Tính cách không thể được hình thành trong yên bình. Chỉ có trải nghiệm mới hun đúc tâm hồn, làm rõ tầm nhìn, sản sinh ra tham vọng, và giúp đạt được thành tựu.

Helen Keller

 
 
 
 
 
Tác giả: George Eliot
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: The Mill On The Floss
Dịch giả: Ngô Đăng Tâm
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Bach Ly Bang
Số chương: 51
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1990 / 33
Cập nhật: 2015-10-05 18:59:31 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 14
A THÁNG ĐẦU TIÊN ĐẶT DƯỚI SỰ CHĂM SÓC của tu sĩ Stelling tại King’s Lorton là ba tháng khá gay go đối với Tom Sulliver.
Tại học viện của ông Jacob trước đây, Tom không hề gặp phải một khó khăn nào, ở đó nó có rất nhiều bạn bè để chơi đùa, và Tom là đứa đứng đầu trong các trò chơi mạnh bạo nhứt là đập lộn. Ông Jacob, thường được gọi là «Lão mắt kiếng», chẳng làm Tom kinh sợ bao nhiêu và nó cũng chẳng thấy một chút nguy hiểm nào trong việc học hành với ông Jacob, Tom không ưa nghề dạy học mà chỉ muốn trở thành một ông chủ nhà máy xay như cha nó. Nó cho rằng nói và viết đúng văn phạm không có lợi gì cho những người đã trưởng thành: khi lớn lên, nó sẽ là một ông chủ, muốn làm gì cũng được, không sợ ai khiển trách.
Tom không tin rằng thời gian học sẽ kéo dài mãi mãi, thế nào rồi một ngày kia nó cũng sẽ trở về phụ việc với cha nó. Nghĩ tới giờ phút đó, nó cảm thấy khoan khoái, vì công việc chẳng có gì ngoài cởi ngựa rong chơi, ra lịnh cho công nhân và mua sắm ngoài chợ. Rồi mọi Chúa nhựt nó sẽ mời một giáo sĩ tới giảng cho nó nghe về phúc âm. Thánh thư, và dạy cho nó Sứ Đồ Thư ca cùng những bài kinh nguyện. Nhưng hiện tại, Tom khó mà tưởng tượng được rằng có một ngôi trường, một ông thầy giáo nào có thể hoàn toàn khác hẳn ông Jacob và học viện của ông. Bởi thế, khi nhập học, Tom đã chu đáo mang theo một hộp pháo dây nhỏ, với ý định tổ chức một trò chơi bắn súng giao hữu với các bạn mới.
Tội nghiệp Tom, dầu nó vẫn luôn luôn nhìn thấu được những ảo tưởng của Maggie, nhưng nó lại hoàn toàn mù mờ với ảo tưởng của chính mình.
Ở King’s Lorton được nửa tháng trời, Tom mới bắt đầu thôi bở ngở. Nó phải học tiếng La tinh và phải luyện cách phát âm tiếng Anh theo tiêu chuẩn mới, toàn là những môn vô cùng rắc rối, khó khăn. Tom, như chúng ta đã biết, không phải là một cậu bé liếng thoắng, nhanh nhẩu, vì vậy nó đã gặp phải rất nhiều trở ngại khi học cách phát âm, và khi ngồi vào bàn ăn, nó chỉ nơm nớp lo sợ ông bà Stelling hỏi xem có muốn ăn thêm bánh pudding không. Về hộp pháo thì Tom đã có quyết định cay đắng là sẽ ném xuống áo của nhà hàng xóm, không hẳn chỉ vì nó là đứa học trò duy nhứt ở nhà Stelling mà là nó bắt đầu hoài nghi về súng ống. Tu sĩ Stelling chẳng nghĩ ngợi gì về ngựa hay về súng, nhưng Tom không thể nào khinh thường ông như đã khinh thường «lão mắt kiếng».
