Số lần đọc/download: 3000 / 75
Cập nhật: 2017-07-11 14:13:25 +0700
Chương 14
D
ợt báo động sau cùng vừa tan, trời sáng hẳn. Buổi sáng như sớm hơn bình thường, từ hôm máy bay Mỹ đến đánh đêm. Còn tối đất, những chiếc xe khách Scôđa đồ sộ đã đến đỗ một dọc ngoài ngã năm. Những chiếc Thống Nhất máy I–pha, xe sẫm vằn vèo như con thằn lăn hoa - để che mắt máy bay.
Đoàn xe suốt ngày chở người ra khỏi thành phố.
Loa gọi chõ vào từng ngóc ngách. Các số nhà ở phố đông, lâu đời, cũng lắm cái lạ. Cứ tưởng người đi hết từ chuyến hôm qua, giờ lại thấy lũ lượt xách túi đeo ba lô, trẻ con ríu rít ra. Tận trong cùng, một cái nhà nóc đen xỉn lên tận hai trụ chuôi vồ, cũ kỹ như nhà thờ họ ngày trước hay đình hàng phố của những người một nghề cùng quê lên Kẻ Chợ, lại loi thoi mấy người nữa gồng gánh ra. Thấy ông cán bộ phố, ai cũng cười, nói chống chế: ấy em nghe loa lúc gà gáy, vội thu xếp đi ngay.
Tiếng loa rộn rã. Phố này có loa pin lại mượn thêm đâu được mấy ống loa thiếc. Anh thông tin huy động cả anh họa sĩ và mấy tay trong ban vẫn giúp kẻ khẩu hiệu, cũng đi gọi loa từ mờ sáng, rõ mồn một vào từng số nhà.
Bác Tặng đi từng xe, làm loa tay nói chõ lên ô cửa, trong lố nhố người ngồi.
– Hôm nào bìa phiếu trên khu về, chúng tôi sẽ đưa từng hộ ở sơ tán. A lô, a lô. Xin chúc bà con lên đường mạnh khỏe.
Nói rồi, bác cũng trèo lên xe. Hai ông cháu ngồi ghép một ghế ngay cạnh người lái xe. Ông cháu cũng sơ tán. Chuyến ấy, mọi người cười ầm, khoái tưởng như đi tham quan.
Đoàn xe đưa người ra khỏi thành phố. Chẳng bao lâu, đã ra đến cánh đồng rộng. Chốc lại gặp bên đường, một chòi tre lênh khênh, cô dân quân áo nâu khăn vuông đen. Trước chòi, một ụ đất nhỏ, giữa đặt khẩu súng trường trên đầu cọc tre, có thể xoay bắn bốn phía, nếu máy bay nó chúi xuống.
Ba gác người kéo, xích lô, xe bò, xe đạp thồ, xe ngựa lóc cóc, vội vội. Ai cũng muốn đi nhanh trên đường khi đường quang quẻ những đám sương mù cứ mỗi lúc một cất cao lên. Đến lúc gặp quầy bia trong phố đem ra đây bán, lại tưởng đường cái bình yên mọi khi, xe lại rềnh ràng đỗ. Dưới gốc muỗm cổ thụ, ngay lối vào tam quan chùa, một đống thùng bia chất quây lại. Bàn kê cạnh, hai cô mậu dịch đương xếp ra từng tầng cốc vại úp lên nhau. Còn sớm mà rét thế này, mấy đồng chí lái xe tải đã nhảy xuống.
Bác Tặng bảo cháu:
– Hôm nào về, ông mua cho chú Tuyển một bi đông bia, mỗi bi đông được hai vại.
Cửa hàng ăn uống huyện về bày bán trứng vịt lộn và bánh mì. Người xúm xít cả vào gốc muỗm.
Anh lái xe nói với lại:
– Mời đồng bào xuống uống bia và mua bánh mì, trứng vịt lộn. Nghỉ mười lăm phút, đúng mười lăm phút tôi bóp còi làm hiệu thì ra xe.
Ông cháu líu ríu xuống.
– Phải rồi, bánh mì về sơ tán làm quà.
Lát sau, cái xe lại đi.
Ngoài đồng, dưới những cây sồi sù sì trụi lá, một hàng xe, trên lưng chở những chiếc tên lửa dài ngoằng, vỏ màu đất xám, thật lẫm liệt. Ra đây tha hồ xem tên lửa, thoải mái quá.
Nam được trông rõ ràng cái tên lửa đậu trên ô tô, to dài bằng mấy chục thùng phuy đựng nước nối vào nhau, màu ngụy trang đen vàng xanh nâu vằn vèo. Quanh đấy, những xe điện đài xám vuông cắm cành lá xung quanh, như ngôi hàng nước. Kỳ tình cửa mở toang, bộ đội ra đa ngồi trong, đeo máy lên hai bên tai, nghiêm nghị nhìn ra.
Nam nhớ năm trước có lần đi sơ tán với ông, không biết có đi đường này không, chỉ mang máng qua nhiều cầu, nhưng nhớ rõ chiều vàng mặt trời có những quả bóng đen to như thúng cái bay lơ lửng trên ngọn tre. Cô dân quân đeo súng cầm dây kéo xuống. Có khi quả bóng được gió lại lôi người treo lên. Mấy cô khác phải chạy tới, níu vào. Những quả bóng to, kỳ lạ bay phập phùng, phập phùng và những tiếng cười ngặt nghẽo.
– Ông ơi! Quả bóng ở trên trời làm gì?
Ông cắt nghĩa:
– Các anh bộ đội kể chuyện ngày trước bên Liên Xô đánh nhau với phát xít cũng thả quả bóng thế. Máy bay phát xít đến ném bom rúc xuống, đụng phải bóng, cháy liền.
Từ lúc ông nói thế, Nam để ý thấy nhiều quả bóng đen to bay xa bay gần trên cánh đồng, trông sờ sợ thế nào ấy.
Bây giờ Nam hỏi ông:
– Không thấy quả bóng năm ngoái, ông nhỉ?
Ô tô bỗng phanh sững lại.
Người lái xe hét to:
– Cứ ngồi yên. Nó đếm rồi.
Ngoài cửa kính, một bóng đen chũi to bằng mấy cánh phản lao như đâm thủng tan làn sương, kéo theo tiếng xoèn xoẹt. Nhiều người cúi xuống, bịt tai. Có tiếng kêu: “Bác lái ơi, mở cửa ra cho chạy chứ ngồi chết cả nút à!” Người lái xe vẫn trầm ngâm, vắt một tay lên vô lăng, lẩm bẩm:
– Lại thằng kẻ cướp F.111. Mò sớm thế.
Rồi mới trả lời ai vừa nói đằng sau:
– Cụ ơi, cụ cứ yên tâm, cháu có kinh nghiệm rồi. Chạy hoài hơi, nó cút ngay đấy mà.
Quả nhiên, xung quanh đã im ắng như không.
