Sự khác biệt giữa người thành công và những người khác không nằm ở chỗ thiếu sức mạnh, thiếu kiến thức, mà là ở chỗ thiếu ý chí.

Vince Lambardi

 
 
 
 
 
Tác giả: Maurice Leblanc
Thể loại: Trinh Thám
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Dang Quy
Số chương: 14
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1604 / 26
Cập nhật: 2017-05-09 22:27:08 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
XIV -Nguồn Nước Jouvence
ảnh tượng thật kỳ lạ! Phía dưới họ, trong một trường đấu trũng sâu, nước đã rút. Trên toàn bộ không gian kéo dài giới hạn một vách đá, trải ra những tàn tích của những công trình kỷ niệm và nhiều đền đài hãy còn đứng vững, nhưng những chiếc cột đã cụt ngắn, những bậc lên xuống xộc xệch, những hàng trụ vây quanh, tản mát, không mái, không gờ, không đường lượn. Một rừng cây cụt ngọn do sét đánh tuy có những cây chết khô nhưng ở đấy vẫn còn giữ được vẻ thanh cao và nét đẹp của sức sống hừng hực. Ở xa kia con đường La Mã vươn lên trước, con đường Khải hoàn, dọc hai bên có những bức tượng đổ nát, con đường luồn giữa những ngôi đền đối xứng và chạy qua những cột trụ của những vòm cuốn sụt đổ, rồi dốc lên phía bờ, tận cái hang đã diễn ra những buổi lễ hiến sinh.
Mọi thứ đều ẩm ướt, loang loáng; từng chỗ mới được khoác những mảng bùn hay phủ bằng một lớp hóa thạch và nhũ thạch làm cho nặng thêm với những mảnh cẩm thạch hay những mảnh vàng long lanh dưới ánh mặt trời. Bên trái và bên phải là hai dải hàng dài ánh bạc ngoằn nghèo uốn khúc. Đấy là những thác nước đã đổ xuống và chảy thông suốt.
"Quảng trường Forum! - Raoul thốt lên. Anh còn hơi xanh nhưng giọng nói thì lộ vẻ xúc động - Quảng trường Forum... Gần như cùng những kích thước và cùng cách bố trí. Những trang giấy của vị hầu tước già có một bản vẽ mặt bằng và những lời giải thích mà tối hôm qua anh đã nghiên cứu. Thị trấn Juvains xưa kia nằm dưới hồ lớn. Phía dưới hồ là cái nhà tắm nước khoáng nóng và các ngôi đền thờ các thần Sức Khỏe và Sức Mạnh. Tất cả bố trí quanh Thánh đường Tuổi Trẻ mà em nhìn thấy hàng cột tròn đấy.
Anh đỡ ngang người Aurélie. Hai người xuống con đường thần thánh. Những tấm lát lớn trơn trượt dưới chân họ. Rêu xanh và cây thủy sinh xen kẽ với những bãi đá cuội nhỏ. Ở đấy, đôi khi người ta thấy những đồng tiền. Raoul nhặt được hai đồng. Chúng mang hình Constantin dập nổi.
Nhưng họ đã đến trước lâu đài nhỏ đã hiến dâng thần Tuổi Trẻ. Những thứ còn lại ở đây rất đẹp để cho sức tưởng tượng có thể nghĩ đến việc khôi phục: một cái đỉnh tròn hài hòa, cao hơn vài bậc lên xuống với một cái bể, trên đấy nổi lên một bồn phun nước được bốn đứa trẻ rộng vai, má phình đỡ bên dưới, và bức tượng thần Tuổi Trẻ phải được nổi hẳn lên. Người ta chỉ còn thấy được hai bức tượng rất đẹp về hình thức và vẻ duyên dáng đang nhúng chân xuống bồn nơi bốn đứa trẻ ngày xưa phun các tia nước vào đấy.
Những ống lớn bằng chì, xưa kia có lẽ được giấu kín nay đã lộ ra từ một nơi của vách đá có nước chảy ngầm trong ấy, đã trồi lên trong bể. Đầu mút của một trong hai ống ấy có một cái vòi mới được gắn vào. Raoul vặn vòi, nước tia ra, ấm và có một tí hơi.
Anh nói:
- Nước Jouvence. Đây là thứ nước đựng trong chai lấy ở đầu giường của ông ngoại em mà trên nhãn có ghi công thức.
