If there's a book you really want to read but it hasn't been written yet, then you must write it.

Toni Morrison

 
 
 
 
 
Thể loại: Kinh Dị
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 16
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1284 / 25
Cập nhật: 2018-08-18 10:47:52 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 14
óng Dần khuất sau phía quả đồi đang còn nhễ nhại nắng. Thăng nhìn theo, tự nhiên hình ảnh Hữu lại hiện lên giữa vùng đất trắng nham nhở bom đạn. Đơn vị bị địch phong tỏa bao vây bốn phía, trước căn hầm chỉ huy đại đội, địch ùm lên như kiến. Phóng nốt quả hỏa lực B41, Hữu ra lệnh:
- Rút.
Thăng phản ứng:
- Không được tùy tiện, chưa có lệnh của cấp trên, phải bám trận địa...
- Không có cấp trên nào ở đây hết, tôi ra lệnh: Rút. - Hữu vẫn một mực.
- Chưa có lệnh của trên…
Thăng đảo mắt xuống chân đồi. Địch đang ùm lên lố nhố. Thăng đành chộp khẩu AK tụt xuôi theo đội hình. Đêm xuống, địch đang say chiến thắng, Hữu mạo hiểm cho đại đội phản công. Bị đánh trả bất ngờ, một tiểu đoàn địch đều bị tiêu diệt và bắt sống. Ta vẫn làm chủ trận địa. Hữu chỉ cười mỉm bảo Thăng:
- Trong những hoàn cảnh cụ thể của chiến tranh, người chỉ huy phải tự biết làm tổng chỉ huy để vừa bảo tồn lực lượng vừa giành chiến thắng.
Bây giờ đã hết chiến tranh, càng thấy Hữu đúng, giá nó cũng máy móc, cứng nhắc như mình thì hôm nay cũng không còn cái thằng Thăng trên quả đồi gió nắng này nữa! Ở với Hữu bao nhiêu năm lại là người sống sót sau chiến tranh tại sao bây giờ mình mới vỡ ra điều này. Bao nhiêu năm về làm lãnh đạo thôn xã mình vẫn bị cái vòng "kim cô" của anh cán bộ chính trị viên chụp kín trên đầu, để đời sống của vợ con, dân làng tối tăm mãi trong nghèo nàn lạc hậu! Giá như Hữu còn sống và Hữu may mắn được đảm nhận quyền lực ở thôn xã như mình chắc cái làng Thông của Hữu cũng sẽ đổi khác nhiều rồi. Mình quả là kẻ duy lí, nếu không gặp lại Dần cái đầu mình còn tối nữa, mình sẽ còn là vật cản lớn cho bước phát triển để vượt qua đói nghèo của thôn xóm!...
Thăng bóp tay lên trán, trong lòng bời bời chuyện cũ, chuyện mới cứ giằng xé. Trước mặt Thăng là cái gói, ở trong ấy là nửa cây vàng, tài sản từ xương máu của Hữu được cất giữ, lẽ ra số tài sản ấy Dần sẽ đầu tư vào ngôi nhà, nuôi thằng cháu Nghị đi học, mở to cái phòng bệnh thì chị ấy chả phải vất vả gì mấy. Chị ấy nhường cho mình để giữ đất và mở mang cách làm ăn, mình phải xoay xở cách gì đây để số tài sản ấy sinh nở? Thăng chau mày, bóp trán lòng vẫn như cuốn chỉ rối. Vợ Thăng từ dưới bếp lên, giọng hồ hởi:
- Có số tiền vàng chị Dần cho mượn, tôi tính với bố thế này.
- Tính sao?
- Trước mắt mìmh đến nông trường hợp đồng mua cây keo tai tượng về phủ kín quả đồi nhà mình, tiếp đó mình xem những quả đồi liền kề của nhà bà Nga, ông Ngân, ông Nghìn... họ bỏ không vì con cái họ đi công tác ngoài tỉnh ngoài huyện cả, hợp tác chia cho họ không sử dụng đến mình mua cả, nếu họ không bán mình mượn làm dẽ, trồng hết keo lên đấy, chỉ vài năm giàu tướng đấy bố
mình ạ....
- Có hai vợ chồng, lấy đâu sức?...
- Mình thuê người làm chứ, lúc nông nhàn xóm làng đầy người ngồi không, mình thuê họ còn mừng chứ...
- Như thế tôi sợ cánh nhà ông Lều lại chọc vào, họ sẽ bảo mình học đòi họ làm địa chủ thời mới, mà địa chủ đã bị mình đánh đổ mấy chục năm nay rồi, tôi lại là Đảng viên, xuất thân từ thành phần bần cố...
- Thế thì ông cứ ngồi đấy mà giữ cái thành phần bần cố của ông, mẹ con tôi tự xoay sở, khó khăn đâu tôi lại về chị Dần nhờ cậy.
Nói rồi vợ Thăng nhấc cái hộp còn gói trong chiếc khăn tay đặt trên bàn lẳng lặng đi vào nhà trong. Nhìn theo vợ Thăng như lại thấy bóng dáng Hữu hiển hiện ngay ở trong ngôi nhà này. Những lấn bấn trong cái vòng kim cô của Thăng bắt đầu vỡ ra. Thăng không tranh luận với vợ con nữa mà lặng lẽ bắt tay vào công việc ngay.
Phàm việc gì phải khi bày ra chả cần hô hào kêu gọi nó cũng cứ tự chuyển động ầm ầm. Vợ Thăng không những làm việc bằng hai mà còn gấp lên vài ba lần. Chỉ trong thời gian ngắn quả đồi đã được xới xáo quang ve, cây nối cây bám vào hàng hàng, lớp lớp phủ kín quả đồi. Hàng xóm cũng đua nhau làm theo. Những nhà không có nhân công thì họ cho nhau mượn đất làm dẽ. Cánh nhà ông Lều chẳng những không phản ứng, chọc ngoáy mà còn tỏ ra thân thiện với vợ chồng Thăng hơn, họ còn bàn cách cùng nhau chăm nom bảo vệ, gìn giữ. Những quả đồi trọc có bàn tay người nó hồi sinh rất mau. Giống keo hợp thổ nhưỡng nó um lên như ngổ. Màu xanh bắt đầu ngập lên phủ kín làng Ngọn Chọc. Sáng ra lại nghe tiếng chim com cõi kêu trên đỉnh ngọn núi Đèn, chiều về lại gặp ríu rít những bầy chim láo cáo, chim sáo sậu, sáo đen, tò lò bay về tranh nhau chỗ ngủ. Suối Ngòi Xổ lại rì rào nước chảy về, ao đập khô nay lại ăm ắp nước... Làng Ngọn Chọc bắt đầu thay da đổi thịt. Ai ai cũng vui mừng, phấn khởi và họ đổ công sức cho công việc nhà mình. Một buổi chiều Thăng vừa lủi từ núi Đèn xuống chỗ cửa suối Ngòi Xổ thì gặp lão Lều đang hì hụi giâm cây keo giống. Thấy Thăng lão hề hả:
- Chỗ giống này là tôi nối cái vệt đồi đang còn hở để cho nó bắt liền vào với quả đồi của nhà ông nay mai cây to lên tự nó sẽ lấp kín cái chỗ hai nhà mình vẫn để trống bấy nay... - Lão lại cười hể hả.
