Số lần đọc/download: 7494 / 95
Cập nhật: 2015-03-06 10:33:03 +0700
Chương 14 - Quyển I - Phần 3 - Thử Nhơn Tình
Q
uí đi về nhà, tới ranh đất tổ phụ thì trong lòng bồi hồi, qua gò mả chỗ mẹ an giấc ngàn thu, rồi ngó lại vuông tre chỗ mình thiếu thời đùm bọc. Thấy gần bên mả mẹ có mồ lùm tùm, nghi đó là mồ cha, thấy vuông tre xưa còi cọc tả tơi, biết ngày lụn tháng qua không ái kéo chà bồi gốc.
Tới cửa ngõ bằng tre, Quí đưa tay xô cánh cửa rồi thủng thẳng buớc vô sân. Một đám bắp ở giữa sân, đã ăn trái từ bao giờ cây đã khô queo, ngã ngữa ngã nghiêng, nhưng chưa ai chịu nhổ bỏ. Cỏ mọc tàng lan từ sân vô đến nền nhà, chừa có một đường mòn để dẫn bước vô tới thềm nhà mà thôi. Thềm cũng có vẻ ủ ê, rũ liệt, hai trụ gạch ở ngoài đã lở lói ngã xiêu, mấy nấc thang đã sụp hư từng chỗ. Cửa nhà trên đều đóng chặt, im lìm quạnh hiu. Trước quang cảnh rõ ràng điêu tàn và hình như vô chủ ấy Quí chẳng khỏi bâng khuâng buồn tủi, nên đứng dưới thềm giọt lụy tuôn rơi.
Thình lình con chó mực ở trong nhà bếp chạy ra sủa om sòm, mới xé được cái màn im lìm vắng vẻ mà pha một tia sanh hoạt.
Quí bước mạnh lên thềm, tiếng giầy nện trên gạch nghe lộp cộp.
Chú Tiền, một người tớ thâm niên, vẫn ở trần trùi trụi, nhưng bây giờ đã có râu mọc lơ thơ, chú ló ra cửa bếp mà hỏi:
- Ai đó? -- tiếng pha với tiếng chó sủa.
Quí nhìn biết người tớ xưa, nên không đáp, cứ đi thẳng lại cửa nhà bếp.
Chú Tiền đứng ngó trân rồi hỏi lớn:
- Úy ! Cậu ba phải không?
- Phải.
- Cậu ba về !. . . Cô hai ơi, cậu ba về.
Quí đã bước vô cửa.
Mỹ mặc quần vải trước kia là màu đen mà bây giờ là màu mốc, với áo túi trắng có vá trên vai hai miếng vải ngà ngà, cô đương ngồi ở nhà trên, dựa cửa sổ trở ra sau vườn, mà kết nút áo, cô nghe xao xuyến thì bỏ kim lật đật chạy ra dòm. Ngó thấy em, cô mừng quýnh, nên chỉ la một tiếng:
- E…m! - rồi đứng trân trân, không nói được nữa.
Quí cũng la:
- Chị h. . a. . i, rồi xách giỏ đi thẳng lên nhà trên.
Chú Tiền theo mở cửa nhà trên, Quí để giỏ trên ván. Mỹ ngồi bên giỏ mà hỏi:
- Em đi đâu mà biệt tích vậy em?
- Đi làm ăn.
- Hết rồi, em về đây có thấy mặt cha nữa đâu !
- Em ghé trong ngã ba, dì Ba nói cho em hay rồi.
Mỹ ngồi khóc thút thít.
Quí bước lại bàn thờ, kiếm hết hai bàn mà không cô một cây nhang, Quí lắc đâu thất vọng, song cứ cúi lạy trước hai bàn thờ, không cần đốt đèn nhang chi hết. Lạy rồi, Quí đứng im mà lâm râm nói thầm hồi lâu rồi lui ra, cởi áo bành tô bỏ trên ván và ngồi ngang chị mà hỏi:
- Dì đi đâu?
- Thì cũng đi đánh bài hoài, đánh đâu phía ngoài chợ.
