Americans like fat books and thin women.

Russell Baker

 
 
 
 
 
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Dung Nguyen
Số chương: 17
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2300 / 36
Cập nhật: 2016-03-17 13:45:54 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Lại Mẹ Tôi Tái Giá
ước lớn đầy "Mà".
Mặt nước của con rạch chảy ngang trước chợ Bình Đông gần là là mặt đường nhựa.
Chiếc tàu dòng ghe từ kinh Ruột Ngựa chạy tới đây thi tốp bớt máy lại, tiến chậm như một chiếc thuyền chèo trên dòng nước ngược.
Để bảo vệ bực đá cẩn bờ rạch cho nó khỏi bị sóng lớn đánh vào chầy ngày rồi long vỡ, nên Đô Thành cấm tàu chạy mau chăng?
Hay đó là nhã ý của bác tài công tàu, bác ta lịch sự như vậy để tránh cho vô số xuồng nhỏ đậu hai bên bờ sông bị sóng xô vào bực đá?
Không thể biết rõ sự thật về vụ hãm tốc độ nầy.
Dầu sao, cảnh tượng hằng ngày nầy cũng là một trò vui mắt đối với trẻ con, đối với khách thừa lương trên bờ.
Không có gì thú vị đối với kẻ sống trên đất liền cho bằng ngắm đời sống thân mật của những người quanh năm suốt tháng sống trôi nổi bình bồng trên ghe thuyền thương hồ.
Chiếc thuyền là cái nhà của họ, và những gì tầm thường trong nhà của ta, lại trông rất ngộ nghĩnh trên cái nhà nổi của họ, chẳng hạn như một chậu hành, một con heo nuôi.
Cảnh tượng nầy giống một đoạn phim cố ý quay chậm, loại phim thời sự thể thao chụp một cú đánh của một bốc-xơ chẳng hạn, hay một cuộc nhảy rào của một con ngựa đua quây chậm để khán giả nghiên cứu chi tiết tỉ mỉ của những cử chỉ, những hành động của võ sĩ, của con tuấn mã.
Ghe thuyền được tàu dòng như thế nầy thì cả thủy thủ lẫn chủ thuyền đều sống đời sống nghỉ ngơi an nhàn chớ không có làm việc gì cả.
Đời sống trên nước của họ thế nào, người ta chỉ được biết khi ghe thuyền bò chậm như thế nầy thôi, trong một con rạch hẹp, đứng trên bờ trông xuống thuyền thấy rõ từng hột cơm rơi trên sạp ghe.
Khói của các bếp lửa nấu cơn sáng từ từ mọc thẳng lên rồi bị ngọn gió nhẹ "đàn" ngọn, các cây khói ấy ngã nằm dài ra sau, thành một sợi dây khói, sợi dây nầy nối với các dây khói của những chiếc ghe khác, thành một sợi dây rất dài, dài hơn cả đoàn ghe dòng mười chiếc, bởi số ghe có hạn, còn bề dài dây khói thì không.
Người trên bờ đánh hơi được nùi cá kho mặn từ thuyền đưa lên thoang thoảng, gợi nhớ đời sống trong thôn ổ. Tiếng đàn độc huyền não nuột đưa hơi theo một giọng "nói thơ" lè nhè của một ông chủ ghe già nào, càng nhắc nhở thôn quê hơn nữa.
Đây, một bà mẹ bắt chí cho con gái bà, một đứa bé lên mười, đầu rối như ổ quạ, kia, bốn năm chị đàn bà đang ngồi lê đôi mách.
Ấy, đời sống bình bồng cũng có đôi chỗ giống y như đời sống trên xóm, với nhũng phụ nữ ăn không ngồi rồi, họp nhau để nói chuyện thiên hạ.
Một con heo đứng trước mũi nuột chiếc thuyền, ngơ ngác nhìn bờ rạch, rất có vẻ thèm đất để mà ủi.
Một con gà nuôi trong ống tre, ló đầu ra, kêu lên những tiếng kêu kỳ dị của những con quái vật dị tướng vì thân thể của nó bị ép uổng một cách quá tàn nhẫn.
Trên các nhà thuyền, người ta nuôi gà trong ống tre để ngăn chúng nó bay lên bờ.
Gà lớn lên theo bề dài của ống tre, kẹt trong đó và chỉ ló ra được có cái đầu để mà ăn uống và thở.
Không có chiếc thuyền nào mà không trồng rau, những thứ rau cần thiết như rau râm, rau om, hành, ớt, vài chủ ghe chơi cả cây cảnh, non bộ nữa và mui ghe của họ biến thành những vườn hoa rất xinh mà, chiều chiều họ lên đó để thưởng ngoạn thiên nhiên, để xem "hoa nở, chờ trăng lên".
Trẻ con hai bên bờ vẫy tay để chào người dưới ghe mà một vài chiếc rất quen mặt bởi đã đi ngang qua đây nhiều tháng, nhiều năm rồi.
Trẻ con dưới ghe cũng ngoắt lại bọn trên bờ, hai bên quen nhau mà chưa biết, chưa biết nhau, nhưng mà nghe rất thân với nhau.
