Số lần đọc/download: 13020 / 515
Cập nhật: 2017-05-19 13:29:37 +0700
Chương 14
L
ương đã chờ tôi ở điạ điểm tập huấn. Anh tới đây một tuần để chuẩn bị nội dung. Tóc anh bạc một mớ bên thái dương. Đêm đầu tiên có văn công quân khu phục vụ nên không ai còn tâm trí nghĩ tới chuyện nào khác. Tôi cũng thế, tôi quên Lương ngay khi trước sân khấu hội trường, - đào ngầm trong lòng đất, - người ta treo lên hai tấm màn đỏ.
Từ sau tấm màn ấy vọng ra tiếng vĩ cầm sai lạc và tiếng đàn ác-cóóc-đê-ông vụng dại oàm oạp như ếch kêu nhưng chúng làm cho tim tôi như đứng lại cùng những hồi ức học trò, hy vọng được tái sinh.
Tôi đứng đần độn trong một xó rừng, không ai hay biết, nghe đám nhạc công thử dây đàn, tấu những khúc nhạc lộn xộn và đôi khi có tiếng cười lanh lảnh của một người con gái. Tiếng cười ấy làm tôi thèm muốn chết được gặp cô.
Nhưng nỗi sợ hãi cầm chân tôi tại chỗ. Rồi một anh chàng đi qua, kéo vai tôi:
- Vào đi sắp tới giờ biểu diễn.
Tôi đi theo anh ta, như bè nứa bị đẩy ra dòng nước.
Những bài hát và điệu múa nối tiếp ra sao, tôi không còn nhớ. Tôi dán mắt vào những gương mặt hồng hào, tươi đẹp, những tấm thân quyến rũ của cả đám đàn ông lẫn đàn bà trên sân diễn. Tôi chẳng nghĩ gì. Tôi bị hút hồn. Như kẻ lạc rừng đêm, bước về phía ánh lửa, như kẻ đi biển hướng về mỏm núi, tôi bị thôi miên bởi vẻ đẹp từ lâu thiếu vắng và quên lãng. Nụ cười ấp ánh, cái liếc mắt mồi chài, cánh tay trắng phau, lườn lưng mềm dẽo và dính hút như nhựa đánh bả, những ngôi sao trong suối tóc đen, giai điệu phiêu du của ái tình và tuổi trẻ, cặp mông Thị Mầu, giải lụa màu thiên thanh phấp phới bay những bông hoa dại khờ đính trên gấu váy... Những tràng vỗ tay ran tứ phía, lan truyền như sóng.
Tôi cũng vỗ tay thật to. Vỗ mãi, mãi, mãi... Rồi một người giật tay áo tôi:
- Cậu điên à?...
Tôi không trả lời, ngơ ngẩn nhìn...
Anh chàng nhăn nhở cười vào mũi tôi:
- Máu quá phải không?
Tôi gật đầu đáp bừa:
- Ừ, máu.
Anh ta cười nhăn:
- Máu cũng phải từ từ không họ cười cho... Sắp chỉnh huấn rồi, thằng nào thù nó để ý thì sinh lắm chuyện.
Tôi chỉ ư hữ, gật gù, anh kia cũng gật gù nói tiếp:
- Nghĩ đời chán bỏ mẹ, máu một tí cũng không dám...
Tôi định nói với anh chàng điều gì đó nhưng Lương đã đi tới. Đầu anh luôn luôn thẳng đứng trên cần cổ cũng thẳng đứng và vẻ mặt trầm tĩnh. Anh bảo:
- Về phòng tôi đi.
Tôi chào anh chàng vui tính, đi theo Lương. Chúng tôi đi qua những đường mòn, chằng chịt đan chéo nhau như một tấm mạng nhện khổng lồ trên mặt đất phủ đầy lá mục và lửa lân tinh.
Các đám người tấp nập qua lại, ánh đèn pin loang loáng, các sơ đồ doanh trại cầm tay, tiếng hỏi đường, tiếng tán dóc, tiếng cười, tiếng xì xầm trò chuyện tạo thành bản hòa tấu của cả bày ong đêm.
Lương hỏi:
- Đoàn nãy diễn hay không?
Tôi đáp:
- Hay.
Anh pha chè đen, khoắng hai thìa đường và đặt trước mặt mời tôi:
- Uống đi.
Chờ tôi uống hết cốc nước, anh mới nói:
- Tôi không định báo tin này cho cậu... Nhưng trước sau rồi cũng biết.
Tôi nhìn vào mặt anh. Lập tức, đôi mắt anh sập xuống.
Tôi hiểu rằng có cái gì đó trọng đại. Tôi hỏi:
- Anh định điều tôi sang một đơn vị mới phải không?
- Không.
- Sắp có tai biến trong sư đoàn mình?
- Không.