- Vâng, khi ấy ta sẽ có cái viền rừng xanh ngắt bám vào với núi Đèn chạy tít về phía chân mây, mỗi sáng ra mặt trời thức dậy làng Ngọn Chọc mình sẽ hiện lên như tranh vẽ...
- Khoái lắm đấy, và chắc không khí sẽ trong lành. Cánh già như chúng tôi sẽ được trẻ ra, con cháu nó mới được mở mặt, bớt đi sự nhọc nhằn của những kiếp người quê! Giá sau ngày chiến tranh ta mà bỏ ngay cái cảnh đánh kẻng đi làm ghi công, ghi điểm để chia thóc chia lúa cho dân thì làng Ngọn Chọc mình giàu có lắm rồi và cũng chả có cái chuyện lục đục, cắn xé lẫn nhau để ông bí thư Thăng phải lật đật cuối xã đầu làng đâu...
- Vâng, bây giỡ tôi cũng ngẫm ra điều ấy, hơi chậm một tí nhưng cũng chưa muộn, anh em mình vẫn còn sức để đưa cây lên đồi cơ mà. Việc gì cũng cần có thời gian bác Lều ạ.
- Vâng, chúng tôi là các lão nông, trải qua đủ các thời rồi. Thời nào cũng thế, chúng tôi chỉ cần có mảnh đất cắm dùi, còn dùi như thế nào là để tự chúng tôi tính thì thôn quê mới bình ổn, giàu có. Khi thôn quê giàu có, nhà nào nồi cơm cũng đầy thì chính quyền làng xã các anh cầm giữ sẽ bớt sự nhiễu nhương. Lão Lều cổ hủ này cũng hể hả cái ruột vì tự mình được tự do trên ruộng đất của mình, chẳng phải ho he, tị nạnh với ai nữa, tâm trí được tập chung vào làm xanh cây, ấm đất cho đời nó khoái mãi ra.
Lão lại cười khà khà rồi xách bắng xuống suối lấy nước tưới cho cây giống. Thăng đứng lặng nhìn theo lão trong lòng lấp lóa những tia bình minh tỏa lên làm cho cái vòng "kim cô" bấy nay vẫn quận tròn trên đầu Thăng vụn ra từng mảnh, nỗi nhớ về Hữu lại dội lên tím ngắt trời chiều làng Ngọn Chọc.
***
Khi những rừng cây trên các quả đồi làng Ngọn Chọc bắt tán lên núi Đèn tỏa bóng đại ngàn, bầu trời mỗi ngày cũng càng cao rộng ra, những người nông dân được tự do đứng trên mảnh đất mình có để nhìn xa về phía chân trời. Những chiều đi trong rừng cây, nắng loáng xuống hắt vào cái thẳm xanh bất tận kia, Thăng như soi thấy dáng hình mình. Mái tóc đã bắt đầu điểm sương nhưng dưới bóng rừng Thăng lại thấy sức lực mình đang cường tráng tuổi hai mươi. Bây giờ Thăng mới thấy mình đang thực là mình. Những dòng nhật kí và những cuộc tranh luận với Hữu thời trong mặt trận, những điều mà bấy nay Thăng vẫn cho Hữu là lệch hướng lại trở thành chân lí, thành đường đi để cho con người dần hoàn thiện mình vươn lên thoát khỏi đói nghèo, cất dựng lấy đời sống hạnh phúc của người dân trong một đất nước hoàn toàn có tự do độc lập. Chính Thăng cũng đang có mặt trên con đường đó. Trước cánh rừng này Thăng đang là ông chủ, người làng Ngọn Chọc cũng gọi Thăng như thế. Thăng không còn sợ mà thấy sung sướng vô bờ. Mỗi ngày sau giờ lao động, Thăng vén cây lội về nhà, nhà lúc nào cũng tấp nập người mua kẻ bán. Vợ Thăng đã dựng được cái xưởng làm đậu khá to. Đậu nhà Thăng bán khắp làng, lại cung cấp đều đặn cho chợ phiên trong vùng và cái xưởng đậu của vợ Thăng nó cũng giục giã các bãi xoi, các gò đồi chuyển động tăng mùa, tăng vụ cho đất. Điều sung sướng hơn, đứa con gái của Thăng lại thi đậu đại học Y khoa bên tỉnh Thái, năm học thứ nhất của nó cũng gần kết thúc rồi. Nhờ cuộc đổi thay cách làm ăn của đất trời mà nó đủ tiền ăn, tiền học. Chỉ còn mấy năm nữa là đến năm 2000 nó sẽ ra trường và thành bác sĩ. Trời ơi! Lúc ấy nó sẽ giúp chị Dần được những công việc lớn trong cái phòng bệnh ấy. Thăng tự reo lên một mình và lại sực nhớ những điều từng hứa hẹn với chị Dần hôm làm giỗ Hữu tại ngôi nhà dưới làng Ngọn Chọc còn bỏng rát nắng nôi này. Thoắt đấy đà cũng ngót chục năm trôi qua rồi, ngót chục năm mải với rừng với ruộng vẫn chưa đưa vợ con về quê chị Dần ở làng Thông được, chắc chị mong nhiều lắm đấy. Chị Dần! Ngọn gió nào đưa vợ chồng Thăng gặp chị? Quả thực với chị, Thăng cũng chỉ hiểu qua những trang nhật kí của Hữu. Nhiều lúc Thăng cứ tưởng chị là cô tiên từ cổ tích huyền thoại bước ra. Thật mà hư, hư mà thật nhưng cuộc đời chị là có thật. Chị bao bọc thương yêu thằng bé Hữu côi cút là có thật. Chị kiên cường chống lại những bất công của cuộc đời, tự mình vươn lên và nuôi dưỡng đứa con của mối tình huyền thọai là có thật. Chị cứu sống bé Trầm là có thật và bây giờ chị có cái phòng bệnh ở làng Thông chuyên chữa bệnh cho dân thường là có thật. Không biết ánh lửa diệu kỳ nào đã soi sáng để chị có nghị lực tự vượt lên số mệnh, bước qua nhiều rào cản để tự tạo ra chính mình giữa cuộc đời còn lúc nhúc bao nhiêu điều chật hẹp. Kỳ vậy, có lẽ ánh lửa ấy được le lói từ cái chai đèn đom đóm, cái chai đèn đã từng soi cho tuổi thơ và những quyết định đúng đắn của Hữu trên chiến tuyến chống quân thù năm xưa... Thế đấy, trong đầu Thăng lại nhập nhòe câu nói của Hữu giữa bụi mù bom đạn: " Người lính không có con đường thứ ba, chết xanh cỏ, sống thì đỏ ngực. Nhưng hết cuộc chiến nếu là kẻ sống sót thì cũng đừng mang cái ngực đỏ ra để làm con ngáo ộp dọa người mà phải tự thấy đau trước bao nhiêu xương máu của đồng đội mình đã tan vào đất mà mình từng chứng kiến... Họ có còn gì vì vậy kẻ sống sót phải biết tự xoay xở để thanh thản với linh hồn họ. Con người sinh ra ở đất nước có chiến tranh là thế... "
