Số lần đọc/download: 127 / 14
Cập nhật: 2020-06-12 14:04:27 +0700
VII - Đấu Thủ Chơi Pôkê Nguyên Tử
B
ây giờ tôi sẽ kể về Hatter. Như tôi đã nói, Mark Trán to và các bạn bè có thế lực của hắn ở FBI vào đêm rạng sáng ngày 23 tháng mười một đã chở "vị cứu tinh của nước Mỹ" ra khỏi Dallas nguy hiểm, đang nhộn nhạo cuồng vong. Cũng ngay đêm ấy lão được máy bay chở đi Washington và dưới sự che chở của cảnh sát và mật vụ, được nhẹ nhàng đưa vào biệt thự riêng trên bờ sông Potomac.
Lính canh cho tôi qua ngay - hiển nhiên là đã có chỉ thị sẵn. Khi tôi vào gặp lão thì lão đang nói chuyện bằng telephone đặc biệt với Nhà Trắng. Lão đang chúc mừng "một cậu bạn" nào đó nhân mới nhậm chức, nhân ngày làm việc đầu tiên. Sau khi thấy tôi, lão vo viên câu chuyện lại, quẳng ống điện thoại xuống, kéo ghế ầm ầm, lách ra khỏi bàn và với vòng tay giang rộng, tiến lại tôi:
- Chào tôn ông!
Cái từ "tôn ông" quen thuộc lão phát ra với một sức mạnh khác thường. Một cách trìu mến, âu yếm, biết ơn.
- Đã về rồi đấy à, quỉ tha ma bắt anh đi. Còn nguyên không sây sát gì.
Vỗ bàn tay dài chắc lên vai tôi, lão cố nhòm vào tận mắt tôi. Lão sờ, lão đoán, lão phỏng chừng xem tôi có những con bài nào giơ ra trước mặt lão. Một đấu thủ mà.
- Nào, anh hãy kể xem tình hình sức khoẻ thế nào sau cú sang chân ấy.
Lão đếch thèm đếm xỉa đến những ý nghĩ của tôi. Lão chỉ quan tâm đến công việc của lão. Tôi đối với lão chỉ là một trong những tấm gương phản chiếu Dallas. Tôi không có quyền phụ lòng mong đợi của lão. Lão giữ tôi bên cạnh để tôi đoán được những ý muốn của lão.
- Tôi cảm thấy hết sức khỏe khoắn, thưa ông Harold, - tôi nói với niềm phấn khởi.
- Trên thị trường chứng khoán thấy sôi nổi chưa từng thấy kể từ hồi chiến tranh Triều Tiên. Cổ phiếu "Hatter Industrise" tăng vọt giá. Ông đã làm giàu to lắm.
- Tôi không làm giàu gì thêm. Chẳng qua chỉ lấy lại cái đã mất vào những năm bất hạnh mà Kennedy cầm quyền. Tôi sẽ bắt đầu làm giàu từ hôm nay. Chà kẻ quá cố được người ta khen đấy. Ta hãy xem xem đất nước tiễn biệt ông ta ra sao.
Lão bật máy truyền hình. Lão ngồi vào ghế, xích lại gần lò sưởi nóng, cho tôi ngồi xuống và với vẻ buồn rầu trên khuôn mặt ngựa, lão chăm chú xem truyền hình.
Trên màn ảnh lớn đang rạng lên khuôn mặt yêu đời, đầy hạnh phúc của đệ nhất phu nhân, đang sống tuần trăng mật ở Nhà Trắng.
- Chương trình truyền từ đâu vậy? - Tôi hỏi.
- Một trong những đài mạnh nhất của tôi đang làm việc. Các cô cậu làm ăn cừ lắm. Có đầu óc đấy. Bây giờ thì mỗi một chi tiết nhỏ nhặt trong đời của cặp vợ chồng tổng thống đều quan trọng. Trông kìa, trông kìa, con mụ mới kháu làm sao!
Hatter ngừng nói, dí người vào màn ảnh.
Trên màn bạc đang diễn lại một cuốn phim cũ. Vào cái dạo sau khi đệ nhất phu nhân đã cải tạo lại Nhà Trắng, một hãng truyền hình đã chiếu toàn thể nước Mỹ xem dinh thự được đổi mới của tổng thống. Người hướng dẫn cuộc tham quan này chính là Jackie. Bà ta trưng bày những căn buồng trang trí bằng lớp lụa cổ bồi tường, bằng đồ đồng, đồ gỗ theo kiểu đế chính, còn phát thanh viên vào lúc đó thì đang gợi lại những gì đã đăng báo về Kennedy, và vợ ông ta vào cái năm ông ta là ứng cử viên tổng thống và chỉ vừa mới sửa soạn bước qua ngưỡng cửa Nhà Trắng…
Không rõ vợ Kennedy sẽ đóng vai trò gì trong cuộc tranh đấu. Một số người khẳng định rằng bà ta là một khoản tích cực chứng tỏ sự đào hoa của ông ta. Tuy nhiên, theo những tôn qui chính trị lâu đời của nước Mỹ thì vợ một ứng cử viên tổng thống không được quá trẻ cũng như quá hấp dẫn. Phụ nữ có thói ghen tị cả hai điều ấy. Các cử tri nữ muốn tiếp xúc với một lệnh bà trung niên, mà vẻ ngoài không có gì đặc sắc lắm. Vào lúc bầu Kennedy làm tổng thống thì vợ ông vừa tròn ba mươi tuổi. Bà sẽ trở thành nữ chủ nhân Nhà Trắng vào đang độ xuân sắc kiều diễm. Xét đến yếu tố phụ nữ chiếm đa số các cử tri thì đấy là một trong những ẩn số của chiến dịch vận động sắp tới.
Im lặng một lát, phát thanh viên bằng giọng đều đều như tiện thể, thông báo cho khán giả truyền hình biết là cựu đệ nhất phu nhân đặt may cắt tất cả những đồ xiêm y mốt nhất, mỹ miều nhất ở Paris, ở "Nhà hàng Dior" đài các.
Hatter tắt âm lượng của máy truyền hình và thốt lên:
- Thân hình, nom mới trác tuyệt làm sao! Cái nhìn này!… Nụ cười này! Jackie thần thánh! Một quả phụ mê ly nhất trên đời. Này, tôn ông, tôi nảy ra cái ý nghĩ mới ngộ chứ. Tôi góa bụa đã lâu. Jackie thì vừa mới góa bụa. Sao lại không lấy nhau được nhỉ. Cái mõm mụ ta duyên đáo để, lại có vầng hào quang của kẻ khổ hạnh và của một đệ nhất phu nhân, sự ủng hộ của dòng họ Kennedy, còn tôi thì có cả tỷ đôla và một tấm tình nồng hậu nhất với vị lang quân quá cố của mụ.
Và lão cười rầm rộ đến nỗi cốc trên bàn rung lên. Lão cười ha hả và đo căn phòng từ góc này đến góc kia bằng những bước chân nặng nề, mắt liếc lên màn ảnh xem chuyện gì diễn ra trên đó.
Jackeline đã biến mất, nhường chỗ cho chồng bà ta. Kennedy bằng xương bằng thịt được chiếu xen kẽ với chiếc quan tài đặt trên bệ cao ở Phòng phía đông Nhà Trắng và với cái huyệt đã đào ở nghĩa địa Aclington. Hatter thôi cười. Lão vặn âm lên. Ngồi xuống cạnh tôi, thở dài rất sâu, lão buồn bã nói:
- Một cái chết dớ dẩn. Vì một viên đạn rẻ tiền. Bị giết từ đằng sau lưng. Vào buổi trưa nóng bức. Ư h-ư-ừ-m! Tổng thống Hoa Kỳ phải chết một cách đẹp đẽ mới phải.
Trên màn ảnh trong tiếng nhạc đệm bi tráng của Grie, loang loáng hiện ra những đoạn phim thời sự của những thời kỳ khác nhau: Kennedy, ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ, đang đọc bài diễn văn nổi tiếng ở điện Cô-li-dê Los Angeles, vị tổng thống vừa được bầu đang tuyên thệ ở Capitol; ngày làm việc đầu tiên của tổng thống; vợ tổng thống đang trang hoàng nhà cửa trong Nhà Trắng theo gu Pháp của mình; con cái tổng thống dứt bố ra khỏi công việc ở phòng bầu dục; tổng thống và đệ nhất phu nhân đang chơi tennis trên nền phông Nhà Trắng; tổng thống phát biểu trên diễn đàn Liên hiệp quốc; tổng thống bước ra khỏi máy bay ở sân bay "Cõi tình yêu" ở Dallas; nụ cười sáng láng của Jackie hạnh phúc; tổng thống đi trên phố xá Dallas; đoàn xe tổng thống thong thả đi ngang qua cái kho sách phố Emmer; vợ tổng thống với bó hoa hồng vàng Texas trong tay đang mỉm cười với dân chúng Texas; chiếc lincoln trắng, lóa ánh nắng buổi trưa của tổng thống đang tiến lại cây sồi xanh, chính cái cây mà Kennedy bị giết đằng sau nó.
Trên màn ảnh lại hiện ra bà quả phụ. Hatter thốt lên:
- Trong tang lễ mụ ta lại càng tuyệt, một bông hoa hồng đen kỳ diệu! Thế mới là đàn bà chứ! Sao cậu nhìn tôi lạ làm vậy, Serge?
