Books let us into their souls and lay open to us the secrets of our own.

William Hazlitt

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 34
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 44
Cập nhật: 2023-03-26 23:07:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 11
ôm nay, thầy tôi, thiền sư Vô Úy được thả khỏi nhà tù Đơ Bê (D.B) [1] phố huyện. Tôi phải lên phố huyện từ tối hôm trước để chờ. Không thể đi ban sáng được, bởi vì phải đến hơn bảy giờ quân gỡ mìn mới mở xong đường. Tôi ngủ nhờ ở lều nhà ông Xuân, ông kéo xe bò. Ông Xuân năm ấy đã ngoại sáu mươi, người cao lớn như ông hộ pháp. Con ông là Hạ cũng khổng lồ như ông bố. Họ là những quái nhân của làng Sọ. Chuyện đồn đại về họ rất nhiều. Riêng tôi, chỉ biết họ làm kẻ ăn người ở cho nhà ông trưởng bạ trong làng Trung. Mẹ ông trưởng bạ làm nghề se hương, người phúc đức lắm lại chăm lên chùa nên tôi biết. Ông bà trưởng bạ nhận Hạ làm con nuôi, lại cho ông Xuân, bố của Hạ làm cái lều trên mảnh đất ở phố huyện, rồi sắm cho cái xe bò để ông Xuân kiếm sống hàng ngày. Bà cụ hàng Hương làm thế là để đền bù cho ông già Xuân, đã ăn ở hầu hạ nhiều năm trong gia đình nhà bà. Ông già Xuân an ủi tôi khi hai bác cháu chui vào cái ổ rơm ngủ:
- Chú tiểu ạ, thế là phúc đức cho chùa mình lắm rồi, chú có biết không. Mười người rơi vào nhà tù Đơ Bê, rơi vào tay thằng Tây lùn Bernard, thì cả mười người đều chết. Tôi chỉ chở xác người từ đấy ra. Chưa bao giờ chở người sống từ đấy ra. Thế mới nói sư cụ nhà mình sống sót là phúc đức quá. Chắc sư cụ được các Bồ tát phù hộ độ trì.
Khoảng bảy giờ sáng, tôi và ông xe bò đã có mặt ở cổng, đứng cách trại giam chừng vài chục mét. Hai cánh cửa lim nhà giam vẫn đóng im ỉm. Người Tây đen rạch mặt gác cổng vẫn cầm súng đi đi lại lại. Đã có kinh nghiệm của lần đi thăm trước, đã bị lão Tây mặt đỏ đá cho ngã còng queo, cho nên lần này tôi đứng cách xa, không dám lại gần ngó nghiêng. Và vì đứng xa nên tôi có thể ngắm nghía cái gọi là nhà giam. Đấy là nhà ông Hàn ở Hà Nội, nhà giàu nhất vùng. Tòa nhà năm gian nền rất cao, tòa nhà đồ sộ, cả đến cái cổng ra vào củng đồ sộ. Cái cổng to như tam quan nhà chùa. Cổng tám mái, tức là mái hai tầng. Cổng vòm thênh thang, nhưng không có hai cửa bên. Cánh cổng lim chữ thọ vì to quá cỡ nên phải có bánh xe cho khỏi xệ. Tường bao từ cổng sang hai bên cao trên hai mét, có ngói ống màu xanh lam phủ đầu. Vì vậy nên từ bên ngoài nhìn vào, tòa nhà rất bề thế, sang trọng, rõ ràng là nhà quan. Chỉ có điều ngược đời nó là nhà giam mà lại mang dáng dấp một thiền viện, hay một phủ đường của một nhà quyền quý thời xưa.
Tôi đang còn miên man nghĩ ngợi, thì bỗng thấy hai cánh cửa nhà lim mở toang ra. Tôi mừng rỡ, chờ cái dáng đủng đỉnh thân thuộc của thầy tôi bước ra. Nhưng không phải. Chợt thấy hai người lính khiêng một chiếc cáng ra đặt ở khu đất trước cổng. Thầy giáo Hải theo sau, nhớn nhác nhìn chung quanh. Thấy tôi, thầy giáo vẫy tay. Ông Xuân xe bò lọc cọc kéo chiếc xe định tiến lại gần, nhưng người lính da đen xua tay ra hiệu không cho lại gần. Ông xe bò đành dừng xe lại. Thầy Hải bảo:
- Sư cụ bị gẫy chân. Bác làm ơn gượng nhẹ hộ nhé. Mà bác đã chuẩn bị đầy đủ như tôi dặn hôm qua chưa?
- Dạ, đã đủ. Tôi đã mua một gánh rơm sạch sẽ, khô khén.
- Còn nẹp tre?
- Dạ, đủ cả.
Bác Xuân bế bổng cụ tôi lên tay. Đến cạnh xe bò, thầy Hải bảo đặt cụ nằm thẳng trên mặt đất. Ông sờ sờ, nắn nắn cái chân bị gẫy cho thẳng, rồi đặt hai thanh nẹp tre như hai chiếc đũa cả ở hai bên. Sau đó, lấy chiếc hầu bao mới mua, bó chần lại như ta bó giò ngày tết. Cuối cùng gượng nhẹ đặt cụ lên thùng xe đã được lót rơm rất dầy. Thầy giáo Hải, nay là thượng sĩ Hải còn bận nhiều công việc ở P.C, nên chỉ có mình tôi theo xe bò về chùa.
Bác Xuân làm bò cầm cáng, còn tôi đẩy phía sau. Con đường huyện lộ ở quãng gần Huyện còn khá. Ra xa chừng một cây số, đường chẳng còn ra đường. Liên miên ổ gà. Có cái băng cái rá. Có cái bằng cái thúng. Thế mà ông Xuân cứ giữa đường mà đi. Chiếc xe bò bánh sắt có lúc nhảy lên chồm chồm. Cụ tôi rên lên nhăn mặt, cắn răng lại chịu đựng.
- Sao bác không đi bên lề vệ cỏ êm hơn.
- Chú không sợ mìn à?
- Người ta đã dò mìn mở đường từ sáng.
- Dưng mà vẫn còn sót. Cách đây mấy hôm, giữa trưa mà một con trâu vẫn giẫm phải mìn bên vệ đường. Thằng bé ngồi trên lưng trâu bị ném tung ra ruộng. May mà cái bụng trâu nó đỡ cho nên thằng bé không bị thương. Nếu thằng bé đi sau đít con trâu, có khi chết rồi.
Rồi ông an ủi thầy tôi.
- Cụ chịu khó đau một chút. Con đảm bảo sẽ đưa sư cụ về chùa an toàn. Du kích có bao giờ đánh mìn xe bò. Nhưng mìn nó đâu có mắt. Mà bọn batidăng dò mìn buổi sáng thì thỉnh thoảng lại bỏ sót vài quả. Chẳng lẽ sư cụ không chết về tay Đơ Bê mà lại chết vì mìn sao.
