Số lần đọc/download: 1419 / 23
Cập nhật: 2017-06-01 11:35:31 +0700
Chương 13 - Nguyễn Trường Tộ Với Việc Chỉnh Đốn Võ Bị
T
uy từ đời Đinh, việc binh chế của nước ta đã rập theo khuôn mẫu của Trung Quốc mà tổ chức mỗi ngày một hơn, nhưng về Thế Kỷ thứ 19 nền võ bị của nước ta đối với binh chế các nước Âu Châu còn thấp hèn kém cỏi quá. ‘’Thời đại đã khác đi rồi, người ta đánh nhau bằng súng nạp hậu, bằng đạn trái phá, chứ không bằng gươm bằng giáo như trước nữa. Mà quân lính của mình mỗi đội có năm mươi người thì chỉ có năm người cầm súng điểu thương cứ phải châm ngòi mới bắn được, mà lại không luyện tập, cả năm chỉ có một lần tập bắn. Mỗi người lính chỉ được bắn có sáu phát đạn mà thôi, hễ ai bắn quá số ấy thì phải bồi thường. Quân lính như thế, binh khí như thế mà quan thì lại cho lính về phòng, mỗi đội chỉ để độ chừng 20 tên tại ngũ mà thôi’’ (Việt Nam Sử Lược, Trần Trọng Kim, quyển hạ, trang 220).
Chính vì thấy việc tổ chức binh bị sơ sài, cẩu thả như thế, mà ông Nguyễn Trường Tộ phải kêu gào chính phủ nên mau mau cải cách. Ông nhắc đi nhắc lại trong nhiều bản điều trần (Bản tế cấp bát điều; bản điều trần năm Tự Đức thứ 22-1869. Bản điều trần ngày 21 tháng 2 năm Tự Đức thứ 24-1871. Bản điều trần ngày mồng 2 tháng 5 năm Tự Đức thứ 24-1871).
Tuy là một nhà nho, nhưng ông yêu tinh thần thượng võ, ông rất bực mình với những cách kiêu căng lố lăng của bọn hủ nho, họ thường tưởng rằng: ‘’làm xong quyển sách Xuân Thu, thì bọn loạn thần, giặc cướp đều khiếp sợ’’, nhưng họ không hiểu rằng quân địch có sợ oai thế của một nước, là cái sức mạnh của quân gia, của súng ông, chứ có nể gì những lời văn múa mép. Ông viết: ‘’Chỉ lấy một bài thơ, một lời nói, hỏi có thể làm cho quân giặc thua được không? Đến khi hữu sự, nếu không có võ lực trấn áp, thì tất nhiên cả quốc gia, quan quyền, dân thứ, luật lệ, chính sự và pháp độ phải giao vào tay quân địch, phỏng các văn quan lấy gì mà trị nước? (Tế cấp bát điều, điều thứ nhất).
Vì thế ông cho việc cải cách võ bị là một việc rất quan trọng trong nước.
Trước hết ông xin nhà nước chỉnh đốn việc lựa tuyển các tướng sĩ.
Ông nghiệm thấy rằng các viên lãnh binh đề đốc của ta phần nhiều dốt nát mà nghiễm nhiên ở một địa vị cao trọng. Học lực chỉ đủ viết được hai chữ ‘’tuân phụng’’ mà cũng sai khiến trăm nghìn người khác thì sao cho thỏa đáng. Ông xin lực những người có tài năng học thức mà dùng để đào thải những hạng liệt nhược ngu đốn. Ông viết: ‘’Đương lúc này cớ sao Triều Đình không lựa những hạng cử nhân, tú tài có sức mạnh, bắt họ bỏ văn qua võ mà đọc cho thuộc các sách võ kinh, rồi phong cho họ những chức quản đội trở xuống. Khi họ đã học tập binh chánh được ba năm thì cho thi rồi bổ dụng...Xưa nay những bậc danh tướng, tuy cũng có người ít văn chương nhưng chẳng qua là vì họ không tập theo lối hủ nho mà thôi... Quân thì quy ở sức mạnh, tướng thì quy ở mưu mô, vì tướng cũng như tai mắt mà quân thì như chân tay. Nếu hai mắt mà mù thì sai khiến chân tay sao được? (Điều trần về việc tu chính võ bị ngày mồng 2 tháng 5, năm Tự Đức thứ 24-1871).