Ông cũng im. Giữa đồng không, chẳng biết báo động báo yên thế nào. Thấy vắng máy bay, người các bờ bụi kéo ra. Những xe ngựa, xe ba gác đứng lùm lùm như bụi cây, bỗng rung rinh động đậy rồi lại rong rả đi. Và đoàn xe chở người sơ tán cũng rồ máy.
Đã đến làng sơ tán.
Những chuồng bèo nở xanh ngắt từng ô vuông vắn mặt ao. Cổng ngăn, cầu ao, cổng xóm, cây đề, bóng mát vừa vui mắt vừa thoáng đãng, vừa nền nếp làng mạc mới. Các lớp học ẩn vào chân tre, có đường hào từ xóm ra.
Phố sơ tán về ở rải rác hai thôn bên cánh đồng. Mỗi gia đình nhờ một nhà. Bác Tặng đến xóm bà tổ trưởng. Năm ngoái, bác đã vào chuẩn bị chỗ cho từng tổ.
Trưởng ban đón sơ tán của thôn đưa bác Tặng và cháu đến một nhà trong xóm. Ở nhà, lúc ấy có một cụ già và đầy sân trẻ con ríu rít chơi. Nhưng nhìn lại mới biết các cháu đương từng nhóm bên những đống giẻ rách, mụn vải, bới chọn để riêng ra từng bọn giẻ trắng, giẻ đen, giẻ nâu...
Cụ già mặc áo bộ đội bốn túi đã cũ, râu bạc phơ, bắt tay bác Tặng:
– Tôi là phó Ngạn, phó dao, phó cuốc, không phải phó lý, phó tổng. Rước cụ vào trong nhà.
– Thưa cụ, tôi còn dưới tuổi cụ nhiều.
– Quí nhau thì gọi bằng cụ, cứ gì tuổi.
– Cụ năm nay được giời cho bao nhiêu rồi ạ?
– Tết này vừa tám nhăm, năm nay tôi năm tuổi.
– Các cháu nhà ta được phúc, sướng thật.
Cụ Ngạn cao tuổi thế mà vững đáo để. Suốt đến chiều, bác Tặng được chứng kiến cụ Ngạn khỏe thế nào. Cụ đương giơ tay rèn lưỡi cuốc.
Hàng hiên nhà vảy tham ra, che giại xung quanh, làm lò rèn. Cả ngoài sân và trong lò, công việc rộn như xưởng máy. Cụ Ngạn cất tiếng quát. Một cháu ngoài sân chạy vào, vừa khịt mũi vừa nhoi người lên nắm hai tay tre ống hơi, kéo bễ. Chốc cụ lại quát một đứa vào kéo bễ đổi cho nhau.
Miếng sắt vùi trong đống than đã đỏ lừ, cụ Ngạn gắp ra, một tay nhấc búa rèn luôn. Thỏi sắt xám dần, lại được bỏ vào lò, một lát gắp ra. Cho đến lúc dẹp thành hình lưỡi cuốc, cụ bỏ vào bể nước. Miếng sắt kêu “xẻo” một tiếng. Rồi cụ lại lấy ra, rèn lần sau cùng. Hai cánh tay cụ để trần, bắp thịt chưa nhẽo, gân nổi từng múi.
Cụ giơ búa giọt đều như chày giã gạo.
Chặp tối, cụ Ngạn ngồi uống rượu với bác Tặng ngay cạnh lò bễ nóng rực. Ông lão tám chín mươi mà chưa hỏng răng nào. Trong chiếc mâm chõng lênh khênh có một bát chậu thịt gà luộc chặt miếng to, một đĩa muối lẫn mấy quả ớt gió đỏ gắt và một liễn dưa cải muối xổi còn xanh. Nồi nước xuýt treo lủng lẳng vào cái móc sắt trên lửa lò thoi thóp. Mùi cơm gạo mới thơm phức.
Cả nhà, con cháu, chắt cụ đã xong bữa từ nãy. Gia đình này, tam tứ đại đồng đường, mấy đời quây quần nhà liền vách, liền sân. Lúc nào cũng lố nhố người lớn trẻ con qua lại. Bác Tặng chưa đếm hết người trong nhà, huống chi thuộc sao được tên. Mỗi lúc thấy các cháu đến đông hàng chục đứa, bác Tặng lại nghĩ ngượng mua quà có hai cái bánh mì mà lúc nãy bác thấy cụ Ngạn đưa cả cho một đứa, rồi một lũ đuổi theo nhau ra vườn. Có lẽ chúng nó chuyền mỗi đứa cắn ngữ một miếng.
Chủ và khách có vẻ lý thú nhau. Cụ Ngạn vốn xởi lởi và vui tính. Ai đến nhà cụ cũng khoe là cụ sốt ruột, chỉ ngóng tháng bảy mùa chim giẽ giun về đồng sâu, cụ đi đặt bẫy thết khách. Cái thịt giẽ giun bổ bằng mấy củ nhân sân - cụ bảo thế.
Cụ Ngạn cứ nói tự nhiên với bác Tặng: “Nhờ cái thằng Mỹ mà một đời cụ với tôi được gặp nhau. Con gà nhà nuôi, có phải chợ búa đâu. Rượu thì nấu lấy. Tôi nấu tôi uống tẩm bổ, không uống nhiều, không nghiện, cũng không bán. Các anh ủy ban thông cảm rồi”.
Cụ Ngạn cởi mở chuyện. Từ trưa đến chiều, cụ vừa làm vừa nói choang choác, bác Tặng đã biết được ngọn ngành trong nhà. Gia đình mấy lao động ngoài đồng, mấy lao động nghề rèn. Cụ chỉ làm thêm thôi mà cụ không làm cũng được xã điều hòa gạo ăn. Một nhà hai tổ ngành nghề khác nhau. Hạt thóc để ăn, cái bễ để mua sắm - nhờ vậy, nhà có đồng hồ báo thức, bộ cốc, bát sứ, cái phích Rạng Đông và thau rửa mặt...
Cụ bà khuất núi đã lâu. Cụ được cả thảy mười con. Ông con cả mất năm sáu mươi tuổi. Kháng chiến chống Pháp, hai con đi du kích, một người hy sinh trong trận càn cuối xóm, một người bị phục kích ngay chỗ gốc cây muỗm vào làng. Còn ba người đi bộ đội đều được vào đánh Điện Biên Phủ. Bây giờ vẫn đương đi, nghe thư về, một người đóng trên Trường Sơn. Một người vào B. Một người bên C - đầu tiên cụ không biết ở đâu, sau có anh bộ đội đến đóng ở nhà nói đấy là bộ đội ta đi giúp mặt trận bên Lào.
Nhà cụ Ngạn cũng là cái bảo tàng, cái báo cáo thành tích. Trên đầu vách đóng khung đỏ đậm huy chương, huy hiệu, bằng dũng sĩ diệt Mỹ, Tổ quốc ghi công, gia đình vẻ vang. Ba phía vách, dán hàng hàng bằng khen, giấy khen của tỉnh huyện, hợp tác xã cho tổ kỹ thuật, hội Phụ nữ, đoàn thanh niên, tổ phụ lão, ban chống lũ lụt tỉnh, công trường thủy lợi, trường cấp 2, cấp 1... rực rỡ như cắm hoa mào gà.
