Những gì làm bạn đau khổ sẽ dạy bạn nhiều điều.

Benjamin Franklin

 
 
 
 
 
Tác giả: Thomas Mann
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 56
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3352 / 137
Cập nhật: 2017-09-15 16:22:37 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần 3 - Phải Rồi, Một Cô Ả!
hàng không biết mình nằm như thế bao lâu. Đến giờ tiếng cồng lại vang lên. Nhưng không phải nó báo hiệu đã đến giờ ăn, nó chỉ báo trước để người ta kịp sửa soạn. Hans Castorp biết thế nên chàng cứ nằm lì đến lúc tiếng cồng vang lên lần thứ hai, vồng lên tiến lại gần rồi lại lặn ra xa. Lúc Joachim sang gọi Hans Castorp mới trở dậy định thay đồ, nhưng Joachim cứ thế kéo chàng đi. Anh họ chàng rất ghét thói không đúng giờ. Làm sao có thể điều trị cho khỏe hẳn và nhập ngũ được, nếu vô kỷ luật đến mức không giữ đúng giờ ăn? Tất nhiên anh ấy có lý, và Hans Castorp chỉ có thể chống chế rằng mình không bệnh hoạn gì mà chỉ buồn ngủ rũ ra thôi. Chàng rửa tay qua quít rồi theo Joachim xuống phòng ăn, lần này là lần thứ ba trong ngày.
Khách ăn lũ lượt tràn vào từ hai phía, cả từ các cánh cửa mở ra hàng hiên, và chẳng mấy chốc bảy chiếc bàn đã lại đầy thực khách, như thể họ vẫn ngồi từ sáng tới giờ chẳng hề đứng dậy. Đây ít nhất là cảm tưởng của Hans Castorp, dĩ nhiên là hoàn toàn hoang tưởng và phi lý, nhưng trong một khoảnh khắc đầu óc mụ mẫm của chàng không cưỡng lại được ý muốn buông trôi theo ảo giác này, và chàng thậm chí còn lấy làm thích thú tìm cách gợi lại cái ảo giác ấy nhiều lần trong suốt bữa ăn, kết quả thu được thật mỹ mãn. Bà cụ vui vẻ lại liến thoắng dốc bầu tâm sự lên đầu ông tiến sĩ Blumenkohl ngồi chênh chếch phía trước, và ông này ngồi nghe mặt khó đăm đăm. Cô cháu gái ốm ròm cuối cùng cũng ăn một món khác ngoài sữa chua, đó là món cháo đại mạch nấu nhừ mà các tiểu nữ đổ vào đĩa đem lên cho cô ta; nhưng sau khi múc vài thìa cô ta bỏ dở không ăn hết. Cô Marusia xinh đẹp nhét chiếc khăn tay nhỏ xíu thơm lừng mùi nước hoa cam vào miệng để bịt trận cười. Miss Robinson vẫn đọc đúng những lá thư chữ tròn như cái trứng gà mà hồi sáng cô ta đã đọc. Có vẻ như cô ta không biết một chữ tiếng Đức nào và cũng chẳng muốn biết làm gì. Joachim hào hoa phong nhã trao đổi vài câu bằng tiếng Anh với cô ta về thời tiết, cô ta chỉ nhấm nhẳng trả lời nhát gừng rồi lại câm như hến. Còn bà Stöhr mặc chiếc áo len Scotland thì sáng nay đã được khám sức khỏe và bây giờ đang loan báo kết quả, làm duyên làm dáng một cách hết sức vô duyên, môi cong lên chìa ra những chiếc răng thỏ. Phía trên bên phải, bà ta than thở, vẫn còn nghe tiếng rít, ngoài ra bên dưới nách trái cũng chưa lành, và “thằng chả” bảo bà ta còn phải ở lại năm tháng nữa. Bà ta thô lỗ công khai gọi ông cố vấn cung đình là “thằng chả”. Thêm vào đó bà ta còn bày tỏ sự bất mãn vì hôm nay “thằng chả” không tới ngồi ăn ở bàn của họ. Theo “chu kỳ” (ý bà ta muốn nói là tuần tự) thì bữa trưa nay tới lượt bàn này, nhưng “thằng chả” đã phá lệ tới ngồi ở bàn bên trái (đúng là ông cố vấn Behrens đang ngồi đó, hai bàn tay khổng lồ chắp lại trước cái đĩa). Phải