Nguyên tác: The Final Diagnosis
Số lần đọc/download: 261 / 21
Cập nhật: 2020-04-04 20:30:51 +0700
Chương 13
V
ivian không ngớt sửng sốt, bàng hoàng và thắc mắc.
Lẽ nào sự thể ấy lại xảy ra với nàng. Bác sĩ Grainger đang nói về người nào khác đấy chứ. Các ý nghĩ tiếp nối dồn dập trong đầu óc nàng. Đích thị là như thế rồi. Biết đâu chừng hồ sơ bệnh án của hai bệnh nhân bị lẫn lộn với nhau, một sự việc đã từng xảy ra tại các bệnh viện. Bác sĩ Grainger bận rộn trăm công nghìn việc, rất dễ bị lầm lẫn. Có lẽ rồi đây một bệnh nhân khác nào đó lại được báo cho biết rằng...
Chợt nàng cắt đứt ngay dòng suy nghĩ, bắt nó đứng yên và cố gắng lấy đầu óc tỉnh táo trở lại: không lẫn đâu. Nàng biết rõ ràng và dứt khoát như thế, dựa vào dáng vẻ của bác sĩ Grainger và anh Mike Seddons. Lúc này họ đang chăm chú nhìn nàng, mỗi người ngồi một bên giường, còn nàng nửa nằm nửa ngồi với những chiếc gối đệm sau lưng.
Nàng quay sang bác sĩ Lucy Grainger:
- Chừng nào... bác sĩ sẽ biết chắc?
- Hai ngày nữa bác sĩ Pearson sẽ thông báo. Chẳng thế này thì thế nọ.
- Thế ra ông ấy không biết.
- Lúc này thì chưa, Vivian ạ. Không biết chắc một điều gì - Lucy đáp.
- Ơ, Mike ơi! Nàng cầm lấy bàn tay anh.
Anh nắm nhẹ bàn tay nàng.
- Xin lỗi... chắc là... em sắp khóc đây. Seddons vòng tay ôm lấy nàng. Lucy đứng lên.
- Lát nữa tôi sẽ trở lại - cô hỏi Seddons:- Anh ở lại một chốc nhé?
- Vâng.
- Anh ráng giúp cho Vivian hiểu hiện nay vẫn chưa có kết luận nào dứt khoát. Chẳng qua tôi chỉ muốn cô ấy chuẩn bị tinh thần trước... lỡ ra...
Seddons gật đầu, mái tóc đỏ bù xù rung động:
- Tôi hiểu.
Bước ra hành lang, Lucy nghĩ thầm: “Vâng, tôi tin là anh hiểu.”
Chiều hôm qua khi Joe Pearson gọi điện cho cô, cô phân vân mãi không biết nên chờ đợi thêm ít lâu nữa hay nói ngay cho Vivian biết những khả năng chẩn đoán sắp tới. Nếu chờ đợi thêm rồi kết quả xét nghiệm sinh thiết là “u lành” thì tất cả đều tốt đẹp. Vivian không bao giờ biết đến bóng mây đen một lúc nào đó đã kéo giăng trên đầu nàng. Nhưng ngược lại nếu hai ngày nữa kết quả xét nghiệm là "u ác", việc cưa chân phải được làm ngay, khi ấy liệu Vivian có kịp chuẩn bị hay là phải chịu đựng một sự chấn động lâm lý quá mãnh liệt? Đối với một thiếu nữ chưa lường trước được tai họa, sự chấn động bất ngờ sẽ trở nên dữ dội. Nếu thế phải phải mất thêm vài ngày mới có thể đưa cô ấy vào phòng đại phẫu, mà vài ngày trong tình thế ấy thì không thể có được.
Còn một điều nữa mà Lucy cũng có cân nhắc. Joe Pearson đang tham khảo ý kiến bên ngoài - sự kiện ấy tự nó nói lên rất nhiều ý nghĩa. Nếu rõ là u lành, hẳn ông đã tuyên bố ngay lập tức. Nhưng ông chưa phát biểu điều gì, cũng không cho biết ông nghiêng về phía nào – sự kiện ấy cho thấy ít ra là “u ác” đang thắng thế.
Sau khi cân nhắc tất cả những điều ấy, Lucy quyết định cho Vivian biết tình hình hiện nay. Rồi đây nếu như lời phán quyết là “u lành”, hẳn nỗi lo sợ mà Vivian đã phải chịu đựng hóa ra không cần thiết. Nhưng thà như thế còn hơn để xẩy ra cơn chấn động tâm lý bất ngờ và dữ dội vì không có một chút chuẩn bị nào cả. Vấn đề cấp bách cũng bớt phần phức tạp nhờ sự xuất hiện của Seddons. Chiều hôm qua chàng bác sĩ tập sự đến thổ lộ với Lucy việc anh và Vivian dự định kết hôn. Anh thú nhận rằng thoạt đầu anh chỉ muốn đứng theo dõi ở hiện trường mà thôi, nhưng nay anh đã đổi ý. Lucy lấy đó làm mừng vì ít ra Vivian không còn cô đơn nữa mà đã có người cho nàng sự nâng đỡ và an ủi.
