Nguyên tác: The Bookseller Of Kabul
Số lần đọc/download: 2033 / 51
Cập nhật: 2015-11-23 23:45:13 +0700
Mưu Toan
M
ột buổi xế chiều. Leila trùm burkha, đi giày cao gót và bước ra khỏi nhà. Cô đi qua khung cửa đã long cả cánh, chỗ phơi quần áo, qua sân. Cô nhặt lấy một cậu bé hàng xóm để làm hộ vệ. Hai người đi qua một cây cầu bên trên Kaboul và biến mất vào một trong những con đường trồng cây hai bên hiếm hoi của thành phố. Họ đi qua trước mặt những cậu bé đánh dày, những người bán da và những người bán bánh mì. Và những người đang ở đó đúng là để mà lang thang. Leila sợ chính những người đó, những kẻ rỗi hơi, hay chỉ dùng thời giờ để mà nhìn ngắm linh tinh.
Lần đầu tiên kể từ đã lâu lắm, lá cây đang trở màu xanh. Suốt ba năm nay, Kaboul không hề có một giọt mưa và các mầm cây chưa nở đã rụi hết. Mùa xuân năm nay, mùa xuân đầu tiên sau cuộc tháo chạy của bọn taliban, trời mưa rất nhiều, những cơn mưa trời cho, những cơn mưa tuyệt diệu. Không chỉ sông Kaboul tràn cả bờ, mà những cây cối hiếm hoi còn sống sót cũng đã bắt đầu nảy mầm và xanh tươi trở lại. Mưa đã nhiều đủ để bụi lắng xuống. Bụi, cái thứ bụi cát rất mịn ấy, là nỗi đày đọa ở Kaboul. Khi trời mưa, nó biến thành đất sét, khi trời khô nó bốc lên vần vũ và nghẹt cứng cả mũi, biến thành bùn trong phổi. Buổi sáng hôm đó, trời mưa và không khí đã mát dịu đi. Nhưng khí mát không lọt vào được dưới tấm burkha. Leila chỉ ngửi thấy cái mùi bồn chồn của chính hơi thở mình và tiếng mạch đập bên thái dương.
Trên tường một ngôi nhà xây bằng bê tông, nhà số bốn khu Microyan, có những tấm bảng lớn ghi rõ "Lớp học". Những hàng người sắp dài trước các tấm bảng đó, ở đây người ta mở những lớp xóa nạn mù chữ, lớp tin học và lớp học viết. Leila muốn ghi danh vào lớp học tiếng Anh. Trước lối vào, hai người đàn ông ngồi ở một chiếc bàn. Leila nộp tiền xin học và đứng sắp vào hàng trăm người phụ nữ đang chuẩn bị đi tìm phòng học. Họ bước xuống các bậc cấp và đi vào một tầng hầm trông giống như hầm tránh bom. Những vết đạn vẻ các đường nguệch ngoạc trên tường. Thời nội chiến chỗ này, nằm ngay bên dưới các căn hộ, đã được dùng làm kho chứa vũ khí. Các "lớp học" được ngăn bằng những tấm gỗ. Mỗi ngăn có một tấm bảng đen, một chiếc que và mấy chiếc ghế dài. Một số ngăn cũng có bàn. Tiếng rì rầm nho nhỏ vang lên đâu đó, hơi nóng dìu dịu.
Leila tìm được lớp của mình. Tiếng Anh cho người mới bắt đầu. Cô đến sớm, cùng với vài anh chàng ngốc. Có thể thật thế này ư? Có cả con trai trong lớp? Cô đã định quay lui, bỏ về, nhưng cố lấy hết can đảm và ở lại. Cô ngồi ở hàng cuối. Hai cô gái trẻ đứng im trong một góc phòng. Nhiều tiếng nói chuyện ồn ào. Mãi một hồi lâu thầy giáo mới tới. Bọn con trai viết nguệch ngoạc lên bảng. "Pussy", Duck", "Fuck"[21]. Leila nhìn các chữ ấy, dửng dưng. Cô có mang theo cuốn từ điển Anh-Afganistan của mình, cô mở ra bên dưới bàn, không để cho bọn con trai nhìn thấy. Các từ ấy không có trong từ điển. Cô cảm thấy rất khó chịu. Cô chỉ có một mình, hay gần như một mình, giữa một đám đông con trai cùng tuổi cô. Lẽ ra cô không bao giờ nên đến đây, cô lấy làm ân hận. Và nếu họ lại nói chuyện với cô thì biết làm sao. Thật là xấu hổ! Cô lại còn bỏ cả burkha ra, nghĩ rằng không nên choàng burkha trong lớp. Bây giờ thì đã quá muộn, cô đã phơi mặt ra mất rồi.
Thầy giáo đến và bọn con trai vội xóa những chữ chúng đã viết lên bảng. Một giờ đau khổ bắt đầu. Mọi người đều phải tự giới thiệu, nói rõ tuổi của mình và vài từ tiếng Anh. Thầy giáo, một thanh niên dong dỏng cao, đưa chiếc que chỉ vào cô và yêu cầu cô nói. Cô có cảm giác đau quặn cả người trước bọn con trai này. Cô thấy mình bị làm ô uế, bị phơi mình ra, tự làm mất danh dự. Cô đã nghĩ gì mà lại vác mặt đến cái lớp học này? Không bao giờ cô lại có thể nghĩ rằng lớp học lại có nam nữ lẫn lộn. Không bao giờ. Đây không phải là lỗi tự cô.
Cô không dám bỏ ra về. Thầy giáo có thể buộc cô phải nói rõ lý do. Nhưng đến cuối giờ, cô chạy bổ ra cửa. Cô khoác vội chiếc burkha và chạy ra ngoài. Khi đã về đến nhà an toàn, cô mắc tấm burkha lên chiếc đinh ở hành lang.
- Thật là kinh khủng! Có cả con trai trong lớp!
Mọi người há hốc cả mồm ra.
- Vậy là không tốt, mẹ cô bảo. Con không được trở lại đó nữa.
