Số lần đọc/download: 1688 / 23
Cập nhật: 2016-07-13 10:11:16 +0700
Chương 1: Thành Lập Tiểu Đoàn Dù Số 6
Ở cấp đại úy từ sáu năm nay, tuy nhiên tôi đã chỉ huy hai tiểu đoàn trong lửa đạn và tôi không biết, vào thời kỳ đó, liệu có một bản niên giám nào về các sĩ quan, trên đó tôi có thể đọc được rằng một vài người được bổ nhiệm làm tiểu đoàn trưởng sau bốn hay năm năm giữ cấp bậc đó. Nhưng, hài lòng với số phận của mình, với cái cuộc sống căng thẳng, kéo dài từ năm 1939, tôi không hề nghĩ đến chuyện được thăng cấp.
Đơn độc, tự tin, tôi tìm tới cái vùng Bretagne thân thiện ấy và sở chỉ huy của bán lữ đoàn, đơn vị đã liên tục xây dựng các tiểu đoàn tình nguyện, và ở đó có một cuộc sống náo nhiệt hết sức khác thường. Massu, lúc đó là đại tá, đã được thuyên chuyển sang đâu đó bên xứ châu Phi đen, ở đó theo như chỗ tôi biết, ông ta hẳn là phải bực tức vì đã không thể tiếp tục cuộc vật lộn với những người mà móng vuốt của ông ta đã để lại dấu ấn đến trọn đời.
Đại tá Gilles, vừa mới tốt nghiệp khóa học của lính dù, thay thế ông ấy. Con người trái ngược hẳn: cao to, hỏng một mắt, tốt nghiệp Học viện Chiến tranh, đã tham gia chiến đấu ở đảo Elbe, ở nước Đức, một nhiệm kỳ ở Đông Dương. Do vì quá khứ của ông, vì thái độ bình tĩnh, độ lượng của ông. Ông biết cách thuyết phục bằng một cung cách mềm mỏng hơn Massu, và có đôi chút làm ra vẻ một lính dù lâu năm, thường xuyên có mặt ở các khu vực nhẩy dù để xem “bọn nhỏ của ông” nhẩy ra sao, như cách ông nói.
- Kính chào ngài, thưa đại tá.
- Xin chào, Bigeard... Kể từ ngày chúng ta gặp nhau ở Đức, thế là cậu đã có bước tiến dài đấy nhỉ. Bọn mình sẽ sắp xếp cho cậu ra sao đây?
- Thưa đại tá, tôi muốn lại được sang vùng Viễn Đông càng sớm càng hay.
- Hoan hô. Thật là vinh dự sau tất cả những gì cậu đã làm. Tôi dành cho cậu hai khả năng: chỉ huy một tiểu đoàn đang trong quá trình xây dựng nhưng không thể ngắn hơn sáu tháng, hoặc là lấy cậu về bộ tham mưu của tôi bởi lẽ trong vài tháng tới, tôi phải sang xứ Bắc Kỳ.
- Thưa đại tá, tôi thích tiểu đoàn hơn.
Trong khi chờ đợi, tôi thừa kế tiểu đoàn tạm trú, là tiểu đoàn chịu trách nhiệm công tác quản lý các đơn vị lên đường đi chiến đấu. Không có vấn đề gì, tôi gánh vác được: sáu năm làm nhân viên nhà băng, kế toán trưởng trong quân đội.
Sáu tháng buồn tẻ, chốt chặt ở bàn giấy tám tiếng đồng hồ mỗi ngày, nhìn các đồng ngũ của tôi lên đường đi chiến đấu. Đây quả là cái giới hạn dài dằng dặc mặc dầu hàng ngày tôi thường xuyên tập đi bộ lúc 6 giờ sáng, hàng chục lần nhẩy dù trên cái bình nguyên Meucon này. Ở đây gió thổi mạnh, với đôi lần những cuộc tiếp đất khô cứng trên những đường băng bê-tông của sân bay cũ khiến cho tôi vài lần bị bong gân, bị phồng rộp mỏm xương cụi và những tai nạn khác. Sau mỗi lần nhẩy dù quay về, Gaby cũng đã đến đây cùng với Marie France, chuẩn bị cho tôi một bồn tắm nước nóng có pha muối để làm dịu các chỗ đau.
Thời kỳ khổ cực kết thúc. Gilles ghi cho tôi những nhận xét sau đây:
“ Đại úy Bigeard từ sáu tháng nay đã nắm quyền chỉ huy tiểu đoàn tạm trú, đơn vị quản lý xây dựng các đơn vị, một nhiệm vụ nặng nề và phức tạp. Đại úy đã mang tới cho nhiệm vụ chỉ huy này những phẩm chất vốn có của mình về tính năng động và lòng nhiệt tình. Nhiệm vụ này đã thành công mỹ mãn và giúp ích rất lớn cho các đơn vị đang trong quá trình tổ chức và huấn luyện. Cá nhân đại úy đã giành được một điểm ưu để trở thành một cán bộ chỉ huy xuất sắc. Ngay từ lúc này đại úy Bigeard đã là một tiểu đoàn trưởng ưu tú”.