- Còn thằng Sen.
- Nó vô đâu trong trường gà.
Chú Tiền tiếp nói:
- Mùa gà thì cậu Sen đeo theo mấy trường gà, bao giờ chịu ở nhà.
Quí chau mày, nghiêm nét mặt. Mỹ thủng thẳng nói:
- Mấy bữa cha đau nặng,có lẽ cha biết sẽ qua đời hay sao nên cứ nhắc em hoài.
- Lúc cha nhắm mắt có chị tại đó hay không?
- Có. Cha tắt hơi trên tay chị.
- Cha có trối lời gì hay không?
- Cha ngó chị cha khóc, rồi kêu tên em chớ không nói chi được. Mà cha có ngoắc dì với Sen lại gần, rồi chỉ chị mà biểu phải thương chị.
Chú Tiền tiếp nói:
- Lúc ông đau, tôi ràng một bên đặng lo cơm cháo thuốc men cho ông. Ông có than với tôi không biết cậu ba ở đậu đặng đánh dây thép kêu về cho ông thấy mặt. Tội nghiệp quá, ông nhớ cậu lung lắm.
Vì đã biết trước việc nhà rồi, nên nãy giờ về nhà Quí tỉnh táo. Bây giờ nghe được lời cha và hiểu được ý cha, trong lúc cuối cùng, thì Quí cảm xúc, không dằn nữa được, nên khóc rống lên. Mỹ cũng khóc với em. Có lẽ chú Tiền thấy cảnh buồn thảm như vậy thì đau lòng, không vui mà tham dự nữa, nên chú bỏ đi xuống bếp.
Chị em Quí khóc với nhau một hồi, rồi Quí biểu chị dắt đi viếng mả cha. Chị em bận áo, Quí đội nón, Mỹ đội khăn, rồi đi ra cửa. Mỹ kêu chú Tiền mà dặn coi nhà.
Quí ngó chú Tiền vừa cười vừa nói:
- Tôi không dè chú còn ở đây. Tôi tưởng chú đã thôi rồi chớ.
- Trước khi mất, ông có biểu tôi cứ ở đây….
- Cám ơn chú.
- Ở quen rồi mà bỏ đi ở chỗ khác nghĩ cũng tủi.
- Chú là người trung thành, thuần hậu. Trời sẽ ban phước cho chú. Chắc chắn như vậy.
Chú Tiền cười bít hai tai, rờ mấy sợi râu và cười và hỏi:
- Phước gì bây giờ?
Nghe lời thiệt thà ấy. Quí cũng tức cười mà đáp:
- Chú muốn phước nào trời ban phước nấy. Mà dầu chú không ước mong điều gì hết, thì trời cũng cho chú sung sướng ngày già. Thôi chú coi nhà, để chị em tôi đi thăm mồ mả một chút .
Mỹ dắt Quí ra gò mả mà chỉ mộ cha, một vùng đất nằm dài bên mộ cha mẹ, đứng suy niệm tiên nhơn, rồi ngồi bẹp trước mộ mà nói:
- Cha nghèo em không giúp được, cha buồn em không làm vui được cha, đau em không nuôi bịnh được, cha chết em không có mặt được, thế thì em đã lỗi đạo làm con, lỗi hết ráo. Nhưng mà nếu cha ở dưới Cửu tuyền cha thấu hiểu được tâm sự của em, thì có lẽ cha cũng dung thứ cho em, chớ không nỡ chấp.
Mỹ ngồi lại một bên em mà nói:
- Em về, chị mừng quá. Em đi chẳn 12 năm, không có tin tức, nên chị lo sợ hết sức, nghi em đã mất rồi. Té ra chị em còn gặp nhau. Em làm ăn khá hay không? Có vợ con hay chưa?
- Để rồi em sẽ thuật chuyện của em cho chị nghe, không gấp gì. Chị thấy em thế nào cứ tưởng em như vậy, là đủ rồi. Em muốn biết đời sống của chị ở nhà, biết cho tường tận. Dì Ba đã thuật sơ cho em nghe rồi, song em muốn hỏi lại cho rành rẽ. Em đi rồi, cha muốn gả chị cho thầy giáo trên Dồng Ké phải không?