Bây giờ khi cái vòng kim cô của một anh cán bộ chính trị vỡ ra, Thăng mới thấy hết cái nghĩa trong những câu nói của Hữu mà khi ấy Thăng thường đối lập, quy kết Hữu sai lầm... Rõ ràng trong cái đầu của Hữu nó có chứa một thứ ánh sáng giống như ánh sáng từ con đom đóm, dẫu nó không thể thành ngọn lửa, thành đuốc để soi sáng một con đường nhưng nó lại là một thứ ánh sáng kỳ diệu tiềm ẩn mãnh liệt mà mưa to, bão lớn không tài nào dập tắt được. Nó cứ le lói và sáng hết mình để cho kẻ đi đêm nhìn vào đấy mà lần đường về với ban mai... Đó là thân phận của con đom đóm! Hữu ơi! Thăng hiểu rồi, Thăng hiểu tại sao những cái chai đèn và bó roi cật nứa, những đồng tiền xương máu của Hữu vẫn được con người cất giữ đến giờ và nó đang được góp vào làm xanh lên cánh rừng của Thăng đây! Thăng ôm mặt khóc và cứ đêm đêm khi làng xóm đã tắt ánh đèn, Thăng lại lặng lẽ thắp hương khấn Hữu và ra đứng đầu hè nhìn những con đom đóm nhập nhòe trên đồng nội. Giây phút ấy bên tai Thăng lại như nghe thấy tiếng người thì thầm: "Ông là kẻ sống sót sau cuộc chiến, những việc ông đang làm đó chính là khát vọng của những linh hồn đang nằm dưới đất, những linh hồn ấy đã chết để giữ đất, nhiệm vụ của các ông là phải làm cho đất xanh lên và cái màu xanh ấy phải tỏa bóng cho con người, che mát cho thân phận của những con người... Đừng để kẻ ăn trên ngồi trốc nẫng tay trên! Nếu để xẩy ra việc ấy thì xương máu của những người giữ đất và mồ hôi của những người đổ ra làm xanh tươi mặt đất cũng chả có nghĩa gì. Làm được việc này tưởng dễ nhưng không hề dễ tí nào bởi sau cuộc chiến con người ta lại trở về cái bản năng muôn thuở ấy là miếng cơm manh áo, ấy là sự phân chia quyền hành mà phép chia này không bao giờ tròn số vì con người ta khi có quyền thế trong tay mình thì nhân tâm dễ bị nhòa đi vì bạc tiền, vì quyền lực... Mà ở đời lẽ phải bao giờ cũng ở kẻ có quyền có lực! Vậy nên thân phận con người sẽ còn nhiều cay đắng. Mất mát hy sinh sẽ còn tàn nhẫn hơn so với sự hy sinh của những thằng lính chúng ta từng ngã xuống trên chiến tuyến những năm bom đạn!... "
Những tiếng thì thầm ấy làm Thăng rợn người nhớ những chuyện xẩy ra của chị Dần là một bác sĩ- người lính trở về cái bệnh viện đa khoa cấp tỉnh phải khăn gói về làng lập cái phòng khám riêng. Chị chữa bệnh cho cả làng, cả xã ấy thế mà vẫn còn đầy những con mắt dòm ngang liếc dọc ngăn cản chị nhưng họ thua vì chị là bác sĩ, chính những kẻ dòm ngó cũng từng phải mang ơn chị nên cơ nghiệp của chị được ổn định và phát triển. Có phải đấy là cái lẽ để chị tồn tại và chiến thắng? Thăng chau mày và lại tự tìm ra lời giải đáp: Đấy chỉ là cái lí bề ngoài, điều sâu xa là chị Dần dám sống đúng mình, làm những việc vì mình và vì con người. Cái tố chất của chị là nguồn sáng cháy lên từ cái chai đèn có những con đom đóm và những ngày nằm trong lòng đất Trường Sơn cùng đồng đội hứng chịu hàng ngàn hàng tấn bom đạn mà có.
Tự giải đáp như vậy Thăng như thấy có Hữu đang ở cùng căn nhà với mình. Hữu còn sống mãi với cuộc đời này và cái tiếng người thì thầm trong nhiều đêm Thăng không ngủ lặng ra đầu hè đứng nhìn những con đom đóm trên đồng nội kia chính là tiếng nói ân tình của Hữu và những người đồng đội đã ngã xuống trong cuộc chiến vừa qua. Họ đang về góp sức cùng với Thăng để làm nên cơ nghiệp, cơ nghiệp của những người lính trở về sau cuộc chiến tranh. Trong lòng Thăng tự bày bộn cái công sở của một doanh nghiệp chế biến gỗ giữa làng Ngọn Chọc và cái bệnh viện Đa khoa của chị Dần ở ngã ba làng Thông dưới kia sẽ đón bé Trầm về đấy làm bác sĩ chữa bệnh cho dân thường... Hình dung ra ngày ấy, giọng Thăng tự ngân lên: " Cuộc đời vẫn đẹp sao... " Vợ Thăng từ nhà dưới nói vọng lên:
- Ông phởn cái gì thế?
- Phởn cái gì đâu, cái gió ở trên rừng nó chui về đấy mà...
- Chỉ được cái lãng mạn. Phải bỏ ít thời gian mang tiền về cho chị Dần đi, ông hứa với chị như đinh đóng gỗ thế mà... Đừng để chị ấy khinh cho, ông không đi thì để đấy tôi.
