The pure and simple truth is rarely pure and never simple.

Oscar Wilde

 
 
 
 
 
Tác giả: Vuong Hieu Loi
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 30
Cập nhật: 2020-10-24 12:42:25 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 89
ệnh cũ tái phát, Hoa Đà trị chứng đau đầu cho Tào Tháo
Kết duyên cùng sói
Tào Tháo tiến vào đóng ở Lê Dương, Viên Thượng sợ mất Nghiệp Thành, vội bỏ Bình Nguyên về cứu, vì vội vàng rút quân nên bị Viên Đàm nhân cơ hội truy kích, tổn thất không ít binh mã. Bộ tướng của Viên Thượng là Lã Khoáng, Lã Tường thất bại trên chiến trường, lại hận huynh đệ họ Viên vô dụng, trong cơn thất vọng đã dẫn theo mấy ngàn binh mã đầu hàng Tào Tháo. Tào Tháo bắt đầu ngồi không ngư ông đắc lợi.
Đến cuối tháng Mười năm Kiến An thứ chín, tất cả các bộ quân của Viên Thượng đã co cụm hết về Nghiệp Thành không dám đánh nữa, còn Viên Đàm lại trơ trẽn chạy đến Lê Dương bái kiến “đại ân nhân”. Tào Tháo cũng đối đãi theo cách xứng đáng với hắn, đừng nói đến chuyện bày tiệc úy lạo, ngay đến cửa thành cũng không cho Viên Đàm bước vào, lại còn cho quân dàn trận phòng bị dưới thành, chỉ dẫn theo các mưu sĩ gặp mặt Viên Đàm trên địch lâu.
Viên Đàm dẫn binh mã đến trước thành lâu, ánh nắng ảm đạm khiến khung cảnh trở nên mờ mịt. Đội quân uy vũ khi xưa Viên Thiệu thống lĩnh đã hoàn toàn không còn bóng dáng đâu nữa, thay vào đó là một đội quân tạp nham giật gấu vá vai của Viên Đàm. Đội quân ấy căn bản không ra một thế trận nào cả, rải rác lưa thưa kéo dài gần hai dặm đường, một số tên đến áo giáp cũng không có, bị vây khốn mấy tháng, lương thảo không đủ, vàng võ gầy còm chẳng còn chút tinh thần nào. Từ trên thành lâu đưa mắt nhìn xuống, cảnh tượng đập vào mắt vô cùng điêu tàn, tướng lĩnh thất thểu, binh sĩ mệt mỏi, chiến mã yếu ớt, binh khí hoen rỉ... Duy nhất có một thứ gây sự chú ý, đó là cây đại kỳ “Xa kỵ Tướng quân” đang phấp phới bay trong gió thu se lạnh, tự cảm thấy một sự tốt đẹp giống y như chủ nhân của nó.
Người ngoài cuộc sáng suốt hơn người trong cuộc, Tào Tháo liếc nhìn đội ngũ ấy liền biết ngay Viên Đàm tất sẽ bại vong. Ông chống tay lên bức tường, tự mình hô to:
— Vị nào là Xa kỵ Tướng quân, hãy bước ra nói cho lão phu biết!
Không lâu sau thấy hai kỵ mã từ đám đông chạy lên, người đi trước là Viên Đàm, người phía sau là Quách Đồ. Tuy thế quân đã yếu, nhưng Xa kỵ Tướng quân Viên Đàm còn giữ thể diện lắm. Y đầu đội mũ đâu mâu tua đỏ, mình mặc giáp sắt, bên ngoài khoác chiến bào màu mận chín, vẫn lộ rõ vẻ phong độ phóng khoáng như ngày nào. Quách Đồ cũng vẫn dáng vẻ khắc bạc, thâm hiểm, trên khuôn mặt đầy nếp nhăn không chút biểu cảm, chỉ có hai bên mái đầu đã thêm nhiều sợi bạc. Viên Đàm thúc ngựa phi lên, khi đến gần trước Tào quân, Quách Đồ sợ Tào Tháo bất ngờ ám hại, vội gọi y đứng lại, cách thành hào một tầm tên bắn, nói chuyện với Tào Tháo.
— Mạt tướng Viên Đàm tham kiến Tào công! - Viên Đàm vội vàng chắp tay, vẻ mặt hân hoan.
Việc đã đến nước này mà vẫn không biết xấu hổ, Tào Tháo thầm cười nhạt. Hứa Du cũng ở trên thành lâu, vừa thấy kẻ oan gia năm xưa bức mình phải chạy theo địch giờ cũng thất thểu tới đây, trong lòng vô cùng đắc ý, lấy giọng quát bảo:
— Viên Đàm to gan! Ngươi đã quy thuận triều đình, còn không xuống quỳ lạy, còn đợi đến bao giờ?
Tào Tháo liếc sang Hứa Du nói:
— Tử Viễn cần chi phải hà khắc thế, lão phu chẳng qua làm quan Tư không, còn người ta là Xa kỵ Tướng quân đấy!
Câu nói ấy khiến mọi người trên lầu che miệng mà cười, nhưng vừa cúi xuống nhìn, đã thấy Viên Đàm nhảy xuống khỏi ngựa, ngoan ngoãn quỳ xuống đất.
Trông thấy y lạy phục xuống đất, Tào Tháo vừa thấy nực cười lại vừa thấy đáng buồn. Cố nhiên ông với Viên gia là cừu thù, nhưng dẫu sao khi xưa với Viên Thiệu cũng là nghĩa bằng hữu. Nhớ xưa từng làm quan đồng triều, cùng chống lại lũ hoạn quan, Viên Bản Sơ khí phách mạnh mẽ, kiêu căng ngạo mạn, bấy giờ nhìn đứa con bất hiếu phải quỳ gối trước kẻ địch, làm mất thể diện vong phụ, gia tộc bốn đời tam công từ đây suy bại, trong lòng Tào Tháo há lại không buồn sao được?
Tào Tháo thực sự muốn cho loạn tiễn bắn chết đứa con phá gia bại sản ấy, nhưng ông không hề tỏ vẻ gì, nắm chặt nắm tay, an ủi nói:
— Hứa Tử Viễn chẳng qua nói đùa vậy thôi, Viên tướng quân cũng thật đa lễ, lão phu không dám nhận đâu, mau đứng dậy đi...
Viên Đàm chẳng những không dậy, lại còn quỳ lết lên mấy bước:
— Nếu không có Tào công đến cứu, mạt tướng đã chết không có đất chôn rồi! Quỳ lạy hành lễ là xuất phát tự chân tâm, ơn cứu mạng của Tào công mạt tướng xin ghi khắc trong lòng. Sinh ra mạt tướng là phụ mẫu, cứu sống mạt tướng là Tào công! - Nói xong bỏ mũ đâu mâu, dập đầu mãi.
Những kẻ ngu xuẩn trong thiên hạ đều cho rằng mình có thể dễ dàng lừa được người khác, mà không hề biết rằng càng bày tỏ một cách khoa trương lại càng thất bại. Tào Tháo biết rõ Viên Đàm chỉ là giả ý vờ vịt, nên cũng trêu đùa hắn:
— Tướng quân khách sáo quá, lão phu chẳng qua là gây thanh thế từ xa, chính là tướng quân dũng mãnh hơn người, cương nghị quyết đoán mới đánh bại được Viên Thượng! Lão phu với cha ngươi cùng là bề tôi dưới điện, là chỗ thâm giao, từng kề vai sát cánh chinh thảo Đổng Trác. Năm xưa khi ta vào làm chủ Duyện Châu đã được cha ngươi tương trợ, đến nay mỗi khi nhớ đến lại cảm ơn vô cùng. Nay tướng quân có nạn, lão phu sao có thể ngồi nhìn mà không cứu? - Kỳ thực câu này giả dối đến độ không thể giả dối hơn nữa, lẽ nào trận chiến Quan Độ giết hại tới tám vạn người chính là cách Tào Tháo cảm ơn Viên Thiệu?
Viên Đàm vẫn chổng mông nằm phục ở đó, bộ dạng như một con chó vẫy đuôi với chủ, thành tâm thề bồi:
— Mạt tướng quy thuận Tào công, nguyện gan óc lầy đất, đem cái chết để báo đền!
— Không phải quy thuận lão phu, mà là quy thuận triều đình. Từ nay về sau chúng ta cùng dốc sức vì thiên tử. - Câu này Tào Tháo không biết là đã nói bao nhiêu lần, trước đây mỗi lần nói ra đều vô cùng cao hứng, nhưng nay sao thấy nhạt nhẽo như nhai sáp vậy.
Viên Đàm vẫn chưa chịu đứng lên, ngước mắt thăm dò nói:
— Mạt tướng đã là người của triều đình, vậy không dám tiếm vượt danh hiệu, xin Tào công ban cho quan tước.
Tào Tháo thấy y chủ động đòi quan tước thì bất giác chau mày. Chức Xa kỵ Tướng quân của Viên Đàm chỉ là tự xưng, chức Thứ sử Thanh Châu cũng là tạm lĩnh chứ chưa có danh phận chính thức. Nếu như mượn mệnh lệnh triều đình ban một chức quan cho y, ngày sau nếu ta dẫn quân đi tiễu trừ khác nào tự vả vào mặt mình? Trong khi ấy y là kẻ chân không chẳng sợ đi giày, bát vỡ nào ngại va chạm, muốn lật mặt là lật mặt ngay, không thể ban quan tước cho được. Tào Tháo đang suy nghĩ nên đáp lời thế nào thì Quách Gia đứng vịn bên tường thành nãy giờ đã kêu lên trước:
— Viên tướng quân, nhận mệnh quan tước đâu phải chuyện dễ dàng, Tào công của chúng ta còn phải viết biểu thỉnh tấu triều đình. Tước hầu mà em trai ngươi cướp của ngươi, nếu được triều đình ân chuẩn, có thể đem cả chức tước của phụ thân ngươi chuyển sang ban hết cho ngươi. Tào công chúng ta ngày sau còn phải nhờ ngươi giúp một tay để cùng thảo phạt Viên Thượng. Nay ngươi hãy tạm lĩnh Thứ sử Thanh Châu, đợi sau khi triều đình chuẩn tấu sẽ chính thức ban quan tước cho ngươi!
Viên Đàm bán tín bán nghi, nói rằng đem tất cả quan tước của phụ thân chuyển sang cho mình, dường như không có khả năng lắm. Nhưng Tào Tháo đã muốn mượn sức của mình để đánh Viên Thượng, cũng không biết chừng sẽ hào phóng. Viên Đàm suy nghĩ một lát rồi vui vẻ nói:
— Đa tạ Tào công đã ban thưởng hậu. - Rồi mới chậm rãi đứng dậy.
Tào Tháo nhìn bộ dạng lôi thôi của y đã chán ngấy đến tận cổ, nhưng vẫn mỉm cười làm cho xong việc:
— Viên tướng quân, nghe nói ngươi có một đứa con gái?
Viên Đàm cũng liệu rằng Tào Tháo có thể sẽ đòi con tin, vội vàng đáp:
— Đa tạ Tào công đã quan tâm, tiểu nữ còn nhỏ, mới được bốn năm tuổi.
— Ờ. - Tào Tháo gật gật đầu, - Vừa hay lão phu cũng có một con trai, tên gọi Tào Chỉnh tuổi mới lên hai, nếu tướng quân không chê, có thể gả ái nữ cho con trai ta không?
Chuyện hôn nhân trẻ nhỏ hoang đường như vậy kỳ thực là ước định con tin mà thôi, nhưng có những chuyện không thể nói rõ, cũng coi như là nể mặt Viên Đàm. Viên Đàm làm sao dám cự tuyệt, vội vàng quỳ xuống lần nữa:
— Tiện nữ của tại hạ mà được sánh với hổ tử của Tào công, thực vô cùng vinh hạnh!
— Ha ha ha!... Chúng ta đã là thân gia, há có thể dùng đại lễ như vậy?
— Tào công nói rất phải. - Viên Đàm cũng cười tươi, - Tiểu nữ cũng đang ở trong quân, tại hạ sẽ sai người đưa vào thành bây giờ, không biết Tào công có cần đủ ba người môi, sáu người làm chứng không?
— Ta thấy một mình Tân Tá Trị là được rồi. Lão phu sẽ giữ ông ta lại trong trướng, mọi việc giữa ta và tướng quân đều thông qua ông ta, ngày sau nếu có sai sót lão phu cũng sẽ hỏi tội người này! Đợi phá xong Viên Thượng rồi, ta sẽ cho ông ta trở về dưới trướng tướng quân.
