Số lần đọc/download: 3972 / 167
Cập nhật: 2015-11-14 02:34:48 +0700
14. Nhìn Lại Thì Mọi Chuyện Xảy Ra Là Do Chiếc Xe Buýt Ấy Đã Đến Sớm Hai Phút
“N
hìn lại thì mọi chuyện xảy ra là do chiếc xe buýt ấy đã đến sớm hai phút”
Kenji Ohashi (41)
Ông Ohashi có vợ và ba con, ông đã làm việc hai mươi năm nay ở một đại lý ôtô lớn. Hiện ông đang làm trưởng phòng kinh doanh ở trung tâm bảo hành khu Ohta, Đông NamTokyo.
Lúc xảy ra vụ đánh hơi độc Tokyo, trung tâm bảo hành vẫn chưa xây dựng xong, ông làm việc ở văn phòng tạm thời tại Nakano Honancho, khu Suginami, phía Tây Tokyo. Ông Ohashi bị nhiễm sarin trong khi đi làm như thường lệ trên chuyến tàu điện ngầm tuyến Marunouchi.
Là một tay kỳ cựu trong nghề sửa chữa xe hơi, Ohashi đứng trước cửa hiệu và trực tiếp làm việc với khách hàng. Ông là một kỹ thuật viên lão luyện, với bộ tóc cắt ngắn và dáng dấp vững chãi, một con người của lao động thực thụ. Không phải kiểu người hay chuyện, ông nói về vụ đánh hơi độc một cách trầm tư và chậm rãi.
Dẫu còn đang chịu ảnh hưởng từ những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhưng ông vẫn tham gia một nhóm ủng hộ nạn nhân và tích cực tham gia các chiến dịch của nhóm. Ông đang cố tổ chức một mạng lưới tự lực để kết nối tất cả các cá nhân bị thương lại. Một tiếng rưỡi ông bỏ ra để chuyện trò với tôi hẳn đã khiến ông đau đầu dữ dội. Tôi chỉ có thể bày tỏ lời xin lỗi cùng lời cảm ơn chân thành của tôi dành cho sự hợp tác của ông.
o O o
Hồi trước khi còn hay đến Nakano, tôi đi từ Koiwa qua Đường sắt Nhật bản đến ga Yotsuya. Từ nhà, tôi đi xe buýt hay xe đạp đến ga Koiwa; thường là bắt xe buýt nhiều hơn.
Vào hôm xảy ra vụ hơi độc, tôi rời nhà như thường lệ đúng sau 7 giờ. Nhưng không hiểu vận số thế nào xe buýt lại đến sớm hai phút. Nó vốn luôn luôn muộn, nhưng tự dưng lần đó lại đến trước giờ. Tôi chạy đến điểm dừng nhưng không kịp cho nên phải bắt chuyến xe buýt sau lúc 7 rưỡi. Cho tới khi đến Yotsuya tôi đã lỡ hai chuyến tàu điện ngầm. Nhìn lại thì mọi chuyện là do chiếc xe buýt ấy đã đến sớm hai phút. Việc tính toán giờ giấc của tôi chưa bao giờ lại tồi như thế! Trước đó tôi vẫn đi đi về về chính xác như đồng hồ.
Trên tuyến Marunouchi, tôi luôn đi dọc tàu đến toa thứ ba tính từ đầu xuống. Như thế sẽ nhìn thấy quang cảnh đẹp từ sân ga Yotsuya. Nhìn qua đường mép mui toa xe, ông có thể thấy sân bóng đá Đại học Sophia, tựa như được hít thở một luồng khí trong lành! Nhưng hôm ấy toa thứ ba vắng đến kỳ lạ. Không bao giờ như thế. Trước nay đến ga Yotsuya tàu vẫn luôn rất đông, ông không được ngồi bao giờ. Chỉ có thể cứ lên rồi hy vọng lúc sau sẽ có ghế thôi. Thế là lúc ấy tôi biết có chuyện không ổn rồi.