- Khi nào xây cái bệnh viện cho bé Trầm ở làng Ngọn Chọc này thì chị Dần mới lấy nợ nhà mình. Hôm qua tôi nhận được thư chị ấy mời vợ chồng mình về dự khánh thành bệnh viện đây...
- Thế sao cứ bỏ bọc không bảo cho người ta biết...
- Bảo để bà rồ lên, ai ép đậu cho tôi nhắm rượu...
- Nỡm. ngày nào ông phải bảo, tôi còn chuẩn bị mà mình phải về trước vài hôm giúp chị chứ...
- Đành là thế nhưng còn ngày rộng tháng dài chán, bà cứ ép đậu bồi bổ cho tôi có thêm cái sức để ngày chăm rừng, tối chăm ruộng, biết đâu lại có thêm....
- Nỡm.
Vợ Thăng lườm rồi lại víu vào cái tràng cối, làm cho cái cối xay đậu cứ chạy tít vòng. Chiều cũng phủ xuống làng Ngọn Chọc. Gió từ sông Chay hắt lên lồng lộng cứ thế thổi vào cánh rừng gọi về âm điệu quê nhà mênh mang, bất tận. Trong lòng Thăng lại nhập nhòe ánh sáng từ cái chai đèn đom đóm ánh ra hắt lên nền trời quê đang hằn hiện những ngôi sao nhấp nháy.
***
Thăng trở lại làng Thông vào những ngày đầu năm 2000, tiết đông đang qua và xuân đang chớm nở. Buổi chiều mặt sông Lô mây phấn nhạt nhòa phủ mờ hai bờ cỏ tơ non, đồng làng sắc xanh của lúa đã khâu kín mặt ruộng bắt liền với sông xanh chảy tít về xuôi. Con đường giữa làng đã được bê tông hóa làm cho bộ mặt của làng lộng lẫy, sáng sủa thêm. Thăng giảm ga cho con xe lăn từ từ, đến gần cái ngõ um tùm những cây muồng trắng thì nhìn thấy ngôi nhà quét vôi trắng toát ở phía bên kia bờ cái ao có tên gọi là ao Chuôm. Thăng cho xe rẽ vào lối tắt và dừng lại trước ngõ cổng có biển đề: Bệnh xá Dân thường. Giám đốc: BS. Trịnh Nhân Dân.
Thăng đang tần ngần ngắm tấm biển thì trong phòng bệnh bỗng ầm lên tiếng khóc, lẫn tiếng cười ầm ĩ. Thăng vội đẩy con xe vào chỗ lề cổng chạy vào, vừa đến cửa phòng khám thì một anh chàng khoảng ngoài ba mươi tuổi hớn hở từ trong phòng bệnh chạy ra, Thăng hồi hộp hỏi:
- Có chuyện gì thế anh?
- Dạ, không có gì nữa đâu ạ! Nhà cháu đẻ, thằng bé bị ngạt tắc thở tưởng chết, may ghê, bác sĩ cứu được rồi, bác xê ra để cháu chạy về nhà mang cơm và lấy thêm tã lót cho mẹ con nó.
Nói rồi chàng trai đẩy Thăng ra một bên chạy vụt đi. Trong lòng Thăng tự nhiên cũng gặp niềm vui như chàng trai. Thăng loay hoay ngồi xuống góc cái ghế ở phòng chờ, mấy bà cũng tất tải ghé đít ngồi cạnh mồm miệng vừa thở vừa tranh nhau nói. Thằng bé đẹp như tượng, may thế, nhờ có cái bệnh viện của bà Dần cứu được bao nhiêu người ở hai ven sông này rồi. Cái phúc làng mình còn to lắm. Giá không có cái bệnh viện tư nhân, tư hữu của bà Dần thì hôm nay nhà ông Rưng hết nước mắt. Vả có cố đưa ra được bệnh viện của nhà nước may kịp thì cũng mất hàng đống tiền, ở đây bà Dần chỉ lấy mấy đồng tiền thuốc còn công sức thì cho không. Bác sĩ như bà Dần thì thiên hạ được nhờ nhưng mà thiệt cho bà Dần nhiều lắm....
- Phải, nhưng trả tiền nhiều bà ấy chả lấy, mình biết làm nào được. Dân làng mình cũng phải tìm cách giúp bà bác sĩ chứ nhẩy...
- Cám ơn bà con, bà con có của, tôi có lòng, cứ trữ lại đấy để nay mai tôi xây thành cái bệnh viện đa khoa bà con ủng hộ bao nhiêu bác sĩ Dần nhận hết... - Dần nhìn bà con cười phấn khởi và tự nhiên Dần reo toáng lên- Giời đất, chú Thăng à. Chú về từ bao giờ, có một mình thôi à?
- Dạ, nhà em đợi cháu Trầm, mai mẹ con nó đi xe khách về.
- Thế hả, vui vui nhiều lắm. Chỉ tiếc thằng cháu Nghị bận không về được... Chú lên nhà đi, tôi còn phải thay băng cho một bệnh nhân nữa.
Vừa nói Dần vừa móc túi đưa chùm chìa khóa cho Thăng. Thăng lên nhà, mở cửa, ba gian nhà vẫn gọn gàng ngăn nắp như xưa. Thăng ngước lên bàn thờ, bức chân dung Hữu tuy nước ảnh có nhòe đi theo tháng năm nhưng đôi mắt Hữu vẫn trong sáng hiền hậu và quyết liệt. Dưới án thờ Hữu là bó roi cật nứa và những cái chai đèn đom đóm được sắp xếp ngay ngắn, nó giống như những cổ vật linh thiêng trong ngôi nhà này. Ngắm chân dung Hữu và những cổ vật trên án thờ, trong đầu Thăng cứ nhập nhòa giữa quá khứ và thực tại, giữa chân thiện và gian tà. Nước mắt Thăng tự nhiên ứa ra. Thăng ôm mặt khóc. Chợt từ phía phòng bệnh có tiếng ồn ào, nhốn nháo. Thăng ngó nhìn, thấy mấy người quần áo kiểu ông cán bộ đứng vây quanh Dần, vung tay chém gió ngang dọc. Thăng vội chạy đến. Thấy Thăng giọng chị Dần vẫn dịu ngọt:
- Chú cứ lên nhà nghỉ, chuyện vặt thôi mà, mấy ông cán bộ đang cần chị cái giấy phép hành nghề...
- Tấm bằng bác sĩ của chị là cái giấy phép rồi, mấy ông nhiễu nhương vừa thôi...
- Ông ở đâu mà ăn nói xấc xược?...
- Tôi là dân, như bao người dân từng được bác sĩ giúp đỡ...