- Ông đã thay đổi với chính mình. Cho đến ngày hôm nay chưa mụ đàn bà nào gây cho ông sự sùng ái đến thế. Chả lẽ ông thực thế ư?
- Thôi được, kệ cha mụ ấy!
Hatter làm một cử chỉ uy quyền, dứt khoát như bứt Jackeline ra khỏi mình.
- Tôi đau buồn cùng với toàn thể nước Mỹ về cái chết thảm hại của tổng thống. Tôi không thể dung hòa với chính sách của ông ta, chứ không phải với bản thân ông ta. Ông ta chưa phải là kẻ tệ nhất. Cũng có sức hấp dẫn ít nhiều đấy chứ, - Hatter ngọ nguậy không yên trong chiếc ghế, - Còn anh, hình như có điều muốn nói phỏng?
- Không, thưa ông Harold, tôi đang chăm chú lắng nghe ông.
- Tôi muốn một cuộc chiến tranh chính trị quân tử, chứ không phải chơi từ sau lưng. Cũng vì vậy mà tôi cảm thấy mình phần nào có lỗi về chuyện xảy ra ở Dallas.
Hatter lôi từ túi ra tờ truyền đơn Dallas nhàu nát có hai tấm hình JFK. Lão ném nó xuống mặt bàn nhẵn bóng và, lấy nắm tay là phẳng những nếp nhàu lớn trên tờ giấy vành ệnh, lão đọc một cách rầu rĩ:
- Truy nã tên tội phạm quốc gia… Một trò thô bạo! Cười đến đứt ruột! Không phải kiểu Texas rồi. Người Texas biết làm những việc nhớp nhúa một cách khéo léo đến nỗi con muỗi cũng không đụng được đến mũi kia. - Lão ấn chặt tờ truyền đơn xuống súc gỗ đôi của bàn. - Đây là sự khiêu khích của kẻ thù của Texas. Bây giờ điều ấy đã rõ như ban ngày.
Từ dưới lớp lông mi dài, lão chòng chọc nhìn tôi bằng cặp mắt thấu suốt, làm lạnh cóng lòng dạ, dường như muốn hỏi: tôi có tin lão không, có chấp nhận điều dối trá làm sự thật không?
Trên màn ảnh suốt dọc cả bề ngang và bề cao hiện ra chân dung tổng thống.
Hatter nhìn đó và tiếp tục:
- Những phát súng ở Dallas đã bổ toang đầu John Kennedy và đồng thời nhóm lên quanh ông ta cái vầng hào quang của kẻ tử vì đạo cỡ lớn. Sự thương cảm một tổng thống trẻ đã sớm lìa đời xuyên thấu thế kỷ. Những gì sinh thời Kennedy còn thiếu thì bây giờ đều tuôn như thác xuống cái mộ còn để ngỏ của ông ta.
Lão căm hận, lão đe dọa, lão nói vung xích đế, lão say sưa với thắng lợi đẫm máu để rồi đột nhiên chuyển gam sang bài diễn văn hoa mỹ. Cái đĩa hát hoàn toàn mới đây.
Hatter lại bước theo hành trình mòn nhẵn của mình: từ góc này sang góc kia. Lão cương lên, lấy sức cho bài diễn từ mới.
Lão khoanh tay trước ngực như sắp cầu kinh, cặp mắt nhu mì nhìn lên trần nhà.
- Đấng tối cao đã đảo mọi kế hoạch của tôi về Kennedy. Tôi muốn dí tổng thống vào cái ổ rọ của chính ông ta, mà Thượng đế lại cắm viên đạn vào đầu ông ta. Biết sao được, đấng bề trên thấu rõ hơn việc ai xứng đáng lãnh cái gì. Phải! Cho nên tôi cũng chẳng cần rắc tro lên đầu, nỉ non khóc làm chi. Tôi sẽ tận dụng tình hình đặt ra với cách lợi nhất cho mình. Tôi đã quyết định gởi cho vị tổng thống mới bức điện thân hữu. Nào, viết đi.
Khúc nhạc mở màn đã xong. Giao hưởng bắt đầu.
Vào mọi thời, kể từ tổng thống đầu tiên, mọi kẻ quyền thế của thế gian này đều đã gởi đến Nhà Trắng những cái gọi là điện thân hữu. Một hiện tượng bình thường. Thế thì lão, Hatter, con người giàu có nhất trong tất cả những kẻ vẫn còn sống lù lù hay đã về chầu trời, lại bỏ cái truyền thống hàng thế kỷ ấy đi làm gì?
Thú vị đấy, lão sẽ đòi "cậu bạn của mình" ở Nhà Trắng cái phần bánh ngọt nào?
Tôi lấy ra ngòi bút Parker, kéo cuốn sổ to dầy lại. Hatter đặt tay lên vai tôi và bắt đầu đọc:
- Một là, tôi sung sướng vì dây cương cầm quyền đã ở trong tay con người Texas vĩ đại. Anh hãy trổ mọi cách ra mà viết, đừng tiếc màu sắc, là Lindon này là một chính khách xuất sắc như thế nào, ông ta đã bắt rễ sâu sắc ra làm sao vào nền đất Capitol suốt ba mươi năm, sáng suốt như thế nào, v.v… và v.v…
- Rõ, thưa ông Harold. Xin tiếp.
- Hai là, tôi cam đoan với tổng thống mới là tôi sẽ hỗ trợ mọi cách cho công việc đầy khó khăn và cao cả của ông ta trên mọi cương vị đứng đầu Nhà nước. Nhưng tôi cũng trông cậy ở sự hỗ trợ ngược lại. Cái ý ấy phải thể hiện sao cho tế nhị vào đấy.
Tôi gật đầu.
Nếu như chuyển điểm của hai bức điện sang ngôn ngữ làm ăn thì nó sẽ như sau:
"Tôi, Harold Hatter, và các đồng chí của tôi, các nghị sĩ, các nhà kinh doanh, các viên tướng về hưu và tại ngũ, thưa ngài tổng thống, xin ủng hộ việc ngài ở Nhà Trắng bằng những bướu vàng của mình, còn ngài, xin ngài hãy ủng hộ các xí nghiệp chúng tôi bằng những đơn đặt hàng quân sự của chính phủ"…
Ta hãy xem ông Bạc tỉ còn lệnh những gì cho nhà cầm quyền mới toanh của Nhà Trắng. Được có mặt lúc đẻ ra những bí mật như vậy cũng thú.
Hatter vừa bước đi trong phòng, vừa nói:
- Mỗi một tổng thống, khi chuẩn bị nhậm chức, trước hết chạm phải vấn đề cán bộ khổng lồ và tổng thống nào cũng phải chịu những tổn hao nặng nề. Cả đến Abraham Lincoln cũng phải trả ơn cho chiếc ghế tổng thống. Anh còn nhớ chứ? 54 đại biểu nhóm Pensylvania ở kỳ đầu của cuộc tranh đấu tuyển cử, lần bỏ phiếu đầu tiên đã dồn phiếu cho Simon Cameron. Vào phút quyết định, khi Cameron trượt, họ đã mặc cả với các luật sư của Lincoln và đã bỏ phiếu cho Abi, sau khi được cam đoan là Cameron sẽ được trả ơn. Và Lincoln buộc phải cất nhắc Simon Cameron, "vua Pensylvania", đấu thủ cay cú trên vũ đài chính trị, kẻ mánh khoé vô lương, người xây dựng các kênh và đường sắt, kẻ hùn vốn cho các nhà băng, viên chủ bút làm bộ trưởng quân sự. Khi ký sắc lệnh bổ nhiệm ông ta, Lincoln rủa: "Tôi làm thế nào cho xứng với hiệu "bố già Aby trung thực" bây giờ, khi có một bộ trưởng như Cameron?…"
Tôi ngừng ghi. Những điều Hatter nói trong những giây phút vừa qua không thuộc cốt lõi công việc, mà chỉ là chuyện rào bên lề. Tôi có cảm tưởng như vậy.
- Anh hẳn đã đoán ra, Serge, vì sao tôi lại làm lời mào dài dòng như vậy cho điểm ba?
- Không rõ lắm ạ.
- Lindon không phải trả ơn cho cái ghế tổng thống bằng cách phân phát các chức vị bộ trưởng. Ngồi trên xương sống người khác mà lên thiên đường. Nhận được bộ máy điều hành đã đủ bộ, chạy trơn tru của Kennedy. Và nên giữ nó ở dạng bất khả xâm phạm đến một lúc nào đó. Đấy là ý Chúa và ý tôi. Hãy thể hiện ý ấy ở những dạng tế nhị nhất. Nhưng phải đủ cương quyết.
Tôi ngẩng đầu, đưa mắt một cách dò hỏi nhìn kẻ vừa thổ lộ ý chí:
- Anh không rõ cái gì nào? - Lão nói.
- Giá ông chính xác hóa, cụ thể hóa ý nghĩ ấy thì hay biết mấy.