Vậy trong quân đội các viên quản suất cần phải biết chữ để có thể học các binh thư. Mà các sách đó, Triều Đình phải cho người soạn theo các võ kinh của Trung Quốc, tham bác với các sách về bộ binh và thủy binh của người Âu. Khi đã có sách rồi, phải cần lập ra những trường võ bị ở các tỉnh, rồi mượn các huấn luyện viên người Tây hợp với các quan võ của ta mà thường ngày giảng tập cho quân lính các binh pháp và các trận thế.
Về việc tuyển lính, ông xin chỉ lựa những người trai tráng chưa có vợ con và thực mạnh khỏe để có thể đương được những việc vất vả và tập luyện cho được nhanh nhẹn. Đã làm lính là phải tập cho tinh nhuệ, dù trong lúc thái bình cũng phải sẵn sàng, kẻo đến lúc giặc đến ngoài cửa ngõ mới tập thì không kịp nữa. Nhưng muốn cho họ chuyên về việc học tập võ nghệ, thì đừng bắt hô làm những công việc thay đầy tớ con nhài. Chính ông Nguyễn Trường Tộ thường thấy nhiều ông quan cứ bắt lính về làm việc vặt trong nhà, như thế thì họ làm gì có thì giờ mà chăm về binh sự.
Vả lại muốn cho quân lính hết lòng với nước trong vòng tên đạn, thì lúc bình thường cần phải hậu đãi họ và đối với họ cho có ân tình. Trong khi ông ở Paris, ông có thấy ‘’quân lính được ở những tòa nhà đồ sộ trong những vườn hoa đêp đẽ để chơi bời...Họ được lĩnh một số lương từ 4$ đến 15 $ một tháng để tiêu ngoài, đấy là chưa kể rượu, thịt bánh, đường, chè cà phê, muối, dâu, dấm, rau, mỡ v.v...hàng ngày họ nhận được. Nếu ai chết về việc nước, thì vợ con được ăn lương suốt đời...Nếu ai bị đau ốm thì được các tướng tá cho các đồ ngon ngọt, tình nghĩa gắn bó như keo sơn’’. Cho nên ông xin Triều Đình, trong việc chỉnh đốn võ bị, nên để ý đến lương thực của lính và cách đỗi đãi với họ. Khi họ đã nặng ơn với nước, họ sẽ phải gắng sức mà luyện tập, để có thể lập thành những quân đội lành nghề.
Quân đội phải chia rành mạch ra lục quân và thủy quân. Về lục quân ông xin Triều Đình mua súng và luyện một đội kỵ mã. Trong bài điều trần ngày 26 tháng 9 năm Tự Đức thứ 19 (1866) ông viết: ‘’Tôi thấy người Pháp mới tạo được một thứ súng điển thương cứ trong năm phút bắn được một trăm phát. Vậy Triều Đình có nên mua một cây về làm kiểu mẫu rồi bắt chước hay không?’’ Trong bản điều trần ngày 21 tháng 2 năm Tự Đức thứ 24 (1871), ông lại viết: ‘’Xin phái người sang xứ Ma-ní mà mua cho được bốn năm trăm cho ngựa đã luyện tập, lại thuê độ một trăm người Ma-ní (mỗi tháng trừ cơm ăn chỉ phải trả có 4$ lương) để họ luyện cho quân kỵ mã của ta...Nếu đánh giặc, mà dùng ngựa thì hành binh được đắc lực nhất...Khi đã luyện được một đội quân kỵ mã rồi, thì nên mua cho được năm, sáu trăm súng kỵ mã và độ hai mươi cỗ súng đại bác có đủ đạn và xe chở...Lại mua cho đủ đồ khí cụ, lập ra những xưởng cơ khí và mượn người Ân, người Pháp mỗi nghề một người, để dạy cho lính thợ ta học làm những đồ cần dùng. Người Âu Tây mà hợp tác với ta thì chẳng những ta có được nhiều khí cụ tân thời, mà chỉ nội trong năm, sáu năm, sẽ luyện được nhiều tay lính thợ khéo léo’’.