- Ông vòng hẹp cái mồm lại, đất có...
- Có gì?
Thăng bắt đầu nổi hung thì trong phòng bệnh có tiếng kêu vội, cô y tá tất tải chạy ra, giọng lẩy bẩy:
- Thưa bác sĩ, thưa bác sĩ...
Dần lách mấy người thong thả đi vào, mấy ông ăn mặc kiểu cán bộ cũng vào theo. Một lúc thấy mấy ông tần ngần đi ra, quăng đít ngồi tệt xuống mấy cái ghế băng, mặt nghệt như ngỗng ỉa, người nọ đưa mắt nhìn người kia, tất cả như ngồi vào cọc. Một hồi sau, tay có cái mặt như lưỡi cày, người ngắn một mẩu ghé sát vào tai lão to béo, bụng phệ như cái sòng tát nước thì thào nhưng Thăng vẫn nghe được:
- Thằng ấm của anh chị nó chơi bời bị bùng ống khói, đưa ra bệnh viện tỉnh sợ lộ mất mặt anh chị, em bí mật nhờ người cho đi bệnh viện Hạc Trì, thế chó nào lại ở đây. Làm thế nào bây giờ?...
- Còn làm thế nào, tìm cách tháo cho thật êm và nhắn cho mấy thằng tay chân của mày nịnh cho bà ấy giúp triệt để, nhớ không cho lộ tông tích, việc xong bà ấy đòi bao nhiêu cũng trả, không cò kè nghe chưa.
Nói rồi họ lẳng lặng đứng dậy chào Thăng rất có phép tắc rồi chuồn. Nhìn theo đám người quyền quý kia, lòng Thăng tự nhiên se lên nỗi buồn thăm thẳm! Cõi người bây giờ ăn ở với nhau lá mặt, lá trái thế ư! Có mấy năm, trời rộng ra, cao lên tưởng là cuộc sống sẽ chỉ sinh cái đẹp! Ai rày... Thăng lại càng thấy Hữu đúng. Hữu hiểu được thế sự, lòng người sau cuộc chiến!... Đúng, những thằng sống sót sau cuộc chiến sẽ là những thằng khổ nhất! Hữu nói đúng nên trời đã cho Hữu thanh thản! Thăng vò đầu, lòng dạ như có mưa nguồn gió biển. Thăng lặng lẽ mở túi lấy cái gói vợ Thăng gửi đặt lên án thờ, việc vừa xong thì chị Dần cũng từ phòng bệnh về. Phong thái vẫn thanh thản. Thăng định nói cái chuyện vừa nghe được thì chị bảo:
- Việc bộn nhiều quá, bao giờ con Trầm ra trường cũng phải xin chú thím để tôi tuyển dụng cháu...
- Phúc đức nhà em còn to nhiều, không có chị, cả cánh rừng của em cũng chưa chắc đủ cái trò mua việc cho nó. Thời buổi này có một suất làm ở tỉnh, ở thành ít tiền đâu...
- Chú nói vậy hóa ra cơ quan công quyền của nhà nước ta bây giờ là chốn để nặn tiền dân à?
- Em cũng chả biết nhưng có thật, làng xã em có mấy đứa học hành tử tế bố mẹ nghèo vẫn ở nhà, còn con ông cháu cha, con mấy kẻ buôn bán máu mặt học hành có ra gì nhưng đâu vào đấy hết. Họ cứ nhét nhau vào rồi đi chuyên tu, tại chức rồi cấp hàm, cấp sắc cho nhau đủ cả! Thời nào cũng vậy, con vua thì lại làm vua... - Thăng thở dài!
Dần cười nhạt:
- Chú nhìn thấy thời cuộc, nhưng đừng thở dài, miễn là con cháu mình nó không phải dẫm lên cái lối ấy. Chính vì thế tôi quên hư danh. Thôi ta bàn chuyện nhà mình đi.
- Vâng.
- Tôi chỉ làm mấy mâm cơm, trước tiên tâu với tổ tiên ông bà và báo cho Hữu biết ước vọng của Hữu đã được những người còn lại sau cuộc chiến phấn đấu làm thành hiện thực. Sau đó đáp ơn mấy anh em thợ xây và dân xóm nhiệt tình với mình...
- Vâng, chị bảo sao vợ chồng em làm theo vậy. Nhà em có gửi chị chút lòng thành để đóng góp cùng chị khi có cái bệnh xá đàng hoàng, em đặt trên án thờ rồi...
- Thôi cũng được, của chú thím cũng là của tôi nhưng cứ dành đấy, còn một việc lớn, tôi bàn với chú thím sau.
Chị khẽ giấu tiếng thở dài. Thăng không dám hỏi lại và cứ ngồi ngắm chị như ngắm người trong tranh. Chị có thật mà như không có thật! Nhưng cái bệnh viện chị đã cứu bao nhiêu người thoát nạn là có thật. Những kẻ dùng thế lực đến hoạnh hoẹ chị cũng là có thật. Tại sao chị vẫn thanh thản? Có lẽ đây lại là câu hỏi lớn đánh thức cái vùng lí trí của anh cán bộ chính trị ở trong Thăng từ mấy chục năm nay. Những điều Thăng thường giáo huấn bộ đội về lí tưởng quả rất mơ hồ, cứng nhắc và duy lí trí, hoang tưởng nữa là khác, có điều lúc ấy họ là cấp dưới họ phải lắng nghe. Người phản ứng duy chỉ có Hữu. Những lần xung đột ấy có đận Thăng cũng định đưa ra đại đội để kiểm thảo, thậm chí còn đề nghị kỷ luật Hữu nữa, cũng may chiến trận xẩy ra liên miên mà chính Hữu lại là chủ công trong việc quyết định thắng lợi của mỗi trận đánh nên mọi mọi việc lại qua đi. Nghĩ lại những chuyện ấy Thăng lại thấy mình hao hao giống mấy tay cán bộ cửa quyền vừa đến hoạnh hoẹ chị Dần vừa rồi... Đầu óc Thăng cứ u u. Bây giờ Thăng mới ngộ ra cái công việc lớn của người lãnh đạo quản lí dù ở thời điểm nào, trong chiến tranh hay giữa thời bình đều phải biết tổng kết đánh giá đúng thực tế để quyết định lấy một đường hướng để tập hợp mọi người cùng dồn tâm sức, tổ chức thực hiện mục tiêu giành chiến thắng cuối cùng mà cái mục tiêu cuối cùng ấy phải vì quyền lợi chung của con người. Tuyệt đối không được cứng nhắc duy lí trí, độc đoán theo cảm tính cá nhân. Những năm trong chiến tranh Hữu đã làm được điều đó. Chính vì vậy đơn vị luôn luôn hoàn thành nhiệm vụ dù bất cứ trong hoàn cảnh khó khăn ác liệt nào. Giá như sau chiến tranh Hữu còn sống và được nhận những trọng trách ở làng quê như Thăng, chắc Hữu sẽ có nhiều đóng góp tích cực cho công cuộc đổi đời ngày hôm nay!... Nghĩ vậy Thăng thấy có cái gì đau nhói ở trong ngực. Thăng lặng lẽ nhìn lên những cái chai đèn đựng đom đóm thời Hữu còn là đứa trẻ mồ côi! Ở trong những cái chai đèn ấy còn biết bao bí ẩn về cuộc đời của Hữu và Dần. Thăng chưa cắt nghĩa được. Thăng cứ ngồi lặng suy nghĩ miên man, chợt giọng chị Dần từ dưới phòng ăn vọng lên:
- Chú Thăng xuống ăn cơm thôi.
