giờ cũng hiếu kỳ. Người đọc truyện thương cho nhân vật trong truyện, thương cho mình, lại thương luôn cho cả người đẹp ở Hàng Ngang nữa: thương một lúc nhiều đến như thế, người ta không lấy làm lạ sau khi Tố Tâm ra đời, trai gái - nhất là các cô gái cập kê - khóc sướt mướt, khóc âm thầm, khóc tấm tức và một làn không khí yếm thế, chán đời, muốn quyên sinh bao phủ khung trời tình cảm của thanh niên nam nữ.
Đã lâu lắm, tôi đọc thấy trong báo cũ của Pháp hai bài: Một nói về bản nhạc Ngày chủ nhật u buồn (Sombre dimanche) và một nói về vở kịch Chatterton của Alfred de Vigny. Khi bản nhạc Sombre dimanche ra đời, theo bài báo, các cô thiếu nữ chán đời uống thuốc ngủ tự tử vô số kể, còn về vở kịch Chatterton thì các cô các cậu xem về, chán đời không chỗ nói cũng tự tử giây chuyền. Cuốn tiểu thuyết Tố Tâm làm cho trai gái chán nản sự sống, có một ao ước bộ da xanh mét và mơ được đau ngực và mắc bệnh thổ huyết để "tạ lòng" người tình không được trăm năm đầu bạc, sống một mối tình "đẹp như tuyết núi trăng thu".
Có lẽ ông Song An Hoàng Ngọc Phách cũng không biết tác phẩm của mình lại có thể gây tai ương cho thanh niên thiếu nữ lúc bấy giờ như thế nhưng qua những lời văn ông viết ở đầu cuốn chuyện hồi tháng Tám 1922 thì chính ông cũng dường như cảm thấy sách của mình ra đời có thể là "một sự việc không lành". Có lẽ vì thế ông đã rào trước đón sau lúc đưa in cuốn sách để gián tiếp cảnh cáo những nguời đọc truyện Tố Tâm.
"Nguyên do những lúc có văn chương tư tưởng như vậy, bên cạnh cái hy vọng to lớn về việc công ích, thường vẫn hay mơ màng những cảnh tuyệt vời của ái tình, cố tìm cho được một người cùng mình mà đi tới những cảnh mơ màng ấy, không nghĩ cho rằng phàm những cảnh viển vông phảng phất tự ta mơ tưởng đường đời cũng như giọt sương buổi sáng, lóng lánh trên ngọn cây, như ánh nắng buổi chiều thướt tha trên đỉnh núi, xa trông thì đẹp lạ thường, nhưng tìm đến tận nơi thì tan đi hết, không còn thấy gì là đẹp nữa, cho nên lúc hai người nam nữ rủ nhau mơ màng đi tìm những cảnh ấy, chợt gặp một quãng gai góc đầy đường, dễ lầm lạc lối, hoặc vì lứa đôi trắc trở với người biết trước, hoặc vì duyên nài phận ép với người đến sau, mà ra đời khoảng 1924-1925 cũng tạo nên một ảnh hưởng tương tự nhưng trong một phạm vi nhỏ hẹp và kín đáo hơn. Điển hình cho ảnh hưởng chán đời, cho ảnh hưởng phục vụ tự do cá nhân do Tố Tâm đã tạo nên, riêng tôi được biết vụ cô Đinh Thị Tuyết Hồng (giòng nhà thi sĩ Đinh Hùng) tự trầm ở hồ Trúc Bạch sau khi lấy chồng là anh V.A.Đ. (em ruột một nhiếp ảnh gia nổi tiếng). Cái chết của cô Tuyết Hồng rập theo đúng như in cái chết của Tố Tâm: yêu một người âu sầu héo hắt đi. Duy hai đàng khác nhau một chút: Tố Tâm chết vì chứng thổ huyết, còn Tuyết Hồng thì chết vì một cái chết tự mình tạo ra - nhưng chung quy cũng chỉ là "chết vì hai chữ ái tình" như Tố Tâm đã viết cho Đạm Thủy trong bức thư cuối cùng bắt đầu bằng một câu thê thảm y như Tuyết hồng lệ sử trong bức thư Lê Anh vĩnh biệt Mộng Hà:
"Anh Đạm Thủy ơi, em không thể sống được nữa, đã đến lúc từ trần rồi. Em ho ra nhiều huyết quá. Thôi mấy giòng không thành chữ này là em chào anh đấy. Em chào anh, chào cả văn chương tư tưởng, chào cả non nước có cây..."
Ngoài cái chết của Tuyết Hồng còn bao nhiêu thiếu nữ chán đời khác mà người ta không biết vì không đăng lên báo?
Tựu trung, có thể nói rằng tiểu thuyết Tố Tâm lúc mới ra đời đã tạo nên một phong trào kỳ lạ: phong trào đi tìm tự do cá nhân, nhưng tranh đấu tiêu cực, chưa thấy tự do đâu đã thấy cái chết kề bên. Thiếu nữ yêu đương không lấy được người lý tưởng cho diễn nên bi kịch, bởi một nỗi tính tình không hợp với người đến sau đó, hay 1òng đã đem gởi đi cho người biết trước kia rồi, không lấy lại được nữa nên thất vọng, ngã lòng, điều đau đớn đem ngay đến.
Song An Hoàng Ngọc Phách cố trình bày, cố viện lý lẽ để chúng minh rằng ông phân tách tâm lý thanh niên, trưng ra các u ẩn của tâm tình để cho các nhà đạo đức, bác học tìm phương bổ cứu, nhưng vô ích, cũng như bạn ông viết ở đầu sách mấy câu này, mà thực tình suy xét thì cũng vô ích luôn:
"... Nhưng tác giả vẫn có ý ngần ngại, một là ông không muốn xuất bản tiểu thuyết như ta thường thấy hàng ngày, hai là ông cho rằng truyện Tố Tâm ra đời khí sớm quá, lại viết theo một thể mới, ta chưa từng xem quen, tất cả người hiểu nhầm thì cái hay chưa thấy đâu, đã thấy cái dở..."
Quả như ông lo sợ, truyện Tố Tâm ra đời đã đánh dấu một cách mạng trong làng văn về tư tưởng, về lối viết, nhưng ta không thể không nhận nó đã tạo nên một phong trào không hay cho thanh niên lúc bấy giờ - nhưng biết làm sao được? Bao giờ trong những buổi giao thời lại chẳng có những con vật bị hy sinh? Bao giờ lại chẳng có những người chết oan chết uổng vì những chuyển mình của thời thế, của văn minh, văn hóa? Cái dở ấy là một cái "dở" cần thiết dù ở khung trời nào, ở bất cứ nước nào trên trái đất cũng không tránh được.