A book is like a garden carried in the pocket.

Chinese Proverb

 
 
 
 
 
Tác giả: Alice Munro
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ngân Phan
Số chương: 22
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 11
Cập nhật: 2020-11-29 02:13:40 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 12
iều Còn Ghi Nhớ
Trong phòng khách sạn ở Vancouver, Meriel, hồi còn trẻ, đang xỏ đôi găng tay mùa hè ngắn màu trắng. Cô mặc chiếc váy lanh màu be, khăn voan trắng choàng lên mái tóc. Vào thời đó, tóc cô màu thẫm. Cô mỉm cười vì nhớ đến câu hoàng hậu Thái Lan Sirikit nói, đúng ra là trích dẫn, trong một tờ tạp chí. Trích dẫn trong trích dẫn - hoàng hậu Thái Lan Sirikit nhắc lại một câu nói của Balmain.
“Balmain đã dạy tôi mọi thứ. Ông ấy nói, ‘Lúc nào cũng nên mang găng tay trắng. Găng trắng là tốt nhất’.”
Găng trắng là tốt nhất. Tại sao cô lại mỉm cười khi nghĩ về điều này nhỉ? Lời khuyên bảo nghe mới nhẹ nhàng làm sao, có vẻ ngớ ngẩn nhưng không thể bàn cãi. Đôi tay đeo găng của cô trông trang trọng nhưng dịu dàng, như bàn tay của mèo con.
Pierre hỏi cô cười gì thì cô bảo, “Không có gì,” rồi cô kể anh nghe.
Anh hỏi, “Balmain là ai?”
Họ chuẩn bị đi dự một đám tang. Đêm qua, hai vợ chồng đã qua đây bằng phà từ nhà họ trên đảo Vancouver để đảm bảo đến đúng giờ dự tang lễ buổi sáng. Kể từ đêm tân hôn, đây là lần đầu tiên họ ở khách sạn. Giờ đây, mỗi khi đi nghỉ, họ đều phải mang theo hai đứa nhỏ, nên thường thì họ chỉ tìm những nhà nghỉ rẻ tiền dọc đường chuyên phục vụ gia đình.
Đây mới chỉ là đám tang thứ hai họ đi dự dưới danh nghĩa một cặp vợ chồng.
Cha của Pierre và mẹ của Meriel đã qua đời, nhưng họ đều mất trước khi Pierre và Meriel quen nhau. Năm ngoái, một giáo viên ở trường Pierre chết bất đắc kỳ tử, tang lễ long trọng, có dàn đồng ca nam sinh và bài điếu văn theo kiểu thế kỷ mười sáu. Người quá cố trạc sáu mươi lăm tuổi, nên dường như đối với Pierre và Meriel, cái chết của ông ta chỉ hơi bất ngờ và hầu như chẳng gây đau buồn gì. Đối với họ, chết lúc sáu lăm, bảy lăm hay tám năm tuổi chẳng khác nhau là mấy.
Đám tang hôm nay là một chuyện khác hẳn. Người sắp được chôn là Jonas. Bạn thân với Pierre đã nhiều năm và đồng lứa với anh - hai mươi chín tuổi. Pierre và Jonas cùng lớn lên ở quận Tây Vancouver - họ còn nhớ nơi này trước cả khi người ta xây cầu Lion Gate, khi mà nó còn dáng dấp của một thị trấn nhỏ.
Cha mẹ họ chơi với nhau. Lúc mười một, mười hai tuổi, họ đã cùng đóng một chiếc thuyền nhỏ rồi hạ thủy ở bến tàu Dundarave. Trong thời gian học đại học, họ không thân nhau lắm - Jonas học ngành kỹ thuật trong khi Pierre học ngành văn học Hy-La, mà theo truyền thống, sinh viên khối kỹ thuật và khối khoa học xã hội thường chẳng ưa gì nhau. Nhưng những năm sau khi tốt nghiệp đại học, họ dần dà nối lại tình bạn. Jonas chưa có vợ, anh thường đến thăm Pierre và Meriel, đôi khi ở lại với họ cả tuần.
Cả hai chàng trai trẻ đã rất ngạc nhiên về những sự kiện xảy ra trong cuộc đời họ, và họ hay đùa về chuyện này. Jonas là người đã khiến cha mẹ yên tâm với lựa chọn ngành nghề của mình và đánh thức lòng ganh tị ngấm ngầm trong cha mẹ của Pierre, vậy mà Pierre lại là người đã lấy vợ, làm công việc giảng dạy và nhận lãnh những trách nhiệm như người ta vẫn thường làm, trong khi Jonas chưa bao giờ có nổi một công việc hay một bạn gái ổn định kể từ khi tốt nghiệp đại học. Lúc nào anh cũng ở trong tình trạng thử việc mà kết cục là chẳng có nổi ràng buộc chắc chắn với bất cứ một công ty nào, còn các cô gái thì - ít ra là theo lời anh kể - lúc nào cũng như đang trong thời gian thử thách anh. Công việc kỹ sư cuối cùng của Jonas là ở vùng phía Bắc của tỉnh, và anh vẫn trụ lại đó sau khi bỏ việc hay bị sa thải gì đấy “Hợp đồng làm việc được chấm dứt theo sự đồng thuận của đôi bên,” anh viết cho Pierre như vậy, rồi cho biết thêm là hiện anh đang sống ở một khách sạn toàn khách sang và có thể anh sẽ kiếm việc trong đội đốn rừng. Anh còn tập lái máy bay và có ý định làm phi công lái máy bay đến những vùng hẻo lánh. Anh hứa sẽ xuống thăm họ sau khi giải quyết xong mấy vụ rắc rối về tài chính.
Meriel hy vọng là chuyện đó sẽ không xảy ra. Jonas ngủ trên đi văng trong phòng khách và sáng ra hay vứt bừa bãi chăn trên sàn nhà và cô lại phải đi thu dọn. Anh giữ Pierre thức đến nửa đêm, trò chuyện về thời họ mới lớn, thậm chí cả về thời thơ ấu. Anh gọi Pierre là Tóc Đái, một biệt danh từ thời nhỏ, và gọi những người bạn cũ là Bể Thúi, Bác Sĩ, Quả Bom, không bao giờ gọi bằng những cái nên mà Meriel thường nghe - Stan, Don hay Rick. Chú trọng tiểu tiết quá đáng đến mức thô lỗ, anh kể lại chi tiết những vụ việc mà theo Meriel thì chả có gì là hay ho hay buồn cười (như chuyện đốt túi cứt chó trên bậc thang trước cửa nhà một giáo viên, hay chuyện trêu chọc lão già thường cho bọn con trai năm xu để dụ chúng tụt quần), nhưng nếu chủ đề nói chuyện mà quay về hiện tại thì anh lại tỏ ra bực bội.
Khi phải báo cho Pierre biết là Jonas đã chết, cô cảm thấy như có lỗi, thấy bàng hoàng. Có lỗi vì cô không ưa Jonas và bàng hoàng vì anh là người chết đầu tiên mà họ biết rõ và đồng trang lứa với họ. Nhưng Pierre thì chẳng có vẻ gì ngạc nhiên hay đặc biệt chấn động.
“Tự tử,” anh buông một câu.
Cô bảo không, đấy là tai nạn. Anh ấy đi mô tô, trời tối, đường mòn rải sỏi và anh ấy lái trệch ra ngoài. Có ai đó tìm thấy anh ấy, hay đi cùng với anh ấy, có cứu hộ ngay nhưng một tiếng sau thì anh ấy chết. Thương tích quá nặng dẫn đến cái chết.
Đấy là những gì mẹ Jonas nói, trên điện thoại. Thương tích của nó quá nặng dẫn đến cái chết. Nghe có vẻ như bà chấp nhận chuyện này quá nhanh chóng, không ngạc nhiên gì cả. Như kiểu Pierre, khi anh buông một câu, “Tự tử.”
Sau đó, Pierre và Meriel hầu như chẳng đả động gì đến cái chết, họ chỉ nói về đám tang, về đặt phòng khách sạn, về việc cần kiếm người trông mấy đứa nhỏ ban đêm. Bộ đồ vét phải giặt, áo sơ mi trắng phải mua. Meriel là người thu xếp mấy chuyện này, còn Pierre thì thường xuyên kiểm tra xem cô lo liệu thế nào theo kiểu ta đây là chồng. Cô hiểu là anh muốn cô tự chủ và bình tĩnh, như anh, và không muốn cô cho mình được cái quyền buồn rầu, một cảm xúc mà - anh chắc chắn - cô không thể thực lòng cảm thấy. Cô hỏi tại sao anh lại nói “Tự tử,” thì anh trả lời, “Tự nhiên anh nghĩ như thế.” Cô có cảm giác việc anh tránh trả lời là một kiểu cảnh báo, thậm chí như một lời quở trách. Như thể anh nghi ngờ cô khai thác được gì từ cái chết này - hay từ mối liên quan mật thiết của họ đến cái chết - một cảm xúc xấu xa, ích kỷ. Một sự khích động bệnh hoạn, tự mãn.
