What's meant to be will always find a way.

Trisha Yearwood

 
 
 
 
 
Thể loại: Trinh Thám
Dịch giả: Kiều Hoa
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 19
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 592 / 9
Cập nhật: 2018-06-11 22:48:25 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 14
hi tất cả mọi việc đã trôi qua, sau này mỗi lần nhớ lại thời gian đó, tôi lại tự nguyền rủa mình đã không để ý kỹ lưỡng hơn, mà cho rằng mọi việc có thể đơn giản đi tới kết thúc của nó theo đúng như những triệu chứng bên ngoài. Giả thiết này đã được trả bằng máu và tôi không biết liệu có bao giờ trong đời tôi tha thứ nổi cho bản thân về chuyện đó được không?
Trong đêm hôm trước tôi mơ về Johnny. Giống như mọi giấc mơ khác của tôi, anh xuất hiện như thể chưa bao giờ qua đời, trong bộ đồ thể thao tập chạy màu đỏ nhàu nát quen thuộc và với đôi giày thể thao màu đen nâu cũ kỹ; trông anh vẫn y hệt như ngày trước, khi anh ào vào bếp sau vòng chạy buổi sáng và bắt quả tang tôi đang ăn những cái bánh rán phủ sôcôla, những cái bánh mà bao giờ anh cũng mua ở hiệu Dunkin Donuts về để rủ rê tôi bẻ gãy những đợt ăn kiêng vô tận của mình.
Tôi làm món khoai tây rán và hành, để cho mỡ nóng tới mức độ nó kêu lên xèo xèo và tỏi nhảy tưng lên trong chảo, tôi cho khoai tây rồi sau đó là hành vào chảo, rán cho tới khi bên trong khoai mềm và bên ngoài thì giòn tan giống như món khoai của mẹ tôi; hầu như tôi có thể cảm nhận được mùi vị của nó trên đầu lưỡi. Thế rồi tôi đi lấy đĩa cho Johnny và đặt xuống trước mặt anh, khi anh nhìn lên để cảm ơn, tôi thấy mắt anh đẫm lệ.
– Có phải hành làm cho anh bật khóc không, Johnny? – Tôi nháy mắt đùa anh.
Johnny nghiêng đầu với một ánh mắt bối rối ngơ ngác và im lặng và khi tôi xoay người lại để nói tiếp, tôi thấy anh đã biến mất.
Thức dậy vào buổi sáng, tôi không nghĩ ngợi gì thêm về giấc mộng đó. Tôi đứng dậy, uống một chút cà–phê Jamaica được pha rất đậm với một chút xíu sữa như tôi hằng thích. Rồi sau đó hăm hở đi ngay đến văn phòng để viết hóa đơn cho DeWayne và sao cho anh ta một chiếc đĩa mềm máy tính, tưới nước cho cây lô hội vô chủ, nhanh chóng tiến hành vài cú điện thoại bởi tôi muốn tiếp tục nghe ngóng để tìm những công việc khác, rồi sau đó tôi đi xe về nhà, xem chương trình của Oprah Winfrey để giải trí.
Jamal có nói trước là tối hôm nay nó về rất muộn. Nó muốn cùng Hakim đi ra ngoài và chơi bóng ở sân tập quen thuộc của chúng nó. Có lẽ sau đó cả hai đứa sẽ dẫn nhau ra tiệm McDonald’s và ăn bánh Hamburger. Vậy là tôi hâm một lon xúp đậu đen Goya, món mà tôi vẫn thường ăn với hành phi, thêm một chút nước xốt Tabasco và một quả trứng luộc chín băm nhỏ, sau đó tôi mở thêm cho mình một hộp bánh Triscuit.
Bảy giờ tối, tôi bắt đầu dỏng một nửa tai lên chờ nghe tiếng Jamal về, theo cách mà các bà mẹ hay làm. Và bảy giờ 30 tôi bắt đầu sửa soạn sẵn những câu mà tôi sẽ nói ra khi thằng bé vác thân về. Đến 8 giờ tôi bắt đầu nôn nao, tôi bật từ kênh truyền hình này sang kênh khác, uống một lon cola, lục sơn để sơn móng tay và suốt cả thời gian đó không bao giờ rời mắt khỏi đồng hồ. Thế rồi chuông điện thoại reo lên.
Đó là một giọng phụ nữ, giọng công sở, dịu dàng và ngay khi tai tôi nghe thấy nó trái tim tôi thoắt ngưng đập. Đó chính là giọng nói mà tôi đã nhiều lần cần tới trong thời gian làm cho cảnh sát, những lúc tôi bắt buộc phải báo cho một bà mẹ hoặc một người vợ biết những gì mà chị ta chẳng muốn nghe. Giọng nói đó giải thích cho tôi biết rằng, Hakim Curtis, anh trai của con trai tôi, đã bị bắn cách đó nửa tiếng đồng hồ và con trai tôi là nhân chứng. Người ta yêu cầu tôi đến trạm cảnh sát để đón con về nhà.