Tôi không hỏi nữa, ngồi chờ... Một lát, trong tầm nhìn xa xăm và trong tiếng thở dài, Lương khe khẽ:
- Biền chết rồi.
Tôi lặng im.
Anh nói tiếp, chậm rãi:
- Biền đạp mảnh pháo. Vết thương nhiễm trùng uốn ván...
Tôi đứng lên:
- Anh dẫn tôi đi gặp thằng Húc. Tôi muốn biết nó chết như thế nào.
Húc không về tập huấn. Đơn vị đặc nhiệm được miễn vì nhận chỉ tiêu đột xuất. Chúng ta sắp mở chiến dịch lớn.
Trên bổ xung cho Húc hai đại đội. Giờ cậu ấy là tiểu đoàn trưởng, vừa được phong hàm...
Tôi hỏi:
- Chỉ tiêu mới?... Bao nhiêu? Một vạn hay mười vạn chiếc hòm?
Lương ngồi im, cái đầu cứng đơ trên cần cổ cúng đơ.
Tôi biết anh không nói. Không bao giờ nói...
Trong óc tôi diễu qua đoàn người. Đoàn Vân kiều cõng những chiếc quan tài ra mặt trận, bóng họ in trên đường triền núi trong buổi rạng đông xanh rờn. Rồi những đoàn xe tải phủ kín bạt chở những chiếc hòm đó xuyên rừng, xuyên núi, lắc lư. Những chiếc quan tài, như những con mắt rỗng không, những túi tiền rỗng không, chờ đợi...
Lương vẫn ngồi lặng lẽ. Tôi bỗng sợ hãi anh:
- Anh Lương, chẳng lẽ anh không nói gì với tôi?
Lương im lặng.
Tôi gọi giật giọng:
- Anh Lương!
Lương ngẩng lên:
- Mình buồn lắm, Quân ạ... Nhưng chiến tranh là chiến tranh. Và sứ mạng lịch sử đã trao cho nhân dân mình...
"Câu nói ấy thì tôi đã nghe hàng vạn lần trong các buổi phát thanh... hàng vạn". Tôi chào anh, đi về. Hình như anh định đứng dậy tiễn tôi, nhưng tôi đi quá nhanh, tôi không nhìn anh. Người bạn thời thơ ấu.
Chúng tôi đã cùng nhau nhảy xuống sông làm ánh dương đọng trên mặt nước vỡ thành trăm ngàn mảnh, lấy cọng cỏ đo chim nhau xem thằng nào dài hơn. Cả Lương, cả Biền, cả tôi đều có con cu bằng quả ớt. Thời ấu thơ của tình thân ái... thời ấu thơ bình đẳng!
Những con chim đa tình gù suốt những trưa hè trên ngọn tre. Những con cào cào nhảy chanh chách trong đám cỏ ven đê. Những người đàn bà da thịt phốp pháp ví von hát ghẹo nhau, đuổi rượt nhau, ôm nhau lăn trên bờ ruộng khiến lũ trẻ chúng tôi tràn đầy sung sướng... Có con diều neo giữa khoảng trời lơ, khiến những giấc mơ cứ muôn đời lơ lửng trong thinh không... Còn mặt đất lầy bùn, lầy thịt người thối rữa. Những con mắt thối rữa cho chim ác là khoét. Những cẳng chân cẳng tay thối rữa cho con lợn lòi khốn quẫn sục mõm vào. Những tâm hồn thối rữa vì thói quen chém giết, vì lạc thú mò mẫm chốn chuồng bò, vì chứng hoại thư cấy vào lòng trắc ẩn...
“Thằng khốn kiếp, nó đã không chịu nghe lời mình...”! Tôi nhớ buổi sáng Biền tiễn tôi đi. Giá nó nghe tôi trở về làng làm sống lại chàng trai má hồng gánh một ngày trên trăm gánh lúa!... Giá mà... Đấy là câu nói đặt giữa hai bờ tiếc thương và tuyệt vọng. Giá mà... Chính tôi cũng không thể đặt cho mình hai từ ấy.
Trong cái đêm xuân mát rượi ven sông, tiếng cá quẫy và tiếng cỏ rì rào làm cho bầu trời trở nên gần gũi hơn, có ba thằng trai làng đã nằm gối đầu lên cánh tay, mơ mộng. Các giấc mơ như lũ bọ-gậy cung quăng bơi lội. Lũ bọ-gậy ấy đã trôi tuột vào cái mồm của một con thủy tức, - ấy là giấc mơ kỳ vĩ của đám đông, - giấc mơ hiển thánh giữa cung đình toàn nhân loại.
Ta đã để cho các con những khải hoàn môn...