Tôi vừa lên tàu liền để ý thấy hai người trong tư thế bất thường ở đằng sau. Một người đàn ông đang cúi gập xuống ghế của mình, gần như đổ nhào xuống, và một phụ nữ đang co rúm, đầu cúi xuống, gần như cuộn tròn lại. Rồi có một mùi khác thường. Thoạt đầu tôi nghĩ chắc tay say nào đã làm cho chỗ này bị hôi hám, một gã say tháo cống ở đây chẳng hạn. Mùi này không gắt mà lại hơi dìu dịu, giống như một cái gì mục rữa. Cũng không giống mùi dung môi pha sơn. Chúng tôi cũng hay sơn xe, nên tôi biết mùi dung môi pha sơn thì thế nào. Nó không làm cay mũi như thế.
Lại nói tiếp chuyện, tôi có thể ngồi, nên sẵn lòng tha thứ cho chút mùi ấy, và khi ngồi xuống tôi nhắm mắt ngủ liền. Tôi thường đọc sách trên tàu nhưng hôm nay là thứ Hai và tôi lại buồn ngủ nên thôi. Nhưng tôi không ngủ, thật sự không, chỉ là nhắm mắt chập chờn. Tôi vẫn nghe thấy tiếng động xung quanh, nên khi chợt có thông báo, “Tàu đã đến ga Nakano-sakaue,” tôi bật dậy ngay, như một phản xạ đáp lại, và xuống tàu.
Mọi thứ đều mờ mờ. Ánh sáng trên sân ga yếu ớt. Cổ họng tôi khô khốc, và tôi ho; một cơn ho thật sự tệ hại, tức ngực. Có máy nước nóng lạnh ở gần băng ghế dài cuối sân ga cho nên tôi nghĩ tốt hơn là ra đấy súc miệng. Chính lúc đó tôi nghe thấy tiếng hét: “Có người bị ngất!” Đó là viên chức trẻ tuổi cao lớn ấy. Khi ngoái lại nhìn vào trong, tôi thấy người đàn ông trên toa đã ngã ngửa ra, song song với hàng ghế.
Nhưng bản thân tôi cũng cảm thấy không ổn lắm. Tôi ra chỗ máy nước nóng lạnh súc miệng. Mũi tôi thò lò chảy còn chân tôi run rẩy. Thở khó. Tôi ngồi phịch lên chiếc ghế dài. Rồi có lẽ năm phút sau, họ khiêng người đàn ông bị ngất ra ngoài bằng cáng và tàu lại chạy tiếp.
Tôi không có ý tưởng nào dù là lờ mờ nhất về việc cái gì vừa phạm đến mình. Chỉ biết mọi cái đã tối sầm trước mắt. Phổi tôi khò khè như thể tôi đang chạy một cuốc maratông còn cả nửa người dưới thì rét và run cầm cập.
Có lẽ tổng cộng phải có đến năm, sáu hành khách được đem đến văn phòng nhà ga. Hai trong số đó phải nằm cáng. Nhưng nhân viên nhà ga cũng chẳng hiểu mô tê gì. Họ hỏi chúng tôi chuyện gì đã xảy ra. Chừng nửa giờ sau, cảnh sát đến, và đúng như dự đoán, bắt đầu hỏi chúng tôi. Tôi thật sự rất đau nhưng vẫn cố hết sức kể chi tiết sự tình. Có người đã xỉu và tôi lo nếu mình cũng ngất thì toi. Chính vì thế tôi nghĩ lúc đó họ cố giữ cho chúng tôi nói, cho nên tôi bắt mình nói.
Trong khi những việc này diễn ra, bản thân các nhân viên nhà ga cũng bắt đầu cảm thấy khó chịu. Họ không nhìn được. Chúng tôi đã ở trong văn phòng ít nhất bốn chục phút, tất cả thở chung cùng một bầu không khí. Lẽ ra chúng tôi nên lên mặt đất sớm hơn mới phải.
