Số lần đọc/download: 0 / 1
Cập nhật: 2020-10-23 04:17:18 +0700
Chương 13
Trong các khách quen của Lục Thư, ngoài vị đại gia đã mua trinh cô, còn có một ông già nhỏ bé kỳ lạ mà Lục Thư rất mến. Sau khi đã qua đêm với cô, vị đại gia chỉ thông qua cậu Mã - người đại diện của ông để giới thiệu khách mới cho Lục Thư, ngoài ra ông không hề chung chăn gối với cô nữa; nhưng những khi gặp cô trong những buổi tiếp khách, ông vẫn tỏ ý quan tâm tới cô, hỏi thăm tình hình và khuyên cô nên tìm một công việc tử tế mà làm. Còn ông già bé nhỏ thì không những luôn khuyên Lục Thư bỏ nghề, mà còn nói nếu cô quyết tâm hoàn lương thì ông sẽ giúp cô.
Lục Thư không biết ai đã giới thiệu cô với ông ấy, cô chỉ nhận được một cú điện thoại báo cô tám giờ hôm đó đến một căn phòng có số rất lớn thuộc khách sạn năm sao lộng lẫy nhất thành phố. Lục Thư biết càng lên cao thì mức độ sang trọng của phòng càng tăng. Khách sạn đó cao cấp nhất thành phố, số phòng lại rất rõ ràng, tuy cô thấy hơi kì lạ nhưng cũng không lấy làm đắn đo suy nghĩ. Lục Thư cứ đúng giờ mà đi.
Đến cửa phòng, Lục Thư bấm chuông, cánh cửa vừa mở ra trước mắt cô là một ông già bé nhỏ râu tóc bạc phơ, mặc một bộ quần áo kiểu Tàu bằng lụa trắng mà lúc đó còn chưa phổ biến, trông rất tinh anh, sạch sẽ, còn tuổi tác thì cũng hơn bảy mươi.
- Mời vào, mời vào! Sớm nghe tiếng thơm, sáng chiều mộng tưởng, hôm nay mới được gặp quả nhiên danh bất hư truyền, mặt hoa da phấn, đúng là mỹ nhân!
Dứt lời, ông khom lưng, chìa tay lịch sự mời cô vào.
- Tiểu sinh rất lấy làm hân hạnh!
Lục Thư cũng như mọi tiểu thư khác, khi đã vào phòng thì không cần biết khách béo hay gầy, cao hay thấp, già hay trẻ v.v... Vì bất kể khách là người như thế nào, họ cũng đâu phải đối tượng để các cô tìm hiểu để kết hôn. Các cô việc gì phải kén chọn vì bản thân các cô chỉ là vật mua vui cho họ, sao phải hao tâm tổn sức để yêu thương nhau? Các cô chỉ quan sát đẳng cấp của khách qua các tiện nghi trong phòng, vì đó là tiêu chí quan trọng để biết khách có boa nhiều hay không. Nếu là phòng bình thường thì mặc dầu có ở khách sạn năm sao thì túi tiền của khách chắc cũng không nhiều, tiền boa chỉ vừa đủ mà thôi. Lục Thư thầm kinh ngạc khi quan sát căn phòng, nó còn to hơn hẳn căn phòng hạng sang của vị đại gia đã phá trinh cô. Trong phòng có một bể cá lớn, với đủ các chủng loại cá nhiệt đới rực rỡ tung tăng bơi lượn; những bình cổ quý hiếm; trên giá trưng bày là các tác phẩm nghệ thuật tinh xảo bằng đá, bằng ngọc hoặc bằng sứ đủ kiểu dáng; trên quầy rượu bày đủ loại rượu ngoại đắt tiền và những ly cốc thủy tinh sáng lấp lánh; những bức tranh sơn dầu tuyệt đẹp trên tường; những khay thủy tinh lớn đầy các loại quả tươi ngon trên bàn trà; bàn làm việc tiện nghi với máy vi tính, máy fax, máy in; gần cửa ra vào còn có một gian bếp nhỏ với đầy đủ các dụng cụ nấu bếp bằng inox sáng choang hiếm thấy ở thành phố C.
Lục Thư biết vị khách này không giống như những người khác, nhưng không biết ông già hơn 70 tuổi này định “chơi” cô theo cách nào, phải chăng ông ta có chút lệch lạc? Cô chưa biết phải làm thế nào, nhưng nghe đâu, ông già này lại rất dễ hầu hạ. Ông bảo cô đi tắm và ông cũng tắm ở một toa-lét khác. Tắm xong, ông mới bảo cô cởi hẳn chiếc áo choàng ra, cứ khỏa thân thoải mái đi đi lại lại trong phòng, còn ông chỉ chắp tay sau lưng đứng cạnh đó thích thú ngắm nhìn, nhưng không hề động đến cô! Rồi đến lượt ông chỉ quấn quanh người chiếc khăn tắm. Sau khi Lục Thư đi được mấy vòng, hai người liền ngồi xuống nói chuyện phiếm.