– Báo cáo với cụ, dân làng chúng tôi có cái nghiệp đánh nhau cả trăm năm rồi. Tây cũng đánh, Nhật cũng được đánh cả rồi ạ.
“Ngày Tây mới sang, bố tôi theo các cụ vào bò từ dưới sông Cái lên Đồn Thủy. Bố tôi bị đạn vỡ mạng sườn mà cứ ôm ngực thế, chạy về tận đây, giữa nhà, chỗ tôi với cụ ngồi nhắm rượu bây giờ, nói được một câu: “Tao đâm ngã bốn thằng Tây mặc váy. Tao chết thế là hả rồi”. Đến thời ông Nguyễn Thái Học nổi lên, làng tôi làm bom cho ông ấy - làng này chả có nghề rèn đúc cày cuốc mà. Bấy giờ chỉ có cái liều chứ có gì đâu. Vỏ bom làm bằng lưới mắt cáo trát xi măng, to như cái chum tương. Bom với tạc đạn ruột nhồi mảnh sắt, mảnh tôn, bù loong, đinh ốc, đinh mười phân, hổ lốn cả. Ông Nguyễn Thái Học thì Tây giết, còn hai mươi ba người lò rèn làng tôi phải đầy sang Tân thế giới. Đến tận năm Chính phủ ta lên, còn sống sót hai cụ, may được ta can thiệp được trở về mất ở quê nhà.
“Ngày mai thong thả mời cụ ra ngắm lũy tre quanh làng thì biết. Lũy tre chống cướp, trốn Cờ Đen, lũy tre đánh Tây. Lúc bấy giờ tôi còn bé, không nhớ làng nước đã đánh bao nhiêu trận, chỉ nhớ nghe súng nổ suốt ngày, đến đêm vẫn còn tiếng reo, tiếng hò hét. Ngoài bờ tre, tiếng Tây xi xô, đứa quát tháo đứa bị thương khóc rống. Cả làng cùng nhau ăn thề nếu nó vào được thì nhất quyết chết cả. Nó không vào được, chuyển lên đánh Sơn Tây. Lũy tre làng, bây giờ chỉ còn thưa thớt chứ tre pheo ngày xưa ken đặc, lớp ngoài cùng toàn tre đực, đạn bắn không gãy, chó chui không lọt, cứ một hàng lũy lại một hào nước, lại lũy, lại hào nước, ba lần như thế. Bây giờ vẫn còn vòng hào quanh làng, chỗ nông cấy cần chỗ sâu vét để thả cá rô phi, ngày trước thì sâu ngập con sào. Mai mời cụ ra chơi ngắm phong cảnh. Mời cụ đưa cay đi. Chẳng mấy khi có cái thằng Mỹ mà anh em ta mới gặp nhau.
Một lát, cụ Ngạn lại gật gù sang chuyện khác:
– Tôi chỉ còn ước làm được nhà mới mà thôi. Hết đợt thằng Mỹ rập rình này. Tôi đã trù cả rồi. Ồi, vướng cái thằng Mỹ mà đâm ra chậm trễ cả. Báo cáo cụ, nhà tôi giống trong cái tích tuồng diễn hôm ở ngoài sân phơi ấy. Người thích đóng xe cải tiến. Người thích giường tủ. Ông lão quát: giường ghế, xe pháo không nay thì mai, không làm ngay nhà, tao chết xuống âm ti không dám gặp các cụ. Thế là ông lão thắng. Xong trận này, tôi cho cháu ra mời cụ về chơi nhà mới.
Cụ Ngạn đứng dậy, ra sân, chỉ trỏ:
– Chỗ này trước là nhà ngang. Bếp liền chuồng trâu, nhà trên hướng nam vẫn còn bốn chân đá kê xếp đấy. Hôm ấy, du kích đóng làm bà già đi chợ phủ, tốc váy lên bắn chết quan hai Tây giữa chỗ hàng gạo. Có đứa báo đồn là du kích làng này đánh. Thế là nó đốt cả làng. Tôi mất cái nhà.
Bắt vào chuyện làm nhà, câu chuyện lại sôi nổi hơn. Cụ kể như thật.
“Vùng chúng tôi có phong tục nhà gần xong, lấy trộm cái dùi đục của phó cả - làm phép thôi, lấy trộm mà lão vẫn biết. Rồi lại nhờ lão pha cái dùi đục ấy ra thành mớ đinh đỉa. Phải đền đôi gà, bữa rượu về cái dùi đục. Thầy cũng làm bùa trấn trạch, đóng đinh đỉa lên cột yểm cho được đời đời phúc lộc thọ. Nhà ai trái ý thợ cả, lão thâm hiểm đẽo mấy phát lệch vào hai cột giữa, rồi yểm câu rủa vào. Khốn khổ, cái trò làm nhà thời lạc hậu ấy nhà... Làm nhà tôi bây giờ khác. Vôi, gạch, ngói, thợ toàn hợp tác điều cho. Lại tổ giúp thêm. “Ông hợp” làng tôi định điều công lần lượt thế, kỳ đến cả làng lên nhà ngói hết mới thôi”.
Chuyện làm nhà làm cửa càng miên man. “Tôi đã sửa soạn cả rồi. Những mớ xoan đào vườn nhà năm ngoái ngả xuống ngâm, lứa xoan ấy bảy tuổi. Mớ ngâm năm trước đã vớt, các cháu cứ làm dần trong ngày nông nhàn. Cưa, xẻ, con nảy, đẽo đục để đấy, những tai hậu, cái xà, cầu ngang, cầu phong, được cái nào thì gác dần lên...”.
Bác Tặng nhớ đôi lúc ngửi phảng phất mùi thum thủm mà quen quen dễ chịu. Mùi xoan ngâm mới vớt dựng ngoài đầu nhà.
Gió rét thổi lùa lên khe giại, nhưng ngồi quanh bếp, hơi lửa và rượu ấm. Và còn thấy đằng sau ngọn tre nham nhở mấy dáng mây đỏ ối. Rồi trời tối lúc nào không hay.
Ở làng không có loa còi, không biết báo động. Nhưng thế là vừa chập tối, máy bay chắc lại vào đánh thành phố. Chốc, chốc bốn phía đầu làng cuối làng trận địa pháo ngoài đồng bắn sáng rực khiến cho những con chim to như con quạ, con bồ các bay loạn trên các ngọn tre trong vòm trời úa vàng như hoàng hôn trở lại.
Bác Tặng ra sân trông về phía bờ tre. Đằng ấy là Hà Nội. Chớp lửa, có lúc dậy một loạt chân trời sáng trưng. Những con gà trong chuồng tưởng trời sáng, thi nhau gáy dồn. Đang gáy, tiếng bom dội đến, đàn gà nhốn nháo, lạt xạt. Tiếng gáy nghẽn trong cổ rồi im bặt.
