Số lần đọc/download: 3226 / 64
Cập nhật: 2016-06-02 00:05:40 +0700
Chương 14
T
rong những ngày đen hơn mõm chó mực ấy nhiều lần đạp xế lang thang trên những nẻo đường Thành Hồ tôi cũng có nhìn thấy vài người đàn bà trước 1975 có cảm tình với tôi. Tôi có thể ghé xe đạp vào vỉa hè nói chuyện vài câu với các nàng. Nhưng tôi không ghé. Ghé làm gì. Chỉ thêm buồn tủi. Nhan sắc tôi tàn phai thảm thiết quá đỗi. Tôi muốn giấu mặt tôi đi để các nàng đừng nhìn thấy. Hôm nay tôi xin nói rõ: Tôi không hề có hân hạnh được "nịnh bà chủ vila Kiều Trang" như chuyện diễn tả trong NTBKCB. Tự xét thân tôi, tôi thấy dường như cả đời tôi chẳng nịnh, chẳng bốc thơm, chẳng nâng bi qua một người đàn bà nào trên cõi đời này. Ca tụng những nữ nhân vật trong tiểu thuyết thơm hơn múi mít thì có, nhưng ca tụng đàn bà bằng xương, bằng thịt, bằng da, đàn bà có ăn, có ngáo thực sự trên đời này thì không. Nhiều người đọc truyện tôi viết thấy tôi có vẻ vi vút phong tình, nhưng đấy toàn là chuyện tôi phịa ra mà thôi. Tôi là anh đàn ông cơm nhà, quà vợ tầm thường nhất cõi đời này. Quả đáng tội cũng có vài người đàn bà chẳng may dính líu ái tình mí tôi nhưng đó là vì các nàng kiếp trước quỵt nợ tôi nên kiếp này các nàng phải trả. Dzậy thôi. Tôi không hề thả lời ong bướm quyến rũ rủ rê bất cứ người đàn bà nào.
Về nữ minh tinh Kiều Trang thì cái gọi là quen biết giữa nàng với tôi là như vầy: Năm 1956 có hai bộ phim Việt do đạo diễn Phi Luật Tân thực hiện ra đời: Phim "Chúng tôi muốn sống" và phim "Ánh sáng miền Nam". Những tên tuổi Mai Trâm, Thu Trang, Khánh Ngọc, Lê Quỳnh nổi lên từ hai phim này. Anh Đỗ Bá Thế, Giám đốc hãng phim Đông Phương thực hiện phim "Ánh sáng miền Nam", nhờ bạn tôi Minh Đăng Khánh, giúp phần quảng cáo trên các báo. Năm đó tôi đang phụ trách cái gọi là Trang Điện ảnh cho nhật báo Ngôn Luận và tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong của chủ nhiệm Hồ Anh.
Gần Tết hay vừa Tết xong, hãng phim Đông Phương tổ chức cuộc Thi Hoa Hậu Đông Phương ở Hội Chợ Quang Trung, Minh Đăng Khánh chở tôi lên hội chợ trên chiếc Lambretta của anh. Hội chợ buổi tối vắng còn hơn chùa Bà Đanh. Khách dự cuộc thi hoa hậu ngồi ngoài trời lạnh thấy mồ. Dự thi hoa hậu chừng mười lăm em. Các em toàn bận áo dài - không hở cổ vì bà Lệ Xuân chưa lăng xê mốt hở cổ, hở vai - có mặc quần đàng hoàng, đi qua đi lại vài vòng, không có mặc áo tắm một mảnh, hai mảnh chi cả. Ta có thể coi đây là cuộc thi hoa hậu thứ nhất ở Sàigòn.
Người về sau trở thành nữ minh tinh Kiều Chinh - người được gọi là Kiều Trang trong NTBKCB - cũng lên đài biểu diễn. Lẽ ra nàng được chọn làm Hoa Hậu Đông Phương, nhưng vì nàng không ghi danh dự tuyển nên Ban Giám khảo trao tặng nàng một giải đặc biệt. Tôi theo Minh Đăng Khánh vào cái gọi là hậu trường quây bằng cót để phỏng vấn nàng đôi câu về đăng báo.