Lúc bấy giờ, ông già như hoàn toàn biến thành một chàng thanh niên, ông lấy ra một ống tiêu rồi bảo Lục Thư ngồi bên cạnh nghe ông thổi. Tiếng tiêu trầm trầm nhưng du dương Lục Thư nghe mãi, nghe mãi, rồi bỗng dưng chảy nước mắt. Thì ra em cô bảo cô tìm cho nó một ống trúc có nhiều mắt, thổi kêu thành tiếng, chính là thứ này đây.
Ông già thấy Lục Thư chảy nước mắt, cho rằng cô hiểu được khúc nhạc của mình nên nét mặt lộ vẻ vui mừng, ông vuốt ve mái tóc của Lục Thư bằng bàn tay khô gầy với những ngón thon dài, rồi cảm khái thở dài, nói:
- Ôi! Tri âm, tri âm! Bây giờ có mấy người nghe tiếng tiêu mà biết đâu là núi cao, đâu là nước chảy. Biết tới thanh âm của ta, duy có mỹ nhân này mà thôi! May thay! May thay!
Sau đó, ông già đứng dậy, múa may ở giữa phòng. Khi ông múa, chiếc khăn tắm quây quanh người rơi phịch xuống đất, ông vẫn mặc kệ cứ thế một tay cầm ống tiêu giả làm roi ngựa, cứ thế mà diễn tuồng như trên sân khấu; còn tay kia, ông dùng ngón trỏ và ngón đeo nhẫn vuốt chòm râu bạc rủ xuống yết hầu, miệng ngâm nga:
Chẳng ở một nơi, núi sông kim cổ
Trong tiếng tù và, người chăn ngựa đến rồi đi,
Hoang vắng khắp nơi, ai người thổ lộ?
Gió tây thổi cây đan phong cổ thụ,
U oán trước kia hẳn vô số.
Ngựa sắt, giáo vàng, đường hoàng hôn xanh cỏ mộ
Qua rồi tình sâu, sâu mấy độ?
Núi thẳm, chiều tà, cuối thu mưa gió.
Múa roi xong, ông già ngồi xuống nói:
- Em biết không, đây là bài từ của Nạp Lan Tính Đức triều Thanh. Tôi rất thích bài từ viếng Vương Chiêu Quân này của ông. Vương Chiêu Quân là một trong tứ đại mỹ nhân ngày xưa, nhưng số phận đã đưa cô ấy vào cảnh lưu lạc quê người, lấy vua nước Hung Nô. Tôi biết em vốn là cô gái lưu lạc chốn phong trần, nhưng xưa nay tôi vẫn luôn kính trọng những người con gái như em. Tôi biết em không hiểu bài từ, nhưng em đã xúc động khi nghe tiếng tiêu tôi thổi, như vậy đã là rất có duyên phận rồi đấy!
Sau đó, ông gối mái đầu bạc phơ lên đùi Lục Thư, ngửa mặt lên trời, thở dài một tiếng rồi lẩm bẩm ngân tiếp:
Lần bước giang hồ rượu giắt lưng
Nhẹ tay ôm gọn gái eo thon
Mười năm chợt tỉnh Dương Châu mộng
Bạc bẽo lầu xanh chịu tiếng buồn!
- Chà! Lầu xanh nhiều bạc bẽo hồng trần ít ấm yên. Ôi! Nơi nào mới tốt! Nơi nào mới tốt!
Khi nói đến từ “tốt”, giọng ông cao dần lên, sau đó đột nhiên ông đổi giọng kêu “ôi” một tiếng chẳng khác nào từ trên cao ngã lăn xuống đất.
Hồi học Trung học, Lục Thư cũng có học các bài từ và thơ cổ, khi ấy cô thấy nó cũng không khác gì văn bạch thoại là mấy, không giống giọng ngâm dìu dặt du dương mà thổ lộ được hết những tâm tư, tình cảm của ông già. Cô bất giác vuốt mấy sợi râu trắng của ông; ông khẽ nhắm mắt lại, như là để hưởng thụ sự dịu dàng, thùy mị của cô. Lúc đó, Lục Thư chợt nhìn thấy khóe mắt ông hơi ướt; muốn làm ông vui lên, cô bóc quýt rồi đưa từng múi vào miệng ông. Quả nhiên ông già vui hẳn lên, ông lại mở mắt, ngồi thẳng dậy:
- Đêm nay là đêm nào mà ta được cùng ngồi với mỹ nhân? Nếu không hiềm ta già khọm, xấu xí, làm vấy bẩn, xin cô cho ta được chung gối, chung chăn có được không? Thật là “núi sông khắp chốn, luống hiềm xa; Hoa rụng gió mưa, thương xuân lắm; Chi bằng thương lấy người ngồi đây!”
Hai người tuy cùng nằm trong chăn, nhưng ông già lại không như những người khách khác, ông chỉ bảo Lục Thư ôm lấy tấm thân gầy gò của mình để ông được nằm co trong lòng cô, miệng ông đặt bên ngực cô chẳng khác gì một đứa trẻ, thỉnh thoảng lại dụi vài cái rồi bảo cô vỗ nhè nhẹ để ru ông ngủ.
Thật chẳng khác gì như các cuốn tiểu thuyết xưa thường viết: “Suốt đêm không nói năng gì”!