Tiếng tù và ở đâu rúc lên trong lặng lẽ, như báo hiệu mọi làng xóm vẫn thức.
Cụ Ngạn lấy mảnh gỗ che cái bếp - bếp chỉ còn một ít đỏ than đương vạc, rồi mới bước ra sân.
Phía xa, đạn cao xạ thun thút lên như chớp giật. Một đám lửa rơi cụp xuống, tắt ngấm.
Cụ Ngạn nói:
– Thế là một cái rơi ở cầu Giẽ rồi. Nó vào đằng này, ra đằng kia, bợm thế mà cũng đón đánh được. Hết rồi, ta vào uống nước.
Cụ Ngạn lấy ống thổi lửa lên, đẩy thêm cái gốc tre, rồi chép miệng:
– Cụ ạ, cái thằng Mỹ thế mà hèn.
Bác Tặng vẫn đăm đăm nhìn qua khe liếp như nhìn thấy ánh lửa thành phố còn cháy đằng kia. Bác bồn chồn, như mình đương ở trong ấy.
– Cứ đứng trên giời mà chõ xuống là hèn chứ gì. Có giỏi thì xuống đất đánh nhau với người ta...
Bác Tặng bật cười:
– Xuống đất thì nó chết ngay, cụ ạ.
Rồi bác trình bày, vẻ thành thạo:
– Trong các phố ta đã bài binh bố trận cả. Nhiều khu có công sự bí mật, kiên cố lắm. Làm công tác đường phố được phổ biến rồi. Chuẩn bị đánh nhau trong phố mà. Tự vệ các phố tối đi trực chiến ở những chỗ trống. Trên bờ sông, quanh Bờ Hồ, Nhà hát nhân dân, sân ga Hàng Cỏ, nhà Hỏa Lò. Rình tiêu diệt bọn nhảy dù. Nó mà dám liều như chuyến Sơn Tây nữa thì lần này không còn đứa nào vác xác về được đâu. Dưới mặt đất cũng có công sự, tài tình lắm cụ ạ.
– Chà chà! Có thế chứ! Có thế chứ!
Nam nằm ngủ ngay cạnh bếp lò. Về làng, chắc tại vắng đèn điện, con mắt díp lại từ chặp tối. Ông đắp cho cái chăn lúc nào mà không biết. Chỉ mang máng tiếng bom, tiếng súng như sấm sét. Nam trở mình, mở mắt. Chỗ khe liếp, một quầng sáng vàng. Rồi lại ngủ. Trong mơ màng thấy giữa cái vàng vàng có những con chim liệng rối rít trên ngọn tre.
Nam không biết ông ngả lưng cạnh Nam mà không chợp mắt được. Có thể cũng tại cái nước chè vò đậm quá.
Bác Tặng nằm đợi sáng.
Sớm hôm sau, Nam nghe tiếng người nói ngay cạnh đầu:
– Sương nhiều quá. Hôm nay rồi nắng. Mời cụ xơi nước.
Nam mở mắt thấy ánh lửa lò rèn đã đỏ ngời giữa nhà. Cạnh cái nồi đất, cụ Ngạn với ông, mỗi người cầm một cái bát đàn. Chắc hai cụ lại uống nước chè tươi như tối qua.
Bác Tặng nói:
– Cụ đã dạy, xin đồng ý ngay. Như thế, cứ để cháu ở bên này. Tất cả nhờ cụ. Xin cụ nhận cho chỗ gạo này, các bà ấy...
– Tôi lĩnh gạo của cụ để nuôi cháu cụ à? Thế là không xong rồi.
– Bây giờ ở đâu cũng có tiêu chuẩn ạ.
– Nhà tôi không có tiêu chuẩn. Cụ làm thế thì là khách đấy. Cụ làm tôi khó xử. Chẳng nhẽ tôi lại bảo cụ đem gạo về phố. Hay là tôi không nhận. Thế là tôi đuổi hai ông cháu à. Thôi, được rồi, cụ để dó gạo ấy đây. Đừng ngỡ tôi tham nhé.
– Chết, không dám...
– Bao giờ bình yên mang về ăn mừng chiến thắng. Này tôi hỏi thực. Ở đây chơi vài hôm được không?
– Công tác khẩn lắm.
– Thế thì không dám giữ. Nhưng phải nói thật. Các cháu nhà tôi cũng thế, đứa nào về chơi bao lâu cũng thây kệ, nhưng đến lúc bảo có công tác, tôi giục đi ngay.
– Cụ dạy chí phải.
– Thằng bé cứ ở đây. Tôi quất cho nó làm. Trẻ con phường phố là ngay lưng hơn trẻ con nhà quê.
– Dạ, không có nhà quê lấy đâu ra Kẻ Chợ. Cháu cũng là người trong làng...
– Tôi biết rồi.
– Cụ cho cháu kéo bễ như các cháu hôm qua ấy, ngoan quá.
– Nói chơi thế chứ Kẻ Chợ mà có phố Hàng Bừa, Hàng Bún, Hàng Mụn, phố Lò Rèn, dốc Hàng Gà, thế cũng là cái gốc nhà quê mình ra. Chỉ có từ khi thằng Tây sang sinh ra thầy phán, thầy thông, cô đầu nhà thổ, phố phường mới có người hư đốn thế chứ. Thằng Còi nhà tôi cũng chạc cháu này, được rồi.
– Trăm sự nhờ cụ.
Hai người chuyện bô bô, không biết Nam đã thức, mắt thao láo. Thế là ông sắp về. Nam muốn đi theo. Nam nhớ ông. Nhưng bao giờ Nam cũng vâng lời, ông bảo, Nam nghe ngay. Nam bần thần đoán ông đi bây giờ hay chốc nữa. Thì cũng là ông đi rồi. Nam ngồi nhỏm, hai tay ôm chân ông. Ông vuốt tóc Nam rồi cúi xuống, để cằm kề lên đầu cháu.
Nam nhìn quanh, bây giờ mới thấy thật ông nó sắp đi. Cái ba lô con cóc và cái túi ông vẫn quàng vai, với cái bi đông. Chiếc mũ sắt đã bỏ quai xuống, úp xùm xụp cả lên trên cái mũ lưỡi trai vải xanh.
– Ừ đi. Nhưng bây giờ thì chưa được.
– Dạ.
– Khách đi mà lòng không dạ rỗng là chủ đuổi khách.
– Bây giờ đời sống mới, cụ cứ cho tự nhiên. Tuần sau, về phát bìa phiếu cho các hộ, có khi được ở nhờ cụ đến mấy ngày.
– Nhớ nhé.
– Bây giờ chưa tan sương, còn dễ đi. Chốc nữa, hửng lên, nó xoèn xoẹt trên đầu, mất thì giờ lắm. Lặn lội vì công tác cả thôi.
– Ừ cụ nói thế còn nghe được.
Cháu theo ông ra đến cổng xóm. Ông mở cái mũ cát két của cháu, xoa đầu cháu.
– Hôm nào ông vào?
– Tuần sau, ông đem bìa phiếu vào.
