Books are the bees which carry the quickening pollen from one to another mind.

James Russell Lowell

 
 
 
 
 
Tác giả: Haruki Murakami
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: 1973年のピンボール – 1973–Nen No Pinbouru
Dịch giả: Lapillus
Biên tập: 清宮如月
Upload bìa: Huy Pham
Số chương: 27
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 108
Cập nhật: 2025-02-16 13:53:15 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 12
áng thứ năm cũng của tuần đó, tôi mặc lên chiếc áo len đầu tiên của mùa thu. Một cái áo xám hoàn toàn không có đặc điểm nhận dạng, hơi sờn dưới cánh tay, nhưng vẫn khá thoải mái. Tôi cạo râu gọn gàng hơn một chút so với bình thường, xỏ chiếc quần âu may bằng vải cotton dày và lôi ra đôi bốt sa mạc đã mòn. Trông dưới chân tôi như đang có hai con cún đã được huấn luyện. Cặp song sinh thì lăng xăng khắp phòng nhặt nhạnh thuốc lá, bật lửa, ví và vé tàu của tôi.
Tôi ngồi xuống chiếc bàn ở phòng làm việc, gọt sắc sáu cây bút chì trong lúc nhấp cà phê mà cô thư ký pha cho mình. Cả căn phòng đều có mùi của áo len mới-lấy-khỏi-tủ và mùi chì viết.
Đến bữa trưa, tôi ra ngoài ăn và một lần nữa chơi đùa với mấy cô cậu mèo Abyssinian. Tôi thò đầu ngón tay út qua một cái lỗ trên lồng kính, và hai con mèo thi nhau nhảy lên để cắn.
Ngày hôm đó, có người trong cửa hàng thú cưng đã để tôi ôm một trong hai con mèo. Bộ lông của nó có cảm giác như vải cashmere cao cấp, đỉnh mũi lạnh của nó dụi vào môi tôi.
“Nó thật sự rất quấn quít với con người đấy,” nhân viên cửa hàng nói.
Tôi nói lời cảm ơn và trả con mèo lại vào lồng kính, rồi mua một hộp thức ăn cho mèo mà tôi không dùng. Người nhân viên gói nó lại cẩn thận, và trong lúc tôi kẹp nó dưới nách đi ra khỏi cửa hàng, hai con mèo dõi theo tôi chằm chằm như thể đang cố nhớ lại những mảnh vỡ của một giấc mơ.
Khi quay trở lại văn phòng, cô thư ký phủi những sợi lông mèo ra khỏi áo len của tôi.
“Anh có chơi với một con mèo,” tôi đưa ra một lời giải thích.
“Áo len của anh sờn hết dưới cánh tay rồi này,”
“Anh biết rồi. Nó đã thế từ năm ngoái, bị mắc vào cái gương chiếu hậu trong lúc anh cố húc đổ một cái xe bọc thép.”
“Cởi ra đi,” cô nói, không thấy có gì hài hước.
Tôi cởi cái áo len ra, còn cô thì ngồi xuống bên cạnh chiếc ghế, đôi chân dài vắt chéo, bắt đầu đan nó bằng cuộn len màu đen. Trong lúc cô sửa lại cái áo, tôi quay về bàn làm việc, gọt mấy cây bút chì cho buổi chiều và tiếp tục công việc. Kể cả nếu có ai muốn nói gì, họ cũng khó lòng chê trách thói quen làm việc của tôi. Làm đúng theo yêu cầu trong đúng thời gian đã được chỉ định, và thực hiện tận tâm nhất có thể – đó là phương pháp của tôi. Chắc chắn tôi sẽ được coi trọng nếu ở Auschwitz. Vấn đề là, những nơi hợp với tôi lúc nào cũng bị thời gian bỏ lại, tôi nghĩ vậy.
Nhưng chuyện đó có lẽ không có cách nào thay đổi được. Không thể quay lại thời vẫn còn Auschwitz hay những chiếc máy bay Kamikaze thả ngư lôi. Không còn ai mặc váy ngắn nữa, cũng không còn ai nghe nhạc Jan & Dean. Lần cuối người ta thấy một cô nàng đeo nịt vớ là khi nào?
Khi đồng hồ điểm đến ba, cô thư ký đi đến bàn tôi mang theo trà xanh nóng và ba miếng bánh quy như mọi ngày. Chiếc áo len đã được cổ sửa lại tươm tất.
“Này, em có thể nói chuyện với anh một chút được không?”
“Cứ thoải mái,” tôi gặm cái bánh quy và nói.
“Về chuyến đi tháng mười một,” cổ hỏi, “anh thấy Hokkaido thế nào?” Chúng tôi đang lên kế hoạch cho một chuyến du lịch của công ty, chỉ ba người chúng tôi.
“Không tệ,” tôi nói.
“Thế thì quyết vậy đi. Anh có nghĩ là sẽ gặp được con gấu nào không?”
“Hừm, anh nghĩ chúng nó chắc sẽ đi ngủ đông hết rồi.”
Cổ gật đầu nhẹ nhõm, “Nhân tiện, tối nay anh đi ăn tối với em nhé? Gần đây có một nhà hàng tôm hùm hảo hạng.”
“Được thôi,” tôi nói.
Nhà hàng nằm ở một khu dân cư yên ắng, cách văn phòng năm phút đi taxi. Chúng tôi ngồi xuống, và một tay bồi bàn trong bộ vest màu đen lặng lẽ trôi qua tấm thảm đan bằng cọ để đưa cho chúng tôi hai cái thực đơn có kích cỡ của hai cái ván bơi.