- Phải.
- Tại sao họ cây mai nói rồi họ không cưới?
- Tại cha bán ruộng chớ sao. Người ta muốn cưới chị, là vì thấy cha đứng bộ ruộng, chắc sau chị sẽ có phần ăn, nên người ta mới cậy mai nói. Chừng nghe cha mắc nợ nhiều quá, ruộng đất bán hết phân nửa, nên người ta hồi hôn, chớ có chi đâu?
- Khốn nạn qua! Thầy giáo đó tên gì?
- Tên Lễ.
- Không cưới chị rồi có cưới người khác hay chưa?
- Chị không hiểu.
- Ví như chưa cưới người khác, bây giờ xin cưới chị thì ưng hay không?
- Ai thèm.
- Sao vậy?
- Con người chỉ biết bạc tiền, không kể nhơn nghĩa, không trọng liêm sỉ, có ra gì mà cần họ. Chị nhứt định không thèm lấy chồng nào hết.
- Phải lấy chồng đặng thân chị được sung sướng một chút, lẽ nào chị đành chịu cực khổ mãn đời như vậy sao?
- Có cực gì đâu em.
- Thân chị như đày tớ, sao chị lại nói không cực.
- Ở trong nhà làm công việc nhà chớ cực giống gì.
- Nếu em chết mất, em không về đây, chắc chị cũng ở đây tới già sao?
- Vậy chớ đi đâu? Chị em thì ở với nhau; không lẽ bỏ em mà đi ở với người dưng.
- Thằng Sen nó có thương chị hay không?
- Có lẽ nó cũng thương chớ?
- Sao chị lại nói “có lẽ”?
- Chị là chị nó. Chị thương nó, lẽ nào nó không thương chị.
- Chị thương nó lắm hả?
- Nó là em út. Em đi rồi thì có còn có một mình nó.
- Hồi ra đi, em có xin chị thương nó. Chị không trái ý em, thiệt em vui lắm. Còn đối với chị, dì Ba ăn ở thế nào?
- Cũng vậy, như hồi em có ở nhà.
- Cha mất rồi, mà dì vẫn khắc khổ với chị hoài như vậy hay sao?
- Tại tánh dì như vậy mà, đổi sao được em. Dì hay la rầy, chớ không khắc khổ chi lắm. Chị quen rồi cũng không hại gì.
- Chị là Phật bà, nên không biết giận hờn gì hết, giỏi quá!
- Chị tập tánh ý quen rồi, chị không thèm buồn việc gì hết mà cũng không muốn giận ai hết em ạ.
- Chồng chê không phiền, mẹ ghẻ khổ khắc không tức, em đày đọa cũng không giận, rõ ràng chị là Phật sống.
- Chị có phải tiên Phật gì đâu em. Chị nghĩ phiền giận khóc than vô ích, mà chỉ làm cho mình ốm đau, thắt thẻo ruột gan mà thôi, nên chị không thèm để ý những ai làm cho chị phiền giận hết.
- À, chị Hai, thầy Nhứt Vĩnh còn dạy ở đây hay không chi?
- Không. Thấy hưu trí hồi năm ngoái, nghe nói thầy về ở đâu dưới Trà Vinh.
- Không biết thầy khá hay không?
- Chị không hiểu được. Nghe như thầy có người con học ngoài Hà Nội, cách mấy năm trước thi đậu về dạy học bên Mỹ tho.
Chị em nói chuyện tới xế mát mới dắt nhau trở về nhà.
Sen ở trường gà về hồi nào không biết, mà Quí bước vô nhà thì thấy Sen mặc quần với áo thun vàng, đương ngồi mang giầy đá banh.
Sen thấy Quí thì cứ ngồi mang giầy như thường, chỉ ngó anh mà cười và hỏi:
- Anh mới về anh ba.
