However rare true love may be, it is less so than true friendship.

Unknown

 
 
 
 
 
Tác giả: Jules Verne
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 31
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 53
Cập nhật: 2021-05-22 19:07:47 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 13 - Chương Trình Học Tập - Chủ Nhật - Những Quả Bóng Tuyết - Doniphan Và Briant - Đại Hàn - Vấn Đề Chất Đốt - Khảo Sát Rừng Hố Bẫy - Khảo Sát Vũng Sloughi - Hải Cẩu Và Chim Cánh Cụt - Xử Phạt Công Khai
ắt đầu từ tháng 5 ấy, mùa đông đã ngự trị dứt khoát trên vùng biển bao quanh đảo Chairman. Mùa đông sẽ kéo dài bao lâu? - Ít nhất năm tháng nếu đảo ở vĩ độ cao hơn New Zealand. Vì thế, Gordon đã cho thi hành các biện pháp phòng những bất trắc của một mùa đông kéo dài.
Dưới đây là một số nhận xét về khí tượng mà cậu bé người Mỹ đã ghi lại: Mùa đông bắt đầu vào tháng 5, như vậy là trước hai tháng so với tháng 7 ở Nam bán cầu, tương ứng với tháng 1 ở Bắc bán cầu. Từ đó có thể kết luận là nó sẽ kết thúc sau hai tháng kể từ tháng 7, tức là vào tháng 9. Tuy nhiên, ngoài ra còn phải tính đến những trận bão hay xảy ra vào tiết xuân phân và thu phân. Vì vậy các nhà di thực trẻ còn bị giam hãm trong động Người Pháp đến những ngày đầu tháng 10, chẳng thể thực hiện được một cuộc khảo sát dài ngày nào ngang qua hay vòng quanh đảo Chairman được.
Muốn tổ chức cuộc sống trong nhà của toàn nhóm với những điều kiện tốt nhất, Gordon thảo ra một chương trình hoạt động hằng ngày. Tất nhiên “chế độ cần vụ” ngày trước tại trường nội trú Chairman, như đã đề cập, không được chấp nhận tại đảo Chairman. Mọi cố gắng của Gordon là làm cho các cậu bé quen với ý nghĩ rằng mình đã gần thành người lớn. Vậy là không có “chế độ cần vụ” ở động Người Pháp, có nghĩa bé không phải phục vụ lớn. Nhưng ngoại trừ điều đó, mọi truyền thống khác đều được tôn trọng, vì như tác giả cuốn Đời sống trong trường trung học nước Anh đã nhận xét, tôn trọng truyền thống “là cơ sở để các trường học nước Anh tồn tại”.
Trong chương trình này, phần dành cho các cậu bé nặng hơn phần cho các cậu lớn. Do tủ sách của du thuyền, ngoài truyện du kí, thì chỉ có một ít sách khoa học thôi, nên các cậu lớn chỉ học thêm tới chừng mực nào đó. Với các cậu, những khó khăn của hoàn cảnh, cuộc vật lộn để sống còn, nhu cầu rèn luyện óc phán đoán hoặc trí tưởng tượng để đối phó với những bất trắc đủ loại là những bài học nghiêm túc của cuộc sống. Tự nhiên trở thành người dạy dỗ đàn em, các cậu đều thấy mình có nghĩa vụ truyền đạt cho các em những kiến thức đã tiếp thu được.
Tuy nhiên, các em bé cũng không phải làm việc quá sức so với lứa tuổi và mỗi khi có điều kiện các em đều được rèn luyện thân thể ngang với trí óc. Khi thời tiết cho phép, các em được ra ngoài động, nhưng phải mặc đủ ấm, để chạy nhảy và cả làm việc tay chân theo sức các em.
Về tổng thể, chương trình được xây dựng theo các nguyên tắc sau đây, vốn là cơ sở của nền giáo dục Anglo-Saxon:
- Nếu anh e sợ việc gì, hãy làm việc ấy;
- Đừng bỏ qua cơ hội cố gắng một lần nếu có thể;
- Đừng coi thường việc nặng nhọc vì không có việc nặng nhọc nào là vô ích.
Thực hành những tôn chỉ ấy, thân thể sẽ khỏe mạnh, tinh thần cũng thế.