Kỳ thực Tân Tỵ đã được biểu tấu làm Nghị lang, căn bản không thể quay về được, Tào Tháo nói như vậy chỉ là để đánh lừa Viên Đàm mà thôi.
— Cũng được... - Viên Đàm không hiểu sự tình, vẫn thầm oán trách Tào Tháo giữ lại một mưu sĩ giỏi của mình.
— Tướng quân trận đầu thắng lợi, còn phải vỗ về quận huyện, lão phu cũng không giữ tướng quân ở đây lâu. Mong tướng quân mau về Bình Nguyên chỉnh đốn quân mã, ngày sau cùng đánh Viên Thượng. - Tào Tháo chỉ mong y biến về Bình Nguyên cho nhanh mà chỉnh đốn quân mã, tiếp tục tàn sát lẫn nhau với Viên Thượng.
Thực ra Viên Đàm cũng không muốn ở lại, chỉ mong nhanh chóng quay về chiêu tập binh mã, tích lũy lương thảo, sau này trước là diệt Viên Thượng, sau là đánh lại Tào Tháo, khôi phục đất đai của Hà Bắc, hai bên cùng muốn thế nhưng chẳng ai nói ra cả.
— Nếu đã như vậy, mạt tướng xin được cáo từ.
— Thân gia lên đường bảo trọng, ngày sau diệt Viên Thượng rồi, ta sẽ giúp tướng quân đoạt lại quan tước của phụ thân. Nếu tướng quân muốn lĩnh châu mục bốn châu thì không thể được, nhưng chỉ cần tướng quân chịu ra sức vì triều đình, bốn châu Ký, Thanh, U, Tịnh này có thể giữ lấy một, lão phu cho tướng quân cắt đất mà trị! - Tào Tháo nói những câu dối trá ấy mà không hề chớp mắt.
Viên Đàm nhảy lên lưng ngựa, vờ vịt nói:
— Tại hạ ra sức vì triều đình, tận lực vì Tào công, an định thiên hạ không cầu vinh hoa cho riêng mình.
Nếu chẳng phải cầu vinh hoa cho riêng mình, vậy sao đến nỗi tranh giành với đệ đệ một mất một còn như thế? Tào Tháo không buồn lật tẩy hắn, bảo:
— Tướng quân thấu hiểu đại nghĩa, thực là phúc cho nước nhà, may cho trăm họ, vinh dự cho lệnh tôn... - Câu nói ấy thực ra có ý chế giễu.
— Mạt tướng nhất định không phụ kỳ vọng của minh công, sau này sẽ xin báo đáp! - Viên Đàm cũng đáp lại một câu đầy ý tứ rồi quay ngựa định đi. Nhưng vừa giơ roi lên thì nhớ ra một việc, vội quay đầu lại, - Vẫn còn một việc này xin với Tào công. Bộ quân của mạt tướng lương thảo đang ngặt, có thể... có thể...
Lương thực cũng không còn, vậy mà vẫn ham hố đánh đấm. Tào Tháo thầm cười nhạo trong lòng, nhưng nét mặt lại ra vẻ như khó xử, chặc lưỡi mãi rồi nói với người bên cạnh:
— Ôi chao! Viên tướng quân thiếu lương, chúng ta lương thực có dồi dào không?
Đều là những kẻ tài trí, thấy Tào Tháo đã biết rõ nhưng vẫn cố tình hỏi thì hiểu ngay nên đáp ra sao. Biện Bỉnh chau mày nói:
— Khải bẩm chúa công, quân ta cũng không có dư lương thực đâu ạ! Đại quân mới đến Lê Dương, trong khi xe lương vẫn chưa đến. Liệt vị có cười cũng đành chịu, chứ mạt tướng hiện giờ còn đang bụng đói cồn cào đây! - Biện Bỉnh phụ trách việc khí giới vận tải, y đang đứng ở đây há lại có thể không có quân lương?
— Ôi chao... Viên tướng quân thực là may mắn, có thể tìm chúng ta để xin lương. Nhưng chúng ta biết tìm ai mượn quân lương đây. - Quách Gia cũng hùa theo.
Đổng Chiêu thấy bọn họ đều làm mặt lạnh, liền bước ra đóng vai tốt bụng:
— Nói thì nói vậy, nhưng một khi Viên tướng quân đã có lời, nếu một hạt gạo cũng không cho há chẳng phải làm xấu mặt triều đình ư? Hơn nữa, nếu Viên tướng quân không có lương, sao có thể về Bình Nguyên lo việc quân đây?
Tào Tháo đưa tay vuốt râu ra bộ trầm ngâm, tựa hồ phải hạ quyết tâm rất lớn, rồi mới đập tay lên tường đáp lời:
— Viên tướng quân xin chớ cười chê, trong quân của lão phu hiện vẫn thiếu lương. Nhưng tướng quân đã có lời, ta đâu thể khoanh tay ngồi nhìn. Hãy lấy trong số lương thảo ngày hôm nay ra một trăm hộc lúa để tặng cho Viên tướng quân, ngoài ra còn có một số tấm mạch và cám cũng xin được cho tướng quân hết, hãy tạm giải quyết việc gấp trước mắt vậy. - Chút lương thực ấy đối với quân Tào chẳng qua chỉ là chín trâu nhổ một sợi lông mà thôi.
— Vậy xin vô cùng tạ ơn... - Viên Đàm cảm ơn mấy bận rồi mới ruổi ngựa đi.
Tào Tháo nhìn đám bụi đất cuộn lên dưới móng ngựa của Viên Đàm, bất giác cười nhạt: “Viên Bản Sơ, đấy là con trai ngoan của ông đó! Cả đời ông thích giữ thể diện, để lại đứa con bất hiếu như vậy trên đời há chẳng phải là một sự sỉ nhục ư? Lão đệ phải cướp đất Hà Bắc của ông, đó chẳng phải vì bản thân ta, mà coi như ta với danh nghĩa bằng hữu cũ giúp ông dọn dẹp nhà cửa vậy...” Tào Tháo vẫn còn đang tưởng tượng, lại thấy Quách Đồ vẫn đứng lặng dưới thành, đang ngẩng đầu giận dữ nhìn mình, đôi mắt hệt mắt chim ưng sắc lẹm như dao.
Tào Tháo không thể chịu nổi, vội quay mặt đi nơi khác:
— Lão phu rất ghét tên Quách Đồ kia. Những câu nói dối lúc cho mượn lương vừa rồi, chỉ e là dối được Viên Đàm chứ khó mà lừa được người này.
Quách Gia đưa mắt liếc nhìn người họ hàng xa của mình, cười nói:
— Quách Công Tắc không biết hòa đồng với mọi người. Năm xưa khi tại hạ quy phụ chúa công, từng có ý khuyên ông ta cùng đi, ông ta quyết tâm đi theo Viên Bản Sơ. Hiện giờ họa đến trước mắt, vẫn còn chưa tỉnh ngộ. Viên Đàm làm loạn có một nửa nguyên nhân là do ông ta gây ra. Cũng là người thông minh, nhưng ông ta hành sự cực đoan, tám phần mười là điên rồi!
Lâu Khuê cười ha hả mỉa mai:
— Cũng khéo thật, ngày trước trong cuốn Lễ Ký chương cú gia truyền nhà Kiều công có dẫn một câu trong Đại Đới Lễ, xem ra rất hợp để nói về Quách Đồ với Viên Đàm: “Phú cung hữu bản năng đồ, tu nghiệp cư cửu nhi đàm.”(*) Chỉ có điều hai bọn họ thì Đồ chẳng ra “đồ”, Đàm chẳng thể “đàm”, ngược lại chỉ như một tên điên phò tá cho một tên ngốc mà thôi. Quách Đồ không thể giàu có, cung kiệm mà giữ vốn gốc, Viên Đàm cũng chớ hòng lo nghiệp lâu dài!
Mọi người nghe thấy chẳng ai là không mỉm cười.
Tuân Du lại lắc đầu than thở:
— Ta với Quách Công Tắc cũng có mối giao tình cũ. Năm xưa danh sĩ Nam Dương là Âm Tu làm Thái thú Dĩnh Xuyên, lấy Chung Do làm công tào, Tuân Úc làm chủ bạ, Quách Đồ làm kế lại, tiến cử ta làm hiếu liêm. Khi ấy mọi người cùng ngồi với nhau đàm thiên thuyết địa như huynh đệ một nhà. Bây giờ ông ta lại ở cách chúng ta xa như vậy, thật không thể ngờ được... - Mắt thấy Quách Đồ phẫn uất rồi quay lưng bỏ đi, Tuân Du càng trầm ngâm mãi không thôi.
— Lão phu với Viên Thiệu nào phải không là chỗ thâm giao? - Tào Tháo vuốt râu cười nhăn nhó, - Việc rơi vào đầu biết làm sao được? Trong thiên hạ tình người vốn bạc, ngay cả... - Ngay cả thiên tử cũng chưa chắc có thể đối đãi chân thành hết mực được, suy nghĩ ấy dù thôi thúc đến đâu, Tào Tháo cũng không thể nói ra trước mặt mọi người được.
Thực ra muôn vàn khó khăn, khó khăn nhất chính là Tân Tỵ. Ông ta đã ngầm gửi thư cho huynh trưởng Tân Bình. Nhưng Tân Bình chẳng những không nghĩ đến việc quy hàng, còn gửi thư lại mắng nhiếc Tân Tỵ là phản quốc theo giặc, làm nhục gia môn. Hôm nay Viên, Tào gặp mặt, Tân Bình không hề lộ mặt, chính là không bằng lòng nhận đệ đệ của mình nữa. Tân Tỵ lòng đau như cắt, đứng lặng nhìn theo đám quân Viên đang quay về.
— Tá Trị! Việc giao cho ngươi đã làm xong cả chưa?
Tân Tỵ nghe thấy hỏi, giật mình sực tỉnh:
— Khải bẩm chúa công, tại hạ đã liên lạc với tướng giữ Nghiệp Thành là Tô Do. Người này rất được Viên Thượng trọng dụng, khi quân ta công thành sẽ cử binh nội ứng.
— Tốt lắm. - Tào Tháo vỗ vai Tân Tỵ, - Việc hứa phong quan lão phu không so đo, cứ hết sức lôi kéo mọi người. “Con rết trăm chân, chết vẫn còn động”, muốn quét sạch toàn cõi Hà Bắc còn cần phải hao tổn tâm cơ.
— Dạ. - Với Tân Tỵ mà nói, giờ đây quét sạch Hà Bắc tất nhiên là cần gấp, nhưng quan trọng hơn là cứu được gia quyến thoát khỏi bể khổ. Thẩm Phối cũng cố chấp không kém gì Quách Đồ, gia quyến của ông ta ở Nghiệp Thành có khác nào đang ở trong miệng cọp.
Khi ấy chợt thấy Hứa Chử hét to một tiếng dữ tợn:
— Đứng lại! Các ngươi là thân phận thế nào mà dám xông lên địch lâu, còn có quy củ gì nữa không! - Hứa Chử tay cầm trường mâu đứng giữ cửa lâu, không cho bất kỳ ai tùy tiện lên gác.
— Trọng Khang! - Tào Tháo kêu Hứa Chử, - Làm sao huyên náo thế?
— Hàng tướng Lã Khoáng, Lã Tường đòi gặp chúa công.
— Bây giờ cùng là tướng của triều đình, ngươi cần chi phải so đo thân phận của họ? Hãy để họ lên đây đi... - Hai tiếng “triều đình” không biết đã thành câu cửa miệng của Tào Tháo từ khi nào, nhưng từ sau khi xảy ra chuyện trên kim điện, mỗi khi nhắc đến hai từ này Tào Tháo lại thấy vô cùng chua chát.
Hứa Chử tránh đường, Lã Khoáng, Lã Tường cũng tự biết hàng tướng của mình nên đã bỏ bội kiếm ra từ nãy, vừa vào đến cửa đã quỳ sụp xuống lạy:
— Chúng tại hạ xin thỉnh tội trước chúa công!
— Các ngươi có tội gì? - Tào Tháo thấy bọn họ mỗi người tay cầm một chiếc túi gấm, lại hỏi, - Cái gì vậy?
Lã Khoáng run rẩy đáp:
— Vừa rồi Viên Đàm sai bộ tòng đưa con gái vào thành, có một kẻ dáng vẻ bộc đồng tìm đến huynh đệ tại hạ, để lại hai cái ấn này và nói Viên Đàm hy vọng chúng tại hạ tiếp tục là bề tôi của họ Viên, không phò tá Viên Thượng thì có thể phò tá ông ta.