Sau đó nàng bốc lên - không như diều gặp gió mà như phi cơ phản lực - nàng lên hình bìa tạp chí Kịch Ảnh Số Một, đóng phim "Hồi Chuông Thiên Mụ" v.v…và v.v… Thành công với phim "Người Tình Không Chân Tay", nàng trở thành người cả nước biết mặt, biết tên v.v… và v.v…
Người có tài như cây kim nằm trong bọc chẳng ai bóp cũng thò ra. Người đã có tài mà lại là đàn bà đẹp thì mũi kim của các nàng còn thò ra nhanh gấp bội. Kiều Chinh có tài nên Kiều Chinh nổi. Anh Con trai bà Cả Đọi lục lục thường tài nên anh không nổi, không chìm, anh lình bình vất vả suốt một đời chẳng lúc nào được trội hơn người.
- Khuất Duy, Dương Hùng, Hoàng Hải không bao giờ gọi Đoàn Quốc bằng "cụ", bằng "bác" cả.
- Hoàng Hải có nhờ Trần Tam Tiệp, với tư cách Tổng Thư ký Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, liên lạc với mấy nhà xuất bản bên Xê Kỳ đã tái bản vài quyển truyện của y để xin tí tiền cứu đói. Nhờ Tiệp tôi được chi - qua Tiệp - khoảng 400 đô. Trong mấy năm trời, tôi nhận được nhiều lần quà của Tiệp. Nhưng tôi chỉ nhận được phần quà của tôi như anh em có tên trong Danh Sách Con Cá của Tiệp. Khi tôi viết bài gửi sang, Tiệp đưa đăng báo, anh em thường nhờ Tiệp gửi tiền về cho tôi là tôi có tiền riêng mà thôi.
- Trong buổi gặp tối ấy chúng tôi có đọc một thư của Tiệp nhưng thư ấy không phải là lá thư được đăng ở đoạn trên. Thư của Tiệp viết cho chúng tôi có kèm theo một thư tiếng Anh của vị Trưởng ban Writers in Prison Committtee của Ban Chấp Hành PEN Intern gửi cho Tiệp, thư này nói đến chúng tôi.
° ° °
Tháng Chín 1977 công an Thành Hồ đưa xe bông đến Cư xá Tự Do, Ngã Ba Ông Tạ, đón tôi đi. Tôi nằm 12 tháng 2 ngày trong hai phòng Biệt giam 15 khu B, phòng biệt giam 6 khu C Một - kỷ lục nằm xà lim có thể là vô địch trong hàng ngũ văn nghệ sĩ Sàigòn kẹt giỏ bị giam ở cái gọi là Trại Tạm Giam số 4 Phan Đăng Lưu - Tháng Mười Một năm 1979 tôi trở về Ngã Ba Ông Tạ. Lần tù thứ nhất này tôi nằm ngâm thơ Ngồi Rù 23 tháng mây bay trong Số 4 Phan Đăng Lưu.
Người bạn tôi gặp lần đầu tiên khi vừa về đến nhà là Lê Trọng Nguyễn Nắng Chiều. Khi ấy Mai Thảo, Hoài Bắc Phạm Đình Chương, Lê Thiệp, Nguyễn Hữu Hiệu - Thiệp và Hiệu sống cùng khu Ông Tạ với tôi - đã vượt biên sang Mỹ. Nhiều bạn tôi bị bắt trước tôi: Thái Thủy, Duyên Anh, Thanh Thương Hoàng, Tú Kếu còn mỏi mòn trong những trại cải tạo. Những ngày tháng đen hơn mõm chó mực ở Thành Hồ cuối 79 tôi chỉ có một người bạn thân là Lê Trọng Nguyễn.
