Nguyên tác: Miền Hoang Tưởng
Số lần đọc/download: 0 / 33
Cập nhật: 2023-09-04 21:35:40 +0700
Chương 11
T
ôi đến nhà Minh. Anh hân hoan nắm chặt tay tôi.
- Vào đây uống trà. Mình cho xem cái này vui.
Tôi cười “cái này vui” là câu cửa miệng của anh. Tôi yêu mến “cái này vui” của anh. Hôm nào đến. Minh nói thế tức là anh có tranh mới vẽ. Từ hai năm nay, từ khi Minh lao vào việc vẽ tranh, anh say mê công việc sáng tạo đến mức điên cuồng. Của cải, thời gian, tâm lực của anh đều bị cuốn vào đó.
Vợ anh, một diễn viên kịch nói, đã bảo chồng:
- Em sống với anh không hợp nữa rồi.
- Sao thế? Minh ngạc nhiên.
- Anh hãy thành thật trả lời em: Anh thích những bức tranh quái đản kia, hay thích em hơn?
Minh ngẫm nghĩ rồi trả lời:
- Thích cả hai.
- Anh có thể bỏ những bức tranh kia không?
- Không!
- Anh có thể thiếu em được không?
- Không!
- Cho anh chọn: Hoặc là em, hoặc là những bức tranh quái đản kia.
- Em đặt anh vào một tình thế oái oăm. Sao lại phải lựa chọn? Anh đã nói với em, anh yêu cả hai. Em là cuộc sống bình thường của anh. Còn tranh là thế giới thứ hai. Em thử nghĩ, con người sẽ buồn tẻ biết bao khi không có thế giới thứ hai ấy. Có thể đó là những ảo mộng trong trẻo để anh trốn vào sau những giờ vật lộn áo cơm, sau những phút sống mệt mỏi, phức tạp…
- Anh cho rằng cuộc sống thực mệt mỏi ư? Thì anh hãy sống với những ảo mộng của anh. Còn em khác. Em thích sống cuộc sống thực. Ở nhà hát, em đã chán ngấy cái cuộc sống ảo mộng sân khấu, về nhà, em lại bị bao vây bởi những ảo mộng của anh. Cái gì kia? Bức tranh cô bé mầu xám nhạt ấy. À! “Chim ngủ trên tay bé nghèo”. Anh cho phép em nói thực nhé. Em sợ nó quá. Đêm nào con bé gầy guộc tóc xõa cũng thì thào với con chim sẻ, hết thì thào rồi lại khóc. Cái gì kia nữa? À bức tranh “Chú bé uống bia”. Thằng bé này chỉ câm lặng, nhưng anh xem, đôi mắt nó mới hãi hùng làm sao, nhất là khi tắt đèn và ánh trăng dọi vào. Mắt nó trắng, to và buồn đến phát khóc. Rồi lũ mèo, con chim trắng, những cô điên, lũ trẻ cuồng, đức Chúa Trời, Phật Thích ca, những con vượn, chú bé bơm xe… Ôi chao! Cái thế giới của anh hỗn độn, gớm ghiếc cứ bâu lấy quanh tôi. Tất cả đều thảm thương… Và phát ngấy. Tôi không ưa cái ấy.
Cô diễn viên dừng lại, giàn giụa nước mắt và vai rung lên. Minh lắp bắp.
- Kìa! Cho anh xin… Anh rất yêu em.
Người đàn bà cúi đầu xuống và thú nhận.
- Tôi cũng quý anh… và yêu anh nữa chứ… Nhưng còn niềm vui thì sao? Tôi thích niềm vui. Tôi van anh. Có lẽ tôi không chịu nổi được anh nữa rồi. Có thể anh điên… Còn tôi, tôi khỏe mạnh. Tôi xin anh. Hãy trả lại tự do cho tôi. Hãy để tôi đi khỏi nơi đây… Đi xa khỏi những bức tranh ma ám. Tôi thích tiếng cười, tôi thích một cuộc sống ấm cúng. Tôi thích ngày chủ nhật được dắt con đi chơi. Tôi thích tiếng hát, tôi không thích ưu tư… tôi chẳng thích lặng lẽ và buồn phiền.