— Ồ? - Tào Tháo mở túi gấm ra xem, hóa ra là hai chiếc ấn tướng quân bằng vàng, mỗi bề rộng khoảng bốn tấc, cầm không phải nhẹ, bèn không xem kỹ trả lại vào tay Lã Khoáng. - Đã là vật Viên Đàm tặng cho, các ngươi cứ nhận lấy.
— Không dám, không dám! - Lã Khoáng sợ hãi đánh rơi cả ấn vàng, vội dập đầu, - Chúng tại hạ đã quy thuận minh công, há lại chịu bán mình cho họ Viên. Nay Hà Bắc dân chúng đều đã quá khổ, binh lính bị giết hại, chúng tại hạ đã coi Viên Đàm như cừu địch. Nếu minh công không tin thành ý của chúng tại hạ, chúng tại hạ nguyện sẽ...
Tào Tháo cúi xuống nhặt chiếc ấn vàng lên, nhất định ấn vào lòng họ:
— Lão phu đã khi nào nghi ngờ các ngươi đâu? Viên Đàm kia không chịu sửa sang ân đức, hy vọng hão huyền, chỉ dựa vào hai chiếc ấn vàng mà muốn lôi kéo hai viên đại tướng, thiên hạ há có chuyện dễ dàng như thế? Các ngươi đã chịu đến đây bẩm báo thì lão phu vẫn đem nó ban cho các ngươi, ngoài ra còn ban thêm cho mỗi người một ấn ngọc nữa.
— Ấn ngọc? - Huynh đệ họ Lã quay sang nhìn nhau.
— Lão phu ghi công quy hàng của các ngươi, sẽ biểu tấu cho hai ngươi làm liệt hầu.
— Hả! - Huynh đệ họ Lã sững sờ hồi lâu, rồi đồng thanh nói, - Huynh đệ tại hạ dù gan óc lầy đất, thề chết đi theo chúa công!
Lã Khoáng, Lã Tường tuy không thể coi là danh tướng gì, nhưng Tào Tháo có ý muốn đem ngàn vàng ra mua lấy mẩu xương, chỉ cần hậu đãi hai người này rồi, sẽ chẳng lo những người Hà Bắc khác không về theo mình.
— Ha ha ha!... - Tào Tháo ngửa mặt cười lớn, nhìn theo bóng hai người xuống lầu, quay lại nói với mọi người, - Ta đã sớm liệu rằng Viên Đàm chỉ là trá hàng. Hắn định rằng để ta đánh Viên Thượng, sau đó nhân cơ hội chiêu binh mãi mã, cướp đất chiếm địa bàn. Đợi ta phá Viên Thượng xong thì hắn cũng chuẩn bị được kha khá. Lại nhân lúc quân ta mệt mỏi thì ra tay với lão phu. Nhưng hắn quên mất một điều rằng, một khi phá được Viên Thượng, quân ta sĩ khí mạnh mẽ, làm sao có thể mệt mỏi mà để hắn lợi dụng thời cơ? Đó thật là kế vô dụng!
Hứa Du lần này ôm bụng phục thù mà tới, đã không thể chờ đợi được nữa, xoa xoa nắm đấm nói:
— A Man huynh, chúng ta ra tay thôi! Trước tiên giết tên cẩu tặc Viên Thượng, sau đó khử luôn Viên Đàm!
— Không cần phải vội! - Tào Tháo dằn lòng, - Viên Đàm muốn ngư ông đắc lợi, nhưng lão phu có phải chẳng muốn thế đâu, để rồi xem cuối cùng ai sẽ đắc lợi! Huynh đệ tranh nhau quá lắm cũng là chuyện trong nhà, nhưng Viêm Đàm lại quỳ gối với ta có khác nào kẻ phản quốc theo giặc, cừu hận giữa anh em chúng sẽ càng lớn hơn, Viên Thượng há có thể dung cho kẻ phản đồ ngạo mạn ấy? Anh em chúng thà đem cho giặc ngoài chứ không cho tôi tớ trong nhà, hãy đợi xem, ta liệu rằng bọn chúng tất sẽ lại động can qua, chúng ta chỉ cần tọa sơn quan hổ đấu, lựa thời cơ mà hành động... Truyền lệnh các doanh, sáng sớm ngày mai toàn quân lui về phía nam.
— Chúa công định thu binh sao? - Mọi người quay sang nhìn nhau.
— Đã đến rồi thì phải ở lại chứ, sao có thể thu binh được. - Tào Tháo mỉm cười, - Sông Kỳ(*) đi qua Lê Dương chảy về phía nam, chúng ta sẽ dẫn nước sông đổ vào Bạch Câu(*), sau này lương thảo của quân ta có thể tiến thẳng đến Nghiệp Thành. Người thợ muốn việc được hay thì trước hết đồ dùng phải tốt. Cứ chuẩn bị thật tốt rồi ngồi đợi thời cơ đến!
— Minh công cao kiến, không ai sánh bằng!
Tào Tháo đã gạt hết những chuyện không vui trong triều đình sang một bên, trận chiến tuy chưa diễn ra nhưng mọi chuyện đã tính toán xong xuôi. Tào Tháo nhìn ra núi non phía xa xa, thở một hơi dài sảng khoái - bỗng loáng thoáng như có tiếng ca vẳng đến bên tai:
— Các ngươi nghe, bài hát gì vậy?
Đang khi mọi người còn nói chuyện thì tiếng hát đã ngày càng rõ, dường như là một bài quân ca hào sảng, mọi người ngó đầu tìm kiếm, chỉ thấy tướng sĩ dưới thành ai lo việc nấy, kẻ cắt cỏ, người cho ngựa ăn, kẻ lại vận lương, nhưng bất luận đang làm gì chúng đều say sưa ngâm nga. Một người hát, trăm người hòa theo, âm thanh ngày càng đều, cuối cùng gộp lại thành một bài hát vang động đất trời:
Ngàn kỵ theo gió cuốn;
Muôn kỵ thực rồng bay.
Trống chiêng trên dưới động;
Giáo mác dọc ngang đầy.
Tiết mao tựa mây trắng;
Cờ đỏ sắc son ngời.
Đức thải vương nhờ đến;
Thành công biết chắc rồi.
Vượt qua rừng Vạn Tuế;
Lê Dương thẳng tới nơi.
— Hay! Hay! - Tào Tháo vô cùng hưng phấn, quay lại nhìn mọi người. - Bài thơ này khiến quân ta sĩ khí lên cao, là ai viết vậy?
Mọi người lũ lượt lắc đầu, ký thất Lưu Trinh từ phía sau chen lên nói:
— Khải bẩm chúa công, đó là thơ của đại công tử viết đấy ạ.
Tào Phi từ sau hôm được Ngô Chất chỉ dẫn, lâu nay vẫn mong ngóng có cơ hội được thi triển tài năng, dọc đường đi đã viết liền mấy bài thơ quân lữ, bố trí Tào Chân, Tào Hưu, Vương Trung, Chu Thước đi tuyên truyền khắp nơi, sau mấy hôm thì ngay cả quân hỏa đầu nấu bếp cũng biết.
Tào Tháo nghe nói là thơ của con trai viết, trong bụng vui như mở cờ nhưng vẫn ra bộ chê bai:
— Câu cú vẫn còn hơi thô lậu, nhưng đem dạy cho binh lính cũng hợp. - Nói xong quay mặt nhìn ra phía ngoài thành, không để cho những kẻ bên cạnh nhận ra nụ cười của mình.
Lưu Trinh cũng là bạn thân của Tào Phi, vội nhân cơ hội nói giúp:
— Mấy hôm nay công tử đã rất dụng tâm, chẳng những làm thơ mà bây giờ còn đang vỗ về dân chúng ở trong thành đấy ạ!
Là con trai Tào Tháo, nào ai dám không khen ngợi? Lưu Trinh vừa khai mào ra, người khác lập tức đua nhau tán thưởng, ai cũng ca tụng phụ tử Tào Tháo là anh hùng nhất mạch tương thừa(*).
Đổng Chiêu cúi đầu, ghé đến bên Tào Tháo khen ngợi:
— Nếu đem so hiền ngu, rõ ràng nhi tử của Viên Bản Sơ đều là những kẻ tầm thường bất tài, còn nhi tử của Tào công chính là anh kiệt hơn người.
— Quá khen rồi, chẳng qua chỉ là một bài thơ thôi mà. - Tào Tháo đưa mắt nhìn ra xa, tủm tỉm cười.
— Có con giỏi kế thừa tổ nghiệp, là việc đắc ý nhất đời người ta. - Đổng Chiêu vừa nói vừa chú ý đến biểu lộ của Tào Tháo, - Chuyện cha con cùng là danh thần của bản triều ta, kể cũng không ít. Trước kia có Lý Cáp, Lý Cố hai đời hiền lương. Châu Cảnh, Châu Trung cha con cùng làm lên đến tam công. Nhà họ Dương đã bốn đời tể phụ càng không phải nói. Tại hạ thấy con trai Tào công cũng rất có hy vọng! Thử nghĩ tới đây đại công cáo thành, ngài trả lại chính sự cho thiên tử lui về chốn lâm tuyền, lại nhìn xem công tử phò tá triều cương, đại triển hùng tài, há chẳng phải một chuyện thú vị hay sao?
Tào Tháo mới đầu còn rất thích thú, nhưng nghe đến câu “đại công cáo thành... trả lại chính sự cho thiên tử” thì nụ cười chợt tắt. Thiên tử còn trẻ, ta thì đã quá nửa đời người, huống hồ thiên tử lại oán hận ta như vậy, nếu ta trả lại quyền bính, quay về chốn lâm tuyền, thiên tử há lại dung cho con cháu ta được đứng ở triều đường? Chỉ e lúc ấy, ngay cả tính mạng của già trẻ cả nhà ta cũng sẽ... Vừa nghĩ đến mối họa sau này, Tào Tháo lại thấy trong đầu dường thấy đau nhói, nụ cười tắt hẳn.
Những thay đổi rất nhỏ trên gương mặt Tào Tháo đã bị Đổng Chiêu nhìn thấy rõ ràng.
Thần y Hoa Đà
Lần gặp gỡ ở Lê Dương khiến Tào Tháo hiểu rõ bộ mặt của Viên Đàm, tuy đã kết thân gia với y, nhưng ông vẫn án binh bất động, ngồi nhìn huynh đệ họ Viên tàn sát lẫn nhau. Mặt khác, Tào Tháo lại cho đóng cọc đắp đập ở cửa sông Kỳ, dẫn nước đổ vào sông Bạch Câu đã cạn khô, đảm bảo đường tải lương chạy thẳng tới Nghiệp Thành, tất cả đã sẵn sàng, chỉ đợi huynh đệ họ Viên giao tranh ác liệt một lần nữa.
Trong đời loạn luôn không thiếu những kẻ ngu xuẩn. Khi Viên Thiệu còn tại thế, độc bá Hà Bắc, danh vang thiên hạ, vậy mà hai đứa con đến nửa phân minh trí của ông ta cũng không học được, lại còn coi lời dặn dò huynh đệ hòa thuận của phụ thân trước lúc lâm chung như gió thoảng ngoài tai. Viên Đàm thân là con trưởng, vì đấu đá với huynh đệ trong nhà đã không ngần ngại chạy theo kẻ địch bên ngoài, gửi trứng cho ác. Còn con thứ Viên Thượng biết rõ kẻ địch ở bên nhưng vẫn còn muốn cố liều tiêu diệt huynh trưởng.
Đến tháng Hai năm Kiến An thứ chín (năm 204 sau Công Nguyên), Viên Thượng thấy quân Tào ở Lê Dương không hề có động tĩnh gì, còn Viên Đàm ở Bình Nguyên đang ra sức chiêu mộ binh mã, khí thế có vẻ chấn hưng trở lại, bèn để quân sư Thẩm Phối, đại tướng Tô Do trấn thủ Nghiệp Thành, đích thân dẫn đại quân lần nữa đến Bình Nguyên liều mạng với huynh trưởng. Tào Tháo thấy cơ hội đã đến, lập tức dẫn quân tiến đến Nghiệp Thành. Tướng giữ thành Tô Do đã ngầm thông đồng với Tân Tỵ, cử binh làm nội ứng. Không ngờ sự việc bại lộ, bị quân của Thẩm Phối đánh bại, chạy đến sông Hoàn hội hợp với quân Tào Tháo. Nhưng do việc rối loạn này mà Thẩm Phối đã để lỡ mất thời cơ chặn đánh, Nghiệp Thành trọng trấn của Hà Bắc cuối cùng chưa đánh đã bị vây khốn rồi.