Lê Trọng Nguyễn đi sang Hoa Kỳ với vợ con theo diện đoàn tụ gia đình năm 1983. Gia đình vợ anh bảo lãnh cho con gái và thế là Nguyễn và bốn con đàng hoàng lên máy bay sang Mỹ. Gia đình Nguyễn là một trong số những gia đình đầu tiên đi đoàn tụ gia đình.
Nếu Lê Trọng Nguyễn không đi khỏi Thành Hồ năm 1983 anh đã bị bắt cùng chúng tôi trong đêm 2 tháng Năm năm 1984 hoặc ít ngày sau đó. Chuyện đó chắc hơn đinh đóng cột. Nếu Nguyễn bị bắt cùng chúng tôi, không biết đời anh sẽ ra sao? Khi nhìn thấy nhau xách túi quần áo đứng chờ trước cửa xà-lim, chúng tôi không ai nghĩ đến chuyện hai anh Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, Dương Hùng Cường lại chết trong tù.
Nguyên nhân Lê Trọng Nguyễn - nếu còn có mặt ở thành Hồ tháng Năm 1984 - bị tóm là anh làm một bản nhạc hành khúc. Anh đưa cho tôi và bảo:
- Mày làm lời bài này cho tao. Tao tặng Kháng Chiến Quân…
Tôi nói chỉ có người soạn nhạc lấy thơ phổ nhạc, tôi không thể làm lời nhạc được vì lẽ giản dị tôi mù tịt về âm nhạc, mù tịt luôn cả dương nhạc. Nguyễn làm lời rồi đưa bản nhạc cho tôi gửi sang Mỹ. Tôi đặt tên cho bản nhạc rồi viết thêm vài dòng:
Tiếng hát trở về
Tặng các bạn Kháng Chiến Quân. Nhạc và lời Trung Nhơn.
Trung Nhơn là một nhạc sĩ nổi tiếng của chúng ta từ lâu trước 1975. Hiện ông đang sống ở Sàigòn. Vậy chúng ta cứ tạm biết ông với cái tên Trung Nhơn.
Tôi gửi bản nhạc đi. Năm ấy là năm 82. Thấm thoát vậy mà đã mười mấy mùa lá rụng. Những ngày như lá tháng như mây - Thơ Thanh Nam, - tôi không nhớ tôi gửi cho ai, cho báo nào. Thế rồi Nguyễn đi khỏi Thành Hồ vào cuối năm 1983, đi khỏi đường Nguyễn Minh Chiếu bị đổi tên là Nguyễn Trọng Tuyển, tôi mất thêm một người bạn tốt.
Vào hai giờ sáng ngày 2 tháng 5, 1984, bọn đầu trâu mặt ngựa cháu Bác Hồ, mười mấy tên kéo vào căn nhà nhỏ của vợ chồng tôi. Lực lượng công an đi vồ phản động lần này thật hùng hậu. Hai máy ảnh nháng đèn liên hồi. Ít nhất nội trong đêm ấy chúng cũng phái năm đội như thế đi bắt anh em chúng tôi: Doãn Quốc Sĩ, Dương Hùng Cường, Khuất Duy Trác, Trần Ngọc Tự và tôi bị bắt trong cùng một đêm.
Xét nhà tôi chúng tóm được mấy bức thư Nguyễn từ Mỹ gửi về cho tôi. Nhờ có kinh nghiệm vì đã bị bắt một lần tôi cẩn thận cất giấu tất cả những gì tôi viết. Khi ta đã cất đến ông nội chúng nó cũng không tìm thấy. Chỉ vì ta như những em gái trinh hớ hênh, ta để tài liệu khơi khơi trên bàn, bên gối, trên giường, trong tủ nên chúng mới dễ dàng tóm được mà thôi. Chúng vớ được mấy lá thư của Nguyễn vì tôi thấy thư viết chuyện đời sống của Nguyễn và gia đình ở bên Mỹ, toàn chuyện vô thưởng vô phạt nên để thư trong ngăn kéo bàn.
