Nguyên tác: The Thief And The Dogs
Số lần đọc/download: 0 / 11
Cập nhật: 2020-11-02 22:25:37 +0700
Chương 11
C
hẳng có ngày nào là không có người mới đến nhập vào nghĩa trang. Cứ làm như mình chẳng có công việc gì để làm và chỉ việc đứng sau rèm cửa sổ mà nhìn cái chết tiếp tục không mệt mỏi sự nghiệp của nó. Những thành viên trong đám tang lại càng đáng buồn hơn là những người đã chết. Lúc đi đưa ma thì họ đi từng nhóm, khóc lóc om sòm và sau đó, họ trở về, thấm khô nước mắt và chuyện trò. Sức mạnh buộc họ phải sống lớn mạnh hơn cái chết. Cũng theo đó người ta đã chôn cất những người thân thuộc trong gia đình anh đã mất. Như ông già Maran chẳng hạn, người gác cổng đầy nhân ái của khu học xá, một người lao động vô tư, trung thực. Mình đã làm việc với cha thuở còn nhỏ. Bất chấp sự nghèo nàn và tủi phận cả gia đình vẫn thu xếp được vào cuối ngày một khoảng thời gian hạnh phúc, vui mừng xum họp cả ba trong một gian nhỏ tầng thượng của khu học xá, cha và mẹ chuyện trò và đứa con chơi bên các đồ chơi. Đức tin của ông Maran làm cho ông vô tư lự và làm các sinh viên phải kính trọng. Niềm vui duy nhất của ông là đến với Giáo trưởng Ali. Chính ông đã đưa con đến nhà Giáo trưởng: “Saít, hãy đi theo cha, ta sẽ cho con thấy môn thể thao thú vị hơn nhiều so với những cuộc chạy rông ngoài đồng. Con sẽ được thưởng thức niềm vui để sống trong không khí thấm đượm điều chúc phúc nhờ đó tim con sẽ dịu đi và trên đời này không có món ăn tinh thần nào tốt hơn là sự lắng dịu của trái tim”. Giáo trưởng đón mình với vẻ thân thương và mình thì ngây người trước chòm râu bạc trắng. Giáo trưởng hỏi cha: “Đây là đứa con trai của ông đã từng nói với ta ư, sự thông minh đọc thấy trong đôi mắt trẻ và nó cũng có lòng tốt như cha. Nếu Chúa Trời muốn thì nó là một trong những người thánh thiện.”
Sự thực là Giáo trưởng đã làm mình say mê. Mình đã bị khuất phục trước vẻ sáng sủa của khuôn mặt và lòng nhân ái thấp thoáng trong đôi mắt của người. Mình cũng bị khuất phục trước những bài đồng ca và bài thánh ca làm rung động trái tim, trước khi bị tình yêu chinh phục. Một hôm ông Maran nói với Giáo trưởng: “Người hãy đưa thằng bé này đi và dạy nó nên xử sự thế nào trong đời.” Giáo trưởng đã nhìn Saít trìu mến trước khi đáp rằng:
- Trong suốt cuộc đời, chúng ta học tập từ lúc ở trong nôi cho đến lúc chết, nhưng Saít này trước tiên hãy suy ngẫm về hành động của con và mỗi việc con làm cần mang lại điều lành cho mọi người.