Quân Tào đắp núi đất, dựng thang mây, đào địa đạo, tìm đủ mọi cách công thành. Viên Thượng với Viên Đàm đánh nhau đang hăng, không có cách nào về cứu được, sai con của Thư Thụ là Thư Hộc đóng giữ Hàm Đan, Vũ An huyện trưởng Doãn Khải đóng quân ở Mao Thành, canh giữ con đường chính từ Nghiệp Thành đi đến U Châu, Tịnh Châu, đợi sẵn hai lộ cứu binh và lương thảo. Tào Tháo há lại để cho y được dễ dàng? Lập tức chia quân làm đôi, sai Tào Hồng tiếp tục vây khốn, còn mình dẫn bộ quân công phá Mao Thành trước, sau đó vây hãm Hàm Đan, từ đó cắt đứt hai lộ cứu viện ở Tây Bắc. Nhân tâm ở Ký Châu đều bị lung lay. Hàn Phạm Huyện lệnh Dịch Dương, Lương Kỳ Huyện trưởng Thiệp huyện dẫn cả thành ra hàng, được Tào Tháo gia phong làm Quan Nội hầu. Chưa đầy ba tháng, đồn doanh các nơi không nơi nào nghe tiếng mà không quy hàng, Nghiệp Thành hoàn toàn bị cô lập...
Nhưng Nghiệp Thành vốn là căn cứ địa của Viên Thiệu, không có nơi bình thường nào có thể so được. Lại thêm quân sư Thẩm Phối là một khúc xương rất khó nhằn, muốn hạ thành trì không phải ngày một ngày hai là có thể làm được. May có Tân Tỵ, Đổng Chiêu, Hứa Du từng giúp sức cho Hà Bắc, nên bọn họ đều thay phiên nhau ra trước trận khuyên hàng, ngày nào cũng có những quan viên, binh lính nhảy xuống thành đầu hàng. Cứ thế vừa đánh vừa khuyên, thế lực ở Nghiệp Thành suy yếu, lương thảo cũng dần cạn kiệt. Chiến sự tiến hành vô cùng thuận lợi, Tào Tháo cũng dần quên đi chuyện không vui ở Hứa Đô, hằng ngày ngoài việc kiểm tra doanh trại thì lại ở trong trướng phê chú binh pháp, vừa quan sát động tĩnh của Viên Đàm, Viên Thượng, vừa chờ đợi tình thế ở Nghiệp Thành có thay đổi, có thể nói là dĩ dật đãi lao.
Giống như mọi khi, Tuân Du với Quách Gia, Lâu Khuê ở trong trướng trù tính bước tiếp theo. Tân Tỵ với Hứa Du lại cầm cờ trắng đến dưới thành kêu gọi đầu hàng. Còn Tào Tháo chỉ việc thong thả, đủng đỉnh chỉnh sửa bản binh pháp mà mình chú giải, vừa vặn đọc đến câu “Dật năng lao chi, bão năng chi chi, an năng động chi. Xuất kỳ sở tất xu, xu kỳ sở bất ý.”(*) Câu ấy dường như chính là nói chiến sự hiện nay vậy, Tào Tháo mừng như bắt được vàng, không ngăn được cầm bút chú rằng: “Cắt đứt đường lương thảo khiến chúng đói khát. Cho những cái mà chúng tất muốn, đi khỏi nơi chúng tất sẽ chạy đến, sẽ khiến kẻ địch không cứu được nhau vậy.” Viết xong lại vừa nhẩm đọc, vừa mỉm cười.
Lộ Túy đang giúp Tuân Du sửa soạn giấy tờ, thấy Tào Tháo nét mặt vui vẻ, vội sán lại nịnh bợ:
— Chúa công mấy năm nay sao chép chú giải không ít binh thư, Tam Lược, Lục Thao, Tư Mã Pháp, Uất Liêu Tử, Tôn Tử, Mặc Tử, Tôn Tẫn, tất cả đã có đến mười ba thùng lớn, chỉ cần tổng kết sàng lọc lại một chút, tất sẽ là bộ binh thư tuyệt diệu nhất từ cổ chí kim vậy!
Tào Tháo xoa xoa chồng thẻ tre, lắc đầu mỉm cười nói:
— Lão phu năm xưa từng có chí hướng, muốn biên soạn một bộ Binh pháp tiết yếu. Nhưng bây giờ thiên hạ chẳng những rối loạn khắp nơi, bách tính lê dân lầm than rên xiết, một bộ binh pháp tuyệt nhiên không thể giải quyết được vấn đề, mà còn phải có kế sách lâu dài phục hưng xã tắc, tế thế an dân, cứu vớt trăm họ. Hôm trước Trọng Trường Thống có nói một câu với lão phu, có thể coi là danh ngôn chí lý: “Nước sở dĩ được coi là nước, là bởi có dân; Dân sở dĩ được coi là dân, là bởi có thóc gạo. Thóc gạo sở dĩ dồi dào là bởi có công người vậy.” Từ khi xảy loạn Khăn Vàng đến nay, bách tính chết chóc, đói kém bệnh tật hoành hành, số dân trong thiên hạ không bằng một phần ba so với trước kia. Dù lão phu có quét sạch can qua, thiên hạ quy về một mối thì con đường phía sau cũng vẫn còn dài vậy. - Tào Tháo vốn có chút ác cảm với Trọng Trường Thống, nhưng tiếp xúc lâu dần lại thấy rất hứng thú với những bàn luận về chính sự của ông ta.
Tuân Du bỗng cầm một bản tấu chương lên đưa đến chỗ Tào Tháo:
— Xin chúa công xem, đây là bản tấu của Lệnh quân từ Hứa Đô gửi tới. Tôn Quyền ở Giang Đông đã tiến đánh Giang Hạ rồi!
— Ồ? - Tào Tháo cứ ngỡ mình nghe nhầm, vội vàng cầm lấy xem - hóa ra từ sau khi kế vị cha anh đến nay, Tôn Quyền đã chăm lo sửa trị, chỉ trong thời gian hơn ba năm ngắn ngủi đã lấy lại thanh thế, một lần nữa tiến quân tấn công Giang Hạ, muốn bắt Hoàng Tổ để báo thù giết cha. Nhưng đáng chú ý hơn là, trước lúc Tôn Quyền xuất binh đã giết chết Thịnh Hiến - Thái thú Cối Kê trước đây, người mới được triều đình quyết định trưng vời, còn một vị danh sĩ lánh nạn khác là Tôn Thiệu thì bị Tôn Quyền nhận mệnh làm chức trưởng sử, cam tâm tình nguyện ở lại Giang Đông. Điều ấy có khác nào đưa ra tín hiệu rằng sự thỏa hiệp tạm thời giữa họ Tôn và Tào Tháo đã kết thúc.
Tào Tháo chợt chau mày, gõ gõ nhẹ ngón tay lên bản tấu chương:
— Lẽ nào tên tiểu tử Tôn Quyền thực sự muốn trở mặt với ta?
Lộ Túy cười nịnh nói:
— Tôn Quyền đánh Hoàng Tổ thật quá tốt rồi! Hắn với Lưu Biểu lại tranh chấp với nhau, chúa công sẽ rảnh tay chuyên chú vào việc ở Hà Bắc...
— Câm miệng! - Tào Tháo trừng mắt nhìn Lộ Túy. - Ngươi thì hiểu gì chứ, làm tốt việc của ngươi đi! - Trong mắt Tào Tháo, bọn Lộ Túy, Phồn Khâm, Lưu Trinh dù tài hoa đến đâu cũng chỉ là đám phụ trách văn thư, giúp ông việc câu chữ nói năng chứ không thể phát biểu ý kiến cá nhân gì về quân cơ trọng sự.
Quả nhiên, Tuân Du cũng không cho rằng đó là chuyện tốt:
— Họ Tôn vốn rất thiện chiến, Hoàng Tổ lại đã già, tại hạ e rằng sẽ không phải là địch thủ của họ Tôn. Nếu lại để họ Tôn chiếm lĩnh được những nơi hiểm yếu hai bên đông tây Trường Giang, sau này tất sẽ thành mối họa lớn. Nên sớm có phòng bị ngay.
— Phòng bị à... - Tào Tháo nghĩ ngợi, - Hãy lệnh cho Lưu Phức sửa sang lại thành trì ở Hợp Phì để làm kế phòng thủ, chỉ cần giữ vững được đất Hoài An, sau này lão phu sẽ xử lý tên nhãi ranh Tôn Quyền đó! - Thứ sử Dương Châu mới được bổ nhiệm là Lưu Phức không thể đến được Đan Dương là nơi họ Tôn đã chiếm lĩnh để nhận chức, nên đã dừng lại ở Hợp Phì, gần đây ông ta chiêu mộ lưu dân, sửa sang Thược Pha(*), có nhiều công trạng.
Quách Gia đứng bên nói chen vào:
— Thuộc hạ có kế này, có thể giúp chúa công giữ được Hoài Nam không vấn đề gì.
— Mau mau nói ra xem! - Tào Tháo giờ ngày càng coi trọng mưu kế của Quách Gia.
— Chúa công đã thực hiện việc cho dân đồn điền ở Trung Nguyên, vậy sao không thực hiện việc cho binh lính đồn điền ở những vùng biên trấn? Thuộc hạ xin tiến cử Thương Từ ra làm chức Điển nông đô úy. Người này vốn là người gốc ở Hoài Nam, từng đảm nhiệm chức quận lại. Sai ông ta trở về chiêu mộ bách tính, huấn luyện binh mã, vừa trồng cấy vừa đồn thú, tự cấp tự túc, lại thêm có thành Hợp Phì kiên cố, nhất định có thể giữ vững được đất Giang Bắc không lo ngại gì. Không biết chừng còn có thể giúp chúa công huấn luyện được một cánh quân thiện chiến đấy ạ!
— Hay! Hay lắm! - Tào Tháo vỗ tay cười, - Hãy sai Thương Từ đi lo liệu việc này, nhưng không được để ông ta làm chức Đồn điền hiệu úy nữa, đã là đồn điền của quân đội, lẽ đương nhiên sẽ phải có sự phân biệt. Lão phu ban cho ông ấy một chức quan, gọi là “Tuy tập đô úy”. Tuy tập có nghĩa là bảo vệ biên giới, yên ổn dân cư vậy.
— Chúa công lập ý sâu xa, chúng tại hạ không ai sánh kịp. - Lúc nào nên đưa ra ý kiến, lúc nào cần tâng bốc, Quách Gia từ lâu đã nắm vững bí quyết.
Tào Tháo cười giây lâu, lại nhớ đến một việc khác:
— Lúc Tôn Sách mới chết, cháu của Lưu Biểu là Lưu Bàn thường tự phụ có dũng lược làm loạn Giang Đông, mà sao gần đây chẳng những không thấy động tĩnh gì, ngược lại còn để Tôn Quyền chuyển từ thế thủ sang thế công như vậy?
Đổng Chiêu đứng bên cạnh, vẻ mặt bình thản nói chen vào:
— Tại hạ từng nghe Hoa Hâm nói rằng, Tôn Quyền nhận mệnh cho Thái Sử Từ ở Đông Lai làm chức Đô đốc Kiến Xương, người này tinh thông cưỡi ngựa bắn cung, quân sĩ dưới trướng cũng rất kiêu dũng, Lưu Bàn đã mấy lần đại bại dưới tay hắn, nên không còn dám tiến sang phía đông khiêu khích nữa.
— Thái Sử Từ ở Đông Lai... - Tào Tháo từ lâu đã nghe nói về người này. Trước đây khi Khổng Dung làm Bắc Hải tướng, bị giặc Khăn Vàng vây khốn trong thành, chính nhờ tài bắn cung của Thái Sử Từ nên mới thoát khỏi vòng vây, tìm được Lưu Bị đến cứu viện. Sau đó, Khổng Dung được điều về Hứa Đô, Thái Sử Từ sau thời gian lăn lộn lại quay về dưới trướng Lưu Diêu - Thứ sử Dương Châu trước đây. Khi Tôn Sách và Lưu Diêu đối địch với nhau, Thái Sử Từ chỉ dẫn theo một tên lính ra ngoài thành đi tuần, vừa vặn gặp Tôn Sách cùng bộ hạ mười ba tên quân kỵ đi đến, hai bên xuống ngựa đánh nhau. Tôn Sách đoạt được đoản kích đeo sau lưng Thái Sử Từ, Thái Sử Từ cũng lấy mất mũ đâu mâu của Tôn Sách. Hai người đánh nhau mới tỏ mặt nhau, sau đó Lưu Diêu bại trận, Thái Sử Từ đã được Tôn Sách thu nạp dưới trướng. Bây giờ Tôn Quyền chẳng những giữ những nhân sĩ lánh nạn như bọn Tôn Thiệu ở lại, mà còn giữ lại được cả những dũng sĩ như Thái Sử Từ nữa. Lúc binh lực của Tôn Sách lớn mạnh, phụ lão Giang Đông từng gọi hắn ta là Tiểu Bá Vương, xem ra Tôn Quyền cũng không thua kém gì vị huynh trưởng bá vương ấy của mình, quả thực là một nhà anh kiệt! Hiện nay tuy không thể phân thân, nhưng cần nghĩ cách chặt bớt vây cánh của họ Tôn. Những dũng tướng như Thái Sử Từ, nếu có thể mời về triều cho mình sử dụng được thì tốt biết bao.