Dưới đây là quy ước được cả nhóm di thực thảo luận, tán thành:
Sáng hai giờ, chiều hai giờ là thời gian làm việc chung ở sảnh. Lần lượt các học sinh lớp năm là Briant, Doniphan, Cross, Baxter, học sinh lớp bốn là Wilcox và Webb dạy cho các em lớp ba, lớp hai, lớp một. Các cậu sử dụng sách của du thuyền và những kiến thức đã tiếp thu trước đây để dạy toán, địa lí và sử. Đây cũng là dịp để các cậu khỏi quên những điều đã học. Ngoài ra, một tuần hai lần vào chủ nhật và thứ năm có một buổi thuyết trình, tức là một chủ đề khoa học, lịch sử hoặc cả thời sự về những sự kiện diễn ra hằng ngày được nêu lên trong chương trình hôm ấy. Các cậu lớn sẽ đăng kí trình bày hay phản biện nhằm nâng cao hiểu biết và cũng để cho vui.
Với tư cách trưởng đảo Gordon kiên quyết cầm trịch bảo đảm cho chương trình được thực hiện và chỉ thay đổi khi có tình huống đột xuất.
Biện pháp theo dõi thời gian được đặt ra trước hết. Có lịch của tàu Sloughi, những ngày nào đã qua thì xóa ngay. Trên tàu có đồng hồ, nhưng phải lên dây cót đều đặn để chỉ giờ được chính xác. Hai cậu lớn được giao nhiệm vụ là Wilcox phụ trách đồng hồ, Baxter phụ trách lịch và mọi người đều tin tưởng ở sự chu đáo của họ. Webb thì đảm nhận việc hằng ngày ghi lại những chỉ số của áp kế và nhiệt kế.
Một quy định khác cũng được đặt ra. Đó là giữ và ghi nhật kí mọi sự đã xảy ra và còn xảy ra trong suốt thời gian lưu trú trên đảo Chairman. Baxter tình nguyện làm việc đó, và nhờ cậu mà “Nhật kí động Người Pháp” được viết chính xác từng chi tiết.
Một việc không kém phần quan trọng khác cũng phải tiến hành không chậm trễ. Đó là giặt quần áo và may sao họ không thiếu xà phòng. Nhưng chỉ có Chúa biết tại sao các em bé cứ để quần áo dây bẩn khi chơi ở Bãi Tập hoặc câu cá bên bờ lạch, mặc dầu Gordon đã dặn dò, quát mắng và trách phạt nữa. Moko thạo việc này, nhưng một mình làm không xuể nên các cậu lớn, mặc dù chẳng mấy thích thú, cũng phải giúp một tay, sao cho cư dân động Người Pháp ăn mặc tươm tất.
Ngày hôm sau rơi đúng vào chủ nhật và ai cũng biết người Anh và người Mỹ giữ thái độ nghiêm túc như thế nào đối với ngày này. Vào ngày này cuộc sống dường như ngưng đọng ở các thành phố, thị trấn, làng mạc. “Theo phong tục, trong ngày hôm ấy mọi cuộc giải trí vui chơi đều bị cấm. Không những không được vui thú mà còn phải tỏ vẻ buồn chán. Và quy tắc ấy thì từ trẻ em đến người lớn đều phải chấp hành.” Ôi phong tục! Luôn luôn là những phong tục trứ danh!
Tuy nhiên, ở đảo Chairman, phong tục ấy được nới lỏng đôi chút, thậm chí các di dân trẻ tuổi còn tự cho phép đi dạo ven hồ Gia Đình. Nhưng trời quá lạnh nên sau hai giờ đi dạo là cuộc thi chạy - các chú bé thì thi ở Bãi Tập, tiếp đến mọi người sung sướng được sưởi ấm trong sảnh, rồi đến bữa ăn nóng sốt ở kho do chính bếp trưởng tài giỏi của động Người Pháp đạo diễn.
Buổi tối kết thúc bằng cuộc hòa nhạc mà dàn nhạc là chiếc phong cầm của Garnett, còn những người khác thì cất tiếng hát ít nhiều sai điệu với niềm tin Saxon. Người tốt giọng nhất là Jacques. Nhưng với tâm trạng khó hiểu, cậu không góp vui cho các bạn nữa, và hôm nay, mặc dầu được yêu cầu, cậu cũng không hát bài nào trong các bài hát thiếu nhi mà cậu rất hay biểu diễn ở trường nội trú Chairman.