Minh ngơ ngác đến lặng đi vì những lời thành thật của vợ. Phút chốc, anh bỗng hiểu thêm ra bao nhiêu điều bên ngoài lời nói của vợ. Anh cúi đầu xuống nhận tội. Anh hiểu rằng anh không có được quyền chia sẻ những hạnh phúc cùng với vợ. Nếu anh vẽ những bức tranh, số phận anh sẽ là như thế.
Vợ Minh xách va li ra đi. Đứa con gái nhỏ vừa đi bên mẹ, vừa quay lại nhìn anh và khóc. Anh lặng lẽ khuân vác đồ đạc cho vợ ra xe. Không một chút oán giận. Lúc chia tay, anh muốn bảo: “Bao giờ em thấy muốn quay về, thì em cứ trở về, đừng e ngại. Anh vẫn luôn chờ em”. Anh chưa nói thì vợ anh đã đoán được những ý nghĩ ấy. Cô ấy chào:
- Vĩnh biệt anh nhé!
Môi cô nở một nụ cười thương hại người đàn ông vừa đáng yêu vừa ngốc nghếch.
Ba tháng sau, vợ anh lấy chồng. Người chồng mới đi học nước ngoài về.
- Hôm nay, “cái này vui”.
Minh nói xong, vẻ bí mật, dẫn tôi đến bên cạnh một chiếc bàn con kê ở giữa buồng. Trên chiếc bàn không thấy trà hoặc rượu. Chỉ thấy một mảnh vải đen trùm lên một vật gì đó, có lẽ là chiếc lọ hoa. Minh tiếp tục lấy lại câu nói cửa miệng:
- Hôm nay, “cái này vui”.
Nhìn mặt tôi ngơ ngác, Minh cười:
- Cậu suốt ruột lắm hả? Cứ bình tĩnh. Mình sẽ cho xem. Không phải sơn dầu… Một loại hình nghệ thuật khác.
Nói xong Minh trang trọng, nhón hai ngón tay, nhấc tấm khăn đen lên. Trước mặt tôi là một pho tượng đá. Tôi ngạc nhiên:
- Cậu chuyển sang tượng?
- Tôi làm thợ đá.
Tôi lặng lẽ ngắm pho tượng cao chừng ba mươi phân bằng đá xanh. Đó là một con người mặc áo choàng dài, đầu đội một vòng hoa hay một vòng đinh, dáng nhân từ, buồn rầu nhìn vào nơi xa xăm. Tôi hỏi:
- Tượng Chúa?
- Hãy cứ xem đi. Nhưng anh cần xem bẵng những góc độ khác nhau. Tượng có khối, vì vậy ta có thể nhìn được từ nhiều phía.
Vừa nói Minh vừa xoay nhích pho tượng đi một chút. Tôi lặng yên ngắm kỹ. Trên những nét đá gồ ghề, một khuôn mặt khác hiện ra. Lạ chưa! Một khuôn mặt hung ác. Hai con mắt đá, thoáng thấy thì bình thường, nhưng càng nhìn kỹ càng thấy khiếp hãi. Minh lại tiếp tục nhích pho tượng thêm một góc nhỏ. Bộ mặt đá khác lại hiện ra. Một con người đang uống rượu thì phải. Bộ mặt vui cười và dâm đãng. Tiếp theo là một bộ mặt ưu phiền tư lự, tiếp theo nữa là bộ mặt nghiêm trang giả dối của một ông thấy tu đang trên giảng đài. Rồi nữa là bộ mặt xuất thần của một con người trong phút cực khoái…
Tôi sợ hãi, giụi mắt:
- Cái gì lạ lùng thế này? Chúa đâu có thế?
- Tôi đâu có bảo là chúa.
- Kìa! Nào là áo choàng tu sĩ! Nào vành gai đau khổ! Nào những lời cầu nguyện hiện lên trên đôi mắt đá! Chẳng Chúa là gì? Ừ, có lẽ không phải. Hay tôi mê? Hay thần kinh tôi mệt mỏi? Lạ thật!
- Anh không mệt, cũng không mê.
- Hay là… Anh đã cho tôi xem một pho tượng muôn mặt?
- Tùy anh cảm thấy với cục đá tượng.
Hưng đến…
Mùi rượu nồng nặc. Hưng ôm đầu, ngồi phịch xuống nền đá hoa, dựa lưng vào tường và nói bằng một giọng mệt mỏi.
- Vợ tôi ốm. Con tôi ốm. Cả nhà tôi ốm to rồi. Tôi cần có tiền. Rất cần tiền. Tôi cần các bạn cho tiền.