Tôi đã chấm dứt với công việc quản lý.
Tôi đến ở khu trại Charner ở Saint Brieuc để thành lập tiểu đoàn dù thuộc địa số 6. Và tôi có chín tháng để, từ con số không, đổ bộ sang Đông Dương cùng với một ngàn người, chỉ huy họ chiến đấu trong hai năm trời trong những điều kiện ngày càng bi thảm hơn, ở đó chúng tôi biết rằng ngài De Lattre vĩ đại, xuất sắc của chúng tôi bị sa lầy, bất chấp tính hung hăng của ông.
Êkíp của tôi tuần tự được hình thành. Sĩ quan, hạ sĩ quan binh sĩ tái ngũ nhập ngũ, đến với tôi ngày lại ngày. Tuỳ theo khả năng sở trường của từng người tôi sắp xếp họ vào nơi thích đáng để thành lập cơ quan tham mưu và các đại đội chiến đấu. Qua kinh nghiệm thực tiễn, tôi biết mình phải làm gì để hình thành một tiểu đoàn cơ động, gọn nhẹ, như một con báo biết cách hành động, có một niềm tin không gì lay chuyển nổi. Cách làm của tôi sẽ rất khác cách làm đã được áp dụng cách đây ba năm cũng trong cùng khu trại lính này. Việc huấn luyện được tiến hành khẩn trương, tất cả các cán bộ đều phải gương mẫu. Chúng ta cùng chịu đựng, cùng nhọc nhằn. Khẩu hiệu này là bắt buộc: một người vì mọi người, mọi người vì một người.
Các sĩ quan trẻ của tôi, tất cả là trung úy hoặc thiếu uý, đều nổi bật. Tôi kể tên một vài người vốn đã từng có một nhiệm kỳ hoạt động và để xác định chất lượng của cái bộ phận ưu tú này, hành động theo lòng yêu nước và tính vô tư, không vụ lợi của họ. Chúng tôi khác xa hình ảnh người lính dù đã bị mất giá rất nhiều.
Leroy, còn gọi là Polo, có giọng nói trầm ấm và quyến rũ, đẹp trai, trông có tư thế, anh em lính mới rất thích, đã lấy một cô giáo người vùng Bretagne, xinh xắn tuyệt vời. Trapp cao, gầy, ít nói, rắn rỏi như một tảng đá, nghiêm khắc với bản thân và với mọi người trong đơn vị của mình, được anh em nể sợ và cảm phục. Rồi ra, cậu ta sẽ rất khác thường cho mà xem. Lepage người vùng Bretagne nhỏ nhắn, gân guốc, nghiêm nghị, kiên trì. Sẽ lấy vợ trước khi chúng tôi lên đường. De Wilde và vợ, rất sùng đạo, những vị thánh đối với họ: Thượng đế, Gia đình, Lao động. Le Boudec một tai bị điếc, độc thân, con nhà nòi, ưa thích chuyện vụn vặt, nhút nhát trước mặt phụ nữ, mặc dù có ngoại hình của một nam diễn viên thường đóng vai tình nhân. Porcher đã phục vụ dưới quyền chỉ huy của tôi ở Sơn La. Nặng chín mươi kilô, nhẩy dù vất vả, không ưa chuyện va chạm nhưng biết chiến thắng nỗi sợ hãi của mình, viết lách tốt, có nhiều ý tưởng, sắp sửa cưới vợ, sẽ là cấp phó của tôi. Bourgeois đã có vợ, có văn hóa, tinh tế, cận thị. Đây là nhà tri thức của bầy đàn, người có tiềm năng đạt tới những đỉnh cao. Và cả một loạt sĩ quan tài năng mới toanh vừa tốt nghiệp ra trường.
Các hạ sĩ quan bộ phận then chốt của tiểu đoàn, mà một nửa là những con người thích đánh nhau rõ rệt. Số còn lại, do phong trào lôi cuốn, tôi tin chắc như vậy, cũng sẽ chiến đấu tốt như những bậc đàn anh của họ. Trong số này có hai “cậu bé” người Paris nay đã là trung sĩ: Martellino và Sautereau, hai người từng bị kỷ luật “nốc-ao” ở ngay trong khu trại này cách đây ba năm. Sung sướng vì lại được ở dưới quyền chỉ huy của tôi, họ nói với tôi khi gặp lại nhau: “Nào, anh Marcel, không có thù oán nhé”.