ý nghĩ đó thậm chí không hề thoáng qua trong đầu cô. Bọn taliban đã cút đi rồi, nhưng chúng vẫn còn tồn tại trong đầu cô. Và trong đầu Bibi Gul, Sharifa và Sonya. Những người phụ nữ ở Microyan vui mừng vì thời taliban đã chấm dứt. Cuối cùng họ đã được nghe nhạc, được nhảy múa, được sơn móng tay - miễn là đàn ông không nhìn thấy và bao giờ họ cũng giấu kín dưới những tấm burkha.
Leila là một đứa con đẻ chính cống của nội chiến, của chế độ mollah và taliban. Cô là con đẻ của nỗi sợ. Cô khóc thầm. Mưu toan được bừng nở, được chứng tỏ sự độc lập của mình, được học hành đôi điều gì đó, đã sụp đổ. Vậy mà đây lại là lúc cô có quyền làm những điều đó. Ngăn trở duy nhất đối với cô là chính cô. Giả như Sultan để cho cô được đến trường trung học, thì có chuyện gì đâu. ở đấy là những lớp học cho con gái.
Cô ngồi trong bếp để thái tỏi và khoai tây. Sonya đang ngồi đó ăn trứng rán và cho Latifa bú. Leila không sức đâu mà nói chuyện với cô ta, cái cô ngốc nghếch thậm chí không học đến vần chữ cái, cũng chẳng hề thử học. Sultan đã mời cả một người phụ đạo đến dạy cô ta học đọc và viết, nhưng rồi cô ta quên tất, buổi học nào cũng là buổi bắt đầu lại, và sau khi đã học được năm chữ trong vài tháng, cô ta đã bỏ luôn và xin chồng cho cô được miễn cái món học hành đó.
Ngay từ đầu, Mansur đã chế nhạo những buổi học riêng đó.
- Khi một người đàn ông đã có mọi thứ và không còn biết làm gì nữa, thì ông ta dạy cho con lừa của mình học nói, cậu vừa cười vừa nói to.
Ngay cả Leila vốn không thích phần lớn những lời nói của Mansur cũng không nhịn được cười.
Leila cố vươn lên cao hơn Sonya và đặt cô ta trở lại đúng vị trí của mình khi cô ta nói một điều gì đó ngu ngốc hay không thể làm được một việc gì đó, nhưng chỉ là khi nào không có mặt Sultan. Trong con mắt Leila, Sonya chỉ là cô bé nhà quê khốn khổ đã leo lên được địa vị giàu sang tương đối của họ chỉ vì Sultan thấy cô ta đẹp. Cô không thích cô ta, vì tất cả những ưu ái mà Sultan dành cho cô ta và vì sự bất công sờ sờ trong sự phân công giữa cô ấy và mình. Thực ra cô chẳng có điều gì chống lại Sonya, cô ta suốt ngày chỉ ngồi đấy, dịu dàng, lẳng lặng, nhìn mọi việc diễn ra chung quanh mình. Cô ta không lười biếng, ở làng cô ta làm việc cho bố mẹ rất tốt, chính Sultan không để cho cô làm. Khi ông không có nhà, cô sẵn sàng làm một đôi công việc. Song dẫu sao cô cũng khiến Leila khó chịu. Suốt ngày cô ta chờ đợi Sultan và nhảy bổ vào ông mỗi khi ông trở về. Khi ông đi giao dịch xa, cô chẳng tắm gội và ăn mặc rách rưới. Khi ông ở nhà, cô đánh phấn đến mức làn da tối sẫm của cô trở nên trắng, bôi thâm quầng mắt và đánh môi son.
Sonya đã chuyển từ một đứa trẻ con thành một người vợ ở tuổi mười sáu. Trước khi cưới, cô đã khóc, nhưng là một cô gái có giáo dục, cô đã nén mình lại. Cô đã lớn lên mà chẳng chờ đợi gì ở cuộc đời và Sultan đã biết tận dụng hai tháng đính hôn. Ông đã lo lót bố mẹ cô để được ở riêng một mình với cô trước khi cưới. Thông thường trong thời gian từ khi đính hôn cho đến khi cưới đôi tân hôn không được phép gặp nhau, cũng ít khi điều đó được tôn trọng. Tuy nhiên, cùng nhau đi sắm đồ đạc là một chuyện, còn ngủ với nhau lại là chuyện khác. Chưa bao giờ thấy có chuyện đó. Cậu anh trai của Sonya đã định cầm dao bảo vệ danh dự của cô em gái khi biết Sultan đã mua chuộc bố mẹ cậu để được ngủ với Sonya trước lễ cưới, nhưng Sultan đã mua được sự im lặng của ông anh nổi loạn đó và do vậy đạt được điều ông muốn. Theo ông, đấy chính là ông giúp cho Sonya.
- Phải chuẩn bị cho cô ấy trước đêm tân hôn, cô ấy còn rất trẻ, còn tôi thì là người đã từng trải, ông giải thích với bố mẹ cô như vậy. Lúc này, hai chúng tôi càng được sống gần nhau nhiều, thì đêm tân hôn cô ấy sẽ đỡ bị sốc hơn. Nhưng tôi xin hứa sẽ không lợi dụng cô ấy đâu.
Từng bước, ông đã chuẩn bị cho cô gái mười sáu tuổi ấy bước vào đêm tân hôn.
Hai năm sau, Sonya đã thấy thỏa mãn với cuộc sống bình lặng của cô. Cô chẳng có nguyện vọng gì khác hơn là được ở nhà, thỉnh thoảng về thăm bố mẹ và đón tiếp họ đến thăm cô, lâu lâu nhận được một chiếc áo mới và năm năm một lần được một chiếc vòng bằng vàng. Một lần, Sultan đã dẫn cô theo trong một chuyến đi giao dịch của ông sang Téhéran. Hai người ở lại bên ấy một tháng, và khi họ trở về, những ngời phụ nữ khác ở Microyan tò mò muốn biết cô đã sống ở nước ngoài như thế nào, nhưng Sonya tuyệt nhiên chẳng có chuyện gì để kể lại cả. Họ đã ở nhà bà con, cô đã chơi với Latifa như thường lệ. Cô chỉ thoáng nhìn thấy Téhéran và cũng chẳng hề ham thích đi khám phá cái thành phố ấy. Điều duy nhất cô có thể kể lại là cô thấy hàng hóa ở hiệu bách hóa Téhéran đẹp hơn ở Kaboul.