Mấy anh chồng trẻ thời đó nghiêm khắc lắm. Chỉ mới trước đó không lâu, họ là những kẻ theo đuổi lố bịch, quỵ luỵ, tuyệt vọng vì quằn quại khát tình. Giờ đây, khi đã yên bề, họ biến thành những kẻ không khoan nhượng và hay chê bai. Mỗi sáng đi làm, râu ria cạo sạch sẽ, cổ đeo cà vạt trẻ trung, ngày ngày làm những việc vô danh, tối về đến nhà thì việc đầu tiên là liếc mắt chê bai bữa tối, xòe báo ra giơ lên như tấm chắn ngăn họ với cái mớ hỗn độn trong bếp, với những phiền não, những xúc cảm, những đứa trẻ. Biết bao nhiêu điều họ phải học, và học thật nhanh. Làm thế nào để khúm núm nịnh bợ cấp trên và làm thế nào để cai quản mấy cô vợ. Làm thế nào để kiểm soát chuyện vay nợ mua nhà, bảo trì tường, bãi cỏ, cống rãnh, chính trị, cũng như giữ được việc làm, để họ có thể chu cấp cho gia đình thêm một phần tư thế kỷ nữa. Lúc đó, chính phụ nữ là những người có thể lén lút quay trở về thời con gái - vào ban ngày, tuy vẫn luôn luôn để ý đến trách nhiệm lớn lao đổ lên đầu họ, trách nhiệm con cái. Tinh thần rạng rỡ khi chồng vừa ra khỏi nhà. Giữa những bức tường nhà do chính anh chồng bỏ tiền ra mua, vào những lúc anh ta không có nhà, mọc lên như nấm cái gì đó như là một sự nổi loạn mơ hồ, những buổi tụ tập mang tính chất lật đổ, những trận cười điên cuồng như trở lại thời trung học.
Sau tang lễ, vài người được mời về nhà cha mẹ Jonas ở Dundarave. Giậu đỗ quyên đang nở hoa, đủ màu đỏ, hồng và tím. Mọi người khen ngợi cha Jonas về khu vườn.
“Vâng, biết nói thế nào nhỉ,” ông nói. “Chúng tôi phải sửa sang lại hơi gấp.”
Mẹ của Jonas phân bua, “Tôi e rằng đây không phải là một bữa trưa hẳn hoi. Chỉ là ăn qua loa thôi ạ.” Phần lớn mọi người uống rượu vang sherry, nhưng cũng có mấy người đàn ông uống whisky. Thức ăn bày trên chiếc bàn ăn được kéo ra cho rộng hơn - mousse cá hồi phết bánh quy giòn, bánh tart nhân nấm, bánh mì tròn cuộn xúc xích, ga tô chanh, trái cây cắt miếng, bánh quy hạnh nhân, sandwich nhân tôm, giăm bông với dưa chuột và quả bơ. Pierre chất tất cả các món trên cái đĩa sứ nhỏ của mình, Meriel nghe mẹ anh nhắc nhở, “Con có thể lấy thêm thức ăn lần nữa mà.”
Mẹ anh không sống ở Tây Vancouver nữa mà từ White Rock về đây để dự đám tang. Bà không tự tin lắm khi khiển trách con thẳng thừng như vậy, vì bây giờ Pierre đã là thầy giáo và là một người đàn ông có vợ con hẳn hoi.
“Hay là con sợ hết đồ ăn?” bà nói xéo.
Pierre vô tư trả lời, “Con sợ sẽ hết mấy món con thích?”
Mẹ anh quay qua khen Meriel, “Con có cái váy đẹp quá.”
“Vâng, nhưng mẹ trông này Meriel nói, tay vuốt cái váy đã bị nhăn khi cô ngồi dự buổi tang lễ.
“Phiền nhỉ,” mẹ Pierre nhận xét.
“Phiền gì thế?” mẹ Jonas vui vẻ hỏi trong khi bỏ bánh tart vào đĩa hâm nóng.
“Phiền hà khi mặc vải lanh,” mẹ Pierre trả lời. “Meriel vừa than váy của nó bị nhăn như thế nào” - bà không đả động gì đến chuyện “khi dự buổi tang lễ” - “nên tôi bảo mặc vải lanh thì phiền thế đấy.”
Mẹ Jonas có lẽ chẳng để tâm nghe. Bà nhìn hướng qua phía bên kia căn phòng, nói, “Đấy là ông bác sĩ đã lo cho nó. Ông ấy tự bay xuống đây bằng máy bay riêng từ Smithers. Thực sự chúng tôi nghĩ ông ấy quá tốt.”
Mẹ Pierre phụ họa, “Bay như thế thật là mạo hiểm.”
“À, ừ. Tôi nghĩ chắc ông ấy thường dùng phương tiện này để đến chăm sóc bệnh nhân ở những nơi xa xôi hẻo lánh.”
Người đàn ông trong câu chuyện của họ đang trò chuyện với Pierre. Ông ta không mặc com lê, mà mặc một chiếc áo vét lịch sự tươm tất bên ngoài chiếc áo len cổ lọ.
“Có lẽ thế thật,” mẹ Pierre nhận xét, rồi mẹ Jonas nói, “Vâng và Meriel có cảm giác một cái gì đó - có thể là về cách ông ta ăn mặc chăng? - đã được giải thích rõ ràng và nhất trí giữa hai người đàn bà.”
Cô nhìn xuống những tấm khăn ăn được gấp làm tư. Chúng không to như khăn ăn tối nhưng cũng không nhỏ như khăn tiệc nhẹ. Chúng được xếp chồng lên nhau thành hàng, góc khăn này (góc khăn có thêu hình những bông hoa nhỏ xíu màu xanh dương, hồng, vàng) chồng lên góc xếp của khăn kia. Không có một khăn nào thêu hoa cùng màu xếp cạnh nhau. Không ai động đến chúng, hoặc giả nếu có lấy khăn - vì cô thấy vài người cầm khăn ăn - thì chắc là họ lấy từ cuối hàng một cách rất cẩn thận để trật tự ấy không bị xáo trộn.
Ở buổi tang lễ, ông mục sư đã so sánh cuộc đời của Jonas trên trần gian này giống như cuộc đời của một thai nhi trong bụng mẹ. Đứa bé, ông nói, không biết gì về một thế giới nào khác, yên sống trong cái hang ấm áp, tối tăm và ướt át, hoàn toàn không có tí ý niệm nào, dù chỉ mơ hồ, về mặt thế giới tuyệt vời đầy ắp ánh sáng mà nó sắp bị đẩy vào. Và chúng ta, đang sống trên đời này, tuy có khái niệm mơ hồ, nhưng thực sự không thể tưởng tượng được cái ánh sáng mà chúng ta sẽ bước vào sau khi vượt qua được sự đau đớn của cái chết. Nếu đứa bé bằng cách nào đó được báo trước về điều sắp xảy ra với nó trong tương lai gần, liệu nó có tránh khỏi hoài nghi và sợ hãi? Và chúng ta cũng vậy, thường là thế, nhưng chúng ta không nên như vậy, vì chúng ta được ban cho lòng tin. Kể cả thế, trí não mù lòa của chúng ta vẫn không thình dung, không thể nhận thức về một thế giới mà chúng ta sẽ đến. Đứa bé được bao bọc trong chính sự tăm tối của nó, hoàn toàn tin tưởng vào sự tồn tại câm lặng và không nơi nương tựa của nó. Và chúng ta, không hoàn toàn ngu dốt nhưng cũng không hoàn toàn thấu hiểu, phải tự do và bảo vệ chính mình bằng lòng tin của chính chúng ta, theo lời dạy của Chúa.
Meriel nhìn ông mục sư, trong hành lang dẫn ra cửa chính, với ly rượu sherry trên tay, đang lắng nghe người phụ nữ hoạt bát có mái tóc vàng chải bồng. Cô thấy họ không có vẻ gì là đang nói về sự đau đớn của cái chết hay ánh sáng phía trước. Ông ta sẽ phản ứng thế nào nếu cô đến chỗ họ bắt bẻ về chủ đề này?