- Có thể gọi đích danh một số cái. Thưa ngài tổng thống! Bạn Lindon thân mến của chúng tôi! Tôi tin tưởng là dự luật khủng khiếp của Kennedy về bãi bỏ việc giảm giá thuê cho khu đất cạn kiệt sẽ được bãi bỏ trong thời gian sớm nhất. Chúng tôi cũng hy vọng là tất cả những quyền lợi khác hàng thế kỷ nay của chúng tôi trong ngành dầu lửa sẽ được phục hồi [22]. Điểm tiếp theo. Tôi chia xẻ quan điểm của nhiều bạn bè của ông, thưa ngài tổng thống, về nhân vật bộ trưởng ngoại giao. Vâng, người ấy phải được ngồi lại trên cái yên của mình trong giới lãnh đạo mới. Dean Race là nhà kinh doanh từ đầu đến chân, đến xương tủy. Một nhà kinh doanh tầm cỡ thế giới. Một nhà kinh doanh đi găng da mềm và khoác áo ngoại giao. Một bạn hàng tuyệt vời. Ông ta biết nghe những lời khuyên tốt của bạn bè. Không xây vạn lý trường thành ngăn cái gọi là lợi ích quốc gia và lợi ích kinh doanh. Đấy là ảnh hưởng của một sự giáo dục tốt. Khi giữ cương vị chủ tịch "quỹ Rockefeller", ông ta không lăm lăm nhai nghiến tuốt tuột những kẻ cạnh tranh, không tiến hành chiến tranh hủy diệt với họ. Tự mình sống dễ chịu và cũng cho kẻ khác sống được. Trung thành phục vụ Kennedy, đồng thời lại biết thu xếp ổn thỏa với tất cả các đại diện của thế giới kinh doanh. Có thể nói ông ta đã chuẩn bị những vị trí dự bị đúng phong thái nhà ngoại giao thực thụ. Và cuối cùng, điều chủ yếu nhất: Race cũng chống cộng đến mức như tôi. Về ông ta thế là đủ rồi. Ta chuyển sang việc tiến cử tiếp theo.
Tôi lật trang giấy và viết đầu đề bằng chữ to: "Robert MacNamara", Hatter nhìn qua vai tôi vào cuốn sổ và hài lòng nói:
- Đúng rồi! Nhân vật thứ hai không phải theo ý nghĩa, mà theo số thứ tự! Một người Mỹ cừ khôi của thời đại nguyên tử! Cái máy điều khiển học lý tưởng! Thiên tài biết làm ăn, biết tổ chức, quyết đoán những ngón bec-giê. Khi làm chủ tịch "Ford Motor Company", ông ta đã chứng minh điều ấy đến nghìn lần. Bây giờ trên cương vị bộ trưởng quốc phòng, ông ta cũng chứng minh như vậy. Nắm chắc trong tay cả đế chế Lầu Năm góc có một không hai trên toàn thế giới. Trên hàng tỉ bạc có trông trước nhìn sau, với một tính toán sao cho từng đôla đều bắn vào bọn cộng sản. Được nền đại kinh doanh nuôi cho ăn uống, ông ta dựa trước hết vào kinh doanh trong toàn bộ hoạt động của mình. Luôn luôn nhắc nhủ từng viên tướng là Lầu Năm góc sẽ chẳng là cái gì cả nếu thiếu các hãng "Boeing", "Lockheed", "General Dynamics".
Tôi ngừng viết và ngạc nhiên thực sự nhìn Hatter.
- Ông đã thay đổi ý kiến về Mac Namara? chẳng phải ông ta đã đẩy đơn đặt hàng máy bay ném bom "Tiên tri" từ tay ông sang cho những kình địch quyết liệt nhất của ông đó sao?
- Ông ta bị bắt buộc làm điều đó. Dưới sức ép của Kennedy cùng êkíp. Bây giờ không có Kennedy nữa, thì MacNamara được tựa do lựa chọn.
- Có tự do nhiều không? Ông ta là nhân vật mạo hiểm, một chú ngựa đen. Ông chả đã nghĩ thế về Mac Namara trong dĩ vãng còn chưa lâu đó sao.
- Giờ tôi cũng vẫn nghĩ thế. Nhưng tôi là đấu thủ. Tôi thích những món cược lớn. Thế anh không nhận thấy khi đã phi tôi không bao giờ thèm chơi nhỏ đấy ư? Chơi thì chơi! Túi tôi còn đủ sức chịu. Ngay cả nếu Mac Namara có bịp. Hoặc là chơi bài có đánh dấu. Phải! Tôi đặt cược vào chú ngựa đen.
Nước Mỹ chấn động, chịu tang không ngờ được kẻ nào bây giờ đang lập chính phủ của nước Mỹ và lập như thế nào. Nó còn ngủ li bì lâu không? Ai đánh thức nó? Khi nào? Cầu trời cho nó tỉnh dậy trước lúc bàn tay của Hatter với tới bàn điều khiển chiến tranh hạt nhân.
Trên trang mới, tôi viết: "Giôn Mắc-câu-nơ". Harold Hatter giật ngòi bút trong tay tôi hai lần gạch đi một cách tháu ngoáy đến rách cả giấy tên họ của tên siêu gián điệp hiện nay, kẻ kế tục A-len Đa-lét khét tiếng, giám đốc cục tình báo trung ương.
- Không thích hợp!
Nhận xét ngắn ngủi ấy không làm tôi thỏa mãn. Tôi muốn biết, tại sao một nhà công nghiệp lớn đa triệu, cựu chủ tịch ủy ban năng lượng nguyên tử, một tay làm ăn khôn khéo đứng trên đảng phái, vừa lòng được cả Truman, Eisenhower và Kennedy, lại không được Johnson, tức là Hatter đồng ý. Tôi ngẩng đầu lên nói:
- Tôi cho là Mắc-câu-nơ xứng đáng được ông tin cậy hoàn toàn.
- Không xứng đáng. Trong chiếc ghế giám đốc CIA phải có người của tôi ngồi. CIA là một vị trí then chốt, nên tôi phải chắc chắn mở đến nó vào bất kỳ lúc nào. Xong! Ta không nói đến Mắc-câu-nơ nữa. Tôi căm ghét cái tên ấy.
- Ông Harold, ông làm tôi mù tịt. Mắc-câu-nơ có lỗi gì vậy?
- Sao lại mù tịt là thế nào? - Harold nổi dóa - Chả lẽ anh không biết Mắc-câu-nơ là tên áp phe có hàng trăm triệu trong túi? Cứ nhớ những vụ của hắn mà xem. Bậc quân trời mã thượng đầu bạc đáng kính ấy! Khi làm thứ trưởng không quân, đã giật mất hợp đồng máy bay hạng nặng "Võ sĩ bay" của một hãng của tôi và chuyển nó cho bạn hàng cũ của hắn là Kaiser. Chả là có thời nhà đóng tàu Kaiser đã cứu Mắc-câu-nơ khỏi sự phá sản sắp bung ra, nên viên thứ trưởng kia mới coi là có bổn phận phải đền ơn bạn. Món quà của Mắc-câu-nơ quá đắt đối với chính phủ Mỹ. Ở nhà máy của tôi, chiếc máy bay chỉ giá chưa đầy ba trăm ngìn đôla. Kaiser đặt vào hợp đồng một số tiền gấp đôi. Thực tế là hắn đã nuốt gần triệu rưỡi đôla mỗi cái máy bay.
- Đấy là chuyện đã lâu rồi, thưa ông.
- Tôi không bao giờ quên được. Nhờ có những mánh khoé của hắn trong lực lượng không quân mà hắn trở nên nhân vật số hai trong bọn đóng cổ phần của "Standart Oil California". Cả trong ủy ban nguyên tử hắn cũng kiếm chác và chỉ làm giàu cho những bạn hữu của hắn. Cái thằng Mắc-câu-nơ ấy thật là đồ con lợn.
- Vâng, nhưng ông ta là nhân vật thân tín của Nhà Trắng, là hòn đá tảng của nó. Bạn của hồng y giáo chủ Makintai. Một chiến sĩ không mệt mỏi của "chiến tranh lạnh". Ông ấy đã làm hết sức để phá cuộc hội đàm về cấm thử vũ khí hạt nhân. Đã và đang ủng hộ việc can thiệp vào Cuba. Ông ta chống lại bất cứ sự giao lưu nào, dù văn hóa đi nữa, với các Xôviết.
- Serge, thôi ngay, không tôi nghi anh có cảm tình với Mắc-câu-nơ bây giờ. Xong! Chấm dứt tranh luận. Viết đi: tống cổ con lợn ấy ra khỏi Lengli.
Hatter chịu đựng sự phản đối khi nào thấy nó có lợi. Vì vậy, tôi táo bạo phản đối lão:
- Tấn công trực diện sẽ không đem lại thành công, ông Harold ạ. Johnson không dám động đến Mắc-câu-nơ đâu. Sẽ gãy răng mất. Và cả ông nữa, cũng đối xử cẩn thận hơn một chút với ông ta. Phải giáng một đòn lén. Từ những vị trí đã chuẩn bị từ trước. Ăn chắc hơn.
Lão tiến lại lò sưởi, ném ba thanh củi vào lửa. Ngọn lửa chồm lên, bắn vọt cả ra thảm, và nó quay bộ mặt đỏ rực dữ tợn ra phía tôi.
- Tiếc rằng anh nói phải. Con chó buldog ấy thực lợi hại. Nhưng làm thế nào được? Tôi không thể để hắn trên cương vị giám đốc CIA được. Những máy bơm của hắn bơm từ lòng đất Ả-rập hàng trăm triệu tấn dầu lửa, hắn cung cấp nhiên liệu cho nước Mỹ, cho cả thế giới và bóp chết mình mất.