Sonya chỉ có một mối lo chính là có thêm con. Chính xác, là có con trai. Lúc này cô lại đang có thai và cô rất lo sợ lại đẻ con gái. Khi Latifa nắm lấy chiếc khăn quàng của cô và giật đi hay đùa nghịch với nó, Sonya tát cho nó một phát và quấn khăn lại, bởi vì khi đứa bé sinh trước đùa nghịch với chiếc khăn quàng của mẹ, ấy là điềm đứa con sắp sinh sẽ là con gái.
- Nếu tôi sinh con gái, Sultan sẽ lấy một cô vợ ba, cô tâm sự với cô em dâu sau một lúc im lặng.
- Anh ấy bảo thế à? Leila ngạc nhiên.
- Hôm qua.
- Anh ấy chỉ dọa chị thôi.
Sonya không nghe.
- Tôi không nên sinh con gái, tôi không nên sinh con gái, cô lầm bầm trong khi đứa con gái một tuổi của cô đang ngủ thiếp đi trong lòng cô, vì tiếng nói đều đều của cô.
Cô ấy đần như một con ngỗng, Leila nghĩ về bà chị dâu vừa đúng bằng tuổi mình.
Leila chẳng muốn chuyện trò. Cô biết cô phải ra đi. Cô biết cô không đủ sức sống suốt ngày nay qua ngày khác ở nhà cùng với Sonya, Sharifa, Bulbula và mẹ cô. Tôi đến điên lên mất. Tôi không còn đủ sức sống ở đây nữa, cô tự nhủ. Tôi chẳng có việc gì cả để làm trong cái nơi chẳng ai coi tôi là người nhà này.
Cô nghĩ đến Fazil, đến cái cách Sulan đã đối xử với cậu ấy. Chính điều đó khiến cô có thể thấy rõ đã đến lúc phải tự mình cất cánh bay thoát đi và phải cố đi học lớp tiếng Anh.
Cậu bé mười một tuổi ngày nào cũng phải làm việc và mang vác những chiếc thùng đến hiệu sách, buổi tối cậu ăn tối cùng với gia đình và đêm nằm co ngủ trên chiếc chiếu bên cạnh chiếu của Leila. Fazil là con trai đầu của Mariam và là cháu của Sultan và Leila. Mariam và chồng chị không thể nuôi được cả đàn con quá đông và Sultan thì lại cần người giúp việc ở cửa hàng, nên họ vui mừng được ông đề nghị để ông nuôi cậu bé và cho cậu ở nhà ông. Bù lại, Fazil phải làm việc chết xác mười hai tiếng một ngày. Ngày tự do duy nhất của cậu là ngày thứ sáu, khi đó cậu được phép về nhà với bố mẹ.
Fazil lấy làm mừng. Suốt ngày cậu vác và xếp những chiếc thùng ở cửa hàng, buổi tối thì chơi đùa hay đánh nhau với Aimal. Người duy nhất cậu không ưa là Mansur, cứ mỗi lần cậu làm việc gì không đúng là Mansur lại cốc lên đầu và đấm vào lưng cậu, nhưng cũng có khi Mansur biết tỏ ra tốt bụng và đột ngột dẫn cậu vào một cửa hiệu mua quần áo mới cho cậu hay mời cậu cùng ăn. Nói chung, Fazil quý cuộc sống cách xa những con đường lầy lội ở làng cậu. Nhưng một buổi tối, Sultan bảo:
- Ta đã chán mày rồi. Trở về nhà mày đi. Từ nay đừng đến cửa hàng nữa.
Mọi người trong gia đình đều sửng sốt. Chính ông ta đã hứa với Mariam sẽ chăm lo cho cậu trong một năm. Không ai nói gì. Kể cả Fazil nữa. Thoạt tiên cậu nằm trên chiếc chiếu của mình mà khóc, Leila đã cố dỗ cậu, nhưng dẫu sao cũng chẳng còn có thể nói gì nữa, lời nói của Sultan là luật pháp.
Sáng hôm sau, cô gói mấy cái đồ đoàn của cậu và đưa cậu về nhà. Tự cô phải giải thích cho Mariam vì sao cậu bị đuổi về: Sultan đã chán cậu.
Cô giận điên người lên. Làm sao Sultan có thể đối xử với Fazil như vậy? Rất có thể lần sau sẽ đến lượt cô bị ông ấy tống cổ đi. Cô phải tự mình tìm một lối thoát.
Leila nung nấu một kế hoạch mới. Một buổi sáng, sau khi Sultan và các cậu con trai của ông đã đi làm, cô lại trùm burkha và luồn ra khỏi nhà. Lần này nữa, cô lại tìm một cậu bé đi cùng. Hôm nay, cô đi một con đường khác, đi hẳn ra ngoài khu Microyan, cái sa mạc bằng bê tông đã bị trúng bom ấy. ở phía rìa của khu này, các ngôi nhà đã bị hư hại đến mức không còn có thể ở được nữa. Tuy nhiên một đôi gia đình vẫn trú ngụ trong đống đổ nát đó và sống nhờ lòng từ thiện của những người láng giềng cũng chỉ đỡ khó khăn hơn họ đôi chút nhưng dẫu sao cũng còn có được một cái mái nhà che nắng che mưa. Leila đi ngang qua một bãi cỏ nhỏ, ở đấy một bầy dê đang gặm cỏ trong khi người chăn dê nằm ngủ lơ mơ dưới bóng cái cây duy nhất còn lại. Đây là ranh giới giữa thành phố và làng. Bên kia bãi cỏ bắt đầu ngôi làng Deh Khudaùdad. Trước hết Leila đến nhà Shakila, chị cô.
