A book is like a garden carried in the pocket.

Chinese Proverb

 
 
 
 
 
Tác giả: Ma Văn Kháng
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 40
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 256 / 21
Cập nhật: 2020-06-05 12:47:51 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 7
a trăm lính quần áo đồng phục xanh sĩ — lâm bóng bẩy, mũ lưỡi trai vải, băng đạn vải vắt chéo qua ngực, chân đất, bồng súng chào theo kiểu nhà binh Pháp, cách nhau khoảng hai mét một, đứng như cọc cắm, rải từ chân núi Hàm Rồng về tới châu lỵ Mường Cang, viền hai bên con đường mới sửa thẳng tắp, băng qua một cách đồng ửng vàng màu đậu tương chín.
Ba trăm lính, đủ hết các cỡ tuổi, từ non choẹt tới tóc hoa râm, phần lớn là choảng pin * mới được trưng tập. Súng thì đủ kiểu: Anh-đô-si-noa, Mút, Trường Nga, Trường Anh, Gioóp 8... Cách một quãng, lại thấy một người mặc kiểu lính khố đỏ: mũ chào mào, chân quấn xà cạp, lưỡi lê bao sắt thẳng đuột bên sườn, đứng thẳng như cái cột buộc ngựa.
Thật là một cuộc trưng phô lực lượng kỳ lạ, chưa từng có. Là bởi vì ba anh em ông thổ ty họ Nông chỉ quen thu tô thóc lúa, buôn bán đậu tương, có đại lý cửa hàng ở châu lỵ, ở tỉnh lỵ, đã tậu cả một chiếc xe Tắc- xong A-văng, có quan hệ buôn bán với các hãng buôn lớn ở Hà Nội, xưa nay có thiết tha gì lắm với việc nghiệp võ mà nay sao lại sốt sắng tổ chức cuộc tập binh lớn như thế? Và số lính ở đâu ra mà bỗng đông như thế!
Sự kỳ lạ đã bắt đầu khởi nhóm từ tuần lễ nay. Cái phố nhỏ, từ tinh mơ buổi ấy, bỗng náo động hẳn lên. Dân chúng đang mơ màng bỗng choàng thức. “Dân phố nghe đây! Dậy! Dậy để quét dọn nhà cửa, đường phố. Mỗi nhà phải sắm một cái đèn lồng và treo ra cửa. Phái đoàn Chính phủ Trung ương sắp đến thăm châu lỵ ta...". Tiếng loa gọi âm âm trong buổi sáng mùa đông có sương mù dày đặc. Tiếng ai mà nghe quen quá? Tiếng ai mà như tiếng Lù Pin Dìn, tướng cướp vùng Cốc Vi mới về hiệp tác với ông Nông Vĩnh Yêng. Lại có lúc nghe ra tiếng ông sếp Thòn, sếp Hin... Và một sớm nọ, dân phố đã giật bắn mình khi nhận ra cái giọng giật đùng đùng như súng bắn của ông Lý Kiêu Đương, tức ông Một Đương. Ôi! Ông một Lý Kiêu Đương, sấm sét của châu đoàn, thủ túc tin cậy số một của ba anh em thổ ty họ Nông, đội khố đỏ, mới ngày nào đảo chính Nhật Pháp có tin ông Nhật bị bắn chết, mẹ ông đã khóc đỏ cả mắt, lại còn làm ma cho ông và tổ chức phúng viếng hết sức linh đình, giờ có phép lạ gì mà ông sống lại vậy?
Dân phố bỏ hết công việc thu hái đậu, cả tuần lễ liền quét dọn, khơi rãnh, bắc cầu, treo đèn, kết hoa, dựng cổng chào. Rồi dòng dòng kéo về châu lỵ từng đám đàn ông từ các làng người Nùng trong châu. Họ được gọi là choảng pin, được phát quần áo, ngày cơm hai bữa xong chỉ có mỗi một việc là tập bồng súng chào dưới quyền chỉ huy của chính ông Lý Kiêu Đương bằng xương bằng thịt hẳn hoi.
Cái phố phong quang, đẹp hẳn lên. Vốn nó đã khá xinh xắn, gọn ghẽ. Không luộm thuộm như Pa Kha, cũng không cổ lỗ, bí ẩn như Pha Linh. Mường Cang có phố hắn hoi: một chạy dọc, một chạy ngang, cắt nhau thành hình chữ thập và thuần là nhà gạch, lợp ngói tây, cao ráo, sáng sủa. Hai hiệu buôn to nhất chiếm hai cái nhà gác ở ngã tư, chõ mặt vào nhau. Tất nhiên, ngoài khu phố ấy, sự lầm than vẫn như cái vòng đai thít chặt lấy thị trấn. Ấy là những xóm người Nùng lúp xúp, lầm lụi ở rìa thị trấn, mà dân cũng lại là những người trồng đậu tương cho thổ ty họ Nông, kiêm thêm các nghề đốt than, bện chão, đánh thừng, làm áo tơi, nung gạch, nung vôi.
Cái phố ấy hôm nay loạn mắt vì màu sắc. Phấp phới trên các cổng chào tết lá cọ rừng là những lá cờ lá chuối, cờ đuôi nheo xanh, đỏ, tím vàng, lam, hồng. Đèn lồng treo các cửa nhà như hai chấm đỏ trên má con gái. Từ sáng sớm, tiếng trống của đám múa kỳ lân đã nện thùng thình khiến cả cái phố như bập bềnh trên sóng nước.
Hai con ngựa của Chính và Pao được một đoàn ngựa đi đầu dương hai lá cờ to ra đón. Tiến vào phố, Chính đi đầu. Theo sau Chính là con ngựa tía trên lưng cưỡi một người to béo, vậm vạp như đô vật; người này cầm một cái lọng che nắng cho Chính. Tiếp đó là Pao.