Theo đúng thông lệ và thủ tục thẩm vấn người mới bị bắt vô là bị hỏi liên tiếp trong những ngày đầu. Tôi không chối tội vì tôi thấy tôi không có gì phải xấu hổ vì những việc tôi làm. Hai nữa tôi không chối vì tôi biết có chối cũng vô ích. Khi bắt mình chúng đã định trước mức án. Chối thì mười năm mà nhận thì cũng mười năm. Chi bằng nhận mình hách hơn. Ít nhất mình cũng không hổ thẹn với chính mình. Lý do thứ ba làm tôi dễ dàng khai báo nhận tội là tôi không thích nói dối. Tất nhiên không phải tôi nói dzậy là suốt đời tôi không bao giờ nói dối. Có chứ. Nhưng tôi đã viết: theo tôi thấy qua kinh nghiệm mồ hôi và máu tươi của tôi - mồ hôi vì trong tù đông người nóng quá, máu tươi vì phải đem thân gầy nuôi rệp xuất khẩu thâu ngoại tệ về cho đảng Cộng sản bỏ túi và nằm trần không mùng cho muỗi tha hồ đốt - với Công an cộng sản thì người tù chối hay nhận tội cũng vậy thôi. Thêm nữa tôi dễ dàng nhận tội vì tôi chỉ nhận những cái gì gọi là tội của tôi, tôi không phải khai báo việc làm của anh em tôi. Đây là điều thoải mái nhất cho lương tâm tôi. Những gì tôi biết về việc làm của anh em tôi bọn cớm cộng cũng đã biết. Chúng còn biết về những việc anh em tôi làm nhiều hơn tôi nữa.
Công an Thành Hồ có sách báo của người Việt hải ngoại dễ hơn chúng đớp cơm sườn. Tay sai của chúng ở các nước tư bản mua đủ thứ sách báo Việt gửi về. Chúng chỉ việc nghiên cứu những bài viết tìm xem tên nào đang sống trong vòng kìm kẹp ác ôn của chúng dám liều mạng viết những bài tố cáo tội ác của chúng gửi ra nước ngoài. Huỳnh Thành Trung, tên anh Công an thẩm vấn tôi, mang vào Phan Đăng Lưu chừng năm bẩy tờ tạp chí hải ngoại. Trong những tờ báo này có những bài chúng nghi là do tôi viết. Chúng mang báo vào cho tôi đọc và hỏi rằng có phải bài này do tôi viết không?
Chúng chỉ cho tôi đọc riêng bài nào chúng nghi tôi là người viết. Một trong những lạc thú của những người viết là được đọc những bài viết của mình được in rõ ràng, sáng sủa trên những trang sách báo. Lâu lắm rồi tôi không được hưởng cái lạc thú ấy. Tôi khoái chí đọc từ đầu đến cuối những bài tôi viết được in ở nước ngoài. Và tôi nhận của tôi nếu bài viết đó do tôi viết, tôi nói không nếu bài viết đó không phải do tôi viết. Tôi dùng nhiều bút hiệu dưới những bài ấy: Ngụy Công Tử, Văn Kỳ Thanh, Yên Ba, Con Trai Bà Cả Đọi, Dương Hồng Ngọc, Hồ Thành Nhân, Triều Đông, Hạ Thu v..v… Trên mấy bài chúng nghi tôi là tác giả tôi thấy tên nào đó ghi mấy chữ "H2T?"
Hát Đơ Tê và dấu hỏi. Như vậy là có tên nào đó biết khá rõ về lối viết, về cái gọi là "văn phong, ngôn ngữ" của HHT đã đọc bài viết này và nghi bài đó là của Hát Đơ Tê.