- Anh vừa lĩnh món tiền tuất…
- Được gần ba trăm… Giả nợ trăm rưỡi. Còn hơn trăm bạc, sắm sửa mấy bộ quần áo cho lũ trẻ rách tươm. Thế là xong.
- Nghe nói anh cho thằng em trưởng phòng của anh năm chục?
- Nói đến thằng ấy làm gì. Tôi cho nó, nhưng không bao giờ tôi thèm ngửa tay xin nó. Nó là một thằng yêu tiền, tôi không thể đến nó. Mà tôi tìm đến các anh.
Hưng nửa say nửa tỉnh, nửa chua cay, nửa hài hước. Không biết anh trách tôi, hay tự trách, hay trách một cái gì không tên mà anh rất muốn trách:
- Nào, những anh bạn hào phóng của tôi! Các anh sẽ cho tôi những gì nào? Những bức tranh đầy nghệ thuật cao cả kia anh có dám cho tôi không? Hay là anh cũng như thằng em của tôi?… Nó quý tiền, còn các anh thì quý tranh… À xin lỗi! Vừa rồi tôi nói dối các anh đấy. Tôi có đến ăn mày thằng em tôi. Nó nói thế nào các anh có biết không? Nó bảo: “Lỗi tại anh. Tại sao anh lại chỉ giao du với bọn nghệ sĩ ngu ngốc, đầy ảo tưởng? Tại sao anh không lăn vào cuộc sống mà kiếm sống? Anh sai to rồi. Cần phải thực tế hơn”. Nó nói có đúng không? Hỡi anh họa sĩ keo kiệt kia! Có phải anh quý bức tranh máu thịt của anh hơn là một thằng bạn đang đói tiền?… Vợ tôi ốm, ốm to rồi. Người ta bảo cô ấy bị thần kinh. Hừ! Cái bệnh quái quỷ! Tại tôi ư? Tại sao tôi lại để cho cô ấy quần quật ngày này qua ngày khác? Tại sao khi người ta báo tin con tôi chết, cô ấy khóc lóc cáu kính, tôi lại quát tháo cô ta, đẩy cô ta vào nỗi đau khổ thêm? Cô ta không thèm ăn uống bốn ngày liền. Ừ, trước kia, cô ta khỏe mạnh biết bao! Lấy tôi hai chục năm nay. Cô ta đã kiệt sức, nay chỉ còn da bọc cái xương… Minh ơi? Mày có biết không? Cô ấy sắp chết…
Minh im lặng, ngồi thu mình trong chiếc ghế bành cà khổ, nghe lời độc thoại cáu kỉnh, lời than vãn của người bạn hầu như đang trong cơn mê sảng. Hơi thở của Hưng nồng nặc mùi rượu. Con người ít rượu ấy hôm nay say rượu. Minh run run trả lời:
- Ở đây tất cả là của anh. Anh lấy gì tôi cũng bằng lòng. Ngay cả cái thân tôi, nếu làm được gì được cho anh…
Hưng quì trước pho tượng đá muôn mặt và khóc rưng rức như trẻ thơ:
- Lạy Chúa! Chúa hãy thương tôi.
Ở góc nhìn của Hưng, có lẽ anh thấy tảng đá tượng mang hình bóng Chúa. Còn ở góc độ của tôi tôi lại trông thấy pho tượng mang khuôn mặt một con người lạnh lùng và nghiêm khắc đang nhìn anh… Tôi rùng mình, lặng lẽ lủi thủi rút ra khỏi cái cảnh bi đát của hai người bạn…
Tôi tìm về nhà Hưng để thăm người đàn bà đã có lần nguýt tôi. Bực bội với tôi. Tôi đến thăm người đàn bà nhường cơm cho tôi khi tôi đói. Tôi đến thăm người mẹ đáng kính trọng đã cả đời chỉ nghĩ đến con, hy sinh cho con.
Chị Hưng đang vật vã trên giường, miệng nói mê sảng:
- …Cả đời con tôi chưa bao giờ được mặc một chiếc quần đẹp. Nó chỉ mặc quần áo thải, quần áo chữa lại của bố nó, chú nó, hay đẹp nhất là chiếc quần ka ki. Còn tôi chỉ ao ước một chiếc quần simili. Hùng ơi! quần của con đây! Simili của con đây! Con hãy về.