Chẳng ai có tâm trạng làm chuyện đó. Mà cũng chẳng ai đủ bất lịch sự để làm thế.
Thay vì thế, cô quan sát Pierre và ông bác sĩ vùng hẻo lánh. Pierre nói chuyện sôi nổi như trẻ con, vẻ sôi nổi mà độ này ít thấy có ở anh. Hay cũng có thể chỉ có cô ít thấy anh như vậy. Để đỡ buồn chán, cô vờ như thể đây là lần đầu tiên cô gặp anh. Tóc anh xoăn, tỉa ngắn và rất đậm màu, hớt ra phía thái dương, để lộ lớp da mịn màu ngà nhuốm chút ánh vàng kim. Bờ vai rộng, góc cạnh, chân tay dài thanh mảnh, khuôn đầu hơi nhỏ nhưng đẹp. Anh cười rất quyến rũ nhưng không bao giờ cố ý tỏ ra như vậy, mà đằng nào thì anh cũng có vẻ không tin cậy nụ cười của mình lắm kể từ khi trở thành giáo viên dạy nam sinh. Những đường nét mờ nhạt của sự phiền muộn thường trực hằn lên trán.
Cô nhớ đến bữa tiệc dành cho giáo viên - cách đây hơn một năm - khi cô và anh, ở hai bên đối diện của căn phòng, thấy mình lạc lõng bên ngoài những cuộc chuyện trò xung quanh. Cô đi vòng qua căn phòng để đến gần mà không để anh biết, và rồi cô bắt chuyện với anh như thể cô là một người lạ mặt, đang kín đáo tán tỉnh anh. Anh cũng đã mỉm cười, như anh đang mỉm cười bây giờ - nhưng vẫn khác, vì lúc đó anh tự nhiên như khi nói chuyện với một phụ nữ đang giăng bẫy - anh cũng nhập vai. Họ trao cho nhau những cái nhìn nảy lửa, những câu nói sáo rỗng cho đến khi cả hai lăn ra cười. Có ai đó đến bảo họ rằng ở đây không được kể truyện cười về cuộc sống vợ chồng.
“Sao lại nghĩ chúng tôi thực sự là vợ chồng?” Pierre hỏi, thường anh rất thận trọng trong những bữa tiệc như thế này.
Giờ đây cô băng ngang qua căn phòng về phía anh nhưng hoàn toàn không có ý định đùa cợt xuẩn ngốc như thế. Cô cân nhắc anh về chuyện họ sắp phải chia tay mỗi người một ngả. Anh phải lái xe đến vịnh Horseshoe để đón chuyến phà tiếp theo, còn cô sẽ phải vượt qua bờ Bắc để đến thung lũng Lynn bằng xe buýt. Cô đã sắp xếp nhân tiện cơ hội này đến thăm người phụ nữ mà người mẹ quá cố của cô đã yêu quý, ngưỡng mộ, và đã đặt tên con gái mình theo tên bà, người mà Meriel vẫn gọi là dì, mặc dù họ chẳng có liên hệ máu mủ ruột thịt gì. Dì Muriel. (Chỉ khi đi học đại học cô mới đổi cách viết tên mình thành Meriel.)
Người cô già này đang sống ở một viện dưỡng lão trong thung lũng Lynn, và đã hơn một năm rồi Meriel chưa đi thăm bà. Phải tốn quá nhiều thời gian để đến đó trong những chuyến đi hiếm hoi của gia đình đến Vancouver, mà bọn trẻ con thì rất khó chịu với không khí viện dưỡng lão và dáng vẻ của những cư dân trong viện. Cả Pierre cũng vậy, mặc dù anh không muốn nói ra. Thay vào đó, anh chỉ bắt bẻ, dù sao đi nữa, cái người này có họ hàng gì với Meriel cơ chứ.
Đây có phải là dì thật của em đâu.
Vậy nên lần này Meriel đi một mình. Cô bảo là cô thấy có lỗi nếu không đi khi có cơ hội. Hơn nữa, mặc dù không nói ra, cô thực lòng mong chuyến đi này sẽ cho cô một khoảng thời gian tách khỏi gia đình mình.
“Hay là để anh chở em đi,” Pierre đề nghị. “Có trời mới biết em phải đợi xe buýt đến bao giờ.”
“Không được đâu,” cô nói. “Thế thì anh sẽ lỡ phà mất.” Cô nhắc anh về thỏa thuận với người trông trẻ.
Anh trả lời, “Ừ đúng.”
Người đàn ông mà nãy giờ anh nói chuyện - vị bác sĩ - không có lựa chọn nào khác là phải nghe toàn bộ câu chuyện giữa hai vợ chồng, và rồi anh ta đột ngột đề xuất, “Để tôi chở cô đi.”
“Tôi tưởng anh đến đây bằng máy bay,” Meriel nói, cùng lúc đó Pierre giới thiệu, “Xin lỗi, đây là vợ tôi. Meriel.”
Ông bác sĩ giới thiệu tên mình nhưng cô không nghe rõ.
“Hạ cánh trên núi Hollyburn không dễ chút nào,” ông ta giải thích. “Nên tôi để máy bay ở sân bay và thuê xe đến đây.”
Ông ta có vẻ hơi lịch sự thái quá, khiến Meriel thấy thái độ của mình thành ra khó chịu. Cô lúc nào cũng vậy, hoặc là quá táo bạo, hoặc là quá nhút nhát.
“Thực không quá phiền anh chứ,” Pierre hỏi. “Anh có thời gian không?”
Ông bác sĩ nhìn thẳng vào Meriel. Đó không phải là cái nhìn khó chịu - nó không táo bạo nhưng cũng không kín đáo, và không phải là cái nhìn đánh giá. Nhưng cũng không phải lịch sự xã giao.
Ông ta trả lời, “Tất nhiên là tôi có thời gian.”
Và thế là họ đồng ý sẽ như vậy. Họ sẽ chia tay tại đây, Pierre sẽ đi ra bến phà, và Asher, đó là tên ông ta - hay bác sĩ Asher - sẽ lái xe đưa Meriel đến thung lũng Lynn.
Kế hoạch của Meriel sau đó là thăm dì Meriel- có thể sẽ ở lại ăn tối với bà, rồi đón xe buýt từ thung lũng Lynn về trạm xe buýt trong trung tâm (xe buýt đi vào “thị trấn” tương đối đều đặn, và từ đó cô sẽ lên xe buýt chuyến chiều tối đưa cô ra bến phà về nhà.
Viện dưỡng lão có tên là Trang viên Công Chúa. Đó là tòa nhà một tầng có cái chái mở rộng, trát vữa màu hồng nâu. Nằm trên phố nhộn nhịp, chẳng có vườn tược gì cả, không có giậu che hay hàng rào để chắn tiếng ồn hay để bảo vệ mấy khoảng sân cỏ. Một bên là ta nhà thờ Phúc Âm có cái gác chuông lố bịch, còn phía bên kia là trạm xăng.
“Cái từ ‘Trang viên’ chẳng còn ý nghĩa gì nữa nhỉ?” Meriel khơi chuyện. “Thậm chí không có nghĩa là có tầng trên. Chỉ có nghĩa là người ta nên nghĩ cái chỗ đó không thèm cố gắng tí gì để tỏ ra đúng như cái tên của nó?”
Ông bác sĩ không nói gì - có thể là điều cô nói vô nghĩa đối với ông ta. Hay chả đáng bàn cho dù đó là sự thật. Suốt cả quãng dường từ Dundarave, cô chỉ nghe thấy mình độc thoại và cô cảm thấy mất hết tinh thần. Cũng không hẳn là vì cô nói chuyện tầm phào - huyên thuyên bất cứ chuyện gì nảy ra trong đầu - mà là vì cô cứ cố gắng diễn đạt cái điều mà cô thấy thú vị, hoặc có thể sẽ thú vị nếu cô biết cách diễn đạt. Nhưng khi cô liến láu như vậy, những ý tưởng này có lẽ nghe hơi phô trương, nếu không muốn nói là điên khùng. Hẳn là cô có vẻ giống như một trong mấy bà mấy cô quyết tâm không nói những chuyện tầm thường mà phải nói những chuyện thực sự nghiêm túc. Và mặc dù cô biết là mình không làm được gì, rằng việc cô nói chuyện đối với ông ta có vẻ như một điều phiền toái, cô vẫn không thể nào dừng lại được.