Tào Tháo đang suy nghĩ xem có cách nào chế ước được Tôn Quyền, chợt thấy Hứa Chử chạy như bay vào trong trướng:
— Khải bẩm chúa công, có tộc đệ của Nhậm Tuấn là Nhậm Phiên đến trong quân, muốn diện kiến chúa công gấp.
— Ông ta đến có việc gì? Lẽ nào... - Tào Tháo bỗng thấy ong ong trong đầu, một dự cảm không lành chợt đến.
Quả nhiên, đã thấy Nhậm Phiến mình mặc áo tang, khóc lóc quỳ sụp trước trướng - Nhậm Tuấn đã bị bệnh chết ở Hứa Đô!
Nhậm Tuấn, tự Bá Đạt, chẳng những là con rể nhà họ Tào mà còn là một cánh tay đắc lực của Tào Tháo. Ông ta đã ở bên Tào Tháo từ khi thảo phạt Đổng Trác, cùng đi với nhau từ lúc gian nan nhất tới nay. Trong trận Quan Độ, Nhậm Tuấn chủ trì việc vận chuyển lương thảo, quân Hà Bắc mấy bận mưu toan cắt đứt đường vận lương của quân Tào đều bị Nhậm Tuấn hóa giải hết. Nhưng công lao lớn hơn cả của Nhậm Tuấn chính là mở rộng phép đồn điền, đóng góp cho lực lượng binh mã đang dần lớn mạnh của triều đình, khiến Tào Tháo an tâm ở bên ngoài chinh phạt thiên hạ. Người đưa ra sách lược đồn điền đầu tiên là Táo Chi, nhưng người thực hiện lại là Nhậm Tuấn, đến nay cả hai người đã lần lượt theo nhau qua đời, Tào Tháo sao không đau lòng cho được?
Nhìn Nhậm Phiên đến báo tang đang quỳ gối lết tới trước mặt, Tào Tháo thực sự không cầm nổi lòng mình, nước mắt rơi lã chã như châu. Các mưu sĩ đã quen biết với Nhậm Tuấn nhiều năm, cũng có mấy người cất tiếng khóc to. Tào Phi, Tào Chân, Tào Hưu đang ở trong trường bên cạnh, nghe thấy tiếng khóc vội vàng chạy sang khuyên giải, mỗi người nói một câu, hồi lâu Tào Tháo dần ngưng tiếng khóc. Ông cầm tay Nhậm Phiên dặn đi dặn lại:
— Bá Đạt đang tuổi tráng niên chẳng may bệnh mất, người tuy không còn nữa nhưng công tích, còn đó, tước vị còn đây, ngươi hãy mau tấu thỉnh triều đình, đem tước phong của Bá Đạt cho con ông ta là Nhậm Tiên được thế tập. Lão phu chinh chiến bên ngoài không lo được việc tang của Bá Đạt, Tiên nhi tuổi còn nhỏ, phiền người cùng anh em trong tộc dốc sức lo liệu mới được.
— Tại hạ tự sẽ hết lòng... - Nhậm Phiên đã khóc khản giọng từ lâu.
Lâu Khuê lo Nhậm Phiên còn ở đây sẽ càng làm Tào Tháo đau lòng, vội đỡ ông ta dậy, dỗ dành dắt ra ngoài. Tào Tháo một mình vẫn sùi sụt mãi không thôi, đang khi đau buồn, trong đầu chợt đau nhói, trước mắt trời đất quay cuồng, mọi vật như nhòe đi. Tào Tháo cho rằng là do nước mắt, dụi dụi mấy lần, nào ngờ chẳng những không thấy rõ hơn mà ngay cả những người đứng bên cạnh cũng thấy nhìn một hóa hai, hốt hoảng kêu lên:
— Mắt của ta... mắt của ta...
— Chúa Công! - Mọi người thấy Tào Tháo thần sắc bất thường, quên cả đau buồn vây đến quanh ông.
Tào Tháo chỉ thấy một bức màn mờ mờ trước mắt, không nhìn thấy rõ vật nữa, đưa hai cánh tay huơ loạn lên, không may làm đống tấu chương trên soái án lẫn rối vào nhau, rồi lại ôm chặt lấy đầu lăn lộn:
— Á! Đầu ta... á... đau chết mất!
Mọi người thấy vậy sợ tái mặt, từ sau năm xảy ra vụ án “chiếu thư trong hai ngọc”, Tào Tháo mắc phải căn bệnh đau đầu, tuy thi thoảng vẫn phát tác nhưng hiếm khi bị đau đến mức như hôm nay. Mọi người sợ Tào Tháo tự đập đầu mình mà bị thương, kéo nhau xô đến, người giữ tay, kẻ ấn huyệt nhân trung. Quách Gia nhanh tay nhanh mắt, cạy miệng đổ cho Tào Tháo một bát nước ấm, nhưng vẫn không giảm bớt chút nào. Chỉ thấy Tào Tháo hai mắt nhắm hờ giống như bị mù, mồ hôi trên trán theo tóc mai lăn dài xuống đất, không ngớt kêu gào, rên rỉ.
Lâu Khuê thấy tình hình không ổn, đi tìm hai viên quan lang trong một già một trẻ trong quân đến. Hai người ấy thấy tình trạng Tào Tháo như vậy cũng vô cùng kinh ngạc, lập tức chẩn trị, một người bắt mạch, một người vạch mi mắt ra xem. Rất lâu sau, vị lang trung già mới bỏ tay Tào Tháo ra, vuốt râu nói:
— Chúa công khí huyết bất hòa, lại thêm chứng đau đầu, hình như do nhiễm phong hàn gây nên.
Người kia thì liên tục xua tay:
— Nóng giận hại gan, buồn đau hại phổi. Chúa công có thể bị đờm kéo làm hôn mê, đau buồn quá độ dẫn đến hôn mê, đau đầu.
— Không đúng, không đúng... Nếu luận theo chứng như ông nói, không đến nỗi tồi tệ thế này!
Người trẻ hơn cũng không phục:
— Tại hạ thấy lão ngài sai rồi, thời tiết tháng Năm, lấy đâu ra phong hàn.
Hai người này đều từng thăm bệnh cho hoàng đế trong cung, giờ đây lại ai giữ ý nấy tranh luận không dứt, mãi lâu sau cũng không tìm ra nguyên nhân bệnh, các mưu sĩ càng nghĩ càng lo sợ. Tào Tháo nhắm mắt một mực lắc đầu, chỉ kêu đau đầu chóng mặt, không nói thêm được gì rõ hơn. Người ta nói “phụ tử liền tâm”, Tào Phi sốt ruột quá, cứ giậm chân mãi:
— Phụ thân... Rốt cuộc là phụ thân bị làm sao?
Tào Hưu chắp tay sau lưng đi đi lại lại mấy vòng, bỗng vỗ tay lên trán nói:
— Ôi trời! Hoa Đà tiên sinh chẳng phải đã được Trần Quý Bật mời đến trong quân rồi ư? Sao không gọi ông ấy đến xem xem!
Câu nói ấy khiến Tào Phi bừng tỉnh, hai người dắt nhau lao ra khỏi trướng, chạy thẳng tới đại trướng ở hậu doanh thì gặp Trần Kiều đang cầm bàn tính thanh toán quân lương với Trình Dục, Biện Bỉnh. Hai người nói rõ bệnh tình của Tào Tháo, cứ tưởng rằng ông ta sẽ nhanh chóng cho gọi Hoa Đà đến chữa trị, nào hay Trần Kiều nét mặt nhăn nhó:
— Con người Hoa Đà tính khí kỳ quái, ông ta tuy đã đến trong quân, nhưng không chịu chữa bệnh, e là...
Tào Phi cuống cuồng:
— Thời giờ gấp rút thế này, há lại làm lỡ được. Mau tìm ông ta đến đây.
Trần Kiều chặc lưỡi nói:
— Nếu muốn mời ông ta, e là công tử phải đích thân đến.
— Được, được, được! Chỉ cần ông ta chịu, dù ta có phải chắp tay khấu đầu cũng được! Ông mau dẫn đường giúp cho! - Tào Phi không cần phân bua, lập tức lôi Trần Kiều chạy đi.
Hoa Đà, còn có tên là Hoa Phu, tự Nguyên Hóa, tuy là đồng hương với Tào gia nhưng đôi bên xưa nay chưa từng qua lại với nhau. Ông từ nhỏ đã thuộc lòng kinh sử, lại từng du học ở Từ Châu, được cha Trần Đăng là Bái Quốc tướng Trần Khuê xét cử hiếu liêm, nhưng do thông hiểu phép dưỡng sinh, thuật kỳ hoàng (tức đông y), lại hay giúp người nghèo, trị bệnh cho dân nên tài năng học vấn bị che khuất bởi danh tiếng thần y.
Hương dân ở Bái Quốc đều nói Hoa Đà là thần tiên tái thế, bất cứ chứng bệnh nan y nào cũng có thể chữa được, đến nỗi nghe một đồn trăm, nói ông từng nạo xương trị độc, cắt ruột rửa dạ dày, bổ đầu lấy rận, thậm chí là làm cho người chết sống lại, xương khô nảy cơ bắp, có thể đoán được thần quỷ âm dương.
Nhưng bản thân Hoa Đà lại chưa từng xem việc chữa bệnh là một nghề, mà chỉ coi nó như một sở thích, cho nên khi Trần Kiều mời ông vào doanh làm việc chữa bệnh bốc thuốc, Hoa Đà nhất quyết không đồng ý, sau do bị bức bách bởi uy của Tào Tháo, không còn cách nào khác, đành phải vào doanh Tào. Trần Kiều kính trọng tài năng của Hoa Đà, lại biết tính khí Tào Tháo vốn khinh mạn đám vu y thuật sĩ nên đã dựng riêng cho Hoa Đà một trướng nhỏ hậu doanh, sai bốn tên lính hằng ngày hầu hạ. Hôm nào tâm tư vui vẻ thì đi một vòng xem xét chữa trị cho tướng sĩ bị ốm đau, thương tật, còn lúc không vui thì ông ta buông rèm kín mít, ai gọi cũng mặc.
Hôm nay đúng là không phải lúc, Hoa tiên sinh kia lại buông rèm không tiếp bất cứ ai, chỉ cho một tên trẻ tuổi ăn mặc lối bộc dịch ở ngoài băng bó vết thương cho binh lính. Tào Phi đâu có để ý nhiều, mặc Trần Kiều ngăn lại, đuổi hết những người đứng ở cửa trướng ra rồi sải bước vào trong. Vừa vén rèm, chợt thấy mùi thuốc xộc vào mũi, lại thấy sách vở thành đống, hộp thuốc chất đầy, ở giữa có một cái giường, phía trên là một người lớn tuổi, đầu râu tóc trắng đang nằm, cuốn thẻ tre cầm trong tay đang giở ra che trên mặt, đọc rất say sưa.
— Ông là Hoa Đà? - Tào Phi đang sốt ruột nên quên hết lễ nghi.
Nào ngờ ông già ấy tựa hồ như không nghe thấy gì, trở mình nằm xoay mặt vào trong tiếp tục đọc sách. Tào Phi là công tử nhà hào môn, có khi nào thấy một kẻ vô lễ như vậy, tức giận chực kêu lên. Tào Hưu ở phía sau kịp thời ngăn lại, Trần Kiều cung kính rất mực, nhìn lưng ông lão vái bảo:
— Làm phiền Hoa tiên sinh nghỉ ngơi, có Tào công tử xin được bái kiến ngài.
Hoa Đà không quay đầu lại:
— Tại hạ bỉ lâu, không dám phiền quý nhân đa lễ, xin công tử hãy về cho.