Lạch tạch đùng! Lạch tạch đùng! Pháo nổ ran khi con ngựa của Chính vừa tới ngã tư phố. Trống nổi, thật bất ngờ, một con kỳ lân sặc sỡ, lông lá xồm xoàm, hai con mắt thô lố dữ tợn với cái đuôi dài thượt, từ một cằn nhà bung cửa chồm ra. Theo nhịp trống rền, nó nhảy, nó bầm bập đôi chân, chạy đến rạp mình ba lần lễ lạy quan khách, đoạn tung chân, rung nhạc, hí hởn vờn múa. Trong tiếng hét hầy hầy rất nhộn, chàng Tôn Ngộ Không áo đen buộc tua lông, mặt nạ khỉ, nhảy tâng tâng đùa giỡn, hai tay uốn dẻo, đầu nghênh ngáo ngáo. Đám trẻ con chen tới, ầm ĩ reo hò. Nhất là khi ông Địa đeo mặt nạ to phệnh, áo nhiễu hồng đào trong độn cái rá làm bụng phệ bước ra, chân đảo tay khuỳnh vung vẩy cái quạt giấy.
Chính bỏ mũ nồi, vẫy chào những người dân ra đón mình và xuống ngựa. Cả khách và những người tháp tùng đi giữa hai hàng lính khố đỏ bồng súng chào, tiến đến một tòa biệt thự ở giữa phố. Dân đi đón từ ngã tư à theo đoàn quan khách.
Qua cái cổng rộng, cửa sắt mở lối vừa cho ôtô con vào ra, con đường rải sỏi cuội dẫn qua cái hoa viên tươi mởn các loài hoa, Chính bước tới mặt tiền một tòa biệt thự xinh xắn, kiến trúc kiểu Pháp, nhiều góc cạnh, với những hiên giả, cửa kính, cửa chớp, rối mắt và chật chội.
Lúc ấy, từ trong nhà, chủ mới bước ra. Ba người cả thảy. Ba người đẫy đà, trắng trẻo, hao hao giống nhau, nét mặt đều cởi mở, hân hoan. Đó là ba anh em ông tri châu: Nông Vĩnh Yêng, Nông Vĩnh Xương và Nông Vĩnh Phượng.
Tuy vậy, người ta vẫn phân biệt được từng ông, ấy là nhờ trang phục mỗi người. Ông tri châu Nông Vĩnh Yêng thường khi vẫn com-lê, mũ phớt, giày hai màu như hai ông em. Nhưng hôm nay là ngày đại lễ, nên ông mặc quốc phục: khăn xếp áo the, quần ống sớ trắng, dép Gia Định đế cờ-rếp. Tuy thế, trông ông vẫn không cổ giả chút nào. Vẻ lịch thiệp, hồ hởi vẫn ngời ngợi trên gương mặt mỡ màng chưa đến năm mươi, trên cái miệng rộng cười rất tươi của ông.
Sắp tiến đến vị khách thì ba anh em ông tri châu né người sang một bên. Từ phía sau, một thiếu nữ Nùng, áo hồng viền hoa ở gấu, ở cửa tay, ở cổ, bưng một cái khay đặt tặng phẩm cung tiến phủ mảnh vải đỏ, chân như chân gái xòe, bước lấp xấp, tới trước mặt Chính. Thiếu nữ nhún chân chào và e lệ ngẩng lên, tay mở vuông nhiễu đỏ: Một khẩu súng poọc hoọc trong bao gỗ quang dầu bóng loáng mới tinh, đuôi báng súng buộc tua lụa đỏ. Thật là một món quà tặng rất hợp thời, lại biểu thị được tấm lòng sốt sắng ủng hộ Chính phủ của chủ nhân!
Chính nhận khẩu súng. Ông Nông Vĩnh Yêng bước nhanh tới, hai tay xòe rộng như sắp ôm lấy ông phái viên, rồi nghiêng mình nhã nhặn:
— Rước ngài vào phòng khách ạ ạ ạ.
Chính bắt tay ba anh em ông tri châu. Tiếp đó như một thói quen, không cần sửa soạn, anh nói với ông Nông Vĩnh Yêng như là một sự xin phép, đoạn quay lại, bước ra thềm. Bấy giờ, dân chúng đã tụ tập đông nghịt trước tòa biệt thự.
— Thưa đồng bào châu Mường Cang thân mến! — Đứng dịch ra phía ngoài, đột ngột giơ khẩu poọc hoọc lên cao, Chính lên tiếng: — Tôi là đại diện của Việt Minh, tổ chức của tất cả những người Việt Nam tha thiết với độc lập, tự do của Tổ Quốc, tới đây để bàn với ông Châu, với toàn thể đồng bào việc đánh Quốc dân Đảng giải phóng tỉnh Lào Cai ta. Ông Châu tặng tôi khẩu súng này. Trao súng cho nhau tức là đã bằng lòng theo Chính phủ. Còn đồng bào, đồng bào có tán thành phải đánh Quốc dân Đảng không?
Chưa quen được một vị cấp trên hỏi như thế bao giờ, đám đông chỉ "à" lên một tiếng rồi lao xao, ồn ào, đầy vẻ vui thích.
— Dạ... rước ngài phái viên... — Ông Nông Vĩnh Yêng nhẹ nhàng bước tới cạnh Chính, nói rất khẽ nhưng ngả cánh tay vừa mời mọc, vừa khéo léo cắt đứt câu chuyện của Chính với dân chúng.