Ông xe bò mồ hôi lã chã. Mặt trời đã lên cao. Ông hay chuyện nên cứ luôn miệng nói. Ông kể về cái nhà tù Đơ Bê (phòng nhì) phố huyện:
- Bọn này hung tợn lắm, nhất là Tây lùn Bernard. Tháng trước, chúng nó mổ bụng một chị cán bộ đang có mang. Chị này bị tra tấn dã man nhưng đánh thế nào chị cũng không khai. Mổ bụng ra cái thai đã bằng củ khoai to. Cái thai cứ phập phồng ngoe nguẩy mãi mới chịu chết.
- A di đà Phật! - Vị sư già quên hết đau đớn, cụ cầu nguyện cho cái sinh linh bé bỏng kia đã bị giết trước khi chào đời.
- Con ở gần nên con biết. Vào nhà giam ấy là vào cửa tử. Sư cụ chỉ bị gẫy chân thế này thôi là may mắn lắm. Cứ vài hôm lại có một gia đình trong vừng thuê con chở xác đem về làng chôn. Cứ luôn luôn cắm mặt xuống đường, đến nỗi con gần thuộc lòng từng cái ổ gà trên đường. Quãng đường chúng ta vẫn qua lắm ổ gà nhất. Quãng này ít hơn. Còn quãng gần chùa thì êm ru.
Cứ nói chuyện như thế, chúng tôi về đến nhà lúc nào chẳng hay. Ông Xuân lại bế bổng cụ tôi lên như ẵm em bé, đưa vào nhà tổ. Ông than vãn:
- Khốn khổ! Đến người tu hành mà chúng cũng hành hạ cho đến xơ xác thế này. Con bế cụ lên, thấy nhẹ như cái bấc
Tôi trả tiền công, ông xe bò nhất định chỉ lấy một nửa Ông bảo:
- Ai lại lấy của nhà chùa nhiều tiền thế.
Tôi cảm ơn ông xe bò. Còn sư cụ tôi thì nói:
- Ông Xuân ạ. Chuyến đi hôm nay là duyên gặp gỡ giữa ông và tôi. Tôi sẽ cầu nguyện chư Phật phù hộ cho gia đình ông tránh khỏi những điều ác. Mà không chỉ lần này thôi đâu. Tôi nghĩ gia đình ông còn nhiều duyên với nhà chùa.
Ông Xuân nghe thế muốn hỏi cái duyên ấy là gì, nhưng chuyến đi dài trên con đường ổ gà chắc đã làm thầy tôi quá mệt. Thầy tôi lim dim con mắt. Chúng tôi đưa thầy vào phòng nghỉ. Và câu chuyện bị cắt ngang tại đấy.
Thầy tôi củng giỏi y thuật. Thầy sai tôi đi đun nước để rửa vết thương. Thầy nói:
- Về khoa xương cốt thầy không sành. Giá có sư huynh Khoan Độ của con ở nhà thì tốt biết bao. Thầy Độ giỏi trị thương. Con nên để tâm học hỏi tất cả những chuyện này. Người tu hành biết nghề thuốc, có thể tạo phúc giúp đỡ được nhiều người. Con nên nhớ tất cả những gì làm cho con ngươi bớt đau khổ và sung sướng đều là đạo cả.
Hôm sau, nghe tin sư phụ tôi được thả về, cụ chánh Long đến chùa thăm. Cả hai người tay bắt mặt mừng. Cụ chánh nói:
- Sư cụ thoát khỏi chốn hang hùm, thật là đại phúc - Ông già thở dài - Khi nghe huynh gặp nạn, thú thật đệ thấy lo lắng nhưng lực bất tòng tâm. Chuyện này nằm trong tay bọn phòng nhì trên huyện. Đệ có hỏi thì thằng Mật nói như vậy. Đệ cứ áy náy trong lòng vì chẳng giúp gì được cho huynh. Người ta bảo gia đình đệ lúc này đây có chút thần thế. Ôi chao! Thần thế ư? Quyền hành ư? Thằng Mật con đệ chỉ là thứ tay sai, một kẻ quyền rơm vạ đá. Đệ biết chứ. Ở cái thời loạn lạc này, người ta trốn đi chẳng được mà hắn lại nhơn nhơn chường mặt ra. Nghĩ mà thấy lo. Ở trong làng xóm, lúc lâm sự, thì phải biết đỡ đần cho mọi người mới là phải nhỉ. Đằng này...
Thầy tôi vội giơ tay ra, nắm lấy tay người bạn già, người mà nhìn bề ngoài, tưởng như chẳng có gì phải suy nghĩ, thế mà trong lòng lại chất chứa bao tâm tư. Cụ tôi nói:
- A di đà Phật.
Cụ chánh đến thăm hỏi người ốm. Rồi người ốm lại an ủi ông chánh bằng câu cửa miệng, muôn thuở của một nhà tu hành. “A di đà Phật!” Đó là lời chào, lời xin lỗi, cũng có lúc là lời cảm ơn, cũng có thể là lời thông cảm một tiếng kêu đau xót với cuộc sống trần thế vô thường. Nó có lúc được dùng với người hiền hòa thân quen, nhưng củng có thể là câu trả lời với kẻ hung bạo, độc địa. Khi ấy tôi còn nhỏ dại, tôi không hiểu hết được ý nghĩa của câu nói cửa miệng thường dùng ấy của thầy tôi. Cứ tưởng như câu “A di đà Phật” chỉ là một thói quen tầm thường. Đâu biết nó nằm trong hạnh an lạc của Phật. Đó là chữ Nhẫn của Phật gia. Nói câu ấy cho đúng ý nghĩa thật khó. Nói làm sao để cái từ bi được biểu lộ trong ánh mắt trên gương mặt của ta. Nói làm sao để khi gặp nghịch cảnh, không có chút nào sân hận, đối chọi được dấy lên trong lòng ta. Nói làm sao để người đã vui được vui thêm, và người gặp cảnh buồn được vơi nhẹ.
Hai ông già gặp nhau. Nói thì ít, những phút lặng thì nhiều. Lúc mới gặp, họ còn nói về số phận của nhau, nhưng một lúc sau, thì chỉ nói về trà ngon, về hoa mộc, hoa ngâu, hoa sói. Tôi là chú tiểu đồng hầu trà các cụ, nhìn diễn biến của cuộc trà lòng không khỏi dấy lên những suy ngẫm.