Giọng ông ta nhẹ nhàng chậm rãi, nhưng Tào Phi lại cho là vô lễ, lửa giận đã bốc lên đầu, Trần Kiều vừa bịt chặt lấy miệng Tào Phi vừa nói:
— Tào công tử đến đây là để thỉnh cầu tiên sinh chữa bệnh cho chúa công, phiền ngài vất vả một phen.
Hoa Đà vẫn không hề động đậy, chỉ lạnh nhạt hỏi:
— Tào công có chỗ nào không khỏe vậy?
Trần Kiều lại càng thêm lễ phép:
— Tào công bị mắc chứng đau đầu đã lâu, khi còn ở kinh từng nhờ ngự y điều trị nhưng vẫn tái phát không khỏi. Hôm nay bệnh phát ra nặng quá, hai mắt nhìn vật không rõ, xin tiên sinh đến cứu chữa cho.
— Chứng đau đầu? - Hoa Đà cười vang lên ha hả.
Tào Phi đẩy tay Trần Kiều ra, hầm hầm tức giận nói:
— Tiên sinh đã phụng chiếu trưng vời, đến trong quân rồi, phải nên hết sức phục vụ cho ta. Vậy mà thân là thầy thuốc trong quân, chẳng những không đi chữa bệnh mà thấy chủ soái lâm trọng bệnh lại còn cười cợt, rốt cuộc là ý gì đây?
— Công tử sai rồi. - Hoa Đà vẫn nằm quay mặt vào trong, từ tốn nói, - Tại hạ không cười Tào công bị bệnh trọng, mà là cười đám lang trung tầm thường trong quân không am tường bệnh lý. Nhìn thiển cận thì là đau đầu, nhưng nếu xét sâu xa là đầu phong. Đau đầu có thể tự nhiên bị, nhưng cũng dễ hết. Còn đầu phong thì phát tác không ngừng, càng phát càng nặng. Người mắc phải bệnh này phần lớn là do phẫn uất, tức giận mà ra. Giận dẫn đến tổn thương gan, uất thì hóa hỏa, khí hỏa bốc ngược phạm lên đỉnh đầu. Nếu gặp khi thời tiết thay đổi, trái gió trở trời, triệu chứng càng nặng, đau đầu khó chịu, mắt không nhìn thấy gì... Xin thứ cho tại hạ nói thẳng, lần này Tào công dụng binh chưa gặp phải khó khăn gì, mấy ngày gần đây cũng không phải vất vả, e là trước khi rời kinh đã có điều gì buồn bực trong lòng, nay tiết đông xuân giao mùa, lại gặp hư hỏa, hôm nay tất là gặp phải việc gì gấp gáp khiến bệnh cũ phát ra chăng?
Tào Phi nghe được câu ấy thì kinh hãi tột độ, phút chốc giận dữ trong lòng tan biến. Việc ở hoàng cung Hứa Đô hôm ấy tuy không rõ sự tình, nhưng nghĩ lại chính là nguyên nhân khiến Tào Tháo buồn bực, còn cái tin Nhậm Tuấn chết vừa rồi chẳng phải là lý do làm bệnh phát ra ư? Những điều này còn chưa hề nói cho Hoa Đà biết! Người này chỉ mới nghe mô tả căn bệnh đã có thể đoán ra được tám chín phần, chả trách được gọi là thần y. Lại nhớ đến chuyện sinh tử của Trần Đăng, Lý Thành, Tào Phi càng cảm thấy đã quá coi thường Hoa Đà, bèn vội sửa lại áo sống, với một vài dài:
— Vãn sinh Tào Phi xin có lễ với tiên sinh, khi nãy đã không phải với ngài.
— Công tử đa lễ rồi... - Hoa Đà lúc này mới trở mình ngồi dậy.
Tào Phi nhìn ngắm kỹ, chỉ thấy ông ta mình cao bảy thước, dáng vóc thanh kỳ, mặc bộ y sam vải thô màu xanh sẫm, râu tóc đều bạc trắng như tuyết, tuy tuổi đã cao nhưng nét mặt trắng trẻo không hề thấy nếp nhăn, mũi thẳng miệng gọn, mày thanh râu dài, đôi mắt sâu sáng lấp lánh. Đôi bàn tay thon nhỏ ngón dài cầm một cuốn thẻ tre, chẳng phải là Nội Kinh hay Bản Thảo, cũng chẳng phải là Nan Kinh hay Tố Vấn,(*) mà lại là cuốn Xuân Thu - một cuốn trong Lục Minh. Động tác của Hoa Đà nhẹ nhàng phiêu dật, quả đúng là tiên phong đạo cốt, khí chất phi phàm. Dân chúng Bái Quốc đồn rằng người này là thần tiên hạ thế, thậm chí nói ông ấy đã hơn một trăm tuổi rồi, chuyện ấy tuy hoang đường đáng cười, nhưng chuyện Hoa Đà tu thân dưỡng tính, tóc bạc mà khuôn mặt vẫn trẻ trung thì không hề sai.
Tào Phi càng nhìn tướng mạo người này càng mừng khôn xiết, liệu định rằng ông ấy biết rõ căn nguyên bệnh tình, tất có thể chữa trị được, vội thi lễ một lần nữa:
— Phiền tiên sinh thi triển thuật kỳ hoàng, chữa khỏi bệnh tình cho cha ta, tại hạ tất sẽ hậu tạ.
— Công tử quá lời rồi. - Hoa Đà mỉm cười, giữ tay Tào Phi lại, - Tại hạ tuy chưa từng bái yết Tào công, nhưng cũng biết ngài vốn là người dễ cảm xúc, vui buồn thất thường. Nhưng con người ta, hỷ nộ ai lạc, nếu quá mức tất sẽ dẫn đến tổn thương, giận thì khí lên, vui thì khí hòa, buồn thì khó tiêu, sợ thì khí xuống, kinh thì khí loạn, nghĩ ngợi thì khí uất kết. Lệnh tôn một ngày xử lý hàng vạn công việc, buồn bực trong lòng, lại quanh năm phải bôn ba không được nghỉ ngơi, thêm nữa đến tuổi ngũ tuần khí bệnh càng nặng, gân cốt tì vị cũng không còn vượng như trước kia nữa, mắc phải chứng đầu phong cũng là chuyện thường. Chỉ cần Tào công ổn định tâm thần, hòa hoãn khí tức, thường ngày không lo không giận, chở nóng chớ vội, chứng bệnh này tất có thể giải quyết dần dần được.
— Giải quyết dần dần? Nhưng...
Hoa Đà không đợi Tào Phi nói hết câu, lại nói:
— Thế này đi, tại hạ sẽ kê một đơn thuốc, xin các vị lang trung ở bên cạnh Tào công tham khảo kỹ thêm là được. - Nói rồi lập tức lấy bút ra viết.
Trần Kiều cảm thấy Hoa Đà có ý làm qua loa cho xong, vội vàng đưa tay ngăn lại:
— Hoa tiên sinh hay khoan, bệnh của Tào công rất gấp rồi, xin ngài hãy đích thân tới đó một phen.
Hoa Đà mỉm cười đáp:
— Các lang trung bên cạnh Tào công chắc hẳn cũng là những người hầu hạ thiên tử, tuy chưa chắc đã đụng tay vào là hết bệnh ngay, nhưng cũng là những bậc cao thủ. Tại hạ chẳng qua chỉ là một thầy thuốc lang thang sơn dã, há dám làm trò trước mặt cao nhân.
— Tiên sinh nói câu này sai rồi! - Trần Kiều cười nói, - Ngài phụng lệnh trưng vời mà đến thì cũng là duyên lại của Tào công. Bây giờ chúa công bị bệnh, lẽ nào lại trốn tránh? Tuy rằng có ngự y chăm sóc chúa công, nhưng nếu chúa Công cho gọi, ngài há lại không đến ư? Huống chi cũng nên nể tấm lòng hiếu tâm này của công tử chứ!
Hoa Đà ngoài mặt mỉm cười, nhưng trong lòng có phần khó xử. Ông vốn là người thông hiểu sách vở, có chí bước lên con đường sĩ hoạn, vốn tưởng có thể bước vào chốn triều đường dốc sức vì thiên tử, nhưng gặp buổi loạn ly, “chiến tranh vô nghĩa như thời Xuân Thu” này, ông không muốn đem tài học của mình phục vụ cho các thế lực cát cứ, chỉ chuyên tâm nghiên cứu y đạo, chữa bệnh cứu đời mà thôi. Nhận công việc này ở Tào doanh, thực ra là bị ép buộc không thể từ chối được, nếu thực sự chữa khỏi bệnh cho Tào Tháo, được ông ta coi trọng, giữ lại ở bên mình, vậy sao còn có thể đi khắp chín châu chữa bệnh cứu khổ đây? Hơn nữa, hiện nay ông đang có kế hoạch biên soạn một bộ y thư, nếu bị Tào Tháo lưu lại bên mình, sẽ chẳng được một lúc nhàn nhã. Thêm nữa, qua việc điều Trần Đăng đi làm quan nơi khác, Hoa Đà biết Tào Tháo là người cố chấp, đa nghi, có thể theo đúng lời dặn dò thuốc thang để chữa khỏi căn bệnh hay không vẫn còn chưa biết được! Chẳng may chữa không khỏi thì kết cục sẽ ra sao đây?
Trần Kiều lại nói đỡ một câu:
— Tiên sinh vốn nổi tiếng nhân từ, Tào công là bậc đương kim tể phụ triều đình, tính mạng liên can đến hàng ngàn hàng vạn con dân. Nếu tiên sinh chữa được khỏi bệnh cho Tào công thì chính là cứu được vô số lê dân bách tính vậy. Một việc có đức lớn như vậy, sao có thể không làm? Có câu rằng: “Thấy nghiêng mà không giúp, thấy ngã mà không đỡ, còn cần đến người dẫn dắt làm gì?” Người thầy thuốc phải có tấm lòng của bậc phụ mẫu vậy...
Hoa Đà có cặp mắt vô cùng tinh tường thâm sâu, đưa tay vuốt râu hồi lâu mới nói:
— Bậc tôn quý ở ngôi cao mà nhìn xuống bề tôi, kẻ bề tôi một dạ lo sợ mà tiếp nhận lấy. Tào công là bậc đặc biệt tôn quý trong thiên hạ ngày nay, tại hạ chẳng qua chỉ là một lão già quê mùa nơi sơn dã, e là không nghênh tiếp được chu đáo.
— Ôi chao! - Tào Phi lại vái một vài dài, - Cha tôi bệnh đã gấp gáp, chóng mặt hoa mắt, nếu tiên sinh đã hành y cứu thế, há có thể thấy bệnh mà không cứu ư?
Hoa Đà chỉ là một kẻ áo vải mà đã được Tào Phi hành lễ tới ba lần, chợt thấy bất nhân trong lòng, chau mày nói:
— Muốn tại hạ thi triển một vài ngón nghề cũng được thôi... nhưng, ta bình sinh có năm điều không chữa!
— Xin tiên sinh hãy cho biết rõ! - Tào Phi cung kính nói.
Hoa Đà nghiêm mặt nói:
— Kẻ tự ý thay đổi phương thuốc, không chữa; kẻ bất cẩn với bản thân, không chịu dưỡng bệnh, không chữa; kẻ cốt khí không đủ mạnh, không thể dùng được thuốc, không chữa; kẻ thích nhàn, lười nhác, bệnh nhỏ mà dưỡng nhiều, cũng không chữa.
Tào Phi vừa nghe vừa gật đầu, thấy Hoa Đà nói cũng có lý. Mấy điều này đều là nói người bệnh không nghe theo căn dặn của thầy thuốc làm bệnh tình kéo dài. Với một thần y chữa đâu khỏi đó như Hoa Đà, nếu một bệnh nhân nào đó không nghe theo lời dặn dò làm bệnh tình nặng thêm, há chẳng làm hỏng danh tiếng “Kỳ Hoàng diệu thủ”(*). ư? Nhưng đếm đốt ngón tay mới chỉ nghe thấy có bốn điều không chữa, Tào Phi vội hỏi:
— Còn một loại người nào mà ngài không chữa nữa?
Hoa Đà cười gượng, than bảo:
— Công tử há chưa nghe chuyện Biển Thước gặp Tề Hoàn Công(*) ư? Kẻ cố chấp, đa nghi, tránh bệnh, sợ chữa thì nhất thiết không thể chữa cho!