Chúng tôi gọi hai suất bia trước khi ăn tối.
“Tôm hùm ở đây ngon lắm. Họ luộc tươi nguyên con.”
Tôi ghi nhận điều này bằng một cái ậm ừ và uống chỗ bia của mình. Những ngón tay thon của cô mân mê với cái dây chuyền hình ngôi sao nằm trên rìa cổ.
“Nếu em có gì muốn nói thì nên nói ra trước khi đồ ăn đến,” tôi bảo. Tôi hối hận ngay khi vừa dứt lời. Lần nào cũng vậy.
Cô khẽ mỉm cười. Thế rồi, có lẽ việc trả cái nụ cười hai ly đó về đúng chỗ của nó thì khá là cực, nên cô để nó lại trên môi trong một thời gian. Nhà hàng vắng đến nỗi bạn có thể nghe được bọn tôm hùm ve vẩy những sợi râu của chúng.
“Anh có thích công việc hiện tại không?” cô hỏi.
“Hừm, anh không nghĩ là mình từng suy nghĩ về công việc theo cách đó. Nhưng anh không thể nói là mình đang bất mãn với nó.”
“Em cũng thế, em cũng không có gì để phàn nàn,” cô đáp lại, hớp một ngụm bia. “Mức lương khá, hai anh đều là người chu đáo, và em có thể rảnh tay thu xếp kỳ nghỉ của mình.”
Tôi không nói gì. Đã quá lâu rồi tôi mới lắng nghe nỗi băn khoăn của người khác một cách nghiêm túc.
“Nhưng em mới chỉ hai mươi,” cô nói tiếp, “em không muốn một kết cục như thế này.”
Cuộc đối thoại của chúng tôi tạm thời bị gián đoạn trong lúc họ sắp đĩa ra trên bàn.
“Em còn trẻ,” tôi nói, “vẫn còn mọi thứ ở phía trước, tình yêu, hôn nhân. Cuộc đời em sẽ còn cả 311 sự thay đổi nữa.”
“Sẽ chẳng có gì thay đổi cả,” cô lẩm nhẩm, cầm lên dao nĩa và thuần thục tách vỏ tôm hùm. “Sẽ không có ai thích cái loại người như em, dành cả đời để đặt mấy cái bẫy gián vớ vẩn và sửa áo len.”
Tôi thở dài. Có cảm giác như tôi bỗng già đi mấy tuổi.
“Em là một cô gái dễ thương này, hấp dẫn này, chân dài này, suy nghĩ cũng rất thấu đáo. Em khéo biết cách bóc vỏ tôm hùm nữa. Mọi thứ rồi sẽ ổn cả thôi.”
Một sự im lặng âu sầu bao trùm lên cô trong lúc cô tiếp tục ăn con tôm hùm. Tôi cũng ăn tiếp con tôm của mình. Suốt cả lúc ấy tôi nghĩ về cái bảng chuyển mạch đang nằm dưới đáy hồ thủy điện.
“Hồi hai mươi tuổi anh làm gì?”
“Lúc đó anh mê mẩn với một cô gái.” Hồi năm 1969, năm của chúng tôi.
“Vậy chị ấy giờ ra sao?”
“Có một vài chuyện đã xen vào giữa bọn anh.”
“Anh có hạnh phúc không?”
“Nếu em nhìn sự vật từ đằng xa,” tôi đáp trong lúc nuốt mấy miếng tôm hùm, “hầu hết thứ nào trông cũng đều đẹp đẽ.”
Đến lúc chúng tôi đã chén xong, trong này mới bắt đầu ngập tràn khách khứa, cùng tiếng lanh canh của dao nĩa, tiếng rít của ghế bị kéo đi. Tôi gọi một cốc cà phê, còn cô thì gọi cà phê cộng thêm một cái bánh phồng chanh.
“Còn bây giờ thì sao? Anh có bạn gái không?”
Sau khi suy nghĩ kỹ, tôi quyết định bỏ qua cặp song sinh. “Không,” tôi trả lời.
“Anh không thấy cô đơn sao?”
“Quen rồi, anh đã tập luyện kha khá.”
“Tập luyện?”
Tôi thắp một điếu thuốc và thổi làn khói lên cách đầu cô chưa đầy nửa mét. “Anh được sinh ra dưới một vì sao kỳ lạ. Thứ gì anh muốn có, anh luôn luôn có được. Nhưng mỗi khi anh có được thứ đó, anh lại làm hỏng một thứ khác. Em hiểu anh không?”
“Đại loại là có.”
“Không ai tin anh, nhưng thực tế là vậy. Chính anh mới chỉ nhận ra ba năm về trước. Đó cũng là lúc anh nghĩ, thà đừng mong muốn điều gì nữa thì hơn.”
Cô gật đầu. “Và đó là cách mà anh định sống phần đời còn lại của mình sao?”
“Có lẽ vậy. Ít nhất thì anh sẽ không làm phiền ai.”
“Nếu anh thực sự nghĩ như vậy,” cô nói, “sao không chui vào cái hộp để giày mà sống?”
Một ý tưởng thật hấp dẫn.
Chúng tôi đi cạnh nhau tới nhà ga. Chiếc áo len giữ cho tôi được thoải mái trong tiết trời đêm.
“Được rồi, em sẽ cố gắng tiếp vậy,” cổ nói.
“Anh không giúp được gì nhiều nhỉ?”
“Đâu có, kỳ thực, chỉ cần nói ra là em đã trút được đống gánh nặng rồi.”
Hai chúng tôi bắt hai con tàu đi về hướng đối diện trên cùng một sân ga.
“Anh không cô đơn thật chứ?” cô hỏi một lần cuối. Và trong lúc tôi còn đang tìm kiếm một câu trả lời hay ho, chuyến tàu của cô đã đến.
Pinball Năm 1973 Pinball Năm 1973 - Haruki Murakami Pinball Năm 1973