– Lần sau vào ông đem hộp vào cho cháu dán.
– Được rồi.
– Ông nhớ đấy.
Cháu hỏi như níu ông lại.
– Nhớ rồi.
Ông rút tay, đi vụt xuống bờ tre, khuất vào trong sương. Không đi nhanh thế, ông không thể bước được. Nam nức lên một tiếng, chạy theo mấy bước rồi lại quay lại, rồi lại chạy theo, rồi lại chạy lại, quanh như con nghé vướng thừng. Tiếng nức muốn òa lên nhưng không dám khóc, lại nức. Sau cùng, Nam ôm hai tay lên mặt, úp mặt vào thân cây sồi.
Một lúc lâu.
Tay ai nắm vai áo Nam kéo lại. Nam giật mình nhận ra. Không phải ông. Thằng Còi - cũng chạc Nam, Nam biết tên nó từ hôm qua, lúc cụ Ngạn hét Còi vào kéo bễ.
– Eo ơi! Khóc à!
Nam cười gượng:
– Không phải.
Còi nói:
– Vào đây với tớ.
Nam đi theo Còi.
Còi hỏi:
– Đằng ấy lên mấy?
– Lên sáu tuổi rưỡi.
– Tớ hơn đằng ấy bốn tuổi.
Nam trố mắt. Còi loắt choắt, nếu nó không mặc áo bông bù xù, chắc còn thấp hơn Nam.
– Tên tớ không phải là Còi. Tên tớ là Hưng. Trần Đình Hưng. Tớ còi từ bé nên nhà gọi là thằng Còi thôi. Nhưng chú ý nhé, ở lớp đứa nào nhỡ buột gọi Còi... Còi... tớ đấm bẹp mõm ngay.
Hai đứa đã trở vào đến cửa liếp.
Cụ Ngạn ngó ra:
– Phải đấy, hôm nay mày bảo nó đẽo gỗ. Uốn cho cái lưng bớt ngay, cháu ạ.
Còi mách với ông:
– Thằng này mới lên sáu tuổi rưỡi.
Cụ Ngạn cúi xuống vuốt tay lên cằm râu, nhìn tận mặt Nam rồi móm mém cười to: “Thế là lên bảy, lên tám, nhớn rồi. Giỏi, ông về mà không khóc. Thế thì giỏi”. Nghe nói thế, Nam lại muốn khóc.
Cụ Ngạn đưa cho Nam và Còi, mỗi đứa một củ khoai nướng. Củ khoai phủ bụi than. Nam đã trông thấy lúc nãy, cứ ngỡ hòn gạch vua bếp. Nam đưa tay vừa đụng đã rụt tay lại. Nóng quá. Thế mà cụ Ngạn cời trong đống than cửa bễ lò ra, cầm lên như không.
– Bỏ vào túi, chốc nữa ăn. Khoai nghệ ngọt hơn đường. Ngoài Kẻ Chợ làm gì có. Cụ hay nói đùa thôi, đừng sợ. Theo anh Còi ra vườn chơi.
Giữa vườn, hai cây táo xòe cành. Nam nhìn những cành táo li ti như đan mái trên cao. Chùm táo xanh sẫm lẫn giữa đám lá táo nhợt nhạt.
Táo sắp chín. Bây giờ rung cũng có táo chín rụng đấy. Nhưng rung bây giờ rụng cả quả xanh, không nên. Mùa táo chín cứ trải rơm quanh gốc, rồi lấy cái cù ngoèo thò lên rung từng cành. Táo rơi lộp độp như mưa đá, mà không giập - rụng xuống rơm mà. Hột táo để bán cho người ta mua làm thuốc. Mày ở đây tháng sau được ăn táo chín.
Còi lại khoe:
– Bây giờ rung táo không phải lót rơm.
– Thế làm thế nào?
– Thằng Mỹ đã cho cái lót tốt hơn rơm.
Nam ngơ ngẩn, không hiểu.
Còi cười hét lên:
– Thế mà cũng không biết. Thằng Mỹ ném nhiễu xuống nhiều lắm, êm chẳng khác rơm, hơn rơm. Mày trông thấy nhiễu chưa?
– Chưa.
– Lạ nhỉ, ở Kẻ Chợ, cái gì cũng không biết!
Hai đứa đứng lại phía góc vườn. Quang đãng, không có cỏ ướt sương, vì đấy cũng có một cây táo. Các giống cỏ không mọc được dưới gốc táo. Rõ ràng, Nam trông thấy một quả táo vàng mọng, nhưng không dám chỉ trỏ, hỏi xin.
Bên kia hàng rào ô rô xanh đen, thấp thoáng đường ra đồng, nghe trâu bước cộp cộp và tiếng xe cải tiến đi chở lúa sớm, vòng bánh kêu lạch xạch.
Chốc lại thấy một đứa trong xóm, hai tay thủ trong bọc, đi ra. Có đứa, vì rét phải nắm củ khoai trong túi cho ấm. Cứ tò tò, đến năm sáu cậu, trạc như Nam. Nhưng Nam đoán có lẽ chúng nó nhiều tuổi hơn mình, cũng như anh Còi.
– Thằng này là thằng Nam mới ở Hà Nội chạy sơ tán về. Chốc nữa ta chơi bắt giặc lái.
– Chơi đố lá thích hơn.
Còi ra lệnh:
– Được rồi, ăn đã. Đứa nào có khoai bỏ cả ra đây ăn chung.
Những củ khoai nướng vỏ đỏ ruột vàng, ngọt ơi là ngọt. Nam chưa được chén khoai ngon thế bao giờ. Làn sương tản dần lên trên cao. Những con chim bay ra kêu chíu chít, không biết chim gì. Các bạn ngồi chờ cho nắng hửng, đỡ ướt cỏ. Chơi bắt giặc lái hay chơi đố lá. Cả hai, Nam đều chưa biết. Nam chỉ thấy thích và đợi. Miếng khoai vẫn ngọt lừ trong miệng.
Bác Tặng ra đường cái nhựa đợi xe. Lúc lâu mà không thấy xe nào. Thường ngày, cứ nửa tiếng lại một chuyến chở khách đi về trên đường này.
Đợi một lúc không thấy xe, bác Tặng cắm cúi đi. Sương đã tan từng mảng mà buổi sáng còn như ngái ngủ. Sau cả đêm sôi sục bom đạn. Máy bay Mỹ đánh cách khác thằng Pháp. Hồi ấy, cứ hai cái “xi–pít–phai” cắn đuôi nhau chúc xuống bến đò đầu làng thì ở trong xóm cứ dắt trâu ra đồng và chợ vẫn họp dưới bóng lũy tre. Mỹ làm ồn ào như muốn bắt cả thành phố, yếu bóng vía, phải nhộn nhạo lên. Tầng tầng bay ngang bay xiên, cái thiên cái thẹo tung lên lộn xuống, chợt một chiếc ở đâu vụt đến ném bom. Còn lại những thằng giả vờ vẫn như múa rối giữa trời. Con ma, thần sấm, cái tên đã muốn dậm dọa, tiếng nó hộc lên, tưởng như hút người bốc khỏi mặt đất. Khắp một vùng, phố xá, cả các làng, cả dọc sông, đâu đâu cũng phải phấp phỏng đề phòng.