Quí đứng nhìn em, trề môi lắc đầu, rồi nghiêm nét mặt mà hỏi lại :
- Tao bỏ nhà đi làm ăn cực khổ trót 12 năm. Nay tao về. Mầy mừng tao như vậy đó, hợp tình huynh đệ, nghĩa đồng bào lắm hả!?
Sen mang giầy xong rồi, vừa nghe anh bắt lỗi thì đứng dậy muốn đi và cùn quằn đáp:
- Vậy chớ mừng sao nữa?
- Mầy đi đá gà về, có lẽ chú Tiền đã cho hay tao về chớ? Có không?
- Có.
- À! Lẽ thì mầy phải đi kiếm mừng tao liền. Chú Tiền chắc có nói với mầy rằng tao với chị đi thăm mộ cha chớ. Chú có nói không?
- Có.
- Ừ. Mầy không đi kiếm mừng tao, mà cũng không ở nhà chờ tao về. Mầy lại thay đồ tính đi đá banh. Cử chỉ của mầy như vậy, chứng tỏ mầy không có tình nghĩa với anh mầy một chút nào hết. Mầy biết lỗi mầy chưa?
Sen xụ mặt, không trả lởi.
Quí nói tiếp:
- Bây giờ cha đã mất rồi. Tao là anh lớn, tao thế quyền cho cha. Từ rày sắp tới mầy phải tuân lịnh tao. Hiện giờ mầy phải ở nhà cho tao hỏi việc nhà, không được đi đá banh. Kể từ ngày mai, mầy không được đi đá gà nữa. Tao cấm tuyệt sự ấy, ăn no rồi đi đá gà, hết gà rồi đi chơi, làm trai như mầy không hổ hay sao? A lê, đi thay đồ cho mau, thay đồ đặng tao có công chuyện hỏi mầy.
Sen ríu ríu đi vô buồng thay đồ, không dám chống cự, nhưng sắc bất bình lộ khắp mặt mày bộ tịch.
Mỹ lo sửa soạn nấu cơm chiều, ôn lại mấy phẩm thực, thì chẳng có chi xứng đáng dọn bữa cơm mừng em, nên đương tính trong trí coi có phải làm thịt một con gà hay không, mà như phải làm thì làm con gà nào, con gà mái tơ gần nhảy ổ hay là làm một con trong bầy gà nhỏ mới đúng.
Quí cởi áo bành tô móc trên gạc nai, rồi lấy nón máng luôn trên đó nữa. Thấy chú Tiền đương quét nhà, Quí mới biểu:
- Chú Tiền, chú làm ơn quét dọn cái phòng ở chái trên cho sạch sẽ dùm đặng tôi nghỉ, dọn y như hồi trước, chú nhớ không?
- Tôi quét dọn rồi, cậu ba à. Hồi trưa cậu ra ngoài mộ, tôi ở nhà tôi lo việc ấy xong rồi hết. Tôi đem hoa ly của cậu tôi để trong phòng, cậu vô đó mà thay đồ.
- Tôi có cái giỏ mây, chớ có hoa ly đâu.
- Tôi nghe họ gọi cái đó là hoa ly nên tôi bắt chước … Hoa ly mây.
- Không. Giỏ mây, chớ không phải hoa ly. Tôi chưa có thể sắm hoa ly được. Chú hiểu không?
Không biết chú Tiền, hiểu thế nào mà chú chằng miệng cười hịt hạt và đáp:
- Giỏ hay hoa ly cũng vậy, thứ nào cũng để đựng quần áo, miễn kín đáo thì thôi, nhứt là cần có đồ ở trong, chớ phía ngoài tốt hay xấu cần gì đâu.
- Chà chà, năm nay chú nói giọng triết lý nghe thông quá!
- Triết lý gì?. . . Tôi không hiểu.
- Chú không hiểu nổi đâu.
- Cậu đi thay đồ đi, thay đồ cho mát mà chơi, bận đồ đó coi nực quá.
- Không. Đồ nầy mát lắm chớ.
- Tôi quét giường, trải chiếu, có để gối cho cậu nằm nghỉ. Ngặt nhà không có mùng, không biết làm sao.