Rồi chúng tôi cũng lên gác. Bộ phận cứu hỏa đã sắp xếp một chỗ nghỉ tạm trong một lối đi. “Lúc này hãy cứ ngồi đây,” họ bảo chúng tôi. Nhưng trời lạnh quá, rất lạnh, tôi không thể ngồi yên ở đấy, chỉ trên một mảnh nylon mỏng dải trên mặt đất. Mà nằm xuống thì lạnh buốt ngay. Gì thì gì cũng vẫn đang là tháng Ba mà. Có một chiếc xe đạp đỗ ở đấy, thế là tôi tựa vào xe. “Mình không được ngất,” tôi chỉ nghĩ được có thế. Hai người nằm xuống còn những người khác làm như tôi. Tôi đã bảo mà, lạnh thấu xương. Chúng tôi đã ở trong văn phòng nhà ga bốn chục phút và hai mươi phút ở ngoài đó. Một giờ đồng hồ qua đi mà chúng tôi không mảy may được chữa chạy.
Chúng tôi không thể lên xe cứu thương hết được nên tôi đã được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Nakano bằng xe van của cảnh sát. Ở đây họ để tôi nằm trên băng ghế dài và khám cho tôi. Kết quả không tốt nên ngay lập tức họ truyền dịch cho tôi. Lúc trên xe cảnh sát, tôi đã nghe đài nói về hậu quả của vụ đánh hơi độc và vân vân. Lúc đó tôi mới nhận ra là mình bị trúng độc.
Tại thời điểm đó, hình như ở Đa khoa Nakano họ đã biết là sarin nhưng cũng ở đấy chúng tôi vẫn cứ mặc áo quần đã ngấm sarin. Chẳng mấy chốc các nhân viên bệnh viện cũng kêu mắt họ không ổn. Suốt buổi sáng, người tôi lạnh như băng. Ngay cả khi đã đắp nguyên một tấm chăn điện tôi vẫn run cầm cập. Huyết áp tôi lên đến 180. Thông thường huyết áp tôi chỉ độ 150 là cùng. Nhưng tôi vẫn không lo, chỉ không hiểu có chuyện gì.
Tôi nằm viện mười hai ngày: đau đầu kinh khủng liên miên. Không thuốc chống đau nào ăn thua hết. Tôi đau đến khổ sở. Những cơn đau đầu tiên đến theo từng đợt, suốt ngày, lui đi rồi lại đến dữ dội hơn. Tôi cũng bị sốt cao hai ngày liền, lên tới 40 độ C.
Chân tôi bị chuột rút và trong ba bốn ngày đầu tôi thở rất khó khăn. Cứ như có gì đó chẹn mất cổ họng. Khủng khiếp. Mắt tôi tồi đến độ nhìn ra ngoài không thấy ánh sáng gì cả. Mọi cái đều mờ tịt.
Họ truyền dịch cho tôi năm ngày liền. Đến ngày thứ năm, mức cholinesterare của tôi đã trở lại gần mức bình thường, cho nên họ gỡ bỏ ống truyền dịch[9]. Đồng tử tôi từ từ hồi phục nhưng hễ tôi nhìn tập trung vào vật gì thì lại thấy đau nhói ở đáy mắt, giống như bị đâm bằng dùi nhọn vậy.
Cuối cùng ngày 3 tháng Ba họ cho tôi ra viện, và tôi nghỉ làm một tháng để an dưỡng tại nhà. Tôi vẫn bị các cơn đau đầu như bửa óc ra. Chân tôi lại lẩy bẩy, tôi rất dễ ngã và bị thương khi đi đứng – điều mà họ gọi là “thương tật thứ cấp”.
Cứ sáng dậy là đầu tôi lại đau. Nó giống như dấu vết sót lại của một vụ giết người. Mỗi mạch đập, mỗi nhịp tim, đầu tôi lại nhoi nhói giật giật và cứ thế không ngớt. Nhưng tôi vẫn không uống thuốc. Tôi chỉ cố gắng nhiều hơn nữa và chịu đựng cơn đau. Đã ngấm sarin, mà lại uống nhầm thuốc thì còn nguy hại hơn là không uống gì cho nên tôi tránh mọi thuốc chữa nhức đầu.