Tôi chẳng muốn phụ họa, cũng không muốn phản đối hay khuyên nhủ gì cả. Nhưng nếu tôi im, ông chủ của tôi có thể sẽ nghĩ rằng cái thằng lâu la tài ba của mình đã hết hơi và sẽ mất lòng tin đối với tôi.
- Ông Harold, ông có nhớ câu nói nổi tiếng của Abraham Lincoln phát biểu trong những ngày nhậm chức tổng thống lần đầu tiên ấy không?
- Cụ Aby nói khỏe lắm… Anh muốn nhắc đến điều gì?
- Khi các đồng ngũ trong nội các của ông vây lấy đòi phải trao những chức vị cao cho những kẻ bọn họ bảo trợ, thì ông đã bảo họ: "Một nhóm không được nuốt tất cả".
- Nghe có lý!
- Đừng tạo cớ cho tổng thống mới và giới thân cận quanh ông ta nghi ông ở chỗ ông định nuốt tất cả.
- Anh nói được việc đấy.
- Ta sẽ gợi ý với Nhà Trắng là Mắc-câu-nơ là kẻ có công cho một nhóm nuốt tất cả những miếng ăn ngọt ngào, còn những người khác thì chỉ chừa xương với da lại. Ta sẽ tế nhị khuyên tổng thống sao cho dần dần ông ta sẽ tự chọn người lên chức giám đốc CIA. Ông chủ Lengli phải là người chịu ơn Johnson còn sống, chứ không phải chịu ơn Kennedy đã chết. Đúng lúc cần ta sẽ dúi một người như thế vào cánh tay sốt nóng của Johnson.
Tôi chỉ nói những điều Hatter muốn nghe và sớm muộn gì lão cũng sẽ nghĩ tới. Tội gì tôi lại bỏ lỡ dịp xứng đáng với lòng tin và lời khen của lão?
Hatter ngồi lên tay vịn của ghế tôi ngồi, ôm lấy vai tôi.
- Đồng ý. Tôi có để ý đến một người đáng tin. Một đô đốc về hưu. Đồng hương của tổng thống. Là bạn tổng thống, cùng người Texas. Không kiếm ra ai hơn được. Uy-lít Phren-xít Rây-bon-con, sáu mươi tuổi. Chuyên gia về tên lửa. Tranh đấu cho chương trình vũ trang tên lửa hạt nhân. Là cha đỡ đầu của cái vũ khí chủ yếu ở hạm đội tàu ngầm
- tên lửa mang đầu đạn hạt nhân "Polarit". Mười tỉ đôla được ông ta đem vỗ béo cho đứa con cưng đáng sợ ấy của mình. Có cái để ông ta huênh hoang. Lầu Năm góc hẳn sẽ mừng quýnh lên, nếu viên đô đốc lọt vào Lengli! Cho tới bây giờ cái ghế giám đốc CIA chỉ toàn loại dân sự tranh lấy. Cả các nhà công nghiệp cũng sẽ hài lòng. Còn phải nói! Người của mình, con át chủ bài trở thành chủ Lengli! Có điều là Rây-bon cũng có nhược điểm. Ông ta trí nhớ kém lắm: sau năm phút là quên tiệt những gì người khác nói. Nhưng tôi hy vọng rằng cái khiếm khuyết trí lực ấy sẽ không biểu hiện ra ngay, mà sau hai ba năm nữa.
Tôi đã nghĩ đến những khiếm khuyết trí lực mà tôi đã thấy ở Texas, trên vầng trán tuyệt hảo của chính quyền nước ta, nên tôi nói:
- Rây-bon cũng chẳng kém ai cả! Xong tuốt!
Lão chồm lên và lại tiến tiến lui lui trong phòng. Chuyển động làm lão phấn hứng.
Lão trỏ ngón tay và cuốn sổ của tôi.
- Đi-lơn!… Chủ nhà băng có nòi. Trùm "chiến tranh lạnh". Người ủng hộ tôi! Vào hồi có cuộc khủng hoảng Caribe, ông ta đã đòi Kennedy tấn công Cuba. Ông ta đã mở đường cho đồng đôla trên khắp thế giới. Cứ để cho Johnson vì nể. Xong. Ta chuyển sang ông già vàng Hariman. Đây cũng là giòng trâm anh thế phiệt. Dưới hai đời tổng thống, ông ta đã đảm vai trò đại sứ đặc nhiệm. Cứ để ông ta làm đại sứ đặc nhiệm. Ở Nhà Trắng sẽ phải luôn luôn có kè kè một chuyên gia bự về Nga Xô, - Hatter nháy mắt với tôi, rồi cười. - Đến lượt ai nào, theo anh?
Hatter vẫn luôn tiện thể thử tôi đấy. Lão không cần một kẻ cố vấn đầu óc mụ đi, một kẻ vênh vào; một kẻ say sưa trên vòng nguyệt quế của quá khứ. Lão sợ rằng "ngòi bút riêng" của lão sẽ cùn đi. Muốn thấy tôi luôn trong trạng thái chiến đấu hàng ngày, hàng tích tắc. Cái ngài tư bản đòi hỏi nghiêm vậy đấy. Được, tôi phải cố gắng.
Tôi cho phép mình nghĩ vài phút và dứt khoát viết ra tờ giấy trắng: "Mac George Bundi".
- Sao lại tay này? - Hatter hỏi nhanh và nheo cặp mắt khôn ngoan và tàn nhẫn lại.
- Hồi có cuộc khủng hoảng Caribe, ông ta đã đòi Lầu Năm góc trút toàn bộ sức mạnh hạt nhân của chúng ta lên các Xô viết. Ông ta thích quyền lực và biết sử dụng nó vì lợi ích nước Mỹ. Một người như thế trong vai trò phụ tá đặc biệt của tổng thống về an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại hẳn sẽ quí giá vô cùng đối với ông, ông Harold ạ. Là nhà bác học xuất thân từ Campbridge, trưởng khoa nhân văn trường đại học tổng hợp Harvard - cái ấy đem lại cho ông ta, sức hấp dẫn đặc biệt dưới con mắt của những người Mỹ trí thức và không trí thức. Các tướng của Lầu Năm góc mà ông ta điều khiển, sẽ tôn trọng ông ta. Các cán bộ CIA sẽ chờn ông ta. Các nhà tài chính thì sủng mộ. Tóm lại, Mac George Bundi đều tốt về mọi phương diện.
Hatter chăm chú nghe tôi và gật đầu mạnh mẽ:
- Ta sẽ để lại. Người tiếp theo là Taylor. Trong những năm gần đây, đa số tướng ta Lầu Năm góc hô hào chiến tranh hạt nhân và coi rẻ vũ khí thông thường. Maxwell Taylor xem vũ khí hạt nhân là con chủ bài chính, nhưng chỉ tung ra vào giây chót. Chiến tranh hàng ngày, kiểu như ở Việt Nam, thì ông ta khoái tiến hành bằng đại bác, tiểu liên, lựu đạn, bom, xe tăng, máy bay hơn. Taylor đã là tham mưu trưởng quân đội Mỹ ở châu Âu, tư lệnh quân quản Tây Berlin. Ông ta biết chiến lược và chiến thuật người Nga. Đã chỉ huy tập đoàn quân tám ở Triều Tiên và đã chứng minh chắc chắn cho luận điểm là hiện tại chỉ cần những vũ khí thông thường hồi đại chiến thế giới lần thứ hai là có thể giữ vững lợi ích của Hoa Kỳ trên toàn thế giới. Theo tôi, Taylor có thể ở trên cương vị cố vấn quân sự của tổng thống và chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng liên quân. Dần dần, nếu tìm được người xứng đáng hơn, thì ta sẽ thay… Nào, ta còn khuyên chính quyền mới làm gì nữa?
Khoanh đôi tay dài, gân nổi lằng nhằng ra sau lưng, mười ngón tay đan vào nhau thành hình khóa, Hatter đã lượn được vài lần quanh phòng. Lão đăm đăm nhìn xuống dưới chân vào tấm thảm dày như thể ở đó có ghi đủ những điều phải lệnh cho Nhà Trắng. Rồi lão dừng lại cạnh tôi, bẻ tay kêu răng rắc.
Viết đi! Kennedy đã thử êkíp của mình trong suốt ba năm làm tổng thống. Hiện giờ chưa nên thay đổi vội. Có thể chữa lợn lành thành lợn què mất. Loại bọn không ăn cánh phải chờ tình hình yên tĩnh. Mà không phải loại cả nắm, cứ từng đứa một thôi. Và chỉ khi nào người của Kennedy không thích ứng với ông chủ mới và đường lối của ông ta.
Tôi đã nhã nhặn mỉm cười đến gần một phút rồi mà mãi bây giờ Hatter mới hạ cố để ý đến.
- Anh cười gì vậy?
- Ông chưa đánh giá hết ông chủ Nhà Trắng. Ông ta đã đề nghị người của Kennedy ở nguyên cương vị. Với ai, ông ta cũng nói: "Tôi cần ông hơn ông cần tôi".
- Ra thế đấy! Lindon bợm thật! Vượt cả bản thân. Tốt. Mà tôi hỏi này, ta còn khuyên Nhà Trắng điều gì nữa không?