Đang mê sảng, chị bỗng thét nấc lên. Tôi bỗng giật nẩy mình… Đúng rồi! Tiếng con vượn mẹ mất con, hú đêm ở rừng Tây Bắc nghe cũng như vậy… Ba đứa con của chị, hình như không để ý đến tôi vào, chúng cùng ngồi cúi đầu bên mẹ, cùng khóc.
Tự nhiên, tôi thấy mình bối rối, lạc lõng. Tôi rất sợ tiếng khóc trẻ con. Cũng như lúc đến… tôi lủi thủi lặng lẽ rút khỏi nhà Hưng như một kẻ mất hồn, không cất lên nổi một lời…
Ừ, mình phải làm gì bây giờ? Mình sẽ giúp Hưng cái gì đây? Gia tài riêng, mình chỉ có mấy bộ quần áo sờn… Và mình đi kiếm việc… đi ăn nhờ hàng tuần. Một xu dính túi không có, anh hòng giúp ai? À! Mình còn có cây đàn, chiếc pianô cũ kỹ nhưng quý phái trưởng giả, người bạn đường, công cụ làm nhạc, niềm hy vọng của đời mình. Đó là món hành lý giúp mình làm công việc mê say hoang tưởng. Mình sẽ bán nó. À, có một lần nào đó Hưng đã nói đùa: “Tình bạn thực ra cũng chỉ có mức độ… ví dụ như cậu chẳng hạn… Cậu có dám cho mình cái đàn ấy không? Chắc là không! Mình chả trách nếu cậu không cho mình. Mà mình cũng chẳng nhận nếu cậu muốn cho mình. Mình đưa ý kiến ấy ra cốt chỉ để chứng minh tính giới hạn của những tình cảm ở đời. “Những thằng nghèo hay lý luận lẩm cẩm như vậy”. Tự nhiên, tôi thấy thẹn với mình. Quả đúng như Hưng nói, nếu bán cây đàn, thực là điều xót xa cho tôi. Ôi! Tôi bần tiện thế đấy. Tôi còn đắn đo cân nhắc giữa sự khốn nguy của bạn và sự từ bỏ một của cải của riêng tôi.
Tôi đi như thằng say trên đường Hà Nội. Đầu óc bồn chồn nặng trĩu, chẳng muốn nghĩ gì, bởi vì nghĩ dến điều gì cũng chỉ thấy những điều không muốn nghĩ. Không hiểu sao hình bóng Ngà lại hiện ra, và con vượn mất con thì cứ hú liên hồi trong óc tôi. Tiếng hú khắc khoải… Mỗi lần tiếng hú nổi dậy, tôi lại phải ngồi xuống vệ đường hai tay ôm chặt lấy cái đầu nóng bỏng.
Sao tôi thèm gặp một người quen lúc này? Gặp một thằng bạn phất phơ, một thằng bạn đểu giả cũng được. Chỉ cần gặp một con người để hắn nói vài câu nhăng nhít, vài câu chuyện tầm phào để lấp đi một lỗ hổng, để qua đi một giây phút bồn chồn, cứ tưởng như sắp lên một cơn thần kinh. Mà có lẽ tôi mắc chứng tâm thần cũng nên. Tôi như kẻ mê tín cầu khẩn một người bạn xuất hiện lúc này. Nói thế thôi, chứ thực ra tôi không muốn gặp loại bạn nhăng nhít. Mấy lần trước trong những cơn tinh thần còn nhẹ hơn lúc này, gặp loại bạn ấy, tôi chỉ thấy lòng mình nhức nhối thêm. Cần một người bạn thực sự, một người bạn biết nghe mình. Có thể anh ta giễu cợt ta nhưng thương ta, có thể hai thằng sẽ chẳng nói gì với nhau một lời và chỉ thủng thỉnh đi bên nhau, thế cũng đã. Gặp ai bây giờ nhỉ? Minh! Có lẽ gặp Minh là tốt nhất.
Nghĩ vậy, tôi rảo bước về phía nhà Minh. Chợt có tiếng gọi hồ hởi:
- Đi đâu vậy? Chào anh “phó thường dân”.