rồi, bàn ấy có bà Salomon mập thù lù người Amsterdam, bà này bất kể ngày nào trong tuần cũng mặc áo hở cổ thật rộng xuống phòng ăn, và chắc hẳn “thằng chả” lấy thế làm khoái chí lắm, đó là điều bà Stöhr không thể hiểu nổi, vì mỗi lần kiểm tra sức khỏe ông ta muốn nhìn bà Salomon bao nhiêu chả được. Sau đó bà Stöhr đổi giọng hồi hộp thì thào kể, rằng tối qua trong phòng điều dưỡng chung - gian phòng ở trên gác thượng ấy - có ai đó mượn gió bẻ măng tắt đèn đi, với dụng ý theo lời bà Stöhr thì “đã rõ như ban ngày”. “Thằng chả” phát hiện ra được và quát tháo om sòm, đến nỗi cả viện đều nghe thấy. Nhưng tất nhiên lão không nêu đích danh thủ phạm, trong khi người ta chẳng cần phải học qua đại học mới đoán ra được kẻ đầu têu không ai khác ngoài ông đại úy Miklosich người Bucharest, ông này khi ngồi với các bà thì có tối tăm đến đâu cũng chưa đủ, đó là một người thiếu văn hóa, mặc dù ông ta có mặc corset[35], và lòng dạ thì thật vô cùng lang sói, đúng thế, lang sói, bà Stöhr lặp lại giọng hổn hển tắc nghẽn, mồ hôi túa ra lấm tấm đầy trán và môi trên. Quan hệ thân mật giữa ông ta và bà phu nhân tổng lãnh sự Wurmbrandt người Vienna thì cả ‘Làng’ lẫn ‘Phố’ chẳng ai còn lạ - không thể gọi đó là mối quan hệ thầm kín được nữa. Bởi vì chừng như ông đại úy thấy đến thăm bà phu nhân tổng lãnh sự từ sớm tinh mơ lúc bà ta chưa ra khỏi giường và chứng kiến từ đầu tới cuối thủ tục trang điểm của người tình vẫn còn chưa đủ, hôm thứ ba vừa rồi mãi tới bốn giờ sáng ông ta mới lò mò rời khỏi phòng bà ta - cô y tá trông nom cậu bé Franz ở phòng số mười chín kể thế, chính là thằng nhỏ ca mổ pneumothorax mới bị thất bại đấy, cô ta bắt gặp ông nọ đi ra và xấu hổ đến nỗi nhầm cửa xông vào phòng ông công tố viên Paravant người Dortmund… Cuối cùng bà Stöhr chuyển sang kể lể hồi lâu về một “viện thẩm mỹ thuật” trong vùng, nơi bà ta mua nước xúc miệng - Joachim ngồi mặt cúi gằm mắt không rời cái đĩa…
Bữa trưa đạt trình độ bậc thầy cả về chất lượng lẫn số lượng. Nếu tính cả món súp giàu chất dinh dưỡng thì bữa ăn không ít hơn sáu lần đổi món. Tiếp theo sau món cá là món thịt kèm thêm đồ ăn phụ, rồi một đĩa rau đủ loại, rồi gia cầm quay, một món ngũ cốc ngon không thua gì tối hôm qua, cuối cùng là pho mát và hoa quả. Mỗi món đồ ăn đều được đưa lên mời hai lần - và được thực khách tận tình chiếu cố. Người ta chất đầy đĩa và ngồi ăn như tằm ăn rỗi quanh bảy chiếc bàn, dưới mái vòm này có vẻ ai cũng đói ngấu như sư tử, họ ăn một cách hăng say, nhìn cảnh ăn uống hùng hục ấy có lẽ cũng thú vị nếu như không có cảm giác rờn rợn, thậm chí hơi kinh tởm trà trộn vào. Vì không phải chỉ có những người vui nhộn nói cười luôn miệng và vo viên ruột bánh mì ném nhau là tỏ ra ngon miệng, cả những kẻ làm thinh mặt mày ảm đạm, suốt buổi ngồi chống tay ôm đầu, cũng ăn nhiều không kém. Một thiếu niên ở bàn bên trái, còn ở tuổi cắp sách đến trường, tay áo ngắn cộc cỡn, đeo kính mắt tròn thô lố, ngồi cắt tất cả những gì có trong đĩa thành một đống lụn vụn rồi lùa hết vào miệng, thỉnh thoảng lại đưa tấm khăn ăn lên lau mắt kính, không biết là lau mồ hôi hay lau nước mắt.