Sáng sớm hôm sau, sau khi hai người chải đầu rửa mặt xong, ông già bảo Lục Thư cùng mình xuống sảnh ăn sáng. Lục Thư biết, thông thường khách không bao giờ giữ cô ở lại cùng ăn sáng với họ, vì sợ gặp phải người quen họ, như vậy thì người khác sẽ biết đêm qua khách đã gọi tiểu thư. Nhưng ông già này lại không hề quan tâm, ông cứ đàng hoàng dắt tay cô đi vào phòng ăn. Nhân viên ở đây chắc biết rất rõ ông già, nên họ cung kính đưa ông đến một bàn ăn đã được đặt trước, rồi họ kéo ghế mời Lục Thư ngồi. Ăn sáng xong, Lục Thư tưởng ông già sẽ đưa tiền boa cho cô, nhưng ông lại bảo lái xe của ông đưa cô về nhà. Ngồi trong xe, Lục Thư cảm thấy rất thất vọng, thì ra cô uổng công cả đêm phải chăng do ông ta không làm gì được cô nên không đưa tiền?
Nhưng khi xuống xe, người lái xe cầm một chiếc phong bì đưa cho cô. Về tới hiệu cắt tóc, Lục Thư mở phong bì ra xem thì hóa ra tiền boa lần này còn nhiều gấp ba lần so với bình thường.
55
Từ đó, mỗi tuần ông già nhỏ bé lại gọi cho Lục Thư một lần, lần nào cũng đều ở trong căn phòng đó. Miễn không phải kì kinh nguyệt thì mưa to gió lớn cũng không ngăn được cô. Lục Thư thấy trong khay thủy tinh là các loại hoa quả ngoại đắt tiền, nhưng cô và ông già chỉ ăn vài quả, số còn lại đều cho nhân viên phục vụ của khách sạn, thật đáng tiếc! Nhiều lúc Lục Thư muốn hỏi ông già cho mình đem số hoa quả đó về cho chị em có được không, nhưng cô lại ngượng không dám hỏi. Lục Thư rất tò mò không hiểu rút cục ông già làm nghề gì; quan không ra quan, dân không ra dân, ông chủ không ra ông chủ, giáo sư không ra giáo sư, nhưng rất hào phóng, thậm chí còn tiêu tiền như rác, khiến cô không tài nào hiểu nổi! Một lần, Lục Thư dò hỏi thì ông già cười ha hả rồi từ trên đùi cô ông trở mình ngồi dậy nói:
- Em nghĩ tôi buôn ma túy à? Tôi xin khai báo thành thực để mỹ nhân được yên tâm! Đó là do tôi biết nhìn xa trông rộng! Hiện nay, hai ngân hàng lớn nhất của nước Mỹ đều ủng hộ tôi chơi gái đó!
Ông già cười rồi bẹo má cô một cái:
- Thôi đừng giận, đừng giận, đùa một chút thôi mà! Khi Đặng Tiểu Bình kêu gọi “Khoa học, giáo dục làm hưng thịnh đất nước”. Nhà nước vừa mở cửa, hai đứa con của tôi, một trai, một gái đều đỗ vào đại học của Mỹ. Lúc đó chúng nó đều muốn theo ngành khoa học kỹ thuật, nhưng tôi đã khuyên chúng không nên học thứ đó, mà nên học quản lý ngân hàng và kinh tế mậu dịch. Lúc đó, hai ngành này rất ít người học. Vì mẹ chúng chết sớm, một tay tôi nuôi hai đứa lớn khôn, bởi thế chúng rất nghe lời tôi, sau đó chúng đều trở thành Tiến sĩ của hai ngành này. Hiện nay, Mỹ muốn tiến vào thị trường tiền tệ Trung Quốc, thằng con trai tôi hiện là quản lý ở vùng châu Á do Meclin nắm giữ, đứa con gái làm quản lý khu châu Âu do Moocgan nắm giữ. Em thấy không, như vậy chẳng phải tôi lấy tiền của người Mỹ để chơi bời với em sao?
Lục Thư tuy chẳng biết Meclin và Moocgan là gì, nhưng cô biết ông già này vừa có tiền, vừa có lai lịch rõ ràng. Biết khách có tiền, Lục Thư rất yên tâm.
Trước lạ sau quen, mỗi khi Lục Thư vừa vào đến cửa, ông già lại đề nghị cả hai đều trút bỏ hết áo quần; ông nói đó là “từ bỏ mầu mè, trở về với cái chân thực”, là coi trọng sự vận động thân thể một cách tự nhiên, rất tốt cho dưỡng sinh. Ông già thấy cô thực sự “từ bỏ sự mầu mè, trở về với cái chân thực” thì chẳng khác nào trẻ con, rủ cô cùng chơi ú tim với ông ngay trong phòng. Căn phòng này có tới sáu gian lớn nhỏ, đủ cho hai người thoải mái đuổi bắt. Mỗi lần ông già bắt được Lục Thư thì thơm cô một cái, và cô cũng như vậy. Chơi chán ông già còn đòi cõng cô. Lục Thư cao hơn ông nửa cái đầu, cô đành nằm rạp trên lưng ông, kiễng chân xuống đất cùng đi đi lại lại. Lục Thư dễ dàng cõng ông trên lưng chạy vòng quanh, khiến ông già cười như nắc nẻ.