Chắc chắn cô gái cần rất nhiều nâng đỡ và an ủi. Lucy đã cố tìm mọi cách nhẹ nhàng nhất để tiết lộ sự nghi ngờ về bệnh sáccôm tạo xương với tất cả những nguy cơ bi thảm của nó. Nhưng dù nói có khéo léo đến đâu cũng không thể làm cho cú đấm trở nên nhẹ nhàng. Lucy chợt nhớ ra việc phải làm tiếp theo là báo cho cha mẹ cô gái biết tình hình hiện nay. Cô nhìn lướt qua mảnh giấy cầm trên tay, trong đó có một địa chỉ ở Salem thuộc bang Oregon mà cô đã chép lại từ mục “người nhà” trong hồ sơ nhập viện của Vivian. Chính Vivian đã đồng ý để cô báo tin cho cha mẹ của nàng. Giờ đây Lucy phải hết sức khéo léo để chuyển lời đi bằng điện thoại đường dài.
Cô đã dự kiến tình huống tiếp theo, Vivian còn ở tuổi vị thành niên. Theo luật của tiểu bang, việc cưa chân cần phải có sự đồng ý của cha hoặc mẹ cô gái. Nếu hai ông bà có ý bay đến bệnh viện ngay lập tức thì bác sĩ có thể xin họ viết giấy đồng ý khi họ tới nơi. Bằng không, cô phải cố hết sức thuyết phục họ gửi lời chấp thuận bằng điện tín để cô có thể tùy nghi sử dụng khi cần thiết.
Lucy liếc nhìn đồng hồ tay. Sáng mai cô phải tiếp bệnh nhân cả buổi tại phòng khám riêng ở trung tâm thành phố.
Có lẽ cô nên gọi điện ngay bây giờ, trước khi rời bệnh viện Three Counties. Lên tầng lầu thứ hai, cô rẽ vào văn phòng nhỏ tí xíu mà cô và Gil Bartlett dùng chung. Văn phòng chật hẹp đến nỗi rất ít khi hai người cùng vào làm việc một lúc. Lúc này, trong đó quá đông người: Bartlett và Kent O’Donnell.
Trông thấy cô, O’Donnell nói:
- Xin lỗi, Lucy. Tôi ra đây. Chỗ này không phải để cho ba người ngồi.
- Không cần - Cô lách qua hai người đàn ông và ngồi vào chiếc bàn con con - Tôi làm qua mấy việc rồi đi ngay.
Cô nên ở lại đây- Bộ râu của Gil Bartlett rung rinh như thường lệ. Anh nói giọng bông đùa: - Sáng nay Kent và tôi cực kỳ uyên bác. Chúng tôi đang luận bàn về trọn vẹn tương lai của ngành phẫu thuật.
- Có người sẽ thưa với ông rằng ngành phẫu thuật chẳng có tương lai nào cả - Giọng Lucy hòa hợp với giọng của Bartlett. Cô mở ngăn kéo bàn lấy ra mấy thứ giấy tờ ghi bệnh cần dùng cho buổi khám sắp tới - Họ bảo rằng dân phẫu thuật đang trên đường tới chỗ diệt vong như châm cứu và thầy mo.
Không có gì làm cho Bartlett thích thú hơn kiểu nói chuyện này. Anh nói:
- Hỏi cô chứ, thế đến lúc đó ai sẽ mổ xẻ, moi móc những cái xác máu me tùm lum?
- Không cần mổ xẻ nữa - Lucy đã tìm thấy các mảnh giấy và đứa tay với lấy chiếc ca táp nhỏ - tất cả chỉ dự vào chẩn đoán. Y học sẽ dùng nguồn lực tự nhiên để chỉnh đốn những lệch lạc của tự nhiên. Sẽ chứng minh được rằng tình trạng tâm lý là cơ sở cội rễ để chữa trị các bệnh tật thể xác. Bệnh ung thư sẽ được phòng ngừa bằng tâm phân học, còn bệnh thống phong thì dùng tâm lý học ứng dụng - Cô kéo khóa dây ca táp và nhẹ nhàng nói thêm: -Tôi chỉ trích dẫn lời người ta nói thôi đấy nhé.
- Chờ đến lúc ấy làm sao được - Kent O’Donnell mỉm cười. Lần nào cũng thế, anh cảm thấy sung sướng được kề cận với Lucy. Phải chăng mình ngu ngốc và nực cười khi cố giữ mãi quan hệ với cô ấy không chịu đẩy nó tới chỗ thân mật hơn. Xét cho cùng, có gì mà phải sợ? Có lẽ mình và cô ấy nên đi một tối nữa với nhau và để mặc cho con tạo xoay vần. Nhưng lúc này có mặt Gil Bartlett, hẹn hò không tiện.
- Có lẽ không ai trong chúng ta sống thọ đến ngày ấy đâu - Lucy đang nói thì chuông điện thoại reo vang. Cô nhấc máy, lên tiếng rồi trao lại cho Gil Bartlett.