Rõ ràng là vẻ xởi lởi có một thoáng sương phủ. Nét mặt hồng hào của ông Nông Vĩnh Yêng thoáng cau lại. Nhưng rất nhanh, ông lại trở lại là con người hiếu khách, vui vẻ, thịnh tình.
Phòng tiếp khách bày biện thật sang. Ở giữa là bộ xa lông bọc da nâu lùn tịt. Áp tường là những chiếc đi-văng cũng bọc da. Trên tường, chính giữa chỉ có một bức truyền thần một ông lão phương phi mặc áo gấm, đội mũ cánh chuồn như một viên quan đại thần, và mặt tường bên, đối diện là một bức lụa vẽ phá cảnh sơn thủy, loại tranh cổ.
Rượu, bia, nước cam quây tròn giữa bàn. Bên rìa bàn là bốn đĩa táo, mỗi quả to bằng nắm tay, màu đỏ chín hoen hoen lan từ cuống ra tới lưng quả.
Không đợi khách hỏi, chủ đã trình bày ngay đời sống và quan điểm của mình. Thật thế đấy! Ông tri châu Nông Vĩnh Yêng ưỡn ngực như để Chính thấy: ông có đeo bài ngà đâu — ba anh em ông nào có ai muốn dấn thân vào quan lộ! Hai em ông là Xường và Phượng thì dứt khoát là không có tướng làm quan. Làm quan là phải ác. Mà ác thì dân không ưa. Vả, làm quan nhất thời, làm dân vạn đại. Con đường doanh nghiệp sung sướng hơn. Vì thời nào cũng cần. Đó, cửa hiệu của ông ở giữa phố, đối diện bên kia là cửa hàng của ông phó châu Lục Đình Hoàng, người Nhắng. Cực chẳng đã năm 1920 ông mới phải ra nhậm chức lý trưởng. Ấy là vì thể theo lòng dân Nùng. Là bởi vì họ Lục, phe cánh ông Lục Đình Hoàng ở Bản Lẩu họ chỉ bênh người Nhắng của họ, họ làm điêu đứng dân Nùng. Năm bốn mươi, ông lên làm tri châu, cũng chỉ là để giữ thế cân bằng với họ Lục mà thôi. Làm quan thì xơ múi gì. Mà buôn bán thì cũng rặt là thua lỗ. Đậu tương mua giúp cho dân, thồ ra tỉnh, chuyển về xuôi bán, tốn kém lắm mà lờ lãi có được bao lăm? Dành dụm mãi mới mua được cái Tắc-xông A-văng thì bọn Quốc dân Đảng nó cướp mất. Nghĩ lắm lúc cũng chán. Hai người em ông cứ khuyên: bỏ cái chức vị này, về Hà Nội mà buôn bán cho khỏe người. Ngặt nỗi, dân Nùng ở đây coi mình như cha mẹ, bỏ họ bơ vơ đi sao đành. Cực lắm, ngài phái viên ạ, trên kia họ La áp xuống, phía dưới họ Lục tấn lên, ở giữa không cứng là chếtvới họ.
Giọng ông Nông Vĩnh Yêng kéo dài, ngân nga, óng mượt. Cái giọng vàng, giọng bạc cứ hết chuyện nọ sang chuyện kia vừa cởi mở, vừa rào đón trước sau. Cho tới khi bữa tiệc dọn xong, chuyện vẫn còn đậm. Và ông đứng dậy, khoác tay Chính thật là thân thiết. Theo một lối đi trải thảm, chủ và khách tiến đến một căn phòng rộng, giữa đặt bàn tiệc. Thật là một bữa tiệc thinh soạn và độc đáo. Ngoài những món thịt lợn, thịt gà, thường thấy ra còn thì la liệt tất thẩy là những món được chế biến từ hạt đậu tương: đậu rán nhồi thịt, đậu trộn trứng rán, tầu phù phá, đậu giá, canh óc đậu, tầu sì, đậu phụ nướng, đậu phụ luộc, đậu phụ nhự... Ông tri châu muốn chứng tỏ mình là người chỉ quan tâm đến chuyện kinh doanh đậu tương và cũng là con người biết thưởng thức tinh tế những giá trị đặc sản địa phương.
Chính không chú ý tới điều đó. Điều đáng lưu tâm hơn là những người dự tiệc. Thật thế, đầy hai dãy ghế là những bộ mặt lạ.
— Thưa ngài đại diện Chính phủ — Ông Nông Vĩnh Yêng đứng dậy, chủ động, và lịch sự — Xin ngài cho phép tôi được giới thiệu với ngài những anh em giúp việc quân cơ trong châu ạ... Dạ, đây là... Dạ, đây là...
Ông Nông Vĩnh Yêng chỉ tay vào người nào, người đó đứng phắt dậy, mặt lạnh như tiền. Này đây là Lù Pin Dìn, đầu múp, vóc dáng đô vật, kẻ đã ra đón Chính. Này đây: xếp Thòn loắt choắt, tai vểnh như tai chuột. Này đây: xếp Hin, ục ịch, lờ ngờ.
Người được giới thiệu cuối cùng, với một vẻ trịnh trọng đặc biệt, là Lý Kiêu Đương, tổng chỉ huy binh lính của châu. Đương có khổ người cao, vẻ mặt khinh khỉnh, hai con mắt gian, trắng dã, hay nhìn trộm, hàm răng vổ chìa hẳn ra ngoài môi.
Chính đứng dậy, bắt tay từng người, dừng lại trước Lý Kiêu Đương, vui vẻ:
— Ông Đương, ông bằng lòng theo Chính phủ Trung ương tiễu trừ bọn Quốc dân Đảng chứ?