Chủ nhật ấy đã mở đầu bằng một huấn thị ngắn của “mục sư Gordon” theo cách gọi của Service, rồi kết thúc bằng bài đọc kinh chung. Khoảng 10 giờ mọi người đã ngủ say dưới sự canh gác của Phann, được tin cậy là sẽ phát hiện mọi sự tiếp cận khả nghi.
Sang tháng 6, rét càng đậm hơn. Webb nhận thấy khí áp trung bình ổn định trên hai mươi sáu pouce*, còn nhiệt độ ở mức âm 10 đến 12°C. Mỗi khi gió chuyển từ hướng nam chếch sang hướng tây, trời ấm hơn một chút, vùng xung quanh động Người Pháp được phủ một lớp tuyết dày. Các di dân nhí chơi đánh trận bằng cách vốc tuyết vo lại ném nhau, rất thịnh hành ở nước Anh. Đã có vài cái đầu bị đau nhẹ. Thậm chí có hôm, kẻ bị hại nhất lại là Jacques, mặc dầu chỉ làm khán giả. Đầu cậu bị trúng một vốc tuyết do Cross ném quá mạnh, khiến cậu thét lên vì đau.
Đơn vị đo độ dài cũ của Pháp, 1 pouce = 27 mm.
- Mình không cố ý. - Cross phân trần theo cách nói quen thuộc của những kẻ vụng về.
- Có thể thế! Dù sao cậu cũng có lỗi vì ném quá mạnh! - Briant nghe tiếng em kêu, chạy tới trách.
- Vậy Jacques không chơi thì ra đây làm gì? - Cross chống chế.
- Chỉ u đầu một tí mà nói lắm thế! - Doniphan quát.
- Đúng! Chẳng có gì nghiêm trọng! - Briant trả lời, cảm thấy Doniphan đang kiếm cớ để dây vào chuyện. - Mình chỉ đề nghị Cross đừng làm thế nữa.
- Vì cớ gì mà cậu đề nghị Cross, cậu ấy có cố ý đâu? - Doniphan trả miếng, giọng châm biếm.
- Mình không hiểu vì sao cậu dính vào chuyện này, Doniphan, - Briant nói tiếp, - việc này chỉ quan hệ đến Cross và mình thôi.
- Quan hệ cả đến mình nữa, vì cậu giở cái giọng ấy ra, Briant! - Doniphan đáp.
- Tùy cậu, bất cứ lúc nào cậu muốn. - Briant trả lời và khoanh tay lại.
- Ngay tức khắc! - Doniphan thét.
Đúng lúc đó, Gordon đến rất kịp thời để ngăn cuộc cãi vã biến thành ẩu đả. Cậu cho là Doniphan có lỗi. Cậu này buộc phải phục tùng, cáu kỉnh quay về động Người Pháp. Tuy nhiên rất có thể là nhân cớ nào đó giữa hai đối thủ sẽ lại xảy ra xung đột.
Tuyết rơi không ngừng suốt bốn mươi tám giờ liền. Để làm vui cho các em bé, Service và Garnett đắp một người tuyết bự với cái đầu to đùng, cái mũi vĩ đại, cái mồm ngoác ra như ông ba bị. Và phải nói thật là ban ngày thì Dole và Costar còn bạo gan ném lão ta mấy vốc tuyết, nhưng khi bóng tối bắt đầu trùm xuống, trông lão to lớn khác thường thì các chú cũng khiếp.
- Mấy đứa nhát! - Iverson và Jenkins làm ra vẻ can đảm, chê các em nhỏ, nhưng thật tình trong lòng cũng sờ sợ.
Cuối tháng 6 thì phải bỏ trò chơi này. Tuyết dày đến ba, bốn bộ, gần như không thể cất bước nổi. Ra khỏi động Người Pháp độ trăm bước là có nguy cơ không trở về được. Các trại viên bị hãm trong động mười lăm ngày liền, tới tận ngày 9 tháng 7. Nhưng việc học tập không gặp trở ngại gì mà ngược lại, chương trình hằng ngày được triệt để tôn trọng. Mọi người hào hứng tham gia những buổi thuyết trình tổ chức vào những ngày đã định. Và chẳng ai ngạc nhiên là Doniphan, với tài ăn nói lưu loát, với kiến thức đã rất cao, chiếm vị trí hàng đầu. Nhưng thái độ kiêu ngạo quá mức đã làm hại những cái tốt đẹp ở cậu.