Mình đã làm theo lời chỉ bảo của Người trong khả năng của mình, nhưng chỉ khi mình làm tên ăn trộm thì mình thực sự đem ra thực hành lời dạy ấy. Và ngày tháng trôi đi kế tiếp nhưng những giấc mộng cho đến khi ông Maran, con người nhân ái như thế, biến mất trong những hoàn cảnh hãy còn tối tăm cho một chàng thanh niên còn quá trẻ như mình và ngay cả đến giáo trưởng cũng có vẻ bất lực không lần gỡ ra được. “Khốn khổ cho con… khốn khổ cho chúng ta… cha con đã chết rồi” đó là lời mẹ mình đã gào thét trong cơn nức nở và mình thì lúc đó lắc đầu và day mắt để xua tan cơn buồn ngủ, sau khi bị đánh thức dậy vì tiếng kêu là trong gian gác nhỏ của khu học xá. Mình đã khóc lu loa và buồn tủi. Nhưng chính đêm đó đã chứng kiến sự cao quý của Raúp Êluan lúc đó còn là sinh viên khoa luật. Ông ta luôn dũng cảm và hào phóng trong mọi hoàn cảnh, mình quý ông ta ngang với, có khi còn hơn là Giáo trưởng Ali. Chính ông đã thu xếp để mình – đúng ra mẹ và mình – thay chức vụ gác cổng của cha, và mình lúc đó còn quá trẻ để lĩnh trách nhiệm. Rồi mẹ cũng mất. Bệnh của mẹ đã làm mình khốn khổ chắc chắn như Raúp còn nhớ. Kỷ niệm khó quên về ngày đó khi xảy ra bệnh xuất huyết, cái ngày mà mình vội vàng đưa mẹ đến bệnh viện gần nhất để cấp cứu, bệnh viện Xabe, đứng sừng sững như cái pháo đài giữa ngôi vườn đầy tiếng chim ca. Mẹ mình ở trong phòng chờ gần lối ra vào, vượt ra khỏi ước mơ may mắn. Mọi thứ ở đó hình như làm ra cốt không phải để đón mẹ con anh, nhưng mình cần cấp cứu. Họ chỉ cho mình người thầy thuốc nổi danh vừa bước tới. Saít trong bộ áo choàng vải và đi dép lao vào ông ta, kêu: “Mẹ tôi… Máu…!”. Người thầy thuốc nhìn mình, ánh mắt lạnh lùng, không tán thành rồi nhìn quanh nhận ra người đàn bà nằm dài trên ghế, ăn mặc đen đủi. Bên bà có một người y tá nước ngoài theo dõi việc cứu chữa, ông ta nhân đó biến mất vào một góc nhà không tiếng động. Bà y tá nói những điều không hiểu được, nhưng mình cảm thấy bà ta chia sẻ nỗi đau đớn của mình. Hôm đó, mình trở nên giận dữ thực sự mặc dù còn trẻ quá. Mình gào, mình chửi rủa, cầm một chiếc ghế quăng xuống đất, nó rơi xuống mạnh, vỡ ra. Nhiều người chạy đến và sau đó, mình lại cùng mẹ đi theo một lối đi có mái lá che phủ. Một tháng sau, mẹ chết tại bệnh viện Cát en Aini. Suốt thời gian hấp hối mẹ đã giữ tay mình trong tay mẹ chặt chẽ và không rời mắt khỏi mình. Vậy mà trong tháng mẹ hấp hối ấy, lần đầu tiên mình đã ăn trộm của một người trong khu học xá, một sinh viên tỉnh lẻ đã tố cáo mình không có chứng cứ và đã nện cho mình một trận cho đến khi Raúp tới kéo mình ra và tìm ra giải pháp tốt đẹp. Thực tế, Raúp là một người đáng phục ngoài việc là thầy dạy mình.
Sau khi việc đó được giải quyết, ông nói với mình ôn tồn: “Không có gì đáng sợ, thực ra mình coi việc ăn trộm là hợp pháp!” Nhưng ông cũng cảnh cáo mình: “Từ nay cậu bị cảnh sát theo bám gót đó.” Vẻ giễu cợt, ông ta báo trước rằng: “Viên chánh án không tặng quà cho cậu đâu, cho dù động cơ của cậu là chính đáng, vì ông ta cũng bảo vệ quyền lợi của mình.” Rồi ông ta còn thêm: “Cái mà người ta tước đoạt được bằng ăn trộm thì cũng được lấy lại bằng cách đó thì công bằng chứ gì?” Rồi ông nổi khùng lên nói rằng tôi học xa gia đình và hàng ngày tôi phải chịu đựng bao sự đau khổ, đói khát và thiếu thốn!
Nhưng lời diễn giải ấy nay đâu rồi hở Raúp? Có lẽ chúng cũng đã chết như cha mẹ mình và lòng chung thủy của cô vợ mình. Phải rời khỏi khu học xá để kiếm kế sinh nhai nói khác. Mình đã đứng đợi Nabavigia ở dưới gốc cọ cô đơn trông ra cánh đồng. Khi nàng hiện ra, mình đi tới nói với nàng: “Cô đừng sợ, tôi phải nói chuyện với cô, tôi ra đi, tôi tìm một công việc lương cao hơn, tôi yêu cô, đừng bao giờ quên điều đó, tôi yêu cô và sẽ yêu cô mãi mãi và sẽ chứng minh rằng tôi có phương tiện để cô được sung sướng và để cô được sống trong một ngôi nhà xứng đáng với cô.”