Bị hỏi bất ngờ, Đương ngây đơ người, ấp úng. Nhưng Nông Vĩnh Yêng đã vội đỡ lời, thật mềm mại.
— Thưa ngài phái viên, anh em thủ túc của tôi đều đồng lòng cả đấy ạ!
Chính cười, nhìn tất cả mọi người:
— Thế thì tốt lắm! Các anh em chắc cũng biết hiện thời nước ta đã được độc lập. Vị lãnh tụ tối cao của toàn dân ta là Hồ Chủ tịch...
— Dạ thưa ngài... — Nông Vĩnh Yêng lại tỏ ra sốt sắng, cướp lời Chính một cách hết sức dịu dàng — Anh em đều hiểu cả đấy ạ! Dạ, sau ngày lánh nạn Nhật về, anh em mới được tôi chiêu mộ lại. Dạ, anh em hăng hái lắm! Chỉ mấy ngày đã được hơn ba trăm lính. Chúng tôi không như ông La Văn Đờ bắt cá hai tay, cho Châu Quán Lồ ở lại với Nhật. Chúng tôi không như ông Lục Đình Hoàng mời Quốc dân Đảng vào Bản Lẩu. Quốc dân Đảng cử người tới, đòi chúng tôi nộp đậu tương, bạc trắng. Chúng tôi trả lời: “Chúng tao chỉ có sẵn đầu đạn thôi. Muốn ăn thì vào đây!”. Há há há...
Cái bàn tiệc rộ lên một hồi cười theo chủ. Chính gật gật đầu:
— Đó, bọn phản động ngoan cố lắm! Tôi nhớ hồi tháng tám năm bốn mươi lăm, vua Nhật lúc ấy đã đầu hàng Đồng Minh rồi, tôi tới tỉnh Yên Bái gặp bọn Nhật yêu cầu chúng trao toàn bộ vũ khí cho Việt Minh. Chúng đồng ý. Vậy mà chín giờ sáng ngày 19 tháng 8, chúng lại nổ súng đánh ta. Bắt buộc chúng tôi phải đánh lại!
— Chà!
— Nhân đây tôi cũng có để các ông rõ: Tôi đã đến Pa Kha. Thoạt đầu ông Chao có ý khước từ. Tôi nói: tham gia trừ giặc là nghĩa vụ của tất cả mọi người Việt Nam yêu nước. Các ông không tham gia thì bộ đội cũng sẽ vẫn giải phóng Lào Cai. Chúng tôi đã đánh cho bọn Nhật phải quỳ gối xin hàng! Chúng tôi nhất định sẽ đánh tan bọn Quốc dân Đảng.
Ôi! Giọng Chính trong sáng và tự nhiên làm sao! Nhưng nghe Chính nói, Lý Kiêu Đương mắt chớp chớp liên hồi. Đương chưa chịu khuất phục đâu. Đương là một tính cách cứng cỏi, là một khát vọng chưa thỏa mãn, là một nhân vật còn đầy bí ẩn, bí ẩn cả với Nông Vĩnh Yêng kia.
Đội khố đỏ đó là cái vỏ bề ngoài của Đương thôi. Còn thực chất, Đương chính là một nhân viên của Phòng nhì Pháp. Năm bốn tư Đương đã chết một lần. Bọn nhà đoan còn đem cả cái mũ vấy máu về phố, rêu rao: đội Đương đi buôn lậu, bị bắn chết đây! Nhưng chết ở đây, mà Đương sống ở Côn Minh, với phái đoàn quân sự Pháp. Và bây giờ thì Đương đã về. Để rồi Đương sẽ là ông chủ ở đất này. Yêng, Xường, Phượng trước sau thì cũng cao chạy xa bay. Cả thằng Xì Xám Mầu cũng vậy thôi. Và lúc ấy thì Thị Cọt sẽ không còn là vợ nó nữa. Chà!
Những ý nghĩ cuối cùng rừng rực trong lòng Đương, khiến y như đột ngột phắt dậy, trợn trừng trợn trạc nhìn Chính:
— Thưa ngài phái viên, tôi sẽ chỉ huy lính đi đánh Quốc dân Đảng. Nhưng ngài phải cho tôi thêm súng đạn.
Chính cười nhè nhẹ:
— Ông Yêng vừa nói là ở đây sẵn đầu đạn để đón tiếp bọn Quốc dân Đảng cơ mà, ông không nhớ ư, ông Đương?
— Ha ha... ngài phái viên thật là có tài nhớ! — Yêng bật cười cố tình, rồi nhướng hai con mắt: — Ông Đương nói là lo xa, vậy thôi chứ, nếu mà thiếu thì chúng tôi sẽ sức cho dân đóng góp chứ đâu dám phiền Chính phủ ạ!
Chính lắc đầu:
— Việc dân đóng góp phải rất hạn chế, ông Yêng ạ! Hiện thời, đồng bào còn rất nghèo, còn rất khổ.
— Thưa ngài phái viên, nếu không có súng đạn thì đánh Quốc dân Đảng bằng tay à?
Nhìn Đương lại vừa nhổm dậy, giở giọng càn rỡ, Chính nghiêm mặt:
— Tôi xin nhắc lại: đánh Quốc dân Đảng là nghĩa vụ của mọi người. Mọi người cần thực hiện nghĩa vụ đó một cách thành thực.
Thấy không khí có vẻ gay gắt, Yêng vội mời tất cả cử tọa nâng cốc, vào bữa tiệc.
Nâng cốc, quay nhìn hai dãy ghế, Chính tươi cười, rồi chạm cốc với Yêng, giọng quả quyết:
— Nhất định chúng ta sẽ giải phóng Lào Cai!
— Dạ, nhất định ạ.