Tôi không biết tôi nghĩ những gì lúc đó, tôi chỉ cảm nhận một nỗi sợ hãi trần trụi chưa bao giờ thấy đang đập liên hồi trong dạ dày mình. Tôi không nhớ tôi đã tới đó bằng cách nào, bằng ô tô của tôi hay phương tiện gì khác và đi qua những con phố nào. Tôi không nhìn thấy gì cả, không nhìn thấy những em bé đang vặn người nhảy nhót theo tiếng nhạc trên lề đường, không nhìn thấy những quầng đèn đỏ mà tôi vượt qua, không nhìn thấy cả những người lái xe khác đang bực bội bấm còi theo tôi và ném về phía tôi tất cả những danh từ thiếu lịch sự. Tôi rẽ xe sang phải, rồi sang trái, rồi lại sang phải và sau đó đi dọc con phố Main đến trạm cảnh sát. Tôi không còn nhớ tôi bước vào trong như thế nào.
Thế nhưng sự căng thẳng trong căn phòng đó thì dán chặt vào trí nhớ tôi, nó nặng nề và dày đặc đến mức độ tôi có thể ngửi được; đó chính là cái kinh nghiệm thống khổ của các bà mẹ, của các ông bố, của các bà vợ, của các người chồng, của chị em gái và anh em trai, tất cả những người đã phải đến đây để đón những người thân đã chết của mình. Cái kinh nghiệm thống khổ đó thấm đẫm vào mảnh đất này và trộn lẫn với nỗi sợ hãi cùng mối căm hận thành một thứ mùi kỳ lạ, luôn thúc cho cảnh sát viên hoạt động.
– Đó là người mẹ... – Tôi nghe tiếng ai đó thì thầm. – của đứa trẻ bị chết sao?
– Không, của đứa kia. – Tôi cảm nhận ánh mắt của họ dán vào người tôi, nỗi lo sợ, sự thương xót, lẫn tò mò. Và rồi bầu tĩnh lặng trùm xuống, trong khi một cảnh sát viên hình sự bước lên phía trước để chào hỏi tôi.
Anh ta dẫn tôi từ phòng chính vào một khu vực nhỏ biệt lập, một căn phòng được quét vôi màu xanh lục kỳ lạ như tất cả những căn phòng công cộng khác. Một màu xanh lục khiến ta ghê tởm, có ai đó đã từng nói như vậy!
Jamal đang ngồi bên tường và đu đưa người trong một giai điệu câm nín từ phía bên này sang phía bên kia, cái đầu đập vào tường trong một cử chỉ tàn nhẫn. Ánh mắt con trai tôi vô cảm vừa rộng và xa ra như ánh mắt của một con thú nhỏ đang kinh sợ, một con thú nhỏ với cơ thể vẫn còn co quắp vì kinh hoàng. Tôi ngồi xuống chiếc ghế còn trống cạnh nó, quan sát nó một lúc rồi gọi tên nó. Nó nhìn tôi, nhìn như không quen tôi vậy. Tôi kéo con tôi vào lòng, ôm thật chặt, chặt hết sức mình và tìm cách với tới nỗi buồn thương.
Tôi đã trải qua những nỗi buồn của tôi, từng đó đã đủ cho hai mẹ con tôi rồi và tôi đã đi ngược mọi lý trí trên đời mà ôm niềm hy vọng rằng nỗi buồn của tôi, bằng một cách nào đó, có thể che chắn nó và giảm bớt đi phần nào nỗi buồn của nó. Thế nhưng trong đêm hôm đấy tôi nhận ra rằng người ta không thể chơi trò buôn bán trao đổi với nỗi buồn và điều này khiến cho tôi đau tới tận đáy linh hồn.
Cảnh sát viên đó tên là Griffin. So với đàn ông thì anh ta thấp nhỏ, cao chừng ngang tôi, nhưng thân hình vạm vỡ, mái tóc màu đỏ đã lốm đốm bạc và những nốt tàn nhang màu nâu thẫm trên nền da nâu caramen. Từ người anh tỏa ra một thứ ánh sáng màu đỏ, có lẽ thời bé anh ta đã bị người ta trêu là “cáo đỏ”. Anh ta nói bằng giọng nhẹ nhàng, dịu dàng, điềm đạm như của một ông cha đạo. Anh ta đi về phía chiếc lavabô rửa mặt kiểu cũ ở phía bên kia căn phòng, rót nước vào một chiếc cốc giấy mỏng rồi mang nó đến cho Jamal.
– Đây, của cháu đây. – Anh ta nói và đưa cốc cho nó.
Jamal uống một ngụm rồi cám ơn bằng một cái gật đầu câm nín.
– Tôi sẽ phải hỏi cậu bé vài câu nữa để viết lời khai. – Anh ta nói với tôi, mắt nhìn về phía Jamal qua đầu tôi.
– Không hoãn lại được việc đó sao? – Tôi hỏi.
– Có một số chi tiết chúng tôi cần phải được biết ngay bây giờ. – Anh nói. – Những chi tiết rồi sẽ thay đổi hoặc là cậu bé có thể quên nếu chúng tôi đợi quá lâu. Những chi tiết rồi nó sẽ gạt sang bên, bởi nó phải gạt sang bên. Việc này không lâu đâu, tôi thề như vậy. Anh ta kéo một cái ghế từ đầu phòng này qua đầu phòng kia và tiếng những chiếc chân ghế bằng thép cào trên nền phòng bằng gỗ là những âm thanh duy nhất trong căn phòng nhỏ chật chội, ngoài tiếng thở của Jamal.