Trong một số báo như thế tôi thấy đăng bản nhạc "Tiếng Hát Trở Về tặng các bạn Kháng Chiến Quân, Nhạc và lời của Trung Nhơn," đăng nguyên con, đăng y chang. Ông bạn nhà báo nào đó nhận được bản nhạc đã đưa luôn bản viết tay của chúng tôi lên máy chụp luôn, in luôn. Chữ tôi viết lời giới thiệu, chữ Lê Trọng Nguyễn Nắng Chiều Trung Nhơn Rởm lù lù trên trang báo. Còn chối chăng chi nữa. Chối là con nít. Chữ mình viết rõ ràng. Có là con nó thì may ra chối nó để yên, còn là bố nó mà đến nước ấy còn ngang ngạnh chối nó cũng đá cho hộc máu.
Tôi nói:
- Đúng. Bài này tôi viết. Bản nhạc này do tôi gửi đi. Tác giả nó là bạn tôi, nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn, anh bạn tôi đã sang Hoa Kỳ.
Anh công an nghiêm giọng:
- Anh nên khai báo nghiêm chỉnh. Đừng tưởng cứ đổ hết tội cho người đã ra đi nước ngoài là được đâu.
Tôi chỉ nói:
- Mấy dòng chữ trên bản này là của tôi, những dòng này là chữ Lê Trọng Nguyễn. Các anh đã bắt được thư của Nguyễn ở nhà tôi, so tự dạng là các anh biết ngay chứ gì.
Anh công an thẩm vấn tôi lần tôi bị bắt thứ hai này chưa đầy ba mươi tuổi. Anh sinh trưởng ở Sàigòn, thuộc loại con nhà "gia đình cách mạng", tức có cha, anh, chú, bác là Việt cộng nên anh được đưa vào ngành công an. Tên anh, bí danh hay tên thật tôi không rõ, là Huỳnh Trung Thành. Tôi thấy tên anh ghi trên biên bản thẩm vấn tôi. Dường như tôi có duyên nợ với những anh công an Việt cộng họ Huỳnh tên Thành. Người thẩm vấn tôi lần trước 77-79 là Huỳnh Bá Thành, lần 84-90 này là Huỳnh Trung Thành.
Trong những buổi thẩm vấn tôi Huỳnh Bá Thành thường ngưng hỏi để trò chuyện với tôi, Huỳnh Trung Thành nói chuyện riêng ít hơn. Anh còn quá trẻ so với tôi, anh không biết gì nhiều để nói. Có lần anh tâm sự:
- Tôi sống ở Sàigòn nhưng các ông anh, bà chị tôi mới biết các ca sĩ Thái Thanh, Anh Ngọc. Tôi không biết.
Xin kể một chuyện bên lề dính dáng đến hai ông Mít nổi tiếng trong giới Mít Dzăng nghệ dzăng gừng hải ngoại nói chung, Xê Kỳ nói riêng. Hai ông đó là ông Lê Văn đài VOA, và ông Đỗ Ngọc Yến nhật báo Người Việt.
Như tôi đã viết hơn một lần: sau 1975 sợi dây liên lạc mong manh duy nhất mà những Anh Con Trai Bà Cả Đọi kẹt giỏ Thành Hồ còn có được với thế giới bên ngoài là những giờ phát thanh tiếng Việt của hai đài VOA, BBC: Vợ Ông Anh, Bà Bán Cam, Bà Bán Cháo. Mỗi ngày chỉ cần nghe hai đài này là chúng tôi có thể yên tâm là mình biết tạm đủ tin tức trên thế giới.
Nhưng cũng có nhiều ông nghiện nghe đài nặng - tiếng đài là do ta bị ảnh hưởng của người miền Bắc xã hội chủ nghĩa: Mua đài, nghe đài, đài nói láo, báo nói sai - ngoài việc chờ nghe hai đài VOA, BBC các ông này còn chịu khó nghe đài Úc. Có thể nói kể từ ngày những đài VOA, BBC bầy ra giờ phát thanh tiếng Việt chưa bao giờ hai đài lại được thính giả Mít chiếu cố nhiều như những năm sau 1975.