Người ngại đi sơ tán nói ở trong làng, máy bay xuống sát mái nhà, hãi hơn ở thành phố có cao xạ, tên lửa bắn đuổi, nó chỉ dám lơ lửng trên tít mù. Nhưng là nhận xét thế thôi, ra ngoài rộng rãi vẫn thênh thang hơn. Từ năm đánh nhau với Mỹ, có kinh nghiệm rồi - các ông các bà ấy bảo thế, các cơ quan, nhà máy, cứ việc đi kỹ, còn người hàng phố thì nhùng nhằng đi đi về về. Đến lúc thật căng lại có cách đối phó khác. Như bây giờ.
Quả có như thế. Trên đường sáng nay cứ tưởng chỉ gặp những đoàn xe vào phía nam, nhưng không phải, đời sống thời chiến bắt đầu từ tinh mơ, không biết có đêm.
Những xe bò bắp cải, hoa lơ, hoa huệ đã vào thành phố từ đêm, giờ trở ra, trên thùng xe còn giành cỏ, thức ăn trữ của bò. Người đánh xe ngủ lắc lư bên cạnh, mép chăn dạ nâu Nam Định trùm kín đầu. Những con bò được khoác khố tải chống rét đến khoeo chân, bước gieo móng cá sắt xuống mặt nhựa rời rạc, nhạt nhẽo, đi xa cũng nghe mãi một nhịp thế.
Một đoàn khác lù lù tiến ra, thoạt trông qua làn sương bảng lảng đương tan, tưởng lại những chiếc xe bò khác, gần đến nơi thấy toàn xe đạp thồ. Mỗi xe tải hai xâu sọt tre lồng vào nhau dài hơn sào nứa. Cái tay ngai buộc ghi đông phải làm khuỳnh dài hơn chiếc đòn gánh. Chồng sọt ấy của hợp tác xã nghề phụ, mấy làng phía trong, chuyên làm hợp đồng với ngoại thương, các loại sọt đựng chuối xuất khẩu. Hôm nay đến hẹn ra giao hàng.
Bác Tặng cứ ngạc nhiên, mỗi lúc lại gặp càng nhiều người vào thành phố - nhiều người đi xe đạp. Sương đương tan nhanh. Mấy hôm nay, buổi sáng sương nặng rồi trưa lại mù mịt hơn, không có nắng. Nhưng trời nắng hay u ám, cái thằng ác ôn cũng không cần. Mới từ nãy, chỉ một quãng, đã nghe xoẹt qua mấy lần, chẳng biết F.111 hay thằng không người lái. Pháo ta nã chặn oàng oàng.
Bác Tặng rảo bước. Trước mặt, lại nghe tiếng máy bay. Những đoàn xe quân sự như những lùm cây vẫn lừ lừ ra, trong khi từng tốp xe đạp tới tấp vào. Toàn những xe đạp nhẹ nhàng, không lai chai lọ, can nhựa. Mà hầu như chỉ có thanh niên. Tiễn bạn hay có đợt tuyển quân đây.
Bác Tặng vẫy một đám các cậu đương phóng vun vút.
– Các chú ơi! Lai tớ một quãng được không?
Một cậu dừng lại.
– Mời bố lên. Bố về đâu?
– Về Hà Nội.
– Yên trí, bố.
– Chú cũng về phố!
– Vâng ạ.
Chân thanh niên đạp như máy quay, xe bon bon. Cả bọn vừa đi vừa nói cười toang toang. Chẳng mấy chốc, đã tới chỗ quán bia hơi dưới gốc muỗm cửa chùa.
Trong tam quan, cửa hàng ăn uống huyện đã dọn hàng. Vẫn bánh mì để bao tải và một thúng trứng vịt lộn. Hồi này, vừa gặt xong, mùa vịt ấp, chợ nào cũng tràn lan trứng vịt.
Người uống bia, ăn trứng vịt chấm muối gừng, ngồi vắt vẻo lên quanh gốc muỗm. Mới tảng sáng mà đã đông khác hôm qua.
– Bố ơi! Ta xuống làm tạm một vại đã. Chúng con phải đổ thêm ét xăng cho chân mới được.
– Tôi cũng mua một bi đông.
– Uống đã chứ ạ.
Bác Tặng cũng cười:
– Xem nào. Sáng ra rét thế này cánh già buốt răng lắm.
Chặng đường tiếp càng chuyện rôm rả.
– Các chú công tác ở đâu?
– Pin Văn Điển.
– Sơ tán hay ở lại?
– Bố ơi! Sơ tán ba năm nay rồi. Không biết thế nào mà cái thằng bỏ mẹ ấy nó thù nhà máy chúng con loại một đấy ạ. Nó bom ngay từ lần đầu tiên vào đánh Hà Nội. Nhưng mà có ai ngu như nó. Người ta đi từ tám mươi đời rồi.
– Hôm nay các chú được nghỉ à?
– Chúng con nghỉ bù.
– Nghỉ bù thì ở ngoài này mà ngủ cho khỏe mắt có hơn không. Về làm gì. Báo động báo địa lôi thôi.
– Bố không nhớ đêm nay Nô–en à?
– Thế hả?
– Chúng con nhót về một cái. Chơi với cụ Nô–en xong, quá nửa đêm lại phới.
– Bom đạn thế này, chúa cũng chưa chắc đã dám về nữa là.
– Chúng con nghe nói máy bay Mỹ nghỉ ném bom Nô-en.
– Đọc báo à?
– Thấy bảo BBC[1] nói.
– Thật thà lái trâu mà cũng nghe được!
– Thì cứ về một cái. Đằng nào chúng con cũng được nghỉ mà.
Cuộc bàn cãi vui vẻ cũng cứ làm cho đoàn xe đạp dẻo chân suốt dọc đường.
Trên đầu ô, cầu phao Khuyến Lương chưa cắt, còn mờ mờ đoàn xe tải như những đốt mắt xích.
Bác Tặng về đến nhà, cửa vẫn khóa như hôm qua. Thế là Bảng đi tự vệ tập trung cả ngày cả đêm ngoài cửa ô rồi.
Bác Tặng mở cửa. Buồng vắng im. Có con chuột hay con gián ró ráy gầm tủ đựng thức ăn. Bác cảm thấy nhà vắng hơn mọi khi. Trông lên đầu tủ, rồi bác cúi xuống, lẩm bẩm: “Ồi, tại cái thằng nhãi đi vắng mà!” rồi bác cất cả mũ sắt và mũ cát két, treo cái túi xách, đẩy ba lô vào góc trong giường.
Bác Tặng lại tần ngần nhìn lên tấm ảnh. Tiếng chuột rúc rích nữa. Bác chặc lưỡi, nói một mình: Ờ, đề nghị trạm y tế cho diệt chuột ngay tuần sau mới được.