Saùd, cậu con trai đầu của Wakil chồng mới cưới của Shakila mở cửa cho cô. Cậu thiếu ba ngón ở một bàn tay. Cậu bị mất chúng khi đang sửa chữa một cái bình điện ô tô thì bình nổ, nhưng cậu lại kể với mọi người là cậu bị vướng mìn. Vướng mìn nghe oai hơn, gần như là đã ra trận vậy. Leila không thích cậu ta, cô thấy cậu chất phác và thô lỗ. Cậu không biết đọc cũng chẳng biết viết và ăn nói như một người nông dân, giống như Wakil. Nhìn thấy cậu, cô rùng mình dưới tấm burkha. Cậu cười với cô và vuốt ve chiếc burkha của cô khi cô đi qua trước mặt cậu. Cô lại rùng mình. Cô rùng mình vì sợ cuối cùng cô sẽ rơi vào tay cậu. Quả thật rất nhiều người trong gia đình muốn tìm cách gán hai người với nhau. Và Shakila cùng với Wakil đã đến gặp Bibi Gul để xin hỏi cô.
- Còn quá sớm, Bibi Gul trả lời.
- Nhưng cũng sắp đến lúc rồi, Sultan vặn lại.
Chẳng có ai hỏi Leila xem cô nghĩ gì về việc đó và dẫu sao cô cũng giữ gìn không trả lời. Một cô gái có giáo dục không bao giờ trả lời khi người ta hỏi cô có thích một người nào đó không. Nhưng cô hy vọng, cô hy vọng sẽ thoát được khỏi tay cậu ta.
Shakila đi tới, người cô đung đưa. Tươi cười, rạng rỡ. Mọi nỗi lo lắng về việc cô lấy Wakil đều đã được giải toả. Cô được tiếp tục làm giáo viên sinh học. Bọn trẻ, con riêng của Wakil yêu mến cô, cô chùi mũi và giặt giũ quần áo cho chúng. Cô đã đề nghị và chồng cô đã đồng ý sửa sang lại nhà cửa, đưa tiền cho cô sắm rèm và gối mới. Cô đã cho bọn trẻ đến trường, vốn trước đây là điều Wakil và người vợ trước của anh chẳng mấy quan tâm. Khi mấy đứa lớn tuổi cau có vì phải ngồi cùng lớp với bọn trẻ con, cô chỉ trả lời đơn giản: nếu các con không chịu đi bây giờ thì sau này đi học sẽ càng rắc rối hơn.
Cô mừng vì cuối cùng cô đã có được người chồng của riêng mình. Đôi mắt cô rực lên những tia sáng mới. Trông rõ cô đang yêu. Sau ba mươi lăm năm độc thân, bây giờ cô bừng nở rực rỡ trong vai trò người vợ của mình.
Hai chị em ôm hôn nhau. Họ trùm burkha và ra đi. Leila đi giày cao gót thường dùng lúc đi ra ngoài, Shakila thì đi giày trắng cao nghệu trang trí những chiếc khuyên vàng óng, vốn là đôi giày cưới của cô. Giày là món trang sức quan trọng khi người ta không thể chưng lộ cơ thể, quần áo, tóc tai và cả khuôn mặt ra ngoài.
Họ nhảy qua những vũng bùn, bước đi trên mép đất sét đã khô cứng lại và trong các rãnh sâu do các bánh xe để lại, những hòn sỏi nhỏ lọt cả vào giày họ. Con đường họ đi là con đường dẫn đến trường học. Leila đến nộp đơn xin làm giáo viên. Đấy chính là kế hoạch bí mật của cô.
Shakila đã hỏi ở trường làng nơi cô làm việc và biết rằng không có giáo viên tiếng Anh. Leila chỉ đi học có chín năm, nhưng cô nghĩ cô có thể dạy tiếng Anh cho những người mới bắt đầu học. Khi ở bên Pakistan, cô có theo học các lớp tiếng Anh buổi tối.
Ngôi trường nằm sau một bức tường xây bằng đất sét cao đến nỗi không thể nhìn với qua được. Có một người bảo vệ già ngồi ở cổng. Ông gác không cho những người không có trách nhiệm được vào đây, đặc biệt là đàn ông, vì đây là trường dành cho con gái và tất cả giáo viên đều là nữ. Sân trường ngày trước là một đám đất đầy cỏ, bây giờ người ta đã trồng khoai tây. Quanh đám đất, người ta đã xây thành những ngăn dựa vào tường. Đấy là những phòng học ba mặt có tường; một bức tường lớn phía sau, và hai bức tường hai bên, còn mặt thứ tư thì nhìn ra đám đất trống. Mỗi ngăn chỉ có vài chiếc ghế dài, những chiếc bàn và một tấm bảng. Chỉ những cô gái lớn tuổi hơn cả mới có được ghế và bàn, những người khác ngồi dưới đất mà học. Nhiều học sinh không có tiền mua vở, họ dùng những tấm bảng đen nhỏ hay một mẩu giấy tìm được ở đâu đó.
Hết sức lộn xộn, mỗi ngày lại có thêm một tốp học trò mới đến xin học, các lớp học cứ phình ra mãi. Nhà cầm quyền đã biết cách làm cho mọi người chú ý nhiều đến chiến dịch cổ vũ đi học của họ. Khắp nước, đâu cũng thấy những tấm biển lớn vẻ những đứa bé rạng rỡ, tay cắp sách, với khẩu hiệu: "Trở lại nhà trường."
Khi Shakila và Leila đến, bà hiệu trưởng đang giải quyết việc xin vào học của một người phụ nữ tự khai là trước đây đã đi học được ba năm và muốn được bắt đầu vào học lớp chín[22].
- Tôi không tìm thấy tên bà trong các danh sách của chúng tôi, bà giám thị giải thích trong khi lục tìm trong một cuốn sổ danh sách học sinh tình cờ còn nằm lại trong một chiếc tủ hốc tường suốt thời kỳ taliban.
Người phụ nữ không nói gì.
- Bà có biết đọc và viết không?
Bà ta lưỡng lự. Cuối cùng, bà thú nhận là chưa hề đến trường bao giờ.
- Nhưng tôi rất muốn được bắt đầu học từ lớp sáu, bà thì thầm. ở lớp sơ đẳng, chúng nó còn bé quá, học cùng lớp với chúng thì nhục lắm.
Bà hiệu trưởng giải thích cho bà rằng nếu bà muốn học được một điều gì đó, thì phải bắt đầu từ chỗ khởi đầu, phải vào lớp dự bị. Trong một lớp có học sinh từ năm tuổi đến tuổi thiếu niên. Bà sẽ là người lớn tuổi nhất. Bà ta cảm ơn và bỏ đi.