- Cha, câu thòng dài quá sá ta!
Một đứa bé trên bờ nói đùa như vậy.
Đứa khác lại đùa:
- Một mẹ mà tới mười con, sai như heo nái.
Bỗng có tiếng đàn bà ong óng ở chiếc ghe cuối đoàn.
- Mầy thiệt còn hỗn phải không?
Rồi tiếng của một thằng con trai đáp, giọng sân si:
- Ai biểu ổng đánh tôi! Ổng còn đánh, tôi còn chưởi.
Người ta nghe rõ mồn một tiếng kêu rồn rột của một cây roi mây được rút ra khỏi nẹp tre của mui thuyền lợp lá, rồi thình lình một thằng bé trạc mười ba, mười bốn tuổi vọt bắn ra khỏi mui ghe.
Thằng bé mình trần, lưng đen thui.
Nó chỉ mặc chiếc quần xà-lỏn bằng vải đen đã trổ trắng.
Hàng hóa chở trong lòng ghe có lẽ thuộc loại hàng hóa nặng cân mà nhỏ khối, không choán chỗ bao nhiêu, như cát ướt chẳng hạn, nên trên sạp ghe trống trơn.
Thằng bé chạy như dông, má nó cầm roi rượt theo nó bén gót.
Ghe đoàn được tàu dòng thì mũi chiếc sau cột dính lại với lái chiếc trước, bằng một sợi đỏi to, dài độ hai thước tây. Người trên ghe "đi dạo xóm" trên những sợi đỏi ấy, như làm trò xiếc, nhưng họ đã quen lắm rồi nên cả trẻ con năm tuổi cũng qua được nữa.
Ra tới mũi thuyền của nó, thằng bé nhảy một cái là rơi trên sợi đỏi.
Má nó cũng chẳng kém tài, cho đến con chó mực của gia đình nó, thấy vui, rượt theo hai mẹ con chơi, và cũng qua được.
Khi sang một chiếc thuyền như vậy, kẻ bị rượt, người rượt và con chó mực chạy theo cầu vui, đều phải nhảy lên mui thuyền ấy vì đó là loại ghe lón, mui đặt ở sau lái, nơi ấy chỉ rộng đủ cho người cầm lái ngồi mà thôi.
Họ chạy bay trên mui ghe rồi hết mui, họ lại phải dang tay ra như xòe cánh để thả rơi xuống sạp của phần trước chiếc ghe; từ trên mui, xuống tới sạp cao hơn một thước tây.
Cuộc đuổi bắt nầy giống một cuộc đua băng đồng mà các tay thi đua phải nhảy mô đất, nhảy hố sâu, hoặc giống một cuộc đua ngựa có nhảy rào, và nhảy nhiều chướng ngại vật nhơn tạo khác, trông rất là ngoạn mục, khiến người ở hai bên bờ rạch, nhứt là bên phía chợ Bình Đông, thiên hạ la ó lên để hoan hô một đám vô tình làm trò cho họ tiêu khiển.
Mẹ con thằng bé và con chó mực đã qua mười chiếc ghe rồi và thằng nầy, cách má nó độ ba bốn thước, đang do dự trước mũi thuyền đầu đoàn.
Lái của chiếc tàu cao hơn mũi ghe đầu đoàn nhiều, sợi đỏi gần như là đứng sựng.
Đỏi nầy bằng loại kim khí, gồm nhiều sợi thép nhỏ đánh lại, chạy trên đó có thể đứt chơn.
Còn chiếc tàu là cái gì cao sáng quá đối với thuyền gỗ của nó, nên nó sợ hãi, cũng như ở nhà lá, nó e ngại không dám vào một biệt thự lộng lẫy.
Vả lại chạy tới mũi tàu rồi thì cũng sẽ gặp phải tuyệt đạo.
Do dự một giây nó phóng một cái là rơi xuống rạch kêu cái "tùm", nước bắn lên ướt cả sạp mũi thuyền.
Là dân thương hồ, cả đời sống trên mặt nước, trôi nổi khắp các sông ngòi trong xứ, má thằng bé lội có lẽ còn tài hơn nó nữa nhưng chị ta không nhảy theo nó, có lẽ sợ ướt áo quần.
Chị ta đứng đó, cầm roi điểm điểm trên không trung, về hưóng nó rời hâm dọa:
- Mầy mà hỏng lên cho tao đánh đòn, tao la làng cho mầy coi!
La làng chẳng những là lối kêu cứu ở thôn quê mà thôi, mà còn là một mẹo làm to chuyện mỗi khi người ta muốn dư luận đả đảo ai.
Mặc dầu không còn ở trên mặt đất và mặc đầu biết rằng, ở Sài gòn, la làng không ăn nhậu gì cả, thằng bé vẫn sợ hãi.
Đó là nỗi sợ di truyền của nông dân lương thiện hễ ai la làng thì họ xuống nước đầu hàng ngay.