– Cháu nghe này, – Griffin nói. – chúng ta cần phải nói với nhau về những chuyện vừa xảy ra.
Jamal ngẩng nhìn lên, hai con mắt nó hoàn toàn câm nín đờ dẫn; thằng bé cầm lấy tay tôi, cầm thật chặt như thời nào còn là cậu bé ba tuổi. Cuối cùng, khi nó nói nên lời, cả Griffin và tôi cùng cúi người về phía trước mới hiểu nổi.
– Anh ấy chỉ muốn đi nhận cái gì đó, của ai đó trong một cái ô tô. – Thằng bé nói, đầu vẫn lắc như không thể tin nổi.
Griffin và tôi trao cho nhau một cái nhìn ngạc nhiên rồi lại nhìn thằng bé.
– Ai thế? – Tôi hỏi. – Ai định đưa cho nó cái gì trong một chiếc ô tô?
Thằng bé nhún vai.
– Người đó trông ra sao? Anh ta đi ô tô như thế nào? – Bây giờ tôi nói thật sự như một cảnh sát và suy nghĩ như một cảnh sát viên. Tôi che giấu đi phần con người trong tôi, cái phần có tình cảm. Đừng cảm thấy gì cả, đừng để cho cái gì lại gần mình. Hãy suy nghĩ xuyên qua nỗi đau.
– Con không biết. – Thằng bé nói và nhắm mắt lại, ngả người tựa vào lưng ghế và gắng sức tìm cách nhớ lại. – Con không biết đâu mẹ.
– Cháu hãy nhắm mắt lại và tìm cách tưởng tượng ra cái ô tô đó. – Ngồi bên tay lái là một người đàn ông hay một người đàn bà? – Griffin hỏi và đặt tay lên vai Jamal, như thể qua đó thằng bé sẽ hồi tưởng được tốt hơn. – Có ai đó mà cậu ấy quen hoặc là cháu quen không?
– Cứ bình tĩnh, con ạ. – Tôi động viên. – Hãy nhắm mắt lại và cố nhớ, rồi sau đó hãy nói cho chúng ta nghe.
Jamal thở dài, thật lâu và tuyệt vọng, nó siết thật chặt tay tôi khiến tôi phát đau.
– Lẽ ra con phải đi cùng, mẹ ơi. Khi anh ấy chạy đến chiếc ô tô nọ, lẽ ra con phải chạy cùng. Con có thể giúp anh ấy. Trời rất tối, mẹ.
Tất cả những từ ngữ đó buột ra cùng một lúc như nước tung ra khỏi nguồn, hoàn toàn không có mối liên hệ.
Con trai tôi bắt đầu khóc và tôi nhìn Griffin ra ý hỏi liệu chúng tôi có thể dừng lại được chăng. Griffin giơ một ngón tay lên, ý muốn xin một phút nữa thôi, thế rồi Jamal lại bắt đầu nói, giọng nhỏ nhẹ đến hầu như không hiểu nổi.
– Anh ấy nói anh ấy bị muộn rồi. Khi chúng con chơi bóng xong thì anh ấy nói, anh ấy bị muộn rồi. Con có hỏi anh ấy nói vậy là nghĩa gì và anh ấy trả lời phải đi nhận cái gì đó của bố. Bố có cái gì đấy cho anh ấy, thế rồi sau đó anh ấy đi về phía cái ô tô.
Griffin cản tôi lại trao đổi qua ánh mắt. Viên cảnh sát trong tôi có thể đọc được những suy nghĩ của Griffin và những gì mà tôi đọc thấy ở đó khiến tôi nôn nao vô cùng.
– Vậy ra cậu bé muốn đến chỗ cha nó, khi nó đi về phía cái ô tô? – Griffin hỏi.
– Con có nhìn thấy DeWayne không? – Tôi hỏi, trước khi Jamal kịp trả lời. – Có phải đó là ô tô của bố con?
– Không, nó là một cái ô tô màu đỏ, mà ô tô của bố màu bạc, – Jamal nói. – Nó không phải ô tô của bố. – Nó nhìn tôi, hai mắt van nài tôi tin nó. – Con biết dáng người bố trong bóng tối trông sẽ như thế nào. Con biết đó không phải là bố con.
– Hãy nói cho chú nghe lần nữa những gì cậu bé kia đã nói, nói thật chính xác đúng những gì mà cháu nhớ lại được, chú xin cháu, – Griffin yêu cầu.
– Anh ấy chỉ nói rằng anh ấy phải đi nhận đồ gì đó của bố. Rằng có ai cầm đồ của bố cho anh ấy và anh ấy muộn rồi, thế rồi sau đó anh ấy chạy về phía bãi đỗ ô tô, ô tô đang đứng ở đấy, anh ấy chạy đi trước khi cháu kịp bước cùng, thế rồi cháu nghe thấy tiếng súng và sau đó ô tô lao vọt đi, khi cháu đến thì anh ấy chết rồi, Jamal nói, sau mỗi từ giọng của nó một cao vòng lên, to hơn. Con trai tôi bắt đầu run.