- Người ta gọi ông.
- Vâng - Bartlett đáp.
- Bác sĩ Bartlett phải không ạ? - Mọi người đều nghe rõ tiếng của một phụ nữ.
- Cứ nói.
- Tôi là Mise Rarson ở phòng Cấp Cứu, Xin chuyển lời của bác sĩ Glifford. Glifford là bác sĩ tập sự trưởng.
- Tiếp đi!
- Nếu có thể được, mời bác sĩ xuống giúp. Mới xảy ra một tai nạn giao thông trên xa lộ. Nhiều người bị thương nặng, có một ca chấn thương trầm trọng ở vùng ngực. Bác sĩ Glifford nhờ ông xem cho người này.
- Bảo anh ấy tôi sẽ xuống ngay – Bartlett gác máy - Xin lỗi Lucy, lúc nào phải nói cho xong câu chuyện này mới được - anh dừng lại ở nguỡng cửa: À, xin lỗi, tôi không sợ thất nghiệp đâu. Chừng nào người ta còn chế tạo ra xe to hơn và chạy nhanh hơn thì dân phẫu thuật còn có chỗ chen chân vào.
Bartlett đi ra. O’Donnell gật đầu thân mật với Lucy rồi bước ra theo. Còn lại một mình, Lucy tần ngần một lúc rồi nhấc máy điện thoại. Nghe thấy hiệu thính viên trả lời, cô nói:
- Làm ơn cho tôi gọi điện thoại đường dài - cô rút mảnh giấy - điện đàm cá nhân. Salem Oregon.
o O o
Len lỏi qua hành lang đông nghẹt người bằng sự khéo léo của nhiều năm trong nghề, Kent O’Donnell hấp tấp đi về phía phòng làm việc của mình trong bệnh viện. Ngày hôm nay bận tíu tít. Chưa đầy nửa tiếng đồng hồ nữa anh phải có mặt ở phòng mổ. Sau đó có phiên họp của ban chấp hành hội đồng thầy thuốc. Sau đó nữa là một loạt bệnh nhân ở phòng khám riêng ngoài bệnh viện. Thời gian biểu này có lẽ sẽ bắt anh bận rộn cho đến sẩm tối.
Trong lúc rảo bước, anh lại nghĩ đến Lucy Gringer. Mấy phút trước đây, được gặp lại và kề cận bên cô, anh lại nghĩ ngợi đến mối quan hệ giữa hai người. Lúc này những băn khoăn quen thuộc cố hữu lại tràn về: có lẽ mình với cô ấy có quá nhiều điểm chung nên khó mà ăn đời ở kiếp với nhau được.
Anh tự hỏi vì sao gần đây mình lại nghĩ đến.Lucy nhiều như thế. Có lẽ vì theo truyền thống, chớm ngoài bốn mươi là cái tuổi dừng chân của người đàn ông. Anh chợt cười thầm khi nhớ lại rằng những mảnh tình vụn vặt trước kia chẳng mấy khi đến với anh một cách tự nhiên. Hiện nay chỉ có một điểm khác, ấy là chúng đến với anh rời rạc hơn xưa.. Tất nhiên ở tuổi này anh đâm ra dè dặt hơn thời trai trẻ rất nhiều.
Từ Lucy ý nghĩ của anh bật sang Denise Quantz. Từ buổi gặp gỡ ở nhà Eustace Swayne và được nàng ngỏ lời mời đến thăm nhà, anh bắt đầu có ý muốn tham dự hội nghị phẫu thuật ở New York. Hội nghị sẽ khai mạc vào tuần tới. Nếu muốn gặp lại Denise Quantz, mình nên sắp xếp cho kịp.
Anh bước vào văn phòng. Đồng hồ treo phía trên bàn làm việc cho biết chỉ còn hai mươi phút nữa là ca mổ đầu tiên của anh bắt đầu. Anh nhấc máy điện thoại, tự phủ rằng nên làm ngay những việc mà mình đang nghĩ đến.
Anh nghe thấy hiệu thính viên nhờ tổng đài New York tìm số máy. Lát sau có tiếng chuông reo và tiếng lách cách, rồi tiếng ngư vang lên:
- Đây là nhà bà Denise Quantz.
- Có điện thoại đường dài gọi bà Denise Quantz - Hiệu thính viên Burlington nói.
- Bà Quantz hiện vắng nhà.
- Xin cho biết có thể liên lạc với bà ấy ở đâu?- Công ty điện thoai đang làm đúng bài bản nghiệp vụ.
- Bà Quantz đang ở thuộc bang Pennsylvania. Cô có cần số máy ở đó không?
- Vâng, cho tôi xin - Vẫn giọng nói của hiệu thính viên Burlington.
- Số máy: Hunter 6-0735.
- Cảm ơn New York - Có tiếng lách cách, tiếp theo là giọng nói của hiệu thính viên: - Xin hỏi người gọi, ông nhớ được số rồi chứ?
- Vâng, cảm ơn- O’Donnell nói rồi gác máy. Bàn tay của anh đã đặt lên trên cuốn niên giám điện thoại. Đúng như anh mong đợi, số máy của “Swayne, Eutasce R.” khớp với số máy vừa được thông báo.