Nhưng thằng bé cứ lội đi, mặc dầu kinh sợ, mà có lẽ chính vì kinh sợ nên nó cố lội mau hơn. Nó đang ở vào tâm trạng nổi loạn và liều mạng của một kẻ chịu đựng không được nữa một tình thế nào đó, và nó đã có nghĩ đến việc thoát ly gia đình rồi, nay gặp dịp cùng đường nó quyết đi luôn; và sợ bị bắt lại, nó cố mà bơi.
Thằng bé lội ngược chiều đoàn thuyền.
Thấy trên bờ có Cảnh sát, nó hơi lo nên không dám vào đó.
Má nó sẽ la làng, ừ, nhưng Cảnh-sát cũng có thể can thiệp, vì ở đây Cảnh sát là công lực, như trùm trưởng dưới làng vậy.
Không dám vào bờ, mà cũng không muốn trở lại đoàn thuyền, thằng bé cứ lội xàng quây một chỗ mãi.
Nó lội đứng cho khỏi chìm và khỏi mỏi tay, vì lội đứng là lội bằng chơn, với lại lội đứng thì cái mặt được tự do quan sát để xem phản ứng của Cảnh sát trên bờ và của người dưới đoàn thuyền ra sao.
Cả người dưới ghe lẫn người hiếu kỳ trên bờ đều rộ lên mà cười.
Rạch nhỏ quá, việc gì xảy ra dưới ghe thuyền, người trên bờ cũng đều nghe thấy rõ cả.
Bà chủ chiếc ghe đầu đoàn nói:
- Chị hơi đâu và đợi nó. Cứ về ghe chị mà nằm rồi tự nhiên sẽ bắt được nó. Thằng nhỏ nầy khôn quỉ lắm đó. Nó xàng quây như vậy cho khỏi mỏi tay, một lát là ghe nhà trôi ngang qua đó, nó sẽ níu be ghe mà nhảy lên đó một cách khỏe ru cho coi.
Má thằng bé quăng roi lên sạp ghe, ngồi phệt xuống mà thở.
Bây giờ chị ta mới nghe thấm mệt cái sức già của chị ta.
Con chó mực hiểu ý của chủ nó rằng bà ta đã bỏ cuộc không còn gì ngoạn mục nữa mà xem, nên nó bỏ bả mà chạy trở về "nhà" noi theo đường cũ, làm trò xiếc trên rất nhiều sợi đỏi.
- Mà nó làm tội gì đó chị? Bà chủ nghe đầu đoàn hỏi.
- Nó hỗn hào lắm! Nó cứ chưởi "ổng" hoài. Ổng thì hiền khô như cục đất, mà nó làm như vậy, tôi sợ "ổng" mang tiếng oan là cha ghẻ hành hạ con riêng của vợ, nên tôi phải trị cho nó tởn.
Đoạn ngừng lời để thở dốc một hơi nữa rồi bà mẹ ấy mới kể tiếp:
- Có con mà chấp nối với người khác thì khó lắm thím ơi. Tôi dư biết như vậy mà làm sao tránh khỏi? Nào ghe nào cộ, ai lo cho mình, còn bán ghe thì lấy gì mà nuôi con!
Khổ quá bà con ơi, thằng con dịch vật của tui nó gan trời đi lận! Hồi tôi mới tính chấp nối với ông nầy, nó nhứt định ngăn trở tôi. Tôi không nghe, nó bèn trèo lên nóc nhà mà nằm. Nó ở trển từ trưa tới chiều, còn hăm dọa hễ ai bắt thang leo lên là nó nhào xuống đất lập tức cho gãy giò chơi.
Tối nó cung hổng chịu xuống, báo hại đêm đó tôi không dám nhắm mắt vì cứ sợ nó ngủ quên nó té gãy cổ, chớ gãy giò nói làm gì. Tôi thấp đuốc ngồi ngoài sân để gác nó, cả xóm đều tựu lại để phụ lực với tôi, náo động cả làng.
Bà ngoại nó ở làng kế đó mà hay tin thì thím biết nó rùm đến bao nhiêu. Bả hay tin, bả mới chống gậy qua, tới khuya lơ khuya lắc mới đến nơi. Bả năn nỉ nó thiếu điều gãy lưỡi nó mới chịu xuống cho.
Bây giờ đoàn thuyền mới qua khỏi chợ và chiếc thuyền cuối đoàn đã qua khỏi thằng bé rồi.
Mà lạ thay, không ai thấy nó tìm cách trở về đoàn ghe.
Thiên hạ trên bờ đâm lo, la ó lên, má nó mới hay, đứng dậy và thấy cớ sự như vậy má nó vụt la làng om trời, la rát họng rồi kêu tàu ngừng lại.
Lẽ dĩ nhiên là tàu họ không chịu ngừng.
Ở đất Sài gòn, đi trong sông ngòi cũng như trên phố, phải tránh chỗ cho người ta lưu thông, chớ một đoàn ghe dài như vậy, không phải muốn ngừng ở đâu và lúc nào tùy thích mình.
Họ chỉ tốp máy khi nào tai nạn xảy ra, thí dụ một chiếc thuyền bỗng dưng suýt chìm. Nhưng đã không phải là một trường hợp tai nạn, thằng bé rủi ro té xuồng rạch, và nó không biết lội đâu.