– “Có người cần đưa cho anh một đồ vật của bố". Cháu có tin chắc là cậu ấy đã nói như vậy không, con trai ta?
– Đúng, – Jamal nói, giọng quả quyết chắc chắn, như bây giờ nó mới thực sự hiểu đúng mọi việc.
– Cậu bé ấy có nói đó là đồ nào không? Không.
Griffin khẽ lắc đầu ra hiệu cho tôi đi ra cánh của nơi Jamal không thể nghe thấy. Tôi đi theo anh ta, mất không rời Jamal.
– Chị nghĩ sao, cha nó liệu có thể liên quan đến việc này không? – Anh ta hỏi và quan sát rất chăm chú nét mặt tôi.
– Không. – Tôi nói. – Tôi không tin như thế. Không tin trực tiếp. Nhưng tôi nghĩ có một việc mà anh cần phải biết. Đã có nhiều chuyện chết người xảy ra. Những đứa con trai khác của DeWayne là Gerard và Terrence đã chết những cái chết trái với tự nhiên chỉ trong vòng một tuần lễ. Một đứa con trai khác cũng đã chết ở dưới miền Nam trước đây một năm, vào ngày mồng 4 tháng 10. Nó bị bắn chết.
– Một cái chết không tự nhiên? Ý chị muốn nói sao?
– Đứa thứ nhất chết vì thuốc phiện quá liều. Đứa thứ hai bị chết đuối trong bồn tắm.
– Trong vòng một tuần lễ? – Anh ta hỏi với ánh mắt nghi ngờ.
– Đúng.
– Ở đâu?
– Đứa thứ nhất ở Newark. Đứa thứ hai ở Belvington Heights. Bác sĩ khám nghiệm xác chết trong cả hai trường hợp đã xác định nạn nhân chết vì tai nạn.
– Đó là sự quyết định của cảnh sát? – Anh ta nhìn đi chỗ khác và tôi không thể giải mã trong đôi mắt cảnh sát viên kia vì đôi mắt không muốn để lộ ra cho người ngoài biết chủ nhân của nó đang thực sự nghĩ gì.
– Đúng. Tôi đã đọc bản báo cáo về Terrence.
– Thôi được. – Rõ ràng trong tâm trí anh ta bây giờ đang cân nhắc những thông tin mới đó và lưu trữ chúng lại. Tôi biết rõ ánh mắt này, tôi đã chứng kiến nó bao nhiêu lần với đại úy DeLorca. – Cha nó là DeWayne Curtis? – Anh ta hỏi với một cái gật đầu về phía Jamal.
– Đúng. – Tôi nói.
Anh ta quan sát Jamal rồi quan sát tôi một lúc, rõ ràng trong đầu anh ta đang có cái gì đó chạy qua.
– Thôi được, tôi nghĩ bây giờ vậy là đủ rồi. – Cuối cùng anh ta kết luận. – Bây giờ tôi sẽ quay trở lại hiện trường một lần nữa, kiểm tra một vài việc và tìm cách kiếm ra các nhân chứng khác.
Lúc này Griffin chỉ còn là một cảnh sát viên thuần túy, anh ta đặt những suy đoán.
– Có lẽ đó chỉ là một trò cãi lộn giữa những đứa trẻ con, mà chúng ta không biết. Ngày hôm nay bọn trẻ thường mang vũ khí bên người và chẳng thèm quan tâm đến chuyện chúng có thể chết hoặc là có thể giết một người khác. Có thể chúng nó cũng không biết nhiều hơn được. Cũng có thể đây là chuyện nhầm lẫn, hoặc thằng bé đã bị cuốn vào một chuyện nào đó mà cả hai chúng ta không hề hay và con trai chị cũng không. – Anh ta ngưng ngắn, như muốn lấy hơi hoặc suy nghĩ đang trôi giạt đi chỗ khác. – Nhưng yếu tố rằng thằng bé muốn gặp cha nó ném vào sự việc này một ánh sáng khác hẳn và tôi phải kiểm tra lại điểm này. – Anh ta lại nhìn tôi, như thể cân nhắc xem có nên thổ lộ và tin cậy cho tôi biết một việc khác; anh ta im lặng một lúc. – Chị có họ với Johnny Hayle không? – Cuối cùng anh ta hỏi.
– Đó là anh trai tôi.
– Tôi học dưới anh ấy một lớp ở trường cảnh sát. – Anh ta nói và nhìn tôi với ánh mắt một nửa ngại ngần, một nửa thương cảm, ánh mắt mà những người quen biết Johnny và biết cái chết của anh luôn luôn trao cho tôi.
– Anh chị là một người tốt.
– Tôi biết.
– Tôi xin đề nghị với chị thế này, tôi sẽ gọi cho một vài nơi và tìm xem liệu có thể kiếm được cái gì đó về những vụ kia. – Đôi mắt anh ta lại quan sát tôi, thế rồi ánh mắt trở nên ấm áp và an ủi. – Chị đưa nó về nhà đi. – Anh ta nói với một cái gật nhẹ về phía Jamal. – Nếu nó còn nhớ ra điều gì khác, làm ơn gọi cho tôi. – Anh ta rút ra một tấm danh thiếp trông nhàu nát và bị gập gãy lung tung có in tên anh ta và một số điện thoại. – Dù trời khuya thế nào cũng được. – Anh ta nhanh tay ghi số điện thoại nhà riêng vào mặt sau danh thiếp. – Tôi sẽ liên hệ lại sau.