Tôi nghỉ hết tháng Tư, rồi đến trình diện ở Trung tâm Showajima mới xây dựng xong sau dịp nghỉ lễ đầu tháng Năm, bắt đầu trở lại với công việc. Chúng tôi bày bàn ghế, nối mạng máy tính, ngày nào cũng làm việc suốt tới khuya. Đầu tôi vẫn đau. Nó tệ hơn khi những cơn mưa tháng Sáu bắt đầu đổ xuống. Ngày nào cũng cảm thấy như có một sức nặng đồ sộ đè lên sọ tôi. Và tôi vẫn bị đau nhói khi cố gắng nhìn vào bất cứ cái gì.
Tôi sợ phải đi tàu điện ngầm trở lại. Tôi lên tàu, nhìn cửa trượt đóng lại trước mắt, và cứ vào lúc ấy đầu tôi lại sôi lên vì đau. Tôi xuống tàu, đi qua rào soát vé, nghĩ, “Mình ổn,” và sức nặng ấy vẫn ở đó trong đầu tôi, đè trĩu xuống. Tôi không tập trung được vào cái gì. Nếu tôi nói lâu hơn một tiếng, cái đầu nó sẽ giết chết tôi. Đến giờ nó vẫn cứ thế. Giữa tháng Tư, khi làm báo cáo cho cảnh sát, tôi đã mệt phờ vì cố sức.
Rồi, sau một tuần nghỉ hồi tháng Tám, tôi cảm thấy có một sự thay đổi đáng chú ý. Tôi cảm thấy dễ chịu khi đi tàu điện ngầm. Đầu tôi không nhức tệ như trước. Có thể thời gian nghỉ việc đã làm dịu bớt căng thẳng. Mấy ngày đầu trở lại với công việc thì khá lắm, nhưng được một tuần thì đâu lại hoàn đó. Lại đau đầu.
Vào một ngày tháng Tám, tôi phải mất ba giờ mới đến được văn phòng. Tôi phải nghỉ suốt dọc đường cho tới khi cơn đau lắng xuống; nhưng khi tôi lên tàu nó lại bùng lên, thế là tôi lại phải nghỉ – liên tục như thế. Tôi đến văn phòng thì đã 10 giờ rưỡi!
Tôi lại đi gặp một bác sĩ tâm lý, Bác sĩ Nakano ở Bệnh viện Thánh Luke. Tôi kể bệnh sử và triệu chứng cho đến thời điểm đó và ông ta nói, “Tuyệt đối hết hy vọng! Ông làm việc kiểu này là tự sát!” Ông không hề dè lời. Sau đó tôi đến gặp ông một tuần hai lần để tư vấn. Tôi uống thuốc an thần, thuốc ngủ – cuối cùng đêm tôi đã ngủ được.
Tôi lại phải nghỉ việc thêm ba tháng nữa, suốt thời gian đó tôi vẫn đi tư vấn và uống thuốc. Ông thấy đấy, tôi bị cái gọi là rối loạn stress hậu chấn thương [PTSD]. Trường hợp điển hình bao gồm từ các cựu chiến binh Mỹ trở về từ cuộc chiến tranh Việt Nam đến những nạn nhân vụ động đất ở Kobe. Đó là do bị sốc nghiêm trọng. Ở trường hợp của tôi, trong bốn tháng sau vụ đánh hơi độc, tôi ép mình làm việc suốt ngày, tự vắt kiệt mình, khiến cho stress càng thêm chồng chất. Căng thẳng chỉ dịu đi nhờ kỳ nghỉ hè hồi tháng Tám đó.
Hình như rất hiếm khi chữa khỏi hoàn toàn chứng PTSD. Trừ phi ông xua sạch hết mọi ký ức kia đi, chứ không thì các vết sẹo tâm lý vẫn còn đó. Nhưng ký ức đâu có dễ xóa như thế. Ông chỉ có thể làm được mỗi một điều là cố gắng bớt stress và không lao động quá sức.
Chuyện đi làm bằng tàu điện ngầm vẫn là cứ gay go. Một giờ trên tàu từ Koiwa, rồi đổi tàu ở Hamamatsucho sang tàu một đường ray, dần dà đầu tôi lại nặng trĩu. Trông bề ngoài tôi chắc chắn vẫn ổn, nhưng rồi chẳng ai hiểu cho chứng đau này của tôi, khiến tôi gặp khó khăn gấp đôi khi làm việc. Tuy vậy, sếp tôi khá đúng mực, ông thông cảm: “Nếu không phải vì tôi đã lên một chuyến tàu khác,” ông nói, “có thể tôi cũng đã bị như anh.”
