Số lần đọc/download: 4557 / 45
Cập nhật: 2015-10-05 14:43:53 +0700
Chương 13
S
au đó, ba năm liền, Nekhliuzov không gặp Katiusa.
Đến khi gặp lại nàng trong dịp ghé thăm các cô trên dường đi tới đơn vị - chàng mới được đề bạt sĩ quan - thì chàng đã thành một người hoàn toàn khác con người đến nghỉ hè ở đây ba năm trước.
Hồi ấy, chàng còn là một thanh niên trung thực khảng khái, hào hiệp, lúc nào cũng sẵn sàng hiến thân cho mọi nghĩa cử; bây giờ, chàng chỉ còn là một kẻ vị kỷ tinh vi, một gã trác táng, chỉ yêu quý có sự khoái lạc của mình. Trước kia, đối với chàng, thế giới thần linh là một điều bí ẩn chàng thích thú, say sưa, gắng công khám phá; bây giờ, chàng thấy mọi sự trên đời nầy đều đơn giản, rõ ràng và do hoàn cảnh của cuộc sống quanh mình quyết định. Nếu trước kia chàng coi sự cảm thông với thiên nhiên, với những người đã từng sống, từng cảm, từng nghĩ trước chàng (các triết gia, thi nhân) là cần thiết và quan trọng thì nay chàng lại coi những tổ chức do con người đặt ra và sự cảm thông với bè bạn mới là cần thiết và quan trọng. Trước kia, chàng coi phụ nữ là loại người huyền bí; bây giờ thì phụ nữ, phụ nữ nào cũng vậy trừ những người thân và vợ bạn ra - đối với chàng đều có một ý nghĩa rất rành mạch: họ chỉ là một công cụ tốt nhất để đem lại thứ khoái lạc mà chàng đã thưởng thức. Trước kia, chàng chẳng cần gì đến tiền, chàng tiêu không hết một phần ba số tiền mẹ gửi cho; chàng đã có thể khước từ cái gia tài của cha để lại và đem trao nó cho nông dân; bây giờ thì chàng thấy số một nghìn năm trăm rúp của mẹ cấp cho hàng tháng là không đủ và đã nhiều lần vì chuyện tiền nong, chàng phải lời qua tiếng lại với mẹ. Trước kia chàng coi con người tinh thần của mình mới là (cái "tôi") chân chính; bây giờ thì chàng lại coi (cái "tôi) khỏe mạnh, nhanh trai, thú vật mới thật là mình.
Và sở dĩ có sự biến đổi ghê gớm đó trong con người Nekhliuzov, chỉ là vì chàng đã không tin ở mình nữa mà chuyển sang tin vào người khác. Có sự thay đổi về lòng tin như vậy là vì chàng thấy sống mà chỉ tin vào mình thì thật là khó quá: tin vào mình thì mọi việc đều phải quyết định ngược lại (cái "tôi") thú vật, nó chỉ tìm những khoái lạc dễ dàng mà hầu như lúc nào mình cũng phải chống lại nó; còn như tin vào người khác thì chẳng phải quyết định sẵn trước, ngược lại (cái "tôi") tinh thẩn và lời cho (cái "tôi") thú vật. Hơn nữa, tin ở mình thì luôn luôn bị mọi người lên án, tin vào kẻ khác thì chắc chắn được mọi người chung quanh tán thành.
Cho nên Nekhliuzov nghĩ, đọc, nói về Thượng đế, về chân lý, về giầu nghèo ở đời thì tất cả những người chung quanh đều cho chàng là gàn dở, thậm chí là lố bịch nữa, ngay cả mẹ và các cô cũng gọi đùa chàng là "nhà triết học thân mến của chúng ta"; nhưng trái lại, khi chàng xem tiểu thuyết, kể chuyện cười tục tĩu, đi xem kịch, vui tếu ở nhà hát Pháp, rồi thích thú kể lại cho mọi người nghe thì ai nấy đều khen và khuyến khích chàng. Khi thấy phải giảm bớt nhu cầu của bản thân, chàng có mặc một tấm "măng tô" cũ, hoặc nhịn rượu thì tất cả mọi người đều cho chàng là kỳ khôi, là lập dị; song trái lại, khi chàng tiêu xài phung phí vào những cuộc đi săn hoặc để sắm sửa xa hoa, trang trí phòng làm việc của mình thì ai nấy đều khen chàng là biết chơi, có khiếu thẩm mỹ, và tặng chàng những vật quý giá. Khi chàng còn trinh bạch và ngỏ ý muốn giữ mình trong trắng cho tới khi lấy vợ thì cả nhà đều lo ngại cho sức khỏe của chàng; trái lại, khi mẹ chàng được tin con đã thực sự thành đàn ông và mới phỗng nhân tình của bạn, một cô ả người Pháp nào đó thì chẳng những bà không buồn phiền mà hầu như còn vui mừng là khác. Nhưng về câu chuyện đã xảy ra với Katiusa và việc Nekhliuzov có thể có ý định lấy nàng làm vợ thì cứ nghĩ đến là bà lại lo sợ.