Thầy tôi và cụ chánh ngoài tình già còn là tình đồng môn. Cụ tôi là sư huynh, ông chánh là sư đệ. Những năm họ còn trẻ, họ đều là học trò chữ Hán của sư tổ Vô Chấp. Cụ chánh là người đệ tử tục gia tài hoa. Cụ thông minh rất mực. Ngoài việc học chữ với sư tổ Vô Chấp, ông chánh còn học đánh đàn nguyệt với một thầy đàn nổi tiếng. Người ta bảo cụ chánh đàn rất hay. Chẳng thế mà các bà vợ của cụ đều là những người đàn bà đẹp nhất trong vùng. Ông có tới sáu bà vợ. Ông không có chí làm quan, mà chỉ thích tận hưởng những cái đẹp ở đời. Kể ra thì
cũng vô hại. Bởi vì ông không ham mê thuốc phiện và cờ bạc. Ông được thừa hưởng một gia tài kếch xù trên trăm mẫu ruộng từ cha ông làm quan để lại. Ông không phung phí phá tán nó, trái lại đến đời ông, gia tài ấy hình như còn được tăng lên. Sư tổ Vô Chấp nói rằng:
- Nếu trò Long sửa được cái tật quá mê thanh sắc thì chắc chắn anh ta là người quân tử.
Ông chánh Long là người không ác độc. Đối với kẻ ăn người ở, ông rộng rãi. Đối với các bà vợ và lũ con cháu, ông gầy dựng cho từng người. Đối với bè bạn, ông có nghĩa có có tình. Ông rất quý phục người sư huynh là thầy tôi. Có dịp là biếu trà vì ông biết thầy tôi chỉ có cái thú độc nhất ở đời là thưởng thức trà.
Tuy nhiên, thầy tôi vẫn ít đi lại với ông. Sư cụ bảo:
- Người tu hành không giao du với kẻ ác, kẻ tà giáo, ông chánh Long không phải kẻ ác, nhưng là người quyền thế. Phải tránh cả chuyện đi lại với kẻ có quyền. Bởi vì kẻ quyền thế lúc nào cũng muốn thống trị mọi người. Và muốn thế họ luôn phải âm mưu, thủ đoạn. Vì thế mọi người đều không ưa.
Không đi lại với cụ chánh Long, nhưng thầy tôi vẫn biết cụ chánh là người tử tế. Thầy tôi nói:
- Thời loạn thế này, khó đoán định được ngày mai ra sao, con người không thể dương dương tự đắc. Hôm nay lên voi, ngày mai xuống chó. Ai lường trước được. Và đến khi người ta thất thế. Đó lại hoàn toàn là chuyện khác.
Trong những ngày thầy tôi gặp nạn, suốt ngày đêm tôi ở sát bên thầy, lo hầu hạ cơm nước, thuốc thang. Để chữa cái chân gẫy, theo lời chỉ dẫn của thầy, tôi đi hái lá về giã ra làm thuốc bó. Thầy giáo Hải mua thuốc tây cho thầy uống. Thấy lâu khỏi, thầy Hải rất lo lắng, muốn tìm cách đưa thầy tôi ra Hà Nội chữa đốc-tờ. Nhưng chùa Sọ chúng tôi hẻo lánh ít người lễ bái, tiền nong nhà chùa quá eo hẹp, lương anh Hải chỉ tùng tiệm đủ tiêu, làm sao thầy giáo có thể thực hiện chuyện ấy được. Sư cụ tôi nghe thầy Hải nói chỉ cười và bảo:
- Các con đừng lo. Cái nghiệp của thầy là vậy. Thầy còn phải chịu đựng nhưng không sao. Thầy biết, rồi thầy sẽ khỏi.
Chính trong những ngày không may ấy, đối với tôi lại là điều may... Bởi vì giữa hai thầy trò có nhiều phút rảnh rỗi Thầy đã chỉ dạy cho tôi rất nhiều. Có bận, thầy tôi hỏi:
- Trên đời này, con thích gần gũi những ai?
- Bạch thầy, đó là thầy, là chị Nguyệt, là thầy giáo Hải, là sư bác v.v...
- Thầy hiểu. Nhưng vì sao vậy?
- Bởi vì ở gần những người này, con thấy được an lạc.
- Còn những người con muốn xa lánh?
- Ví dụ như ông quản Mật, ông Tây mặt đỏ.
- Điều ấy thầy cũng hiểu. Tuy nhiên, gần những người như thầy, điều ấy quá dễ. Còn gần những người ghét ta, thậm chí muốn giết ta, điều ấy thực khó, nhưng là một việc nên làm. Bởi vì trong họ cũng có Phật; gặp thuận duyên, ông Phật trong họ sẽ thức dậy.
- Con nghe nói lúc ông Tây mặt đỏ đánh thầy, thầy cũng niệm A di đà Phật.
- Đúng vậy, khi ấy ta cũng niệm Phật. Như vậy có hai cái lợi, đối với ta, khi niệm Phật, lòng sân hận trong ta sẽ không dấy động, còn đối với kẻ kia, ta cũng cầu mong cho họ đừng nhúng tay vào cái ác, để tránh nghiệp quả.
- Nhưng ông Tây mặt đỏ vẫn đánh đập thầy, vẫn bẻ gãy chân thầy.
- Thầy tin rằng những ý nghĩ tốt lành cũng có sức mạnh của nó và có cách lan truyền riêng của nó. Y nghĩ an lành như một làn sóng, nó truyền lan nhưng mắt ta không nhìn thấy. Vả lại, sự tàn độc của một thời biết đâu lại chẳng có mặt tích cực. Bởi vì khi cái ác xuất hiện thì cái thiện cũng đồng thời được biểu hiện với tất cả vẻ rực rỡ của nó.
Như tôi đã nói, ngôi nhà tổ của chùa Sọ là ngôi nhà năm gian ba gian giữa để thờ và hai buồng gói hai đầu. Buồng của thầy nằm bên trái. Tôi và sư Khoan Độ ở buồng bên phải. Vì sư Độ và chị Nguyệt tôi phải trốn ra vùng du kích khi thầy tôi bị bắt, lúc này thầy tôi lại đau nặng, cho nên tôi phải chuyển sang ở cùng buồng với thầy tôi để tiện việc ngày đêm chăm sóc.
Căn buồng nhỏ bày biện rất giản dị. Phía trong cũng là một chiếc giường nhỏ nơi thầy tôi nằm. Đối diện với giường là chiếc bàn nhỏ. Bên cạnh bàn, từ cái xà thõng xuống ba chiếc quang treo. Đó là cái giá sách của thầy nơi đó thầy xếp những chồng sách chữ nho, những quyển kinh, luận nhà Phật. Phía tường đầu hồi, trổ một chiếc cửa sổ hình tròn âm dương, cái cửa sổ không tạo ra một luồng sáng ào ạt, lại được che bằng tầm mành trúc, nên ánh sáng trong buồng lúc nào cũng mờ mờ tỏ tỏ. Dạo ấy mùa rét, tôi bèn đánh tranh làm một ổ rơm ngủ ngay dưới cửa sổ ấy.