Trước khi đi, tôi gọi điện cho bác sĩ và bác sĩ cho Jamal một loại thuốc an thần, mà tôi đã mua trên đường trở về nhà trong một tiệm dược phẩm mở cửa suốt đêm. Tôi cho con trai tôi uống khi nó muốn đi ngủ. Tôi ngồi bên giường nó, hai mẹ con tôi cùng cầu nguyện, sau đó tôi ngồi chờ cho tới khi con trai tôi ngủ thật sâu, ngồi chờ như ngày nào nó còn là em bé.
Thế rồi khi nó ngủ, tôi nhìn quanh trong phòng nó; đột ngột tôi ý thức được rằng ở đây có một cửa sổ và ngôi nhà của chúng tôi đứng rất gần đường đi. Khi có tiếng ống khói một chiếc ô tô, tôi ngưng thở đến cả giây đồng hồ. Tôi đóng cửa sổ lại và giật thật mạnh cho tấm mành mành sập xuống.
Trong phòng Jamal là cảnh hỗn loạn thường xuyên. Quần áo, tất, đồ lót nằm ngổn ngang bên dưới giày thể thao, sách và những cái đĩa CD, cả Hakim cũng còn hiện diện nơi này: Một chiếc áo T–Shirt cũ được ném cẩu thả trên ghế, một đống cassette được chồng trên nền phòng cao như một ngôi nhà bằng gỗ, những băng video “Double Dríbble”, “Super Mario Bros 2”, “Indy 500” nằm vương vãi lung tung và nhìn thấy đến bất kỳ nơi nào, người ta cũng thấy những quyển truyện tranh có bìa đã bị xé rách. Nụ cười cởi mở của nó nhìn thẳng vào mặt tôi từ một tấm hình mà tôi chụp nó và Jamal năm ngoái trong công viên Great Adventure. Tôi cầm tấm hình lên, giữ nó một lúc trong tay; hơi thở tôi ngưng lại, lệ trào lên mắt. Làm sao mà một thằng bé dễ thương rụt rè như nó lại có thể chết được?
Tôi ngồi đó một lúc và đưa ánh mắt câm nín quan sát Jamal, thả mình trong nỗi buồn, rồi tôi đi lên tầng áp mái, lấy xuống một cái hộp cacton thật lớn và lót giấy bóng màu đỏ vào bên trong. Tôi gập quần áo của Hakim thật kỹ, sắp xếp cả những đồ đạc khác thật ngay ngắn, bọc lại bằng giấy bóng kính rồi đệm bằng báo và gói tất cả vào hộp cacton. Tôi nghĩ sau này Jamal có thể xem đến những thứ này. Vì sau nhiều ngày, nhiều tuần hoặc thậm chí nhiều tháng trời. Tất cả những kỷ vật của Hakim sẽ là những vật tối quan trọng đối với thằng bé suốt đời.
Khi tiếng chuông bên cửa vang lên vào lúc giữa đêm, tôi biết người bấm chuông là ai. DeWayne bước vào ngăn bếp như một người đàn ông già nua kiệt lực, đôi bờ vai rũ xuống, làn môi vốn đa tình bây giờ mím lại thành một vệt cay đắng mỏng dính. Tôi đã nhiều lần chứng kiến anh ta buồn, đó không phải chuyện đặc biệt, thế nhưng bằng một cách nào đó anh ta luôn luôn tìm được cách nguyên vẹn trốn ra khỏi nỗi buồn, kể cả cái chết của mẹ anh ta lẫn cái chết của Terrence hoặc là của Gerard cũng không thật sự làm suy giảm cái tính kiêu căng phách lối của DeWayne, mặc dù trong đám ma gần đây nhất tôi đã tự hỏi, liệu anh ta có thể vượt qua lần này hay không. DeWayne là một kẻ kiêu căng đỏm đáng và luôn luôn chú trọng quá mức đến quần áo, thế nhưng cả điều đó bây giờ cũng thay đổi.
Buổi tối hôm đó anh ta lết vào trong nhà tôi như một người đàn ông già nua với dáng đi của ông lão. Cái áo len Kaschmir hết sức đắt tiền bây giờ gây ấn tượng rẻ mạt và cũ kỹ, cái quần bằng vải len Tweed màu nâu, xứng đáng với cả một ngày lương của tôi, bây giờ phủ thõng thượt từ ngang lưng xuống. Anh ta ngồi xuống, không cần hai chúng tôi nói một lời. Cuối cùng anh ta bẻ gãy sự im lặng.
– Bao nhiêu ngày? – Anh ta hỏi như trong vô thức.
Tôi không trả lời, bởi cả hai chúng tôi cùng biết. Năm ngày. Năm ngày nằm giữa vụ chết người mới nhất này và vụ trước đó.
– Anh đã nói với em rồi. Tại sao em không muốn tin anh? – Anh ta lẩm bẩm thở than và hai con mắt lóe lên vẻ khinh thị.
