Số lần đọc/download: 4349 / 254
Cập nhật: 2016-06-04 04:53:49 +0700
Chương 14
1
3 tháng Sáu – Tôi đọc ghi âm những dòng này trong tình trạng cực kỳ căng thẳng về cảm xúc. Tôi vừa bỏ ngang tất cả. Tôi đang trên chuyến máy bay trở lại New York một mình, và tôi không biết mình sẽ làm gì khi đến nơi.
Trước hết, tôi phải thừa nhận rằng tôi luôn kính sợ cái hình ảnh một hội thảo quốc tế, nơi các nhà khoa học và học giả gặp gỡ nhau để trao đổi các ý tưởng. Tôi nghĩ rằng đây là nơi chỉ dành cho những việc như thế. Nơi đây phải khác hẳn so với những cuộc thảo luận vô thưởng vô phạt ở trường đại học, bởi vì những người đến đây đều là cao thủ hàng đầu trong nghiên cứu và giáo dục tâm lý học, là những giáo sư viết sách và giảng dạy, là những tác giả mà mỗi câu nói đều được người đời trích dẫn. Nếu Nemur và Strauss là những người bình thường làm những việc quá khả năng của họ, tôi vẫn tin chắc rằng nhờ những người khác, hội nghị này sẽ khác.
Đến giờ hội thảo, Nemur dẫn chúng tôi đi qua khu vực hành lang mênh mông với những món đồ trần thiết nặng nề hoa mỹ kiểu Baroque và những cầu thang uốn lượn bằng cẩm thạch to lớn, và chúng tôi bước đi trong vô số những cái bắt tay, gật đầu chào, và nụ cười. Hai giáo sư khác của Beekman vừa mới đến Chicago sáng nay nhập bọn với chúng tôi. Giáo sư White và giáo sư Clinger bước cách một chút sang phải, sau Nemur và Strauss một hai bước gì đó, còn Burt và tôi đi ngoài cùng.
Mọi người rẽ ra nhường đường cho chúng tôi đi vào đại sảnh, và Nemur vẫy tay chào đám phóng viên và nhiếp ảnh lần đầu tiên nghe tin về kỳ tích được thực hiện với một người lớn thiểu năng trong có hơn ba tháng.
Play
Current Time 0:01
/
Duration Time 0:01
Remaining Time -0:00
Loaded: 0%
Progress: 0%
0:01
Fullscreen
00:00
Mute
Rõ ràng là Nemur đã công bố rộng rãi điều này từ trước.
Người ta gửi đến hội nghị một vài tài liệu tâm lý học khá ấn tượng. Một nhóm nghiên cứu ở Alaska chứng minh việc kích thích một số bộ phận trong não khiến cho khả năng học hỏi phát triển mạnh thế nào, còn một nhóm ở New Zealand thì xác định được những khu vực trong não có chức năng kiểm soát nhận thức và lưu giữ kích thích tố.
Ngoài ra còn có nhiều bài báo khác nữa – nghiên cứu của P. T. Zellerman về sự khác biệt trong độ dài thời gian cần thiết để chuột bạch nhớ được một mê cung khi các góc rẽ có hình vòng cung chứ không phải thẳng góc, hay bài báo của Worfel về ảnh hưởng của mức độ thông minh đối với thời gian phản xạ của khỉ nâu. Những tài liệu như thế khiến tôi phát điên lên. Người ta lãng phí tiền bạc, thời gian và công sức vào việc phân tích chi tiết những thứ tầm phào. Burt đã đúng khi khen Nemur và Strauss dành tâm huyết cho những việc quan trọng tuy không chắc chắn chứ không phải là những việc vô nghĩa mà an toàn.
Giá mà Nemur coi tôi như con người.
Sau khi ông chủ tịch tuyên bố đến lượt thuyết trình của đại học Beekman, chúng tôi ngồi sau một cái bàn dài trên sân khấu – Algernon ở trong lồng, giữa tôi và Burt. Chúng tôi là tâm điểm chú ý của đêm hôm nay, và khi chúng tôi ổn định vị trí, ông chủ tịch bắt đầu giới thiệu. Tôi đã phần nào chờ đợi cảnh phải chịu đựng ông ta oang oang: Kính thưa quấyyyyyy vậyyyyyy. Hãy đến đây và xem cuộc trình diễn này! Một cảnh tượng chưa bao giờ xuất hiện trong giới khoa học. Một con chuột và một kẻ thiểu năng trở thành thiên tài ngay trước mắt quý vị!