Tào Phi không hề do dự, nói luôn:
— Hoa tiên sinh, cha ta là tể phụ đương triều, thông tình đạt lý, kính trọng hiền sĩ, không phải là kẻ tránh bệnh, sợ chữa như Điền Ngọ. Huống chi bệnh trong người cha ta, đau ở thân cha ta, há có thể không nghe theo lời của tiên sinh? Ngài không cần phải lo lắng thế, mau mau theo ta đi thôi! - Nói xong liền kéo Hoa Đà đi, Trần Kiều, Tào Hưu cũng ở hai bên tả hữu lôi kéo.
Hoa Đà không còn cách nào khác:
— Chỉ mong được như lời công tử nói... các vị hãy từ từ, đợi tiểu đồ đệ mang theo các vật y dụng đã.
Hóa ra người trẻ tuổi ăn mặc theo lối bộc dịch kia chính là Lý Đang Chi - đệ tử vẫn đi hái thuốc giúp ông.
Lúc bọn Tào Phi ba người kéo Hoa Đà về đến đại trướng trung quân, Tào Tháo đã không còn kêu la như khi này nữa, chỉ nằm tựa một chỗ rên rỉ không ngớt, ánh mắt thất thần hoảng hốt. Đám mưu sĩ lo lắng chạy tới chạy lui như đàn kiến trên chảo rang, hai vị quan lang trung kia vẫn không có biện pháp gì, còn đang tranh luận với nhau xem nguyên nhân bệnh ở đâu.
Đã đến là bắt tay vào chữa trị, Hoa Đà cũng không còn khách sáo nữa, bước nhanh vòng qua chỗ hai vị quan lang trung đến bên cạnh Tào Tháo, xem xét kỹ hồi lâu rồi bảo đệ tử đốt một ngọn đèn dầu lên. Hoa Đà lấy từ trong người ra một túi vải, nhặt ra bốn cây kim bạc, hơ trên ngọn lửa đèn, rồi đưa tay định đỡ lấy đầu Tào Tháo. Hứa Chử đang đỡ ngang lưng Tào Tháo, thấy ông lão râu bạc kia tay cầm kim châm, vội vàng ngăn chặn lại:
— Cuồng đô to gan, dám châm kim lên đầu đương triều Tư không ư?!
Chữa bệnh cho Tào Tháo đâu có dễ dàng: Chưa cần nói đến bản thân ông, ngay cả những người ở bên cạnh Tào Tháo cũng không dễ dàng đồng ý. Tào Hưu gỡ tay Hứa Chử ra:
— Vị này là Hoa Đà tiên sinh vừa được trưng vời đến... Tiên sinh chớ ngại, xin hãy mau chóng dụng châm đi.
Hoa Đà thấy người bên cạnh đã không còn quấy rầy nữa, liền nhanh chóng đỡ lấy đầu Tào Tháo, để ông ngồi yên trên giường, lại nhẹ nhàng vòng tay rẽ búi tóc trên đầu Tào Tháo ra, rồi chỉ nói một câu:
— Tại hạ đắc tội.
Hai cây kim bạc một mũi châm giữa hai lông mày, một mũi châm lên đỉnh đầu.
Hai vị quan lang trung há mồm tròn mắt đứng nhìn, cũng không tranh cãi nhau nữa, ngơ ngẩn nói:
— Sách Tố Vân có nói: “Đầu thống cấp trọng giả, tiên thích đầu thượng cập lưỡng ngạch lưỡng mai chi gian trung xuất huyết.”(*) Cách làm ứng phó khi cấp bách này, làm sao chúng ta lại quên khuấy đi mất. Vị tiên sinh này thân thủ nhanh quá!
Hai mũi kim châm xong rồi, Tào Tháo thở ra một hơi thật dài, Hoa Đà đỡ sau gáy cho ông, nhẹ nhàng hỏi:
— Dám hỏi minh công, mắt hoa thế nào?
Tào Tháo nhắm hờ hai mắt, mệt mỏi bảo:
— Thấy như tuyết vụn...
Hoa Đà lại hạ một mũi châm nữa, ở bên trái phía sau gáy(*). Mũi châm này hạ xong, Hoa Đà vẫy tay gọi Tào Chân, Tào Hưu giúp mình đỡ lấy hai tay Tào Tháo, giữ cho thật vững, còn ông vừa xoa bóp phía sau đầu cho Tào Tháo, vừa nói:
— Tại hạ tìm chỗ bị bệnh cho minh công, nếu lúc nào thấy đau thì xin bảo cho tại hạ biết.
Tào Tháo đang hoa mắt chóng mặt cũng chẳng biết ai đang chẩn trị cho mình, chỉ hờ hững đáp lời rồi để cho Hoa Đà day ấn tìm tòi trên đầu mình, bỗng ông cảm thấy đau nhói đến tận tim, kêu to một tiếng:
— Á! Là chỗ ấy... - Còn chưa dứt lời, Hoa Đà đã không hề do dự hạ ngay một mũi châm vào đó, Tào Tháo đau đớn hết nghiêng bên trái lại ngả sang bên phải, may có bọn Tào Chân ra sức giữ mới không bị ngã gục.
Mọi người trong trướng sợ hết hồn, viên quan lang trung giận dữ mắng:
— Đau đầu chữa đầu, đau chân chữa chân, đó là cách làm của bọn lang băm!
Hoa Đà chỉ cười mỉm:
— Há không nghe cách “Dĩ thống vi thâu”(*) ư? Để tán phát chỗ đau, thông với hệ thống kinh lạc cho hết đau vậy. - Ông vừa nói vừa nhẹ nhàng xoay xoay cây kim ở bốn chỗ.
Quả như được thần thánh giúp sức, chỉ một lúc sau, Tào Tháo lập tức thấy cơn đau bớt dần, cũng không còn rên rỉ nữa, chầm chậm mở mắt ra, nhìn đồ vật cũng đã thấy rõ nhiều, bốn chỗ châm kim thấy hơi tê tê, lại dần dần thấy nóng ấm lên. Hoa Đà ra hiệu cho mọi người mau buông rèm trướng xuống để tránh gió cho Tào Tháo.
Hai viên y quan thấy vậy tán thưởng không ngớt:
— Tiên sinh giỏi quá... Đúng là châm đến chứng tan... Chúng tôi được học hỏi không ít...
Hứa Chử hầm hầm trừng mắt nhìn bọn họ:
— Bây giờ thì rõ rồi, cần các ngươi để làm gì nữa? Không mau cút đi!
Hai viên y quan sợ hãi ôm đầu lủi mất.
Sắc mặt Tào Tháo đã tươi tỉnh, dần dần nở một nụ cười, chậm rãi cất lời:
— Đa tạ tiên sinh đã chữa trị cho.
Hoa Đà liền nói:
— Tại hạ xem minh công khí sắc vẫn tốt, thể chất còn khỏe, cho nên vội dụng châm tạm giải cơn đau, xin minh công thứ cho tội đường đột. Nhưng đây mới là chữa ngọn, chưa thể trừ hết bệnh, lát nữa còn phải chẩn mạch để tìm căn nguyên bệnh cho minh công.
Đổng Chiêu cũng có hiểu biết về thuật dưỡng sinh, nghe Hoa Đà nói vậy, liên tục chắp tay:
— Nhìn mà biết bệnh gọi là thần, nghe mà biết bệnh gọi là thánh, hỏi mà biết bệnh gọi là giỏi, bắt mạch mà biết bệnh gọi là khéo. Tiên sinh quả là đủ cả thần thánh giải khéo, chắc chắn là một vị danh y vậy!
Tào Tháo bây giờ mới nghĩ ra, để người ta chữa bệnh cho mình nãy giờ mà không hỏi gì đến tên tuổi, thật là thất lễ. Trần Kiều đứng bên bèn giới thiệu cặn kẽ, mới biết rằng là người đồng hương. Hoa Đà cũng là một vị hiếu liêm, lại là được danh thần Trần Khuê xét cử, có thể nói thân phận cao hơn gấp vạn lần so với đám thầy thuốc tầm thường, mọi người đều cùng hàn huyên khách sáo với Hoa Đà hồi lâu. Một lúc lâu sau, Hoa Đà rút các cây châm ra khỏi đầu Tào Tháo, để ông thay quần áo, rồi lại bảo Tào Tháo nằm xuống còn mình thì ngồi bên cạnh bắt mạch.
Bây giờ Tào Tháo đã không còn đáng ngại nữa, nằm trên giường không khỏi nhớ lại những công việc trước lúc bị đau đầu, rồi thở một hơi dài:
— Lão phu thực ân hận quá! Nếu biết tài của Hoa tiên sinh thế này, cũng nên mời ngài đến Hứa Đô chữa trị cho Nhậm Tuấn. Nếu có diệu thủ của tiên sinh, Bá Đạt chưa chắc đã phải tuổi trẻ mất sớm như vậy... Tử Đan, Văn Liệt, các ngươi chạy đi xem Nhậm Phiên đã đi chưa, an ủi thêm ông ta giúp lão phu.
Tào Chân, Tào Hưu y lệnh chạy đi. Vừa thôi chuyện ấy, Tào Tháo lại nhớ đến Tôn Quyền ở Giang Đông, vội dặn dò Quách Gia:
— Ngươi thay ta viết thư cho Khổng Dung, bảo ông ta thư từ với Trương Hoành, dựa vào quan hệ riêng thăm dò rõ đầu đuôi việc xuất binh của Tôn Quyền. Lão phu thật đáng trách, vì muốn xong gấp, năm xưa đã thả nhầm Trương Tử Cương, không ngờ rằng người này lại thực sự bạo gan giúp cho Tôn Quyền, đúng là bực mình quá...
Từ trước đến nay, Hoa Đà chữa bệnh là do người ta tìm đến tận nhà, lần đầu tiên gặp phải một người có nhiều tâm ý như Tào Tháo, liền nhắc bảo:
— Xin minh công thả lỏng tâm thần, yên lặng một lát, chớ để cho lòng suy nghĩ đến những công việc bên ngoài.
Tào Tháo cho rằng chứng bệnh đã hết không còn đáng ngại nữa, vốn cũng không tin tưởng lắm vào việc này của Hoa Đà, nhưng cũng nể mặt ông ta vừa mới cứu mình nên không nói nhiều nữa.
Đúng lúc ấy, lại nghe thấy bên ngoài có tiếng người ồn ào, một tên lính đứng ngoài rèm bẩm báo:
— Khải bẩm chúa công, có tướng giữ Nghiệp Thành là Phùng Lễ mở cửa đột môn(*) cho quân ta vào thành!
— Sao? - Tào Tháo gạt tay Hoa Đà ngồi ngay dậy. - Vào đi!
Tên lính kia lúc này mới vào trong trướng quỳ xuống:
— Tướng quân Trương Tú dẫn hơn ba trăm quân đã đánh vào thành qua cửa đột môn, nhưng Thẩm Phối từ trên thành đã dùng đá tảng ném xuống, lại bít chặt mất cửa rồi ạ.
Thầy Tào Tháo nét mặt đăm chiêu, Quách Gia vội ngăn lại:
— Hơn ba trăm người chưa chắc đã có thể phá cửa tiến công được, chúa công cứ an tâm chữa bệnh, tại hạ đi xem sao. - Nói xong vội vã theo tên lính ấy đi ra.
Mọi người lại đỡ Tào Tháo ngồi xuống, lúc này ông đã quên khuấy mất bệnh tình của mình, bàn bạc hồi lâu mới nhớ ra đưa tay cho Hoa Đà xem mạch tiếp.
— Không cần nữa đâu, khi nãy đã hầu như rõ cả rồi. - Hoa Đà vuốt chòm râu bạc nói, - Quả nhiên là bệnh của minh công khởi tự tâm can ra.
— Ha ha ha!... - Tào Tháo bật cười, - Tiên sinh có cố tình làm ra vẻ bí hiểm không? Lão phu là bị đau đầu, sao lại nói bệnh tự tâm can?
— Sách Nội kinh có nói: “Hành khí huyết, doanh âm dương, quyết sinh tử, xử bách bệnh.”(*) Gốc của bách bệnh đều ở kinh mạch khí huyết. Khí là tướng của huyết, huyết là mẹ của khí, khí không có huyết thì không còn, huyết không có khí thì không lưu thông. Khí hành thì huyết hành, khí thịnh thì huyết thịnh, huyết hành thì phong tự diệt. Tố Vấn lại nói: “Tâm chủ huyết mạch, chư huyết giả tạ thuộc vu tâm.”(*) Chúa công huyết không dưỡng tâm, tâm thần không được yên thì gây ra kinh hãi, đó là một nguyên nhân gây ra bệnh vậy. - Hoa Đà sợ Tào Tháo không hiểu, lại nói, - Xưa Đại Vũ trị thủy đã dùng cách khơi dòng, khiến nước lưu thông được dễ dàng. Huyết mạch cũng theo lẽ ấy, đau là vì không lưu thông, lưu thông sẽ không còn đau nữa.