Nó sẽ không chết trôi là đủ cho tài công tàu có lý do để bất kể lời của má nó.
Nếu tàu mà cứ ạch đụi vì chuyện tư riêng, chuyện nhà chuyện cửa của cái ghe mà họ dòng, thì biết bao giờ đoàn mới đến nơi, mà hành trình của tàu lại đã được chủ tàu chỉ định từng ngày, từng giờ, từng phút.
Đoàn thuyền được tàu kéo, cứ thản nhiên lướt qua, bỏ lại đứa con trai độc nhứt mà thật ra bà mẹ nầy thương mến vô cùng.
o O o
Thằng Kẹo thấy đoàn thuyền qua rồi mới lội vào bờ bên phải, tức vào chợ Bình Đông.
Cảnh sát trên bờ có chứng cảnh nầy, nhưng họ bất động vì thằng bé không có phạm tội gì cả đối với bất kỳ ai khác hơn gia đình nó. Thằng bé cũng khá lớn rồi, để sợ nó đi lạc.
Mà cho tới bây giờ, thằng Kẹo mới nghe rằng nó thoát ly gia đình thật sự, chớ lúc nó còn lội dưới nước, nó cứ có cảm giác như nó là một đứa bé sơ sinh chưa được cắt dây rún để lìa hẳn mẹ nó vậy.
Giờ thì chim non đã lìa tổ rồi đây. Và như một con chim non, nó vừa sợ cái khoảng không rộng minh mong trước mắt nó, nó vừa ham mê chính cái khoảng không mà nó sợ ấy.
Thằng Kẹo đi hoang đúng vào lúc mà con người lâm vào cái tuổi khó khăn nhứt của một đời người, cái tuổi nhổ giò, bể tiếng và bao biến chuyển sanh lý bên trong, và những biến chuyển nầy làm xáo trộn cả cảm nghĩ, cả một nhơn sinh quan thơ dại.
Nó nghe rất khó chịu trong người, như là bộ máy của nó trục trặc thế nào ấy, và đồng thời nó cũng dễ đổ quạu, dễ hờn dỗi, dễ giận lẫy và rất khó tha thứ.
Vì vậy mà nó thường nổi loạn đối với những việc không đâu và nhứt là đối với cái việc mà nó thấy là quá lớn lao, cái việc má nó tái giá.
Kẻ muốn nổi loạn, chỉ sung sướng được trong hai thái độ: đập phá hoặc bỏ cả.
Không đập phá mà khỏi bị trừng trị, nó đành phải bỏ cả để ra đi.
Và tiên tri thay, nó làm nghề móc túi thật, đúng y như lời má nó nguyền rủa, lúc điểm điểm ngọn roi trên không trung, vì không làm gì được nó: "Cái tù mặt mầy đó mà đi hoang thì chỉ sẽ móc túi thiên hạ mà ăn, chớ biết làm cái khỉ khô gì!"
o O o
Nó móc túi thật, sau khi trôi giạt ra tới chợ Ông Lãnh, ngoài kia, và sau mấy ngày đói khát.
Và vì không biết nghề nên nó bị người ta tóm được ngay trong chuyến làm ăn đầu.
Tuy thế, nó không bị trừng trị, vì không hiểu sao, có nhiều người truy cản Cảnh sát và dân chúng để cứu nó.
Nó chạy bán sống bán chết và tới một đầu hẻm kia, một thầy rượt theo kịp nó và nắm lấy nó chặt cứng.
Nó sợ điếng người, nhưng thầy ấy chỉ cười thôi, rồi kéo nó vào ngõ mà rằng:
- Ai dạy mầy móc túi đó?
- Lạy ông tha cho tôi, không có ai dạy tôi hết. Tôi đói nên làm bậy vậy thôi.
- Không sao đâu. Tao có phải lính đâu mà mầy sợ. Tao thấy mầy lanh lợi tao thương, mà thấy mầy vụng về tao tội nghiệp. Nếu mầy thích thì theo tao, tao dạy nghề cho.
o O o
- Cô bán ở chợ nào?
- Dạ chợ Ông Lãnh.
Nghe đến hai tiếng Ông Lãnh, Kẹo giựt nẩy mình. Tên cái chợ ấy kêu vang lên như giọng nói của người thân.
Đó là nơi mà chàng ta mới sắp bước vào đời lâu lắm rồ. Đi học nghề rồi làm ăn, rồi bị bắt và rốt cuộc tấp vào trại giáo hóa trẻ vị thành niên Thủ Đức.
Cụt hứng không tìm được gì để hỏi thêm, Kẹo chơi với cái ống điếu bằng củ tre già mà anh ta tốn đến gần một năm mới gọt xong, lúc ở trại giáo hóa.
Người con gái đón xe tại xóm Sở nuôi cá Phi với một gánh nặng đầy nhóc sa-cô-chê, sao mà dễ thương lạ! Nàng vừa có vẻ nhu mì của con nhà, vừa lanh lợi con mắt và cái miệng như những tay buôn bán bải buôi.