Anh lại nhấc máy và quay số. Một giọng đàn ông vang lên trong ống nghe:
- Nhà riêng của ông Eustace Swayne đây!.
- Cho tôi nói chuyện với bà Quantz.
- Xin ông đợi một lát.
Một lúc sau:
- Mrs. Quantz đang nghe đây.
Cho đến lúc này, O’Donnell không còn nhớ giọng nói này đã quyến rũ anh như thế nào. Âm hưởng êm dịu, hơi khàn, dường như nhuộm màu duyên đáng cho cả nhữg lời đơn giản nhất.
- Không biết em còn nhớ chăng. Kent O’Donnell đây.
- Ồ, tất nhiên. Nghe tiếng anh em mừng quá.
Bỗng dưng anh hình dung ra bóng dáng nàng bên cạnh máy điện thoại, mái tóc huyền mềm mại buông xõa xuống bờ vai.
- Anh vừa điện tới New York và được người ta bảo cho số máy của em ở đây.
- Em mới bay đi tối hôm qua. Bố bị viêm phế quản. Có lẽ em sẽ ở lại với bố một hai hôm.
O’Donnell lịch sự hỏi:
- Mong rằng bệnh không nặng lắm phải không?
- Không đến nỗi nào.- Nàng bật cười - Bố có cái thể tạng của con la... và bướng bỉnh nữa.
Anh nghĩ thầm: có thể tin được điều ấy, và nói lớn:
- Anh định mời em đi ăn tối ở New York. Tuần sau anh có mặt ở đó.
- Anh vẫn có thể mời em được mà - Nàng đáp lời nhanh chóng và dứt khoát - Tuần sau em ở nhà rồi.
Anh buột miệng:
- Thì anh cũng đã đoán chừng như thế. Mấy ngày ở Burlington em có tối nào rảnh không?
Im lặng một lúc, nàng nói:
- Tối nay là duy nhất.
O’Donnell tính toán thật nhanh. Bảy giờ mới khám bệnh xong. Nếu không có gì thêm...
Dòng suy nghĩ của anh bị cắt ngang:
- Ồ, khoan đã. Em quên mất, bác sĩ Pearson hẹn ăn tối với bố. Có lẽ em phải ở nhà. Hay là anh đến góp mặt cho vui?
Anh cười thầm. Thấy mặt anh, chắc Joe Pearson sẽ ngạc nhiên lắm. Linh tính báo cho anh biết ý kiến ấy không chấp nhận được.
Anh đáp:
- Cảm ơn em, nhưng thiết tưởng chúng ta có thể hoãn sang ngày khác.
- Trời đất ơi.- Giọng nàng có vẻ thất vọng, nhưng lại bừng sáng ngay- Em có thể gặp anh sau bữa tối, nếu anh thấy tiện. Ăn xong thế nào bác sĩ Pearson với bố cũng sẽ làm một ván cờ. Lúc ấy mọi người nên tránh đi thì hơn.
Niềm vui bất chợt ùa đến với anh:
- Tuyệt quá. Chừng nào em đi được?
- Khoảng chín giờ rưỡi, em đoán thế.
- Anh đến đón em nhé?
- Ta gập nhau dưới phố cho đỡ mất thì giờ. Ở đâu hở anh?
Anf suy nghĩ một khoảnh khắc:
- Trước Tòa thị chính nhé?
- Vâng. Chín giờ rưỡi. Tạm biệt.
Gác máy điện thoại. O’Donnell cảm thấy một tâm trạng mong đợi lâng lâng. Anh liếc nhìn đồng hồ treo tường. Mau đến phòng mổ ngay kẻo trễ.
o O o
Ván cờ giữa Eustace Swayne với bác sĩ Pearson đã kéo dài bốn mươi phút đồng hồ. Hai ông cụ ngồi đối mặt với nhau ở chiếc bàn thấp bằng gỗ hồng đào cũng trong thư phòng lát gỗ sồi, nơi mà ba tuần trước O’Donnell và Swayne đã đấu khẩu với nhau. Trong phòng chỉ có hai bóng điện sáng – một bóng có tán che treo ngay bên bàn cờ và một bóng mờ kiểu Rococo châu Âu thế kỷ 18 tại ngưỡng cửa trổ ra hành lang.
Khuôn mặt của cả hai người mờ tối vì ánh điện từ trên cao rọi thẳng vào giữa bàn cờ. Chỉ khi nào một người nghiêng mignh về phía trước để đi một nước cờ thì nét mặt của họ mới rõ lên chốc lát nhờ ánh sáng tỏa rộng.
Lúc này cả hai người ngồi bất động. Sự yên lặng thẳm sâu của gian phòng như chiếc áo bào nhồi bông phủ xuống hai chiếc ghế bằng gỗ sồi có tay vịn kiểu Louis XV.
Eustace Swayne đã ngả lưng trên ghế. Nâng chiếc ly pha lê màu hồng chứa rượu mạnh giữa những ngón tay, ông quan sát cục diện bàn cờ hiện tại.