Suốt hai giờ liền họ đi dạo trong thành phố kỳ ảo. Aurélie đã tìm lại được những ấn tượng ngày xưa đá tắt ngấm trong nơi sâu kín nhất của cô bỗng dưng sống lại. Cô đã trông thấy những bình đựng di cốt ấy và tượng nữ thần cụt tay ấy, rồi con đường lát đá không đều ấy và cái vòm cuốn ấy phủ đầy cỏ dại rung rinh và biết bao sự vật làm cho cô run lên một niềm vui sâu lắng. Cô nói:
- Anh yêu dấu của em! Anh yêu dấu của em! Chính anh đã mang lại cho em toàn bộ hạnh phúc này. Không có anh thì em chỉ phải chịu cảnh nguy khốn mà thôi. Nhưng ở gần anh thì tất cả đều đẹp đều tuyệt vời. Em yêu anh.
Đến mười giờ, chuông của Clermont - Ferrand lại vang lên tiếng nhạc lễ. Aurélie và Raoul đã đến lối vào hẻm vực. Hai thác nước chảy vào đấy, chạy bên phải và chạy bên trái của con đường Khải hoàn và biến vào trong bốn cửa van khổng lồ.
Cuộc viếng thăm kỳ diệu kết thúc. Như Raoul đã nhắc lại những gì đã giấu kín trong nhiều thế kỷ chưa hiện ra trước mắt mọi người. Chắc là không ai được ngắm nhìn nó trước giờ mà cô gái sẽ là chủ nhân thừa hưởng.
Vậy là anh đóng các van tháo nước và từ từ quay tay quay của cống ngăn để mở các cánh cửa mỗi lúc một rộng nhanh. Ngay lập tức nước tích tụ trong khoảng không gian thu hẹp, hồ nước lớn chảy tràn thành một làn nước rộng và hai thác nước phun mạnh ra ngoài vỉa đá của nó. Vậy là họ lại trở về con đường mòn mà Raoul đã xuống tối hôm trước cùng hai tên cướp và dừng lại giữa chừng. Họ thấy làn nước chảy nhanh dâng lên hồ nhỏ vòng quanh chân móng của những ngôi đền và nhanh chóng đổ vào nguồn nước kỳ diệu.
- Đúng, kỳ diệu - Raoul nói - Đấy là từ mà ông hầu tước già đã dùng. Ngoài những nguyên tố của nước Royat, theo ông nó còn chứa đựng những yếu tố của sức mạnh và quyền lực, thực sự tạo nên một nguồn nước của tuổi thanh xuân, những nguyên tố xuất phát từ tính phóng xạ hết sức kinh ngạc tỏa ra và được đánh giá bằng con số millicuri theo thuật ngữ chuyên môn hoàn toàn khó tin. Những người La Mã giàu có của thế kỷ thứ ba, thứ tư đã đến nhúng chân vào nguồn nước ấy. Đấy là quan thái thú cuối cùng của tỉnh Gô Loa, sau cái chết của Théodose và sự sụp đổ của đế chế đã muốn che giấu những con mắt của kẻ xâm lược dã man và che chở không cho chúng xâm phạm đến những kỳ quan của Juvains. Trong những kỳ quan khác có một câu ghi chép bí mật làm căn cứ cho những điều vừa nói trên:
“Vì ý muốn của quan thái thú Fabius Aralla và để ngừa trước những bọn người Scythes và người Borusse, nước của hồ đã che giấu các thần mà ta yêu quí và những ngôi đền nơi ta tôn thờ".
Vượt lên trên tất cả, mười lăm thế kỷ! Mười lăm thế kỷ trôi qua, những kỳ quan bằng đá và cẩm thạch đã bị phân hủy... Mười lăm thế kỷ, có thể hàng trăm thế kỷ nữa tiếp theo mà sự tiêu vong của một dĩ vãng vẻ vang sẽ qua đi, nếu ông ngoại của em đi dạo trong vùng đất bỏ hoang của người bạn già Talencay không tình cờ phát hiện ra cơ cấu của cống ngăn nước. Ngay sau đấy hai người bạn tìm kiếm, mò mẫm, quan sát, nghiên cứu. Người ta tu sửa, phục hồi. Người ta làm cho những cánh cửa cũ bằng gỗ súc ngày xưa duy trì mực nước của hồ nhỏ và làm ngập những bộ phận cao nhất của công trình kiến trúc nay hoạt động trở lại.