Tôi công nhận mình đến đây với tâm trạng dễ cáu bẳn.
Nhưng ông ta chỉ nói: “Thực sự thì bài thuyết trình sau đây không cần phải giới thiệu. Chúng ta ở đây ai cũng đều dã nghe nói về một công trình kỳ diệu được thực hiện tại Đại học Beekman do Quỹ Welberg tài trợ, dưới sự chỉ đạo của giáo sư Nemur, chủ nhiệm khoa tâm lý học, với sự hợp tác của bác sĩ Strauss ở Trung tâm Bệnh viện tâm lý Thần kinh Beekman. Không cần phải nói, đây là bản báo cáo mà tất cả chúng ta đều đang háo hức trông đợi. Tôi xin nhường lời cho giáo sư Nemur và bác sĩ Strauss.”
Nemur lịch thiệp gật đầu đáp lễ trước lời khen mang tính giới thiệu của ông chủ tịch và nháy mắt với Strauss về thắng lợi trước mắt.
Người đầu tiên của Beekman phát biểu là giáo sư Clinger.
Tôi phát cáu lên, và tôi thấy rằng Algernon đang chạy vòng quanh cái lồng một cách lo lắng, nó đang khó chịu với khói thuốc, với tiếng nói chuyện rì rầm, và với khung cảnh lạ lẫm xung quanh. Tôi có cảm giác, một cảm giác thật lạ lùng, thôi thúc tôi phải mở lồng thả nó ra. Một ý nghĩ thật vô lý – đúng hơn là khao khát chứ không phải ý nghĩ – và tôi cố gắng gạt nó qua một bên. Nhưng khi nghe bản báo cáo rập khuôn của giáo sư Clinger về “Ảnh hưởng của hộp mục tiêu tay trái trong mê cung chữ T so với hộp mục tiêu tay phải trong mê cung chữ T”, tôi thấy mình đang nghịch cái chốt khóa lồng của Algernon.
Một lát nữa thôi (trước khi Strauss và Nemur tiết lộ về thành tựu hoàn chỉnh của họ), Burt sẽ đọc tài liệu mô tả về quy trình cũng như kết quả các bài kiểm tra trí tuệ về khả năng học hỏi mà anh ta lập riêng cho Algernon. Sau đó sẽ là màn minh họa bằng cách cho Algernon tìm cách giải quyết rắc rối để lấy được thức ăn (đây là điều mà tôi vẫn ghét cho đến tận bây giờ!)
Tôi chẳng có gì chống lại Burt cả. Anh ta luôn thẳng thắn với tôi – thẳng thắn hơn nhiều so với hầu hết mọi người – nhưng khi mô tả việc cho con chuột bạch trí thông minh, anh ta cũng phô trương và giả tạo như người khác. Cứ như anh ta đang mặc thử áo của các ông thầy mình vậy. Đấy là thời điểm tôi kìm mình lại vì tình bạn với Burt chứ không phải vì bất cứ điều gì khác. Thả Algernon ra khỏi lồng sẽ khiến cho hội nghị thành một đống hỗn loạn, và sau tất cả những việc này là bước đầu tiên của Burt vào con đường thăng tiến học thuật trong cuộc đua chuột.
Tôi đặt ngón tay lên cái lẫy mở cửa lồng, và khi Algernon quan sát cử động của tay tôi bằng đôi mắt hồng, tôi tin chắc rằng nó biết tôi đang nghĩ gì trong đầu. Đúng lúc đó thì Burt cầm chiếc lồng lên để minh họa. Anh ta giải thích về sự phức tạp của cái khóa đổi chiều, và việc đòi hỏi phải có cách giải quyết bài toán cho mỗi lần mở khóa. (Các chốt bằng nhựa mỏng rơi xuống theo các mẫu khác nhau và phải do con chuột kiểm soát bằng cách đè một loạt đòn bẩy theo đúng thứ tự.) Khi trí khôn của Algernon tăng lên, tốc độ giải quyết vấn đề của nó cũng tăng theo – nhiều đến mức có thể thấy rõ. Nhưng sau đó Burt tiết lộ một vấn đề mà từ trước đến giờ tôi chưa từng biết tới.