- Không có thì thôi. Chú đừng lo.
- Để bà về, tôi thưa với bà kiếm mùng cho cậu ngủ chớ.
- Không cần. Tôi ngủ trần quen rồi. Tháng nầy có muỗi mòng gì đâu mà phải có mùng.
- Cậu dễ quá. Lớn rồi mà tánh ý cũng còn vậy hoài. Ngộ quá.
- Chú lầm. Tôi đổi tánh nhiều lắm. Để tôi ở ít bữa tôi chú sẽ thấy.
Hai người ngó nhau mà cười, cái cười chơn chất thương yêu, dan díu.
Quí đi thẳng lại chái trên và vô phòng của mình ngày xưa mà coi. Chú Tiền đi theo nói:
- Tôi có để cái bàn nhỏ của cậu ngồi học hồi trước vô phòng nữa, để cho cậu sắp đồ vật.
Quí gật đầu, bước lại đứng dựa cửa sổ ngó ra vườn, rồi trở ra đi khắp hết nhà trên mà coi từ ngoài tới trong.
Sen đã cởi bộ đồ đá banh ra rồi, bây giờ mặc bồ đồ vải trắng, chưng mang guốc sơn, đầu chải láng mướt, ra đứng dựa lan can ngoài hàng ba mà hút gió, dường như không có anh về trong nhà.
Coi hết nhà trên rồi, Quí xuống nhà dưới. Mỹ vui vẻ ngó em, kêu chú Tiền mượn rượt bắt dùm con gà mái tơ. Quí không cản ngăn, để chị thong thả sắp đặt cách ăn mừng tái hiệp, nên bỏ đi thẳng ra ngoài vườn, nhìn lại cảnh cũ dấu xưa.
Cặp cu đất đậu trên ngọn tre đương hiệp nhau mà gáy, thuyền chở lúa đi ngang qua dưới sông, trạo phu cất tiếng hát du dương. Quang cảnh mà Quí đã từng nghe thấy hồi nhỏ, bây giờ lại diễn trước mắt như xưa, diễn một cách rõ ràng, lại có pha trộn ít nhiều thú vị, làm Quí đã lịch duyệt nhơn tình cao thấp, mùi đời đắng cay, nên không khỏi lộ ngoài miệng một nụ cười, cười chán nản, hay cười khinh ngạo, duy Quí biết mà thôi, chớ ngoại nhơn không thấu hiểu được.
Trở vô nhà, Quí thấy Sen xớ rớ thì hỏi:
- Ở nhà em có đi học hay không?
- Có.
- Học đến bực nào?
- Học trường Càng Long đây.
- Có bằng Sơ học hay không?
- Có đi thi mà không đậu.
- Sao không đi học nữa?
- Cha mất rồi má bắt ở nhà.
- Nếu vậy em thôi học đã 5 năm rồi? Ở nhà em làm việc gì?
- Có việc gì đâu mà làm?
- Tại không muốn đi làm, chớ sao không có việc. Dọn dẹp vườn tược cho sạch sẽ, trồng khoai tỉa đậu, làm việc nhà. Tại sao không làm những việc ấy, để vườn như đất hoang, bỏ nhà gần sụp đổ, mà đi theo gà như vậy hử?
Sen đứng buồn xo, không trả lời được.
Quí nói tiếp:
- Từ rày sắp lên em phải làm việc, không được phép đi du hí, hay là đi đá gà nữa. Luật trời đã định cho con người phải làm việc mới được ăn, ai không làm việc thì không được phép ăn cơm, qua sẽ chỉ công việc cho em làm.
Lúc ấy, Thị Mùi đi đánh bài vừa về tới. Bước vô ngó thấy Quí thì nàng chưng hửng, nên nàng đứng khựng lại và hỏi:
- Quí hả? . . . Về bao giờ vậy?
- Dạ, tôi mới về hồi trưa. Dì ở nhà mạnh giỏi?
- Mạnh. Mầy đi đâu mất biệt mười mấy năm vậy hử?