Trong bữa ăn chính này có hai sự kiện xảy ra thu hút sự chú ý của Hans Castorp, phần nào kéo chàng ra khỏi cơn mộng mị. Thứ nhất là cánh cửa kính lại sập cái rầm - đúng vào lúc người ta đang ăn món cá. Hans Castorp giật thót mình và hầm hầm tự nhủ lần này nhất định phải nhìn xem thủ phạm là ai. Chàng không chỉ nghĩ thầm trong bụng, chàng còn mấp máy môi thành lời, đủ biết chàng tức đến mức độ nào. “Nhất định mình phải biết!” Chàng lầm bầm với vẻ quyết tâm quá khích, khiến Miss Robinson và cô giáo đồng loạt ngẩng đầu lên trố mắt ra nhìn. Trong lúc ấy chàng quay cả nửa người sang trái, mở to cặp mắt đỏ ngầu tia máu ra tìm kiếm.
Một người đàn bà đang đi ngang qua gian phòng, một phụ nữ, một cô gái trẻ thì đúng hơn, người tầm vóc vừa phải, mặc áo len trắng với váy màu, mái tóc vàng hơi ánh màu đồng đỏ tết thành một bím đơn giản quấn quanh đầu. Hans Castorp chỉ thấy thoáng qua nét mặt nhìn nghiêng của cô ta, gần như không thấy gì. Cô ta lướt đi nhẹ nhàng, chẳng bù cho tiếng sập cửa động trời cô ta gây ra lúc vào phòng, bước đi rón rén uyển chuyển lạ lùng, đầu hơi chúi về phía trước, nhằm thẳng hướng cái bàn ngoài cùng phía bên trái kê vuông góc với cửa ra hiên, được mệnh danh là ‘bàn Nga thượng lưu’. Một tay cô ta thọc vào túi cái áo len bó sát người, tay kia vòng ra sau đầu sửa lại bím tóc cuộn. Hans Castorp chăm chú nhìn bàn tay này - chàng hay để ý đánh giá đôi bàn tay và có thói quen trước tiên đưa mắt nhìn vào đây mỗi khi có dịp tiếp xúc với ai. Tay cô ta không có gì là đài các phong lưu, bàn tay đưa lên đỡ mái tóc kia không được trau chuốt nuột nà như tay những mệnh phụ tiểu thư thuộc giới Hans Castorp ưa giao thiệp. Bàn tay tương đối rộng với những ngón ngắn có cái gì đó mộc mạc, trẻ thơ, như tay một cô bé học trò; các móng tay rõ ràng chưa bao giờ được thợ sơn sửa chăm chút, chỉ được cắt ngắn một cách sơ sài, đúng như tay học trò, lớp da nơi đầu móng hơi sần sùi, chừng như là hậu quả của tật gặm móng tay. Thực ra Hans Castorp cảm nhận những điều này nhiều hơn là nhìn thấy - khoảng cách giữa họ quá lớn để có thể nhìn rõ những chi tiết ấy. Kẻ đến muộn gật đầu chào những người ngồi cùng bàn, và trong lúc ngồi xuống mé bàn phía trong đối diện cửa ra hiên, bên cạnh bác sĩ Krokowski bữa nay ngồi đầu bàn làm chủ tọa, cô ta ngoảnh lại nhìn quanh một lượt khắp phòng, bàn tay vẫn đặt hờ trên mái tóc, Hans Castorp thoáng nhận thấy đôi gò má cao và cặp mắt một mí… Trong đầu chàng dội lên một tín hiệu mơ hồ gợi nhớ đến một điều gì hay một người nào đó, thoáng qua rồi biến đi ngay trong lúc chàng vẫn còn chăm chú nhìn…
“Phải rồi, một cô ả!” Hans Castorp nghĩ, và chàng lại buột miệng lẩm bẩm thành tiếng, đến nỗi cô Engelhart nghe thấy và hiểu được chàng nói gì. Cô gái già khô héo cười nhút nhát.
“Đấy là Madame Chauchat”, cô giáo quá thì bảo. “Cô ấy lơ đãng lắm. Một phụ nữ rất hấp dẫn.” Trong khi cô ta nói gò má phủ lớp lông mịn lại ửng hồng thêm chút nữa trở thành đỏ tía, điều này xảy ra gần như luôn luôn mỗi lúc cô ta mở miệng.
“Người Pháp?” Hans Castorp cau có hỏi.