"Đấy là toàn bộ câu chuyện, Aurélie ạ và đấy là toàn bộ những gì mà em đã đi xem khi còn ở tuổi lên sáu. Ông của em chết, ông hầu tước không rời khỏi đất đai ở Juvains của ông nữa. Ông đã dùng cả thể xác lẫn tinh thần vào việc làm sống lại cái thành phố vô hình. Với sự giúp đỡ của hai người chăn dê, ông đã đào bới, khui tìm, dọn sạch, củng cố, khôi phục lại những gì của quá khứ và đấy là món quà tặng của ông cho em. Món quà tuyệt diệu không chỉ mang đến cho em của cải nhiều vô tận của một nguồn để khai phá, quí giá hơn tất cả của cải của Royat và Vichy mà nó còn cho em một hệ thống những tác phẩm và công trình nghệ thuật như từ xưa đến nay chưa từng có.
Raoul hết sức phấn khởi. Thế là nước đã rút được hơn một giờ; suốt thời gian ấy anh đã có được một cuộc phiêu lưu tuyệt đẹp trong thành phố chìm ngập. Tay trong tay, hai người ngắm nhìn nước lên, những chiếc cột và những bức tượng như từ từ thấp xuống.
Nhưng Aurélie vẫn im lặng. Cuối cùng Raoul ngạc nhiên, cảm thấy cô không còn có những ý nghĩ như anh. Anh đã hỏi cô về nguyên nhân. Đầu tiên, cô không trả lời, sau một lát, cô mới thầm thì:
- Anh chưa biết hầu tước Talencay như thế nào?
Raoul không muốn làm cô buồn đã trả lời:
- Chưa, nhưng anh tin là ông đã về trong làng rồi, có thể là ông bị ốm... trừ phi ông đã quên hẹn.
Không đúng sự thật. Aurélie có vẻ không bằng lòng về lời giải thích ấy. Anh đoán rằng sau những cảm xúc mới lạ của cô và biết bao kinh hoàng đã lắng xuống, cô lại nghĩ đến tất cả những điều hãy còn trong bóng tối mà cô lo là chưa hiểu hết được. Cô nói:
- Chúng ta đi thôi.
Họ đi lên ngôi lán đổ nát, nơi bố trí ban đêm của hai tên cướp. Từ đấy, Raoul định đi đến bức thành cao và lối ra, qua đấy những người chăn dê đã ra khỏi khu vực.
Nhưng khi họ vòng qua tảng đá bên cạnh, cô chỉ cho Raoul để ý đến một bọc khá lớn đấy là một cái bao bằng vải đặt trên rìa vách đá. Cô nói:
- Em thấy hình như nó động đậy.
Raoul liếc nhìn bảo với Aurélie hãy chờ rồi chạy đến. Một ý nghĩ bất thình lình đến với anh. Khi đã đến rìa vách đá, anh giữ lấy cái bao, thọc tay vào bên trong. Vài giây sau, anh lôi ra một cái đầu rồi cả thân hình một đứa bé. Ngay lập tức anh nhận ra thằng bé tòng phạm của Jodot, đứa bé mà tên cướp đã mang theo cùng hắn như một con chồn và giao cho nó tìm tòi trong hầm rượu qua các thanh sắt của tầng hầm và qua hàng dậu.
Thằng bé còn ngái ngủ - Raoul giận điên người, bỗng dưng anh nhận ra ý nghĩa của điều khó hiểu làm cho anh phải suy nghĩ. Anh lắc mạnh thằng bé:
- Nhãi ranh? Chính mày đã theo dõi chúng tao từ phố Courcelle có phải không? Chính mày hả? Tên Jodot đã khéo giấu mày trong cốp sau xe của tao và mày đã đi chu du như thế cho đến Clermont - Ferrand, từ đấy mày đã đặt một cái thẻ ở nhà bưu điện phải không? Thú nhận đi... Nếu không, tao sẽ tát cho mày nẩy đom đóm mắt.
Đứa bé không hề hiểu được điều gì xảy ra cho nó và nét mặt xanh xao của thằng ranh con hư hỏng trở nên hốt hoảng. Nó lầm bầm:
- Đúng ạ, chính ông chú muốn...
- Chú nào?
- Đúng ạ, chú Jodot của tôi.
- Bây giờ chú mày ở đâu?