Nước cờ vừa đi là của bác sĩ Pearson. Mấy phút trước, ông nhẹ nhàng cất quân hậu trắng khỏi bàn cờ ngà voi trạm trổ công phu và tiến lên một ô vuông.
Lúc này Eustace Swayne đặt ly rượu mạnh xuống, nhón quân chốt bên cánh phải và tiến lên hai ô. Rồi để phá vỡ sự yên lặng, ông cất giọng khô khốc:
- Nghe nói lâu nay trong bệnh viện có thay đổi gì đó.
Khuôn mặt khuất ánh đèn, Joe Pearson chăm chú nhìn thế cờ. Suy nghĩ xong, ông nghiêng mình về phía trước đẩy quân chốt bện cánh trái lên một bước để chặn đường tiến của đối phương. Đến lúc ấy ông mới gừ lên, gọn lỏn:
- Có một vài.
Sự yên lặng êm đềm lại buông xuống, thời gian như ngừng trôi.Nhà tài phiệt già ngọ nguậy trên ghế:
- Ông có tán thành những thay đổi ấy chăng? - ông chồm về phía trước và đẩy quân tượng qua phải hai bước. Nửa cười cợt, ông nhìn sang cạnh bàn bên kia trong cái tranh tối tranh sáng của gian phòng, cử chỉ như muốn nói: “Có giỏi thì phá đường đóng này xem nào.”
Lần này Pearson trả lời trước khi đi cờ:
- Phần nào thôi.
Ông vẫn ngồi yên trong bóng tối tìm hiểu nước cờ thí quân của đối phương và cân nhắc các khả năng. Suy nghĩ xong, vẫn cầm quân cờ một cách nhẹ nhàng, ông đưa quân xe qua trái một ô vuông và kiểm soát một đường mở.
Eustace Swayne chờ đợi. Một phút trôi qua, rồi hai phút, ba phút. Cuối cùng, ông đưa tay nhặt quân xe, cũng đi một ô cờ vào nách con đường mở của đối phương. Rồi ông nói:
- Về tương lai trong bệnh viện, ông có một quyền phủ quyết trong tay.
- Ủa? Quyền phủ quyết gì? Câu hỏi ỡm ờ nhưng động tác đi kèm theo rất nhanh. Pearson nhấc quân mã hậu, đưa vút qua đầu các quân cờ và cho hạ xuống một ô vuông ở chính giữa.
Trong lúc quan sát bàn cờ, ước lượng thế mạnh của mình, Swayne nói:
- Tôi đã bảo với Orden Brown và bác sĩ trưởng của ông rằng tôi sẵn lòng đóng góp hai trăm năm chục nghìn đô la vào quỹ xây dựng. - Nói xong ông đưa quân vua tiến lên ô cờ bên cạnh quân mã nằm ở vị trí lợi hại của đối phương.
Im lặng rất lâu, cuối cùng nhà bệnh lý học đưa quân tượng lùi lại bắt một quân chốt của đối phương.
Ông nói khẽ:
- Chiếu! - Và rồi:- Món tiền lớn đấy chứ.
- Tôi có đặt một điều kiện - Swayne phòng thủ bằng cách đưa quân vua sang bên phải một ô - Số tiền ấy chỉ được trao đi nếu ông vẫn được toàn quyền điều hành khoa cho tới ngày nào tùy ý. Lần này Pearon không đi cờ. Ông tỏ vẻ trầm ngâm, đôi mắt xa vắng nhìn vào khoảng tối trên đầu người bạn, và rồi chỉ một câu đơn giản:
- Tôi rất cảm động. Đôi mắt ông trở lại với bàn cờ. Suy nghĩ một chút, ông nhấc quân mã tấn công quân vua đang bị thúc thủ.
Eustace Swayne chăm chú theo dõi nước cờ. Nhưng trước khi đi cờ, ông với tay lấy bình rượu và rót vào ly cho cả hai người.
Đặt bình rượu xuống, ông nói:
- Thế giới ấy là của lớp trẻ. Trước đến nay vẫn thế. Nhưng đôi lúc lớp già vẫn có quyền lực... và biết cách sử dụng nó.
Đôi mắt lóe sáng, ông cúi xuống nhón quân chốt trước mặt quân vua và bắt quân mã hung hăng của đối phương.
Pearson tư lự, hai ngón tay cái và trỏ xoa xoa lên cằm. Rồi ông chọn quân hậu, chạy xuống sáu ô cờ trên đường mở và bắt chốt đen bảo vệ vua.
- Tôi đã trình bày rõ.- Nhà tài phiệt đưa quân tượng của mình bắt quân tượng của đối phương trên cột mã vua số 5.
Chợt Joe Pearson cười khúc khích. Không biết ông vui vì ván cờ hay vì cuộc trò chuyện vừa qua. Nhưng ông ra tay rất nhanh, hoàng hậu trắng được dẫn đến bên cạnh vua đen.
- Chiếu bí. - ông nói khẽ.