Cô không biết cái gì đã bắt đầu tình trạng này. Sự thiếu thoải mái, đơn giản là vì độ này cô hiếm khi trò chuyện với người lạ. Cảm giác kỳ quặc khi một mình đi chung xe với một người đàn ông không phải là chồng mình.
Một cách thiếu suy nghĩ, cô thậm chí còn hỏi ông bác sĩ nghĩ gì về việc Pierre cho rằng tai nạn xe máy này thực ra là tự tử.
“Cô có thể gán cái ý tưởng đó cho vô số những tai nạn nghiêm trọng như vậy,” ông ta đáp.
“Không cần phải bận tâm chở tôi vào tận trong đâu,” cô nói. “Tôi xuống đây được rồi.” Quá xấu hổ và chỉ mong được thoát khỏi ông ta, thoát khỏi cái vẻ thờ ơ chẳng mấy lịch sự, cô để tay lên nắm cửa, như thể chực mở cửa thậm chí khi xe còn đang chạy ngoài đường.
“Tôi sẽ đậu xe lại,” ông ta nói, vẫn đánh xe vào. “Tôi không có ý định bỏ rơi cô ở đây.”
Cô bảo, “Có thể tôi sẽ ở lại lâu đấy.”
“Không sao cả. tôi sẽ đợi. Hoặc tôi có thể vào trong xem thế nào. Nếu cô không thấy phiền.”
Cô định nói là viện dưỡng lão có thể sẽ rất ảm đạm thê lương và khiến người ta mất bình tĩnh. Rồi cô sực nhớ ông ta là bác sĩ thì chắc cũng chẳng có gì ở đây mà ông ta chưa từng thấy. Có gì đó trong cái cách ông ta nói “nếu cô không thấy phiền khiến cô ngạc nhiên - chút khách sáo, nhưng cũng có chút ngập ngừng trong giọng nói. Có vẻ như ông ta đang đề nghị dành thời gian cho cô, và sự hiện diện của ông ta ở đây không hẳn chỉ là vì lịch sự, mà là vì chính cô. Đó là một lời đề nghị có chút nhún nhường thẳng thắn, nhưng không một chút cầu xin. Nếu cô nói rằng cô không muốn tốn thêm thời gian của ông ta thì có lẽ ông ta cũng chẳng thuyết phục thêm, ông ta sẽ chào tạm biệt, cũng với một phép lịch sự tương tự và lái xe đi.
Và thế là, họ xuống xe, sánh bước đi qua bãi đậu xe về phía cửa chính.
Vài ông bà già hoặc người tàn tật đang ngồi ở khoảng vỉa hè có những bụi cây trông như lông thú và những chậu hoa dã yên thảo đặt xung quanh, mô phỏng một cái hiên vườn. Dì Muriel không có trong nhóm người đó, nhưng Meriel nhận ra mình đang ban phát cho họ những lời chào hỏi vui vẻ. Có gì đó đã xảy ra với cô. Đột nhiên cô nhận thấy một cảm giác bí ẩn về sức mạnh và niềm vui, cứ như thế sau mỗi bước cô đi, một luồng thông điệp tươi sáng lại chạy từ gót chân lên đến đỉnh đầu.
Sau này, khi cô hỏi ông, “Tại sao anh lại vào trong đó với em?” ông đã trả lời, “Vì anh không muốn em rời khỏi tầm mắt.”
Dì Muriel ngồi một mình, trong xe lăn, giữa hành lang mờ tối ngay bên ngoài cửa phòng bà. Trông bà sưng húp và sáng lờ mờ- nhưng đó chỉ là vì người ta quấn bà trong cái tạp dề sợi amiăng để bà có thể hút thuốc. Meriel tin chắc là bà đã ngồi trong đúng cái ghế đó, ở đúng vị trí đó khi cô chào tạm biệt bà, từ nhiều tháng trước, nhiều mùa trước - dù lúc ấy không có cái tạp dề amiăng, bà đeo cái tạp dề này chắc là vì một quy định mới nào đó, hay cũng có thể đây là dấu hiệu bà đã sa sút thêm. Chắc là bà đã ngồi đây mỗi ngày, bên cạnh cái gạt tàn thuốc cố định đổ đầy cát, nhìn lên bức tường sơn màu gan gà - nó được sơn màu hồng hay màu hoa cà gì đó nhưng trông lại hao hao màu gan gà, hành lang quá tối - với cái giá đóng trên tường đỡ chậu cây thường xuân giả rủ lá.
Cháu Meriel đấy à? Dì đã đoán là cháu mà,” bà nói. “Dì có thể đoán ra ngay là cháu chỉ qua tiếng bước chân. Dì đoán là chỉ qua hơi thở của cháu. Ôi, quỷ tha ma bắt cái bệnh lòa mắt này di. Dì chả thấy được gì ngoài những đốm màu.”
“Đúng là cháu đây, dì có khóc không?” Meriel hôn vào thái dương của bà. “Sao dì không ra ngoài trời sáng?”
“Dì không thích ánh mặt trời,” bà lão nói. “Dì sợ đen da.”
Chắc là bà đùa, nhưng cũng có thể thế thật. Gương mặt và đôi tay nhợt nhạt của bà phủ đầy những đốm lớn - những đốm trắng bệch, dưới thứ ánh sáng mờ mờ ở đây trở thành bàng bạc. Trước đây bà là một phụ nữ tóc vàng chính hiệu, mặt hồng hào, mảnh mai, tóc suôn cắt rất khéo đã bạc khi bà mới ở tuổi ba mươi. Bây giờ tóc bà tả tơi, rối bù vì cọ sát nhiều vào gối, và đôi dái tai chìa ra dưới tóc như hai cái núm vú bị dẹt. Trước đây bà hay đeo đôi bông tai kim cương nhỏ xíu - không biết giờ biến đi đâu rồi? Bông tai kim cương và cả những thứ như dây chuyền vàng, ngọc trai thật, áo lụa có những màu rất lạ màu hổ phách, màu cà tím - và những đôi giày thon thả đẹp tuyệt.
Người bà toàn mùi bột giặt bệnh viện và mùi kẹo cam thảo bà ngậm suốt ngày, giữa những điếu thuốc lá bà được phép hút.
“Mình cần mấy cái ghế,” bà nói. Bà vươn người về phía trước, quơ quơ cánh tay cầm điếu thuốc lên không, cố huýt gió. “Dịch vụ đâu. Làm ơn cho mấy cái ghế.”
Ông bác sĩ nói, “Tôi sẽ đi kiếm ghế.”
Chỉ còn lại bà lão Muriel và cô gái trẻ Meriel.
“Chồng cháu tên gì ấy nhỉ?”
“Pierre.”
“Cháu có hai đứa con, phải không? Jane và David, đúng không?”
“Đúng rồi. Nhưng người đàn ông đi với cháu…”
“À, không,” bà lão Muriel ngắt lời. “Anh ta không phải là chồng cháu.”
Dì Muriel thuộc về thế hệ bà ngoại của Meriel, không phải thế hệ của mẹ Meriel. Bà là giáo viên dạy vẽ cho mẹ Meriel ở trường học. Đầu tiên bà là người truyền cảm hứng, rồi bà là đồng minh, và rồi là bạn. Bà vẽ những bức tranh trừu tượng lớn, một trong những bức đó được tặng cho mẹ Meriel, treo hành lang sau của ngôi nhà nơi Meriel lớn lên và được chuyển vào treo trong phòng ăn mỗi khi tác giả của nó đến chơi. Màu sắc của nó u ám - đỏ và nâu đậm (cha Meriel gọi nó là “Đống phân bò bốc cháy - nhưng bản thân dì Muriel lại có một tâm hồn luôn luôn tươi sáng và không hề sợ hãi. Bà sống ở Vancouver khi còn trẻ, trước khi đến thị trấn nằm sâu trong lục địa này. Bà đã kết bạn với những họa sĩ mà bây giờ tên tuổi của họ đã lên mặt báo. Bà tha thiết mong được quay trở lại đó và cuối cùng bà đã quay lại, sống cùng và quản lý công chuyện cho một cặp vợ chồng già giàu có, vốn là bạn bà và đã nâng đỡ cho nhiều nghệ sĩ. Có vẻ như bà có rất nhiều tiền khi sống với họ, nhưng bà đã bị bỏ rơi hoàn toàn sau khi họ qua đời. Bà sống bằng lương hưu, chuyển qua vẽ màu nước vì không có đủ tiền vẽ tranh sơn dầu, nhịn ăn để có thể dẫn Meriel đi ăn trưa (mẹ của Meriel ngờ là thế) - lúc ấy cô còn là sinh viên đại học. Trong những dịp này, bà thường nói hàng tràng những truyện tiếu lâm và chê bai phê phán, thường là để vạch ra rằng những tác phẩm hay ý tưởng mà người ta đang say sưa bàn tán toàn là những thứ vớ vẩn, nhưng thỉnh thoảng, từ tác phẩm của một ai đó, một nghệ sĩ đương đại không tiếng tăm, hay một nhân vật từ thế kỷ trước đã gần như bị lãng quên, lại có điểm gì đó phi thường. Bà dùng cái từ mạnh mẽ đó để ca ngợi - “phi thường”. Giọng bà bỗng có vẻ tĩnh lặng, như thể ngay tại thời điểm đó và trước sự bất ngờ của chính bản thân mình, bà đã được thấy một phẩm chất vẫn còn đáng được quý trọng tuyệt đối trên cõi đời này.