- Chúng tôi đã đi đêm qua, cả ba người, rồi chúng tôi trở lại.
- Rồi sao nữa?
- Rồi sáng nay, họ xuống đấy, dưới kia khi nước đã rút hết, và họ đã tìm tòi, lục soát khắp nơi và nhặt được nhiều thứ.
- Trước tao à?
- Vâng, trước ông và cô. Khi ông và cô ra khỏi hang, họ nấp sau một bức tường ở chỗ kia, ở dưới đáy khi nước đã rút hết. Nhưng ở đây nhìn thấy tất cả. Chú tôi bảo tôi chờ đây.
- Còn bây giờ chúng nó đâu?
- Tôi không biết. Trời nóng quá, tôi đã ngủ thiếp. Một lát tôi thức dậy, thấy họ đánh nhau.
- Họ đánh nhau?
- Vâng, vì một vật họ đã tìm được, một vật óng ánh như vàng. Tôi thấy họ ngã xuống... chú tôi đã đâm một mũi dao... Thế rồi... thế rồi tôi chẳng biết gì nữa... có thể tôi đã ngủ... tôi thấy như bức tường sụp đổ và đè lên cả hai người.
- Sao? Sao? Mày nói gì? Raoul ấp úng, kinh hãi... Mày trả lời đi... chuyện ấy xảy ra ở đâu? Lúc nào?
- Khi chuông rung lên... ở tít đằng cuối... ở mãi cuối kia... ông xem kia...
Thằng bé cúi xuống phía trên khoảng không và tỏ ra kinh ngạc... Nó nói:
- Ôi! Nước lại quay lại!...
Nó nghĩ một chút rồi vừa khóc vừa gào, vừa rên rỉ:
- Khi ấy... Khi ấy... nếu nước trở lại... Họ không thể đi được, và họ ở đấy, ở dưới đáy... và thế là, chú tôi...
Raoul bịt miệng nó lại.
- Im đi!
Aurélie đứng ở trước, nét mặt cau lại. Cô đã nghe hết. Jodot và Guillaume bị thương, ngất đi, không cử động được hoặc gọi được đã bị sóng phủ lên, ngạt thở rồi chìm nghỉm. Những tảng đá của một bức tường đổ sập lên người chúng, chặn xác chúng lại.
- Thật kinh khủng - Aurélie nói ấp úng - Cực hình cho hai con người ấy!
Trong khi ấy, những tiếng nức nở của đứa bé càng tăng lên. Raoul cho nó tiền và một cái thiếp.
- Này, đây là một trăm phơ răng. Mày sẽ đáp tàu đi Paris và đến trình diện ở địa chỉ này, ở đấy người ta sẽ chăm nom đến mày.
Sự trở về thật lặng lẽ. Gần nhà nghỉ, nơi cô gái trẻ về đấy, sự chia tay của họ thật nặng nề. Số phận đã làm tổn thương đôi tình nhân.
Aurélie nói:
- Chúng ta tạm xa nhau vài ba hôm. Em sẽ viết thư cho anh.
Raoul phản đối:
- Chúng ta xa nhau ư? Những người yêu nhau không thể xa rời nhau.
- Những người yêu nhau không sợ sự xa nhau. Cuộc sống vẫn cho họ gặp lại.
Raoul nhượng bộ, không phải là không buồn. Vì anh cảm thấy người yêu bối rối. Trên thực tế, một tuần lễ sau, anh nhận được một bức thư ngắn.
Anh yêu quý,
Em rất ngao ngán. Tình cờ em đã biết bố dượng Brégeac của em qua đời. Tự sát, có phải không? Em cũng biết người ta đã tìm thấy hầu tước Talencay dưới đáy một vực sâu, nơi ông đã rơi xuống - dường như do chuyện bất trắc, án mạng phải không? Bị ám sát à?... Rồi cái chết khủng khiếp của Jodot và Guillaume... Rồi nhiều người chết!. Miss Bakefred... và hai người anh em... và ngày xưa ông ngoại D’ Asteux của em...
Em đi đây, Raoul. Đừng tìm kiếm em để biết em ở đâu. Chính em, em cũng chưa biết nữa là. Em rất cần để suy nghĩ, xem xét lại cuộc sống của em, đê có những quyết định.
Em yêu anh, bạn yêu quí của em. Hãy chờ em và tha thứ cho em.