Stelling là một người tầm thước, chưa được ba mươi tuổi, ngực rộng, tóc vàng hoe lởm chởm, đôi mắt xám lúc nào cũng mở to, giọng trầm như vang vang. Stelling lại còn là mẫu người tự tin và cố chấp. Ông không phải là hạng người an phận, mà thuộc về mẫu người Anh quyết định chọn phương pháp phấn đấu để tiến thân. Là một nhà giáo, ông mong muốn ngày kia mình sẽ là một hiệu trưởng, là một giáo sĩ, ông luôn luôn tìm cách để các giáo khu lân cận biết đến tên tuổi mình. Tóm lại, Stelling là người muốn vươn lên, vươn lên bằng tài năng của chính mình, vì ông chẳng có một số vốn liếng đáng kể nào ngoài sự hứa hẹn của vận số.
Và bước đầu tiên để tiến về tương lai huy hoàng của ông là phải làm sao thành công trong việc dạy dỗ Tom trong đệ nhứt lục cá nguyệt này. Vì vậy ông đã phải hết sức nghiêm khắc với Tom trong việc học hành: Tom chỉ là một cậu bé, không bao giờ có thể thấu đáo được những bài văn phạm La tinh nếu người ta không dùng uy với nó.
Không phải Stelling là người khó tánh hay tàn nhẫn, ông vẫn thường bông đùa với Tom ở bàn ăn, sửa lỗi phát âm nhà quê và những cử chỉ vụng về của nó một cách vui vẻ, nhưng Tom lại thấy lúng túng và rụt rè vì không quen cái lối pha trò đó. Lần đầu tiên trong đời của nó có cảm giác đau đớn khi nghĩ rằng những gì nó nói và làm đều sai lầm hết cả. Phải chi nó có được một bạn học để cùng chia xẻ những cay đắng đó và để giúp nó quen dần với không khí học tập. Có điều là ông Tulliver đã chọn cho Tom một hình thức giáo dục tốn kém đến nỗi khó có bậc cha mẹ nào có thể gởi con tới học chung.
Vị chủ nhân đáng kính của nhà máy xay Dorlcote để Tom ở lại King’s Lorton và đánh xe ra về với tâm trạng thỏa mãn hoàn toàn. Ông tự cho là mình đã gặp may khi vấn ý ông Riley về việc học của Tom. Ông Stelling có đôi mắt to và thông minh lạ, ông có lối nói chuyện thật lưu loát và thông thạo – trả lời những câu hỏi chậm chạp và khó khăn của ông Tulliver một cách bình tĩnh: «Tôi hiểu, thưa ông, tôi đã hiểu», «Chắc chắn, chắc chắn vậy», «Tôi biết là ông muốn cho con mình thành công trên đường đời...». Ông Tulliver hết sức hài lòng khi thấy một giáo sĩ lại có nhiều kiến thức bổ ích cho đời sống hằng ngày đến vậy. Theo ông Tulliver, ngoài trạng sư Wylde trong phiên tòa vừa qua chỉ có Stelling là một người sáng suốt nhứt mà ông từng được gặp. Vị tu sĩ bàn với ông về Swing và chánh sách tiêu thổ rồi hỏi ý kiến ông về việc cho heo ăn. Không còn nghi ngờ gì nữa, ông Stelling quả thật là một người tài giỏi và hiểu biết tường tận những gì Tom phải học để có đủ sức đương đầu với bọn thầy kiện kia. Chính vì thế mà nếu có ai chê cười ông Tulliver thì rõ ràng là một sự bất công, bởi lẽ có lắm người có trình độ học vấn cao mà vẫn đưa ra những kết luận sai lầm tệ hại hơn nhiều.
Có lẽ năng khiếu dạy học đã tới với ông Stelling một cách tự nhiên nên ông khởi sự làm việc một cách bất biến và mù quáng như lối làm việc theo bản năng của loài động vật. Do đó, ông bắt đầu chương trình giảng dạy của mình với môn văn phạm của trường Eton và hình học Euclide vì cho rằng đó là hai môn căn bản duy nhứt của nền học vấn.