Tôi chặn ngang lời anh ta bằng sự gay gắt của Tử Thần
– Đừng có lảm nhảm chuyện vớ vẩn đó nữa. – Tôi nói. – Ngày hôm nay tôi không muốn nghe gì cả.
Anh ta nhìn đi chỗ khác và tôi nhìn theo ánh mắt anh ta, nó rọi vào tấm ảnh Polaroid của Hakim; Jamal đã chụp nó bằng chính cái máy ảnh mà anh ta đã tặng thằng bé vào lần sinh nhật gần đây nhất.
– Anh đã nói chuyện với cảnh sát chưa? – Tôi hỏi.
Anh ta nhìn tôi như không nghe tôi nói gì.
– Anh có nói với kẻ nào đó rằng gã ta phải đưa cho thằng bé một vật gì đó không, DeWayne? Jamal nói với cảnh sát rằng Hakim muốn gặp một ai đó để nhận một vật của anh. – Tôi nói. Anh có biết thằng bé muốn nói tới ai không?
– Trời đất thánh thần, làm sao mà tôi biết được? Kẻ nào lại có thể làm hại một đứa trẻ còn bé tới thế? Thằng khốn nạn nào lại có thể kể với một đứa trẻ những thứ như thế để giảng đòn cho anh? Tammy, ai có thể căm thù anh tới mức độ...
– Cái đó thì chính anh phải nói cho tôi biết, DeWayne.
– Anh không bao giờ làm hại ai cả, làm hại đến mức độ có thể gây ra chuyện này. – Đôi mắt anh ta nheo nhỏ lại, đột ngột nỗi giận dữ của anh ta chĩa về hướng tôi, mạnh mẽ đến mức tôi phát sợ. – Phải, tôi đã làm những chuyện tồi tệ, cô biết đấy, tôi đã làm chuyện tồi tệ, nhưng tôi cũng luôn là người giữ ranh giới, Tamara. Người ta biết đấy, một con người có thể chịu đựng được đến mức nào. Tôi không bao giờ đi quá xa. Tôi chưa bao giờ làm một chuyện gì đến mức độ mọi chuyện khốn nạn như thế lại đổ ập xuống đầu tôi liên tục.
– Anh chưa bao giờ đi quá xa phải không? Với bà Lee cũng không và với Basil cũng không? – Tôi quan sát thật chăm chú nét mặt anh ta, liệu chúng có thể thổ lộ với tôi điều gì chăng?
Lấp lóe một tia lửa của nỗi buồn hoặc ngượng ngùng, tôi không biết chính xác, thoáng lướt qua mặt anh ta rồi đọng lại trong đôi mắt, nhưng tôi không nhận ra ai hay cái gì là nguyên nhân. Bettina? Hay là cái gì khác, được che giấu kỹ càng trước tôi giống như đứa con trai đầu tiên của anh ta ở Salem?
Anh ta như đờ đẫn ra vì đau đớn, rõ ràng là như vậy, cả khuôn mặt và mắt như đã đóng băng vì buồn đau.
– Anh không khóc được nữa. – Anh ta nói. – Tammy, anh không khóc được nữa.
– Anh có nhớ tới kẻ nào không? – Tôi không nói hết câu, bởi tôi có thể đọc câu trả lời trong mắt anh ta. Nếu anh ta biết, thì Hakim bây giờ vẫn còn sống. Chuyện này vượt quá sức của DeWayne. Anh ta tuyệt vọng, vô phương, yếu ớt còn hơn cả tôi.
DeWayne từ từ đứng dậy và đi vào phòng Jamal. Sau khoảng chừng 15 phút, cả tôi cũng đi vào đó và ngồi xuống cạnh anh ta, những năm tháng đầy cay đắng và sự khinh bỉ dành cho nhau đã bị quên đi trong khoảnh khắc này.
Jamal đang ngủ sâu, món thuốc an thần che chắn cho nó trước những gì nó vừa trải qua. DeWayne cầm lấy tay tôi và giữ nó thật chặt, để an ủi cho chính mình hơn là an ủi cho tôi. Tôi không rút tay về.
– Cho phép anh ngồi bên nó một chút nữa được không. – Tammy?
– Dĩ nhiên.
– Và nếu... – Tôi biết anh ta muốn nói gì. Cả tôi cũng vừa nghĩ tới chuyện đó.
– Năm ngày tới sẽ chẳng xảy ra chuyện gì đâu và tới ngày đó thì chúng ta sẽ bảo vệ cho nó, mang nó đi nơi khác, ngồi trong phòng nó hoặc là ngồi ngay bên người nó và nếu cần thiết, không cho phép một ai tới gần nó. Cả hai chúng ta, DeWayne, chúng ta sẽ không để cho một chuyện gì xảy ra với Jamal. – Tôi nói điều đó nghiêm trang và những từ ngữ đó mang lại cho tôi sức lực. Kể từ khi tôi biết anh ta, tôi chưa bao giờ nhận ra chính tôi mới là kẻ mạnh mẽ hơn rất nhiều. Giờ tôi biết thế. Lại thêm một cột mốc nữa trong quan hệ của tôi với DeWayne Curtis.