Ran ran tiếng cốc chạm, những tiếng khà khoái trá và lời mời mọc.
— Mời ngài phái viên ạ.
— Cám ơn ông. Tôi rất vui vì các ông đã hiểu ra nghĩa vụ của mình.
— Dạ, thưa...
— Ông có điều gì còn băn khoăn?
— Dạ giải phóng xong thì ta lập Tỉnh chính phủ, chứ ạ? Đặt đũa xuống bàn, miệng nhai, Yêng mắt liếc Chính, tiếp:
— Dạ... chúng tôi nghĩ, chính quyền tỉnh rồi thế nào cũng phải thành lập. Nhưng việc cử người đứng đầu chính quyền nghĩ đi nghĩ lại thấy là khó lắm đấy ạ.
— Xin ông cứ nói tiếp.
— Dạ! Các ngài Việt Minh thì vốn chẳng tham quyền rồi... Hà... Hoàng Văn Chao thanh thế thì to, nhưng lại không được lòng dân... La Văn Đờ tiếng thế uy danh chỉ có với dân H'Mông. Trong tỉnh Lào Cai ta, kể cả các ông thổ ty bên miền tây thì chỉ có... xứ Nùng Mường Cang... dạ xứ Mường Cang này là to là đông dân, nhiều tài lực thôi. Hừ... ngay cái chức quân sự ở tỉnh là xem ra cũng đã thấy là khó chọn. Châu Quán Lồ theo Nhật, lý lịch bất hảo, hữu dụng vô mưu, quá ư độc ác, lòng dân oán thoán vô kể... thì không được rồi. Trong khi đó, ở châu tôi, việc binh bị, ngoài ông Lý Kiêu Đương, không có người thứ hai, ngài phái viên ạ.
Quẩn quẩn quanh quanh, khôn khéo bẻo lẻo, lúc bóng gió xa xôi, khi gành gót nghểnh ngảng, ông thổ ty kiêm nhà phú thương trổ hết tài bắt mối hàng, dẫn khách để giới thiệu với Chính, rằng, chỉ có ông là xứng đáng và cần phải giữ chức tỉnh trưởng còn bộ hạ thân tín của ông là xếp Đương thì là kẻ duy nhất đáng ở địa vị ủy viên quân sự tỉnh.
Nhưng, ông càng da diết và càng toạc móng heo bộc lộ tham muốn bao nhiêu thì Chính lại càng như lảng xa câu chuyện bấy nhiêu. Chính vừa nghe vừa gật đầu lạnh nhạt. Cho tới khi ông Yêng thở đánh phào khoan khoái vì nghĩ rằng mình đã trình bày một cách rành rẽ, tỉ mỉ và hết sức đầy đủ lý sự, thì Chính mới ghé vai ông, thoáng cười, nhẹ nhàng:
— Ông Yêng à, bây giờ mà ta đã vội bàn việc xếp sắp các chức vị trong chính quyền tỉnh thì tôi e là sớm quá!
Biết là bị hớ, nhưng ông Yêng trợn mắt, cười lấp:
— Tôi sợ rằng nước đến chân không kịp nhẩy ấy chứ.
— Tôi ngại rằng chuyện lọt ra lại có người nói ta tham quyền, ham chức tước. Mà...
— Không không... — Ngật cái cổ mỡ màng ra sau ghế, ông tri châu họ Nông lắc lắc đầu, xua tay — Nhảy vào quan lộ, đáo công môn là tôi thực lòng không ưa. Tôi nói ngài phái viên nghe nhé: như tôi là phú thương, đại phú, đại quý, giàu sang mãn đời, tôi còn thiết cái gì. Việc cai trị việc binh bị... nếu có tham gia thì quả là vì lòng dân thúc ép thôi, ngài ạ.
Chính gật đầu:
— Tôi hoan nghênh tấm lòng ấy của ông!
Lấy lại được đà, ông Yêng lấn lướt:
— Ấy đấy, ngài phái viên ạ! Có bàn bạc trước vẫn có hơn chứ! Không phải là việc buôn bán nhất bản vạn lợi đâu. Nhưng có đi có lại vẫn toại lòng nhau. Ví dụ ông La Văn Đờ góp năm mươi quân, ông Hoàng Văn Chao góp năm mươi quân, tôi góp ba trăm. Vâng, ba trăm!...
Ông châu họ Nông buông lửng, chành miệng ông cười hề hề. Ông nhất định mặc cả. Vốn ông nhiều thì lãi ông cũng phải nhiều chứ! Thế ông vững, ông đòi vậy thì là phải chứ. Nhìn ông thổ ty nheo nheo mắt đợi chờ, Chính nghiêng đầu, thản nhiên:
— Tôi vừa ở Pha Linh về. Ở Pha Linh mắt tôi đã tận mắt thấy cảnh ông Đờ tàn sát đẫm máu một thường dân vô tội. Đó là tội ác. Nhưng, dửng dưng trước tội ác cũng là một tội ác... Đứng ngoài cuộc đấu tranh để giải phóng đồng bào khỏi ách Quốc dân Đảng cũng vậy, là một tội ác!
— Đúng như thế đấy ạ!
— Ông Yêng ạ, ông có ba trăm lính. Sắp tới họ sẽ tham gia cuộc chiến đấu đánh bọn Quốc dân Đảng. Ông thử hỏi xem trong ba trăm người lính ấy, có bao nhiêu người đòi hỏi phải được thế này thế khác trước khi tham gia chiến đấu? Tôi chắc là có, nhưng không nhiều. Hay là ông để tôi đi gặp anh em tôi hỏi? Chắc chắn rằng những người ra trận mạc nay mai nghĩ giản dị hơn: họ chỉ vì yêu nước thương nòi mà vác súng lên đường thôi.