Trong những ngày đau ốm dài dằng dặc, hầu như liệt giường, liệt chiếu ấy, người ta hay nghĩ về những kỷ niệm xưa xa lắc xa lơ. Có lẽ vậy cho nên thầy tôi đã kể về đời mình cho tôi nghe. Thầy Hải vẫn bảo tôi: “Sư cụ là người nhân đức. Em được sư cụ nhận làm con. Đó là điều may mắn hiếm có ở đời”. Như vậy đây là câu chuyện giữa cha và con. Người cha truyền lại những trải nghiệm của mình cho đứa con nghe.
Thầy tôi họ Lê tên tục là Sinh. Thân phụ người có hai người con Trường và Sinh. Sinh quán ở tại thôn Nhiễm, một ngôi làng cạnh Hà Nội. Dòng dõi nho gia. Một cụ tổ đỗ Thám hoa dân trong vùng vẫn gọi là cụ Thám Nhiễm. Ông thân sinh ra người là Lê Mậu chỉ đỗ cử nhân. Ông cụ sinh ra trong thời loạn, khi giặc Pháp xâm chiếm nước ta. Cụ cử Lê Mậu giàu lòng yêu nước, ông tham gia phong trào cần vương, bị giặc Pháp bắt đày ra Côn Đảo. Bà nội phải nuôi nấng dạy dỗ Trường và Sinh cho con trai. Bà nội cũng là con gái một gia đình khoa cử nên rất trọng việc học hành. Cụ dồn tất cả tài lực để cho cậu cháu đích tôn là Trường được học hành. Năm ông cử Mậu đi tù Côn Đảo cũng là năm Trường đỗ vào trường Bưởi. Năm ấy, Sinh mới sáu tuổi. Sư cụ Vô Úy kể lại:
- Ta còn nhớ khi người Pháp lùa đám tù nhân xuống tàu thủy, thầy ta đeo gông còn cố giơ tay lên, đầu ngoái lại nhìn mẹ và vợ con đứng trên bờ khóc như mưa như gió. Ông hét lên: “Hẹn mười năm nữa. Hẹn ngày trở lại”. Cả nhà ta chạy xuống dốc sông, định theo cha ta xuống tàu thủy. Bọn lính ngăn lại, còn các bà thì vừa khóc vừa xô đẩy. Tức quá, bọn lính cầm gậy tre đánh túi bụi. Tiếng kêu khóc như ri. Bà nội mặt mày đầy máu ôm lấy ta để che chở cho khỏi bị những chiếc gậy đánh.
Ông Trường, anh ông Sinh (sư cụ Vô Úy) học trường bảo hộ. Vì biết gia đình tập trung tài lực hy sinh cho mình quá nhiều, nên ông Trường cố công học tập. Ông học rất giỏi, luôn luôn đứng đầu lớp. Còn ông Sinh không được đi học, nhưng bà nội không chịu bỏ nề nếp thi thư của gia đình. Bà nội là con một cụ cử, lại là người tháo vát thông minh, nên cũng là người có chữ nghĩa. Cụ tự mình dạy chữ cho Sinh. Bà cụ giỏi, cậu cháu cũng là đứa học một biết mười. Khi Sinh học xong Thiên tự kinh, cụ bà bảo:
- Bây giờ, cháu đã đọc hiểu được rồi. Bố cháu có năm bồ sách. Đủ cả Tứ thư, Ngũ kinh và sách của trăm nhà. Ta giao cho cháu quản lý. Nắng thì đem sách ra phơi. Rách thì bồi dán giữ gìn. Cháu hãy tự học, làm sao đọc cho hết năm bồ sách ấy.
Phải nói Sinh là một cậu bé vừa có chí vừa thông minh. Cậu theo lời bà, đem sách ra đọc. Chỗ nào không hiểu thì hỏi bà. Chỗ nào bà cũng không hiểu thì đi hỏi cụ đồ, cụ tú trong làng. Sinh hỏi lắm chỗ các cụ cũng phải lắc đầu lè lưỡi:
- Chắc kiếp trước thằng bé này đã phải làu thông kinh sử rồi. Vì thế đến kiếp này nó chỉ cần đọc qua là nhớ ngay. Chả thế mà những quyển sách khó như kinh Dịch, rồi cả kinh Phật thằng bé cũng dám mang ra đọc tất cả.
Không những đọc năm bồ chữ Hán của cha để lại, Sinh còn muốn học thêm cả chữ quốc ngữ, chữ Pháp. Sinh bắt anh mình là Trường, đi học về phải dạy lại cho mình. Điều kỳ lạ đã xảy ra. Sau mười năm dùi mài tự học như vậy, Sinh đã tinh thông cả chữ Hán lẫn tiếng Pháp. Những người bạn của Trường cũng phải kinh ngạc, vì có một lần, Sinh đã dịch cả một trang tiếng Pháp cho họ nghe.
Có thể nói Sinh là một thần đồng, tuy nhiên, cậu bé nhà quê ấy thật khiêm nhường. Mà Sinh là cậu bé nhà quê thực sự. Ngoài việc học tập, Sinh phải đảm đương việc đồng áng. Lúc bé thì chăn trâu, cắt cỏ. Hơn mười tuổi đã biết cày bừa. Nhà không có trâu bò. Bà nội và mẹ phải nai lưng ra kéo cày thay trâu. Bà cụ dạy cháu:
- Đã làm người là phải biết làm việc. Cái chân, cái tay sinh ra là để làm việc. Vậy nên, không được để cho chúng nhàn cư. Nhàn cư dễ sinh chuyện. Không được để chân tay rỗi việc Không việc này thì việc khác. Bới đất nhặt cỏ, tìm việc mà làm.
Thấy còn có nhiều ngày nông nhàn, bà cụ liền nghĩ ngay ra việc bán thuốc. Hai bà cháu gánh đôi bồ đi khắp các chợ quê. Gia đình vốn có nghề làm thuốc. Cả thuốc nam lẫn thuốc bắc. Cụ thuộc lòng những bài thuốc tê thấp, phong hàn, điều kinh, nhức đầu, cảm mạo... Hai cái bồ thuốc ấy làm phúc cho thiên hạ cũng nhiều và cũng giúp cho gia đình có đồng ra đồng vào.