Một dạo sau vụ đánh hơi độc, khi ngủ ở bệnh viện, tôi đã có những ác mộng hãi hung. Tôi nhớ nhất giấc mơ trong đó tôi bị một người lôi ra khỏi giường bệnh bên cửa sổ rồi kéo lê đi khắp phòng. Hoặc tôi trở mình và thấy một người đã chết đứng ở đấy. Vâng, khi ngủ mê, tôi hay gặp người chết.
Tôi cũng hay ngủ mê thấy mình là một con chim bay trên trời nhưng rồi bị bắn rơi. Bằng tên hay đạn, tôi không biết. Tôi bị thương nằm trên mặt đất và bị xéo giẫm cho đến chết – các giấc mơ như vậy đó. Đầu tiên sung sướng bay qua bầu trời, nhưng rồi là ác mộng.
Về đám tội phạm, điều mà tôi cảm thấy là một cảm giác vượt lên trên thù ghét hay tức giận. Tức giận thôi thì quá dễ dàng cho chúng… Tôi chỉ mong chúng bị xử lý càng sớm càng tốt – tôi chỉ biết nói vậy thôi.
Tôi phỏng vấn ông Ohashi đầu tháng Giêng năm 1996, nhưng cuối tháng Mười lại gặp ông. Tôi tò mò xem ông đã khá hơn lên thế nào. Ông vẫn khổ sở vì đau đầu và cảm giác đờ đẫn.
Đồng thời vấn đề trước mắt của ông là chuyện ông đã phải thôi phần lớn công việc từng làm tại công ty. Một tuần trước cuộc phỏng vấn thứ hai, sếp của ông đã gọi ông vào văn phòng và nói, “Trong lúc này, để lấy lại sức, sao anh không sống thoải mái hơn và làm công việc gì đó không đòi hỏi chi tiết tỉ mỉ lắm nhỉ?” Sau khi bàn bạc, họ đã quyết định trưởng phòng cấp trên sẽ chịu trách nhiệm làm phần việc trưởng phòng kinh doanh của ông Ohashi.
Dù sao đi nữa thần sắc da dẻ Ohashi nom đã đỡ hơn nhiều. Nay ông đi từ nhà ở khu Edogawa đến phòng khám của bác sĩ Nakano ở trung tâm Tokyo bằng xe máy (tàu điện ngầm vẫn làm ông đau đầu). Ông đi xe đạp đến chỗ phỏng vấn. Ông có vẻ trẻ hơn và nhiều sức sống hơn trước. Ông thậm chí còn cười. Nhưng như bản thân ông nói, cái đau là vô hình và chỉ kẻ bị đau mới biết.
Từ tháng Hai, tôi đến văn phòng lúc 8 rưỡi, về nhà khoảng 3 giờ. Tôi bị đau đầu suốt ngày. Nó đến từng đợt: dội lên lại rút đi. Lúc này tôi cũng đang đau đây và chắc là phải kéo dài lâu một chút. Cảm thấy như có một sức nặng đè trĩu xuống, ôm lấy đầu tôi, váng vất như sau khi tỉnh rượu, hôm nào cũng vậy suốt ngày.
Trong một hay hai tuần cuối tháng Tám đến đầu tháng Chín, cơn đau đặc biệt tệ hại. Tôi chỉ qua được nhờ thuốc chống nhức đầu và các túi nước đá. Sếp tôi bảo tôi chỉ cần làm buổi sáng rồi về nhưng bệnh đau đầu không khá hơn được chút nào. Nó đã trở thành mãn tính nhưng tôi đã quen với nó. Bây giờ nó đang ở đây, bên trái, nhưng các hôm khác, nó lại ở bên phải hay khắp cả đầu.