Tuy bắt buộc phải giải trí trong sảnh, nhưng sức khỏe của cả nhóm không giảm sút do có không khí lưu thông giữa kho và sảnh qua hành lang. Sức khỏe luôn là vấn đề quan trọng nhất. Chỉ một người ốm thôi thì biết chăm nom, chữa chạy ra sao! May thay, họ chỉ bị sổ mũi, đau họng sơ sơ, nghỉ ngơi và ăn uống nóng là khỏi ngay.
Một vấn đề khác phải lo giải quyết. Nước uống thường được lấy ở lạch lúc thủy triều xuống để tránh nước lợ. Nhưng khi mặt lạch đông cứng thì không làm thế được. Gordon bàn với Baxter, “kĩ sư” của cậu. Baxter suy nghĩ và đề xuất đặt một đường ống sâu dưới mặt lạch mấy bộ, chỗ nước không đóng băng, dẫn từ lạch vào kho. Đó là một việc khó, Baxter thực hiện được là nhờ có sẵn những đường ống dẫn nước vào các phòng tắm của tàu Sloughi. Cuối cùng, sau mấy lần thử đã có nước vào kho.
Về chiếu sáng thì còn khá nhiều dầu thắp đèn hiệu. Nhưng hết mùa đông thì cần có dự trữ hoặc ít ra phải làm nến bằng lượng mỡ Moko dành dụm được.
Lúc này còn một việc phải lo nữa là kiếm thức ăn cho cả trại vì việc săn bắn và đánh cá không hiệu quả như trước. Mấy lần đã có những con vật vì đói lảng vảng trên Bãi Tập. Nhưng đó chỉ là lũ chó rừng, Doniphan và Cross phải nổ súng để xua đuổi. Có ngày chúng kéo cả đàn, dễ đến hai chục con tới, nên các trại viên phải chặn cửa sảnh và cửa kho thật chắc. Nếu để bọn thú đói dữ tợn này xông vào động được thì đáng sợ lắm. Nhưng nhờ Phann phát hiện kịp thời nên chưa lần nào chúng đến phá cửa cả.
Trong hoàn cảnh bất lợi ấy, mặc dầu muốn tiết kiệm hết mức, Moko vẫn phải sử dụng một ít lương thực dự trữ của du thuyền. Gordon rất phiền lòng khi thấy trong sổ của cậu, cột chi cứ dài ra, cột thu thì đứng im không nhúc nhích. Kể ra cũng còn kha khá dự trữ vịt, ô tác được nấu chín rồi đóng trong các thùng thật kín cũng như cá hồi muối để Moko sử dụng. Nhưng ta chớ quên là động Người Pháp phải nuôi tới mười lăm miệng ăn với sức ăn của lứa tuổi từ tám đến mười bốn!
Dầu sao, trong mùa đông này không phải hoàn toàn không có thịt tươi. Wilcox rất thạo sử dụng các dụng cụ săn bắt, đã đặt bẫy trên bờ hồ. Đó chỉ là những chiếc bẫy đơn giản căng bằng những mảnh gỗ hình số 4 mà đôi khi vẫn bắt được những con chim nhỏ. Với sự giúp đỡ của các bạn, cậu còn cắm cây sào cao ở bờ lạch rồi chăng lưới đánh cá của tàu Sloughi lên. Chim ở truông phía Nam từ bờ bên kia bay sang bị vướng vào lưới khá nhiều, tuy phần lớn thoát được vì mắt lưới đánh cá quá nhỏ, không phù hợp để bẫy chim, nhưng cũng có ngày bắt được đủ ăn đàng hoàng hai bữa.
Riêng việc nuôi con nandu là có nhiều rắc rối. Sự thật là việc thuần dưỡng con vật hoang dã này chẳng có chút tiến bộ nào, mặc dù Service, người đặc trách nhiệm vụ này thường tuyên bố:
- Nó sẽ là vật cưỡi tuyệt vời!