Ông bác sĩ quay lại với hai cái ghế và tự giới thiệu, hoàn toàn tự nhiên, cứ như thể đến bây giờ ông mới có dịp giới thiệu.
“Eric Asher.”
“Ông ấy là bác sĩ Meriel giới thiệu thêm. Cô định giải thích về chuyện đám tang, về tai nạn, về chuyện bay từ Smithers xuống đây, nhưng cô đã bị tước mất cơ hội.
“Bác yên tâm, tôi không đến đây với cương vị bác sĩ đâu,” ông bác sĩ trấn an.
“Ồ không,” dì Muriel nói. “Anh đến đây với con bé.”
“Vâng,” ông trả lời.
Đúng lúc đó, ông vươn người qua khoảng trống giữa hai chiếc ghế, cầm tay Meriel, siết chặt tay cô trong một khoảnh khắc rồi buông. Ông nói với dì Muriel, “Làm sao bác biết được? Qua hơi thở của tôi à?”
“Tôi biết chứ,” bà nói với vẻ thiếu kiên nhẫn. “Bản thân tôi cũng đã từng ranh ma quỷ quái lắm đấy nhé.”
Giọng bà - rung rung như có tiếng cười ranh mãnh trong đó - không giống tất cả những giọng điệu khác của bà mà Meriel nhớ. Cô cảm giác như có một sự phản bội nào đó đang khuấy lên, từ bà lão mà đột nhiên cô thấy xa lạ. Một sự phản bội với quá khứ, có thể là với mẹ của Meriel, với tình bạn mà mẹ cô đã quý trọng trao cho một người bề trên. Hoặc cũng có thể đó là sự phản bội với ký ức của cô về những bữa trưa với bà, và những cuộc chuyện trò tinh tế giữa họ. Một cái gì đó đê tiện bẩn thỉu đang hình thành. Nó làm cho Meriel bối rối, và kích động một cách mơ hồ.
“Ồ, tôi đã từng có những người bạn,” dì Muriel nói, và Meriel chêm vào, dì có rất nhiều bạn. Cô nhắc đến vài cái tên.
“Chết rồi,” dì Muriel nói.
Meriel bảo không, cô vừa mới đọc được trên báo, đâu như là một buổi triển lãm hồi tưởng quá khứ hay một giải thưởng gì đó.
“Thế à? Dì tưởng ông ta chết rồi. Có thể là dì nhớ nhầm người khác… Có biết gia đình nhà Delaney không?”
Bà nói với ông bác sĩ, không phải với Meriel.
“Tôi nghĩ là không,” ông trả lời. “Không.”
“Họ có nhà trên đảo Bowen, chúng tôi thường đến đó. Nhà Delaney. Tôi nghĩ có thể anh từng nghe nói về họ. Chà. Đại khái là có những chuyện tai tiếng. Vì thế nên tôi mới nói là tôi cũng đã từng quỷ ranh lắm. Những cuộc phiêu lưu. Chà. Có vẻ như phiêu lưu đấy, nhưng tất cả đều đã dàn dựng sẵn, anh hiểu ý tôi mà. Thực ra cũng chả có gì phiêu lưu lắm. Tất nhiên, chúng tôi ai nấy đều say bét nhè. Nhưng mà lúc nào họ cũng thắp nến thành vòng tròn và bật nhạc lên, tất nhiên - kiểu như một nghi lễ vậy. Nhưng không phải tất cả đều làm vậy. Chuyện này không có nghĩa là ta không thể gặp ai đó mới và tung hê hết không thèm đếm xỉa gì đến kịch bản. Chỉ mới gặp lần đầu thôi mà đã hôn nhau như điên dại và bỏ chạy vào rừng. Trong đêm tối. Nhưng cũng chả đi đến đâu. Quên đi. Chấm hết.”
Bà bắt đầu ho, bà cố gắng nói chuyện qua cơn ho nhưng đành chịu và ho khan một cách dữ dội. Ông bác sĩ đứng lên, rất chuyên nghiệp, ông vỗ vỗ vài cái vào tấm lưng khòm của bà. Cơn ho ngừng lại bằng một tiếng rên rỉ.
“Tốt hơn rồi,” bà nói. “Ôi, ta biết rõ mình đang làm gì, nhưng ta lại cứ giả vờ như không biết. Có một lần họ bịt mắt tôi lại. Không phải trong rừng mà là trong nhà. Ổn thôi, tôi đồng ý. Nhưng mà nó chẳng có kết cục gì hay ho - ý tôi nói là tôi biết tất. Đằng nào thì có lẽ chẳng có ai ở đó mà tôi không nhận ra được.”
Bà lại ho, nhưng không dữ dội như trước. Rồi bà ngẩng đầu lên, hít thở sâu thành tiếng trong vài phút, tay giơ lên ra dấu tạm ngưng câu chuyện, như thế bà có điều gì đó sắp nói thêm, điều gì đó quan trọng. Nhưng tất cả những gì bà làm là phá lên cười, “Bây giờ thì tôi được che mắt vĩnh viễn rồi nhé. Lòa. Nhưng giờ thì chả ai thèm lợi dụng tôi nữa, ít ra là tôi chưa từng biết có sự trụy lạc nào kiểu như vậy.”
“Bệnh của bác kéo dài bao lâu rồi ông bác sĩ hỏi, vẻ quan tâm lễ phép, và Meriel cảm thấy vô cùng nhẹ nhõm vì họ bắt đầu chăm chú nói chuyện và bàn luận về sự tiến triển của bệnh đục thủy tinh thể, việc thay thủy tinh thể, những điều nên và không nên khi làm phẫu thuật, và về chuyện dì Muriel không tin tưởng vị bác sĩ nhãn khoa bị “đẩy qua” - theo lời bà - chăm sóc các cư dân ở đây. Những hoang tưởng dâm ô - giờ đây khi nhớ lại Meriel đã quyết định đó chỉ là những hoang tưởng dâm ô - không một chút khó khăn chuyển thành câu chuyện về sức khỏe, với vẻ bi quan tán đồng từ phía dì Muriel và những lời trấn an thận trọng từ phía ông bác sĩ. Kiểu đối thoại hẳn vẫn thường xuyên diễn ra giữa những bức tường này.
Sau một lúc, Meriel và ông bác sĩ thoáng liếc mắt trao đổi, ý hỏi cuộc thăm viếng đã đủ lâu chưa. Một cái nhìn kín đáo, thận trọng, gần như là của những cặp vợ chồng, sự ngụy trang và thân mật dịu dàng trong ánh mắt ấy khuấy động những kẻ thực ra không phải vợ chồng.
Sắp rồi
Dì Muriel chủ động trước. Bà nói, “Thứ lỗi cho tôi, thật là bất lịch sự, nhưng tôi phải thú thật là tôi rất mệt.” Thái độ của bà bây giờ hoàn toàn chẳng có tí dấu vết gì của cái người đã mở màn phần đầu câu chuyện. Phân tâm, điệu bộ như đóng kịch, cảm giác xấu hổ mơ hồ, Meriel cúi xuống hôn tạm biệt bà. Cô có linh tính là mình sẽ không bao giờ gặp lại dì Muriel nữa, và đúng như thế thật.