Đến lượt Leila. Bà hiệu trưởng còn nhớ cô, từ trước thời taliban. Leila đã từng là học sinh trường này và bà hiệu trưởng muốn sẵn sàng nhận cô.
- Nhưng trước hết, em phải đăng ký đã. Em phải đem giấy tờ đến bộ Giáo dục và xin phép được làm việc ở đây.
- Nhưng bà không có giáo viên tiếng Anh, tự bà có thể đi xin cho được không? Hay bây giờ có thể em cứ bắt đầu đã, rồi sẽ xin phép sau?
- Không, em phải có phép riêng của nhà cầm quyền. Đó là qui định.
Những tiếng la hét của đám học trò nhỏ vang đến tận căn phòng mở toang này. Một nữ giáo viên cầm một chiếc thước bảo chúng phải im lặng và chúng lại trở vào lớp.
Thất vọng, Leila bước qua cánh cổng trường và tiếng ồn ào của đám học trò nữ nghe nhỏ dần đi. Cô trở về nhà, quên mất cả rằng cô đã đi giày cao gót một mình giữa đường. Làm sao cô có thể đi đến bộ Giáo dục mà không để ai nhìn thấy? Kế hoạch của cô là tìm được một việc làm trước đã rồi mới cho Sultan biết sau. Nếu ông biết trước, ông sẽ không cho đâu, còn nếu cô đã được nhận vào làm rồi, thì ông sẽ để cho cô được tiếp tục. Dẫu sao, các buổi lên lớp cũng chỉ mất vài giờ mỗi ngày, cô chỉ cần dậy sớm hơn và làm việc nhiều hơn.
Các giấy tờ chứng nhận của cô đều ở bên Pakistan. Cô đã muốn tháo lui cho xong, nhưng rồi cô nghĩ đến căn nhà tối tăm và bụi bặm ở Microyan, và cô đi đến trạm điện tín gần đấy. Cô gọi những người bà con ở Peshawar và nhờ họ tìm hộ các giấy tờ. Họ hứa sẽ giúp cô và gửi cho một người nào đó sẽ trở về Kaboul. Bưu điện Afganistan không hoạt động, nên các bưu kiện đều phải gửi tay cho du khách.
Vài tuần sau, giấy tờ được gửi đến. Công việc tiếp theo là đi đến bộ Giáo dục. Nhưng biết làm thế nào bây giờ? Dẫu thế nào, cô cũng không thể đi đến đó một mình. Cô nói với Yunus, nhưng cậu ta không ưa chuyện cô đi làm.
- Chị không bao giờ biết được chị có thể được nhận vào làm việc gì. Chi bằng cứ ở nhà mà chăm nom mẹ già.
Cậu em trai cô mến nhất chẳng giúp được gì cô. Thế là cô chẳng xong được việc gì cả. Đã đến niên học mới rồi.
- Muộn quá rồi, mẹ cô bảo. Phải chờ đến sang năm thôi, con ạ.
Leila lấy làm thất vọng. Hay là chính mình cũng không thật muốn đi dạy? cô tự nhủ để mà dễ dàng sổ toẹt luôn dự định của mình đi. Có thể là mình không còn muốn nữa?
Cô dẫm chân tại chỗ. Trong đám bùn lầy của xã hội và trong đám bụi bặm của các truyền thống. Cô dẫm chân tại chỗ trong cái cơ chế hằng trăm năm đã làm tê liệt một nửa nhân dân của đất nước này. Bộ Giáo dục nằm cách đấy có nửa tiếng xe buýt. Nửa tiếng không thể vượt qua. Leila không có thói quen đấu tranh, trái lại, cô vốn quen thối lui. Nhưng hẳn ở đâu đó vẫn có một lối thoát. Vấn đề là cô phải tìm ra được nó.
Thượng Đế có thể chết không?
Nỗi buồn dai dẳng xâm chiếm lấy Fazil. Nó muốn nhảy và hét lên, nhưng không dám và đành chấp nhận hình phạt của mình đúng như một đứa trẻ mười hai tuổi không học thuộc bài đáng phải chịu. Bàn tay nó giật giật trên trang giấy. Nó viết chữ thường để không choán quá nhiều chỗ, vở viết mua rất đắt. ánh sáng từ ngọn đèn thắp bằng hơi đốt chiếu một màu đỏ lên trang giấy. Nó nghĩ cứ như là mình đang viết trên những ngọn lửa.
Ngồi trong một góc phòng, bà ngoại nó nhìn nó bằng con mắt độc nhất của bà. Con mắt kia của bà đã bị cháy khi bà ngã xuống một cái lò đốt đào sâu dưới đất. Mẹ nó, chị Mariam, đang cho Osip, đứa em hai tuổi của nó bú. Càng mệt, nó càng cố sức viết. Nó phải viết cho kỳ xong, dầu có phải thức suốt đêm. Nó không chịu nổi một lần nữa những cú khẽ trên các ngón tay bằng chiếc thước của thầy giáo. Nó cũng không thể chịu nhục. Nó phải viết mười lần về các chức năng của Thượng Đế: Thượng Đế là đấng kiến tạo, Thượng Đế là vĩnh hằng, Thượng Đế là tối thiện, Thượng Đế là thức nhận, Thượng Đế là sự sống, Thượng Đế nhìn thấy tất cả, Thượng Đế nghe thấy tất cả, Thượng Đế chỉ huy mọi sự, Thượng Đế phán xét tất cả, Thượng Đế...
Fazik bị phạt vì đã trả lời sai trong một giờ học về đạo Hồi.
- Lần nào con cũng trả lời sai, nó than thở với mẹ. Vì mỗi khi nhìn thấy thầy giáo là con sợ đến nỗi quên hết mọi thứ. Lúc nào ông ấy cũng nổi giận và chỉ cần mình phạm một lỗi nhỏ là bị ông ấy ghét cay ghét đắng.