Nhưng mọi người vẫn chưa hiểu cậu làm thế nào để cưỡi được nó. Trong khi chờ đợi, vì nó không ăn thịt nên Service buộc phải kiếm cỏ và rễ cây cho nó dưới lớp tuyết dày đến hai, ba bộ. Có thể nói cậu đã cố gắng hết mức để nuôi con vật cưng của mình tốt nhất. Nếu nó có gầy đi chút ít trong mùa đông dài dằng dặc này thì không phải là lỗi của người chăn nuôi tận tâm này và hoàn toàn có thể hi vọng là sang xuân nó sẽ phục hồi.
Sáng sớm ngày 9 tháng 7, Briant vừa bước chân ra khỏi động Người Pháp đã thấy rõ gió chuyển sang hướng nam. Trời rét đến nỗi cậu phải trở vào sảnh ngay, báo cho Gordon biết điều đó.
- Đáng ngại thật! - Gordon trả lời. - Mình sẽ chẳng ngạc nhiên nếu ta còn phải chịu đựng mấy tháng mùa đông khắc nghiệt nữa.
- Điều đó chứng tỏ tàu Sloughi bị dạt quá về phía nam hơn là chúng ta tưởng. - Briant nói thêm.
- Chắc là thế. - Gordon nói. - Vậy mà trong cuốn atlas chẳng thấy có hòn đảo nào ở rìa biển Nam cực.
- Đó là điều không giải thích được, Gordon ạ! Và thật là mình không biết ta nên đi về hướng nào nếu rời khỏi đảo Chairman.
- Rời đảo của chúng ta! - Gordon thốt lên. - Thế ra cậu vẫn nghĩ đến chuyện đó à, Briant?
- Thường xuyên, Gordon ạ! Nếu ta có thể đóng một con thuyền tạm đi biển được, mình sẽ không do dự ra đi tìm lối thoát.
- Tốt thôi! Tốt thôi! - Gordon đáp. - Chẳng vội gì. Ít ra hãy đợi đến khi chúng ta tổ chức xong trại di thực nhỏ…
- Ồ! Bạn Gordon quý hóa của tôi! - Briant nói. - Cậu quên rằng chúng mình còn có gia đình…
- Đúng thế!… Đúng thế, Briant! Nhưng dẫu sao ở đây chúng ta cũng không đến nỗi khổ quá. Công việc đang tiến triển… và thậm chí mình tự hỏi ta còn thiếu thứ gì nữa.
- Nhiều thứ lắm, Gordon ạ! - Briant trả lời, thấy rằng không nên kéo dài cuộc trò chuyện về chủ đề này nữa. - Ta hết củi đun rồi.
- Ồ, các cánh rừng trên đảo đã cháy hết đâu.
- Chưa, nhưng đã đến lúc phải đi lấy về vì củi dự trữ của chúng ta sắp hết rồi.
- Hôm nay được không? - Gordon đáp. - Hãy xem nhiệt kế ra sao!
Nhiệt kế trong kho chỉ 5°C, mặc dầu lò bếp cháy rừng rực hết mức, nhưng đưa ra ngoài thì nhanh chóng tụt xuống -17°C. Cái rét khắc nghiệt này chắc chắn sẽ còn tăng lên khi tiết trời quang mây và khô kéo dài vài tuần lễ. Ngay lúc này, hai lò sưởi ở sảnh và lò bếp ở kho vẫn cháy đều mà nhiệt độ trong động Người Pháp vẫn giảm xuống rõ rệt.