Đằng sau khúc quanh, những cửa phòng mở toang, người ta đang nằm ngủ trên giường, hay cũng có thể là họ nằm trên giường và quan sát, ông bác sĩ chạm tay vào lưng cô, giữa hai bả vai, tay ông chuyển động dọc sống lưng cô, đến thắt lưng. Cô nhận ra là ông đang kéo vải váy của cô, nó bị dính vào làn da ẩm ướt khi cô ngồi dựa lưng vào ghế. Cái váy cũng ẩm ướt dưới hai nách.
Cô phải vào phòng vệ sinh ngay. Cô cứ mải miết tìm bảng chiếu chỉ dẫn tới phòng vệ sinh dành cho khách viếng thăm, cô nghĩ là đã nhìn thấy nó trên đường đi vào.
Đây rồi. Cô nhớ đúng mà. Nhẹ người, nhưng mà cũng khó xử, vì cô phải đột ngột tách ra khỏi tầm tay của ông và nói, “Tôi vào đây một chút bằng cái giọng vang lên trong tai cô nghe lạnh nhạt và khó chịu. Ông trả lời, “Vâng,” rồi nhanh nhẹn đi về hướng nhà vệ sinh nam, và thế là cái khoảnh khắc tế nhị hoàn toàn tan biến.
Khi cô ra ngoài, dưới ánh mặt trời nóng bỏng, cô thấy ông đang đi tới đi lui bên cạnh chiếc xe và hút thuốc. Trước đó ông không hút - không hút ở nhà bố mẹ Jonas, không hút trên đường đi, không hút cùng với dì Muriel. Hành động này có vẻ như cô lập ông, cho thấy ông có phần nào đó nôn nóng, có thể là nôn nóng muốn làm xong một việc để tiến tới việc khác. Bây giờ thì cô không chắc lắm, liệu cô là cái việc sẽ làm tiếp theo hay là cái việc cần làm cho xong đây.
“Đi đâu?” ông hỏi khi đang lái xe. Thế rồi, hình như nghĩ rằng nói như vậy thì quá cộc lốc, ông hỏi lại, “Cô muốn đi đâu?” Như thể ông nói chuyện với một đứa trẻ, hay với dì Muriel - với một người mà ông buộc phải tiêu khiển cả buổi chiều. Meriel trả lời, “Tôi không biết như thể cô không có lựa chọn nào khác là để chính mình biến thành đứa trẻ phiền toái đó. Cô kiềm lại để không bật ra tiếng rên rỉ thất vọng, tiếng gào thét dục vọng. Lòng dục vọng có vẻ như e lệ và rời rạc, nhưng không thể tránh khỏi, thế mà giờ đây đột nhiên lại bị coi là không đúng đắn và một chiều. Hai bàn tay ông để trên tay lái hoàn toàn là của ông, như giành lại chủ quyền, như thể ông chưa hề động đến cô.
“Công viên Stanley nhé?” ông hỏi. “Cô có muốn đi dạo ở công viên Stanley không?”
Cô trả lời, “Ồ, công viên Stanley. Bao nhiêu năm rồi tôi không đến đó như thể ý tưởng này làm cô phấn khởi hẳn lên và cô không tưởng tượng được cái gì tốt hơn nữa. Nhưng rồi cô đã khiến mọi chuyện tệ hơn vì thêm một câu, “Trời hôm nay tuyệt quá.”
“Đúng vậy. Quả thật đúng như vậy.”
Họ nói chuyện như trong tranh biếm họa, thật không thể nào chịu nổi.
“Họ không gắn radio trong xe cho thuê. Đôi khi họ gắn. Đôi khi không.”
Cô quay cửa kính xe xuống khi họ đi ngang qua cầu Lion Gate. Cô hỏi ông có thấy phiền không.
“Không. Hoàn toàn không có gì phiền.”
“Mùa hè đối với tôi luôn là như vậy đó. Kéo cửa kính xuống cho khuỷu tay chìa ra ngoài và gió lùa vào. Tôi nghĩ tôi sẽ không bao giờ quen được với máy lạnh.”
“Nếu quá nóng thì cô sẽ quen với máy lạnh.”
Cô quyết chí giữ yên lặng, cho đến khi rừng cây trong công viên đón nhận họ, khi những cây cao, rậm rạp có thể nuốt chửng tất cả những ngu ngốc và hổ thẹn. Nhưng rồi cô đã làm hỏng mọi thứ bằng tiếng thở phào biết ơn quá cường điệu.
“Mũi Prospect”. Ông đọc bảng hiệu.
Có rất nhiều người xung quanh, mặc dù hôm đó là một buổi chiều ngày thường vào tháng năm, khi mùa nghỉ chưa bắt đầu. Lát nữa họ có thể bình luận về chuyện này. Xe đậu đầy lối đi lên nhà hàng, người xếp hàng dài ngoằng lên bục ngắm có những ống nhòm bỏ xu.
“A ha.” Ông vừa nhìn thấy một xe chuẩn bị ra khỏi chỗ đậu. Một khoảnh khắc được giải thoát khỏi tình thế phải nói chuyện, trong lúc ông chờ, rồi lùi xe lại để nhường đường cho xe kia ra, sau đó khéo léo điều khiển xe đậu vào khoảng trống khá hẹp. Xuống xe cùng một lúc, đi vòng qua để gặp nhau ở lề đường. Ông quay tới quay lui, như thể định hướng xem nên đi về phía nào. Người đi bộ, đến và đi khắp nơi từ mọi ngả đường mà tầm mắt họ có thể nhìn thấy.
Chân cô run lẩy bẩy, cô không thể nào chịu đựng nổi nữa.
“Hãy mang em đi nơi nào khác đi,” cô nói.
Ông nhìn thẳng vào mặt cô. Ông nói, “Được.”
Ngay tại đó giữa lề đường trước bàn dân thiên hạ. Họ hôn nhau như điên dại.
Hãy mang em đi, đó là câu cô đã nói. Hãy mang em đi nơi nào khác đi, không phải là Chúng ta hãy đi nơi nào khác đi. Sự khác biệt này rất quan trọng.
Sự liều lĩnh, sự phó mặc. Hoàn toàn liều lĩnh và hoàn toàn phó mặc. Chúng ta hãy đi - câu này có sự liều lĩnh, nhưng không có buông thả - mà buông thả chính là điểm khởi đầu - trong tất cả những lần cô sống lại cái khoảnh khắc này - của sa ngã ái tình. Giả sử đến lượt mình mà ông thoái thác thì sao? Đi đâu? Khả năng này cũng không thể nào xảy ra được. Ông phải nói cái câu mà ông đã nói. Ông phải trả lời, được.
Ông mang cô đến căn hộ nơi ông đang lưu lại, ở Kitsilano. Căn hộ này là của một người bạn, người đó đang đánh thuyền đi câu cá, đâu đó ngoài khơi bờ Tây đảo Vancouver. Đó là một tòa nhà nhỏ, khang trang, ba hay bốn tầng gì đó. Tất cả những gì cô nhớ được và những viên gạch thủy tinh xung quanh lối vào cửa chính và món đồ dường như là duy nhất trong phòng khách, một đàn máy hi-fi mà vào thời đó trong rất nặng nề và phức tạp.
Có lẽ cô thích cảnh khác hơn, và trong ký ức của mình, cô đã thay nó bằng một cảnh khác. Một khách sạn hẹp, sáu hay bảy tầng gì đó, trước đây đã từng là một khu nhà ở hợp thời trang phía Tây thành phố Vancouver. Màn cửa đăng ten ngả vàng, trần cao, có thể có song sắt chắn một phần cửa sổ, và ban công giả. Không có gì là thực sự bẩn thỉu và nhơ nhuốc, chỉ là không khí của một chỗ trọ lâu dài cho những nỗi thống khổ và tội lỗi thầm kín. Ở đó, cô phải đi ngang tiền sảnh nhỏ của khách sạn, đầu cúi gằm và cánh tay bám chặt hai bên người, toàn thân tràn ngập một nỗi hổ thẹn thấm thía. Rồi ông nói chuyện với nhân viên tiếp tân, giọng trầm thấp, không loan báo nhưng cũng không giấu giếm hay xin lỗi về mục đích của họ.
Và rồi họ đi vào thang máy, loại thang cổ trông như cái cũi được một ông già, hay cũng có thể là bà già, một người tàn tật, hay một người phục vụ xấu xa láu cá điều khiển.
Tại sao cô lại dựng lên, tại sao cô lại thêm vào cái cảnh ấy? Để nhớ lại cái khoảnh khắc bị phơi trần, cái cảm giác nhức nhối của sự nhục nhã và lòng tự trọng đã làm cô tê liệt khi cô đi qua tiền sảnh khách sạn (tưởng tượng), và để nhớ lại giọng nói của ông, vẻ kín đáo và uy quyền khi ông nói chuyện với nhân viên tiếp tân, dù cô không hoàn toàn nghe ra được những từ ngữ đối thoại.