Có khi, qua lời ngâm của ông già, Lục Thư cũng nhận ra một chút buồn thương trong đó. Một lần ông già nhắm mắt nằm trên đùi cô, ngâm nga:
Kêu thảm thiết ve sầu ngày lạnh,
Đêm tối trước trường đình, mưa rào vừa tạnh.
Bên màn gió cửa đóng uống rượu chẳng chút vấn vương,
Nói lưu luyến, thuyền nan giục giã lên đường.
Cầm tay nhau nhìn mắt lệ vương,
Nghẹn ngào, một tiếng không buông.
Nghĩ đến chuyến ra đi, khói sóng dặm ngàn,
Sương chiều mù mịt, trời Sở mênh mang.
Tự cổ đa tình thương ly biệt,
Lạnh lẽo thanh thu tiết.
Đêm nay rượu tỉnh nơi nao?
Bờ dương liễu, sớm mai tàn nguyệt.
Chuyến đi này trải nhiều năm, bày suông giờ tốt, cảnh đẹp,
Dù có nghìn giống phong tình, biết cùng ai ngỏ cho biết?
Chà, hay quá! “Đêm nay rượu tỉnh nơi nao? Bờ dương liễu, sớm mai tàn nguyệt!”. Loại từ tuyệt diệu này, giờ có ai làm được? Không còn người kế tiếp, phong lưu đâu còn nữa? “Dù có nghìn giống phong tình, biết cùng ai ngỏ cho biết?”. Ta không cưỡi gió đi về, còn đợi khi nào nữa?
Nhưng chỉ một lúc sau, ông già lại cao hứng ngâm nga:
“Thời thế nhà Tần đâu phải nữa, hoa đào vào ẩn đáng cười thay? Già cả lại gặp lúc đương thịnh; Nam nhi đầu gửi lại nơi nao?”. A! Cho nên ta đành phải theo thời, lụy thế; gặp vui thì vui. Bắt chước cổ nhân, cầm đuốc chơi đêm, nương hồng dựa thúy, tựa liễu theo hoa. Thật là: “Múa dưới liễu dương lòng trăng giữa lầu, Ca khi gió thổi tung cánh hoa đào”. Quả khiến cho ta không biết tuổi già đang đến.
Sau vài lần Lục Thư thấy ông già cho cô rất nhiều tiền, mà không hề ngủ với cô nên cũng có chút áy náy, hơn nữa Lục Thư cũng hơi thích ông ấy. Có một đêm, Lục Thư chủ động khêu gợi ông, cố ý nắm lấy cái ấy của ông rồi ghé sát miệng vào. Ông già vội úp chặt lấy “phần dưới” cười sằng sặc như bị cù:
- Sàm sỡ, sàm sỡ quá! Không dám làm ô uế đôi môi thắm của mỹ nhân.
Ông đẩy nhẹ cô ra, ngồi dậy cười bảo cô:
- Em đừng tưởng do cái ấy của tôi không cương nổi lên mới không ngủ với em, nên em mới “thổi sáo” giúp tôi à? Không phải thế đâu! Nếu không cương được thì người phương Tây đã phát minh ra một loại thuốc gọi là Viagra, dù tám chín mươi tuổi vẫn có thể sinh hoạt tình lục được, nhưng tôi không muốn làm vậy!
Ông già bỗng nghiêm mặt hỏi lại Lục Thư:
- Em có biết vì sao tôi không ra nước ngoài không?
Đương nhiên là Lục Thư không biết, cô lắc đầu nhìn ông ra vẻ dò hỏi. Ông già đáp:
- Con trai, con gái, cháu ngoại, cháu nội đều ở Mỹ, năm nay cháu tôi vào làm việc tại Thung lũng Silicon, chúng nó kiếm được nhiều tiền hơn cả bố mẹ nó. Các con tôi muốn mời tôi sang Mỹ để tôi an hưởng tuổi già. Tôi nói, muốn an hưởng thì tôi sẽ an hưởng ở Trung Quốc, các con cứ gửi tiền để cha tiêu là được, còn các khoản khác thì không cần phải lo. Tôi thích mọi thứ của Trung Quốc, nhất là văn hóa truyền thống, chỉ đáng tiếc Cách mạng Văn hóa đã hủy hoại phần lớn tác phẩm nghệ thuật của tôi rồi! May sao tôi vẫn còn giữ lại được chút ít. Chính vì chỉ còn lại một ít cho nên chúng đặc biệt đáng quý! Đó gọi là dư âm còn sót lại em có hiểu không? Văn hóa Trung Quốc chúng ta vốn trọng giá trị tinh thần còn văn hóa phương Tây lại thuần về giá trị vật chất; đó là sự khác nhau căn bản giữa hai nền văn hóa Đông - Tây. Tôi và em đến với nhau, vui vẻ về mặt tinh thần là được rồi. Em là một cô gái rất đẹp, thử nghĩ xem, một ông già yếu đuối, xấu xí như tôi mà trèo trên người em rồi hổn hển làm tình thì còn ra cái gì nữa? Có tức cười không? Tự mình nghĩ còn cảm thấy như vậy là hạ thấp tư cách, là phá hoại những điều tốt đẹp, thậm chí là hủy hoại tâm hồn của tôi nữa! Em là người bạn tốt nhất, vậy nên hãy để cho tôi an hưởng; em đã giúp tôi giải thoát thật sự khỏi thể xác! Tôi phải cảm ơn em mới phải, em có biết vì sao tôi không tự tay đưa tiền cho em không? Vì tôi không muốn để tiền nong xen vào giữa chúng ta. Nhưng nếu không đưa tiền cho em thì cũng không được vì chẳng phải là em cần nó để sống sao? Không còn cách nào khác, tôi đành phải để người lái xe đưa cho em. Tuy nhiên, nếu như sau này em có một nghề nghiệp chân chính, trở lại làm người lương thiện thì hãy đến tìm tôi, tôi sẽ tự tay đưa tiền cho em. Em rất có thiên phận; hoàn lương rồi em sẽ là một cô gái đặc biệt. Em phải biết rằng, em hiện ở chốn “Thần nữ cõi tiên nguyên giấc mộng”; và em là “Tiểu cô nơi trú bặt đàn ông” đó! Hãy làm một nghề chân chính ổn định, rồi tìm một người đàn ông “nghèo hèn không đổi tính, bạo ngược không khuất phục, giàu sang không trác táng”, có như vậy em mới trở thành người phụ nữ lương thiện.