Nhưng chẳng bao lâu, ông đã đi tới kết luận rằng Tom là một thằng bé vô cùng đần độn, vì dầu cố gắng và khó nhọc bao nhiêu đi nữa, nó cũng chẳng ghi nhận được đầy đủ. «Anh không chú ý tới việc mình đang làm.» Ông Stelling vẫn thường than phiền như vậy, đó là một sự thật đáng buồn. Tom không bao giờ gặp khó khăn khi phân biệt các loại chó săn nếu được chỉ dẫn chỉ một lần thôi; nghe tiếng chân ngựa chạy phía sau, nó có thể đoán được có bao nhiêu con, nó cũng có thể ném một hòn đá trúng vào một điểm đã chỉ định trước, hay có thể đoán được những khoảng cách ngắn một cách khá chính xác, hoặc có thể vẻ một hình vuông trên bảng đen mà không cần dùng thước kẻ. Nhưng vị tu sĩ Stelling chẳng hề chú ý tới những thứ đó, ông chỉ thấy rằng nó không đạt được một tiến bộ khả quan nào trong cuốn văn phạm Eton cũng như về hình học Euclide.
Một chiều, sau khi chia sai tới lần thứ năm quá khứ phân từ của một động từ bất qui tắc, Tom bị ông Stelling trách mắng dữ dội, ông cho rằng nó đã vượt quá mức có thể chấp nhận được của sự ngu dốt và đã bỏ qua cơ hội bằng vàng trong hiện tại để học hỏi quá khứ phân từ, nó sẽ phải hối tiếc sau này - Tom, khổ sở hơn thường lệ, đã quyết định dùng tới phương sách cầu nguyện. Đêm đó, sau phần cầu nguyện thường ngày cho cha mẹ và em gái (nó bắt đầu cầu nguyện cho Maggie từ khi cô bé mới chào đời) có đủ nghị lực để giữ những luật răn của Chúa, nó thì thầm tiếp: «và xin Chúa cho con luôn luôn nhớ được những bài học La tinh». Ngừng lại một chút để nghĩ xem phải nên cầu nguyện thế nào về môn hình học, cuối cùng nó lẩm bẩm: «và xin cho ông Stelling đừng bắt con học hình học Euclide nữa, Amen».
Hôm sau, Tom qua lọt bài quá khứ phân từ một cách suông sẻ, nhưng khi tới bài các động từ bất qui tắc thì lòng tin của Tom về các lời cầu nguyện phụ thuộc cũng tan vỡ luôn. Rồi một buổi chiều buồn am, cô đơn, khi ngồi vào bàn để chuẩn bị cho bài học ngày mai, Tom quyết định không cầu nguyện nữa. Mắt nó bỗng mờ đi trên những trang sách dầu nó ghét khóc và xấu hổ về hành vi đó, nó không thể nào không nhớ tới Spouncer được, nó cũng nhớ tới nhà máy, nhớ tới con sông, con chó Yap và không quên được cái cảm giác khoan khoái khi nắm con dao xếp trong túi hoặc khi múa may ngọn roi da.
Ông bà Stelling vừa có thêm đứa thứ hai. Bà Stelling nghĩ rằng chẳng có gì hữu ích cho Tom bằng cách giao nó giữ con bé Laura trong những lúc nó nhàn rỗi, trong khi chị vú còn bận bịu với đứa bé mới chào đời. Tom chỉ có nhiệm vụ đưa Laura ra vườn chơi trong những ngày nắng tốt – như vậy sẽ giúp nó thấy gần gũi với gia đình thầy của mình hơn. Laura chỉ mới biết đi chập chững, mỗi khi nó muốn đi, Tom phải thắt một sợi dây băng ngang lưng và dắt đi như người ta dắt một con chó nhỏ. Nhưng thường thường Tom phải ẵm con bé đi vòng quanh vườn, trong tầm mắt của bà Stelling để bà có thể dễ dàng đưa ra những mệnh lệnh kịp thời.