Bà nội là người sùng đạo Phật. Rằm, mồng một, cụ thường đến lễ Phật ở chùa Ổi. Ông cử Mậu là người đọc rộng. Trong mấy bồ sách của ông có cả sách Phật học. Sinh đọc sách Phật thấy nghĩa lý rất uyên bác. Sinh thường theo bà nội đến chùa Ổi để nghe hòa thượng Vô Chấp giảng kinh. Sư cụ Vô Chấp rất quý mến chàng thiếu niên sáng láng và uyên bác đó. Hiếm có một chàng trai trẻ nào, ít tuổi mà lại có một sở học rộng rãi đến thế. Sư cụ cho phép Sinh được ngồi lẫn với các tì khưu trong chùa nghe những bài giảng triết lý thâm sâu. Sinh đã ngồi cả một buổi để nghe giảng và thảo luận cái công án “Bách trượng dã hồ” (con hồ ly của sư Bách trượng). Con hồ ly đã trả lời nhầm cho rằng bậc đại tu hành thì không mắc không rơi vào nhân quả. Con hồ ly không hiểu rõ thuyết nhân quả luân hồi trùng trùng điệp điệp của đạo Phật nên đã đọa kiếp hồ ly tới năm trăm kiếp. Sư Bách trượng sửa chữa câu trả lời “Bất muội nhân quả”, tức là bậc đại tu hành không mê lầm luật nhân quả. Đứng về mặt tuyệt đối tất cả chúng sinh đều rơi vào luật nhân quả, bậc đại tu hành thì hiểu rõ luật nhân quả, không bị mê lầm bị che mờ, cái tâm không sai biệt, nên không chấp có chấp không. Nếu tâm còn sai biệt thì dù tu một trăm kiếp hồ ly vẫn là hồ ly. Sư Vô Chấp nói với mọi người:
- Nhân quả hiểu theo nghĩa thông thường là Nghiệp. Giữa người mê và người ngộ, Nghiệp tác động không giống nhau. Người mê coi Nghiệp là tai ách, gặp hoàn cảnh khó khăn đau khổ, họ buồn tủi, than vãn. Còn với người ngộ, khi đã vô phân biệt giữa khách và ta, giữa ngoài và trong, họ biết mình vẫn có Nghiệp như ai, nhưng không cảm thấy Nghiệp là nặng. Ngộ không hề có nghĩa là vứt bỏ Nghiệp, mà là vô ngại đối với Nghiệp và cả đối với phi Nghiệp, được như thế sẽ tự do tự tại ở bất cứ hoàn cảnh nào.
Sư Vô Chấp hỏi Sinh:
- Con có cảm hiểu được lời ta nói không?
- Con đã lờ mờ nhận ra con đường.
- Ở tuổi con, dù chỉ một chút thôi, chỉ lờ mờ thôi, cũng là quý lắm rồi. Đời con còn dài... Đến như ở tuổi ta đây, đã vài chục tuổi hạ, thế mà cũng đâu dám nói đến sự tỏ ngộ.
Ông cử Mậu mãn hạn tù, từ đảo Côn Lôn trở về. Từ thuở còn đi học, ông đã đọc sách thuốc, lại có bà mẹ biết về y thuật nên có thể nói ông khá hiểu nghề y. Một người bạn đồng môn cố tri đến chơi thấy hoàn cảnh gia đình và thấy ông suốt ngày nằm dài trên chiếc võng mới nhân lúc tửu hứng đọc ngâm một câu rằng: “Tâm hồn cố quốc, bất năng vi tướng, tất vi y” (Tâm hồn mà còn lưu giữ Tổ quốc, không thể làm tướng, tất sẽ làm thầy thuốc). Ý người bạn muốn nhắc nhở ông. Không còn điều kiện hành động cứu nước nữa, thì hãy làm điều gì có ích cho đời, cho gia đình. Không thể để cho mẹ và con nheo nhóc mãi.
Lúc đó, người tù trở về phẫn chí, mới nhìn mẹ mình con mình, lòng đau như cắt. Bà mẹ, lúc ông đi đày, vẫn tần tảo cố sức nuôi hai con ông ăn học thành người. Bà cụ chỉ có thể cho người con lớn đi học, còn đứa bé thì tự dạy lấy. Lại còn dạy đứa cháu biết làm nghề nông, biết gánh đôi bồ đi chợ bán thuốc, để cậu bé trở thành một con người hoàn chỉnh, có học vấn, có chí, có lòng tự trọng. Thật là phi thường! Ông cử sau khi nghĩ kỹ nói rằng:
- Từ rày, hai bà cháu không phải gánh bồ đi chợ bán thuốc nữa. Con sẽ bán hai sào ruộng lấy tiền mở cửa hàng thuốc.
Ông cử Mậu là nhà khoa bảng đọc sách nhiều, rất thông y lý, lại có nghề gia truyền, cho nên cửa hàng mở ở đầu làng, chẳng mấy chốc đã rất đông khách. Tiếng đồn khắp vùng nên lại càng đông hơn. Sinh phải ra cửa hàng làm người phụ tá đắc lực cho cha. Ở gần người con út, lúc này ông mới hiểu hết người con. Ông cử nhìn Sinh, càng thấy nó giống ông nhiều hơn là anh nó. Mới đầu ông tưởng rằng thằng bé chỉ được bà nội dạy chữ, chắc thằng con chỉ đọc thông đã là tài. Ông dần dần kinh ngạc vì không ngờ cậu con trai có thể làu thông Tứ thư, Ngũ kinh. Chẳng những Sinh thông Nho học mà lại còn biết cả Tây học. Đó là điều nó hơn ông.
Một buổi, hai cha con đến thăm sư cụ chùa Ổi.
Nghe người con hầu chuyện hòa thượng, ông càng kinh ngạc bội phần. Ông không thể ngờ người con mười chín tuổi của ông lại có thể nói chuyện về đạo Phật như một nhà tu hành thực thụ.
Cũng như nhiều nhà nho khác, ông cử Mậu không mặn mà với đạo Phật lắm vì tính chất xuất thế gian của nó. Hôm ấy ông mới có dịp hiểu về những người tu hành. Hòa thượng Vô Chấp biết ông là nhà yêu nước bị người Pháp bắt đi đày, nên rất tỏ lòng kính trọng. Lúc hai người đàm đạo, thiền sư nói:
- Đạo Phật ở nước Nam ta luôn luôn gắn bó với dân tộc, bởi vì họ biết đất nước có tự chủ thì đạo Phật mới phát triển được. Nói chung, trong suốt lịch sử, dân Việt là Phật giáo. Thời Lý Trần đã đành. Lúc ấy phân nửa dân số ở chùa. Sang thời Lê và sau này, Nho giáo lên ngôi. Tuy nhiên, lúc này vẫn là Phật giáo. Bởi vì mỗi làng đều có đình và chùa. Người nam sinh hoạt ở đình. Người phụ nữ sinh hoạt ở chùa. Vì vậy tinh thần Phật giáo thấm vào xã hội thông qua người mẹ, người vợ. Mà người phụ nữ nào chả có gia đình và con cái. Người đàn bà ứng xử trong gia đình xã hội và dạy con cái ít nhiều theo tinh thần Phật giáo. Vậy nên mới nói, bất cứ người Việt nào cũng đều có chút Phật giáo trong người.
Vị sư già Vô Chấp thật thâm thúy. Ông cụ làm cho ông cử Mậu phải suy nghĩ mãi khi về nhà.