Tiếng nói của hồn ma xưa vọng khắp cánh rừng, lẫn tiếng lá, lẫn tiếng thác. Tôi ngồi xuống bên chân thành ốc, nghe tiếng tiêu u hoài. Ông tổ tôi gác ngọn giáo, ngồi bên tôi. Từ đám xà-cạp quấn quanh hai bắp chân voi sưng phồng, bốc lên mùi mồ hôi lưu cữu. Những giọt nước mắt xanh rờn đọng trên mi mắt ông. Hai bên thái đương, hai bên mang tai ông lún phún từng đám rêu già.
Tôi hỏi:
- Sao lúc nào ông cũng khóc? Chúng tôi đâu có cần thêm nước mắt của các hồn ma?...
ông tổ tôi đáp:
- Ta khóc cho các con.
Tôi bảo:
- Ông nên khóc cho hai bắp chân voi kia, cho ngọn giáo kia, cho cái túi ngô rang lưu cữu kia...
Bóng ma gật đầu:
- Ờ, nhưng chúng ta đã đuổi quân của Thành cát Tư hãn.
Tôi bảo:
- Khải hoàn môn ấy cũ rồi. Nó cũng sẽ mục nát như những mái chùa thời ấy.
Bóng ma nói:
- Con đừng bội bạc. Không có cái khải hoàn môn cũ kỹ ấy, đầu gối các con sẽ nhũn như bông trước lũ giặc hôm nay.
Tôi bảo:
- Nhưng thời ấy, loài người không biết tới tên tuổi đất nước này.
Những giọt nước mắt xanh lóng lánh trong đêm nối nhau lăn. Bóng ma cúi đầu nức nở:
- Giọt máu phiêu bạt của ta... Ta thương con...
Tôi im lặng, nghe tiếng núc nở vang trong đêm. Hồi lâu bóng ma ngước nhìn tôi với đôi mắt u uẩn:
- Chúng ta đánh giặc để giữ bàn thờ tiên tổ, chúng ta đánh giặc để bảo tồn nòi giống, chúng ta không đánh giặc vì tiếng tung hô của ngoại nhân...
Một tiếng thở dài tan trong gió. Rồi đôi chân voi sưng phù lê vào lối mòn. Mùi mồ hôi lưu cữu bay lại. Rừng đêm khép dần bóng ma xưa. Chỉ còn lại với tôi ngọn lửa chập chờn hư ảo, tỏa một thứ ánh sáng xanh trong suốt, tái tê.
- Ai?... Đứng lại.
Tiếng quát.
Tôi nói:
- Chim én tới mùa xuân.
Tiếng nói diụ lại:
- Sao đồng chí đi khuya thế?
- Tôi từ chỗ đồng hương về.
- Về ngủ đi. Mai phải lên hội trường sớm.
Rồi tiếng chân xa dần trong rừng đêm. Cây đèn trong tay tôi vừa lúc hết pin. Mò mẫm mãi tôi mới về tới chỗ ngủ. Bốn bề xung quanh tiếng ngáy vang lên. Tôi rúc đầu trong chăn. Người nằm cạnh tôi mắc chứng đái dầm. Sáng ra một góc chăn tôi ướt sũng, bốc mùi khai. Anh ta không thèm xin lỗi tôi mà cỡn càu nhàu:
- Hỏng mẹ nó máy rồi... Thế này về làng, đéo... con nào nó lấy!
Tôi lẳng lặng ôm chăn xuống suối giặt. Anh ta cũng ôm mớ quần áo bẩn và chăn xuống theo. Trời rét, sương mù bay cuồn cuộn. Nước giá như kim châm vào tay, hơi lạnh thốc vào mặt. Người đàn ông đái dầm bị trượt chân, ướt cả hai ống quần. Anh ta vừa vò quần áo vừa run lập cập rồi bỗng dưng quay sang tôi gây sự:
- Sao ông không thèm nói với tôi?... Kiêu thế?... ông muốn khinh tôi hả?...
Tôi ném chiếc chăn ướt xuống chân, quay sang ước lượng: “Từ đây tới đó đúng ba bước chân, thuận một cú đá. Chỉ một tích tắc, mày sẽ được bơi lóp ngóp giữa dòng, tha hồ mát..." Bộ mặt anh ta tái rét, một điểm tím tụ trên sơn căn. Cái cần cổ vươn ra như cần cổ một con gà chọi về già trên cổ áo thu đông đã sờn cũ. Tôi chợt rùng mình "Mặt ám thế kia, chắc sắp tỏi rồi... Không thoát khỏi trận tới." Tôi đã hình dung ra chiến dịch mới qua không khí căng thẳng của những bài tập chỉnh quân. Một ngày mai... thoáng liếc nhìn gương mặt tái xanh, tôi thấy hai hố mắt rữa nát giữa bùn vùng chiến địa. Tôi thu tay về, cúi xuống vò tiếp chiếc chăn dù. Còn anh ta vẫn vênh váo nhìn tôi, miệng lầm bầm:
- Tưởng định gây chuyện với đây?...