- Ông nói ít quá, hầu như chưa nói gì về Việt Nam. Lạ quá!
- Không có gì lạ cả, tôn ông ạ. Đó là đề tài tổng quan chung của hiện tại và tương lai: Việt Nam. Nào viết đi. Hẳn một tờ riêng. À, mà tôi nghĩ chút đã. - Lão âu yếm gật đầu với nhau và chìa hàm răng rắn chắc. - Trường hợp thế này anh có thể hút thuốc trước mặt tôi.
- Và có thể im lặng nữa được chứ ạ?
- Được! - Hatter bật cười.
Sau khi tôi đã hút xong điếu thuốc, sửa soạn giấy bắt tay vào việc cầm bút, Hatter đọc như sau:
Bạn thân mến của tôi!
Trong bức điện riêng đặc biệt, có thể nói chủ yếu này của tôi đối với Bạn, tôi sẽ chỉ nói về vai trò mà Hoa Kỳ đã, đang và cần phải đóng ở Đông Nam Á.
Tôi được biết là Bạn, khi còn là phó tổng thống, không có cơ đụng tới những tài liệu tối mật nhất của Nhà Trắng và Lầu Năm góc, những tài liệu chứng tỏ chiến lược thật sự của các vị tiền bối của Bạn ở Đông Dương. Tôi xin trình bày một cách vắn tắt cốt lõi của vấn đề.
1. Chính phủ Truman, khi thực thi sứ mệnh lịch sử của người bảo vệ thế giới tự do, đã kịp thời và kiên quyết can thiệp vào chiến tranh thuộc địa ở châu Á, ràng buộc trực tiếp với những sự kiện ở Việt Nam, đã chống lại cộng sản và tất cả những kẻ ủng hộ chúng ở miền bắc và miền nam nước này, do đấy đã dạo khúc chủ đạo cho chính sách của Mỹ trong nhiều, nhiều năm.
2. Chính phủ Eisenhower đã làm hết sức lực để phá bỏ chế độ cộng sản ở Bắc Việt Nam. Chính phủ ấy đã không ngần ngại cả đến việc đảm nhận trọng trách phá các hiệp định Geneve về Đông Dương năm 1954.
3. Chính phủ Kennedy đã không từ chối di sản Đông Dương do Truman và Eisenhower để lại. Trò chơi của các tổng thống đi trước, "trò chơi mạo hiểm hạn chế" đã được John Kennedy quá cố đưa lên tầm cao của những "cam kết rộng rãi". Cái chết đã ngăn không cho vị tổng thống thứ ba mươi lăm thực hiện những điều ông ấp ủ. Nhưng nền đất đã được sửa soạn kỹ lưỡng, được bón phân, được gieo hạt. Vinh dự vĩ đại về thực tế chặt đứt cái nút Goóc-đi [23] cho Đông Dương, đẩy mạnh hơn nữa cuộc chiến tranh ngầm chống Việt Nam và các nước láng giềng gần cận nhất đang tiến hành chính sách trung lập bỉ ổi đã rơi vào Bạn. Bạn thân mến ạ, phần Bạn, Bạn của tôi ạ, cũng được vinh dự vĩ đại bắt tay vào chuẩn bị cuộc chiến tranh công khai trong phạm vi lớn chống chủ nghĩa cộng sản Á châu. Và tôi tin rằng Bạn sẽ đáp ứng lòng tin của tất cả bạn bè của Bạn ở miền Nam và miền Bắc, đặc biệt ở Texas thân thương và yêu dấu của Bạn.
Bạn thân mến của tôi! Giờ tôi xin chia xẻ với Bạn những ý nghĩ lo ngại đang bao trùm lên tôi và nhiều nhà kinh doanh có ảnh hưởng nhất khi chúng tôi nghĩ về Việt Nam và khi nhìn lên bản đồ Đông Dương. Tình hình Nam Việt Nam, theo chúng tôi, chứa đầy thảm họa. Những xu thế hiện nay, nếu không bị chặn đứng trong hai ba tháng tới, sẽ dẫn đến việc trung lập hóa Nam Việt Nam trong trường hợp tốt đẹp nhất, còn trong trường hợp xấu nhất dẫn tới việc đại bại của quân đội nước này, sự tan rã của toàn bộ hệ thống chính trị. Và có thể dẫn tới sự triệt tiêu hoàn toàn ảnh hưởng chính trị của chúng ta ở toàn khu vực Đông Nam Á. Chúng ta có là hay không là người chủ tình hình ở toàn bán đảo Đông Dương, điều ấy tùy vào kết cuộc sự kiện ở Việt Nam.
Tôi và các bạn tôi ở Texas, Chicago, New York, Philadelphia, Los Angeles, ở Lầu Năm góc, tôi nhấn mạnh, cả ở Lầu Năm góc, ở hội đồng tham mưu trưởng liên quân, không loại trừ cả chính bộ trưởng quốc phòng Mac Namara, đều nhất trí cho rằng số phận chúng ta ở Nam Việt Nam là phong vũ biểu chính xác để dự đoán số phận của chúng ta ở toàn bộ Đông Nam Á. Chúng tôi giữ ý kiến là nếu chương trình của Hoa Kỳ thành công ở Nam Việt Nam thì nó sẽ giúp rất nhiều cho sự ổn định tình hình ở toàn bộ Đông Nam Á. Và ngược lại, nếu chúng ta trao Đông Nam Á cho cộng sản, thì trong một tương lai không xa sau đó, các vị trí mà chúng ta còn duy trì ở tiểu lục địa này sẽ bị suy yếu… Tôi nghĩ rằng Bạn, thưa ngài tổng thống, sẽ không chỉ một lần và không chỉ qua một viên tướng hay một nhà kinh doanh mà nghe được điều tôi đã trình bày ở trên.
Vì mục đích đó, chúng ta phải chuẩn bị cho các biện pháp ở mọi cấp cần thiết, và sau khi đã chuẩn bị, phải bắt tay thực hiện ngay các biện pháp cần để đạt được các mục đích của chúng ta một cách tức khắc và chắc chắn.
Hatter chồm lên, đi sát lại bàn tôi và gõ các đốt xương ngón tay xuống đấy:
- Đoạn xuống dòng cuối cùng khi đánh máy lại thì cho nổi bật lên.
- Ông lo là tổng thống sẽ không hiểu chúng ta nếu không có áp lực đặc biệt? - Tôi cười khúc khích.
Hatter cũng cười khúc khích:
- Xúp Puy-ê ngô, thưa tôn ông, có cho đường cũng chẳng hại gì [24].
Lão quay lại phía lò sưởi, sưởi tay và đầu gối trước lò, rồi nhìn vào cuốn sổ ghi chép của mình, lão thong thả đọc tiếp:
"Cách đây ít lâu, như Bạn đã biết, tôi đã ở Đông Dương và đã đàm luận nhiều với tướng Taylor ở Saigon. Ông bạn tôi ngày càng đi đến kết luận cứng rắn hơn là tình hình quốc tế hiện nay thuận lợi hơn bao giờ hết cho việc leo thang chiến tranh ở Việt Nam. Trước hết, ông ấy ngụ ý đến Trung Quốc, chính sách chia rẽ của Trung Quốc đối với các Xô-viết. Ông ấy nói với tôi điều sau đây: "Việc xem lại quan điểm và áp dụng một cương lĩnh mạnh mẽ hơn sẽ cho phép nâng cao hơn nhiều khả năng kiểm soát mức độ leo thang tương lai của chúng ta. Có lẽ là những thất bại kinh tế và nông nghiệp của Trung Hoa cộng sản cộng với sự chia rẽ hiện nay với người Nga chắc sẽ buộc bọn cộng sản phải suy nghĩ cho chín trước khi có những hành động quân sự lớn nhỏ nào ở Đông Nam Á". Thưa ngài tổng thống, tôi tin rằng tướng Maxwell Taylor chỉ nay mai nhất định sẽ trình bày cho Bạn quan điểm khôn ngoan, nhìn xa trông rộng của mình về vấn đề Đông Dương nói chung. Tạm thời, nhân tiện dịp này, tôi sẽ chỉ nói vài ý nghĩ của bạn tôi. Để tiếp tục leo thang chiến tranh ở Việt Nam vào giai đoạn đầu, tướng Taylor thấy cần thiết phải áp dụng những biện pháp sau đây: "Chỉ dẫn cho chính phủ Việt Nam và hỗ trợ họ trong việc tiến hành những chiến dịch đổ bộ - phá hoại rộng lớn chống các mục tiêu quan trọng nhất trên lãnh thổ Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa. Tiến hành oanh tạc các mục tiêu then chốt của Bắc Việt Nam, sử dụng tiền của của Hoa Kỳ sau tấm bình phong Việt Nam với điều kiện người Việt Nam sẽ công khai nhận lãnh trách nhiệm cho những hoạt động tương tự. Trong trường hợp cần thiết chuyển thêm các đơn vị bổ sung của Hoa Kỳ để hỗ trợ cho các hoạt động tác chiến trên lãnh thổ Nam Việt Nam. Nếu cần thì sử dụng các đơn vị quân đội Hoa Kỳ để trực tiếp tham gia các hoạt động quân sự chống Bắc Việt Nam". Tôi nhắc lại, thưa ngài tổng thống, việc chuẩn bị leo thang và bản thân sự leo thang sẽ diễn ra trong điều kiện va chạm tiếp diễn giữa các đảng cộng sản của Trung Hoa và Nga Xô. Hai năm rõ mười là việc áp dụng các biện pháp đối với miền Bắc, tức là trực tiếp leo thang chiến tranh, sau, chứ không phải trước cuộc va chạm kia thì trên thực tế hợp lý hơn. Nó, cái sự va chạm tư tưởng mong ngóng từ lâu ấy chẳng còn bao xa hơn nữa.