Ông cử Mậu là nhà nho thuần khiết. Ông cũng không cực đoan tới mức bài xích đạo Phật. Tuy nhiên ông tín tưởng vào sự nhập thế tích cực của đạo Nho. Muốn thương yêu đồng loại ư? Muốn hạnh phúc cho mọi người ư? Thế thì hãy ở giữa cõi đời này mà sống. Can chi mà phải xa lánh trần gian.
Những ngày bị tù đày trên hòn đảo trơ vơ giữa biển khơi ông ngẫm nghĩ về cuộc sống hết ngày nọ qua ngày kia tư tưởng nhập thế của ông vẫn không thay đổi, nhưng nhìn cái tương lai mờ mịt của dân tộc đứng trước một kẻ thù quá mạnh hình như cái tư tưởng nhập thế của ông đã mềm dẻo hơn. Phải trải qua truân chuyên, ông mới cảm nhận được phần nào cái lý của sự tồn tại những ngôi chùa ở những làng quê. Hòa thượng Vô Chấp bảo:
- Có người nghĩ rằng chữ nhẫn của đạo Phật là sự yếu hèn cam chịu. Chắc chắn không phải vậy. Cuộc đời lắm lúc cần phải biết dừng lại để suy ngẫm, để tích tụ sức mạnh. Khi nào cần thiết, Phật giáo sẽ bùng nổ theo cách của nó. Mà năng lượng của cái nhẫn sẽ ghê gớm không thể tưởng tượng nổi. Nó kinh thiên động địa. Sức mạnh của từ bi có thể làm sụp đổ những gì bạo tàn nhất. Phải là người dũng mãnh như sư tử, ý chí như sắt thép mới thi hành được chữ nhẫn nhà Phật.
Phải nói ông cử Mậu lên chùa phần nào cũng vì người con út của mình. Ông muốn biết con đường đi của nó. Nghe sư Vô Chấp nói rồi nhìn người con lặng lẽ của mình, hình như ông hiểu con mình hơn. Thì ra trong lúc ông xa nhà, con ông vẫn có những người thầy xứng đáng, giá như ông cử còn trẻ, hoặc giá như đời ông hanh thông, chắc ông đã phải giảng giải rất nhiều cho người con trai mới bước vào đời đã say sưa nghiền ngẫm đạo thiền. Tuy nhiên, lúc này ông lại nghĩ khác. Ông tự hỏi mình: đã có một đứa trẻ nào, từ thuở nhỏ, không được cắp sách tới trường, mà lại làu thông cả Tứ thư, Ngũ kinh, lại biết Tây học, rồi lại đọc được sách Phật. Phải chăng chỉ có ông mới là người ưu tư, mới biết đi tìm đường ở cõi đời này sao? Không, con ông cũng đang tìm đường đấy chứ. Mà lại tự tìm đường, tự soi đèn tìm lối lúc tuổi đời còn rất trẻ. Ông cử Mậu nghĩ tới ngày xưa ông được cha mình nâng niu ra sao. Hầu như ông không phải làm gì cả. Suốt ngày đêm chỉ cầm quyển sách trên tay. Còn con ông thì sao? Suốt một thời thơ ấu vắng cha. Phải tự mình mò cua bắt ốc, cày sâu cuốc bẫm, rồi gánh đôi bồ trền vai ra chợ. Dù ông không dạy, thì Sinh cũng đã tự vạch ra con đường đi của đời mình rồi. Cuộc đời thực đã cho nó những suy nghĩ. Và những ý nghĩ sinh ra từ cuộc sống mà ta tự chiêm nghiệm thì chắc là sâu sắc. Vậy thì ông có quyền gì lại muốn vạch ra con đường cho nó. Phải nói rằng những ngày tù đày cũng rèn cho ông một đức tính. Trong lao tù, con người cần biết im lặng. Ta phải biết im lặng lắng nghe những tiếng nói thầm kín của người khác. Ta còn phải biết im lặng vì không phải bao giờ những ý nghĩ của ta củng là hay nhất, đúng nhất.
Ông Cử phải đi tù mới biết cách lặng lẽ. Còn người con út của ông không đi tù cũng thích sự lặng lẽ. Đạo Phật đã dạy cho Sinh biết cái huyền diệu của sự tĩnh lặng.
Hai cha con rất ít nói với nhau, song hình như người con út rất hiểu nỗi niềm của người cha. Anh lặng lẽ chăm chỉ học nghề thầy thuốc của ông Cử. Người cha cũng mang hết sở đắc của mình ra truyền thụ cho người con. Hình như ông cũng muốn bù đắp cho người con những tình cảm phụ tử mà người con thiếu thốn trong những ngày ông xa nhà. Người cha càng ngày càng yêu quý người con hơn khi ông thấy cái tâm của người con vô cùng trong sáng. Ông dạy con phải tận tụy với người bệnh thì người con lại thực hành sự tận tụy ấy đến mức như quá sự cần thiết. Một lần, có một làng gần đấy mắc dịch tả. Người ta đồn dân làng ở đó chết không kịp chôn. Các ông lang trong vùng đều lảng tránh. Họ chẳng chịu đến thăm bệnh cho nguời làng đó. Có con bệnh đến mời ông cử Mậu. Người cha nói:
- Dân gặp nguy khốn mới cần đến ta. Ta là loài chó lợn hay sao mà lại từ khước.
Người con ngăn lại:
- Cha già rồi, sức chịu đựng chẳng thể bằng con. Vả lại, con đã đọc sách Tây y về bệnh này rồi. Con biết cách phòng tránh lây bệnh. Cha cứ để con đi thì hơn.
Sinh đã lăn lộn ở ngôi làng đó hàng tháng, cho đến khi trận dịch kết thúc. Hòa thượng Vô Chấp biết được chuyện ấy vui mừng, ban tặng cho Sinh chuỗi tràng hạt mà trưởng lão, thầy của sư Vô Chấp đã trao truyền lại. Sư cụ bảo:
- Sư phụ ta ngày xưa tu theo hạnh đầu đà. Người cũng là thầy thuốc. Suốt đời người chăm sóc cho người hủi. Người qua đời ở trại hủi Mui Tía. Con cũng có thể noi theo bước chân của người. Vì vậy, ta tặng con chuỗi tràng hạt này, chuỗi tràng hạt hổ phách vô cùng quý giá nghe nói của vua ban truyền từ xưa đến giờ. Nó qua tay đã chục thiền sư nên vô cùng linh thiêng.
Khi bà nội qua đời, ông cử Mậu và hai người con lo ma chay cho cụ rất chu đáo. Sư cụ chùa Ổi về tụng kinh cho cụ đủ bốn chín ngày.