Yêu sách bị gạt đi thẳng thừng, lại bị trách cứ nhẹ nhàng, Yêng lảng sang bên, trò truyện với hai người em, lát sau quay lại nhấc chai rượu, rót tiếp cho Chính:
— Dạ, mời ngài phái viên ạ!
— Mời ông, mời các ông!
Yêng nhấp một hớp nhỏ. Há miệng ông khà một tiếng nhỏ. Rượu nặng cháy bỏng, tê đắng cả cuốn họng.
Vây quanh Pao, người Nùng áo rộng, người Hoa áo khuy vải. Những cái tẩu thuốc nghênh nghênh. Những cái nón sơn nghiêng nghiêng. Pao để tay lên ngực, khiêm nhường:
— Tôi là người dẫn đường cho cán bộ Việt Minh thôi!
Mặc, người ta cứ bíu lấy tay Pao hỏi chuyện về ông đặc phái viên, về Việt Minh.
Bỗng có tiếng gọi:
— Anh Pao ơi!
Pao quay lại. Một người trai Nùng, mặc cái áo chàm cũ, cộc tay, vá chằng vá đụp, đang địu một bó cỏ to đứng ở bên đường. Pao ngỡ ngàng: cái mặt tròn sần sùi trứng cá và bậm bụi, trông quen quen. Cái mặt tròn ấy cười, môi hở những chiếc răng trắng nõn, rất tương phản với gương mặt lầm lũi, khổ ải.
— Có nhớ tôi không? Con ngựa bị cảm...
Pao sực nhớ reo:
— Anh Mìn!
Người nọ bỏ địu cỏ. Pao nắm tay anh. Anh giằng ra, nắm tay Pao lắc lắc, rối rít:
— Về nhà tôi đi! Về nhà tôi đi! Gần đây thôi mà!
Nhà Mìn là một cái túp lều gianh trong cái xóm nghèo ở rìa trấn Mường Cang. Cửa liếp đan xộc xệch dán một tờ giấy đỏ có hàng chữ: "Hoan nghênh đại diện Trung ương Chính phủ!".
Mìn đặt bó cỏ đánh ịch ở ngoài sân, đẩy cánh cửa, gọi oang oang:
— Bố ơi, bố! Anh Pao người H'Mông Pa Kha sang đây này!
Bên đống lửa đốt giữa nhà là một ông già gầy gò. Nghe tiếng gọi, ông già bỏ cái dịu đang đan dở, ngước dậy, ngơ ngơ:
— Mìn về đấy à? Nhà ông Châu xuống gọi mày...
Mìn gài cái liềm cắt cỏ vào liếp, bước lại, ghé sát tai ông già, nói to:
— Bố ơi, anh Pao, người chữa con ngựa bị cảm đấy!
Ông cụ ngẩng lên. Gương mặt choắt, đen cháy. Hai con mắt khép nhỏ, nhờ nhờ màu nến. Ông cụ vừa bị điếc, vừa bị lòa.
Đón chén nước Mìn đưa Pao, nói thật to:
— Cháu mời cụ uống nước ạ.
Ông cụ khe khẽ gật đầu, rồi tiếp tục công việc. Những sợi nan trúc chuốt rất kỹ, nhẵn bóng thoăn thoắt đan cắt trong bàn tay như hai cái rễ cây của ông cụ.
— Mìn à, nhà ông Châu xuống gọi mày.
Mìn đang thở khói thuốc lào, lúc lắc cái đầu:
— Ây dà, việc nhà quan, bao giờ hết được!
Pao bỡ ngỡ:
— Anh làm trong nhà ông Châu à?
— Làm. Mà cũng chẳng làm… Lúc cần họ gọi thì đi… Hôm nay anh đến, tôi ở nhà. Anh uống với tôi bữa rượu. Bố ơi!
Ông cụ lại đặt cái địu đan dở xuống, nghênh nghênh:
— Ở phố có gì mà có trống đánh to thế, Mìn?
Mìn nói như hét:
— Đón phái đoàn Chính phủ. Bố có biết Chính phủ không?
Ông cụ lắc lắc đầu.
— Thế mà tao cứ tưởng có đám cưới con ông Châu.
— Đám cưới nào?
— Là như cái đám cưới ông Xì Xám Mần lấy cô Thị Cọt ấy! Này, Mìn, nghe họ nói hình như ông Mần ông ấy về rồi đấy!
— Ai bảo bố thế?
— Lão Tính nghiện ở trong cái lô cốt Nhật ở đầu phố bảo là nhìn thấy ông ấy thò đầu ra cửa sổ ở trên gác.
— Thật à? — Mìn hỏi, đứng dậy như quên khuấy, đập vai Pao — Anh ngồi đây nhé, tôi đi bắt con gà!
Nhưng Pao chưa kịp ngăn và Mìn cũng chưa kịp ra khỏi căn nhà thì ngoài cửa đã có tiếng gắt bẳn:
— Nhà Mìn đâu nhỉ? Quan gọi mấy lần mà không thấy mặt là cớ làm sao?
Mìn mở cửa. Pao giật mình. Người to béo đang đứng trước cửa kia chính là kẻ đã đón Pao và Chính ở tận núi Hàm Rồng. Y cầm một cái gậy to, liên tục dộng kịch kịch xuống đất. Nhận ra Pao, y liền bớt hùng hổ.
Mìn quay lại nhìn Pao như có ý xin lỗi. Pao giục:
— Mìn cứ đi đi!
— Tối tôi về nhé!
Mìn bước ra cửa, ném bó cỏ lên vai, đi.