Thăng ngẩng lên đã thấy mâm cơm bày ngay ngắn, mấy cô y tá, y sĩ cũng đang quây quần, không khí trong ngôi nhà ấm áp lạ thường. Thăng hỏi:
- Sao chị không đề cái biển là bệnh viện mà lại là bệnh xá?
- Bệnh viện nó phải có đủ tiêu chí chứ, ta mới có một bác sĩ, một y tá, ba y sĩ, tuy có phòng khám nội ngoại nhưng còn thô sơ vả bây giờ có đủ cơ sở vật chất cũng chưa thể trương cái biển là bệnh viện lên được. Điều ấy đâu quan trọng, vấn đề là chất lượng làm việc, ta chữa bệnh có uy tín thì bệnh xá hay bệnh viện cũng thế. Đành rằng phải phát triển, mở mang cơ sở ngày càng to đẹp đáp ứng yêu cầu cho nghề nghiệp chữa bệnh cứu người. Việc đó làm từng bước chú ạ. Trước mắt bây giờ ta phải tập trung làm tốt chuyên môn, có đủ lương trả cho cán bộ theo ngạch như nhà nước quy định, rồi đào tạo nâng cao trình độ cho họ, khi có điều kiện tuyển thêm bác sĩ, xin phép các cấp chính quyền thì mới treo cái biển bệnh viện lên được...
Chị Dần mỉm cười. Thăng lại vỡ ra thêm một nhẽ nữa và nhận ra đúng chị là người biết đi trước thời cuộc, con đường đi ấy của chị đều ánh lên từ những tia sáng trong cái chai đèn đom đóm kia. Thăng im lặng và tự hình dung ra con đường đi từ cánh rừng đến cái xưởng chế biến gỗ của Thăng nay mai. Thăng chống đũa tần ngần. mấy cô y sĩ bảo:
- Số chúng cháu cũng may, học ra trường nhưng chả xin được viêc, về làm cho bác sĩ Dần cũng đủ ăn, chúng cháu cũng trích tiền đóng bảo hiểm để sau này có chế độ hưu trí đấy. Làm việc cho bác sĩ Dần thoải mái, đầu óc sáng sủa ra nhiều, bệnh nhân ai họ cũng quý mến. Đỡ không phải họp hành bon chen, nịnh bợ chú ạ!
- Mừng cùng các cô, nhưng chị Dần cứ chữa bệnh cứu người không thế này thì...
- Thì lấy đâu ra lương cho các cô ấy chứ gì? Chú khỏi lo, mình làm cho dân thì dân nuôi, dân nuôi mình rồi thì việc khó mấy cũng làm được. Chú nghĩ lại thời trong chiến trường mà xem, bốn bề là dây kẽm gai thế mà Việt cộng mình vẫn sống, vẫn đánh thắng địch. Tôi còn nhớ cái trạm phẫu ngày ấy đóng ở Gio Linh thì phải, dân họ còn nhịn ăn để lấy gạo nấu cháo cho thương binh, vì lúc ấy cán bộ, chiến sĩ ta đều một lòng với dân đồng cam cộng khổ để đánh giặc giải phóng đất nước. Bây giờ…- Chị thở dài.
Bỗng có tiếng gọi ở phía phòng bệnh, mấy chị em lại bỏ bát đũa đứng dậy. Thăng nhìn theo, kí ức về những ngày chiến tranh, khi Thăng đang là một ông chính trị viên đại đội và những ngày sau hòa bình với cương vị là bí thư đảng ủy xã cứ như cuộn phim thời sự nhì nhằng hiện ra. Giữa tiếng bom đạn ình oàng, giọng Hữu vẫn sang sảng. "Chính trị như ông là cổ hủ, làm hỏng tư duy của lính tráng, động viên lính như ông là để họ đánh nhau vì cái chức, cái sắc chứ không phải vì quyền lợi dân tộc. Vì quyền lợi dân tộc thì người chỉ huy phải biết tiến, biết lui, biết thua trận này bày trận khác chứ cứ vì thành tích, vì chiến công mà hô nhau lao lên, xương thịt với sắt thép, ông đừng đùa".
Chả nhớ lúc ấy Thăng đã quy kết Hữu như thế nào nhưng bây giờ tại ngôi nhà này thì Hữu là chân lí. Đúng vậy sau chiến tranh Thăng là kẻ sống sót, về làng giữ cương vị bí thư đảng ủy một xã, những nghị quyết Thăng đưa ra làng xã như dồn dân vào đồi để lấy đất phát triển sản xuất lớn, bắt dân bỏ ngô trồng tỏi, tổ chức chiến dịch phá rừng để trồng cây ăn quả xây dựng nhà máy hoa quả, rồi cho dân quân bừa bỏ những ruộng hoa màu do dân tự khai phá làm thêm ở những chỗ đầu hươu đuôi voi làm cho làng xã người này quay lưng lại với người kia.... Cuối cùng đều là con số không, dân làng tháng ba ngày tám rồng rắn cuốc thuổng lên núi đào củ mài, củ chụp!...