Xong giỗ đầu bà nội, một sáng, Sinh quỳ lạy cha rất cung kính. Anh quỳ rạp, đầu sát đất, thưa rằng:
- Thưa thầy, bà nội con vốn theo đạo Phật. Từ nhỏ, khi cha vắng nhà, con đã theo bà ăn chay niệm Phật, đọc kinh Pháp Hoa. Con đã được bà nội dạy dỗ điều hay lẽ phải. Hàng tháng con theo bà lên chùa nghe hòa thượng giảng kinh. Suốt đời, con đã nguyện chỉ làm điều thiện và theo Phật pháp. Chính nhờ đạo phật nên con mói đủ ý chí và nghị lực để có thể học hành và góp sức cùng bà nội giữ lấy nề nếp tổ tông. Nay bà nội con đã quy tiên, anh cả con thì đã thành tài ra làm thầy giáo, lại đã sinh con trai nối dõi tông đường. Riêng phận con, con nghĩ hầu như đã làm xong trách nhiệm với gia đình. Chỉ còn có một điều bắt buộc con suy nghĩ mãi. Đó là nghĩ rằng cha đã già rồi. Con xa cha lúc này thật chưa tròn đạo hiếu, thật chẳng đành lòng. Nhưng thưa cha, thầy của con, sư cụ chùa Ổi củng đã ngoài tám mươi, đã luống tuổi lắm rồi. Mà con thì chỉ có một ước nguyện là được hầu hạ bên sư cụ, để được nghe lời dạy của một bậc cao tăng gần trọn đời sống dưới bóng từ bi. Nếu con chậm trễ, sợ rằng cái phước lớn được làm đệ tử của thầy con sẽ không kịp nữa.
Người cha không ngạc nhiên khi nghe con nói, vì từ lâu ông đã biết cái chí của Sinh. Ông chỉ khẽ thở dài và gật đầu:
- Thực ra, cha phải cảm ơn con. Con đã làm quá nhiều việc cho gia đình. Nhất là con đã thay ta chăm sóc bà nội. Đó là nhiệm vụ của ta mà ta không làm được. Chắc chắn cha con phải cảm ơn đức Phật từ bi, vì Người đã gửi một đồ đệ ưu tú đến giúp đỡ khi ta gặp hoạn nạn. Con vốn là người của Phật. Nay con trở về với nhà chùa. Đó là phải lẽ. Có khi nào ta lại cản bước con đi.
Sinh, sau khi cha cho phép, đã trút bỏ mọi thứ, chỉ mặc bộ quần áo nâu đến chùa, quỳ trước mặt sư tổ. Hòa thượng Vô Chấp mở mắt ra và nói:
- Con đã đến rồi ư? Ta cứ mong mãi ngày hôm nay. Con đến chẳng chậm đâu. Có người đến chùa vì gặp nghịch cảnh. Có người vì chán cảnh trần thế. Riêng con, con có chán cảnh trần thế hay không?
- Bạch thầy! Con không chán mà rất yêu trần thế.
- Vậy thì tại sao con xin cắt tóc quy y?
- Bạch thầy! Vì từ nhỏ con đã được bà nội dạy dỗ.
- Lành thay! Bà nội con là đệ tử thuần thành của Phật. Bà con đã dạy con những gì?
- Hàng ngày con vẫn được ngửi hương giải thoát.
- Hương ở đâu?
- Hàng ngày hai bà cháu vẫn dâng hương cúng Phật.
- Hương ở đâu nữa?
- Hương từ bi. Bà nội con chỉ biết làm việc thiện.
- Lành thay! Lành thay! Hương còn ở đâu nữa?
- Ở những kinh sách mà con thường đọc.
- Lành thay! Lành thay.
Tuần lễ đầu, sau khi ở nhà tù về, sức khỏe thầy tôi bình thường. Tuần thứ hai sau đó, tình hình xấu đi trông thấy. Có một đêm, tôi đang ngủ rất say, chợt choàng tỉnh giấc thấy thầy tôi nằm còng queo trên mặt đất. Thì ra thầy tôi muốn đi vệ sinh, thấy tôi ngủ ngon, thương học trò suốt ngày hầu hạ, không nỡ đánh thức, nên cố tự mình xuống giường. Tôi vội vã thắp đèn, đỡ thầy lên. Nhưng từ phút ấy, thầy tôi không ngủ được nữa. Sáng ra nhìn vào cái chân gẫy thấy sưng húp. Tôi ra vườn chùa tìm lá náng, hơ nóng, chườm chỗ đau. Suốt ngày, thầy tôi nằm liệt trên giường, tay lần tràng hạt. Thầy chẳng kêu rên nhưng tôi biết thầy tôi rất đau. Có lúc, tôi thấy thầy nghiến răng lại, mồ hôi lấm tấm trên trán. Đến cả cháo, có lúc thầy tôi cũng bỏ. Tôi lo lắng vô cùng, nhưng không biết làm thế nào để cứu thầy tôi lúc này. Tôi chỉ biết chườm lá náng. Tôi bảo hay là đến nhờ cụ chánh, song thầy tôi cương quyết gạt đi. Buổi tối, tôi lên thượng điện thắp hương gõ mõ thỉnh chuông, cầu xin chư Phật độ trì cho thầy tôi qua cơn hoạn nạn. Cả buổi tối, tôi ngồi dựa cột ở thềm nhà tổ. Cố không khóc nhưng nước mắt cứ tự động ứa ra. Tôi cứ ngồi như vậy và ngủ thiếp đi lúc nào không hay.
Chợt trong cơn mê, tôi mường tượng như có bàn tay đặt trên vai mình hết sức nhẹ nhàng. Cảm giác bàn tay rất thân quen. Rồi mơ hồ tiếng thì thầm “Này, chú An!”. Tôi dụi mắt, tính dậy. Cứ tưởng là mơ, nhưng không phải... Trước mặt tôi, một bóng người cao lớn lom khom. Tôi sợ hãi định kêu lên, nhưng bàn tay đã bit miệng tôi lại. Rồi tiếng thì thầm cất lên:
- Tôi đây mà. Không nhận ra à. Sư huynh Khoan Độ đây mà.
Đến lúc ấy, tôi mới tình ngủ hẳn. Tôi ôm lấy sư bác, mừng rỡ:
- May quá! Lúc tối, em cứ cầu xin mãi. Mong bác trở về. Bác mà không về kịp thì em chẳng biết xoay xở ra sao. Sư bác vào buồng đi. Sư phụ chúng ta nguy khốn lắm rồi.
Tôi vội khêu cái bấc đèn liu riu lên một chút cho nó tỏ sáng hơn. Thầy tôi thấy sư Khoan Độ thì mừng ra mặt. Ông nắm lấy tay học trò:
- Ta mong con từng giây, từng phút. Dù thế nào, ta cũng tin tưởng rằng con sẽ về với ta.
- Con cũng thế. Thầy gặp nạn con không ở bên cạnh. Thảo nào, mấy hôm nay lòng con như lửa đốt. Sư huynh Vô Trần chẳng bằng lòng cho đi, nhưng con cương quyết cứ liều chết trở về.
Thầy tôi lại hỏi:
- Thế cháu Nguyệt... ra sao?