Ông già lại thở dài:
- Chà! Chả biết cái xã hội này đang biến thành cái thứ gì nữa. Thần Châu rộng lớn mà trai thì không quân tử, gái thì hết thục nữ, đĩ điếm không ra đĩ điếm, con nhà lành không ra con nhà lành. Trên phố chả thể phân biệt được cô nào là gái lầu xanh, cô nào là gái nhà lành! Nhưng em thì lại khác, tiểu thư như em mà đi đến đâu người ta đều tưởng là thục nữ. Em quả là có cái thiên phận đó mà!
Có khi chơi đùa mệt rồi Lục Thư và ông già cùng nằm trên chiếc sofa to tướng nói chuyện, cô cũng muốn hỏi việc trước kia và bây giờ của ông.
Ông già thở dài nói:
- Những việc đó em đừng hỏi, tôi sẽ ngâm một bài thơ tôi tự sáng tác cho em nghe rồi em sẽ hiểu.
Thế là ông già hắng giọng, hai tay vung lên thon thả đánh nhịp, rồi như hát tuồng, ông ngâm nga du dương, uyển chuyển:
Trước gió không nhận Thủy Hoàng phong
Chỉ làm thông cổ chốn hoang sơn,
Đừng hỏi năm xưa sương tuyết sự
Đêm nay chuyện phiếm thật ung dung.
Ông già ngâm xong, Lục Thư vẫn không rõ gì, nhưng cô cảm thấy quý mến ông già hơn.
Ông đã từng nói với cô, từ xưa giới văn nhân Trung Quốc vốn có truyền thống “gọi kép mời đào”. Ông còn kể ra một loạt các văn nhân và các kĩ nữ có tiếng thời xưa. Lục Thư nghe ra nào là Tô Đông Pha, nào là Bạch Cư Dị lại còn có cả Tiết Đào của tỉnh này nữa. Ông say sưa kể về một kĩ nữ tên là Lương Hồng Ngọc, ông nói đó là một nữ tướng nổi tiếng, một cân quắc anh hùng dám “nổi trống đánh Kim Sơn”, Ông già hứng chí đến độ cứ nồng nỗng vùng dậy đứng giữa phòng khách, râu vểnh lên cao, hai cánh tay gầy gò giả làm điệu bộ cầm dùi trống vung lên hạ xuống nhanh như chớp, miệng kêu “tùng, tùng, tùng, tùng” bắt chước tiếng trống trận khiến cho Lục Thư tưởng như được thấy nàng kĩ nữ Lương Hồng Ngọc đang hiên ngang chỉ huy trước thiên binh vạn mã quân địch.
- Không có kĩ nữ thì làm sao có Tì bà hành lưu truyền thiên cổ? Không có kỹ nữ thì Đỗ Mục, Liễu Vĩnh làm sao có được cảm hứng làm thơ? Không có kỹ nữ thì Hạ Diễn làm sao có thể viết được vở Trại Kim Hoa? Về sau ông ta còn làm đến chức Bộ trưởng Bộ Văn hóa đấy!
Ông già càng nói càng hăng khiến Lục Thư mụ mị cả người, thậm chí cô còn thấy công việc của mình không hề thấp kém mà còn góp phần cống hiến cho lịch sử!
56
Sau khi chia tay Đào, Lục Thư quay về hiệu cắt tóc trao đổi với Phương Thư về ý định làm ăn của mình. Ngoài việc ra vào các nhà hàng, khách sạn, tửu lầu ra, Lục Thư hoàn toàn không biết các cửa hàng, siêu thị khác làm ăn như thế nào. Còn Phương Thư thì vẫn không muốn bỏ việc làm ăn với các tiểu thư, vì từ sau khi có tin đồn hiệu cắt tóc của chị có “người bên trên” giúp đỡ nên ngày càng ăn nên làm ra. Phương Thư nói, có làm gì thì cũng không kiếm được nhiều tiền bằng cái nghề tiểu thư này đâu.