Rồi đến trung sĩ nhất Prigent, từng nhẩy dù năm 1943 xuống trận địa của quân Đức, toàn diện, giầu kinh nghiệm, không thua gì một sĩ quan. Trung sĩ Baliste, một cựu du kích quân, đã từng phục vụ dưới quyền chỉ huy của tôi trong nhiệm kỳ thứ hai; được thưởng huân chương chữ thập chiến tranh một cách xứng đáng, rất khôn khéo, được đám trẻ trong đơn vị tôn sùng. Sentenac, trung sĩ trẻ, một tay hăng hái dũng cảm đáng khen, nhanh nhẹn, vững vàng. Đã trốn thoát khỏi trại tù binh sau thất bại của Điện Biên Phủ để rồi kết thúc cuộc đời ở Algérie, trúng đạn giữa sa mạc trong những trận đánh ở Timimoun. Và còn nhiều người khác mà tôi rất muốn được nêu tên.
Đám thanh niên ưu tú này sẽ tạo thành sức mạnh của chúng tôi. Ngày nay, trong thời bình, đối với cùng một tiểu đoàn như vậy, người ta dễ dàng thấy có một đại tá, bốn thiếu tá, mười đại úy. Nhưng, huyên thuyên như vậy mà làm gì, cần phải sắp xếp các cán bộ của tôi.
Lớp trẻ tiếp tục kéo đến chui vào cái khuôn mẫu này. Được cuộc sống sôi nổi lôi cuốn, họ không hề nhăn nhó... Trước hàng trăm kilômét hành quân bộ, những bài xạ kích, tập luyện, làm việc ban đêm, việc huấn luyện biệt kích. Đây thực sự là một nhà máy mà ở đó trí óc, con tim chế ngự. Tiểu đoàn có trước chúng tôi đã để lại một tiếng xấu khi người chỉ huy của đơn vị đó đã rút khẩu colt ra trong một vũ trường của những người dân thành phố Saint Brieuc. Cũng vì vậy tôi yêu cầu phải giữ một tư thế mẫu mực, mọi lỗi lầm nghiêm trọng sẽ bị phạt bằng việc huỷ bỏ hợp đồng và trả về ngạch dân sự.
Chúng tôi lấy lại được uy tín. Các cánh cửa mở ra. Việc tiếp xúc với dân chúng được nối lại. Chúng tôi có thể lại bố trí “nhà ăn tập thể” của chúng tôi ở khách sạn Anh quốc, cùng với các bà vợ ăn uống trong một không khí náo nhiệt, sống động, ở đó người chỉ huy chỉ có thể nổi bật bằng giá trị của mình chứ không phải là bằng những mảnh lon. Đây là một kíp bạn bè tranh luận cởi mở, cùng nhau trao đổi các ý tưởng.
Để tỏ ra lịch sự, tôi quyết định tổ chức một buổi vũ hội với quy mô lớn trong cái khách sạn xinh đẹp ấy. Khắp nơi đều là quân dù, ánh đèn rực rỡ chói chang, những giấy mời trong đó tôi ghi rõ: trang phục dạ hội, áo váy dài. Chúng tôi đã có được lời đồng ý tham dự, tất nhiên là phải trả tiền, của Annie Flore, ca sĩ nổi tiếng vào thời kỳ đó. Pléven, Bộ trưởng Chiến tranh, chủ toạ buổi tối hôm ấy. Đó là một con người bình tĩnh, điềm đạm, chúng tôi quý mến ông. Trong những cuộc đi kiểm tra, bao giờ ông cũng có những lời nhận xét dễ chịu.
Thất bại hoàn toàn. Rất ít khách dân sự có mặt... Vào thời kỳ đó, bộ váy áo dài là một món hàng khan hiếm. Pléven hiểu rõ tình hình và tự nguyện gánh vác một phần chi phí! Không có vấn đề đó. “Thưa Bộ trưởng, chúng tôi sẽ xoay xở được”. Rõ ràng, chuyện giao lưu với xã hội thượng lưu không phải là điểm mạnh của tôi.
Đại tá Gilles lại vừa lên đường sang Bắc Kỳ nên trung tá Langlais kế nhiệm. Vì ông ấy tốt nghiệp trường đào tạo quân dù chưa bao lâu cho nên tôi chưa từng có dịp gặp mặt. Trung tá Langlais mảnh khảnh, gầy gò như một cây gậy, đôi mắt xanh lơ, cằm nhọn, ít nói, vốn xưa kia là người chăn lạc đà, luôn luôn tình nguyện được tham chiến, bốn mươi ba tuổi, độc thân. Lần gặp nhau đầu tiên không nhiệt tình, nhận xét lạnh lùng, đầu óc để đi nơi khác. Phải đợi đến Điện Biên Phủ và một cuộc cãi vã nghiêm trọng... Khúc dạo đầu cho tình bạn của chúng tôi.