Raoul không chờ. Những lời lẽ sai lạc của bức thư làm cho anh đoán được ở Aurélie đau khổ và thất vọng. Sự chịu đựng và nỗi lo âu của anh, tất cả đã buộc anh phải hành động và xui khiến anh phải đi tìm.
Những cuộc tìm kiếm không đạt kết quả. Anh cho là cô đang ẩn náu ở Sainte Marie nhưng không thấy cô ở đấy. Anh hỏi thăm khắp nơi. Anh huy động bạn bè giúp đỡ. Mọi cố gắng đều vô ích. Anh tuyệt vọng, sợ rằng kẻ địch thủ mới nào đấy lại chẳng quấy rầy cô gái. Anh đã trải qua hai tháng thực sự đau khổ. Rồi một hôm anh nhận được một bức điện. Cô yêu cầu anh hãy đến Bruxelles vào ngày hôm sau và cô ấn định cho anh nơi hẹn tại rừng cây ở Cambre.
Niềm vui của Raoul hết sức lớn lao khi anh thấy người yêu đến, tươi cười, niềm nở với vẻ mặt vô cùng dịu dàng, âu yếm, có biểu hiện của những dấu vết của những kỷ niệm đau buồn.
Cô chìa tay ra cho anh.
- Anh tha thứ cho em chứ, anh Raoul?
Họ bước đi một lát bên nhau tưởng chừng không thể rời nhau ra được. Rồi Aurélie giải thích:
- Raoul, anh đã nói cho em biết rằng ở em có hai số phận trái ngược nhau, chống chọi nhau làm cho em đau khổ. Một số phận của em là số phận hạnh phúc và vui tươi, tương ứng với bản chất thật của em. Số phận kia là số phận của hung bạo, của chết chóc, của đau thương và thảm họa. Một loạt kẻ thù của em quấy nhiễu em, truy hại em từ thuở em còn thơ ấu. Chúng tìm cách đẩy em xuống vực thẳm; cứ mười lần em ngã xuống đáy là mười lần anh lại vớt em lên, cứu sống em.
"Nhưng sau hai ngày ở Juvains dẫu rằng chúng ta đã có tình ý với nhau, anh Raoul ạ, em vẫn thấy chán chường, mệt mỏi đến nỗi cuộc sống đã làm cho em kinh sợ. Toàn bộ câu chuyện ấy anh đã cho là huyền diệu và thần tiên thì đối với em là tối tăm, là địa ngục. Có đúng như vậy không Raoul? Anh cứ nghĩ đến tất cả những gì mà em đã từng chịu đựng! Và anh hãy nghĩ đến những điều mà em đã chứng kiến! Có thể anh sẽ nói: "Vương quốc của em là thế đấy!" em không muốn như vậy đâu, anh Raoul ạ. Giữa quá khứ và em, em không muốn có một sự ràng buộc nào. Nếu em đã sống xa lánh nhiều tuần nay, chính là vì em cảm thấy lờ mờ rằng em cần phải thoát ra khỏi sự siết chặt của một cuộc phiêu lưu đến nghẹt thở mà em là kẻ cuối cùng còn sống sót. Sau nhiều năm, sau nhiều thế kỷ, cuộc phiêu lưu đã gắn vào em và chính em là người có nhiệm vụ đem ra ánh sáng những gì còn nằm trong bóng tối và làm cho tất cả những gì huy hoàng, là đặc biệt chứa đựng trong ấy trở nên vô ích. Em từ chối. Nếu em là người thừa kế những thứ giàu sang phú quí và những gì lộng lẫy huy hoàng, em cũng là người thừa kế những vụ án mạng và nhũng tội ác mà em không thể chịu đựng được sức nặng đè lên lưng em.
- Với bản chúc thư của hầu tước thì làm như thế nào?... Raoul nói và rút trong túi ra một tờ giấy đưa cho cô.
Aurélie cầm lấy và xé vụn cho chúng bay theo gió.
- Anh Raoul, em xin nhắc lại với anh rằng tất cả cái ấy đã kết thúc. Cuộc phiêu lưu sẽ không được em chắp nối lại nữa. Em rất sợ rằng nó còn gây ra nhiều án mạng khác và nhiều tội ác khác. Em không phải là một nhân vật nữ chính.
- Thế em là ai?
- Là một kẻ si tình, anh Raoul à... một kẻ si tình đã làm lại cuộc đời mình... em sẽ làm lại cuộc đời vì tình yêu và chỉ vì tình yêu.