Vào thời ấy, những nỗi buồn phiền chóng quên đi, các vết thương cũng đóng sẹo và hy vọng vượt lên trên trở ngại còn các ông vùi sâu dưới các nấm mồ kia, đừng cười về những kỷ niệm của tôi! Anh đứng dậy trong bóng tối và đến ngồi trên ghế, rồi nói giễu cợt với Raúp như anh trông thấy hắn trước mặt mình rằng: “Nếu anh nhận tôi làm biên tập viên tờ bào của anh, đồ rác rưởi, tôi sẽ công bố những kỷ niệm chung của hai đứa và tôi sẽ dập tắt tia hào quang lừa dối của anh”. Rồi Saít lại hỏi chính mình:
- Còn bao nhiêu lần nữa tôi phải chịu đựng sự chờ đợi hàng ngày trong bóng tối cho đến lúc Nua về vào gần sáng?
Bỗng nhiên anh nổi cơn thèm không cưỡng lại được đòi hỏi ra khỏi nhà để dạo chơi ban đêm. Ý muốn kháng cự của anh sụp đổ nhanh chóng như một tòa nhà sụp đổ. Vài phút sau, anh thận trọng rời ngôi nhà và đi theo hướng con đường qua các xí nghiệp để đi chéo sang sa mạc. Cảm giác bị săn lùng càng tăng lên từ lúc Saít ra khỏi nơi ẩn náu. Anh có cùng cảm giác như con chuột luồn lách hoặc một con rắn uốn lượn. Một mình trong bóng tối, đón nhận những con mắt do thám của thành phố phát ánh sáng từ xa, nuốt uống nỗi cô đơn của mình đến tận cặn, anh ngồi xuống ghế băng bên cạnh Tácgiăng. Bên trong quán cà phê, chỉ có một người khác, tên buôn súng lậu và người hầu bàn nhưng phía bên kia, nơi chân gò đất thì rất đông người ồn ào. Gã hầu bàn nhanh chóng bưng nước chè ra, Tácgiăng ghé vào tai Saít thì thầm:
- Này đừng có ở quá một đêm tại một nơi nhé.
Người buôn lậu:
- Anh trốn lên vùng Thượng Ai Cập đi
- Tôi chẳng quen ai ở vùng đó.
Người buôn lậu phản đối:
- Tôi có nghe thấy nhiều người nói đến anh với lòng ngưỡng mộ.
Tácgiăng khó chịu hỏi lại anh ta:
- Thế cảnh sát có ngưỡng mộ không?
Người buôn vũ khí phá lên cười, rung cả toàn thân như là ngồi trên lưng lạc đà đang chạy, rồi cũng đáp lại:
- Cảnh sát ư, chúng chẳng thương hại ai cả.
Saít tán thưởng thêm và lẩm bẩm:
- Cả những người ra vẻ tài ba nữa nó cũng chẳng tha.
Nhưng cuối cùng người đó hăng lên:
- Nhưng vậy thì ăn trộm của người giàu thì xấu gì nào?
Saít mỉm cười, sướng bụng như người ta vừa khen anh trước công chúng rồi to giọng:
- Báo chí đã nói om sòm lên đến mức người ta có thắt một nút thòng lọng treo cổ rồi, vậy thì lòng ngưỡng mộ của mọi người có thể làm gì khi cảnh sát bám sát theo anh?
Bỗng nhiên Tácgiăng đứng vụt lên đi vội tới cửa sổ, lão ngó nhìn trái, phải rồi quay lại vẻ lo lắng:
- Tôi tin rằng có một bộ mặt nào đó đang dòm ngó chúng ta.
Nhưng con mắt đột nhiên sáng lóe lên của Saít nhìn từ cửa lớn đến cửa sổ và người hầu bàn ra ngoài để nhìn chung quanh.
Người buôn lậu gọi Tácgiăng lại nói:
- Ông chỉ toàn thấy những điều hão huyền.
Tácgiăng đập lại ngay:
- Câm mồm đi, anh tưởng rằng người ta có thể đùa cợt như vậy với giá treo cổ à?