Ngay từ đầu mọi sự đã chẳng ra gì, khi Fazil bị gọi lên bảng để trả lời vể Thượng Đế. Nó đã học rồi chứ, nhưng khi bị hỏi thì cứ như đầu óc nó đi đâu mất lúc nó học ôn và nó chẳng còn nhớ ra được chút gì cả. Thầy giáo môn giáo lý đạo Hồi, có bộ râu dài, mặc áo dài quần rộng ống, nhìn nó bằng một đôi mắt đen và sắc và hỏi nó:
- Thượng Đế có thể chết hay không?
- Không ạ, Fazil trả lời, người run bắn lên dưới cái nhìn của ông.
Dẫu có nói thế nào, nó cũng sợ nói sai.
- Tại sao lại không?
Fazil đứng lặng người. Tại sao Thượng Đế lại không thể chết? Không có con dao nào có thể đâm thủng được Người chăng? Không có viên đạn nào bắn trúng Người chăng? Các câu hỏi đá nhau trong đầu nó.
- Thế nào? thầy giáo nhắc lại.
Fazil đỏ tía mặt mày và bắt đầu lắp bắp, nhưng không dám nói ra lời nào cả.
Lúc đó một cậu bé khác đã có thể trả lời.
- Vì Thượng Đế là vĩnh hằng ạ, cậu ta trả lời vội vàng.
- Chính xác. Thế Thượng Đế có thể nói được không? ông ta lại hỏi Fazil.
- Không ạ, Fazil trả lời. à không, có ạ.
- Nếu cậu cho rằng Người có thể nói được, vậy thì Người nói như thế nào?
Fazil lại đứng lặng câm. Người nói như thế nào nhỉ? Bằng một giọng ầm ầm? Một giọng trầm? Giọng thì thầm? Lần này nữa, nó không trả lời được.
- A ha, cậu bảo là Người có thể nói được, vậy Người có một cái lưỡi không?
Fazil cố suy nghĩ thế nào có thể là đúng nhỉ? Nó không nghĩ là Thượng Đế có một cái lưỡi, nhưng nó không dám nói gì cả. Thà im lặng còn hơn là nói nhầm và làm trò cười cho cả lớp. Một lần nữa, một cậu học sinh ngồi ở những hàng đầu đã trả lời được.
- Người nói thông qua kinh Coran ạ. Kinh Coran là chiếc lưỡi của Người.
- Chính xác. Thượng Đế có thể nhìn thầy được không? thầy giáo lại tiếp.
Fazil để ý thấy ông mân mê chiếc thước và nhịp nhè nhẹ lên lòng bàn tay ông, như kiểu thử trước những cú đánh sẽ trút xuống trên các ngón tay của Fazil.
- Có ạ. Fazil trả lời.
- Người nhìn thấy như thế nào? Người có mắt không? Fazil im lặng một lúc, trước khi nói:
- Con không nhìn thấy được Thượng Đế, làm sao con có thể biết được?
Thầy giáo dùng thước đánh lên các ngón tay của Fazil cho đến khi nó òa lên khóc. Nó cảm thấy nó là thằng bé ngu đần tệ hại nhất lớp, nỗi đau đớn chẳng có gì đáng kể so với nỗi nhục bị lâm vào tình cảnh này. Cuối cùng, nó đã phải chịu hình phạt này.
Thầy giáo khiến nó nhớ lại một người taleb. Chỉ mới sáu tháng trước, tất cả bọn chúng đều ăn mặc đúng hệt như ông.
- Nếu cậu không biết điều đó, thì cậu không thể tiếp tục lớp học này được, ông ta kết luận.
Có thể ông ta chính là một taleb thật, Fazil nghĩ. Nó biết bọn chúng rất nghiêm khắc.
Sau khi đã viết đủ mười lần Thượng Đế là gì, nó phải học thuộc lòng những điều đó. Trước tiên nó đọc thầm một mình, rồi nó đọc cho mẹ nó nghe. Cuối cùng, nó đã thuộc. Bà ngoại thấy thương hại thằng cháu. Về phần bà, bà chưa bao giờ đến trường và nghĩ rằng các bài học quả là quá khó đối với thằng bé. Bà bưng một tách trà bằng hai cái cùi tay còn lại của mình và uống từng hớp nghe rất to.
- Khi Đấng Tiên Tri Mahomet uống, ngài không bao giờ lại phát ra tiếng to như vậy, Fazil nói một cách nghiêm khắc. Mỗi lần ngài uống một hớp, môi ngài rời miệng cốc đến ba lần và ngài cám ơn Thượng Đế, nó nói tiếp.
Từ trong góc phòng bà ngọai nó nhìn nó bằng con mắt độc nhất của bà.
- ừ, đúng rồi, nếu cháu nói cho bà biết.
Cuộc đời của Đấng Tiên Tri Mahomet là phần tiếp theo trong bài học của Fazil. Fazil đã học đến đoạn nói về các thói quen của ngài và nó đọc to lên, trong khi ngón tay nó lần theo các dòng chữ, từ phải sang trái.
"Đấng Tiên Tri Mahomet, xin cầu cho ngài được đời đời yên nghỉ, bao giờ cũng ngồi ngay trên nền nhà. Trong nhà ngài không hề có bàn ghế nào cả, bởi ngài cho rằng một con người phải đi qua cuộc đời của mình như một khách lữ hành, chỉ dừng lại nghĩ dưới bóng râm một lát trước khi lại ra đi. Một ngôi nhà không được là cái gì khác hơn là một chỗ dừng chân nghỉ lại và một chốn tránh lạnh tránh nóng, tránh các loài thú dữ và một nơi che chở thanh bình cho cuộc sống riêng tư.