Khi đạt tới đỉnh cao thông minh, các phản ứng của Algernon trở nên khác hẳn nhau. Theo báo cáo của Burt, có những lần Algernon không chịu làm gì cả mặc dù rõ ràng là nó đang đói – và nhiều lần khác nó vẫn mở khóa nhưng thay vì nhận thức ăn thì nó lại lao vào vách lồng để tự làm đau mình.
Khi có một khán giả nào đó hỏi Burt rằng anh ta có nghĩ hành vi thất thường này là do trí thông minh tăng lên hay không, Burt né tránh. “Theo như tôi được biết thì không có đủ bằng chứng để đưa ra kết luận như thế. Còn có nhiều khả năng khác nữa. Có thể cả việc trí thông minh tăng lên lẫn hành vi bất thường ở cấp độ này đều do cuộc phẫu thuật ban đầu gây ra, chứ không phải là yếu tố này gây ra yếu tố kia. Cũng có thể hành vi bất thường chỉ xảy ra duy nhất ở Algernon. Chúng tôi không tìm thấy trên bất cứ con chuột nào khác, nhưng cũng không có con nào đạt được mức thông minh cao hay duy trì được lâu như Algernon.”
Ngay lập tức, tôi nhận ra rằng mình đã không được cho biết thông tin này. Tôi nghi ngờ lý do nêu trên, và tôi rất cáu, nhưng cơn giận đó chẳng thấm vào đâu so với cơn giận khi họ mang ra các cuộn phim.
Tôi không hề biết rằng những thể hiện ban đầu của tôi và những bài kiểm tra trong phòng thí nghiệm lại được quay phim. Tôi ở kia, chỗ chiếc bàn bên cạnh Burt, bối rối há miệng ra khi tìm cách chạy trong mê cung bằng bút điện. Mỗi lần bị điện giật, tôi lại trố mắt nhìn một cách ngớ ngẩn và sau đó lại mỉm cười ngờ ngệch. Mỗi lần như thế là một lần khán giả cười rộ lên. Cuộc đua này nối tiếp cuộc đua khác, hành động này lặp đi lặp lại và càng lúc càng buồn cười hơn.
Tôi tự nhủ họ không phải là những kẻ hiếu kỳ ngu ngốc mà là những nhà khoa học đang đi tìm kiến thức. Họ không thể không cảm thấy buồn cười trước những hình ảnh này – nhưng khi Burt hứng chí lên và đưa ra những lời bình luận chọc cười thì tôi thực sự cảm thấy bị tổn thương. Sẽ còn buồn cười hơn nữa khi được chứng kiến cảnh Algernon thoát ra khỏi lồng, được chứng kiến tất cả lũ người này chạy khắp nơi và bò lăn bò toài ra để bắt lại một thiên tài nhỏ bé màu trắng chạy vụt đi.
Nhưng tôi kiềm chế được, và khi Strauss bước lên bục thì cơn giận của tôi cũng trôi qua.
Strauss trình bày về lý thuyết và các kỹ thuật phẫu thuật thần kinh, mô tả chi tiết các cuộc nghiên cứu trước đây trong vấn đề xác định trung tâm kiểm soát hormone đã tạo điều kiện cho anh ta cô lập và kích thích các trung tâm đó như thế nào, đồng thời loại bỏ phần vỏ não sản sinh ra chất ức chế hormone ra so. Anh ta giải thích về lý thuyết phong tỏa enzyme, sau đó mô tả điều kiện sức khỏe của tôi trước và sau khi phẫu thuật. Các bức ảnh (tôi không biết là họ có chụp ảnh) được mọi người chuyền tay nhau và bình luận, và tôi có thể nhận thấy qua những cái gật đầu và mỉm cười là hầu hết mọi người đều nhất trí với anh ta về việc từ môt “gương mặt ngây ngô, ngớ ngẩn” đã biến thành một “con người thông minh, lanh lợi”. Anh ta còn bàn chi tiết về các khía cạnh thích hợp của những buổi điều trị - đặc biệt là về việc tôi thay đổi thái độ về việc liên tưởng tự do trên sofa.