- Thưa, đi làm ăn.
- Làm ăn ở đâu mà không chịu về, đến nỗi cha mầy mất, mầy cũng không thấy mặt.
- Tôi ở xa quá không hay cha mất, mà dầu có hay cũng không về kịp.
Thị Mùi ngó cái quần vàng cũ, áo sơ mi rách và đôi giầy mòn của Quí rồi đi vô trong cất dù, vừa đi vừa nói:
- Làm ăn ở đâu cũng làm được, cần gì phải đi xa.
Quí đứng ngó theo mẹ ghẻ mà cười, thấy thân thể vẫn còn tráng kiện, y phục vẫn lành lặn như xưa, nhưng da mặt đã dùn, mái tóc đã điểm bạc nhiều ít.
Thị Mùi đã thay áo dài mà mặc áo bà ba lụa trắng, rồi ra ngồi trên ván ăn trầu.
Quí ngồi bên bộ ghế giữa day qua hỏi:
- Năm nay dì có làm ruộng hay không?
- Ruộng xa nhà quá, làm gì được.
- Dì đánh bài đủ ăn hay không?
Nghe hỏi tới ruộng thì Thị Mùi đã kém vui rồi. Lại nghe hỏi tới nghề bài bạc nữa, Thị Mùi thẹn thẹn, nên phiền ngay, song phải gượng mà đáp:
- Buồn quá nên đánh bài chơi chớ ăn thua gì.
- Tôi tưởng ăn thua nhiều chớ. Có người thua đến bán ruộng bán nhà, chớ có phải chơi đâu.
Thị Mùi chau mày lặng thinh một chút, rồi dường như muốn dọ ý Quí nên chậm rãi hỏi:
- Mầy về đây ở là về ở luôn hay là về thăm nhà rồi đi nữa ?
- Việc ấy tôi chưa nhứt định. Để thủng thẳng tôi liệu coi, như ở đây có thể làm ăn được thì tôi ở nhà luôn. Còn như không có bề thế làm ăn, thì tôi sẽ đi nữa, đi kiếm việc làm.
- Ở đây có nghề gì làm ăn được đâu?
- Có lẽ lập tiệm buôn bán được. Để tôi nói với bà con trong làng coi như có ai chịu giúp vốn cho tôi vài trăm, tôi sẽ mướn phố ngoài chợ ở hoặc hớt tóc hoặc bán hàng vặt.
- Vốn ít trăm mà buôn bán gì được.
- Ban đầu làm nhỏ, rồi sau sẽ mở lớn. Chớ muốn làm lớn, phải vay hỏi đến đôi ba ngàn, sợ người ta không cho.
- Ở đây vay hỏi cũng khó lắm.
- Mình vay bạc, thì mình chịu lời cho họ. Mình có vốn làm ăn, mà họ có lợi, thế thì có chi đâu mà khó. Chớ chi mình vay tiền để bài bạc, thì họ sợ là phải.
Những tiếng “bài bạc” của Quí nói đi nói lại hoài làm cho Thị Mùi khó chịu, nên bỏ đi xuống nhà dưới, không muốn nói chuyện nữa. Quí thấy mình chọc mà mẹ ghẻ biết nhột, thì đắc ý nên chúm chím cười, rồi đứng dậy đi ra ngoài sân, ngắm tứ phía, ngó cái sân, ngó tòa nhà, ngó cửa ngõ, đi thơ thẩn, sắc bàng hoàng, dường như suy nghĩ một việc chi quan hệ khó khăn lắm vậy.
Bây giờ đã chiều rồi. Mặt trời đã xuống khuất vuông tre phía ngoài lộ, trước sân đã mát rượi, ngọn gió chướng lại cất thổi lao xao. Dưới mẫu, trâu bò thả ăn từng bầy, mấy đứa chăn hoặc ngồi trên lưng trâu, hoặc đứng dưới bờ mẫu, lý hát inh ỏi.
