Số lần đọc/download: 14619 / 74
Cập nhật: 2015-11-16 19:56:55 +0700
Hồi Thứ Mười Bốn - Phá Phiên Dinh Khương Vương Tị Nạn
N
ói về trong thành Mộc Dương vua Thái Tôn đang ngự, chúng văn quan võ bá đứng chầu, Thái Tôn phán hỏi Từ Mậu Công rằng:
- Tiên sinh chiêm quẻ thuở nay thiệt chẳng sai, sao quẻ hôm nay Trình vương huynh đi thỉnh binh cứu viện, tại cớ nào mà không linh nghiệm vậy?
Từ Mậu Công tâu rằng:
- Chẳng hay bệ hạ thấy duyên cớ chi mà đề chắc quẻ ấy không linh?
Thái Tôn phán rằng:
- Từ khi Trình vương huynh đi viện binh thì quân sư đoán giờ thìn ngày nay thì đến, vậy bây giờ đã qua giờ tuất mà không thấy cứu binh, sao quốc sư còn gọi rằng là không lãng quẻ? Số lương trong thành chỉ còn dùng trong năm ngày nữa thì hết, nếu cứu binh không đến, thì biết tính sao đây?
Từ Mậu Công tâu rằng:
- Xin bệ hạ chớ lo, vì tôi đoán quẻ chắc lắm, quả thiệt hồi giờ thìn có cứu binh đến bên thành.
Thái Tôn phán hỏi:
- Quốc sư nói cứu binh đã tới, sao chẳng thấy vào thành?
Từ Mậu Công nghe vua phán hỏi liền lần tay coi rồi tâu rằng:
- Hồi giờ thìn này có một viên tiểu tướng, phá Phiên binh vào cửa thành phía Nam, vì cửa thành không mở nên bị Phiên tướng phủ vây, thiệt tại duyên cớ ấy mà vào thành không đặng.
Thái Tôn nghe Mậu Công tâu bèn lóng tai nghe ngoài thành tiếng trống kêu vang như sấm, quân binh la ó dậy trời, thì trong lòng nổi giận phán rằng:
- Tần vương huynh! Vậy bữa nay nhằm phiên ai tuần thành đó?
Tần Thúc Bảo tâu rằng:
- Bữa nay đến phiên Ngân quốc công Tô Định Phương coi cửa, song chẳng biết vì cớ nào mà người không tấu cho bệ hạ hay?
Uất Trì Cung nghe rồi nổi giận tâu rằng:
- Tô Định Phương khi quân, chắc nó tư thông với giặc, nay nó mong làm phản vậy tôi xin đi bắt cho.
Uất Trì Cung tấu dứt lời liền thót ngựa giục ra thành Bắc.
Khi Uất Trì Cung đi rồi, Từ Mậu Công nói với Tần nguyên soái rằng:
- Tần tam ca mau đem binh ra thành đặng nội công ngoại kích, đánh trận đêm nay phá đặng trùng vây.
Tần Thúc Bảo vâng lệnh, truyền binh tướng khai thành, kẻ giáo người roi, còn tốp xách đèn cầm đuốc. Tần Thúc Bảo lên ngựa đi đầu, kế đến là bốn viên lão tướng: Mã Tam Bửu, Lưu Hồng Cơ, Ân Khai Sơn, Đoàn Chí Viễn và quân lính đều kéo ra bốn cửa thành.
Đây nói qua chúng Phiên tướng tránh đường cho Đồ Lư công chúa xông vào. Công chúa vào đứng kế bên Tô Xa Luân, giơ gươm hét lớn rằng:
- La Thông! Ngươi hãy coi cây gươm ta đó!
Công chúa hét dứt tiếng liền chặt cổ Tô Xa Luân, Tô Xa Luân không ngờ nên tránh chẳng kịp, lật đât né qua hét lớn rằng:
- Sao công chúa chém lầm vậy?
Tô Xa Luân dứt tiếng thì rụng hết một cánh tay, máu chảy dầm dề, kế nhào xuống ngựa. La Thông xem thấy mừng rỡ khôn cùng, giục ngựa lướt tới thưởng cho một thương, từ sau lưng thấu tới trước bụng. Khá thương một viên đại tướng, đã từng chinh chiến vang danh như sấm mà nay lại chết vô cơ như vầy. Chúng Phiên tướng trông thấy Tô nguyên soái rụng hết một cánh tay thì la lớn lên rằng:
- Công chúa nương nương làm phản rồi!