Phương Thư trịnh trọng tuyên bố với Lục Thư rằng:
- Ở Trung Quốc bây giờ có hai nghề dễ kiếm tiền nhất: một là làm sếp, hai là làm tiểu thư!
Nhưng dùng hiệu cắt tóc để che mắt thì lộ liễu quá, nếu cảnh sát tiến hành quét đồi trụy thì đó sẽ là nơi đầu tiên bị để ý đến. Phải mở một cửa hàng có bề ngoài đứng đắn, nhưng bên trong sẽ là nơi môi giới các tiểu thư. Các cô gái sẽ không hành nghề ở đó mà chỉ đi khách bên ngoài. Thế rồi Lục Thư dự định mở một quán trà, cô cũng hiểu biết đôi chút về loại hình kinh doanh này vì đã từng đợi gã giám đốc mặt vàng như nghệ tám chín tiếng đồng hồ ở một quán trà, khi đó cô chẳng biết làm gì cả nên cứ ngồi đó nhìn họ mua mua, bán bán. Người ta đến quán không chỉ uống trà, mà còn dùng điểm tâm, bài bạc và massage chân. Thành phố C nổi tiếng cả nước vì sở thích chơi mạt chược của dân chúng ở đây, chính vì thế nên việc làm ăn của các phòng mạt chược trong quán trà rất tốt. Nghĩ sao làm vậy, Lục Thư nhanh chóng quyết định tự mình mở một phòng trà.
57
Để tìm địa điểm mở cửa hàng, Lục Thư hẹn gặp vị đại gia mua trinh cô, đến quán cà phê nói chuyện. Ông ta ngậm điếu xì gà, nói “Việc đó có gì khó!”. Vừa mân mê miếng ngọc bội, ông vừa rút di động gọi liền mấy cuộc điện thoại, sau đó ông bảo Lục Thư đến liên hệ một nơi. Lục Thư đến xem, quả nhiên vị trí khá đẹp, đó là tầng một của một tòa nhà văn phòng lớn, diện tích hơn một nghìn mét vuông nằm ngay cạnh một khách sạn bốn sao, tiền thuê cũng phải chăng. Vừa đúng lúc cô có cuộc hẹn với ông già nhỏ bé. Cô đến gặp và nói với ông về dự định của mình, nghe xong ông luôn miệng khen tốt! Rồi nói cô rất nên mở rộng văn hóa trà của Trung Quốc. Hai người không chơi ú tim nữa mà một già, một trẻ cùng bàn luận về những quy luật kinh tế đương thời, trao đổi ý kiến về việc mở phòng trà trong trạng thái tự nhiên nguyên thủy.
Ông già không hổ là một nhà thông thái về văn hóa Trung Quốc, nói đến văn hóa trà là ông hứng thú dạt dào cứ trần truồng lấy ra một tờ giấy rồi trên tờ giấy đó chia tòa đại sảnh hơn nghìn mét vuông ra làm mấy phần, phần nào cũng đều có chức năng của phần ấy, có đủ cầm kỳ thi họa, trà nghệ, cắm hoa, mạt chược, bài cửu và dưỡng sinh hữu nhân, như vậy là ông dự định chia phòng trà thành một sảnh đường có nhiều chức năng. Đồng thời ông còn đặc biệt nhấn mạnh với Lục Thư là, để cho văn hóa truyền thống Trung Quốc có được phong cách riêng, nhất thiết cần sử dụng các đồ gia dụng và trang trí cổ điển của Trung Quốc. Nhưng Lục Thư chỉ có hơn mười vạn tệ gửi ngân hàng, Lục bất tòng tâm, ngay các phí tổn về trang hoàng sửa sang nhà hàng cũng không đủ, nói gì đến tiền thuê nhà.
Ông già nói, tôi có hướng giải quyết rồi lo gì không có cách:
- Em có hơn mười vạn tệ, lấy ra mười vạn là đủ. Tôi bỏ ra mười vạn, em lại bảo ông đại gia nào đó cũng bỏ ra mười vạn tệ nữa. Ba người chúng ta vừa đủ thành lập một công ty hữu hạn cổ phần. Có công ty rồi, chúng ta mới có thể vay tiền ngân hàng! Này, người đẹp ngớ ngẩn ơi, em có biết hay không, ngân hàng chính là nơi giúp chúng ta kiếm tiền đó. Về phía ngân hàng thì em không lo, tôi sẽ làm việc với họ!
Sau đó, vị đại gia khảng khái nhận góp cổ phần. Ba người mỗi người mười vạn thành ba mươi vạn, rồi đăng kí xin lập một Công ty cổ phần hữu hạn, vốn cố định là ba mươi vạn. Chỉ có ba mươi vạn Nhân dân tệ, muốn mở Công ty với một sảnh đường đa chức năng có diện tích hơn một nghìn mét đương nhiên là muối bỏ biển. Nhưng ông già bé nhỏ quả là một người có khả năng, trong khi các công ty dân doanh rất khó vay tiền ngân hàng thì với ông, một khi ông đã yêu cầu ngân hàng đưa tiền vào buổi sáng thì ngân hàng không dám đưa tiền vào buổi chiều! Thì ra, thế lực đằng sau ông già này thì giới cấp cao trong chính quyền của thành phố C và cấp cao của giới ngân hàng thành phố này đều biết cả. Ông già nhỏ bé đã nói rất đúng với Lục Thư rằng:
- Hai cơ quan ngân hàng lớn của nước Mỹ đều ủng hộ tôi “chơi” với em!