- Ôi? Cô gái có đôi mắt xanh màu lục - anh nói - nghiệt ngã biết chừng nào để có một thái độ dứt khoát đến thế!
- Đối với em là nghiệt ngã nhưng không nghiệt ngã đối với anh. Anh hãy tin chắc rằng nếu em hiến cuộc đời của em cho anh thì em không mong ước cuộc sống của anh như những gì anh có thể cho em. Anh hãy giữ lấy xung quanh anh điều bí ẩn mà anh thích. Anh sẽ không bao giờ chỉ vì bảo vệ điều bí mật ấy mà chống lại em. Anh như thế nào thì em chấp nhận anh như thế, và anh là người cao thượng nhất và quyến rũ nhất mà em đã được gặp. Em chỉ xin anh một điều là anh hãy yêu em thật lâu mà anh có thể.
- Yêu mãi mãi, Aurélie ạ.
- Không, Raoul, anh không phải là con người biết yêu mãi mãi, không phải thế. Than ôi! Chỉ cần thời gian anh yêu em thật dài, em sẽ cảm thấy rất hạnh phúc đến mức không có quyền than phiền gì cả. Và em sẽ không than phiền. Hẹn gặp anh tối nay tại nhà hát Hoàng gia, anh hãy tìm tại lô... ở tầng dưới.
Hai người chia tay nhau.
Tối đến, Raoul đến nhà hát Hoàng gia. Ở đấy người ta diễn vở “Cuộc sống của tên phóng đãng”, với mội nữ ca sĩ mới tuyển mộ tên là Lucie Gautier.
Lucie Gautier chính là Aurélie.
Raoul hiểu. Cuộc sống không phụ thuộc của một nữ nghệ sĩ được thoát khỏi một số quy ước. Aurélie đươc tự do.
Buổi biểu diễn kết thúc giữa tiếng hoan hô nhiệt liệt của khán giả. Raoul được dẫn vào phòng của người nữ diễn viên vừa trình diễn xuất sắc. Mái tóc hoe vàng tuyệt đẹp nghiêng về phía anh. Hai cặp môi của họ gắn chặt vào nhau.
Vậy là kết thúc cuộc phiêu lưu kỳ lạ và đáng sợ ở Juvains đã gây ra biết bao tội ác và tuyệt vọng. Raoul cố kéo thằng bé tòng phạm của Jodot ra khỏi con đường tội lỗi. Anh đã gửi nó cho người đàn bà góa Ancivel. Nhưng mẹ của Guillaume sau khi được Raoul báo cho biết về cái chết của con bà, bà sinh ra uống rượu. Thằng bé hư hỏng quá sớm không thể hoàn lương, đã phải cho vào một nhà chữa bệnh tư. Nó đã trốn ra, gặp lại người đàn bà góa và cả hai người dắt nhau sang châu Mỹ.
Lại nói về Marescal: Hắn đã bớt hung hăng nhưng bị ám ảnh mãi vì những cuộc chinh phục đàn bà của hắn. Hắn đã được thăng cấp. Một hôm hắn xin đến gặp ông Lenormand người đứng đầu nổi tiếng của cơ quan an ninh. Khi gặp gỡ xong, Lenormand đến gần người thuộc hạ của mình, với một điếu thuốc ngậm trên môi. Ông nói: "Xin ông tí lửa". Marescal giật mình nhận ra ngay Arsène Lupin.
Hắn còn nhận ra Lupin dưới những gương mặt khác, luôn luôn nhạo báng và con mắt luôn luôn hấp háy. Và cứ mỗi lần hắn lại nghe sát gần câu nói ngắn kinh khủng, chói tai, bất ngờ như quát vào mặt và hết sức buồn cười ấy: "Xin ông tí lửa"... Câu nói ấy đã tác động kinh khủng đến hắn.
Còn Raoul thì đã mua cơ nghiệp Juvains. Nhưng vì tôn trọng cô gái mắt xanh lam, Raoul không muốn tiết lộ điều bí mật phi thường ấy. Hồ Juvauns và mạch nước Jouvence là trong số những tập hợp các kỳ quan ấy và các kho báu lớn lao ấy mà nước Pháp thừa kế của Arsene Lupin.
Hai Nữ Tướng Cướp Hai Nữ Tướng Cướp - Maurice Leblanc Hai Nữ Tướng Cướp