Tôi đến đây là để tham gia vào buổi tường trình khoa học, và tôi hy vọng sẽ có cơ hội được thể hiện, nhưng người ta cứ nói về tôi như thể tôi là một vật gì đó mới được tạo ra mà người ta đang cho ra mắt giới khoa học. Trong căn phòng này chẳng có ai coi tôi như một con người thực thụ. Việc liên tục gọi hai cái tên “Algernon và Charlie” và “Charlie và Algernon” cạnh nhau cho thấy rõ ràng họ coi chúng tôi như một đôi động vật thí nghiệm không tồn tại bên ngoài phòng thí nghiệm. Nhưng ngoài cơn giận ra, tôi còn bị ám ảnh rằng có một điều gì đó không hay đang xảy ra.
Cuối cùng, đến lượt Nemur phát biểu – để tổng kết mọi vấn đề lại với tư cách là trưởng dự án – thu hút sự chú ý của mọi người vào tác giả của một công trình thử nghiệm xuất sắc. Đây là ngày mà ông ta vẫn hằng mong đợi bấy lâu nay.
Ông ta trông thật ấn tượng khi đứng trên sân khấu, và khi ông ta diễn thuyết, tôi thấy mình cũng đang gật đầu theo, đồng ý với ông ta những điều mà tôi biết là có thật. Các cuộc kiểm tra, thử nghiệm, phẫu thuật, và quá trình phát triển trí tuệ sau đó của tôi đều được mô tả tỉ mỉ, và bài diễn thuyết của ông ta trở nên sinh động hơn nhờ những trích đoạn sự tiến bộ của tôi. Không ít lần tôi nghe ông ta đọc những thông tin riêng tư hoặc ngớ ngẩn cho khán giả. Ơn Chúa là tôi đã cẩn thận giữ lại hầu hết thông tin về chuyện của mình với Alice trong hồ sơ riêng.
Sau đó, cũng trong bản tóm tắt này, ông ta nói: “Chúng tôi, những người thực hiện dự án này tại Đại học Beekman, cảm thấy hài lòng khi biết mình đã khắc phục được những sai lầm của tạo hóa và sử dụng chính kỹ thuật của mình để tạo ra một con người ưu việt. Khi đến với chúng tôi. Charlie không giao tiếp với ai, đơn độc trong thành phố lớn, không bạn bè hay người thân chăm sóc, không được trang bị đủ trí tuệ để sống một cuộc sống bình thường. Không quá khứ, không mối liên hệ với hiện tại, không chút hy vọng cho tương lai. Có thể nói rằng Charlie Gorgon không hề thực sự tồn tại trước khi diễn ra cuộc thử nghiệm này…”
Tôi không hiểu sao mình lại giận điên lên khi bọn họ nghĩ tôi là một thứ vừa mới được sáng tạo ra trong kho báu riêng của họ, nhưng đây là – tôi chắc chắn – sự lặp lại của ý tưởng đã vang vọng trong đầu óc tôi từ lúc chúng tôi đến Chicago. Tôi muốn đứng dậy và cho mọi người thấy ông ta là một lão ngu, để hét vào mặt ông ta: Tôi là một người – có cha có mẹ, ký ức và quá khứ - và tôi đã là thế trước khi ông đẩy tôi vào phòng phẫu thuật.
Trong lúc lửa giận bừng bừng như thế, tôi vẫn nhìn xuyên suốt vào vấn đề khiến tôi bối rối khi Strauss lên tiếng và một lần nữa khi Nemur mở rộng dữ liệu. Họ đã phạm sai lầm – tất nhiên! Việc đánh giá thống kê về thời gian chờ đợi cần thiết nhằm chứng minh xem những biến đổi đó có lâu bền hay không chỉ dựa vào những thử nghiệm ban đầu trong lĩnh vực phát triển trí tuệ và học hỏi, vào các khoảng thời gian chờ đợi đối với trường hợp trí thông minh của đối tượng nghiên cứu tăng lên gấp hai, ba lần.
