Reading means borrowing.

Georg Christoph Lichtenberg, Aphorisms

 
 
 
 
 
Tác giả: Lê Văn Thảo
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 15
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1337 / 20
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 14 -
rận chiến càng lên cao càng ác liệt. Các cửa phòng đều bể nát, phòng nào cũng thấy khói rỉ ra, khói cuộn mù mịt trong các hành lang. Nhưng tôi không thấy gì cả, người sống cũng như người chết và giờ đây tôi cũng không biết tôi đang ở từng lầu thứ mấy. Tôi đi lên rồi đưa thằng Mỹ mắc dịch trở xuống giờ tôi lẫn lộn cả. Bỗng dưng tôi có cảm giác tôi không thể thoát ra được khỏi tòa nhà này, cứ đi loanh quanh cho tới khi tòa nhà sụp đổ chôn vùi tôi luôn trong đó. Tôi đi thật chậm, vẫn chơi cái trò nhảy cóc từ bờ tường này sang bờ tường khác, nghe ngóng mọi tiếng động, ngửi mùi khói đoán coi trận đánh đang xảy ra ở đâu. Các phòng giờ đây không còn cửa nẻo gì nữa nên tôi có thể dễ dàng luồn từ phòng này sang phòng khác, qua nào phòng làm việc, phòng tiếp khác, phòng hội trường, phòng ngủ và vô số những phòng chỉ thấy bày những tủ rượu, chắc là nơi chúng nhậu nhẹt, nhảy nhót. Có một phòng thấy giăng hoa kết tua như là thằng Mỹ cưới vợ vậy.
Lại có một phòng trống trơn, trải chiếu dưới sàn, đầu tường treo một tấm hình kỳ dị như bùa yêu ma quái, tôi đoán là phòng cầu kinh của bọn chúng. Chúng cầu gì, cầu sớm về nước hay ở luôn đây?
Tôi lại lọt vào một phòng ngủ thấy có giường nệm trắng tinh, chưa kịp xem xét gì cả chợt nghe tiếng nói giọng âm âm như từ trong tường dội ra:
"Ê nhỏ đi đâu đó?".
Không thấy có ai cả, trên giường cũng không, dưới sàn cũng không. Tiếng nói lại tiếp tục, lần này như từ trên thinh không:
"Tao nè, bạn bè đây! Cùng một phường trộm cắp cả. Mày kiếm được gì không?".
Tôi căng mắt nhìn, cuối cùng thấy được một lão già ngồi thu lu trong một góc phòng, một chiếc bọc đồ to tướng để trước mặt. Tôi không quen biết lão ta, chưa từng gặp lão ta bao giờ nhưng lão nói với tôi như với người quen thân:
"Không được gì hả? Trắng tay hả? Tao được cả một bọc đây nè. Nhiều thứ lắm, có cái sáng trưng như mạ bạc vậy. Nhưng tao không biết cái gì là cái gì. Mày ngồi lại đây tao chia cho một ít".
Tôi ngồi xuống với lão già, nghĩ bụng cũng nên nghỉ chân một chút. Lão già ốm nhom, răng nhọn như răng chuột, mặc chiếc áo rộng thùng thình nên không biết có mặc quần hay không.
"Ông vô đây hồi nào?". Tôi hỏi.
"Một trăm năm rồi". Lão già đáp. "Nghĩa là từ đêm hôm qua. Tính kiếm ít món làm của hồi môn cho con gái, nào ngờ đụng phải trận đánh mắc dịch này".
"Ông vô đây nhiều lần rồi phải không?".
"Cả trăm lần rồi. Có ngủ đêm lại nữa. Đây như nhà tao vậy. Mày không đi chôm đồ thì làm gì ở đây?".
"Đi chơi thôi".
"Hết chỗ chơi rồi hả? Để tao nhớ coi gặp mày ở đâu".
"Ông có ở tù không?".
"ở trong tù hả? Chắc như vậy quá. Hay ngoài nghĩa địa?".
"Ông chuyên moi xác chết hả? Ông đánh hơi có người chết nên vô đây phải không?".
"Thì cũng kiếm ăn như mày thôi. Cũng đau xót lắm mày à, chết như vầy rồi xương cốt chôn ở đâu?".