Những việc Thăng đã làm nghĩ lại càng thấy Hữu nói chả sai. Đầu óc Thăng nóng lên ong ong tai tái. Ttrên án thờ những tia sáng từ cái chai đèn đom đóm lại nhập nhòe ánh ra. Hữu về hay là mình ngủ mơ? Không mình đang thức. Dưới phòng bệnh kia Dần cũng đang thức, tại sao trong cái chai đèn lại nhập nhòe sáng? Thăng hốt hoảng định kêu lên thì cái ánh sáng nhập nhòe vụt tắt, gió lùa qua các song cửa ù ù, trong tiếng ù ù ấy lại vẳng lên tiếng người, tiếng người lúc dìu dịu như gió thu, lúc ù ù như bão kéo Thăng bay lên tít tận chín tầng mây. Đến chỗ đám mây ngũ sắc tự nhiên hai bàn chân Thăng nặng như chì, Thăng ngồi bệt xuống giống như lúc đặt bệt cái ba lô ngồi tệt xuống đất trong đêm hành quân được lệnh nghỉ mười lăm phút. Thăng xoài chân ra đất, trước mặt Thăng một vùng mây ngũ sắc đẹp như thánh thần. Thăng bàng hoàng muốn lụt vào trong ấy để thoát cảnh trần ai. Thăng gượng chống tay dậy thì bên tai Thăng lại vẳng lên tiếng thì thầm của người:
- Ông quay về đi, chốn này chưa có chỗ cho ông, ông phải về với cánh rừng đang khép tán... về làm người sống sót sau cuộc chiến chứ không được làm giặc sau cuộc chiến, ông về đi!...
- Ông, ông là...
- Là những thằng đã nằm lại trong cuộc chiến!...
Bên tai Thăng bỗng rền tiếng bom gầm, đạn nổ. Thăng bàng hoàng chồm dậy! Ba gian nhà của Dần im phắc. Mình có ngủ đâu mà mộng nhỉ? Thăng rón chân đi lại gần ô cửa sổ, phía phòng bệnh đèn sáng nhưng cửa đóng kín, người ngồi lố nhố chỗ phòng trực. Biết là lại có bệnh nhân nặng đang được Dần cứu chữa. Thăng bàng hoàng, trong lòng cũng thắc thỏm, hồi hộp như những người đang nhấp nhổm ngồi chờ tin lành của người thân đang trong phòng bệnh kia. Thăng bặm môi đi ra, đi vào rồi ngồi ngả lưng ra cái ghế băng kê dưới án thờ. Trước mắt Thăng lại nhập nhòe ánh lân tinh từ cái chai đèn đom đóm cháy sáng, trong cái quầng sáng nhập nhòe nhỏ nhoi ấy cứ hiện lên một con người rất thần bí và cũng rất đời thường, có sức sống mãnh liệt trong đời thường, cái sức sống ấy cứ nhập vào Thăng, đưa Thăng đi khắp làng quê đồng nội, nghe hết các âm thanh của làng quê đồng nội. Tâm trí Thăng lút ngập vào trong ấy và lẫn vào bóng đêm còn đầy chật chội của biết bao công việc bời bời nặng nhọc đang đè lên đôi vai của những con người đồng quê áo vải. Thăng thiếp đi trong cái cảm giác ấy!...
Ban mai bừng lên, Thăng vội choàng dậy. Trước phòng bệnh đã thấy nghi lễ trang nghiêm. Bà con làng Thông tấp nập tụ về, có cả đại diện chính quyền làng xã. Vợ con Thăng cũng đã về tới, họ lẫn vào cùng với mấy cô nhân viên y tá giúp việc cho buổi lễ ra mắt bệnh xá của chị Dần. Nghi lễ ngắn gọn, giản dị mà vô cùng trang nghiêm. Phần lễ chỉ có mấy phút đọc tờ quyết định, phát biểu của lãnh đạo làng xã, sau đó chuyển sang phần hội. Phần này chủ yếu là bà con làng xã, bệnh nhân chia sẻ, nói lời cảm ơn. Họ giành những lời cảm động chắt ra từ đáy lòng cho bác sĩ. Có người vừa khóc vừa nói: Nếu không có bác sĩ về làm phòng bệnh ở quê nhà thì hôm nay cũng là ngày giỗ đầu tôi rồi, ơn bác sĩ như quả núi Châm nhà mình... Dần vừa vui, vừa cảm động, chả biết nói gì cứ đứng nhìn mọi người. Vợ chồng Thăng tự nhiên ôm mặt khóc tu tu, rồi cũng nói theo:
- Cả nhà tôi cũng thế, biết bao giờ trả được ơn cho chị Dần!..
Bao nhiêu tâm sự người bệnh và bà con làng Thông đều bày tỏ rất chân thành. Không nói được lời đáp nhưng Dần thấy hạnh phúc vô bờ, Dần hiểu những việc Dần đã và đang làm là hợp với bà con, chứng tỏ cuộc trở về của Dần là đúng, việc từ bỏ mọi hư danh để ở với đồng loại, làm việc cho đồng loại của Dần là đúng đắn. Giây phút thiêng liêng này Dần thấy Hữu hiện về, Hữu nhìn Dân âu yếm và cứ bay lên bồng bềnh như đám mây. Dần bám vào, đám mây bay vút lên bầu trời. Dần thấy sung sướng, hạnh phúc đến nghẹt thở khi thấy cái mùi mồ hôi nồng nồng từ mây gió ngấm sang người Dần, cảm giác lại đưa Dần về cái hang ở trạm phẫu năm nào, cái hang đá đã sinh ra thằng cu Nghị. Dần vòng hai tay ghì chặt lấy đám mây, khắp người Dần rung lên thổn thức. Chợt có bàn tay vỗ nhẹ vào lưng Dần, Dần giật mình ngoảnh lại, Cậu thanh niên chắp hai tay lễ phép tần ngần nhìn Dần:
- Cô ơi! Cô đang nghĩ gì thế? Cô đừng giận cái người beo béo hôm qua nhé, ông ấy là bố cháu đấy. ễng ấy dọa cô vì không biết cháu là bệnh nhân của cô mà, cháu phải nói để cô không thù cháu, chữa cho cháu khỏi bệnh...
Dần ngước nhìn cậu bé, giọng vẫn âu yếm:
- Cô biết rồi, cháu khỏi lo, cô sẽ chữa cho cháu khỏi bệnh, nghề của cô không thù hận với ai đâu, ngày xưa đi chiến trường cô còn chữa cả vết thương cho đám tù binh nữa, huống hồ...
Cậu thanh niên tròn mắt. Giọng Dần vẫn ngọt ngào:
- Cháu cứ vào phòng nghỉ ngơi, lát nữa y tá tiêm thuốc, vài ngày nữa là khỏi ngay...