Đấy là nói về lục quân. còn thủy quân thì cần phải sắm hảo thuyền. Trong mục nói về ‘’vấn đề sinh tài’’, đã có nói ý kiến của ông về việc mua và đóng tầu thủy. Ở bản điều trần về việc binh bị, (Ngày 21 tháng 2 năm Tự Đức thứ 24-1871) ông lại còn nhắc đến sự ích lợi của hỏa thuyền cho kiên cố, mỗi chiếc có đặt mười khẩu súng đại bác lớn và nhỏ, lại thuê ở mỗi chiếc độ năm người Anh hoặc Pháp, một người coi máy và bốn người chuyên về việc bắn, để họ hợp với lính ta vừa đi tuần vừa tập luyện, dàn ra đi từ Nam ra Bắc, từ Bắc vào Nam, thì hễ gặp thuyền của bọn cướp cứ việc bắt về mà trị tội...thuyền giặc tất phải trốn tránh đi nơi khác’’.
Về việc phòng thủ, thì ở điều thứ nhất bản ‘’Tế cấp bát điều’’ ông có bàn rất kỹ lưỡng về cách xây chữa các đồn ải theo lối mới, nhất là ở các cửa bể và ở những nơi quan ải; cách sửa sang các thành thị cho hợp với binh pháp và cách cắt đặt quân lính canh phòng cho nghiệm mật ở các nơi hiểm yếu.
Ông lại còn nghĩ đến vấn đề vận lương thực cho kinh thành. Trong bản phụ vào tập ‘’Tế cấp bát điều’’ ông có viết: ‘’Kinh Thành Thuận Hóa bây giờ là cái rốn của nước ta, mà Bắc kỳ tức là cái đầu, nếu một vật ăn từ miệng xuống bụng mà mắc nghẹn ở giữa, thì sẽ sinh ra đại bệnh’’. Vì thế ông xin cho đào một con sông lớn chảy từ Hải Dương vào Huế và đặt ra nhiều thuyền vận tải để tiện việc chở lương. Ở hai bên bờ sông, ông xin đắp đường đê dùng bò ngựa kéo xe, và đặt thêm một hạng lính gọi là ‘’dân binh’’, để tiếp theo địa đầu mà trông nom việc vận tải.
Ông cũng biết những điều đề nghị của ông, nếu muốn thực hành, đều tốn tiền cho công quỹ. Mà quỹ nước ta hồi ấy còn nghèo quá, nên ông có sáng kiến xui Triều Đình vay tiền nước ngoài về mà tiêu dùng về các việc ấy: ‘’Nay xin Triều Đình phái qua qua Hương Cảng hỏi các hiệu buôn lớn mà vay một số tiền to (việc này tôi chắc được), định hạn mỗi năm phải trả lãi bao nhiêu, hoặc đem hàng hóa của ta qua mà khấu nợ, hoặc nhường cho họ một vài cửa bể thông thương để đánh thuế mà trừ dần, hoặc nữa nhường cho họ một vài đám rừng có gỗ để họ lấy lợi, phải định rõ mỗi năm sẽ trừ vốn đi bao nhiêu. Tờ văn khế đó chiếu theo luật Tây mà làm, rồi nhờ quan nước Anh đứng chứng nhận...Khi đã vay được số tiền lớn lao rồi, thì cứ việc đem về mà làm cả bao nhiêu việc một lần’’.
Nói tóm lại, về việc chỉnh đốn võ bị, ông Nguyễn Trường Tộ đã phác ra một chương trình chu đáo...