"Nãy giờ ông có thấy gì không?".
"Cũng thấy như mày thôi. Thằng Mỹ tiêu rồi. Nhưng đằng biệt động cũng không biết ra sao. Căng thẳng quá! Vậy mà đêm hôm tao có hay gì đâu. Tao ngủ khì đầu gối lên chiếc bọc này nè, đến giữa đêm đói bụng tao xuống bếp lục đồ ăn của tụi Mỹ ra ăn. Tao ăn hết cả đồ ăn trong cái tủ lạnh, thứ gì tao cũng ăn ráo, chỉ trừ rượu tao không uống. Cũng phải giữ mình một chút. Mày có ưa tụi Mỹ không?".
"Ông có ưa không?".
"Tao không biết. Tụi nó có hơi phách nhưng đồ đạc xài cũng tốt. Bền lắm. Thứ gì cũng được đúc thành thỏi như đạn pháo vậy. A, tụi mình rãnh rỗi ngồi nói chuyện chơi đi mày".
"Tôi bận lắm".
"Mày làm công chuyện gì?".
"Chuyện tôi ông biết làm gì? Tôi đi đây".
"Mày đi tao la lên bây giờ. Đừng bỏ tao con à. Đây tao cho mày món gì kỳ quá đây nè, như cái đồ khui bia hoặc trâm cài đầu, mày lấy về cho chị gái mày".
Tôi thấy không thể thoát được lão già này, chắc phải chết chung với lão thôi. Tôi tìm cách đánh trống lãng, nói:
"Chà phòng đẹp quá! Hồi hôm ông ngủ ở đây hả?".
"Tao nằm ngã lưng một chút thôi, có mùi đàn bà tao không ngủ được". Lão già nhăn mặt nói. "Thằng Mỹ có con vợ người Việt mày à, mày coi thư của con nhỏ kìa".
"Ông biết đọc chữ hả?".
"Tao coi hình. Con nhỏ chụp hình gởi về cho má nó ở dưới quê, Cà Mau hay Đồng Tháp gì đó. Chắc nó về quê ăn Tết rồi, thư gởi để lại đây. Thằng Mỹ vắng vợ đi chơi gái. Cũng may cho tụi nó".
"Ông thương thằng Mỹ hả?".
"Chúng nó là vợ chồng thằng Mỹ chết con nhỏ chết, chuyện đời có dây có nhợ mày muốn khác cũng không được".
Tôi nói:
"Thôi bây giờ như vầy nghen: ông ngồi đây giữ bọc đồ tôi đi tìm đường thoát ra ngoài. Ông chịu không?".
"Mày có trở lại không? Tao coi mặt mày gian lắm. Có hai thằng với nhau mày định bỏ tao, mày là thằng không có tình cảm hả?".
"Tôi trở lại mà, ông giữ cái trâm cài đầu đó cho tôi".
"Trở lại nghen con! Tao thương mày lắm, có khi chính tao đẻ ra mày".
Tôi cố gắng đi càng xa lão già càng tốt. Có tiếng nổ lớn làm rung chuyển cả tòa nhà. Khói cuộn mù mịt trong hành lang, như có chỗ nào đó đang bốc cháy. Tôi luồn đi trong khói và lọt ra ngoài hành lang phía sau, từ đó có thể nhìn xuống khoảng sân phía sau tòa nhà. Không thấy có gì dưới đó cả. Không biết tụi Mỹ tiếp viện đã tới chưa hay chúng không hay gì cả. Cũng không thấy có máy bay quần đảo trên đầu. Trước mặt tôi cặp sát tòa nhà là chiếc ống khói nhà máy điện, tôi ngước nhìn lên ngạc nhiên thấy nó vẫn còn đang nhả khói. Nhà máy điện vẫn còn đang chạy à? Chạy mà không có điện! Tôi quay trở vào và sau một lúc luồn qua các phòng tôi hoàn toàn lạc lối, không tìm được đường ra hành lang. Tôi chợt thấy hoảng sợ, tuy không biết mình sợ cái gì. Tôi có thể tìm một chỗ chẳng ai tìm thấy, đợi trời tối thoát ra ngoài một cách dễ dàng, nhưng như vậy tôi vô đây làm gì?