Còn về nguyên nhân leo thang bề ngoài đối với dư luận rộng rãi thì tìm ra chẳng khó khăn tí nào. Tướng Taylor cho rằng các tàu quân sự cỡ nhỏ của Nam Việt Nam cứ bắn vào các khu trục hạm Mỹ chạy gần bờ biển Việt Nam để có thể tạo ra một sự kiện chính trị lớn, làm chính phủ Mỹ có quyền buộc tội Bắc Việt Nam tấn công các lực lượng vũ trang của ta và đòi quốc hội thông qua nghị quyết về việc trao cho chính phủ của Bạn tự do hành động hoàn toàn trong việc áp dụng bất cứ biện pháp nào thấy cần cho công cuộc phòng thủ Nam Việt Nam và Lào chống sự xâm lược hay những hành động phá hoại do chính thể cộng sản ủng hộ, điều khiển hay tiến hành. Như vậy là chúng ta sẽ được gỡ tay và ta sẽ được sự tán thành của quốc hội về việc tiến hành ở Việt Nam một cuộc chiến tranh không tuyên bố trên thực tế.
Tôi hy vọng là, thưa ngài tổng thống, Ngài đã đánh giá được thỏa đáng lòng tin cao vọi của tôi đối với Ngài, và cả sự thẳng thắn chân thành của tôi.
Bạn thân mến của tôi! Tôi chỉ nói ra hai ba trăm từ then chốt trong số hàng triệu từ mà vấn đề Đông Dương đòi hỏi. Tôi tin rằng trong vấn đề này, tôi và bạn bè tôi sẽ nhận được sự ủng hộ đầy đủ của Nhà Trắng và chính phủ của Bạn.
Một lần nữa, thưa ngài tổng thống, tôi chúc mừng Ngài, chúc Ngài luôn mạnh khỏe và thành công trong việc khó khăn của Ngài vì lợi ích của toàn thể nước Mỹ.
Hatter cất vào túi cuốn sổ ghi chép dày cộm của lão và đứng dậy.
- Hôm nay thế là xong, tôn ông ạ. Anh được tự do.
Với sự kinh ngạc chân thành nhất, tôi nhìn lão:
- Xong rồi ạ? Nhưng ông đã nói điều chủ yếu nhất đâu.
- Tôi chưa nói cái gì mới được? - Lão cũng ngạc nhiên nhìn tôi và hình như, đã sẵn sàng trừng phạt "ngòi bút riêng" của mình vì sự lếu láo chưa từng có.
- Ông chưa nói gì về tương lai của ông cao bồi. Ông ấy chỉ làm tổng thống vẻn vẹn có một năm thôi. Còn tiếp theo? Mà ông quên bẳng cả Bary, hoàn toàn không rõ là ông định hợp tác với Johnson một năm hay cả năm năm.
- Ai không rõ mới được? Anh à?
- Không, không phải tôi, mà số anh em bạn ông ở Nhà Trắng ấy.
- Thế còn anh thì rõ cả rồi chứ?
- Cũng ít nhiều. Tất nhiên, tôi có thể lầm, lạc hậu, trệch khỏi đường lối thực sự của ông ta. Thì cuộc đời, như ta thấy đấy, có đứng ỳ một chỗ đâu. Xuất phát từ tình hình mới, ông ta có thể thay đổi các kế hoạch về Johnson và Goldwater.
- Đừng có bóng bẩy văn hoa nữa, tôn ông ơi, cứ nói thẳng xem cậu rõ cái gì?
- Ông đã quyết định kiểm tra xem tôi có nhớ hết những cuộc nói chuyện của chúng ta về hai người ấy hẳn?
- Tôi muốn kiểm tra cái khác: tôi có viên cố vấn tài ba hay làng nhàng. Cứ nói tuốt tuồn tuột ra.
- Vâng. Như vậy là thế này. Ông sẽ ủng hộ ông cao bồi kia một thời gian nào đó. Chừng nào ông ta còn chưa tìm cách giúp hoàn lại tất cả những gì ông đã có trước hồi Kennedy và thêm chút chút nữa.
Hatter nhạo:
- Hay thật! Tại sao tôi lại ủng hộ một người có lợi như tổng thống, chỉ "một thời gian nào đó" thôi? Đâu là logic giữa cái tôi vừa đọc và cái anh nói?
Lúc này tôi đã làm một nước đi, một trong những nước mà tay chơi poker sừng sỏ nhất thế giới vẫn yêu thích trong thực tiễn hàng ngày của mình. Để xem lão trả lời ra sao
- sẽ mở hay không mở con chủ bài của mình. Tôi tiếp tục.
- Johnson lọt vào Nhà Trắng không phải có kẻ dắt, kẻ đẩy gì cả. Theo ý muốn của đấng may rủi và ân huệ của hiến pháp. Ông ta không vướng nợ nần chính trị, không vướng cam kết với các công ty và những thỏa thuận quân tử. Ông ta không phải trả ơn ai vì chiếc ghế tổng thống bằng cách phân phát các chức vị bộ trưởng và các chỗ béo bở. Ông ta có thể cho phép mình không đếm xỉa đến những yêu sách thái quá của các nhóm tài phiệt Đông Bắc và Trung Tây, Texas và Viễn Tây. Không phải ưu tiên cho kẻ nào cả. Bình đẳng hoàn toàn. Anh nào cũng có phần dự cỗ.
Tôi chờ đợi kẻ đối thoại sẽ bác bỏ lời tôi. Không. Lão nghe tôi mà mặt cứ tỉnh bơ như không.
- Johnson, dù có nói gì về ông ta đi nữa, thì cũng đã ba mươi năm ở quốc hội và thượng nghị viện và đã nghiên cứu kỹ cái nhà bếp chính trị và hiểu rất rõ, ai đi với ai, ai bè cánh chống ai và làm thế nào để cân bằng quan hệ với bạn bè và với kẻ thù. Nhờ ơn hiến pháp mà ông ta làm tổng thống có một năm. Sắp tới là bầu cử, là tranh đấu giành quyền ở lại Phòng bầu dục. Vậy là ngay bây giờ, ngay hôm nay, ông ta đã phải lo chuyện tương lai. Để muốn lưu lại Nhà Trắng bốn năm nữa, trong một thời gian ngắn thế này ông ta phải lôi kéo được về phía mình đa số cử tri New York, Chicago, Boston và Cliveland, Texas và toàn miền Nam nước Mỹ, cư dân ven bờ Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, người da đen và người da vàng. Ông ta bị đặt vào những điều kiện ngặt nghèo: phục vụ bản thân hay phục vụ các bạn bè mạnh mà ông ta có ít, trước hết là Texas. Không có sự lựa chọn nào khác. Bao giờ thiên hạ ai chả lo cái thân trước tiên. Johnson sẽ không đi ngược lại lợi ích của ông ta. Nhất là bây giờ, khi mơ ước của cuộc đời ông ta đã thành sự thật.
Hatter không phản đối, cũng không đồng ý. Lão im. Bình tĩnh đợi xem tôi còn nói gì nữa. Giá tôi có là nhà xem tướng mặt vĩ đại thì cũng chịu không moi được gì trên khuôn mặt lão.
Tôi chỉ còn ít điều để nói nữa thôi.
- Johnson hãnh diện và hạnh phúc, rằng không có một phe nhóm nào có thể coi ông ta là người của mình ở Nhà Trắng. Johnson sẽ chỉ làm điều có lợi cho ông ta. Mà bảo vệ lợi ích của tất cả các nhà kinh doanh thì đều có lợi cho ông ta. Cũng không loại trừ những đặc quyền tạm thời, một lần nào đó cho ông trùm này hay ông trùm kia, giả dụ, cho ông và những người Texas khác, nhưng nói chung, ông ta sẽ sùng kính bảo vệ toàn bộ cái thể chế kinh doanh tư hữu của chúng ta. Ông ta sẽ cẩn trọng như vậy trong suốt cái năm khủng hoảng này. Nếu ông ta thắng cử, được bầu lại thì có thể ông ta dám quay sang hữu, về phía Texas mến yêu của mình.
Tất cả là vậy. Tôi đã chìa hết mọi chủ bài của mình.
Hatter bước hết góc này sang góc khác trong phòng, mắt nhìn xuống dưới chân và không nói gì cả.
Lão dừng lại, ngó sát vào mặt tôi:
- Nào, nói hết cả rồi chứ?
- Hình như vậy. Ông cho rằng tôi sai hay sao?
Tôi không mong đợi câu trả lời khẳng định cho câu hỏi trực diện của tôi, bị chi phối bởi khao khát tột bậc muốn moi được sự thật. Tôi nghĩ là lão sẽ lại câm tịt hoặc đùa lảng. Nhưng lão đã dứ dứ ngón tay, cất tiếng cười:
- Anh đáo để lắm! Cái gì cũng biết. Anh là người nguy hiểm thật. Không thể giấu được anh điều gì.