Xe đò đông nghẹt hành khách, thế mà từ lúc cô ấy bước lên chen ngồi gần Kẹo thì chàng ta nghe mình hết lẻ loi.
Ở trại giáo hóa, Kẹo kết bạn với những thiếu niên đồng cảnh ngộ. Họ có thương mến nhau thật đó. Mấy người giám thị cũng thương mến họ, hết lòng dạy bảo nghề nghiệp và tánh tình. Nhưng Kẹo vẫn nghe cô đơn. Bóng một người đàn bà vẫn phảng phất trước mặt anh, người đàn bà mà anh thương cho đến làm xằng để kêu gọi người ấy lại.
Nhưng người ấy không lại. Kẹo có biết đâu rằng một người đàn bà quê mùa, dốt nát như má anh, không bao giờ đọc báo mà hay tin dữ về con. Tuy lì lợm to gan anh lại là một đứa bé dễ cảm và cần rất nhiều tình thương. Lòng anh quặn đau mỗi khi rỗi việc, nhớ đến người đàn bà đó.
Nếu không đói khát tình thương mẹ, chắc có đâu mà anh trở thành một chiếc thuyền sóng dập như thế nầy.
Sau ba năm ở trại giáo hóa, mép và càm anh đã lún phún những sợi râu non mọc bừa bãi như cỏ dại. Người con trai vừa bước ra khỏi tuổi niên thiếu ấy càng nghe mình lẻ loi hơn bao giờ cả.
Lạ, càng lớn lên càng chai tấm lòng mới phải cho, chớ sao lại càng bâng khuâng như thương nhớ cái gì. Chắc chắn là anh thương nhớ mẹ, anh định bụng như thế, và quyết định ra khỏi trại giam là làm một cú cho thật động trời, làm sao mà khi bị bắt, thiên hạ sẽ đồn rùm lên cho đến trong xó quê cũng hay biết.
Nếu mà không bị bắt, anh sẽ tìm về quê mẹ giết phứt người cha ghẻ đáng giận kia để cướp mẹ lại anh mới nghe cho.
Nhưng từ lúc bắt chợt cái nhìn lẩn trốn của cô gái buôn sa-cô-chê đón xe đò giữa đường Thủ Đức-Sài gòn, anh nghe cái bâng khuâng đang đi lang thang của mình như toan định-cư lại.
Bóng người đàn bà trên một chiếc ghe thương hồ xa mờ lần lần để rồi nhường chỗ cho một chân dung rõ nét trước mặt anh.
Kẹo vẫn đói tình thương. Nhưng có thật là đói tình thương mẹ mãi chăng? Hay là miễn được thương là đủ rồi, bất kỳ thương ai và được ai thương lại?
Chắc là không phải tình thương nào cũng xong đâu, vì bạn đồng trại và các thầy giám thị lại không thương anh à? Và anh lại không thương họ à?
Xe chật như nêm. Cô gái muốn day trở cho đỡ mỏi nhưng ngại, nên thôi. Kẹo hiểu ý, ngồi chồm ra trước ngoài bìa băng, thành ra sau lưng anh trống lỏng. Cô gái ngồi thụt vào được và nghe dễ chịu ngay.
- Cám ơn anh, cô ta nói.
Đó là một câu ngọt dịu mà anh nghe lần đầu tiên trong đời, từ khi má anh tái giá. Mà lại do miệng một cô gái xinh đẹp nữa chớ.
Người đàn bà! Đàn ông con trai, vừa rời khỏi vú mẹ là bươn bả mà lớn để nhào vào tay người đàn bà khác, người đàn bà mà sự dịu dàng thoa nhẹ được những nơi bầm dập do gai góc đời đập vào, quào vào thân thể và tấm lòng họ.
Người đàn bà! Con gái có nhỏng nhẻo như người ta hay nói đâu! Vì đàn ông thiếu nhẫn nại, ít chịu bền chí để dỗ dành ai. Chính đàn ông, con trai mới là cái giống hay nhỏng nhẻo với mẹ, rồi với vợ, cả hai đều là đàn bà. Người đàn bà mà giọng nói và bàn tay sao mà êm như đám cỏ năng mới ngả rạp, người đàn bà ấy đã chiếm cả hồn Kẹo thời thơ ấu và bản sao của nó ngày nay lại chiếm cả hồn anh.
Tuy là dân lưu-manh, anh Kẹo còn trong trắng về đường tình. Anh chưa đểu giả với người đàn bà nào hết. Trái lại nữa, anh bối rối, hồi hộp như bận móc túi đầu tiên.
Bây giờ ngồi chồm ra trước, cô gái thụt lại phía sau, anh thật không biết làm thế nào để nói chuyện với cô ta hoặc để nhìn cườm tay nây nấn của cô như hồi nãy.
Vỏn vẹn chỉ thấy được đầu hai bàn chơn. Chơn đi đất mà trắng hơn chơn móng đỏ của cô ngồi đối diện. Hai ngón chơn cái và hai ngón chơn trỏ của cô gái chơi giỡn với nhau, trèo lên nhau như cảm nghe bị nhìn và khó chịu, nằm yên không được.