Mahomet, xin cầu cho ngài được đời đời yên nghỉ, có thói quen nằm nghỉ gối đầu lên cánh tay trái của mình. Khi ngài suy tưởng, ngài thích đào đất bằng một chiếc xẻng hay một cây gậy hay ngồi bó gối. Khi ngủ ngài nằm nghiêng bên phải, bàn tay phải đặt trên mặt. Đôi khi ngài nằm ngữa, đôi khi ngài khoanh chân lại, nhưng lúc nào ngài cũng chú ý đắp kín cả người. Ngài rất ghét nắm ngủ úp mặt xuống đất và ngài cấm những người khác làm như thế. Ngài không thích nằm ngủ trong một căn phòng tối hay ngoài trời. Trước khi đi ngủ bao giờ ngài cũng tắm rửa và đọc kinh cho đến khi ngủ thiếp đi. Ngài ngáy khe khẽ. Khi thức giấc giữa đêm khuya để đi giải, ngài rửa tay và mặt khi trở vào. Trên giường ngủ, ngài đóng khố, nhưng nói chung ngài cởi áo cánh. Vì thời đó không có phòng vệ sinh trong nhà nên Đấng Tiên Tri đi ra xa ngoài thành phố nhiều cây số để tránh không cho mọi người nhìn thấy, ngài chọn một chỗ đất mềm để không bị bắn bẩn lên người. Ngài cũng hết sức chú ý ngồi nấp sau một tảng đá hay một bờ đất. Khi tắm, bao giờ ngài cũng che bằng một tấm thảm hoặc dùng một chiếc khố khi trời mưa. Khi xì mũi, bao giờ ngài cũng đưa một chiếc khăn tay lên mũi."
Fazil tiếp tục đọc to về các thói quen ăn uống của Đấng Tiên Tri: Ngài thích quả chà là mà ngài thường trộn với sữa hay bơ, ăn thịt thì ngài thích hơn cả là những miếng cổ và sườn, ngài không bao giờ ăn hành và tỏi, vì ngài không muốn bị hôi mồm. Trước khi ngồi xuống đất để ăn, bao giờ ngài cũng cởi giày và rửa tay. Ngài chỉ dùng bàn tay phải để ăn và chỉ ăn phần đĩa về phía mình, không bao giờ ngài thọc tay vào giữa lọ. Ngài không bao giờ dùng thìa nĩa và chỉ sử dụng ba ngón tay khi ăn. Mỗi miếng ăn, ngài đều cám ơn Thượng Đế.
Và như vậy, ngài không gây ra tiếng động nào khi ăn.
Nó khép sách lại.
- Bây giờ thì cháu phải đi ngủ đi, Fazil.
Mariam đã sửa soạn chiếu cho nó, trong căn phòng họ vừa ăn. Chung quanh nó, ba đứa anh em trai em gái của nó đã ngáy, nhưng Fazil còn phải đọc những lời cầu kinh của nó bằng tiếng A Rập. Nó ôn lại những từ không thể nào hiểu được đó trong kinh Coran trước khi nằm vào chiếu, vẫn mặc nguyên cả quần áo. Sáng hôm sau, nó phải có mặt ở trường lúc 7 giờ. Nó rùng mình. Tiết đầu tiên là giáo lý đạo Hồi. Mệt lử, nó ngủ thiếp đi, giấc ngủ không yên, nó lại mơ thấy bị hỏi mà không trả lời được đúng một câu nào. Nó biết các câu trả lời nhưng các từ cứ chẳng chịu bật ra.
Trên cao kia, bên trên nó, những đám mây nặng nề đang trôi về phía làng. Sau khi nó đã ngủ, mưa ào ào đổ xuống. Mưa thấm qua mái nhà bằng đất sét và đổ xuống hàng hiên xây. Các giọt mưa đậu trên những tấm nhựa bít các cửa sổ. Một luồng gió lạnh lọt vào phòng, bà ngoại thức giấc và quay người lại.
- Lạy Đức Thượng Đế, bà nói khi nhìn thấy mưa.
Bà đưa hai cùi tay xoa lên mặt như khi cầu nguyện, lật người lại và ngủ tiếp. Quanh bà, bốn đứa trẻ con đều đang ngủ yên.
Khi Fazil thức dậy, lúc 6 giờ, mưa đã ngớt và mặt trời chiếu những tia nắng đầu tiên lên các cao điểm chung quanh Kaboul. Nó tắm rửa bằng chỗ nước mẹ nó đã chuẩn bị cho nó, mặc quần áo, xếp cặp sách vở, mặt trời đang sưởi khô những vũng nước mưa đêm qua. Fazil uống trà và ăn sáng. Nó càu nhàu và giận mẹ. Nó nổi giận mỗi khi mẹ không làm được nhanh những gì nó nhờ mẹ làm hộ. Nó chỉ nghĩ đến ông thầy dạy giáo lý đạo Hồi.
Mariam chẳng biết làm gì nữa cho đứa con trai đầu lòng của cô. Trong bốn đứa con cô, nó là đứa được ăn uống tốt nhất, được chăm nom chu đáo nhất. Lúc nào cô cũng lo không cho nó ăn đủ chất để phát triển đầu óc. Những lần hiếm hoi cô có được ít tiền thừa mua một cái quần áo mới thì là đều dành cho nó. Cô nhớ lại niềm hạnh phúc của cô, mười một năm trước. Cô thấy hạnh phúc trong cuộc hôn nhân với Karimullah. Cô nhớ lại lúc cô sinh, niềm vui khi biết là một đứa con trai. Người ta đã tổ chức một lễ mừng lớn, và cô cùng con trai cô đã nhận được những món quà đẹp. Bao nhiêu người đến thăm cô và cô được mọi người chú ý. Hai năm sau, cô sinh một đứa con gái. Chẳng có lễ mừng cũng chẳng có quà cáp nào cả.
Cô chỉ được sống có mấy năm với Karimullah. Khi Fazil lên ba, bố nó bị giết trong một trận đấu súng. Trở thành góa bụa, Mariam nghĩ rằng đời cô thế là hết. Bà mẹ chồng chột mắt của cô và mẹ cô, bà Bibi Gul, quyết định cô phải lấy Hazim, em trai của Karimullah. Là kẻ chán chường, anh ta không giỏi bằng người anh, cũng chẳng mạnh mẽ bằng. Chiến tranh đã phá hủy cửa hàng của Karimullah và họ chỉ còn chỗ tiền lương nhân viên hải quan của Hazim.