Các kết luận mà Nemur nêu ra chưa đủ độ chín. Đối với cả tôi lẫn Algernon, người ta cần phải có nhiều thời gian hơn để kiểm tra xem thay đổi này có bền vững hay không. Hai ông giáo sư đã phạm sai lầm, và không ai nhận ra điều đó. Tôi muốn nhảy lên nói với họ, nhưng tôi không thể nào nhúc nhích được. Giống như Algernon, tôi thấy mình đang đứng sau lưới sắt của cái lồng họ dựng lên quanh tôi.
Bây giờ sắp đến phần đặt câu hỏi, và trước khi được phép ăn tối, tôi sẽ bị yêu cầu phải biễu diễn trước đám đông đáng kính này. Không. Tôi phải thoát ra khỏi đây.
“… Một mặt, anh ấy là kết quả của ngành thử nghiệm tâm lý học hiện đại. Anh ấy, từ chỗ với vẻ ngoài thiểu năng trí tuệ, một gánh nặng làm xã hội phải lo lắng về hành vi vô trách nhiệm của mình, chúng ta đã thấy một người đầy phẩm cách và nhạy cảm, sẵn sàng thực hiện vai trò thành viên đóng góp cho xã hội. Xin mời mọi người lắng nghe một vài lời của Charlie Gordon…”
Đồ khốn nạn. Ông ta không biết là ông ta đang nói điều gì. Đúng lúc đó, cảm giác thôi thúc lại xâm chiếm lấy tôi. Tôi miên man quan sát trong lúc tay di chuyển không theo ý muốn của bản thân nhằm kéo cái chốt trên lồng Algernon. Khi tôi mở ra, nó ngước lên nhìn tôi và ngừng lại. Sau đó nó quay lại, phóng vụt ra khỏi lồng và chạy qua cái bàn dài.
Ban đầu, nó bị lạc giữa tấm vải trải bàn damask, một màu mờ mờ trắng phủ chồng lên nhau, cho đến khi một người phụ nữ ngồi ở chiếc bàn đó hét lên và nhảy dựng dậy làm đổ chiếc ghế dựa ra phía sau. Phía trước bà mấy cái bình nước đổ lung tung, và rồi Burt kêu: “Algernon sổng rồi!” Algernon từ trên bàn nhảy xuống sân khấu, sau đó xuống sàn hội trường.
“Bắt lấy nó! Bắt lấy nó!” Nemur rít lên trong lúc đám đông khán giả, mỗi người một mục đích, trở thành một mớ hỗn độn những chân với tay. Một vài phụ nữ (không phải dân làm thí nghiệm?) cố gắng đứng trên những chiếc ghế gập chông chênh, trong lúc những người khác lại làm chúng đổ nhào vì muốn dồn Algernon vào một góc.
“Đóng hết cửa hậu lại!” Burt hét lên khi nhận thấy Algernon đủ thông minh để chạy về hướng đó.
“Chạy đi,” tôi nghe thấy mình hét lên. “Cửa hông!”
“Nó chạy ra phía cửa hông,” ai đó lặp lại.
“Bắt lấy nó! Bắt lấy nó!” Giọng Nemur rền rĩ.
Đám đông túa ra khỏi đại sảnh và đổ vào hành lang, trong khi Algernon nhảy nhót dọc theo hành lang trải thảm thẫm màu, dẫn đầu đoàn đuổi bắt náo nhiệt. Dưới những chiếc bàn thời Louis XIV, quanh những cây cọ lốm đốm, ngược lên cầu thang, vòng quanh góc nhà, bổ xuống cầu thang, vào hành lang chính, tiếp nhận thêm vài người nữa trên đường di chuyển. Xem mọi người chạy ngược chạy xuôi khắp hành lang đuổi theo một con chuột bạch thông minh hơn nhiều người trong số đó là trò vui nhất lâu lắm mới xảy ra một lần.
“Tiếp tục đi, cứ cười đi!” Nemur thở phì phì, suýt thì đâm bổ vào tôi. “Nhưng nếu không tìm thấy nó thì toàn bộ cuộc thử nghiệm sẽ hỏng bét đấy.”