Công chúa nghe nói sảng hoàng, đứng sững buông gươm, mặt mày tái mét chẳng còn chút máu. Giây phút tĩnh tâm định thần, cúi xuống lượm gươm, rồi thót lên ngựa dông tuốt ra ngoài vòng binh. Lúc ấy La Thông đắc thế, sức mạnh bằng hai khi trước, hươi thương chém tướng giết binh chết thôi vô số.
Nhắc qua Uất Trì Cung là người lỗ mãng., khi giục ngựa chạy gần đến Bắc môn, la lớn lên rằng:
- Hãy bắt thằng phản tặc Tô Định Phương, chớ cho nó chạy thoát.
Tô Định Phương nghe nói thất kinh, trong lòng hồi hồi, day lại thấy Uất Trì Cung chạy tới lật đật truyền lệnh quân sĩ mở cửa thành và thả điếu kiều, rồi xách đao lên ngựa đào tẩu. Uất Trì xem thấy giận lắm nạt rằng:
- Bớ phản tặc! Thánh thượng chẳng hề bạc đãi nhà ngươi, sao mi dám tự lệnh khai thành, nếu Phiên binh kéo vào chắc thiên tử phải kinh hồn hoảng vía, ta đố mi chạy đâu cho khỏi?
Uất Trì Cung nạt dứt tiếng liền giục ngựa đuổi theo.
Khi Tô Định Phương chạy qua khỏi điếu kiều chợt gặp La Thông, La Thông thấy mặt giận lắm nạt rằng:
- Tô Định Phương! Ngươi muốn chạy đi đâu đó?
Tô Định Phương thất kinh chạy qua ngã khác, lại gặp Đồ Lư công chúa, kế thấy Uất Trì Cung la lớn rằng:
- Hãy bắt phản tặc Tô Định Phương cho mau!
Đồ Lư công chúa nghe nói rõ ràng, liền chận Tô Định Phương lại bắt sống, rồi giao cho La Thông, La Thông kêu Uất Trì Cung nói:
- Để tôi nhồi Tô tặc lên, đặng bác bắt trói nó lại.
La Thông nói dứt lời liền quăng Tô Định Phương lên, Uất Trì nắm đầu truyền quân trói lại, dẫn tuốt vào thành nạp cho thiên tử.
Nói về La Thông thấy Tần Thúc Bảo bèn thưa rằng:
- Tôi đã bắt được Tô tặc rồi, xin nguyên soái chớ theo nhọc sức.
Tần Thúc Bảo nói:
- Bổn soái vâng lệnh quân sư nên không dám trễ nãi, nội đêm nay phải đánh Phiên dinh một trận cho kịp ngày giờ.
Khi Uất Trì Cung dẫn Tô Định Phương vào đại điện quỳ xuống tâu rằng:
- Tôi đã nạp phản tặc Tô Định Phương.
Thái Tôn phán rằng:
- Khanh hãy đem buộc nó vào long trụ, rồi ra mà tiếp với nguyên soái, đặng dẹp trừ Phiên tặc.
Uất Trì Cung vâng chỉ đem trói Tô Định Phương vào long trụ rồi ra thành bắc hiệp sức cùng Tần nguyên soái. Tần Thúc bảo kêu La Thông nói:
- Bớ hiền điệt! Bác ra sức đoạt dinh, còn hiền điệt hãy lo tiếp ứng trong ngoài nha!
La Thông vâng lệnh giục ngựa chạy tới Phiên dinh, hễ thương đâm tới đâu quân giặc nhào lăn tới đó.
Nói về Đồ Lư công chúa, lúc nghe Tần nguyên soái đến đoạt dinh, liền giục ngựa chạy về, làm bộ la lớn rằng:
- Không xong! Không xong! Đường tướng quá mạnh, sao chúng bây còn chưa chạy bộ đợi chừng nào nữa?
Đồ Lư công chúa miệng thì la vang, hai tay múa song kiếm chém càn binh mã. Phiên binh lớp thì chết, lớp thì lo đạp nhau chạy lánh nạn, trong ấy cũng có một hai tên quân la:
- Công chúa phản rồi! Công chúa phản rồi!
Đồ Lư công chúa nghe tên quân nào nói mình phản thì chém đầu tức thì, vì vậy mà không còn ai dám nói nữa. Khi Đồ Lư công chúa vào đến ngự dinh thì làm bộ kinh hoảng tâu rằng:
- Con đã thám thính tỏ tường, nay Đường tướng kéo binh đến ngự dinh, vậy con và phụ thân hãy bảo giá chạy mau kẻo khốn.
Vua Khương Vương nghe tấu hồn vía lên mây, lật đật lên yên, Đồ Phong cũng thót lên ngựa. Lang Vương nói:
- Vương nhi phải hết lòng bảo giá cho trọn niềm cha chúa.