Tuy vậy cô vẫn mong Fazil sẽ được đi học và sẽ được thành danh. Lúc đầu, cô nghĩ nó sẽ làm việc trong cửa hàng của Sultan, anh trai cô. Cô nghĩ một hiệu sách sẽ là một thế giới đầy kích thích. Sultan đã nhận trách nhiện nuôi nó và Fazil được ăn uống tốt hơn hẳn ở nhà. Cô đã khóc suốt một ngày khi Sultan đuổi nó về nhà. Cô sợ Fazil đã làm điều gì đó không tốt, nhưng cô biết tính khí Sultan và dần dần hiểu ra rằng chỉ đơn giản là ông ta không cần người vác các thùng cho ông nữa.
Đúng lúc đó người em trai của cô là Yunus đã đến đề nghị cô cho Fazil xin vào học ở Esteqlal, một trong những trường học tốt nhất ở Kaboul. Fazil có may mắn được nhận vào lớp trung[23]. Cô nghĩ, kỳ thực mọi việc rồi thế mà đâm ra thật tốt cả. Mariam run cả người lên khi nghĩ đến Aimal, cậu anh em họ cùng tuổi với Fazil, nó hầu như chẳng bao giờ nhìn thấy mặt trời và bắt đầu làm việc từ sáng sớm ở một trong các cửa hàng của Sultan cho đến tối mịt.
Cô vuốt ve mái đầu của Fazil khi nó lao đi trên con đường lầy lội. Nó cố tránh các vũng nước và nhảy từ mô đấy này sang mô đất khác. Fazil phải đi băng qua cả làng để đến trạm xe buýt. Nó lên xe cửa trước, chỗ ngồi của đàn ông, và lóc xóc cho đến Kaboul.
Nó là một trong những đứa đầu tiên vào lớp và ngồi vào chỗ của nó, ở hàng thứ ba. Lần lượt, bọn học trò kéo đến. Phần đông chúng đều gầy và ăn mặc lôi thôi, những bộ quần áo quá rộng, hẳn là được hưởng lại của anh chúng. Quả là một mớ trộn lẫn trang phục vui mắt. Một số vẫn mặc quần áo bị bắt buộc đối với tất cả đàn ông và con trai dưới thời taliban. Lai quần thường được nối thêm khi những đứa con trai lớn lên. Những đứa khác moi từ trong rương hay trong kho ra những chiếc quần và áo pun những năm bảy mươi, do những người anh trai chúng đã sử dụng trước khi bọn taliban nắm chính quyền. Một đứa con trai mặc một chiếc quần phồng như một quả bóng, bó chặt vào người, những đứa khác thì quần ống chân voi. Một đứa bị nhét vào một bộ quần áo quá chật và để xi líp lòi ra cả bên dưới chiếc áo pun quá ngắn. Hai đứa con trai không cài cúc quần. Chúng đã mặc áo dài từ lúc còn rất bé và thường quên các kiểu khóa kéo mới mà chúng không quen. Một số mặc những chiếc áo sơ mi bằng vải sọc đã sờn mà đám trẻ mồ côi Nga vẫn thường mặc. Trông như chúng cũng có cái nhìn của những đứa trẻ đói, hơi dại dại giống bọn trẻ kia. Một đứa có một cái áo vét quá rộng, sờn đến sợi ngang, mà nó phải vén ống tay áo lên.
Bọn con trai đùa nghịch, la hét và ném các đồ vật trong phòng, chúng kéo chiếc bàn kêu kèn kẹt trên nền nhà. Khi tiếng chuông vang lên và thầy giáo đến, năm mươi đứa học trò đã ngồi vào chỗ. Chúng ngồi trên những chiếc ghế dài cao gắn chặt vào bàn. Ghế được đóng cho hai học sinh, nhưng thường chúng phải ngồi đến ba đứa, thì mới đủ chỗ.
Khi thầy giáo đến, tất cả đứng dậy nhanh như chớp và chào thầy.
- Salaam alaikum. Xin Thượng Đế ban phúc cho ngài.
Thầy giáo chậm chậm đi qua các hàng và xem tất cả có mang theo đúng các sách cần và có làm bài tập không, ông cũng xem móng tay, quần áo và giày dép chúng có sạch sẽ không. Nếu không được hoàn toàn sạch, thì cũng không được quá bẩn. Trường hợp đó, sẽ bị đuổi thẳng về nhà.
Rồi ông hỏi bài. Buổi sáng hôm đó, những đứa bị hỏi đều thuộc bài.
- Vậy thì, ta tiếp tục. Haram! ông xướng to vừa viết cái từ kỳ lạ đó lên bảng. Có trò nào biết nghĩa là gì không?
Một đứa học trò đưa tay lên.
- Một hành vi xấu là haram.
Nó nói đúng.
- Một hành vi xấu, chống lại đạo Hồi, là haram, thầy giáo cắt nghĩa. Chẳng hạn giết chóc không có lý do. Hay trừng phạt không có lý do. Uống rượu là haram. Bọn ngoại đạo coi thường một việc có là haram hay không. Chúng coi nhiều điều haram là điều tốt. Như thế là sai.
Thầy giáo nhìn bao quát cả lớp. Ông vạch ra một sơ đồ với ba khái niệm haram, halal và mubah. Haram là điều xấu và bị cấm, halal là điều tốt và được phép, mubah chỉ những trường hợp có thể tranh chấp.
- Mubah là cái không tốt, nhưng không phải là một tội lỗi. Chẳng hạn ăn thịt lợn khi sẽ bị chết đói nếu không ăn. Hay săn bắn, giết chóc để sống còn.
Bọn học trò cắm cúi viết và viết. Cuối cùng, thầy giáo đặt các câu hỏi vẫn thường hỏi để xem chúng có hiểu đúng không.
- Nếu một người thấy một haram là tốt thì hắn ta là người thế nào?
Chẳng ai trả lời được.
- Một kẻ ngoại đạo, cuối cùng ông ta phải tự trả lời. Và haram là tốt hay là xấu?
Bây giờ, hầu hết đều đưa tay lên. Fazil không dám đưa tay, sợ bị nhầm. Nó cố thu mình lại thật nhỏ ở hàng ghế thứ ba. Thầy giáo chỉ một cậu con trai, cậu ta đứng dậy thẳng người như một chữ i và trả lời: "Xấu ạ!"
Đấy đúng là điều Fazil nghĩ cần trả lời. Một kẻ ngoại đạo là người xấu.