Sau một tai nạn trong đó hai lính dù tử nạn khi tiếp đất, ông ấy họp chúng tôi lại và định củng cố tinh thần cho chúng tôi khi ông nói: “Không có chuyện mềm yếu, ngày mai tất cả chúng ta sẽ nhẩy”. Tôi mỉm cười và cho rằng ông ấy chỉ là một lính dù non trẻ khi có cách nói như vậy với các chiến binh vốn không cần thiết phải dùng “đôping” để kích thích.
Ngày 1 tháng giêng 1952. Tôi được bổ nhiệm chức tiểu đoàn trưởng... Bốn vạch lon. Tôi đã ba mươi sáu tuổi. Đối với một sĩ quan từ binh nhì đi lên, thế là tốt và tôi đứng ngang hàng với các sĩ quan tốt nghiệp trường Sait Cyr và kỹ sư Bách khoa. Gaby và nhất là mẹ tôi lấy thế làm tự hào. Những nhận xét về tôi rất tốt.
“Chiến binh ưu tú, chỉ huy chiến đấu hăng hái, thực sự biết dẫn dắt, đào tạo con người, tự tin và lạc quan. Thông minh, rất nhanh nhậy, thích nghi hoàn hảo với mọi hoàn cảnh. Vốn tri thức khá”... Và đó là lý do tôi được bổ nhiệm.
Gaby và Marie France tới Saint Brieuc cũng ở trong căn hộ hai buồng mà chúng tôi đã ở năm 1948... Cuộc sống thật ghê gớm. Các tuần lễ trôi qua quá nhanh. Những buổi huấn luyện, tập trận, nhẩy dù, tiếp nối nhau với nhịp điệu ngày càng khẩn trương. Tiểu đoàn đã có tiếng nói đáng sợ.
Sống giữa một êkíp nổi trội, không khí sôi nổi thật ấn tượng. Đó là tính hiệu quả trong sự thanh thản: Mọi người, rất có kỷ luật, tự hào được ở tiểu đoàn dù số 6 cho nên không đặt ra bất cứ vấn đề gì. Dân chúng giờ đây đã chấp nhận chúng tôi.
Chịu trách nhiệm một trăm phần trăm về việc tổ chức, rèn luyện các đơn vị của mình, tôi hành động theo suy nghĩ và sáng kiến của tôi. Trung tá Langlais, đến từ Vannes, kiểm tra chúng tôi một hay hai lần, không biểu lộ một thái độ nào... Dứt khoát là va chạm với ông ấy thật khó chịu!
Hai mươi tháng sáu. Thời tiết tuyệt đẹp.... Một buổi cuối chiều ấm nóng, tiểu đoàn hành quân bộ, dứt khoát rời khỏi khu trại Charner của chúng tôi và hướng về phía nhà ga xe lửa... Vĩnh biệt Saint Brieuc! Vĩnh biệt vùng Bretagne! Tôi sẽ không trở lại nữa, nhưng tôi sẽ giữ mãi kỷ niệm không bao giờ phai nhạt về các bạn.
Đoàn tàu đang đứng trên sân ga. Tiểu đoàn lên tầu một cách trật tự. Những người vợ, những họ hàng thân thích có mặt. Tôi đau lòng nghĩ rằng lại một lần nữa Gaby và Marie France lại sống đơn lẻ với nhau. Mọi cái sụp đổ, thật là quá đẹp, quá toàn diện. Chúng tôi đã chung sống thật là đầm ấm và lần này Gaby không thể nào đến được xứ Bắc Kỳ, ở đó mọi chuyện đang xấu đi.
Phải chăng tôi là một kẻ ích kỷ đã hy sinh những người thân của tôi từ bao nhiêu năm dài nay? Nhưng người chỉ huy phải tỏ ra cứng rắn và thoải mái. “Gaby, tạm biệt em, hãy can đảm lên. Em có Marie France, có quê hương Lorraine. Anh sẽ trở về, mọi chuyện sẽ tốt”.
Marseille. Con tầu Pasteur, con tầu tôi đã bước xuống cách đây ba năm và là con tầu không ngừng vượt sóng chở những chuyến hàng đi tới cái chết... Đổ bộ lên Sài Gòn. Lại xuống một con tầu cũ nát và lần thứ ba, tôi tới Hải Phòng, ngày hai mươi tám tháng bẩy 1952, trong lúc lẽ ra tốt biết bao nếu được đi nghỉ hè ở nước Pháp. Lại là cái xứ Bắc Kỳ buồn tẻ, giản dị, hấp dẫn, bất chấp những trận đánh điên cuồng, trong đó cái chết bay lơ lửng trên đầu những con người này. Tất cả vốn quý mến nhau rồi giết hại lẫn nhau, đến lúc này vẫn còn không biết rằng những hy sinh ấy chẳng phục vụ cho bất cứ điều gì.