Rồi bác nằm, một tay vắt lên trán. Bây giờ mới cảm thấy mỏi ê ẩm bên mạng sườn. Suốt đường ngồi đèo phải ngoẹo một bên người mà. Những câu nói một mình chệch sang chuyện khác cho khuây khỏa, đã thoảng đi, bây giờ thấy buồn và mệt. Nhưng bác Tặng lại vội nghĩ ra chuyện khác: thằng Bảng sắp lấy vợ, có vợ chồng nó, nhà cửa mới ấm áp được.
Còi báo động lại dồn dập ngay lúc loa đương nói máy bay địch cách sáu mươi... năm mươi ki–lô–mét. Mới đi một hôm mà tiếng còi như vắng lâu, nghe là lạ. Rồi một tiếng rít lao ngang trời thành phố. Khẩu súng máy trên sân thượng ở ngã năm cất tiếng bành bành. Cả súng trường cũng giọt lên đốp đốp. Nghe những tiếng ấy, bác Tặng lại thấy quen như mọi khi.
Bác Tặng ngồi, vớ cái mũ sắt ấn lên đầu. Bác cất bi đông bia và hai chiếc bánh mì, bốn quả trứng vịt lộn vào tủ đựng thức ăn rồi khóa cửa.
Ngoài ngã năm vẫn đủ như mọi khi. Thiếu có Tuyển đi làm ca chưa về. Đường đã vãn người, Bài bỏ cái còi vào túi áo ngực rồi trở vào đứng tựa thành xe đựng đồ chữa xe đạp nhìn ra. Trời âm u nặng nề rét căm căm, không hửng chút nào. Máy bay gầm gừ trên cao, tiếng vang đập tường bên này sang bên kia, khác tiếng động râm ran rồi mất hút như nghe ở ngoài đồng trống.
Bài trông thấy bác Tặng, reo lên:
– A, bác đã ra.
Anh em tranh nhau kể:
– Báo cáo bác, từ sáng, Hà Nội đánh hai trận đích đáng.
– Bắt giặc lái không?
– Thấy cháy đùng đùng. Chắc là có.
– Mười hai giờ trưa này nghe đài thì biết.
– Lễ Nô–en, bác ạ.
– Thấy bảo nghỉ bom hôm Nô–en mà.
Một anh đùa:
– Nó nghỉ để thất nghiệp a?
Mọi người cười một lượt.
– Có lệnh tối nay phố ta đưa dân phòng đến giúp trật tự khu vực nhà thờ Hàng Trống.
– Thế à.
– Mọi năm đêm Nô en đông lắm. Ta phải giúp bà con giáo dân ăn lễ như thường.
– Tối nay anh em ta lên hết phố Nhà Thờ.
– Chỉ lấy mười người thôi. Còn ai muốn đi chơi thì đi.
Còi trả yên, bác Tặng bảo Bài: Tuyển có đi làm về thì bảo đến tôi mà lấy bình bia. Đường về sơ tán có bia hơi, bánh mì, trứng vịt lộn bán, khoái không.
Chặp tối trời lất phất mưa, càng lạnh hơn.
Ở dãy hàng hoa ngã tư Hàng Khay - Tràng Tiền bày từng cụm lay ơn, thược dược, cẩm chướng, cả hồng nhung, hồng vàng hiếm thấy trong mùa đông. Tháng trước, trời nồm, đẹp hoa vào tháng này. Từ nhiều năm, đêm Nô–en đã thành đêm vui của thành phố, của tuổi trẻ.
Các nhà thờ Nam Đồng, Hàm Long, Cửa Bắc, Đa Minh, Hàng Bột, Giáp Bát, Phùng Khoang, nhà thờ cả sáu xứ đạo và nhà thờ họ trong địa phận, đèn sáng trưng. Người tràn ngập các phố xung quanh, nô nức về nhà thờ Hàng Trống đợi buổi lễ trọng nửa đêm.
Thành phố vào đêm mưa bụi nhẹ nhàng hơn. Quần áo mới chen vai đi. Người đổ ra càng náo nức. Ai cũng hớn hở như mấy anh chàng vui tính đã chuyện với bác Tặng ban sáng. Người đi chơi đông gấp trăm nghìn lần người đi lễ nhà thờ. Bác Tặng thử để ý xem có gặp lại mấy cậu pin Văn Điển ấy không. Ánh điện càng sáng dưới bóng sậm lá sấu, lá nhội rọi mặt đường ướt bóng. Người mỗi lúc một chen vai hơn.
Như mọi năm, cả thành phố dạo các phố quanh Bờ Hồ nhà thờ. Các cô các cậu thợ may, thợ cắt tóc, các tổ hợp phụ tùng xe đạp diện thời trang. Túi áo ngực, nhô lên cái pôtxét trắng vuông góc. Những năm này mũi giày vuông, mũi giày nhọn đều cộp cộp ra phố. Các nàng giở những mốt áo len mảnh đỏ mảnh trắng. Vòng Bờ Hồ, người lại đi xem người.
Nhưng năm nay khác mọi năm, thỉnh thoảng gặp các anh mặc quần áo bộ đội giải phóng xanh nhạt, mũ vải mềm uốn sóng. Người mới ở chiến trường ra hay người sắp vào. Cứ chỗ nào có các anh, lại vô khối các bạn đi thành hội đông.
Ở Bờ Hồ lên, hai quân cảnh đeo băng đỏ mặc áo mưa, thong thả qua.
Và cả những người có tuổi, đêm Nô–en đi ngoài đường, như hội làng, đã thành nếp.
Bác Tặng nhẩn nha bên phía nhà thờ. Không phải giúp khối bạn, bác Tặng đi xem Nô–en. Mà bác cũng không muốn ở nhà một mình lúc này. Bác không có thói quen chơi đêm “của bên đạo”, nhưng từ năm hàng ăn Phú Gia, đêm Nô–en bán phở bò, bác thường đi rồi khuya vào nhà hàng gọi đĩa phở xào, uống chai bia Trúc Bạch rồi về ngủ.
Dòng người tụ lại quanh nhà thờ mỗi lúc một đông, chẳng khác những năm trước. Các cửa hàng giải khát và phở quanh hồ, những Bô–đê–ga, Phú Gia, Thủy Tạ đèn sáng. Nhiều nhà ở phố nhà Chung, trên bàn thờ đèn sáng, cửa ngoài bán thuốc lá, hạt bí, hạt đưa, đu đủ thịt bò khô. Lại có nhà mở cà phê, hiệu bán chim quay, chim hầm... ánh điện quanh khói bếp đun và mưa bụi...
Quanh tường nhà thờ, có người ngồi tựa cột, đợi xem lễ. Tầng gác chuông đen sẫm trong sương nhuốm ánh điện vàng mờ in lên trời đêm. Như thế, như những đêm này, hàng bao năm đã qua.