- Ông không muốn nói nghiêm túc với tôi sao?
- Ơ hay! Tôi hoàn toàn đồng ý với anh. Tôi có thể thêm đôi điều. Johnson chỉ mới làm chủ Nhà Trắng sang ngày thứ hai. Nhưng tôi đã thấy rõ là chúng tôi không cùng hội cùng thuyền lâu được. Trên lời nói thì hắn dễ tính, hứa hẹn toàn núi vàng, nhưng sẽ chẳng làm cái gì to tát cho tôi đâu. Cho nên tôi không định làm thằng ngu lâu. Nhưng dù hắn có cứng đầu cứng cổ đi nữa thì tôi cũng sẽ bắt hắn phải bãi bỏ dự luật dầu lửa của Kennedy và dành cho hãng tôi một vị trí xứng đáng trong hàng ngũ bạn hàng của Lầu Năm góc. Đấy là chương trình cực tiểu của tôi. Còn về chương trình cực đại thì…
Tôi không ngờ lão lại giải bày đến như vậy. Tay chơi poker sừng sỏ thế giới chơi trội hơn tôi.
Lão đi lại phía tủ, lôi từ trong tập sách đỏ tra cứu "Ai là ai" ra một tấm hình trong khung bạc và dựng nó lên phiến lò sưởi bằng hoa cương. Trên ảnh là Bary Goldwater đang cười toét cái mồm to tướng của mình, mắt kính và răng sáng loáng.
- Đây là chương trình cực đại của ta. Các bạn tôi ở miền Nam, ở Texas, ở California và các nơi khác đã lập nên ủy ban quốc gia "Bary - vào Nhà Trắng". Chúng tôi sẽ đạt được việc đảng Cộng hòa cử ông ta ra ứng cử tổng thống. Ta sẽ không tiếc đôla và sẽ mua hàng triệu phiếu cử tri. À, mà Bill cũng đã hiểu gió thổi chiều nào và đã đề nghị với tôi thông qua Trán to hợp tác để vận động đưa Bary vào Nhà Trắng và đã chìa tiền ra với tôi. Và tôi đã đồng ý cùng chung sức làm ăn.
- Bill à? Chính gã ấy?
- Phải.
- Lạ nhỉ?
- Thì hắn làm gì khác được sau khi kẻ bảo vệ đã sang thế giới bên kia rồi? Bill không phải là đồ ngốc, hắn nhanh chóng ngẫm ra là phải dựa vào ai.
Từ nay trở đi mãi mãi tấm ảnh có hình một kẻ mỉm cười đeo kính và súng tự động trong tay sẽ được đặt ở chỗ trang trọng. Từ nay trở đi Bary sẽ là thượng khách trong biệt thự của ông Bạc tỉ. Trước hắn, sẽ luôn luôn mở toang những cánh cửa cấm kỵ với những người khác.
Hatter sốt ruột nhìn đồng hồ:
- Hôm nay chúng ta đã không gói gọn được trong khoảng thời gian thường lệ. Vượt quá hạn mất bốn mươi phút. Sự thể như vậy, cũng chẳng biết làm thế nào được. Đâu phải ngày nào ta cũng đi lo chuyện gom đủ cán bộ cho Nhà Trắng. Nào, tôn ông, hãy làm thành văn bản cuộc mạn đàm của chúng ta, còn tôi phải đi mai táng người sáng tạo ra "những ranh giới mới" đây.
Tôi vội vã nói:
- Ông còn quên mất một người, thưa ông Harold. Tôi ấy mà! Ông định sử dụng tôi thế nào? Ông sẽ gọi về hay cho ở lại với tổng thống mới?
Hatter bật cười:
- Người của tôi ở Nhà Trắng bây giờ quá đủ rồi. Anh phải viết cuốn sách mà ta đã thỏa thuận với nhau. À, mà đặt tên cho nó là gì nhỉ? Không đợi trả lời, lão nhắc luôn:
- "Chuyến công du cuối cùng của tổng thống". Theo tôi tên gọi ấy hay đấy. Nghe đanh lắm. Ai cũng sẽ mua. Không nghĩ được cái gì hơn nữa đâu. Ta quyết định như thế nhé. Hả?! Anh còn muốn nói cái gì nữa?
Oswald! Oswald! Oswald! Tên của con người Texas bí ẩn ấy không rời khỏi mặt báo toàn thế giới. Được phát âm hàng nghìn lần một ngày trên đài phát thanh và truyền hình. Ở đầu lưỡi của cả nhân loại. Thật sẽ không tự nhiên và cũng có thể, sẽ nguy hiểm cho tôi, nếu như tôi không nhắc đến hắn ta với lão chủ khôn ngoan, tính nhạy như thú dữ này của tôi.
- Ông Harold, ông có biết chuyện ở Dallas, ở bệnh viện Pa-clen tôi đã tình cờ gặp Trán to không?
- Trán to không bao giờ gặp ai tình cờ cả.
Tôi cố ý dùng từ "tình cờ", còn ông Bạc tỉ, bất chấp khả năng đoán nhận kỳ lạ các bước đi của đối phương, cũng không hiểu điều đó.
- Mark đề nghị tôi viết cuốn sách về kẻ giết Kennedy ấy. Ông cũng muốn thế chứ ạ?
- Mark luôn luôn nói điều tôi nói. Nhưng trong trường hợp này có ngoại lệ.
Tình thế đã thay đổi, không cần phải viết cả một cuốn sách về cái thằng quái đản ấy, tên đánh thuệ của kẻ thù của nước Mỹ. Dành cho hắn đôi dòng là đủ. Còn vấn đề ám sát ở Dallas thì phải dành cả quyển sách "Chuyến công du cuối cùng của tổng thống" của anh. Oswald đơn thương độc mã thịt tổng thống. Nhưng cũng chính vào thời gian này hàng nghìn hàng nghìn những người Mỹ yêu nước, căm uất viên tổng thống phản bội, kẻ dù muốn dù không, đang cầm chịch chính sách của Mỹ, cũng đang săn Kennedy. Đấy, cái vấn đề ám sát ở Dallas là như vậy. Hãy trải vấn đề ấy ra cho hết bề rộng. Không liếm quanh các góc. Hãy chỉ ra những người trỗi dậy chống lại Nhà Đỏ, tức là Nhà Trắng. Hãy thi vị hóa khẩu hiệu của họ, sự căm ghét của họ.
Ông Bạc tỉ chỉ bảo tỉ mỉ, cặn kẽ cho tôi cách biến trắng và đen thành đỏ. Cuối cùng lão nói xong, tuyệt ngay hứng quan tâm tới tôi. Lão lại chỗ bàn, lấy từ ngăn kéo trên ra cái băng tang đen có ruy-băng buộc.
- Buộc vào đi này, - lão chìa cho tôi cái dải băng, gập khuỷu tay phải lại và mỉm cười như thể đang biện hộ, một cách bối rối: - Đích thân tôi phải từ biệt Kennedy mới được.
Từ giây phút ấy, cái mong muốn sắc nhọn nói tuột ra cái bí mật to lớn của ông Bạc tỉ, cái bí mật mà lão không muốn lộ ra với cả "ngòi bút riêng" của mình, cứ cộm lên trong tôi.
- Ông Harold, ông tin ở mình chứ?
- Anh nói gì vậy? - Lão không khoái câu hỏi ấy.
- Khi ông đi sau quan tài, đèn pha sẽ chiếu sáng mặt ông, các phóng viên nhiếp ảnh và truyền hình sẽ chĩa máy vào ông.
- Thế thì sao?
- Tôi sợ nhỡ trên mặt ông hiện ra thái độ thật đối với người quá cố.
Tôi cảm thấy như Hatter nín thở và rồi đột ngột phá lên cười ha hả:
- Anh chỉ lo hão. Tôi biết giả tảng cừ lắm.
- Xin thêm đôi lời nữa, thưa ông Harold.
Lão nhìn đồng hồ:
- Ngăn ngắn thôi, không thì trễ việc tôi đi ném nắm đất lên quan tài đồng "Britanica" mất, rồi sẽ tiếc cả đời.
Và lại cười ha hả. Tôi đợi cho sự vui vẻ của lão cạn kiệt đi rồi mới yêu cầu:
- Ông Harold, xin ông cho tôi nghỉ phép đôi tuần. Tôi muốn về gặp bà mẹ ở Niagara Fall, rồi sang Anh. Sau đó tôi sẽ bắt đầu viết cuốn "Chuyến công du cuối cùng của tổng thống" ngay.
Lão nhắm đi ra cửa và chạm trán ngay với anh hầu phòng Richard ở ngưỡng cửa. Hatter biết là anh đầy tớ không dám vào quấy nhiễu lão nếu không có lý do gì thật đặc biệt.
- Thưa ông, có cảnh sát.
- Trong nhà tôi à? Sao họ dám làm vậy?!
- Không phải họ đến tìm ông, thưa ông. Họ muốn gặp ông cơ? - Anh hầu phòng quay về phía tôi.
Tôi đứng dậy đi xuống phòng dưới. Lạ thật, sao lại có cảnh sát. Nếu như FBI để ý đến tôi thì tôi cũng chẳng lấy làm ngạc nhiên gì hết.
