Books are a refuge, a sort of cloistral refuge, from the vulgarities of the actual world.

Walter Pater

 
 
 
 
 
Tác giả: Ma Văn Kháng
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: Son Vo Di
Số chương: 24
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4816 / 81
Cập nhật: 2016-04-22 16:50:42 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 14 -
uối cùng thì mùa hạ cũng đã lặng lẽ đi qua. Sương thu sớm chiều thoa một lớp kem mát dịu lên phố xá và mặt người. Đã qua rồi những ngày mưa rả rích tối trời, và con người dường như đã thoát khỏi nỗi lo âu phấp phỏng thường xuyên về những cơn tai hoạ ngập lụt có thể ập đến bất cứ lúc nào.
Ngõ 401 khô ráo. Một hôm, vợ chồng ông bà Nhuần và lũ con đông đúc đã bày tỏ năng lực xoay xoả, tổ chức lao động và thu vén của mình. Họ đã đi xin và chuyên chở từ đâu về gần hai chục tấm bê tông lát mặt hầm từ hồi chống chiến tranh phá hoại của máy bay Mỹ và trong chốc lát đã biến cái ngõ lầy lội thành một đường băng sân bay phẳng lỳ. Một công đôi việc, ông Nhuần vừa thực hiện nhiệm vụ tổ trưởng dân phố, làm cho quang nhà sạch ngõ, vừa dọn lối cho đám cưới con gái đầu lòng của ông.
Mùa thu, cốm xanh theo đòn gánh cong hai đầu vào thành phố, mùa trai gái kết đôi. Mùa thu ấy, cái ngõ nhỏ tưng bừng vì cái lễ ăn hỏi của nhà Thưởng. Mở đầu bằng một đoàn hơn chục cô trinh nữ áo dài tứ thân, quần lĩnh tía, thắt lưng bao hồng đào, xanh thiên lý, tóc bỏ đuôi gà, như tố nữ, như văn công, đầu đội tráp quả sơn đỏ đầy ắp đồ dẫn cưới, Thôi thì đủ hết của ngon vật lạ, kỳ thú, đặc sắc. Cùng với sơn hào hải vị, hoa quả trầu cau
cổ lệ, đám này còn mang theo cả những sản phẩm hiện đại của công nghiệp Âu, Mỹ, như khăn áo ni-lông, thuốc lá Sa-mít và nước hoa Pháp, tơ lụa Nhật.
Cuối thu, pháo đám cưới nổ ran các buổi chiều sương ủ. Giao duyên, con mối chọn kỳ sấm chớp, con người đợi khi se lạnh. Đám cưới người cũng ồn ào phong cách vũ hội, nhưng rước nhau bằng ôtô chạy xăng. Cao điểm, có ngày thành phố ba trăm đám. Ba trăm đám ít ra là ba trăm xe ôtô.
Thành ra, một hôm, ông Nhuần mặt đỏ bừng bừng, từ phố về, rẽ vào nhà ông thợ vẽ, thở hồng hộc, than rằng:
- Bác Hảo! Chết! Chết! Thiên hạ đua nhau cưới xin. Nhờ vả tay trong mãi mới thuê được một chiếc Hải Âu. Nhưng mà phòng cưới thì chịu. Kín hết cả rồi. Phiền bác hoạ sĩ giúp hộ một tay vậy.
Ông thợ vẽ dạo này rỗi, chỉ chơi nhởn, cười cợt nhả:
- Bác tội gì mà vất vả ngược xuôi thế! Lấy nhau thì con gái bác và thằng rể phải tự lo liệu chứ. Chúng sướng chứ mình sướng à?
Ông xích lô gãi gãi gáy, thật thà:
- Thôi thì... đời người chỉ có một lần, sợ các cháu có điều gì sơ xuất. Cháu Loan thì vốn đoảng, dăm ngày lại mất ví, mất tiền một lần. Còn anh cháu, tiếng thế cũng có lo được gì đâu. ấy, mọi việc không có mẹ cháu thì tôi cũng đến chịu.
Ông thợ vẽ gật đầu nhận lời. Và ông bắt đầu trổ tài.
Dưới sự chỉ đạo thiết kế mỹ thuật của ông, công việc bắt đầu. Lũ trẻ con được chị Loan thuê tiền quét xong cái sân thì bàn ghế được khiêng ra. Tất cả đều là mượn mõ của hàng xóm. Cao, thấp, khấp khểnh, nhưng ghép lại, kê, độn, vá víu, xếp thành ba hàng dọc rồi phủ ni-lông hoa lên, trông cũng tươm. Che rợp tất cả là một tấm dù trắng. Phông vải căng bốn phía. Phía nào cũng dán hai chữ T. L kiểu cổ, như đôi rắn quấn nhau. Cạnh đôi chim câu chắp cánh là vô số các hình trang trí do ông thợ vẽ trổ bằng giấy trăng kim, xanh, đỏ: chim, cò, nốt nhạc, thiếu nữ khiêu vũ, cầu thủ dẫn bóng, thuyền buồm lướt sóng, trăng tròn, sao nhiều cánh...
Trưa hôm sau thì cái sân bẩn thỉu biến thành một toà cung điện. Đến hai giờ chiều nó hoá thành một cái phòng hoà nhạc. Hai cái loa thùng kê ở hai góc, nối với cái A-kai V18, liên tục phát ra luồng sóng nhạc xình chát to hết cỡ, thu hút hết tất cả trẻ con ở trong vùng quanh bán kính nửa cây số.