Rất có thể chúng ta đừng nên vội vàng kết án đây là một lối xử sự bất công và lợi dụng Tom. Là vợ một tu sĩ nghèo, lại phải chi phí quá nhiều tiền cho quần áo đẹp, tiệc tùng, trang điểm, chưng bày phòng ngủ, thì thật là vô lý nếu chúng ta mong đợi bà mướn thêm một người vú nữa, hay tự mình lo chăm sóc cho con cái. Ông Stelling rất thông cảm và thán phục vợ chuyện này, tuy nhiên khi nhìn Tom ẵm Laura di lệt bệt trong vườn, ông tự nhủ là vào cá nguyệt sau ông sẽ thu xếp để tìm cho Tom một huấn luyện viên thể dục.
Nếu là kẻ có tâm địa xấu xa, chắc chắn Tom sẽ có ác cảm với Laura, nhưng đằng này nó lại là thằng bé có đủ đức tính tốt của người đàn ông. Rất có thể ghét bà Stelling, nhưng nó lại thật sự coi Laura là bạn của mình – ôi, nó nhớ bạn làm sao! Nó thầm mong được có Maggie bên cạnh lúc này, nó sẽ tha thứ hết mọi lỗi lầm, mọi sự lơ đãng của em.
Và Maggie đã tới thăm Tom trước khi nửa năm học khốn khổ đó chấm dứt. Bà Stelling mời cô bé ở lại chơi với anh vài hôm, nhờ vậy Maggie đã được theo cha lên King’s Lorton vào khoảng cuối tháng mười, có cảm tưởng là mình đang dự một chuyến di hành trọng đại. Đây cũng là lần đầu tiên ông Tulliver đi thăm con, ông nghĩ là không nên tập cho thằng bé cái thói quen nhớ nhà nhiều quá.
Sau khi ông Stelling rời khỏi phòng đi báo tin cho vợ, ông Tulliver nói:
- Ba thấy con có vẻ mạnh khỏe lắm! Không khí nhà trường rất hợp với con.
Tom bỗng ao ước phải chi nó trông tiều tụy đi đôi chút.
- Con không thấy mạnh khỏe chút nào đâu ba. Con mong ba nói với thầy Stelling đừng bắt con học hình học nữa – nó làm con nhức răng, chắc vậy. (Nhức răng là chứng bịnh duy nhứt của Tom.)
- Hình học là gì, con?
- Ồ, con cũng không biết, nào là định nghĩa, định lý, tam giác, đủ hết mọi thứ. Con phải học cả một cuốn sách về môn này - nó chẳng có nghĩa lý gì cả.
Ông Tulliver rầy:
- Không nên. Con không nên nói vậy. Con nên hoc tất cả những gì thầy dạy. Thầy con biết rõ là con phải học những gì.
Maggie khuyên giải anh:
- Em sẽ giúp anh. Em sẽ ở lại đây thật lâu nếu bà Stelling cho phép. Em có đem theo quần áo nữa, phải không ba?
Tom cảm thấy thú vị khi nghĩ tới lúc nó làm Maggie bối rối khi đưa cho cô bé xem cuốn hình học.
- Mày mà giúp tao? Đồ ngu! Để coi mày sẽ ra sao với mấy bài học của tao. Tao còn học tiếng La tinh nữa. Con gái đâu có bao giờ biết mấy thứ đó, toàn là đồ ngu.
Maggie tự tin:
- Em biết tiếng La tinh như thế nào rồi. Đó là một thứ ngôn ngữ. Trong tự điển cũng có chữ La tinh nữa. Có chữ Bonus, một món quà.
Tom thầm ngạc nhiên:
- Vậy thì cô lầm rồi, cô Maggie ơi! Cô tưởng cô thông mình lắm hả? Bonus có nghĩa là tốt – Bonus, Bona, Bonum.
Maggie cãi:
- Nhưng không phải vì vậy mà nói không có nghĩa là «một món quà» đuoc. Nó có thể có nhiều nghĩa – hầu hết mọi chữ đều như thế cả, thí dụ một chữ «lawn» vừa có nghĩa là một sân cỏ vừa có nghĩa là một chiếc khăn.