Tôi quay lại và thở phào vì may mắn. Ngọ đã đến bên tôi. Ừ, đúng gặp Ngọ bây giờ là phải nhất. Tôi chợt mừng quýnh vui sướng: Sao tôi lại chẳng nghĩ ra? Chính Ngọ mới là người có thể giúp đỡ tôi lúc này. Ngọ cười:
- Mấy hôm nay thấy nhớ cậu quá. Tìm mãi chẳng thấy. Đi ẩn ở đâu? Chỉ lo cậu bị ốm nằm bẹp ở cái xó xỉnh nào. Thôi! Xin mời ngài ra quán bia Cổ Tân. Anh vỗ tay vào túi. Hôm nay có tiền, khỏi phải bưng bia.
Hai đứa ngồi trầm ngâm trước những cốc bia trong vắt, vàng chanh nhạt, sủi bọt trắng ngon lành. Tôi thì thầm vào tai Ngọ:
- Mình cần bán chiếc piano.
- Bán đàn?
- Mình rất cần tiền.
- Khoảng bao nhiêu?
- Khoảng một hai trăm.
- Rất cần à?
- Rất!
- Nếu chỉ khoảng hơn trăm bạc thôi, thì tôi khuyên bạn chớ bán đàn. Bởi vì bán thì không bao giờ bạn có thể sắm lại, dù chỉ là chiếc đàn đồng nát.
- Nhưng làm cách nào để có tiền?
- Tôi sẽ mách bạn.
- Cách nào?
Ngọ bỗng cười:
- Một cách trong sạch nhất!
Rồi bằng một cái giọng bông hơn, Ngọ nói:
- …Nhưng… bọn cậu phải giũ sạch, à… vứt bỏ những thành kiến cổ hủ trong đầu. Cần phải theo đúng như người Tầu xưa đã nói: “Cái gì có lợi cho nhà vua, cái đó là nhân nghĩa”.
- Lại Hàn Phi Tử! Tôi giật thót. Mình không thể theo ông ấy. Dứt khoát con người không thể tàn nhẫn ấy. Những âm thanh kỳ dị, mà mấy hôm trước đây đã bật ra từ ngón tay tôi, ở nhà anh Trần, lại bật dậy trong ký ức.
Tôi sợ hãi chúng. Tôi muốn chôn vùi kỷ niệm đầy ấn tượng ấy thật sâu vào lớp bụi thời gian. Hàn phi Tử? Sao Ngọ lại cứ nhắc đến nhà triết học pháp gia tàn nhẫn ấy? Những câu nói của ông ta. Ngọ chép lại tôi đọc cứ thấy rợn tóc gáy:
… “Bậc minh chủ quí cái thực có cái vô dụng, không nói nhân nghĩa…”
… “Nếu lập luật pháp để dạy dân nhưng lại còn quý văn học thì lòng dân tuy theo nhưng còn ngờ vực…”
… “Chấm dứt văn học đó là cái lợi của nhà vua”.
… “Nước lớn muốn chiếm nước nhỏ thì hãy đem của cải đến cho nước nhỏ…”
… “Trong nước ai muốn vua chết? Hoàng tử muốn vua chết, Hoàng tử mới được lên ngôi. Hoàng hậu cũng muốn vua chết. Tể tướng cũng muốn vua chết. Bởi vì lúc đó Hoàng hậu và tể tướng mói được nắm quyền binh trong tay…”
Chao ôi! Toàn những chuyện tranh giành quyền binh, cướp bóc chém giết lẫn nhau, cá lớn nuốt cá bé, con giết cha, vợ giết chồng. Người ta trắng trợn khuyên bỏ nhân nghĩa, bỏ văn hóa và đi tìm quyền lực.