Giọng nói hách dịch của Hatter làm tôi dừng lại:
- Đứng lại, Serge! Ngồi xuống. Cứ để bọn côn đồ ấy lên đây. Tôi muốn biết xem có sự gì.
Tôi quay lại, ngồi vào chỗ cũ.
Hai kẻ mặc thường phục bước vào, trình giấy tờ và biểu trưng cho ông chủ.
- Ái chà! - Hatter vui vẻ thốt lên. - Không phải cảnh sát thường, mà là cảnh sát quốc tế cơ đấy. Viên bí thư của tôi đã làm trò gì vậy?
Viên cảnh sát cấp trên hướng tới tôi nói:
- Thưa ông, xin phép được hỏi ông vài câu.
Một viên cảnh sát sửa soạn ghi chép những câu trả lời của tôi. Một viên khác cất tiếng đọc những câu hỏi đã chuẩn bị từ trước.
- Ông Brooks, ông có biết một người tên là Barbara Smith, thần dân của Đấng Nữ hoàng Đại Britain, sống ở Stradfort Eve?
- Cô ấy là người yêu tôi… Sao ông lại thẩm vấn tôi?
- Ông gặp bà ấy lần cuối cùng khi nào?
- Chiều ngày mười bảy tháng mười một. Tôi tiễn cố ấy ra sân bay ở Dallas khi cô ấy bay về Anh… Cô ấy vẫn khỏe chứ?
- Ông nói chuyện với Barbara Smith qua điện thoại lần cuối cùng là khi nào?
- Ngày hai mươi mốt tháng mười một. Buổi sáng.
- Sao trước ngày hăm mốt ông gọi điện hàng ngày, mà sao đó lại thôi hẳn?
- Ngày hăm hai tháng mười một tổng thống bị giết. Tôi đi theo tổng thống với tư cách là đặc phái viên của tờ "Texas Sun".
- Sao ông không gọi điện ngày 22 tháng mười một?
- Bởi vì ngày 23 tháng mười một, chủ bút tờ "Texas Sun" ở Nhà Trắng từ sáng và theo dõi việc tổng thống mới bắt đầu ngày làm việc đầu tiên của mình ra sao. Còn câu hỏi nữa không.
- Không. Phần chúng tôi là hết rồi đấy.
- Phần tôi có đây, sao các ông lại thẩm vấn tôi?… Barbara Smith bây giờ ở đâu?
- Người yêu ông, thưa ông, là Barbara Smith đã mất tích ngày hăm hai tháng mười một. Đúng ngày tổng thống bị giết. Vâng, một sự trùng hợp lạ lùng như vậy. Bà ấy ra khỏi nhà và không thấy về nữa.
Toán cảnh sát đợi lời đáp.
- Thưa ông, ông không muốn nói điều gì với chúng tôi ạ?
- Không, tôi không muốn.
- Thế thì cho phép chúng tôi cáo lui.
Toán cảnh sát giơ tay chào và đi ra.
Hatter tiến lại bên tôi, đặt tay lên vai tôi:
- Ôi chà, Serge, Serge! Tôi đã bảo cậu, đồ ngốc ạ, là đàn bà đứa nào cũng cùng một giuộc cả. Cả con Barbara của cậu cũng không hơn gì.
- Ông nói gì vậy?
Lão dừng lại bên ngưỡng cửa, sửa lại tấm băng tang và nói đầy ngụ ý:
- Khôn ngoan lắm, tôn ông ạ. Đừng có đem cả đời mình đặt lên con bài chỉ vì một con đĩ kháu khỉnh.
Tôi không đáp lại lão, và lão đi xuống nhà.
Từ ngoài phố vọng vào tiếng chuông nhà thờ buồn thảm. Đất nước đang từ biệt John Kennedy, còn tôi thì từ biệt với những ảo tưởng cuối cùng về lối sống Mỹ. Tiếng còi réo. Tiếng đại bác gầm. Máy bay tiềm kích bay rú ầm ầm trên nghĩa địa Arlington, trên ngôi mộ còn ngỏ của tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Mỹ.
Rồi sẽ đến lượt ai? Những người bị bọn tàng hình tuyên án còn mang những tên tuổi nào nữa? Có thể, trong số ấy có cả tôi?
Năm nghìn đôla, cả thảy chỉ có năm nghìn đôla để giết một ký giả không vừa ý!…
CHÚ THÍCH:
[1] Cù tùng (Sequois): loại cây khổng lồ, lá to và xanh quanh năm ở Bắc Mỹ. - ND.
[2] Xê da: Caius Julius Caesar (101-44 trước Công nguyên) - danh tướng và là nhà độc tài La Mã. Sau này, dùng chỉ các nhà độc tài. Xun tan (sultan): tước hiệu vua Thổ Nhỉ Kỳ hoặc của một số vương hầu Hồi giáo.
Phu-rô (Fubror - tiếng Đức nghĩa là lãnh tụ, người dẫn dắt), tên thường được dùng để chỉ Hít le.
Đuchê (duce - tiếng Ý nghĩa là lãnh tụ, thủ lĩnh) - tên do Mussolini người đặt cho hắn. - N.D.
[3] Ru-đôn-phơ Va-len-ti-nô (1895-1926): diễn viên điện ảnh Mỹ, sinh ở Italy, tên thật là Rô-đôn-phơ Đan-tôn-gô-la (Rodolpho d'Antonguolla). - ND
[4] Grê-gô-ri Péc (sinh năm 1916): diễn viên Mỹ. - ND.
[5] Hê-rắc: bán thần trong thần thoại Hi-lạp, con trai của thần Dớt và An-cơ-men, tương đồng với Héc-quyn của thần thoại La-Mã
[6] Tai-cun - trùm tư bản công nghiệp, bắt nguồn từ tiếng Nhật; có nghĩa là "ông hoàng". Từ mới trong ngôn ngữ của ký giả Hát-đen, một trong những người lập nên đế chế báo chí "Times Incorporated" (Chú thích của tác giả).
[7] Harakiri: lối mổ bụng tuẫn tiết của tầng lớp samurai (quân nhân quý tộc) Nhật Bản thời xưa.
[8] ĐạI Britain (Great Britain): tên gọi chính thức nước Anh. Tên đầy đủ là Vương quốc Liên hiệp Đại Britain và Bắc Ai-len.
[9] Elizabeth Taylor (sinh năm 1932), diễn viên điện ảnh nổi tiếng của Mỹ. - N.D.
[10] Ku-Klux-Klan: tổ chức cực hữu ở Mỹ, đòi "quyền tối thượng của người da trắng", chuyên khủng bố người da đen, thành lập năm 1915. - N.D.
[11] Boston là thành phố quê hương của gia đình Kennedy. - N.D.
[12] Hoan nghênh (tiếng Tây ban nha)- N.D.
[13] Booth là kẻ đã giết tổng thống Lincohn ở rạp hát Ford năm 1865 (Chú thích của tác giả).
[14] Một loại rượu rum Cuba. N.D.
[15] Sê-ri: một loại rượu mạnh Tây ban nha, gọi theo tên thành phố Sê-rét (Xeres), còn gọi là Hê-rét (Jerez), quê hương của rượu này. N.D.
[16] Ở đây nhắc đến sự kiện Kennedy phái quân đội liên bang tới bang Misissipi (1962) khi viên thống đốc bang này từ chối thi hành lệnh của tòa án liên bang co James Meredith, sinh viên da đen đầu tiên, vào Trường Đại học Tổng hợp Misissipi. Kết quả là Meredith được nhận vào học. - N.D.
[17] boulevar: đường phố, đại lộ có trồng cây, thảm cỏ ở giữa. N.D.
[18] Lấy điển tích trong kinh thánh. N.D.
[19] UPI và AP là hai hãng thông tấn tư nhân lớn nhất của Mỹ. N.D.
[20] Sau này đã sáng tỏ ra Lee Harvey Oswald là nhân viên thuê của Cục điều tra liên bang. Bị bắn trong chỗ giam bởi một nhân viên thuê khác là Ru-bi (Chú thích của tác giả)
[21] Ngụ ý tượng thần Tự do, món quà của nhân dân Pháp tặng nước Mỹ, do F.A. Bác-tôn-đi (1834-1904), người Pháp, thiết kế xây dựng, hoàn thành năm 1884 và được đặt trên Đảo Tự do từ năm 1886. - N.D.
[22] Sự tin tưởng của Hatter không lầm. Chỉ hai tuần sau khi lên chức tổng thống, Johnson đã chuyển sang kho lưu trữ của Nhà Trắng dự luật khét tiếng ấy, giải tán ủy ban đặc biệt về dầu lửa và trả về cho Bộ Nội vụ toàn quyền giải quyết tất cả những vấn đề có liên quan đến khai thác dầu lửa. (Chú thích của tác giả).
[23] Nút Goóc-đi: nút do vua Goóc-đi xứ Phri-gi-a buộc và bị Alexandre Đại đế vung kiếm chặt đứt sau khi không cởi được. Chặt đứt nút Goóc-đi có nghĩa bóng là giải quyết nhanh gọn hữu hiệu một vấn đề hóc búa. N.D.
[24] Câu này nhại lại câu châm ngôn: Cháo có cho bơ cũng chẳng có hại gì, ngụ ý cái gì cần thiết, bổ ích thì dù có quá nhiều về số lượng cũng không gây hại gì. N.D.