- Giỏi lắm, con gái của ba.
Ông Tulliver cười thích thú, trong khi Tom lộ vẻ bực dọc về sáng kiến của Maggie, dầu nó cũng vô cùng mừng rỡ khi nghĩ rằng Maggie sẽ ở lại chơi với nó. Nó nghĩ, lòng tự phụ của Maggie sẽ tan biến đi khi bắt đầu xem xét những sách vở của nó.
Không có dấu hiệu gì cho thấy bà Stelling sẽ mời Maggie ở lại hơn một tuần, nhưng ông Stelling khi đặt Maggie ngồi lên đùi, hỏi cô bé tìm đâu ra đôi mắt đen láy như vậy, đã nhứt định cô bé ở lại nửa tháng. Đối với Maggie, ông Stelling là người khả ái, còn ông Tulliver thì vô cùng hãnh diện và sẵn lòng cho con gái cưng của mình ở lại để có dịp trổ tài thông minh cùng người lạ.
Sau khi ông Tulliver đánh xe về, Tom nói với Maggie:
- Nào, bây giờ vào phòng học với tao, Maggie. Sao bây giờ mày hay lắc đầu quá vậy, con điên?
Maggie sốt ruột:
- Thôi mà, đừng chế nhạo em nữa.
Cô bé kêu lên, một khi nhìn thấy kệ sách:
- Ồ, sách nhiều quá. Em thích có được nhiều sách như thế này.
Tom nói với giọng đắc thắng:
- Nhưng mày có đọc được cuốn nào đâu. Toàn là sách La tinh không!
Maggie cãi:
- Đâu phải, em đọc được mấy cuốn sách này mà – Lịch sử sự suy tàn của Đế Quốc La Mã.
Tom lắc đầu:
- Nhưng câu đó có nghĩa là gì? Làm sao mày biết được.
Maggie cả quyết:
- Nhưng rồi em sẽ biết.
- Bằng cách nào.
- Em sẽ đọc bên trong, rồi em sẽ biết nó nói gì.
Thấy Maggie định lấy cuốn sách, Tom cản:
- Đừng lấy, Maggie. Ông Stelling không cho ai lấy sách khỏi kệ nếu không được phép. Mày mà lấy ra là tao sẽ bị phạt.
Maggie quàng tay qua cổ anh:
- Cũng được. Vậy anh cho em coi sách vở của anh đi.
Cao hứng vì lại có em bên cạnh để cãi cọ và ra oai, Tom ôm ngang lưng Maggie và bắt đầu khiêu vũ quanh chiếc bàn lớn trong phòng. Hai đứa bé nhảy mỗi lúc một nhanh, tóc Maggie xổ ra và bay lòa xòa sau ót. Những bước chân của chúng đã bắt đầu hơi luống cuống khi chúng nhảy đến gần cái bàn đọc sách nhỏ của ông Stelling mà không hay, cuối cùng chiếc bàn ngã đổ, phát ra một tiếng động ầm ĩ. May cho chúng vì đây là tầng trệt nên khó gây sự chú ý của người nhà. Tuy vậy, Tôm cũng đứng bàng hoàng sợ hãi luôn vài phút, nó sợ ông hay bà Stelling bắt gặp:
Tom dựng chiếc bàn lên rồi nói:
- Maggie, tụi mình không được làm ồn nữa. Nếu làm bể đồ là bà Stelling sẽ quở mắng nặng lắm nghe chưa?
Maggie hỏi:
- Bà khó tánh lắm hả?
Tom gật đầu:
- Chắc vậy.
- Em thấy đàn bà bao giờ cũng khó tánh hơn đàn ông. Như dì Glegg hơn dượng Glegg và má hay rầy em nhiều hơn ba.
- Và một ngày kia, mày cũng sẽ là đàn bà. Mày khỏi cần nói nhiều.
Maggie lắc đầu:
- Nhưng em sẽ là một người đàn bà thông minh.