Nói rồi bèn bỏ ngự dinh cùng nhau chạy dông lên núi, thấy bụi đất bay mịt mù, còn đèn đuốc sáng rỡ tợ sao, trống vang như sấm, tiếng la ó dậy trời. Đồ Lư công chúa tuy hộ giá mà cứ lấy mắt láy La Thông, là cô ý bảo đuổi theo Phiên chúa. La Thông hiểu ý, bèn giục ngựa đuổi nà theo, Tần Thúc Bảo theo tiếp La Thông, đùa giết Phiên binh thôi vô số, thây nằm chật đất, máu chảy thành sông. Đồ Lư công chúa la lớn rằng:
- Đường bih đông quá, xin cha hãy rán mà chạy.
Công chúa la dứt tiếng rồi giả bộ hãi kinh, hươi song kiếm giết binh mình vô số. Cửa thành phía Đông thì có Bình quốc công Mã Tam Bửu, Định quốc công Đoàn Chí Viễn, hai viên lão tướng dẫn ba ngàn binh xông ra mà đánh giết binh Phiên vỡ tan, tiếng khóc than chẳng dứt, lại có ba vị quốc công là Ân Khai Sơn, Lưu Hồng Cơ và Vương Quân Khả kéo ra trợ lực, năm vị lão tướng ấy phò vua Đường đã lâu, lập đã nhiều công trận, nên đặng vua phong đến tước quốc công. Còn Uất Trì Cung cũng là tướng tài, theo tiếp chiến cùng La Thông, tay xách roi sắt mắt tre, giết binh Phiên thây nằm tợ núi.
Bây giờ nói qua Trình Giảo Kim ở ngoài giữ trại, nghe súng nổ vang tai thì biết trong thành đã đánh tan bốn dinh Phiên, lòng mừng khấp khởi, xách búa lên ngựa kêu chúng tướng dạy rằng:
- Chúng ngươi hãy ráng sức theo ta phá trùng vây.
Chúng tướng tuân lệnh nai nịt hẳn hòi, tay xách binh khí rạng ngời. Trình Giảo Kim đi trước, chúng tướng dẫn binh mã theo sau, lúc đến nơi áp tới chận đánh binh Phiên, khá thương cho Phiên binh, bị ở trong đánh ra, ở ngoài đánh vào, không biết đường nào mà trốn tránh, nội trong giây phút quân binh đều chết sạch. Tần nguyên soái thấy vua Phiên chạy xa rồi, liền truyền lệnh gióng chiêng thu quân về thành.
Nói về Xích Bích Bửu Khương Vương, nằm chết giấc trên yên ngựa, thừa tướng Đồ Phong và công chúa Đồ Lư kêu réo giây lâu mới tỉnh. Lang Vương ngồi dậy than thở hồi lâu xong rồi truyền đóng dinh ha trại, kiểm tra tàn binh thì thấy chẳng còn có bao nhiêu. Lang Vương vào ngự dinh nói với Đồ Lư công chúa rằng:
- May nhờ có vương nhi bảo giá ngăn đỡ tướng Đường, nếu không ắt cha bị nó giết thác, hay là bị nó bắt sống chớ chẳng không, miễn cha đặng còn hồn, sá chi mất nước.
Đồ Lư công chúa nghe nói thì cười thầm rằng:
- Thiệt hôn quân vô đạo, mình giết binh tướng gần hết mà không biết gì, lại còn cung tụng công lao.
Công chúa mới tâu rằng:
- Đường tướng tuy nhỏ mà đại tài nên con đánh chẳng lại, làm cho hao binh tổn tướng, đến đổi mình rồng phải kinh hãi nhiều phen, xin vua cha rộng lòng dung tội cho con, để ocn ra trại thu quân vào an ủi chúng nó.
Lang Vương nói:
- Lời con phân rất hữu lý.
Công chúa phụng chỉ xuất dinh, gióng chiêng lên nghe inh ỏi, tức thì những binh chạy lạc đều gom về hết thảy. Công chúa nói lớn rằng:
- Những binh tướng nào mạnh dạn can đảm thì ở lại đặng sai khiến, còn ai có bệnh hoạn muốn về xứ làm ăn thì ta cho phép lui ra hết.