Tuy bại trận đang lúc chẳng ngờ, Eutace Swayne vẫn chăm chú nhìn bằng ánh mắt khâm phục. Ông gật đầu như để khẳng định sự phán đoán của mình.
- Jos ông nói - Rõ quá rồi. Ông vẫn cừ như hồi nào đến giờ.
o O o
Tiếng nhạc ngưng lại. Các cặp nam nữ trên sàn nhảy đưa nhau trở lại bàn ngồi. Đây là một hộp đêm nhỏ bé nhưng thời thượng trong số ít những hộp đêm của thành phố Burlington.
- Anh đang nghĩ gì thế? - Denise Quantz hỏi. Nàng mỉm cười với Kent O’Donnell khi hai người ngồi đối mặt nhau ở chiếc bàn nhỏ mặt đen.
- Thật lòng anh đang nghĩ nếu được hưởng lại những giây phút này một lần nữa thì sung sướng biết bao.
Nàng nâng nhẹ ly rượu đang cầm trên tay. Đây là ly rượu ngọt thứ hai, chỉ còn lại một ngụm cuối cùng.
- Xin uống mừng vì chúng ta lại có thêm những suy nghĩ giống nhau.
- Chúc mừng - anh uống cạn ly rượu mạnh pha sôđa rồi ra hiệu cho bồi bàn tiếp lượt rượu mới cùng loại.
Nhạc lại nổi lên.
- Ta nhảy nghe em.
- Còn gì bằng – nàng đứng lên, hơi xoay về phía anh khi anh bước theo nàng ra sàn nhảy nhỏ mờ mờ ánh đèn. Anh mở rộng vòng tay và nàng khép vào anh. Hai người ôm sát nhau dập dìu theo tiếng nhạc. O’Donnell khiêu vũ không khá lắm, nghề thuốc dành cho anh quá ít thời giờ để quen với sàn nhảy. Nhưng Denise Quantz bắt nhịp được với mọi động tác của anh. Mấy phút trôi qua, anh cảm thấy bên mình thân thể cao gầy, mềm mại ngoan ngoãn đợi chờ nốt nhạc và nhịp bước của anh. Có lúc làn tóc nàng mơn nhẹ trên mặt anh mang theo mùi hương của lần đầu gặp gỡ hôm nào.
Ban nhạc năm người trình tấu nhẹ nhàng, kính đáo, phong cách phối khí được chăm chút cho phù hợp với khung cảnh âu yếm của gian phòng. Họ đang chơi một bản ba-lát quen thuộc của mấy năm về trước:
Hãy nhìn Kim tự tháp.
Bên sông Nile cuối trời.
Xem mặt trời lên khơi.
Trên đảo hoang góc biển,
Hãy nhớ, em yêu ơi
Mọi phút giây vĩnh viễn.
Em thuộc về anh.
o O o
Thoáng một lúc nào đó anh thấy mình bồng bềnh trong chân không, lâng lâng với thời gian vay mượn, xa rời tất cả, quên hẳn bệnh viện Three Counties với nhịp sống hàng ngày.
Nhạc dồn dập lên, anh cười thầm vì sự đa cảm của mình.
Trong lúc khiêu vũ anh hỏi:
- Em có thường đến đây không.- Burlington ấy mà?
- Không, thỉnh thoảng ghé thăm bố thôi. Thật lòng em không thích thành phố này - Nàng cười thành tiếng: - mong rằng em không xúc phạm đến lòng tự hào của người dân thành phố trong anh.
- Không đâu. Anh không câu nệ về bất cứ điều gì. Nhưng đây không phải là nơi em sinh ra sao? - Anh nói thêm - Denise, xin lỗi nếu anh quá tò mò.
- Tất nhiên. Ta đừng giữ kẽ với nhau, anh nhé - Nàng nhìn thẳng vào mặt anh và nhoẻn một nụ cười tươi: - Vâng, em sinh ra ở đây. Em đi học và sống ở nhà. Hồi ấy mẹ còn sống.
- Vậy thì tại sao hiện nay em ở New York?
- Có lẽ em trở thành người dân New York theo bản năng. Hơn nữa, chồng em ở New York và hiện nay vẫn thế - Đây là lần đầu tiên nàng nói đến đời sống hôn nhân của mình, giọng nói vẫn thoải mái, tự nhiên: - Sau khi ly thân, em vẫn không nghĩ đến chuyện bỏ nơi ấy mà đi. Không có thành phố nào sánh được với nó.
- Phải, đúng thế -Anh đang nghĩ đến vẻ đẹp của người phụ nữ này. Nàng có dáng vẻ ung dung và tự nhiên ít thấy nơi các cô gái trẻ tuổi hơn. Nhưng con người nàng không có điều gì che mờ nữ tính, mà trái lại là đàng khác. Lúc này đây, ôm nàng trong vòng tay, anh thấy thân thể nàng nhịp nhàng ép sát vào người mình, Kent O’Donnell thấy nàng dường như dạt dào ham muốn. Anh đoán chừng có lẽ nàng là người nhục cảm mãnh liệt.