- Tao chắc vậy, và sẽ hung ác và kiêu hãnh nữa. Mọi người sẽ không ưa mày.
- Nhưng anh không được ghét em, anh Tom. Vì em là em của anh mà!
- Phải, nhưng nếu mày kiêu hãnh và hung ác thì tao cũng sẽ ghét.
- Em sẽ không khó chịu, sẽ tử tế với anh – và sẽ tử tế với tất cả mọi người. Anh sẽ không ghét em nghe anh Tom?
- Đừng thắc mắc nữa. Tới giờ học của tao rồi. Coi nè, bài của tao đó.
Tom vừa nói vừa chỉ cho Maggie coi bài vở của nó. Maggie vén tóc ra sau và sửa soạn chứng tỏ cho Tom thấy khả năng của mình về môn hình học. Cô bắt đầu đọc một cách tự tin, nhưng liền sau đó mặt cô đỏ bừng lên vì bối rối và tức giận:
- Chẳng có nghĩa lý gì hết ai mà thèm làm mấy thứ này.
Tom liệng cuốn sách đi, lắc đầu:
- Thấy chưa? Cô Maggie! Mày thấy rõ là mày không hề thông minh như mày tưởng.
Maggie trề môi:
- Em dám chắc là em sẽ làm mấy bài toán đó được nếu em đã học qua như anh vậy.
- Dầu có học trước, nhứt định mày cũng không làm nổi. Thôi bỏ qua cái này, tao sẽ học văn phạm La tinh, để coi mày có thể hiểu được gì.
Maggie nhận thấy môn La tinh thú vị nhiều hơn môn toán, vì cô rất thích những chữ mới và nhận thấy ở dưới mọi bài đều có bảng chú thích bằng Anh ngữ có thể giúp cô hiểu tiếng La tinh một cách dễ dàng hơn. Cô bé nhứt định bỏ qua các qui tắc văn pháp trong La tinh, mà chỉ đọc các thí dụ thôi. Những câu bí mật này dường như đã được trích ra từ một tác phẩm vô danh nào đó – như sừng của những con thú lạ, lá của những loài thảo mộc hiếm hoi, những miền đất xa xôi - đã kích thích trí tưởng tượng của cô một cách mãnh liệt: «Người đàn ông may mắn được mọi người khen ngợi vì đã có một đứa con tài ba như vậy». Hay «Khu rừng rậm rạp đến nổi không tìm thấy được ánh sao», Maggie thấy mình lạc lõng trong khu rừng đó, cô miên man tưởng tượng...
Nhưng Tom đã gọi:
- Maggie, đưa tao cuốn văn phạm.
Maggie nhảy ra khỏi ghế bành, đưa cuốn sách cho Tom:
- Ồ, anh Tom, sách hay quá! Hay hơn cả cuốn tự điển nữa. Em có thể học tiếng La tinh được ngay, em thấy đâu có khó gì.
- À, tao biết mày vừa làm cái gì rồi. Mày đã đọc phần ghi chú ở cuối bài bằng tiếng Anh. Ngu tới mấy cũng có thể làm như vậy được.
Tom giựt cuốn sách, mở ra với vẻ trịnh trọng và cương quyết, như muốn nói rằng nó sắp phải học một bài mà không một đứa «ngốc» nào có thể hiểu được. Maggie hơi giận, quay lại kệ sách thưởng thức từng tựa sách một.
- Ê, Maggie tới đây nghe tao đọc cái này. Mày đứng ở cuối bàn, chỗ ông Stelling thường ngồi nghe tao trả bài.
Maggie ngoan ngoãn cầm lấy cuốn sách đã mở sẵn:
- Bắt đầu thế nào, anh Tom?
- Bắt đầu ở phần «Appellativa arborum», bài học của tao trong tuần này.
Tom đọc suông sẻ được chừng ba dòng; và Maggie cũng bắt đầu quên bổn phận của mình và đang thắc mắc không biết «mas» có nghĩa là gì mà được dùng nhiều như vậy, tới câu Sunt Ethiam Volucrum thì Tom bí.