- Cô Nguyệt cũng nhớ thầy, nhớ chùa, nhớ chú An. Song sư huynh bảo Tây đồn đương dò hỏi về hai người. Sư huynh cấm tiệt không cho cả hai người sang bên này sông.
Có sư bác, lòng tôi vững tin hẳn lên. Sư bác xem chân thầy và nói:
- Vì ngã, khúc xương gãy trật ra. Để con nắn rồi bó lại. Khi nắn vô cùng đau, nhưng không nắn sẽ què hẳn. Tuy nhiên thầy không lo vì nghề bó xương gẫy là nghề gia truyền nhà con.
Tôi cũng nghe loáng thoáng rằng sư bác Khoan Độ xưa kia có lần đã bị cắt gân chân. Ông đã tự bó thuốc và đã lành lặn như người thường. Không biết đó là sự thật hay sự ngoa truyền. Sư Khoan Độ tiến hành chữa cho sư cụ Vô Úy ngay đêm hôm ấy. Bác bảo về lần này rất bất ngờ, bọn đồn Sọ chưa hề hay biết. Phải làm gấp vì chưa biết đến hôm sau sẽ ra sao. Sư bác nói nắn xương gẫy, cái đau sẽ như dùi khoan vào tim vào óc, thông thường phải trói người bệnh vào giường, sau mới nắn. Hơn nữa, trong trường hơp của thầy tôi, sư cụ không được kêu lên hoặc hét lên, để tránh đánh động xóm làng, tránh mối nghi ngờ của đồn Sọ. Thông thường, ông thầy thuốc phải khuyến khích bệnh nhân kêu thật to, hét thật to. Tiếng kêu thét giống như một liều thuốc tê. Thầy tôi bảo không cần phải trói Thầy tôi sẽ chịu đựng được, sẽ không kêu một tiếng nào. Tôi đứng bên cạnh khêu đèn tỏ thêm. Thầy tôi nằm sấp trên giường. Tôi đưa cái áo cũ cho thầy tôi cắn nhưng thầy gạt đi. Thầy tôi nhắm mắt lại rồi đưa cổ tay mình lên bịt lấy miệng. Sau đó, sư bác Khoan Độ nắm lấy chiếc chân gẫy của thầy mà kéo, mà co, mà nắn. Tôi biết lúc này thầy tôi niệm Phật. Tôi thấy mặt mũi thầy co dúm lại, thầy tôi vẫn trụ vững. Nhưng tình hình có vẻ khó khăn, tôi thấy sư bác lắc đầu và bảo:
- Thầy chịu thêm một chút nữa nhé... Để con nắn thật chỉnh... Chỉ một phút nữa thôi... nào nào...
Ôi chao! Một phút thật là dài. Sư bác toát mồ hôi, và cả thầy tôi cũng lấm tấm mồ hôi trên trán. Thầy tôi chắc không chịu nổi nữa, khi sư bác lại ra sức kéo co cái chân. Trời ơi! Thầy tôi sắp kêu lên mất. Tôi thấy thầy há miệng ra... Nhưng không phải là kêu. Thầy há miệng chỉ để đưa cổ tay vào mồm và nghiến chặt lại.
- Đã xong!
Sư Khoan Độ thở phào ngồi xuống cạnh tấm phản. Tôi cũng thở phào rồi lấy cái áo lau mồ hôi trán cho thầy. Còn thầy tôi thì gần như ngất xỉu. Thầy nhắm mắt, đầu gục xuống tấm phản, cái cổ tay bị răng bập vào ri rỉ máu. Sư Độ sai tôi ra vườn hái lá. Sư ra lệnh cho tôi giã lá thật nát. Giã làm sao để chày đâm xuống cối lại không phát ra tiếng động. Trong lúc tôi giã, tôi nghiền thì sư bác rắc một thứ thuốc bột đo đỏ lên chỗ gẫy, chỗ sưng. Chắc thứ bột đó là thứ bí truyền của sư bác.
Gà trong xóm gáy sáng thì bó xong, nẹp xong. Tôi đưa cho sư bác mấy củ khoai lang luộc ban chiều mà tôi bỏ bữa không ăn. Sư bác đút vào túi rồi lẻn lên tòa chính điện. Tôi biết ở dưới cái bệ thờ trong gian thâm cung lúc nào cũng tối đen như mực ấy có một hầm bí mật...
Không biết có đánh hơi thấy gì không mà sáng hôm sau quản Mật dẫn lũ lính batidăng xuất hiện ở chùa. Hắn cho lính đi ngó nghiêng khắp nơi rồi đến buồng sư cụ tôi. Hắn ăn nói ra vẻ nhân nghĩa:
- Cụ tôi bảo tôi ra thăm cụ. Thầy tôi nói mấy hôm nay ngườí nó nhọc nên chưa ra chùa xem cụ cần thứ thuốc thang gì.
- Cảm ơn cụ chánh và ông quản. Tôi cũng đã đỡ, chắc chỉ dăm bữa nửa tháng nữa là dậy được.
- Thế cụ có cần thuốc Tây không?
- Cảm ơn ông. Tôi chả dám phiền. Các cụ ta ngày xưa bị như tôi cũng chỉ dùng nắm lá là khỏi. Lá lẩu chẳng mất mấy tiền mua...
Quản Mật lại bắt nọn:
- Hôm qua con chó Lài nhà ông Hương Tê cạnh chùa sủa khỏe lắm, cụ có thấy ai lẻn vào chùa?
- Tôi nằm không ngủ cả đêm, song chẳng nghe thấy gì cả.
Quản Mật còn huyên thuyên một lúc nữa, chờ cho lũ quân sục sạo xong rút lui.
Tình hình có vẻ không ổn nên tối hôm ấy sư bác thì thầm với sư cụ tôi rất lâu. Tôi phải đứng ở sau chùa canh gác nghe ngóng tình hình. Lúc tôi trở về chỉ nghe được mấy câu sau cùng:
- Cô Nguyệt mong thầy giáo Hải lắm. Cô ấy nhắn chú Hải nên quyết đoán, ra ngay vùng tự do...
Sư bác quay sang tôi:
- Tôi phải đi ngay tối nay chú An ạ. Nhờ chú thay tôi chăm sóc cho thầy. Cô Nguyệt nhắn chú phải hầu hạ thầy cho chu đáo, học hành kinh kệ thật siêng năng.
Sư bác lạy thầy. Sư cụ của tôi chỉ “A di đà Phật” với gương mặt thản nhiên, tuy nhiên tôi nhìn thấy con mắt của thầy vô cùng trìu mến.
Chú thích:
[1] Đơ Bê (Deuxième Bureau): Phòng nhì tình báo quân đội Pháp.
Đội Gạo Lên Chùa Đội Gạo Lên Chùa - Nguyễn Xuân Khánh Đội Gạo Lên Chùa