Lại như việc Nekhliuzov khi đến tuổi trưởng thành đã đem chia cho nông dân cái gia sản nhỏ thừa hưởng của cha vì thấy quyền chiếm hữu ruộng đất là bất công, thì cũng vậy việc làm nầy đã khiến mẹ chàng và cả họ hàng kinh ngạc, mọi người không ngớt lời trách móc chê cười Người ta nói đi nói lại rằng nông dân sau khi nhận ruộng đất của chàng, đã chẳng giầu thêm gì mà còn nghèo đi vì họ đã dựng ngay ba quán rượu ở trong làng và chẳng thiết làm ăn gì nữa. Nhưng đến khi được sung vào đội cận vệ, chàng đàn đúm với bạn bè (trong giới thượng lưu), ăn chơi, cờ bạc đến nỗi mẹ chàng, bà Elena Ivanovna phải rút bớt vốn ra lấy tiền cho chàng thì hầu như bà chẳng buồn phiền vì bà cho rằng con bà đang tuổi trẻ, giao du với những người lịch sự thì chơi bời như thế cũng như được chủng đậu thôi, nó là đương nhiên và cũng là điều hay.
Buổi đầu, Nekhliuzov có đấu tranh cưỡng lại, nhưng cưỡng lại thì thật quá gay go. Vì tất cả những gì khi tin ở mình chàng cho là hay thì mọi người lại cho là dở, ngược lại tất cả những gì chàng cho là dở, mọi người coi là hay.
Cuối cùng, chàng đã đầu hàng, không tin ở mình mà quay sang tin ở người. Lúc đầu, chàng cũng thấy khó chịu vì phải tự phủ nhận mình như thế, nhưng cái cảm giác khó chịu ấy cũng qua đi rất nhanh và chẳng mấy chốc, khi đã bắt đầu hút thuốc và uống rượu, chàng không còn cảm thấy khó chịu nữa và, thậm chí còn thấy nhẹ nhõm trong lòng.
Với bản chất sôi nổi, Nekhliuzov lao mình vào cuộc sống mới được mọi người xung quanh tán tụng đó, và chàng bóp nghẹt trong tâm khảm mình cái tiếng nói đang đòi hỏi một cái gì khác thế. Quá trình nầy bắt đầu từ sau khi chàng tới Petersburg và kết thúc vào lúc chàng nhập ngũ.
Nói chung cuộc đời quân dịch làm sa đoạ con người vì nó đặt người ta vào cảnh sống ăn không ngồi rồi nghĩa là chẳng làm một việc gì hợp lý và có ích cả. Nó khiến con người thoát ly những đạo nghĩa thông thường của loài người và chỉ việc sống theo cái danh dự có tính chất ước lệ của trung đoàn, của quân phục, của quân kỳ và một mặt thì có quyền tha hồ tác oai, tác phúc với một số người khác, còn một mặt thì nô lệ phục tùng các cấp chỉ huy.
Nhưng khi cộng vào cái sa đoạ của cuộc đời quân dịch nói chung với nào là danh dự của quân phục, quân kỳ, nào là quyền được tàn bạo và giết chóc, là cái sa đoạ của giàu có và sự thân cận với hoàng gia như trường hợp của những trung đoàn cận vệ chỉ gồm toàn những sĩ quan con nhà giàu có và tai mắt thì sự sa đoạ đó đưa người ta đến một trạng thái vị kỷ điên cuồng cao độ. Từ ngày bước vào đời quân dịch, Nekhliuzov rơi vào chính trạng thái vị kỷ điên cuồng đó và bắt đầu sống như các bạn đồng ngũ.
Chẳng có việc gì ngoài cái việc thắng bộ binh phục do người khác may thật đẹp, chải thật sạch cho, đội chiếc mũ và đeo những vũ khí cũng do người khác chế tạo, trau chuốt và đưa đến tận tay, cưỡi một con tuấn mã cũng do người khác tập luyện chăn nuôi để đi tập trận và duyệt binh cùng với những kẻ như thế rồi phi ngựa, múa kiếm, bắn súng và dạy bắn súng cho người khác. Đó, tất cả công việc chỉ có thế, vậy mà nó đã được những kẻ quyền cao, chức trọng - trẻ có già có, cả đến nhà Vua và bọn cận thần - không những tán thành mà còn khen ngợi và tỏ lòng biết ơn nữa. Ngoài ra, còn có một việc được coi là hay và quan trọng là vung tay quá trán, xài phí những món tiền không hiểu từ đâu ra để cùng nhau ăn uống, nhất là để uống trong những câu lạc bộ sĩ quan hay những quán rượu sang trọng nhất, rồi nhà hát, khiêu vũ gái, và lại cưỡi ngựa, múa kiếm, phi nước đại, lại vung tiền và rượu, cờ bạc và gái.
Lối sống như vậy làm sa đoạ quân nhân một cách đặc biệt vì một người dân thường mà sống kiểu như vậy chắc trong thâm tâm không khỏi lấy làm hổ thẹn, trái lại quân nhân lại coi cuộc sống như vậy là cần thiết, đáng khoe khoang, tự hào, nhất là trong hoàn cảnh thời chiến như Nekhliuzov lúc bấy giờ. Chàng nhập ngũ sau khi nước Nga tuyên chiến với Thổ Nhĩ Kỳ(1). "Ta sẵn sàng hy sinh tính mạng trong chiến tranh và vì thế kiểu sống ăn chơi không lo nghĩ nầy chăng những không có gì là tội lỗi mà còn là cần thiết nữa. Ta cứ việc sống như vậy".
Nekhliuzov cứ mơ hồ nghĩ như thế trong giai đoạn đó của đời chàng, chàng vui mừng vì đã thoát khỏi mọi ràng buộc về đạo đức mà trước đây chàng đã tự đặt mình vào, và chàng để tâm hồn liên miên sa vào một trạng thái vị kỷ điên cuồng kinh niên.
Nekhliuzov chính đang ở trong trạng thái tinh thần như vậy khi chàng ghé thăm các cô sau ba năm cách biệt.
Chú thích:
(1) Đây là nói đến cuộc chiến tranh Nga-Thổ (1877 1878)