Đến 9 giờ, sau bữa sáng, có quyết định đi rừng Hố Bẫy lấy củi. Khi trời lặng gió, nhiệt độ thấp hơn nữa cũng có thể chịu được, không hề hấn gì. Đặc biệt đáng sợ là thứ gió lạnh buốt cứ như cắn vào mặt, vào bàn tay rất khó đề phòng. May sao hôm ấy gió rất nhẹ, trời trong suốt, tưởng như không khí cũng đã đóng băng. Thay vì lớp tuyết mềm hôm qua bước ngập đến thắt lưng, thì hôm nay giày đặt lên một mặt phẳng cứng như kim loại. Chỉ cần bước cho vững thì chẳng khác gì đi trên mặt hồ Gia Đình hoặc mặt con lạch Zealand, lúc này đã đông cứng. Chỉ cần mấy đôi đế giày trượt băng của cư dân vùng Bắc cực hoặc một xe trượt do chó hoặc tuần lộc kéo là có thể đi suốt mặt hồ từ nam chí bắc trong vài tiếng đồng hồ. Nhưng bây giờ đâu phải lúc tiến hành một chuyến đi dài như vậy. Yêu cầu cấp bách lúc này là tới khu rừng bên cạnh lấy củi về. Tuy nhiên mang vác một lượng củi đủ dùng từ rừng về động Người Pháp là một công việc nặng nhọc. Moko nảy ra một ý kiến hay, mọi người liền thực hiện ngay trong khi chưa làm được một chiếc xe kiểu gì đó bằng các tấm ván của du thuyền. Chiếc bàn lớn kê trong kho rất chắc chắn, dài mười hai bộ, rộng bốn bộ, có thể lật ngửa cho bốn chân chĩa lên trời để kéo trên mặt băng. Rồi đến 8 giờ, bốn cậu lớn buộc dây vào thứ xe kéo cổ sơ ấy, kéo tới rừng Hố Bẫy.
Các chú bé mũi đỏ, má hồng bắt chước Phann nhảy nhót phía trước như những con cún con. Có lúc các chú trèo lên bàn, tranh chỗ, thụi nhau để vui đùa, có ngã cũng không đau. Tiếng cười của các chú lảnh lót lạ thường trong bầu không khí lạnh và khô. Thật vui khi thấy cái trại này ở trong tâm trạng sảng khoái và khỏe khoắn đến thế.
Ngút tầm mắt giữa đồi Auckland và hồ Gia Đình là một màu trắng xóa. Cây cối phủ đầy băng giá. Những tinh thể băng óng ánh bám trên cành làm nền cho một bức vẽ cảnh tiên. Chim bay hàng đàn trên mặt hồ cho tới phía sau vách đá. Doniphan và Cross không quên mang theo súng. “Cẩn tắc vô áy náy”, vì đã có những dấu vết đáng ngờ, không phải của chó rừng mà của báo sư tử hoặc báo đốm.
- Có lẽ đó là loài mèo rừng, gọi là papero, cũng đáng sợ chẳng kém báo sư tử hay báo đốm! - Gordon nói.
- Ô! Giá đó chỉ là những con mèo thôi! - Costar nhún vai đáp.
- À, hổ cũng là một loài họ mèo đấy! - Jenkins nói theo.
- Anh Service! Có thật là những con mèo ấy cũng dữ không? - Costar hỏi.
- Rất thật! Và chúng nhá trẻ con như nhá chuột ấy.
Câu trả lời làm Costar lo lắng.
Các cậu mau chóng vượt qua nửa dặm từ động Người Pháp đến rừng Hố Bẫy. Các tiều phu trẻ vào việc ngay. Họ chỉ hạ những cây có độ lớn nhất định, phạt hết cành, chỉ lấy gỗ súc để cháy đượm chứ không lấy củi cành chỉ cháy vèo cái là hết. Cái xe bàn chất củi nặng, được các bạn trẻ hăng hái kéo, trượt băng băng trên nền băng cứng, chưa đến trưa đã được hai chuyến. Sau bữa ăn, công việc lại tiếp tục đến xế chiều, khi đã 4 giờ. Vì không cần thiết phải làm việc quá sức nên Gordon bảo để mai làm tiếp, mà đã là lệnh của Gordon thì chỉ có việc chấp hành thôi. Vả lại về động Người Pháp thì còn phải cưa cây ra thành từng khúc, bổ củi, rồi xếp lại đến trước khi đi ngủ mới xong.
Việc lấy củi diễn ra không ngừng sáu ngày liền, đủ dự trữ củi đun cho nhiều tuần lễ. Đương nhiên là số củi ấy không xếp trong kho được, nhưng xếp ở chân vách ngang cũng chẳng sao.
Ngày 15 tháng 7 theo lịch là ngày Thánh Swithin, tương đương ngày Thánh Médar của Pháp. Briant nói:
- Mai mà mưa thì sẽ mưa tới bốn mươi ngày liền.