Hiện nay, có một số quan chức lấy tiền công quỹ để tiêu pha, còn ông già bé nhỏ này thì lấy tiền công quỹ của ngân hàng nước Mỹ để tiêu pha. Ông già ở tại căn phòng lớn gồm nhiều gian của Tổng thống, đi đâu thì đi ô tô con tất cả đều do ngân hàng nước Mỹ chi! Căn phòng Tổng thống đó, trên danh nghĩa là nơi liên lạc lâm thời của cơ quan ngân hàng nước Mỹ ở thành phố C, kỳ thực nó là trạm tiền đồn mũi nhọn với ý đồ lưu trú dài hạn ở thành phố C.
Vương Thảo Căn trong tay có đất đai, nhưng phía sau ông già lại có tòa núi lớn của ngân hàng nước Mỹ, muốn ngân hàng đưa bao nhiêu tiền thì ngân hàng đưa bấy nhiêu. Ông già vay tiền không giống như Vương Thảo Căn; Vương phải đưa đồ lễ, mời đi ăn, đưa tiền lót tay cho người ta, còn ông già chỉ cần mở miệng là được, tay đưa ra là cầm tiền về, một xu không thiếu. Lục Thư có tiền, liền trả trước một phần tiền thuê nhà, thuê Công ty chuyên môn đến trang hoàng, sửa sang nội thất. Ông già bé nhỏ quả là người theo chủ nghĩa hoàn mỹ, ông thường đến tận nơi thị sát, đích lựa chọn các đồ gia dụng cổ điển, cũng như mọi đồ trang trí, mọi thứ tuy đã tốt nhưng ông còn yêu cầu phải tốt hơn nữa. Tiêu tiền ngân hàng không biết tiếc, ông đã trang hoàng, sửa sang phòng trà đầy hương sắc cổ điển, cao sang thanh nhã, trở thành một nơi thể hiện văn hóa trà cao cấp của thành phố C.
Tên của phòng trà đương nhiên do ông già bé nhỏ đặt. Ông già nói; khi còn nhỏ, ông đã gặp Trần Độc Tú ở bến đò; người ở bến đò rất kính trọng Trần Độc Tú; Tưởng Giới Thạch thường phái các quan to đến Trùng Khánh thăm hỏi ông ta, dường như Tưởng cũng rất tôn trọng ông ta. Khi ở Bắc Kinh Trần Độc Tú cũng rất thích đi lại với gái điếm, ông là khách thường xuyên của ngõ Bát Đại, ông ta tuy không phải cùng chí hướng với ông già bé nhỏ nhưng là người cùng sở thích với ông. Do vậy ông già liền đặt tên phòng trà là Độc Tú Cư, rồi ông tự tay cầm bút viết ngay ba chữ “Độc Tú Cư” vào biển hiệu của phòng trà.
Biển hiệu vừa treo trước cửa phòng trà thì đã được mọi người trầm trồ thán phục. Bấy giờ Lục Thư mới biết ông già là một đại danh sĩ của thành phố C. Trước Cách mạng Văn hóa ông đã xuất bản khá nhiều sách có tính chuyên môn về việc nghiên cứu cổ văn, ông là một nhân sĩ quyền uy trong giới nghiên cứu thi văn tự cổ của Trung Quốc; một chữ trong tác phẩm thư pháp của ông người ta cũng khó xin được; xưa nay ông chưa từng viết biển hiệu cho ai bao giờ! Nhiều người tuy không phải đến đây để uống trà, nhưng họ cũng muốn chạy đến để được tận mắt thấy ba chữ “Độc Tú Cư” do ông viết.
58
Hai năm sau, Trung Quốc đại lục đột nhiên dấy lên phong trào Quốc học rầm rộ. Một môn học bị ghẻ lạnh nay bỗng biến thành cơn sốt nghiên cứu. Ông già phút chốc trở thành nhà Quốc học nổi tiếng, phải chạy đi chạy lại nhiều nơi để giảng dạy, ông chẳng chịu ngồi ấm chỗ nên rất khó tìm được ông trong thành phố C.
Một hôm, Lục Thư nhận được điện thoại, người đầu dây bên kia nói rằng: Tối nọ khi ông già đang dạy học ở một thành phố lớn miền Nam do không có ai trông nom, chăm sóc, ông đã bị ngã lúc vào toa-lét và bị liệt nửa người; người này yêu cầu cô đến ngay một bệnh viện ở miền Nam. Lục Thư ngay đêm đó vội đáp máy bay đến thành phố ấy, và sáng sớm hôm sau, cô đã đến bệnh viện.