Năm nay tôi đang xây dựng một hệ thống xử lý dùng để đánh giá việc sửa chữa xe dựa trên hai chục năm kinh nghiệm của mình. Giá mà màn hình máy tính đơn sắc, chỉ là một màu xanh lá cây – ba bốn màu cũng đủ làm mắt tôi nhức rồi. Cũng khó nhìn chăm chú. Nếu tôi đang nhìn một đằng, có ai gọi mà tôi đột ngột quay lại thì sẽ thấy như một cái búa tạ nện vào vậy. Chuyện này xảy ra suốt – đau nhói ở đáy mắt. Tựa như tôi đang bị xiên. Khi cơn đau tệ hại quá, đã có những lúc tôi nghĩ nên tự sát. Tôi gần như nghĩ tốt hơn là chết quách đi cho rồi.
Tôi đã đến gặp các chuyên gia mắt, nhưng họ không tìm được ra bệnh. Chỉ một bác sĩ bảo tôi: “Nông dân đôi khi cũng bị thế.” Hình như việc pha trộn các loại phân hữu cơ đã làm hại thần kinh họ, gây nên các triệu chứng tương tự.
Nhưng rồi mùa hè cũng qua và chứng đau đầu vẫn đang giết tôi. Công ty vẫn để tôi làm việc nhưng tôi đã thôi gánh các trách nhiệm quản lý. Sếp tôi bảo một vị trí công việc áp lực cao sẽ có hại cho thể lực tôi, nhưng sự đối xử đặc biệt này lại dẫn đến các kết quả là tôi cảm thấy cực kỳ khó thể hiện vai trò một doanh nhân đang độ sung sức. Tôi cảm ơn họ đã muốn cho tôi thư thả, và sau vụ hơi độc, tôi đã làm việc hăng hơn bình thường. Không muốn phiền công ty, tôi giữ bí mật bệnh đau đầu của mình, và đúng, làm việc quá sức, nhưng tôi không phải là kiểu người có thể cứ ngồi ườn ra đấy.
Thành thật mà nói, vị trí hiện nay của tôi rất nhàn nhã. Họ thậm chí còn chuyển bàn làm việc của tôi đi. Tôi đến văn phòng mà chẳng có mấy việc phải làm. Tôi ngồi một mình tập hợp mấy mẩu giấy, việc ai cũng có thể làm. Nhưng đã có được ngần ấy kinh nghiệm đến giờ, tôi không thể cứ thế mà không làm việc được.
Đôi khi tôi nghĩ ra các kiến nghị của mình, bất cần chúng có nên cơm cháo gì không. Dù vậy, nói một cách thực tế, chừng nào còn không biết chứng đau này có hết hẳn không thì không biết tôi sẽ phải tiếp tục sống như thế này đến bao giờ, tôi không thể nhìn thấy tương lai. Bây giờ tôi vẫn làm việc từ sáng đến trưa và rồi kiệt sức.
Vì phải trợ cấp tai nạn cho tôi, họ đã cắt tiền thưởng của tôi xuống chỉ còn 2,5 triệu Yên một năm, đối với tôi thì thật là một sức ép về mặt tài chính. Các khoản tiền thưởng thực sự rất quan trọng với một người làm thuê ăn lương. Chúng bù vừa xoẳn vào những thiếu hụt hàng tháng. Tôi vừa xây xong một ngôi nhà mới và đó là món nợ sẽ phải trả ba chục năm mới hết. Lúc trả xong thì tôi đã 70 tuổi rồi.
Tôi biết nhìn bề ngoài thì tôi không có vẻ gì là người bị đau đớn triền miên, nhưng hãy tưởng tượng là ngày này qua ngày khác ông phải đội một cái mũ bảo hiểm bằng đá nặng trịch mà xem. Với người khác, tôi ngờ là nó không có ý nghĩa gì nhiều cho lắm. Tôi cảm thấy rất lẻ loi. Nếu tôi bị mất một cánh tay, hay phải chịu sống kiểu thực vật, chắc người ta còn có thể thông cảm hơn. Giá mà tôi chết được thì sẽ dễ dàng hơn biết mấy. Những chuyện này không phải chỉ là nói nhăng đâu. Nhưng khi nghĩ đến gia đình, tôi lại phải tiếp tục…