Nói rồi Dần quay lại lẫn vào chỗ bà con đang hoan hỉ. Thăng đứng ngay cạnh, khẽ vỗ vỗ bàn tay vào vai Dần, mắt đảo nhìn theo cậu con trai rồi ngoảnh lại nhìn Dần, bất chợt Thăng gặp ánh mắt mênh mông hiền dịu của Dần. Thế là những suy nghĩ như những đám mây mù đang vần vũ trong đầu Thăng tan biến. Thăng thấy còn phải tu, phải học nhiều mà chỗ tu, chỗ học lại chính là ở đây. Thăng nhẹ bước lẫn vào đám đông, trong đầu Thăng lại tỏa sáng ánh lân tinh trong những cái chai đèn đom đóm. Những điều Thăng vẫn nghĩ là huyền thoại cổ tích ở trong cai chai đèn ấy lại hiển hiện sự thật ngay ở đây mà Dần lại là nhân vật chính. Dần đang hiện ra từ huyền thoại trong cái chai đèn thành con người có thật. Phải chăng đấy là kết tinh của một mối tình được sinh nở từ khát vọng tự do của kiếp người! Đúng, Hữu nó mới là người đáng sống! Nó mới là người đáng được hưởng những gì đang có ngày hôm nay. Nhưng, Than ôi!... Thăng lại sực nhớ giấc mộng hồi đêm, Thăng bay theo Hữu đến cái vùng mây ngũ sắc, Hữu ở đấy, Hữu không cho Thăng tan vào đấy mà đẩy Thăng trở về! Đúng Thăng còn nợ trần thế, còn nợ cánh rừng, nợ với đồng loại nhiều lắm. Đồng loại đã cho Thăng rất nhiều nhưng Thăng chưa làm được gì cho đồng loại. Thậm chí còn góp phần phá hoại sự bình ổn của đồng loại! Thăng ôm đầu và cái vòng kim cô lại như áng mây đen rầm lù lù trước mắt. Phải đập tan nó đi, Thăng nghiến răng và dốc chai rượu tu ừng ực. Cứ thế Thăng lẫn vào cuộc vui cùng với bà con trong ngày ra mắt cái bệnh xá tư nhân của Dần. Cái bệnh xá tư nhân, chính nơi này đã và đang dắt Thăng về cõi của những người đáng được sống sau cuộc chiến! Nước mắt Thăng ứa ra. Đọc được tâm trạng Thăng, Dần ngọt ngào:
- Chú uống thế thôi...
- Vâng!
Thăng lặng lẽ đặt chén rượu xuống. Bóng trưa cũng sắp đội nón xuống chân người. Một chiếc xe Mitsu trắng toát đậu xịch mé cổng. Một ông to to, béo béo bước xuống. Mấy người cổ cồn ka vát, kính đen, kính trắng tay xách túi to, túi nhỏ bước theo. Bà con tản dần. Họ được Dần mời vào phòng khách. Họ bày ra bàn những cái phong bì, cùng những bao gói bọc giấy đỏ giấy xanh rất đẹp. Dần chỉ nói lời cảm ơn. Khi họ ra về, Dần bảo Thăng:
- Chủ nhân của cậu ấm tên là Hoàng đang nằm ở phòng 3...
- Cái thằng bị bệnh bục ống xả do chơi bời?... Chính mấy tay ấy hôm qua...
- Tôi hiểu... Dần khẽ gật đầu.
- Sao chị không vứt những thứ này vào mặt các hắn... - Giọng Thăng như có lửa.
- Chú lại cực đoan rồi. Mấy em mở ra xem - Dần giục.
Cô y tá vội lấy kéo cắt cái phong bì:
- Tiền nhiều lắm ạ...
- Nhập vào quỹ để xây dựng bệnh xá. Khi cậu bé ra viện còn phải lấy thêm gấp nhiều lần. Đám con giời... - Chị Dần lại chép miệng.
- Chị! - Thăng tròn mắt.
- Của dân, mình thu về trả cho dân, chú đừng ngại...
Nói rồi Dần chống cằm đổ ánh nhìn ra xa. Thăng cũng nhìn theo hướng chị, trong lòng lại nảy ra thêm những điều mới lạ. Cái vòng kim cô như đám mây đen xì vừa ẩn hiện trước mặt Thăng tan biến, bầu trời quang quẻ kéo tầm mắt Thăng về xa phía chân trời. Chợt gịong chị Dần đổ xuống bùi ngùi:
- Còn chuyện này không thể giấu vợ chồng chú và các cháu.
Chị lôi cái bì thư đưa cho Thăng. Thăng vội mở xem. Bức thư chỉ có mấy dòng ngắn gọn: " Thân mến gửi chị Dần. Lẽ ra má phải viết thư cho chị thật lâu rồi nhưng hèm giời đất mấy năm qua còn chật hẹp, má sợ nếu có thêm những dòng chữ này sẽ làm bất ổn lòng chị. Má là người xấu số, bao giờ chị vô được đến đây chị sẽ thấu. Nhà má ở gần chỗ nấm đất của thằng Hữu, thật trăm phần trăm vì chính tay má bới đất chôn nó mà! Má ở trên trần, nó ở cõi âm nhưng má con vẫn gặp nhau. Cứ đêm đêm nó lại hóa thành con đom đóm nhập nhòe bay về đậu bên cánh màn của má! Nó luôn khắc khoải nhớ chị. Lúc sắp trút hơi thở cuối cùng nó để lại cho má cái địa chỉ này, bảo má phải lặn lội ra ngoài nớ tìm chị. Má cũng định thế nhưng vì lẽ má là người mẹ đã đẻ ra ba người con đi lính và chết cho quân đội của ông Thiệu, má ngại bầu trời chật hẹp nên đành bấm bụng. Bây giờ bầu trời đã cao rộng ra, nhưng má lại già yếu, đi sao được! Nếu còn cái duyên, chị vào với má. Chị lần theo địa chỉ này: Bà Tư Lang (Tư Lang độc thân) - Xóm... - Xã... - Huyện... - Tỉnh... Má chờ chị!... "
Đặt bức thư xuống bàn, mắt Thăng nhòa nước. Thăng thổn thức:
- Đúng rồi, từ chỗ cái cột sóng tung Hữu lên, con sông Máu cắm đầu chảy về chỗ ấy, chắc là!... - Tự nhiên nước mắt Thăng ráo hoảnh- Em còn nhớ vùng ấy, ta phải vào ngay chị ạ! Vào xin phép má đón Hữu về!...
- Đành là vậy, nhưng để tôi tính ngày và nhắn cháu Nghị. Bây giờ chú thím cứ về làng Ngọn Chọc, khi nào đi, ta hẹn nhau ở ngoài ga tàu cho bớt lắm đận đường xá.
- Vâng, thế cũng được, nhưng đừng để lâu bà má mong vả người già như chuối chín trên buồng...
Đồng Làng Đom Đóm Đồng Làng Đom Đóm - Trịnh Thanh Phong Đồng Làng Đom Đóm