Tào Tháo chỉ coi Hoa Đà như một thầy thuốc bình thường, không ngờ rằng ông còn lấy cả chuyện sử sách ra so, cũng thấy buồn cười.
Hoa Đà thì vẫn nghiêm túc:
— Minh công thường nhật hay nóng giận, cho nên làm tổn hại đến đường gan, khí đi ngược lên đầu, làm trở ngại cho đường não, cho nên mắc chứng đầu phong hoa mắt chóng mặt. Não là biển của tủy, bệnh này nếu không trừ tận gốc ngày sau sẽ nguy hiểm đến trăm mạch toàn thân vậy.
Tào Tháo thực sự không nén nổi, cười nhạt nói:
— Tiên sinh vừa mới cứu mạng, lão phu cảm ơn vô cùng. Nhưng ta tự thấy rằng toàn thân còn mạnh khỏe, tuổi đến ngũ tuần vẫn chưa trễ nải việc cưỡi ngựa bắn cung, chưa đến nỗi như tiên sinh nói đâu.
Hoa Đà thở dài, nhẫn nại giải thích:
— Gấp gáp thì chữa ngọn, thư thả thì chữa gốc. Tại hạ đã không chữa thì thôi, một khi đã chữa rồi thì phải trừ tận gốc. Chỉ cần minh công tăng cường nghỉ ngơi, uống thuốc theo đơn tại hạ kê, trong vòng mấy năm tất sẽ có chuyển biến, nhưng nhất thiết không được lo nghĩ nóng nảy!
Tào Tháo tuy không tin bệnh của mình nghiêm trọng như Hoa Đà nói, nhưng cũng cho rằng Hoa Đà có lòng tốt:
— Tiên sinh không cần phải nói nhiều nữa, lão phu cứ y theo như lời ngài là được rồi. - Nói xong tự tay cầm bút mực đến cho Hoa Đà viết.
Y quan dù có bản lĩnh đến đâu rốt cuộc cũng là phận mọn, không thể dùng đồ vật của chủ soái được, Tào Tháo lại tự tay đem bút mực của mình cho dùng, đó cũng là rất coi trọng Hoa Đà rồi. Hoa Đà đưa hai tay cầm bút, lùi sang một bên kê đơn thuốc, rồi lại gọi đệ tử Lý Đang Chi bưng hộp thuốc đến, chỉ chọn lấy các vị xuyên khung, đương quy, cát căn, ngô công, rồi cho quân lính đốt lò chuẩn bị sắc thuốc. Mọi người khi ấy mới vây đến bên Tào Tháo hỏi han.
Tào Tháo bình sinh không có bệnh gì nghiêm trọng, nhìn các vị thuốc chất đầy trong hộp rất hiếu kỳ, thấy một vật trông như dây khô uốn khúc, phía trên còn có năm nhánh xòe ra như ngón tay, không nén nổi tò mò cầm lại từ tay Lý Đang Chi, cười hỏi:
— Đây là thứ gì? Trong có vẻ kỳ cục vậy?
Lý Đang Chi vốn thật thà, lại chưa từng được gặp một vị quan lớn như vậy, chưa nói đã dập đầu trước:
— Vị thuốc này gọi là đương quy, là vị mà Thần Nông đã nếm qua, có thể trừ ôn ngược, giải hàn nhiệt, còn có thể giúp cho các tướng sĩ trị khỏi vết thương dao kiếm ạ. - Lý Đang Chi tuy chưa biết chữa những bệnh khó, nhưng nhiều năm theo bên cạnh sư phụ chế thuốc nên cũng là tay cao thủ về dược lý dược tính.
— Đương quy... Đương quy... - Tào Tháo lẩm nhẩm mấy tiếng, mắt chợt sáng lên. - Phụng Hiếu! Mau mang một chiếc hộp nhỏ đến đây, bỏ đương quy vào đó, chọn lấy một tên do thám giỏi, đi xuống phía nam đến huyện Kiến Xương, Dương Châu, chuyển vật này cho Thái Sử Từ!
Đổng Chiêu mới đầu giật mình rồi chợt ngộ ra - Thái Sử Từ vốn là nhân sĩ ở Thanh Châu phía bắc, bôn ba lưu lạc đến phía nam, đi theo họ Tôn, mà vị thuốc này có tên là “Đương quy”, há chẳng phải là có ẩn ý gọi ông ta nên quay về hay sao? Ôi chao chúa công, trong người đang có, bệnh mà còn tinh tế như vậy, đúng là người thường không thể sánh kịp!
Trong lúc mọi người nói chuyện, Quách Gia cũng đã về tới nơi, phía sau còn có Tân Tỵ, Hứa Du, lại cả một người lạ mặt toàn thân đầy đất.
— Tình hình thế nào? - Tào Tháo đứng vụt dậy.
Quách Gia lắc đầu mãi không thôi:
— Thẩm Phối đã lấp chặt đột môn rồi, ba trăm quân sĩ vào thành và cả Phùng Lễ đều chiến tử rồi...
— Ôi! - Tào Tháo vỗ mạnh vào đùi. - Sai một bước mà... Thẩm Phối kia thật đáng ghét!
Hứa Du kéo kẻ toàn thân đầy đất cát kia bảo:
— Nhanh lên! Đến bái yết Tào công đi!
Người ấy quỳ sụp xuống lạy:
— Tại hạ là Công tào Ngụy Quận Trương Tử Khiêm, đến quy hàng muộn, tội thật đáng chết, đáng chết! - Y là quan viên ở Hà Bắc, nhân lúc rối loạn nhảy ra khỏi thành đến hàng.
— Miễn lễ, miễn lễ! Tình hình trong thành thế nào? - Tào Tháo đưa hai tay đỡ y dậy. Một kẻ tiểu lại như Trương Tử Khiêm thực không có gì đáng kể, nhưng điều mà Tào Tháo quan tâm là tin tức trong thành.
Trương Tử Khiêm đi thẳng vào vấn đề:
— Nghiệp Thành thực sự khó đánh, Thẩm Phối sợ sĩ tốt trong thành hai lòng nên đã điều động bộ hạ, gia binh lên thành hiệp trợ canh giữ, lại cho con cháu tiếp quản lấy việc canh phòng ở các cửa, xem ra là muốn kháng cự đến cùng với Tào công vậy!
— Trong thành có bao nhiêu lương thảo?
— Lương thảo đã sắp cạn, trăm họ khổ sở không thể nói hết. Nhưng trước khi đánh nhau, Thẩm Phối đã đưa đến không ít trâu ngựa, gia súc. - Trương tử Khiêm nói năng bộc trực. - Thẩm Chính Nam này là tay chân sống chết của họ Viên, lại có tính cố chấp, dù có hết lương cũng sẽ chống cự tới chết. Hơn nữa, Viên Thượng mấy ngày trước đưa tin đến nói Viên Đàm liên tục thất bại, ông ta có thể sẽ sớm quay về cứu viện, minh công nên sớm nghĩ đối sách đi ạ!
Tào Tháo nhíu chặt hai mày:
— Ta vốn có ý muốn vây thành đánh quân cứu viện, nhưng nếu Thẩm Phối với Viên Thượng đã thông tin được với nhau, nội ứng ngoại hợp, xem ra chiến sự còn nhiều biến số. Phải nghĩ cách cắt đứt mối liên hệ giữa Nghiệp Thành với bên ngoài. Các ngươi có kế sách gì không?
Nghiệp Thành chu vi gần bốn mươi dặm, dù cho có tới dăm ba vạn người cũng không thể vây kín được, doanh trại các nơi lực lượng phân tán, Viên Thượng với Thẩm Phối đưa tin qua lại với nhau hoàn toàn là việc có thể. Bọn Tuân Du, Đổng Chiêu chỉ một mực lắc đầu, ngay cả Quách Gia cũng lặng im không nói gì. Tào Tháo thấy bọn họ đều không có cách nào, lặng lẽ thở dài.
— Khụ! - Khi ấy chợt Hứa Du ho lên một tiếng. - Chút việc cỏn con ấy mà cũng khiến minh công và chư vị lo lắng đến thế ư?
— Ồ! - Tào Tháo quay lại nhìn Hứa Du, thấy ông ta đang lắc lư đầu ra vẻ đắc ý, tay vân vê chòm ria mép lưa thưa, biết rằng hẳn Hứa Du đã có chủ ý, - Tử Viễn có cách gì ư?
Hứa Du vòng tay, nói giọng the thé:
— A Man huynh! Huynh đúng là thông minh cả đời mà hồ đồ một lúc, khi xưa làm sao bắt được Lã Bố, lẽ nào lại quên rồi ư?
Hứa Du ỷ là bạn bè từ nhỏ với Tào Tháo nên gọi thẳng tiểu danh của ông ra, các mưu sĩ đều cảm thấy đáng ghét, nhưng Tào Tháo đang quan tâm đến kế sách nên chẳng buồn để tâm:
— Năm xưa, đào sông Tứ cho nước ngập Hạ Phì mới bắt được Lã Phụng Tiên. Ở đây tuy có sông Chương Hà, nhưng Nghiệp Thành là tòa thành lớn, sao có thể dùng kế lấy nước nhấn thành được?
— Không thể dùng nước nhấn chìm, nhưng có thể dùng hào ngòi vây khốn bọn chúng!
Tào Tháo cười nói:
— Hứa Tử Viễn à, Nghiệp Thành chu vi bốn mươi dặm, nếu muốn đào hào xung quanh thành, há lại là việc dễ dàng ư? Thẩm Phối lại không thể ngồi nhìn bị vây khốn, nếu hắn xông ra tập kích thì làm thế nào?
— Ôi chao! Bẩm Tư không đại nhân, ngài đúng là chọc người ta tức chết mất! - Hứa Du ghé đến sát bên tai Tào Tháo nói nhỏ, - Ban ngày chúng ta... Đến tối ta lại...
Tào Tháo hai mắt sáng lên, vỗ tay cười lớn, kêu liền ba tiếng:
— Hay Hay Hay! - rồi giơ tay vẫy Hứa Chử, - Ngươi mau chuẩn bị ngựa cho lão phu, gọi cả thêm một đội vệ binh, theo ta đến Chương Hà xem xét địa hình.
— Sức khỏe của chúa công... - Bọn Tuân Du có ý muốn ngăn lại.
Tào Tháo xua tay:
— Lão phu đã không sao rồi. Còn chưa diệt được kẻ địch, ta sao dám ốm chứ? - Nói rồi liền đội khôi mặc giáp đứng lên đi luôn, quên bẵng cả cơn đau đớn khi nãy của mình.
Hoa Đà vội vàng ngăn lại:
— Minh công đợi thêm chút nữa, dùng thuốc xong rồi hãy đi.
Tào Tháo cảm thấy Hoa Đà dường như làm quá lên, cười bảo:
— Thuốc sắc xong rồi, tạm hãy để trong trướng, lão phu quay về rồi uống cũng chưa muộn! - Nói xong Táo Tháo vòng qua Hoa Đà ra khỏi đại trướng, nhưng rồi quay lại nói, - Hoa tiên sinh đã châm cứu giải được bệnh cho lão phu, từ nay trở đi hãy chuyển vào trung quân để tiện việc điều trị! Ngài cứ an tâm, lão phu vị trí đứng đầu quần thần, sẽ không để ngài phải thiệt thòi...
Hoa Đà thấy Tào Tháo không nghe theo lời thầy thuốc dặn dò, lại sắp đặt như thế, trong lòng thầm trách phận, từ nay trở đi e là sẽ phải luôn ở bên cạnh Tào Tháo rồi. Khi nãy tuy ông ấy chưa nói thẳng ra, nhưng rõ ràng là không tin vào bệnh lý mà mình nói, chỉ là còn chưa nói ra câu “thầy thuốc chỉ giỏi chữa những bệnh không có rồi cho là tài” mà thôi. Hơn nữa Tào Tháo vui buồn thất thường, dễ bị kích động, lại không chuyên tâm điều trị, chỉ muốn dùng thuật châm cứu để khỏi cho nhanh... Ông trời ơi hỡi! Chẳng phải là Hoa Đà ta bất tài, Tào Tháo bệnh này tuy không nặng, nhưng thực sự khó có thể trừ tận gốc vậy!
Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 6 Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 6 - Vuong Hieu Loi Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 6