Bỗng nghe kêu bụp một tiếng, Kẹo giựt mình. Anh ngó xuống sàn xe thì thấy chiếc gàu mên mà cô gái cầm nơi tay vừa rớt xuống đó và đang ngả.
Kẹo lật đật cúi xuống để đỡ lấy nó thị đầu đụng phải đầu cô gái. Anh nghe cái mùi xà bông thơm rẻ tiền mà có lẽ cô ta dùng gội đầu hôm qua, còn phảng phất quanh tóc cô.
Cô gái mắc cỡ, bỏ mặc gàu mên, né để tránh đụng chạm. Kẹo tiếp-tục cuối xuống đỡ cái xách nhôm ấy rồi xách nó lên, trao cho cô gái ngồi gần.
- Cám ơn anh.
Đến hai lần cô ấy cám ơn mà Kẹo chưa tìm được đầu đề câu chuyện. Bỗng cái gì xui khiến anh nói lớn ra ý nghĩ thầm của anh:
- Té ra cô từ nhà mà đi, chớ không phải bạn hàng dưới Ông Lãnh lên, nên mới dở cơm theo?
- Dạ phải.
- Trái cây nhà phải không cô?
- Dạ phải.
- Cũng hay! Trưa cô ăn cơm nhà cho đỡ tốn. Sao cô không bỏ vựa?
- Vựa họ bốc lột lắm, mình không lời được bao nhiêu.
- Bóc lột? Cô nói nghe giọng nhựt trình dữ!
Bấy giờ Kẹo mới dám ngó ngoái ra sau và thấy cô gái nhoẻn miệng cười, xấu hổ vì danh từ khó mà cô dùng, bị người ta chú ý đến.
Chết rồi! Kẹo cảm thấy rõ rệt là bóng người đàn bà nầy sẽ lẻo đẻo theo anh từ đây.
Bỗng anh nghe thương mẹ hơn bao giờ cả. Thương đây là tội nghiệp cho một người đàn bà mà lòng ích kỷ của anh đã làm khổ từ bao nhiêu năm nay. Người đàn bà ấy có lẽ ngày nay không còn nước mắt nữa mà khóc cũng nên.
Mà người ấy có tội tình gì cho cam? Người ấy đã yêu! Thuở ấy anh không hiểu được tình yêu là thế nào, nên nhứt định má anh chỉ phải thương một mình anh thôi.
Giờ phút nầy, khi cái liếc mắt thẹn thùa, cái nhoẻn miệng dễ thương kia đột ngột biến đổi tình cảm độc nhứt của anh, hướng nó qua nẻo khác, anh mới chợt thấy là mình bậy lắm, đã làm khổ một người mẹ hiền lại làm hỏng cả đời mình.
Yêu sao mà dễ dàng quá, người ta chỉ mới nói cám ơn một đôi lần, người ta chỉ mới cười hổ ngươi một lần với mình mà mình đã yêu rồi!
Cái khó là làm sao cho tình yêu phát ra từ cả hai nơi, làm sao cho nó đi cả hai chiều, gặp gỡ nhau như hai giòng sông nơi giáp nước, rồi hòa lẫn nhau thành con xoáy khu ốc, đời đời kiếp kiếp quấn quít nhau, kéo nhau chìm xuống đáy nước tại khu ốc đó như đôi vợ chồng đi mút đường đời rồi cùng nhau theo ông theo bà lúc đầu bạc răng long.
Khó lắm thay, cái chuyện đó, giữa một tên lưu manh và một chị buôn gánh bán bưng, tuy cùi đày mà chắc chắn là trọng đạo đức.
Nhưng ngoài nào ai biết đâu! Ngoài trại giáo hóa, Kẹo là lột thanh niên khỏe mạnh có gương mặt hiền từ, di tích của bao đời nông nghiệp. Thanh niên lại đang nặng túi nhờ số tiền thưởng về ba năm lao lực, nào trồng khoai, nào may cắt, nào đan rổ, nào kết đèn.
Miễn là từ đây phải chặt gãy cây cầu nối liền bây giờ với dĩ vãng, lấy một cục mực to bôi xóa những trang giữa của tập vở đời anh, những trang kiếm hiệp nhảy dù, đánh nhau chí tử, hấp dẫn lạ kỳ mà thật là không ăn chịu với những trang tình cảm xây dựng phía sau, như là phân nửa bản nhạc cao bồi man rợ ráp lầm với phân nửa bài thôn nhạc êm đềm.
Bóng người đàn bà trước cũng mát mắt lạ nhưng lại khiến anh làm liều. Ích kỷ đã xúi giục anh toan cướp tình thương bằng cách cầm lục liên, đeo mặt nạ.
Bóng người đàn bà bây giờ lại làm anh hoảng sợ như là anh đứng trước một công an viên đang theo dõi hành tung của anh.
Trước sau cũng là bóng người đàn bà. Nhưng trước kia anh muốn cướp lại tình thương, bây giờ anh định cầu xin chút tình yêu mến. Phương tiện mạnh ngày xưa phải nhường chỗ cho lối dịu ngày nay.