Bà Nhuần đứng duyệt sự bài trí, tấm tắc khen tài nghệ ông thợ vẽ. Nhưng bà đề nghị phải thêm cả nhạc sống nữa và bà lại vật nài ông Hảo vốn quen thuộc với nghệ sĩ lo việc mời đón họ hộ. Thế là ông thợ vẽ lại phải tất tả ra đi.
Bữa cơm chiều, có một tốp sáu, bẩy anh lỉnh kỉnh những đàn, trống, kèn sáo, đến ngồi khít một mâm. Các nghệ sĩ ăn, uống như rồng cuốn. Toàn loại choai choai để ria mép, tóc kín gáy, áo ca rô, quần loe, một câu nói văng một tiếng đệm tục tĩu. Ông Hảo ghé tai bà Nhuần giới thiệu: “Toàn những tay cứng cựa cả đấy”.
Trời tối, cái ngõ mới thật náo nhiệt. Chiếc Hải Âu dán chữ Hỷ đỏ, to như chấn song cửa sổ trên kính trước đỗ xịch, đổ ra một đám hơn ba chục người bên nhà trai. Cái ngõ hoá chật vì người, vì chen lấn, xô đẩy. Tiếng pháo nổ át tiếng người reo vui trầm trồ, réo gọi nhau ầm ĩ, cùng tiếng đàn nhạc sống tấu lên mừng đón. Trong cái ồn ào huyên náo quá mức, dẫn đầu đoàn đón dâu gồm sáu bà, bà nào cũng to béo mỡ màng như xưa kia vốn ngồi ở phản thịt bán ở chợ, là một bà cụ tóc bạc như cước, chống gậy trúc, lẫm chẫm bước. Theo sau các bà là chú rể và bạn chú. Tiếp nữa là lộn xộn đàn ông, đàn bà. Vào tới sân nhà cô dâu, cảnh càng hỗn độn. Bạn bà Nhuần từ trong nhà tuôn ra. Toàn các bà bạn quý trong cánh buôn từ mấy chục năm nay. Rồi chẳng còn phân biệt được ai thuộc nhà trai, ai nhà gái. Cũng chẳng hiểu đâu là chú rể. Vì mấy chục gã, gã nào cũng khoe bộ cánh lạ mắt, đắt tiền, mặt đều nhâng nháo, cũng tóc xù, trán thấp tè, vừa tinh ranh vừa đần độn như nhau. Phía các cô cũng vậy. Cô nào cũng dong dỏng, áo dài tà thẳng, mặt phấn, mắt quầng, môi son, nước hoa sực nức. May mà tục lệ văn minh khôn ngoan đã biết đánh dấu chú rể bằng một bông hoa hồng bạch cài ở ve aó vét và cô dâu được ấn định bằng bộ khăn áo trắng muốt, mỏng tang, với cái kiểu mũ “hoàng hậu” thời cổ trên phủ voan mỏng. Cô dâu Loan nổi hẳn lên trong đám các cô gái. Môi đỏ thẫm hình trái tim, hai má dày, mắt cô lóng lánh, vừa e thẹn vừa sung sướng. Tấm khăn voan tết hoa trên đỉnh đầu, ở đó gài một viên kim cương thật. Cô hãnh diện vì viên kim cương đó và sự huyền diệu cũng từ đó toả ra. Khi Thưởng tiến đến trao cho cô bó hoa lay-ơn trắng, đỡ tay cô, cặp vào tay mình, quay lại, hai làn chớp máy ảnh loé lên, bọn choai choai hét: “ Hôn nhau đi”, cô tưởng như đang xem một đám cưới trong phim châu Âu.
Tuy vậy, không khí đã giảm thiểu vẻ lịch sự, văn hoá. ấy là sự hoạt động sôi nổi quá mức của ba chục mâm rượu. Nhạc sống, nhạc loa thả sức rống. Hơn trăm con người bốc men thả sức ha hả, toang toang như chốn không người. Tiếp đó, tới lúc thấy một chớp đèn chụp, một người nào đó bỗng kêu to: “ Chụp ảnh cả hai họ đi chứ!”, mọi người mới ngừng lời như sực nhớ nghển lên, nhao nhác. Họ tìm ông Nhuần. Ông Nhuần đâu? Vừa nãy ông còn đi ra đi vào, trịnh trọng và cảm động lắm kia mà. Vừa nãy ông còn tiếp rượu mấy cụ dân phố kia mà. Ông Nhuần đâu?
“ Ới ba hồn chín vía ông Nhuần ở đâu thì về nhá á á”. Bất chấp tất cả tính chất nghi lễ trọng thể của cuộc vui, bà Nhuần nhẩy ngay lên bờ hè gào, cất tiếng the thé gọi chồng. Bà gào gọi tới lần thứ ba thì may quá, ông Hảo phát hiện ra ông đang đẩy cái xích lô từ ngõ vào. Hoá ra đang cuộc vui thì ông có khách gọi. Khách là một người đàn bà sắp trở dạ đẻ. Chẳng lẽ chối từ? Xưa nay ông vốn hay giúp người trong những cảnh ngộ như vầy kia mà. Lập tức, ông bị đẩy đến trước đám người hai họ đang đứng chờ sẵn ở trước cửa nhà. Ông Hảo đạo diễn xếp ông đứng cạnh cô Loan, đối xứng với bên kia, bà cụ tám mươi tuổi lưng còng đứng cạnh chú rể Thưởng, “Chụp nhé! Cười tươi lên nào! Lấy cả người nhé. Một, hai... ba!”. Anh phó nháy thét, bấm máy tách tách liền hai phát. Nhưng bỗng anh thả máy, tung hai tay lên
Mưa Mùa Hạ Mưa Mùa Hạ - Ma Văn Kháng Mưa Mùa Hạ