Binh nhát gan đền lui về quê quán, duy còn binh tướng đơn cô mới tình nguyện ở lại, lúc trước quân binh tổng cộng là hai mươi lăm muôn, nay còn lại có năm ngàn mà thôi, song trong số năm ngàn ấy bị bệnh cũng nhiều, một trăm chiến tướng mà hôn nay chỉ còn ba chục viên, tướng nào cũng bị thương tích hết. Công chúa kiểm tra xong rồi bèn về tấu cho Lang Vương hay. Vua Khương Vương than rằng:
- Từ khi ta dựng cơ nghiệp đến nay không có trận nào đại bại như trận này, binh tướng hao tốn gần hết, nguyên soái lại tử trận rồi, nay còn chi mà xưng vương, chi bằng dâng hàng thơ đầu Đường phứt cho rảnh!
Thừa tướng Đồ Phong tâu rằng:
- Nếu Lang Vương tính đầu Đại Đường thì chớ khá diên trì, vì cũng nhờ phước lớn của bệ hạ mà binh Đường mới trở lại vậy, chúa tôi ta mau lên núi Hạ Lam, viết hàng thơ để sẵn, chờ binh Đường có kéo đến mà dâng chịu hàng, nếu chẳng tới thì thôi, chớ không lẽ ta hạ mình cho nhẹ thể, lại bị chúng nó khinh khi.
Vua Khương Vương phán rằng:
- Lời thừa tướng phân thiệt hay lắm!
Đồ thừa tướng cứ theo lời mình phân đó mà thi hành, còn công chúa Đồ Lư đêm ngày hằng mong tin nguyên soái La Thông chắc thế nào người cũng cậy mai đến nói. ( Vì tội gái mê dâm mà Xích Bích Bửu Khương Vương phải tan nhà mất nước )
Nói về vua Thái Tôn ngự điện, chúng quan văn võ đứng chầu hai bên. Trình Giảo Kim đứng ra tâu rằng:
- Từ tôi vâng lệnh về Trường An cứu giá, mắc nhiều ải cản ngăn nên hôm nay mới tới, xin bệ hạ rộng lòng mà tha tội trễ nãi.
Thái Tôn phán rằng:
- Vương huynh hãy đưng dậy, nhờ có vương huynh trổ tài mới ra khỏi trùng vây, về Trường An viện cứu binh, thiệt công lao ấy lớn biết chừng nào, chớ có tội chi mà phòng ngại.
Trình Giảo Kim tạ ơn đứng dậy, kế mấy vị công tử đồng lạy ra mắt, tâu rằng:
- Chúng tôi là: La Thông, Tần Hoài Ngọc, Trình Thiết Ngưu, Đoàn Lâm, Đằng Long, Thạch Giao, v.v…đem binh cứu giá chậm trễ, thiệt tội ấy đáng muôn thác.
Thái Tôn phán rằng:
- Các ngự điệt hãy đứng dậy, trẫm bị Phiên binh vây phủ, ngỡ là hết trông về trào đặng, may nhờ các ngự điệt tuổi nhỏ anh hùng, đem binh cứu giá, thiệt là công trận thứ nhất của triều đình đó, chớ có tội chi!
Mấy vị c6ng tử mừng rỡ, vui cười hớn hở đồng tâu rằng:
- Chúc bệ hạ sống lâu muôn tuổi!
Khi làm lễ xong rồi đứng dậy chầu hai bên, duy chỉ có một mình La Thông khóc lóc, nước mắt chảy như mưa, quỳ hoài không đứng dậy, Thái Tôn phán hỏi rằng:
- Chẳng hay vương nhi có điều chi oan ức mà khóc hoài vậy? Khá tâu cho quả nhơn rõ!
La Thông vừa khóc vừa tâu rằng:
- Tôi có viêc oan ức lắm xin vua cha suy xét. Khi tôi vừa lên ba cha tôi đã mất sớm, vì tôi còn nhỏ dại nên không hiểu trước sau. Nay vâng chiếu chỉ của bệ hạ, lãnh ấn soái đi cứu giá, lúc tới ải đầu là Bạch Lang quanm chẳng may gặp tướng trấn ải là Thiết Bối Ngân Nha, vẫn là tướng đại tài, đánh với tôi cầm đồng trọn ba ngày, tôi về trướng buồn bực chẳng an, vì bị nó ngăn cản đường cứu giá, phần tôi mê mệt tại đó ngủ quên, chiêm bao thấy ông nội và cha tôi về đứng trước mặt, mình mẩy vấy đầy những máu, mà quở tôi rằng: “Mầy là đứa súc sanh bất hiếu, cha ông mầy đều tận trung vì chúa mà phải chịu thác oan, sao mầy không lo báo cừu, lại ra sức phò vua bạc nghĩa?”.
Thái Tôn phán rằng:
- Sao vương nhi không hỏi thử, xem vua bạc nghĩa cớ chi?