Anh cố nghĩ sang chuyện khác. Lúc này chưa thể kết luận ngay một điều gì được. Anh ngắm lại y phục của nàng tối nay. Áo dạ hội sang trọng màu đỏ tươi may trễ vai, lượn sát thân người và chỉ khép kín hẳn từ dưới thắt lưng. Thoạt nhìn anh có ấn tượng ngay về một cái gì đó nổi bật, sang trọng và được chăm chút kỹ càng.
Lần đầu tiên trong buổi tối này, chiếc áo nhắc anh nhớ đến sự kiện Denise là một phụ nữ giàu có. Hai người đi đến Tòa thị chính hầu như cùng một lúc. Anh vừa kịp đậu xe và bước đến trước hộp đêm thì một chiếc Cadillac bóng lộn vừa tới, người tài xế mặc đồng phục, nhanh nhảu bước xuống mở cửa xe cho Denise. Sau khi chào anh, nàng quay lại với người lái xe đang đứng giữ ý tứ ở phía sau:
- Cảm ơn Tom. Anh không cần phải quay lại nữa đâu. Có lẽ bác sĩ O’Donnell đây sẽ đưa tôi về.
Người đàn ông lễ độ đáp:
- Cám ơn quý bà, rồi quay sang O’Donnell: - Xin chào ông - và đánh xe đi.
Tất nhiên nếu để tâm suy nghĩ O’Donnell hẳn đã nhận ra rằng ái nữ của Eustace Swayne chắc chắn sẽ là người thừa kế. Điều này anh không coi trọng cho lắm. Lợi tức của anh hiện nay quá đủ cho một cuộc sống thoải mái. Tuy nhiên một phụ nữ giàu có là điều mới lạ trong kinh nghiệm giao tiếp của anh. Một lần nữa anh lại thấy nảy ra so sánh giữa Denise với Lucy Grainger.
Ban nhạc dồn mạnh vừa phải để kết thúc loạt bài.
O’Donnell và Denise vỗ tay ngắn gọn rồi rời sàn nhảy. Anh khẽ nắm tay nàng dìu về chỗ cũ. Một người hầu bàn bước đến kéo ghế cho họ và tiếp rượu mà O’Donnell đã gọi ban nãy.
Nhấp một ngụm rượu ngọt, Denise nói:
= Chúng ta nói chuyện em nhiều rồi. Bây gìờ nói chuyện anh cho em nghe đi.
Anh rót thêm sôđa vào ly rượu mạnh của mình. Anh thích uống rượu mạnh pha loãng, điều mà hầu hết những người hầu bàn đều lấy làm khó chịu.
- Anh thì ngày nào cũng ngần ấy công việc, thế thôi.
- Em là người biết nghe chuyện lắm đấy anh Kent ạ. - Denise nói bằng nửa phần tâm trí mà thôi. Nửa kia đang suy nghĩ: “Đây đúng là một người đàn ông - hoàn toàn đàn ông”. Đôi mắt nàng ghi nhận dáng người vạm vỡ, bờ vai rộng và khuôn mặt rắn rỏi. Nàng tự hỏi không biết đêm nay anh có hôn mình không và điều gì có thể xảy ra tiếp theo đó. Có thể thấy chắc một điều là con người bác sĩ Kent O’Donnell hứa hẹn nhiều điều thú vị. O’Donnell kể cho nàng nghe về bệnh viện Three Counties, công việc của anh ở đó và những dự định tương lai. Nàng đặt nhiều cầu hỏi về quá khứ của anh, những điều anh cảm nhậnvà những người anh quen biết. Suốt thời gian đó nàng không ngớt cảm phục những cảm nghĩ sâu sắc trong mỗi lời anh nói.
Hai người lại khiêu vũ với nhau, người hầu bàn lại tiếp thêm rượu. Lại trở về bàn tâm sự, lại dìu nhau ra sàn nhảy, lại người hầu bàn... vòng quay cứ thế trở lại từ đầu. Denise kể cho anh nghe về cuộc hôn nhân của mình. Xảy ra mười tám năm về trước và kéo dài được tám năm. Chồng nàng là một luật sư liên đoàn, tất bật công việc ở New York. Họ có hai cháu gái sinh đôi, Alex và Philippe, vẫn ở với mẹ. Mấy tuần nữa là các cô tròn mười bảy tuổi.
- Chồng em là người thuần lý - nàng nói – chẳng có gì khó hiểu khi hai người không thể hòa hợp với nhau và cứ phải mất nhiều thời giờ mới đi đến được một kết luận rõ ràng.
- Lâu nay em có gặp anh ta không?
- Ồ, rất thường. Tại các buổi tiệc trong thành phố, thỉnh thoảng chúng em cùng đi ăn với nhau. Về một vài phương diện nào đó, Geoffrey rất dễ thương. Chắc chắn anh sẽ rất thích anh ấy.
Lúc này hai người đã nói năng cởi mở hơn. Không đợi yêu cầu, người hầu bàn tiếp nước ngọt cho họ. O’Donnell hỏi thăm chuyện ly hôn, có trở ngại gì không?