Nhưng, nhà thờ và tháp chuông cổ cũng không còn được thanh thả với thời gian mọi khi. Ở mỗi ô kính, các phòng người chức việc của nhà thờ dán tờ giấy hình hoa cúc. Những mảnh giấy dầu trên cửa kính đề phòng bị ném bom, kính không bay vỡ tung ra được. Thật khéo nghĩ, làm đẹp cả trong việc tránh tai nạn bom cũng trổ giấy dán kính những hình gà trống, con phượng, hoa cúc, chim hòa bình.
Mưa bụi rây rây, mát lạnh trên mặt và ướt đường.
Đêm Nô–en Hà Nội 1972, đêm nay đây. Sự sinh nở của con người, hay của chúa Giê–su, cầu bình yên. Cái máng cỏ khô đỡ Chúa ra đời ở các nhà thờ địa phận Hà Nội năm nay lộng lẫy đến kỳ lạ. Các xứ họ ngoại thành đã đem nạm cỏ đến máng thiêng liêng, lóng lánh từng ôm nhiễu thiếc máy bay Mỹ ném xuống. Những sợi thiếc đánh nhau với sóng ra đa để dọn đường cho B.52 vào tàn phá thành phố, được vắt lên những cành thông trên bờ hang đá, trong ổ chúa sinh ở máng cỏ, sao mà bây giờ những sợi thiếc hiền lành như tuyết sa êm ả, đáng vì cái nệm cỏ mịn màng.
Những người có đạo ở bên kia cầu Giẽ cuối địa phận phía nam, bây giờ mới lên. Các ông già trong làng vẫn lệ bộ kính cẩn chít khăn lượt vồ, áo the dài, lại chịu khó cắp lên những cái giành đựng nhiễu tàu bay Mỹ để lót máng cỏ. Các cụ bà xách tay chiếc đèn Chai. Ở cái túi bom cầu Giẽ - Hàm Rồng đất Hà Tây, các cụ đã biết thằng Mỹ là thế nào, nên luôn luôn đề phòng. Ngộ nó ném bom tắt điện trong nhà thờ, đã có cái đèn chai này.
Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý!... Máy bay địch cách Hà Nội tám mươi ki-lô-mét phía đông nam... cách Hà Nội sáu mươi...
Rồi còi báo động lên. Tiếng còi báo máy bay nổi lên đêm Nô–en nghe tức tưởi, giận dữ, khác mọi khi. Bốn phía thành phố, những quầng lửa cao xạ chớp rừng rực vào đầu tường nhà thờ, sáng rực tháp chuông và các ngọn cây sữa. Rồi hàng loạt tên lửa sáng da cam lao đuổi máy bay. Tiếng nổ rền đất. Không phải đêm Nô-en yên tĩnh. Địch ném bom thật rồi.
Người các xứ đạo trên địa phận Bưởi, ngoài Phú Gia, dưới Sét vào lễ nhà thờ Hàng Trống còn đi muộn hơn cả bà con dưới cầu Giẽ lên, bây giờ hớt hải dồn vào. Trong nhà thờ, nến điện đã tắt hết. Các hàng ghế chen chúc người đầu ướt, áo lấm bùn - vừa chạy báo động ngoài kia. Mấy cái đèn chai đã được châm lên ở trong xó cột. Xung quanh có tiếng lào thào: Muốn chết hết cả à! Tắt đi, tắt ngay đi... Ánh đèn lấp ló lại tắt ngấm. Các cụ ở cầu Giẽ đành ngồi thầm, quờ tay tìm cái giành đựng nhiễu mới mang đến, chưa đưa được, còn bề bộn xung quanh, lạc đâu không biết.
Bác Tặng lững thững đi về. Lúc sáng, bác đã cười những anh chàng ham chơi. Bác vẫn nghĩ những thằng phản phúc đế quốc Mỹ, đế quốc Anh thì nghe nó thế nào được. Quả nhiên.
Ánh bom hay cao xạ đằng xa sáng lên trên mái, trên vòm cây, trông ra biết vỉa hè và mặt đường loáng ánh mưa bụi.
Rồi còi sôi nổi báo yên. Điện lại lên rỡ ràng.
Nhưng đường phố quang hẳn. Lúc nãy người chen chúc nhau, bây giờ biến đâu hết. Xung quanh nhà thờ, phố Nhà Chung, đèn rợn sáng trong mưa bụi và mặt đường nhễ nhại.
Một toán dân phòng băng đỏ từ Bờ Hồ lên. Bác Tặng thấy có Tuyển trong đám.
– Hết người rồi thì về chứ?
Tuyển cười:
– Gớm, vừa đông mê lên, thế mà giờ một vòng hồ chỉ gặp có một mình bác. Thành phố trật tự thoăn thoắt như thể dục đồng diễn ở sân Hàng Đẫy.
Chị quét đường đội nón sụp ngang mặt, bắt đầu lia chổi quèn quẹt từ phía Bờ Hồ ngược lại. Một chị đẩy cái xe ba bánh, hót lên xe đống lá rụng. Đã bắt đầu ca đêm, tiếng chổi xáo xác đều đặn, tới tảng sáng.
Góc phố phía bờ sông xuống, một đám người lướt thướt, có cả những bà áo dài thâm. Người lấm, ướt như vừa ngã xuống ao. Họ tất tưởi vừa đi vừa chạy, lùi lũi, im như mưa bụi.
Tiếng chuông nhà thờ gióng giả vào giờ lễ trọng nửa đêm.
Bác Tặng dừng lại, hỏi:
– Bà con đi đâu khuya thế?
– Ông ơi! Máy bay ném đổ nhà thờ họ Thanh Trì chúng cháu rồi. Chúng cháu lên Hàm Long lễ nhờ. Nhà thờ Hàm Long đi đằng nào, hả ông?
– Sắp đến nhà thờ Hàng Trống rồi.
– Vâng, nhà thờ Hàng Trống.
Cả bọn lại cập rập đi theo tay bác Tặng trỏ.
Bác Tặng về đến nhà, đã thấy Bảng nằm ngáy khò khò để nguyên cả giày thò ra ngoài chăn. Cái mũ sắt úp cạnh. Thế mà vừa kẹt cửa, Bảng đã nhỏm dậy. Đã quen lối “ngủ một mắt” ở trận địa.
– Bố đã về. Bố cho cháu Nam đi sơ tán rồi ạ?
– Thằng nhãi đi hôm qua.
Bảng ngồi dậy, ngáp vươn vai rồi cười:
– Bố ạ, công trình ngoài giờ trực chiến của chúng con đây. Ngồi rỗi một lúc, con đã rọc, viết được hơn trăm cái thiếp tin mừng.
Bảng moi trong mũ sắt ra một tập giấy, kèm phong bì hở bốn cánh không dán, đã gấp vuông vắn.
Bác Tặng nói:
– Tối chủ nhật sau. Đón bà cụ lên đây cho vui. Các con mời hai ba bạn thân nhé. Thiếp này báo tin thôi, phải không?
Bảng nhắc lại câu bố vừa nói, không biết nhắc lại hay hỏi:
– Chủ nhật sau, chủ nhật sau ạ.
[1] Tên một hãng tin của Anh.