Xe đã tới bến! Anh Kẹo đỡ lấy hai thúng sa-cô-chê do anh lơ từ trên mui trao xuống.
Thúng là thúng giạ, sa-cô-chê đầy tràn đến rớt lợt đợt xuống lề cỏ, vậy mà anh Kẹo đỡ coi nhẹ hều như là đỡ thúng gòn.
Cô gái vừa cười vừa cám ơn, lại thêm:
- Xem tướng anh là tướng học trò mà...
- Mà giò lại là giò ăn cướp phải không cô?
- Em đâu dám nghĩ vậy.
Kẹo đâm bạo nói:
- Cô hai nè, tôi là học trò thật đó, học trò lỡ vận và đang tìm việc. Trên ấy cô thấy có công ăn việc làm gì hay không?
- Anh hỏi thật hay hỏi chơi?
- Thất nghiệp hay ho gì mà phải khoe ra đó cô. Túng cùng lắm người ta mới chịu thú nhận điều đó.
- Ba em làm trại cưa với lại vựa bụi. Cần một người biên sổ ăn lương rẻ. Nếu anh không bị gánh nặng gia đình, có thể hỏi làm chỗ đó.
- Trời, may quá. Lên đó rồi tìm trại nào cô?
- Trại hương thân Hảo, hay vựa bụi năm Tỳ. Tỳ là tên em.
Kẹo thấy ngay ba năm học chữ của anh trong trại thật không uổng chút nào.
o O o
Mì, phở, thuốc thơm, cà-phê nước đá, la-ve, đó là những món Kẹo thèm suốt mấy năm trời và hôm nay anh quyết hưởng cho đủ.
Sung sướng lạ kỳ. Cuộc đời bên ngoài thú vị biết bao nhiêu. Nhưng đến chiều thì một trăm tám tiền thưởng ba năm chỉ còn lại có tám mươi đồng.
Kẹo ngồi xuống băng đá ở bồn binh, điểm lại cuộc phiêu lưu kỳ lạ của mình. Đời lưu manh tuy vậy cũng mở cho anh nhiều cửa sổ bất ngờ. Nhưng không thể cứ học khôn trong nghề móc túi, nghề ăn cướp cạn dọc đường. Cũng may là anh bị giam chỉ có ba năm thôi và được phóng thích khi anh tới tuổi thành niên.
Nhứt là bây giờ, làm xằng không còn nghĩa nữa, người dàn bà mà anh muốn kêu gọi không bao giờ nghe tiếng kêu của anh. Vả gọi nữa làm gì?
Anh đã bừng tỉnh nhận ra rằng ai có đường nấy, ai cũng có quyền sống cả, nhứt là về chuyện lòng.
Trong giây phút, Kẹo nghe mắc cỡ với mình quá đã ganh tị vô lối với người đàn ông kia mà má anh cần.
- A Rít Chúa! Phải mầy hôn mậy?
Kẹo giựt mình, nghe ai kêu đúng tục danh nhà nghề của anh, trong bọn họ đã đặt tên anh như vậy, không phải vì anh hà tiện mà vì Rít Chúa cùng một nghĩa với Kẹo.
Anh day lại thì ra đó là anh ba Thẹo, người mặc Âu phục đã bắt gặp anh làm ăn hụt lần đầu, năm xưa ở chợ Ông Lãnh.
- Hú vía, anh làm tôi hết hồn.
- Tao nhìn lâu lắm mới nhận ra mầy đó. Chà, mầy bây giờ nhổ giò dữ. Lại râu mép nữa, coi ra vẻ lắm.
Đoạn kề miệng vào sát tai Kẹo, anh Ba hỏi:
- Ra hồi nào?
- Hồi sớm mai.
- Có tiền không?
- Có mà hết rồi.
- Đừng lo. Tiền cứ để cho họ cất. Chừng nào mình cần dùng thì lấy mà xài khỏe ru. Đã ăn gì chưa?
- Chiều thì chưa.
- Ta đi Bình Hòa ăn dơi chơi rồi coi hát.
- Ba năm vắng mặt, mầy thành quê rồi, phải cho mầy sống hối hả vài ngày cho mầy đầy đủ, mầy mới đồng hơi hám với tụi tao được.
Tao nói đầy đủ là đầy đủ. Mầy lớn rồi phải hiểu nghĩa tiếng đó. Mười chín hay hai mươi?
- Mười tám.
- Mười sáu còn khờ. Đi vắng về, mười tám là cúng tổ được rồi đó. Mầy nghe trong bụng mầy nó bâng khuâng hồi năm nào, năm ngoái hay năm kia?
- Nghe hồi sớm mai.
- Trên xe chắc? Ứ hự, đến mười tám rồi mà còn khờ như mười ba. Thôi để rồi kiếm được tiền nhiều, mặc sức mà yêu. Mầy thấy con gái ở đây thì mầy tức cười cái vụ mùi trên xe của mầy dữ lắm. Kìa xem kìa, ậy bên nây, áo bà ba bông cây dừa đó, đọ mê chết chưa?