Tôi đi luồn qua các phòng trong cơn hoảng loạn, mở tất cả những cánh cửa trước mặt lại qua những phòng ngủ, phòng tiếp khách phòng để quần áo. Có một lúc tôi đến được chân một cầu thang vừa bước lên được mấy bước liền bị một loạt đạn hất tôi té nhào trở xuống. Tôi lồm cồm bò dậy chạy lên nữa nhưng lần này không phải loạt đạn mà là một con mèo đen lắm. Tôi chờ một lúc lâu không thấy con mèo đen trở lại liền phóng chạy lên, từng hai bước một, rồi lên một cầu thang, một cầu thang nữa, cho tới lúc nghe tiếng chân chạy loạn xạ bên trên và hơi nóng phả xuống nóng rực tôi biết đã lên tới từng cuối cùng rồi. Bên trên hẳn là sân thượng và đợt đánh cuối cùng đang diễn ra trên ấy. Tôi cố tỉnh trí lại. Phải thật bình tĩnh mới được, tôi sắp gặp mẹ cô rồi, nếu mẹ cô còn sống, tôi phải chứng kiến giây phút cuối cùng này hoặc không bao giờ nhìn thấy gì nữa. Một tiếng nổ lớn ngay trên đỉnh đầu. Tôi nhìn quanh thấy có một căn phòng cạnh đó, ngay dưới chân cầu thang, tôi có thể núp ở đó quan sát người lên xuống ở cầu thang. Cửa sổ đã bể nát tôi liền nhảy tọt vào, chưa ngồi yên đã nghe tiếng rên rỉ:
"Mày đó hả? Mình tới nơi rồi, sắp chết rồi phải không?".
Trời ơi, lại lão già! Tôi quát:
"Ông lên đây chi vậy?".
"Tao sợ chết một mình lắm". Lão già nói. "Mày cho tao chết chung với".
"Bọc đồ đâu?".
"Đây nè".
"Ông ngồi yên đó đi! Ông dễ thương tôi sẽ cho ông mang bọc đồ theo".
"Tao dễ thương mà".
"Tôi chạy lên trên coi một chút rồi chạy trở xuống liền, tôi đâu chạy đi đâu được nữa ông thấy không?".
"Tao thấy rồi. Tao với mày chết chung chẳng đầu thai nổi đâu".
Tôi nhảy cửa sổ ra ngoài vừa lúc một trái lựu đạn lông lốc lăn xuống nổ bung dưới chân cầu thang. Không chờ khói tan hết tôi chạy đến luồn vào trong khói chạy lên cầu thang. Sân thượng hiện ra chói lòa trước mắt tôi, đầy xác lính Mỹ. Không thấy có xác nào của người biệt động cả. Xác mẹ cô cũng không. ống khói nhà máy điện vẫn đang nhã khói. Tôi nhìn khắp một lượt nữa và không thể lầm lẫn vào đâu được, khoảng sân rộng trốn trơn với chiếc bồn nước, mấy chiếc bao cát, vạch vôi trắng làm bãi đáp cho máy bay trực thăng ống khói nhà máy điện đang nhả khói cạnh bên... Tuyệt nhiên không có xác nào của người biệt động cả.
Tiếng lão già thì thào bên tai tôi:
"Tao đây mày à, cho tao coi với. Ôi chết hết rồi, không còn người nào!".
"Ai?".
"Anh em mình chớ ai! Chết hết rồi! Nhưng xác họ đâu? Tuôn hết xuống ống khói kia hay sao?".
"Thôi ông đi đi".
Tôi xô lão già xuống cầu thang và lão biến mất tăm, từ đó tới giờ tôi không gặp lại lão nữa. Tôi chạy xuống khỏi hết các từng lầu không gặp thằng Mỹ nào, tìm được một chỗ núp chờ tối đến leo qua nghĩa trang đi về nhà. Từ đó tới giờ tôi không kể lại chuyện đó với ai cả. Tôi không tin lời lão già nhưng cũng không nghĩ được cách nào khác. Tất cả xác người của đội biệt động tuông hết trong ống khói nhà máy, vậy phải có người còn sống cùng lao xuống hay sao?
Một Ngày Và Một Đời Một Ngày Và Một Đời - Lê Văn Thảo