– Anh sẽ ngồi ở đây thêm một lúc nữa. – DeWayne nói. – Chỉ một lúc thôi.
– Anh muốn ngồi bao lâu cũng được. Anh biết tôi ở đâu, nếu anh cần tôi.
Anh ta ở lại tới hai giờ sáng. Tôi quá căng thẳng nên không ngủ nổi và khi đi vào phòng ngủ của mình thì quá nhiều suy nghĩ đang xoay vòng trong óc não tôi. Mùa xuân vừa qua vì một phút hứng khởi tôi đã cho người quét sơn lại phòng ngủ bằng một màu vàng chói; trên bảng màu người ta gọi đây là màu vàng của mặt trời. Ngày đó tâm trạng tôi quả thật cũng tươi sáng lạc quan, hạnh phúc, tự tin mình và rất tin vào thế giới. Nhà Fortunoff ngày đó tiến hành một đợt bán đại hạ giá rất lớn, vậy là tôi thậm chí còn mua cho mình một chiếc chăn bông thích hợp với màu sơn, in hình những đóa hoa thủy tiên cực lớn. Bây giờ, tấm chăn vui vẻ đó như đang nhục mạ nỗi buồn thương đối với Hakim, tôi giật nó thật mạnh ra khỏi giường. Để rồi cơn nức nở đột ngột bùng ra như bão táp, tôi khóc mạnh đến mức độ sợ sẽ đánh thức Jamal dậy. Nhét nắm đấm vào mồm, tôi tìm cách ấn cơn nức nở xuống, thế nhưng mãi nó không dừng, vậy là tôi cuộn người thành một bó giẻ thật chặt, để bóp chết nó.
Tôi luôn mong muốn Jamal sẽ không bao giờ phải trải qua nỗi đau đớn đã đổ ụp xuống đầu tôi qua vụ tự tử của Johnny. Giờ thì nó vẫn cứ phải đối mặt với nỗi khổ đó và tôi chẳng làm gì được để kháng cự. Tôi chẳng thể che chở được cho con tôi trước những gì mà tôi lo sợ nhất.
Cuối cùng, kiệt lực và mỏi mệt, tôi thôi khóc. Tôi cân nhắc liệu có nên uống một viên thuốc an thần của Jamal. Nhưng rồi tôi nghĩ mình cần phải tỉnh táo, sẵn sàng chờ mọi hồi chuông báo động và nếu cần phải có khả năng hành động.
Hãy suy nghĩ, suy nghĩ, suy nghĩ, tôi lẩm bẩm một mình như thế và gắng sức dịu xuống, để có thể suy nghĩ một cách tỉnh táo, để có thể cân nhắc cần phải làm gì.
Khi nói với DeWayne rằng năm ngày tới sẽ không hề xảy ra chuyện gì đâu, tôi đã nói dối. Đó là cách hành xử của người sợ ma vừa đi vừa huýt sáo trong cảnh rừng tối đêm, mà tôi thậm chí còn chưa biết giai điệu để huýt sáo là gì. Đúng thế, từ cái chết của Terrence đến cái chết của Gerard là năm ngày, thế rồi lại năm ngày trôi qua cho tới cái chết của Hakim, nhưng chẳng có sự đảm báo nào cho việc thủ phạm sẽ chờ năm ngày nữa rồi mới ra tay giết con tôi.
Thế nhưng kể cả một thằng điên cũng phải có lý do của nó. Một động cơ và một cơ hội! Mà cơ hội thì quả thật rất dễ tìm cho tất cả những người quen biết DeWayne. Những kẻ nào biết anh ta cũng sẽ biết những đứa con trai của anh, kể cả thói quen của chúng, nơi chúng ăn ở và làm thế nào có thể đến bên chúng. Kẻ nào cũng có thể bắn chết Hakim và bất cứ kẻ nào chỉ cần quyết tâm một chút thôi cũng có thể lẻn vào ngôi nhà của bà mẹ DeWayne để giết Gerard. Người ta có kiểm tra xem có kẻ lạ mặt đột nhập vào nhà không? Tôi cân nhắc, không, theo những gì mà tôi được biết về thói quen làm việc của cảnh sát, thì chắc là không. Quá nhiều công việc, quá nhiều vất vả, họ sẽ biện lý do đó. Nhưng ngay cả khi họ làm việc đó, thì ở đây chúng tôi đang phải đối mặt với một tên giết người tinh khôn và tôi nghĩ hắn sẽ chẳng để lại dấu vết đâu. Tình hình trong phòng Terrence có phần khác. Bà Lee, Carlotta, Gerard, có lẽ luôn cả Basil qua con đường vòng tạt vào chỗ Terrence hoặc thậm chí qua Carlotta... bất cứ lúc nào cũng có thể lên tới chỗ thằng bé, cùng nhau hành động hoặc hành động riêng lẻ. Terrence và Gerard, Gerard và Terrence, một cái chết này luôn dẫn đến cái chết kia giống như trong một câu đố chết chóc, một câu đố mà tôi không giải nổi. Tôi thấy mình lại đứng ở điểm xuất phát. Chìa khóa cho lời giải của vấn để chắc chắn phải nằm ở cái chết thứ nhất, ở cái chết của DeWayne con, cái chết mà tôi luôn quên đi. Đó chính là lỗi lầm của tôi và cái chết của Hakim dạy cho tôi nhìn rõ điều đó. Tôi cần phải về Salem, Virginia, về quê hương của DeWayne, nơi đứa con trai đầu tiên đã chết có thể là nơi câu đố bắt đầu.