Kẹo không mê chết chút nào, mà chỉ thoáng thấy, qua cô mặc áo cây dừa, bóng cô gái sa-cô-chê.
- Thôi, đi. Đừng có mọc rễ ở đây. Rồi sau, mặc sức mà ngó. Thứ đó, ở đất Sài-gòn nầy, tàu mà chở cũng không hết.
Ăn một bụng dơi rồi, họ trở ra Sà gòn coi cải-lương. Khi ra khỏi rạp, ba Thẹo kéo Kẹo đi bộ, dọc đường anh nói:
- Tao vừa bố trí xong một vụ. Tối mai là làm được nhưng còn thiếu một tay. Gặp mầy thật hên quá, hên cho cả mầy nữa. Mầy đáng tin cậy, tụi tao thích. Mầy lại đang cần tiền, thì chắc nhận lời. Chia đều. Trừ hai mươi phần trăm cho cái đầu đã nghĩ ra và bố trí "mần ăn". Bây giờ, mầy về ngủ nhà tao, ngày mai nghiên cứu lại tiểu tiết rồi tối mai, mầy ra nghề trở lại.
Rượu, thịt, ánh đèn, tiếng nhạc đã làm say anh con trai vừa được giáo hóa xong. Anh đã học được nhiều nghề trong trại. Nhưng đi làm, đã nhọc xác, lại chỉ vừa đủ ăn mà thôi, trong khi đó thì thú Sài-gòn lại nhiều và rất quyến rủ.
Thấy Rít Chúa làm thinh, ba Thẹo định bụng là nó đã ưng thuận. Hắn gọi xe. Từ chiều đến giờ, tiền tắc-xi dễ thường đã đến bạc trăm.
Đi xe sướng thật, nhưng muốn lên xe xuống ngựa, phải có tiền. Rít Chúa bước lên xe, do dự gần tan.
Ba Thẹo vẫn ở tại căn nhà cũ hồi trước, chưng dọn sang trọng hơn, và tủ kiếng đầy rượu và bánh hộp.
Chỉ có chị Ba là thay đổi. Chị Ba ngày nay trẻ hơn, đẹp hơn chị Ba của mấy năm về trước, có lẽ đã bị cho về vườn rồi.
- Mầy thấy hay không, ba Thẹo nói, phải sống như tao mới đáng sống! Rồi mầy cũng được như tao. Tao sẽ làm mai cho một con "tuyệt cú".
Bao nhiêu hoang mang của Rít Chúa bay mất hết.
- Em à, ba Thẹo dặn vợ, biểu trẻ nó dọn ghế bố cho chú ấy ngủ. Chú ấy là em nuôi của anh đó đa. Mai mốt, em liệu mà kiếm người vá áo cho chú ấy nghen. Rít Chúa à, chị Ba mầy em út thiếu gì.
Mùn tuyn trắng nõn, gối gòn mềm èo, mà sao Kẹo cứ nằm trăn trở thao thức hoài.
Anh lắng nghe một tiếng gọi, tiếng gọi của một người đàn bà (cô ấy là một cô gái thơ, nhưng cũng cứ ở trong phái đàn bà).
Mãi đến đêm nay anh mới thật hối hận đã ngăn mẹ anh tái giá. Hẳn mẹ anh cũng đã nghe tiếng gọi như thế, của cha ghẻ anh, tiếng gọi réo rắt quá, không sao mà bịt tai được.
Và anh thấy rằng anh phải đáp lời tiếng gọi ấy. Mà muốn đáp lời, anh phải làm người biên sổ cho trại cưa, người ta mới chịu nghe lời đáp của anh, chớ không thể sống tiếp lại đời sống lưu manh nầy được.
Thật ra thì cô gái bán sa-cô-chê, không phải là người đẹp nhứt trần đời, và anh có thể còn gặp nhiều cô gái khác đẹp hơn.
Nhưng vấn đề không phải ở đó. Chuyện quan trọng là cái tiếng gọi không cưỡng được của phe nữ hôm nay nó cắc nghĩa thái độ tái giá của mẹ anh.
Mẹ anh đã làm đúng và anh đã hành động xằng. Bây giờ, dầu không cần tìm cô gái bán sa-cô-chê cũng phải đáp lại tiếng gọi của một người đàn bà ở xa kia, của bà mẹ đã mõi mòn trông đợi đứa con đi hoang.
o O o
Nghe Kẹo lục đục hồi năm giờ khuya, ba Thẹo hỏi:
- Làm gì mà mầy dậy sớm dữ vậy Rít Chúa?
- Dạ, tôi về xứ.
- Trời ơi, mầy bỏ tụi tao sao?
- Xin anh thứ lỗi, tôi nhớ má tôi lắm.
- Rồi mầy sẽ trở lên chớ?
- Ừ, nhưng tôi lên Thủ Đức.
- Trời, muốn bị giam thêm hả?
- Không.
- A... ha... ha... Tao hiểu rồi. Cái con bé trên xe chớ gì!
Mưa Thu Nhớ Tằm Mưa Thu Nhớ Tằm - Bình Nguyên Lộc Mưa Thu Nhớ Tằm