Saít rời quán cà phê, tay nắm chặt khẩu súng trong túi. Anh đi chậm chạp trong mênh mông, mắt nhìn quanh mình, nghi ngờ và đắn đo. Anh càng cảm thấy cô đơn, bị truy đuổi, lo lắng và anh nhận ra rằng anh phải tính đến phe thù địch của mình chìm ngập trong thèm muốn và kinh hãi và sẽ chỉ trở nên yên bình khi chúng nhìn thấy anh đã chết cứng. Khi đến gần nhà phố Nêmếtđin, anh nhìn thấy ánh sáng nơi cửa sổ nhà Nua và anh cảm thấy bớt căng thẳng một chút và đây cũng là lần đầu, từ khi anh rời quán cà phê.
Trông thấy nàng, anh định trêu nàng nhưng lại thôi khi anh nhận thấy mặt nàng có những dấu hiệu kiệt sức quá và mắt đỏ lừ, chắc là có chuyện gì xảy ra cho nàng. Anh ngồi xuống chân giường và hỏi nàng:
- Có chuyện gì vậy, Nua?
Cô nàng trả lời, giọng rất yếu ớt:
- Em mệt chết đây! Em nôn ra gần chết!
- Rượu à?
Mắt nàng rớm lệ:
- Em uống từ thuở kiếp trước cơ mà.
Đây là lần đầu tiên anh trông thấy nàng khóc và anh cảm động.
- Thế thì có chuyện gì nào?
- Chúng đánh đập em!
- Bọn cảnh sát ư?
- Bọn thanh niên, có thể là bọn sinh viên, chúng không muốn trả tiền em…
Khóe môi anh nhăn lại vẻ thương xót, anh thì thào:
- Em đi rửa mặt đi và uống chút nước nhé.
- Chốc nữa, em đau nhừ người.
Anh làu bàu: Bọn chó đểu! Và đập khẽ lên đùi nàng để tỏ ý thông cảm. Nàng quay lại chỉ một bọc để trên ghế.
- Vải để may đồng phục kia, anh à.
Anh vuốt ve nàng dịu dàng và biết ơn. Nàng tiếp như có vẻ xin lỗi.
- Chắc anh thấy em chiều nay xấu lắm phải không?
- Đừng giận thế, rửa mặt và ngủ đi em.
Yên lặng. Một con chó sủa gần bên nghĩa trang. Nua khẽ thở dài gần như không nghe thấy rồi nàng lên tiếng, giọng buồn phiền:
- Bà ta bảo rằng anh có một tương lai tươi sáng ở phía trước.
Anh ngạc nhiên:
- Bà nào đấy?
- Bà thầy bói, bà ta đọc trong các vỏ hến và tiên đoán rằng chúng mình sẽ được yên ổn và bình an.
Anh đứng nhìn bóng tối ùn ùn tới bên ngoài. Nua tiếp tục:
- Nhưng chờ đến bao giờ? Chúng ta đã chờ đợi lâu rồi. Em có một người bạn gái, nhiều tuổi hơn em luôn miệng nói rằng chúng em sẽ trở thành những thân xác khô đét và tệ hơn nữa là chó cũng không thèm nhìn đến nữa.
Anh có cảm giác rằng tiếng nói anh nghe thấy trồi lên từ dưới mồ, điều đó làm lòng anh tràn ngập buồn phiền và không biết nói lại thế nào. Nàng lại lớn tiếng:
- Ôi bà thầy bói, bao giờ thì bà nói sự thật? Đâu là yên bình cho linh hồn? Em muốn ngủ một giấc yên tĩnh, khi tỉnh dậy vui vẻ, một ngày tĩnh lặng, điều đó có là đòi hỏi quá nhiều vào Đấng Thượng đế không?
Mình cũng thế, mình chờ một cuộc sống như vậy nhưng sự tồn tại của anh lúc này chỉ như là leo máng nước, nhảy chuyền từ mái nhà nọ sang mái nhà kia, truy đuổi trong bóng tối và đạn lạc trúng vào những người vô tội.
Anh thở dài buồn bã:
- Em cần ngủ đấy.
- Cái mà em cần là lời tiên đoán của bà thầy bói được thực hiện và ngày đó sẽ đến.
- Mà đúng thế rồi em.
- Anh nói với em như với trẻ con…
- Không bao giờ thế đâu em.
- Ngày đó sẽ đến, em tin thế đấy.