Hôm nay thứ ba. Không, đã là sáng thứ tư rồi. sau đó tới thứ năm, thứ sáu, thứ bảy và cuối cùng là chủ nhật. Chủ nhật tức ngày thứ năm sau cái chết của Hakim.
Mình không được phép để phí thời gian. Bọn họ đã quyết định. Bọn họ, bọn có quyền quyết định những việc như thế đã quyết định rằng Terrence chết vì thuốc phiện quá liễu và Gerard chết đuối. Đó là ý kiến chính thức của cảnh sát; gắn liền với lời tuyên bố này là tình trạng đầu hàng chuyên nghiệp và tính hám quyền cố vị cay cú.
Griffin là một người tốt, một cảnh sát viên tốt (cái đó tôi đã nhận ra) thế nhưng một cảnh sát viên tốt sẽ không kết luận vội vàng, anh ta không lười biếng, nhưng cũng không quá vội vàng hốt hoảng và luôn chú trọng làm sao để có thể che chắn thật tốt trong mọi phương mọi hướng, nếu không thì tới một lúc nào đó sẽ có một gã luật sư tự xưng là thông minh ngang Thượng Đế đổ ập đến và bẻ gãy những tính toán của anh ta bằng một thứ logic của những ngôn từ khéo léo cùng một thân chủ có khả năng đóng kịch, kẻ có khả năng mài mềm lòng bồi thẩm đoàn. Nếu tôi chờ cho tới khi cảnh sát vào cuộc, Jamal sẽ chết.
Có một thiên thần bay qua mộ con. Một thiên thần bay qua con!
Tôi kéo một chiếc ghế từ góc phòng đến bên tủ quần áo, ném tất cả những hộp cacton đựng giày cũ (quá chật) và áo sơ mi cũ (đứt cúc) xuống dưới. Tất cả những thứ đồ cũ không được dùng tới mà lẽ ra một con người tử tế cẩn thận như tôi phải mang đến cho các cơ sở từ thiện từ lâu rồi, thế nhưng vì lười biếng lần nào cũng lại tặc lưỡi đẩy chúng ra đằng sau tủ. Tôi gạt, kéo và xô đẩy như một người điên cho tới khi tôi tìm thấy nó, được quấn trong một miếng lưới mà tôi luôn ý thức tới, nằm trong góc tận cùng của tủ nơi Jamal sẽ không bao giờ tìm được.
Tôi đã cất nó vào trong một chiếc hộp nhỏ màu xám với một bộ khóa số bên ngoài, tôi đã viết tổ hợp số vào một miếng giấy nhỏ và dán nó xuống đáy hộp, thế nhưng tôi không phải đọc lại. Tôi còn nhớ như in tổ hợp số đó trong đầu, mặc dù chưa mở hộp này ra từ năm năm nay. Giờ tôi lôi hộp xuống và bưng nó ra giường, vừa bước đi vừa lẩm nhấm tổ hợp số.
Ngày đó tôi đầu quân cảnh sát được nửa năm thì tôi mua khẩu súng này. Ai cũng có súng, người ta sưu tầm chúng như trẻ em sưu tầm những hòn đá óng ánh và tôi ngày đó cũng muốn có một thứ “đồ chơi” như thế cho mình: một khẩu P38 Smith & Wesson kiểu 64 được làm bằng thép không gỉ, làn thép óng ánh màu bạc khi tôi mở nắp hộp ra.
Khẩu súng ngắn của Johnny đã cướp mạng anh. Nếu không có nó được nạp đạn sẵn và nằm chờ trong tay, hôm nay anh tôi vẫn còn sống.
Một khẩu súng khác ngày hôm nay đã giết Hakim. Thế nhưng một món vũ khí như thế cũng có một quyền lực hấp dẫn, quyến rũ, nó có thể phá hủy mạng người, nó cũng có thể bảo vệ mạng người. Tôi cầm khẩu súng trong tay, vừa thấy ghê tởm vừa thấy hấp dẫn và nghĩ đến cái chết mà nó luôn mang lại.
Một món vũ khí không bao giờ gây hiệu ứng tốt, cái đó tôi biết chắc chắn như biết tên bản thân mình, nhưng bây giờ tôi nạp đạn cho khẩu súng ngắn thật nhanh, không chần chừ lấy một giây. Và có một điều tôi hiểu rõ trong giây phút đó, nếu có kẻ nào đó có ý định làm hại đến con trai tôi, thì trước hết gã phải tiêu diệt được tôi đã. Tôi sẽ chết để cứu mạng sống của Jamal và tôi sẽ kéo theo tất cả những kẻ nào định chạm tay vào nó.
Thiên Thần Bay Qua Mộ Con Thiên Thần Bay Qua Mộ Con - Valerie Wilson Wesley Thiên Thần Bay Qua Mộ Con