Mỹ làm thịt gà xào nấu rồi dọn cơm chiều. Chú Tiền ra mời Quí vào ăn cơm. Thị Mùi với Sen đương đứng nói chuyện, nói lầm thầm rồi đưa tay ra dấu, thấy Quí bước vào mẹ con liền dang ra.
Quí tươi cười nói :
- Mời dì với em Sen đi ăn cơm.
Tiếng mời của Quí nghe dịu ngọt lại hiệp lẽ lắm, nhưng nó có hàm súc một ý nghĩa kín, là chủ mời khách, có lẽ vì nghĩ đến chỗ đó nên Thị Mùi khó chịu muốn nói mà không có lời, muốn giận mà không có óc, nên dằn lòng làm vui đi với Sen xuống nhà dưới mà ăn cơm.
Cũng còn theo thói hồi trước, Mỹ coi dọn rồi ăn sau, chớ không chịu ngồi ăn một luợt. Quí bất bình nên nói cứng cỏi:
- Không được. Chị không phải đày tớ mà ăn sau, từ rày sắp lên chị ăn trên, ngồi trước hai em, vì chị là lớn. Đây, chị lại ngồi đối diện với dì đây. Em ngồi sau, đối diện với Sen; ngồi cho có thứ tự coi mới được.
Mỹ dục dặc nhưng liệu không thể kháng cự với lời cương quyết của Quí, nên phải làm theo ý em muốn.
Thị Mùi càng thêm khó chịu với lời cương quyết, với cách mạnh mẽ của Quí, nhưng quyết dằn lòng để dọ coi, nên cứ ngồi lại mâm cơm và hỏi Mỹ:
- Làm gà hay sao?
- Dạ, không có đồ ăn nên tôi làm gà cho thằng ba ăn.
- Làm con gà nào vậy?
- Thưa, con gà mái tơ.
- Con gà máy in là nó muốn nhảy ổ.
- Bầy gà giò còn nhỏ quá.
Quí ngồi ăn vui vẻ, nói nói cười cười, khen thịt ngon, nhớ cá nướng trui, nhắc bò tái mướp, không để ý tới sắc mặt đầm đầm của mẹ ghẻ và bộ tướng bất mãn của em Sen.
Sen gắp miếng thịt gà mà thấy dĩa muối ớt đã hết, bèn kêu Mỹ biểu đi lấy thêm. Quí chận mà trách:
- Mầy phải tập lại tánh cho trúng lễ nghĩa. Chị Hai là chị cả, chớ không phải là đày tớ của mầy mà mầy được phép sai khiến. Chị Hai chịu cực nấu cơm đã quá rồi. Ngồi ăn nếu có cần dùng thứ chi, thì mầy phải chịu khó đi lấy thêm mà dùng, đừng có nhọc lòng chị Hai nữa. Làm người phải ăn ở cho hợp lễ nghĩa, phải biết trọng tôn ti, mới khỏi mang tiếng thất giáo.
Mỹ buông đũa đi làm thêm muối ớt, vừa đi vừa nói:
- Để chị đi làm, nó là con trai biết đâm muối ớt bao giờ đâu.
Thị Mùi chúm chím cười, cái cười khinh khi, ngạo báng, và nói cái giọng gay gắt cao kỳ:
- Ở trong nhà hơi nào mà giữ lễ nghĩa. Chị em chịu khó với nhau mà hại gì.
Quí cương quyết đáp:
- Thưa dì, đã đành thương nhau, phải chịu cực với nhau. Nhưng bánh sáp đi thì bánh quy phải lại, có vậy mới công bình, chớ bánh sáp đi hoài, mà bánh quy không lại, thì bất công. Còn lễ nghĩa là điều cần ích của con người, nhờ giữ lễ nghĩa con người mới khác cầm thú.
- Không chắc.
- Thưa chắc lắm.
- Thấy có người, hễ mở miệng là nói lễ nghĩa, mà họ có ra gì đâu.
- Nếu bữa nay họ chưa “ ra gì”, thì ngày mai họ sẽ “ra gì”, trời không phụ họ đâu, xin dì đừng lo.
Thị Mùi cười ngạo, không cãi nữa.