“Không, cô ấy người Nga”, cô Engelhart trả lời. “Có thể ông chồng người Pháp hoặc là gốc Pháp, tôi không rõ lắm.”
“Có phải cái ông ngồi đó không?”, Hans Castorp hỏi tiếp, giọng vẫn còn cáu kỉnh, và chỉ vào một người đàn ông vai xuôi xị cũng ngồi ở bàn Nga thượng lưu.
“Ô không, ông chồng không có ở đây”, cô giáo trả lời. “Ông ta chưa đến đây bao giờ, ở đây không ai biết mặt ông ta.”
“Cô ta nên đóng cửa lại một cách đàng hoàng!” Hans Castorp bảo. “Lần nào cũng để cửa sập rầm rầm. Như thế là bất lịch sự.”
Và vì cô giáo cười nhẫn nhục chịu nghe chàng mắng mỏ, như thể chính cô ta là người có lỗi, nên họ không có dịp nói về Madame Chauchat nữa.
Sự kiện thứ hai là, ông tiến sĩ Blumenkohl phải rời khỏi phòng ăn một lát, chỉ có vậy thôi. Bất thình lình vẻ nhăn nhó trên mặt ông ta tăng thêm một độ, ông ta đăm đắm nhìn vào một điểm, ánh mắt càng lộ vẻ lo âu, rồi kín đáo đẩy chiếc ghế lùi về phía sau ông ta đứng dậy ra khỏi phòng. Ở đây bà Stöhr phô bày toàn bộ sự vô học ra trước bàn dân thiên hạ, có lẽ hả dạ một cách đầy đố kỵ khi thấy Blumenkohl bệnh nặng hơn mình nên bà ta nhất định phải tiễn chân ông này bằng những lời bình luận nửa như thương hại nửa như khinh bỉ. “Tội nghiệp ông ấy quá!” Bà ta bảo. “Sắp mặc áo ván rồi. Lại phải ra ngoài hôn lão Heinrich xanh[36] chứ chẳng sai.” Bà ta nhắc đến cái tên lóng “Heinrich xanh” bằng giọng tỉnh bơ, nét mặt trơ trơ đần độn, khiến Hans Castorp cảm thấy vừa kinh hoàng vừa tức cười. Nhưng mấy phút sau ông tiến sĩ Blumenkohl đã quay trở lại, vẫn với cử chỉ kín đáo như lúc đi ra, ngồi vào chỗ cũ và tiếp tục ăn. Cả ông ta cũng ăn rất nhiều, món nào cũng lấy hai lần, vẻ mặt kín bưng lặng lẽ và đầy lo âu.
Rồi bữa trưa cũng đến hồi kết thúc, nhờ phục vụ nhanh nhảu - cô người lùn tỏ ra đặc biệt nhanh chân và được việc - nên bữa ăn chỉ kéo dài khoảng một tiếng đồng hồ. Hans Castorp thở nặng nhọc, không biết mình về phòng bằng cách nào, nằm lăn ra chiếc ghế tuyệt vời ngoài ban công, vì từ lúc ăn trưa đến lúc uống trà chiều lại là giờ nằm nghỉ, thậm chí đây còn là cữ điều dưỡng quan trọng nhất trong ngày mà ai cũng phải nghiêm ngặt tuân thủ. Vậy là chàng nằm giữa hai bức tường ngăn lưng lửng bằng kính mờ, một bên là Joachim và một bên là cặp vợ chồng người Nga, mụ mị trong nhịp tim đập rùng rùng, miệng há ra thở như cá mắc cạn. Khi rút khăn tay ra lau mặt chàng thoáng thấy có vệt máu đỏ tươi, nhưng chẳng còn hơi sức đâu để lo nghĩ đến chuyện ấy, mặc dù bình thường chàng là người rất mực trân trọng giữ gìn sức khỏe, thậm chí còn lo lắng quá mức đến nỗi mang bệnh tưởng nữa. Chàng lại châm một điếu Maria Mancini, và lần này cố hút cho đến hết, thây kệ mùi vị nó muốn ra sao thì ra. Đầu óc choáng váng mê man, chàng nằm nghĩ lơ mơ, sao lên đây người mình lạ thế này. Hai ba lần ngực chàng thắt lại vì những trận cười dội lên khi nhớ lại cách ăn nói vô học đến rùng rợn của bà Stöhr.
Núi Thần Núi Thần - Thomas Mann Núi Thần