Ngọ cười:
- Tôi đâu muốn nhắc đến cái chính trị của Hàn Phi. Tôi chỉ muốn đãi tìm cái hạt nhân thực dụng của ông ta đem vào đời sống. Nhưng mà thôi, hãy quên đi cái trò lý luận lẩm cẩm. Quán bia không phải chỗ bàn chuyện Hàn Phi. Nào trước tiên ta hãy chạm cốc đã. Tôi cười cùng Ngọ rồi ngẩng cổ uống một hơi dài. Bia mát rượi làm lòng tôi dịu đi. Tôi đưa mắt nhìn những bạn bia chung quanh. Lại trông thấy cụ nhà văn Hoàng Liên Sơn, ngồi một mình dưới gốc cây. Chợt nhớ lại bữa bia đám cưới… Và cháu Lê say…
Tôi phàn nàn với họ về chuyện cháu Lê:
- Sau đêm liên hoan tôi chuẩn bị tiễn chân đi nước ngoài, cháu Lê bỏ nhà ra đi cháu lên gặp khu đội xin được đi nhập ngũ. Lẽ dĩ nhiên người ta không thể cho cháu đi bộ đội ngay vì chưa đến đợt tuyển quân, và vì còn phải có nhiều thủ tục giấy tờ. Cũng từ hôm ấy Lê biến mất. Anh chị Trần tôi đi tìm nhưng không thấy…
Ngọ trầm ngâm:
- Ngày hôm sau, Lê đã tìm gặp tôi kể hết chuyện. Tôi hỏi: “tại sao em bỏ không đi nước ngoài?”. Cậu ta tư lự: “Thú thật em xấu hổ… và còn lương tâm nữa chứ”. Tôi lại hỏi tiếp: “Em đã xác định rõ mục đích của đời mình chưa?” Lê lắc đầu: “Em cũng chưa nghĩ đến điều đó”.”Vậy tại sao em định vào bộ đội?” Cậu ta nói nhỏ: “Em tức ông bố nên cố ý trái lời ông”. Cậu ta im lặng. Tôi hiểu cậu thanh niên đó không muốn nói những lời to tát, không muốn phô bày những tình cảm tốt đẹp mà cậu ta giấu kỹ trong lòng. Người như cháu anh quý đấy. Ý thức về sự trong sạch không phải dễ mà có.
Tôi tần ngần:
- Hiện nay nó ở đâu?
- Tôi cũng không biết.
Thấy vẻ lo ngại của tôi, Ngọ an ủi:
- Anh không lo. Lê tuy ít tuổi nhưng đã có bản lĩnh. Anh cứ tin ở tôi… nó không hư hỏng đâu. Có thể bây giờ cậu ta đang đi kiếm ăn ở nơi nào đó. Cách đây mấy hôm khi chia tay, tôi bảo: “Lê nên về nhà. Không cần thiết phải bi kịch hóa đời sống mình đi”. Lê trả lời: “Em sẽ đi lao động tự kiếm sống ít lâu, trong khi đó em cần suy nghĩ thêm”.
Chúng tôi xoay quanh câu chuyện trở lại vấn đề ban đầu: tìm cách kiếm tiền. Tôi bảo Ngọ:
- Anh nên giúp tôi ngay số tiền đó không thể chậm trễ.
- Tôi cũng đang cần tiền. Tiền đối với tôi bây giờ cũng cấp bách. Anh nên nhớ, Lan của tôi bây giờ cũng là “phó thường dân”. Gia đình Lan đã từ bỏ cô ấy. Hiện nay tôi gửi Lan ở nhà người bạn. Lan đã bỏ học để đan, thêu kiếm sống. Lan có nghị lực nhưng lúc nào mặt cũng rầu rầu. Cứ trông thấy mặt Lan là lòng tôi nhoi nhói. Lan hi sinh vì tôi quá nhiều. Lan bảo: “Muốn nghèo thế nào, khổ thế nào cũng được nhưng chúng mình phải có một cái nhà, phải có một gia đình thực sự do tay chúng mình tạo ra”. Cô ấy tính đi buôn. Một người bạn gái định dìu dắt Lan đi chợ cua, ốc. Chúng tôi đã có nguồn mua và nơi tiêu thụ. Điều khó khăn bây giờ là chưa có vốn. Nhưng nhất định chúng tôi sẽ có vốn. Anh Tư ạ, tôi với anh sẽ đi kiếm tiền.
Ngọ uống cạn cốc bia, cốc đầy anh uống một hơi, anh uống cả cặn, uống đến giọt cuối cùng.
Nhìn Ngọ nét mặt hưng phấn, tôi lại nghĩ đến Lan – cô sinh viên y khoa ấy định trở thành cô bán hàng cua, hàng ốc thực ư? Sao bây giờ con người nghĩ ra lắm sáng kiến kỳ quặc thế. Con người hiện đại thật giàu trí tưởng tượng. Tôi chợt cười thầm: ngày nay thần thánh chết hết rồi. Thế kỷ ta sống là thế kỷ tốc độ và đảo lộn. Vậy thì một cô sinh viên đi bán cua ốc có gì đáng lạ?