- Đừng nhắc Maggie, Sunt Ethiam Volucrum... Sunt Ethiam Volucrum... Ut Ostreaoetus...
Maggie lắc đầu:
- Không phải.
Tom đọc thật chậm lại câu Sunt Ethiam Volucrum để mong có thể nhớ ra được những chữ kế tiếp.
Maggie sốt ruột nhắc:
- C – U – E.
- Ồ, tao nhớ ra rồi – nín đi – Cue Passer Hirundo, Ferrarum... Ferrarum...
Tom cầm viết chì chấm chấm vào bìa sách.
Maggie kêu lên:
- Ồ, anh đọc chậm quá - UT...
- Ut Ostrea...
- Không phải Ut Tigris...
- Ừ, đúng rồi, nó là Tigris Vulpes. To quên, Ut Tigris Vulpes, Et Piscium.
Sau một hồi vấp váp, lẫn lộn, Tom cũng đọc xong được một đoạn.
- Xong rồi, phần dưới là bài học của ngày mai, đưa tao quyển sách một lúc.
Sau một hồi lẩm bẩm, thì thầm, tiếp theo là một cú đấm trên bàn, Tom trao lại cuốn sách. Nó bắt đầu:
- Mascula Nomina In A...
- Không phải, đó là câu sau, nó là Nomen Non Creskens Genittivo...
Tom phá ra cười, nó nhái lại cách đọc tiếng La tinh của Maggie:
- Creskens Genittivo! Mày thật là ngốc nghếch, Maggie à!
- Đừng cười em, anh cũng đâu có thuộc bài!
- Tao đã bảo là con gái không đọc được tiếng La tinh mà. Chữ đó phải đọc là Nomen Non Crescena Genivito.
- Cũng được, em không thể đọc được như anh. Nhưng anh lại chẳng biết ngắc câu gì cả, vì anh ngừng lại ở dấu phết cũng lâu như ở dấu chấm phết, còn ở những chỗ không có dấu gì cả thì anh lại ngừng thật lâu.
- Đừng cãi nữa, để tao đọc tiếp.
Một lúc sau hai anh em được mời vào phòng khách chơi. Maggie nói huyên thuyên với ông Stelling, người mà cô cho rằng chắc chắn đang thán phục sự thông minh của cô. Nhưng Tom thì lại thấy ngạc nhiên và lo lắng trước lối nói chuyện bạo dạn của Maggie. Nhưng cô bé bỗng xịu mặt xuống khi nghe ông Stelling bảo vừa nghe được chuyện một cô bé đã có lần bỏ nhà theo người du mục.
Bà Stelling góp lời:
- Con nhỏ đó thật kỳ hết sức!
Bà chỉ có ý pha trò cho vui, nhưng lời pha trò đó không làm vừa bụng Maggie chút nào. Cô sợ lời nói đó sẽ làm ông Stelling bớt thiện cảm với mình, và đêm đó cô đi ngủ với một tinh thần xuống thấp.
Tuy nhiên nửa tháng ở chơi với Tom là nửa tháng sung sướng nhứt trong đời Maggie. Cô bé được phép ở lại trong phòng với Tom khi nó học bài và cô đã thâu thập được rất nhiều qua những thí dụ trong cuốn văn phạm La tinh.
Ông Stelling rất thích nghe chuyện của Maggie. Ông và cô bé hoàn toàn tương đắc. Maggie nói với Tom là mình muốn học với ông Stelling và cùng những môn như Tom. Cô biết cô có thể học được hình học Euclid vì cô đã coi lại cuốn hình học một lần nữa, và đã hiểu A B C có nghĩa là gì, đó là tên của những đường thẳng.
Tom nói:
- Tao chắc là mày không học nổi đâu. Để tao hỏi ông Stelling thử coi.
- Không cần, để em tự hỏi lấy được rồi.
Tối đó vào giờ tụ họp lại trong phòng khách, Maggie hỏi:
- Thưa ông Stelling, cháu có thể học hình học được không, và cả những bài học của anh Tom nữa?