Căn nhà tự nhiên tụt hẫng xuống. Chỉ có tiếng nan trúc lách cách chạm nhau. Và mưa đã bắt đầu thầm thì rơi trên mái cỏ.
Mưa buông màn xám, thứ mưa đông buồn, u ám buốt giá. Những hạt mưa không chân, lửng lơ bay. Chúng lọt qua kẽ hở, vào nhà. Căn nhà mờ mờ lạnh lẽo.
Pao gọi, tiếng vang trong căn nhà:
— Cụ ơi, cháu đốt lửa nhé!
Ông cụ đặt cái địu đan dở, ngồi thừ. Hai con mắt như chìm nghỉm đâu mất. Chỉ còn hai cái hốc sâu, thâm ngơ ngác:
— Ai như tiếng ông tướng cướp Lù Pin Dìn ấy nhỉ?
— Cụ nói ai? Cháu là Pao, người H'Mông đây mà!
Pao dịch lại gần ông cụ. Ông cụ lắc lắc đầu, lẩm thẩm:
— Chết thôi! Lại kéo về cả đây thì lại đánh nhau. Lại đánh nhau to đấy, cháu người H'Mông ơi!
— Ai đánh nhau, hả cụ?
— Là tôi nói hồi họ Lục ở Bản Lẩu đánh nhau với họ Nông trên này ấy mà!
Hóa ra ông cụ không phải là không biết trò chuyện. Khi Pao đã gầy được đống củi sưởi, lửa cháy lém lém, tỏa ấm khắp căn nhà, thì ông cụ không đan nữa. Ông cụ ngồi thừ, giọng vẳng rất xa:
— Là cái cô Nông Thị Cọt ấy mà, ông Châu đã hứa gả cho cậu Tường bên Pa Kha. Thế mà đùng cái, lại lấy ông Xì Xám Mần. Ông này là quan Tàu mà... à, mà cháu người H'Mông có biết ông Lục Đình Hoàng người Nhắng không? Tôi là tôi gửi ông Nông Vĩnh Yêng hai con mắt đấy… Rồi tôi phải lấy lại...
Pao rùng mình. Ông lão trợn trừng, không còn mắt, chỉ thấy cái kẽ nứt rách ra. Không! Ông cụ không lẫn. Chuyện rời rạc, nhưng chắp nối lại thì có đầu có đuôi. Thì ra họ Lục và họ Nông tranh nhau chức tri châu. Họ Nông được. Họ Lục thua liền tức giận thuê người bắn chết bố Nông Vĩnh Yêng. Yêng vốn thù ông cụ vì ông cụ đã có lần vác dao đến định chém y khi y lấy đất của ông cụ để mở hiệu buôn, được dịp bèn vu ông cụ là hung thủ. Y bắt ông cụ về làm ma tươi cho bố. Trói ông cụ cạnh quan tài bố, đặt một cái đĩa đèn lên đầu ông cụ. Lửa dầu chảy nhầy nhụa xuống trán, vào mắt vào mồm ông cụ...
— Tôi không lòa đâu, cháu người H'Mông ơi! — Ông cụ như sực tỉnh — Tôi nhìn rõ tim gan nó mà!
Pao thấy cay cay hai con mắt. Anh thở dài:
— Cháu nghe anh Chính nói: Việt Minh tốt với người nghèo, người có khổ. Việt Minh hô hào mọi người theo họ.
— Nếu họ tốt thật thì thằng Mìn theo họ đấy!
— Anh Mìn bao giờ về, hả cụ?
— Húi! Còn hết đêm.
— Sao lâu vậy ạ?
— Nhiều việc lắm! Cắt cỏ ngựa, quét dọn, đập đậu, sấy đậu, đóng bao. Ông Châu chở đậu tương đi bán, rồi mua vải, muối về bán lại cho dân mà!
— Ai cũng phải đi à?
— Bằng nhau! Ai cũng phải đi. Không đi không được mua muối, mua vải.
Chuyện đến đây thì ngoài sân có tiếng người nói: "Đây, người đi theo ông phái viên ở trong ấy!". Rồi tiếng người thở è è nặng nhọc cùng tiếng bánh xe quay rù rù.
Pao mở cửa. Ngoài sân có một chiếc xe đạp vừa được đẩy vào. Bâu quanh chiếc xe bê bết bùn là ba người: một người cầm ghi-đông, một người đẩy đằng sau, và một người đỡ một ông già ngồi trên cái đèo hàng. Người cầm ghi-đông, bỏ cái mũ chào mào, lau mồ hôi, ngẩng lên, lo lắng:
— Đây có phải nhà anh Mìn không thế?
— Phải.
— May quá! Cụ phó châu tôi muốn gặp ngài phái viên Chính phủ. Dân họ bảo người đi hộ vệ ngài phái viên vừa đến đây.
Người ngồi trên cái đèo hàng xe đạp là cụ phó châu Lục Đình Hoàng. Hom hem, mặt mũi hốc hác, trông ông cụ như người ốm. Suốt nửa ngày trời ngồi trên xe để ba người đẩy ngược dốc, người cụ ê ẩm, hai bên mông gầy và đôi cẳng tê bại, không cử động được. Người giữ cụ biết vậy, liền ngồi xuống, ghé vai cõng cụ vào nhà.
— Các anh để cụ ở đây nhé, tôi đi tìm anh Chính cho!
Pao nói rồi ra sân.
Đã chờ sẵn ở cửa, khi thấy Chính bước vào, ông phó chậu Lục Đình Hoàng liền sụp ngay xuống đất. Chính vội đỡ ông cụ:
— Cụ… Kính cụ... Cụ đừng làm thế...
— Bẩm bẩm... ngài phái viên...