Trong ngoài phòng bệnh của ông già lúc đó khá đông người, già trẻ lớn bé đều có, trông có vẻ như là dân vượt biên; họ nhường lối cho cô tiến đến trước giường bệnh, Lục Thư thấy người ông già gầy sọp đi, giống như đứa bé đang nằm trong chăn vậy. Thấy cô đến, ông nhếch mép mỉm cười với cô. Ông xua xua bàn tay còn cử động được, tỏ ý muốn mọi người ra khỏi phòng. Sau khi mọi người ra hết, ông già lại vẫy Lục Thư, tỏ ý muốn cô đến trước giường. Lục Thư lao đến gục xuống bên ông già khóc nức nở, ông đặt bàn tay còn cử động được lên đầu cô rồi gắng gượng nói, những lời của ông chỉ có Lục Thư mới nghe hiểu, chỉ nghe thấy những lời lắp bắp đứt quãng không rõ ràng.
- Tôi còn chưa chết, em đừng buồn. Ôi! Trời mây xanh, đất hoa vàng, gió tây thét gào, nhạn bắc bay về nam. Tảng sáng ai say mà nhuốm rừng sương? Đều khiến ta rưng rưng nước mắt vì rời xa người yêu. Ồ... Này! Em hãy cởi áo để tôi được ngắm nhìn cơ thể tuyệt đẹp của em, như thế là tôi mãn nguyện lắm rồi!
Lục Thư lập tức khóa cửa phòng, quay người lại cởi hết quần áo rồi đến ngồi bên giường ông già. Cô nắm lấy bàn tay vẫn còn sự sống nhưng đã lạnh ngắt của ông đặt lên khuôn ngực ấm áp của cô, và cúi xuống nhìn ông già bằng ánh mắt của người mẹ hiền.
Mặt ông già sáng lên, ông nhếch mép rộng hơn, vẻ vui mừng tràn trề bên nửa mặt chưa bị liệt:
- Ôi! Em đã giúp cho tôi biết thế nào là “Nơi có cái đẹp, tuy ô nhục nhưng đời không thể khinh; nơi có cái ác, tuy cao sang nhưng đời không thể quý”. Tốt! Tốt! Tốt! Cuộc đời của lão phu có được diễm phúc này thật không uổng phí cho chuyến đến nhân gian này của ta!
Sưởi tay trên ngực Lục Thư được ít phút, tay ông già hơi cử động một chút, tỏ ý muốn cô mặc lại quần áo. Sau khi Lục Thư chỉnh tề như cũ, ông già ra hiệu cho gọi con cháu vào. Ông già không hề nói một câu nào với các con trai con gái mà chỉ dùng tay để biểu thị ý mình. Ông ra hiệu cho một thiếu phụ ăn mặc tự nhiên và lịch sự kiểu Mỹ đưa một cái túi cho Lục Thư. Sau đó, ông nhìn Lục Thư khẽ xua tay, tỏ ý cô có thể đi.
Khi Lục Thư rời khỏi phòng bệnh, người con trai của ông già nói với cô, họ đã thuê một chiếc máy bay để chuyển ông già tới Los Angeles vào ngày mai. Lục Thư gạt nước mắt đi ra ngoài, không nói một câu nào cả; người này rất lịch sự cảm ơn đi cảm ơn lại Lục Thư, rồi tiễn cô ra tận cổng bệnh viện.
Về đến khách sạn, Lục Thư giở gói đồ ra xem, thì ra đó là một chiếc túi xách tuyệt đẹp! Lục Thư nhớ lại, đã có lần cô nói với ông già là gã giám đốc mặt vàng như nghệ đã từng cười nhạo cô là ngay một chiếc túi xách cô cũng không có! Lục Thư áp chiếc túi xách vào mặt, nước mắt nước mũi giàn giụa.
Mãi về sau, khi những thương hiệu nổi tiếng trên thế giới tràn vào Trung Quốc, Lục Thư mới biết chiếc túi xách mà ông già tặng cô thuộc hãng LV, một chiếc túi được thiết kế với số lượng có hạn, đắt tiền, và xa xỉ tột đỉnh.
Sau khi ông già đi Mỹ thì cô cũng không nhận được tin tức của ông nữa. Mấy tháng sau, người con của ông già đến thành phố C tham dự một hội thảo nghiên cứu gì gì đó, anh đã ghé quán trà Độc Tú Cư thăm Lục Thư và kể với cô rằng, cha anh đến nước Mỹ ít lâu thì thanh thản ra đi tại bệnh viện; khi hấp hối, ông chỉ tay vào không trung lớn tiếng gọi “tha, tha, tha”. Nhưng Hán ngữ không như Anh ngữ, chẳng ai biết đại từ chỉ người ngôi thứ ba này là nam hay nữ.
Lục Thư trong lòng hiểu rất rõ “tha” đây chỉ ai; cô cũng biết kỳ thực con trai ông già cũng hiểu, nếu không thì sao anh lại chẳng quản đường xa vạn dặm mà đến tận đây bảo với cô về ba tiếng gọi cuối cùng của cha mình.
Khi người con ông già đi rồi, Lục Thư mới bật khóc thảm thiết như đứt từng khúc ruột. Nếu không có Đào luôn bên cô an ủi, chắc Lục Thư đã ngã bệnh!