- Đúng thế, - Service đáp, - cũng chẳng sao vì đang là mùa thời tiết xấu. Chà! Nếu là mùa hè…
Thật vậy, cư dân Nam bán cầu chẳng phải bận tâm chút nào về ảnh hưởng của các ngày Thánh Médar hay Thánh Swithin là những vị thánh mùa đông của những miền đối chân*.
Miền đỗi chân (tiếng Pháp và tiếng Anh đều là “antipode”) là miền hoặc (nơi, điểm) trên Trái Đất đối xứng với miền (nơi, điểm) khác qua tâm Trái Đất. Thí dụ: nước Pháp là đối chân của New Zealand.
Tuy nhiên mưa không lâu, gió lại chuyển hướng đông nam và trời rét đến nỗi Gordon không cho các chú bé ra khỏi động. Giữa tuần lễ đầu tháng 8, nhiệt kế hạ xuống -27°C. Vừa ra ngoài hơi thở đã đông thành tuyết. Tay trần mà mó vào một vật bằng kim loại là rát như phải bỏng. Mọi biện pháp phòng ngừa thận trọng nhất được thực hiện để giữ cho nhiệt độ trong động ở mức cần thiết. Trải qua mười lăm ngày chịu đựng vất vả, ai cũng ít nhiều khổ sở vì thiếu vận động cơ thể. Briant lo lắng nhìn gương mặt các chú bé đã mất sắc hồng hào, trở nên xanh xao. Tuy nhiên, nhờ đồ uống nóng, trừ mấy người bị sổ mũi và viêm phế quản, các trại viên đều đã vượt qua được thời kì nguy hiểm này, chẳng hề hấn gì nhiều.
Sang ngày 16 tháng 8, thời tiết có xu hướng chuyển biến. Gió đổi sang hướng tây, nhiệt kế nhích lên mức -15°C. Có thể chịu đựng được vì trời đã lặng gió. Doniphan, Briant, Service, Wilcox và Baxter muốn làm một chuyến đi về vũng Sloughi. Đi từ sáng sớm thì ngay chiều hôm ấy có thể trở về. Cần khảo sát xem loài lưỡng cư quen thuộc của vùng cực (hồi du thuyền bị nạn đã thấy mấy con) nay có kéo tới bờ biển phía ấy không. Đồng thời phải thay lá cờ chắc đã rách tả tơi vì tố lốc mùa đông và theo đề xuất của Briant, đóng ở cột cờ một tấm biển chỉ vị trí của động Người Pháp cho người đi biển nào đó nhìn thấy cờ mà ghé vào đây. Gordon đồng ý nhưng căn dặn phải trở về trước khi trời tối.
Ngày 19 tháng 8, trời chưa sáng cả nhóm đã ra đi. Trời trong vắt trong ánh sáng mờ của vành trăng lưỡi liềm cuối tháng. Sáu dặm bộ hành có gì là đáng kể với những đôi chân đã được nghỉ ngơi đầy đủ. Vũng lầy đã đóng băng, không phải đi vòng nên quãng đường được rút ngắn. Hành trình nhanh chóng kết thúc. Trước 9 giờ, Doniphan và các bạn đã tới bãi cát.
- Cả một bầy chim kìa! - Wilcox kêu lên và chỉ ra bãi đá ngầm, nơi quần tụ hàng ngàn con vật giống như những con vịt lớn với chiếc mỏ dài như vỏ vẹm, tiếng kêu chói tai khó nghe.
- Trông như những chú lính đang đứng chờ ông tướng đến duyệt binh ấy! - Service nhận xét.
- Chỉ là chim cánh cụt thôi, - Baxter nói - chẳng bõ một phát đạn.
Những con chim ngớ ngẩn này gần như đứng thẳng vì chân ở quá thấp, chẳng nghĩ đến chạy trốn, giá có lấy gậy vụt cũng chết vô số. Rất có thể Doniphan cũng muốn mở một cuộc tàn sát vô ích, nhưng Briant phản đối nên đàn cánh cụt được yên ổn. Hơn nữa, nếu đàn chim này vô dụng thì còn nhiều con vật khác có thể lấy mỡ đốt đèn chiếu sáng cho mùa đông năm sau. Đó là những con hải cẩu có vòi đang nô đùa trên những tảng đá chắn sóng lúc này phủ một lớp băng dày. Nhưng muốn hạ vài con thì phải chặn đường rút của chúng về bãi đá ngầm. Ngay khi Briant và các bạn tiến lại gần chúng đã trốn bằng những bước nhảy kì dị rồi lao xuống nước. Vậy là tới đây, muốn bắt những con vật lưỡng cư này thì phải tổ chức một cuộc ra quân đặc biệt.