Cụ phó châu được đỡ lên giường. Cụ cứ nhướng hai vệt mày đã áy trụi nhìn Chính. Nhận chén nước Chính mời, cụ sụp xuống giường, nức nở. Chính lại phải đỡ ông cụ dậy. Ông cụ đưa tay quệt nước mắt, sụt sịt:
— Thưa ngài phái viên... Nghe tin ngài hạ cố tới ủy lạo châu Mường Cang, tôi vội vã lên hầu ngài. Nhưng, người ta ăn ở thất đức lắm, người ta ngăn cản, đuổi tôi ra, không cho tôi được yết kiến ngài. Thưa ngài phái viên, gặp thời gặp thế nên trọc phú, họ chẳng còn biết nhân đức là gì nữa ạ. Là tôi nói cái ông Nông Vĩnh Yêng ấy ạ. Cùng đi thi chức châu úy Mương Cang, tôi thì đỗ, Nông Vĩnh Yêng thì trượt. Vậy mà thế nào nó lại được bổ thẳng lên tri châu. Bề ngoài sơn sớt thế thôi mà bên trong thì bụng nó toàn rắn độc đấy ạ! Thưa ngài phái viên, ngài cứ hỏi ông cụ Mìn ở đây thì rõ ạ! Làm quan gì mà lại tùng đảng với bọn thổ phỉ, xui nguyên giục bị cho nó đi cướp phá làm khổ dân lành? Làm quan gì mà lại mượn tay kẻ bất lương đào mồ rồi giật mìn tung cả hài cốt ông cụ nhà tôi ạ. Thưa ngài phái viên, muôn sự phải lấy dân làm gốc. Sợ đất bản Lẩu thành nơi chiến trận nên tôi đành phải nhận cho bọn Quốc dân Đảng nó vào đóng quân. Nhưng trong lòng tôi vẫn...
Ngừng lại, khịt khịt mũi, cụ phó châu tiếp:
— Thật là núi rồng ngàn xưa đã bị mất, gà kia đã cướp núi phượng hoàng. Thật là khổ vì sông nhiều bãi, nước nhiều quan. Sông nhiều bãi, nước nhiều dòng; nước nhiều quan, nước nhiều loạn ly. Dạ, thưa ngài phái viên. Thật là điêu đứng quá. Hai con cháu tôi tội tình gì mà bọn Man di khai sáng nó giăng lướinó bắt?
Cụ phó châu tìm cái khăn lau mắt. Cụ khóc. Cụ lo. Dân Nhắng Bản Lẩu của cụ sẽ sống chết thế nào? Tướng Long Vân nhắn người sang bảo cụ: Tàu đã ký hiệp ước với Pháp: đất Lào Cai từ nay là của Tàu rồi! Quan ba Cúc ở Côn Minh lại nhắn về: cứ giữ lấy Bản Lẩu, nay mai về, có công sẽ được thăng quan lớn! Có kẻ lại nói: sắp nổ đại chiến thứ ba. Mỹ sẽ thắng, phải theo Mỹ! Năm bè bảy mối, giờ cụ biết theo ai?
Thấy cụ phó châu thổ lộ hết can tràng đã mệt, Chính đề nghị ông cụ nằm nghỉ, anh hứa làm việc xong với tri châu Nông Vĩnh Yêng sẽ đi ngay Bản Lẩu.
Vừa lúc ấy, chó bỗng cắn ngậu trong xóm. Chính gọi Pao ra ngoài sân. Đêm lấm tấm sao nhạt. Pao đứng cạnh Chính. Anh và Chính cao xấp xỉ nhau.
— Pao này! Pao cầm khẩu súng này mà dùng!
Pao quay lại, tim đập rộn. Khẩu poọc hoọc trong bao gỗ còn mới nguyên rung trên tay Pao. Tay Pao nóng dâng. Đầu Pao bừng bừng.
— Đây có phải nhà Mìn không? — Tiếng một người nào trong đêm tối phía trước hắt tới.
Pao đeo khẩu poọc hoọc, bước lên. Một con ngựa có chấm trắng ở trán vừa đi vào sân nhà Mìn.
— Ai đấy?
— Ông phái viên có ở đây không?
— Có việc gì đấy?
Người dắt ngựa ghìm đầu ngựa vào sát bả vai mình, nói, giọng đẫm hơi rượu:
— Tôi là châu úy Lùng Chinh, tên Vàng Đình Tráng. Tôi tưởng ông phái viên qua vùng tôi, nên đã sửa soạn đón tiếp. Nghe uy danh của ông, tôi muốn mời ông về cho người xã tôi được nhìn mặt.
Chợt có tiếng giày bước rất nặng, rồi tiếng chó cắn toang toang. Tiếng một người choang choác: "Ông là gì mà mày cứ nhè ông mày cắn hả? Nhà nào có chó điên đây? Muốn cho nó ăn củ giềng không?". Pao cười thầm: "Người nào mà chó nó cũng ghét thế!". Người vừa nói đi tới, lớn tiếng:
— Ông phái viên có ở đây không?
Chính bước lên, nhìn thấy hàm răng vổ của người nọ:
— Chuyện gì đấy, ông Lý Kiêu Đương?
— Chủ tôi mời ông phái viên về. Ở đây nguy hiểm lắm ạ.
— Ông về nói với ông Yêng, tôi còn đi thăm mấy nhà đồng bào nhé! Đồng bào ta, ta còn không tin thì ta còn tin ai.
Pao đứng, trong bóng đêm, mân mê cái bao súng, lòng mơn man bồi hồi.
Đồng Bạc Trắng Hoa Xòe Đồng Bạc Trắng Hoa Xòe - Ma Văn Kháng Đồng Bạc Trắng Hoa Xòe