Cái giọng ấy có lẽ cũng cùng tông với giọng ông nói trong hiệu thuốc cách căn hộ vài dãy phố, sau khi ông đậu xe và bảo, “Đợi anh vào đây một chút.” Những chuẩn bị rất thực tế mà trong cuộc sống hôn nhân cỏ vẻ nặng nề và chán nản thì trong tình huống này lại đánh thức một cảnh xúc nồng nhiệt nhẹ nhàng trong cô, lại khơi lên một trạng thái hôn mê và phục tùng mới lạ.
Sau khi trời tối, ông đưa cô trở lại, lái xe xuyên qua công viên, qua cầu, xuyên quận Tây Vancouver, đi quá nhà cha mẹ Jonas chỉ một quãng ngắn. Cô đến vịnh Horseshoe gần như vào phút chót, và đi bộ lên phà. Những ngày cuối tháng Năm là một trong những ngày dài nhất trong năm, và mặc dù bến phà thắp đèn sáng trưng và đèn ô tô rọi sáng khoang tàu, cô vẫn có thể thấy chút ánh hoàng hôn ửng lên trên bầu trời phía tây, và trên nền trời, in hình cái gờ đen của một hòn đảo - không phải đảo Bowen mà là một hòn đảo cô không biết tên - gọn gàng như một chiếc bánh pudding đặt nơi cửa vịnh.
Cô phải hòa vào đám đông đang chen lấn nhau lên cầu thang, và khi lên đến boong dành cho hành khách, cô ngồi xuống chỗ trống đầu tiên cô nhìn thấy. Không như thường lệ, cô thậm chí không buồn tìm chỗ ngồi gần cửa sổ. Cô có hẳn một tiếng rưỡi trước khi phà cập bến bên kia eo biển, và trong suốt khoảng thời gian này, cô có nhiều việc phải làm.
Ngay khi tàu bắt đầu khởi hành, những người ngồi bên cạnh cô bắt đầu trò chuyện. Họ không phải là những người tình cờ gặp nhau trên phà mà là bạn bè hay người nhà gì đó, vốn biết nhau rõ nên tìm được vô khối chuyện để nói trong suốt chuyến đi. Thế nên cô đứng dậy đi ra boong tàu, leo lên tầng trên cùng vì ở trên này bao giờ cũng ít người hơn, rồi cô ngồi lên một trong những cái thùng đựng trang thiết bị cứu đắm. Cô thấy đau ở những chỗ cô nghĩ là sẽ đau và cả những chỗ cô không nghĩ là sẽ đau.
Cái việc mà cô phải làm, theo cô, là nhớ lại tất cả- và theo cô “nhớ có nghĩa là trải nghiệm nó trong tâm trí, một lần nữa - rồi vĩnh viễn cất nó đi. Tất cả trải nghiệm của ngày hôm nay sẽ được sắp xếp lại, không một cái gì bị vứt rời rạc, bừa phứa, tất cả đều phải được gói ghém cẩn thận như báu vật và dứt khoát cất đi.
Cô bấu víu vào hai dự đoán, dự đoán đầu dễ chịu, và dự đoán thứ hai dễ chấp nhận tại thời điểm hiện tại, dù không nghi ngờ gì, nó sẽ khó hơn cho cô sau này.
Hôn nhân của cô với Pierre sẽ tiếp tục và sẽ kéo dài.
Cô sẽ không bao giờ gặp lại Asher.
Hóa ra cả hai dự đoán này đều đúng.
Hôn nhân của cô đúng là kéo dài - hơn ba mươi năm sau đó, cho đến khi Pierre qua đời. Trong giai đoạn đầu khi bệnh tình của anh chưa nặng lắm, cô thường đọc sách cho anh nghe, vài cuốn trước đây họ đã đọc và muốn đọc lại. Trong số đó có tiểu thuyết Cha và con. Sau khi cô đọc đoạn Bazarov biểu lộ tình yêu cuồng nhiệt của chàng với Anna Sergeyevna, khiến Anna hoảng sợ, họ ngưng đại để tranh luận. (Không phải tranh cãi, họ đã trở nên quá dịu dàng để có thể tranh cãi.)
Meriel muốn cảnh này diễn tiến khác đi. Cô tin rằng Anna sẽ không phản ứng như vậy.
“Đấy và do nhà văn,” cô nói. “Thường thì em không có cảm giác như vậy về Turgenev, nhưng mà ở đây thì em thấy rõ ràng Turgenev đã chia rẽ họ và ông làm như vậy vì mục đích riêng gì đó.”
Pierre mỉm cười yếu ớt cả mọi biểu lộ cảm xúc của anh đã trở nên sơ sài. “Em nghĩ Anna sẽ không cưỡng lại được à?”
“Không. Không phải không cưỡng lại được. Em không tin nàng là người như vậy, em nghĩ nàng cũng ham muốn không kém gì anh ta. Họ sẽ tiến tới.”
“Lãng mạn nhỉ. Em bóp méo mọi thứ để cho kết thúc có hậu.”
“Em đâu có nói gì đến kết cục đâu.”
“Nghe này,” Pierre kiên nhẫn nói. Anh thích những cuộc nói chuyện như thế này, nhưng mà chúng làm anh mệt mỏi, anh phải nghỉ một chút để lấy hơi. “Nếu Anna đầu hàng thì đó là bởi vì nàng yêu. Khi chuyện giữa hai người kết thúc thì nàng sẽ càng yêu anh ta hơn. Không phải phụ nữ là thế sao? Ý anh nói là một khi họ yêu. Còn anh ta thì sao - anh ta sẽ bỏ đi ngay sáng hôm sau, có lẽ thậm chí không một lời từ biệt. Bản chất anh ta là như vậy. Anh ta không muốn yêu nàng. Thế thì sao lại gọi là tốt hơn được?”
“Họ sẽ có một cái gì đó. Trải nghiệm của họ.”
“Hắn ta rồi sẽ quên ngay cái chuyện đó, còn nàng sẽ chết vì hổ thẹn và vì bị ruồng bỏ. Nàng là một người thông minh. Nàng hiểu chuyện đó.”
“Nhưng,” Meriel phản đối, ngập ngừng một chút vì cảm thấy mình bị dồn vào thế bí. “Nhưng Turgenev không nói như vậy. Ông nói là nàng hoàn toàn bị bất ngờ. Ông nói nàng là người lãnh đạm.”
“Trí thông minh khiến nàng trở nên lãnh đạm. Đối với phụ nữ, thông minh đồng nghĩa với lạnh lùng.”
“Không đời nào.”
“Anh nói là vào thế kỷ mười chín. Vào thế kỷ mười chín thì như thế.”
Vào cái đêm trên phà đó, suốt thời gian mà cô nghĩ là cô sẽ sắp xếp lại ký ức, Meriel đã chẳng thể làm được cái việc ấy. Những gì cô trải qua là liên tiếp và dồn dập những làn sóng hồi tưởng mãnh liệt. Và đó là những gì cô sẽ còn tiếp tục trải qua trong nhiều năm nữa, tuy có thưa dần. Mỗi lần như vậy là cô lại nhớ thêm một vài chi tiết mà những lần trước cô không nhớ, và những chi tiết này vẫn còn làm cô choáng váng. Cô như lại nghe được, hoặc thấy được một cái gì đó - tiếng động mà họ cùng phát ra, ánh mắt mà họ trao cho nhau, thừa nhận và khích lệ ánh mắt mà bề ngoài thì có vẻ lãnh đạm, nhưng lại tôn trọng sâu sắc và gần gũi thân mật hơn vô số những cái nhìn giữa những cặp vợ chồng, hay giữa những người có duyên nợ với nhau.
Cô nhớ màu mắt nâu xám của ông, làn da thô cận kề, vòng tròn như cái sẹo lâu năm bên cạnh mũi, lồng ngực rộng trơn mượt khi ông chồm lên người cô. Nhưng cô không thể nào miêu tả được ông trông như thế nào. Cô nghĩ rằng cô cảm nhận được sự hiện diện của ông ngay từ đầu, mạnh mẽ đến nỗi sự quan sát bình thường là không thể. Hồi ức đột ngột, thậm chí về những giây phút đầu tiên chưa chắc chắn và còn ngập ngừng giữa họ, vẫn khiến cô thu mình lại, như thể cô muốn bảo vệ sự bất ngờ nguyên sơ tươi mới của chính thể xác của cô, sự gào thét của dục vọng. Tình-.yêu-của-em-tình-yêu-của-em, cô khàn khàn lẩm bẩm, như một cái máy, những lời niệm chú bí mật.