Tôi giả vờ như đang tìm Algernon dưới một cái giỏ rác. “Ông biết không? Ông vừa phạm một sai lầm. Và sau ngày hôm nay, có lẽ điều đó sẽ không còn quan trọng nữa.”
Mấy giây sau, một đám phụ nữ vừa chạy ra khỏi phòng vệ sinh vừa hét toáng lên, váy quấn chặt lấy chân.
“Nó ở trong đấy,” ai đó hét lên. Nhưng mất một lúc, đám đông chững lại bên dòng chữ viết trên tường – Nữ. Tôi là người đầu tiên bước qua ranh giới vô hình và bước vào cánh cổng thiêng liêng.
Algernon đứng vắt vẻo trên một cái bồn rửa mặt, ngắm nghía hình phản chiếu của mình trong gương.
Tôi nói: “Đến đây nào. Chúng ta sẽ cùng nhau ra khỏi đây.”
Nó để tôi nhấc nó lên và đặt vào túi áo khoác. “Ở yên đây cho đến khi tao bảo mới thôi nhé.”
Những người khác đến, chen lấn nhau qua mấy cánh cửa tự động – trông tội lỗi cứ như họ mong chờ được nhìn thấy chị em khỏa thân đang la hét trong đó. Tôi bước ra ngoài trong lúc họ lục soát phòng vệ sinh, và tôi nghe thấy giọng Burt: “Có một cái lỗ trên ống thông gió. Có lẽ nó trèo lên đấy.”
Strauss nói: “Kiểm tra xem nó dẫn đi đâu.”
Nemur nói, vẫy gọi Strauss: “Anh lên tầng hai, còn tôi sẽ xuống tầng hầm.”
Tại thời điểm này, họ đổ xô ra khỏi phòng vệ sinh nữ và chia nhỏ lực lượng ra. Tôi đi theo nhóm của Strauss lên tầng hai trong lúc mọi người cố gắng tìm hiểu xem ống thông gió dẫn tới đâu. Khi Strauss cùng với White và đám tùy tùng rẽ phải vào hành lang B, tôi rẽ trái vào hành lang C và đi thang máy về phòng mình.
Tôi đóng cửa lại và vỗ nhẹ vào túi áo. Một cái mũi màu hồng cùng đám lông trắng thò ra, nhìn quanh. Tôi nói: “Tao sẽ thu xếp đồ đạc, và chúng ta sẽ cất cánh – chỉ tao với mày thôi – một cặp thiên tài nhân tạo chạy trốn.”
Tôi nhờ người trực tầng đưa mấy túi đồ và chiếc máy ghi âm ra xe taxi đang chờ sẵn, thanh toán tiền khách sạn và bước ra khỏi cánh cửa xoay cùng với đối tượng của cuộc săn tìm đang nép mình trong túi áo khoác tôi. Tôi sử dụng vé khứ hồi bay về New York.
Thay vì quay trở lại nhà mình, tôi dự định sẽ trọ tại khách sạn nào đấy trong thành phố một vài đêm. Chúng tôi sẽ sử dụng chỗ đó như căn cứ chiến dịch trong lúc tôi đi tìm một căn hộ có đồ đạc tại trung tâm thành phố. Tôi muốn ở gần quảng trường Thời Đại.
Nói hết những chuyện này ra khiến tôi cảm thấy thoải mái hơn nhiều – mặc dù có vẻ ngớ ngẩn một chút. Thực sự tôi không biết tại sao mình lại thấy khó chịu đến vậy, hay mình đang làm gì trên chuyến máy bay trở lại New York với Algernon trong chiếc hộp đựng giày giấu dưới ghế ngồi. Chẳng việc gì tôi phải sợ cả. Sai lầm đó đâu hẳn đồng nghĩa với một điều gì đó nghiêm trọng. Chẳng qua những điều đó không chắc chắn như Nemur vẫn hằng tin thôi. Nhưng tôi đi đâu bây giờ?
Trước hết, tôi phải gặp cha mẹ đã. Càng sớm càng tốt.
Biết đâu tôi lại không có nhiều thời gian như tôi nghĩ…