La Thông tâu rằng:
- Tôi có hỏi thì cha tôi nói, cha phò bệ hạ, ngày kia rủi sa cơ thất thế mắc lầy, bị tay Tô Định Phương bắn nát mình mà chết, song bệ hạ chẳng thương công cha ra trận, mà lo báo oán trả cừu cho cha vui cười nơi chín suối, lại còn gia phong cừu nhơn làm đến chức quốc công, vợ con nó đều hưởng lộc triều đình, nếu hôm nay con ra sức phò tá Người, rủi có sa cơ như cha, thì khiến họ La này oan ức ba đời, không biết làm sao trả đặng. Cha tôi nói bấy nhiêu lời rồi bỏ đi tuốt, kế tôi giật mình tỉnh giấc mới hay Tô Định Phương là đứa cừu nhơn. Hôm qua một mình tôi đơn độc tới thành Nam, nhưng Tô Định Phương không chịu mở cửa lại nói gạt tôi qua thành Đông, rồi người sẽ mở cửa cho vào, chừng tôi qua tới người cũng thất tính, bảo tôi qua thành Bắc mới cho vào, tôi qua tới đó rồi cũng không cho vào nữa, người quyết hại cho tôi chết, nên ép tôi qua thành Tây, lúc ấy tôi có năn nỉ rằng: “Xin bác tưởng tình cho cháu vào kiến giá, vì đã đánh ba cửa giết hết năm viên chiến tướng, nên người đà hết sức, ngựa cũng hết gân”, thiệt tôi năn nỉ hết lời mà người làm ngặt không mở cửa thành, tôi túng quá phải bạo gan xông qua Tây thành, mới bị vây khổn như thế, may nhờ cây thương thuần thục không thôi tánh mạng không còn, nếu tôi rủi có sa cơ bỏ mạng chốn chiến trường, thời biết làm sao mà cứu giá, dầu tôi có thác cũng rạng danh trung nghĩa chẳng kêu nài sự ấy làm chi, ngặt một nỗi là không người cứu giá mà thôi, xin vua cha suy xét, coi Tô Định Phương lấy cừu riêng mà hại nước, thì tội lỗi là bao?
Thái Tôn nghe tấu, nổi trận lôi đình, vỗ án hét rằng:
- Cả gan cho Tô Định Phương! Trẫm chưa đem lòng bạc đãi, sao ngươi nỡ âm mưu hại triều đình, nếu vương nhi rủi có điều gì, thì cả thành ắt phải chết hết, thiệt tội ấy đáng chém cũng chưa vừa, vậy trẫm giao Tô Định Phương cho vương nhi, mặc tình vương nhi muốn giết cách nào thì giết. Rồi trẫm sẽ ra tế lễ thọ tội cùng La vương huynh.
La Thông nghe phán, trong bụng mừng lắm tâu rằng:
- Chúc bệ hạ sống lâu muôn tuổi!
La Thông lạy rồi tạ ơn đứng dậy, bước ra long trụ mở trói cho Tô Định Phương. Tô Định Phương nói:
- Thôi phen này chắc ta phải chết rồi, vì thù oán họ La lớn như biển.
Thái Tôn phán rằng:
- Vương nhi khoan giết đã, để dọn bàn cúng tế rồi sẽ hay.
Thái Tôn phán rồi truyền dọn hương đăng cùng trà quả sẵn sàng, La Thông lạy bốn lạy rồi rút gươm ra vái rằng:
- Xin vong linh ông cha hiện về mà chứng kiến, hôm nay bệ hạ cho con giết cừu nhơn mà tế, đặng báo oán trả thù xưa.
La Thông vái rồi liền mổ bụng Tô Định Phương, tức thì Định Phương ngả xuống máu tuôn lai láng, quân lính liền khiêng thây đem ném ra ngoài thành Bắc, cho diều tha quạ xé mà đền bồi tội lỗi của nó, còn tim gan La thông đựng trên dĩa để lên bàn hương án vái rằng:
- Xin âm linh ông cha về nhận lễ này, uống vài ba chung rượu cho vui, đặng siêu sanh nơi miền cực lạc.
La Thông vái rồi lạy thêm bốn lạy nữa, kế Thái tôn bước lại rót rượu tế rằng:
- Xin vong linh La vương huynh dùng ngự tửu này, thiệt trẫm cũng muốn làm lễ, song vua đâu có lẽ nào lạy tôi, nên trẫm mượn Tần vương huynh lạy thế cho trẫm.
Thái Tôn vái rồi day qua nói với Tần Thúc Bảo, Tần Thúc Bảo làm lễ xong rồi, kỳ dư bao nhiêu quần thần thảy đều làm lễ hết thảy, Thái Tôn truyền bày yến tiệc khao thưởng binh tướng.