Tom gắt:
- Không, em không học được đâu. Con gái không học được hình học, phải không, thưa thầy?
Ông Stelling đáp:
- Tôi có thể nói được rằng con gái cũng thâu lượm được mọi thứ một ít. Chúng cũng khá thông minh, nhưng không thể đi sâu vào vấn đề. Con gái rất hoạt bát nhưng lại nong cạn.
Tom rất hài lòng trước lời bình quyết đó, nó gục gặc một cách đắc thắng với Maggie từ phía sau ghế. Chưa bao giờ Maggie thấy xót xa như vậy. Vì cô vẫn thường hãnh diện khi nghe người khác cho rằng mình «hoạt bát», và bây giờ hình như là sự «hoạt bát» đó cũng là một thứ thua kém. Có lẽ chậm chạp như Tom mà lại hơn.
Khi chỉ còn lại hai anh em với nhau, Tom cười rộ:
- Ha! Ha! Cô Maggie! Cô thấy hoạt bát đâu có hay ho gì. Cô sẽ không bao giờ hiểu thấu được một cái gì cả.
Quá hoang mang trước số phận đen tối đó, Maggie không còn lòng dạ nào cãi lý với Tom.
Nhưng khi cô bé «hoạt bát nhưng nông cạn» đó được bác Luke đem xe tới đón về, và phòng học trở lại đìu hiu như trước, Tom lại thấy nhớ em vô cùng. Quả thật Tom sáng trí và học bài mau thuộc hơn từ khi Maggie đến ở chơi. Maggie đã hỏi ông Stelling nhiều điều về đế quốc La Mã đến nổi Tom bắt đầu hiểu ra rằng quả thật vào đời xưa, trên địa cầu này đã có một dân tộc may mắn đến biết được tiếng La tinh mà không cần phải học tới cuốn văn phạm Eton. Điều này đã bổ túc cho số vốn ít ỏi của Tom về lịch sử dân Do Thái.
Cuối cùng, nửa năm học khổ số cũng tới lúc chấm dứt. Tom vô cùng sung sướng khi nhìn những chiếc lá vàng cuối cùng run rẩy trong gió rét. Ngày đã bắt đầu ngắn lại và những nụ tuyết đầu tiên của tháng chạp đối với Tom trông thật phấn khởi và khoái hoạt hơn những ngày rực nắng của tháng tám nhiều. Ba tuần trước ngày nghỉ học, Tom cắm sâu hai mươi mốt cái que trong một góc vườn, mỗi ngày nó nhổ đi một que và cố ném đi cho thật xa, như nếm đi một phần của nỗi khổ vào u linh giới.
Nhưng đến lúc chiếc xe ngựa êm ái đưa Tom qua chiếc cầu phủ tuyết dầy, tất cả những ám ảnh nặng nề của nửa năm học vừa qua đều phai mờ hết khi Tom nhìn thấy ánh sáng rực rỡ tỏa ra từ phòng khách của nhà mình. Tom cảm thấy sung sướng – cái sung sướng của một kẻ từ ngoài giá rét đi vào một nơi ấm áp, có những chiếc hôn và nụ cười quen thuộc đón chào.
Không một cảm giác thoải mái nào bằng được cái cảm giác khi chúng ta đang ở giữa khung cảnh nơi ta chào đời, nơi mà bàn ghế đã trở nên những vật chí thân trước khi chúng ta biết chọn lựa, nơi mà hình như ngoại cảnh chỉ là một phần mở rộng của con người chúng ta. Chúng ta chấp nhận và thương yêu khung cảnh đó cũng như chúng ta thương yêu chân tay của chính mình. Làm sao có thể không thương yêu vô cùng người bạn đường cố cựu ấy, những người bạn đã từng tham dự vào các niềm vui khi những niềm vui này còn mang sắc thái linh hoạt và rạng rỡ.
Dòng Sông Tuổi Dại Dòng Sông Tuổi Dại - George Eliot Dòng Sông Tuổi Dại