- Không - Nàng trả lời thành thật- Geoffrey sẵn lòng ly hôn nhưng nhất mực đòi em phải có chứng cứ. Anh biết đấy theo luật lệ New York, chứng cứ phải là chuyện ngoại tình. Cho đến nay em vẫn chưa định đến điều ấy.
- Thế chồng em không muốn tái giá hay sao?
Nàng tỏ vẻ ngạc nhiên - ấy à? Có lẽ không. Dù sao anh ta cũng đã kết hôn với luật pháp.
- Anh hiểu. Denise xoay xoay chân ly rượu:
- Geoffrey luôn cho rằng chiếc giườrg là nơi lý tưởng để nghiên cứu hồ sơ tòa án - Nàng nói nhỏ nhẹ và hết sức thân mật.
O’Donnell hiểu được phần nào lý do đưa cuộc hôn nhân đến chỗ tan vỡ và anh cảm thấy xúc động.
Người hầu bàn đến bên anh:
- Xin lỗi, sắp đến giờ đóng cửa. Quý ông có muốn gọi thêm thứ gì không ạ?
Ngạc nhiên, O’Donnell xem đồng hồ. Đã gần một giờ sáng. Họ đã ở bên nhau ba tiếng rưỡi đồng hồ, thế mà chỉ như thoáng qua thôi. Anh nhìn Denise. Nàng lắc đầu.
Anh nói với người hầu bàn:
- Không, cám ơn rồi trả tiền theo hóa đơn mà anh ta đưa ra.
Hai người uống cạn ly và chuẩn bị ra về. Người hầu bàn vui vẻ nói: "Kính chào" - khoản puộc-boa quá hậu hĩ. O’Donnell cảm thấy sảng khoái.
Ra tới gian ngoài, anh đứng lại chờ Denise trong khi người phục vụ tiến vào bãi đậu để lấy xe. Nàng bước ra bám lấy tay anh.
- Phải đi sớm quá. Em tiếc chúng ta không được uống ly rượu cuối cùng với nhau.
Anh do dự một lát rồi khẽ ướm thử:
-Nếu em muốn, ta có thể ghé lại chỗ anh. Anh có cả một tủ rượu đầy ắp sẵn sàng phục vụ.
Trong khoảnh khắc, anh sợ rằng mình vừa nói ra những lời thiếu khôn ngoan. Anh nhận ra đó là hành động bất ngờ, thiếu suy xét và cảm thấy ngạc nhiên xen lẫn áy náy. Nhưng tâm trạng ấy vụt biến mất. Nàng trả lời đơn giản:
- Tại sao chúng ta không làm như thế.
Chiếc xe Buick đã chờ sẵn bên ngoài. Các cánh cửa mở rộng và máy đang nổ đều. Anh lái xe cẩn thận và chậm hơn thường lệ vì biết mình đã uống khá nhiều rượu. Trời đêm oi ả nên kính che cửa sổ đều được quay xuống. Từ chỗ ngồi bên cạnh ở băng ghế trước lại thoảng qua anh làn hương êm đềm. Tới khu tập thể anh đậu xe trên đường và hai người vào thang máy.
Pha rượu xong, anh bước đến trao ly rượu ngọt cho Denise. Nàng đứng bên cửa sổ của phòng khách nhìn xuống những ánh đèn của thành phố Burlington. Dòng sông chảy qua thành phố cắt một vết hằn sâu đen tối giữa hai bờ.
Đứng bên nàng anh nói khẽ:
- Đã lâu anh không pha rượu ngọt, hy vọng không bị ngọt quá.
Nàng nhắp rượu rồi nói nhỏ nhẹ, giọng hơi khàn:
- Như tất cả một thứ nơi con người anh, Kent ạ, ly rượu này thật tuyệt vời.
Mắt họ gặp nhau. Anh đưa tay cất ly rượu khỏi tay nàng. Khi anh đặt chiếc ly xuống, nàng đến với anh nhẹ nhàng, êm ái. Hai người hôn nhau, vòng tay anh xiết chặt thân người nàng.
Bỗng dưng xoáy động và khẩn thiết chuông điện thoại réo vang trong gian phòng ở phía sau. Không thể nào làm ngơ được.
Denise nhẹ nhàng buông lơi.
- Anh yêu, nên vào nghe đi thôi - nàng hôn nhẹ lên trán anh.
Bước qua gian phòng, anh thấy nàng cầm lại ví tiền, khăn quàng vai và găng tay. Hẳn là buổi tối bên nhau đã hết. Gần như bực tức, anh nhấc máy điện thoại trả lời cộc lốc ròi lắng nghe. Cơn giận tan biến ngay. Người gọi là anh sinh viên thực tập trực đêm ở bênh viện. Một bệnh nhân của O’Donnell có những biến chứng xem ra rất nguy kịch.
- Anh hỏi nhanh mấy câu rồi nói:
- Được rồi tôi đến ngay. Trong khi chờ đợi hãy gọi sang ngân hàng máu và chuẩn bị truyền máu.
Anh gác máy và gọi người gác đêm đón tắc xi cho Denise.