Sau khi điểm tâm qua loa bằng thức ăn mang theo, các chàng trai tiến hành quan sát tổng thể. Cả một dải băng trắng xóa đồng nhất trải ra từ cửa lạch Zealand đến mũi Lầm Biển. Ngoài chim cánh cụt và các loài chim biển như mòng, hải âu, dường như các loài chim khác đều rời bãi biển để kiếm ăn sâu trong đảo. Tuyết dày đến hai, ba bộ phủ kín bãi biển. Những mảnh còn lại của tàu Sloughi cũng bị vùi lấp dưới bãi tuyết ấy. Các ngấn rong rêu bị đá chắn sóng ngăn lại qua mỗi đợt thủy triều lên xuống, chứng tỏ triều cường tiết thu phân không dâng tràn vũng Sloughi.
Còn biển thì vẫn hoang vắng cho đến tận chân trời mà suốt ba tháng dài đằng đẵng hôm nay Briant mới thấy lại. Và xa hơn nữa, cách hàng trăm dặm là New Zealand, nơi cậu không nguôi hi vọng ngày nào đó được trở về.
Baxter đảm nhận việc kéo lá cờ mới lên và đóng mảnh ván chỉ đường tới động Người Pháp, ngược con lạch sáu dặm. Một giờ chiều, cả bọn trở về theo bờ lạch bên trái. Dọc đường Doniphan hạ được một đôi vịt đuôi nhọn và một đôi le le đang bay là là mặt băng. Khoảng 4 giờ chiều, khi trời bắt đầu tối thì họ về tới động Người Pháp và thuật lại chuyến đi với Gordon. Ở vũng Sloughi có nhiều hải cẩu, nên các cậu dự định sẽ tổ chức săn bắt khi thời tiết cho phép.
Đúng là chẳng bao lâu nữa thời tiết xấu sẽ chấm dứt. Tuần cuối tháng 8 và tuần đầu tháng 9 gió biển thắng thế. Nhiều cơn mưa bất chợt khiến nhiệt độ tăng nhanh. Tuyết tan, băng trên mặt hồ vỡ ra kêu ầm ĩ, điếc tai. Những mảnh băng chưa tan cuốn vào dòng chảy của con lạch ùn lên, nghẽn lại mãi đến ngày 10 tháng 9 mới thông thoáng hoàn toàn.
Mùa đông ấy trôi qua như vậy. Nhờ phòng ngừa cẩn thận, cái trại di thực nhỏ bé này không đến nỗi quá khổ sở. Mọi người đều khỏe mạnh và hăng hái học tập. Gordon không phải phạt kỉ luật trường hợp cứng đầu nào. Tuy nhiên, một hôm cậu cũng phải áp dụng biện pháp này với Dole. Nhiều lần chú từ chối không làm “nghĩa vụ của mình”, chẳng coi những lời trách mắng của Gordon vào đâu. Chú không bị phạt ăn bánh mì suông với nước trắng*, vì hình thức này không áp dụng trong các trường ở nước Anh, mà bị phạt đánh đòn.
Ăn bánh mì suông với nước trắng, tức là không có thức ăn, là một hình phạt đối với trẻ em trong gia đình cũng như trong các trường nội trú ở Pháp thời trước.
Như đã nhận xét, trẻ em Pháp ghét loại hình phạt này còn trẻ em Anh lại thấy hổ thẹn nếu tỏ ra sợ đau. Nhưng lần này Briant không can thiệp vì phải tôn trọng quyết định của Gordon.
Vậy là Dole phải chịu mấy roi của Wilcox, người được chỉ định bằng cách gắp thăm làm nhiệm vụ thi hành án công khai. Từ đó không còn trường hợp nào như thế xảy ra nữa.
Ngày 10 tháng 9 là tròn sáu tháng du thuyền Sloughi mắc nạn trên bãi đá ngầm đảo Chairman.
Hai Năm Trên Hoang Đảo Hai Năm Trên Hoang Đảo - Jules Verne Hai Năm Trên Hoang Đảo