Khi nhìn thấy ảnh của ông trên báo, cô không cảm thấy đau đớn ngay. Mẹ Jonas đã gửi cho cô mẩu báo, bà cương quyết giữ liên lạc với họ, chừng nào bà còn sống, và bất cứ khi nào có thể là bà lại gợi họ nhớ về Jonas. “Cháu có nhớ ông bác sĩ ở đám tang Jonas không bà viết phía trên hàng chữ nhỏ tiêu đề bài báo. “Bác sĩ vùng hẻo lánh chết do tai nạn máy bay.” Đây chắc là bức ảnh cũ, bị mờ khi in lại trên báo. Một khuôn mặt chắc mập, mỉm cười - cô không bao giờ nghĩ là ông lại có thể cười để chụp ảnh như vậy. Ông không bị tai nạn khi lái máy bay của mình mà là khi bay trực thăng trong một chuyến bay cấp cứu. Cô đưa cho Pierre xem mẩu báo. Cô hỏi, “Anh có bao giờ tìm ra lý do tại sao ông ta đến dự đám tang không?”
“Có thể họ thân với nhau. Vì đều là những linh hồn lạc lối nơi phương Bắc.”
“Anh nói chuyện gì với ông ta?”
“Ông ta kể là một lần ông ta dẫn Jonas đi tập lái máy bay. Ông ta bảo, ‘Không dám dẫn đi thêm lần nào nữa’.”
Rồi anh hỏi, “Anh nhớ ông ta chở em đi đâu đó mà, phải không? Đi đâu nhỉ?”
“Đi thung lũng Lynn. Thăm dì Muriel.”
“Ừ thế em đã nói chuyện gì với ông ta?”
“Em thấy ông ta là một người rất khó nói chuyện.”
Cái chết của ông chẳng ảnh hưởng gì mấy đến những ý nghĩ tơ tưởng của cô
— nếu người ta có thể gọi đó là tơ tưởng. Những ý nghĩ tơ tưởng mà trong đó cô tưởng tượng ra những cảnh họ tình cờ gặp nhau, thậm chí những lần tái hợp được sắp xếp một cách liều lĩnh, hoàn toàn không có cơ sở thực tế nào và cũng không được cải biên sau khi được tin ông đã chết. Những ý nghĩ tơ tưởng này phải dần dần tự phai mờ, theo cái cách mà cô không kiểm soát được và cũng không bao giờ hiểu được.
Trên đường về nhà đêm đó, trời bắt đầu mưa. Mưa không to lắm. Lúc ấy cô đang ở ngoài boong tàu. Cô đứng dậy, đi loanh quanh và không thể ngồi lại trên nắp thùng đựng áo phao mà không để lại dấu nước ướt trên váy. Thế là cô đứng đó, ngắm bọt nước tung lên khi tàu chạy, và cô chợt nghĩ trong một kiểu truyện nào đó - không phải kiểu truyện mà bây giờ người ta còn viết - chắc tác giả sẽ cho cô quăng mình xuống nước. Cô lúc này đây tràn đầy hạnh phúc như được ban thưởng, điều mà cô tin chắc là mình sẽ không bao giờ có được nữa, từng tế bào trong cơ thể cô căng đầy lòng tự tin dịu ngọt. Một hành động lãng mạn mà từ góc độ bị ngăn cấm có thể được coi là cực kỳ lý trí.
Cô có bị cám dỗ không? Có lẽ cô sẽ cứ cho phép mình tưởng tượng ra là cô bị cám dỗ. Có lẽ không có một chút gì là buông thả, mặc dù trước đó buông thả đã thắng thế. Mãi đến sau khi Pierre qua đời cô mới nhớ thêm một chi tiết.
Asher chở cô đến vịnh Horseshoe, ra bến phà. Ông xuống xe và đi vòng về phía cô. Cô đứng đó, chờ nói lời chia tay. Cô bước về phía trước, định hôn ông- hẳn là một việc làm tự nhiên, sau mấy tiếng đồng hồ vừa qua - và ông nói, “Không.”
“Không,” ông nói. “Anh không bao giờ làm thế.”
Tất nhiên sự thật không phải vậy, không phải là ông chưa bao giờ làm chuyện đó. Chưa bao giờ hôn giữa bàn dân thiên hạ, nơi ai cũng có thể thấy.
Ông vừa làm chiều hôm ấy đấy thôi, ở mũi Prospect.
Không.
Đơn giản thế thôi. Một lời nhắc nhở. Một lời từ chối. Để bảo vệ cô, ta có thể nói như vậy, và cũng là để bảo vệ chính bản thân ông. Kể cả khi trước đó ông đã không hề bận tâm đến chuyện này.
Anh không bao giờ làm thế hoàn toàn là một cái gì đó khác. Một thông điệp nhắc nhở kiểu khác. Một thông tin khiến cô không vui nổi, mặc dù rất có thể là nó nhằm mục đích ngăn cản cô đừng phạm sai lầm nghiêm trọng. Cứu cô thoát khỏi những hy vọng hão huyền và nỗi nhục nhã nếu phạm sai lầm đó.
Vậy thì họ đã tạm biệt nhau như thế nào? Họ bắt tay chăng? Cô chẳng thể nào nhớ nổi.
Nhưng cô nhớ giọng ông, nhẹ nhàng nhưng trầm trọng, cô nhớ vẻ mặt cương quyết, chỉ hơi thoáng dịu dàng của ông, cô cảnh thấy ông hơi né ra khỏi tầm tay của cô. Cô không nghi ngờ gì rằng hồi ức này là không đúng sự thật. Cô chỉ không hiểu nổi là làm sao cô có thể đè nén nó lâu được đến như vậy, suốt cả thời gian qua.
Cô có linh cảm rằng nếu cô không làm được việc đó thì cuộc đời cô chắc đã khác.
Khác như thế nào
Có thể cô sẽ bỏ Pierre. Có thể cô sẽ không giữ được cân bằng. Cố ghép nối những gì ông nói tại bến phà với những gì đã được nói và được làm trước đó, trong cùng một ngày, nếu làm thế thì cô đã cảnh giác hơn và tò mò hơn rồi. Sự kiêu hãnh và tính bướng bỉnh biết đâu đã đóng vai trò ở đây- cô muốn ông nuốt lại lời vừa nói, cô không chịu rút ra bài học cho riêng mình - nhưng đó sẽ không phải là tất cả. Biết đâu cô đã có một cuộc sống khác - nói vậy không có nghĩa là cô sẽ thích cái cuộc sống đó hơn. Có lẽ là vì tuổi tác (một khía cạnh mà cô luôn luôn quên tính đến) và vì cuộc sống khó thở hơn sau khi Pierre qua đời, nên cô mới có thể nghĩ về cái cuộc đời khác ấy chỉ như nghĩ về một đề tài nghiên cứu với cả các cạm bẫy và các thành tựu.
Có lẽ đằng nào thì ta cũng chẳng khám phá ra được gì nhiều. Có lẽ vẫn một điều đó cứ lặp đi lặp lại - có thể là một sự thật nào đó rõ ràng nhưng đáng lo về chính bản thân ta. Trong trường hợp của cô, sự thật ấy là tính thận trọng- hay ít ra là một kiểu kiềm chế tình cảm - đã luôn luôn là kim chỉ nam cho cô trong suốt thời gian đó.
Cái cộng tác tự vệ nho nhỏ ấy của ông, lời nhắc nhở vừa ân cần vừa chí tử ấy, cái thái độ cứng nhắc đã thành hơi nhàm với ông, như một kiểu cao ngạo lỗi mốt. Giờ thì mỗi ngày cô đều có thể nghĩ đến ông trong trạng thái phỉnh phờ, như thể ông đã từng là chồng cô.
Cô tự hỏi liệu ông có giữ mãi cái vai trò đó không, hay cô có một vai nào khác đang chờ ông, vẫn còn sử dụng ông thế nào đó trong tâm trí cô, trong những tháng ngày sắp tới.
Ghét, Thân, Thương, Yêu, Cưới Ghét, Thân, Thương, Yêu, Cưới - Alice Munro Ghét, Thân, Thương, Yêu, Cưới